Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/06/2019

Thursday, June 13, 2019 7:03:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 13/06/2019

Công an Vĩnh Phúc tạm giữ đoàn Thanh tra


của Bộ Xây Dựng vì nghi vấn đòi tiền


Một đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đang bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc tạm giữ để làm rõ nghi vấn đòi chung chi hàng chục tỷ đồng tại huyện Vĩnh Tường.

Tin do Mạng Báo Tuổi Trẻ loan đi. Theo đó thì vào ngày 12 tháng 6, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản về hành vi vòi tiền của đoàn thanh tra của Bộ Xây Dựng đến làm việc tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Số tiền đòi ‘chung chi’ được nói là hằng chục tỷ đồng. Cũng theo tin cho biết thì các cán bộ của đoàn thanh tra nhiều lần mặc cả số tiền với các bên liên quan khi đến thanh tra tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Đối với vụ việc vừa nêu, cơ quan chủ quản là Bộ Xây Dựng có thông báo gửi các cơ quan báo chí với nội dung Bộ này khẳng định sẽ không bao che và sẽ xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.

Bộ Xây Dựng cho biết bộ đang tiếp tục chỉ đạo Thanh tra của Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng để theo dõi vụ việc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng được báo chí hỏi về vụ việc vừa nêu. Bên hàng lang Quốc hội, ông này trả lời trong những năm qua, Bộ luôn luôn quan tâm, chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra của Bộ trong sạch cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả thanh tra theo quy định của pháp luật. Ông lấy làm tiếc khi có sự việc này xảy ra. Ông nói tiếp là sau khi có kết luận của cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý.

Nạn nhũng lạm của các đoàn thanh tra đối với các nơi bị thanh tra từng được nêu lên và nhiều nơi than phiền gặp nhiều khó khăn nếu không chung chi cho đoàn đến thanh tra, kiểm tra.




Lê Tấn Hùng, em trai ông Lê Thanh Hải


bị đình chỉ chức Tổng giám đốc Sagri


Ông Lê Tấn Hùng, em trai nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê thanh Hải, vừa bị đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc tại Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (Sagri), VnExpress đưa tin.

Lý do là vì ông Hùng bị Thanh tra thành phố, Kiểm toán nhà nước và Chủ tịch thành phố kết luận có “nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Sagri”.

Quyết định đình chỉ công tác ông Hùng dựa trên kết luận của Ban thường vụ thành ủy TP HCM và đề nghị của Sở Nội vụ hôm 11/6.

Quyết định này được đưa ra 9 tháng sau khi ông Hùng bị kỷ luật hình thức khiển trách.




Hiện các báo Việt Nam chưa đăng các ý kiến phản hồi từ chính ông Lê Tấn Hùng.

Nhưng trong hệ thống của Việt Nam, việc kỷ luật thường do Đảng Cộng sản quyết định và những cán bộ bị nêu tên ít có cơ hội nói với báo chí về quan điểm của họ.

Em trai và con trai đều bị kỷ luật

Ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM từ 2006 đến 2016.

Năm 2014, ông Hùng được điều động về Sagri giữ chức vụ Tổng Giám đốc Sagri. Trước đó, ông Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP HCM.

Con trai ông là Lê Trương Hải Hiếu, được giao chức Chủ tịch UBND kiêm Phó Bí thư Quận 12 năm 2015, khi mới 34 tuổi.

Đến cuối tháng 1/2016, tại Đại hội Đảng Cộng sản 12, ông Hải mất chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP HCM và chính thức nghỉ hưu.

Tháng 2/2016, ông Hải chúc mừng ông Đinh La Thăng “được Bộ Chính trị tin tưởng, giao trọng trách”, thay thế ông làm tân Bí thư Thành ủy TP. HCM. Ông Đinh Thế Huynh có mặt tại buổi lễ.

