Đọc báo Pháp – 02/07/2019
Hồng Kông : Tức nước vỡ bờ
Thời sự Hồng Kông với cuộc tấn công của người biểu tình vào trụ sở Nghị Viện đặc khu vào đúng ngày kỷ niệm Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc là chủ đề được báo chí Pháp ra ngày 02/07/2019 quan tâm nhất, bên cạnh tình trạng bế tắc của Liên Hiệp Châu Âu, chưa nhất trí được về dàn lãnh đạo mới. Ngón đòn ngoại giao-truyền thông của tổng thống Mỹ, « bất ngờ đi thăm Bắc Triều Tiên » cách nay hai hôm, tiếp tục được phân tích.
Libération đã dành trang nhất cho tình hình Hồng Kông, với hàng tựa lớn: « Vì sao Hồng Kông bị tức nước vỡ bờ », trên nền một bức ảnh chụp người biểu tình dùng sơn bôi đen huy hiệu đặc khu treo trên tường hội trường của Nghị Viện Hồng Kông.
Tờ báo giải thích thêm : « Trong cuộc đấu tranh từ năm tháng nay chống lại một đạo luật dẫn độ bị coi là nhằm tăng cường quyền kiểm soát của Bắc Kinh, những người biểu tình đã tràn vào Nghị Viện. Sự kiện này là biểu tượng phản ánh một xã hội đang trên bờ vực đổ vỡ, đặc biệt nơi thanh niên ».
Nỗi lo ngại Hồng Kông bị mất tự do như ở Hoa Lục
Trong 4 trang báo bên trong, Libération phân tích thêm về lý do vì sao lại có tình trạng bạo động như vậy tại Hồng Kông. Đối với tờ báo, một trong những nguyên nhân chủ chốt là tâm lý bất mãn cao độ, đặc biệt là nơi giới trẻ, trước một tương lai ảm đạm, trong một chế độ bị Bắc Kinh kềm kẹp.
Trong bài phóng sự rất sống động về cuộc biểu tình ngày hôm qua, với tựa là câu nói của một người biểu tình : « Sắp tới, ở đây không còn tương lai nữa », đặc phái viên Libération nhắc lại nỗi lo ngại của người dân Hồng Kông :
« Từ cách đây một tháng, những người biểu tình đã nổi dậy phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc, một đạo luật sẽ đẩy mọi công dân Hồng Kông vào quyền sinh sát của một bộ máy tư pháp tham nhũng và theo lệnh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đối với 7,4 triệu dân của lãnh thổ bán tự trị này, điều đó sẽ khai tử chế độ “một quốc gia, hai chế độ”, vốn đảm bảo sự độc lập của ngành tư pháp và quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông cho đến năm 2047.
Sau khi kế hoạch thông qua dự luật bị đình chỉ, những người biểu tình tiếp tục yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn văn kiện này, đồng thời đòi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, lãnh đạo chính quyền đặc khu thân Trung Quốc phải từ chức ».
Libération đã trích dẫn nhiều phát biểu của những người biểu tình cho thấy rõ nỗi tuyệt vọng của người dân. Một cặp vợ chồng là kỹ sư, đi biểu tình cùng với con gái đang học ngành sinh hóa, đã cho biết quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh, bất chấp lời khẳng định của chính quyền là dự luật đã bị dẹp qua một bên : “Chúng tôi sinh ra ở Trung Quốc, nên biết rõ ác quỷ Cộng Sản là gì. Trong những năm gần đây, chúng tôi thấy nó mở rộng ảnh hưởng ở Hồng Kông. Mọi người hiện đã phẫn nộ, vì chẳng mấy chốc nữa, nơi đây sẽ không còn tương lai.”
Một cụ già 80 tuổi cũng chia sẻ : “Tôi đã thực hiện cuộc biểu tình đầu tiên của mình vào năm 1958, vào thời người Anh, và tôi luôn đấu tranh cho công lý… Tôi đến đây để bảo vệ con cháu. Lần này, chính tương lai của xã hội chúng tôi đang bị đe dọa.”
Hai triệu người biểu tình ở Hồng Kông tương đương với 20 triệu ở Pháp !
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn « Ý dân », Libération biện hộ cho những hành vi bạo động của người biểu tình Hồng Kông.
Theo tờ báo, việc người biểu tình đột nhập vào Nghị Viện Hồng Kông có lẽ không phải là cách tốt nhất để phản đối. Hành động này chắc chắn sẽ tạo một cái cớ cho chính quyền để đàn áp phong trào. Nhưng hành động đó cũng phản ánh sự phẫn nộ của người dân Hồng Kông khi thấy Bắc Kinh không ngừng gặm nhắm quyền tự chủ mà họ đã chấp nhận vào thời điểm Hồng Kông được bàn giao lại.
