Tin khắp nơi – 20/10/2019
Sunday, October 20, 2019
6:28:00 PM
//
Slider
,
Tin Khắp nơi
Mỹ rút quân khỏi một căn cứ lớn nhất ở phía bắc Syria
Minh AnhQuân đội Mỹ ngày 20/10/2019 rút quân ra khỏi căn cứ lớn nhất ở phía bắc Syria, trong khuôn khổ chiến dịch triệt thoái 1.000 binh sĩ của Washington.
Phóng viên của AFP tại chỗ ghi nhận hơn 70 xe bọc thép cắm cờ Mỹ vận chuyển khí tài và được trực thăng hộ tống, đã băng qua con lộ quốc tế khi đi qua thành phố Tal Tamr.
Còn theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), đoàn xe quân sự Mỹ rút ra khỏi căn cứ Sarrine, gần thành phố Kobané, và di chuyển về hướng tỉnh Hassaké, chếch về phía đông.
Như vậy đây là đợt rút quân thứ ba, sau hai đợt rút đầu tiên là ngày 07/10, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị mở màn đợt tấn công và ngày 14/10, năm ngày sau đợt khai hỏa đầu tiên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Vẫn theo AFP, lệnh hưu chiến có nguy cơ bị phá vỡ. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một binh sĩ bị thiệt mạng trong một cuộc tấn công do Kurdistan tiến hành. Trên nguyên tắc lệnh hưu chiến kéo dài đến ngày thứ Ba 22/10, nhưng hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Tổng thống Erdogan hôm qua còn đe dọa « nghiền nát đầu » các chiến binh Kurdistan.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết rõ về tình hình tại chỗ :
« Không phải là những trận đánh dữ dội của Thổ Nhĩ Kỳ trong chín ngày giao chiến gần đây. Cũng không phải là một cuộc hưu chiến như đã thông báo. Từ hơn 48 giờ qua, ở hai phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria, mỗi bên đều chỉ trích bên kia là đã phá hoại thỏa thuận và phe nào cũng khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt lệnh hưu chiến.
Phía Kurdistan tố cáo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị bổ sung người Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích, dội bom và tấn công trên bộ chống lại các chiến binh Kurdistan. Điểm căng thẳng chính là vùng Ras Al-Ain, nơi diễn ra nhiều cuộc giao chiến dữ dội. Ankara dường như cản trở việc mở một hành lang cho dân thường và người bị thương ra đi, cũng như cho việc rút quân của lực lượng Kurdistan.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, bộ Quốc Phòng cũng lên án có sự vi phạm. Mười bốn vụ tấn công trong vòng 36 giờ bằng các vụ phóng rốc-kết, đạn súng cối và nhiều loại vũ khí hạng nặng khác, theo như thống kê của Ankara. Đối mặt với công luận, ông Recep Tayyip Erdogan muốn chứng tỏ không lay chuyển. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại rằng ông sẽ mở lại các cuộc tấn công ngay từ tối 22/10 nếu như các chiến binh Kurdistan vẫn luôn có mặt tại khu vực ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191020-my-rut-quan-khoi-mot-can-cu-lon-nhat-o-phia-bac-syria
Xung đột Mỹ – Trung:
tương quan lực lượng quân sự hai bên
Xung đột trên mặt trận quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có một đặc điểm là “đua mà không đánh”, nó đan xen, hoà lẫn vào các mặt trận khác như công nghệ, ngoại giao, gián điệp, thương mại, và thậm chí cả đầu tư, tài chính. Với 2 khối ngân sách khổng lồ, chúng ta cùng xem Mỹ và Trung Quốc sắp đặt lực lượng quân sự của mình như thế nào.Sách lược hai bên
Ngày 18/12/2017, tổng thống Donald Trump công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của chính phủ mới, trong đó có một số điểm đáng chú ý: Một là, tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ đạt con số kỉ lục 716 tỉ USD. Hai là, Mỹ trực tiếp coi Trung Quốc và Nga là các đối thủ chiến lược và gọi họ là “các cường quốc xét lại”. Gần đây nhất, ngày 27/6/2019, Thượng viện Mỹ thông qua Luật thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) với ngân sách 750 tỉ USD.
Trong khi đó, ngày 24/7/2019 Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng cho biết nước này sẽ “không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên các nước khác”. Đồng thời Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây mất ổn định chiến lược khi mở rộng chi tiêu quốc phòng và bán vũ khí cho Đài Loan. Ngân sách quốc phòng công bố ngày 5/3/2019 của Trung Quốc là hơn 177 tỉ USD, con số mà nhiều chuyên gia đánh giá là ít hơn so với thực tế.
Sức mạnh quân sự
Quân số Xe tăng Máy bay Tàu Trực thăng Tàu sân bay
Mỹ 1.281.900 7790 12304 1170 437 20
TQ 2.300.000 6393 4182 4889 780 2
Nguồn: https://armedforces.eu
Trong tương quan trực diện về quân số và vũ khí, có thể nói sức mạnh của Mỹ vẫn vượt trội. Số lượng binh sĩ khổng lồ của Trung Quốc chủ yếu là lục quân đóng tại các khu vực biên giới và nội địa nói chung, trang bị giản đơn. Thông tin từ Lầu năm góc cho biết trang bị cho một lính Mỹ ở mức 17.450 USD, trong khi của Trung Quốc là 1.500 USD. Sức mạnh còn thể hiện ở khả năng cơ động, lính Trung Quốc khi di chuyển số lượng lớn chủ yếu vẫn dựa vào tàu hỏa, trong khi Mỹ chủ yếu sử dụng trực thăng.
Vũ khí lạc hậu của Trung Quốc
Về trang bị vũ khí và phương tiện quân sự, sự chênh lệch hai bên chủ yếu ở mức độ hiện đại. Trong khi Trung Quốc trang bị chủ yếu từ thời những năm 1990 khi sức mạnh kinh tế còn rất hạn chế, cho nên khá lạc hậu, khó có thể sử dụng trong thực tế chiến tranh hiện đại.
Các loại vũ khí và phương tiện hiện đại như chiến đấu cơ, hầu hết đều bị đánh giá là ăn cắp và sao chép công nghệ từ Nga và Mỹ. Ví dụ chiếc J-11, J-15 là bản sao lần lượt của Su-27 và Su-33 của Nga, J-20 và J-31 lần lượt là bản sao của F-22 và F-35 của Mỹ. Tuy có các tính năng và hình dáng giống như của các phiên bản gốc nhưng mức độ công nghệ vẫn bị đánh giá là kém hơn. Thậm chí chiếc J-20 “tàng hình” được cho là hiện đại nhất, thực tế lại vẫn phải sử dụng động cơ AL-31F của Su-27 mua từ Nga, vì động cơ WS-15 Trung Quốc tự sản xuất cho J-20 chưa đạt yêu cầu.
Về phát triển công nghệ quân sự, tư tưởng chủ yếu của Trung Quốc là tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, như gián điệp và cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Trung Quốc không có công nghệ gốc và dễ bị tụt hậu khi đối phương tăng cường bảo mật.
