Trung Quốc bộc lộ nguy cơ lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ – Theo Forbes
6/8/2019
Cuộc chiến thương mại là một trong những vấn đề của Trung Quốc, đang thống trị các bản tin hàng đầu trong nhiều tháng qua. Một số chuyên gia nhận định thương chiến đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại ở đất nước tỷ dân, nhưng đó không phải vấn đề duy nhất mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải
Thương chiến Mỹ – Trung đã ẩn giấu những vấn đề lớn khác của kinh tế Trung Quốc. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
“Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang tạo ra một sự phân tâm đối với vấn đề lớn khác của Trung Quốc: bong bóng nợ phình to, cuối cùng có thể sẽ giết chết tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia Panos Mourdoukoutas nhận định trên trang tin Forbes.
Ông Mourdoukoutas cho biết: “Nó đã xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1980. Và nó đang xảy ra ở Trung Quốc ngày nay”.
Sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được nhiều chuyên gia lý giải là kết quả trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, vì nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Đồng thời nó đã làm tê liệt khả năng cạnh tranh của các công ty công nghệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất của Trung Quốc.
Một trong những vấn đề lớn khác của Trung Quốc là nhiều bong bóng vẫn đang được thổi lên theo mọi hướng. Như bong bóng bất động sản, giá nhà tăng vọt khiến chủ nhà trở nên giàu có, trong khi nó phá tan giấc mơ khởi nghiệp của một người trẻ. Không giống như cuộc chiến thương mại, đó là một vấn đề dài hạn. Theo sau đó là bong bóng đang phình to về tỷ lệ kết hôn thấp, tỷ lệ sinh thấp và lực lượng lao động bị hạn chế, khi quốc gia này đang cố gắng cạnh tranh với các nước có nguồn lao động rẻ và dồi dào như Việt Nam, Sri Lanka, Philippines và Bangladesh.
Tiếp theo sau đó là tỷ lệ phụ thuộc mang tính bất lợi – quá ít người làm việc trong khi những người này sẽ phải hỗ trợ quá nhiều người về hưu. Và điều này có tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng, nền kinh tế có thể chuyển từ đầu tư sang hướng tiêu dùng.
Nhật Bản đã gặp phải những vấn đề này trong 30 năm mất mát, ngay cả sau khi giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ vào những năm 1980. “Trung Quốc sẽ còn nếm trải nhiều hơn nữa”, ông Mourdoukoutas cho biết.
Trong khi đó, lại xuất hiện thêm bong bóng đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài nước. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước đã cung cấp nhiên liệu cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Và đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài để phục vụ tham vọng kiểm soát Biển Đông và đảm bảo kiểm soát tất cả đường thủy đối với việc vận chuyển dầu Trung Đông và các nước châu Phi giàu có.
Ông Mourdoukoutas cho rằng: “Trong khi một số dự án được thiết kế tốt để phục vụ nhu cầu của cộng đồng địa phương, thì những dự án khác không phục vụ nhu cầu nào khác ngoài tham vọng của các quan chức địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Vấn đề là những dự án này không có hiệu quả kinh tế, nó tạo ra thu nhập và việc làm trong thời gian đó, nhưng không có gì ngoài điều đó, không có hiệu ứng tăng tốc cho nền kinh tế.
“Đó là lý do tại sao loại tăng trưởng này không bền vững. Liên Xô cũ đã thử cách đó vào những năm 1950 và nó không có tác dụng. Nigeria đã thử vào những năm 1960, Nhật Bản cũng đã thử điều đó vào những năm 1990 và nó đều không hiệu quả”, ông dẫn chứng.
“Đó là lý do tại sao bong bóng vỡ và để lại hàng tấn nợ. Đó là một vấn đề lớn khác của Trung Quốc”.
Nợ của Trung Quốc là bao nhiêu? Theo số liệu chính thức thì nó là một con số nhỏ: 47,6%. Còn không chính thức, thì thật khó để biết. “Bởi các ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ, và cho vay các nhà thầu thuộc sở hữu của chính phủ, và chính phủ sở hữu các hoạt động khai thác và sản xuất thép. Chính phủ vừa là người cho vay vừa là người đi vay – chi nhánh của chính phủ cho vay một chi nhánh khác của chính phủ”, ông Mourdoukoutas giải thích.
Nhưng cũng có một số ước tính không chính thức, như của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) năm ngoái, theo đó nợ của Trung Quốc so với GDP ở mức 300%, một con số quá lớn.
Tệ hơn nữa, chính phủ đóng vai trò là người cho vay lẫn người đi vay dẫn đến tập trung rủi ro tín dụng hơn là phân tán nó. Và điều đó tiềm ẩn việc diễn ra một sự sụp đổ hệ thống. Cuộc khủng hoảng Hy Lạp là một minh chứng rõ ràng.
“Hai vai trò trên của chính phủ tạo ra xung đột và mâu thuẫn với vai trò thứ ba – là một cơ quan quản lý, đặt ra các quy tắc cho người cho vay và người vay. Và nó làm các gói tín dụng thêm phức tạp trong trường hợp khủng hoảng tài chính, minh chứng là cuộc khủng hoảng Hy Lạp hơn mười năm trước”, ông Mourdoukoutas kết luận.
Theo Forbes
0 comments