Tin khắp nơi – 06/03/2019
Wednesday, March 6, 2019
2:36:00 PM
//
Slider
,
Tin thế giới
Giới đầu tư địa ốc Mỹ nhắm nguồn vốn EB-5 từ Việt Nam
Hôm 5/3, tờ Wall Street Journal cho biết các nhà đầu tư bất động sản Mỹ đang nhắm tới nguồn vốn nguồn đầu tư từ Việt Nam thông qua thị thực EB-5, vừa mới, vừa rẻ, vừa phát triển rất nhanh.Tờ báo cho biết Việt Nam nhanh chóng tận dụng thời cơ tại thời điểm khi mà lượng đầu tư từ Trung Quốc theo sáng kiến thu hút đầu tư vào Mỹ EB-5, đang sụt giảm.
Theo chương trình này, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hoặc vào những ngành nghề có thể tạo công ăn việc làm ở Mỹ sẽ được nhận thẻ xanh để lưu trú dài hạn.
Hiện nay, khoảng 20% vốn đầu tư vào bất động sản ở Hoa Kỳ theo chương trình EB-5 đến từ Việt Nam, chỉ sau Ấn Độ, 25% và Trung Quốc, 30%, theo thống kê của Quỹ Nhập cư Mỹ (U.S. Immigration Fund).
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Việt Nam đang trở thành một trong 5 quốc gia có đơn xin chiếu khán EB-5 cao nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Ðộ.
XEM THÊM:
Chương trình EB-5: cánh cửa nhập tịch Mỹ cho sinh viên quốc tế
Luật sư Phương Lê, luật sư tư vấn nhập cư thuộc Công ty luật David Hirson & Partners có trụ sở ở California được Wall Street Journal trích lời nói: “Trước đây muốn huy động vốn khoảng từ 50 triệu đôla đến 100 triệu đôla, đặc biệt ở New York, chúng ta phải tìm đến Trung Quốc. Nhưng hầu hết các công ty lớn ở New York trước đây từng tìm đến Trung Quốc, giờ đây đều quay sang Việt Nam.”
Một số công ty đầu tư bất động sản lớn tại thành phố New York đang trực tiếp mời chào giới đầu tư Việt Nam tham gia các dự án thông qua các đại lý của họ ở Hoa Kỳ. Điển hình như dự án giai đoạn ba khu Hudson Yards của tập đoàn Related Companies, hiện cần vốn lên tới khoảng 380 triệu đôla từ các nhà đầu tư qua chương trình EB-5, hay dự án Hard Rock Hotel của tập đoàn Extell Development ở khu vực Times Square ở trung tâm thành phố New York.
Số thị thực cấp cho người Việt Nam theo chương trình EB-5 trong năm tài khóa 2018 là 693 thị thực, tăng lên nhiều so với con số 471 vào năm 2017. Bốn năm trước, người Việt Nam chỉ chiếm 1% số thị thực cấp cho chương trình EB-5, tương đương 121 thị thực.
Vì sức hút chính của chương trình đầu tư này là chiếc thẻ xanh, cho nên các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít hơn và chính vì thế nguồn vốn của họ trở nên rẻ hơn trong đầu tư.
Theo trang Imidaily, thời gian chờ đợi để được chấp thuận visa EB-5 đối với các nhà đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 11/2018, là từ hơn 5 năm đến 7.2 năm, so với Trung Quốc là 14 năm.
XEM THÊM:
Các nhà đầu tư TQ ùa vào chương trình thị thực kinh doanh của Hoa Kỳ
Chương trình thị thực EB-5 ra đời vào năm 1990 để khuyến khích đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.
Chương trình EB-5 quy định một nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào Hoa Kỳ tối thiểu 1 triệu đôla, hoặc 500.000 đôla ở vùng nông thôn, và tạo việc làm cho 10 người lao động trở lên trong mỗi dự án ở Mỹ.
Các cơ quan chính phủ Mỹ cho hay tới 10.000 thị thực thuộc diện EB-5 có thể được cấp cho công dân nước ngoài mỗi năm.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-dau-tu-dia-oc-my-nham-nguon-von-eb-5-tu-viet-nam/4815806.html
Mỹ xem xét tăng cường trừng phạt Triều Tiên
Cố vấn ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump hôm 5/3 nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân.“Nếu họ không sẵn lòng làm điều đó, thì tôi nghĩ Tổng thống Trump đã [nói] rất rõ rằng họ sẽ không nhận được sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đã áp đặt lên họ và chúng tôi sẽ xem xét gia tăng các biện pháp trừng phạt đó”, ông John Bolton nói với kênh truyền hình Fox, theo Reuters.
Phát biểu của ông Bolton được đưa ra ít ngày sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai đổ vỡ tại Việt Nam quanh bất đồng về các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn cũng như việc phi hạt nhân hóa.
XEM THÊM:
Ông Kim Jong Un về tới Triều Tiên sau chuyến thăm Việt Nam
Cũng trong ngày 5/3, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc và các cơ quan nghiên cứu của Mỹ cho biết rằng Bắc hàn đã khôi phục một phần địa điểm phóng tên lửa mà nước này đã bắt đầu phá hủy sau khi cam kết như vậy với Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông và Chủ tịch Kim Jong Un.
Hãng Yonhap dẫn lời các nhà lập pháp được cơ quan tình báo Hàn Quốc thông báo về diễn biến trên nói rằng việc khôi phục, sửa chữa mái và cửa được thực hiện tại địa điểm phóng có tên gọi Tongchang-ri.
Reuters trích lời bà Jenny Town, một nhà phân tích của dự án về Bắc Hàn là 38 North cũng như của trung tâm nghiên cứu Stimson nói rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng các công trình tại bệ phóng trên đã được xây lại trong khoảng thời gian từ ngày 16/2 tới 2/3.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng công bố một báo cáo dựa trên các hình ảnh vệ tinh và kết luận rằng Bắc Hàn đã “nhanh chóng tái xây dựng” tại địa điểm phóng tên lửa Tongchang-ri.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-xem-x%C3%A9t-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn/4815288.html
Mỹ không bỏ chính sách thuế quan với TQ
dù kéo dài thời hạn “ngừng bắn”
Ngày 27.2, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) ra tuyên bố, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định kéo dài thời hạn cuối cùng cho việc đạt được hiệp nghị về mậu dịch lẽ ra đã hết hạn vào ngày 1.3, cơ quan này tạm thời chưa thực hiện việc điều chỉnh tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cho biết, Mỹ sẽ không từ bỏ chính sách dùng thuế quan để uy hiếp Trung Quốc.Sau vòng đàm phán thứ 7 Mỹ đã kéo dài thời hạn 90 ngày hoãn gia tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
Hoãn tăng thế nhưng không từ bỏ việc dùng thuế kìm hãm Trung Quốc
Hôm 27.2, ông Robert Lighthizer đã nói trước quốc hội, dù Washington và Bắc Kinh kết thúc một cuộc chiến thuế quan với giá rất đắt bằng một hiệp nghị thì trong nhiều năm tới Mỹ cũng cần phải tiếp tục giữ mối đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Robert Lighthizer nói, việc đạt được một hiệp nghị mậu dịch còn phải làm rất nhiều việc, bao gồm việc xác định cơ chế đảm bảo cho hiệp nghị được thực thi. Ông nói, thuế quan vẫn là công cụ quan trọng để thúc đẩy Trung Quốc thay đổi chính sách mang tính kết cấu. Ông cũng nhấn mạnh, giải quyết tranh chấp mậu dịch Mỹ – Trung “là một thách thức lâu dài”, Mỹ sẽ “không ngu ngốc cho rằng chỉ qua đàm phán là có thể thay đổi quan hệ mậu dịch song phương đang ngày càng xấu đi”.
Robert Lighthizer nói, tuy đàm phán đã giành được một số tiến triển, nhưng không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề; hiện nay hai bên đang nỗ lực xây dựng một cơ chế hiệp thương. Cơ chế này sẽ tiến hành theo thời gian và các cấp: đội ngũ làm việc sẽ họp hàng tháng, cấp thứ trưởng họp hàng quý, còn cấp chấp hành thì họp mỗi năm một lần. Ông cũng nói, nếu sau này không đạt được kết quả như ý muốn, Washington có thể áp dụng hành động đơn phương để trừng phạt Trung Quốc.
Theo Wall Street Journal, hôm 27.2, phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban gây quỹ Hạ nghị viện (Ways and Means Committee), ông Robert Lighthizer nói, thực hiện tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, USTR sẽ thực hiện hoãn việc điều chỉnh mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc theo đúng trình tự pháp luật.
Ông cũng nói, việc đạt được một hiệp nghị mậu dịch với Trung Quốc còn phải làm những công việc đầy khó khăn. Ông nói, những vấn đề trên bàn đàm phán Mỹ – Trung rất nghiêm trọng, không thể được giải quyết thông qua việc Bắc Kinh cam kết mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ, mà Trung Quốc phải tiến hành cải cách kết cấu.
Robert Lighthizer nói với các thành viên ủy ban: “Cơ quan hành chính của chúng ta đang thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cải cách kết cấu lớn để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng; đặc biệt là trong các vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng công nghệ”.
Robert Lighthizer nói: “Tổng thống muốn có một hiệp nghị như thế này: trước hết, phải có tính khả thi, phải thay đổi mô thức và cách làm của họ [Trung Quốc] trong việc cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ, bản quyền sở hữu trí tuệ, chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp lớn và các hành vi cụ thể các loại trên khắp các mặt”.
Trang tin Đa Chiều viết, đây là lần đầu tiên ông Robert Lighthizer phát biểu rõ quan điểm về vấn đề mậu dịch Mỹ – Trung. Trước thông tin Trung Quốc đã cam kết sẽ mua thêm 1.200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, các nghị sĩ Mỹ đã nhắc nhở ông Robert Lighthizer không nên để Trung Quốc dùng cách tăng mua hàng hóa Mỹ để nhằm thay đổi tiêu điểm mà Mỹ tìm kiếm là chấm dứt tình trạng mậu dịch không công bằng giữa hai nước.