Sang tháng 5/2016, Bí thư Đinh La Thăng trao quyết định của Ban bí thư chỉ định ông Lê Trương Hải Hiếu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020, dù ông Hải Hiếu không trúng cử.

Sang tháng 5/2017, ông Đinh La Thăng bị mất chức Ủy viên Bộ Chính trị và sau bị bắt, xử tù.

Tháng 4/2018, ông Hải Hiếu, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND quận 12, bị kỷ luật khiển trách vì “có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức”.

Ông Hùng có 18 nội dung kỷ luật

Ông Hùng phải đối mặt với 18 nội dung kỷ luật, trong đó 10 nội dung kỷ luật phê bình, rút kinh nghiệm; 4 nội dung khiển trách và 4 nội dung cảnh cao – tổng hợp hình thức kỷ luật là hạ bậc lương.

Theo báo cáo Sở Nội vụ gửi UBND TP HCM, có 18 người ở nhiều nhiệm kỳ liên quan đến các sai phạm. Tuy nhiên ông Lê Tấn Hùng là một trong ba còn thời hiệu xử lý kỷ luật.

Tháng 10/2018, Thanh tra thành phố kết luận ông Hùng có hai sai phạm: quản lý đất đai và điều hành Sagri.

Năm 2016, Ông Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy, kế toán trưởng bị cho là ký chi hơn 13 tỷ cho cán bộ đi học nước ngoài.

40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

Kiểm toán Nhà nước thì xác định Sagri có ba sai phạm: cho thuê đất, hợp tác đầu tư chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền và đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành.

Cũng theo VnExpress, Sagri và công ty con của Sagri, công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất rộng 1.900 ha.

Sagri sau đó bàn giao 140 ha của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri và giao 450 ha cho Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri.

Tuy nhiên, việc bàn giao đất không có văn bản chấp thuận của UBND TP HCM và chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Sagri ký sáu hợp đồng cho thuê đất cho các đối tác khác, và hưởng lợi nhờ khoản tiền thuê đất cố định – không đúng quy định của thành phố.

Sagri cũng ký bảy hợp đồng với bốn đơn vi để hợp tác kinh doanh 7 cơ sở nhà đất trên diện tích 11ha, và ký 8 hợp đồng kinh doanh bất động sản – lĩnh vực phải thoái vốn theo quy định của Chính phủ.




Một số cựu lãnh đạo


Tập đoàn Cao su Việt Nam bị truy tố


Cựu chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Lê Quang Thung bị truy tố về tội cố ý làm trái qui định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Truyền thông trong nước loan tin cho biết vào ngày 13 tháng 6 Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng.

Theo đó dù trong thời gian 2007-2008 Tập Đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam không có chủ trương thành lập, góp vốn vào Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy sản Đồng Tháp, nhưng Ông Lê Quang Thung đứng ra thành lập Công ty Thủy sản Đồng Tháp. Sau đó ông này chỉ đạo cho nhiều đơn vị trực thuộc Tập đoàn Cao Su Việt Nam dùng quỹ phúc lợi của công ty góp vốn vào Công ty Thủy Sản Đồng Tháp.

Cơ quan tố tụng cho rằng hành vi của ông Thung và đồng phạm đã vi phạm luật doanh nghiệp, quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp gây thiệt hại cho nhà nước với số tiền lên tới hơn 43 tỷ đồng.

Ngoài Ông Lê Quang Thung, còn 4 người khác cũng bị truy tố, bao gồm Ông Nguyễn Thành Châu, cựu tổng giám đốc, chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai; Ông Nguyễn Hồng Phú, cựu giám đốc, chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Minh, cựu kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; và Ông Hoàng Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.




Công an Đồng Nai bị giang hồ vây đánh


vì say xỉn trong giờ làm việc


Tin Dongnai, Vietnam.-  Truyền thông trong nước loan tin, vào khoảng gần 2 giờ ngày 12 tháng 6 năm 2019, nhóm công an Đồng Nai gồm 4 người, trong đó có 3 người làm tại cảnh sát Trật tự và cảnh sát 113, còn một người đã nghỉ hưu đã xảy ra xô xát với nhóm giang hồ 10 người trong lúc nhậu.

