Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 07/03/2019

Thursday, March 7, 2019 6:12:00 PM // ,


Tin Việt Nam – 07/03/2019

Tòa án Bình Thuận tuyên án tù

 thêm 15 người biểu tình hồi tháng 6/2018

Tòa án huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, vào ngày 7 tháng 3 tuyên án tù đối với 15 người tham gia biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi ngày 10 tháng 6 năm ngoái.
Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuy Phong cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” đối với 15 bị cáo, trong đó người nhỏ tuổi nhất sinh năm 2001 và người lớn tuổi nhất sinh năm 1973. Cáo buộc đối với những người này là đã tụ tập trên Quốc lộ 1A, ở khu vực Sông Lũy, thị trấn Phan Rí Cửa vào ngày 10/06/18 và đã gây ra bạo loạn, gây ra thương tích cho công an trong lúc làm nhiệm vụ.
Trong số 15 bị cáo vừa nêu, người bị tuyên án nặng nhất là 3 năm 6 tháng tù giam và nhẹ nhất là 2 năm tù giam, với mức tổng cộng lên đến 40 năm 6 tháng tù giam cho cả 15 người.
Cuộc biểu tình của người dân tại các tỉnh và thành phố lớn ở Việt Nam trong hai ngày 10 và 11 tháng 6 năm ngoái để phản đối hai Dự luật Đặc khu và An ninh mạng được ghi nhận là cuộc biểu tình đông nhất kể từ sau ngày 30/04/1975.
Tính đến cuối năm 2018, đã có hơn 100 người tham gia biểu tình bị kết án tù. Trong đó, rất nhiều người biểu tình bị Tòa án tỉnh Bình Thuận tuyên án với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng”.
Xin được nhắc lại, Báo Tuổi Trẻ vào ngày 7/11/18, trích lời ông Hồ Trung Phước, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Thuận khẳng định rằng vụ biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11 tháng 6 không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là “có động cơ chính trị”.
AFP vào ngày 7/03/19 dẫn nguồn từ một giới chức giấu tên của tòa án Bình Thuận cho biết chính quyền tỉnh này hiện tại còn đang tiếp tục điều tra những trường hợp tương tự.

7 tài xế phản đối BOT bị bắt, 17 trạm BOT có vấn đề

Ngoài ông Hà Văn Nam, tài xế ở tỉnh Bắc Ninh bị bắt tạm giam theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh hôm 5/3/2019 với cáo buộc gây rối, 6 tài xế khác cũng bị bắt trước đó với cáo buộc tương tự.
Theo VNExpress, sáng 27/12/2018, ba ngày sau khi BOT quốc lộ 18 (Phả Lại) thu phí, nhiều tài xế ở Bắc Ninh và Hải Dương đã tập trung ở trạm thu phí Phả Lại đề nghị chủ đầu tư miễn phí khi qua trạm. Phần lớn tài xế phản đối trạm thu phí cho rằng, quốc lộ 18 chỉ nâng cấp, cải tạo nền đường, nhưng bắt người dân nộp phí như làm mới là không đúng và họ không chấp nhận. Ngày 31/12/2018, hơn 100 người cùng nhiều phương tiện tập trung dừng đỗ trong trạm, không mua vé.
Cũng tin liên quan, tờ VnEconomy đưa tin hiện cả nước có 88 trạm thu phí, trong đó 15 trạm thuộc UBND các tỉnh và thành phố quản lý; 73 trạm thuộc sự quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.
Điều đáng nói là trong 73 trạm này có đến 17 trạm đặt sai vị trí, đặt quá gần nhau, mức phí không hợp lý gây bất bình cho người dân như trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài (Hà Nội); Nam Cầu Giẽ (Hà Nam); Bến Thủy (Nghệ An); Quán Hàu (Quảng Bình); Trảng Bom (Đồng Nai); Thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng); Cai Lậy (Tiền Giang); Quốc lộ 6 Hòa Bình; Quốc lộ 3 Thái Nguyên…
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp với nhà đầu tư tính toán, lựa chọn giải pháp phù hợp cho từng trạm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án.

Dĩ hòa vi quý hay di hại?

