Đọc báo Pháp – 26/03/2019
Trung Quốc có thật sự là mối đe dọa hay không ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào hàng Con đường tơ lụa mới. Tại Mỹ, tổng thống Donald thoát nạn trong nghi án thông đồng với Nga. Brexit, Quốc hội Anh giành quyền quyết định… Đó là ba chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay.
Đối mặt với Trung Quốc, châu Âu đoàn kết trong phản ứng tự vệ. Tổng thống Macron tiếp chủ tịch Trung Quốc bên cạnh thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu với mục tiêu biểu lộ một mặt trận chung đối phó với sức mạnh Trung Quốc đang củng cố tại châu Âu. Đó là hàng tựa trên Libération bên cạnh câu hỏi : Liệu Tập Cận Bình là ông chủ ?
Châu Âu bừng tỉnh
Hãy bình tĩnh. Trong bài « Cuộc đấu », nhật báo thiên tả đưa ra một vài con số : với dân số hơn 1,3 tỉ, tổng sản lượng quốc gia GDP của Trung Quốc chỉ có 11.000 tỉ euro. Liên Hiệp Châu Âu, chỉ bằng phân nửa số dân, GDP lên đến 18.000 tỉ euro. Tính bình quân đầu người, công dân châu Âu hơn Trung Quốc đến 5 lần, 35.000 euro so với 7.000. Nói cách khác, Trung Quốc không thể nào sánh với châu Âu về sức mạnh kinh tế. Do vậy, không nên hốt hoảng nhưng phải biết lo xa.
Nhờ nhân công rẻ, nắm bắt công nghệ tân tiến và có chiến lược xuyên suốt, Trung Quốc với chế độ tư bản độc tài, đã nhanh chóng trở thành nhà máy sản xuất của thế giới và cũng nhanh chóng tranh thủ kiến thức công nghệ nước ngoài, trở thành đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng. Trong trận đấu một mất một còn này, Liên Hiệp Châu Âu trong một thời gian dài đã rất ngây thơ, mở thị trường nội địa cho « gió lộng tứ phương » trong khi Trung Quốc bảo vệ chặt chẽ thị phần nội địa.
Châu Âu đã bừng tỉnh : Ủy Ban Châu Âu đã thông qua văn kiện hạn chế Trung Quốc xâm nhập thị trường với sự đồng ý của toàn thể các thành viên. Châu Âu biết áp dụng bài học khôn ngoan ngàn đời : trong thương trường, đoàn kết là sức mạnh, Libération kết luận với nhiều tiếc rẻ vì « một số nước châu Âu xé lẻ ».
Ý : Xé lẻ và chia rẽ nội bộ
Về điểm này, Le Monde trấn an : Ý gia nhập Con đường tơ lụa. Nhưng trong suốt chuyến công du Ý của chủ tịch Trung Quốc, trong khi thủ tướng Giuseppe Conte và đảng « 5 Sao » xun xoe ca tụng thỏa thuận ký với Trung Quốc, thật ra là bản ghi nhớ rất mơ hồ không có tính ràng buộc, thì lãnh đạo Liên đoàn Phương Bắc, phe dân tộc chủ nghĩa, Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ tẩy chay các cuộc gặp gỡ với phía Trung Quốc. Ông triệu tập hội nghị các chủ doanh nghiệp Ý để nhắn gửi thông điệp : Đừng ai nói với tôi Trung Quốc là một thị trường tự do. An ninh quốc gia Ý cần phải được bảo vệ, không khoan nhượng.
Hợp đồng khổng lồ « 30 tỉ euro mua 300 máy bay Airbus » trên trang nhất của Les Echos làm nổi bật nhận xét của Libération : Giữa Paris và Bắc Kinh, chỉ có tiền là trên hết. Xa xí phẩm, phi trường, công nghệ mới, Trung Quốc đầu tư khắp chỗ nhưng bắt đầu bị chính phủ Pháp hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt.
Châu Âu có phóng đại mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc ?