Theo đó, vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, cả hai nhóm này vào một nhà hàng tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai để ăn nhậu trong hai phòng VIP khác nhau. Sau nhiều giờ ăn nhậu, một người trong nhóm công an đã chạy từ phòng VIP ra và ói văng trúng người của nhóm giang hồ. Sau đó, hai bên xảy ra cãi nhau. Một lúc sau, nhóm công an đã phải sang phòng nhóm giang hồ để xin lỗi, nhưng lại xảy ra xô xát. Một người trong nhóm giang hồ bị trúng miểng chai vào trán, chảy máu. Sau đó nhóm công an đã lên hai chiếc xe hơi để ra về. Ngay lập tức, vài chục thanh niên xăm trổ đã kéo đến chặn hai chiếc xe hơi, và xì hơi bánh xe để không cho đi.

Sự việc khiến nhóm công an sợ hãi không dám ra ngoài, phải gọi đồng bọn đến giải cứu. Một lúc sau, hàng trăm cảnh sát Đồng Nai được điều động đến để cứu đồng nghiệp của mình. Nhưng phải mất hai giờ đồng hồ, sau khi nhóm giang hồ và lãnh đạo công an thành phố Biên Hoà “thương lượng” với nhau để giải cứu 4 cảnh sát đi nhậu trong giờ hành chính.

Theo truyền thông, hiện tại lãnh đạo công an tỉnh Đồng Nai đã tắt điện thoại, và giới phóng viên chưa thể liên lạc được.

An Nhiên




Tòa phúc thẩm y án sơ thẩm


 đối với Vũ Nhôm và 2 cựu thứ trưởng công an


Tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 13 tháng 6 tuyên y án 15 năm tù với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) trong vụ án ‘thao túng 7 lô đất công sản ở vị trí đắc địa tại hai thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.160 tỷ đồng. Hai hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành  bị tuyên30 tháng tù, Trần Việt Tân  – 36 tháng tù, . Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào ngày 13.6.

TAND cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Phan Văn Anh Vũ, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của hai cựu Thứ trưởng Công an: Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành. Tòa tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; cộng với hai bản án trước là 25 năm tù, cuối cùng  tổng hình phạt chung là 30 năm tù.

Tòa giữ nguyên mức phạt tù với hai cựu thứ trưởng công an. Cụ thể, Trần Việt Tân nhận mức 36 tháng tù, Bùi Văn Thành lĩnh 30 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm, gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Truyền thông trong nước cho biết, VKSND cấp cao tại Hà Nội nhận định, Phan Văn Anh Vũ khi được tuyển dụng làm tình báo viên, đã lợi dụng danh nghĩa hoạt động nghiệp vụ để trục lợi cá nhân thông qua việc thuê, nhận chuyển nhượng 7 nhà đất công sản. VKS đánh giá hành vi của Phan Văn Anh Vũ là trái công vụ, vi phạm pháp luật về đất đai, hành vi có tính chất nguy hiểm, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. VKS cũng kết luận Tòa sơ thẩm vào ngày 30 tháng 1 vừa qua kết tội Vũ là đúng quy định pháp luật, không oan.

Phan Văn Anh Vũ, 43 tuổi, thường được biết đến với biệt danh Vũ “Nhôm”, từng là thượng tá an ninh công an. Tháng 12/2017, Bộ Công an phát lệnh truy nã Vũ ‘Nhôm’ và bắt tạm giam vào tháng 1/2018 sau khi ông này bị Singapore trục xuất về Việt Nam khi đang trên đường bỏ trốn. Ngày 30/7/2018, Vũ ‘Nhôm’ bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án 9 năm tù giam với cáo buộc ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.’ Về tội danh này ông được tòa phúc thẩm sau đó giảm án 1 năm.