Blogger Cánh Cò
Chưa bao giờ con em chúng ta chịu áp lực nặng nề khi tới trường như hôm nay. Bên cạnh việc học hành quá sức chịu đựng của chúng một ám ảnh khác đang đè nặng lên đôi vai vốn đã chịu nhiều sức ép đó là bạo lực học đường.
Chúng ta có lẽ không ai đủ can đảm xem cho hết một đoạn video dài khoảng 5 phút quay lại cảnh nhiều nữ sinh thay nhau đánh một bạn cùng lớp trong khi các nam sinh khác đứng bên ngoài nếu không cổ võ thì cũng im lặng. Hành vi đánh tập thể bạn học qua nhiều video khác nhau tung lên mạng xã hội đã là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả phụ huynh chúng ta về nạn bạo hành trong ngôi trường mà chúng ta tin tưởng giao phó con em mình để được giáo dục.
Bị bạn đánh tập thể không phải là lý do duy nhất khiến các em sợ hãi mà hành vi bạo hành từ giáo viên đối với chúng mới là nỗi ám ảnh không rời. Từ nhiều năm nay không biết bao nhiêu vụ bạo hành đã xảy ra trên tất cả các tỉnh thành được báo chí theo dõi và tường trình.
Hành vi đánh đập học sinh trở thành hội chứng khi rất nhiều giáo viên chủ nhiệm giận dữ phạt học sinh bằng cách bắt bạn đồng lớp tát tai nếu chúng có lỗi.
Một cô giáo tại trường Tiểu học Trung Thành, Thái Nguyên đã bắt học sinh trong lớp do cô phụ trách tự tát 50 cái vào mặt chỉ vì em này mất trật tự. Sau khi bị phụ huynh làm đơn tố cáo, cô giáo này chỉ bị chuyển sang dạy lớp khác.
Một học sinh trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vì làm bài lạc đề nên bị giáo viên chủ nhiệm tát 2 cái vào má. Em này bị chấn động sọ não và phải nhập viện điều trị. Sau đó, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đối với cô giáo này với mức phạt là 2,5 triệu đồng.
Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình nổi cộm vụ cô giáo đã chỉ đạo các bạn trong lớp tát bạn tổng cộng 231 cái khiến em học sinh này gần như mất trí khi về tới nhà.
Đầu tháng 3 một học sinh tiểu học bị cô giáo dùng thước đánh trúng vào mắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng xảy ra ở Lạng Sơn. Tiếp theo sau đó ít lâu là một học sinh lớp 7 trường THCS Long Hòa, tỉnh Long An bị thầy giáo phạt đánh nhiều roi. Theo kết quả chụp X quang, học sinh bị vẹo cột sống mặc dù chưa xác minh có bị vẹo cột sống hay không nhưng chuyện đánh học sinh là có thật.
Không những bạo hành bằng roi hay tát tai, những vết thương tuy đau nhưng dễ lành với thời gian, còn những vụ bạo hành tình dục là vấn đề nhức nhối hơn nhưng vẫn xảy ra đều đặn trong các trướng học khắp nước.
Người ta còn nhớ vụ án Sầm Đức Xương tổ chức mua bán dâm các nữ sinh trong trường do y làm hiệu trưởng đã để lại vết nhơ không thể rửa sạch cho nền giáo dục Việt Nam nhưng sau khi vụ án được xét xử là những vụ xâm hại tình dục học sinh tiếp tục xảy ra như cỗ xe tuột dốc không thể kềm giữ. Mới đây nhất là vụ thầy giáo Dương Trọng Minh bị tố cáo đã xàm sở với 13 em nữ sinh học lớp 5 trường tiểu học Tiên Sơn, Huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Tối 1 tháng 3, ông Dương Trọng Minh thừa nhận đã sờ vào “vùng nhạy cảm” của các nữ sinh, ngay cả khi tường trình tại Trường vào ngày hôm sau ông Minh tiếp tục thừa nhận đã “vỗ mông” các nữ sinh. Thế nhưng phụ huynh lại dễ dàng chấp nhận lời xin lỗi. Hành động này thật sự gây phản cảm còn hơn chính vụ án.
Chưa hết, chương trình của VTV1 phỏng vấn một lãnh đạo Phòng GD&ĐT Việt Yên, Bắc Giang thì ông này phát biểu “Vụ thầy giáo dâm ô không nghiêm trọng” vì thầy Minh chỉ cấu véo nữ sinh và việc ký biên bản nhận tội là do thầy Minh bị phụ huynh đe dọa.
Không phải nữ sinh mới bị xâm hại tình dục mà nam sinh cũng không thoát khỏi những con yêu râu xanh trong trường học. Người ta còn nhớ vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô nhiều học sinh nam trong văn phòng của y trong khi các giáo viên biết chuyện đều im lặng. Một cô giáo bị tố cáo là biết các em bị xâm hại nhưng không lên tiếng còn trêu chọc các em là “hôm nay có được ăn kẹo mút không?”
Thông qua các câu chuyện khốn nạn như trên người ta thấy rõ hai điều, thứ nhất là ban giám hiệu trường, sở giáo dục và đào tạo tìm hết cách để bao che phạm nhân. Thứ hai thái độ của phụ huynh học sinh nạn nhân là im lặng bỏ qua vì quan niệm “dĩ hòa vi quý”. Hai yếu tố này cộng hưởng với nhau khiến những kẻ “sắp” phạm tội tin rằng sẽ không bị pháp luật trừng trị vì được bao che và làm ngơ, lãnh đạm trước nỗi đau của con cái.
Chúng ta không thể im lặng trước sự bao che của nhà trường hay các cơ quan trách nhiệm đã đành, nhưng trước tiên là thái độ cương quyết của chính chúng ta, bởi lẽ con cái cần chúng ta bảo vệ chứ không cần sự im lặng thông cảm của chúng ta đối với người đã hại đời chúng. “Dĩ hòa” sẽ di hại cho các nạn nhân sau này và di căn san chấn tinh thần của các em sẽ không bao giờ lành lặn vì bọn người xâm hại các em không trả giá trước pháp luật một cách sòng phẳng.
Nếu không tin vào pháp luật thì chúng ta phải tự bảo vệ con em bằng những cách thiết thực nhất. Hãy theo dõi chúng, hỏi han những gì mà thầy cô trong lớp làm cho chúng, hay bạn bè của chúng trong từng ngày một. Khi chúng có biểu hiện buồn bã, lo lắng hay kém ăn không còn thích thú khi đến trường là dấu hiệu không tốt chúng ta phải tìm hiểu. Khuyến khích chúng kể ra những câu chuyện mà chúng sợ không dám kể, tuyệt đối không đe dọa hay dùng biện pháp đánh đập, càng sợ hãi thì chúng càng im lặng hơn nữa.
Khi thấy một vết thương trên mình đứa trẻ tốt nhất là an ủi, dỗ dành, dịu ngọt để lấy “lời khai” của chúng. Nếu vết thương bầm tím không có máu chảy lại càng nguy hiểm và đừng bao giờ bỏ qua vì khả năng nội thương đang ủ mầm dễ gây biến chứng.
Sống chung với lũ là câu chữ châm biếm nhưng cũng không phải vô căn cứ. Khi chúng ta bị pháp luật quay lưng thì cách tốt nhất là phải sống chung với nó nhưng lúc nào cũng cảnh giác như tai họa sắp ập vào con em chúng ta chứ không ai khác.

Hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị buôn tới Châu Âu

Hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị buôn sang Anh đang bị lạm dụng và bóc lột ở Châu Âu khi chính phủ các nước tại lục địa này lảng tránh việc bảo vệ nạn nhân, giữa lúc làn sóng chống nạn nhập cư ngày càng gia tăng.
Hãng tin Reuters loan tin hôm 6/3/2019 theo báo cáo của ba tổ chức Chống Nô Lệ Quốc Tế, ECPAT UK, và Quỹ Liên Kết Thái Bình Dương. Theo đó trẻ em Việt Nam bị buôn tới Anh và bị cưỡng bức lao động từ việc ép trồng cần sa, làm móng tay, hoặc phải bán dâm để trả nợ cho những kẻ buôn người đưa chúng đến Châu Âu.
Dữ liệu chính thức của các tổ chức nói Việt Nam luôn là nước dẫn đầu nạn buôn bán nô lệ sang Anh. Đã có ít nhất gần 3200 nạn nhân người Việt Nam được xác định kể từ năm 2009.
Trong năm 2017, đã có khoảng 362 nạn nhân là trẻ em đến từ Việt Nam bị phát hiện tại Anh, tăng hơn một phần ba so với năm 2016.
Báo cáo của ba tổ chức nêu trên nói rõ khi Anh phát hiện ra tình trạng gia tăng số lượng lớn trẻ em bị nghi ngờ là nô lệ đến từ Việt Nam, các quốc gia Châu Âu đã không có động thái hoặc bảo vệ chúng, thay vào đó lảng tránh đổ trách nhiệm cho các nước khác.
Bà Jasmine O’Connor, giám đốc điều hành của Tổ chức thiện nguyện Chống Nô Lệ Quốc Tế có trụ sở tại Anh nói mức độ lạm dụng trẻ em bị buôn từ Việt Nam sang Châu Âu là rất kinh khủng, và đến thời điểm các trẻ em đến được nước Anh, chúng đã bị bóc lột không thương tiếc trên đường đi.
Nước Anh hiện nay được xem như một miền đất hứa cho nhiều người Việt Nam để phải trả một số tiền lớn cho bọn buôn người nhằm đưa họ đến Châu Âu cách hàng ngàn dặm bằng cách đi bộ, thuyền hoặc xe tải trong nhiều tháng.
Các nghiên cứu cho biết các trẻ em nói trên thường bị kiểm soát bởi khoản nợ lên tới 40 ngàn đô la cho chi phí đi lại và sắp xếp một công việc tốt ở Anh từ những kẻ buôn người. Tuy nhiên, các tổ chức trên khẳng định những “công việc tốt” như lời hứa hẹn thường không thành hiện thực, mà thay vào đó, chúng bị buộc phải làm việc trong điều kiện bị lạm dụng để trừ nợ, và bị những kẻ buôn người đánh đập.
Bà Mimi Vu của Quỹ Liên Kết Thái Bình Dương, một tổ chức chống nạn buôn người của Mỹ nói với Reuters rằng việc ngăn chặn người rời khỏi Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu, nhưng các nước Châu Âu phải nỗ lực nhiều hơn để ngăn nạn buôn người và bóc lột họ trên đường đi.
Báo cáo của ba tổ chức nói rõ các quốc gia Châu Âu phải coi số trẻ em trên là nạn nhân chứ không phải tội phạm hoặc người di cư bất hợp pháp nên phải ngăn chúng “sa lưới.”

RSF lên tiếng về trường hợp các nữ tù chính trị

RSF vào ngày 7 tháng 3 năm 2019 ra thông cáo báo chí về tình trạng của những nữ tù nhân nữ trên khắp thế giới đang bị giam giữ trong những điều kiện được mô tả là khủng khiếp.
Trường hợp của tù nhân Trần Thị Nga của Việt Nam được xếp vào nhóm những nữ tù trên thế giới bị giam giữ trong những điều kiện ‘vô nhân đạo’.
Theo RSF thì bà Trần Thị Nga, một blogger hoạt động bảo vệ cho những công nhân nhập cư, bị biệt giam hơn 6 tháng sau khi bị bắt ngay trước tết âm lịch vào ngày 21 tháng 1 năm 2017. Đến ngày 25 tháng 7 năm 2017 bà bị tòa kết án 9 năm tù giam.
Ngay trước phiên xử, luật sư được gặp bà một lần và nhận thấy sức khỏe của bà sa sút trầm trọng nên phải lên tiếng đánh động với mọi người.
Bà bị trại giam từ chối không cho gọi điện thoại về nhà cũng như thân nhân không được thăm nuôi gần một năm trời chỉ vì bà ‘không nhận tội’.
Bà Trần Thị Nga, sinh năm 1977, là mẹ của hai con nhỏ. Bà từng là một lao động xuất khẩu làm việc ở Đài Loan, bị tai nạn. Sau đó bà về nước và giúp cho những công nhân xuất khẩu lao động bị lừa đảo khi ở nước ngoài.
Bà cũng tham gia các phong trào xã hội dân sự trong việc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, bất công…
Thống kê của RSF cho thấy hiện có 27 nữ phóng viên đang bị giam tù trên khắp thế giới. Trong số này có những người bị biệt giam, có người là nạn nhân của tra tấn và xâm hại tình dục.
RSF kêu gọi các nước phải trả tự do ngay và vô điều kiện cho những nữ tù nhân này.