Câu hỏi này có hai câu trả lời. Trên La Croix, chủ tịch hiệp hội thân hữu Pháp-Trung Sybille Dubois-Fontaine nói là có « phóng đại ». Ngược lại, cũng trên nhật báo Công giáo, chuyên gia kinh tế các nước đang phát triển Jean-Joseph Boillot khẳng định « Châu Âu lo là đúng » nhưng lỗi là do mình « đùa với lửa mà không vũ khí phòng thân ».
Lỗi tại lòng tham
Trước khi trách người hãy trách mình : Muốn biết ai là thủ phạm đưa châu Âu đến tình trạng khốn khó ngày nay, hãy nhìn lại năm 2001. Ai đã cho phép Trung Quốc gia nhập WTO cho dù biết Bắc Kinh có dụng tâm lừa đảo ? Chính các đại tập đoàn công nghệ châu Âu, vì muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc bằng mọi giá nên gây áp lực buộc giới chính trị phải ký kết.
Mười tám năm sau, chính các tập đoàn này than phiền bị đối xử không công bình, những nguy cơ mà giới chuyên gia đã cảnh báo từ trước. Đến năm 2015, cũng chính các tập đoàn công nghiệp này, lại bất chấp khuyến cáo, đã tạo thêm sức mạnh cho Trung Quốc khi tham gia vào dự án « Made in China 2025 », cho phép doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao cấp của châu Âu. Chưa hết, trong nhiều năm dài, nước Đức của Angela Merkel và Luxembourg của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã âm thầm đi đêm với Bắc Kinh. Hai lãnh đạo này được tổng thống Macron mời gặp Tập Cận Bình chiều thứ Ba tại Paris.
Nếu nước Ý bị mang tiếng chơi xấu gia nhập dự án con đường tơ lụa thì đừng quên những thành viên châu Âu mở hải cảng cho Trung Quốc là Đức, Hà Lan và Bỉ, tác giả nhắc lại. Chính châu Âu đã đùa với lửa và tự nguyện buông vũ khí trước một đối thủ lợi hại, thừa kế của Tôn Tử. Tất cả các đại công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài đều công khai tuyên bố theo chủ nghĩa tư bản-xã hội quốc doanh : Alibaba hay công ty Casil, mua đi bán lại phi trường Toulouse, đều như thế, chẳng có công ty nào là tư doanh cả.
Tổng thống Macron hiểu Bắc Kinh chỉ e dè sức mạnh
Trong bài « Có nên sợ Trung Quốc ? » - câu hỏi địa chiến lược ở thượng tầng lãnh đạo các quốc gia châu Âu – theo nhật báo thiên hữu, Bắc Kinh đâu có bằng lòng với vai trò làm « xưởng máy cho thế giới ». Tập Cận Bình nhấn mạnh là Trung Quốc và Pháp cùng chia sẻ lòng ham muốn « độc lập, trao đổi mậu dịch tự do và trách nhiệm quốc tế ». Đúng thôi, tổng thống Pháp đồng ý, nhưng ông muốn Bắc Kinh phải tôn trọng luật chơi « công bằng và hỗ tương » chứ không phải chỉ có lợi cho Trung Quốc mà thôi.
Tổng thống Pháp Macron cũng hiểu người Trung Quốc chỉ biết tôn trọng sức mạnh. Do vậy, ông mời thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy ban Châu Âu cùng đàm phán với Tập Cận Bình. Chúng ta càng vững chắc trong cuộc đọ sức với Trung Quốc thì quan hệ song phương càng mang lại nhiều thành quả, vì Trung Quốc chỉ e dè sức mạnh. Đừng sợ Trung Quốc mạnh mà hãy sợ chúng ta yếu, Le Figaro kết luận.
Tập Cận Bình bất khả xâm phạm ?
Trong thế tương quan lực lượng, người mạnh hơn ta chẳng qua là lỗi tại ta. Nhìn bề ngoài, uy thế của chủ tịch Trung Quốc rất vững chắc nhưng thực tế không phải thế, theo chuyên gia Jean-Philippe Béja.