Ông còn bị đưa ra xét xử trong vụ đại án Ngân hàng Đông Á với bản án 17 năm về tội lợi dụng, chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.




Một thành viên của nhóm dân sự độc lập


bị cấm xuất cảnh


Cô Cao Vĩnh Thịnh, thành viên của nhóm dân sự độc lập Green Trees, vào ngày 13 tháng 6 bị cơ quan chức năng Việt Nam cấm xuất cảnh, giữ để làm việc.

Theo thông tin của Green Trees trên trang Facebook của nhóm, cô Cao Vịnh Thịnh bị bắt giữ vào lúc 7:30 sáng ngày 13 tháng 6 khi đến Sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh đi Thái Lan du lịch.

Cô Cao Vĩnh Thịnh đã gọi điện thoại báo cho Nhóm Green Trees là công an từ Bộ Công an đang đến đưa cô đi.

Một thành viên của Nhóm Green Trees vào tối ngày 13 tháng 6 xác nhận với RFA:

“Theo như tôi nhận được thông tin, chị Cao Vĩnh Thịnh bị câu lưu tại sân bay Nội Bài lúc 7:30 giờ sáng và chũng tôi có hỏi thì được biết là do An ninh Điều tra Bộ Công an đã câu lưu, đưa chị về đại chỉ số 3 Nguyễn Gia Thiều. Nội dung chi tiết buổi câu lưu hôm nay thì chúng tôi chưa gặp được chị Thịnh để có thông tin. Chúng tôi chỉ biết là chị Thịnh được thả ra lúc 5:45 giờ chiều khỏi trụ sở An ninh Điều tra Bộ Công an. Tôi được biết thêm là An ninh Điều tra Bộ Công an câu lưu chị Thịnh để tiếp tục làm việc. Đây là lần thứ hai chị bị bắt trong năm nay.”

Vào ngày 27 tháng 3, Cô Cao Vĩnh Thịnh cũng bị câu lưu một ngày để hỏi về bộ phim có tựa ‘Đừng Sợ’. Đây là bộ phim do nhóm Green Trees thực hiện. Phim đề cập đến thảm họa môi trường do Nhà máy Gang Thép Formosa gây nên dọc ven biển miền Trung từ Vũng Áng, Hà Tĩnh lan ra.

Green Trees nhận xét Cô Cao Vĩnh Thịnh là một thành viên nòng cốt của nhóm xã hội dân sự độc lập này. Cô cũng là một nhà hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam từng bị cấm xuất cảnh. Tuy nhiên theo họ biện pháp này vi phạm quyền đi lại của công dân được qui định trong Hiến pháp Việt Nam.




Ngọc Trinh và miền Tây


Tre
Một đoàn 5 cô gái lên xe từ chợ Tân Phú, huyện tỉnh Bến Tre. Các cô đều trẻ măng, chỉ trên dưới 20 tuổi, đều xinh đẹp bắt mắt và nhất thể theo một kiểu: Da trắng nõn từ đầu đến chân kiểu tắm trắng, tóc dài tới lưng nhuộm vàng, mặt gọt V-line, mũi sửa dọc dừa, mắt cắt to tròn hai mí, lông mày phun thêu, môi xăm đỏ mọng, đôi tay móng để dài sơn kỹ. Lên xe đò, đi gần trăm cây số về Sài Gòn nhưng chỉ có một cô mặc bộ đồ dài thể thao thun hồng, cô còn lại mặc chiếc váy yếm. Còn lại đều mặc đồ bộ bằng vải hoa cotton bạc màu và nhàu nát hết mức. Có vẻ như các cô mặc nguyên bộ đồ ngủ đêm qua, sáng nay tung cái mền ra là lên xe luôn. Nhưng, mặc dù bộ đồ nào cũng hở đến nửa ngực, các cô đều mặc ngoài thêm một chiếc áo thun đen dày và dài tay, có mũ để che nắng. Những làn da trắng như bông bưởi nhờ tẩy hóa chất rất sợ nắng.

