Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 20/10/2019

Sunday, October 20, 2019 6:35:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 20/10/2019

Phạm Nhật Vũ ‘cần được giảm nhẹ hình phạt’

trong vụ án AVG

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Việt Nam nêu quan điểm cần “áp dụng triệt để” luật pháp để quyết định mức hình phạt cho bị can Phạm Nhật Vũ trong vụ AVG.
Trước đó ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị “xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ”
Ông Phạm Nhật Vũ nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG.
Bản tin ngày 20/10 của Thông Tấn Xã Việt Nam cho thấy Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chia sẻ quan điểm của Bộ Công an.
Theo Viện Kiểm sát, trong cáo trạng ngày 17/10, trước khi vụ án bị khởi tố, bị can Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone gồm: 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và 329 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án.
Đồng thời, Phạm Nhật Vũ đã “tích cực phối hợp cung cấp tài liệu” để Cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án.
Cũng theo cáo trạng, Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, “nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác”.
Ngoài ra, ông Vũ còn được cho là có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vì thế, hồi tháng Sáu, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng.
Viện Kiểm sát nói trong cáo trạng rằng cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại Điều 3, khoản 1, điểm d – Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xử lý “khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.”
Đồng thời, Viện Kiểm sát nói cần áp dụng Điều 51, khoản 1, 2 (về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên của bị can Phạm Nhật Vũ.
‘Vi phạm quy định của Nhà nước’
Trong vụ AVG, có 13 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 220 – khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong đó, cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị kết luận chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố.
Cạnh đó, có 4 bị can bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số này, bị can Lê Nam Trà đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD (tương đương số tiền 55.592.500.000 đồng).
Bị can Cao Duy Hải đã tác động gia đình nộp số tiền 11,6 tỷ đồng (tương đương 500.000 USD).
Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn nộp 4.120.000.000 đồng (tương đương gần 200.000 USD).
Riêng bị can Nguyễn Bắc Son “có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền”, theo Viện Kiểm sát.

Hai cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông

bị truy tố tội nhận hối lộ hàng triệu đô la

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hôm 19/10 vừa tống đạt Cáo trạng truy tố hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông về tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 220, khoản 3, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Đây là vụ án liên quan đến việc công ty MobiFone thuộc Bộ TTTT mua 95% cổ phần của Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG) với số tiền lên đến 8.900 tỷ đồng, được xác định là gây thất thoát hơn 6000 tỷ đồng của nhà nước.
Truyền thông trong nước trích cáo trạng cho biết, ngoài hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, và Trương Minh Tuấn, còn có 12 bị cáo khác. Trong số này có ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) bị truy tố về tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ Luật Hình sự.
Các ông Cao Duy Hải, nguyên tổng giám đốc MobiFone và Lê Nam Trà, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) đều bị truy tố hai tội danh giống như hai cựu bộ trưởng.
Theo cáo trạng, dự án MobiFone mua AVG chưa được Thủ tướng ban hành quyết định đầu tư. Tuy nhiên ông Son đã chỉ đạo cấp dưới, trong đó có ông Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Trên thực tế, trước khi bán cổ phần cho MobiFone, AVG đang thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn. Để nâng cao giá trị AVG, Phạm Nhật Vũ đã đưa ra thông tin  AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu đô la và AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu đô la. Ông Son, Tuấn, Trà, Hải đều biết AVG thua lỗ nhưng vẫn thực hiện dự án.
Theo cáo trạng, vụ mua bán đã làm lợi cho Vũ gần 6.500 tỷ đồng. Vũ đã đưa cho ông Son 3 triệu đô la, ông Trà 2,5 triệu đô la, ông Hải 500.000 đô la và ông Trương Minh Tuấn 200.000 đô la.
Cả hai cựu bộ trưởng đều đã bị khởi tố và bắt giam vào ngày 23/2/2019. Cả hai ông đều mới bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng hôm 11/10.

