Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 11/09/2019

Wednesday, September 11, 2019 4:44:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 11/09/2019

Việt Nam phát hiện nhiều kho xưởng

chứa hóa chất sản xuất ma túy

do người Trung Quốc đứng đầu

Bộ Công an Việt Nam hôm 11/9 thông báo vừa phát hiện một công xưởng tập kết hóa chất dùng để sản xuất ma túy tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kom Tum với khối lượng rất lớn lên tới hơn 13 tấn.
Thông tin trên do đại tá Vũ Văn Hậu, phó Cục trưởng Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an, xác nhận tại buổi họp báo thông báo kết quả hội nghị cấp bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia vào chiều 10/9 tại Hà Nội.
Theo thông tin của Bộ Công an, vào ngày 6/8 hàng trăm cảnh sát đã ập vào kiểm tra khu nhà xưởng của công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên tại thị trí Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và phát hiện số lượng lớn rất lớn hóa chất dùng để sản xuất ma túy cùng với nhóm 7 người mang quốc tịch Trung Quốc đang tham gia sản xuất tại xưởng này.
Trong quá trình khám xét, cơ quan chức năng thu giữ hàng tram lít dung dịch, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị dùng để sản xuất trái phép tiền chất ma túy. Kho xưởng sản xuất ma túy này thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên do ông Trần Ngọc An làm chủ với hoạt động chính về buôn bán vật liệu xây dựng…nhưng được nhóm người Trung Quốc thuê lại và hoạt động sản xuất ma túy.
Vào ngày 11/9 Công an Bình Định cũng vừa phát hiện một khối lượng hóa chất cực lớn được giấu kín trong 2 kho xưởng và nhiều dụng cụ để tinh chế, sản xuất ma túy cũng do nhóm người Trung Quốc đứng đầu.
Công an tỉnh Bình Định cho biết sau khi tiến hành kiểm tra 2 kho hàng chứa hóa chất tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, phát hiện khối lượng khổng lồ hóa chất dùng để sản xuất ma túy được cất giấu trong 286 thùng phuy, trên 300 bao bột và nhiều dụng cụ dùng để sản xuất ma túy, cùng với nhóm 6 người Trung Quốc có nhiệm vụ canh giữ kho xưởng này.
Hội nghị ba bên cấp Bộ trưởng Campuchia – Lào –Việt Nam về hợp tác phòng chống ma túy lần thứ 18 diễn ra tại Hà Nội, cũng công bố từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 7/2019 lực lượng phòng chống ma túy của 10 tỉnh giáp biên giới Việt Nam và Lào đã phát hiện và bắt giữ 128 vụ án, tháo gỡ 70 đường dây tội phạm ma túy, bắt giữ 4.471 người và thu về hơn 156 kilogram heroin, gần 2000 kg ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật tài sản khác liên quan vụ việc.
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng Việt Nam cho biết phá được những đường dây buôn ma túy với số lượng lớn do những đối tượng người nước ngoài gổm Trung Quốc, Đài Loan, Lào điều hành với sự tiếp tay của người trong nước.

Bộ GTVT: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông

phải được đảm bảo an toàn trước khi khai thác

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cho biết, đường sắt Cát Linh – Hà Đông là công trình cấp đặc biệt và phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi bàn giao dự án, đưa vào khai thác.
Bộ GTVT được truyền thông trong nước trích dẫn vào ngày 11 tháng 9 cũng cho biết tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là do Liên danh Apave-Certifier-Tricc thực hiện, trong đó Apave dẫn đầu liên danh là nhà tư vấn có uy tín châu Âu về đánh giá an toàn đường sắt đô thị, được lựa chọn qua đấu thầu để thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD,  sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.

Khiếu kiện Văn Giang – Hưng Yên:

Bao giờ mới có lối ra?

Sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có buổi làm việc tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 8 vừa qua về việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và vấn đề khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài tại tỉnh này, hôm 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Trong đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên phải giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của người dân.
Chính quyền “lấy đất” trái quy định
Theo tổ công tác chính phủ, mặc dù trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên hiện vẫn còn tồn đọng 27 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đặc biệt vụ khiếu nại của một số công dân liên quan đến Dự án khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn Giang kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Với kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, chính quyền Hưng Yên sẽ vào cuộc giải quyết khiếu kiện cho người dân ổn thỏa?
Trao đổi với RFA hôm 10/9, Ông Trương Công Kỉnh, ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cho biết tình hình thực tế tại địa phương:
“Đối với bà con ở Văn Giang hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đi khiếu kiện về việc chính quyền từ tỉnh, huyện, kể cả trung ương thu hồi đất của chúng tôi để làm dự án Ecopark trái luật. Vì luật quy định thu hồi đất của chúng tôi phải có quy hoạch sử dụng đất, trước khi thu hồi phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ cá nhân. Nhưng UBND tỉnh Hưng Yên trước đây đã không làm được động thái đó, họ cứ mang người về phá hoại tài sản, cướp đất của chúng tôi, thậm chí hăm dọa, đánh đập người dân.”
Ông Trương Công Kỉnh cho biết, ông và người dân Văn Giang kiên quyết không bỏ cuộc, sẽ vẫn tiếp tục đi khiếu kiện ra trung ương, gởi đơn các nơi để yêu cầu giải quyết.
Vì cưỡng chế phải dựa trên quyết định thu hồi đất hợp pháp, nhưng dường như chính quyền họ cũng thấy họ sai, nên có chỉ đạo tòa án không thụ lý đơn khỏi kiện của người dân.
-Luật sư Hà Huy Sơn
Ông Phạm Hoành Sơn, từng là người đại diện cho người dân Văn Giang, Hưng Yên trước đây, hôm 10/9 cho RFA biết tình hình hiện nay:
“Hiện nay các hộ dân còn lại mà chưa nhận tiền đền bù thì họ vẫn đến các điểm tiếp dân của nhà nước quy định để khiếu nại tố cáo về vụ việc đó. Nhưng các cơ quan ban ngành đó cho dù chính phủ chỉ đạo nhưng tỉnh và huyện vẫn hứa không chịu giải quyết theo pháp luật quy định, cứ để dân khiếu kiện kéo dài.”
Dự án khu đô thị Văn Giang – Hưng Yên được phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt vào năm 2004. Đây là dự án do công ty Việt Hưng làm chủ đầu tư trên diện tích 500 ha đất của 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Người dân ba xã này đã không nhất trí mức đền bù quá thấp mà chính quyền và chủ đầu tư đưa ra vì vậy quyết tâm không giao đất, nhưng chính quyền vẫn cưỡng chế, dẫn đến nhiều vụ đàn áp, tranh chấp khiếu kiện kéo dài.
Khi trao đổi với RFA hôm 10/9 về vấn đề này, Luật sư Hà Huy Sơn,  cho biết:
“Khu Đô thị Văn Giang thì trước đây người ta thu hồi đất mà không có quyết định thu hồi đối với từng hộ gia đình, do đó chính quyền đã thực hiện việc cưỡng chế hồi năm 2012 trái pháp luật. Người dân sau đó cũng có đơn kiện vụ án hành chính về hành vi cưỡng chế trái pháp luật. Vì cưỡng chế phải dựa trên quyết định thu hồi đất hợp pháp, nhưng dường như chính quyền họ cũng thấy họ sai, nên có chỉ đạo tòa án không thụ lý đơn khỏi kiện của người dân.”
Với ý kiến của Luật sư Sơn vừa nêu, ông Phạm Hoành Sơn cũng cho rằng, vụ Văn Giang là điển hình của việc chính quyền làm không đúng theo quy định – “họ dùng quyền lực để thu hồi đất dân sự”:
“Như luật sư Trần Vũ Hải đại diện cho chúng tôi trước đây đã tuyên bố rõ đây là hành vi cướp đất chứ không phải thu hồi, họ không làm gì đúng pháp luật vào thời điểm thu hồi đất. Tôi là người dân thì không thể có ý kiến vĩ mô, nhưng theo tôi, chỉ cần làm theo đúng pháp luật là tốt rồi.”
