Tin khắp nơi – 26/03/2019
Tuesday, March 26, 2019
3:06:00 PM
//
Slider
,
TinThế giới
Tổng thống Trump hành động đúng đắn với Huawei TQ
Ban biên tập của tờ báo USA Today ngày 21/3 đã đăng một bài xã luận có tiêu đề: “Tổng thống Donald Trump đúng đắn về Huawei của Trung Quốc” (nguyên văn: President Donald Trump is correct on China’s Huawei).Tờ báo này cho rằng: “Khía cạnh đáng lo ngại nhất về Huawei không phải là xu hướng ăn cắp mà là vai trò tiềm năng của nó trong cuộc tấn công toàn cầu của Trung Quốc đối với nền dân chủ”.
USA Today đăng bài xã luận nhận định Tổng thống Trump đã đúng đắn về Huawei Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình)
Từ mối quan ngại đó, bài xã luận cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện những bước đi đúng đắn nhằm đối phó với những nguy cơ từ tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Bài xã luận khẳng định các vụ kiện gần đây của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Huawei với các cáo buộc vi phạm về tài chính hay hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ là hoàn toàn có cơ sở. Bên cạnh đó, việc Bộ Ngoại giao Mỹ đang nỗ lực thuyết phục các nước không xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông của họ bằng thiết bị Huawei cũng là hoàn toàn có căn cứ.
Mặc dù với danh nghĩa là một doanh nghiệp tư nhân, Huawei đã luôn gắn kết chặt chẽ với các nỗ lực tăng cường sức mạnh toàn cầu của chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng các mạng viễn thông cho hoạt động gián điệp và kiểm duyệt.
Được thành lập vào năm 1987 bởi ông Nhậm Chính Phi, cựu kỹ sư của Quân đội Trung Quốc, Huawei từ lâu đã nhận được sự đối xử đặc biệt từ Bắc Kinh. Các khoản trợ cấp khổng lồ rất có thể đã giúp Huawei đánh bại các đối thủ cạnh tranh khác, và trở thành nhà sản xuất thiết bị internet lớn nhất thế giới (và là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới, sau Samsung).
Ông Nhậm Chính Phi (bên phải), nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn Huawei, giới thiệu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trụ sở của công ty này tại Luân Đôn, Anh Quốc ngày 21/10/2015 (Ảnh: PA Images/Sipa USA)
Công ty Huawei đã dành nhiều thập kỷ trong một cuộc đua điên rồ để bắt kịp các đối thủ cạnh tranh. Vào năm 2003, Huawei thừa nhận đã ăn cắp mã nguồn của Cisco Systems, và đã bị cáo buộc về hành vi trộm cắp trên diện rộng, đến mức họ từng sao chép một hướng dẫn sử dụng với các lỗi chính tả y như bản gốc. Công ty Motorola của Mỹ đã cáo buộc Huawei tuyển dụng nhân viên của họ, để ăn cắp tài sản trí tuệ.
Đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Huawei tiến hành một chiến dịch kéo dài nhiều năm, trong đó thưởng cho nhân viên của mình vì đã lấy được công nghệ nước ngoài theo nhiều cách. Cáo buộc cũng tập trung nhiều vào một trường hợp trộm cắp khác, liên quan đến việc một nhân viên Huawei đã lấy cắp robot của công ty viễn thông T-Mobile từ một phòng thí nghiệm ở Bellevue, Washington, chụp ảnh và đo đạc, và sau đó trả lại nó.
Robot này có tên là Tappy, có nhiệm vụ thực hiện các thao tác trên màn hình điện thoại như một người dùng thực thụ để phát hiện các vấn đề với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Tappy có thể tính toán được một tác vụ trên điện thoại có độ trễ như thế nào, cũng như mức tiêu thụ pin của từng ứng dụng. Huawei đã chối bỏ trách nhiệm liên quan, đỗ lỗi rằng đó là hành động cá nhân sai lầm của nhân viên đó.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vấn đề đáng lo ngại nhất từ Huawei không phải là xu hướng ăn cắp, mà là vai trò tiềm tàng của nó trong cuộc tấn công dân chủ toàn cầu của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ mạng lưới internet ở Trung Quốc, chỉ cho phép người dân truy cập các trang web và nội dung đã được kiểm duyệt. Trung Quốc cũng là nơi mà người truy cập máy tính và điện thoại di động thường xuyên bị theo dõi, trong đó Huawei được cho là đóng vai trò khá trọng yếu trong công việc này.
Nếu thiết bị của họ được triển khai rộng rãi trên toàn thế giới, chính phủ Trung Quốc sẽ có thể nghe lén mọi thông tin nhờ việc Huawei lắp đặt các thiết bị giám sát vào phần cứng và phần mềm. Huawei cũng có thể tiến hành kiểm duyệt bằng cách làm chậm lưu lượng truy cập đến các trang web mà họ không thích. Họ thậm chí có thể khởi động các cuộc tấn công mạng.
Huawei tại một triển lãm điện tử tiêu dùng ở Thượng Hải vào tháng 6/2018, ngoài các vụ kiện, Huawei còn bị các nước Phương Tây “quay lưng” với dự án phát triển mạng không dây 5G. (Ảnh: Aly Song/Reuters).
Huawei tự gọi mình là doanh nghiệp tư nhân, nhưng tài chính của họ là bí mật và các giám đốc điều hành đều nhận được các khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ.
Nếu Huawei thành công trong việc lắp đặt thiết bị cho các cơ sở hạ tầng viễn thông ở các nước, thì đó sẽ là một mối đe dọa đối với quản trị dân chủ trên toàn thế giới, tờ USA Today kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27113-tong-thong-trump-hanh-dong-dung-dan-voi-huawei-tq.html
Mỹ điều tàu tuần duyên, khu trục qua eo biển Đài Loan
Mỹ đã gửi tàu khu trục hạm Curtis Wilbur và tàu tuần duyên Bertholf qua eo biển Đài Loan trong ngày 24-3 để làm nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc.Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố từ quân đội Mỹ xác nhận hoạt động tại eo biển Đài Loan của tàu Curtis Wilbur thuộc Hải quân và tàu Bertholf thuộc Lực lượng Tuần tra bờ biển Mỹ.
“Việc các con tàu di chuyển qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu chiến đến bất cứ nơi đâu pháp luật quốc tế cho phép” – tuyên bố ngày 24-3 của quân đội Mỹ thông tin.
Đài Loan là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc bên cạnh chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Reuters cho biết cuộc tuần tra của Mỹ ở eo biển Đài Loan có thể khiến căng thẳng leo thang với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng là một tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Bắc trong bối cảnh những mâu thuẫn đang leo thang giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Dù Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp để giúp đỡ hòn đảo này cũng như là nguồn bán vũ khí chính cho Đài Loan.
Lầu Năm Góc cho biết từ năm 2010 đến nay Washington đã bán cho Đài Bắc hơn 15 tỉ USD vũ khí.
Trong khi đó Trung Quốc vẫn không ngừng tăng cường sự kiểm soát lên hòn đảo vốn được xem là “một tỉnh” của nước này.
Ngoài ra Trung Quốc cũng đã nhiều lần gửi máy bay và tàu chiến đến gần Đài Loan trong các cuộc tập trận của những năm gần đây và cô lập hòn đảo này với các nước trên thế giới.
http://biendong.net/bi-n-nong/27081-my-dieu-tau-tuan-duyen-khu-truc-qua-eo-bien-dai-loan.html
Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên tới Bắc Kinh
Trọng ThànhTrong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, các hoạt động ngoại giao dường như tấp nập trở lại. Hôm nay, 26/03/2019, đặc phái viên Mỹ về Bắc Triều Tiên tới Trung Quốc. Cùng ngày, một giới chức cao cấp của Bình Nhưỡng ghé Bắc Kinh.
Truyền thông chuyên về bán đảo Triều Tiên đưa ra một thông tin mới, cho thấy tổng thống Mỹ từng sẵn sàng chấp nhận nhiều nhân nhượng với Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh Hà Nội tháng 2/2019.
Hôm nay, đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc thông báo đặc sứ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun đang có mặt ở Bắc Kinh. Người phát ngôn sứ quán Mỹ xác nhận với AFP là đặc sứ Biegun tới Trung Quốc « để tiếp tục các phối hợp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các chính sách có liên hệ đến Bắc Triều Tiên ».
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, phó chủ tịch đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, ông Ri Su Yong, cũng tới Trung Quốc. Ông Ri Su Yong rời sân bay quốc tế Bắc Kinh trên một xe hơi của văn phòng đối ngoại của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về mặt chính thức, ông Ri Su Yong quá cảnh Bắc Kinh trên đường công du Lào.
Việc hai giới chức cao cấp Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đồng loạt có mặt ở Trung Quốc – đồng minh chủ yếu của chế độ Bình Nhưỡng – diễn ra gần một tháng sau thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un tại Hà Nội. Thượng đỉnh không ra được thông cáo chung như dự kiến, nhưng Washington và Bình Nhưỡng đều muốn tiếp tục đối thoại.
Tuy nhiên, lập trường giữa hai bên vẫn còn rất khác biệt. Kể từ đó, đặc sứ Mỹ Stephen Biegun nhấn mạnh là Hoa Kỳ chủ trương phi hạt nhân hóa « hoàn toàn và nhanh chóng », để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận. Hồi tuần trước, thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui khẳng định Bình Nhưỡng « hoàn toàn không có ý định nhân nhượng Mỹ ».
Tiết lộ mới về thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội
Trong khi đó, hôm qua 25/03, báo chí Hàn Quốc và quốc tế dẫn lại một thông tin đã xuất hiện trong phát biểu của thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui, trong một cuộc họp báo ngày 15/03 tại Bình Nhưỡng, nhưng chưa hề được báo chí Anh ngữ loan tải.
Trang mạng Mỹ NK News chuyên về Triều Tiên hôm nay có bài viết mang tựa đề : « Trump đã từng để ngỏ cánh cửa cho việc giảm nhẹ trừng phạt tại Hà Nội : Choe Son Hui ». Theo biên bản ghi lại bằng tiếng Triều Tiên, mà báo NK News có được, thứ trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son Hui đã ca ngợi « lập trường mềm mỏng » của tổng thống Mỹ trong cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên hồi tháng trước tại Hà Nội, sẵn sàng giảm bớt trừng phạt, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đình chỉ các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, đồng thời đề xuất cơ chế « snapback », tức tái áp dụng trừng phạt, nếu Bắc Triều Tiên vi phạm thỏa thuận.
