Tin Biển Đông – 11/09/2019
Trung Quốc đưa máy bay không người lái
giám sát Biển Đông
Trung Quốc triển khai mạng lưới máy bay không người lái để giám sát các đảo tại Biển Đông. South China Morning Post đưa tin hôm 10/9.
Theo SCMP, mạng lưới máy bay không người lái do Bộ Tài nguyên Trung Quốc vận hành với mục tiêu được nói nhằm giúp nâng cao khả năng giám sát của nước này trên Biển Đông.
Các máy bay không người lái này sẽ hỗ trợ cho hệ thống cảm biến từ xa của vệ tinh Trung Quốc, được trang bị camera chụp được từ nhiều góc độ cùng các thiết bị liên lạc di động đóng vai trò như các trạm chuyển tiếp và mạng lưới viễn thông hàng hải dựa trên vệ tinh.
SCMP trích thông tin từ trang web của Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho hay: “Hệ thống này được sử dụng trong việc quản lý hàng hải, bao gồm giám sát các vùng biển có dấu hiệu đáng ngờ, kiểm tra các địa điểm hay xảy ra bất ổn và theo dõi các đảo và các vùng biển theo thời gian thực. Hệ thống sẽ đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp theo dõi thảm họa và ứng phó khẩn cấp, chẳng hạn các sự cố tràn dầu hay hiện tượng bùng phát tảo biển gây thủy triều đỏ”.
Cũng theo SCMP, Trung Quốc cũng đang phóng hệ thống vệ tinh để thiết lập chòm sao vệ tinh Hải Nam nhằm giám sát hoạt động diễn ra hàng ngày trên Biển Đông. Dự án này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2021, bao gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu phổ và 2 vệ tinh radar.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng hàng hải quy mô lớn, thiết lập các hệ thống radar thời tiết, theo dõi hàng hải, các trạm giám sát môi trường, cung cấp thông tin cho các lực lượng hoạt động trên biển.
TQ sẽ triển khai mạng lưới drone để giám sát Biển Đông
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc đang triển khai một mạng lưới máy bay không người lái để giám sát một số khu vực chiến lược trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Đưa tin này, trang mạng Maritime-executive.com nói rằng Trung Quốc hiện đã có một hệ thống giám sát vệ tinh tinh vi để theo dõi các vùng biển, kể cả Biển Đông, và giờ đây Bắc Kinh dự tính tăng cường hệ thống này bằng cách đầu tư thêm trong nhiều năm tới để mở rộng phạm vi hoạt động tới các đảo xa xôi và các vùng biển rộng lớn trên Biển Đông.
Hệ thống vệ tinh Quan sát Trái đất-Hải Nam của Trung Quốc sắp tới đây sẽ có 10 vệ tinh trang bị radar nhắm vào các vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
Nguồn tin này nói rằng thêm vào đó, nhiều đảo được xây cất, củng cố và hiện đang do Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông cũng được trang bị các dàn radar tần số cao, để tăng cường khả năng của Bắc Kinh trong việc giám sát những sự đi lại trên biển và trên không tại khu vực phía Nam biển Đông.
Báo South China Morning Post trích thông cáo của Cục Nam Hải, Bộ Tài Nguyên Trung Quốc, cho biết hệ thống drone đã được sử dụng trên Biển Đông để kiểm tra nước biển khi có các dấu hiệu khả nghi, điều tra những địa điểm có vấn đề về lịch sử, và giám sát các đảo “theo thời gian thực”.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) thì Trung Quốc trước đây đã trang bị hệ thống radar để giám sát khu vực phía bắc Biển Đông nhờ vào các cơ sở trên đảo Hoàng Sa và trên đất liền.
Mạng lưới máy bay không người lái của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc sẽ bổ sung cho các công cụ đó.
Bản tin trích dẫn báo South China Morning Post cho biết hệ thống drone mới của Trung Quốc có khả năng di động, với các thiết bị được lắp đặt trên những chiếc xe tải để có thể di chuyển dễ dàng.