Sự bực tức đã dẫn đến các cuộc biểu tình huy động đến hai triệu người. Nếu tính theo tỷ lệ, một cuộc biểu tình như vậy ở Pháp sẽ tương đương với gần 20 triệu người… Ý nguyện của người dân Hồng Kông là điều không có gì để nghi ngờ, hình thành dựa trên luật pháp, dựa trên các nguyên tắc tự do và quyền tự quyết.
Libération kết luận : Chỉ có một giải pháp danh dự cho cuộc khủng hoảng này: Bắc Kinh phải tôn trọng lời hứa, và đúng theo thỏa thuận đã ký kết (với Anh Quốc), phải để cho Hồng Kông sống cuộc sống của mình. »
Nếu Libération đã dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho đề tài Hồng Kông, các báo còn lại cũng nêu bật sự kiện này trong trang quốc tế của mình. Le Figaro giới thiệu ngay trang nhất trong một hàng tựa nhỏ : « Tại Hồng Kông, cuộc nổi dậy chống Bắc Kinh dâng cao », trong lúc La Croix thì nêu bật ở trang quốc tế sự kiện « Người Hồng Kông rầm rộ phản đối Bắc Kinh ».
Chọn lãnh đạo : Châu Âu xâu xé nhau
Hồ sơ lớn thứ hai được tất cả các báo quan tâm là bế tắc ở thượng tầng Liên Hiệp Châu Âu trong việc cử ra dàn lãnh đạo của cả khối cho nhiệm kỳ mới bắt đầu từ năm 2019 này. Nổi bật là báo Le Figaro, đã dành 3 trang và bài xã luận cho sự kiện này
Nhật báo Pháp đã chạy trên trang nhất hàng tựa lớn « Châu Âu bị xâu xé trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo ». Tờ báo ghi nhận là vì không thể đạt được thỏa thuận, các nguyên thủ quốc gia châu Âu đã phải dời qua hôm nay việc bổ nhiệm người vào các vị trí chủ chốt trong Liên Hiệp Châu Âu.
Le Figaro nhắc lại tuyên bố giận dữ của tổng thống Pháp Macron theo đó « thất bại » của thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu về đề cử lãnh đạo đã mang đến một « hình ảnh rất xấu về châu Âu ».
Châu Âu bị tê liệt vì chia rẽ
Trong nhiều bài viết khác nhau, Le Figaro đã cho rằng « Liên Hiệp Châu Âu đã bị tê liệt vì chia rẽ » giữa các thành viên. Trước sự kiện chính sự phản đối của các nước như Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Séc được Ý phụ họa đã làm cho thỏa hiệp Pháp-Đức thất bại, Le Figaro đã nêu bật « Ảnh hưởng ngày càng tăng của các quốc gia phía đông lục địa ».
Trong bài xã luận, Le Figaro cho là tổng thống Pháp đã có lý khi đả kích « thất bại » trong việc đề cử dàn lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu. Các trục trặc liên tiếp trong việc vận hành đã đẩy Liên Hiệp Châu Âu đến bên bờ vực của sự tê liệt. Hai đầu tầu Pháp-Đức, động lực không thể thiếu để thúc đẩy thỏa hiệp, hiện đang bị hỏng máy.
Le Figaro cho rằng sau cùng thì châu Âu cũng sẽ đạt thỏa thuận, nhưng với giá nào? Dẫu sao theo tờ báo, lần khủng hoảng này đã nêu bật nhu cầu cải tổ khẩn cấp đối với Liên Hiệp Châu Âu, và tìm ra những lãnh đạo sẽ tạo ra một động lực mới cho toàn khối.
Báo La Croix cũng dành bài xã luận cho hồ sơ bầu lãnh đạo tương lai cho Liên Hiệp Châu Âu. Tờ báo đã tỏ ý tiếc rằng các nguyên thủ châu Âu đã không chuẩn bị trước một cách tốt hơn, khiến cho sự chia rẽ nội bộ bị phơi bày công khai ở Bruxelles.
Tờ báo cũng thấy rằng tổng thống Macron có lý khi cho rằng Liên Hiệp Châu Âu không nên mở rộng trước khi tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề vận hành hiện tại.