Ngược lại, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và ngoại trưởng Mike Pompeo bị tố cáo là « gây trở ngại » cho đàm phán. Theo NK News, thông tin trên về thái độ của tổng thống Mỹ phù hợp với một số nguồn tin mà mạng này có được về tiến trình chuẩn bị đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên trước thượng đỉnh Hà Nội.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190326-dac-su-my-ve-bac-trieu-tien-toi-bac-kinh
Mỹ thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo
Quân đội Mỹ hôm 25/3 cho biết đã thử nghiệm thành công một hệ thống phòng thủ, bắn hạ một mục tiêu tên lửa đạn đạo liên lục địa.Hãng tin Reuters cho rằng việc đó chứng tỏ khả năng phòng thủ của Mỹ trước các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ các nước như Triều Tiên.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ cho biết rằng hai thiết bị đánh chặn đặt trên mặt đất đã được sử dụng trong lần thử này.
Mục tiêu được phóng đi từ một địa điểm thử nghiệm tại quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, cách Căn cứ Không quân Vandenberg ở California, nơi các thiết bị đánh chặn được phóng đi, khoảng 6.400 km.
XEM THÊM:
‘Có hoạt động’ tại nơi sản xuất tên lửa xuyên lục địa Triều Tiên
Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, trung tướng Sam Greaves, coi vụ thử là một “cột mốc quan trọng”.
Ông nói thêm rằng hệ thống phòng thủ được thử nghiệm “hết sức quan trọng đối với việc bảo vệ đất nước, và cuộc thử nghiệm này chứng minh rằng chúng tôi có một sự phòng thủ đáng tin cậy, có khả năng chống lại một mối đe dọa thực sự”.
Năm 2017, Bắc Hàn bắn thử tên lựa đạn đạo liên lục được thiết kế với khả năng bắn tới lục địa Mỹ.
Hồi tháng Một, Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ, coi Bắc Hàn là một mối đe dọa tiếp diễn và “đặc biệt”, 7 tháng sau khi ông tuyên bố rằng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã bị loại bỏ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-th%E1%BB%AD-th%C3%A0nh-c%C3%B4ng-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-ph%C3%B2ng-th%E1%BB%A7-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-%C4%91%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BA%A1o/4848149.html
Ngũ Giác Đài chuyển 1 tỷ đôla ngân sách
sang xây tường biên giới
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chuyển 1 tỷ đôla cho việc lên kế hoạch và xây dựng một “tường rào chắn người đi bộ” dài 57 dặm (91,73 km), đường và đèn chiếu sáng dọc theo biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico, Reuters dẫn lời người đứng đầu Ngũ Giác Đài cho biết hôm 25/3.Tuần trước, Ngũ Giác Đài đã nộp cho Quốc hội danh sách các dự án xây dựng tường biên giới Mỹ-Mexico với giá ước tính khoảng 12,8 tỷ đôla sẽ lấy từ ngân sách.
Tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cấp ngân sách cho bức tường biên giới mà ông đã hứa hẹn nhưng không được Quốc hội chấp thuận.
Trong một bản ghi nhớ gửi Bộ trưởng Bộ Nội An Kirstjen Nielsen, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nói rằng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền hỗ trợ cho các hoạt động chống ma túy gần biên giới quốc tế.
Ông Shanahan đã ủy quyền cho Công binh Lục quân Hoa Kỳ bắt đầu lên kế hoạch và thực hiện các dự án bao gồm việc xây dựng tường rào cao 18 ft (gần 5,5 m) dài 57 dặm, xây dựng và cải thiện đường sá, lắp đặt đèn chiếu sáng bên trong khu vực Yuma và El Paso của biên giới Mỹ-Mexico.
https://www.voatiengviet.com/a/ngu-giac-dai-chuyen-1-ty-dola-ngan-sach-sang-xay-tuong-bien-gioi/4848618.html
Trump ám chỉ sẽ trả đũa kẻ thù ‘xấu xa’ vụ báo cáo Mueller
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng những kẻ thù làm “điều xấu xa” và “phản quốc” sẽ bị xem xét sau khi ông được xóa cáo buộc thông đồng với Nga.Phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông nói rằng không muốn thấy thêm một tổng thống nào khác phải bị điều tra về “một tường thuật sai lệch”.
Ông đưa ra phát ngôn một ngày sau khi Bộ trưởng Tư pháp công bố bản tóm tắt về báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
‘Báo cáo Mueller’ liệu có kết thúc mọi việc?
Ông Trump ‘không đồng lõa với Nga’
Trump mất thêm luật sư cho vụ điều tra Trump-Nga
Mueller nói tin của Buzzfeed về Trump không chuẩn
Văn bản này nói ông Trump không âm mưu với Nga để can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr kết luận rằng không có đủ bằng chứng để truy tố về vấn đề cản trở công lý.
Tổng thống Trump nói gì?
Ông Trump đang tiếp đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 25/3 khi một phóng viên hỏi ông về hệ lụy của báo cáo Mueller.
“Có rất nhiều người ngoài kia đã làm một số điều rất, rất xấu xa và tồi tệ”, ông Trump nói. “Đó là hành vi phản quốc, chống lại đất nước.”
“Những người đó chắc chắn phải bị xem xét, tôi đã để ý họ rất lâu.”
“Họ đã nói dối với Quốc hội – nhiều người trong số họ, quý vị biết họ là ai – họ đã làm quá nhiều điều xấu xa. “
Ông Trump không nêu tên những người bị cáo buộc.
Ông nói thêm: “Chúng ta không bao giờ để điều này xảy ra với một tổng thống nào khác thêm một lần nữa. Tôi có thể nói với quý vị điều đó.”
Điều tra Trump-Nga: Cohen đưa Mueller vào trong thế giới của Trump
‘Đau đầu lớn nhất của Trump không phải là Mueller’
Trump ‘đã trả lời các câu hỏi’ về Trump-Nga
Paul Manafort, cựu giám đốc tranh cử của Trump bị bỏ tù
Phản ứng của những người khác?
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham đề ra chiến lược của Đảng Cộng hòa khi ông cam kết “giải quyết mặt khác của câu chuyện” về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Thượng nghị sĩ Nam Carolina, người đã có buổi họp cuối tuần với ông Trump ở Florida, cho biết Ủy ban của ông sẽ điều tra cuộc điều tra của Bộ Tư pháp.
Việc FBI sử dụng một hồ sơ được cựu điệp viên người Anh Christopher Steele biên soạn nhằm làm mất uy tín ông Trump, sẽ nằm trong số các khía cạnh được xem xét kỹ lưỡng, ông Graham nói.
Trong khi đó, đảng Dân chủ đang tập trung vào một dòng trong bản tóm tắt của Bộ trưởng Tư pháp nói rằng báo cáo của ông Mueller “không miễn trừ” cho ông Trump về cáo buộc cản trở công lý, dù ông Barr kết luận hôm 24/3 là không có đủ bằng chứng cho thấy ông Trump phạm tội.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler cho biết ông sẽ triệu tập ông Barr để điều trần “về những sự tương phản đáng lo ngại và việc ra quyết định cuối cùng tại Bộ Tư pháp”.
Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện ấn định phiên điều trần vào ngày 9/4 cho ngân sách của Bộ Tư pháp, mà ông Barr dự kiến sẽ tham dự, Politico đưa tin. Các ủy ban khác có thể yêu cầu ông ra điều trần thậm chí sớm hơn.
Hôm 25/3, lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mitch McConnell chặn động thái của phe Dân chủ thúc giục ông Barr công bố bản báo cáo của Mueller cho công chúng.
Ông nói còn quá sớm để công bố bản báo cáo đầy đủ vì “công tố viên đặc biệt và Bộ Tư pháp phải được phép hoàn thành công việc của họ”.
Thượng nghị sĩ McConnell viết trên Twitter: “Không thông đồng. Không có âm mưu. Không có sự cản trở.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47689528
Những điểm chính sau cuộc điều tra Nga-Trump
Cuộc điều tra kéo dài 22 tháng do Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu để tìm hiểu về việc có hay không sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử cho ông Trump với Nga, quốc gia bị tố cáo can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.Đây là năm điểm ghi nhớ chính từ cuộc điều tra:
Không cho thấy ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump có âm mưu hay phối hợp với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016.
Ông Mueller để ngỏ câu hỏi về liệu ông Trump có cản trở công lý hay không. Bộ trưởng Tư pháp William Barr kết luận rằng ‘không có đủ bằng chứng để khẳng định rằng ông Trump phạm tội cản trở công lý.’
Với các chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang diễn ra, đấu đá chính trị đang tiếp diễn ở Washington. Ông Trump nói rằng ông hoàn toàn được giải tội trong khi phe Dân chủ, hiện đang thực hiện cuộc điều tra của riêng họ ở Hạ viện, bác bỏ tuyên bố này của ông và đòi xem toàn bộ bản báo cáo của ông Mueller.
Ông Mueller hôm 22/10 đã chấm dứt cuộc điều tra sau khi tống đạt cáo trạng với 34 người, trong đó có các điệp viên Nga và các cựu đồng minh chủ chốt của ông Trump chẳng hạn cựu chủ tịch ban vận động Paul Manafort, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn và cựu luật sư riêng Michael Cohen, mặc dù không có cáo trạng nào dính trực tiếp đến việc liệu ông Trump có thông đồng với Moscow để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không.
Các khó khăn pháp lý của ông Trump còn lâu mới hết, với văn phòng công tố liên bang ở Manhattan và các công tố viên khác đang theo đuổi các vụ việc bao gồm những vi phạm về tài chính tranh cử. Các công tố viên cho biết ông Trump đã ra lệnh cho cựu luật sư riêng Cohen trả tiền bịt miệng cho một số phụ nữ đã có quan hệ tình dục với ông Trump. Tổng thống Trump phủ nhận có quan hệ tình dục với hai phụ nữ: Stormy Daniels – diễn viên phim khiêu dâm – và cựu người mẫu tạp chí Playboy Karen McDougal. Các công tố viên cũng đang xem xét những khoản đóng góp có khả năng là bất hợp pháp cho ủy ban nhậm chức của ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%83m-ch%C3%ADnh-sau-cu%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-nga-trump/4847753.html
Apple ra mắt dịch vụ truyền hình trực tuyến và thẻ tín dụng
Zoe KleinmanPhóng viên công nghệ , BBC NewsApple ra mắt nền tảng truyền hình trực tuyến mới của mình, Apple TV +, tại một sự kiện ở California với sự góp mặt của dàn sao hùng hậu.
