Cuộc chiến giữa Joshua Wong với lãnh đạo Trung Quốc ở Đức
Wednesday, September 11, 2019
7:41:00 PM
//
Slider
,
Tin Âu Châu
Hiếu Bá Linh, biên dịch
12-9-2019
Nhà hoạt động Joshua Wong và đại sứ Trung Quốc Wu Ken song đấu dữ dội từ xa. Thủ tướng Đức Merkel cũng bị liên lụy.
Tại thời điểm cuộc chiến leo thang, Joshua Wong và Wu Ken chỉ cách nhau 4 km.
Tại cuộc họp báo liên bang hôm nay thứ Tư 11/9/2019, [Joshua Wong] một trong những nhà hoạt động hàng đầu của phong trào phản kháng tại Hồng Kông đã tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cho bầu cử tự do và chống lại sự đàn áp chính trị của Bắc Kinh tại thủ đô tài chính [Hồng Kông].
Người kia, mới nhậm chức đại sứ Trung Quốc tại Đức và được biết đến như một người cứng rắn, cảm thấy bị thách thức và cũng đã tổ chức một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin, cách nơi anh Wong họp báo chỉ có 4 km.
Nguyên cớ trên hết là cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas (thuộc đảng SPD) với anh Wong bên lề một buổi tiệc do báo Bild tổ chức, nơi cả hai được chụp ảnh chung với nhau.
Một sự việc không thể chấp nhận được đối với Đại sứ Wu, ông nói rằng, sự tiếp đón của các chính trị gia Đức mang lại một hậu quả “rất tiêu cực cho quan hệ song phương”. Sự thất vọng về phía Trung Quốc là rất lớn, và do đó phải phản ứng. Tuy nhiên ông không nêu chi tiết về những hậu quả tiêu cực. Trong Chính phủ Liên bang Đức, người ta tự hỏi, liệu Trung Quốc có sẵn sàng tham dự cuộc đối thoại nhân quyền được lên kế hoạch trong tháng 10 này hay không?
Chính phủ Trung Quốc đưa ra biện pháp đầu tiên là triệu tập Đại sứ Đức lên Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh. Sau cuộc gặp của Maas và Wong, cả Bắc Kinh lẫn Berlin đều có những cuộc nói chuyện, đại sứ Wu cho biết.
Theo thông tin của tờ Handelsblatt, Thủ tướng Angela Merkel đã được thông báo trước về cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao Đức với anh Wong. Thủ tướng cũng nhận thức được rằng những bức ảnh sẽ được chụp. Với những ảnh chụp chung giữa ông Maas và anh Wong, Chính phủ Liên bang muốn đính chính cái ấn tượng rằng họ muốn giữ tư thế trung lập trong cuộc xung đột về tương lai của Hồng Kông.
BÀ MERKEL DÙNG TỪ NGỮ RÕ RÀNG HƠN
Trong tuyên bố của Chính phủ Liên bang Đức hôm nay thứ Tư 11/9/2019, bà Merkel cũng dùng những từ ngữ rõ ràng hơn so với tuần trước trong chuyến thăm Bắc Kinh, bà nói rằng, “việc tuân thủ nhân quyền là không thể không có đối với chúng tôi”. Chính phủ Liên bang vẫn coi nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” đối với Đặc khu hành chính là đúng đắn, theo đó, Hồng Kông được cho tự do nhiều hơn Cộng hòa Nhân dân Trung quốc.
Wong không né tránh cuộc đối đầu với Đại sứ Wu. “Hồng Kông là một Berlin mới trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới“, anh nói, và mô tả quê hương của anh là một “thành phố tiền tuyến” trong cuộc đấu tranh toàn cầu giữa phương Tây và Trung Quốc. Đức và các nước dân chủ khác không được phép “nhắm mắt làm ngơ” trước các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, sinh viên 22 tuổi này yêu cầu.
Từ nước Đức anh yêu cầu Đức ngừng cung cấp vũ khí và thiết bị cho cảnh sát Hồng Kông. Cảnh sát đã hành động một cách “tàn bạo” chống lại người biểu tình. Phương Tây không nên ủng hộ điều đó. Đức cũng cung cấp các bộ phận của vòi rồng xịt nước cho Hồng Kông, cũng như đầu đạn cao su được gọi là “Túi đậu”.
Ngoài việc cấm xuất khẩu trang thiết bị cảnh sát, nhà hoạt động này cũng yêu cầu, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông cũng nên được thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. “Đức nên đối đầu trực tiếp với Trung Quốc với các vi phạm nhân quyền“, anh Wong nói, và đe dọa trừng phạt nếu thật cần thiết.
Việc bảo vệ các quyền tự do chính trị tại trung tâm tài chính Hồng Kông cũng là mối quan tâm của châu Âu.
Anh Wong phản bác các cáo buộc nói rằng, phong trào dân chủ ở Hồng Kông bị các cường quốc nước ngoài can thiệp. “Người dân Hồng Kông độc lập,” nhà hoạt động nói.
Đại sứ Wu đáp trả: Giới lãnh đạo Trung Quốc có đủ bằng chứng cho thấy các lực lượng nước ngoài đã can thiệp vào Hồng Kông. Tuy nhiên, tình hình đã dịu xuống một chút trong vài ngày qua. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tự tin rằng chính phủ Hồng Kông sẽ có thể biết cách thực hiện các nhiệm vụ của mình.
CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG SẼ KHÔNG KHOANH TAY ĐỨNG NHÌN
Tuy nhiên, nếu tình hình leo thang, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Nó đủ mạnh để làm ổn định tình hình. Ông lưu ý rằng trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã rút lại dự luật gây tranh cãi về việc dẫn độ với Trung Quốc.
Nhưng anh Wong cho rằng, đây là một “động thái chiến thuật” nhằm làm dịu tình hình trước ngày Quốc khánh của Trung Quốc 1/10. “Nhưng chỉ đáp ứng điều đó không thôi là chưa đủ”, người đứng đầu phong trào dân chủ Demosisto nói, và kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ba tháng tại Đặc khu hành chính bằng cải cách chính trị.
Như là lý do cho thái độ cứng rắn của Bắc Kinh, đại sứ Wu cáo buộc rằng Wong là một phần của phong trào ly khai. Những đòi hỏi này đã vượt xa các quyền dân sự dành cho người Trung Quốc ở Hồng Kông.
Trong tuyên bố của đại sứ Wu, các hành động được ông gọi là “tội phạm nghiêm trọng tàn bạo và gần như là khủng bố”. Chính phủ Bắc Kinh tuân thủ nguyên tắc “một nhà nước, hai hệ thống” và sẽ không can thiệp vào Hồng Kông. Tuy nhiên, nếu tình hình leo thang, cả cái gọi là Luật cơ bản của Hồng Kông và Hiến pháp Trung Quốc đều quy định rằng, Bắc Kinh phải can thiệp.
Kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình, phong trào dân chủ đã được thúc đẩy để đối thoại và tất cả các phương cách ôn hòa đã được tận dụng. “Không ai muốn bạo lực ở Hồng Kông”, anh Wong nói, nhưng những người biểu tình không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng áp lực lên Bắc Kinh.
Anh Wong cũng đã gặp Christian Lindner, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) và các chính trị gia đảng Xanh. Ông Lindner chỉ trích rằng Thủ tướng Merkel đã không gặp gỡ nói chuyện với anh Wong. Anh Wong sẽ tới Mỹ trong tuần này, nơi ông muốn gặp Thượng nghị sĩ Mỹ của đảng Cộng hòa và nhà phê bình Trung Quốc Marco Rubio.
0 comments