Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Học viện Khổng Tử và âm mưu quảng bá sức mạnh mềm của TQ

Tuesday, July 2, 2019 4:05:00 PM // ,


Trong những năm gần đây, Chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh hậu thuẫn mở rộng các Học viện Khổng Tử trên thế giới nhằm quảng bá sức mạnh mềm của Bắc Kinh, cũng như làm cơ sở để tiến hành các hoạt động tình báo trái phép tại nước ngoài.

Học viện Khổng Tử là gì
Theo tài liệu chính thức của Trung Quốc thì Viện Khổng Tử là cơ quan giáo dục phi lợi nhuận thuộc Văn phòng lãnh đạo quảng bá Hán ngữ ra quốc tế (gọi tắt là “Hán Biện”) trực thuộc Bộ Giáo dục, trụ sở chính đặt ở Bắc Kinh, được thành lập ở các quốc gia với nhiệm vụ “quảng bá Hán ngữ, giúp các nước hiểu biết thêm về Trung Quốc”. Công việc quan trọng của nó là cung cấp tài chính (Theo Giáo sư Cát Kiếm Hùng ở Đại học Phục Đán, mỗi Viện Khổng Tử thành lập được Hán Biện tài trợ ban đầu từ 500 ngàn USD, hàng năm còn cấp thêm kinh phí hoạt động từ vài chục ngàn tới cả triệu USD; cử giảng viên, biên soạn và đảm bảo tài liệu học Hán ngữ, tạo lập con đường học Hán ngữ chính quy cho những người muốn học thứ tiếng này trên khắp thế giới.
Người Trung Quốc so sánh Viện Khổng Tử với những tổ chức xúc tiến ngôn ngữ và văn hóa như Viện trao đổi văn hóa Pháp, Viện Goethe của Đức hay Hội đồng Anh. Tuy nhiên, khác biệt căn bản trong tôn chỉ mục đích và hoạt động của Viện Khổng Tử so với các cơ quan văn hóa phương Tây dần bộc lộ: ba cơ quan nêu trên của Anh, Pháp và Đức đều không được đặt trong các trường đại học trên toàn cầu mà hoạt động độc lập, công khai tôn chỉ và định hướng tại các nước đối tác. Trong khi đó, các Viện Khổng Tử đặt trong khuôn viên các trường đại học của nước sở tại nhưng giảng dạy theo “đúng định hướng” chính sách của Bắc Kinh.
Các Viện Khổng Tử hoạt động thông qua hợp tác với các trường đại học liên kết trên toàn thế giới. Kể từ khi Viện Khổng Tử đầu tiên được mở tại Seoul ngày 21/11/2004, theo “Hán Biện” thì tính tới đầu năm 2018, theo con số thống kê của Trung Quốc, trên thế giới có 525 viện và 1.113 lớp học Khổng Tử. Tính theo châu lục, cho thấy: châu Mỹ có 161 viện và 574 lớp học Khổng Tử (161/774); châu Âu: 173/307; châu Á: 118/101; châu Phi: 54/30; châu Nam Cực: 19/101. Tính theo nước (có từ 5 viện trở lên): Mỹ 93, Anh 24, Hà Quốc 19, Nga 17, Pháp 15, Nhật Bản 14, Đức 14, Canada 13, Thái Lan 12, Ý 11, Úc 11, Brazil 8, Ấn Độ 6, Tây Ban Nha 6, Indonesia 6, Mexico 5, Ukraina 5. Các con số trên chưa được xem là đầy đủ. Một số nguồn tin cho thấy ở Mỹ có 200 viện Khổng Tử.
Theo một đánh giá, năm 2015, Trung Quốc chi 311 triệu USD cho việc giảng dạy và các chương trình văn hóa ở nước ngoài; chi phí từ năm 2004-2015 lên tới 2 tỷ USD. Tính đến năm 2015, có 5.000 giáo viên tiếng Trung tại các viện, đào tạo 1,4 triệu người trên khắp thế giới. Trung Quốc có thể đã chi khoảng 10 tỷ USD mỗi năm để thúc đẩy sức mạnh mềm.
Mục đích của Học viện Khổng Tử
Mặc dù Bắc Kinh ra sức tuyên truyền mục tiêu của các Viện Khổng Tử là giảng dạy, đào tạo giáo viên tiếng Trung, tổ chức thi trình độ Hán ngữ, chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... nhằm đưa văn hóa Trung Hoa ra thế giới; nhưng có vẻ mục đích chính của nó không hoàn toàn như thế.
