Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 06/08/2019

Tuesday, August 6, 2019 6:40:00 PM // ,

Đọc báo  Pháp – 06/08/2019

Hồng Kông nổi sóng

và ba giải pháp “tồi” cho Tập Cận Bình

Người dân Hồng Kông kiên quyết không hạ vũ khí ; Tước quyền tự trị vùng Cachemire – Ván cờ mạo hiểm của thủ tướng Ấn Độ ; Cuộc chiến tiền tệ – hồi mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, là ba hồ sơ chính trên các nhật báo lớn của Pháp ngày 06/08/2019.
Làn sóng đòi dân chủ tại Hồng Kông vượt qua một ngưỡng mới. Cả đặc khu kinh tế hầu như bị tê liệt do cuộc tổng đình công ngày hôm qua 05/08 : Dân chúng xuống đường, công chức đình công, hoạt động tầu điện ngầm và hàng không tê liệt… Sinh hoạt của khu tài chính lớn nhất châu Á bị xáo trộn.
« Hồng Kông tổng đình công, lần đầu tiên kể từ năm 1967 » Le Monde ghi nhận. « Hồng Kông bị tê liệt bởi cuộc tổng đình công », tựa một bài viết trên Le Figaro. Với Les Echos, « Tại Hồng Kông, những người biểu tình gia tăng hơn nữa áp lực ». Phóng sự của Libération cho thấy « Đối với rất nhiều người Hồng Kông, đây là cuộc đình công đầu tiên trong đời ».
Sự kiện cho thấy phong trào đấu tranh vẫn còn đầy « sức bật », như lời bình của giáo sư Edmund Cheng, trường đại học Baptist Hồng Kông trên báo Le Monde. Đối mặt trước sự kiên trì của làn sóng đòi dân chủ tại đặc khu hành chính này, nhà báo Renaud Girard trong mục Ý Kiến của Le Figaro đặt câu hỏi : « Liệu chế độ chuyên chế Trung Quốc còn có tương lai hay không ? »
Ba giải pháp tồi
Nếu như giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Baptist Hồng Kông, trên Le Figaro ngày hôm qua có cho rằng « Tập Cận Bình hẹp đường xử lý khủng hoảng », thì nhà báo Girard khẳng định lãnh đạo Trung Quốc chỉ có ba đường để đi, nhưng đường nào cũng tồi cả.
Đường thứ nhất là trấn áp quân sự như vụ Thiên An Môn năm 1989. Hành động quân sự này sẽ không gặp khó khăn gì về mặt kỹ thuật, nhưng hàm chứa nhiều rủi ro địa chính trị quan trọng. Nhà báo R. Girard nhắc lại sau vụ trấn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ ôn hòa của sinh viên, phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận quân sự hiện vẫn còn có giá trị. Chỉ có điều phương Tây, vì hám lợi, bị lóa mắt trước tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc, nên đã vội vàng quên ngay vụ thảm sát, háo hức mở nhà xưởng, ngân hàng hay công ty bảo hiểm và thậm chí còn cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Và phương Tây cũng không dự đoán trước rằng Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng các lợi thế của tự do mậu dịch, nhưng lại không « nhả » cho phương Tây một món lợi nào, cũng như là không cải thiện Nhà nước pháp quyền ở trong nước. Tiếng nói của phương Tây cũng mất dần trọng lượng vào đầu những năm 2000. Mãi đến khi ông Donald Trump « rắn giọng » với Trung Quốc năm 2018 tại Davos, phương Tây mới vội vàng không dung thứ việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ.
