Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Muốn cứu thoát Thế hệ Trẻ hôm nay, Phải tiến hành Một Cuộc Cách Mạng Toàn triệt

Monday, May 13, 2019 11:20:00 AM // ,

Muốn cứu thoát Thế hệ Trẻ hôm nay, Phải tiến hành Một Cuộc Cách Mạng Toàn triệt

Ước mơ của tuổi trẻ một quốc gia là động lực nâng cao tầm vóc quốc gia, góp phần làm thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Việt Nam là một đất nước già nua, có hơn 4000 năm văn hiến, nhưng dân số tăng mạnh và tuổi trẻ lại chiếm đa số. Tuổi trẻ ở Việt Nam ước mơ gì?

Có người nói tuổi trẻ ở Việt Nam ngày nay không có những ước mơ cho tương lai hay nếu có thì ước mơ ấy lại xoáy ngay vào hiện tại, sống vội cho bản thân trước đã. Nếu quả thật như vậy thì không có gì buồn hơn cho tuổi trẻ và cho đất nước.

Khi người Pháp tới, họ nhận thấy làng xã Việt Nam tổ chức rất nề nếp nên họ giữ nguyên. Sau đó, họ từ từ tổ chức hành chánh, đem chữ quốc ngữ thay thế chữ nho và chữ nôm nhưng họ vẫn giữ gìn sách vở và cách học cũ.

Tuy sự thay đổi ôn hòa nhưng vẫn không tránh khỏi làm cho người Việt Nam bị vong thân.

Khi người cộng sản tới ngày 19/8, với chánh sách “đào tận gốc bốc tận rễ”, thì sự vong thân kia nay được Hồ Chí Minh ra tay dìm xuống độ sâu ngàn lần hơn thực dân.

Từ hơn bốn mươi năm nay, Việt Nam hoàn toàn được đảng và nhà nước cộng sản cai trị. Tuổi trẻ được nuôi dưỡng, dạy dỗ và lớn lên trong chế độ giáo dục cộng sản, được học tập và sống theo gương Hồ Chí Minh. Vậy nếu bảo tuổi trẻ ở Việt Nam không có ước mơ, chỉ biết sống nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh lý cấp bách của mình, thì nên hiểu đơn giản không gì khác hơn chúng nó là sản phẩm nguyên chất của chế độ.

Nên ngay sau 30 tháng 4 năm 1975 vài ngày, dân Miền Nam đã thấy đất nước bắt đầu thay đổi và hát lên:

Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ

Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai”

Vì:

Tôi thật mệt nhoài buá vác với liềm mang

Bình địa thì thi công khắp xóm làng.

Mồ mả ông cha chung một hố

Dang tay, chúng nắm được thiên đàng…”

( Nguyễn Thị Cỏ May – Tuổi trẻ ở Việt Nam: thực tế và ước mơ )

Sách có chữ:

- Chế độ nào – Nền Giáo dục nấy.

- Nền giáo dục nào đào tạo ra con người nấy.

- Chế độ toàn trị việt cọng = Giáo dục Duy vật – Vô thần – Vô Tổ Quốc

- Nền giáo dục Duy vật – Vô thần – Vô Tổ Quốc đào tạo ra con người duy vật việt cọng, tự mệnh danh là con người xã hội chủ nghĩa.

- Chế độ Tự do – Dân chủ VNCH = Giáo dục Dân tộc – Nhân bản.

- Nền Giáo dục Dân tộc – Nhân bản đào tạo ra con người Việt Nam truyền thống Nhân – Nghĩa.

Vì vậy, muốn có một xã hội truyền thống Nhân – Nghĩa Dân tộc,

Phải có Một chế độ Dân chủ – Dân tộc truyền thống Việt.

Đó là lý do:
Vì Sao Tôi Cổ Võ Cuộc Cách-Mạng Toàn-Triệt?