Chính ông Lý Trường Xuân, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã không giấu diếm: “Viện Khổng Tử là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tuyên truyền ở nước ngoài của Trung Quốc”. Nhiều học giả quốc tế đã nhìn nhận “các Viện Khổng Tử là một hạm đội đấu tranh tư tưởng toàn cầu nhằm đạt tới mục tiêu chiến lược “nhược Tây cường Trung”.
Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ (AAUP) đã hối thúc các trường đại học phương Tây cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử và ra một thông cáo chỉ trích Viện Khổng Tử: “Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được phép không tôn trọng tự do học thuật”,  “hầu hết các thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử bao gồm những điều khoản không được tiết lộ và những sự nhượng bộ không thể chấp nhận đối với các mục tiêu chính trị và cách làm việc của chính phủ Trung Quốc”.
Quốc hội Thụy Điển nhận định: Viện Khổng Tử là nơi để chính phủ Trung Quốc tuyên truyền chính trị; còn cơ quan an ninh quốc gia Canada thì cho rằng: Viện Khổng Tử là bước đầu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm nhập, thẩm thấu vào quốc gia sở tại. Các quan chức Ấn Độ và Nhật Bản cũng hoài nghi các Viện Khổng Tử không chỉ truyền thụ Hán ngữ, mà còn truyền bá ý thức hệ, quan niệm giá trị của Trung Quốc, là công cụ để tác động, gây ảnh hưởng đến dân chúng và chính quyền nước sở tại.
Trong một thời gian dài sau khi được thành lập, các Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ thành lập đã gây nên tranh cãi ở các nước. Nhiều người lo ngại Viện Khổng Tử sẽ gây hại đến tự do học thuật của giáo dục phương Tây. Cuối năm 2014, trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Hứa Lâm, Chủ nhiệm Hán Biện khi đó thẳng thắn không giấu diếm: “Viện Khổng Tử là cơ cấu học thuật, nơi truyền bá quan niệm giá trị của Trung Quốc ra nước ngoài, bất kể đó là các trường đại học lớn như Columbia, Stanfort hay các trường tiểu học ở khu phố nhỏ”.
Chính những người trong cuộc cũng không tán thành với kiểu hoạt động của Viện Khổng Tử. Khổng Kiện (tên trong gia phả là Khổng Tường Lâm), hậu duệ đời thứ 75 của Khổng Tử, tháng 12/2014 đã thành lập một cơ sở dạy Luận Ngữ tại Tokyo. Mặc dù là cố vấn của Viện Khổng Tử ở Nhật, song Khổng Kiện đã thẳng thừng chỉ trích các Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc mở khắp nơi trên thế giới “đều là treo đầu dê bán thịt chó, chả liên quan gì đến Nho học cả”.
Đáng chú ý, theo ông Michel Juneau Katsuya, cựu Vụ trưởng Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cục Tình báo Canada cho biết nhiều năm qua, các Viện Khổng Tử thường sử dụng một sách lược chung ở nhiều quốc gia là thông qua thẩm thấu chính trị để khống chế quan điểm chính trị và ngôn luận. Viện Khổng Tử là một cơ quan gián điệp, được Trung Quốc thao túng và lợi dụng. Hiện cơ quan tình báo Canada vẫn đang điều tra việc các nhân viên của Viện Khổng Tử có ý định tìm kiếm các văn kiện cơ mật, tài khoản và hộp thư điện tử của chính phủ, yêu cầu cho họ sử dụng hộp thư tên miền chính phủ…những hành vi đó đều là hoạt động gián điệp. Lý Phụng Trí, một cựu quan chức tình báo của Trung Quốc cũng nói: “Khi Trung Quốc lập ra Viện Khổng Tử là có xem xét về chiến lược. Bản thân tôi cho rằng đó là con đường tốt, rất tốt để cài cắm các nhân viên tình báo”.
