Tiền Trung Quốc tạo rủi ro cho các nước đang phát triển
5/8/2019
Giới thiệu: Trần Quang
Tuyến đường sắt tương lai có hơn 400 km cắt ngang qua các khu rừng nhiệt đới của Lào. Những con tàu sẽ sớm lăn bánh – qua những cây cầu, những đường hầm và những con đập được xây dựng riêng cho tuyến đường sắt, chạy từ biên giới phía Bắc của Trung Quốc cho đến thủ đô Viêng Chăn của Lào bên bờ sông Mekong này.
Sau 5 năm xây dựng, tuyến đường sắt dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021. Trưởng bộ phận phía Trung Quốc chắc chắn rằng nó sẽ được hoàn thành đúng hạn. Ông nói: “Riêng văn phòng của chúng tôi tuyển 4.000 công nhân”. Ngân sách cũng không thiếu: Chính phủ Trung Quốc đã dành khoảng 6 tỷ USD cho dự án này và gần đây đã trở thành chủ nợ lớn nhất cũng như nhà cung cấp viện trợ phát triển quan trọng nhất của Lào.
Xét cho cùng, Trung Quốc không chỉ trực tiếp tài trợ 70% tuyến đường sắt mới, mà họ còn đang xây dựng các con đập, trường học, bệnh viện quân y và thậm chí còn giúp Lào phóng một vệ tinh liên lạc vào không gian. Tháng 4/2019, Trung Quốc đã cho Lào vay thêm 40 triệu USD để xây dựng đường bộ – một khoản tín dụng được cấp thông qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh, một thể chế tài chính mà Trung Quốc thành lập để thay thế cho các ngân hàng phát triển của phương Tây.
Nếu tính cả Hong Kong, thì Trung Quốc không chỉ là chủ nợ lớn nhất của Lào mà của cả thế giới. Các khoản Bắc Kinh cho nước ngoài vay chiếm lĩnh các thị trường toàn cầu ở mức gần như ngang với đồ chơi, điện thoại thông minh và xe máy điện. Từ Kenya tới Montenegro, từ Ecuador đến Djibouti, đường sá, các con đập và nhà máy điện đang được xây dựng với những khoản vay trị giá hàng tỷ USD từ Bắc Kinh. Và tất cả các quốc gia này sẽ phải trả nợ cùng với lãi suất trong nhiều năm tới.
Cơn lũ vốn từ Trung Quốc giúp ngăn nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng đình trệ sau vụ phá sản của Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra sau đó. Nhưng điều này không phải là không gây tranh cãi.
Đối với nhiều nước, hàng tỷ USD từ Trung Quốc là một đóng góp đáng hoan nghênh nhằm giúp nhiều khu vực kém phát triển ở châu Á và châu Phi mở rộng cơ sở hạ tầng. Đối với các nước khác, những khoản vay từ Bắc Kinh đã khiến một nửa thế giới phải phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế và chính trị. Một số người đã mô tả tình huống này là “sự lệ thuộc vì nợ”, trong khi đó một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một lá thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo vào mùa Hè năm 2018 để cảnh báo về việc Trung Quốc đang “nỗ lực biến vốn thành vũ khí”.
Thiếu sự minh bạch
Hơn nữa, gần như không có mấy thông tin về các khoản vay này. Tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài hiện trị giá 6.000 tỷ USD, nhưng ngoài chính phủ ở Bắc Kinh, không ai biết gì nhiều về việc số tiền đó sẽ được đầu tư vào đâu và đi kèm những điều kiện và rủi ro gì. Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết vì Trung Quốc không cung cấp toàn bộ sổ sách kế toán cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới và IMF, nên các khoản vay này thiếu sự minh bạch cần thiết.
Tuy nhiên giờ đây, với việc một nghiên cứu do nhóm học giả Đức và Mỹ dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Đại học Harvard Carmen Reinhart mới được công bố, Largarde sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn. Trong nhiều tháng qua, các nhà kinh tế học đã đào xới các nguồn tư liệu xác thực cũng như chưa xác thực, tổng hợp những phân tích toàn diện nhất về các khoản Trung Quốc cho nước ngoài vay. Và hình ảnh thu được không thể làm giảm bớt những lo ngại về sức mạnh tài chính của Bắc Kinh.