RSF lên tiếng về trường hợp nhà báo VN bị bạc đãi trong tù

Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới-RSF, lên tiếng về tình trạng đối xử tệ hại ngày càng tăng đối với những nhà báo bị tù ở Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí được đưa ra vào ngày 7 tháng 3, RSF nêu trường hợp tù chính trị Nguyễn Văn Hóa tiếp tục cuộc tuyệt thực kéo dài sang tuần lễ thứ hai nhằm phản đối việc bị đánh đập trong khi giam giữ.
RSF nhắc lại anh Nguyễn Văn Hóa bị bắt từ tháng giêng năm 2017 và đang phải thụ án 7 năm tù giam. Từ ngày 22 tháng 2, Nguyễn Văn Hóa bắt đầu tuyệt thực và có thư gửi đến các cơ quan chức năng địa phương, tỉnh cũng như Viện Kiểm Sát Tối Cao ở Hà Nội nêu ra những trường hợp bản thân bị hành xử tệ hại.
Anh Nguyễn Văn Hóa nói sẽ tiếp tục tuyệt thực nếu như tất cả những người bị cho có tránh nhiệm trong hành vi đối xử tệ hại với anh không được điều tra theo Hiến Pháp và luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, cho rằng hoàn toàn không thể chấp nhận việc một phóng viên bị bỏ tù chỉ vì thông tin cho đồng bào của mình và phải tuyệt thực để đòi hỏi các quyền căn bản của cá nhân được tôn trọng, trong đó có quyền không được xâm phạm thân thể.
RSF cho biết đang chuyển đến Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn tình trạng gia tăng đối xử tệ hại đối với các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam.
Trường hợp của nữ tù chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn được RSF nêu ra trong thông cáo báo chí. Theo đó thì cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, một blogger và cũng là một nhà nhiếp ảnh, bị giam cầm từ năm 2011. Cô cũng bị đối xử tệ hại như trường hợp anh Nguyễn Văn Hóa.
Gia đình cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn sống tại Trà Vinh ở miền nam trong khi đó cô bị giam ở Thanh Hóa thuộc bắc Trung phần Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2014, cô chỉ còn 35 kilogram sau những lần tuyệt thực vào năm đó. Vào tháng 3 năm 2017, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn lại phải tuyệt thực để phản đối những bạo lực mới nhất đối với cô trong trại giam.
Theo Chỉ số Báo Chí Thế giới năm 2018 của RSF thì Việt Nam xếp hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia.