Ông nói: “Tôi không ngu ngốc đến mức cho rằng một cuộc đàm phán có thể thay đổi được mọi hành vi mậu dịch của Trung Quốc hay thay đổi mối quan hệ giữa chúng ta với họ”. Theo ông, tuy cuộc dàm phán mậu dịch Mỹ – Trung đã có tiến triển nhất định, nhưng Mỹ vẫn cần có khả năng áp dụng hành động đơn phương để đảm bảo cho bất cứ hiệp nghị nào cũng phải được thực thi.
Học giả Mỹ nhắc nhở các nhà đàm phán Mỹ “hãy tỉnh giấc”
Theo Đa Chiều, rất nhiều chuyên gia, học giả đã quan tâm theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán Mỹ – Trung. Ông Stephen S. Roach, nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Yale đã viết bài đăng trên tạp chí Project Syndicate: nước Mỹ cho rằng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, người lãnh đạo Trung Quốc hy vọng cấp thiết đạt được một hiệp nghị kết thúc cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước, bất luận thời hạn hưu chiến 90 ngày hiện nay thực sự kết thúc vào lúc nào; cục diện cơ bản kinh tế Mỹ – Trung trong thời gian dài khiến người ta có những phán đoán khác hẳn về bên nào đang chiếm thế thượng phong.
Ông viết, chính phủ Donald Trump đã đánh giá thấp tính mềm dẻo và chiến lược của Trung Quốc. Mỹ cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ giáng đòn mạnh vào Trung Quốc và buộc họ muốn kết thúc cuộc chiến mậu dịch; nhưng Trung Quốc có không gian chính sách rất rộng để ứng phó với việc giảm tốc độ tăng trưởng hiện nay, cũng không cần thiết phải từ bỏ chiến lược lâu dài đã định.
Ông cho rằng, mấy tháng qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm đi rõ rệt, nhưng chủ yếu do nguyên nhân tự thân Trung Quốc gây ra, chứ không phải như người Mỹ chủ quan suy nghĩ là kết quả của chiến lược thuế quan của họ giành được thành công. Trung Quốc đã lập tức phát huy ưu thế chính sách cố hữu của họ – chính sách linh hoạt hơn phương Tây nhiều. Trong một năm qua, Trung Quốc đã liên tục điều chuyển tỷ lệ lượng tiền dự trữ, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay, mức tăng trưởng tín dụng đầu năm 2019 đã phục hồi, đến giữa năm có thể phục hoạt toàn bộ nền kinh tế.
Quỹ tích tăng trưởng khác nhau khiến cho sự cách biệt về tăng trưởng kinh tế Mỹ – Trung ngày càng rõ. Chính sách của Trung Quốc dẫn dắt và cải thiện tình hình kinh tế, còn hạn chế về chính sách đã kéo
chậm sự phát triển của kinh tế Mỹ. Năm 2018, tỷ lệ dự trữ trong nước Trung Quốc đạt 45% GDP, gấp 2,5 lần mức 18,7% của Mỹ.
Bài báo viết, sự chênh lệch này phản ánh sự cách biệt then chốt về cơ sở đầu tư trong tăng trưởng kinh tế hai bên. Năm 2018, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc chiếm 44% GDP, còn Mỹ chỉ chiếm 21%. Điều đó cho thấy Trung Quốc có nguồn tiền dồi dào dùng để đầu tư cải thiện các điều kiện thiết yếu cho phát triển kinh tế tương lai như đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài nguyên nhân lực, nghiên cứu phát triển công nghệ và tự chủ sáng tạo.
Ông Stephen S. Roach kết luận: suy cho cùng, thực lực kinh tế chỉ là tương đối. Địa vị ưu thế kinh tế của Mỹ hiện nay tựa hồ đóa Quỳnh (ý nói chóng tàn), mặt cơ bản của kinh tế Mỹ rất đáng lo ngại, sự dẻo dai của nó thể hiện trong thời gian ngắn đã ở giai đoạn dây cung căng hết cỡ. Hoàn cảnh của Trung Quốc thì ngược lại, giai đoạn bất ổn của họ sẽ kết thúc vào giữa năm 2019, về cơ bản khá ổn định lâu dài. Các nhà đàm phán Mỹ hãy tỉnh giấc trước hiện thực này. Họ đã phán đoán sai sức mạnh của Trung Quốc và đã đánh giá quá cao một bản hiệp nghị bề mặt có thể đem lại lợi ích thực tế cho Mỹ.
http://biendong.net/bien-dong/26616-my-khong-bo-chinh-sach-thue-quan-voi-tq-du-keo-dai-thoi-han-ngung-ban.html
Một năm chiến tranh thương mại:
Kết quả ít ỏi cho Donald Trump
Mai VânMột năm sau khi khởi động cuộc chiến tranh thương mại, kết quả mà tổng thống Mỹ Donald Trump thu được nhìn chung rất ít ỏi.
Nguyên thủ Hoa Kỳ chỉ có thể tự hào về việc buộc được Trung Quốc và châu Âu đàm phán, còn về cơ bản thì chưa có gì được giải quyết : Cán cân thương mại Mỹ không ngừng xấu đi thêm, trong lúc tăng trưởng kinh tế toàn cầu trì trệ do đầu tư bị đình trệ trước kết cục khó lường của cuộc chiến tranh thương mại.
Trong số ra ngày 04/03/2019, nhật báo Pháp Les Échos đã thử đánh giá các kết quả mà tổng thống Mỹ đạt được sau một năm gây căng thẳng trong nền thương mại toàn cầu, để đi đến kết luận trên là ông Trump thực ra không thu lợi được bao nhiêu.
Tờ báo Pháp lấy dấu mốc là ngày 01/03/2018, khi tổng thống Trump đơn phương loan báo việc đánh thuế đối với hai mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, qua đó, mở ra một thời kỳ căng thẳng thương mại chưa từng thấy giữa Mỹ và các đối thủ cũng như đối tác.
Bài phân tích được trình bày dưới dạng hỏi-đáp.
Vì sao tổng thống Mỹ Donald Trump lại quyết định khai chiến ?
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, Donald Trump đã đặt trọng tâm vào lời hứa công nghiệp hóa trở lại vùng Midwest của Mỹ và ngăn chặn việc di dời nhà máy. Ông muốn cho thấy đối thủ thuộc phe Dân Chủ là tác nhân của tiến trình toàn cầu hóa tai hại, đồng thời cho rằng thâm thủng mậu dịch to lớn mà Mỹ phải chịu là một điều ô nhục.
Thông báo tăng thuế đối với thép, một sản phẩm mang tính biểu tượng cao mà giá đã giảm sụt mạnh với thép nhập từ Trung Quốc, được đưa ra 8 tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Từ đó trở đi, giọng điệu càng lúc càng cứng rắn hơn, trong lúc lãnh vực trừng phạt ngày càng mở rộng thêm.
Cuộc tấn công thương mại của ông Trump tuy nhiên không hoàn toàn là điều mới mẻ : Gần như hầu hết các tổng thống Mỹ, kể cả ông Obama, đều đã cố kềm hãm nhập khẩu thép thông qua chế độ quota hay kiểm soát giá, nhưng đều không mấy thành công.
Cho đến lúc này, tổng thống Mỹ thu hoạch được gì ?
Trước các đe dọa thuế cao của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhanh chóng đúc kết những thỏa thuận mới với Mỹ. Đàm phán với Mêhicô và Canada kéo dài từ nhiều tháng, đột nhiên đã tăng tốc và một phiên bản mới của NAFTA, Hiệp Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ, có lợi hơn cho công nhân Mỹ, đã ra đời vào tháng 10/2018. Văn kiện này còn phải được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn, và đang bị đảng Dân Chủ chỉ trích.
Tuy nhiên, với châu Âu và Trung Quốc, đàm phán mở ra vào mùa hè vừa qua chưa dẫn đến kết quả gì. Trump lại đe dọa tăng thuế quan đối với xe hơi, một yếu tố thương lượng đáng gờm, cũng như đánh thêm thuế mới đối với 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc, mà ông Trump đã hai lần dời lại việc áp dụng.
Riêng châu Âu sẵn sàng đáp trả đến đâu ?
Trước một Donald Trump luôn đẩy họ vào thế bị động, châu Âu đang cố chơi một ván bài tế nhị : Đáp trả nhưng cũng sử dụng củ cà rốt. Phương thức phòng thủ của châu Âu rất rõ : Không chủ động tấn công vào Mỹ, nhưng đáp trả ngay, theo nguyên tắc có qua có lại và trên tinh thần tôn trọng quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới OMC.
Ví dụ cụ thể của phương thức này là những biện pháp tăng thuế quan đối với các loại rượu Bourbon, quần jean hay xe môtô Harley-Davidson để chống lại đợt tấn công của Mỹ đối với thép nhập châu Âu, hay là một số biện pháp khác mà châu Âu đưa ra để bảo vệ thép và nhôm.
Cách thức phản ứng thực thụ của châu Âu tuy nhiên nằm ở nơi khác : Đó là cố thuyết phục Mỹ trở lại làm người đồng minh lịch sử, một vị trí mà Hoa Kỳ vẫn nắm giữ chỉ cách đây không lâu. Mục tiêu là đứng chung chiến tuyến với Mỹ và Nhật để thúc đẩy cải tổ OMC nhằm đối phó tốt hơn với các tấn công của Trung Quốc.