Trong khi Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới báo động chính sách áp đặt thông tin một chiều của Trung Quốc tung ra bên ngoài biên giới thì chuyên gia Jean-Philippe Béja, cũng trên Le Monde, qua một bài phân tích dài cho biết Tập Cận Bình không mạnh như lầm tưởng. Cho dù các biện pháp kềm kẹp xã hội được tăng cường, không phải chỉ có người Duy Ngô Nhĩ bị trấn áp mà người Hán cũng bị theo dõi qua hệ thống camera nhận diện, bên cạnh những phương thức cổ thời Mao như phường, khóm, tổ liên gia…
Ngoài nước, Tập Cận Bình được xem là lãnh đạo số một nhưng trong đảng, uy thế của ông không vững lắm. Cuộc chiến tranh thương mại và phản ứng ngạo mạn của Tập đã gây tranh luận trong nội bộ. Dự án « 2025 » không còn được đề cập chính thức… Tuy xã hội công dân bị đàn áp nên ít hoạt động hơn trước nhưng lòng bất mãn của dân chúng lên cao. Doanh nghiệp tư nhân cũng bất bình vì bị lãnh vực quốc doanh chèn ép. Liệu năm nay 2019, có xảy ra những biến động như các năm tận cùng bằng số 9 (như 1919, 1939, 1949, 1989) hay không, nhưng, giới lãnh đạo Trung Quốc rất lo âu.
Donald Trump thoát hiểm, cơ may 2020 gia tăng
Donald Trump chiến thắng : hệ quả chính trị, ngoại giao ra sao ? Đảng Dân Chủ phân vân không biết phải chọn chiến thuật nào ? Matxcơva cũng không hy vọng có thay đổi. Trái lại, Nga có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt mạnh hơn.
Theo Le Monde, đối lập Dân Chủ chưa biết có nên tiếp tục cuộc chiến tư pháp hay tập trung vào đấu tranh chính trị. Libération cùng nhận định về bản báo cáo Mueller, dự báo đảng Dân Chủ sẽ thay đổi chiến thuật. Đối với Le Figaro, phản ứng của Nga mới quan trọng : Matxcơva không tin là Trump sẽ thay đổi chính sách cứng rắn với Nga nhất là Putin không nhả các chiến lợi phẩm : Crimée và Syria.
Chuyên gia Pavel Charikov nghĩ rằng Donald Trump được minh oan nhưng chuyện Nga can thiệp thì không. Vấn đề trong quan hệ Mỹ-Nga không phải là bản báo cáo Mueller mà chính là không có một lịch trình đối thoại. Nga tiếp tục bị Mỹ trừng phạt. Và nếu như đảng Dân Chủ tiếp tục tố cáo tổng thống là con tin của Nga thì Donald Trump càng thoải mái trong quyết định tăng cường trừng phạt Nga một cách thỏa thích : « các ông nhìn xem tôi đập Putin », Chris Weafer, tư vấn chính trị ở Matxcơva dự báo.
Brexit : Quốc Hội Anh giành thế chủ động
Theresa May cứu được ghế thủ tướng nhưng để Nghị viện tham gia vào quyết định chọn lựa kịch bản ly dị với châu Âu, kể cả khả năng… trưng cầu dân ý.
Le Monde minh họa sự thất thế của thủ tướng Anh qua tranh hí họa bà May đưa tay đầu hàng trước ba dân biểu xếp hàng với lá phiếu trên tay, kẻ No người Yes. Vấn đề là chờ xem các nghị sĩ Anh làm cách nào để tìm ra một đa số, ủng hộ một giải pháp khả thi : tiếp tục ở lại trong liên hiệp thuế quan hay theo mô hình Na Uy (thành viên thị trường chung Châu Âu, trừ nông nghiệp và ngư nghiệp) là một số viễn ảnh.
Cá voi : Nhà hóa học ?
Làm cách nào mà cá voi có thể phát hiện được mồi ngon trong bao la đại dương ? Khám phá này không phải để « đánh bắt cá » mà cho phép « cứu cá ».
Cho đến nay, giới khoa học lầm tưởng cá voi tìm mồi nhờ nghe và thấy. Thực tế, cá voi « đánh hơi » hóa chất tiết ra từ con mồi như loài tép con ở biển nước lạnh, Krill, mà cá voi rất thích. Biết được món khoái khẩu và món không họp gu của cá voi, giới khoa học hy vọng tìm cách giúp sinh vật bị đe dọa diệt chủng tránh xa những nơi nguy hiểm cho mạng sống như vùng đánh cá và khu vực có nhiều thương thuyền qua lại. Chẳng hạn khu bảo tồn Pelagos, tây bắc Địa Trung Hải, theo các nhà sinh vật học thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Môi Trường Và Tiến Hóa ở Montpellier, Pháp.