Tỷ phú người Hoa tiết lộ bí mật của chính quyền Trung Quốc
Về lực lượng hải quân, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu sử dụng động cơ diesel (hiện mới có 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong biên chế) nên không so sánh được với sức mạnh của đội tàu ngầm Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân. Riêng đội tàu sân bay, Mỹ hoàn toàn áp đảo với số lượng 20 chiếc và hai chiếc sắp hoàn thành, trong đó có 10 chiếc siêu tàu sân bay lớp Nimitz. Trung Quốc hiện có 1 chiếc Liêu Ninh mua lại của Ukraine năm 1999 và chiếc Type-001A đang chạy thử.
Trung Quốc cũng trang bị thêm từ nguồn mua của Nga, chủ yếu là máy bay Su 35, tên lửa S 400, hàng trăm động cơ phản lực và một số trực thăng. Nói chung về phương diện vũ khí, khí tài và lực lượng quân đội thì Trung Quốc còn kém xa so với Mỹ.
Mỹ cũng thụt hậu một số lĩnh vực
Cho đến nay, giới quân sự Mỹ đang tự đánh giá là bị thụt hậu về một sỗ lĩnh vực vũ khí so với Nga và Trung Quốc, như tên lửa diệt vệ tinh, tên lửa siêu âm. Bởi vì hoạt động chiến đấu của Mỹ hiện đại sử dụng rất nhiều công nghệ từ vệ tinh, nếu hệ thống vệ tinh bị phá huỷ thì là một sự nguy hiểm lớn đối với Mỹ. Hệ thống tàu sân bay cũng là một thế mạnh vượt trội của Mỹ, nhưng nếu đối thủ sử dụng tên lửa siêu vượt âm thì hệ thống đánh chặn truyền thống khó có thể phát huy tác dụng, từ đó có thể dẫn đến sự vô hiệu hoá ưu thế vốn có này.
Trong mấy tháng gần đây, giới quân sự Mỹ đã đưa ra các thử nghiệm về tên lửa siêu vượt âm của mình. Nói chung, trong trung hạn có thể nói lĩnh vực vũ khí này sẽ là phần mà Mỹ không có ưu thế vượt trội. Còn trong dài hạn, do nước Mỹ một mặt đã tăng cường bảo mật được thành quả công nghệ liên quan, mặt khác chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này, cũng như phát triển các công nghệ vũ khí mới thì sẽ có thể lấy lại ưu thế.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30972-xung-dot-my-trung-tuong-quan-luc-luong-quan-su-hai-ben.html
Người Mỹ biểu tình chống Trung Quốc
tại trận đấu bóng rổ NBA
Hàng chục khán giả tại một trận bóng rổ ở Mỹ đã giơ biểu ngữ và mặc áo phông và đeo mặt nạ để ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong.Người biểu tình tập trung trong trận đấu ở New York giữa hai đội Brooklyn Nets và Toronto Raptors.
Động thái này được tổ chức bởi nhà sản xuất phim Andrew Duncan, người đã mua 300 vé cho các nhà hoạt động vào sân bóng.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh đang có căng thẳng liên tục giữa Trung Quốc và NBA về các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Biểu tình Hong Kong: Carrie Lam ủng hộ cảnh sát dùng vũ lực
Hong Kong: Tại sao Bắc Kinh chưa quyết liệt dẹp tan biểu tình?
Lãnh đạo biểu tình Hong Kong bị ‘tấn công bằng búa’
Lãnh đạo biểu tình Hong Kong bị ‘tấn công bằng búa’
Hình ảnh về trận đấu hôm thứ Sáu cho thấy những người biểu tình mặc áo phông có in chữ “Stand With Hong Kong” (Đứng lên cùng Hong Kong) và “Free Tibet” (Hãy trả tự do cho Tây Tạng).
Hai người được trông thấy mặc trang phục Winnie-the-Pooh. Chú gấu hoạt hình hay được sử dụng để chế nhạo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bị cấm ở Trung Quốc.
Hình ảnh cuộc biểu tình đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Trong số những người biểu tình có nhà hoạt động Hong Kong, Nathan Law, cựu chủ tịch của Demosisto, một đảng ủng hộ dân chủ mà anh đồng sáng lập với nhà hoạt động trẻ tuổi nổi tiếng Joshua Wong.
“Chúng tôi muốn sử dụng nghệ thuật trình diễn của mình để thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với Hong Kong và NBA”, một khán giả khác, Chen Pokong, 55 tuổi, nói với tờ New York Post. “[Trung Quốc muốn] lấy đi quyền tự do ngôn luận và bây giờ truyền bá chế độ độc tài sang Mỹ.”
Truyền thông địa phương cho biết một số người biểu tình đã bị đưa ra khỏi khán đài vì đã hô hào.
Các cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức tại các trận đấu khác giữa các đội Mỹ và Trung Quốc. Đầu tháng này, trong trận đấu giữa Philadelphia 76ers và Quảng Châu Loong-Lions, hai người đã bị yêu cầu rời đi vì cầm các biểu ngữ ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Trong một trận đấu khác giữa Loong-Lions và Washington Wizards, truyền thông địa phương cho biết những biểu ngữ có lời kêu gọi ủng hộ Hong Kong đã bị tịch thu.
Nhưng cuộc biểu tình hôm thứ Sáu là lần đầu tiên được tổ chức trong một trận đấu giữa hai đội thuộc liên đoàn bóng rổ Hoa Kỳ (NBA).
Cuộc tranh cãi giữa liên đoàn và chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu vào đầu tháng này sau khi quản lý của Houston Rockets, Daryl Morey đăng dòng tweet ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Kết quả, một số công ty Trung Quốc đã đình chỉ các hợp đồng tài trợ và truyền hình với NBA – một cú đánh tài chính lớn cho giải đấu, vốn có hàng triệu người theo dõi ở Trung Quốc.
Rockets và NBA nhanh chóng tạo khoảng cách với dòng tweet của ông Morey, trong khi siêu sao bóng rổ LeBron James cho rằng người quản lý của Rockets “không được nhận thức đầy đủ về tình hình” ở Hong Kong.
Chủ sở hữu của Brooklyn Nets, Joe Tsai – đồng thời là phó chủ tịch của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba – cũng đã chỉ trích ông Morey vì dòng tweet “gây tổn hại” của ông, nói rằng ông đã đánh giá sai về việc nhiều người Trung Quốc cảm thấy thế nào về Hong Kong.
“Ủng hộ phong trào ly khai trên lãnh thổ Trung Quốc là một trong những vấn đề vô cùng tranh cãi, không chỉ đối với chính phủ Trung Quốc, mà còn đối với tất cả người dân ở Trung Quốc,” ông Tsai nói thêm.
Kể từ đó, ông Morey đã rút lại dòng tweet trên của mình. nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ ở cả hai đảng đối lập đều đã cáo buộc NBA cúi đầu trước Bắc Kinh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50114088
TT Trump hủy kế hoạch tổ chức cuộc họp G7
tại khu nghỉ của mình
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối ngày 19/10 hủy bỏ kế hoạch tổ chức cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của nhóm G7 tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Florida sau khi bị phe Dân chủ coi đó là bằng chứng cho thấy ông Trump sử dụng việc công để tư lợi, theo Reuters.Viết trên Twitter, ông Trump cho biết sẽ hủy bỏ kế hoạch mà quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney thông báo hôm 17/10, theo đó tính tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ở khu nghỉ dưỡng có tên gọi Trump National Doral gần Miami từ ngày 10 tới 12 tháng Sáu năm sau.
