Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Vì sao ông Trump “quay ngoắt 180 độ”, ủng hộ cuộc điều tra của Mueller?

Saturday, March 23, 2019 11:13:00 AM // ,

Dân Trí
23/03/2019

Ông Trump đã gây bất ngờ khi lên tiếng ủng hộ công bố báo cáo cuối cùng của Công tố viên đặc biệt Mueller về điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
>>Công tố viên đặc biệt hoàn tất điều tra nghi vấn quan hệ giữa ông Trump và Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng từ chối công khai thuế thu nhập cá nhân, đã có động thái bất ngờ khi nói rằng ông sẽ rất vui nếu người dân Mỹ được nhìn thấy bản báo cáo cuối cùng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ đã làm dấy lên nhiều hoài nghi bởi chỉ mới tuần trước ông nói trên trang Twitter rằng “sẽ không có báo cáo của Mueller về cuộc điều tra này”.
Vì sao ông Trump “quay ngoắt 180 độ”, ủng hộ cuộc điều tra của Mueller? - 1..jpg
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: Politico.
Ý định thực sự của ông Trump?
Khi trả lời câu hỏi liệu công chúng có quyền được thấy thành quả lao động của ông Mueller hay không, Tổng thống Trump khẳng định: “Tôi không bận tâm. Tôi đã nói với Hạ viện một cách thẳng thắn rằng nếu họ muốn xem cứ để họ xem”. Theo CNN, tuyên bố của Tổng thống Trump hoàn toàn trái với những nỗ lực kéo dài suốt thời gian qua nhằm phản đối cuộc điều tra của công tố viên Mueller mà ông Trump mô tả là “một cuộc săn phù thủy” và “điều mà không Tổng thống nào phải chịu đựng”.  
Trở về sau chuyến đi tới Ohio vào tối 20/3, Tổng thống Trump đã dẫn lại một số bình luận tờ từ Fox News và đăng trên Twitter: “Lý do chúng ta có cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller là bởi ông James Comey đã để lộ các bản ghi chép của ông cho một người bạn và người này đã cố tình tiết lộ chúng cho báo chí”.
CNN cho rằng rất khó để biết liệu Tổng thống Trump đang chuẩn bị một kế hoạch chiến lược dài hạn, thử nghiệm nền tảng chính trị mới hay chỉ đơn thuần muốn bỏ qua những tin tức xấu và tập trung vào một chủ đề khác. Vẫn cần phải có thời gian để xác minh thiện chí trong phát ngôn của Tổng thống Trump.
Trước đó ông từng tuyên bố rất muốn tham gia cuộc phỏng vấn trực tiếp với Công tố viên Mueller nhưng điều này chưa từng được thực hiện và đến nay ông chỉ cung cấp cho đội ngũ điều tra các câu trả lời bằng văn bản được chuẩn bị với sự cố vấn của nhóm pháp lý. Trong một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc tại Quốc hội về việc phát hành bản báo cáo của Mueller, ông Trump nói: “Tôi đã nói với lãnh đạo Quốc hội hãy để tất cả những người Cộng hòa bỏ phiếu cho sự minh bạch”.
Một số nhà phân tích nhấn mạnh với tuyên bố bất ngờ nêu trên, Tổng thống Trump có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ. Theo kết quả cuộc thăm dò do CNN phối hợp với SSRS công bố ngày 20/3, 87% người Mỹ cho rằng báo cáo của ông Mueller nên được công khai, chỉ 9% phản đối.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Tổng thống Trump ra tuyên bố công khai ủng hộ phát hành báo cáo cuối cùng của Công tố viên Mueller sẽ giúp ông vượt qua giai đoạn quan trọng cuối cùng của cuộc điều tra, đồng thời tạo cho ông có thêm nhiều sự ủng hộ khi khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2020.
Báo cáo của Mueller sẽ định hình chiến lược Nhà Trắng như thế nào?
Phần lớn chiến lược của Nhà Trắng sẽ phụ thuộc vào những gì được công bố trong bản báo cáo cuối cùng của Công tố viên Mueller một khi ông Mueller giao nộp báo cáo này cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr.
Nếu báo cáo về cáo buộc cuộc điều tra đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump liên hệ với Nga đưa ra những kết luận bất lợi cho Tổng thống Trump, tất nhiên ông Trump sẽ có lý do để ngăn chặn.
