Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 07/03/2019

Thursday, March 7, 2019 6:10:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 07/03/2019

Tương quan lực lượng Mỹ-Trung trên biển Đông:


Mỹ e ngại điều gì nhất?


Không phủ nhận được một điều là năng lực quân sự của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng điều đáng ngại nhất, là “giới quân sự Trung Quốc đang đạt tới trạng thái mà từ đó họ có thể nói với lãnh đạo cấp cao của họ rằng họ tự tin với năng lực của quân đội”, một quan chức Mỹ nói với Reuters.

Tàu sân bay Mỹ vượt trội về năng lực và độ hiện đại

Và sự tự tin, trong nhiều trường hợp có thể trở thành thái quá, có thể dẫn tới tai họa vì một sự tính toán sai lầm. Đó là điều có thể xảy ra khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau trên biển Đông.

Hãy xem tương quan lực lượng giữa đôi bên. Ngoài các căn cứ không quân trên đất Nhật Bản và đảo Guam, Mỹ có 10 nhóm tàu sân bay tấn công, mỗi nhóm có một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đi kèm là các tàu hộ tống trang bị vũ khí đến tận răng.

Trung Quốc chỉ có hai tàu sân bay, trong đó chỉ một chiếc đang trong biên chế (và cả hai đều lạc hậu). Họ vẫn đang học hỏi để sử dụng chúng.

Để kiểm soát các hải lộ quan trọng trên biển Đông, tàu ngầm có lẽ quan trọng hơn tàu mặt nước. Nhưng về mặt này, Mỹ đang vượt trội với 40 tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện đại. Trung Quốc có 9 tàu loại này (và các chuyên gia nói chúng kém hơn hẳn về tính năng, mức độ hiện đại so với tàu Mỹ). Mỹ cũng vượt trội so với Trung Quốc về năng lực chống ngầm.

Thứ mà Trung Quốc dùng (hoặc tuyên bố) để cân bằng tương quan đôi bên là các tên lửa đạn đạo chống hạm, được xem là thứ vũ khí dùng cho kẻ yếu hơn chiến thắng kẻ mạnh hơn bằng một cuộc tấn công bất ngờ.

Trung Quốc đang đổ công đổ của để phát triển các vũ khí dạng này. Với chính sách khuyến khích giáo dục về khoa học-công nghệ, Trung Quốc nay trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ cao của thế giới.

“Mỗi năm chúng ta có thêm 1 triệu cử nhân ngành khoa học kỹ thuật, trong khi Mỹ chỉ có thêm 440.000”, giáo sư Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân nói tại một hội nghị ở Hong Kong, theo tường thuật của Popular Mechanics. Và chiến lược đầu tư phát triển giáo dục công nghệ đã phát huy tác dụng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự.

Điều cho đến nay vẫn chưa hề rõ là hiệu quả thực tế của các tên lửa đạn đạo chống hạm, ví dụ như DF-21D, đến mức độ nào. Bởi một tàu sân bay không giống như các mục tiêu cố định, ví dụ một căn cứ không quân.

Ngay cả khi chỉ trong ít phút trước khi tên lửa bắn tới, tàu đã di chuyển 1-2km. Để bắn trúng tàu, tên lửa cần được dẫn bắn tốt trong giai đoạn cuối, và cho đến nay DF-21D mới chỉ được thử nghiệm với các mục tiêu tĩnh. Nó có lẽ là sát thủ đối với đảo Guam, nơi đặt căn cứ không quân của Mỹ hơn là các tàu sân bay.

Có lẽ vì thế mà quân đội Trung Quốc đang phát triển phương tiện khác để giải quyết lợi thế mà phía Mỹ tạo ra khi sở hữu các nhóm tàu sân bay: tên lửa siêu thanh.

Bay ở tốc độ cao trong bầu khí quyển, những tên lửa này không gặp phải vấn đề dẫn bắn như các tên lửa đạn đạo chống hạm. Trung Quốc đã tuyên bố tên lửa DF-17 của họ “không thể bị đánh chặn” ở tốc độ siêu thanh và 8 quả DF-17 có thể đánh chìm tàu sân bay.