Tôi có hai đứa cháu ngoại sanh đôi 7 tuổi. Chúng nghe hiểu nhưng nói tiếng Việt không rành. Nhưng mỗi khi về thăm ngoại, chúng chấp tay, cúi đầu “ Cong chào on quại.” Khi ra về cũng vậy, “ Chào on quại cong dzề.” Nghe cháu thỏ thẻ mà thương, chợt nhớ lại lời mẹ dạy ngày xưa, một thời xưa nay đã xa vắng, rằng: Trẻ nhỏ phải biết “đi thưa về trình”. Tôi vui lòng và cám ơn con gái, không ai dạy mà biết làm như bà nội, dạy con như bà nội dạy ba thuở trước.

Vẫn biết sau vài ba thế hệ nữa, dòng họ Nguyễn của tôi chỉ còn cái Nguyen không có dấu, giống như dòng họ Lý bên Cao Ly, ngày nay cũng chỉ còn chữ Lee sai chánh tả, nhưng mà hiện tại vẫn vui lòng vì con cháu tôi vẫn còn giữ được một nét lễ nghĩa của tổ tiên.

Cho nên khi đọc câu chuyện em bé bán gà trên net cảm thấy bùi ngùi trong dạ:

EM BÉ BÁN GÀ

Còn đây, chuyện trẻ thơ thời xã nghĩa ta
Bà lão Miền Nam ngồi xe lửa về Nam
Xe lửa ngừng nơi ga nhỏ
Một con bé dễ thương mời mọc
Cụ mua hộ bé con gà nướng
Bà cụ vốn không thích gà nướng
Nhưng thấy con bé dễ thương nên mua dùm
Con bé dềnh dàng gói con gà trong giấy báo
Xe lửa rục rịch lăn bánh mới trao con gà
Bà lão đưa trả tờ giấy bạc lớn
Con bé cầm lấy bảo để đi đổi ra tiền nhỏ thối lại
Lúc xe lửa phát chạy, con nhỏ liếc bà lão và cười
Bà lão chợt sinh nghi, mở gói giấy báo bự sự
Chen ngoẻn có cái cổ gà dài ngoẳng
Cả trăm ngàn chỉ mua được cái cổ gà
Và…nụ cười đêu đểu của bé gái xã nghĩa ta!

Ngậm ngùi trẻ thơ thời đồ đểu
Vì sao để cho sự thể ra nông nỗi?!

Bởi vì lẽ tà quyền cọng sản thiếu một nền giáo dục Dân tộc – Nhân bản như sau đây:

Trước khi cắp cặp đệm học trường làng, ở nhà nghe lời mẹ dạy. Mẹ tôi là gái quê, chỉ dạy con theo tập tục làng quê hai điều đơn giản: Một là không được dối trá. Hai là, sống cho có nghĩa, có nhơn.

Dối trá là thế nào? Không cần tra từ điển, chỉ cần nhìn cái mông đít lằn ngang lằn dọc là nhớ đời. Khi lén mẹ đi tắm suối dìa, cặp mắt đỏ chạch, mẹ gặn hỏi: Lén má đi tắm suối há? Nỏ miệng trả treo: Hổng có, tui chỉ xuống chợ chơi. Mẹ bảo: À, cúi xuống đó! Nè, một roi về tội đi tắm suối. Nè, hai roi về tội nói láo. Nè, ba roi về tội cải lại má. Mỗi cái nè tiếng là một roi nhưng kết cuộc cái mông đít nhỏ tui chảy máu đỏ lòm, bởi vì cái roi là cành tre thô rút ra từ đống củi!

Nhơn nghĩa hả? Thật là dễ hiểu. Bửa kia, ỷ mình lớn hơn thằng Cu, con cậu tư lò rèn ở trước nhà, cải nhau một hồi rồi thoi nó một thoi, sặc máu mủi. Lần nầy ăn roi nặng hơn, bởi vì cái dzụ nhơn nghĩa nầy là chuyện lớn. Một là ỷ mạnh hiếp yếu là không phải lẽ. Hai là chòm xóm không biết nhường nhịn nhau. Ba là đánh gộp nhiều roi vì lòng lim, dạ đá, không biết thương người như thể thương thân, nhất là đứa em ở ngay trước nhà lại là con cậu tư.