Qua câu chuyện vui đùa giữa các cô và anh chàng phụ xế cũng trẻ ngang tuổi, cởi trần trùng trục chỉ mặc mỗi chiếc quần lửng xệ mông, biết các cô đều con gái xứ này lên Sài Gòn làm việc. Cuối tuần vừa rồi có đám giỗ nhà ai đó, họ về.

Sẽ rất võ đoán và thiếu công bằng với các cô gái khi tôi không thể xác quyết họ lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề gì, nhưng thật lòng  ý nghĩ đầu tiên của tôi là … họ giống Ngọc Trinh quá. Giống cái vẻ, cái cách ăn mặc trang điểm của thời cô idol ấy mới lên Sài Gòn. Chắc chắn họ không làm trong sở: cách ăn mặc, nói năng của họ không thể phù hợp. Họ cũng không phải là người buôn bán vì sự vô lo trên khuôn mặt và suồng sã cũng trong cách ăn mặc đó. Tôi chỉ trông thấy các cô gái y khuôn như vậy tại một số nơi rất đặc trưng: quán nhậu lớn, vài quán bar trên khu phố tây, các quán bida, cà phê, hớt tóc, massage dành riêng cho nam giới.

Trước đó mấy hôm, ngồi ăn sáng ở một quán ven đường trong chợ ở huyện Chợ Lách (cũng tỉnh Bến Tre), tôi tình cờ nghe được câu chuyện bàn bên. Cũng là những phụ nữ, mặc những bộ đồ bộ hoa đỏ tươi rất nổi bật. Một người khoảng ba mấy tuổi, khuôn mặt dễ nhìn, da trắng, thân hình nở nang thon thắt như hầu hết các cô gái miền Tây đang sinh sống tại miền Tây (thường các cô gái miền Tây đã lên Sài Gòn không còn hình thể này, tôi cũng không rõ tại sao. Có lẽ do ít vận động bằng.) dắt theo bé gái dễ thương giống mẹ. Người kia nhìn bình dân và lớn tuổi hơn.

Họ nói với nhau như vầy:

-Rồi em có tính qua không?

-Không chị. Qua đó cực thấy bà. Ở đây mình sướng hơn chớ chị.

-Nói vậy cũng không được em. Chồng một nơi vợ một nẻo lâu quá lỡ nó có bồ sao.

-Em cũng hổng cần. Chỉ cần chu cấp cho hai mẹ con sống đủ là được.

-Lỡ nó bỏ sao em?

-Tới lúc đó bé Mi lớn nuôi mẹ được gồi.

Họ ăn xong, ngó đồng hồ nói giờ này shop bán rồi, qua đi còn kịp đi mấy chỗ khác, rồi đi.

Thấy tôi tò mò, chủ quán cười nhẹ nói: “Cổ sướng lắm, ăn ở không không hà, có người gởi tiền về nuôi. Ôi người ta có số hưởng thiệt há, đâu như mình sáng sớm dậy nướng thịt bán thấy mẹ. Nuôi con nuôi cả thằng chồng nữa chớ”.

Tôi đi chơi ở miệt trái cây Bến Tre được hơn một tuần rồi. Lạ là không thấy có mấy thanh niên. Trong vườn toàn người trung niên trở lên và ông già bà lão. Hỏi vậy tới mùa thì sao, ai leo cây bẻ trái? Người ta nói thuê hết. Chớ thanh niên lên Sài Gòn làm công nhân hết rồi, có mấy công vườn huê lợi một năm không đủ tụi nó sống, và nhàn rỗi lắm, buồn. Kiếm tiền mua đất thêm thì khó, giá vườn giờ mắc lắm, vườn sầu riêng ngon tới gần tỷ một công (một công là 1.000 m) nhưng những vườn lớn nhiều mẫu (một mẫu là 10.000 m) hầu như đều của những nhà có con cái đi học hành làm xa, khấm khá gởi tiền về cho cha mẹ mua thêm đất, hoặc của người thành phố xuống mua đầu tư. Ít người nên nhân công cũng làm phách lắm, thuê tính công theo giờ nhưng người ta không làm hết mà lủi đi ngủ, chủ cũng phải chịu. Rồi hai ba ngày đòi nhậu, chủ cũng phải cho nhậu. Toàn người lớn tuổi hết mà, không thuê họ hái kịp vụ thì trái chín hết trên cây trễ hẹn bạn hàng sao?