Tin cho hay, ông Trump đã đổ lỗi cho sự “thù nghịch” từ phe Dân chủ và truyền thông.
XEM THÊM:
Trump sẽ chủ trì thượng đỉnh G7 năm sau tại Florida
“Chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm một địa điểm khác, trong đó có thể là Camp David [khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ]”, ông Trump viết.
Trong khi thông báo việc hủy bỏ kế hoạch, Reuters đưa tin rằng Tổng thống Trump nhấn mạnh tới những thế mạnh của khu nghỉ dưỡng, phù hợp để tổ chức một sự kiện lớn như vậy.
“Tôi đã nghĩ rằng tôi đã làm điều tốt đẹp cho đất nước chúng ta”, ông Trump viết trên Twitter.
Theo Reuters, điều khoản trong hiến pháp Hoa Kỳ cấm các quan chức chính phủ Mỹ nhận lương, lệ phí hoặc lợi nhuận từ chính phủ nước ngoài mà chưa có sự chấp thuận của quốc hội.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-h%E1%BB%A7y-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-cu%E1%BB%99c-h%E1%BB%8Dp-g7-t%E1%BA%A1i-khu-ngh%E1%BB%89-c%E1%BB%A7a-m%C3%ACnh/5131474.html
Trump vượt xa Obama
về tốc độ ban hành sắc lệnh hành pháp
Tổng thống Donald Trump vượt xa Tổng thống Barack Obama về số lượng sắc lệnh hành pháp được ban hành tính tới thời điểm này trong nhiệm quyền tổng thống của họ, AP đưa tin, dù cách đây không lâu ông Trump từng dè bỉu các sắc lệnh của người tiền nhiệm.Ông Trump đã ban hành 130 sắc lệnh hành pháp so với 108 của ông Obama trong ba năm đầu tiên làm tổng thống, theo kiểm đếm của AP.
Hãng tin này cho biết Nhà Trắng từ chối bình luận về việc ông Trump sử dụng sắc lệnh hành pháp. Ông đã vượt qua tổng số sắc lệnh hành pháp năm thứ ba của ông Obama khi, trong hai tuần qua, ông ban hành năm sắc lệnh liên quan đến Medicare, sự minh bạch của chính phủ, chi tiêu liên bang và áp đặt các chế tài nhắm vào các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Một sắc lệnh hành pháp có thể có tác dụng tương tự như luật liên bang – nhưng tác động của nó có thể mang tính tạm thời. Quốc hội có thể thông qua một đạo luật mới đè lên sắc lệnh hành pháp và các tổng thống trong tương lai có thể đảo ngược chúng.
Chỉ trích ông Obama vào năm 2012, ông Trump tweet: “Tại sao @BarackObama liên tục ban hành các sắc lệnh hành pháp tiếm quyền hành lớn như vậy?
Sự chỉ trích đó tiếp tục khi ông tranh cử tổng thống.
“Đất nước này không phải là dựa trên các sắc lệnh hành pháp,” ông Trump nói tại một điểm dừng vận động tranh cử ở bang South Carolina vào tháng 2 năm 2016. “Ngay bây giờ, Obama cứ liên tục kí sắc lệnh hành pháp. Ông ta thậm chí còn không hòa thuận với phe Dân chủ nữa, và ông ta cứ kí hết lệnh này tới lệnh khác. Đó là một thảm họa cơ bản. Bạn không làm vậy được.”
Ít có ứng cử viên tổng thống nào tập trung quá nhiều vào việc chỉ trích sắc lệnh hành pháp của người tiền nhiệm như ông Trump đã làm, AP lưu ý. Ông cho rằng việc ông Obama sử dụng các sắc lệnh hành pháp khiến ông này trông như một người thương thuyết kém cỏi. Nhưng bản thân ông Trump đạt được ít thành công với Quốc hội về vấn đề đó. Thành tựu lập pháp lớn nhất của ông cho đến nay, luật cắt giảm thuế 1,5 ngàn tỉ đôla, đã không giành được bất cứ biểu quyết ủng hộ nào của Phe Dân chủ.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-vuot-xa-obama-ve-toc-do-ban-hanh-sac-lenh-hanh-phap/5131007.html
Công dân Trung Cộng bị Mỹ kết án 40 tháng tù
do xuất cảng trái phép kỹ thuật quân sự
Một thẩm phán tiểu bang Arizona của Hoa Kỳ đã kết án Tao li – một công dân Trung Cộng- đến 40 tháng tù giam. Người này bị buộc tội sử dụng nhiều bí danh, và âm mưu xuất cảng trái phép kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ có độ bí mật cao qua Trung Cộng.Theo tờ South China Morning Post, hôm thứ sáu (18/10), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, ông Tao Li, 39 tuổi, đã cố gắng mua kỹ thuật quân sự và không gian, vi phạm luật kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ. Trước đó, hôm Thứ Tư (16/8), thẩm phán Diane J. Humetewa của tiểu bang Arizona đã đưa ra bản án dành cho ông Tao Li, bao gồm ba năm tiếp tục bị giám sát sau khi mãn hạn tù.
Trước đây, ông Li đã nhận tội âm mưu xuất cảng kỹ thuật sang Trung Cộng mà không có giấy phép, hành động này vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế. Đạo luật trên ủy quyền cho tổng thống Hoa Kỳ điều chỉnh các chương trình thương mại quốc tế sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhằm đối phó với mối đe dọa đối với đất nước.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ tháng 12/2016 đến tháng 1/2018, ông Li đã làm việc với các cá nhân khác ở Trung Cộng để mua các bộ khuếch đại công suất làm cứng bức xạ và các mạch giám sát. Chúng có khả năng chịu được mức độ bức xạ và nhiệt độ cực cao, và chủ yếu được sử dụng cho các ứng dụng quân sự và không gian.
Ông Li còn sử dụng nhiều bí danh để liên lạc với các cá nhân ở Hoa Kỳ nhằm có được các thiết bị điện tử trên. Ông Li đã bị bắt vào tháng 9/2018 tại Phi trường Quốc tế Los Angeles, khi đang đi từ Trung Cộng đến tiểu bang Arizona để gặp một trong những điệp viên bí mật. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cong-dan-trung-cong-bi-my-ket-an-40-thang-tu-do-xuat-cang-trai-phep-ky-thuat-quan-su/
Đánh thuế người giàu Mỹ:
Cử tri không có tác động nhiều
Đánh thuế cao hơn đang là chủ đề nóng trong chính trị Hoa Kỳ.Ứng viên của đảng Dân chủ Elizabeth Warren kêu gọi đánh thuế 2% lên các tài sản gia đình trên 50 triệu đôla.
Đối thủ Bernie Sanders tiếp tục kêu gọi đánh thuế vào “tài sản cực lớn”.
Các tỉ phú George Soros, Warren Buffett, Eli Broad và Marc Benioff cũng ủng hộ thuế cao hơn cho người siêu giàu.