Ngược lại, dữ liệu này cho thấy nhiều quốc gia ở các khu vực nghèo hơn trên thế giới đã tiếp nhận các khoản tín dụng từ Trung Quốc nhiều hơn hẳn so với trước đây. Và các khoản cho vay thường đi kèm với những điều kiện nghiêm ngặt hoàn toàn hướng đến các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh và làm tăng nguy cơ đẩy nhiều quốc gia đang phát triển vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Christoph Trebesch, đồng tác giả của nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu kinh tế thế giới tại Kiel, cho biết: “Phương Tây vẫn chưa hiểu sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thay đổi hệ thống tài chính quốc tế sâu sắc đến mức nào”.
Ngồi trong một thư viện ở Hamburg, Trebesch lướt qua hàng trăm dòng dữ liệu trên máy tính xách tay của ông: thời hạn cho vay, lãi suất, mục đích và tài sản thế chấp của gần 5.000 khoản cho vay và thanh toán viện trợ của Trung Quốc đối với 152 quốc gia. Thông tin này đến từ gần chục cơ sở dữ liệu được biên soạn với sự giúp đỡ của các tổ chức viện trợ, các ngân hàng và Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Trebesch mô tả quy trình biên soạn thông tin này là “một dạng khảo cổ kinh tế”. Quá trình này đòi hỏi ông và người đồng nghiệp Sebastian Horn phải phân tích dữ liệu và sau đó so sánh với các nguồn chính thức để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về các tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài – bức tranh mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn che giấu.
Vòng tròn tài chính khép kín
Theo nghiên cứu này, Trung Quốc xuất khẩu nhiều vốn sang các nước mới nổi và đang phát triển hơn tất cả các quốc gia công nghiệp hóa khác cộng lại. Hơn nữa, nhiều điều kiện đi kèm với khoản cho vay đang đè nặng lên vai các nước tiếp nhận.
Trong khi các chính phủ phương Tây và các tổ chức đa phương thường đưa ra lãi suất thấp và thời hạn thanh toán dài đối với các khoản cho vay của họ, thì Trung Quốc có xu hướng áp đặt thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn. Để đảm bảo các khoản cho vay sẽ được thanh toán, các hợp đồng cho vay quy định Bắc Kinh có một số quyền, chẳng hạn như quyền tiếp cận nguồn thực phẩm, nguyên liệu thô hoặc lợi nhuận của các công ty thuộc sở hữu nhà nước ở các nước tiếp nhận. Thông thường, Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo rót tiền thẳng cho các công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng sân bay, cảng biển hay các con đập, cách tiếp cận tạo ra một vòng tròn tài chính mà không có sự dính líu của bất kỳ tài khoản nước ngoài nào.
Ngoài ra, hơn 75% các khoản cho vay dưới dạng viện trợ trực tiếp được cung cấp trong những năm gần đây đều đến từ hai thể chế tài chính do nhà nước điều hành: Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng phát triển Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là chính phủ được báo cáo thường xuyên về mọi giai đoạn của các dự án viện trợ và khi khủng hoảng xảy ra với các nước cho vay, Trung Quốc vẫn có lợi thế để giành lấy tài sản thế chấp trước các chủ nợ khác. Nghiên cứu lưu ý rằng Trung Quốc đã xây dựng một hình thức viện trợ phát triển mới, trong đó các khoản cho vay cấp nhà nước được cung cấp tùy theo các điều kiện thương mại.
Điều đó có thể dẫn đến các cuộc xung đột tồi tệ khi các dự án không được tiến hành theo kế hoạch. Chẳng hạn như tại Sri Lanka, Trung Quốc có quyền kiểm soát một cảng biển sau khi chính phủ nước này gặp khó khăn trong việc trả nợ. Tại Ecuador, Bắc Kinh nắm giữ 80% doanh thu từ dầu mỏ của nước này để bù đắp cho những phí tổn có liên quan đến một dự án xây đập khổng lồ. Tại Zambia, nước nợ Trung Quốc 6 tỷ USD theo ước tính, những người chỉ trích lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tiếp quản công ty cung cấp năng lượng nhà nước Zesco.