Trung Quốc cũng đang phát triển súng điện từ gắn trên tàu chiến. Tuy nhiên chưa có bằng chứng chứng tỏ nó hoạt động hiệu quả.

Tất nhiên Mỹ không ngồi yên chờ Trung Quốc đuổi kịp mình. Các hệ thống phòng không Aegis đã được nâng cấp, và trong một cuộc thử nghiệm năm 2016, hai tên lửa SM-6 đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung. Nói tóm lại, họ đã sẵn sàng bắn hạ các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21.

Nhưng sự tự tin thái quá và những tính toán sai lầm có thể dẫn đến thảm họa. Khả năng đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông là hoàn toàn khả dĩ.




Lợi dụng các nước không để ý,


TQ âm thầm tập trận chui ở Biển Đông


Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, từ 16/1 – 20/2, Trung Quốc đã điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông và Tây và Trung Thái Bình Dương. Không giống những lần trước, trong cuộc tập trận lần này, Trung Quốc chỉ thông báo về đợt tập trận không quân, hải quân, tên lửa ở Biển Đông và Thái Bình Dương sau khi nó kết thúc.

Tuyên bố từ thuộc Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh một số tàu chiến hiện đại nhất đã được quân đội Trung Quốc điều động tham gia đợt tập trận bao gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp liệu Hồng Hồ. Thậm chí, để mô phỏng thực viễn cảnh thời chiến, cuộc tập trận còn không vạch sẵn kế hoạch và không đưa ra cảnh báo trước cho các lực lượng tham gia. Nói cách khác, mọi chỉ đạo và hành động trong cuộc tập trận đều phụ thuộc vào tình hình thực tế. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn tiến hành diễn tập khả năng tiêu diệt các tàu chiến hiện đại, cứu hộ và bắn đạn thật.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho hay, Lực lượng Tên lửa nước này còn điều động một nhóm liên lạc tham gia tập trận bởi một trong số bài tập trận có liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa và các binh sĩ được Trung Quốc triển khai trái phép ra các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông cũng cùng tham gia. Theo đó, Trung Quốc đã điều động các tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tham gia cuộc tập trận trên. Trong thời gian qua, quân đội Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm và một số đảo nhân tạo phi pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Những hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy bệ phóng tên lửa được lắp đặt trên những đảo nhân tạo phi pháp, nhưng chúng đã được chuyển đi, theo SCMP. “Trung Quốc chưa triển khai vũ khí tấn công tới các đảo ở Biển Đông một phần vì Mỹ thường xuyên điều máy bay do thám ở khu vực”, nguồn tin nói trên lý giải.

Các nhà quan sát nói rằng các cuộc tập trận cho thấy Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc muốn đưa hệ thống chỉ huy thời chiến của họ vào thử nghiệm, đồng thời tăng cường hàng phòng vệ tên lửa ở Biển Đông. Chuyên gia phân tích quân sự tại Hong Kong, ông Tống Trung Bình nhận định các đợt tập trận mới nhất của Trung Quốc cho thấy quân đội Trung Quốc đang cố gắng hợp nhất hoạt động của các đơn vị thông thường và chiến thuật của lực lượng tên lửa với chiến khu miền Nam thuộc quân đội Trung Quốc, lực lượng giám sát Biển Đông. Đợt tập trận này nhằm thử nghiệm cái gọi là bộ chỉ huy lực lượng kết hợp với tất cả những năng lực chiến đấu đó.




Khi nào tàu sân bay Anh, Pháp


 tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông


Ngay những tháng đầu năm 2019, Anh và Pháp liên tục khẳng định sẽ điều tàu sân bay tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm để tàu sân bay của hai nước nói trên bắt đầu tuần tra ở Biển Đông còn là một ẩn số.