Nhưng cách tiếp cận này đến nay đã không có kết quả. Bằng chứng là lời đe dọa của Washington đánh thuế xe hơi nhập từ Châu Âu. Đối với đa số thành viên châu Âu, đi đầu là Đức, câu trả lời tốt nhất là nhanh chóng thúc đẩy việc mở đàm phán đã hứa hẹn mùa hè này ở Washington, mà phạm vi áp dụng còn rất hạn chế. Nhưng Paris không muốn.Tổng thống Macron luôn từ chối « thương lượng khi bị dí súng vào đầu ».
Chiến lược của Trung Quốc trước đòn tấn công của Trump ra sao ?
Đó là ăn miếng trả miếng. Trước loạt thuế của Washington, Bắc Kinh trước tiên đã quyết định đáp trả, đánh thuế hàng hóa Mỹ theo giá trị tương đương. Nhưng với số hàng nhập từ Mỹ 4 lần ít hơn hàng xuất sang Mỹ, chiến lược này không thể trụ lâu trước đe dọa của ông Trump áp thuế đối với toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc. Dễ hiểu là Trung Quốc nhẹ nhõm khi hưu chiến thương mại được tuyên bố, ngày 01/12/2018 giữa hai ông Trump và Tập bên lề thượng đỉnh G20.
Dưới sức ép, Bắc Kinh đã cố đưa ra vài cam kết (như mở cửa lãnh vực tài chính, chấp dứt chế độ công ty hợp doanh trong ngành xe hơi) và trong các lãnh vực mà công ty Trung Quốc đã vững vàng. Nhưng vào lúc mà Washington đòi hỏi những cải tổ về cấu trúc, thì Bắc Kinh không muốn bỏ mô hình kinh tế dựa trên các tập đoàn Nhà nước hùng mạnh, cũng như không từ bỏ việc nâng cấp ngành công nghiệp của mình để tạo ra những nhà vô địch công nghệ học tầm cỡ thế giới.
Hậu quả cuộc thương chiến đối với Mỹ là gì ?
Do tỷ trọng hàng nhập khẩu không cao trong GDP của mình (độ 13%), kinh tế Mỹ không mấy bị tác động do việc thuế tăng lên. Cho dù căng thẳng thương mại gây lo âu trên thị trường tài chính, kinh tế Mỹ vẫn có dấu hiệu khỏe mạnh : thất nghiệp chỉ khoảng 4%, tăng trưởng ở mức hơn 3%.
Tuy nhiên, ngoại trừ một vài lãnh vực, việc thuế tăng không có hệ quả làm thất thu thương mại, vẫn hơn 550 tỷ đô la từ tháng Giêng đến 11/2018, tức nhiều hơn so với cùng thời kỳ hai năm 2016 và 2017.
Ai được ai thua trong cuộc tấn công của Washington ?
Ngành phân phối có lẽ là khu vực đã lên tiếng nhiều nhất chống lại các biện pháp của ông Trump, cảnh báo về nguy cơ thuế tăng làm giá cả tăng theo, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nhưng cho đến lúc này, các hộ gia đình Mỹ cảm nhận không nhiều hệ quả các thuế phụ thu.
Vào mùa thu năm ngoái, hai nhà nghiên cứu của Trường Kinh Tế Luân Đôn và Princeton đã nêu cụ thể những khoản tốn thêm do các biện pháp của ông Trump, trung bình là vài chục đô la mỗi năm cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, khoản này sẽ lên thành 270 đô la/năm trong trường hợp áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc.
Nếu bản kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn đã ghi nhận chi phí họ trả thêm do chính sách của Washington, những người bị thua thiệt trước tiên là các nạn nhân của biện pháp trả đũa từ phía các đối tác thương mại của Mỹ. Việc Trung Quốc ngưng nhập đậu nành và bắp của Mỹ chẳng hạn, đã làm giá cả hai mặt hàng này sụp đổ, buộc các nông dân miền Midwest tìm thị trường khác.
Hoa kỳ có được lợi về lao động hay không ?
Hệ quả ở giai đoạn này vẫn giới hạn và khó ước lượng bằng con số cụ thể. Thị trường lao động Mỹ tiếp tục tạo trung bình 200.000 việc làm mới mỗi tháng, nhưng thường là trong lãnh vực dịch vụ, còn trong công nghiệp thì khiêm tốn hơn.
Một số công ty chế tạo xe hơi đã thông báo đầu tư tại Mỹ từ hai năm qua, thế nhưng các quyết định đó thường không liên quan trực tiếp với chính sách của Trump. Việc đóng cửa 4 nhà máy của tập đoàn General Motors, theo thông báo hồi tháng 11 vừa qua, như đã dội một gáo nước lạnh vào không khí phấn khởi.
Ông Trump cũng nói đến « phép màu » trong ngành luyện thép mỗi khi một lò mới được đưa vào hoạt động. Ngành được lợi nhờ giá cả tăng do chính sách thuế, nhưng hệ quả về việc làm, trong một ngành sử dụng rất nhiều máy tự động, vẫn còn khiêm tốn.
Theo các chuyên gia của viện nghiên cứu sắt và thép American Iron and Steel Institute, lượng nhân công sử dụng hiện nay thấp hơn 4% so với cách đây 4 năm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190306-mot-nam-chien-tranh-thuong-mai-ket-qua-it-oi-cho-donald-trump
Ủy ban Hạ viện chỉ định
người lãnh đạo cuộc điều tra về ông Trump
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hôm 5/3 cho biết đã thuê một cựu công tố viên liên bang ở Manhattan vốn có kinh nghiệm điều tra các băng đảng Nga và các tội phạm văn phòng để dẫn đầu cuộc điều tra của họ về chính quyền của Tổng thống Donald Trump.Thuê ông Daniel Goldman là động thái mới nhất của Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát để tăng cường sức mạnh cho danh sách ngày càng dài các cuộc điều tra về những hoạt động của Tổng thống Trump và các cộng sự của ông.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Dân biểu Jerrold Nadler, mới đây đã tuyên bố rằng ông giữ lại ông Barry Berke, một luật sư hình sự nổi bật, và ông Norman Eisen, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, để làm việc trong cuộc điều tra sâu rộng về ông Trump.
Dân biểu Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, thông báo rằng ông Goldman tham gia vào ban điều tra vào tháng 2 với tư cách là cố vấn cao cấp và giám đốc các cuộc điều tra.
Ông Goldman, người mà cho đến gần đây là nhà bình luận quen thuộc trên truyền hình về cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, nói rằng ông ‘hào hứng’ được tham gia vào cuộc điều tra của Ủy ban. Ông Mueller đang dẫn đầu cuộc điều tra về khả năng thông đồng của ban vận đồng tranh cử cho ông Trump với phía Nga.
“Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Schiff, chúng tôi dự định sẽ tiến hành một cuộc điều tra chuyên nghiệp nhằm để hé lộ sự thật,” ông Goldman cho biết trong email gửi cho báo chí.
Ông Goldman đã làm phân tích gia pháp lý cho các kênh NBC News và MSNBC. Ông bình luận về cuộc điều tra kéo dài đã 22 tháng của ông Robert Mueller. Nữ phát ngôn nhân của MSNBC xác nhận rằng ông Goldman không còn là cộng tác viên của cả hai kênh.
Ông Goldman đã tham dự phiên tòa xét xử cựu chủ tịch ủy ban vận động tranh cử của ông Trump là ông Paul Manafort hồi mùa hè vừa rồi và có mặt tại phiên tuyên án ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump. Ông Cohen người sắp bắt đầu bản án tù ba năm vào tháng Năm về tội vi phạm luật tài chính vận động tranh cử và các tội danh khác.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BB%A7y-ban-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-ch%E1%BB%89-%C4%91%E1%BB%8Bnh-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-cu%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%81-%C3%B4ng-trump/4815231.html
Mỹ : Tấn công cấp tập vào tổng thống Trump,
nước cờ rủi ro của phe Dân Chủ ?
Anh VũChính trường Mỹ những ngày qua lại nóng lên với cuộc đọ sức giữa đảng Dân chủ và tổng thống Donald Trump. Phe Dân chủ kiểm soát Hạ Viện mở cuộc điều tra quy mô chưa từng có nhằm vào mọi khía cạnh chính trị, đời sống cá nhân, của tổng thống Trump. Cuộc chiến dường như bước vào giai đoạn tổng lực nhưng có thể sẽ kéo dài hết nhiệm kỳ của tổng thống mà vẫn không ngã ngũ, thậm chí có thể gây rủi ro chính trị cho phe Dân Chủ.
Khởi đầu “cuộc tổng tấn công” này, Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Mỹ, hiện do đảng Dân Chủ kiểm soát, ngày 04/03 vừa qua , gửi thư cho 81 cá nhân, cơ quan và thực thể trong đó có cả những
người con trai và con rể của ông Donald Trump, đề nghị được cung cấp một loạt tài liệu về nhiều vấn đề liên quan đến tổng thống.
Từ những nghi vấn ê kíp tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump thông đồng với Nga đến chuyện trả tiền mua sự im lặng của những cô gái mà ông Trump đã có quan hệ trong quá khứ, cho đến các chứng từ hồ sơ liên quan đến hoạt động làm ăn của công ty gia đình Trump Organization. Đồng thời, ba ủy ban của Hạ Viện yêu cầu Nhà Trắng cung cấp các báo cáo chi tiết liên quan đến các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa ông Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó hồ sơ liên hệ với Nga được cho là nhạy cảm nhất đối với tổng thống Trump vẫn đang được thẩm phán đặc biệt Robert Mueller tổ chức điều tra từ hai năm nay mà vẫn chưa có kết luận.
Cuộc tấn công toàn diện vào tổng thống Trump của Hạ Viện khiến giới quan sát phải đặt câu hỏi : Mục đích của đối lập là gì và cuộc điều tra mở rộng này rồi sẽ đi đến đâu ?