Sự sợ hãi cũng đang gia tăng ở Nam Phi, nơi Tổng thống Cyril Ramaphosa được cho là đã đàm phán về các khoản cho vay và trợ cấp trị giá 370 tỷ rand (tương đương khoảng 24 tỷ euro) trong một chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh mùa Thu năm 2018. Đảng đối lập Liên minh dân chủ lo ngại rằng Nam Phi có thể sa vào bẫy nợ và Bắc Kinh có thể nắm quyền kiểm soát công ty điện thuộc sở hữu nhà nước Eskom đang chật vật duy trì sự tồn tại. Mùa Thu năm 2018, Ramaphosa khẳng định rằng Chính phủ Nam Phi “không có thói quen bàn giao tài sản của đất nước chúng tôi cho bất kỳ quốc gia hay thực thể nào khác”. Câu nói này rõ ràng ám chỉ Trung Quốc. Chắc chắn các nước phương Tây không hề khó chịu khi Trung Quốc, trong số nhiều quốc gia trên thế giới, đảm nhận vai trò tốt thí từng thuộc về IMF hay Mỹ trong một thời gian dài. Nhưng dù sao họ vẫn không yên tâm trước nỗ lực của Bắc Kinh nhằm che giấu quy mô thực sự của các khoản cho vay của nước này đối với các nước đang phát triển.
Nguy cơ vỡ nợ
Nghiên cứu giữa Đức và Mỹ đã vạch ra quy mô của nỗ lực đó. Nghiên cứu này lập luận rằng nhiều khoản tiền từ Bắc Kinh bị che giấu vì chúng được đổ thẳng vào các công ty thuộc sở hữu nhà nước đang hoạt động tại các nước tiếp nhận. Tuy nhiên các bảng cân đối kế toán của các công ty này thường không có trong thống kê tài chính chính thức. Kết quả là một lượng lớn các khoản cho vay phát triển của Trung Quốc đã qua mặt các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế. Nghiên cứu này cho thấy số nợ của nước ngoài mà Trung Quốc nắm giữ cao hơn khoảng 50% so với số liệu thống kê chính thức.
Sự khác biệt đặc biệt lớn ở những nước vốn đã nợ nần chồng chất. Chẳng hạn như ở Bờ Biển Ngà, số nợ cao hơn 4 tỷ USD so với mức mà người ta vẫn nghĩ. Sự chênh lệch ở Angola là 14 tỷ USD và Venezuela là 33 tỷ USD. Theo nghiên cứu này, vì Chính quyền Bắc Kinh có xu hướng tính lãi suất cao, nên nhiều nước mới nổi và đang phát triển phải thực hiện “nghĩa vụ trả nợ gia tăng thường niên”. Điều đó có nghĩa là các khoản thanh toán lãi suất của họ tiếp tục tăng, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ.
Một con tàu tại thành phố biển Mombasa của Kenya hoạt động trên đường ray do Trung Quốc xây dựng.Các tác giả của nghiên cứu này lưu ý rằng tình hình hiện nay gợi nhớ đến thời điểm cuối những năm 1970, khi các ngân hàng lớn từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cung cấp các khoản cho vay trị giá hàng tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh và châu Phi vốn giàu hàng hóa – những món nợ đã qua mắt được các cơ quan giám sát quốc tế. Khi giá của nhiều nguyên liệu thô sụt giảm, các nước như Mexico không thể trả nợ được nữa, và phần lớn các nước đang phát triển đều rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ khiến họ bị chững lại trong nhiều năm.
Hiện nay, tình hình gần như không có gì khác biệt. Một lần nữa, nhiều nước đang phát triển đã chấp nhận các khoản nợ khổng lồ. Và nếu tính cả dòng tiền không rõ ràng từ Trung Quốc, như nghiên cứu đã chỉ ra, thì số nợ mà nhiều nước phải gánh chịu một lần nữa sẽ ở mức cao như hồi những năm 1980. Các tác giả bài viết cho rằng tình huống này “giống một cách đáng chú ý” với những gì đã xảy ra.
Cũng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy một cuộc khủng hoảng đang đến rất gần. Pakistan gần đây đã buộc phải xin IMF cấp một khoản cho vay khẩn cấp vì họ không thể trả số nợ khổng lồ cho Trung Quốc. Tại Sierra Leone, chính phủ đã cho ngừng xây dựng một sân bay mà Trung Quốc có ý tài trợ. Trong khi đó, Tổng giám đốc IMF Lagarde gần như trong mọi bài phát biểu đều đề cập đến những nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu.
Châu Phi cần gì?
Tuy nhiên, trước mắt chưa thấy dấu hiệu dòng tín dụng của Trung Quốc sẽ ngừng lại. Các lợi thế kinh tế, cũng như các lợi ích chính trị, đặc biệt là ở châu Phi của Trung Quốc đơn giản là quá lớn.