Theo báo Pioneer, các cơ quan tình báo Ấn Độ cũng nghi ngờ Viện Khổng Tử đang phục vụ cho mục đích thu thập tình báo và lôi kéo các chuyên gia đầu ngành thế giới làm việc cho Trung Quốc. Việc thành lập Viện Khổng Tử tại Đại học Mumbai và nỗ lực mở các trung tâm tương tự ở Vellore, Sulur, Coimbatore và Kolkata đang gây hồi chuông báo động trong cộng đồng tình báo ở đây. Một quan chức tình báo cấp cao tại New Delhi cho hay, có một mối lo ngại khác là việc các cơ quan Trung Quốc cũng đang thông qua các doanh nghiệp Trung Quốc để tiếp cận những người ra quyết định trong các tổ chức của Ấn Độ. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện tham vọng địa chính trị, các cơ quan tình báo Ấn Độ thấy rõ Bắc Kinh tích cực thu thập thông tin tình báo. Các cơ quan này đang theo dõi các Bản Ghi nhớ (MoU) mà Trung Quốc ký kết với các trường đại học/cao đẳng của Ấn Độ, các chương trình trao đổi sinh viên và nỗ lực để vận động tình hình hậu Đạt Lai Lạt Ma theo hướng có lợi cho mình. Bộ Nội vụ nắm rõ các mối đe dọa phát sinh từ sự xâm nhập của Trung Quốc vào các cơ sở giáo dục Ấn Độ và đang tìm kiếm chiến lược để giải quyết thách thức. Cách thức hoạt động của bộ máy thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc trên toàn cầu là sử dụng những người nghiệp dư và cộng đồng người Hoa định cư trên toàn thế giới. Các cơ quan tình báo Trung Quốc khác với các cơ quan Mỹ và Nga là Bắc Kinh khai thác quyền lực mềm cho các hoạt động gián điệp dưới sự che chở của các hoạt động hợp pháp. Đáng chú ý là Trung Quốc đã thu thập thông tin thông qua các học giả, doanh nhân và nhân viên tình báo hoạt động dưới vỏ bọc chính thức của nhà ngoại giao, tùy viên quốc phòng, nhà báo và các Viện Không Tử.
Bộ giáo dục bang New South Wales của Australia cũng đã xem xét lại chương trình dạy tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc vốn được áp dụng tại các trường công lập trên khắp nước Australia. Các trường được phía Trung Quốc cấp kinh phí 10.000 USD. Giáo viên do phía Trung Quốc bổ nhiệm. Giáo sư Clive Hamilton, thuộc Đại học Chales Sturt (Úc), kêu gọi các trường đại học của Úc có dính líu với viện Khổng Tử xem xét lại quan điểm cuả họ về vai trò của viện tại cấp đại học của nước Úc. Ông này nói: “Mỹ và Canada đã loại bỏ các viện Khổng Tử ra khỏi một số trường đại học vì họ hiểu đó không phải là các trung tâm văn hóa vô hại như đã từng tuyên bố. Đã đến lúc các trường đại học của Úc cũng cần nhận thức được vấn đề này và đóng cửa các viện Khổng Tử càng sớm càng tốt”.
Một trí thức Trung Quốc là Giáo sư Tôn Quảng Văn ở Đại học Sơn Đông cũng phát biểu: “Trung Quốc cho đặt nhiều Viện Khổng Tử ở khắp nơi trên thế giới, lúc đầu ngọn cờ (tôn chỉ) của Viện Khổng Tử là giới thiệu văn hóa truyền thống Trung Quốc ra thế giới; thực tế là thao túng, lợi dụng Viện Khổng Tử để truyền bá quan niệm giá trị, tuyên truyền phiến diện và che đậy những vấn đề chính trị của chính phủ Trung Quốc”.
Dư luận trong nước Trung Quốc cũng đã xuất hiện các ý kiến cho rằng các Viện Khổng Tử cũng là nơi để các quan tham kiếm chác bằng cách xin kinh phí mở trường, đưa con cái, người thân sang làm giáo viên rồi dần dần tìm cách nhập cư các nước phương Tây sở tại và đã xuất hiện ý kiến đòi đóng cửa nó.