Về mặt địa chính trị, phương Tây không chấp nhận việc Trung Quốc chiếm hữu các vùng lãnh hải ở Biển Đông, bất chấp các luật lệ quốc tế. Phương Tây sẵn sàng bán vũ khí cho những nước châu Á nào dám đứng lên chống Trung Quốc mà trước đây không lâu họ chưa từng nghĩ đến, như Việt Nam chẳng hạn, kẻ thù « không đội trời chung ».
Vì những lý do này, việc chọn giải pháp quân sự có lẽ sẽ là mạo hiểm đối với Trung Quốc. Nền kinh tế nước này đang hứng những đòn thuế nặng của Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trong trường hợp dùng đến vũ lực với Hồng Kông, và vi phạm tinh thần hiệp định mà Trung Quốc ký kết năm 1997 với Anh Quốc – một quốc gia, hai chế độ -, Trung Quốc có nguy cơ gánh thêm một lệnh cấm vận nặng nề hơn.
Giải pháp thứ hai là để cho phong trào tự hụt hơi, như đã từng làm thành công với làn sóng « Dù Vàng » năm 2014. Vấn đề là hiện nay, làn sóng nổi dậy đã lan sang mọi tầng lớp xã hội và tất cả các phường hội, ngoại trừ Hội Tam Hoàng, luôn sẵn sàng phục vụ Bắc Kinh. Hiện 7 triệu người dân Hồng Kông có vẻ chưa muốn hạ vũ khí.
Giải pháp thứ ba là nắm lấy cơ hội để cải cách hệ thống đảng Cộng Sản và thiết lập thật sự một Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Nhưng Tập Cận Bình không phải là người để thực hiện nhiệm vụ này. Ngay từ thời trai trẻ, ông tỏ ra rất trung thành với đường lối của đảng, bất chấp việc cha của ông bị trấn áp một cách bất công. Để rồi sau này, một khi nắm được quyền lực, Tập Cận Bình đã cho phá tan điều lệ giới hạn hai nhiệm kỳ được áp đặt sau cái chết của Mao Trạch Đông.
Liệu Tập Cận Bình có biết rằng những chế độ chuyên chế thường có kết cục bi thảm hay không ? Liệu ông có hiểu rằng những gương mặt vĩ đại được Lịch Sử vinh danh không bao giờ là người vì quyền lực cá nhân, mà vì những di sản họ để lại cho đất nước, những định chế mạnh mẽ và bền vững, như Washington (Mỹ), Disraeli (Anh) hay De Gaulle (Pháp)?
Rất có thể Tập Cận Bình là một người hiểu biết. Nhưng ông cũng có thể trở nên mù quáng, vì nóng lòng muốn biến đất nước thành một siêu cường không thể tranh cãi từ đây đến năm 2049 để tổ chức lễ mừng hoành tráng kỷ niệm 100 năm ngày đảng Cộng Sản nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Nhưng ông có lẽ sẽ không phải là người thông minh duy nhất bị tư tưởng quá đỗi hủy diệt, mà sử gia Hy Lạp cổ Thucydide từng phê phán. Liệu ông có rút ra kinh nghiệm từ bài học Nga hay không ? Khi làm cho máu đổ tại Donbass, Kremlin đã thật sự mất Ukraina.
Nhà báo kết luận : Nếu Trung Quốc dùng sức mạnh để trấn phục Hồng Kông, thì Trung Quốc cũng sẽ vĩnh viễn mất cả Đài Loan.