Ngay cả Tổng thống Donald Trump đã nói cần khép lại lỗ hổng thuế cho giới giàu có.
Nhưng nhiều năm qua, học thuyết chính trị dòng chính lại nói rằng chống đánh thuế mới đúng là tinh thần người Mỹ.
Chuyện gì đang xảy ra?
Trong bốn thập niên qua, khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ đã đạt mức kỷ lục.
Ngân hàng trung ương ước tính 1% hộ gia đình giàu nhất nắm giữ 39% của cải quốc gia, ví dụ trong đó có nhà cửa.
1% giàu nhất cũng nắm 13% thu nhập, sau khi đã tính thuế, theo một phân tích năm 2016 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
Tỉ lệ này ở Mỹ là cao hơn ở Anh, nơi giới 1% giàu nhất nắm khoảng 8% thu nhập và 24% của cải.
Bất mãn trong dân chúng Mỹ ngày càng tăng, đặc biệt trong phe đảng Dân chủ.
Chỉ 32% người theo Dân chủ nói hệ thống thuế liên bang hiện nay là công bằng, so với 64% phe Cộng hòa theo thăm dò của Pew Research Center.
Giai cấp doanh nhân Mỹ, vốn bảo vệ thuế thấp, đang thay đổi giọng điệu.
Nhưng lo ngại của họ không có nghĩa là sắp có thuế cao, theo Andrea Louise Campbell, giáo sư ở MIT
Bà nói mặc dù nhiều năm qua người Mỹ vẫn nói họ ủng hộ thuế cao hơn cho người giàu, nhưng khi đi bỏ phiếu, sự ủng hộ của cử tri phụ thuộc loại thuế nào được đề xuất. Cử tri thường ủng hộ thuế cao vào thu nhập cả năm, nhưng phản đối thuế đánh vào thừa kế.
Giảm bất bình đẳng cũng thường không phải là ưu tiên cho cử tri.
Nói chung các khảo sát vẫn cho thấy đa số người giàu tiếp tục chống đánh thuế – họ cũng là giới có ảnh hưởng nhất.
Sau khi lên làm tổng thống năm 2016, ông Trump đã ủng hộ việc giảm thuế có lợi cho nhà giàu.
Ngay cả trong phe Dân chủ cũng chia rẽ. Nhiều người ôn hòa không chịu ủng hộ thuế đánh tài sản như nhà cửa, sưu tập nghệ thuật, mặc dù bà Warren và ông Sanders muốn thế.
Ngay cả nếu quần chúng ủng hộ đề nghị của bà Warren, nó cũng không thể vượt qua phe Cộng hòa và giới vận động hành lang ở Washington.
Giáo sư Campbell giải thích: “Vai trò của dư luận trong việc đánh thuế khá là khiêm tốn.”
“Ngay cả nếu dân Mỹ muốn tăng thuế lên thu nhập, tài sản, họ không phải là giới có ảnh hưởng về chính sách.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50116198
Một bác sĩ tại California bị buộc tội
vì âm mưu lừa đảo Medicare lên đến 12 triệu mỹ kim
Tin từ California – Vào hôm Thứ Tư (16 tháng 10), Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết một bác sĩ ở California đã bị kết tội vì có liên quan đến một âm mưu lừa đảo chương trình y tế Medicare lên đến 12 triệu mỹ kim.Vị bác sĩ này đã bị buộc tội chẩn đoán sai cho bệnh nhân, và buộc họ thông qua các thủ tục không cần thiết, xuất hóa đơn Medicare cao quá mức, và sử dụng lại các ống thông tĩnh mạch đã qua sử dụng cho các bệnh nhân khác.
Trong một thông cáo báo chí được đưa ra vào Thứ Năm (ngày 17 tháng 10), Bộ Tư Pháp cho biết vị bác sĩ nói trên là ông Donald Woo Lee, 54 tuổi, bị kết tội bảy tội danh lừa đảo chăm sóc sức khỏe và một tội sử dụng sai thiết bị y tế. Theo tài liệu tòa án, âm mưu của ông Lee bắt đầu từ năm 2012 đến 2015, khi ông “mời những người hưởng Medicare vào các phòng khám của mình, chẩn đoán sai những người thụ hưởng bị suy tĩnh mạch, và cung cấp cho những người thụ hưởng các thủ tục cắt bỏ tĩnh mạch không cần thiết về mặt y tế.” Sau đó, bác sĩ đã viết hóa đơn cho Medicare, sử dụng mã bảo hiểm không chính xác để lấy lại nhiều tiền hơn. Ông còn tái sử dụng các ống thông tĩnh mạch đáng lẽ chỉ được sử dụng một lần cho nhiều bệnh nhân khác nhau.
Bộ Tư Pháp cho biết ông đã gởi hóa đơn với một khoản tiền trị giá 12 triệu mỹ kim từ Medicare và nhận được 4.5 triệu mỹ kim. Ông Lee sẽ bị kết án vào ngày 19 tháng 3 năm 2020. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/mot-bac-si-tai-california-bi-buoc-toi-vi-am-muu-lua-dao-medicare-len-den-12-trieu-my-kim/
Brexit: Nghị viện Anh bỏ phiếu buộc Thủ tướng gia hạn
Thủ tướng Anh nói rằng ông “không nản lòng” về chiến lược Brexit của ông mặc dù các nghị sĩ Quốc hội hôm thứ Bảy đã hậu thuẫn trì hoãn thêm quá trình Brexit.Ông Boris Johnson tuyên bố sẽ đưa ra luật pháp cần thiết để thi triển thỏa thuận “xuất sắc” của ông tại Quốc hội vào tuần tới.
Nhưng ông sẽ trở lại Liên minh châu Âu sau ngày 31/10/2019 sau khi các nghị sĩ bỏ phiếu hậu thuẫn một đề xuất được thiết kế để loại bỏ một Brexit không có thỏa thuận bằng kết quả với tỷ lệ 322 phiếu bầu thuận và 306 phiếu chống.
London và Manchester biểu tình đối nghịch về Brexit
Bàn tròn BBC: Brexit đạt thỏa thuận mới
Tôi sẽ không đàm phán về sự gia hạn với EU và luật pháp cũng không bắt buộc tôi phải làm thế”Thủ tướng Boris Johnson
Boris Johnson ‘đạt thỏa thuận mới về Brexit’
Sang EU sau Brexit, dân Anh cần lo gì?
Một khoảng cách đa số chỉ là 16 phiếu được cho là rất khít khao.
EU nói việc “thông báo các bước đi tiếp theo” thuộc về phía Anh quốc.
Trong cuộc họp quốc hội diễn ra vào ngày thứ Bảy, lần đầu tiên trong vòng 37 năm, các nghị sĩ Quốc hội đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh.
Kết quả này có nghĩa là Quốc hội sẽ không bỏ phiếu về thỏa thuận của Thủ tướng mới đạt được với EU cho đến tuần sau.
