Nữ sinh Thụy Điển buộc nước Đức khẩn trương từ bỏ than đá
Cô gái Thụy Điển Greta Thunberg đến Berlin, ngày 19/07/2019.Paul Zinken / dpa / AFP
Áp lực của phong trào vì Khí hậu, do một thiếu nữ Thụy Điển thúc đẩy, đã buộc Đức phải nhanh chóng từ bỏ than đá. G7 đồng thuận đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số, theo sáng kiến của Pháp. Tòa Công Lý Quốc Tế buộc Pakistan xét lại án tử hình với một người Ấn Độ, bị tình nghi gián điệp. Pháp ra mắt tầu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên thế hệ mới. Festival 4 ngày đoàn kết với người tị nạn tại một thung lũng miền nam nước Pháp, giáp biên với Ý. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Áp lực của phong trào vì Khí hậu, do một thiếu nữ Thụy Điển thúc đẩy, đã buộc Đức phải nhanh chóng từ bỏ than đá. G7 đồng thuận đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số, theo sáng kiến của Pháp. Tòa Công Lý Quốc Tế buộc Pakistan xét lại án tử hình với một người Ấn Độ, bị tình nghi gián điệp. Pháp ra mắt tầu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên thế hệ mới. Festival 4 ngày đoàn kết với người tị nạn tại một thung lũng miền nam nước Pháp, giáp biên với Ý. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Phong trào vì Khí hậu của giới trẻ, do thiếu nữ Thụy Điển, sinh năm 2003, khởi xướng có thêm một kết quả mới. Hôm thứ Sáu, 19/07/2019, thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định chính phủ sẽ nâng cao các mục tiêu cắt giảm khí thải, để thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Trả lời họp báo trước dịp nghỉ hè, thủ tướng Đức thừa nhận là : « mức độ nghiêm trọng mà (thiếu nữ Thụy Điển) Greta và nhiều, rất nhiều người trẻ đang báo động với chúng ta đây chính là sự sống còn của thế hệ tương lai, đã khiến chúng tôi phải quyết tâm hơn về chuyện này ». Bà Merkel cho biết ngày 20/09 tới, chính phủ sẽ trình bày về chiến lược cắt giảm triệt để khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là việc loại trừ than đá khỏi các nguồn năng lượng dùng để sản xuất điện.
Đúng vào lúc thủ tướng Đức trả lời báo giới, nữ sinh Thụy Điển Greta Thunberg đã có mặt ở Berlin, cùng với hàng trăm thanh thiếu niên, trong khuôn khổ cuộc phản kháng mang tên « Fridays for Future / Những ngày thứ Sáu vì Tương lai ». Những lời nói giản dị của Greta - chuyển tải thông điệp đòi hỏi thay đổi tận gốc rễ mô hình xã hội hiện nay nhằm hãm lại quá trình Trái đất bị hâm nóng - có sức lan truyền mạnh mẽ. Trong những tháng gần đây, tại Đức diễn ra nhiều hoạt động bất tuân dân sự ngăn chặn hoạt động tại các mỏ than, biểu tình toàn quốc...
Đầu tháng 5, nữ sinh viên Luisa Neubauer, 23 tuổi, người được mệnh danh là « Greta của nước Đức », đột nhập đại hội cổ đông của tập đoàn năng lượng lớn hàng đầu nước Đức RWE, để đích danh lên án tập đoàn này đang « đứng đầu châu Âu » trong việc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nữ sinh Luisa Neubauer cũng chính là người đưa phong trào bãi khóa ngày thứ Sáu hàng tuần, do Greta khởi xướng, vào nước Đức, ngay từ cuối năm ngoái. Đầu tháng 3, hơn 300.000 người biểu tình tại 230 thành phố, thị xã trên khắp nước Đức yêu cầu chính phủ nhanh chóng từ bỏ than đá (1).