Tước quyền tự trị Cachemire,

New Dehli khai chiến với Islamabad?

Cũng tại châu Á, báo chí Pháp hôm nay bàn luận nhiều về tình hình căng thẳng gia tăng đột biến tại Cachemire, đang có tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Les Echos thông báo « Ấn Độ gây bất ngờ khi đặt vùng Cachemire dưới sự bảo hộ ».
Báo Le Monde và Le Figaro lần lượt có các bài viết « New Dehli hủy bỏ quy chế tự trị của Cachemire » và « Ấn Độ chấm dứt chế độ tự trị của Cachemire ». New Dehli âm thầm sửa đổi quy chế của vùng Cachemire khiến chính quyền Pakistan, vốn cũng đòi hỏi chủ quyền tại đây, giận dữ lên án hành động cưỡng chiếm này của thủ tướng Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc.
Bài giải mã của Libération có tựa đề « Cachemire : Ấn Độ hợp nhất bằng vũ lực », đặc phái viên của nhật báo Sébastien Farcis tại New Dehli cho biết từ một tuần nay chính phủ của ông Narendra Modi đã gởi binh sĩ, sơ tán du khách và cắt đứt liên lạc của vùng có đa số dân theo Hồi Giáo, trước khi rút bỏ quy chế tự trị. Một quyết định bất ngờ và đầy rủi ro tại một vùng Cachemire được cho là quân sự hóa nhất trên thế giới.
Nhật báo Công Giáo La Croix có bài giải thích đề tựa « Phe dân tộc chủ nghĩa hủy quy chế đặc biệt của Cachemire ». Một sự thay đổi triệt để chưa từng có đối với một khu vực căng thẳng dai dẳng, luôn bị đổ máu vì cuộc nổi dậy đòi ly khai từ năm 1989, dầy đặc binh sĩ Ấn và là đối tượng tranh chấp « nhấm nhẳng » với Pakistan.
Câu hỏi đặt ra : Liệu việc Ấn Độ rút quy chế tự trị vùng Cachemire có là một lời tuyên chiến với Pakistan ? Giáo sư Jean-Luc Racine, thuộc Trung Tâm Châu Á, trả lời Les Echos, cho là « Không ». Ông giải thích :
« Đó là một thông điệp rõ ràng gởi đến Washington và Islamabad, vài ngày sau cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa thủ tướng Pakistan và tổng thống Mỹ. Người ta còn nhớ rõ ông Donald Trump đã đề nghị làm trung gian cho hồ sơ vùng Cachemire, và ông còn nêu rõ là theo đề nghị của thủ tướng Narendra Modi. Một lời thỉnh cầu được đưa ra như thế là điều không thể, bởi vì Ấn Độ cũng như Pakistan xem vấn đề này thuần túy song phương. Nếu cần phải có trung gian hòa giải, điều đó phải được tiến hành một cách kín đáo.
Thông báo của chính phủ Modi rất có thể sẽ gây thêm khó khăn cho việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 18 năm tham chiến. Washington cần Islamabad như là một trung gian trong các cuộc đàm phán với phe nổi dậy Taliban và để rút ra khỏi Afghanistan trước mùa bầu cử.
Nếu Hoa Kỳ không hỗ trợ các lợi ích của Pakistan tại Cachemire sau quyết định này của Ấn Độ, chính quyền Islamabad rất có thể quyết định làm hỏng các cuộc thương lượng của Afghanistan. Hơn nữa, đối với Pakistan, thủ tướng Ấn Độ đang mạo hiểm với một cuộc đối đầu tại vùng biên giới, ngày trở nên dữ dội, thường xuyên hơn từ nhiều năm qua.
Pakistan cũng có thể « bị cám dỗ » bởi ý định để cho các nhóm thánh chiến mở các đợt tấn công mới tại Cachemire hay tại các thành phố lớn của Ấn Độ ».
Tóm lại, đây là « một cuộc khủng hoảng đe dọa nặng nề sự ổn định của khu vực » như nhận định của Le Figaro.

Trung – Mỹ khai chiến tiền tệ

Trong lĩnh vực kinh tế, thương chiến Mỹ – Trung chuyển sang một bước ngoặt mới. Le Figaro trên trang nhất phụ trang kinh tế đề tít lớn « Trung Quốc – Hoa Kỳ : Đồng nhân dân tệ, vũ khí mới của xung đột ».
Thứ Hai 05/08, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã để cho đồng nhân dân hạ giá đến mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua so với đồng đô la. Đồng nội tệ Trung Quốc giảm mất 1,5% đạt mức 7 tệ cho một đô la. Tổng thống Mỹ Donald Trump tức thì có phản ứng giận dữ trên Twitter, chỉ trích Trung Quốc « thao túng » đồng tiền.
Hành động này của Bắc Kinh diễn ra 4 ngày sau khi chủ nhân Nhà Trắng loan báo ý định áp thêm thuế các dòng hàng hóa còn lại của Trung Quốc hiện vẫn chưa bị nhắm đến. Trung Quốc hạ giá đồng tiền có lợi ích gì ? Trả lời phỏng vấn Le Figaro, ông Eric Dor, chuyên gia kinh tế tại Ieseg giải thích :
« Bắc Kinh cho thấy là họ có phương tiện để phản ứng trong cuộc chiến thương mại do Donald Trump khai hỏa. Khi giảm giá đồng tiền, Trung Quốc chứng tỏ là họ có thể vô hiệu hóa giải pháp tăng thuế nhập khẩu mà tổng thống Mỹ giương ra để đe dọa, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Do vậy cần phải hạ giá nhiều hơn nữa đồng tiền Trung Quốc để bù đắp cho mức tăng thuế 10%. Đó là một lời cảnh cáo ».

Đọ sức thương mại Hàn – Nhật:

Smartphone lãnh đủ ?