Trong khi đó, những người biểu tình chống Brexit đang kêu gọi một cuộc bỏ phiếu phổ thông mới để cho người dân có “tiếng nói cuối cùng”
‘Thêm một thất bại lớn’
Biên giới Ireland, Brexit và lời Boris
EU ‘sẵn sàng giúp VN’ về an ninh mạng
Brexit có phải là định mệnh của Anh?
Đây được coi là một thất bại lớn nữa đối với Thủ tướng, người đã nhiều lần khẳng định rằng Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU vào cuối tháng, theo các phóng viên theo dõi Brexit và Quốc hội Anh của BBC.
Nhưng ông Johnson nói rằng ông không “nản chí hay mất tinh thần” và ông vẫn tin rằng điều tốt nhất cho Anh quốc là rời khỏi EU với “thỏa thuận tuyệt vời” mà ông thực hiện.
“Tôi sẽ không đàm phán về sự gia hạn với EU và luật pháp cũng không bắt buộc tôi phải làm thế”, ông Johnson nói.
Thủ tướng Anh nói ông không tin rằng EU sẽ thấy việc gia hạn này là một điều “hấp dẫn” và chính sách của ông vẫn không thay đổi.
Nhưng lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn nói rằng thất bại ngày 19/10 thể hiện sự bác bỏ “mạnh mẽ” chiến lược của Thủ tướng và giờ đây ông phải tuân thủ luật pháp nước Anh trong việc tìm kiếm việc gia hạn thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50111507
Brexit: Thủ tướng Anh gởi thư xin dời ngày
nhưng không ký tên
Trọng Nghĩa, Minh AnhBị Hạ Viện Anh giáng thêm một vố đau vào hôm qua, 19/10/2019 trên hồ sơ Brexit, không bỏ phiếu về thỏa thuận mà ông đã được với Bruxelles, buộc ông phải gởi thư xin gia hạn ngày rời Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Anh Boris Johnson đã không che giấu thái độ cay cú: Khuya hôm qua, ông đã gửi thư cho Bruxelles yêu cầu hoãn ngày Brexit nhưng không ký tên.
Bên cạnh đó ông Johnson còn gởi thêm một bức thư thứ hai, có ký tên, xác định rằng ông không muốn dời ngày Brexit, nhưng đã phải xin dời vì bị bắt buộc về mặt pháp lý sau khi các dân biểu Anh quyết định hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận.
Không những thế, thông qua một bức thứ thứ ba của đại sứ Anh tại Liên Hiệp Châu Âu Tim Barrow, Luân Đôn nói rõ thêm là đơn xin gia hạn ngày Brexit chỉ đã được gửi đi để tuân thủ luật pháp.
Theo thông tín viên RFI Muriel Delcroix tại Luân Đôn, thái độ cay cú của thủ tướng Boris Johnson đã bị dư luận Anh Quốc cực lực phê phán, xem đấy là một “trò trẻ con”:
Rốt cuộc ông Boris Jhonson đã phải làm theo luật pháp nhưng một cách miễn cưỡng. Ông không gửi một, mà là ba bức thư, trong đó bức quan trọng nhất thì không có chữ ký của ông, còn bức mang chữ ký thì lại là một thông điệp chính trị có nội dung mâu thuẫn với thông điệp đầu tiên.
Việc từ chối ký bức thư chính thức gửi tới Bruxelles đã làm dấy lên tranh cãi. Những người phê phán ông đã coi đó là một quyết định “thảm hại”, “trẻ con”, và nhất là không đúng với những gì được yêu cầu. Những người này đã nổi cơn thịnh nộ và đã hẹn gặp thủ tướng Anh trước tòa án.
Thái độ thách thức Nghị Viện của vị thủ tướng bảo thủ có nguy cơ làm cho tình hình trở nên hỗn loạn hơn, và tranh cãi chắc chắn sẽ bùng lên xung quanh các lá thư của ông Johnson, với câu hỏi là phải chăng ông đã tìm cách lách luật.
Một phiên xem xét đã được dự trù ngay ngày mai trước một tòa án Scotland cho thấy là Tư Pháp Anh Quốc rất có thể là sẽ nhập cuộc hoàn toàn, và vụ việc thậm chí có thể lên đến Tòa Án Tối Cao một lần nữa.
Dẫu sao thì các đối thủ của ông Johnson đang có cơ hội gây rắc rối tối đa cho ông bằng cách cố gắng áp đặt chẳng hạn một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, hoặc là bỏ phiếu bất tín nhiệm để kích hoạt một cuộc bầu cử trước thời hạn.
Hoãn ngày Brexit, Châu Âu do dự ?
Về phía Bruxelles, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk ngay tối 19/10/2019 cho biết là đã nhận được thư đề nghị hoãn ngày Brexit từ Luân Đôn. Đề nghị này sẽ được 27 nước thành viên thảo luận trong ngày hôm nay.
Từ Bruxelles, thông tín viên Joana Hostein nhận định thêm về phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu :
« Đúng là căn cứ vào bản đề nghị lần thứ ba xin hoãn ngày Brexit từ phía Vương Quốc Anh, 27 đại sứ sẽ phải thảo luận sáng nay. Bởi vì, ông Donald Tusk hôm qua đã xác nhận là ông nhận được thư yêu cầu này vào lúc 23 giờ, trong đó Luân Đôn đề nghị xin gia hạn. Nhưng ông không đả động gì đến hai lá thư khác. Trong cùng tin Twitter, ông cam kết thảo luận chủ đề này với các nước thành viên để biết được nên xử sự ra sao.
Liệu có nên chấp thuận hoãn lại một ngày khác cho Boris Johnson hay không ? Nước Pháp dường như không mấy đồng tình. Điện Elysée hôm qua nhắc lại rằng một hạn định mới không có lợi ích gì cho ai cả. Theo tổng thống Pháp, cần chấm dứt các cuộc thương lượng này và nên tiến hành đàm phán về các mối quan hệ với Anh Quốc trong tương lai.
Nhưng đối với nhiều lãnh đạo châu Âu, chẳng hạn như thủ tướng Đức Angela Merkel, thì việc dời ngày Brexit là điều không thể tránh khỏi. Bruxelles nhấn mạnh rằng Liên Hiệp Châu Âu muốn tránh bằng mọi giá một cuộc chia tay không có thỏa thuận, vốn dĩ có thể sẽ có hại cho tất cả các bên.
Vấn đề hiện nay là chờ xem liệu 27 nước có quyết định hoãn ngày Brexit vào sáng nay hay không, hay là câu giờ bằng cách có thể để cho ông Boris Johnson một lần nữa thử thông qua bản thỏa thuận của ông tại Nghị viện Anh trong tuần tới ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191020-brexit-thu-tuong-anh-goi-thu-xin-doi-ngay-nhung-khong-ky-ten
Siêu tiêm kích lần đầu đáp tàu sân bay Anh,
phi công gặp sự cố hy hữu
Trong chuyến hạ cánh lịch sử đầu tiên của một siêu tiêm kích F-35 trên boong tàu sân bay mới tinh của Hải quân Hoàng gia Anh, viên phi công đã gặp sự cố hy hữu.Đoạn video do camera an ninh quay được cho thấy những khoảnh khắc hiếm thấy ngay sau khi viên phi công lái chiếc F-35 Lighting do Mỹ sản xuất đáp xuống tàu sân bay Anh mang tên Nữ hoàng Elizabeth và chui ra khỏi “chim sắt”.