Jennifer Aniston, Steven Spielberg và Oprah Winfrey là một trong số những người đã lên sân khấu tại trụ sở của Apple bật mí về việc họ tham gia vào các dự án truyền hình của gã khổng lồ công nghệ.
Nền tảng truyền hình trực tuyến của Apple sẽ bao gồm các chương trình từ các dịch vụ hiện có như Hulu và HBO.
Apple cũng tuyên bố rằng họ sẽ ra mắt thẻ tín dụng, cổng thông tin chơi game và ứng dụng tin tức nâng cao.
Sự kiện này được tổ chức tại California và Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã nhấn mạnh ngay từ đầu rằng đây sẽ là buổi ra mắt các dịch vụ mới, không phải thiết bị mới.
Đây là một sự thay đổi hướng đi cho công ty 42 tuổi này.
Vì sao Microsoft đang thịnh, Apple sa sút?
Apple gợi ý giảm giá bán iPhone
Apple TV
Đã có nhiều dự đoán về việc Apple sẽ thâm nhập vào thị trường truyền hình trực tuyến, đang bị thống trị bởi Amazon và Netflix.
Ứng dụng Apple TV+ đã được Steven Spielberg giới thiệu và sẽ ra mắt vào mùa Thu.
Spielberg sẽ tự mình làm một số sản phẩm cho nền tảng mới, ông nói.
Những ngôi sao khác đã lên sân khấu bao gồm Reese Witherspoon, Steve Carell, Jason Momoa, Alfre Woodard, diễn viên hài Kumail Nanjiani và Big Bird từ Sesame Street.
Ứng dụng sẽ lần đầu tiên xuất hiện trên các thiết bị đối thủ, đến với TV thông minh Samsung, LG, Sony và Vizio cũng như Firestick và Roku của Amazon.
Thẻ tín dụng Apple
Thẻ tín dụng Apple Card sẽ ra mắt tại Mỹ vào mùa Hè năm nay.
Sẽ có cả trên iPhone và phiên bản vật lý, với ưu đãi hoàn lại tiền cho mỗi lần mua.
Thẻ tín dụng sẽ không có phí trả trễ, phí thường niên hoặc phí quốc tế, Phó chủ tịch Apple Pay, Jennifer Bailey cho biết.
Nó được ra đời ra với sự trợ giúp của Goldman Sachs và MasterCard.
Apple News+
Apple cũng tiết lộ một dịch vụ mới, Apple News+, sẽ bao gồm hơn 300 tạp chí như Marie Claire, Vogue, New Yorker, Esquire, National Geographic và Rolling Stone.
Tờ LA Times và Wall Street Journal cũng sẽ là một phần của nền tảng, công ty cho biết.
Apple nói thêm rằng sẽ không theo dõi những gì người dùng đọc hoặc cho phép các nhà quảng cáo làm như vậy.
Người xem Apple News+ sẽ phải trả 9,99 đôla một tháng và dịch vụ này sẽ hoạt động ngay lập tức tại Hoa Kỳ và Canada, và sẽ có mặt tại châu Âu vào cuối năm nay.
Không giống như TV+, nền tảng tin tức sẽ chỉ có mặt trên các thiết bị của Apple.
Apple Arcade
Một nền tảng trò chơi mới, Apple Arcade, sẽ cung cấp hơn 100 trò chơi độc quyền từ cửa hàng ứng dụng, tất cả sẽ có thể chơi mà không cần kết nối internet, trái ngược với nền tảng phát trực tuyến Stadia được công bố gần đây của Google.
Nó sẽ được tung ra trên 150 quốc gia vào mùa Thu nhưng chưa đưa ra mức giá.
Năm 2018, công ty phân tích IHS Markit đã định giá thị trường trò chơi toàn cầu trên iOS, hệ điều hành của Apple, ở mức 33,5 tỷ đôla.
Phân tích
Dave Lee, phóng viên công nghệ Bắc Mỹ, tại Nhà hát Steve Jobs
Apple đang có những bước tiến mạnh mẽ vào nhiều thị trường khác nhau, và chỉ nhờ vào quy mô khổng lồ của mình, họ ngay lập tức trở thành một người chơi lớn.
Dịch vụ truyền hình của Apple đã được xúc tiến từ lâu và Apple đã tích lũy được một đội ngũ các ngôi sao lớn, như kỳ vọng.
Điều đang được quan tâm hơn là những ý tưởng sáng tạo đó sẽ đi tới đâu – rất nhiều thành công của Netflix là do tìm kiếm tài năng mới, chứ không phải ném tiền vào những cái tên đã nổi tiếng.
Cũng phải băn khoăn về việc Apple sẵn sàng đi xa tới đâu với những nỗ lực sáng tạo của mình: nếu họ cũng kiểm soát truyền hình như đang làm với thương hiệu của mình, họ sẽ tạo ra một dịch vụ thiếu phần chấp nhận rủi ro.
Nhưng TV chỉ là một phần nhỏ trong những gì Apple đang muốn làm. Họ muốn (và cần) biến các thiết bị của mình thành nơi mà thông qua đó bạn làm mọi thứ khác – TV / phim, chơi game, đọc tin tức … và cả những thứ khác nữa trong tương lai rất gần.
Việc ra mắt thẻ tín dụng cho thấy Apple đã chuẩn bị rất kỹđể đảm bảo bạn có thể làm mọi thứ thông qua iPhone của mình.
Như Oprah đã nói trên sân khấu: “iPhones đang ở trong một tỷ túi quần của chúng ta, các bạn ạ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47702704
Mexico đòi Madrid và Vatican xin lỗi
vì ‘thảm sát 500 năm trước’
Tổng thống Mexico gửi thư cho nhà vua Tây Ban Nha và Giáo hoàng Francis đòi họ xin lỗi vì vi phạm nhân quyền xảy ra 500 năm trước.Vì sao bản đồ luôn lấy hướng bắc làm chuẩn?
Tordesillas, nơi thế giới bị xẻ làm đôi
Về tấm bản đồ đặt tên cho Châu Mỹ
Tổng thống Andrés Manuel López Obrador nói các dân tộc ở Mexico đã bị thảm sát khi Tây Ban Nha chinh phục châu Mỹ.
Nhưng Tây Ban Nha bác bỏ lá thư, nói rằng cần có “góc nhìn xây dựng”.
Khu vực mà nay làm thành lãnh thổ Mexico đã bị Tây Ban Nha cai trị đến 300 năm, trước khi có độc lập vào thế kỷ 19.
Trong nhiều thế kỷ, Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo La Mã và tự coi là có sứ mạng đem Cơ Đốc giáo đến cải đạo cho các tộc người bản địa ở châu Mỹ.
Quá trình này được gọi là “Khai hóa bằng lưỡi gươm và cây thánh giá”.
Andrés Manuel López Obrador là tổng thống cánh tả đầu tiên ở Mexico sau 70 năm, và theo đuổi nghị trình riêng từ khi nhậm chức tháng 12/2018.
Ông cam kết chống tham ô, giảm bất bình đẳng và giúp người nghèo.
Ông tuyên bố đã gửi thư cho vua Tây Ban Nha và Giáo hoàng để đòi họ phải thừa nhận vi phạm nhân quyền và phải xin lỗi các dân tộc thiểu số.
“Đã đến lúc hòa giải nhưng đầu tiên họ cần xin tha thứ.”
Mexico có dân số theo Thiên Chúa giáo lớn thứ hai thế giới, sau Brazil.
Nhưng chính phủ Tây Ban Nha ra tuyên bố nói sự có mặt của người Tây Ban Nha 500 năm trước không thể bị đánh giá theo góc nhìn hôm nay.
Nhà hàng hải Christopher Columbus mở đầu cuộc khai phá châu Mỹ với chuyến đi năm 1492.
Cuộc chinh phục Mexico năm 1519 xảy ra khi Hernán Cortés dẫn đầu nhóm quân đổ bộ xuống nơi bây giờ là Veracruz.
Chỉ trong hai năm, Tây Ban Nha đã thu phục đế chế Aztec.
Hernán Cortés được ca ngợi là lãnh đạo tài năng giúp chinh phục thành công.
Nhưng nhiều người dân bản địa đã thiệt mạng trong chiến tranh, các vụ thảm sát hoặc chết vì không có sức đề kháng trước bệnh dịch mà người châu Âu mang tới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47693420
Tổng thống Brazil ra lệnh cho quân đội
kỷ niệm cuộc đảo chính 1964
Trọng ThànhTổng thống Brazil Bolsonaro, vốn nổi tiếng với lập trường ca ngợi giai đoạn độc tài quân sự (1964-1985), hôm qua 25/03/2019, đã ra quyết định kỷ niệm 55 năm ngày đảo chính 31/03/1964 trong lực lượng quốc phòng.
Theo AFP, về quyết định này, ông Otávio Régo Barros, người phát ngôn của tổng thống Brazil giải thích : Tổng thống không coi sự kiện này là một cú đảo chính quân sự, mà là một cuộc tập hợp của đông đảo dân chúng và binh sĩ, trong bối cảnh đất nước lâm nguy, nhằm giành lấy quyền kiểm soát đất nước. Vẫn theo người phát ngôn của tổng thống Brazil, nếu không có biến cố này, thì đất nước Brazil hiện nay sẽ phải sống dưới một chính quyền tồi tệ.
Theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm sự thật, trong giai đoạn độc tài quân sự Brazil, đã có 434 vụ sát hại chính trị và hàng trăm trường hợp bắt người vô cớ, và tra tấn đối lập. Một số tài liệu được giải mật tại Hoa Kỳ hồi năm ngoái cho thấy các quyết định thanh toán đối lập được đưa ra tại phủ tổng thống.
Tổng thống Jair Bolsonaro không bao giờ che giấu thái độ hâm mộ nền độc tài. Năm 2016, ông Bolsonaro khẳng định trên đài Jovem Pan : « Sai lầm của nền độc tài trước đây là chỉ tra tấn nhưng không giết ».