Phó phòng công an tỉnh Sơn La bỏ trốn

vì tham gia đường dây nâng điểm thi đại học

Tin từ Sơn La, ngày 20/10/2019: Ông Nguyễn Minh Khoa, phó phòng an ninh chính trị nội bộ thuộc sở công an cộng sản tỉnh Sơn La đã bỏ trốn khỏi địa phương, sau khi có lệnh áp giải ông này tới phiên toà xử nhiều viên chức cao cấp của địa phương với cáo buộc nâng điểm thi tốt nghiệp cho nhiều học sinh của tỉnh.
Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin ông Khoa đã tham gia vào việc nâng điểm cho 5 thí sinh để họ có thể được xét tuyển vào một số trường đại học của quân đội và công an. Trong số 5 thí sinh này có 2 người là cảnh sát cơ động thuộc đối tượng công an nghĩa vụ, một người là con của ông Lê Trọng Bình, phó chủ tịch uỷ ban thành phố Sơn La. Hai thí sinh còn lại là con của hai cán bộ có máu mặt ở Sơn La.
Những người khác tham gia vào cùng ông Khoa là sỹ quan dưới quyền ông, cán bộ của Đại học Tây Bắc, và nhiều lãnh đạo của Sở giáo dục & đào tạo.
Sau khi nhận tiền của gia đình 5 thí sinh, nhóm người kể trên đã nâng điểm của các thí sinh đó lên rất cao. Có thí sinh chỉ được vài điểm đã được nâng lên gần 30 điểm cho 3 môn thi Văn, Toán và Tiếng Anh.
Sơn La là một trong nhiều địa phương bị phát hiện nâng điểm cho thí sinh là con cái của cán bộ chủ chốt ở địa bàn. Hàng chục trường hợp bị nâng hàng chục điểm cho 3 môn thi được phát hiện ở Hà Giang, Hoà Bình… trong một vài năm gần đây. Việc nâng điểm này đã được thực hiện nhiều năm và ở nhiều địa phương của Việt Nam, một người trong ngành cho biết.
Cũng liên quan đến giáo dục: Hiệu phó trường Tiểu học Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) tên V. đã xin nghỉ dài ngày để đi chữa nghiện ma tuý. Trong đơn xin nghỉ, ông này thừa nhận việc mình nghiện. Uỷ ban huyện đang xem xét việc miễn nhiệm chức vụ hiệu phó của ông này.
Quốc Tuấn

Các cựu lãnh đạo Cục đường thủy bị án tù vì tham nhũng

3 cựu lãnh đạo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa bị tuyên án tổng cộng 17 năm tù với cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo truyền thông trong nước, tòa án Nhân dân TP Hà Nội vào ngày 19/10 đã tuyên ông Trần Đức Hải (nguyên phó cục trưởng Cục đường thủy nội địa) 6 năm tù, ông Phạm Văn Thông (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án CĐTNĐ) 6 năm tù, ông Vũ Mạnh Hùng (nguyên quyền trưởng phòng kế hoạch đầu tư của CĐTNĐ) 5 năm tù.
Cả ba người bị xét xử trong vụ án nhận tiền từ các nhà thầu để lập quỹ đen ở CĐTNĐ.
Hội Đồng Xét Xử nhận định ông Hải đã chỉ đạo ông Thông nhận tiền từ 14 người đại diện cho 16 nhà thầu. Cả ba người sau đó đã bàn bạc với nhau để tiêu tiền. Ông Hải và ông Thông được xác định giữ vai trò chủ yếu, ông Hùng là đồng phạm.
Ngoài ba cựu lãnh đạo nói trên, theo truyền thông trong nước, ông Hoàng Hồng Giang, đương kim Cục trưởng CĐTNĐ cũng bị Bộ giao thông vận tải kyr luật khiển trách. Các đương kim lãnh đạo khác là ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng, Ngô Văn Quang, Chủ tịch công đoàn, Nguyễn Văn Long, trưởng phòng tài chính, Nguyễn Thành Công, chánh văn phòng đều bị xác định có liên quan đến việc nhận và chi tiêu tiền từ nhà thầu nhưng quá trình điều tra chưa rõ mục đích, động cơ việc đưa tiền nên chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy mở tiệc,