Đầu năm nay, chính quyền Đức đề xuất kế hoạch 80 tỉ euro để thực hiện mục tiêu này vào năm 2038. Tuy nhiên, đối với giới bảo vệ môi trường, cái đích này là quá xa, hơn nữa trong hiện tại chính phủ chưa đề ra một lộ trình cụ thể đóng cửa các mỏ than và nhà máy điện than, nơi cung cấp khoảng 80% lượng điện cho nước Đức.
Greta nhận lời mời phát biểu trước Quốc Hội Pháp
Cuộc tranh đấu vì Khí hậu của thiếu nữ Thụy Điển cao 1,5 mét với mái tóc bím, được ví như cuộc chiến của chàng David nhỏ bé chống lại gã khổng lồ Goliath trong thần thoại, đang ngày càng thu hút công chúng. Truyền thông Pháp loan tin ngày thứ Tư 23/07 tới, thủ lĩnh khí hậu trẻ tuổi người Thụy Điển đã nhận lời mời phát biểu trước Quốc Hội Pháp, của 162 nghị sĩ liên đảng phái thuộc một nhóm hành động vì Khí hậu mang tên « Accélérons / Chúng ta hãy khẩn trương ».
Ngày 14/07/2019, nhiệt độ 21°C tại Alert (Canada), nơi có người ở gần Bắc Cực nhất. Ảnh chụp hồi tháng 5/2016.Wikipédia
Trong lúc cuộc chiến vì Khí sôi sục tại châu Âu, thì tại Canada, ở Alert (vùng lãnh thổ Nuvanut) - địa điểm được coi là nơi có người ở gần Bắc Cực nhất - nhiệt độ đã lên đến 21°C vào ngày 14/07. Điều chưa từng xảy ra. Bình thường trong mùa hè này, nhiệt độ ở đây chỉ là 2°C đến 3°C, tối đa là 6°C.
« Thuế GAFA » : Thắng lợi của Pháp tại G7
Trước hội nghị thường niên các bộ trưởng Tài Chính G7, kết thúc hôm thứ Năm 18/07, không khí dường như hết sức bất lợi cho Pháp, trong việc tìm kiếm đồng thuận về cơ chế đánh thuế các đại công ty kỹ thuật số, thường được gọi tắt là « thuế GAFA » (tên của bốn tập đoàn Mỹ Google, Amazon, Facebook và Apple). Ngay trước thềm G7, ngày 11/07, Paris thông qua luật để đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số (mà đa số là của Mỹ). Pháp là nước đơn phương đi đầu trong lĩnh vực này. Hoa Kỳ lập tức phản ứng cứng rắn : thông báo mở điều tra về quyết định của Pháp, và kết quả có thể dẫn đến các trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, rốt cục nỗ lực ngoại giao của Pháp đã có kết quả. Đây là lần đầu tiên nhóm bảy cường quốc kinh tế thế giới đạt thỏa thuận về quyền của một quốc gia đánh thuế đối với các công ty không lập cơ sở trên lãnh thổ nước này, đặc biệt là đối với các hoạt động kỹ thuật số.
Ủy viên Kinh tế, Tiền tệ và Thuế của Liên Hiệp Châu Âu, chính trị gia Pháp Pierre Moscovici, nhận xét : đồng thuận của G7 mở đường cho Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) đạt thỏa thuận. Nếu khối 7 nước không nhất trí, gần như không có chuyện cộng đồng quốc tế tìm được tiếng nói chung. Quyết định nói trên được nhiều người coi là một bước tiến đáng kể hướng đến mục tiêu giảm bớt tình trạng bất công về kinh tế trầm trọng hiện nay.
Phóng viên Dominique Baillard tường trình từ Chantilly, tỉnh Oise, Pháp, nơi diễn ra hội nghị :
« Nhóm G7 đã đạt đồng thuận trong việc đánh thuế đối với các đại công ty tại chính các điểm điểm hoạt động thương mại của các công ty đó, chứ không phải tại các thiên đường thuế, nơi họ thu lợi nhuận về. Các đại công ty kỹ thuật số không trực tiếp bị nhắm đến, đây là một điểm nhân nhượng đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sẽ có các tiêu chí mới được xây dựng căn cứ trên ‘‘mức độ sử dụng kỹ thuật số’’ để xác định rõ nơi mà công ty thu lời và cũng là nơi mà công ty buộc phải nộp thuế.