Người khởi xướng cuộc « tấn công » này là dân biểu Dân Chủ của New York, ông Jerry Nadler, hiện là chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Hạ Viện. Ông Nadler được cho là người có mối thâm thù với ông Trump từ hơn 3 chục năm nay, từ khi còn là dân biểu địa phương của Manhattan những năm 1980 và ông Trump khi đó là nhà tài phiệt bất động sản với những dự án kinh doanh gây nhiều tranh cãi ở New York.
Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của ông Nadler cùng các thành viên Dân Chủ là muốn có bằng chứng tạo tiền đề pháp lý chống ông Donald Trump để dọn đường cho cuộc bầu cử tổng thống 2020. Những cử tri sẽ được vận động quay lưng lại với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Xem ra mục tiêu có vẻ dài hơi này của đảng Dân Chủ không mấy thuyết phục. Theo phân tích của thông tín viên RFI tại Mỹ, Anne Corpet thì trên lý thuyết, Hạ Viện có đủ thẩm quyền để mở thủ tục luận tội, phế truất tổng thống, nhưng phe Dân Chủ hiểu rằng kết quả sẽ không có, thậm chí còn mang lại rủi ro về chính trị cho đảng này. Ý đồ tấn công để phế truất tổng thống có thể khiến ông Trump được nhìn nhận như là nạn nhân của một âm mưu lật đổ. Phe Cộng Hòa, không bao giờ bỏ rơi tổng thống của đảng, càng đoàn kết hơn. Đó là điều đã xảy ra tương tự với cựu tổng thống Bill Clinton ở cuối những năm 1990. Khi đó phe Cộng Hòa đã khởi sự thủ tục phế truất tổng thống nhưng không thành và hệ quả là trong cuộc bầu cử sau đó phe Cộng Hòa đã mất nhiều ghế ở Quốc Hội.
Mặt khác cứ dốc sức chỉ để « bới lông tìm vết » trong cuộc sống riêng của tổng thống mà không thu được kết quả nào thì cử tri Mỹ sẽ nhìn nhận tư cách của đảng Dân Chủ ra sao ? Khi đó phe Dân Chủ vô hình chung sẽ trao cho ông Trump thắng lợi chính trị quan trọng và ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội tận dụng để có thể ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trong cuộc tấn công cấp tập này, các lãnh đạo đảng Dân Chủ đã cố gắng giải thích cuộc điều tra này không có nghĩa khởi phát thủ tục phế truất nhắm vào tổng thống Trump. Mục đích của phe Dân Chủ chỉ đơn giản là được công bố thông tin rộng rãi nhất có thể về những nghi vấn xung quanh tổng thống Donald Trump bằng những nguồn tài liệu điều tra riêng của mình.
Để cuộc điều tra này của Ủy ban Hạ Viện có được kết quả cụ thể có lẽ cũng phải mất cả năm hoặc nhiều hơn nữa, nhưng cộng với cuộc điều tra dai dẳng của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller, ông Trump sẽ luôn cảm thấy bất an, phải phân tâm vào những rắc rối cứ đeo đẳng bủa vây lấy ông. Trong khi đó chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống mới đang bắt đầu rục rịch khởi động ở Mỹ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190306-my-tan-cong-cap-tap-vao-tong-thong-trump-nuoc-co-rui-ro-cua-phe-dan-chu
Tỷ phú Michael Bloomberg không ra tranh cử Tổng thống Mỹ
Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg hôm 5/3 đã thông báo ông sẽ không ra tranh cử tổng thống với việc kết luận rằng con đường tìm kiếm sự đề cử của Đảng Dân chủ là hẹp đối với ông và ông sẽ làm được nhiều hơn với tư cách là một công dân.Quyết định này đã đưa ra khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng một trong những người giàu nhất thế giới – một người tự cho mình là ‘người trung dung’ có khả năng chi phối ngân khoản của giai đoạn bầu cử sơ bộ và làm phức tạp thêm cho chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên ôn hòa khác.
“Tôi tin rằng tôi có thể đánh bại Donald Trump trong cuộc bầu cử,” ông Bloomberg, 77 tuổi, cho biết trong một thông cáo được đăng tải trên mạng hôm 5/3. “Nhưng tôi rất tinh tường về khó khăn mà tôi gặp phải để giành được sự đề cử của Đảng Dân chủ khi có quá nhiều ứng cử viên như vậy.”
Thay vì ra ứng cử, ông Bloomberg đã quyết tâm tài trợ cho một cuộc vận động chính trị độc lập nhằm ngăn ông Trump tái đắc cử với việc tăng cường vận động cử tri và tiếp cận các cử tri ở những bang dao động trong vòng 18 tháng tới.
Ông Bloomberg, vốn có giá trị tài sản trên 50 tỷ đô la từ sự kiểm soát đế chế dịch vụ tài chính mang tên ông, đã đưa ra quyết định cuối cùng vào sáng ngày 4/3 ở New York sau quá trình nhiều tháng xây dựng cơ sở hạ tầng tranh cử. Ông đã sắp xếp đội ngũ vận động, thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến sâu rộng và dành riêng không gian văn phòng ở Manhattan để đặt tổng hành dinh vận động tranh cử.
Trong suốt quá trình, khả năng cựu phó tổng thống Joe Biden cũng tham gia vào cuộc đua mặc dù ông Biden vẫn chưa thông báo ý định đè nặng lên ý định của ông Bloomberg. Ông Biden cũng thu hút khối cử tri giống như Bloomberg trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.
Tình cảm của một số cử tri Đảng Dân chủ đối với người có đế chế kinh doanh lớn như ông Bloomberg cũng đe dọa hành trình bầu cử sơ bộ của ông. Một số ứng viên tự do khác, trong đó có các Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren và Bernie Sanders đã xoáy vào tài sản kếch xù của những nhà tỷ phú như Bloomberg để làm chủ đề trọng tâm cho chiến dịch tranh cử của họ.
Các cố vấn của ông cho biết ông cuối cùng quyết định không ra tranh cử do kết luận rằng ông có thể làm được nhiều hơn thông qua hoạt động vận động chính trị và làm từ thiện trong vòng hai năm tới và bằng cách tập trung vào những vấn đề như bạo lực súng đạn, nghiện opioid và biến đổi khí hậu.
“Tôi đã nhận ra rằng mình ít quan tâm đến việc nói hơn là làm,” ông viết. “Và tôi cũng kết luận rằng vào lúc này con đường tốt nhất để phụng sự đất nước đối với tôi là xắn tay áo lên và tiếp tục hoàn thành công việc.”
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%B7-ph%C3%BA-michael-bloomberg-kh%C3%B4ng-ra-tranh-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9/4814765.html
Venezuela: Maduro thề
đánh bại ‘thiểu số điên rồ’ của Guaidó
Tổng thống đương nhiệm Venezuela Nicolás Maduro vừa lên tiếng kêu gọi “tuần hành chống đế quốc” vào thứ Bảy để thách thức lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó, cùng lúc với các cuộc biểu tình chống chính phủ.Đây là tuyên bố đầu tiên của ông Maduro kể từ khi ông Guaidó quay trở lại Venezuela hôm thứ Hai.
Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt mới để gây áp lực buộc ông Maduro từ bỏ quyền lực.
Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Venezuela, Elliott Abrams, cho biết thật khó để thấy ông Maduro nắm một vai trò nào trong các cuộc bầu cử dân chủ tương lai.
Cuộc chạy trốn âm thầm từ Venezuela tới Hungary
Venezuela: Đụng độ nổ ra khi Maduro chặn viện trợ
Lo âu, hy vọng ở Venezuela
“Nếu ông ta muốn xây dựng một Venezuela dân chủ, ông ta có cơ hội để làm điều đó, nhưng ông đã không làm thế,” ông Abrams nói.
Là Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, ông Guaidó tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời của Venezuela hồi tháng Một sau khi cơ quan lập pháp tuyên bố cuộc tái bầu cử của ông Maduro vào năm ngoái không hợp lệ.
Ông Maduro đã tuyên bố gì?
Ông Maduro cáo buộc phe đối lập cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Phát biểu tại một sự kiện đánh dấu kỷ niệm lần thứ sáu của cái chết của người tiền nhiệm và cố vấn chính trị, Hugo Chávez, ông Maduro nói: “Một thiểu số điên cuồng tiếp tục với lòng thù
hận, với sự cay đắng của chúng, đó là vấn đề của bọn chúng. Chúng ta không nên để ý đến họ, hỡi đồng bào.”
Ông Maduro tuyên bố trước các quan chức quân sự: “Chúng ta sẽ ngăn chặn chúng, công việc của chúng, tổ chức liên minh quốc gia của chúng.”
“Hãy để nhóm thiểu số điên rồ tiếp tục với sự cay đắng, chúng ta sẽ đánh bại chúng. Vì Chávez chúng ta sẽ làm điều đó, vì lịch sử vĩ đại của đất nước, chúng ta sẽ làm điều đó.”
Tại sao có áp lực phải thay đổi?
Khủng hoảng chính trị ở Venezuela được châm ngòi từ khủng hoảng kinh tế với tình trạng siêu lạm phát ảnh hưởng đến tiền lương và tiền tiết kiệm, khiến nhiều người phải chạy khỏi đất nước.
Đất nước này cũng đang bị thiếu hụt kinh niên các mặt hàng nhu yếu phẩm bao gồm thực phẩm và thuốc men.
Áp lực quốc tế đối với Maduro ngày càng gia tăng với hơn 50 quốc gia, gồm cả Mỹ và hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh công nhận ông Guaidó là lãnh đạo lâm thời.
Dù vậy ông Maduro bác bỏ mọi lời kêu gọi ông từ chức.
Được hậu thuẫn bởi Trung Quốc và Nga, ông Maduro khẳng định ông là tổng thống hợp pháp duy nhất.
Lời kêu gọi tuần hành của ông vào thứ Bảy tạo tiền đề cho các cuộc đối đầu khác với ông Guaidó, Will Grant của BBC cho biết.