2 cấp phó ‘liều mạng’ đi xe biển xanh

Hai cấp phó lấy xe biển xanh của cơ quan đi dự tiệc ở nhà Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh uỷ Kiên Giang.
Trao đổi với VietNamNet chiều nay, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh uỷ Kiên Giang Hồ Minh Tuấn xác nhận, có việc cán bộ dùng xe biển xanh đi ăn tiệc khai trương nhà nuôi yến của gia đình ông.
Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy mở tiệc, 2 cấp phó ‘liều mạng’ đi xe biển xanh
Ông Tuấn cho biết, trưa hôm qua, gia đình ông có làm tiệc khoảng 10 bàn để ăn mừng khai trương nhà nuôi chim yến ở huyện An Minh.
“Tôi làm tiệc chủ yếu mời bà con, người thân và anh em trong cơ quan. Trước đó, tôi có căn dặn anh em rất kỹ là thuê xe 16 chỗ để đi, không được dùng xe công. Bản thân tôi cũng thuê xe để về An Minh. Nhưng hai cấp phó của tôi lại liều mạng lấy xe cơ quan để đi tiệc nhà tôi”, ông Tuấn chia sẻ.
“Tôi sẽ kiểm điểm cấp phó của mình, chứ không thể bỏ qua được. Đây là tiệc riêng nên tôi rất ý thức, đã cấm trước rồi… Với tư cách người đứng đầu tôi sẽ chịu trách nhiệm, nhưng khuyết điểm chính là cấp phó của tôi”, ông Tuấn nói và cho biết đã báo cáo vụ việc cho Bí thư Tỉnh uỷ.
Trưa hôm qua, người dân nhìn thấy một số xe biển xanh chở người đi dự tiệc ăn mừng khai trương nhà nuôi yến của gia đình ông Tuấn nên chụp hình và quay clip rồi đăng tải lên mạng xã hội.

Ai đổ chất dầu thải xuống sông Đà?

Sáng 19/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà xác nhận nguồn dầu thải đổ xuống sông Đà là của ông, theo Báo Lao Động.
Hôm 18/10, công an Hòa Bình đã bắt giữ hai đối tượng, Nguyễn Chương Đại, 25 tuổi và Hoàng Văn Thám, 33 tuổi và đang truy bắt Lý Đình Vũ, 37 tuổi.
Đại và Thám khai nhận đã lấy chất thải từ Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ để đem về Hưng Yên, rồi lên khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để xả dầu thải.
“Tôi thực sự rất bất ngờ. Khi biết thông tin trên, tôi lập tức gọi điện cho bộ phận kho thì được xác nhận đúng là có vụ việc như vậy. Tôi khẳng định quan điểm của cá nhân và công ty là không ủng hộ việc vi phạm làm ô nhiễm môi trường,” ông Truyền nói.
Ông Truyền cho biết đã ký với Công ty Môi Trường Xanh để xử lý chất thải. Nhưng cũng phải tích đủ một khối lượng nhất định thì Công ty Môi Trường Xanh mới đến chở đi.
Ông cho rằng một người làm ở bộ phận kho của Công ty gốm sứ Thanh Hà đã lén lút đem cho hoặc bán số lượng dầu trên cho nhóm Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.
Sau khi lấy được dầu, nhóm Đại, Thám đã mang về Hưng Yên để sơ chế, giữ lại những gì có thể sử dụng được, rồi phần còn lại đem xả trộm ở Hòa Bình.
“Lượng dầu cặn này mà xử lý phải mất tới 3,5 triệu đồng/khối nên tôi nghĩ đây hoàn toàn là bài toán kinh tế, vì lòng tham của con người thôi. Không có chuyện thuê mướn để hại nhau đâu…,” ông Truyền nói.
Nước đã ‘đạt chuẩn styren’
Cũng trong hôm 18/10, 10 ngày sau khi có sự cố đổ dầu thải xuống sông Đà, 4 mẫu nước của nhà máy nước sông Đà, và 15 mẫu nước ở 15 hộ dân đã “đạt chuẩn styren”.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cho thấy, vào tối ngày 8, rạng sáng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến, Kỳ Sơn, Hòa Bình – cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m.
Sau đó, khu vực Suối Trâm có mưa to khiến số dầu nhớt lan nhanh đến kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà.
“Váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tại Hoà Bình. Sau khi phát hiện sự việc, Viwasupco đã thuê người dân vớt dầu. Theo báo cáo của công ty này, toàn bộ dầu loang đã được thu gom,” Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ông Hoàng Văn Thức nói.
Sự cố đổ trộm dầu thải đã khiến hàng loạt hộ dân ở Hà Nội rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường.
Sáng 17/10, một số khu vự ở Hà Nội đã được cấp nước trở lại nhưng vẫn lo ngại về nguồn nước ở nhà máy, nên nhiều người dân vẫn tiếp tục đi mua nước đóng chai.
Đến 18/10, công an đã bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.