Làm vườn ngó thấy thong thả. Ai siêng thì tự tay làm cỏ, tưới nước, bón phân, vun gốc. Ai có vốn hoặc không thích làm-không đủ sức làm thì thuê hết. Gà heo nuôi được. Rau hái ngoài vườn. Không bão lũ. Trúng mùa thì tiền rủng rỉnh. Thất, có lỗ cũng không tới đỗi đói. Trời thương, cho cuộc sống nhàn hạ. Một số người “số hưởng” ở không dài dài chờ chồng nuôi, con nuôi.

Bởi vậy hồi trước mới chết tên “đảo Đài Loan”, chỉ cù lao Tân Lộc ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Chắc ai cũng biết vì sao nó có cái tên này, nổi tiếng quá mà (xin mở ngoặc giải thích cho ai chưa biết, là vì gần như nhà nào trên cù lao cũng có con gái đi lấy chồng Đài Loan, hầu hết là để kiếm tiền lo cho gia đình).

Nhưng không phải ai cũng làm biếng như vậy. Cũng như mấy cô gái tắm trắng mà tôi gặp trên xe, họ có vẻ nhiều nhưng không phải bất cứ cô gái miền Tây nào cũng vậy. Có những gia đình trên “đảo Đài Loan” nói với tôi, nghèo cách mấy họ cũng không bán con như vậy. Có những cô gái đi lấy chồng Đài Loan, may mắn gặp được gia đình chồng nông dân hiền lành, lương thiện, thương dâu. Vợ chồng cần cù làm việc nên đời sống dễ thở, về lại quê đón em gái, bạn gái đi theo. Cô cũng nhắm trước những người đàn ông tốt cho họ.

Không ít người phụ nữ ở miệt vườn Chợ Lách tôi đã gặp, siêng năng, giỏi giang gì đâu. Hai vợ chồng anh Hai có gần ba mẫu vườn trồng sầu riêng và chôm chôm. Không có con, nhưng cả hai anh chị đều không giữ tư tưởng lạc hậu cổ hủ vẫn còn phổ biến ở Việt Nam là “không con thì kiếm tiền để lại cho ai”. Họ chăm chỉ kiếm tiền và sống thật vui. 4 giờ sáng đã dậy, chị soi đèn đi hái rau mang chợ sớm bán, lâu lâu theo chòm xóm đi chùa. Anh bón phân, tưới nước, làm cỏ, vun gốc mấy cái vườn. Quần quật cả ngày nhưng lúc nào mặt mũi cũng rạng ngời. Ngôi nhà ba trăm mét. Năm phòng ngủ rộng lớn. Không thiếu thứ đồ dùng gì hiện đại. Ngoài sân đầy hoa, rau và cây thuốc. Vườn đầy rau và trái cây đang trổ, đậu đũa trổ hoa tím cả hàng rào. Hiên và sân giăng cả chục cái võng để hàng xóm qua nằm chơi tám chuyện. Xung quanh cũng toàn những gia đình khá giả, người vừa làm nhà nước vừa nuôi cả trại heo rừng, trồng cây ăn trái. Người không có heo thì vừa có vườn bên Bến Tre, vừa có vườn ở Tiền Giang, tổng cộng mấy mẫu. Con cái ai cũng đi học tới nơi, làm công có, làm tư có, mua nhà ở riêng. Nếu chịu khó dành dụm thì rồi họ lại có thể mua thêm đất vườn gần cha mẹ để có hai ba nguồn thu nhập, đời sống vững chắc và lành mạnh hơn ai hết. Nhiều người quê ở miền Tây lên Sài Gòn học hành rồi ở lại làm việc cũng gởi tiền về quê mua cái đìa tôm (thuê kỹ sư chăm sóc), hay mua cái vườn để sẵn như vậy. Để mai mốt già, về sống với đất đai cho sướng.

