Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 03/03/2019

Sunday, March 3, 2019 7:04:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 03/03/2019

Tù nhân chính trị Đinh Diêm bị đày đoạ trong trại giam

Tin từ Nghệ An –  Mục sự Đinh Diêm, người đang thi hành án tù 16 năm về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” đang bị đày đoạ trong Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An).
Theo vợ ông là bà Đinh Thị Xa thì sức khoẻ của ông đang trong tình trạng nguy kịch, ông bị nhiều bệnh nan y mà không được chữa trị và cung cấp thuốc.
Gia đình ông mới được gặp ông. Trước đó trong gần 1 năm, gia đình ông không thể liên lạc với ông do sự sách nhiễu của chính quyền.
Mục sư Đinh Diêm và vợ là người dân tộc Hre thuộc xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Bản thân ông là mục sư thuộc Hội thánh Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ. Ông bị nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi bắt với cáo buộc theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. Năm 2018, ông bị kết án và sau đó bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam số 6 thuộc Bộ Công an.
Ông được cho là có liên quan đến chính phủ lưu vong của ông Đào Minh Quân ở Hoa Kỳ, một tổ chức kêu gọi lật đổ chính thể CSVN hiện nay bằng bạo lực.
Bà Đinh Thị Xa kêu gọi giới bất đồng chính kiến và cộng đồng Thiên Chúa giáo quan tâm đến trường hợp của chồng mình.
Quốc Tuấn

VN: Người bị giam mong muốn được ăn uống nóng?

Luật sư Ngô Ngọc Traigửi cho BBC từ Hà Nội
Ý kiến nói việc yêu cầu trại giam đảm bảo cung cấp nước nóng và đồ ăn nóng cho người bị giam giữ, sẽ siết chặt trách nhiệm của các nhân viên quản giáo tại các trại giam, củng cố tinh thần giá trị nhân đạo của luật pháp chính sách nhà nước.
Do đặc điểm khí hậu thời tiết, ở miền Bắc của Việt Nam có một mùa đông rét mướt kéo dài ba bốn tháng mà nhiệt độ nhiều khi chỉ vài độ C.
Điều kiện thời tiết như vậy có ảnh hưởng nghiêm trọng tới thói quen sinh hoạt giữ gìn sức khỏe của người dân nói chung và trong đó có cả những người bị giam giữ phục vụ quá trình điều tra hình sự nói riêng.
Mới đây khi vào làm việc với một bị can đang bị giam tại Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội, có địa chỉ tại huyện Thường Tín, Hà Nội, bị can phản ánh cho luật sư biết là quá trình giam giữ không được trại cung cấp cho nước nóng, không có nước nóng để tắm và không có nước nóng để uống.
Về cơm ăn thì cũng chỉ được ăn đồ nguội, vì cơm canh được trại chuẩn bị từ sớm do các phạm nhân được phân công nấu nướng và phân phát, đến khi giao nhận đến tay người ăn thì qua nhiều khâu vận chuyển không được bảo quản nên cũng là cơm canh nguội.
Trong khi đó, thời gian giam giữ phục vụ cho hoạt động điều tra thường kéo dài từ nhiều tháng đến cả năm.
Thời gian kéo dài và điều kinh sinh hoạt như vậy kết hợp với nhau gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của những người bị giam giữ.
Họ rất cần được sử dụng nước nóng, một điều giản dị đối với người tự do nhưng người bị giam giữ lại không có được, trong khi điều này đặc biệt quan trọng bởi thời tiết khí hậu miền Bắc có nhiều tháng mùa đông rét mướt và nước nóng là thứ quan trọng để đảm bảo sức khỏe con người.
Mấy năm trước trong quá trình bào chữa minh oan cho tử tù Hàn Đức Long ở Bắc Giang, ông này đã được trả tự do năm 2016 sau 10 năm bị bắt giam oan với 4 bản án tử hình và đã được trả tự do xin lỗi công khai.
Quá trình làm việc ông Hàn Đức Long cũng nhiều lần kêu ca phản ánh cho luật sư biết về tình trạng thiếu nước nóng trong Trại giam Kế của tỉnh Bắc Giang.