Trong bài phát biểu ngày 11/2 về chiến lược quân sự mới tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết London sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những bên vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực. Được biết, ngay từ năm 2017, Ngoại trưởng Anh Vladimir Johnson đã nói rằng, tàu sân bay HMS Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi nó được triển khai. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh lần đầu tiên ra khơi thử nghiệm ngày 27/6/2017. Tải trọng tàu khoảng 65.000 tấn, dài 280m và có khả năng mang 36 máy bay F-35B Lightning và 14 trực thăng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp (22/2) thông báo sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle đến hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ tháng 3/2019.Hộ tống tàu sân bay này gồm có 3 tàu khu trục, một tàu ngầm và một tàu tiếp tế. Tàu sân bay hạt nhân của Pháp sẽ hoạt động tại khu vực trong gần 5 tháng, tập trận với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và hải quân các nước Ấn Độ, Ai Cập. Bộ Quốc phòng Pháp thông báo tàu Charles de Gaulle cũng sẽ cập cảng Singapore trong đợt triển khai này. Pháp trong những năm qua đã tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cũng nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông, nơi Trung Quốc tiến hành những hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp. Theo Đại tá Guillaume Thomas, phó phát ngôn viên Bộ Tham Mưu Quân Đội Pháp, theo lịch trình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle sẽ ghé Địa Trung Hải, tháng 5 tập trận “Ramsès” với Ai Cập, sau đó qua Ấn Độ Dương, tham gia cuộc tập trận “Varuna” vào tháng 7 với Ấn Độ. Bên cạnh đó, tàu sân bay Pháp cũng sẽ thao diễn với Hải Quân Nhật Bản ở Ấn Độ Dương. Đối với đại tá Thomas, các khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương nằm trong các ưu tiên của Pháp, nhưng lần này, kế hoạch hoạt động của chiếc Charles-de-Gaulle không “dự kiến” đến Biển Đông, nơi mà đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên một số đảo đá đang gây căng thẳng với các láng giềng Đông Nam Á.

Trước đó, hãng tin AFP trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (10/2018) cho biết Pháp luôn là quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế; nhấn mạnh bất cứ khi nào mà các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế bị vi phạm, như trường hợp hiện nay ở vùng biển phía Nam Trung Quốc (ám chỉ Biển Đông), Pháp sẽ có hành động chứng tỏ quyền tự do hành động và đi qua những vùng biển này.

Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản các nước tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Để phản đối lại việc Anh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (14/2) đã hủy kế hoạch đàm phán thương mại với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond vào cuối tuần này sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cảnh báo đưa tàu chiến đến Thái Bình Dương để thách thức Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (9/2018) từng bày tỏ hy vọng rằng “Anh sẽ thực thi lập trường không can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và không làm xáo trộn sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (6/9/2018) đã cảnh báo tàu HMS Albion của Anh tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vi phạm luật pháp Trung Quốc và các luật quốc tế liên quan, và xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Bà Hoa nói thêm tại cuộc họp báo rằng “tàu chiến Anh đã đi một cách phi pháp vào vùng biển chủ quyền mà không được phép của chính phủ Trung Quốc”. Bà cho biết hải quân Trung Quốc đã xác minh thông tin con tàu theo luật pháp và cảnh báo nó phải rời đi.

Đáng chú ý, giới chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng những động thái gần đây của Anh liên quan vấn đề Biển Đông ảnh hưởng lớn đến quan hệ Trung – Anh. Theo Giáo sư Hữa Lợi Bình, Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng những động thái gần đây của Anh là phô trương sức mạnh cơ bắp nhằm vào Trung Quốc và cho thấy sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc bên ngoài vào tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, ông Ni Lexiong, một chuyên gia về biển tại Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, cho rằng kế hoạch xây căn cứ quân sự ở Đông Nam Á của Anh là một bằng chứng nữa cho thấy Anh và các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ đang ngày càng sát cánh hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc. “Đây là bước đi bổ sung cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và Washington sẽ rất hài lòng” ông Ni nói về kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh ở khu vực vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp lịch sử.

Trong khi đó, dư luận Trung Quốc nhìn chung đang tìm cách biện minh cho hành động của mình và chỉ trích các hoạt động của Pháp ở Biển Đông, cho rằng việc Pháp tiến hành các hoạt động tuần tra đảm

bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là hành động “khiêu khích”, nhằm tìm đạt được một số “lợi ích” từ Trung Quốc.




