Kremlin: 'Stalingrad và Kursk mới quyết định về Thế Chiến 2'
BBC
8 tháng 6 2019
Ban tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm D-Day ở Anh và Pháp tháng 6/2019 đã không mời Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước kế thừa của Liên Xô, đồng minh chống phát-xít Đức trong Thế Chiến 2
Ông Vladimir Putin có dự lễ tương tự 5 năm trước, đánh dấu 70 năm ngày D-Day.
Phản ứng trước việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nói ngày đổ bộ D-Day "không nên bị phóng đại" vì "chính các nỗ lực khổng lồ của Liên Xô hồi đó mới đem lại chiến thắng" trong Thế Chiến 2.
Theo bà Zakharova, ngày quân đồng minh đổ bộ sang Normandy, thực ra "không tạo tác động quyết định" cho diễn biến tiếp theo của Thế Chiến 2.
Bên nào đóng góp nhiều hơn?
Tuy nhiên, bà Zakharova không nói đó là quan điểm của bà, mà nói:
"Như các sử gia đã nêu, cuộc đổ bộ Normandy không có tác động quyết định về kết quả của Thế Chiến 2 và Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại."
"Chính kết quả của các thắng lợi quân sự mà Hồng quân đạt được, chủ yếu là ở Stalingrad (cuối năm 1942) và Kursk (giữa 1943) mới mang tính quyết định."
Lời bà Zakharova nói với báo chí Nga hôm 05/06/2019 đặt lại câu hỏi về đóng góp của các nước trong nỗ lực giải phóng châu Âu và hạ bệ chế độ phát xít ở Đức.
Xương máu của quân dân Liên Xô đứng hàng đầu
Theo John Graham Royde-Smith và Thomas A. Hughes thì con số nạn nhân thiệt mạng ở cả châu Âu, châu Á và các khu vực khác trong Đại chiến Thế giới 2 có thể lên tới 50 triệu.
Trong đó có 25 triệu người Liên Xô bị giết trong Cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại, theo tờ Moscow Times.
Còn các nguồn sử liệu Anh cho rằng có tới 7 triệu quân lính Liên Xô hy sinh trong cuộc chiến.
Cộng thêm vào là 3,6 triệu quân Liên Xô bị bắt làm tù binh và chết trong các trại tù, trại khổ sai của Đức.
Sử gia Anh, ông Robert Farley thì cho rằng có ít nhất 15 triệu thường dân Liên Xô bị giết.
Ba Lan bị mất chừng 3 triệu người, cộng thêm 3 triệu công dân Ba Lan gốc Do Thái bị Đức giết trong các trại tập trung.
Đức có 4 triệu quân bị giết khi đánh Liên Xô nhưng có thêm 370 nghìn quân bị chết trong các trại tù Liên Xô.
Pháp mất 210 nghìn quân, 390 nghìn thường dân; Anh mất 380 nghìn quân và chỉ gần 70 nghìn thường dân.
Hoa Kỳ có chừng 400 nghìn quân thiệt mạng, trong đó 300 nghìn là trong giao chiến.
Trận Stalingrad
Trang bách khoa toàn thư Anh Britannica nêu ra các con số khủng khiếp về thương vong các bên tham chiến ở trận Stalingrad.
Sau khi Thống chế Friedrich von Paulus đầu hàng, chỉ có 91 nghìn lính Đức từ Quân đoàn 6 (biên chế ban đầu 330 nghìn) nộp mình cho Liên Xô.
"Quân Liên Xô đào lên 250 nghìn xác lính Đức và Romania từ băng tuyết tại địa bàn trận đánh và vùng phụ cận. Còn con số toàn bộ lính phe Trục bị giết, bị thương, bị mất tích, gồm người Đức, Romania, Ý, Hungary, có thể lên tới 800 nghìn.
Trong số 91 nghìn quân Đức đầu hàng chỉ có 6.000 cuối cùng về được nhà. Số còn lại bị chết vì đói rét, hành hạ trong các trại tù Liên Xô."
Về phía mình, Liên Xô nêu ra con số thương vong 1,1 triệu Hồng quân, bị giết, bị thương hoặc mất tích. "
Trận Stalingrad cũng để lại con số 40 nghìn thường dân thiệt mạng.
Sử gia Robert Farley viết rằng sau trận Stalingrad thì trận Kursk đã "chấm dứt tham vọng tấn công của quân đội Đức, Wehrmacht" ở Mặt trận phía Đông.
"Từ 1943, 1944, và 1945, tốc độ chinh phục chiến trường của quân Liên Xô tăng tốc, với các trận phản công và tấn công rất lớn cuối 1944 đã phá tan quân lực Đức.
Cuộc chiến biến cả Wehrmacht và Hồng quân thành những bộ máy tác chiến điêu luyện, nhưng cũng khiến hai bên tiêu hao ghê gớm quân lính và phương tiện.
Liên Xô tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nền công nghiệp Phương Tây, còn Đức chỉ có thể trông cậy vào tài nguyên từ vùng chiếm đóng tại châu Âu."
Khi ngồi tù ở Nuremberg, cựu ngoại trưởng thời Hitler, Joachim von Ribbentrop, viết lại hồi ký ngắn, trong đó có nhận định vì sao Đức thua.
Ông ta nêu ra ba lý do, là sự kháng cự bất ngờ của Hồng quân Liên Xô; sức mạnh vũ khí, hậu cần dồi dào của Mỹ cho các đồng minh và hỏa lực áp đảo của liên quân chống Đức, nhất là không quân.
Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, Anh và chương trình Lend-Lease của Mỹ cấp vũ khí đạn dược, xe tăng, tàu chiến cho Liên Xô, Anh, Trung Hoa Dân quốc có vai trò trọng yếu cho chiến thắng trong Thế Chiến 2.
Hồi đầu 1942, xe tăng phương Tây đã bổ sung đầy đủ, thay cho các tổn thất của Liên Xô, thậm chí còn cao hơn thế ba lần.
Khoảng 15% các phi cơ mà không lực Xô-viết sử dụng là do quân Đồng minh cung cấp, trong đó có cả chiến đấu cơ Airacobra và phi cơ ném bom Boston.
Quân Đồng minh khi đó cũng cung cấp cho Liên Xô 15 ngàn súng máy hiện đại.
Giáo sư sử học Oleg Budnitsky nói trên trang Russia Beyond rằng riêng viện trợ cho Liên Xô thời đó, nếu tính theo giá đô la thời giá năm 2003 thì tương đương 130 tỷ USD.
Xem thêm:
0 comments