Nông sản Việt Nam kẹt ở cửa qua Trung Cộng

thay đổi phương thức giao nhận

Tin Vietnam.- Báo Thanh Niên ngày 20 tháng 10 năm 2019 loan tin, hàng trăm container chở nông sản của nông dân Việt Nam đang bị kẹt ở cửa qua tỉnh Lạng Sơn, vì phía Trung Cộng bất ngờ thay đổi phương thức giao chuyển hàng.
Cửa qua Tân Thanh, Lạng sơn là một trong ba cửa qua được Trung Cộng cho phép Việt Nam được xuất nhập cảng hàng hoá, hiện đang có nhiều xe hàng hoá của nông dân Việt xếp hàng, chờ đến lượt qua bên kia biên giới. Anh Nguyễn Văn Nhất, một tài xế chở quả thanh long từ tỉnh Long An cho biết, bình thường, anh chỉ mất 4 ngày là xong một chuyến thanh long xuất cho Trung Cộng, rồi quay trở về quê. Nhưng lần này đã 8 ngày nhưng xe anh vẫn đang phải nằm trong bãi chờ. Trong khi thời tiết nắng nóng, thanh long lại là mặt hàng dễ bị hư nên anh buộc phải cho xe nổ máy liên tục để bật máy lạnh cho thăng long.
Anh Võ Phương Nam, lái xe từ Bình Định ra cho biết, đối với các mặt hàng nông sản, trước đây phía Trung Cộng chỉ cần kiểm dịch là xong. Nhưng bây giờ, sau khi kiểm dịch thì họ yêu cầu tài xế phải đưa hàng đi siêu âm. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó giám đốc sở Công thương tỉnh Lạng Sơn giải thích, trước đây mỗi xe hàng Trung Cộng kiểm tra chỉ mất khoảng 2 phút thì bây giờ phải mất 6 đến 7 phút.
Ngoài ra, phía Trung Cộng còn thay đổi phương thức giao chuyển hàng. Trước đây, sau khi kiểm soát xong, xe được vào bãi, và được chuyển hàng bằng cách 2 xe container đấu với nhau. Còn bây giờ Trung Cộng chia hàng ra thành các lô nhỏ, mỗi lô hàng có giá trị 8,000 nhân dân tệ rồi giao cho các xe nhỏ chuyển đi các điểm tập kết khác. Việc này làm cho tốc độ bốc dỡ hàng chậm đi rất nhiều, khiến tài xế tốn thêm nhiều chi phí, còn hàng hoá thì dễ bị hư hỏng.
An Nhiên

Một công ty Việt Nam nhập xe hơi Trung Cộng

có bản đồ “đường lưỡi bò” về bán

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 19 tháng 10 năm 2019 loan tin, công ty Kylin-GX668 có trụ sở ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng đã nhập các loại xe hơi của Trung Cộng có  bản đồ vẽ đường lưỡi bò về bán tại Việt Nam.
Các hãng xe mà công ty Kylin- GX668 nhập của Trung Cộng là Haima, Geely, Zotye và Baic. Trong các xe hơi này đều có ứng dụng bản đồ dẫn dường được vẽ “đường lưỡi bò”. Phía công ty giải thích, đây chỉ là “sơ xuất” trong quá trình kiểm tra của công ty, nên công ty nhận khuyết điểm, xin lỗi khách hàng. Ngoài ra, đại diện công ty cho rằng ứng dụng bản đồ dẫn đường có “đường lưỡi bò” không thể sử dụng ở Việt Nam vì khác hệ thống định vị vệ tinh, và không có dữ liệu.
Theo báo Tuổi trẻ, sau khi sự việc trên được phát hiện, đã có nhiều ý kiến cho rằng phía đơn vị nhập cảng, phân phối đã làm ngơ quy trình kiểm tra xe nên mới xuất hiện những “sai sót” nghiêm trọng này.
Trước đó, trên truyền thông cũng xuất hiện thông tin về việc hãng xe hơi Zotye T600 đời 2017 của Trung Cộng không chỉ có “đường lữơi bò” mà ngôn ngữ màn hình cũng toàn là tiếng Hoa.
An Nhiên

Bộ trưởng quốc phòng CSVN

sẽ nói về quản lý rủi ro an ninh ở Bắc Kinh

Tin từ Hà Nội, ngày 20/10/2019: Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng quốc phòng cộng sản Việt Nam, sẽ có bài phát biểu về chủ đề Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á- Thái Bình Dương, trong phiên họp toàn thể thứ hai thuộc Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 tổ chức ở Trung Cộng trong các ngày 20-22/10.
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin đại tướng Lịch sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam sang tham dự diễn đàn này theo lời mời của người đồng nhiệm phía Trung Cộng, thượng tướng Nguỵ Phượng Hoà. Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh năm nay có chủ đề chính là “Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình tại châu Á-Thái Bình Dương” với 4 phiên toàn thể và 8 phiên đặc biệt đồng thời.
Chưa rõ ông Lịch sẽ nói gì trong bài phát biểu của mình, nhưng chắc chắn ông ta sẽ không đề cập đến việc Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tứ Chính từ đầu tháng 7 đến nay, và ở Trường Sa cùng Hoàng Sa trong nhiều năm qua.
Từ khi còn giữ chức chủ nhiệm tổng cục chính trị của quân đội, ông Lịch luôn thể hiện tư tưởng giữ hoà hiếu, đại cục trong quan hệ với Trung Cộng cho dù phải nhân nhượng trước sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Lịch là người vừa bị tướng bị tướng Lê Mã Lương cho biết là không biết đọc bản đồ. Xuất thân là sỹ quan tuyên giáo, hiện là phó bí thư quân uỷ trung ương, dưới trướng của chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo dư luận mạng xão hội, sẽ không quá bất ngờ khi một sỹ quan tuyên giáo… không biết đọc bản đồ!
Quốc Tuấn