Ông Long kể việc đun nước nóng dấu diếm trong sự thèm khát trong trại giam như sau: dùng những chai nước nhựa để đun, bôi một ít kem đánh răng vào đít chai sẽ giúp chai nhựa có thể đun sôi được nước, hoặc túi giấy bóng đựng đường khi lộn ngược ra ngoài cũng có khả năng đựng nước và đun sôi.
Chất đốt là những thùng đựng nước bằng nhựa được cho đem vào phục vụ sinh hoạt trong phòng giam, khi gói vào trong chăn rồi dẫm cho dập nát thành từng mảnh nhỏ sẽ trở thành chất đốt. Khi đun nước, chai nước hoặc túi giấy bóng đựng nước được đưa dần từ trên cao xuống cho nóng từ từ rồi nước sẽ sôi.
Tình trạng không được sử dụng nước nóng để sinh hoạt ăn uống làm tăng thêm phần nghiệt ngã cho môi trường giam giữ.
Trong khi theo luật những người bị giam giữ phục vụ điều tra vẫn chưa bị coi là tội phạm và chịu hình phạt, vì chưa có bản án tuyên họ có tội có hiệu lực pháp luật, và do vậy đáng ra họ cần được đối xử với tương đối đầy đủ quyền công dân.
Thực thi Công ước Quốc tế
Năm 2013 Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, công ước này được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.
Sang năm 2014 Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn và đến ngày 17/3/2015 Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.
Tiếp thu và triển khai những nội dung của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, cuối năm 2015 Quốc hội ban hành Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm đã quy định:
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Song quy định của luật là một chuyện, còn thực tế vẫn tồn tại những sự việc cho thấy pháp luật nhân đạo phòng ngừa bị vi phạm.
Việc không cho người bị giam giữ được tiếp cận sử dụng nước nóng, đồ ăn nóng chính là một hình thức đối xử vô nhân đạo.
Bản thân những người bị giam giữ lại không thể phản ánh khiếu nại những việc đó trong trại giam.
Nhận thấy đây là một vấn đề bức xúc thiết thân của hàng nghìn hàng vạn người bị giam giữ, cho nên tôi là luật sư bào chữa đã soạn một đơn kiến nghị gửi tới các lãnh đạo nhà nước đề nghị giải quyết.
Đơn kiến nghị đã được gửi tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng công an Tô Lâm.
Trong đơn đã đề nghị các Cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiến hành kiểm tra vấn đề về nhu cầu được sử dụng nước nóng, ăn cơm canh nóng của người bị giam giữ trong các trại giam hiện nay, và đánh giá mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe từ sự thiếu vắng này.
Đơn cũng đề nghị các cơ quan nhà nước lên chương trình chính sách, yêu cầu các trại giam giữ phải đảm bảo cung cấp nước nóng để uống, cơm canh nóng cho người bị giam giữ, nhất là ở các tỉnh miền Bắc vào những ngày tháng Mùa Đông.
Các quy định pháp luật hiện nay với tinh thần nhân đạo không cản trở việc đó, cơ sở vật chất trong trại giam cũng không phải là không đáp ứng được, mà đó chỉ là do lề thói lười nhác, vô trách nhiệm, cẩu thả, lâu nay vẫn kém coi trọng nhân phẩm con người trong các trại giam giữ mà thôi.
Việc yêu cầu trại giam đảm bảo cung cấp nước nóng và đồ ăn nóng cho người bị giam giữ, sẽ siết chặt trách nhiệm của các nhân viên quản giáo tại các trại giam, củng cố tinh thần giá trị nhân đạo của luật pháp chính sách nhà nước.
Việc này phải được thực hiện cũng để đảm bảo sự thực thi các nội dung trong Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

CSVN khủng bố tiếng nói của giới bất đồng chính kiến

Tin từ Bangkok –  Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho rằng chế độ độc tài CS ở Việt Nam đang khủng bố tiếng nói của giới bất đồng chính kiến, đặc biệt trong dịp Hà Nội tổ chức cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong-un của Bắc Triều tiên.
Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 01 tháng 03, văn phòng châu Á- Thái Bình Dương của RSF nói rằng, Việt Nam tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim và tự cho rằng Hà Nội là “thủ đô của hoà bình,” nhưng cái để thế giới biết đến chính là sự lạm quyền quá đáng của chế độ trong nỗ lực khủng bố tiếng nói của người bất đồng chính kiến.