Với nguy cơ sẽ xảy ra đụng độ, chắc chắn nhà chức trách sẽ cố gắng tiếp tục giữ cho hai bên tách biệt.
Hôm thứ Hai, ông Guaidó trở lại thủ đô Caracas, bất chấp nguy cơ bị bắt giữ sau khi ông phớt lờ lệnh cấm đi lại của Tòa án tối cao. Ông đã đến thăm một số nước Mỹ Latinh để vận động hành lang tìm kiếm giúp đỡ từ quốc tế.
Trong các cuộc đàm phán với các công đoàn hôm thứ Ba, ông tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc đình công để giúp hạ bệ chính phủ.
“Họ nghĩ rằng áp lực đã hết rồi … Họ nên biết rằng áp lực giờ mới chỉ bắt đầu,” ông Guaidó nói.
Maduro bán vàng
Trong một diễn biến khác, ông Guaidó yêu cầu Citibank của Mỹ trì hoãn 120 ngày kế hoạch mua lại vàng mà Maduro đã thế chấp cho một khoản vay năm 2015.
Các cố vấn của ông Guaidó đã gặp các quan chức Citibank để yêu cầu họ từ chối nhận số vàng mà chính phủ của ông Maduro cam kết bán nếu không trả được khoản vay vào tháng Ba.
Citibank chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Đây được cho là chiến lược của ông Guaidó để bảo vệ tài sản của Venezuela ở nước ngoài và ngăn chính phủ Maduro bán hết dự trữ vàng để tăng giá trị tiền tệ.
Chính phủ Maduro dường như đang bắt đầu cảm thấy sự ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Reuters tuần trước đã báo cáo rằng chính phủ đã lấy tám tấn vàng từ ngân hàng trung ương của Venezuela bán ra nước ngoài để huy động tiền mặt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47465800
Venezuela : Cuộc đọ sức mới giữa Maduro và Guaido
Thanh PhươngHôm qua, 05/03/2019, sau khi trở về Venezuela, nhà đối lập Juan Guaido đã tuyên bố tại Caracas rằng ông sẵn sàng ủng hộ công đoàn kêu gọi tổng đình công, đồng thời cảnh báo tổng thống Nicolas Maduro là « áp lực chỉ mới bắt đầu ». Ông Maduro đã đáp trả bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ vào thứ Bảy tuần này, 09/03, đúng vào ngày phe đối lập lại xuống đường.
Từ Caracas, thông tín viên Benjamin Delille gởi về bài tường trình :
« Ông Nicolas Maduro đã lên tiếng lần đầu tiên kể từ khi ông Juan Guaido trở về nước. Nhưng tổng thống Venezuela không có phản ứng gì về cuộc trở về thắng lợi của đối thủ, trong khi bình thường ông vẫn không ngần ngại đả kích. Ông Maduro cũng không nói đến khả năng bắt giữ ông Guaido, mặc dù vào tuần trước ông vẫn liên tục tuyên bố là nhà đối lập Venezuela phải trả lời trước pháp luật về những hành động của ông.
Nguyên thủ quốc gia Venezuela khẳng định là ông sẽ đánh bại phe đối lập điên cuồng chỉ đại diện cho một thiểu số. Để làm được như thế, ông Maduro đã quyết định tổ chức một cuộc biểu tình chống đế quốc vào thứ Bảy tuần này, như mỗi lần mà phe đối lập dự trù huy động lực lượng. Ông còn kêu gọi phụ nữ Venezuela xuống đường vào ngày hôm trước để bày tỏ sự ủng hộ chính phủ, đồng thời cho biết là cuối tuần này ông sẽ có những thông báo quan trọng.
Giới công chức cũng bị lôi kéo vào cuộc đọ sức mới này. Các công chức tham gia rất đông đảo vào những cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ. Theo phe đối lập, lý do là vì họ sợ bị sa thải. Hôm qua, ông Juan Guaido đã cố chiêu dụ họ, qua một cuộc họp với các công đoàn chính. Ông hy vọng sẽ thuyết phục được giới công chức tham gia tổng đình công, và nhất là xuống đường chung với ông vào thứ Bảy này. Hai cuộc biểu tình cùng lúc sẽ là một cuộc chiến mới về hình ảnh giữa hai vị tổng thống đương nhiệm và tự phong. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190306-venezuela-cuoc-do-suc-moi-giua-maduro-va-guiado
Khủng hoảng Venezuela:
Cuộc chạy trốn âm thầm tới Hungary
Nick ThorpeBBC News, HungaryCó lẽ đây là một tin gây ngạc nhiên – người tị nạn từ Venezuela đang được đón nhận nồng ấm tại Hungary, đón nhận một cách chính thức bởi một chính phủ vốn nổi tiếng là thù nghịch với người nhập cư và người xin tị nạn.
Khoảng 350 người đã đến Hungary bằng vé máy bay do nhà nước Hungary chi trả. Còn 750 người nữa đang trong danh sách chờ ở Caracas, và sẽ còn thêm nữa.
5 cách di cư chính của dân Việt thời nay
Vai trò của Hungary trong cách mạng 1989
Tiệp Khắc kháng cự các đồng chí Liên Xô ra sao?
Bệnh viện ngầm và cuộc nổi dậy Hungary 1956
Nhưng có một yêu cầu họ phải đáp ứng.
Đó là tất cả những ai muốn xin đi đều phải chứng minh được rằng họ có gốc gác Hungary, cho dù chỉ dây mơ rễ má xa xôi tới mức nào cũng được.
Các phát ngôn viên của chính phủ đã phải rất vất vả giải thích rằng họ là những người Hungary thực sự “đang trở về nhà”, tuy không mấy ai được sinh ra ở Hungary chứ đừng nói gì tới chuyện biết tiếng Hung.
Họ là ai?
Hầu hết những người Venezuela có gốc gác Hungary rời khỏi Hung trong hai đợt di cư.
Đợt đầu tiên là sau thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó có nhiều người có liên quan tới chế độ Miklos Horthy, vốn theo phe Phát xít Đức. Một số người có liên quan tới việc đưa người Hung gốc Do Thái tới các trại tập trung của Phát xít Đức.
Có một nhóm khác gồm 400 người ra đi sau cuộc cách mạng bất thành hồi 1956 chống lại quân đội Xô-viết tại Budapest.
Cộng đồng này kể từ đó đã phát triển lên thành hàng ngàn người.
Nhiều người Venezuela trẻ không có gốc gác gì liên quan tới Hungary đã bị hấp dẫn bởi đời sống văn hóa sôi động của cộng đồng này tại Caracas, nơi có các nhóm khiêu vũ và các nhóm hướng đạo sinh hoạt động.
Chỉ khi tình hình trở nên xấu đi nhanh chóng vào năm 2017, khi tình trạng thiếu đói đi kèm với nạn bạo lực thất thường, những người tổ chức hoạt động của cộng đồng này mới quay sang tìm sự trợ giúp của chính phủ Hungary.
Tinh thần dân tộc Hungary và Việt Nam
Đọc báo ‘bí mật’ ở Ba Lan thời dân chủ
Chân dung tỷ phú từ thiện George Soros
Nhóm 350 người đã tới Hungary được đón nhận một cách hào phóng. Họ được cho đi học tiếng, được cung cấp chỗ ở và tạo điều kiện để hòa nhập trong 12 tháng đầu tiên.
Orban và chiến dịch chống người nhập cư
Điều trớ trêu ở đây là chương trình đón người từ Venezuela lại được xây dựng bởi một nhóm liên bộ ngành của chính phủ Fidesz, vốn phản đối quyết liệt việc nhập cư từ suốt bốn năm qua.
Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy Viktor Orban đã có chiến dịch vận động tranh cử Nghị viện châu Âu vào tháng Năm, theo đó hoàn toàn phản đối việc cho người nhập cư vào Liên hiệp châu Âu.
Nội dung vận động đăng trên các biển quảng cáo, trong các nội dung quảng cáo trên báo chí đã bị EU lên án là bóp méo sự thực và nhằm “vẽ nên bức tranh u ám về một âm mưu bí mật nhằm đưa thêm di dân vào châu Âu”.
Hầu hết các chương trình hội nhập dành cho người tị nạn tại đây đã bị chính phủ bãi bỏ hồi 2016 và 2017. Chỉ có 94 người được cấp quy chế tị nạn tại Hungary trong chín tháng đầu năm 2018. Có 290 người khác được trao quy chế bảo hộ ở cấp thấp hơn.
Sự nhập cư của người Venezuela được trang web tin tức độc lập Index công bố, và giới chức Hungary đã yêu cầu những người tham gia chương trình nhập cư này không trả lời truyền thông.
“Chính phủ nói rõ với chúng tôi rằng việc này rất khó để nói ra – bởi chiến dịch vận động chống nhập cư của chính họ,” một người Venezuela đã được an toàn tại Hungary và yêu cầu được giữ kín danh tính nói.
“Họ yêu cầu dùng chữ “hồi hương”, nhưng chữ này được áp dụng một cách rất lỏng lẻo ngay từ ban đầu. Nay thì các điều kiện đã được thắt chặt lại.”
Juan Guaidó sắp trở lại Venezuela
Lo âu, hy vọng ở Venezuela
Lính đào ngũ Venezuela lo sợ cho người thân
Nhiệm vụ khó khăn: thuyết phục dân địa phương
Động cơ thực hiện rốt cuộc đã được Phó thủ tướng Zsolt Semjen hậu thuẫn.
“Lúc ban đầu, rất khó mà thuyết phục được chính phủ là tình hình ở đó đã xấu tới đâu,” nguồn tin của tôi nói. “Một tháng lương của tôi chỉ đủ cho một bữa ăn.”
“Chúng tôi không dễ dàng trở thành người tị nạn. Đặc biệt là với những người trong chúng tôi từng là người tị nạn đi từ Hungary từ hồi đầu. Chúng tôi biết rằng mình có thể mất đi công việc cả đời, mất đi căn hộ, mất đi mọi thứ chúng tôi có ở Venezuela.”