Đối với bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Pháp Bruno Le Maire, thì đây là một thỏa thuận ‘‘mang tính xây dựng’’ và ‘‘đòi hỏi cao’’.
Quốc Hội Pháp thông qua luật đánh thuế GAFA ngày 11/07/2019.Reuters
Điểm quan trọng thứ hai : các nước G7 ủng hộ việc lập ra trên phạm vi toàn cầu một ‘‘sắc thuế tối thiểu bắt buộc’’ đối với các công ty. Mục đích của việc này là nhằm chấm dứt việc cạnh tranh mang tính hủy diệt mà các quốc gia sử dụng để triệt hạ nhau, thông qua thủ đoạn miễn thuế để thu hút nhà đầu tư. Còn lại giờ đây là vấn đề phối hợp thực thi các nguyên tắc này. OCDE có trách nhiệm thực hiện.
Công việc mang tính kỹ thuật này sẽ kéo dài khoảng một năm. Đến lượt khối G20, chắc chắn là vào cuối năm tới 2020, sẽ phải đưa ra một quyết định chính trị cụ thể. Chỉ một khi quyết định này được thông qua thì Pháp mới chấp nhận rút lại quy định về thuế đánh vào các doanh nghiệp kỹ thuật số. Quy định vốn đã khiến chính quyền Mỹ nổi trận lôi đình ».
Tòa quốc tế buộc Pakistan xét lại án tử hình một công dân Ấn
Một lần nữa một tòa án quốc tế lại tháo ngòi nổ cho quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia. New Delhi và Islamabad bất đồng về số phận của một công dân Ấn bị Pakistan bắt. Tình nghi gián điệp, cựu sĩ quan hải quân này bị Pakistan kết án tử hình. New Delhi đưa vụ việc ra tòa. Hôm 17/07, Tòa Công Lý Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (CIJ) ra phán quyết, buộc Pakistan phải xét lại vụ án. Phán quyết của tòa án Liên Hiệp Quốc mang tính cưỡng chế, dù Tòa không có phương tiện thi hành án.
Trong lúc Ấn Độ khẳng định « thắng lợi hoàn toàn », chính quyền Pakistan cũng hoan ngênh quyết định của Tòa. Lãnh đạo cơ quan công tố Pakistan nhấn mạnh là đương sự tiếp tục bị giam tại Pakistan, trong khi chờ đợi vụ án được xem lại.
Thông tín viên Antoine Guinard từ New Delhi cho biết cụ thể :
« Chính quyền Pakistan bị cáo buộc đã tước quyền của ông Kulbhushan Jadhav và cản trở Ấn Độ liên lạc với đương sự, để bảo đảm khâu bào chữa, trong thời gian đương sự bị giam giữ. Trên đây là phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc Tế về vụ việc này, được công bố ngày thứ Tư 17/07, tại La Haye. Tòa án CIJ của Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chính quyền Pakistan ‘‘đình chỉ việc kết án tử hình’’ đối với cựu kỹ sư Hải Quân Ấn Độ.
Theo một đại diện của chính quyền New Delhi, đây là ‘‘một thắng lợi hoàn toàn’’. Ấn Độ hoan nghênh quyết định này, cho dù CIJ hoàn toàn không có thẩm quyền thi hành án. Ông Kulbhushan Jadhav bị bắt vào năm 2016, và bị một tòa án quân sự Pakistan kết án tử hình một năm sau đó. Vào thời điểm đó, Ấn Độ đã khiếu nại lên Tòa Án Công Lý Quốc Tế.