Trong thời gian kể từ ngày 24/02 cho tới cuối ngày 28/02 là ngày kết thúc cuộc gặp gỡ song phương Trump-Kim, lực lượng an ninh của Việt Nam đã bắt giữ và câu lưu nhiều nhà hoạt động và nhà báo độc lập song hành cùng với việc đưa mật vụ và dân phòng đến canh giữ gần nhà riêng của hàng chục người khác với mục đích ngăn cản họ đi ra ngoài.
RSF cho biết trong thời gian này, hai nhà báo độc lập Lê Văn Dũng và Cát Linh của Đài truyền hình Chấn hưng Nước Việt TV bị bắt khi họ đang quay phim chụp hình phái đoàn Hoa Kỳ và bị giữ ở đồn công an nhiều giờ; trong khi đó Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam  Nguyễn Tường Thụy thì bị ba an ninh đến nhà chất vấn hôm 24/2.
Không chỉ giới hoạt động ở Hà Nội bị đàn áp trong dịp này, hàng chục người bất đồng chính kiến và xã hội ở Sài Gòn và nhiều nơi khác cũng bị sách nhiễu cho dù Trump hoặc Kim không có kế hoạch đến những nơi đó.
Theo RSF, blogger và nhà báo công dân ở Việt Nam là đối tượng sách nhiễu, đàn áp của chế độ toàn trị. Hiện có ít nhất 20 nhà báo độc tự do bị cầm tù. Trong bảng xếp hạng tự do báo chí toàn cầu của RSF trong năm 2018, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia.
Quốc Tuấn

Vụ bán cảng Quy Nhơn:

Thu hồi cổ phần, xử lý cán bộ sai phạm

TTO – Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) thu hồi 75,01% cổ phần (CP) cảng Quy Nhơn đã bán cho nhà đầu tư sai quy định.
Vụ cảng Quy Nhơn: Vinalines tiếp nhận 75,01% cổ phần từ nhà đầu tư tư nhân
Khuất tất trong cổ phần hóa cảng Quy Nhơn: Bộ sai, tỉnh cũng sai!
Cảng Quy Nhơn: Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối
Ngoài ra cần xử lý nghiêm các cá nhân cố tình bán đứt cảng Quy Nhơn để chấn chỉnh quá trình CP hóa, chặn trước nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Bán cảng bằng 2 quyết định sai
Trước đó, khi ban hành kết luận thanh tra việc CP hóa cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Bộ GTVT với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinalines chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn.
Cụ thể, tháng 4-2013, bộ này đã đề nghị Thủ tướng cho phép CP hóa cảng Quy Nhơn, giảm tỉ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước xuống 49%.
Tiếp đó vào tháng 3-2014 bộ đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% CP còn lại tại Công ty CP cảng Quy Nhơn.
Đề nghị này của Bộ GTVT không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó, cụ thể là khi CP hóa cảng Quy Nhơn, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ cảng.
Hơn nữa, khi đề xuất bán hết 49% vốn tại Công ty CP cảng quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành, Bộ GTVT đã phớt lờ các cảnh báo từ hai bộ KH-ĐT và Tài chính về các vấn đề kinh tế, an ninh, quốc phòng khi bán đứt cảng biển cho tư nhân.
Thời điểm đó, Vinalines cũng có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo, đánh giá về vai trò, tiềm năng của cảng Quy Nhơn, lợi ích hiện tại, lâu dài và đề nghị được duy trì tỉ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Công ty CP cảng Quy Nhơn.
Nhưng Bộ GTVT đã không xem xét, mà tiếp tục có văn bản đề nghị Thủ tướng cho bán nốt 49% vốn nhà nước tại Công ty CP cảng Quy Nhơn.
Hơn nữa, trong chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty CP cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản cho phép Vinalines bán cho Công ty Hợp Thành 75,01% CP cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu bộ hủy bỏ 2 văn bản và kiến nghị thu hồi 75,01% CP cảng Quy Nhơn đã bán cho Công ty Hợp Thành.