Trung Quốc – Châu Âu : Đối thủ hay đối tác
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thất thủ nhưng mối đe dọa vẫn chưa hết. Chuyến công châu Âu của ông Tập Cận Bình gây hoài nghi và cảnh giác. Brexit, nước Anh không lối thoát số phận thủ tướng Theresa May trở nên mong manh. Đó là những chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo Pháp ra hôm nay.
Sau chặng đầu có thể được coi là thành công ở nước Ý cùng với hàng chục hợp đồng kinh tế và nghị định thư hợp tác được ký kết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay bắt đầu chuyến thăm Pháp cấp Nhà nước trong vai của « một đối tác cũng như một đối thủ », nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét. Trong khi đó, Le Figaro, có bài : « Các nước châu Âu thức tỉnh trước Trung Quốc ». Tờ báo nhận thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng tạo được một mặt trận chung châu Âu để đối phó với chiến lược và tham vọng của Bắc Kinh. Mở đầu bài viết, phóng viên le Figaro dẫn lại phát biểu của một quan chức Úc cách đây 3 năm rằng « châu Á đánh giá thấp Hồi giáo cực đoan và Nga nhưng châu Âu thì vẫn chưa ý thức được mối đe dọa Trung Quốc ».
Theo bài báo thì đúng là một thời gian dài « bị cuốn vào các khủng hoảng nội bộ, vướng bận với những hỗn loạn ở Trung Đông, lo toan nhiều vào những hồ sơ lớn như Iran hay Nga, các nước châu Âu đã không thấy hoặc không lo lắng gì đến bước tiến âm thầm của Trung Quốc trong khi mà từ nhiều năm qua Trung Quốc đã thâm nhập được vào huyết mạch kinh tế của nhiều nền dân chủ phương Tây».
Cho đến giờ Liên Hiệp Châu Âu vẫn coi sự cất cánh của Trung Quốc như là cơ hội kinh tế, chứ không phải là mối nguy cơ chiến lược. Bởi vì Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Âu sau Mỹ.
Nhưng thời gian và thực tế đã buộc châu Âu thay đổi cách nhìn nhận về đối tác lớn này. Hôm 12/3 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu trong một tài liệu quan trọng từ giờ trở đi đã chính thức coi Trung Quốc là một « đối thủ cạnh tranh chiến lược ». Để lập lại sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Ủy Ban Châu Âu còn lên một danh mục các hành động phải nhanh chóng triển khai nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Ngày mai tổng thống Pháp tổ chức tại Paris cuộc hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình có sự tham dự của thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Le Figaro nhận xét đó là « một mặt trận châu Âu để đáp lại những tham vọng Trung Hoa và để làm thất bại chiến lược của Bắc Kinh luôn dùng ưu đãi quan hệ song phương để chơi trò chia rẽ châu Âu ».
Châu Âu đã hiểu ra nhưng…
Le Figaro nhận thấy, sau Mỹ, các nước châu Âu đang mở mắt để thấy được những hậu quả của việc sự nổi trội sức mạnh của Trung Quốc.
Đó là hậu quả của việc Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng gia tăng nhằm áp đặt quan điểm và nguy cơ tiềm ẩn kéo theo sau những khoản đầu tư của Trung Quốc trong những khu vực nhạy cảm của kinh tế châu Âu. Khi mà giờ đây, Trung Quốc đang tập trung tấn công vào châu Âu qua lĩnh vực công nghệ với mạng viễn thông 5G.
Tờ báo nhấn mạnh, cũng như Mỹ, các nước châu Âu lo ngại có thể bị do thám từ những đầu tư của một quốc gia không dân chủ vào lĩnh vực chiến lược. Chưa hết các thương vụ Trung Quốc mua lại, thôn tính các doanh nghiệp và hạ tầng cơ sở bị đánh giá là cách làm ăn không trung thực vì nó giúp Bắc Kinh có được trình độ chuyên môn cao, có công nghệ bản lề với giá thấp nhất và nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc được chính phủ tài trợ và kiểm soát.