Tòa Công Lý Quốc Tế (Cour internationale de Justice - CIJ), La Haye. Ảnh chụp ngày 27/08/2018.REUTERS/Piroschka van de Wouw
Chính quyền Islamabad khắng định là ông Jadhav đã có mặt tại tỉnh Baloutchistan của Pakistan, nơi các lực lượng ly khai đang hoành hành, và tiến hành các hoạt động gián điệp cho Ấn Độ. Về phần mình, New Delhi tiếp tục phủ nhận đương sự là một nhân viên tình báo, và khẳng định ông Kulbhushan Jadhav bị bắt trên đất Iran, khi đang trong một chuyến đi làm ăn.
Vụ việc này có ý nghĩa quan trọng đối với Pakistan. Theo Islamabad, hoạt động của ông Kulbhushan Jadhav cho thấy chính sách của Ấn Độ ủng hộ phe nổi dậy ly khai tại tỉnh Baloutchistan. Đây không phải lần đầu tiên Tòa Án Công Lý Quốc Tế được mời phân xử một tranh chấp giữa hai quốc gia láng giềng thù địch này ».
Ấn Độ và Pakistan thường xuyên cáo buộc nhau tuồn gián điệp vào lãnh thổ đối phương, đặc biệt khi quan hệ song phương căng thẳng, tuy nhiên hiếm khi đưa ra các phán quyết tử hình, như những năm gần đây.
Khai trương tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thế hệ mới
Pháp long trọng ra mắt tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên thế hệ mới tại xưởng đóng tàu Cherbourg, miền tây nước Pháp hôm thứ Ba, 16/07. Pháp nằm trong nhóm bốn quốc gia trên thế giới có khả năng tự sản xuất toàn bộ vũ khí chiến lược này.
Phóng viên Olivier Fourt tường trình từ Cherboug :
« Tầu ngầm Suffren chính thức khai trương, với chiếc vỏ đen dài, mũi tàu mang quốc kỳ Pháp. Tại xưởng đóng tàu Laubeuf, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh các nhân viên tập đoàn Naval Group : ‘‘Công việc mà các vị thực hiện tại đây không chỉ là đóng những con tàu, mà chính là xây dựng nền độc lập của nước Pháp. Cái mà quý vị đang xây dựng, chính là chủ quyền của nước Pháp, là khả năng tự do hành động, là vị thế của một cường quốc''.
Suffrene là tàu ngầm hạt nhân thứ 17 được đóng tại Cherbourg. Cùng với Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, nước Pháp có mặt trong một nhóm rất nhỏ các quốc gia có đủ khả năng sản xuất một tàu ngầm hạt nhân từ A đến Z.
Tàu ngầm Suffren. Ảnh chụp ngày 5/7/2019 tại Cherbourg.REUTERS/Benoit Tessier
Ông Herbé Guillou, chủ tịch tập đoàn Naval Groupe phát biểu : ‘‘Chúng ta thuộc vào nhóm bốn quốc gia (độc lập hoàn toàn trong việc sản xuất tàu ngầm hạt nhân). Điều này rất đáng tự hào. Đây cũng là kết quả của định hướng đầu tư lâu dài của nước Pháp trong việc xây dựng các vũ khí răn đe, trong việc phát triển hải quân’’.
Khách mời hôm thứ Sáu này tại Cherbourg, có các đại diện của Brazil, Ấn Độ, Úc…, khách hàng của tập đoàn Naval. Lãnh đạo bộ Tư Lệnh Hải Quân nhấn mạnh đến cuộc chạy đua trong lĩnh vực tầu ngầm đang diễn ra.
Đô đốc Christophe Prazuck nói : ‘‘Hiện tại trên thế giới có 450 tàu ngầm, thực sự là đang có các đầu tư rất lớn của quân đội nhiều nước trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt trong lĩnh vực tàu ngầm. Đúng là các đối thủ tham gia cạnh tranh trong lĩnh vực này hiện nay rất thiện nghệ, rất đáng sợ và đông đảo’’.
Suffren là chiếc đầu tiên trong loạt 6 chiếc (nước Pháp) dự kiến đóng từ đây đến năm 2060. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng từ một đến hai tàu ngầm hạt nhân tấn công mỗi năm, trong thập niên tới ».