Ngoài ra Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% CP cảng cho Công ty Hợp Thành tại thời điểm bắt đầu CP hóa cảng Quy Nhơn.
Sẽ kỷ luật tổ chức, cá nhân vi phạm
Việc xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong vụ mua bán CP cảng Quy Nhơn, theo ông Bùi Ngọc Lam – phó tổng Thanh tra Chính phủ, đang được tiến hành.
Theo quy trình xử lý vụ việc thì Vinalines và Bộ GTVT đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm. Các cá nhân có vi phạm liên quan đang được trình lên cấp có thẩm quyền xem xét và đang làm thủ tục để kiểm điểm.
Ông Bùi Ngọc Lam cho biết thêm sau khi kiểm điểm sẽ tiến hành xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có vi phạm.
“Trong vụ việc này, Nhà nước sẽ không mua lại CP cảng Quy Nhơn mà sẽ thu hồi 75,01% CP cảng Quy Nhơn vì quá trình thoái vốn không đúng” – ông Bùi Ngọc Lam khẳng định.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP Hà Nội, kết quả thanh tra cho thấy Bộ GTVT, Vinalines đã làm trái quy định của Nhà nước khi bán tất vốn tại cảng Quy Nhơn.
Kết luận thanh tra về sai phạm đã đưa ra, nhưng vấn đề theo luật sư Bùi Đình Ứng hiện nay cần làm là truy trách nhiệm ai là người ban hành 2 văn bản trái quy định để bán CP cho Vinalines phải xử lý.
Thứ hai, người quyết định bán 75,01% vốn nhà nước tại cảng cũng cần phải xem xét trách nhiệm.
Từ một góc nhìn khác về thương vụ bán CP cảng Quy Nhơn, TS Vũ Đình Ánh – Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – lại cho rằng CP cảng Quy Nhơn đã bán rồi, giờ thu lại CP vì thương vụ mua bán không hợp pháp, hoặc trái quy định thì phải hoàn trả nhà đầu tư phần tiền họ đã bỏ ra mua.
Có thể có cơ chế bồi thường trong trường hợp nhà đầu tư mua cảng không hề vi phạm mà người vi phạm là phía cơ quan quản lý cảng Quy Nhơn.
TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng việc thu hồi CP đã bán tại cảng Quy Nhơn là vấn đề bình thường vì đã có sai phạm trong mua bán CP nhà nước thì phải xử lý, không thể bỏ qua được.
Việc làm này góp phần chấn chỉnh hoạt động CP hóa doanh nghiệp nhà nước, để làm sao không làm thiệt hại đến tài sản nhà nước.
Luật sư Bùi Đình Ứng: “Cần xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm trong mua bán CP cảng Quy Nhơn dù Nhà nước đã tiếp nhận lại phần vốn này” .

Muốn Trump vui Hà Nội cần lo cho cả công nhân Mỹ và VN

Nguyễn Quang DuyGửi bài cho Diễn đàn BBC từ Melbourne
Đối với Tổng thống Donald Trump, hợp đồng buôn bán luôn được ưu tiên làm trước nên khi vừa đến Hà Nội ông dành ngày đầu để ký các hợp đồng bán và bảo trì máy bay dân sự lên đến hàng tỷ Mỹ kim.
Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ông Trump tiết lộ sẵn sàng bán thiết bị quân sự, máy bay phản lực và bất kỳ loại hỏa tiễn nào mà Việt Nam cần, để giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.
Được biết khi hai ông gặp riêng có trao đổi về Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ và Hiệp định về thương mại và đầu tư (TIFA).
Không thấy báo chí Việt Nam đưa rằng ông Phúc có nói hay không điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng làm khi gặp Tổng thống Barack Obama là đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Công đoàn tự do
Theo ý tôi, nếu muốn được Hoa Kỳ xem là nước có nền kinh tế thị trường Hà Nội phải thực tâm thúc đẩy tầng lớp công nhân tự thành lập các công đoàn tự do.
Muốn thế Hà Nội cần có những hành động cụ thể tạo niềm tin cho tầng lớp công nhân rằng công đoàn do họ tự lập sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho họ và gia đình.