Ý thức được những nguy cơ trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng hành động của châu Âu có vẻ hơi muộn. Le Figaro nhận thấy, « Trung Quốc đã sử dụng và đào sâu sự chia rẽ trong Liên Âu để đề phòng trước một chính sách chung ». Hungary, Hy Lạp là một trong số nước tiên phong đứng về phe Bắc Kinh. Bồ Đào Nha đã ký chương trình quốc tế của « con đường tơ lụa mới ». Ý thì vừa mới đây trở thành nước G7 đầu tiên đóng góp vào dự án đầy tham vọng của Trung Quốc.
Le Figaro kết luận : Lập trường với Trung Quốc trở nên phức tạp, khi mà Liên Hiệp Châu Âu vẫn muốn tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh để cố cứu các thỏa thuận đa phương đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ, tiêu biểu là thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định khí hậu. Thế nhưng gây bất đồng trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng chính là một trong nhiều mục tiêu của Trung Quốc.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo mất đất chưa phải đã bị tiêu diệt
Chuyển qua thời sự xuất hiện nhiều trên trang nhất các báo. Cứ địa cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Baghouz đã bị phá vỡ hoàn toàn hôm thứ Bảy nhưng mối đe dọa vẫn còn hiển hiện ở khắp thế giới. Đó là nhận định chung của các báo khi loan báo tổ chức thánh chiến Hồi giáo bị đánh bại sau hơn 5 năm gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới.
Libération chạy tựa : « Nhà nước Hồi giáo quay trở lại hoạt động bí mật ». Tờ báo ghi nhận « tổ chức khủng bố này hôm thứ Bảy đã bại trận hoàn toàn ở cứ điểm kháng cự cuối cùng tại Baghouz. Nhóm thánh chiến, vẫn còn hoạt động, ngay lập tức đã kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục thánh chiến… »
Trên các vùng đất Syria và Irak, các phần tử của Nhà nước Hồi giáo quay vào hoạt động bí mật. Nhưng tổ chức này đã cắm chân thành công ngoài vương quốc Hồi giáo tự tuyên bố năm 2014, đó là ở Afghanistan, Libya trên bán đảo Sinai của Ai Cập, vùng sa mạc Sahara cho đến Trung Á. Dù có phải chuyển qua mạng lưới ngầm, Daech vẫn luôn là một mối đe dọa lớn, vẫn là một tổ chức khủng bố toàn cầu có sự lãnh đạo tập trung.
Trong khi đó le Figaro khẳng định cứ địa Baghouz thất thủ không có nghĩa là lịch sử thánh chiến đã chấm dứt. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trở lại với hiện trạng như trước khi ra công khai. Một tổ chức bí mật, hình thành từ các cơ sở nằm vùng và các nhóm chiến binh ẩn náu trong sa mạc. Daech vẫn còn các chi nhánh đã cắm sâu từ Sinai, Yemen, qua châu Phi đến Afghanistan…
Le Figaro cảnh báo hạ quá nhanh mức độ đề phòng sẽ là rất nguy hiểm. Người ta đã thấy ý định của Donald Trump đưa ngay các binh sĩ của ông trở về nhà. Nhưng còn lại vẫn phải xác định một chiến lược lâu dài để đề phòng Daech hồi sinh trong từng vùng. Nguy cơ lớn nhất đó là một chiến dịch khủng bố tại châu Âu và nhiều nơi khác vẫn sẽ còn bùng lên.
Nhật báo Công giáo nhấn mạnh trong bài xã luận : Cuộc chiến vẫn còn lâu mới kết thúc. Nhiều cơ sở của Daech vẫn hoạt động và những điều kiện trỗi dậy vẫn luôn hiện hữu. Tại Syria và Irak, chừng nào dân Hồi giáo Sunnite còn bị đẩy ra ngoài lề quyền lực thì bạo lực vẫn có cơ hoành hành. Ở Pháp hay châu Âu cũng vậy, các nhân tố có thể dẫn đến hành động khủng bố vẫn chưa mất hẳn. Trong khi đó, các khủng hoảng nhiều mặt chính trị, kinh tế và văn minh ở đa số các nước Hồi giáo, sẽ có thể là mảnh đất tốt để khủng bố Hồi giáo tái sinh.