Lớn lên, ra chợ Thủ, học trường tỉnh.

Năm năm mỗi lần nghe hè tới. Cây điệp già trước sân trường trỗ bông đỏ ối. Tiếng ve sầu rã rít trong rặng cây huỳnh đàn ngoài song cửa lớp. Lòng trẻ thơ rộn rả bôn chôn, mong mau đến ngày bãi trường để xem các anh, các chị diễn kịch.

Các chị diễn kịch Hai Bà Trưng. Em bé vỗ tay reo cười hỉ hả khi nghĩa quân “hai Bà” rượt bọn Thái thú Tô Định sút giày, mũ mảng chạy về Tàu. Đâu cần giở Quốc sử Diễn ca cũng thuộc câu Lời nguyền Mê Linh:

Một xin trả sạch nước thù
Hai xin thu lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẽn vẹn sở công lịnh nầy

Các anh diễn kịch Hội nghị Diên hồng. Em bé nghe lời ca mở đầu, lòng rúng động:

Toàn dân nghe chăng?
Sơn hà nguy biến
Hận thù đằng đằng
Biên thùy rung chuyển

Năm 1960, khi giặc cọng thừa cơ giáp Tết, đánh trận lớn Trảng Sụp, Tây Ninh, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm tuyên bố Tổ Quốc lâm nguy, ban hành lệnh Tổng động viên. Hàng hàng, lớp lớp thanh niên Miền Nam lên đường nhập ngủ, tòng chinh, ngạo nghễ cất lời ca:

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc binh đao
Giả nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào vó câu

Ngày xưa, tráng sĩ “chiến trường da ngựa bọc thây.” Ngày nay, tuổi trẻ Miền Nam, sa trường ngả gục, lá cờ vàng Quốc gia phủ áo quan!

Nhưng tấm lòng tuổi trẻ Miền Nam không vì vậy mà trở nên hận thù, sắt máu. Trái lại, tâm tình tình càng thắm đượm yêu thương. Những ngày về phép, hò hẹn người yêu, “bóng nhỏ, đường chiều”:

Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở
Thương nầy, thương cho bỏ lúc đợi chờ

Có khi không may mắn, người yêu lỗi hẹn, trên phố vắng:
Từng bước, từng bước thầm
Khi người yêu không đến
Tuổi xuân buồn lặng câm
Đi trong chiều mưa hoang
Đời biết ai thương mình

Khi thua trận, tù khổ sai trên núi rừng Hoàng Liên, những khi lòng êm ả, nhìn sông núi Trường Sơn với vẻ đẹp hùng vĩ, giang sơn gấm vóc của tổ tiên:

Suối A mai trong vắt
Bến Ngọc buổi chiều tà
Đỉnh Phục Linh vòi vọi
Khói chiều vương mái rạ nhà ai

Tuổi trẻ Miền Nam, sống và chiến đấu chỉ vì tình thương và lẽ phải, không mê mờ vì bất kỳ chủ thuyết nào.

Cho nên ngày nay, thân lưu lạc xứ người, nhìn về quê nhà, những thảm trạng như em bé bán gà, nghĩ thật là chua xót.

Nguyên do, bởi vì đâu? Chỉ vì bọn cọng sản mê mờ chủ thuyết Mác lê, cai trị và giáo dục theo tà thuyết duy vật, phủi sạch truyền thống Nhân Nghĩa Dân tộc mới ra nỗi!

Nếu sĩ phu và giới trẻ cứ mắt lắp tai ngơ, không quyết lòng tiến hành công cuộc cách mạng Dân tộc Toàn triệt, sớm giải trừ nọc độc cọng sản thì đời con của em bé bán gà sẽ lại cũng giống như mẹ, mới nứt mắt ra đã biết lừa đảo, chụp giựt để cầu sống!

Nguyễn Nhơn

Viết lại trước thềm cuộc Tranh Đấu Mùa Hè 2019

11/5/2019

Tags: ,

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.