Trong một phiên họp của Hạ Viện Brazil tháng 4/2016, để bỏ phiếu phế truất nữ tổng thống Dilma Rousseff (một cựu du kích quân, từng bị tra tấn dưới thời độc tài quân sự), nghị sĩ Bolsonaro đã ca ngợi một chỉ huy tình báo dưới thời độc tài, bị cáo buộc giết hại ít nhất 6 người bằng tra tấn. Nghị sĩ Bolsonaro nói bỏ phiếu thông qua việc phế truất tổng thống Rousseff, vì « lòng tưởng nhớ thiếu tá Carlos Alberto Brilhante Ustra ».
Năm 2011, bà Rousseff khi còn là tổng thống đã ra quyết định cấm các lực lượng vũ trang kỷ niệm thời độc tài quân sự, dưới bất cứ hình thức nào.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190326-tong-thong-brazil-ra-lenh-cho-quan-doi-ky-niem-cuoc-dao-chinh-1964
Brexit: Thủ tướng Anh mất kiểm soát,
Quốc hội tìm lựa chọn khác
Chính trị Anh tối thứ Hai 25/3 tiếp tục phức tạp, sau khi Quốc hội, trong động thái chưa từng có, bỏ phiếu giành quyền kiểm soát quá trình ra khỏi EU (Brexit).Brexit: Anh được hai ‘hạn chót’ treo trên đầu
Brexit và băn khoăn của sinh viên châu Á
Chính phủ thủ tướng Theresa May thua trong cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, với tỉ lệ 329 phiếu chống chính phủ, và 302 ủng hộ.
Điều này có nghĩa là các nghị sĩ sẽ được phép tổ chức các vòng bỏ phiếu thử vào thứ Tư 27/3 để dò xem phiên bản Brexit nào có thể chiếm đa số ở hạ viện Anh.
Thủ tướng Theresa May vừa tuyên bố chính phủ của bà sẽ không bị diễn tiến thứ Tư ràng buộc.
Còn lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn nói chính phủ “buộc phải xem trọng tiến trình”.
Ba nghị sĩ và là quan chức trong chính phủ Anh – Richard Harrington, Alistair Burt và Steve Brine – từ chức trong tối thứ Hai vì họ bỏ phiếu chống lại chính phủ bà May.
Vào ngày 27/3, hạ viện Anh sẽ tổ chức các vòng bỏ phiếu thử về một loạt lựa chọn khác nhau quanh Brexit, ví dụ như một Brexit “mềm” hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Mục đích của quốc hội là thử xem liệu giải pháp nào có thể chiếm đa số trong giới nghị sĩ, sau khi giải pháp của bà May đã bị họ bác bỏ.
Thủ tướng Theresa May nói chính phủ sẽ không bị ràng buộc vì các lựa chọn trong hôm 27/3.
“Tôi không thể cam kết chính phủ làm theo kết quả cuộc bỏ phiếu của hạ viện.”
“Nhưng tôi cam kết đối thoại xây dựng với quá trình này.”
Tuần rồi, EU nói sẽ đình hoãn ngày ra khỏi EU của Anh cho tới ngày 22/5 thay vì 29/3 nhưng với điều kiện quốc hội thông qua giải pháp của bà May.
Nếu quốc hội vẫn không chịu thông qua, Anh quốc còn hạn 12/4 để cho biết kế hoạch.
Chủ tịch hội đồng châu Âu Donald Tusk tuần rồi nói mọi giải pháp Brexit vẫn được xem xét cho tới 12/4.
Như vậy, gần ba năm sau cuộc bỏ phiếu ra khỏi EU năm 2016, Anh quốc vẫn chưa rõ khi nào hay liệu Brexit sẽ diễn ra không, theo hình thức nào.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47701899
Máy bay Anh hạ cánh nhầm xuống Scotland, thay vì Đức
Hãng hàng không Anh British Airways đã buộc phải lên tiếng xin lỗi sau khi một chuyến bay từ London tới Dusseldorf đã hạ cánh nhầm xuống Edinburgh, cách điểm đến dự kiến khoảng 965 km.Sự nhầm lẫn xảy ra sau khi phi hành đoàn mà hãng ký hợp đồng thực hiện chuyến bay sử dụng hành trình bay sai nên đã xuất phát từ sân bay ở London tới thủ đô của Scotland, thay vì thành phố của Đức.
XEM THÊM:
Tiếp viên hãng British Airways bắt đầu đình công
British Airways nói rằng chiếc máy bay 96 chỗ do công ty hàng không WDL Aviation của Đức vận hành.
Phi hành đoàn và chiếc máy bay thực hiện chuyến bay nhầm lẫn được thuê lại từ WDL.
British Airways ra thông cáo nói rằng hãng này đang làm việc với WDL Aviation “để xác định lý do” về hành trình bay sai.
Hãng hàng không Anh cũng ngỏ lời “xin lỗi các hành khách vì sự gián đoạn trong hành trình”.
https://www.voatiengviet.com/a/m%C3%A1y-bay-anh-h%E1%BA%A1-c%C3%A1nh-nh%E1%BA%A7m-xu%E1%BB%91ng-scotland-thay-v%C3%AC-%C4%91%E1%BB%A9c/4848187.html
Đức sẽ không bỏ qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
dù cải thiện quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thông tin từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết, ông Peter Altmaier Bộ trưởng Bộ kinh tế cùng một phía đoàn kinh tế cấp cao và một số nghị sĩ quốc hội liên bang Đức có chuyến thăm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-26/3. Hai bên sẽ tiến hành nhiều cuộc trao đổi song phương với đại diện Chính phủ Việt Nam và tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.Ngay trước chuyến thăm, Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Atlemaier được trích lời trong một thông cáo của Đại sứ quán Đức cho biết “Việt Nam là một đối tác kinh tế trung tâm của Đức tại Châu Á. Tôi sẽ bàn bạc với các đại diện Chính phủ Việt Nam để làm thế nào tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia”
Quan hệ Đức và Việt Nam đã gặp khủng hoảng sau khi Đức hồi năm 2017 lên tiếng cáo buộc Việt Nam cho mật vụ sang Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí của Việt Nam đang bị truy nã vì các cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Ông Thanh lúc đó đang xin quy chế tị nạn tại Đức. Sau đó phía Đức đã tuyên bố tạm ngưng đối tác chiến lược với chính phủ Hà Nội và yêu cầu Hà Nội phải lên tiếng xin lỗi chính thức và trao trả Trịnh Xuân Thanh về cho phía Đức. Cho đến lúc này, Trịnh Xuân Thanh vẫn đang thụ án tù ở Việt Nam sau khi bị tòa án ở Việt Nam hồi đầu năm ngoái tuyên hai án chung thân về tội tham ô.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, có một chuyến công du Việt Nam cấp bộ trưởng và cũng là một dấu hiệu có thể cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược bị gián đoạn hơn 1 năm rưỡi này dần được nối lại.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan cho rằng, chuyến thăm lần này được xem rất quan trọng với Việt Nam sau một khoảng thời gian dài ngưng đọng và thụt lùi mà ai cũng biết rõ nguyên nhân từ đâu.
Tất nhiên ở đây chúng ta không biết được cụ thể đằng sau hậu trường hoặc trên các bàn đàm phán của cả hai phía và chắc chắn Việt Nam đã có những tương nhượng để bộ trưởng kinh tế Đức thừa nhận là Việt Nam là đối tác trung tâm của Đức tại Châu Á.
- TS. Đinh Hoàng Thắng
“Sau từng ấy thời gian thì ngay cả Việt Nam lẫn phía Đức thấy rằng giờ đây là lúc cả hai phía khôi phục lại mối quan hệ đối tác chiến lược. Đây là đòi hỏi khách quan trong bối cảnh cả Châu Âu lẫn Đông Nam Á đang có những chuyển động khá cấp tấp do tác động của cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lẫn những rạn nứt trong mối quan hệ kinh tế nói chung và cấp độ khu vực toàn cầu. Tất nhiên ở đây chúng ta không biết được cụ thể đằng sau hậu trường hoặc trên các bàn đàm phán của cả hai phía và chắc chắn Việt Nam đã có những tương nhượng để bộ trưởng kinh tế Đức thừa nhận là Việt Nam là đối tác trung tâm của Đức tại Châu Á.”
Đồng thời tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng còn nói thêm, Việt Nam luôn coi Đức và Pháp như hai đầu tàu không chỉ quan trọng trong khốii Châu Âu mà cũng vô cùng thiết yếu với dòng hàng hóa từ Việt Nam sang EU và ngược lại.
Theo cơ quan thống kê Liên bang Đức, năm 2018 kim ngạch thương mại Việt Đức đạt lên tới 13.8 tỷ Euro, trong đó 9,7 tỷ Euro là nhập khẩu từ Việt Nam và 4,1 tỷ Euro là xuất khẩu sang Việt Nam
Chúng tôi liên lạc với nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thời Báo bằng Tiếng Việt tại Berlin để tìm hiểu thông tin về chuyến đi này và được anh cho biết, nhiệm vụ chính của ông Bộ trưởng kinh tế Đức trong chuyến thăm Việt Nam lần này là bàn về kinh tế và kết nối lại quan hệ giữa Việt Nam và Đức sau thời gian dài bị đóng băng.
“Tuy nhiên trước chuyến đi theo tôi được biết tại tổ chức phóng viên không biên giới của Đức đã nói với chúng tôi rằng, họ đã gặp bộ trưởng bộ kinh tế Đức để tham vấn và đưa những thông tin và mong rằng trong cái chuyến đi về Việt Nam ngoài việc hợp tác về kinh tế thì ông Atlmaier sẽ nói những công việc và câu chuyện về dân chủ nhân quyền, tự do báo chí và tự do biểu đạt cái mà Việt Nam đang rất thiếu và cái điều mà Châu Âu và Đức cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế trong vấn đề đó.”
Trước chuyến đi, hãng tin AFP vào ngày 23/3 có đưa tin khối Đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức đã gửi thư kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế Atlmaier đề cập đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nhân chuyến thăm nước này.
Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức cho biết “Theo thông tin mà tôi nắm được và theo trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước Đức cũng có nói về việc thúc dục Bộ trưởng kinh tế Đức có những cuộc gặp với những người trong nước tạm gọi là phản biện và bất đồng chính kiến ở trong nước và điều đó có diễn ra hay không thì chúng ta phải đợi xem như thế nào.”