Chỉ đạo thật – thực hiện giả
Trở lại với văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ hôm 10/9/2019, tổ công tác chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên phải tăng cường đối thoại, tiếp dân tại nơi xảy ra vụ việc, phải đặt mình vào vị trí của dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thấy được những bức xúc của dân, để có biện pháp giải quyết có lý, có tình.(!?)
Tuy nhiên, Ông Trương Công Kỉnh, ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, vẫn nghi ngờ chỉ đạo này:
“Mặc dù văn phòng chính phủ có văn bản chỉ đạo, như những lần trước cũng từng có ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề Văn Giang, thậm chí có những đoàn công tác thanh tra, ngay ông Thủ tướng hiện nay là Nguyễn Xuân Phúc, trước đây là Phó thủ tướng cũng đã có ý kiến xem xét giải quyết dứt điểm vụ Văn Giang. Nhưng họ nói là một việc, nhưng phải xem kết quả, mới biết họ thật sự có quan tâm người dân hay lắng nghe ý kiến của dân, hay họ có đặt họ vào vị trí của dân hay không?”
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết, theo kinh nghiệm của cá nhân ông, dạng văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, hay là các cấp chỉ đạo cho địa phương giải quyết dứt điểm khiếu kiện… thì dạng văn bản này nhiều và theo ông cũng chẳng có hy vọng gì nhiều cho trường hợp Văn Giang, Hưng Yên.
Cũng như Hưng Yên, các nông dân ở Dương Nội, Hà Đông, thủ đô Hà Nội cũng phải khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm, vì đất đai của họ bị cưỡng chế một cách bất công.
Nông dân Dương Nội gửi đơn khiếu kiện đầu tiên liên quan đất đai của họ bị trưng thu không minh bạch từ năm 2008. Tuy nhiên, các đơn thư khiếu nại của họ không được giải quyết và chính quyền địa phương bắt đầu tiến hành cưỡng chế vào năm 2010. Cuộc đấu tranh giữ đất của người dân Dương Nội kéo dài cho đến nay và đã có 7 nông dân ở Dương Nội bị bắt giữ và giam cầm tổng cộng hơn 100 tháng tù, trong đó có tù nhân lương tâm nổi tiếng Cấn Thị Thêu.
Cho đến ngày 17/04/19, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một cuộc đối thoại với các nông dân ở Dương Nội, Hà Đông, thủ đô Hà Nội liên quan việc khiếu kiện đất đai của họ kéo dài trong nhiều năm.
Tuy nhiên hôm 10/9, Bà Cấn Thị Thêu, cho RFA biết về tình hình khiếu kiện đất đai tại địa phương mình vẫn chưa có tiến triển gì sau khi gặp thanh tra chính phủ vào tháng 4 vừa qua:
“Ở Dương Nội thì từ ngày 17/4 họ cũng kêu bà con đến gặp Thanh tra Chính phủ, người ta cũng nói xem xét lại để giải quyết cho bà con… nhưng từ ngày đó đến giờ cũng chưa có động thái gì. Theo tôi không thể đặt hết hy vọng họ sẽ giải quyết cho bà con, phải xem động thái của họ như thế nào, chứ họ hứa thì họ hứa nhiều lắm. Nhưng cũng có thể động thái này cũng có khả năng là họ thấy nguy cơ tiềm ẩn từ những người dân mất đất, họ cũng có lo sợ và từng nói đừng để những đốm lửa nhỏ thiêu cháy cả cánh rừng. Vì thế có thể họ sẽ xem xét rút bớt những điểm nóng.”
Người dân tại những nơi bị cưỡng chế như Dương Nội hay vụ cưỡng chế ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Đồng Tâm, Hà Nội và những vụ như Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng tại Sài Gòn… đều kiên quyết giữ đất vì họ cho rằng “còn đất, còn người”; trong khi đó đất lại bị chính quyền nhân danh qui hoạch làm dự án cho dân nhưng cuối cùng lại bị thâu tóm bởi những nhóm lợi ích khác. Nghịch lý phát sinh khi tiền bồi thường cho dân bất hợp lý, bán đất cho tư nhân với giá cao, dẫn đến khiếu kiện dai dẳng xảy ra, trong khi đó các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đều đùn đẩy cho nhau, không giải quyết dứt điểm oan ức cho người dân.
Theo Luật sư Hà Huy Sơn, qua những vụ việc này mới thấy – mấu chốt của vấn đề là do không có một nhà nước pháp quyền, không có sự độc lập của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp… thì pháp luật không được thượng tôn…