Quanh việc VN cho bác sĩ Trung Quốc hành nghề

Một bác sĩ đặt câu hỏi rằng liệu việc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh tập huấn cho bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề có phải “là hình thức hợp thức hóa việc họ đang hành nghề”.
Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh thông báo sẽ tổ chức thí điểm khóa đào tạo liên tục để cập nhật các quy định pháp luật và quy trình chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề khám, chữa bệnh cho các bác sĩ nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam, theo báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh.
Khóa đầu tiên dành cho các bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề tại các phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố.
“Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, hoạt động đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa, Sở Y tế nhận thấy các bác sĩ nước ngoài, nhất là các bác sĩ Trung Quốc, gần như không nắm vững các quy định pháp luật và quy định chuyên môn khi hành nghề,” tờ báo viết.
‘Hợp thức hóa’ chuyện hành nghề?
Trả lời BBC hôm 6/3, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc tế EXSON ở TP.Hồ Chí Minh, nói:
“Nếu nhìn trên góc độ do các bác sĩ Trung Quốc không hiểu biết về pháp luật Việt Nam dẫn đến vi phạm, thì việc tập huấn, cập nhật kiến thức về pháp luật cho các bác sĩ người Trung Quốc là rất hợp lý và đáng hoan nghênh.”
“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao các bác sĩ Trung Quốc không hiểu biết về pháp luật của Việt Nam, dẫn đến vi phạm, gây hại cho người bệnh, khi đã được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam? Như vậy, khâu chấn chỉnh phải nằm ở chỗ tập huấn, kiểm tra trước khi cấp chứng chỉ hành nghề, và cấp phép làm việc cho họ.”
Trên thực tế, có vẻ như chính quyền không có khả năng khống chế các hành động phi pháp, vô đạo đức của các phòng khám Trung Quốc. Hoặc là bộ máy chính quyền quá yếu kém, hoặc là nó đã bị chính những kẻ bao che cho các phòng khám Trung Quốc thao túng.tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn
“Không thể cho rằng những sai phạm của các bác sĩ Trung Quốc là do chuyên môn kém, để phải tập huấn chuyên môn theo cách dạy nghề lại cho họ. Một bác sĩ nước ngoài, nếu đã có đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề, hoặc cấp phép hành nghề tại Việt Nam, thì đương nhiên phải có đủ khả năng chuyên môn.”
“Còn nếu một người không có đủ khả năng chuyên môn mà vẫn được cấp phép làm việc tại Việt Nam, thì phải xem lại công tác cấp chứng chỉ hành nghề, cấp phép. Còn nếu muốn đúng quy trình, theo tôi, trước tiên phải đình chỉ, không cho họ hành nghề, để không làm hại cho người bệnh, sau đó mới đến việc giúp Trung Quốc đào tạo lại các bác sĩ.”
“Trong trường hợp Sở Y tế định tập huấn cho các bác sĩ chưa được cấp phép làm việc tại Việt Nam, thì đó sẽ là hình thức để hợp thức hóa việc họ đang hành nghề tại các phòng khám ở Việt Nam.”
Bảo hiếm y tế
‘Vấn đề kéo dài và nhức nhối’
Đề cập về thực trạng của các bác sĩ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Sơn nói thêm: “Theo như tôi biết, từ bệnh nhân, từ báo chí, và từ cả những người đã từng làm việc trong các phòng khám có bác sĩ Trung Nam hành nghề, những vi phạm của họ không phải do thiếu hiểu biết về pháp luật.”
“Họ thực hiện những trò lừa đảo, và tiến hành những thủ thuật y khoa rất cẩu thả, bất chấp mối nguy hại cho người bệnh. Đó là vấn đề đạo đức, đó là những sai phạm về y đức.”
“Vấn đề các phòng khám Trung Quốc bị tố lừa đảo bệnh nhân được dư luận nói rất nhiều, báo chí cũng đăng tải, nhưng tình hình có vẻ không thay đổi. Các phòng khám đó vẫn ngang nhiên hoạt động và liên tiếp sai phạm.”
“Có lẽ chỉ có các nhà quản lý y tế mới có thể giải đáp thắc mắc này. Tuy nhiên, việc các bác sĩ Trung Quốc không “hề hấn” gì sau các scandal đã làm cho họ ngày càng ngang nhiên xâm phạm các tiêu chuẩn đạo đức khác. Một trong các việc họ làm là việc giả mạo các cơ sở y tế có uy tín của Việt Nam.”
“Đơn cử là phòng khám của tôi vừa bị một phòng khám Trung Quốc mạo danh. Trên thực tế, có vẻ như chính quyền không có khả năng khống chế các hành động phi pháp, vô đạo đức của các phòng khám Trung Quốc. Hoặc là bộ máy chính quyền quá yếu kém, hoặc là nó đã bị chính những kẻ bao che cho các phòng khám Trung Quốc thao túng.”
Về việc tại sao các phòng khám Trung Quốc “nở rộ” tại TP.Hồ Chí Minh dù liên tục bị tố cáo lừa đảo, Bác sĩ Sơn lý giải:
“Một trong những lý do là ngành y tế Việt Nam, cùng các bác sĩ Việt Nam vẫn chưa đạt được tầm chuẩn mực. Nhất là nền tảng dịch vụ của hệ thống y tế công quá kém, trong khi y tế tư nhân còn quá manh mún.”
“Những phòng khám Trung Quốc nắm bắt được điều ấy và họ đeo bám, hứa hẹn… và dễ dàng đưa người bệnh Việt Nam vào tròng.”
Khóa đào tạo cho các bác sĩ Trung Quốc chia làm hai học phần gồm: Những quy định chung về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam; Cập nhật kiến thức chuyên môn và các quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.
Chương trình được những chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố giảng dạy, phổ biến quy chế về hồ sơ bệnh án; hướng dẫn phòng và xử trí cấp cứu phản vệ; chỉ định can thiệp và chống chỉ định điều trị đối với những bệnh thường gặp tại các phòng khám, các tai biến và xử trí thuộc chuyên khoa phụ sản, ngoại khoa, tai mũi họng.
“Đó là chưa kể vẫn có những bác sĩ Việt Nam đạo đức kém, không coi quyền lợi của bệnh nhân là quan trọng. Điều đó làm cho người bệnh bị mất phương hướng, và dễ bị các phòng khám Trung Quốc lừa đảo.”
“Theo tôi, vấn đề phòng khám Trung Quốc là một vấn đề kéo dài và nhức nhối đối với xã hội Việt Nam, dù rằng trên thực tế, không nhiều người có hiểu biết lại tìm đến các phòng khám Trung Quốc khi họ mắc bệnh.”
“Nói đi cũng phải nói lại, nền y tế Trung Quốc là một nền y tế khá tiên tiến, đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, các phòng khám Trung Quốc ở Việt Nam thì chưa có cái nào thuộc nhóm các cơ sở y tế có uy tín của Trung Quốc. Tôi cũng chưa thấy bác sĩ nào có vẻ thuộc nhóm bác sĩ chất lượng cao của Trung Quốc sang đây làm việc,” bác sĩ Sơn nói với BBC.
Hôm 6 và 7/3 BBC liên hệ với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhiều lần nhưng người trực tổng đài báo rằng ban giám đốc “bận họp cả ngày”.
Hồi tháng 12/2018, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh được báo InfoNet dẫn lời:
“Một số bác sĩ Việt Nam tiếp tay cho các phòng khám Trung Quốc. Khi đăng ký mở phòng khám, bác sĩ Việt Nam là người đứng tên và chịu trách nhiệm chuyên môn. Tuy nhiên khi đoàn của Sở Y tế tới kiểm tra thì phát hiện ở phòng khám chỉ có bác sĩ người Trung Quốc.”
Tờ báo cũng cho biết hiện TP Hồ Chí Minh có 12 phòng khám Trung Quốc. Trong năm 2018, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra 24 lần và phát hiện nhiều sai phạm như bác sĩ Việt Nam đăng ký tên mở phòng khám nhưng không có mặt mà chỉ có bác sĩ Trung Quốc. Sở Y tế chỉ phê duyệt cho phòng khám 5 danh mục khám chữa bệnh thì họ tự ý phát sinh thêm hia danh mục để chữa “chui”; Không có sổ, bệnh án khám chữa bệnh…
Đáng lưu ý, mỗi khi bị rút giấy phép hoạt động, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lại nhờ người khác đứng tên đăng ký kinh doanh để tiếp tục mở phòng khám khác để hoạt động.

VN: Đảng viên ‘thề hôm trước hôm sau tay nhúng chàm’