Tìm không ra người, Trà Vinh bổ nhiệm

viên chức bị kỷ luật làm giám đốc sở

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 19 tháng 10 năm 2019 loan tin, ông Phạm Văn Tám, cựu Chủ tịch thành phố Trà Vinh mới được bổ nhiệm làm Gíam đốc sở Công thương của tỉnh Trà Vinh.
Vấn đề là  ông Tám đã từng bị kỷ luật về hành vi thiếu trách nhiệm trong cai quản, để xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thu nguồn ngân sách lớn. Giải thích về quyết định này, ông Lâm Minh Đằng, Trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ Trà Vinh nói rằng, do Giám đốc trước đây của tỉnh được chuyển về làm bí thư huyện, nên mấy tháng qua chiếc ghế Giám đốc sở Công thương bị thiếu. Từ đó đến nay, tỉnh Trà Vinh không tìm ra được người “xứng đáng” ngồi vào chức vụ này. Vì vậy, sau nhiều tháng “tìm kiếm”, tỉnh
này đành giao chức vụ Giám đốc sở cho ông Tám. Nguyên nhân được đưa ra là do ông Tám là người có trình độ chuyên môn phù hợp, từng giữ chức Giám đốc trung tâm Xúc tiến đầu tư.
Ông Đằng giải thích thêm, chức Giám đốc sở chỉ tương đương chức Trưởng ban cai quản khu kinh tế tỉnh mà ông Tám từng đảm nhiệm, nên đây chỉ là “điều động ngang” chứ không phải thăng chức.
Trước đó, theo kết luận của Uỷ ban kiểm tra trung ương tại kỳ họp thứ 28, ông Tám đã có những vi phạm nghiêm trọng, và bị kỷ luật ở mức cảnh cáo. Hành vi của ông Tám không chỉ làm thất thu ngân sách lớn, mà ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, cấp cầm quyền thành phố, đến niềm tin của nhân dân.
An Nhiên

Bổ nhiệm Tổng Giám mục

Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Năng làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP HCM.
Theo Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngày 19/10, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Năng, đang là Giám mục Giáo phận Phát Diệm, làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP HCM.
Đồng thời, Đức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cũng được bổ nhiệm làm Giám quản Tông toà Giáo phận Phát Diệm.

Đức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng sinh ngày 24/11/1953 tại Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm).
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã đảm nhận các chức vụ: Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng (2010-2013); Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức Tin (2013-2016); Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục (2016-2019); và trong Đại hội XIV vừa diễn ra tại Giáo phận Hải Phòng, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã được bầu lại vào chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục, nhiệm kỳ 2019-2022./.
Tiểu sử Đức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
24/11/1953: Sinh tại Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình (Gp. Phát Diệm)
1962-1970 : Tu học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
1970-1977 : Tu học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt
1977-1988 : Lao động tại giáo xứ Bạch Lâm, Gia Kiệm, Gp. Xuân Lộc
1989-1990 : Giúp xứ Thuận Hoà, Biên Hoà, Gp. Xuân Lộc
09/06/1990 : Thụ phong linh mục tại Xuân Lộc
1990-1998 : Chính xứ Thuận Hoà, Biên Hoà, Gp. Xuân Lộc
1998-2002 : Du học Roma, tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Tín lý
2003-2005 : Đặc trách Chủng sinh Giáo phận Xuân Lộc
2006-2009 : Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc
25/07/2009 : Được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính toà Giáo phận Phát Diệm
08/09/2009 : Lễ truyền chức Giám mục tại Phát Diệm
Chủ phong: Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Phụ phong: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh và Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến
Châm ngôn giám mục: Hiệp Thông – Phục Vụ
19/10/2019: Được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh kiêm Giám quản Tông toà Giáo phận Phát Diệm.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.