Yêu cầu xử lý tổ chức, cá nhân

liên quan dự án đường 250 tỉ bị hư hỏng

Bộ Giao thông-Vận tải hôm 11/9 đã ra thông cáo yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai sau khi xuất hiện những hư hỏng nền, sạt lún nghiêm trọng.
Bộ Giao thông-Vận tải cũng đã có yêu cầu đình chỉ chức vụ các cá nhân liên quan đến dự án trên để ‘tập trung khắc phục sự cố’.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai do Ban Quản lý Dự án 6 (QLDA6) thực hiện với kinh phí 250 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành khối lượng xây lắp vào tháng 6 năm nay và đang được thực hiện các thủ tục nghiệm thu để đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên từ ngày 3/9, trên mặt đường dự án đoạn Km 10+200 – Km10+350 xuất hiện những hư hỏng, sạt lún nghiêm trọng.
Bộ Giao thông-Vận tải yêu cầu Ban QLDA6 khẩn trương rà soát, kiểm tra hiện trường toàn tuyến và báo cáo cơ quan thẩm quyền nguyên nhân, đề xuất xử lý, khắc phục hư hỏng trước ngày 20/9.
Bộ Giao thông-Vận tải xác định vụ việc trên đã làm ảnh hưởng uy tín ngành Giao thông Vận tải và niềm tin nhân dân.
Tình trạng các tuyến đường giao thông mới xây dựng tại Việt Nam với chất lượng kém bị truyền thông loan tải khá nhiều.
Cao tốc dài 139km Đà Nẵng-Quảng Ngãi được xây dựng năm 2013 với tổng kinh phí 34,5 tỷ đồng được nói đã xuất hiện các hố và vết nứt ở đoạn Tam Kỳ-Quảng Ngãi ngay sau khi được đưa vào sử dụng hồi tháng 8/2017.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận trên cao tốc quốc gia 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cầu Thăng Long ở Hà Nội.
Hồi tháng 6 năm nay, ông Nguyễn Văn thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, thừa nhận trước quốc hội rằng những dự án giao thông tại Việt Nam có chất lượng thấp vì nhà thầu yếu kém.

Bộ Tài Nguyên – Môi Trường bỏ những từ “nhạy cảm”

trong thông báo về vụ cháy Rạng Đông

Người dân sống quanh Nhà máy Công ty Cổ phần Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông sau hai tuần lễ hỏa hoạn xảy ra vẫn còn ngửi được mùi khét của vụ cháy.
Mang bao Zing loan tin nêu rõ trong khu vực bán kính 200 mét quanh nhà máy, đặc biệt tại những con đường quanh khu nhà xưởng, bên trong các nhà dân sát hiện trường vẫn còn mùi khét nhiều.
Theo ghi nhận của người dân thì mùi khét xuất hiện kể từ ngày xảy vụ cháy hôm 28 tháng 8. Đến hơn 1 tuần sau, hiện trường được phủ bạt, xây bờ be, nhưng gần như không thể giảm được mùi khét. Trong khi đó bụi, tro cùng mùi nhựa, bóng đèn cháy mới lan khắc khu vực dân cư.
Phó Giáo sư. Tiến sĩ Trần Hồng Côn, nguyên Giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng nguyên nhân mùi khét vẫn còn quanh khu vực là do nhiều chất hữu cơ chưa cháy hết.
Cũng tin liên quan, vào ngày 11 tháng 9, Bộ Tài Nguyên- Môi trường có phát biểu về việc cho sửa lại thông báo về thủy ngân phát tán ra môi trường do vụ cháy.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường, ông Hoàng Văn Thức, cho biết chỉ cho bỏ đi những từ gọi là ‘nhạy cảm’ trong thông báo; tuy nhiên kết quả quan trắc không có gì thay đổi.
Những cụm từ phải bỏ đi vì được cho là nhạy cảm gồm ‘qua đấu tranh công ty mới chịu thừa nhận’.
Trước đó, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường, ông Võ Tuấn Nhân thông báo lượng thủy ngân đo được tại khu vực công ty Rạng Đông cao gấp từ 10 đến 30 lần so với khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Trong báo cáo cập nhật của Tổng Cục Môi Trường, Công ty Rạng Đông thừa nhận 480 ngàn bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thủy ngân lỏng. Lượng thủy ngân phát tán ra môi trường do vụ cháy là từ hơn 15 kilogram đến hơn 27 kilogram.
Phát biểu mới nhất của Tổng Cục Môi trường bị cho là khiến nhiều người dân hoài nghi và lo lắng.
Cũng tin liên quan, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong thời gian tới sẽ phối hợp cùng Phòng Giáo dục- Đào Tạo quận Thanh Xuân tiến hành khám sức khỏe miễn phí cho học sinh Trường Tiểu học Hạ Đình và Trường Trung học Cơ sở Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là hai trường nằm trong khu vực bị tác động bởi vụ cháy ở Công ty Cổ phần Bóng Đèn- Phích nước Rạng Đông.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết từ ngày 6 tháng 9, khi bắt đầu khám sức khỏe cho người dân trong khu vực chịu tác động, đến hết ngày 10 tháng 9 đã có hơn 1.440 người được khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí.