Cách thức hoạt động của Học viện Khổng Tử
Văn phòng “Hán Bản” tại Bắc Kinh giữ quyền chỉ định một trường đại học Trung Quốc có thứ hạng tương ứng làm đối tác và cử một giám đốc người Trung Quốc của đại học này trực tiếp chỉ đạo. Các đồng giám đốc người địa phương do Hán Bản mời tham gia chỉ là đại diện có tính hình thức mà không trực tiếp chỉ đạo các hoạt động thường xuyên. Mỗi năm họ được mời dự họp hai lần để nghe báo cáo về tình hình và giải quyết những sự vụ phát sinh. Về giáo viên, đối tác Trung Quốc có nhiệm vụ tìm kiếm giáo viên người bản ngữ là cán bộ của trường để cử sang các nước giảng dạy theo chế độ tình nguyện. Nhiệm kỳ của giáo viên tình nguyện từ 6 tháng đến một năm, và cũng do trường đối tác bên Trung Quốc trả lương. Trên thực tế, do những khó khăn về lương bổng và nhân lực nên số giáo viên tình nguyện người Trung Quốc không nhiều. Học viện Khổng Tử thường khắc phục bằng cách đào tạo những hạt nhân xuất sắc là sinh viên người bản địa, cấp học bổng cho sang Trung Quốc nâng cao trình độ rồi sau đó tuyển dụng làm giáo viên. Mặc dù các Học viện Khổng Tử không tham gia trực tiếp vào hoạt động đào tạo của các trường địa phương nhưng về hình thức, học sinh và sinh viên thường có cảm giác Học viện Khổng Tử chính là một phần của nhà trường. 
Về giáo trình, các Học viện Khổng Tử sử dụng giáo trình riêng do học viện biên soạn và cung cấp. Tuy nhiên, một số học viện ở Thái Lan cũng được phép biên soạn giáo trình riêng để thích hợp với hoàn cảnh và văn hóa địa phương với điều kiện phải được Hán Bản phê duyệt. Các giáo viên tình nguyện Trung Quốc ở Thái Lan cho biết trước khi khởi hành sang Thái Lan, họ được tập huấn về tầm quan trọng của công việc, và được yêu cầu phải nhanh chóng thích ứng với văn hóa và tập tục địa phương, xem công việc dạy Hán ngữ ở nước ngoài như một sứ mạng quốc gia đại diện cho văn hóa Trung Hoa. Họ được khuyên phải thích ứng với các nghi lễ của người Thái như chắp tay trước ngực khi chào hỏi và quỳ gối khi tiếp xúc các nhân vật của hoàng gia trong những nghi lễ trang trọng. 
Hoạt động của các Học viện Khổng Tử tại Thái lan, Việt Nam và các nước trong khu vực tương đối giống nhau, bao gồm một số mảng chính:
(1) Tổ chức các khóa đào tạo Hán ngữ ngắn hạn (từ 3 đến 6 tháng) cho các đối tượng công chức viên chức, giáo viên và người có nhu cầu. Ở Campuchia, một chương trình đào tạo Hán ngữ riêng được biên soạn dành cho sỹ quan quân đội với thời gian đào tạo lâu hơn.
(2) Tổ chức các hoạt động văn hóa khoa học như hội thảo, triển lãm, giới thiệu văn hóa đặc sắc Trung Hoa, võ thuật, âm nhạc, hội họa, và các cuộc thi Hán ngữ quy mô quốc gia.
(3) Tổ chức các cuộc thi đánh giá năng lực Hán ngữ và cấp bằng (Chinese Language Proficiency tests (HSK)) cho công dân địa phương.
(4) Cung cấp thông tin về học bổng, giáo dục, du lịch và văn hóa Trung Quốc
(5) Quảng bá văn hóa ngôn ngữ Trung Hoa, cung cấp giáo trình, giáo viên tình nguyện và hợp tác với các cơ sở dạy Hán ngữ địa phương trong việc biên soạn chương trình giảng dạy và học liệu.
Thái độ của các nước trong khu vực
Vào năm 2005, Trung Quốc bắt đầu đàm phán với các nước trong khu vực Mê Kông về việc thành lập chương trình truyền bá Hán ngữ. Năm 2006 “Hán Bản” đã ký một hiệp định với Bộ Giáo dục Thái Lan cho phép thành lập Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử tại tất cả các bậc học từ tiểu học, trung học đến đại học của Thái Lan. Hiệp định này cũng mở đường cho các HọC VIệN KHổNG Tử tại Thái Lan tiếp nhận tài trợ, chương trình giảng dạy và giáo viên tình nguyện từ TRUNG QUốC. Việc thành lập các Học viện Khổng Tử ở Thái Lan được cho là kết quả của hợp tác kinh tế đang tăng nhanh giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu về ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc và cải thiện quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước và đặc biệt là để tạo dựng nguồn nhân lực mới trong kỷ nguyên hội nhập kinh tế (Kriengsak 2008). Ba năm sau, một hiệp định tương tự cũng được ký kết giữa Chính phủ Trung Quốc và Campuchia. Chỉ từ năm 2006 đến 2009, Trung Quốc đã thành lập được 12 Học viện Khổng Tử ở các trường đại học và 11 Học viện Khổng Tử ở các trường tiểu học và trung học của Thái Lan. Ở Campuchia, Học viện Khổng Tử được chào đón nhiệt tình, đặt tại Viện Hàn lâm Hoàng Gia Campuchia tại Phnom-Pênh và có tới 4 chi nhánh mở rộng ở các vùng khác nhau.