Báo Việt Nam lại tiếp tục đề cao nhu cầu chọn lọc ‘đầu vào’ khi kết nạp và sàng lọc, rà soát đảng viên cộng sản ở nước này nhằm làm trong sạch bộ máy.
Bài trên trang của VOV hôm 05/03/2019 có tựa đề mạnh mẽ, “Để không còn cán bộ rao giảng đạo đức mà việc làm lại phi đạo đức“.
Bài báo cũng nói cần sẵn sàng “sa thải những người không xứng đáng” ra khỏi hàng ngũ đảng cầm quyền ở quốc gia gần 100 triệu dân.
Phải như vậy thì “gần 5 triệu đảng viên của Đảng mới tạo được sức mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của nhân dân”.
Bài báo viết:
“Không hiếm những đảng viên, hôm trước giơ tay thề dưới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hôm sau cũng bàn tay ấy đã nhúng chàm, đã bắt tay tạo những móc xích để chạy chức chạy quyền, chạy đủ thứ, để tham ô, tham nhũng, lãng phí.”
Các con số được công bố chính thức cho hay Ban lãnh đạo ĐCSVN rất kiên quyết trong việc loại bỏ những người họ cho là ‘vi phạm kỷ luật’.
Tổng kết năm 2018 cho thấy chỉ riêng thủ đô Hà Nội kỷ luật hơn 1.100 và khai trừ 107 đảng viên cộng sản trong năm 2018, tăng nhiều so với 2017.
Khoảng cách giữa thực tế và lý luận
Giới quan sát cho rằng các vấn đề nói trên của Đảng CSVN không có gì mới.
Có ý kiến cho rằng một lý do của vấn đề ‘vi phạm đạo đức, kỷ luật Đảng’ còn đến từ sự lệch pha giữa sinh hoạt kinh tế và mô hình chính trị.
Từ giai đoạn 2005-15, Việt Nam đã dần chấp nhận tư duy đa nguyên về kinh tế.
Ngay từ năm 2016, (cựu) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chỉ còn “chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt” tại Việt Nam khi đánh giá về xã hội nước này.
Phản ánh các thay đổi nhanh chóng trong nền kinh tế và xã hội đang hội nhập quốc tế nhanh, ngay trong Đảng CSVN cũng hình thành các xu hướng, phe phái tư bản thân hữu, thân phương Tây, thái tử đảng học nước ngoài về, theo một nhà quan sát.
Việc này đáng ra phải dẫn đến đa nguyên về tư duy quản lý xã hội trong Đảng CSVN nhưng lại không xảy ra và đang gây mâu thuẫn nội tại cho họ.
Ở Việt Nam hiện nay, đảng cầm quyền vẫn tập trung vào ngoài các biện pháp kỷ luật ‘đức trị’ mang tính nội bộ.
Xây dựng tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh với tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phíBà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch QH VN
Việt Nam hiện không có cơ chế nào để các công dân bên ngoài đảng này tác động đến công danh sự nghiệp của đảng viên cộng sản.
Tại những nơi có tổ chức đảng thì họ họp riêng và người ngoài đảng không được tham gia.
Vì thế, “giáo dục, rèn luyện, sàng lọc đảng viên”như TBT Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo khác liên tục nêu ra sẽ vẫn là vấn đề nội bộ của đảng này.

Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ thiếu, chốt thừa

Hết Chủ tịch tới Phó Chủ tịch TP.HCM rên như bọng vì thiếu cán bộ chủ chốt. Không chỉ thiếu Phó Chủ tịch (1), TP.HCM hiện còn thiếu một mớ lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM và giám đốc một số Sở (2).
Chuyện một đô thị như TP.HCM thiếu người đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quản trị, điều hành không những khó tin mà còn là sự xúc phạm đến cư dân của thành phố này. Tuy nhiên cả Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch TP.HCM đều khẳng định đó là sự thật!
Sự thật kỳ quái ấy phát xuất từ… quy hoạch – quy trình tuyển chọn, sắp đặt cán bộ chủ chốt. Cho dù thực tế đã chứng minh chính quy hoạch – quy trình mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đặt định đối với tuyển chọn, sắp đặt cán bộ chủ chốt là nguyên nhân chính khiến “quốc phá, gia vong”, cán bộ chủ chốt được tuyển chọn, sắp đặt theo quy hoạch – quy trình này chỉ có khả năng hoạch định những chính sách, kế hoạch, dự án thiển cận, vô bổ, phung phí các nguồn lực quốc gia, không ít chính sách, kế hoạch, dự án còn phi nhân, tàn bạo, chưa kể đó cũng là nguyên nhân khiến mức độ nhũng lạm càng ngày càng cao nhưng cán bộ chủ chốt từ trung ương đến địa phương vẫn tiếp tục được quy hoạch, được tuyển chọn, sắp đặt đúng y như thế.
Trong hai thập niên vừa qua, tuy mật độ của những “tìm kiếm”, “thu hút”, “đãi ngộ”, “trọng dụng”… được đính kèm với “nhân tài” càng ngày càng dày hơn trên môi, miệng của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam nhưng đến giờ này, “nhân tài” hoặc không có đất dụng võ, hoặc chỉ có thể làm tôi mọi cho những cá nhân đã được… quy hoạch, tuyển chọn, sắp đặt đúng… quy trình nhằm bảo đảm cho đảng CSVN tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam! Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” tiếp tục nhìn cam kết “tự chỉnh đốn” cười sằng sặc (3).
***
Chẳng riêng TP.HCM, nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam đang rối như canh hẹ về nhân sự giữ vai trò chủ chốt, đặc biệt là cán bộ “cấp chiến lược” (cấp do BCH TƯ đảng CSVN quản lý). Tác dụng duy nhất mà Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 thông qua hồi trung tuần tháng 5 năm ngoái là… khởi động một cuộc đua mới. Đầu tuần này, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN khuyến cáo, cán bộ, công chức đừng tìm người này, người kia để… chạy. Hệ thống chính trị, hệ thông công quyền sẽ không dùng những cá nhân chạy chức (4)!
Có một sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết là nếu giới lãnh đạo đảng CSVN không đặt định quy hoạch – qui trình tuyển chọn, sắp đặt cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt thì mua quan, bán tước đã không trở thành vấn nạn nan giải tới mức Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN phải thảo luận tới lui để tìm cách thực hiện “bốn không”: Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy! Làm sao có thể thực hiện được “bốn không” khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay vẫn là những cá nhân từng tham gia quy hoạch – thực hiện qui trình lựa chọn, sắp đặt những Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tất Thành Cang,… làm cán bộ cấp chiến lược ?
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong ba năm từ 2015 đến 2018, có khoảng 60 cán bộ cấp chiến lược bị kỷ luật (5). Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục lặp đi, lặp lại con số đó để quảng cáo cho cái gọi là nỗ lực “chỉnh đốn”. Ai cũng biết hậu quả do số cán bộ cấp chiến lược gây ra đối với kinh tế – xã hội nghiêm trọng đến mức nào. Khoan bàn đến hình thức xử lý kỷ luật (chủ yếu là khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ các chức vụ đã… từng mang, chỉ có 2/5 cán bộ cấp chiến lược đương nhiệm đã bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự là Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn), làm sao có thể “chỉnh đốn” khi tiếp tục phớt lờ căn nguyên dẫn tới vấn nạn (quy hoạch, lựa chọn, sắp đặt theo qui trình riêng do đảng CSVN đặt định)?
Rõ ràng là ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN, cố tình bỡn cợt với hai chữ nghiêm minh khi bảo với công chúng rằng hệ thống chính trị, hệ thông công quyền sẽ không dùng những cá nhân chạy chức! Nếu chạy chức là phi pháp, tại sao không “chặt đầu, lột da” những kẻ hối mại quyền thế để có chức, những kẻ nhận hối lộ để bán chức mà chỉ… không dùng? Đã nhận thức được “cán bộ là then chốt của then chốt, quyết định của mọi quyết định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân” (6) mà vẫn duy trì quy hoạch, lựa chọn, sắp đặt cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt theo kiểu cũ thì “trăn trở” là vô ích. Kết cục của vô số hội nghị, hội thảo để tìm giải pháp thực hiện “bốn không” chắc chắn sẽ là… không có gì mới!
Chú thích
(6) https://vov.vn/nhan-su/ong-pham-minh-chinh-tinh-trang-chay-chuc-quyen-van-la-dieu-tran-tro-725669.vov