Trump và Kim :
Một bước tiến nhỏ đến hòa bình
Hồ sơ Bắc Triều Tiên tiếp tục thu hút sự chú ý của báo Le Monde, đã đăng ở vị trí trang trọng nhất trên trang nhất của mình một bức ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên, vai kề vai, cùng bước qua lằn ranh phân chia hai miền Nam Bắc Triều Tiên, dưới hàng tựa bằng chữ in hoa : « Trump và Kim, một bước nhỏ tiến đến hòa bình ».
Tờ báo Pháp nêu bật ngay bên dưới hai nhận xét : Donald Trump hôm Chủ Nhật vừa qua đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân trên đất Bắc Triều Tiên. Chuyến đi đầy tính biểu tượng đó có thể giúp thúc đẩy trở lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.
Ở trang trong, trong bài viết « Trump tiến một bước về phía Kim để thúc đẩy trở lại đối thoại », Philippe Pons, thông tín viên kỳ cựu của Le Monde tại Tokyo, không ngần ngại cho rằng : « Một cái bắt tay nồng nhiệt của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào Chủ nhật, ngày 30 tháng 6, tại Bàn Môn Điểm, một địa điểm mang tính biểu tượng cao, điểm liên lạc duy nhất trong khu phi quân sự, tiếp theo là động thái của tổng thống Mỹ vượt qua đường ranh giới phân chia Nam và Bắc Triều Tiên theo lời mời của người đối thoại, đó sẽ là những hình ảnh biểu tượng của một trang đang được lật qua trong lịch sử đau khổ của Triều Tiên ».
La Croix: Không nên ruồng rẫy
con cái các gia đình thánh chiến
Dù có bài xã luận cho thời sự châu Âu, nhật báo La Croix đã dành trang nhất cho một vấn đề xã hội Pháp : xử lý ra sao đối với con cái của những công dân Pháp đã trốn qua Syria và Irak đầu quân cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.
La Croix đã chạy trên trang nhất hàng tựa lớn « Sự tiếp nhận con em các phần tử thánh chiến được giám sát chặt chẽ ».
Theo tờ báo Công Giáo, từ năm 2016 đến nay, 134 trẻ em Pháp, được sinh ra hoặc đã sống dưới chế độ của tổ chức Daech, đã từ Syria trở về Pháp. Trong khi cha mẹ các em này đã bị tống giam ngay khi trở lại Pháp, những thiếu niên này được giao cho Cơ Quan Trợ Giúp Xã Hội cho Trẻ Em ở vùng Seine-Saint Denis quản lý. Các em được gởi đến các gia đình nhận nuôi, và công việc này được tổ chức một cách rất thận trọng.
Theo La Croix, tương lai của các thiếu niên này đang đặt ra nhiều câu hỏi, thâm chí tạo nên những quan ngại về việc liệu các em có lại đi theo con đường của bố mẹ chúng hay không. Tuy nhiên, giới chuyên môn trong ngành tư pháp và y tế kêu gọi mọi người đừng quá hoang tưởng, tránh tâm lý nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Các bác sĩ và thẩm phán chịu trách nhiệm việc đón tiếp các thiếu niên này đã tỏ ý tiếc rằng trẻ em từ Syria trở về đôi khi bị coi là mối nguy hiểm tiềm tàng. Theo những nhà chuyên môn này, chính việc xã hội không chấp nhận các em mới tác động đến tương lai các em.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Khủng bố Sri Lanka: Yêu cầu truy tố hai cựu lãnh đạo sảnh sát và quốc phòng về tội ác chống nhân loại.
Hôm qua, 01/07/2019, chưởng lý Dappula de Livera cho rằng cựu lãnh đạo ngành cảnh sát Pujith Jayasundara và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Hemasiri Fernando đã không lưu ý đến những cảnh báo khủng bố, trước các vụ tấn công ngày 21/04, đã làm 258 người thiệt mạng. Lỗi lầm này tương đương với điều mà luật quốc tế gọi là “tội ác chống nhân loại”.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lùng bắt người liên quan đến vụ đảo chính hụt 2016.
Viện công tố vùng Izmir (tây) và Konya (trung) hôm qua, 01/07/2019, phát lệnh bắt 82 quân nhân. Cùng lúc, Viện công tố Istanbul thông báo truy nã 40 quân nhân. Cơ quan tố tụng Ankara cũng cho biết bắt 22 nghi phạm và truy nã 8 người. Tất cả đều bị nghi ngờ ủng hộ phong trào của giáo sĩ Gulen, bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách « tổ chức khủng bố ».
(AFP) – Cảnh sát Úc bắt giữ 3 người tình nghi âm mưu khủng bố.