Mấy tuần nay, theo cái đà nổi của bộ váy hiếm có tại Cannes của cô gái miền Tây Ngọc Trinh, dư luận dường như đã tỉnh ra so với hồi cô còn lừng lẫy với danh hiệu tự phong “Nữ hoàng nội y”. Hồi đó mấy đứa cháu tôi kể, vô sở làm việc chúng nghe nhiều cô kỹ sư du học về, làm công ty lớn lương cao (mà còn) ao ước được (ở không, nhàn hạ mà giàu có, hưởng thụ) như Ngọc Trinh. Tới nay, ngoài một số cô gái còn cố nói “chị Trinh đẹp chị Trinh có quyền” thì đa số (trên các diễn đàn mạng xã hội) người ta đặt câu hỏi “Trinh làm nghề gì mà có nhiều tiền?”

Cho dù vẫn còn những thế hệ đàn em bắt chước từ cách ăn mặc trang điểm cho tới cái sự “ngoan”, thì coi bộ, cô Trinh không còn được người ta xem là gương mặt đại diện của con gái miền Tây (như có thời từng là vậy) nữa rồi.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do




‘Cá mập’ Tổng Liên Đoàn Lao Động VN


sắp phải nhả ‘phí ăn cướp 3%’!



‘2%’ là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn

Cuộc đấu tranh gian khổ và khắc nghiệt của báo chí độc lập, người lao động và giới chủ doanh nghiệp rốt cuộc cũng tiệm cận thắng lợi: Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 – 6 năm 2019, chủ đề phí công đoàn 2% mà từ nhiều năm qua các doanh nghiệp phải ‘nộp tô’ cho Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã được nêu ra khá sòng phẳng, không phải từ những đại biểu ‘cấp thấp’, mà bởi những quan chức và cơ quan có vai vế.

Một trong những tiếng nói gióng lên chủ đề này là đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Lợi đề nghị Chính phủ làm rõ việc khoản 2, điều 26, Luật Công đoàn quy định người sử dụng lao động nộp 2% tiền lương cho quỹ công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn, theo quy định tại điều 2, Công ước 98, hay không.

Điểm đặc biệt nhất của kỳ họp Quốc hội lần này là lần đầu tiên chính thể độc tài ở Việt Nam phải chấp nhận ký Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể – một trong ba công ước quốc tế còn lại của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) mà Việt Nam chây ì không chịu ký từ nhiều năm qua.

Ba công ước còn lại của ILO lại chính là đòi hỏi rất dứt khoát của Nghị viện châu Âu – thể hiện trong bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam mà Nghị viện châu Âu đã tung ra với nhiều nội dung cùng từ ngữ mạnh mẽ chưa từng có vào giữa tháng 11 năm 2018.

Trong đó, Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động.

Nếu không ký tối thiểu là Công ước 98, Việt Nam sẽ mất hẳn cơ hội được tham gia vào EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) – có thể được ký và phê chuẩn vào nửa cuối năm 2019.

Theo quan điểm của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, việc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam thu phí công đoàn 2% đương nhiên là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn, vì người sử dụng lao động là người nộp công đoàn phí.