Nhà báo và nhà quan sát chính trị tại Việt Nam, tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho hay, đây là chuyến thăm cấp bộ trưởng lần đầu tiên sau vụ Trịnh Xuân Thanh, đây là một dấu hiệu đáng chú ý. Tuy nhiên ông không chắc vấn đề Trịnh Xuân Thanh và nhân quyền trong chuyến đi lần này của Bộ trưởng Kinh tế Đức đến Việt Nam
“Chưa biết là ông đến Hà Nội thì ông có nêu vấn đề nhân quyền hay việc Trịnh Xuân Thanh hay không nhưng có vẻ chuyến thăm trước đó của ông Phạm Bình Minh đã hứa hẹn là trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và do đó Đức có vẻ cảm thấy nới ra và bớt căng thẳng hơn trong mối quan hệ ngoại giao và có thể phục hồi đối tác chiến lược.”
Ngoài ra, nhà báo Phạm Chí Dũng còn cho biết thêm tính đến thời điểm này, anh không có bất kỳ thông tin nào về việc phía Đức sẽ gặp gỡ và muốn gặp các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam và anh tin chắc sẽ không có cuộc gặp nào được diễn ra.
Trong thư gửi Bộ trưởng kinh tế Đức phát ngôn về nhân quyền của khối Đảng Xanh trong quốc hội liên bang Đức có chỉ ra rằng các tổ chức phi chính phủ luôn mô tả tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là vô cùng đáng lo ngại, các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội bị giới hạn một cách có hệ thống và tùy tiện. Tổng cộng có 130 nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ trong tù.
Đức là nước luôn quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và thời gian qua đã tiếp nhận những nhà hoạt động vì nhân quyền bị cầm tù như Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự cô Lê Thu Hà.
Dư luận Việt Nam lên tiếng cho rằng, sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã mối quan hệ Việt Đức gặp rất nhiều rắc rối và Đức ngưng ban giao với Việt Nam nhưng sau một thời gian dài Đức lại lên tiếng khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế trung tâm chiến lược tại Châu Á. Liệu rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã bị phía Đức cho qua đi.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói với chúng tôi rằng, tuy không có bằng cớ xác thực nhưng bằng phép suy đoán thì chúng ta có thể giả định vụ Trịnh Xuân Thanh đã được phía Đức bỏ qua.
“Chúng ta nhớ lại là qua vụ TXT thì từng có những tuyên bố cứng rắn từ phía các chính khách Đức và chính phía Đức đã treo mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong ngần ấy thời gian và nay cũng chính phía Đức cũng nói rằng đã đến lúc khôi phục lại mối quan hệ song phương và tất nhiên họ nhấn mạnh về đối tác chiến lược về kinh tế trước nhưng rõ ràng ở đây có một sự trao đổi ít nhất tôi nghĩ phải ngang giá và một sự tương nhượng nào đó trên thực tế để hai phía có thể tái ngộ và đồng thuận như hiện nay.”
Còn đối với nhà báo Phạm Chí Dũng thì cho rằng chắc chắn phía Đức sẽ không bỏ qua vụ bắt cóc này.
“Bởi vì Đức cần Việt Nam tôn trọng nhà nước pháp quyền của Đức đây không phải là Đức đang bảo vệ cho một kẻ tham nhũng như TXT, chúng ta điều biết TXT là một quan chức có rất là nhiều tham nhũng và việc TXT xin tị nạn chính trị ở Đức thì người Đức chỉ làm theo thủ tục mà thôi và việc Đức yêu cầu trả TXT đó cũng là theo thủ tục trả nguyên trạng để Đức làm thủ tục chứ không phải Đức bảo vệ một kẻ tham nhũng, nhưng muốn Việt Nam tôn trọng nhà nước pháp quyền đó là tiêu chí đầu tiên của Đức.”
Đồng ý với điều này nhà báo Lê Trung Khoa cho biết, Đức là một nhà nước Tam quyền Phân lập cho nên bên Hành pháp là cơ quan mà Bộ kinh tế Đức sang làm việc với Việt Nam để kết nối kinh tế thì họ vẫn làm, còn phía Tư Pháp họ độc lập nên vẫn tiếp tục điều tra và điều tra rất sâu về vụ bắt cóc này.
Ngoài ra, nhà báo Lê Trung Khoa còn cho biết thêm, hiện nay phía cảnh sát Đức đã cử cán bộ sang Slovakia để lấy cung những là nhân chứng của vụ bắt cóc đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/germany-will-not-ignore-the-kidnapping-of-trinh-xuan-thanh-despite-resuming-diplomacy-03262019070422.html
Giáo dục Hàn Quốc: Thành công lớn, căng thẳng nhiều
Tháng 10 năm ngoái, tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm bà Yoo Eun-hae, làm bộ trưởng giáo dục kiêm phó thủ tướng, bất chấp tranh cãi về bà.Park Geun-hye: Từ danh vọng tổng thống đến sa cơ
Jonghyun: Ngôi sao Hàn Quốc ‘tự tử vì trầm cảm’
Cựu tổng thống Hàn Lee Myung-bak tù 15 năm
Phe đối lập cáo buộc bà có những sai phạm đạo đức, trong đó nổi bật là việc khai báo địa chỉ giả để con gái vào học trường “xịn” tại Seoul.
Trước khi bà được bổ nhiệm, 70.000 người Hàn Quốc ký đơn trên mạng kêu gọi tổng thống rút lại việc đề cử.
Bà Yoo thừa nhận năm 1997 bà cho địa chỉ nhà riêng giả vì bà muốn con gái được vào học chung với bạn bè tại một trường cấp một.
Bà đã xin lỗi vì vụ việc. Nhưng các nghị sĩ đối lập không hài lòng, vì trường con gái bà học là một trong những địa chỉ uy tín nhất ở Seoul.
Việc để một nhân vật tranh cãi làm bộ trưởng giáo dục, dường như cũng thể hiện tính chất tranh cãi của giáo dục Hàn Quốc với đầy đủ thành tựu và bê bối.
Báo cáo mới nhất của OECD cho hay số lượng người học đại học ở Hàn Quốc cao nhất trong nhóm các nước phát triển.
Ngân sách chính phủ dành cho giáo dục giai đoạn nhà trẻ tăng mạnh giai đoạn 2010-2015.
70% dân số tuổi 25-34 của Hàn Quốc có bằng đại học, nhiều hơn Canada, Nga và Nhật.
Ưu tiên giáo dục ở Hàn Quốc đã giúp nước này biến đổi từ nghèo nàn thập niên 1960 thành nhà xuất khẩu thứ năm thế giới hôm nay.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới còn xếp Hàn Quốc là nền kinh tế cạnh tranh thứ 15 thế giới.
Giới trẻ buồn rầu?
Tuy vậy, sức ép thành đạt gây ra stress cho nhiều học sinh Hàn Quốc.
Theo báo cáo của OECD, hơn 20% học sinh tuổi 15 của Hàn Quốc nói rằng họ không hài lòng với cuộc đời mình, so với tỉ lệ chưa đầy 4% ở Hà Lan.
Chỉ có 18,6% học sinh Hàn Quốc nói họ rất thỏa mãn với cuộc đời mình. Trong khảo sát này, chỉ có học sinh Đài Loan, Hong Kong và Macao tỏ ra bất hạnh hơn.
Sức ép vào đại học để hy vọng có việc làm lương cao góp phần khiến giới trẻ bị stress.
Có ba đại học số một Hàn Quốc – Seoul, Korea và Yonsei – nhưng chỉ có 2% thí sinh được nhận vào mỗi năm.
Trong lúc ai cũng mong vào trường tốt, ngành công nghiệp dạy thêm đã trị giá tới 15,8 tỉ đôla vào năm 2017.
Một bài báo của South China Morning Post năm ngoái dẫn lời một người Hàn Quốc giấu tên nói chỉ mới 29 tuổi mà cô ta đã phải trải qua 50 kỳ thi trong đời.
Tại Hàn Quốc, các ngành nghề “cổ trắng” như chính phủ, báo chí và tại các ‘chaebol’ như Samsung, LG và Hyundai, đòi hỏi các kỳ thi liên tục và ngặt nghèo.
Năm ngoái, phim truyền hình SKY Castle trở thành hit ở Hàn Quốc, chế nhạo bố mẹ nước này đạp lên nhau để ganh đua trong việc giáo dục con cái.
Nhưng ngoài đời thật, các gia đình Hàn Quốc có điều kiện vẫn tiếp tục bỏ tiền vào giáo dục tư nhân cho con cái với hy vọng thăng tiến.
Chính phủ nói chi phí bố mẹ dành cho giáo dục tư đã tăng kỷ lục trong năm 2018.
Ước đoán của chính phủ nói 17 tỉ đôla là số tiền các gia đình Hàn Quốc chi xài cho trường tư năm 2018, tăng 4,4% so với 2017.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47708689
Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc với Hàn Quốc ở Kaesong
Bắc Hàn rút khỏi văn phòng liên lạc liên-Triều, vốn được mở trong thời gian mối quan hệ giữa hai bên trở nên ấm áp hơn hồi năm ngoái.Văn phòng liên lạc được thiết lập nhằm hỗ trợ cho các cuộc trao đổi với Nam Hàn.
Seoul nói họ được liên hệ hôm thứ Sáu và được thông báo rằng các nhân viên Bắc Hàn sẽ rời đi vào cuối ngày hôm nay.
Hàn Quốc tỏ ý lấy làm tiếc về quyết định trên, và thúc giục các nhân viên miền Bắc hãy quay trở lại càng sớm càng tốt.
Hội nghị bất thành
Việc rút đi diễn ra sau khi có cuộc họp thượng đỉnh bất thành giữa hai nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Bắc Hàn tại Hà Nội hồi tháng trước.
Văn phòng liên lạc được đặt tại thành phố biên giới Kaesong của Bắc Hàn, cho phép các quan chức của hai miền Triều Tiên giữ liên lạc thường xuyên, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Nơi này đáp ứng nhu cầu làm việc tới 20 người của mỗi bên.
Liệu Bắc Hàn có thể trở thành một Việt Nam khác?
Phóng viên BBC tại Seoul, Laura Bicker nói Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã hy vọng là mối quan hệ ngoại giao của ông với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã tiến triển đủ tốt để vượt qua được bất kỳ vấn đề nào giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ. Thế nhưng có vẻ như Bình Nhưỡng không nghĩ vậy.
Seoul đã hy vọng sẽ hành động như một bên trung gian giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và ông Kim.
Việc Bình Nhưỡng nay thậm chí còn không sẵn lòng để nhân viên ở cùng trong một văn phòng với người của Nam Hàn rõ ràng không báo hiệu điều gì tốt đẹp, phóng viên chúng tôi nói.
Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh bất thành tại Việt Nam hồi tháng trước giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn, Bình Nhưỡng đã cảnh báo rằng họ có thể nối lại hoạt động thử hỏa tiễn và hạt nhân vào bất kỳ lúc nào.
Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui hồi đầu tháng này nói rằng Washington đã vứt đi “một cơ hội vàng” tại kỳ họp thượng đỉnh.
Tổng thống Trump khi đó nói rằng ông Kim đã đề nghị dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt, điều mà Hoa Kỳ không thể đồng ý.
Nhưng bà Choe nói rằng Bắc Hàn chỉ yêu cầu dỡ bỏ năm lệnh trừng phạt kinh tế chính.
http://biendong.net/bi-n-nong/27108-trieu-tien-rut-khoi-van-phong-lien-lac-voi-han-quoc-o-kaesong.html
‘Trùm kiểm duyệt Trung Quốc’
bị án 14 năm tù, tịch thu gia sản
Chính khách từng quản lý mạng internet Trung Quốc vừa bị kết án 14 năm tù vì tội nhận hối lộ.TQ điều tra tham nhũng với ‘một triệu’ quan chức
Chủ tịch Interpol bị bắt ở TQ vì đã ‘nhận hối lộ’
TQ: ‘Ngôi sao đang lên’ bị điều tra tham nhũng
Ông Lỗ Vĩ, 59 tuổi, còn phải đóng tiền phạt 3 triệu tệ theo phán quyết của tòa hôm thứ Ba.
Ông từng được xem là gương mặt đại diện cho hệ thống kiểm duyệt internet Trung Quốc trong cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin mạng quốc gia, Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản và Phó Tổng giám đốc Tân Hoa xã.
Ông Lỗ Vĩ nói với tòa án ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang rằng ông sẽ không kháng cáo.
Tháng 10/2018, ông đã nhận tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận hối lộ.
Tòa án nói sẽ tịch thu toàn bộ những tài sản mà ông có theo cách phi pháp.
Theo phía công tố, ông Lỗ Vĩ đã nhận hối lộ liên tục trong mọi cương vị, từ làm phó lãnh đạo Tân Hoa Xã, Thành ủy Bắc Kinh, sang đến cơ quan an ninh mạng quốc gia.
Năm 2015, tạp chí Mỹ Time đưa ông vào danh sách 100 người ảnh hưởng thế giới vì ông được xem là lãnh đạo hệ thống kiểm duyệt mạng của Trung Quốc.
Khi còn tại chức, ông từng có những cuộc tiếp quan trọng với các lãnh đạo của Apple, Facebook và eBay.
Ông nổi tiếng là người sốt sắng đẩy mạnh hoạt động kiểm duyệt và kiểm soát truyền thông ở Trung Quốc.
Đi lên từ Tân Hoa Xã, ông trở thành người đứng đầu cơ quan tuyên huấn ở Bắc Kinh, rồi chuyển sang quản lý internet vào 2013. Sau đó, ông trở thành Phó Ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Lỗ là một trong số hơn một triệu quan chức Trung Quốc bị kỷ luật trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chiến dịch này được cho là cũng nhắm đến nhiều đối thủ chính trị của ông Tập.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47693424
TQ tuyên bố xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên,
dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm 2019
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, Trung Quốc đã vừa công khai việc xây dựng, chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển, trong cho tuyên bố các nhà máy này dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm 2019.Người đứng đầu Viện năng lượng hạt nhân Trung Quốc, Luo Qi cho biết, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm nay. Các nhà máy điện hạt nhân nổi được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng cho việc tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa cũng như trên các đảo. Theo Luo Qi, một nhà máy điện hạt nhân nổi không chiếm nhiều không gian, không phải đối mặt với các mối đe dọa động đất và không gây ô nhiễm môi trường.
Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) nắm giữ tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ cần thiết để tạo ra các nhà máy điện hạt nhân nổi. Trước đó, Chủ tịch CNNC cho biết tập đoàn đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện nổi này ngoài khơi phía đông của tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm chi tiết về dự án. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, dự án dự kiến sẽ tốn chi phí khoảng 14 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ euro) trước khi đưa vào vận hành vào năm 2021. Trước đó, hồi năm 2016, Chủ tịch CNNC từng tuyên bố rằng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc sẽ được bắt đầu trước cuối năm 2016 và sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2019.
http://biendong.net/bien-dong/27116-tq-tuyen-bo-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-noi-dau-tien-du-kien-se-duoc-trien-khai-vao-cuoi-nam-2019.html
Đằng sau chuyến thăm Pháp của Chủ tịch TQ là gì?
Giới quan sát nhận thấy nhiều ý nghĩa đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/3 bắt đầu chính thức thăm Pháp, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước châu Âu.
Chuyến thăm được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng, khi diễn ra đúng vào thời điểm kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, mục đích chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Paris lần này là nhằm củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược và xác định vai trò của Pháp, châu Âu và Trung Quốc hướng tới chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ.
Trước khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Paris trong ngày hôm nay (25/3), hai nhà lãnh đạo Pháp-Trung tối qua đã dùng bữa thân mật tại thành phố Nice, miền Nam nước Pháp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp lâu dài giữa Trung Quốc và Pháp, đồng thời không quên nhắc lại rằng Pháp là quốc gia phương Tây lớn đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc. Nhân dịp hai bên đánh dấu kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo Pháp và Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến việc ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, không gian vũ trụ và sáng kiến năng lượng sạch, trong đó có nhiều hợp đồng giá trị cao.
Về phần mình, Tổng thống Macron nhấn mạnh, Pháp rất coi trọng Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, coi Trung Quốc là một đối tác hợp tác chiến lược quan trọng và đánh giá cao vai trò quan trọng của Trung Quốc cũng như sự đóng góp của Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế.
Nhận định về chuyến thăm Pháp lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Pascal Lamy, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Diễn đàn Hòa bình Paris khẳng định: “Rõ ràng, chúng tôi đặt kỳ vọng rất cao vào chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình khi xem xét đến thực tế rằng Trung Quốc đang đóng một vai trò rất quan trọng trong cộng đồng quốc tế. Pháp có truyền thống chú ý đến các vấn đề quốc tế, bao gồm ngoại giao, kinh tế… Vì vậy hiện giờ là thời điểm thích hợp để thảo luận chung về những vấn đề này và chúng ta cũng cần đẩy mạnh hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực như công nghệ số, phát triển khoa học và quy tắc thương mại thế giới. Tất cả những điều này nên được thực hiện dựa trên mối quan hệ truyền thống giữa hai bên.”
Trong khi đó, ông Pierre Picquart, chuyên gia về Trung Quốc cho biết: “Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ là một trong những trọng tâm của chuyến thăm Pháp của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tất nhiên, vẫn còn một số vấn đề quốc tế khác cần lưu ý như các diễn biến nóng tại Trung Đông và Syria. Vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Paris lần này là một sự kiện lớn được chú ý.”
Giới quan sát nhận định, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng là một thách thức cho Tổng thống Pháp, người vừa muốn thắt chặt quan hệ giữa Liên minh châu Âu với Trung Quốc, nhưng đồng thời lại thúc đẩy nỗ lực đoàn kết một “mặt trận châu Âu thống nhất” để hạn chế tầm ảnh hưởng về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu.
Chính Tổng thống Pháp Macron cho rằng châu Âu cần một bước tiếp cận chung khi xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, hơn là hành động “đơn lẻ”. Trước đó, Tổng thống Macron tuyên bố khó hiểu cách tiếp cận của Italy khi nước này tham gia sáng kiến “Sáng kiến và Con đường”. Song dù còn nhiều bất đồng, Pháp có vẻ như vẫn đang muốn kéo Trung Quốc xích lại gần hơn, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi các vấn đề quốc tế theo chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump.
Cũng theo lịch trình, Tổng thống Pháp Macron cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có cuộc gặp với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker để xem xét “các điểm chung”, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu -Trung Quốc ở Brussels vào tháng 4 tới
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27107-dang-sau-chuyen-tham-phap-cua-chu-tich-tq-la-gi.html
Ông Tập công du châu Âu,
Trung Quốc mua 300 máy bay Airbus
Airbus hôm 25/3 đã ký hợp đồng bán 300 máy bay trị giá hàng chục tỷ đôla cho Trung Quốc, đúng dịp Chủ tịch Tập Cận BÌnh công du châu Âu.Theo Reuters, thỏa thuận giữa Airbus và Trung Quốc bao gồm 290 máy bay A320 và 10 máy bay A350 thân rộng.
Các quan chức Pháp cho biết rằng thỏa thuận trị giá khoảng 30 tỷ euro.
Đơn đặt hàng lớn hơn dự kiến bằng với thỏa thuận của Trung Quốc, đặt mua 300 máy bay Boeing, khi Tổng thống Donald Trump thăm Bắc Kinh năm 2017.
XEM THÊM:
Ý công khai ủng hộ kế hoạch Vành đai và Con đường của TQ
Reuters nói rằng không có bằng chứng về bất kỳ sự liên hệ trực tiếp nào giữa thỏa thuận với Airbus và quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc tạm ngừng sử dụng máy bay Boeing 737 MAX trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh, các nhà quan sát Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có truyền thống phát đi các tín hiệu ngoại giao thông qua các thỏa thuận mua máy bay của nhà nước.
Khi được hỏi rằng liệu các cuộc thương thảo có phải đã được đẩy nhanh vì việc ngừng sử dụng máy bay của Boeing hay vì các vấn đề khác hay không, Giám đốc điều hành của Airbus Guillaume Faury nói với các phóng viên: “Đây là kết quả của mối quan hệ lâu dài, phát triển qua thời gian, với các đối tác Trung Quốc”.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-t%E1%BA%ADp-c%C3%B4ng-du-ch%C3%A2u-%C3%A2u-trung-qu%E1%BB%91c-mua-300-m%C3%A1y-bay-airbus/4848174.html
Tân Cương : Cứ 6 người dân, có 1 người bị đi cải tạo
Thụy My« Công lý cho người Duy Ngô Nhĩ », « Chấm dứt diệt chủng »…Sau cuộc biểu tình của người Tây Tạng hôm Chủ nhật, hôm qua thứ Hai 25/03/2019, ngày chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chính thức viếng thăm nước Pháp, đến lượt khoảng mấy trăm người Duy Ngô Nhĩ xuống đường để đòi hỏi vấn đề nhân quyền ở Tân Cương phải được nêu ra với ông Tập Cận Bình.