Những phát ngôn “không giống ai”

của quan chức vào đầu năm học

Diễm Thi, RFA
Những phát biểu ngớ ngẩn…
Ngay trước ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lên tiếng với truyền thông trong nước rằng năm nay ngành giáo dục phải xác định việc ‘dạy người’, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh ưu tiên hàng đầu.
Ngay khi nghe câu nói này, mạng xã hội tràn ngập những câu châm biếm như “Chức bộ trưởng cũng nên được con người đảm nhiệm!”; “Còn Phùng Xuân Nhạ thì mọi lời tốt đẹp về giáo dục đều vô nghĩa!”
Sau hàng loạt những lời xì xào của cư dân mạng nhắm vào “phát” ngôn của Bộ trưởng Nhạ thì cũng trong ngày khai giảng tại trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM, ông Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lại phát biểu trước các học sinh với những lời lẽ “răn dạy” rằng, “Sau bằng đại học, cao đẳng, các em cần phải có bằng làm con hiếu thảo, làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ hạnh phúc”.
Các em phải được huấn luyện, được giáo dục để trở thành vừa hồng vừa chuyên. Nghĩa là các em phải có tư tưởng cộng sản. ‘Hồng’ đi trước, ‘chuyên’ đi sau. – GS. Phạm Minh Hoàng
Nhà báo Chu Vĩnh Hải viết trên facebook cá nhân của ông rằng “Ông Nguyễn Thiện Nhân là một người có tư chất nếu không nói là thông minh. Nhưng có lẽ do chung sống quá lâu với lũ ngu muội trong trại súc vật nên ông Nhân đã có những quan điểm hết sức u tối…
Có thể đưa con khỉ ra khỏi khu rừng nhưng không thể đưa khu rừng ra khỏi đầu con khỉ”.
Trước đó nữa, như thông lệ vào mỗi đầu năm học mới, Chủ tịch nước thường gửi một thư chúc mừng đến cho học sinh.
Bức thư gửi học sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9/1945 có lời nhắn nhủ riêng cho các em học sinh lớn là: “Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”.
Năm nay, với vai trò vừa là Chủ tịch nước, vừa là Tổng bí thư ĐCSVN, bức thư của ông Nguyễn Phú Trọng gửi cho học sinh có đoạn: “Mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Từ Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng lên tiếng rằng, theo truyền thống thì hàng năm Chủ tịch nước đều viết thư gửi các em học sinh, các cháu học sinh. Riêng năm nay ông Nguyễn Phú Trọng lại viết và gửi ngành giáo dục với lời lẽ đanh thép và chính trị. Ông nói thêm:
“Tôi thấy điều quan trọng ở đây là ông Trọng muốn giữ vững bản tính chính trị, còn phẩm chất đạo đức và tâm huyết với nghề thì đi sau. Quan trọng hơn nữa là trong tương lai, các em phải được huấn luyện, được giáo dục để trở thành vừa hồng vừa chuyên. Nghĩa là các em phải có tư tưởng cộng sản. ‘Hồng’ đi trước, ‘chuyên’ đi sau.”
Và, cần những phát biểu đúng thực tế
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng từ Sài Gòn thì cho rằng, không bàn về những phát ngôn của các quan chức nữa vì nó quá nhiều và quá ngớ ngẩn. Vấn đề đáng nói là vì sao mà càng ngày càng nhiều câu phát biểu khiến dân chỉ biết phì cười như thế. Ông nhận xét riêng về những phát biểu bi hài đầu năm học này:
“Vừa rồi có phát biểu của một số ông, cao nhất là ông Nguyễn Phú Trọng vừa là Tổng bí thư – vị trí cao nhất của đảng, vừa là Chủ tịch nước – cao nhất trong hệ thống chính quyền; ông thấp hơn là ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM; đặc biệt là ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, thì một người bình thường cũng nhận thấy rằng họ nói lại những điều mà mấy chục năm trước họ đã nói. Họ nói như một thói quen, không nghĩ ngợi, chẳng hạn như ‘vừa hồng vừa chuyên’”.
Ông cho rằng tất cả là do cơ chế, bởi trong xã hội Việt Nam hiện nay, người dân đâu có được tự do lựa chọn người có năng lực quản trị đất nước. Bầu cử chỉ là cho vui. Khi thiết chế dân chủ không được xác lập mà còn duy trì “đảng cử dân bầu” thì hiện tượng các quan chức phát biểu những câu thiếu suy nghĩ, phát biểu như cái máy sẽ còn tồn tại.
Tuy nhiên ông cũng nêu một hiện tượng mà ông cho là một điểm sáng trong bức tranh xám xịt hiện nay, chỉ tiếc nó quá hiếm, đó là thư gửi học sinh của những lãnh đạo trẻ như Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương hay ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Một người bình thường cũng nhận thấy rằng họ nói lại những điều mà mấy chục năm trước họ đã nói. Họ nói như một thói quen, không nghĩ ngợi, chẳng hạn như ‘vừa hồng vừa chuyên’. – PGS-TS Hoàng Dũng
Ngày 4/9/2019, Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Yên đăng tải bức thư của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương gửi thầy cô giáo và các em học sinh tỉnh Phú Yên nhân ngày khai giảng năm học mới. Bức thư được cho là không bị sa vào ngôn ngữ hành chính nặng nề, vượt thoát khỏi khuôn sáo cũ rích khi ông nói rằng: “Tri thức, ngoại ngữ, kỹ năng sống sẽ giúp các em trở thành công dân hữu ích, sẵn sàng hội nhập vào cộng đồng, quốc tế. Rồi đây, các em sẽ có đủ bản lĩnh, tài năng, trí tuệ và nhân cách để đưa quê hương Phú Yên, đất nước Việt Nam mình tiếp tục đi lên, sánh vai với các quốc gia lớn trên thế giới.”
Còn bức thư của ông Phan Ngọc Thọ thì nhắn nhủ các em học sinh cần có kỹ năng sống, có thể chất tốt, giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin, giàu lòng vị tha, thích nghi với đổi mới, khát khao cống hiến đang đòi hỏi sự nỗ lực học tập không ngừng của các em và sự quan tâm của xã hội.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng kết luận:
“Tôi cho đó là những vị lãnh đạo biết nói theo đúng ý nghĩ của mình, biết nói theo đúng suy nghĩ của người nghe, dùng ngôn ngữ phù hợp với người nghe. Cho nên chỉ nhìn riêng những phát biểu mùa tựu trường thì không phải là bức tranh toàn màu xám, tuy nhiên những người ăn nói theo quán tính, kỳ khôi như tôi đã phân tích thì chiếm số đông. Đó là điều đáng buồn!”
Thật ra chuyện các vị lãnh đạo đất nước phát biểu những câu nói bị cho là lố bịch, vớ vẩn không phải bây giờ mới xảy ra, mà ngay từ năm 2013, khi là Tổng Bí thư, trong một buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ngày 7/12/2013, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “gây sốc” khi ông nhận định về vấn nạn tham nhũng của Việt Nam rằng, “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ… Cho nên chúng ta phải xem xét, bĩnh tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt…”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.