Các hình ảnh vệ tinh do các máy bay không người lái thu thập sẽ được chuyển đến Cục Tài nguyên Thiên nhiên TQ bằng liên kết vệ tinh để được phân tích.
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc là một cơ quan mới được thành lập, cơ quan này đảm nhận các trách nhiệm trước đây do Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc nắm giữ, sau khi Cục Hải dương bị giải tán trong một cuộc cải tổ hành chính hồi năm ngoái.
Hải quân Philippines “chạm trán” hải cảnh Đài Loan,
sự thật hé lộ sau gần 1 tháng
Hai chiến hạm thuộc lực lượng hải quân Philippines đã đi qua eo biển Đài Loan hồi giữa tháng Tám nhưng mới đây, Cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan mới công khai thông tin.
Taiwan News đưa tin, vào đêm ngày 9/9, sau gần một tháng xảy ra sự việc, Cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan đã lần đầu tiên công bố thông tin về lần “chạm trán” giữa chiếm hạm Philippines và tàu của Đài Loan.
Cụ thể, trong tháng Tám, tàu đổ bộ BRP Davao del Sur thuộc lớp Tarlac và tàu hộ tống BRP Conrado Yap thuộc lớp Pohang của hải quân Philippines đã đi qua khu vực phía nam eo biển Đài Loan và đối mặt với các tàu của Cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan. Tuy nhiên, các tàu Philippines đã kích hoạt hệ thống nhận diện tự động (AIS) và làm theo hướng dẫn của phía Đài Loan.
Ông James Huang thuộc Cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan đã bày tỏ lời cảm ơn tới các sĩ quan Philippines khi tuân thủ hoạt động nhận dạng và để tàu Đài Loan hộ tống qua khu vực eo biển Đài Loan.
Theo thông báo, các chiến hạm của hải quân Philippines buộc phải di chuyển qua eo biển Đài Loan do tránh thời tiết xấu ở khu vực Tây Thái Bình Dương vào thời điểm đó.
Còn theo truyền thông Philippines, tàu đổ bộ BRP Davao del Sur từng tham gia buổi lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga hôm 28/7 tại thành phố Vladivostok trước khi di chuyển vào vùng biển của Hàn Quốc để cùng với tàu BRP Conrado Yap quay trở về Philippines vào ngày 20/8.
Tàu BRP Conrado Yap vốn là tàu ROKS Chungju của Hàn Quốc , nhưng mới được Philippines mua lại theo chương trình hiện đại hóa sức mạnh hải quân.
Hai tàu BRP Davao del Sur và BRP Conrado Yap cùng di chuyển từ phía bắc tới phía nam trên hành trình trở về Philippines. Tuy nhiên, do thời tiết xấu liên quan tới cơn bão Bailu, hai chiến hạm của Philippines đã buộc phải di chuyển qua eo biển Đài Loan.
Ấn Độ tăng cường thách thức Trung Quốc trên Biển Đông?
Ấn Độ đang tăng cường thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách tiếp cận với Nga và các cường quốc khác trong khu vực, South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho biết.
Từ Vladivostok đến Chennai
Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) vừa được tổ chức ở Vladivostok, Ấn Độ và Nga đã đồng ý triển khai một tuyến đường hàng hải mà một phần sẽ đi qua vùng biển đang có tranh chấp gay gắt. Hai nước đồng minh an ninh truyền thống này cũng tăng cường hợp tác quân sự và công nghệ.
Theo biên bản ghi nhớ do Ấn Độ và Nga ký kết ở một EEF trong tuần này, một tuyến đường biển Ấn Độ-Thái Bình Dương mới sẽ kéo dài từ thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga cho đến thành phố Chennai nằm trên Vịnh Bengal ở miền đông Ấn Độ.
Tuyến đường biển này một phần sẽ đi qua Biển Đông nơi diễn ra nhiều tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong những năm qua.
Ngoài ra, Delhi và Moscow có thể tăng cường liên minh trong lĩnh vực quân sự và công nghệ, theo tuyên bố chung được công bố tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok.