Đảo Thị Tứ trở nên nóng


sau khi Ngoại trưởng Mỹ thăm Philippines


Các hoạt động của tàu Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ vốn đã được báo chí Philippines đưa cách đây cả tháng. Tuy nhiên, vấn đề được hâm nóng một cách đột ngột trong thời gian gần đây sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến ghé thăm Philippines.

Các hoạt động của tàu Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ vốn đã được báo chí Philippines đưa cách đây cả tháng. Tuy nhiên, vấn đề được hâm nóng một cách đột ngột trong thời gian gần đây sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến ghé thăm Philippines.

Quân đội Philippines hôm nay 5.3 cho biết họ không nhận được báo cáo nào về việc ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt cá hoặc neo đậu trên bãi cát quanh đảo Thị Tứ ở Biển Đông.

Ngược lại, Phó Đô đốc Rene Medina, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Tây thuộc Lực lượng Vũ trang Philippines (WesCom) cho biết đã nhận được thông tin rằng ngư dân Philippines vẫn có thể câu cá quanh khu vực và neo đậu, trú ẩn trên bãi cạn gần đảo.

Tuy nhiên, ông Medina cho biết có khoảng 10 tàu Trung Quốc đang neo đậu gần các hòn đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Ông nói rằng WesCom đã không nhận được báo cáo về việc các tàu Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines, ngoại trừ việc họ hiện diện một cách rất kỳ lạ vì các tàu của Trung Quốc lảng vảng tại đó mà không hề thực hiện bất kỳ hoạt động đánh bắt nào cả.

Trước đó, các báo cáo của Thị trưởng Kalayaan, ông Roberto del Mundo, cho biết các tàu Trung Quốc đã chặn đường các thuyền Philippines và xua đuổi thuyền Philippines ra khỏi bãi cạn quanh đảo.

Tình hình căng thẳng tới mức báo giới Philippines đã chất vấn chính phủ về việc này. Trong cuộc họp báo hôm thứ 2, phát ngôn viên của phủ Tổng thống là Salvador Panelo khẳng định “Tôi cần xác nhận điều đó từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

Đồng thời, ông cho biết nếu báo cáo là đúng, thì hành động của người Trung Quốc ở vùng biển thuộc Philippines là “không đúng đắn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã kiềm chế không bình luận về vấn đề này một khi chưa có xác thực từ phía quân đội tại hiện trường, nhưng ông nói rằng Trung Quốc đã đảm bảo với Philippines rằng sẽ không có bạo lực nào nổ ra.

Thực tế thì các hoạt động của tàu Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ vốn đã được báo chí Philippines đưa cách đây cả tháng khi Manila thực hiện việc tu bổ phi pháp các công trình trên đảo. Tuy nhiên, vấn đề được hâm nóng một cách đột ngột trong thời gian gần đây sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến ghé thăm Philippines.

Ngoại trưởng Pompeo đặc biệt đề cập đến tình hình Biển Đông: “Hoạt động quân sự và xây dựng trái phép của Trung Quốc đe dọa chủ quyền, an ninh lẫn kinh tế của các bạn cũng như của chúng tôi”. Ông cũng cam kết bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu thuộc chính quyền Philippines trên Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung, căn cứ theo hiệp ước ký kết năm 1951.

Cũng theo Ngoại trưởng Pompeo, các quốc gia Đông Nam Á bao gồm cả Philippines có trách nhiệm bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng trong khu vực, không để cường quốc châu Á phong tỏa chúng. Dù không chỉ đích danh nhưng báo chí tin rằng ông Pompeo ám chỉ Trung Quốc.

Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.