Trong đoạn video rò rỉ trên mạng, sau khi bắt tay nhiều đồng nghiệp, viên phi công lái F-35 đã bị vấp và ngã sấp mặt xuống sàn tàu. Một thành viên thủy thủ đoàn ngay lập tức lao tới hỗ trợ anh.
Theo báo RT, sự cố xảy ra trong một cuộc tập trận chung giữa quân đội Anh với Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên tàu Nữ hoàng Elizabeth chào đón một chiếc F-35 thuộc quân đội nước này.
Mặc dù viên phi công dường như không bị thương tổn nặng vì cú vấp ngã nhưng một số nhà quan sát phỏng đoán sự cố có thể khiến quân đội Anh phải tiêu tốn một khoản kha khá. Lí do vì, mũ của phi công, vốn được thiết kế riêng cho người điều khiển F-35, sử dụng công nghệ cao có giá lên tới 250.000 Bảng (hơn 7,5 tỷ đồng)/chiếc, có thể đã bị hư hại vì tai nạn ngoài ý muốn.
Trang Daily Star dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Anh cho hay, nhà chức trách đang tiến hành điều tra xem ai đã làm rò rỉ đoạn video “đáng xấu hổ” trên lên mạng internet.
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/sieu-tiem-kich-lan-dau-dap-tau-san-bay-anh-phi-cong-gap-su-co-hy-huu-579169.html
Lãnh đạo biểu tình Hong Kong
kêu gọi tuần hành bất chấp nguy cơ bị bắt
Các nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ kêu gọi người dân Hong Kong tham gia một cuộc tuần hành chống chính phủ vào Chủ nhật bất chấp nguy cơ bị bắt giữ, sau khi cảnh sát cấm cuộc tụ tập được coi là một phép thử đối với sức mạnh của phong trào phản kháng sau nhiều tháng bất ổn.Cảnh sát tuyên bố cuộc tuần hành là bất hợp pháp vào ngày thứ Sáu lấy lí do lo ngại về an toàn công cộng, và một tòa án vào thứ Bảy cho biết điểm đến của cuộc tuần hành – một đầu mối đường sắt chính với Trung Quốc đại lục – có thể bị tấn công và phá hoại.
Những người biểu tình kiên định nhất trong những tuần gần đây đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở kinh doanh từ Trung Quốc đại lục, xịt sơn bôi bẩn và đôi khi châm lửa đốt, trong khi những người Trung Quốc đại lục sống ở Hong Kong đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về sự an toàn của chính họ.
“Chúng tôi kêu gọi người dân Hong Kong… tập hợp một cách ôn hòa, tuần hành một cách ôn hòa, để cho cả thế giới thấy chúng tôi vẫn thiết tha với năm yêu sách,” nhà vận động Leung Kwok-hung nói vào ngày thứ Bảy, tuyên bố cuộc biểu tình sẽ xúc tiến.
Những đòi hỏi của người biểu tình bao gồm quyền phổ thông đầu phiếu, một cuộc điều tra độc lập về hành động của cảnh sát nhắm vào người biểu tình, ân xá cho những người bị buộc tội và chấm dứt mô tả người biểu tình là những kẻ bạo loạn.
Trước đây, hàng ngàn người đã thách thức cảnh sát và tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ mà không được cho phép, thường là ôn hòa khi bắt đầu nhưng trở nên bạo lực vào ban đêm. Người biểu tình ném gạch và bom xăng vào cảnh sát và cảnh sát đáp trả bằng dùi cui và hơi cay trên những con đường của thành phố.
Nhà lãnh đạo Hong Kong, Trưởng quan Hành chính Carrie Lam, đã bác bỏ những đòi hỏi của người biểu tình và vào ngày thứ Bảy bày tỏ ủng hộ việc cảnh sát sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình, giữa những chỉ trích về những chiến thuật nặng tay.
Hong Kong tương đối yên bình trong hai tuần qua sau khi các cuộc biểu tình bạo lực khiến nhà chức trách thành phố ban hành luật về tình trạng khẩn cấp thời thuộc địa.
Người biểu tình lo ngại rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn các quyền tự mà người dân Hong Kong được hưởng khi Anh trao lại thành phố này cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc và quy trách các nước ngoài như Mỹ và Anh kích động bất ổn.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-bieu-tinh-hong-kong-keu-goi-tuan-hanh-bat-chap-nguy-co-bi-bat/5131027.html
Hồng Kông : Hơi cay và vòi rồng
đối phó biển người biểu tình phẫn nộ
Thụy MyCảnh sát Hồng Kông hôm nay 20/10/2019 dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán hàng chục ngàn người đã xuống đường bất chấp lệnh cấm. Người dân phẫn nộ trước việc hai người biểu tình đòi dân chủ bị hành hung dã man trong tuần này.
Chính quyền cấm tụ tập tại Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), một khu phố rất đông dân có nhiều cửa hàng sang trọng, lấy lý do an ninh. Nhưng trưa nay một biển người đã tràn ngập các đường phố chính của Hồng Kông. Đây là weekend thứ 20 liên tiếp, phong trào phản kháng tiếp tục gây áp lực lên chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh.
Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa cho đến khi những nhóm nhỏ cực đoan mặc đồ màu đen quăng bom xăng vào một đồn cảnh sát, các trạm métro và các ngân hàng Trung Quốc. Cảnh sát bắn hơi cay, dùng vòi rồng phun nước màu xanh trộn với hóa chất làm phỏng da, tấn công đám đông biểu tình tại Nathan Road – một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất Hồng Kông. Người biểu tình bỏ chạy nhưng những thanh niên cứng rắn nhất vẫn ở lại, nổi lửa ở một số nơi để chận đà tiến của cảnh sát.
Sau khi chính quyền đặc khu cấm biểu tình che mặt vào đầu tháng 10, bạo lực đã nổi lên tại Hồng Kông với nhiều vụ phá hoại nhắm vào các công ty được cho là ủng hộ Trung Quốc. Nhiều người cho biết càng bị đàn áp, họ càng quyết đấu tranh, nhất là sau hai vụ tấn công bạo lực trong tuần này.
Tối qua 19/10, một thanh niên 19 tuổi phân phát truyền đơn kêu gọi biểu tình đã bị thương nặng vì một người lạ mặt đâm loạn xạ vào cổ và bụng một cách tàn nhẫn.
Trước đó vào hôm thứ Tư 16/10, nhà hoạt động Sầm Tử Kiệt (Jimmy Sham), phát ngôn viên Mặt trận Dân quyền Hồng Kông (FCDH) – hiệp hội chủ trương phi bạo lực từng tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa hàng triệu người – đã bị những kẻ vô danh dùng búa tấn công phải nhập viện.