Vé máy bay và thậm chí cả phương tiện di chuyển giúp họ tới sân bay đã được Tòa Đại sứ Hungary tại Ecuador và tổ chức thiện nguyện Người Malta Gốc Hungary thu xếp.
Những người Venezuela đầu tiên đã tới vào tháng 4/2018 và tất cả đều rất biết ơn sự giúp đỡ mà chính phủ Hungary dành cho họ.
Nhưng bầu không khí chống người nhập cư mà chính phủ ông Orban gieo rắc đã dẫn tới một số cảnh vừa đáng thương vừa buồn cười.
Khi những người mới tới được đưa vào ở tạm tại khu du lịch nghỉ dưỡng Balatonoszod, dân địa phương đã đóng chặt cửa sổ và hoảng sợ gọi điện thoại cho cảnh sát khi nhận ra điều mà họ gọi là “dân da đen” trên đường phố.
“Đúng là một số người trong chúng tôi có làn da sẫm màu,” người Venezuela mà tôi tiếp xúc với cười lớn. “Nhưng mà một số người khác trong chúng tôi thì lại còn Hungary hơn cả người Hungary.”
Điều gì tiếp theo đối với người nhập cư vào Hungary?
Sau một năm, trẻ em đã bắt đầu thạo tiếng, và hòa nhập rất tốt nơi trường học địa phương.
“Chúng thích việc được tự do đi lại trên đường phố mà vẫn an toàn. Được tự do học hành, được là chính mình ở nơi đây, quả là một điều tuyệt vời,” một phụ huynh nói.
Nhưng những lo lắng vẫn còn trong lòng người lớn.
“Chúng tôi sẽ làm sao đây khi hết một năm, khi mà sự giúp đỡ dành cho chúng tôi sẽ chấm dứt? Chúng tôi không được hưởng chính sách hưu bổng ở đây,” một người nói với tôi.
Đó chỉ là một trong những vấn đề mà Bộ Xã hội Hungary đang tìm cách xử lý.
Các đảng đối lập cáo buộc chính phủ là giả dối khi nhận người Venezuela nhưng lại từ chối người Syria, Iraq và Afghanistan.
Những người Venezuela sợ rằng những cuộc công kích như thế sẽ làm giảm bớt sự sẵn lòng của chính phủ đối với những người đang chờ đến lượt được đưa ra khỏi nước.
Họ nhận thấy đã có sự giảm bớt sốt sắng đối với người mới đến, trong lúc chính phủ Hungary đang đánh giá lại tình hình xem liệu chính phủ hiện thời của Venezuela có tồn tại được hay không.
Theo luật được thông qua ở Hungary hồi 2018, các tổ chức và cá nhân giúp đỡ di dân có thể bị phạt, thậm chí bị tù và bị nhà nước tịch thu 25% thu nhập để sung quỹ bảo vệ biên giới.
Phe đối lập Hungary nói giễu rằng nhà nước cần phải tự phạt mình.
Tôi hỏi người Venezuela mà tôi liên hệ được: nếu như chính phủ Maduro sụp đổ, liệu anh ấy có trở về Venezuela hay không.
“Đương nhiên rồi. Đó là nhà của tôi.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47459094
Venezuela: Lãnh đạo đối lập kêu gọi công chức đình công
Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, hôm 5/3 cho biết đang thảo luận với các công đoàn về lời kêu gọi công nhân viên chức nhà nước đình công trong nỗ lực làm tê liệt khu vực công, siết chặt sức ép lên Tổng thống Nicolas Maduro bằng cách nhắm vào thành trì ủng hộ ông.Cuộc đình công này sẽ tìm cách tận dụng thời cơ mà phe đối lập có được với việc ông Guaido trở về Venezuela trong chiến thắng hôm 4/3 sau khi ông đã vi phạm lệnh cấm ra nước ngoài, đi thăm một loạt các nước Mỹ Latin để tranh thủ sự ủng hộ cho chiến dịch lật đổ ông Maduro.
Mặc dù ông Guaido đã công khai phỏng đoán rằng giới chức sẽ bắt giữ ông khi ông về nước, ông đã qua cửa sân bay quốc tế Caracas mà không gặp trở ngại gì. Sau đó ông đã vội vã đến một cuộc tuần hành nơi ông mỉa mai chính quyền ông Maduro đã để ông về nước quá dễ dàng. Ông phát biểu trước đám đông: “Có ai đó không tuân theo mệnh lệnh.”
Ông Guaido đã kêu gọi các quan chức nhà nước, vốn lâu nay vẫn bị Đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền gây sức ép để công khai ủng hộ ông Maduro, tuyên bố từ bỏ chính phủ và hứa hẹn sẽ ân xá cho những người nghe theo.
“Thời cơ đã đến và lời kêu gọi, yêu cầu và sự ủng hộ toàn diện của chúng tôi đối với công nhân viên chức nhà nước là hãy thực hiên cuộc đình công này,” ông Guaido phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi gặp gỡ các nhân viên nhà nước. Ông không cho biết khi nào cuộc đình công sẽ diễn ra.
Ông Guaido, người được hầu hết các quốc gia phương Tây công nhận là nguyên thủ hợp pháp của Venezuela, nói rằng cuộc đình công này là nhằm làm tê liệt các cơ quan nhà nước.
“Đó là đề xuất từ các nhân viên nhà nước, và họ sẽ không tiếp tục toa rập với chế độ,” ông nói.
Chính quyền của ông Maduro vẫn chưa bình luận gì về việc quay lại của ông Guaido. Đây là điều không bình thường do các quan chức hàng đầu thường đề cập đến ông trên truyền hình nhà nước và trên Twitter.
Ông Maduro cáo buộc ông Guaido lãnh đạo một cuộc đảo chính do Mỹ chỉ đạo và đã đe dọa ông Guaido rằng ông phải ‘đối mặt với công lý’.
Ông Guaido cho hay chính phủ Venezuela đã không liên lạc với ông kể từ khi ông về nước.
https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-c%C3%B4ng-ch%E1%BB%A9c-%C4%91%C3%ACnh-c%C3%B4ng/4815228.html
Tuần duyên Argentina nổ súng vào tàu TQ
Một tàu tuần duyên của Argentina đã nổ súng vào một tàu đánh cá của Trung Quốc được cho là đang đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước này.Theo RT, vụ việc xảy ra hôm 2/3. Trong video do Argentina cung cấp, tàu tuần duyên Mantilla đã cảnh cáo tàu Hua Xiang 801 treo cờ Trung Quốc do tàu này không bật Hệ thống nhận diện tự động (AIS) trong khi đánh bắt mực trong vùng lãnh hải của Argentina.
Giới chức Argentina cho hay, tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép ở nơi cách Vịnh San Jorge, phía nam nước này, 358km.
Khi bị cảnh cáo, tàu Trung Quốc đã tắt đèn, quay lại vùng lãnh hải quốc tế. Sau khi bị tàu Mantilla truy đuổi, tàu cá Trung Quốc di chuyển nguy hiểm về phía tàu Argentina khiến lực lượng tuần duyên phải nổ súng cảnh cáo.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, vụ việc xuất phát từ thực tế rằng các công ty đánh bắt Trung Quốc không được cung cấp thông tin về biên giới Argentina nên chỉ dựa vào hải đồ quốc tế hay sử dụng, vốn không nhất quán với những tuyên bố về lãnh thổ của Argentina.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/26638-tuan-duyen-argentina-no-sung-vao-tau-tq.html
Đối thoại Nhân quyền
Liên Âu – Việt Nam lần thứ 8 ở Brussels
Ỷ LanLiên Minh Châu Âu (EU) và Việt Nam vào ngày 4 tháng 3 vừa qua tiến hành vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 8 tại Brusells, Bỉ.
Một ngày sau vòng đối thoại, thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn Bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh,
và Ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Âu Châu Ramon Tremosa
Ỷ Lan : Xin Bà Maya Kocijancic vui lòng cho biết những vấn đề chính yếu được trao đổi qua cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam hôm thứ hai mồng 4 tháng ba vừa qua ?
Maya Kocijancic : Đúng là cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên Liên Âu – Việt Nam tổ chức hôm qua tại Brussels. Chúng tôi thảo luận rộng rãi trên những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, an ninh mạng, án tử hình, môi trường, quyền lao động, hợp tác trong khuôn khổ LHQ.
Ỷ Lan : Phái đoàn Việt Nam phản ứng như thế nào trên những vấn đề này ?
Maya Kocijancic : Tôi muốn nhận xét từ những quan điểm khác nhau. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thiết lập đối thoại thường xuyên, vì sẽ cho ta cơ hội đề cập các trường hợp tù nhân vì lương thức, đồng thời phát hiện các xu hướng. Chúng tôi quan sát thấy một số xu hướng tích cực tại Việt Nam bên cạnh những phát triển tiêu cực. Trên hướng tích cực, 20 năm qua, cải cách và hiện đại hoá đã giúp Việt Nam tiến bộ trong việc xây dựng xã hội phồn thịnh và năng động cũng như cải thiện các lĩnh vực như giáo dục, dịch vụ y tế, làm tiến hoá mục tiêu xã hội và các quyền kinh tế.
Trên mặt khác, chúng tôi nhận thấy một số phát triển tiêu cực về tự do ngôn luận, trên cả hai bình diện trực tuyến và ngoài luồng, tự do hội họp, lập hội, tự do báo chí, và tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Sự phát triển các tự do này rất đáng lo ngại. Ví dụ, một số luật mới thông qua tại Việt Nam làm cản trở việc hành xử các quyền tự do cơ bản. Có những báo cáo cho biết các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị hăm doạ, tra tấn, bị kết án rất nặng chỉ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi đã nêu bật các sự kiện này rất rõ ràng. Chúng tôi yêu sách trả tự do cho những nạn nhân này, chúng tôi đòi hỏi việc tiếp cận luật sư bào chữa, hay thân nhân được phép thăm nuôi là tối ư quan trọng. Chúng tôi cho Phái đoàn Việt Nam biết rằng chúng tôi trông chờ họ hành động, giải quyết ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Thưa bà, Liên Âu còn những hành động gì khác liên quan với cuộc đối thoại ?