Quan hệ đối tác này có thể ‘bao gồm thiết lập phát triển chung và sản xuất thiết bị, phụ tùng và linh kiện quân sự cũng như cải thiện hệ thống dịch vụ hậu mãi,’ South China Morning Post dẫn tuyên bố chung cho biết.
Thông báo về sự hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Nga được đưa ra một năm sau khi New Delhi đồng ý mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất.
Trao đổi với VOA, Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thuộc Đại học Ottawa (Canada) và cũng là một nhà quan sát-bình luận về vấn đề Biển Đông, đánh giá tuyến hải lộ mới này ‘nằm trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ để đảm bảo trục hàng hải của nước này’.
“Đây là hướng đi tốt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong khu vực và có ý định độc chiếm tuyến đường hàng hải huyết mạch này của thế giới,” ông Khanh nói.
Luật sư Khanh nói vai trò của Ấn Độ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ‘nằm trong tứ giác chiến lược (tứ Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), có mối quan hệ tốt với Nga từ thời Liên Xô cũ và luôn giữ thái độ hợp tác với các bên để giữ vững quyền lợi chiến lược của họ trong khu vực’.
Tuy nhiên, ông không cho rằng trong giai đoạn này Ấn Độ muốn thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc mà ‘chỉ muốn đóng vai trò quan trọng trong khu vực’ để đảm bảo lợi ích kinh tế, thương mại và chiến lược về lâu dài.’
Về vai trò của Ấn Độ đối với Việt Nam trên Biển Đông, ông Khanh cho rằng ‘Hà Nội có thể đặt niềm tin nhất định vào Ấn Độ’ và so với Nga thì Ấn Độ thậm chí còn là đối tác quan trọng hơn.
“Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam là quan hệ rất tốt, được cố Thủ tướng Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước và từ năm 2010 đến nay đã có sự tăng tốc cụ thể,” ông cho biết.
Do giữa Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều hiếm khích và thậm chí đã từng xung đột trong lịch sử, ông Khanh cho rằng Ấn Độ là đối tác (của Việt Nam) có thể không nhượng bộ Trung Quốc trên rất nhiều phương diện.
“Việt Nam có thể nương theo Ấn Độ để đảm bảo một số quyền lợi trên Biển Đông trong khi chờ đợi bước nhảy vọt trong quan hệ Việt-Mỹ,” ông Khanh nói nhưng cũng cho rằng ‘không có chuyện Ấn Độ sẽ đứng hẳn về phía Việt Nam’ mặc dù về hợp tác quốc phòng ‘hai nước sẽ đi rất xa’.
“Trên Biển Đông, Ấn Độ sẽ không đi xa đến mức tuyên bố ủng hộ bên này hay bên kia mà chỉ khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông Khanh nói.
Còn về Nga, nhà quan sát này cho rằng mặc dù Moscow ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện Biển Đông của Philippines hồi năm 2016, nhưng nước này sẽ ‘không có quyền lợi về trung hạn và dài hạn nếu để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông’ và Moscow ‘muốn có tiếng nói trong khu vực’.
Đối chọi Trung Quốc?
Trên tờ South China Morning Post, ông Hồ Trí Dũng, chuyên gia nghiên cứu của Viện Khoa học Quốc tế trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định rằng tuyến hải lộ mới này ‘báo hiệu sự hợp tác của Ấn Độ với Nga hiện đang đi đến giai đoạn thực chất’.
“Do Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, hợp tác với Ấn Độ ở mức độ nhất định có thể đối chọi ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á,” ông nói thêm.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết tuyến đường hàng hải theo kế hoạch này phù hợp với chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và chính trị của quốc gia Nam Á này với các nước Đông Nam Á.
Một nội dung của hiệp định hợp tác là Ấn Độ sẽ cấp Nga khoản vay chưa từng có trị giá 1 tỷ USD để phát triển vùng Viễn Đông Nga giàu có về tài nguyên.
Với hơn 55% giao thương đi qua các tuyến hải lộ quan trọng của châu Á và eo biển Malacca, Ấn Độ – nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới và lớn ba châu Á – có lợi ích chiến lược ở Biển Đông.
