Đối thoại Shangri-La: Luật quốc tế chọi với luật rừng xanh
6/6/2019
Đại-Dương: Đối thoại Shangri-La thường niên ở Tân Gia Ba quy tụ các giới chức quân sự, học giả khắp thế giới để trình bày quan điểm hoặc chiến lược liên quan đến an ninh, thịnh vượng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Shangri-La 2019 diễn ra từ ngày 31 tháng 5 đến 2 tháng 6 được đặc biệt chú ý do sự hiện diện của hai vị bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Cộng (TC) trong bối cảnh căng thẳng về an ninh hàng hải và xung đột thương mại trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Ba chiếc đinh trong Shangri-La 2019 gồm có Thủ tướng Tân Gia Ba, Lý Hiển Long; Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Patrick Shanahan; Bộ trưởng Quốc phòng TC, Nguỵ Phượng Hoà.
Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Lý Hiển Long nêu lên mối lo lắng của các tiểu quốc trước bối cảnh tranh chấp Mỹ-Trung do “thiếu tin tưởng chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, nên mong muốn hai cường quốc cố hữu và mới nổi tìm biện pháp hạ nhiệt. Đồng thời, khuyên các tiểu quốc như Tân Gia Ba phải khôn ngoan và can đảm cùng làm việc chung để tối-đa-hoá sự hợp tác kinh tế bằng các chọn lựa đúng đắn.
Giải pháp của Thủ tướng Lý đưa ra khó giải quyết được cuộc xung đột Mỹ-Trung vì: (1) Không dựa và căn bản pháp lý quốc tế. Tham vọng chiến lược của TC nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh, đồng nghĩa với “thống trị” chứ không phải hợp tác tương xứng và bình đẳng. (2) Toàn-cầu-hoá chỉ phát huy tác dụng khi tất cả các thành viên trong cộng đồng nhân loại phải tôn trọng luật pháp và tập tục quốc tế đã ký kết. Hoa Kỳ coi Đài Loan, Tân Gia Ba, Mông Cổ, Tân Tây Lan như các “đối tác tự nhiên” trong việc bảo vệ an ninh cho khu vực nên đảo quốc thành phố (island city-state) mới tận dụng được điều kiện ưu đãi. (3) Bắc Kinh sẵn sàng xoá sổ Tân Gia Ba để biến thành pháo đài án ngữ Eo biển Malacca nếu đảo quốc thành phố này bị Hoa Kỳ bỏ rơi. (3) Bắc Kinh khó gây áp lực lên Tân Gia Ba, nhưng, rất dễ dàng đối với các nước đang phát triển, hoặc chưa phát triển.
Bộ trưởng Shanahan phát biểu: “Chúng tôi là quốc gia của Thái Bình Dương chia sẻ địa lý và hiện diện một cách tự nhiên, là cường quốc thường trú với những gắn bó chặt chẽ về con người, văn hoá, kinh tế nên ràng buộc vào sự phát triển và sức sống của khu vực năng động nhất thế giới.
Ông nhấn mạnh “Hoa Kỳ sẽ đi và nói chuyện trên tư thế người cung cấp cho nền an ninh và thịnh vượng của Châu Á-Thái Bình Dương. Thương mại hai chiều hàng năm của Mỹ lên tới 2.3 nghìn tỉ USD và 1.3 ngàn tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài nên nhiều hơn cả TC, Nhật Bản và Đại Hàn cộng lại”.
Mệnh đề gây tranh cãi nhất khi Shanahan tố cáo các hoạt động phá hoại khu vực thông qua việc quân-sự-hoá, kiểu kinh tế săn mồi, gây áp lực của TC.
Hôm sau Bộ trưởng Shanahan tiếp tục tấn công TC phá hoại nền trật tự dựa trên luật pháp, tạo ra mối đe doạ lớn nhất và lâu dài trong khu vực. Vì thế, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “địa bàn ưu tiên” của Hoa Kỳ sẽ tiến vào thời đại công nghệ, đối tác và tư thế mới. Có lẽ mối đe doạ trường kỳ và mãnh liệt nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia từ những kẻ tìm cách phá hoại thay vì duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, quy tắc. Nếu cách ứng xử này tiếp diễn thì những thực thể nhân tạo sẽ trở thành nơi thu phí chủ quyền thuộc về kẻ mạnh. Ý đồ của TC nhằm làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia khác của TC phải chấm dứt. Cho đến lúc nó xảy ra, chúng ta chống lại tầm nhìn cận thị, hẹp hòi và địa phương mà ủng hộ trật tự cởi mở và tự do đã mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta – bao gồm cả TC.
Shanahan không coi tranh cãi thương mại Trung-Mỹ hiện tại chẳng phải thương chiến mà chỉ như một phần trong đàm phán thương mại nên tự tin sẽ giải quyết được vấn đề. Chúng tôi cần các đồng minh từ Á tới Âu đầu tư vào cách kiểm soát chủ quyền và khả năng thực hiện các lựa chọn có chủ quyền; và chia sẻ gánh nặng chi phí với Hoa Kỳ. Vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay có 370,000 nhân viên, 200 chiến hạm và tiềm thuỷ đỉnh, cùng 2,000 phi cơ của Mỹ. Chúng tôi hợp tác với TC, nơi có sự liên kết lợi ích, từ đối thoại quân sự để giảm thiểu rủi ro, giải quyết các mối đe dọa xuyên quốc gia, để thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bắc Triều Tiên.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Patrick Shanahan xuất hiện tại Shangri-La bằng thái độ hoà nhã, lý luận sắc bén và chính xác làm cho cử toạ cảm thấy ít diều hâu hơn các nhân vật khác của Mỹ.