Thủ tướng Malaysia yêu cầu TQ xác định


 ‘cái gọi là quyền sở hữu’ ở Biển Đông


Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 7/3 nói rằng Trung Quốc nên xác định rõ “cái gọi là quyền sở hữu” của họ ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, để các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể bắt đầu khai thác lợi ích trong vùng biển giàu tài nguyên này.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABS-CBN ở Manila, Thủ tướng Mahathir nói rằng “nếu không có giới hạn, thì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “tự do hàng hải” trên tuyến thủy lộ đông đúc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông nhưng từ chối xác định phạm vi yêu sách chủ quyền của mình, ngoại trừ một đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) mơ hồ trên bản đồ, làm phức tạp tranh chấp với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền là Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei.

“Chúng ta phải nói chuyện với Trung Quốc về việc xác định yêu sách chủ quyền của họ và ‘quyền sở hữu’ hay ‘cái gọi là quyền sở hữu’ mà họ tuyên bố có nghĩa là gì, để chúng ta có thể tìm ra phương cách có được một số lợi ích từ đó”, ông Mahathir nói.

“Tôi cho rằng dù yêu sách của Trung Quốc có là gì, thì điều quan trọng nhất là Biển Đông nói riêng phải được mở cửa cho hàng hải”, ông Mah Mahirir nói thêm. “Không hạn chế, không trừng phạt và nếu điều đó xảy ra, thì tôi nghĩ những tuyên bố của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta”.

Thủ tướng Mahathir đang có chuyến thăm Manila để hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức hàng đầu khác. Họ cảm ơn Malaysia vì đã là trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Philippines và lực lượng du kích Hồi giáo ở miền Nam nước này, quê hương của người Hồi giáo thiểu số ở quốc gia theo Công giáo La Mã.

Nhà lãnh đạo 93 tuổi của Malaysia là thủ tướng lâu đời nhất thế giới. Ông từng đến thăm Philippines trong tư cách thủ tướng vào năm 1987 và 1994.




Tàu cá Việt Nam bị tàu TQ đâm chìm ở Hoàng Sa


 070319_2_taudanhcaVNbitautrungcongdungchim

Các ngư dân trên tàu cá Quảng Ngãi bị chìm đã được cứu vớt an toàn, tiếp tục đánh bắt hải sản.

Khoảng 10h10 ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm.

Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa cung cấp thông tin trên.

Theo Uỷ ban, khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này. Sau đó, Văn phòng Uỷ ban đã yêu cầu Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc cứu nạn các ngư dân.

Đến trưa cùng ngày, năm ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản.

Việt Nam là nước đầu tiên chiếm hữu, thực thi chủ quyền liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, Trung Quốc nhiều lần đánh chiếm Hoàng Sa, đến năm 1974 thì chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này.




Việt Nam lại lên tiếng về tầm quan trọng của Biển Đông


Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tham gia Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 (ACDFM-16) diễn ra sáng ngày 7/3 tại Pattaya, Thái Lan.

Tại hội nghị ông này lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và đề nghị lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hải quân các bên liên quan tăng cường hợp tác, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định vùng biển trong khu vực.

Truyền thông trong nước loan tin ngày 7/3, trích phát biểu của Thượng tướng Phan Văn Giang nói thêm rằng những thách thức an ninh trên biển như tranh chấp chủ quyền, tranh chấp tài nguyên, cướp biển… sẽ tiếp tục đe dọa an ninh trên biển khu vực Đông Nam Á.

Tin cho biết, Việt Nam sẽ là nước Chủ tịch luân phiên của Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN tiếp theo được tổ chức vào năm 2020.

Vẫn liên quan đến tình hình biển Đông, trong cuộc phỏng vấn với đài ABS-CBN ở Manila, Philippine ngày 7/3, ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng Malaysia nói rằng Trung Quốc nên xác định “cái gọi là quyền sở hữu” của mình ở khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông để các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể thu được nguồn lợi từ vùng biển giàu tài nguyên này.

Trung Quốc là nước hiện tuyên bố chủ quyền chừng 90% Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra. Đường này thường được gọi là đường lưỡi bò và bị Manila kiện ra Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA ở La Haye. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, PCA tuyên bố đường đứt khúc 9 đoạn không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử; tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa như thế.

Ngoài Trung Quốc và Đài Loan còn có Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.