Từ giữa tháng Tám đến nay, có tám khuôn mặt của phong trào dân chủ đã bị những kẻ vô danh ám hại. Đó là những cuộc tấn công có mục tiêu cụ thể, bị người biểu tình tố cáo là « khủng bố trắng », từ các nhóm xã hội đen được Bắc Kinh giựt dây.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191020-hong-kong-hoi-cay-va-voi-rong-doi-pho-bien-nguoi-bieu-tinh-phan-no
TQ đặt điều kiện ký thỏa thuận thương mại với Mỹ
Trung Quốc tuyên bố Mỹ phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan trước khi hai nước có thể ký được thỏa thuận thương mại cuối cùng sau các vòng đàm phán.“Lập trường, nguyên tắc và mục tiêu của Trung Quốc đối với các cuộc đàm phán Mỹ – Trung chưa bao giờ thay đổi. Mục tiêu cuối cùng của cả hai bên là các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại, hủy bỏ tất cả thuế quan bổ sung. Điều này tốt cho Trung Quốc, tốt cho Mỹ và tốt cho cả thế giới”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói trong cuộc họp báo hàng tuần hôm 17/10.
Mỹ và Trung Quốc đã vướng vào cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục áp thuế trả đũa đối với hàng tỷ USD hàng hóa của nhau.
Cuộc đàm phán mới nhất giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Washington tuần trước. Sau cuộc gặp, Mỹ thông báo tạm hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Kế hoạch này ban đầu dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/10.
Tổng thống Donald Trump thông báo Trung Quốc đã đồng ý “thỏa thuận giai đoạn 1” với Mỹ và thỏa thuận này sẽ được viết thành văn bản trong 3 tuần tới. Ông Trump cho biết thỏa thuận đã giải quyết các lo ngại về dịch vụ tài chính cũng như tài sản trí tuệ, cũng như việc Trung Quốc đồng ý mua khoảng 40 – 50 tỷ USD nông sản Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc không xác nhận số lượng nông sản mà các công ty Trung Quốc dự tính mua từ Mỹ, và cũng không xác nhận khi nào thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nước sẽ được ký kết.
“Chúng tôi hy vọng cả hai nước có thể tiếp tục làm việc cùng nhau để thúc đẩy đàm phán và sớm đạt được thỏa thuận theo từng giai đoạn, đồng thời đạt được bước tiến mới trong việc việc dỡ bỏ thuế quan”, ông Gao cho biết thêm.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30976-tq-dat-dieu-kien-ky-thoa-thuan-thuong-mai-voi-my.html
Những việc làm không như tuyên bố của TQ
liên quan đến Biển Đông
Mới đây, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại, đàm phán và các hành động thiết thực. Thế nhưng, những việc làm trên thực tế của Trung Quốc thường không như tuyên bố.Sử dụng những lý thuyết mới lạ mà không quốc gia nào chấp nhận
Trước hết là việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế. Năm 1982, cùng với 118 quốc gia khác, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó quy định rất rõ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở. UNCLOS cũng quy định rõ thềm lục địa của một quốc gia được xác định như thế nào.
Là thành viên UNCLOS, Trung Quốc có trách nhiệm phải thực thi các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc này. Thế nhưng, năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có “đường lưỡi bò” trên Biển Đông khiến dư luận thế giới kinh ngạc. Chẳng cần dựa trên cơ sở pháp lý nào, chẳng cần đưa ra lời giải thích nào, Trung Quốc khẳng định “đường lưỡi bò”, gồm 9 đoạn không có tọa độ đi kèm, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác.
Mỗi khi bàn đến “đường lưỡi bò” từ góc độ luật pháp quốc tế, thì Trung Quốc thường lơ đi. Khi buộc phải đáp lại, Bắc Kinh chỉ sử dụng cơ sở duy nhất để ngụy biện là “quyền lịch sử”. Thế nhưng, UNCLOS đã quy định rất rõ rằng, muốn gọi là “vùng biển lịch sử” thì phải đáp ứng ba yếu tố, gồm nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và cuối cùng là được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách
hàng hải. Trung Quốc thậm chí không đáp ứng được một trong ba yếu tố đó thì làm sao có “quyền lịch sử”.
Theo ông James Kraska thuộc Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ), Trung Quốc sử dụng những lý thuyết mới lạ mà không quốc gia nào chấp nhận, sử dụng ngôn ngữ phi chính thống, mơ hồ và tạo ra những khái niệm riêng nhằm cố biện minh một cách hợp pháp hành động của mình.
Sau khi Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc thực hiện chính sách 3 không “Không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết” nhằm vô hiệu hóa trên thực địa phán quyết của Tòa. Không còn lý dùng khái niệm “quyền lịch sử” sau phán quyết của Tòa trọng tài những trên thực tế, Trung Quốc vẫn quyết áp đặt “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian gần đây là bằng chứng rõ nhất. Những khu vực mà tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm như bãi Tư Chính nằm cách Vũng Tàu của Việt Nam chỉ 160 hải lý, trong khi bãi Tư Chính của Việt Nam cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý thì làm sao có thể trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc? Điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng giẫm đạp lên các nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Khoe yêu chuộng hòa bình, nhưng lại dùng sức mạnh quân sự chèn ép nước khác
Năm 1988, Trung Quốc chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, biến các bãi đá này thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa).
Trước sự lo ngại của dư luận các nước, năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh không có kế hoạch quân sự hóa các đảo này. Thế nhưng trên thực tế, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc biến các đảo nhân tạo này thành các cơ sở quân sự. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh và khẳng định có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên 3 thực thể là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
Theo tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung Quốc đã triển khai đến Trường Sa hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B uy lực nhất của nước này, có khả năng tiêu diệt các tàu trong khoảng cách 340 dặm. Đi liền với YJ-12B và hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc là HQ-9B với tầm bắn lên đến 184 dặm.
Tháng 12-2016, Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6 hiện đại nhất của mình thực hiện các chuyến bay tuần tra dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Tháng 5-2018, máy bay ném bom chiến lược H-6K bắt đầu diễn tập cất cánh, hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam.
Khi bị báo chí chất vấn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị biện bạch lại rằng hoạt động quân sự hóa Biển Đông là cách để Trung Quốc tự vệ trước sức ép an ninh từ Mỹ và các nước khác ngoài khu vực. Trong bài viết mang tựa đề châm biếm Biển Đông bị quân sự hóa dưới tay Trung Quốc “yêu hòa bình”, tờ Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 27-8-2019 đăng bình luận của ông Vishnu Prakash, nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc, rằng Trung Quốc luôn lớn tiếng khoe mình là một nước yêu chuộng hòa bình, nhưng trong hành động thì lại dùng sức mạnh quân sự đi chèn ép các nước láng giềng.
Theo Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, Trung Quốc triển khai khí tài, xây dựng cơ sở quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa là nhằm phô diễn ưu thế quân sự để buộc các bên tranh chấp khác phục tùng mà không cần phải khai hỏa. Bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lưu ý rằng hành động quân sự hóa này đi ngược lại với lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh không có kế hoạch quân sự hóa các đảo.
Khó đẩy nhanh tiến trình hoàn tất COC
Tháng 11-2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện thì gặp nhiều khó khăn. Trong khi phạm vi áp dụng của DOC được các nước ASEAN hiểu bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa là những khu vực có tranh chấp, thì Trung Quốc lại hiểu chỉ bao gồm Trường Sa. Trung Quốc cũng không chấp nhận thực tế các nước ASEAN coi DOC như một văn kiện giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là ASEAN và phối hợp lập trường trong quá trình thực hiện DOC. Bắc Kinh chỉ muốn thảo luận song phương với các bên tranh chấp ở Biển Đông.
