Thách thức bủa vây ông Tập trên hành trình đến 'Giấc mơ Trung Hoa'
Saturday, June 8, 2019
9:58:00 AM
//
Slider
,
Tin Trung Quốc
8/6/2019
Chủ tịch Trung Quốc củng cố quyền lực để thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" đúng lúc khó khăn ập đến, từ thương chiến với Mỹ đến dịch bệnh ngành nông nghiệp.
Nỗ lực tìm kiếm đồng minh đối phó Mỹ của ông Tập / Cuộc 'vạn lý trường chinh' của ông Tập trong thương chiến với Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.
|
Bước vào năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như vạch ra một con đường thực sự mới không chỉ cho quốc gia mà còn cho chính ông. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 hồi năm ngoái đã thông qua hiến pháp sửa đổi, xóa bỏ nhiệm kỳ chủ tịch, giúp ông Tập gần như nắm giữ quyền lực tuyệt đối và trên lý thuyết có thể tại nhiệm suốt đời.
Dưới thời ông Tập, Trung Quốc có xu hướng xa rời phương châm đối ngoại "giấu mình chờ thời, không bao giờ tuyên bố vị trí dẫn đầu" của Đặng Tiểu Bình. Điều này được chứng minh qua thái độ của ông khi sẵn sàng đón nhận thách thức từ Tổng thống Donald Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Xuất phát từ niềm tin rằng cán cân sức mạnh kinh tế trong mối quan hệ Mỹ - Trung đã thay đổi hoặc do mối lo ngại về việc bị coi là yếu thế trước Trump, ông Tập dường như đã đi đến kết luận Trung Quốc giờ đây đã có thể thách thức thành công nước Mỹ. Nhưng nhiều quan sát viên lại cho rằng đây dường như là một tính toán sai lầm.
Giới chuyên gia nhận định ông Tập có thể sẽ sớm nhận ra "một cơn bão hoàn hảo" đang ập đến với mình, bao gồm các vấn đề của ngành nông nghiệp và chính sách cứng rắn trong cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu quyền lực mà ông đã dày công gây dựng.
Ngay từ trước Đại hội lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm 2017, ông Tập đã nỗ lực củng cố quyền lực, nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt đến mức tờ China History có trụ sở ở Australia đã gọi ông là "Chủ tịch của mọi thứ". Ông trở thành người đứng đầu nhiều tổ công tác chỉ đạo, nơi điều phối các trao đổi giữa đảng và các bộ ngành về việc lãnh đạo và thực hiện chính sách. Về thực chất, ông Tập đã tập trung quyền lực vào bản thân ở mức cao chưa từng thấy.
Song những nỗ lực tập trung quyền lực của ông dẫn đến tác động không mong muốn là làm gia tăng sức ép nội bộ. Chằng hạn, các sức ép đối với quyền lực lãnh đạo của ông do những chính sách kinh tế địa phương và quốc gia đi lệch hướng nhau, cuộc vận động chống tham nhũng do ông phát động cũng như chiến dịch trấn áp mạng xã hội.
Ông Tập đồng thời đề xuất tư tưởng "Giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc". Dù ý nghĩa chính xác của giấc mơ này chưa được nêu chi tiết, nó đặt ra các mốc rất cụ thể, bao gồm đưa Trung Quốc trở thành "một xã hội tương đối thịnh vượng về tất cả mọi mặt" vào năm 2021 (nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc) và trở thành "nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, tiến bộ về văn hóa, hài hòa và tốt đẹp" vào năm 2049, thời điểm Trung Quốc chào mừng 100 năm thành lập.
Việc ông Tập nêu ra các cột mốc như vậy trong báo cáo đọc tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc có thể chỉ nhằm mục đích khơi dậy niềm tự hào trong nước. Nhưng việc ông sau đó tuyên bố các chính sách kinh tế đầy tham vọng như "Made in China 2025" đã làm dấy lên các nghi ngờ về việc liệu "Giấc mơ Trung Hoa" có bao gồm yếu tố thống trị kinh tế toàn cầu hay không.
Việc Trung Quốc sau đó tiếp quản một cảng biển quan trọng ở Sri Lanka để cấn trừ nợ cho chính phủ nước này, đạt thỏa thuận thuê cảng của Australia trong thời gian 99 năm cùng những cáo buộc về hoạt động gián điệp kinh tế mạng của Bắc Kinh đã thổi bùng lo ngại ở Washington về một đối thủ ngày càng trỗi dậy về kinh tế và có thể theo đuổi những chính sách chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Điều này có thể không dẫn đến sự đổ vỡ như hiện nay trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung nếu như không có sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng. Dù ca ngợi mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập, Tổng thống Trump vẫn quyết định tung đòn thương mại vào Trung Quốc.