Cảnh sát Úc hôm nay, 02/07/2019, đã bắt giữ 3 người đàn ông bị tố cáo có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và âm mưu tấn công khủng bố ở Sydney, vào trụ sở cảnh sát, cơ quan quốc phòng và đại diện nước ngoài. Theo cảnh sát, những người này độ tuổi 20 và 30, đã bị theo dõi do những « hoạt động đáng ngờ » trên mạng. May là âm mưu của họ bị phát hiện sớm, họ chỉ mới tìm cách chuyển vũ khí và chất nổ.
(AFP) – Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa (OPEP) gia hạn việc giảm sản lượng.
OPEP và các đồng minh đã đồng ý vào hôm nay, 02/07/2019, sẽ tiếp tục giảm sản lượng dầu cho đến tháng 3/2020, để hỗ trợ giá dầu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu và sản xuất dầu lên cao tại Mỹ. Nga và Ả Rập Xê Út là đầu tàu trong quyết định giảm sản lượng này. Hôm thứ Bảy, Matxcơva tuyên bố là Nga và Ả Rập Xê Út đã đồng thuận giảm sản xuất 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 1,2% nhu cầu thế giới.
(AFP) – Mỹ dự kiến tăng thuế đối với phô mai và rượu wisky để trừng phạt châu Âu.
Chính quyền Trump hôm qua 01/07/2019 thông báo thăm dò ý kiến về việc sẽ tăng thuế đánh vào 90 mặt hàng nhập khẩu từ Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có nhiều loại phô mai, rượu wisky, sản phẩm chế biến từ thịt lợn … nhằm đáp lại điều mà Washington coi là Liên Hiệp lạm dụng việc tài trợ cho các hãng chế tạo máy bay của châu Âu. Các mặt hàng này có tổng giá trị 4 tỉ đô la. Ngày 12/04, Mỹ cũng đã tăng thuế đối với 21 tỉ đô la hàng nhập từ châu Âu.
(AFP) – Giải vô địch thế giới lần thứ 18 về xén lông cừu được tổ chức tại Dorat, vùng Haute -Vienne, Pháp.
Đây là lần đầu tiên giải vô địch diễn ra tại Pháp, kể từ khi bắt đầu có giải vô địch vào năm 1977. Giải đấu diễn ra trong 4 ngày, kể từ 04/07/2019, với ba nội dung thi đấu : xén lông cừu bằng máy, xén lông cừu bằng kéo và phân loại lông cừu. 320 người dự thi đến từ 34 nước, như Nhật, Na Uy, Nam Phi … với 5.000 con cừu. New Zeland đã đoạt chức vô địch năm 2017 và được dự báo sẽ giành giải nhất năm nay.
(AFP) – Ivanka Trump, con gái và là cố vấn của tổng thống Mỹ, bị chế giễu trên mạng xã hội.
Làn sóng chế nhạo Ivanka Trump dâng lên sau khi một băng vidéo được tung ra trong đó cư dân mạng nhìn thấy cảnh ái nữ của tổng thống Mỹ tìm cách nói chen vào cuộc nói chuyện của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới tại thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Hashtag tạm dịch là « Ivanka không phải là người được đón chào » tràn ngập trên mạng Twitter.
(AFP) – Venezuela : Hai quân nhân bị bắt giam sau cái chết của một đại úy đang bị tù giam.
Đại úy Acosta bị cáo buộc có âm ưu đảo chính lật độ tổng thống Nicolas Maduro hôm 24-25/06/2019. Theo lãnh đạo đối lập Juan Guaido và Hoa Kỳ, đại úy Acosta đã bị tra tấn đến chết. Chưởng lý Venezuela, một người thân cận với tổng thống Nicolas Maduro, ra phán quyết hôm qua 01/07/2019 là hai quân nhân trên phạm tội « sơ ý giết người ».
(AFP) – Hungary : Quốc Hội thông qua luật cải cách Viện Hàn Lâm Khoa Học (MTA).
Luật mới cho phép chính quyền kiểm soát nhiều viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Hungary, được thành lập năm 1825. Chủ tịch Hàn Lâm Viện Hungary và các nhà khoa học của Hung lo ngại là cuộc cải cách của chính quyền Orban đi ngược lại các quy tắc của Liên Âu về tài trợ cho nghiên cứu khoa học và đe dọa quyền tự do nghiên cứu khoa học và các nước khác sẽ « bắt chước » Hungary để gây ảnh hưởng đối với các nhà khoa học. Những người phản đối luật cải cách MTA dự kiến tuần hành vào chiều nay 02/07/2019.
0 comments