Tháng Năm năm ngoái, sau khi tiến hành một cuộc điều tra công phu trong một thời gian dài, ông Adrian Zenz, chuyên gia người Đức về Tân Cương, đã ước tính khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở « khu tự trị » phía tây Trung Quốc đã bị tống giam, trong khuôn khổ một chiến dịch « cải tạo về chính trị » được đưa ra vào năm 2017. Phân tích của ông được củng cố với nhiều nhân chứng.Ngay cả một số ngôi sao như Ablajan Awut (được coi là Justin Bieber của người Duy Ngô Nhĩ) và cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Erfan Hezim cũng bị « mất tích ».
Tuần trước tại Genève, trong một cuộc hội thảo được tổ chức bên lề Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhà nghiên cứu Adrian Zenz đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng bắt người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo đã tăng lên rất nhanh trong năm 2018, cho rằng đây là một sự « diệt chủng về văn hóa ».
Bắc Kinh biện minh đó là những chương trình « huấn nghệ », « tiêu diệt tư tưởng cực đoan ». Theo Trung Quốc, đã có « 12.995 kẻ khủng bố » bị bắt giữ trong những năm gần đây, « 30.645 người bị trừng phạt vì các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp ».
Chuyên gia: Số người Duy Ngô Nhĩ bị cải tạo đã lên đến 1,5 triệu
Trong lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức nước Pháp, chuyên gia Adrian Zenz khi trả lời phỏng vấn báo Libération đã lấy làm tiếc rằng Paris đã không tham dự hội nghị ở Genève.
Theo ước lượng của ông, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo bị giam giữ tại Tân Cương. Ông dựa trên cơ sở nào để đưa ra con số đó ?
Dựa theo rất nhiều dữ liệu có sẵn trên mạng (văn bản chính thức, số liệu thống kê, thông tin kỹ thuật và kinh tế, thông cáo tuyển dụng, những hình ảnh vệ tinh…). Tất cả đều cho thấy việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ tăng nhanh trong năm 2018. Số lượng các trại cải tạo đã tăng lên rất nhiều, và chi tiêu cho những hoạt động của nhà tù, trại cải tạo chính trị đã cao gấp bốn lần. Tình hình này giúp tôi có thể ước lượng được tỉ lệ : cứ sáu người dân ở Tân Cương thì có một người bị bắt đi cải tạo, và tất cả các gia đình đều có người bị giam cầm như thế.
Những người có đến Tân Cương trong những tháng gần đây khẳng định các cửa tiệm, đường phố dường như vắng bóng người dân, đặc biệt là nam giới ở độ tuổi từ 18 đến 45. Một số người bị giam trong các điều kiện tệ hại, như đã có một số bằng chứng về tra tấn.
Cầu thủ nổi tiếng gốc Duy Ngô Nhĩ Erfan Hezim sau nhiều tháng mất tích đã xuất hiện trở lại. Như vậy đã có những người được trả tự do ?
Theo tuyên bố của một quan chức Trung Quốc tuần trước, có thể hy vọng sẽ diễn ra một đợt tha tù. Nhưng những trường hợp như vậy khá hiếm hoi. Những người được ra khỏi trại cải tạo thường bị quản thúc tại gia hay bị cưỡng bức lao động, thường là trong các nhà máy dệt may. Chính quyền cam đoan những người này được trả lương tương xứng. Tuy nhiên đã có nhiều lời chứng cho thấy điều kiện làm việc hầu như là nô lệ, bị hạn chế tối đa tự do, chẳng hạn mỗi tháng chỉ được nghỉ mỗi một ngày.
Cộng đồng quốc tế chừng như chưa nhận định được tầm vóc của hiện tượng. Điều này sẽ thay đổi chăng ?
Trong một thời gian dài, có rất ít phản ứng, do kiểm duyệt của Bắc Kinh. Nhưng còn vì các nước phương Tây lo ngại sẽ không nhận được vốn đầu tư từ Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn còn có những lá bài đối với châu Âu, và nhiều « đồng minh » trên thế giới. Nhưng trước những nhân chứng và các bằng cớ ngày càng chồng chất, thế giới phương Tây bắt đầu thức tỉnh.
Trong hội nghị ở Genève, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan và Canada đã lại đòi hỏi Trung Quốc để cho một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương. Tiếc rằng Pháp không tham gia hội nghị này, mặc dù có rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại Pháp. Một số người tị nạn Duy Ngô Nhĩ sau khi đi Trung Quốc đã biến mất hẳn, không thấy quay lại Pháp, số khác thì thân nhân bị giam cầm.
Ông giải thích thế nào về sự im lặng của thế giới Hồi giáo ?
Hồi tháng Hai, Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ – một dân tộc theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ – là « nỗi nhục cho nhân loại ». Nhưng đây chỉ là một ngoại lệ. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo thậm chí vừa mới cảm ơn Trung Quốc đã « chăm sóc rất tốt người Hồi giáo ». Đây không hẳn là vì lý do kinh tế : đa số các quốc gia Hồi giáo là các nước độc tài, hoặc bản thân có những vấn đề riêng về nhân quyền.
Nhiều trẻ em mà cha mẹ bị đi cải tạo bị đưa vào trại mồ côi, tại đó các em bị tẩy não…
Hiện có rất ít thông tin về điều này. Tuy nhiên bộ máy tuyên truyền Trung Quốc khoe khoang rằng các trẻ em « được cho vào trường nội trú » để « không bị ảnh hưởng bởi các phụ huynh cực đoan ». Mục đích là nhằm tiêu diệt nền văn hóa và ngôn ngữ của cả một dân tộc, và kiểm soát hoàn toàn về ý thức hệ. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, thậm chí những người Duy Ngô Nhĩ đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo cũng bị đi cải tạo. Và cho dù Hồi giáo cực đoan cũng có hiện diện tại Tân Cương, nhưng ít quan trọng hơn rất nhiều so với những gì chính quyền Bắc Kinh khẳng định.
Tân Cương là một phòng thí nghiệm để thử nghiệm các công nghệ kiểm soát dân chúng ?
Vâng, những công nghệ tiên tiến mà công an sử dụng để giám sát và dùng cho việc tẩy não có thể được áp dụng cho các khu vực khác ở Trung Quốc, nơi có những mầm mống kháng cự chống lại đảng Cộng Sản. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng khi tấn công vào văn hóa và tín ngưỡng, thì sẽ phản tác dụng, có thể làm tăng lên những dạng thức chống đối mang tính bạo lực.
Chưa chính phủ nào đòi trừng phạt Bắc Kinh vì đàn áp Tân Cương
Trong nỗ lực đồng hóa, còn có những chiến dịch mang tên « Thăm viếng nhân dân », « Trở nên người thân trong gia đình ». Khoảng một triệu cán bộ đảng đến ở trong các gia đình Hồi giáo nhiều ngày. Trên các tấm ảnh tuyên truyền, có thể thấy cán bộ « cùng ăn, cùng ở, cùng làm » với dân Tân Cương. Đôi khi chỉ có phụ nữ trong nhà vì người chồng đã bị đưa vào trại cải tạo. Để không bị chụp mũ « cực đoan », họ đành phải cố tỏ ra tươi cười, uống bia, ăn thịt heo.
Axel Jumahong, người gốc Duy Ngô Nhĩ, chủ một cửa hàng nữ trang ở Paris, khi về thăm Tân Cương cũng bị sách nhiễu, bị buộc lấy mẫu ADN dù đã mang quốc tịch Pháp. Ông kể : « Thật kinh khủng, chúng tôi phải làm tất cả những điều mà người Hồi giáo không thích. Từ Hotan cho đến Kashgar, khắp nơi đầy những nhà thổ và cơ sở mát-xa Trung Quốc, rất dễ dính SIDA. Cocain, bạch phiến, ma túy đá…được bán tự do cho cả học sinh trung học ».
…Chưa có chính phủ nào công khai nêu ra khả năng trừng phạt quốc tế đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà Trung Quốc học Marie Holzman, tình trạng này khiến người ta nhớ lại thời kỳ đen tối của cuộc « Cách mạng văn hóa » do Mao Trạch Đông tung ra năm 1966.
Bà nói : « Tất cả đều ít nhiều bị trói tay bởi tiền của Trung Quốc. Từ sau cái chết trong tù của giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba vào mùa hè năm ngoái, nhà cầm quyền Bắc Kinh chừng như càng phóng tay đàn áp. Gần như đây là việc diệt chủng, Hán hóa người Duy Ngô Nhĩ. Nghị Viện Châu Âu đã lên tiếng tố cáo, nhưng ai sẽ quan tâm đến ? »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190326-tan-cuong-cu-6-nguoi-dan-co-1-nguoi-bi-di-cai-tao
Cựu thủ tướng Thaksin cáo buộc
bầu cử Thái Lan ‘có sự bất thường’
Thaksin: ‘Tôi không liên quan tới việc Công chúa Thái Lan muốn tranh cử’Cựu thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra, người đã sống lưu vong tại Dubai từ 2008, có mặt tại Hong Kong dịp cuối tuần rồi để dự đám cưới cô con gái út.
Trong số các khách mời tham dự đám cưới có Công chúa Thái, Ubolratana Rajakanya, người đã định ra tranh cử vị trí thủ tướng nhưng bị em trai là Quốc vương Thái, không cho phép.
Trả lời phỏng vấn của BBC tại Hong Kong, ông bác bỏ việc cho rằng ông có liên quan tới việc Công chúa Ubolratana định ra tranh cử, là sự kiện đã gây nhiều tranh cãi trước kỳ bầu cử.
Ông cũng nói ông thấy những gì diễn ra trong kỳ tổng tuyển cử được mong đợi từ lâu cho thấy rõ ràng là có nhiều dấu hiệu bất thường, và tuy sẽ không về nước đối diện với các cáo buộc tham nhũng, ông sẵn sàng đối thoại với những người nắm quyền
Ông Thaksin: Trước khi tôi chứng minh được rằng mình vô tội, hệ thống công lý cần phải được kiểm chứng đã chứ? Không phải như thế mới công bằng à?
Toàn bộ tiến trình đã diễn ra không công bằng. Tôi chỉ là một con người bình thường. Đừng có sợ tôi. Hãy tới nói chuyện trực tiếp với tôi. Tôi không biết vì sao họ lại sợ tôi đến vậy. Họ càng sợ hãi tôi, đất nước có lẽ sẽ càng hỗn loạn.