Trước đó, khi góp ý thẩm tra dự án Luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng lưu ý, khoản 2, điều 2 của Công ước 98 quy định những hành vi được coi là can thiệp gồm hành vi thúc đẩy thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính, hoặc bằng những biện pháp khác với ý đồ đặt các tổ chức dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động, hay tổ chức của người sử dụng lao động. Do đó, việc người sử dụng lao động đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương cho người lao động có thể coi là hành vi can thiệp và bị chống lại theo quy định của Công ước 98.

Đáng chú ý, bản tin tường thuật của các tờ báo theo dõi họp Quốc hội chưa cho thấy có ý kiến nào phản bác nhận định của đại biểu Bùi Sỹ Lợivà Ủy ban Pháp luật Quốc hội, dù đây là nhận định cực kỳ ‘nhạy cảm chính trị’ – mà nếu được nêu ra trong các kỳ họp Quốc hội trước đây thì chắc chắn đã khiến không chỉ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ‘nhảy dựng lên’ mà còn bị đảng nổi giận ‘chặn họng’.

Nhưng trong thực tế, phí công đoàn 2% mà đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ra vẫn chưa thể hiện đầy đủ quy mô ‘ăn cướp có hệ thống và tinh vi’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

‘3%’ và một chế độ ‘ăn chơi nhảy múa’ trên xương máu người lao động

Được xem là ‘anh em sinh đôi’ với Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn ‘ăn cướp 3%’ là một trong những chân kiềng cho chế độ độc tài và độc quyền cả về bóp hầu bóp cổ công nhân.

Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ – đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).

Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ: ‘không ăn cướp thì là cái gì!’.

Nhưng cho tới nay, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vẫn chưa hề minh bạch tài chính, hay nói thẳng là chưa hề công bố con số thu hàng năm từ ‘phí ăn cướp 3%’ là bao nhiêu và số tiền mà cơ quan này lợi dụng để ‘ăn chơi nhảy múa’ thâm lạm đến mức nào.

Một trong nhiều bằng chứng sống động về tinh thần ‘ăn chơi nhảy múa’ như thế là câu chuyện “học hỏi kinh nghiệm từ các nước có chế độ chính sách xã hội tiên tiến hàng đầu như Hà Lan, đồng thời, tìm biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả và vai trò của Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động”, khi có đến hai chục ‘quan chức trong đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dẫn đầu bởi quan chức Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, đi du ngoạn ở đất nước hoa tulip vào tháng 12 năm 2018.

Trong bức ảnh về chuyến du hí mà báo Thế Giới & Việt Nam đăng, có đến hai chục ‘đại biểu Việt Nam’, trong khi chỉ có mặt duy nhất một người Hà Lan nhưng lại chẳng được báo Việt Nam giới thiệu về tên tuổi và chức danh – điều mà rất dễ khiến người đọc nghi ngờ về tính thực chất của chuyến ‘công tác’ này. Mặt khác, nội dung làm việc quá chung chung và đặc biệt là kết quả làm việc về ‘hợp tác quốc tế’ cũng chung chung không kém của ‘đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ đã cung cấp thêm một bằng chứng trần trụi về tổ chức hội đoàn ‘cánh tay nối dài của đảng’ này đã quen thói xài tiền chùa để du hí nước ngoài trong nhiều năm qua như thế nào.

‘Cá mập’ sẽ phải nhả?

Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Nhiều nguồn tin từ giới công nhân cho biết nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.

Rốt cuộc, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn cướp’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.

Nhưng sắp tới, việc chính thể Việt Nam phải ký Công ước 98 để vào EVFTA sẽ bắt buộcTổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam không những phảichấp nhận cơ chế ‘đa công đoàn’, tức chấp nhận công đoàn độc lập và phi nhà nước do người lao động tự thành lập và cạnh tranh sòng phẳng với ‘cánh tay nối dài của đảng’, mà ‘cá mập’ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn phải ‘nhả’ 3% ‘phí ăn cướp’ sau quá nhiều năm ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’. Bởi nếu không chịu nhả ra, chính những doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng lên đòi xóa bỏ cái cơ chế bất công như lối ăn cướp ấy.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.