Chiều ngày 26/2/2019, vài giờ trước khi ông Trump đến Hà Nội, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH HAI VINA Kim Liên, Nghệ An đã đồng loạt nghỉ việc, tập trung giữa sân công ty để yêu cầu giải thích về việc một số phụ cấp bị cắt giảm.
Công ty ra thông báo tăng lương cơ bản, nhưng khi nhận lương nhiều công nhân thấy tổng mức lương không tăng nên đi hỏi, mới biết đã bị cắt giảm một số phụ cấp, như tiền nhà ở, xăng xe, tiền độc hại…
Chỉ vài ngày trước đó, ngày 19 và 20/02/2019, một vụ đình công khác đã xảy ra tại Công ty TNHH Lecien Việt Nam, KCX Tân Thuận, Quận 7.
Gần 600 công nhân đã ngừng việc vì không đồng ý mức tăng lương mà tiền phụ cấp độc hại không có, chế độ thai sản dành cho nữ công nhân đang mang thai cũng không được thực hiện, một số ngày nghỉ phép hằng năm lại bị trừ vào tiền Tết.
Công nhân cho biết cách tính lương quá nhập nhằng khiến công nhân không thể biết được quyền lợi cụ thể của mình như thế nào, khi thắc mắc thì công ty trả lời: “… ai không thích thì công ty sẵn sàng cho nghỉ việc.”
Phóng viên báo Người Lao Động liên hệ với công ty để phỏng vấn nhưng bị từ chối.
Báo Tuổi trẻ sáng ngày 26/2/2019 có bài viết về kết quả của một khảo sát nhỏ do Tổ chức Oxfam cùng Viện Công nhân và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tại 6 doanh nghiệp dệt may xuất khẩu mới đây như sau:
“28% công nhân nói rằng lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn. Đặc biệt, có 6% số công nhân được hỏi cho biết vào cuối tháng họ chỉ ăn cơm chan canh suông.”
“1/3 trong số được hỏi cho biết họ không tiết kiệm được gì từ tiền lương, và gần 40% cho biết luôn trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.
“Gần 70% số công nhân được hỏi cho biết họ “hiếm khi” hoặc “chưa bao giờ” có thời gian rảnh để đi chơi, thăm bạn bè vì họ thường xuyên phải làm thêm giờ.
“Thậm chí hơn 20% số công nhân được hỏi còn cho biết họ tận dụng cả giờ nghỉ giữa giờ nghỉ để tranh thủ làm việc. Đặc biệt gần 100% số công nhân nói rằng họ “không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng”.
Lương thấp, ăn uống kém chất lượng, làm thêm giờ thường xuyên dẫn tới 70% số người được hỏi cho biết “hay bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp, đau đốt sống cổ”.
Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ “không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men”.
Khảo sát còn cho thấy có “9% người được hỏi cho biết khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng đến quyết định sinh con của họ, và 20% cho biết tiền lương của họ không đủ để mua đồ dùng học tập cho con cái.”
Điều này phản ánh thấy tình trạng chung của hàng chục triệu công nhân và gia đình họ tại Việt Nam.
Đảng cộng sản nhận họ đại diện cho giai cấp công nhân, nhưng đời sống công nhân lại chỉ như thế và thường tự phát đấu tranh đòi quyền lợi, còn công đoàn nhà nước ăn lương chủ chẳng làm nên trò trống.
Chính quyền biết rất rõ công nhân hầu hết xuất thân từ nông thôn và vì cuộc sống mới phải bỏ ruộng vườn vào làm công xưởng. Chỉ như công nhân Indonesia, Malaysia, Phillipines,… người lao động Việt Nam không có sức mạnh và sự đoàn kết như công nhân Ba Lan để ảnh hưởng đến quyền lực chính trị.
Quyền lợi công nhân và cử tri Mỹ
Nhưng tình trạng bóc lột công nhân tại Việt Nam lại ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm và quyền lợi của công nhân Hoa Kỳ.
Vì thế công nhân Hoa Kỳ mới bầu cho ông Trump để xóa TPP, trừng phạt Trung Quốc, theo dõi tình trạng lao động Việt Nam và buộc Việt Nam phải mua máy bay Mỹ để cân bằng cán cân thương mại.