Brexit : Bỏ phiếu đi bỏ phiếu lại, bế tắc vẫn hoàn bế tắc
Cố công đàm phán với bên ngoài để rồi về nước bị bác bỏ. Quay trở lại đàm phán, năn nỉ xin gia hạn rồi chờ bỏ phiếu lại với viễn cảnh không có gì sáng hơn trước. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà bà thủ tướng Theresa May đã loay hoay cố tìm một lối thoát vụ ly dị của nước Anh với Liên Hiêp châu Âu.
Ở Anh bắt đầu xuất hiện câu hỏi : Liệu có cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 cho Brexit ? Có lẽ đó sẽ là giải pháp trong bước đường cùng của chính phủ Anh. Trước hết đã có hàng triệu người dân xứ sương mù tin vào giải pháp này rồi. Một kiến nghị tổ chứ lại trưng cầu dân ý đã thu được 5 triệu chữ ký.
Libération cho biết, « hơn một triệu người Anh hôm thứ Bảy đã biểu tình ở Luân Đôn để đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới. Từ Bruxelles trở về với một lịch trình mới, bà thủ tướng bị suy yếu hơn bao giờ hết, trước khi bước vào một tuần mới mang tính sống còn ».
Libération chỉ rõ : từ cuộc họp thượng đỉnh châu Âu hôm thứ Năm và thứ Sáu trở về với hai mốc thời gian mới ngày 12 tháng Tư hoặc 22 tháng Năm, Theresa May dường như đang sống những ngày cuối cùng ở Downing Sreet (phủ thủ tướng). Một tuần đang mở ra một lần nữa sẽ mang tính quyết định. Một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit vẫn chưa được bảo đảm thay đổi được điều gì.
Cùng lúc đó, nhật báo Les Echos ghi nhận : « Brexit : Theresa May đối mặt với sự nổi dậy trong nội các ». Từ các dân biểu cùng phe cho đến nhiều thành viên chính phủ Anh bắt đầu lên tiếng phản kháng với cách làm việc của bà thủ tướng Anh trong hồ sơ Brexit. Les Echos cho biết trong phiên họp nội các hôm nay có thể khoảng hơn chục thành viên chính phủ lên tiếng đòi bà Theresa May từ chức ngay trong ngày hôm nay.
Một tuần sống còn của Boeing 737 MAX
Vẫn Les Echos cho biết, tuần này nhà chế tạo máy bay Boeing sẽ phải trình giải pháp an toàn, xử lý các sự cố cho phép loại máy bay Boeing 737 MAX được bay trở lại. Tờ báo ghi nhận đây là một tuần đầy khó khăn đối với nhà chế tạo máy bay Mỹ. Đầu tuần phải trình Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ FAA các giải pháp an toàn cho Boeing 737 có thể cất cánh trở lại. Cùng lúc Thượng Viện mở phiên điều trần về mối liên hệ giữa FAA với Boeing.
Các giải pháp của nhà chế tạo liên quan đến số phận của 371 máy bay Boeing 737 MAX đang bị cấm bay từ sau vụ tai nạn thảm khốc của hàng không Ethiopia Airlines. Sức thuyết phục của Boeing còn liên quan đến việc nối lại các đơn hàng với loại 737 MAX, hiện chiếm 80% đơn đặt hàng và gần nửa doanh số của Boeing.
Trong khi đó Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu đã cảnh báo kể cả FAA bật đèn xanh để B 737 MAX bay trở lại thì họ cũng sẽ tiến hành các kiểm tra riêng.
Tin đọc nhanh
(AFP) - Mêhicô đòi Tây Ban Nha xin lỗi vì các hành vi “áp bức” thời thực dân.