Trong khi đó, ở ba nước còn lại, việc thành lập các Học viện Khổng Tử không hẳn diễn ra thuận lợi. Ở Myanmar, các cuộc đàm phán giữa “Hán Bản” và Chính phủ Myanmar không hề dễ dàng, bất chấp thực tế là từ 1990 đến 2000, Chính phủ quân sự Myanmar có xu hướng thân Trung Quốc. Chỉ đến 2008, Myanmar cho phép lập một Học viện Khổng Tử, nhưng không phải ở một trường đại học danh tiếng như Trung Quốc mong đợi, mà là tại một trường dạy nghề và ngôn ngữ ở Yangoon có tên gọi Fuxing Language and Computer School, một chi nhánh khác của viện này đặt tại Trường Ngôn ngữ và Máy tính Fuquing (Fuquing Language and Computer School) thuộc tỉnh Mandalay, miền trung Myanmar.
Tại Lào, tháng 3/2010 Đại học Quốc gia Lào đã cho phép Học viện Khổng Tử đặt một cơ sở tại trường này. “Hán Bản” đã phân công Đại học Dân tộc Quảng Tây trực tiếp tổ chức các chương trình hoạt động tại đây. Theo báo cáo, năm đầu tiên đã có 200 học viên tham gia học tại các chương trình Hán ngữ do cơ sở này tổ chức, chủ yếu là các công chức chính phủ và người dân.
Việt Nam là nước cuối cùng ở khu vực Mê Kông có Học viện Khổng Tử. Tháng 4/2008, Đại học Sư phạm Quảng Tây đã thỏa thuận với Đại học Hà Nội về việc thành lập một Học viện Khổng Tử tại trường này. Thỏa thuận này đã được Việt Nam chấp nhận bằng một thông báo của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 cho phép thành lập thí điểm một Học viện Khổng Tử. Tuy nhiên, cho đến tận tháng 12/ 2011, Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Việt Nam với tư cách là Phó Chủ tịch Trung Quốc, vẫn phải “mong mỏi Chính phủ Việt Nam sớm tạo điều kiện để thành lập Học viện Khổng Tử tại Việt Nam”. Đến 2 năm sau, tháng 12/2013, Văn phòng Hán Bản tại Bắc Kinh mới phát đi thông báo chính thức được phép mở Học viện Khổng Tử tại Việt Nam và một năm nữa, tháng 12/ 2014, Văn phòng Học viện Khổng Tử đặt tại Đại học Hà Nội mới được khai trương.
Nhiều nơi trên thế giới bắt đầu cấm Học viện Khổng Tử
Ngày 6/6/2018, Ủy ban Tiểu tổ Thượng nghị viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần về vấn đề Trung Quốc lợi dụng các du học sinh để thu thập tình báo. Tại đây, có ý kiến đề nghị chính phủ hãy đóng cửa ngay tất cả các Viện Khổng Tử trong các trường đại học Mỹ. Buổi điều trần này lúc đầu có tên “A Thousand Talents: China’s Campaign to Infiltrate and Exploit U.S. Academia” (Kế hoạch Ngàn người – trào lưu Trung Quốc thâm nhập và lợi dụng giới học thuật Mỹ); nhưng sau đó được đổi tên thành “Student Visa Integrity: Protecting Educational Opportunity and National Security” (Siết chặt cấp visa sinh viên để bảo vệ cơ hội giáo dục và an ninh quốc gia).