Trong hai tuần trước Thượng đỉnh Hà Nội, báo chí liên tục đưa tin vụ Đông Xuân năm nay khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long được mùa nhưng do thiếu đơn nhập hàng từ nước ngoài nên lúa không bán được, giá lúa xuống thấp đến mức nông dân trồng lúa không còn lợi nhuận.
Trên diễn đàn BBC trước đây tôi có bài viết “CPTPP có giúp để nông dân VN thoát cảnh nghèo?” nêu rõ việc nhà nước độc quyền thu mua xuất cảng lúa gạo là nguyên nhân chính khiến 23 triệu nông dân, đặc biệt là 15 triệu nông dân trồng lúa ở Việt Nam luôn sống cảnh đói nghèo.
Chính quyền không chỉ độc quyền thị trường lúa gạo, khu vực quốc doanh vẫn nắm giữ hầu hết ngành điện, nước, ngân hàng, giao thông, cảng, y tế, giáo dục… hầu như cả nền kinh tế Việt Nam.
Hậu quả là Hoa Kỳ vẫn xem Việt Nam là một nước không có thị trường tự do, thường xuyên thúc đẩy Việt Nam phải thay đổi mô hình phát triển.
Cần thay đổi thể chế
Bắc Hàn là một quốc gia cộng sản toàn trị nên có nhiều điều cần học hỏi từ quá trình cải cách của Việt Nam, và việc ông Kim Jong-un chọn Hà Nội vừa là nơi gặp ông Trump vừa có dịp tìm hiểu học hỏi.
Còn phía Hoa Kỳ ông Trump gặp ông Kim tại Hà Nội để bàn về việc giải trừ vũ khí hạch nhân và để ông Trump ký hợp đồng mua bán, nhưng lại có đồn đoán Hoa Kỳ muốn Bắc Hàn học hỏi “mô hình phát triển” của Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai đã chấm dứt, Hà Nội đừng quên muốn được Hoa Kỳ công nhận có thị trường kinh tế tự do cần đẩy mạnh cải cách cả kinh tế lẫn chính trị.
Việt Nam nên học hỏi mô hình phát triển Đài Loan, một nước nhỏ cũng chịu áp lực của Bắc Kinh đã vươn lên để thành một quốc gia phát triển được Hoa Kỳ thực sự nhìn nhận.
Tổng thống Trump một nhà tư bản nhưng có chính danh đại diện cho dân Mỹ vì ông được tầng lớp nông dân và công nhân bỏ phiếu chọn ông làm đại diện.
Hà Nội nên học hỏi để chứng minh cho thế giới thấy rõ đang chính danh đại diện cho toàn thể người Việt, gồm cả tầng lớp nông dân và công nhân.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy, một nhà ̀hoạt động nghiệp đoàn từ Melbourne, Australia.

Việt Nam & Triều Tiên: bài học dành cho nhau

Blogger Nguyễn Hoàng
Một cách ước lệ, dưới đây là 5 bài học dễ nhận thấy trước và sau thượng đỉnh Mỹ – Triều cũng như qua cuộc viếng thăm chính thức Hà Nội của Kim Jong-un. Tuy nhiên, việc đánh số các bài học không đồng nghĩa với thứ tự của tầm quan trọng. Bài học cuối cùng có khi lại là cốt tử nhất.
Thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Hà Nội kết thúc chóng vánh mà không có một cam kết chung nào giữa các bên. Giấc mơ Hà Nội thành dấu ấn lịch sử đối với tiến trình phi hạt nhân hóa để thỏa mãn cơn khát của “thành phố hoà giải các xung đột quốc tế” gần như về “mo”. Hai ngày nán lại Hà Nội của ông Kim xem ra cũng kém vui, dù Cả Trọng vẫn đãi ông Kim với nghi thức dành cho nguyên thủ.
Tuy nhiên, chuỗi sự kiện liên quan đến ba bên (hẳn nhiên Việt Nam chỉ ngồi ở “ghế phụ”) vẫn để lại một số bài học cho mỗi nước, cũng như cho cả hai. Bài học quan trọng nhất đối với cả Triều Tiên lẫn Việt Nam là số phận của các nước nhỏ trong thời đại ngày nay vẫn được quyết định bởi bàn cờ giữa các cường quốc. Bài học xưa như trái đất này muôn thuở có lẽ vẫn đúng!