Sự thiếu hiệu quả của DOC khiến các bên muốn tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), bước tiếp theo của (DOC), mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn. Bất chấp nỗ lực của các nước ASEAN, phải đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý ngồi lại đàm phán về COC. Nguyên nhân là bởi COC là những quy tắc phải tuân theo, chứ không phải như DOC chỉ là tuyên bố.Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông thì đương nhiên không muốn có một bộ quy tắc mang tính ràng buộc.
Phải sau phán quyết lịch sử của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bắc Kinh mới đồng ý đẩy nhanh tiến trình “tham vấn” về COC để cứu vãn uy tín. Năm 2017, ASEAN và Trung Quốc thống nhất được khuôn khổ của COC. Dù đánh giá đây là bước đi quan trọng nhưng dư luận cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc đã hoàn thành quân sự hóa các đảo đá nhân tạo ở Trường Sau. Bây giờ Trung Quốc muốn có một thỏa thuận để công nhận hiện trạng đấy.
Bình luận về động thái của Trung Quốc, tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore đã ví sự lảng tránh đẩy nhanh tiến trình hoàn tất COC của Trung Quốc với hiện tượng “ảo ảnh trong sa mạc”. Ông Ian Storey mô tả: “Khi bạn càng tiến gần đến nó, nó sẽ càng lùi xa và sau cùng khi đã đến nơi trong tình trạng bị nóng bức, họng khát khô và kiệt sức, thì bạn nhận ra rằng chẳng có gì ở đó cả”.
http://biendong.net/bi-n-nong/30968-nhung-viec-lam-khong-nhu-tuyen-bo-cua-tq-lien-quan-den-bien-dong.html
Thái Lan : Phuket vắng khách Trung Quốc,
trông cậy vào du khách Ấn
Thụy MyTại Phuket, các khách sạn, nhà hàng, quán bar lo lằng trước mùa du lịch sắp tới. Địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan nay thưa thớt khách Trung Quốc, và đang trông chờ vào du khách Ấn Độ.
Thành phố bên bờ biển Andaman bị sóng thần tàn phá năm 2004, đã trở thành điểm đến thứ nhì của Thái Lan chỉ sau thủ đô Bangkok, và khách du lịch Trung Quốc là đông đảo nhất. Có đến 2,2 triệu khách Trung Quốc đến nghỉ dưỡng tại Phuket trong năm 2018, được thu hút bởi thiên nhiên xinh đẹp và cuộc sống ban đêm náo nhiệt.
Tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm 2019, Phuket chỉ mới tiếp đón 1,4 khách Trung Quốc, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Claude de Crissey, chủ một khách sạn khoảng 40 phòng nói với AFP : « Thường thì khách Trung Quốc đến đây ngay cả không phải là mùa cao điểm, lấp đầy các phòng khách sạn. Nhưng năm nay khá đìu hiu, chúng tôi phải giảm giá phòng từ 30 đến 50% ».
Gần bãi biển Patong, thủ phủ của cuộc sống về đêm, các quán bia, bar có tiếp viên và cơ sở massage vắng vẻ. Poan, người quản lý một quán bar than thở : « Các cô gái chán nản, tiền ‘boa’ (pourboire) chẳng được bao nhiêu ».
Khách Trung Quốc tránh đến Phuket từ sau tai nạn chìm tàu tháng 7/2018 tại đây làm 47 người đồng hương thiệt mạng. Cuộc chiến tranh thương mại với Washington cũng khiến họ ít muốn đi du lịch, đồng bath Thái Lan ngày càng có giá hơn so với đồng nhân dân tệ, làm sức mua của khách Trung Quốc giảm ít nhất 10%. Hậu quả là các nhà tổ chức tour ở Trung Quốc tăng giá để còn có lời, và những người thu nhập thấp thường đi thành những đoàn lớn, không muốn đi tour nữa.
Hơn nữa, Phuket có thể đã quá lạc quan, trong khi còn phải cạnh tranh với Việt Nam và Cam Bốt.
Theo Bhummikitti Ruktaengam, chủ tịch hiệp hội Phuket Tourism, hiện nay hòn đảo này có đến 150.000 khách sạn và nhà trọ, gấp đôi so với Paris, chưa kể 3.000 phòng đang được xây dựng ! Kongsak Khoopongsakorn, giám đốc resort hạng sang Vijitt cho biết đã hạ giá đến 70% và đang chờ đợi lượng khách mới từ Ấn Độ.
Nhờ có nhiều tuyến đường bay trực tiếp, được miễn visa và giai cấp trung lưu tăng nhanh, khách Ấn đến Thái Lan đã tăng 25% so với năm ngoái, và từ nay đến 2028. Một tin vui cho vương quốc, vì theo các chuyên gia, du khách Ấn Độ chi tiêu nhiều hơn khách Trung Quốc – vốn được mệnh danh là « du khách zéro đô la » vì chỉ tiêu xài bằng nhân dân tệ trong vòng quay khép kín các cơ sở của người Hoa. Người Nga và các nước Ả Rập năm nay cũng hiện diện nhiều hơn ở Phuket.
Yuthasak Supasorn, giám đốc cơ quan du lịch Thái Lan tỏ ra lạc quan, tin rằng sẽ đạt chỉ tiêu 39,8 triệu khách ngoại quốc trong năm nay. Ngành du lịch Thái sẽ nỗ lực thu hút các du khách rủng rỉnh tiền, ít bị áp lực vì đồng tiền mất giá, và chú ý hơn đến du lịch sinh thái.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191020-thai-lan-phuket-vang-khach-trung-quoc-trong-cay-vao-du-khach-an
Bốn người chết ở Bangladesh vì bài viết trên Facebook
Ít nhất bốn người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương hôm 20/10 trong các vụ đụng độ với cảnh sát ở Bangladesh vì một bài viết trên Facebook bị cho là xúc phạm tín đồ Hồi giáo, theo Reuters.Các vụ đụng độ xảy ra ở quận Bhola, cách thủ đô Dhaka 195 km, khi các đám đông đầy giận dữ phản đối một bài viết trên Facebook, trong đó một tín đồ Hindu được cho là đã có các bình luận xúc phạm Nhà Tiên tri Mohammad.
XEM THÊM:
Biệt kích Bangladesh bắn chết nghi can không tặc
Cảnh sát nói rằng Facebook đã bị tin tặc tấn công và các hacker đã bị bắt.
Reuters dẫn lời một đại diện cảnh sát nói rằng họ đã phải nổ súng để tự vệ khi một số người bắt đầu ném gạch đá vào cảnh sát.
Tin cho hay, bốn người thiệt mạng và một cảnh sát bị thương vì trúng đạn.
Chính quyền đã triển khai thêm bộ đội biên phòng và cảnh sát tới Bhola, theo Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%91n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-%E1%BB%9F-bangladesh-v%C3%AC-b%C3%A0i-vi%E1%BA%BFt-tr%C3%AAn-facebook/5131614.html
0 comments