Tôi là người có thể đem lại lợi ích cho đất nước. Tôi không muốn dùng chữ “đàm phán”. Tôi muốn nói rằng nếu quý vị thấy tôi đem lại lợi ích cho đất nước, thì chúng ta có thể nói chuyện. Vậy thôi. Chớ nhìn tôi như kẻ thù. Quân đội coi nhân dân như kẻ thù. Chúng tôi không phải là kẻ thù, tất cả chúng ta đều là người Thái.
BBC: Tới thời điểm này thì ông có chấp nhận kết quả bầu cử lần này không?
Ông Thaksin: Tôi ngạc nhiên, vì đã chứng kiến thấy ở nhiều đơn vị cử tri, khi mà tổng số phiếu bầu đã được kiểm, thì số phiếu đảng Palang Pracha Rath có liên quan tới quân đội giành được lại tăng đột ngột, chẳng hạn như tăng từ vị trí thứ ba lên vị trí thứ nhất.
Có những sự bất thường. Điều đó khiến tôi, một người Thái, cảm thấy lo lắng khi chứng kiến nền chính trị và hệ thống bầu cử của đất nước trở nên tụt hậu như vậy.Thaksin
Đã xảy ra những chuyện như thế. Có những sự bất thường. Điều đó khiến tôi, một người Thái, cảm thấy lo lắng khi chứng kiến nền chính trị và hệ thống bầu cử của đất nước trở nên tụt hậu như vậy.
BBC: Ông nói về những sự bất thường. Ông có thể giải thích rõ hơn được không?
Ông Thaksin: Rất rõ ràng. Chẳng hạn như có những hình ảnh từ tỉnh Petchabun, nơi các thùng phiếu được đưa ra, rồi các phiếu bầu lại được bỏ lại vào một văn phòng địa phương, cảnh sát đứng xung quanh.
Còn nữa, số phiếu bầu thì cao hơn số cử tri thực sự đi bỏ phiếu, mà là cao hơn nhiều chứ không phải chỉ một chút.
Đặc biệt là ở một số khu vực bầu cử, đảng Palang Pracha Rath đã xoay chuyển từ thua thành thắng. Là người Thái, chứng kiến những chuyện này, tôi coi đó là điều gây hại, làm tổn hạn mức độ đáng tin cậy của đất nước.
Cuộc phỏng vấn do phóng viên Issariya Praithongyaem, BBC News Tiếng Thái, thực hiện.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47700049
Phe quân sự có thể sẽ tiếp tục
kiểm soát chính trường Thái Lan
Thanh PhươngMặc dù phe đối lập đang trỗi dậy, sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 24/03/2019, phe quân sự có thể sẽ tiếp tục kiểm soát chính trường Thái Lan. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, do không có đảng nào chiếm đa số, các đảng phải thương lượng với nhau để lập một liên minh cầm quyền.
Cuộc bỏ phiếu ngày 24/03 là cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014 do tướng Prayut Chan-O-Cha tiến hành, lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra. Từ nhiều năm nay, Thái Lan vẫn bị chia rẽ nặng nề giữa một bên là phe « Áo Đỏ », tức là những người ủng hộ gia đình Shinawatra, và bên kia là phe « Áo Vàng », tức là những người bảo vệ chế độ quân chủ và dựa trên quân đội. Sau cuộc bầu cử ngày 24/03, sự chia rẽ đó vẫn tồn tại, cho dù kết quả sẽ như thế nào.
Kể từ năm 2001 đến nay, các đảng của phe « Áo Đỏ » vẫn giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử ở Thái Lan, và đặc biệt là được sự ủng hộ đông đảo của cử tri các vùng nông thôn và các vùng nghèo ở miền bắc. Nhưng hai anh em thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra đều đang sống lưu vong sau hai cuộc đảo chính năm 2006 và 2014, cho nên không họ có mặt tại chỗ để hô hào, vận động cử tri.
Nay thế cờ có vẻ đang đảo ngược. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ chỉ được công bố từ đây đến ngày 09/05, nhưng trước mắt, đảng thân chính quyền quân sự, đảng Palang Pracharat khẳng định đang dẫn đầu, dựa theo các số liệu sơ bộ sau khi kiểm 94% số phiếu. Cụ thể, tính về số phiếu, trên hơn 50 triệu cử tri, đã có 7,5 triệu người bỏ phiếu cho đảng Palang Pracharat. Theo sát là đảng Pheu Thai, đảng đối lập chính, theo phe Shinawatra, với 7,2 triệu phiếu. Trên lý thuyết thì đảng Pheu Thai còn có khả năng giành chiến thắng, nhờ liên minh với những đảng khác và cũng nhờ cách tính ghế rất phức tạp, không tỉ lệ với số phiếu.
Nhưng đảng Palang Pracharat có một lợi thế đáng kể, vì đảng này chỉ cần giành được 126 trên tổng số 500 ghế ở Hạ Viện là đủ để kiểm soát chính trường Thái Lan, vì họ có sự ủng hộ của 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự bổ nhiệm. Đảng Palang Pracharat hoàn toàn có thể hội đủ 126 ghế, nếu chiêu dụ được Đảng Dân Chủ, bao gồm những thành phần bảo thủ. Trong khi đó, đảng Pheu Thai bắt buộc phải nắm ít nhất 376 ghế ở Hạ Viện mới có thể đứng ra thành lập một chính phủ. Cho dù có liên minh với một đảng khác, Pheu Thai sẽ rất khó mà hội đủ số ghế đó.
Có điều từ hôm qua đến nay, Ủy ban bầu cử, do phe quân sự chỉ định, đã liên tục bị tố cáo về những vụ mua phiếu cử tri và về thái độ thiên vị. Đến mức mà trên các mạng xã hội hiện đang lan truyền một kiến nghị yêu cầu giải tán Ủy ban bầu cử bị xem là « thối nát nhất trong lịch sử Thái Lan ». Kiến nghị này hiện đã thu được hơn 400 ngàn chữ ký. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng lên án một cuộc bầu cử « gian lận » nhằm giúp cho phe quân sự tiếp tục nắm quyền. Ông Thaksin khẳng định là tại nhiều tỉnh, số lá phiếu lại nhiều hơn số cử tri.
Những tố giác về gian lận phiếu khiến cho tình hình chính trị Thái Lan sau bầu cử càng thêm rối rắm. Theo dự đoán của các chuyên gia, do cả hai đảng Phalang Pracharat và đảng Pheu Thai đều khẳng định có khả năng lập chính phủ, sẽ mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần thương lượng, mặc cả, Thái Lan mới có một nội các mới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190326-phe-quan-su-co-the-se-tiep-tuc-kiem-soat-chinh-truong-thai-lan
Malaysia: Con gái phê phán Mahathir,
liệu Anwar Ibrahim còn cơ hội thủ tướng?
Chính trường Malaysia sôi động sau khi con gái Anwar Ibrahim, được xem sẽ là thủ tướng kế tiếp, công khai chỉ trích thủ tướng Mahathir Mohamad.Bà Nurul Izzah Anwar, con gái của chủ tịch liên minh cầm quyền hiện nay, nói bác sĩ Mahathir đã gây hại cho quốc gia và bà “đau lòng” khi phải quay lại làm việc với bác sĩ Mahathir.
Bà phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Singapore Straits Times vừa in hôm cuối tuần.
‘Thất vọng’
Anwar Ibrahim được xem là sẽ kế vị thủ tướng Mahathir Mohamad trong tương lai, nhưng bình luận của con gái ông đang gây tranh cãi ở Malaysia.
Lên tiếng bênh vực con gái, ông Anwar nói bình luận của bà là nhằm vào chính phủ hiện nay.
“Bình luận đó không hoàn toàn nhắm vào ông Mahathir, mà cũng là nhắm vào các lãnh đạo khác, những người đã công kích nhau.”
Ông Anwar nói ông và gia đình ủng hộ mạnh mẽ sự lãnh đạo của bác sĩ Mahathir.
“Không có nghĩa là chúng ta không thể có khác biệt trong ý kiến hay không thể phê phán.”
Ông giải thích thêm là bình luận của con gái với tờ báo Singapore đã diễn ra “khoảng thời gian trước đây” chứ không phải mới.
Thứ Sáu tuần rồi, bà Nurul Izzah rút ra khỏi ủy ban kiểm toán nhà nước sau khi thủ tướng Mahathir nói một nghị sĩ thuộc đảng của ông Mahathir sẽ là chủ tịch ủy ban.
Việc này đi ngược lại cam kết trước đó nói rằng chủ tịch ủy ban kiểm toán phải là nghị sĩ đối lập.
Trong khi đó, theo báo The Star của Malaysia, ông Mahathir tuyên bố ông “thất vọng” về bà Anwar.
“Nhiều người thất vọng, tôi cũng thất vọng với họ,” thủ tướng nói ngắn gọn, theo tờ báo.
Trong phỏng vấn với báo Singapore, bà Anwar gọi ông Mahathir là “nhà cựu độc tài”.
“Phải làm việc với một nhà cựu độc tài đã từng gây hại quá nhiều không chỉ cho đời sống chúng tôi mà cả hệ thống. Thật không dễ dàng,” bà Anwar nói trên báo Singapore.
Phản ứng ở Malaysia
Bộ trưởng kinh tế Malaysia phản ứng trên Twitter, lên án bà Anwar: “Đất nước này cần những ai biết làm việc, sẵn sàng đối phó khó khăn, chứ không phải em bé khóc nhè.”
Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, bộ trưởng thể thao và thanh niên, cũng bảo vệ thủ tướng.
“Chúng tôi đã cho phép tự do truyền thông, tự do cho ủy ban bầu cử, chia cắt ủy ban chống tham nhũng ra khỏi văn phòng thủ tướng.”
“Đừng quên dưới thời Mahathir, mọi thành viên chính phủ đã công bố gia sản và thu nhập, và nghị sĩ cũng phải làm vậy.”
Sang ngày thứ Ba 26/3, bà Nurul Izzah Anwar vẫn tỏ ra cương quyết, nói với báo chí Malaysia rằng bà sẽ tiếp tục nói ra suy nghĩ.
“Tôi luôn lạc quan. Nhưng đôi khi chúng ta phải nói rõ quan điểm.”
“Tôi không hề có ý định gây hại. Tôi sẽ tiếp tục phát biểu ủng hộ cái đúng và quan trọng.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47693417
0 comments