Ngẫm lại một chút, chẳng có lý gì do để tiếc nuối. Chúng ta (tức Việt Nam) phải hiểu rằng Mỹ – Triều không đạt được thoả thuận như vừa qua là điều logic. Dù chỉ yêu cầu bỏ 5/11 khoản liên quan đến cấm vận, nhưng vấn đề này không thể quyết mà không có tiếng nói của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Bỏ cấm vận để đi đến phi hạt nhân hoá cũng như thống nhất trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn là một “cuộc trường chinh” vạn dặm và liên quan đến nhiều bên.
Trung Quốc không bao giờ mong muốn một quốc gia Triều Tiên thống nhất, độc lập, hùng cường, thoát Trung và có xu hướng thoả hiệp với Mỹ. Nhật Bản cũng chẳng hề muốn có một đối thủ sẽ nổi lên cạnh tranh với họ trên mọi lĩnh vực (Nếu thống nhất, bán đảo Triều Tiên sẽ có gần 80 triệu dân, sở hữu nền tảng kinh tế và khoa học công nghệ rất mạnh, đấy là chưa nói tới cái “máu” dân tộc chống Nhật của dân Hàn).
Và ngay cả Hàn Quốc, dù cùng chung một dân tộc với Triều Tiên và nếm trải nỗi đau chia cắt, nhưng cách biệt giữa hai miền giờ đây đã là quá lớn, bên cạnh gánh nặng phúc lợi vì một cơ cấu dân số “già hoá” chẳng hề kém Nhật, liệu họ có sẵn sàng để chi hàng ngàn tỷ USD nhằm tái thiết miền Bắc (giống như Tây Đức đã từng phải gánh Đông Đức).
Bài học thứ hai, chúng ta (cả Việt Nam lẫn Triều Tiên) cần tỉnh ra ngay, đó là Tổng thống Mỹ bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích nước Mỹ trước tiên, luôn lấy đối ngoại phục vụ đối nội. Nói cách khác, trong trường hợp của Trump, tình hình “nước sôi lửa bỏng” ở Washington những ngày ông vắng nhà, đã buộc ông phải nhanh chóng lấy một quyết định để thu hút truyền thông, nhằm đánh bạt lời khai của tay luật sư Michael Cohen “phản thùng” kia.
Và Trump đã toại nguyện. Sau khi huỷ bỏ bữa tiệc trưa (với một menu rất hấp dẫn), họp báo vội vàng (trong 37 phút) rồi ông lên thẳng chuyên cơ về nước, hiệu ứng có ngay lập tức trên nước Mỹ. Tất cả các nhật báo ở thủ đô, từ The Washington Post đến New York Times, từ Los Angeles Times đến Wall Street Journal… đều đồng loạt chạy trên trang nhất về chuyện đã không thoả thuận được cái “deal” nào với Triều Tiên cả. Hẳn nhiên, lời khai “lật kèo” của Cohen bị đẩy lùi ra những trang sau.
Bài học thứ ba, trong câu chuyện nhiều “chương”, “hồi” về Triều Tiên, cần phân biệt giữa chiến lược với chiến thuật. Nếu chấp nhận dỡ bỏ ngay lập tức toàn bộ cơ sở hạt nhân của mình thì Triều Tiên sẽ còn gì để mặc cả với Mỹ, Nhật, Hàn và cả phương Tây? Đến cả Mỹ cũng tuyên bố “chẳng có gì phải vội”. Bởi vì, nếu Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa ngay thì chẳng còn “raison d’être” nào cho sự hiện diện và chiếc dù an ninh của Mỹ ở Đông Á nữa.
Hơn nữa, câu chuyện đến năm 2020 của Trump là tập trung tái cử. Từ nay đến đó, chắc chắn còn một số màn trình diễn thượng đỉnh Trump – Kim nữa. Nhưng cứ “diễn” mãi thì cũng dễ nhàm chán. Vì vậy sẽ có những thoả thuận “bán phần” nào đấy đủ để nuôi dư luận Mỹ. Rằng, nếu không phải là Tổng thống Trump thì giờ này, Hoa Kỳ và Triều Tiên đang chuẩn bị lâm chiến. Đấy là chiêu Ban vận động tranh cử của Trump cần cho thời gian tới.