Cuộc chiến đột ngột xảy ra một phần là do quyết định của Trump áp thuế với hàng hóa Trung Quốc nhằm chống lại những gì được xem là những hành vi thương mại bất công từ phía Trung Quốc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Quyết định từ Tổng thống Trump không gây ngạc nhiên vì trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, ông đã hô hào mạnh mẽ về chủ nghĩa dân tộc về kinh tế.
Bức thư từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hồi tháng 11/2018 chỉ ra 4 lý do khiến Mỹ lên kế hoạch áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc. Đầu tiên, Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng các biện pháp hạn chế quyền sở hữu của công ty nước ngoài, chẳng hạn như quy định yêu cầu thành lập liên doanh với đối tác Trung Quốc nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc, cũng như các quy trình hành chính bắt buộc những công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.
Thứ hai, các công ty Mỹ tìm cách xin cấp phép công nghệ cho các công ty Trung Quốc thường bị bắt buộc chuyển giao những thông tin và quy trình quan trọng.
Thứ ba, Mỹ lo ngại Trung Quốc sử dụng các phương pháp bất công để thâu tóm công nghệ nước ngoài, chẳng hạn sử dụng vốn vay từ hệ thống ngân hàng nhà nước để tiến hành các hoạt động thâu tóm.
Cuối cùng, Trung Quốc bị tố cáo tham gia vào nhiều hoạt động gián điệp kinh tế mạng, đi ngược lại cam kết của ông Tập với tổng thống Barack Obama vào năm 2015, theo đó, cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đồng ý không tham gia vào hoạt động gián điệp kinh tế mạng chống lại nhau. Giới quan sát đánh giá dù Trung Quốc dường như đã giảm mức độ các hoạt động gián điệp như vậy, chắc chắn nước này không dừng lại hoàn toàn và đây cũng là một trọng điểm được nêu rõ trong báo cáo từ Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ năm 2018.
Trung Quốc đề xuất giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Mỹ và trong hai năm qua, Bắc Kinh đã nhiều lần ngỏ ý tăng lượng mua hàng hóa Mỹ từ 200 tỷ USD lên 1.000 tỷ USD. Song Bắc Kinh ít đi sâu vào vấn đề tài sản sở hữu trí tuệ.
Có lẽ ông Tập tin Trung Quốc đủ sức vượt qua bất kỳ cuộc chiến thương mại nào với Mỹ. Vì Trung Quốc không phải nền kinh tế thị trường và nhà nước đóng vai trò chính trong không chỉ sản xuất mà còn tài chính, ông Tập và các lãnh đạo Trung Quốc khác có thể cho rằng họ có những lợi thế để giữ cân bằng nền kinh tế, bất kể tình trạng quan hệ Mỹ - Trung ra sao.
Mặt khác, có lẽ ông Tập và Bộ Chính trị Trung Quốc tin nền kinh tế và sức mạnh quốc gia toàn diện nói chung đã đạt đến điểm mà Trung Quốc có thể thách thức Mỹ, không phải về mặt quân sự mà là về kinh tế. Thông điệp đe dọa ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ mới đây của Bắc Kinh dường như thể hiện phần nào quan điểm trên.
Sự thống trị đối với thị trường đất hiếm, vốn rất quan trọng ngành sản xuất điện thoại di động và xe điện cũng như nhiều khí tài quân sự, mang đến cho Trung Quốc một lợi thế kinh tế đặc biệt so với đối thủ. Ông Tập dường như đang muốn phát đi tín hiệu rằng dười thời kỳ lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã có thể đứng lên thách thức Mỹ.
Ông Trump và ông Tập gặp nhau tại Florida, Mỹ, tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
|
Tuy nhiên, một số diễn biến gần đây cảnh báo các giả định trên của Trung Quốc hoàn toàn không chắc chắn. Trong lĩnh vực công nghệ truyền thông và thông tin, Trung Quốc tin rằng nước này đang ở vị thế thuận lợi, đặc biệt là về chuỗi cung ứng. Trung Quốc là nhà cung cấp các khoáng chất đất hiếm lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhà sản xuất bảng mạch tích hợp lớn nhất, tức các vi mạch đang được sử dụng cho mọi vật dụng, thiết bị, từ lò vi sóng đến radar quân sự.
Song việc Mỹ cấm vận linh kiện và công nghệ đối với hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE hồi năm ngoái cho thấy thực tế, Bắc Kinh không kiểm soát hoàn toàn chuỗi cung ứng.