Trong khi phương Tây phần lớn chỉ coi lục địa này là nguồn gốc liên tục gây ra thảm họa, thì Bắc Kinh lại coi đây là nơi có tiềm năng chưa được khai thác. Khoảng 1,5 triệu người Trung Quốc gồm các doanh nhân, chuyên gia công nghệ thông tin, kỹ thuật viên và thương nhân được cho là đang sinh sống và làm việc ở châu Phi.
Họ đã mở rộng cơ sở hạ tầng ở châu Phi với tốc độ đầy ấn tượng, xây các con đập, sân bay, đường ray và các khu công nghiệp trên khắp châu lục này. Đổi lại, Trung Quốc có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các thị trường châu Phi.
Theo lời Tổng thống Rwandan Paul Kagame, Bắc Kinh đang mang đến chính xác những gì châu Phi cần. Ông nằm trong nhóm ngày càng nhiều những nhà lãnh đạo ở châu Phi đang tìm cách bắt chước mô hình chuyên chế được Trung Quốc phát triển thành công, thường có sự ủng hộ từ phía người dân. Theo một cuộc khảo sát được các công ty thăm dò ý kiến trên trang web Afrobarometer thực hiện tại 36 nước châu Phi, 63% số người được hỏi có cái nhìn tích cực về sự can dự của Trung Quốc.
Các nhà cầm quyền châu Phi muốn hợp tác với Trung Quốc một phần là vì nước này không liên quan đến các quy định về đạo đức giống như những đòi hỏi, ít nhất là trên giấy tờ, của các chính phủ phương Tây. Và họ không quá đắn đo trong việc hối lộ các chính trị gia.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cảnh báo về số nợ đang trở nên quá cao ở châu Phi. Không chỉ vì nhiều dự án đã tỏ ra không khả thi về mặt kinh tế, mà còn vì Trung Quốc đã và đang làm một việc mang tính hệ thống là báo cáo không đầy đủ về ảnh hưởng của họ.
Rõ ràng hơn nữa
Như nghiên cứu mới đã chỉ ra, trong khi số liệu thống kê chính thức của Chính phủ Trung Quốc thường chỉ liệt kê các khoản cho vay nhỏ, con số thực tế cao hơn nhiều. Chẳng hạn, đất nước nhỏ bé Djibouti đang nợ Trung Quốc một khoản tương đương với 70% sản lượng kinh tế hàng năm của họ. Con số này ở Congo là 30% và Kenya là 15%, lớn hơn nhiều so với khoản nợ các nước phương Tây.
Nợ công của các nước với Trung Quốc năm 2017, tính theo % GDP.Tình hình này khó có thể thay đổi trong tương lai gần. Trebesch nói: “Nhiều dự án của Trung Quốc đã có lợi cho các nước tiếp nhận”. Xét cho cùng, nhiều nước châu Phi đang rất cần cơ sở hạ tầng hiện đại.
Hơn nữa, một số nghiên cứu gần đây của Mỹ đã vẽ ra một bức tranh ít gây hoang mang hơn về các khoản cho vay phát triển của Trung Quốc. Nhà kinh tế học Deborah Brautigam thuộc Đại học Johns Hopkins ở Baltimore nhận thấy trong số 17 nước châu Phi mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng nợ, chỉ có 3 nước tiếp nhận các khoản cho vay từ Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà phân tích đến từ Tập đaoàn Rhodium lập luận rằng Trung Quốc không độc đoán như nhiều người vẫn nghĩ. Khi xem xét 40 dự án của Bắc Kinh, tập đoàn này nhận thấy Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đưa ra nhượng bộ về thời hạn trả nợ nếu việc đó là cần thiết.
Tuy vậy, tần suất của những nhượng bộ này dường như chỉ ra rằng các điều kiện ban đầu do Trung Quốc đặt ra là quá nghiêm ngặt. Và tình hình này không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch liên quan đến quy mô các khoản cho vay của Bắc Kinh và các điều kiện kèm theo.
Trên thực tế, đó là sự cải thiện quan trọng nhất mà Trabesch muốn thấy – cụ thể là Trung Quốc cuối cùng sẽ phải làm rõ hơn các hoạt động tài chính của họ tại các nước đang phát triển. Thứ nhất vì hậu quả kinh tế và chính trị của các khoản cho vay này sẽ trở nên rõ ràng hơn. Thứ hai vì điều đó có thể giúp ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc khủng hoảng nợ mới tại các nước đang phát triển.
Xét cho cùng, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu điều đó xảy ra.
Theo Spiegel | Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
0 comments