Bài học thứ tư, nên tránh rơi vào trạng thái ảo tưởng hay tự huyễn hoặc. Giả định Triều Tiên thành một Việt Nam thứ hai là ăn phải “bả tuyên truyền” của mấy ông Mỹ. Mỹ có ẩn ý đằng sau việc ca tụng “mô hình Việt Nam”. Còn ông Kim từ bé học ở Thuỵ Sỹ sao lại có thể mê món “bún chả” kinh tế thị trường nửa dơi nửa chuột? Chẳng phải bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thừa nhận, mô hình ấy “không hề có trong lý thuyết mà cũng chẳng mấy ai hiểu nổi trên thực tế”.
Rồi nữa, Đặng cởi trói vì kinh tế Tàu lúc bấy giờ kiệt quệ sau những chính sách của Mao Trạch Đông. Lãnh đạo Việt Nam học phép “cởi trói” kinh tế của Trung Quốc khi viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu chấm dứt. Kim Jong-un không lâm vào tình trạng ấy. Sau khi Kim bắt tay Trump năm ngoái, Trung Quốc, Nga và các nước châu Phi đã tìm cách xé rào, né tránh các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc để liên hệ, trao đổi với Bắc Hàn. Cho nên chế độ của gia tộc Kim có lẽ vẫn sẽ sống dài dài.
Bài học cuối cùng, thứ năm nhưng lại rất quan trọng (the last but not least), đó là phải cắt nghĩa thế nào cho “chuẩn khỏi cần chỉnh” cái xu thế “viễn Trung cận Mỹ”, tức là “thoát Trung và xích lại gần Mỹ” trong thời đại ngày nay? Triều đại Kim III này lên ngôi 6 năm xử trảm cả chú họ từng đưa mình lên ngai vàng lẫn anh trai, chỉ vì tội “quá thân Tàu” hoặc nghi “do Trung Quốc nuôi” (và chắc có ý tạo phản). Thế không phải là “thoát Trung” thì là gì?
“Thoát” nhưng khi cần thì vẫn “nhào dzô” đấy. Trong vòng 10 tháng, ông Kim qua lại Trung Quốc bốn lần. Đấy là chưa kể lần sang Việt Nam và lần từ Hà Nội về Bình Nhưỡng vừa rồi không loại trừ có thêm các cuộc tiếp xúc bí mật thứ năm hay thứ sáu ngay trên đường (?). Dù “cùng một mẹ sinh ra” và bây giờ thì chẳng còn chất keo “cộng sản” nào dính hai nước được với nhau, nhưng cách hành xử của Kim đối với Trung Quốc xem ra rất đáng để mấy người ở Ba Đình học tập!!!
Dẫu rằng, cách “thoát Trung” của anh Kim này chẳng mấy nhân văn và có lẽ chẳng quốc gia nào trên thế gian này có thể học hỏi các phương thức bạo chúa ấy. Nhưng phải thừa nhận “anh chàng ôm hoả tiễn” kia (rocketman là lời của Trump từng chỉ trích Kim) không phải là không dám “chơi rắn” với Trung Quốc khi cần (mà anh ta cũng có đường biên giới chung với Trung Quốc giống ta đấy thôi).
“Xích lại gần Mỹ” là câu chuyện rất thời sự. Nguyễn Gia Kiểng đã đúng khi cho rằng, ban lãnh đạo Việt Nam có lý khi cố gắng tách dần khỏi quỹ đạo Trung Quốc và sáp lại với Mỹ. Nhưng sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng có thể mật thiết với Mỹ mà vẫn giữ nguyên chế độ độc tài toàn trị. Điều này có thể đúng với Trump, nhưng Trump chỉ là một “dấu ngoặc đơn” (…) trong nền chính trị Hoa Kỳ. Gánh nặng trên vai Cả Trọng trong chuyến thăm Mỹ tới đây, vì vậy, xem ra chẳng mấy nhẹ nhàng./.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.