Cuối cùng, ZTE lại phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp Mỹ cho hàng loạt linh kiện, từ linh kiện quang học đến vi mạch và phần mềm. Việc Bộ Thương mại Mỹ thực thi lệnh cấm vận linh kiện Mỹ đối với ZTE trong 7 năm vì cho rằng ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên thực sự là đòn chí tử đối với tập đoàn Trung Quốc. Dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ sau khi ZTE nộp phạt một tỷ USD, điều này rõ ràng là bằng chứng cho thấy một chuỗi cung ứng đan quyện chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động hai chiều.
Một mối lo ngại khác đối với ông Tập là an ninh lương thực, vấn đề rất dễ châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng. Gần đây, một số người cho rằng phong trào Mùa xuân Arab trong giai đoạn 2010 - 2012 là do giá lương thực tăng. Ông Tập chắc chắn muốn tránh vấn đề tương tự nảy sinh ở Trung Quốc. Song Trung Quốc đã là nước nhập khẩu thực phẩm ròng kể từ năm 2007, bao gồm cả ngũ cốc và đậu nành, hai thành phần lương thực chính trong trong khẩu phần ăn của người dân nước này.
Ông Tập hiện phải đối mặt với mối đe dọa kép trong lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tiên là dịch sâu keo mùa thu đã lan đến Trung Quốc. Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên hồi tháng một, dịch sâu keo mùa thu đã lan rộng trên khoảng 8.500 ha diện tích sản xuất ngũ cốc ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến 6 tỉnh, chủ yếu ở miền nam. Bộ Nông nghiệp Mỹ lo ngại loài sâu phàm ăn này có thể ảnh hưởng đến sản lượng của các cây lương thực chủ lực như ngô, lúa, lúa mỳ và cao lương cũng như những loại cây trồng khác, bao gồm đậu nành và bông, ở Trung Quốc.
"Các chuyên gia báo cáo rằng có khả năng cao dịch sâu bệnh này sẽ lan ra toàn bộ khu vực sản xuất ngũ cốc của Trung Quốc trong vòng 12 tháng tới", báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay. Hiện không có thiên địch nào ở Trung Quốc tiêu diệt được sâu keo mùa thu và cũng chưa có thuốc trừ sâu nào chống lại được nó.
Giữa lúc đó, dịch tả lợn châu Phi đang đe dọa đàn lợn của Trung Quốc và đã lan rộng khắp cả nước kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên ở vùng đông bắc hồi năm ngoái. Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, vì vậy, dịch tả lợn châu Phi đe dọa trực tiếp đến kế sinh nhai và chế độ dinh dưỡng của phần lớn người dân nước này. Đến giờ, chưa có phương pháp chữa trị cho những con lợn mắc bệnh và giải pháp duy nhất là tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh, kết hợp kiểm dịch tại các trang trại bị ảnh hưởng.
Trước tình hình khó khăn hiện nay của ngành nông nghiệp, ông Tập có thể phải tăng đáng kể nhập khẩu thực phẩm nước ngoài để giữ ổn định giá thực phẩm trong nước và cho dù vậy, giá thịt lợn vẫn có khả năng tăng mạnh do nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch sâu keo mùa thu.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đánh thuế trả đũa nhằm vào các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, trong đó có đậu nành. Chưa rõ liệu những biện pháp áp thuế có thể duy trì lâu dài hay không, đặc biệt khi Mỹ là một trong những nhà sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhất thế giới.
Hơn nữa, nếu lo lắng về sự ổn định trong nước, ông Tập có lẽ sẽ không chuyển tất cả chi phí tăng giá do thuế cho người tiêu dùng. Khi các mối đe dọa nông nghiệp ảnh hưởng đến giá cả rau xanh, thịt và ngũ cốc, chính phủ Trung Quốc có thể phải tung tiền trợ cấp nhằm kìm giá thực phẩm không tăng quá mức.
Có khả năng Trung Quốc sẽ phải tăng mạnh ngân sách chi tiêu, bao gồm sử dụng dự trữ ngoại hối để mua ngũ cốc và thịt từ nước ngoài. Dù điều này không nhất thiết dẫn đến thất bại của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Washington, nó sẽ cản trở đáng kể tham vọng của ông Tập trong việc hiện thực hóa các mục tiêu trong "Giấc mơ Trung Hoa" của mình, Dean Cheng, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về các vấn đề an ninh, chính trị Trung Quốc tại Quỹ Di sản, nhận định.
Hồng Vân (Theo WaronTherocks.com)
https://vnexpress.net/the-gioi/thach-thuc-bua-vay-ong-tap-tren-hanh-trinh-den-giac-mo-trung-hoa-3935203.html?vn_source=top6&vn_medium=buildtop&vn_campaign=nonpersonalize
0 comments