Maya Kocijancic : Trong cuộc gặp gỡ đối thoại, Phái đoàn Việt Nam có dịp tham quan Quốc hội Châu Âu để thấy tận mắt dân chủ sinh hoạt như thế nào tại Châu Âu. Và trước mọi cuộc đối thoại, chúng tôi luôn luôn tổ chức những cuộc tham vấn với xã hội dân sự tại Châu Âu và tại Việt Nam. Đây là phần chủ yếu của cuộc đối thoại nhân quyền.
Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Maya Kocijancic.
Sau đó, chúng tôi tìm gặp Ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa, là người đã ký chung thư với 32 Dân biểu đại diện mọi khuynh hướng chính trị kêu gọi Liên Âu thúc đẩy việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi hỏi ông Gambini đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam hiện nay ra sao ?
Umberto Gambini (UG) : Rất vui được trao đổi với chị, xin gửi lời chào nhân dân và bè bạn tại Việt Nam và Châu Á. Liên Âu đang trong tiến trình thương thảo và kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam. Là người theo Đảng Tự Do, chúng tôi rất quan tâm đến nhân quyền, tự do tôn giáo và sinh hoạt của các xã hội dân sự, và rất lo âu trước diễn biến tình hình nhân quyền hiện tại. Chúng tôi biết rằng, mọi sự còn cách xa sự hoàn hảo, và chưa được thực hiện nhanh chóng như chúng tôi mong ước. Chúng tôi biết rõ là tự do tôn giáo còn thô thiển, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục bị quản thúc. Chúng tôi biết Luật mới về An ninh Mạng giới hạn nghiêm trọng tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài luồng. Chúng tôi cũng biết các lãnh đạo xã hội dân sự bị cầm tù vì quyền biểu đạt của họ. Đây không phải là con đường thoát cho Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng một nước Việt Nam tự do là một Việt Nam vĩ đại. Chế độ và chính quyền Việt Nam không nên sợ hãi mô thức xã hội đa nguyên. Chúng tôi tin rằng có nhiều vấn nạn cần giải quyết.
Ỷ Lan : Ông cho biết Liên Âu đang trên đường kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam, và hiện còn chờ Quốc hội Châu Âu phê chuẩn. Tình hình hiện nay đi đến đâu rồi ?
UG : Như chị biết, nhiệm kỳ các Dân biểu chấm dứt cuối tháng 5 này, sau đó là cuộc bầu cử Quốc hội mới. Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không. Bà Cecilia Malstrom, Ủy viên Thương Mại Liên Âu, rất quan tâm lĩnh vực nhân quyền, đang cố tâm hoàn tất Hiệp ước. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tin tưởng vào bà. Nhưng tất cả tuỳ thuộc vào sự quyết định của Quốc hội mới. Hiệp ước Tự do Mậu dịch sẽ đưa ra Hội đồng Châu Âu, rồi sau đó trình lên Quốc hội Châu Âu khoá mới. Đương nhiên, mọi sự có thể đổi khác, nhưng đó là gì chúng tôi nghe được từ vị Chủ tịch luân phiên Rumania.
Ỷ Lan : Nhưng theo ông, Liên Âu có sẽ quan tâm tới nhân quyền khi lấy quyết định phê chuẫn Hiệp ước hay không ?
UG : Đương nhiên, đương nhiên. Các Hiệp ước Tự do Mậu dịch hiện đại có một chương duy trì nhân quyền. Chương này có tính cách ràng buộc. Cho nên chắc chắn, là Quốc hội sẽ buộc Ủy Ban Châu Âu trách nhiệm việc Việt Nam tôn trọng và thi hành Hiệp ước. Chị biết không, Hiệp ước có thể bị đình chỉ nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hãy lấy Cam Bốt làm ví dụ – mới đây Liên Âu vừa đình chỉ thuế quan ưu đãi vì Cam Bốt vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Do đó Việt Nam rất cần nhìn vào những chi vừa xẩy ra cho nước láng giềng. Đây là điều chúng tôi đang vận động áp dụng tại Quốc hội. Hiệp ước đâu phải là một đống chữ mà thôi, còn cả một hậu quả nghiêm trọng nếu người ký Hiệp ước không tôn trọng lời giao ước.
Ỷ Lan : Xin ông câu hỏi chót, Ông nghĩ sao về cuộc Đối thoại nhân quyền Liên Âu – Việt Nam? Nó có là quá trình lợi ích, hay chỉ là một màn khói cho Việt Nam sử dụng, giả vờ như họ quan tâm tới nhân quyền ?
UG : Chị nghe đây, tôi nghĩ rằng kênh đối thoại nên mở rộng. Như trường hợp Đức Dalai Lama đối thoại với Trung quốc. Dù Trung quốc chẳng phục vụ gì cho Tây Tạng, Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện. Theo tôi, chẳng lợi ích gì khi chấm dứt thương thảo. Nó giống như cuộc sống một cặp vợ chồng, dù có thế nào tôi nghĩ rằng cùng nhau trao đổi vẫn hơn.
YL : Xin cám ơn ông Umberto Gambini.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Quốc Hội Châu Âu, Brussels
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/eu-vn-hr-dia-03062019100849.html
Sau bom thư, Anh sơ tán hai trường đại học
vì bưu kiện đáng ngờ
Cảnh sát Anh đã sơ tán toàn bộ sinh viên ra khỏi các tòa nhà ở hai trường đại học hôm 6/3, sau khi nhận được tin về các bưu kiện đáng ngờ tại đây, theo Reuters.Sự kiện này xảy ra chỉ một ngày sau khi bom thư được gửi đến hai sân bay và nhà ga tấp nập nhất ở London.
Cảnh sát ở miền đông nước Anh cho biết họ đã phong tỏa Đại học Essex và sơ tán một số tòa nhà sau khi nhận được cuộc gọi về một bưu kiện đáng ngờ. Đội phá bom đã được điều đến hiện trường.
Tại Scotland, trường Đại học Glasgow cho biết một số tòa nhà của trường cũng bị đóng cửa và các lớp học bị hủy bỏ sau khi một gói bưu kiện đáng ngờ được phát hiện trong phòng thư.
Cảnh sát khuyên các trường đại học nên đóng cửa các tòa nhà luôn cả ngày, nhưng chưa cung cấp thông tin nào thêm về nội dung bên trong các gói bưu kiện.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-bom-thu-anh-so-tan-hai-truong-dai-hoc-vi-buu-kien-dang-ngo/4815934.html
Italy tính tham gia
Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ
Italy có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ để trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc vào cuối tháng Ba.Reuters dẫn lại tin của tờ Financial Times hôm 5/3 nói rằng bước đi này đã vấp phải chỉ trích của Mỹ.
Tờ báo trích lời Michele Geraci, một quan chức trong Bộ Phát triển Kinh tế của Italy nói: “Cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc, nhưng có khả năng là nó sẽ kết thúc đúng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
XEM THÊM:
Chủ tịch Tập: Trung Quốc sẽ luôn ‘tôn trọng lẫn nhau’
Financial Times dẫn ý kiến của Mỹ nói rằng dự án ít khả năng giúp Italy về mặt kinh tế và có thể gây tổn hại đáng kể tới hình ảnh quốc tế của nước này.
Bản tin trích ý kiến của Garrett Marquis, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, nói: “Chúng tôi coi BRI là sáng kiến ‘được Trung Quốc tạo ra cho Trung Quốc”.
Chủ tịch Tập Cận Bình là người mạnh mẽ thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm mục đích nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi bằng đường thủy và đường bộ thông qua hệ thống hạ tầng trên Con đường Tơ lụa trước đây.
https://www.voatiengviet.com/a/italy-t%C3%ADnh-tham-gia-s%C3%A1ng-ki%E1%BA%BFn-v%C3%A0nh-%C4%91ai-v%C3%A0-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%A7a-tq/4815378.html
Thủ tướng Đức bực bội trước sáng kiến
của tổng thống Macron về châu Âu
Thanh PhươngTại Đức, trong khi đảng Dân chủ Xã hội SPD tán đồng nội dung bài viết của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng trên báo chí châu Âu hôm qua, 05/03/2019, thì đảng bảo thủ CDU tỏ vẻ bi quan. Về phần thủ tướng Angela Merkel, bà đã gián tiếp tỏ thái độ bực bội trước sáng kiến của tổng thống Macron.
Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux gởi về bài tường trình :
« Chỉ với hai dòng chữ, phát ngôn viên của thủ tướng Angela Merkel đã chặn đứng các tham vọng của tổng thống Pháp. Ông viết : Chính phủ liên bang Đức luôn ủng hộ các cuộc thảo luận về việc xây dựng châu Âu. Việc các lãnh đạo châu Âu trình bày quan điểm của họ trước cuộc bầu cử tháng 5 là điều quan trọng.
Nói cách khác, dưới con mắt của thủ tướng Đức, những đề nghị của phía Pháp chỉ là một chương trình tranh cử của một tổng thống đang đi vận động cử tri.
Theo báo chí Đức, bà Angela Merkel đã được thông báo trước về sáng kiến của ông Macron, nhưng không hề được tham khảo ý kiến hoặc mời đóng góp vào nội dung bài viết. Ngoài thái độ bực bội về hình thức của bài viết, còn có sự bất đồng về nội dung.