Lần đầu tiên sau năm 2011, Bắc Kinh mới phái Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phượng Hoà tham dự Đối thoại Shangri-La 2019 để trình bày quan điểm cứng rắn của TC tại Châu Á-Thái Bình Dương với ba vấn đề chính.
Nguỵ Phượng Hoà tái xác nhận tư thế của TC trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung “TC mở cửa nếu Hoa Kỳ muốn đàm phán. Nếu không, TC sẽ đánh tới cùng”. Bắc Kinh đã tăng thuế từ 5% lên 25% trong tổng số hàng hoá nhập cảng từ Mỹ trị giá 60 tỉ USD. Lập tức, Tổng thống Trump đe doạ sẽ đánh thuế 25% trên tổng số 300 tỉ USD lên hàng nhập từ Hoa Lục.
Chính Bắc Kinh đã đảo ngược mọi cam kết có được sau 10 tháng đàm phán thương mại Mỹ-Trung nên rơi vào bế tắt buộc Hoa Kỳ phải tung ra biện pháp bảo vệ kinh tế. Tập Cận Bình muốn kéo dài cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Nhưng, khoảng 10 bảng nghiên cứu quốc tế đều xác định khả năng tái cử của Tổng thống Trump khó đảo ngược khi kinh tế Hoa Kỳ ở vào chu kỳ phát triển so với suy thoái của TC.
Hôm 4 tháng 6, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde cho biết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới (0.3%), nhưng, không rơi vào suy thoái toàn cầu.
Nguỵ phát biểu “Chúng tôi không thể tìm thấy lý do chính đáng nào để Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề Đài Loan bằng luật pháp Mỹ. Mọi ý đồ chia cắt TC, can thiệp vào Đài Loan phải thất bại”.
Đài Loan là một quốc gia độc lập từ năm 1949, hệ thống chính trị nằm trong tay người dân cho nên phù hợp với “quyền tự quyết dân tộc” được Liên Hiệp Quốc chuẩn thuận. Bắc Kinh có thể dễ dàng cưỡng chiếm Tân Cương, Tây Tạng bằng vũ lực, nhưng, khó thành công vì Giải phóng Quân TC không thể tràn ngập Đảo Ngọc khi Hải Quân chưa đủ sức đương đầu với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Dân chúng Đài Loan không muốn thống nhất với TC nên đừng hy vọng vào lá phiếu cử tri.
Nguỵ Phượng Hoà biện minh việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Nam Trung Hoa “phù hợp quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền xây dựng trong lãnh thổ”.
Phán quyết ngày 12/07/2016 của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) “Đường 9 đoạn không có giá trị pháp lý, trên Biển Nam Trung Hoa (SCS) không có nhóm đảo nào hội đủ điều kiện quần đảo, không có thực thể địa lý nào thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào, không có thực thể địa lý nào được gọi là đảo”. TC góp phần quan trọng trong việc xây dựng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và đã phê chuẩn, nhưng, không tôn trọng.
Chẳng có văn kiện quốc tế nào công nhận chủ quyền của TC trên Biển Nam Trung Hoa. Chỉ có TC, Việt Nam, Mã Lai Á, Brunei, Phi Luật Tân, Đài Loan đưa ra các “tuyên bố chủ quyền” rồi ngộ nhận là “chủ quyền” mà từ chối ra trước Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), Toà án duy nhất của nhân loại có quyền phân xử các tranh chấp chủ quyền.
Nguỵ Phượng Hoà biện minh cho hoạt động quân-sự-hoá trên Biển Nam Trung Hoa “Đối diện với nhưng phi cơ, chiến hạm vũ trang hùng hậu sao chúng ta có thể tảng lờ mà không xây dựng vài cơ sở phòng thủ”.
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, Hải quân Hoa Kỳ vẫn tuần tra thường xuyên khắp các vùng biển quốc tế để duy trì hoà bình, an ninh và ổn định. Chính Bắc Kinh đã áp dụng luật quốc gia trên các vùng biển quốc tế.
Vì thế, Nhật Bản, Pháp, Anh, Úc đã và đang tăng cường biện pháp tuần tra trên Biển Đông Trung Hoa để ngăn chặn hành vi bành trướng, bá quyền của TC.
Thế giới chỉ yên ổn, kinh tế phát triển, môi trường an ninh, dân chúng hạnh phúc khi một quốc gia, vùng lãnh thổ tuyệt đối tuân hành đầy đủ luật pháp và tập tục quốc tế phổ quát. Phát xít Đức, Quân phiệt Nhật, Đệ tam Quốc tế Cộng sản đã sụp đổ do đi ngược lại khát vọng của loài người.
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
U.S. won’t ‘tiptoe’ around China with Asia stability at threat: defense chief (Reuters)
China vows military action if Taiwan, sea claims opposed (Fox News)
Shangri-La Dialogue 2019: US and China must agree to disagree (Strait Times)
China says war with US would be a disaster as tensions mount (Guardian)
Pentagon Indo-Pacific Report Highlights China’s Ambitions, Taiwan’s Significance in US Strategy (Epoch Times)
Security concerns rise as US denounces China at Asian forum (Nikkei)
US urges China to stop eroding other nations’ sovereignty (Kyodo News)
0 comments