800 ha đất vàng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào túi ai?

Sau 4 năm kể từ thời dư luận xã hội phản ứng dữ dội về thảm cảnh sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cả dưới đất lẫn trên trời và vụ sân golf Tân Sơn Nhất chiếm dụng đến 157 ha đất của khu vực sân bay dân sự, cơ chế giải tỏa sân golf này vẫn giẫm chân tại chỗ đầy nghi ngờ, trong lúc nhóm lợi ích Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn cố tình chây ì hết năm này đến năm khác.
Mới đây đã lộ thêm một bằng chứng sống động về Bộ GTVT cố ý câu giờ mà không mau chóng chấm dứt sự tồn tại của sân golf Tân Sơn Nhất và mở rộng sân bay dân sự cùng tên.
“Những “bất thường” cần làm rõ khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất”
Đó là tựa đề của báo Dân Việt ngày 21/2/2019.
Theo tờ Dân Việt, để “cứu” sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT có 2 đề án mở rộng theo đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)) và Công ty Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar). Tuy nhiên, vẫn không thể thực hiện cùng 1 lúc (vì có nhiều tranh cãi), bởi đề án của ACV chưa mang tính khả thi cao. Từ thiết kế nhà ga, quỹ đất, công suất, đến tiến độ thực hiện đều bất cập so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Dân Việt, mặc dù Thủ tướng đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với việc xây thêm ga hành khách, nhưng khi ACV đưa ra thiết kế tại văn bản số 1942/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký lại khác xa so với quyết định của tư vấn ADPi (Pháp) trước đó.
Đây là một điểm “bất thường” bởi nó khác so với những gì Thủ tướng cùng các Bộ, ngành đã thống nhất trước đó. Cụ thể, ACV quyết định xây dựng nhà ga trên diện tích đất 16 ha (thay vì 26 ha như tư vấn Pháp được Thủ tướng phê duyệt). Thậm chí, nhà ga này chỉ có diện tích 100.000 m2, thay bằng 200.000 m2 phục vụ 20 triệu hành khách.
Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đang trong giai đoạn quá độ, thì việc “thu nhỏ” nhà ga T3 liệu có tiếp tục là một điểm tắc nghẽn mới đối với ngành Hàng không? Đặc biệt, với công suất 20 triệu khách thì hàng loạt các tiện ích nhà ga phải đảm bảo về đường ra vào, bãi đậu xe, tiện nghi nhà ga, nơi tiếp nhận đón trả khách, an ninh….
Được biết, thiết kế của ACV kế thừa theo văn bản số 3193/QĐ-BGTVT ngày 7.9.2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Tuy nhiên, ACV đã tự “xoá sổ” chính quyết định 3193/QĐ-BGTVT bằng việc xoá nhà ga lưỡng dụng đã có trong Quyết định này, dù trước đó, chính Bộ GTVT đã có văn bản cho phép và yêu cầu Hãng hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) sớm triển khai xây dựng nhà ga lưỡng dụng.
Cần phải nhắc lại, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải, việc “thu nhỏ” nhà ga T3, Tân Sơn Nhất phải chăng ACV đang đi ngược với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đi ngược với các quyết định của Bộ GTVT trước đó.
Mặt khác, Quyết định 1942/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ban hành đã được các Bộ, Ngành, đơn vị tư vấn thống nhất? Bộ GTVT có phải đang cố tình kéo dài thời gian chậm triển khai sân bay Tân Sơn Nhất khiến cho các hãng Hàng không phải lao đao vì thiếu sân đỗ, máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời thêm 15 – 12 phút mới được hạ cánh?…
Những quan chức nào “bảo kê” sân golf TSN?
Mối nghi ngờ trên của báo Dân Việt và dư luận xã hội là hoàn toàn có cơ sở. Sau hàng chục năm chiếm dụng đất sân bay dân sự, nhóm lợi ích sân golf TSN đã lộ hình và thách thức dư luận.
Kỳ họp quốc hội vào tháng 7 năm 2017 đã chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng cho thấy vai trò “bảo kê” cho sân golf TSN đã cấp tập được chuyển từ một số quan chức Bộ Quốc phòng sang một số quan chức Bộ GTVT.
Bộ trưởng GTVT vào thời đó là ông Trương Quang Nghĩa – được xem là ‘phát ngôn nhân’ cho nhóm lợi ích sân golf TSN. Trogn hầu hết phát ngôn công khai, quan chức này khư khư giữ quan điểm ‘chỉ mở rộng sân bay TSN về phía Nam’ (tức toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn), mà không phải là phía Bắc (nơi ngự trị sân golf TSN).