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, La Croix cho biết « Nhật Bản và Hàn Quốc, căng thẳng bùng lên ». Quan hệ Seoul – Tokyo ngày càng xấu đi : Triển lãm về gái giải sầu Hàn Quốc thời chiến tại Tokyo bị hủy, các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau được đưa ra, tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Hoàng Hải, tẩy chay hàng hóa Nhật Bản… Từ một tháng nay, căng thẳng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý, « xung đột Hàn – Nhật đe dọa giá bán điện thoại thông minh ». Trên nền tảng tranh cãi quá khứ lịch sử, xung khắc lần này giữa hai nước có nguy cơ làm « đội giá » chip bán dẫn.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Nhật Bản tưởng niệm 74 năm thảm họa Hiroshima. 
Sáng 06/08/2019, Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm 74 năm sau thảm họa bom nguyên tử tại thành phố Hiroshima. Người dân thành phố cùng các quan chức cấp cao Nhật Bản đã tập hợp tại Công viên Ký ức vì Hòa bình, đốt nến và đặt vòng hoa tưởng niệm những nạn nhân của quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ thả xuống Hiroshima ngày 06/08/1945. Nhân dịp này, thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui đã kêu gọi Nhật Bản phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân với tư cách là quốc gia đã chịu nhiều đau thương do bom nguyên tử. Hiệp ước đã được 122 quốc gia tthông qua năm 2017, được hơn phân nửa số quốc gia này ký kết, nhưng không có một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào đồng ý.
(NHK) - Nhật Bản phản đối Nga tập trận ở quần đảo Kuril tranh chấp. 
Theo tin đài NHK vào hôm qua, 05/08/2019, chính phủ Nhật đã gởi công hàm phản đối Nga, sau thông báo của nước này về kế hoạch tập trận bắn đạn thật gần một trong 4 đảo Kuril mà Nhật gọi là Lãnh Thổ Phương Bắc của họ. Theo chánh văn phòng chính phủ, ông Yoshihide Suga, Nhật đã phản đối ngay qua đường ngoại giao, sau khi được Matxcơva thông báo về kế hoạch tập trận gần đảo Kunashiri từ thứ Hai 05/08 đến thứ Bảy 10/08.
(RFI) – Chính quyền Bogota cấp quốc tịch cho trẻ em Venezuela tị nạn sinh ra tại Colombia.
Tổng thống Colombia Ivan Duque, vào hôm qua, 05/08/2019, thông báo là các trẻ có cha mẹ là người Venezuela, nhưng sinh ra tại Colombia sau ngày 19/08/2015 sẽ được cấp quốc tịch Colombia. Đây là biện pháp ngoại lệ vì Hiến Pháp Colombia cũng như Venezuela chỉ công nhận quyền huyết thống, chứ không công nhận quyền lãnh thổ. Như vậy là 24.000 trẻ em Venezuela sẽ có quốc tịch Colombia.
(AFP) – Trump phong tỏa toàn bộ tài sản của chính phủ Venezuela tại Mỹ. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 05/08/2019 đã ký sắc lệnh yêu cầu phong tỏa toàn bộ tài sản của chính phủ Venezuela trên lãnh thổ Mỹ, đồng thời cấm mọi giao dịch với chính quyền nước này. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày trước hội nghị về dân chủ ở Venezuela, diễn ra tại Lima. Đây là trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với chính quyền Venezuela và các trừng phạt này có mức độ tương tự như các trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba.
(AFP) – Mỹ hủy quyết định miễn visa với du khách nước ngoài, từng đến Bắc Triều Tiên trong 8 năm gần đây. 
Hôm qua, 05/08/2019, Hải Quan Mỹ thông báo hủy quyết định miễn visa vào Mỹ 90 ngày đối với các công dân 38 nước, trong đó có Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, để du lịch hay vì các lý do khác. Quyết định nói trên có thể gây khó khăn cho ngành du lịch Bắc Triều Tiên, vốn đã èo uột. Quyết định của Mỹ cũng gây khó khăn cho chính sách tăng cường du lịch qua biên giới Liên Triều của chính quyền Seoul.
(Yonhap) – Hàn Quốc và Trung Quốc đang thảo luận về chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc. 
Hôm nay, 06/07/2019, một quan chức cao cấp Trung Quốc cho biết tin trên. Chuyến công du của ông Tập Cận Bình được nêu ra trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai bên tại Bangkok hồi tuần trước, bên lề hội nghị thường niên về an ninh khu vực.
(AFP) – Miến Điện bác bỏ báo cáo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi trừng phạt. 
Ngày 06/08/2019, Miến Điện lên tiếng chỉ trích báo cáo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi trừng phạt các công ty quân đội của nước này. Báo cáo này hối thúc cộng đồng quốc tế cắt đứt tất cả liên hệ với các công ty thuộc quyền quản lý của quân đội nước này. Theo báo cáo, tài sản khổng lồ của các công ty quân đội là nguồn tiền phục vụ cho cuộc đàn áp năm 2017 khiến 740.000 người Hồi giáo Rohingya bỏ chạy sang Bangladesh.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.