Ấn Độ cho thấy sự quan tâm trở lại đối với khu vực trong tuần qua khi tuyên bố chung của Ấn Độ và Nhật Bản công bố trong chuyến thăm Tokyo của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói rằng hai bên đã xem xét tình hình ở Biển Đông, theo South China Morning Post.
Ấn và Nhật cũng cam kết chia sẻ hậu cần quân sự để có khả năng vận hành mang tính tương tác cao hơn, cũng theo tuyên bố chung này.
Trong tuần, các quan chức của ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ, chi nhánh hải ngoại của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ, nói với hãng thông tấn PTI rằng họ đang muốn kéo dài thêm hai năm để thăm dò một lô dầu của Việt Nam trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Đây sẽ là lần gia hạn thứ sáu của công ty kể từ khi ký hợp đồng với Hà Nội vào năm 2006 để phát triển Lô 128 rộng 7.058 km2 mặc dù cho đến nay không có bao nhiêu dầu được khai thác từ lô này.
Trung Quốc, với nhiều tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi trong khu vực, từ lâu đã bác bỏ việc bất kỳ đối tác nước ngoài nào vào khai thác trữ lượng dầu khí trong vùng biển tranh chấp. Thỉnh thoảng họ đã triển khai các tàu phi quân sự để cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của nước ngoài tại đây.
Khi thương mại giữa Ấn Độ với Đông Á gia tăng, New Delhi có thể tìm cách tăng cường sự hiện diện ở khu vực để giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc lớn ở Tây Thái Bình Dương, các nhà phân tích cho biết.
“New Delhi lo ngại về sự quyết đoán mới của Trung Quốc và sự khẳng định bằng sức mạnh của Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông,” ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà nghiên cứu khách mời tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết.
‘Không muốn đối đầu’
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Ấn Độ sẽ kiềm chế để không trực tiếp đối đầu với Bắc Kinh xung quanh tranh chấp trên Biển Đông.
“Các quan chức Ấn Độ thường nêu bật các lợi ích kinh tế và thương mại quan trọng của đất nước họ ở Biển Đông mà vì thế việc tiếp cận các tuyến hải lộ quan trọng là một đòi hỏi bức thiết,” ông Abhijit Singh, người đứng đầu Viện Ý tưởng Chính sách trên Biển ở Delhi, được South China Morning Post dẫn lời cho biết.
“Tuy nhiên, ngoài việc nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, các quan chức Ấn Độ không sẵn sàng đi xa hơn.”
Ông Singh, một cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ, cũng nói với South China Morning Post rằng Ấn Độ và Bắc Kinh dường như có cách diễn giải tương tự về luật hàng hải mà Mỹ và các đồng minh thường viện dẫn để biện minh cho các cuộc tuần tra không báo trước của các chiến hạm của họ trên Biển Đông.
“Đáng chú ý, Ấn Độ khác với nhiều đối tác Thái Bình Dương, nhất là Mỹ, trong việc giải thích luật hàng hải và quyền tự do đi lại của tàu chiến nước ngoài ở các vùng biển gần bờ,” ông nói với South China Morning Post.
“New Delhi không đồng tình với tuyên bố của Hoa Kỳ rằng các tàu chiến của họ có quyền đi lại không bị ngăn trở ở vùng biển ven bờ của một quốc gia khác mà không cần thông báo và được chấp thuận trước,” ông nói.
“Thật ra, quan điểm của New Delhi về đi lại ở Biển Đông dường như gần gũi hơn với lập trường của Bắc Kinh – nhất là trên vấn đề hoạt động hải quân ở lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven bờ với lý do là sự đi lại vô hại,” ông Singh nói thêm.
Còn ông Hồ thì cho rằng mặc dù không hài lòng với dự án khai thác dầu mỏ chung của Ấn Độ với Việt Nam, sẽ khó có khả năng Bắc Kinh nêu vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10.
“Điều này có thể có tác động tiềm tàng đối với quan hệ song phương,” ông giải thích.
“Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là lôi kéo Ấn Độ tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, vì vậy Bắc Kinh khó có thể phản ứng mạnh với Ấn Độ trong các vấn đề Biển Đông.”
0 comments