Bức thư của tổng thống Mêhicô Andrés Manuel Lopez Obrador ngày 25/03/2019 gởi quốc vương Tây Ban Nha Felipe VI nêu ra những vi phạm nhân quyền trong thời kỳ Chinh Phục châu Mỹ, bắt đầu từ cuộc chinh phạt đầu tiên của Hernan Cortes vào thế kỷ 16. Tổng thống Mêhicô cũng gởi một bức thư tương tự cho Đức giáo hoàng Phanxicô. Chính quyền Tây Ban Nha đã bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của Mêhicô, cho rằng không thể lấy các tiêu chí ngày nay để áp dụng cho những gì xẩy ra cách nay 500 năm.
(RFI) - Người Kurdistan ở Syria đòi thành lập tòa án quốc tế đặc biệt xử các chiến binh Daech.
Lý do được lực lượng Kurdistan Syria đưa ra vào hôm qua, 25/03/2019, đó là vì các quốc gia có công dân tham gia lực lượng thánh chiến hiện đang bị giam giữ vẫn không đưa ra được đề nghị thỏa đáng nào để tiếp nhận trở lại người của họ, bất chấp các yêu cầu liên tiếp của người Kurdistan.
(AFP) - Một phần tư người Pháp thuộc diện “be rượu”.
Theo một công trình điều tra công bố hôm nay, 26/03/2019, có khoảng 10,5 triệu người Pháp từ 18 đến 75 tuổi thuộc diện uống quá nhiều rượu. Đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng vì rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Pháp, với khoảng 41.000 ca mỗi năm. Để đối phó, cơ quan y tế Pháp Santé Publique France hôm nay đã phát động chiến dịch với thông điệp : “Vì sức khỏe của bạn, chỉ uống tối đa hai ly một ngày, và không phải ngày nào cũng uống”.
(AFP) - Cựu lãnh đạo kiểm duyệt internet Trung Quốc lãnh án 14 năm tù.
Hôm nay, 26/03/2019, ông Lỗ Vĩ (Lu Wei) – nguyên lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt internet của đảng Cộng Sản Trung Quốc – bị phạt tù vì tội nhận hơn 4 triệu euro hối lộ. Lỗ Vĩ, 59 tuổi, từng nổi tiếng là nhà kiểm duyệt hết sức khắc nghiệt. Năm 2015, tạp chí Time cuả Mỹ xếp Lỗ Vĩ là một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới.
(AFP) - Mỹ thông báo thử thành công một hệ thống đánh chặn hỏa tiễn liên lục địa.
Hôm qua, 25/03, Cơ quan phụ trách phòng chống tên lửa Mỹ (MDA) cho biết đã hai lần trắc nghiệm thành công. Hỏa tiễn ICBM « của đối phương » được phóng lên từ một căn cứ tại quần đảo Marshall, cách bờ tây Hoa Kỳ 6.500 km. Tên lửa đánh chặn được phóng từ một căn cứ ở California.
(Reuters) - Nga trục xuất khoảng 20.000 người Bắc Triều Tiên.
Hồi năm ngoái, Matxcơva đã buộc hai phần ba trong số 30.000 lao động Bắc Triều Tiên phải về nước. Reuters hôm nay, 25/03, công bố thông tin trên, lấy từ một bản báo cáo được chuyển đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc cũng buộc phải về nước hơn một nửa trong số 800.000 lao động Bắc Triều Tiên.
(AFP) - Venezuela : Nhiều thành phố lớn chìm trong bóng tối do mất điện.
Vụ mất điện xảy ra vào trưa hôm qua, 26/03/2019. Thủ đô Caracas và nhiều thành phố lớn khác bị ảnh hưởng. Chính quyền Maduro cáo buộc đây là một vụ tấn công có chủ đích. Lãnh đạo đối lập khẳng định nguyên nhân là do một số trạm biến thể bị quá tải, theo thông tin từ một số giới chức ngành điện lực Nhà nước.
(AFP) - Trump : Báo chí là « kẻ thù của nhân dân ».
Hôm nay, 26/03/2019, trên mạng Twitter, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã một lần nữa cáo buộc báo chí đã đưa tin một cách thiên vị về cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Trump gọi báo chí là « kẻ thù của nhân dân » và « đảng đối lập thật sự ».
0 comments