Di dân : Ngày hội của « Những người đưa đường vì tình thương » tại biên giới Pháp – Ý
Mở rộng vòng tay với những người tị nạn là truyền thống và cũng là một lý tưởng của các xã hội dân chủ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề người tị nạn ngày càng trở thành một tiêu điểm căng thẳng xã hội. Thung lũng Roya, tỉnh Alpes-Maritimes, biên giới Pháp – Ý, là nơi mà nhiều người tị nạn chủ yếu từ châu Phi - chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái - tìm cách vượt qua để đến được « những miền đất hứa ».
Áp phích lễ hội Passeurs d’humanité ở thung lũng Roya©Passeurs d’humanité
Nhiều nhà tranh đấu tại địa phương hết lòng hỗ trợ người tị nạn, tuy nhiên, hoạt động của họ cũng bị phản đối ngay trong cộng đồng. Ngày 18/07 này, người ủng hộ dân tị nạn mở một festival với chủ đề « Passeurs d’humanité / Những người đưa đường vì tình thương », để truyền bá các giá trị của lòng hiếu khách, tình huynh đệ.
Trong bốn ngày festival, người tham gia sẽ gặp gỡ nhiều nhà triết học, nhà văn, nhà sử học, nghệ sĩ cũng như « những người đưa đường vì tình thương ». Đây cũng là một cơ hội phát hiện vẻ đẹp của vùng thung lũng hoang sơ này. Bốn ngày festival cũng là bốn ngày hội với âm nhạc và ca hát, với văn thơ, đàm đạo và ẩm thực. Vé vào festival trả tiền tùy tâm.
Phóng sự của thông tín viên RFI Claire Leys tại Breil-sur-Roya :
« Một khung cảnh hoàn toàn không điển hình cho một festival : Đối diện với sân khấu là núi non trùng điệp và dòng sông Roya yên bình, các cuộc buổi diễn được tổ chức tại một ngôi nhà cũ trong làng.
Liliane sống tại vùng thủ đô Paris. Suốt năm, cô hỗ trợ những người di cư. Cô đến kỳ festival này để nạp năng lượng mới. Liliane giải thích : ‘‘Chúng tôi biết rằng chúng tôi không cô đơn. Có một không khí tràn đầy tình yêu ở đây, liên hệ được kết nối, điều này khiến chính chúng tôi thêm mạnh mẽ. Nhiều người trẻ và tương đối trẻ, nhiều người sống tha hương đến với chúng tôi. Chúng tôi muốn cho thấy là chúng ta, những con người đoàn kết, có thể liên hiệp lại với nhau’’.
Mỗi ngày festival lại diễn ra tại một ngôi làng khác nhau. Với việc mời nhiều nhà triết học và nghệ sĩ tham gia, nhà tổ chức Jacques Perreux hy vọng duy trì bầu không khí yên bình tại vùng thung lũng tươi đẹp quê hương ông. Ở đây không phải tất cả mọi người đều hưởng ứng việc đón tiếp di dân. Jacques Perreux bày tỏ : ‘‘Chúng tôi không muốn nói xấu về những người sợ hãi di dân, chúng tôi cũng không muốn những người trợ giúp di dân bị nói xấu. Chúng tôi chỉ muốn đối thoại được tái lập. Đó là mục tiêu sâu xa của festival này, bởi vì, xã hội thịnh vượng được là nhờ sự đa dạng’’.
Thung lũng Roya, nơi nhiều người tị nạn tìm đường từ Ý qua Pháp.Wikipedia
Những người tham gia festival ‘‘Passeurs d’humanité’’ đến đây để suy tư, nhưng cũng là để múa hát. Những giai điệu nhạc pop Phi châu vang vọng sang đến tận phía bên kia biên giới nước Ý ».
Ghi chú
(1) Xem thêm « Triều sóng xanh tại châu Âu : đảng của giới trẻ và tương lai », RFI, 29/05/2019.
0 comments