Trương Quang Nghĩa cũng là người bị nghi ngờ lớn về mối quan hệ chằng chịt và sâu đậm với các nhóm lợi ích ODA và giao thông ở Bộ GTVT.
Tình trạng câu giờ cố ý của Bộ GTVT đã khiến từ năm 2017 đến nay, đường vào sân bay TSN đang trở nên nỗi kinh hoàng với tất cả hành khách. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào sân bay là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay.
Vào đầu năm 2018, trước bầu không khí búa rìu dư luận ngày càng sắc bén và nguy hiểm chính trị, ông Trương Quang Nghĩa có thể đã phải chọn lựa “giải pháp tình thế” là xin trung ương cho chuyển về Đà Nẵng làm bí thư thành ủy như một cách “hạ cánh an toàn”.
Nhưng thay thế cho ông Nghĩa lại là một nhân vật mà đã gây tai tiếng đủ lớn về nạn “bảo kê BOT” chỉ vài tháng sau khi nhậm chức Bộ trưởng GTVT: ông Nguyễn Văn Thể.
Cùng lúc với việc để mặc cho các trạm BOT tha hồ ‘hút máu’ lái xe và doanh nghiệp mà đã khiến gây ra một phong trào phản đối rộng khắp từ Bắc chí Nam, tân bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn kế thừa nhiệm vụ “thuê tư vấn ngoại” của cựu Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tức thuê Công ty tư vấn ADP-I của Pháp.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, ADP-I đã công bố đánh giá “mở rộng sân bay TSN về phía Nam”. Nhưng ngay lập tức, công bố này bị dư luận xã hội phản ứng và nghi ngờ là tổ chức tư vấn này “đi đêm” với Bộ GTVT.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay TSN về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó?
Trong khi đó, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Chỉ đến nửa cuối năm 2018 và có lẽ không còn cách nào khác, Thủ tướng Phúc mới phải tự xóa bỏ chỉ đạo ‘chỉ mở rộng sân bay TSN về phía Nam’ trước đó của ông ta, thay bằng chỉ đạo có vẻ ‘hợp lòng dân’ hơn”: mở rộng sân bay TSN cả về phía Bắc lẫn phía Nam.
Sẽ ‘nuốt’ trọn 800 ha đất vàng sân bay TSN?
Nhưng sau chỉ đạo chung chung và có phần ma mị của Thủ tướng Phúc, cho tới nay Bộ GTVT và các công ty tư vấn vẫn chưa nêu ra được phương án nếu mở rộng phi trường TSN về phía Nam thì sẽ cần giải tỏa những khu vực nào, trong đó khu dân cư chiếm bao nhiêu diện tích và phần kinh phí bồi thường sẽ lên đến bao nhiêu…
Trong khi đó, giới lãnh đạo Bộ GTVT lại quá nôn nóng để xây dựng sân bay Long Thành ở Đồng Nai.
Hai sân bay TSN và Long Thành có một mối ‘tham duyên’ sâu kín. Không phải bỗng dưng mà từ năm 2015, các nhóm lợi ích ODA, giao thông và chính sách đã ‘hiệp đồng tác chiến’ một cách bài bản trên hai mặt trận thủ tục hành chính và truyền thông nhằm tống tiễn càng nhanh càng tốt trọng điểm sân bay từ TSN về Long Thành như mô hình ‘cặp đôi hoàn hảo’.
Trong thâm ý lẫn tham ý của các nhóm lợi ích, dự án sân bay Long Thành không chỉ nhằm “nuốt gọn” 18 tỷ USD đầu tư với phần lớn trong số đó dự kiến là vốn vay ODA, mà còn được khuếch trương tính tầm cỡ “khu vực châu Á” của nó để giúp giới quan chức đang “kẹt hàng” có điều kiện bán đất giá cao.
Bởi đã gần một thập kỷ kể từ năm 2009 là lúc các nhóm đầu cơ ‘đánh lên’ một cơn sốt đất tại khu vực Long Thành và nhiều quan chức từ cấp trung ương đến địa phương đã bị mắc kẹt một lượng tiền đầu tư khổng lồ tại khu vực này, cho đến nay vẫn chẳng có dấu hiệu gì cho thấy giới này đã ‘thoát hàng’ được, hay nói cách khác là đã bán được đất thu gom giá rẻ trước đó cho những người ‘trâu chậm uống nước đục’ với giá cắt cổ.
Hàng loạt động tác cố ý câu giờ của Bộ GTVT từ giữa năm 2017 đến nay đã phản ánh những mục đích đen tối của nhóm lợi ích này: bằng nhiều cách phải ‘dìm hàng’ sân bay TSN và có thể xóa sổ luôn nó, trong lúc đẩy vọt vị thế của sân bay Long Thành lên nhằm ‘thoát hàng’. Trong khi đó vẫn giữ nguyên sân golf TSN.
Dường như số phận sân bay TSN đã được định đoạt, trong một nền chính trị độc tài và quá nhiều mafia.
Nếu sân bay TSN bị xóa sổ, 800 ha đất vàng ở khu vực sân bay này – với giá thị trường có thể lên đến 40 – 50 tỷ USD – sẽ rơi vào túi những kẻ nào?

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.