Được biết, hiện nay lưu học sinh Trung Quốc ở Mỹ có tới 350 ngàn, chiếm 1/3 tổng số lưu học sinh nước ngoài ở nước này. Các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ đã bày tỏ lo ngại các sinh viên và học giả Trung Quốc bị chính phủ nước họ lợi dụng để thu thập tình báo và các tài liệu nghiên cứu nhạy cảm trong các trường đại học Mỹ, gây nên mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Ngoài ra, các thượng nghj sĩ Mỹ cũng rất quan ngại trước sự có mặt và hoạt động của các Viện Khổng Tử được chính phủ Trung Quốc tài trợ. Theo số liệu chính thức của Mỹ, hiện nay trên toàn thế giới có ít nhất 500 Viện Khổng Tử và 1000 Khóa đường Khổng Tử; riêng ở Mỹ hiện đang có 103 Viện Khổng Tử và 501 Khóa đường Khổng Tử đang hoạt động. Các thượng nghị sĩ cho rằng cần phải tăng cường giám sát và tốt nhất là đóng cửa luôn các Viện Khổng Tử này.
Phát biểu tại buổi điều trần, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói: các Viện Khổng Tử dưới sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc lâu nay được sử dụng như một phương thức áp chế tự do học thuật trong nhà trường; Bắc Kinh lợi dụng các viện này để lôi kéo các sinh viên làm gián điệp cho họ, thậm chí có ý đồ đào tạo những chính khách thân Trung Quốc; là một bộ phận trong chính sách vượt qua nước Mỹ của Trung Quốc. Ông kêu gọi các trường đại học Mỹ hãy đóng cửa tất cả các cơ cấu này. Ngoài ra, Joseph Morosco – quan chức Cục Tình báo quốc gia phụ trách hoạt động phản gián cũng bày tỏ quan ngại trước hoạt động thâm nhập của người Trung Quốc bởi “Trung Quốc là đối thủ kinh tế đáng sợ của Mỹ và có ý đồ giành được các kỹ thuật quan trọng và các kiến thức chuyên môn để giúp họ phát triển khoa học và cải cách quân sự”.
Trước đó, từ ngày 20/2/2018 đã xuất hiện phong trào dân chúng Mỹ ký tên vào Thỉnh nguyện thư gửi Nhà Trắng yêu cầu đóng cửa các Viện Khổng Tử ở Mỹ. Lý do mà họ nêu lên là: Trung Quốc lợi dụng các viện này để giám sát học sinh, gây tổn hại đến tự do ngôn luận của Mỹ và đe dọa những lưu học sinh Trung Quốc cùng người nhà ở Trung Quốc nếu có ý kiến bất đồng với chính phủ của họ. Mới đây đã có thêm 3 trường đại học ở các bang Texas và Florida tuyên bố đóng cửa các Viện Khổng Tử đặt tại nhà trường.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray hôm 13/2/2018 khi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng nghị viện về vấn đề của Viện Khổng tử ở Mỹ cũng đã chỉ trích việc chính phủ Trung Quốc sử dụng các giáo sư, nhà khoa học, sinh viên vào việc thu thập tình báo. Ông cho biết FBI đang điều tra một số Viện Khổng Tử và phê phán giới học thuật Mỹ “quá ngây thơ và ấu trĩ” khiến vấn đề tồi tệ thêm.
Trước đó, ngày 30/6/2015, Đại học Stockholm (Thụy Điển) cũng chính thức đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi tuyên bố không kéo dài Hiệp định hợp tác 10 năm ký giữa nhà trường với phía Trung Quốc hết hạn vào cuối năm 2014, đây là Viện Khổng Tử đầu tiên được mở ở châu Âu.
Ngày 7/2/2013, các trường đại học nổi tiếng của Canada là McMaster University và University of Sherbrooke cũng đã tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường này từ mùa Hè cùng năm. Ngày 29/10/2014, Cục giáo dục công lập Toronto Canada (Toronto District School Board,TDSB) bỏ phiếu với đa số áp đảo (20/2) hủy bỏ kế hoạch hợp tác với Bộ giáo dục Trung Quốc về hoạt động của các Viện Khổng Tử, Khóa đường Khổng Tử. Các đây mấy năm, ngày 4/12/2014, Hạ nghị viện Mỹ cũng đã tổ chức cuộc điều trần, yêu cầu chính phủ điều tra việc cho lập các Viện Khổng Tử…
Nhìn chung, các nước đều biết Trung Quốc sử dụng Học viện Khổng Tử làm công cụ quảng bá sức mạnh mềm, chi phối ảnh hưởng trong lĩnh vực văn hóa và tạo dựng cơ sở để hoạt động tình báo trái phép ở nước ngoài. Do đó, thời gian tới, xu hướng Học viện Khổng Tử sẽ từng bước giảm dần ở châu Mỹ, châu Âu, song sẽ tiếp tục gia tăng đối với các nước châu Phi.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.