Trong trường hợp những thông tin được công bố không gây ảnh hưởng nhiều thì điều này sẽ giúp Nhà Trắng có cơ hội xoay chuyển tình thế, bằng cách sử dụng chính danh tiếng cá nhân của Công tố viên Mueller để nâng cao vị thế của chính quyền Trump. Tuy nhiên, CNN cho rằng, việc đánh giá “cuộc chiến pháp lý” này sẽ rất khó khăn bởi không ai biết trước kết luận của Mueller sẽ bao gồm những chi tiết nào. Ông Mueller có thể cung cấp cho Bộ trưởng Tư pháp Barr lời giải thích tại sao ông lại lựa chọn điều tra một số cộng sự của Tổng thống Trump chẳng hạn như Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump hay cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn chứ không phải những người khác.
Một giả thiết khác là trong bối cảnh công chúng quan tâm mạnh mẽ đến cuộc điều tra này, ông Mueller có thể đưa ra những đánh giá toàn diện hơn. Sau đó Bộ trưởng Tư pháp sẽ là người quyết định những thông tin nào cần được công bố trước Quốc hội hoặc công chúng. Một số người cho rằng, bất chấp những phát ngôn mang tính hợp tác Tổng thống Trump, Nhà Trắng vẫn phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn về chính trị cho đến khi cuộc điều tra của ông Mueller kết thúc. Cây bút Pamela Brown của tờ CNN cho biết, các luật sư của Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ được biết những thông tin nằm trong báo cáo mà ông Barr quyết định đệ trình lên Quốc hội. Điều này nằm trong thẩm quyền của họ bởi xét cho cùng nhiệm vụ của văn phòng luật sư là bảo vệ chính quyền đương nhiệm chứ không chỉ riêng Tổng thống mà họ phục vụ.
Tuy nhiên, việc Nhà Trắng được xem báo cáo trước khi chúng đến tay các nghị sỹ trong Quốc hội chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ phía Đảng Dân chủ, vốn cho rằng đội ngũ của ông Trump sẽ làm mọi cách để ngăn chặn những kết luận cuối cùng của ông Mueller. Tranh cãi nảy sinh có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý phức tạp cần sự can thiệp của Tòa án tối cao.
Bộ trưởng Tư pháp Barr đã cam kết sẽ công bố nhiều thông tin nhất có thể về cuộc điều tra của Cố vấn Mueller. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn có một số chi tiết cần được giữ bí mật. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, bất cứ tài liệu nào trước khi công khai cũng cần phải được điều chỉnh lại để giữ kín những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia hoặc thông tin nhạy cảm khác. Tuy nhiên, Phe Dân chủ tại Hạ viện đã cảnh báo rằng họ sẽ đệ đơn kiện lên tòa án nếu không hài lòng với bản báo cáo mà Bộ Tư pháp cung cấp cho họ.
Xuất hiện cáo trạng mới?
Cố vấn đặc biệt Mueller có thể công bố những cáo trạng mới trước khi hoàn thành cuộc điều tra của ông. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Mueller đã buộc tội hơn 20 người Nga với cáo buộc sử dụng mạng xã hội để can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và tấn công hệ thống thư điện tử của Đảng Dân chủ. Bên cạnh đó, đã có 6 cộng sự của Tổng thống Trump bị cáo buộc đưa ra những tuyên bố sai sự thật, gian lận tài chính, cản trở thực thi pháp luật hoặc nhiều tội danh khác. Tuy vậy, ông Mueller không cáo buộc bất cứ công dân Mỹ nào âm mưu thông đồng với Nga can thiệp bầu cử và câu hỏi đặt ra là liệu ông sẽ thực hiện điều này hay không.
Một số ý kiến cho rằng, công tố viên Mueller sẽ tung ra bản cáo trạng về âm mưu thông đồng ở thời điểm cuối cuộc điều tra. Tuy nhiên, nhiều nhân vật trong đó có cả Tổng thống Trump đều khẳng định ông sẽ không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy sự liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Moscow vì điều đó không xảy ra. Ngoài ra cũng có ý kiện nhận định, ông Mueller có thể buộc tội các cá nhân liên quan bằng những tội danh khác. Trước đó, Ủy ban Tình báo của Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát cho biết, đã chuyển những đoạn ghi âm cuộc phỏng vấn các nhân chứng liên quan đến cuộc điều tra cho vị công tố viên này.
Theo Hồng Anh
VOV.VN

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.