Nhiều đề nghị của tổng thống Pháp, chẳng hạn như đề nghị về chính sách tị nạn chung, bị thủ tướng Đức xem là không thực tế. Cho tới nay, trên những hồ sơ khác, bà Angela Merkel vẫn chống lại việc Pháp-Đức đưa ra một sáng kiến đặt các nước thành viên khác trước việc đã rồi.»
http://vi.rfi.fr/phap/20190306-thu-tuong-duc-buc-boi-truong-sang-kien-cua-tong-thong-macron-ve-chau-au
Nga đào tạo 100 quân nhân TQ vận hành S-400
Khoảng 100 quân nhân Trung Quốc sẽ trải qua một khóa đào tạo về cách vận hành hệ thống phòng không S-400 Triumf ở Nga trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay.“Khoảng 100 quân nhân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ trải qua một khóa đào tạo tại một trung tâm huấn luyện ở Nga về cách vận hành trung đoàn S-400 thứ hai, dự kiến được bàn giao cho Trung Quốc vào nửa cuối năm nay”, hãng tin TASS của Nga ngày 5-3 dẫn một nguồn tin quân sự-ngoại giao cho biết.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sở hữu hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga khi hai bên ký hợp đồng cung cấp S-400 trị giá hơn 3 tỉ USD năm 2014.
Hợp đồng sẽ cung cấp hai trung đoàn tên lửa S-400. Trung đoàn đầu tiên đã được chuyển cho Trung Quốc vào mùa xuân năm ngoái. Tháng 12-2018, Trung Quốc thử nghiệm thành công hệ thống S-400.
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung mới được nước Nga sử dụng năm 2007. Chúng được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo, và có khả năng tấn công các cơ sở trên đất liền.
S-400 có thể hạ gục các mục tiêu khoảng cách lên tới 400km và độ cao tối đa 30km, thậm chí ngay cả khi lực lượng đối địch tung ra hỏa lực mạnh mẽ và biện pháp tác chiến điện tử.
http://biendong.net/diem-tin/26668-nga-dao-tao-100-quan-nhan-tq-van-hanh-s-400.html
Algeri : Quân đội cảnh cáo các cuộc biểu tình
chống tổng thống tái tranh cử
Anh VũTại Algeri, hôm qua 05/03/2019, hàng nghìn người, đa số là thanh niên, tiếp tục xuống đường ở thủ đô và một số thành phố khác phản đối tổng thống Abdelaziz Bouteflika tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 5.
Quân đội cảnh báo các cuộc biểu tình có thể đưa Algeri trở lại thời kỳ nội chiến (1990-2002) hỗn loạn, đồng thời khẳng định quyết tâm « bảo vệ sự ổn định » của đất nước. Cùng lúc Washington lên tiếng kêu gọi Algeri tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa của người dân.
Thông tín viên Leila Berato tại Alger tường trình :
« Phát biểu tại Học Viện Quân sự Cherchell, ở phía tây thủ đô, tướng Ahmed Gaïd Salah tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri đề cập đến các cuộc biểu tình đang diễn ra trong nước và nhắc nhở « cần phải cảnh giác ».
Theo ông, có một số người muốn đưa Algeri trở lại những năm tháng « đau thương lửa đạn ». Ý ông muốn ám chỉ tới những năm 1990 và khủng bố. Trong các phát ngôn, chính quyền vẫn thường liên hệ khủng bố với các cuộc biểu tình lớn bùng phát từ tháng 10 năm 1988, sau đó dẫn đến thập kỷ nội chiến.
Hôm 26/02 vừa qua, ông tổng tham mưu trưởng quân đội đã có phát biểu tương tự. Đó là lập luận quen thuộc của chính quyền từ đầu phong trào phản kháng lần này. Chính quyền nhấn mạnh các lời kêu gọi biểu tình là ẩn danh và thủ tướng đã so sánh với tình hình ở Syria và ông nhấn mạnh rằng một phong trào khởi đầu bằng hoa có thể kết thúc trong bi thảm.
Một trong những lập luận biện hộ cho việc ông Abdelaziz Bouteflika ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 là tổng thống đem lại sự ổn định cho đất nước. Ông Ahmed Gaïd Salah , nay 79 tuổi cũng là một trong số những nguời thân cận nhất với tổng thống Algeri ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190306-algeri-bieu-tinh-chong-tong-thong-tai-tranh-cu-quan-doi-len-tieng-canh-cao
Bắc Hàn khôi phục
điểm phóng tên lửa ‘đã cam kết tháo dỡ’
Bắc Hàn khôi phục một phần bãi phóng tên lửa mà họ đã cam kết tháo dỡ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái.Theo Reuters, tin này được thông tấn Nam Hàn Yonhap và hai viện nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ cho hay hôm 5/3.
Bắc Hàn có cơ sở tên lửa ‘chưa khai báo’
Bắc Hàn: Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa
Mỹ đề xuất tên lửa không gian kiểu mới
Anh Quốc: Bãi thử tên lửa bí mật hồi sinh
Yonhap dẫn lời các nghị sĩ được Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn (NIS) báo cáo rằng việc này đang diễn ra tại bãi phóng tên lửa Tongchang-ri và liên quan đến việc thay thế một mái che và một cánh cửa tại cơ sở này.
Website 38 North phân tích tình hình Bắc Hàn xem được hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy kết cấu trên bệ phóng đã được xây lại trong khoảng thời gian từ ngày 16/2 đến 2/3, Jenny Town, biên tập website 38 North và một nhà phân tích tại viện nghiên cứu chiến lược Stimson, nói với Reuters.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố một báo cáo, đồng thời dẫn hình ảnh vệ tinh, kết luận rằng Bình Nhưỡng “đang theo đuổi việc xây dựng lại nhanh chóng” tại khu vực này.
Báo cáo của CSIS cho biết: “Bằng chứng là có hoạt động tại khu thử động cơ theo chiều thẳng đứng và cấu trúc dịch chuyển tên lửa vào đường ray của bệ phóng. Mái che trên tháp phóng, vốn thường được đóng lại, giờ mở ra để lộ bệ phóng.”
Hoa Kỳ đe doạ ‘xử lý’ tên lửa của Nga
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa
Mỹ phản ứng việc TQ lắp tên lửa ở Biển Đông
Tin này được đưa ra vài ngày sau hội nghị Trump-Kim đổ vỡ tại Hà Nội do hai bên không đạt được thoả thuận về mức độ Bắc Hàn sẵn sàng hạn chế chương trình hạt nhân cũng như mức độ Mỹ nới lỏng trừng phạt áp vào quốc gia đang bị cô lập.
Hồi tháng 6/2018, Trump nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Kim lần đầu tại Singapore rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn hứa rằng một địa điểm thử động cơ tên lửa lớn “sẽ bị phá hủy rất sớm”.
Trump không nói rõ địa điểm này, nhưng một quan chức Hoa Kỳ sau đó nói với Reuters rằng đó là trạm phóng vệ tinh Sohae, nằm ở Tongchang-ri.
Khi được hỏi bình luận, Nhà Trắng đã chuyển yêu cầu này cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhưng nơi này chưa trả lời.
Một nguồn tin chính phủ Hoa Kỳ cho biết NIS được coi là đáng tin cậy về các vấn đề như vậy, nhưng nói thêm rằng động thái mới được mô tả có vẻ không đáng báo động, và chắc không phải với quy mô thử nghiệm lại tên lửa vốn đã bị đình chỉ từ năm 2017.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47439196
Huawei và cuộc tấn công mạng ‘bí hiểm’ ở châu Phi
Mạng Internet di động 5G sẽ sớm có mặt ở khắp nơi trên thế giới, trong đó, Huawei được coi là một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông tiên phong.Nhưng chính hãng này đang bị cáo buộc là cửa ngõ để Trung Quốc theo dõi các quốc gia phương Tây.
Liệu công ty này có tội hay chỉ là nạn nhân của những tin đồn không công bằng? Câu chuyện sau đây từ châu Phi hy vọng cung cấp thêm một góc nhìn tham khảo trên con đường đi tìm câu trả lời và sự thực.
Vì sao Huawei khiến nhiều nước lo ngại
Tại sao công ty Huawei gặp quá nhiều rắc rối?
Huawei phạt nhân viên vì dùng iPhone để đăng tweet
Trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) tại Addis Ababa là một tòa nhà có cấu trúc giống như tàu vũ trụ sáng bóng lấp lánh dưới ánh mặt trời buổi chiều.
Với tòa nhà chọc trời đi kèm, nó nổi bật ở thủ đô của Ethiopia.
Lời chào bằng tiếng Quan thoại chào đón du khách khi họ bước vào thang máy và những cây cọ nhựa mang logo của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Ở khắp mọi nơi, có những dấu hiệu nhỏ cho thấy tòa nhà đã được xây cất thông qua tài trợ của Trung Quốc.
Năm 2006, Bắc Kinh đã cam kết 200 triệu đô la để xây dựng trụ sở. Hoàn thành vào năm 2012, mọi thứ đều được người Trung Quốc xây dựng – bao gồm cả hệ thống máy tính hiện đại.
Trong nhiều năm, tòa nhà là một minh chứng đáng tự hào cho mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Châu Phi. Thương mại đã tăng vọt trong hai thập kỷ trở lại, tăng khoảng 20% mỗi năm, theo nhà tư vấn quốc tế McKinsey. Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Châu Phi.
Nhưng vào tháng 1 năm 2018, tờ báo Le Monde Afrique của Pháp đã thả một trái bom.
Tin tức trên là sai trái và giật gân – một nỗ lực của truyền thông phương Tây nhằm làm tổn hại mối quan hệ giữa một Trung Quốc quyết đoán hơn và một châu Phi ngày càng độc lậpGiới chức Trung Quốc và AU
Báo này đưa tin rằng hệ thống máy tính của Liên minh Châu Phi (AU) đã bị xâm nhập.
Tờ báo trích dẫn nhiều nguồn tin cho biết, trong 5 năm, từ nửa đêm đến 02h00 sáng, dữ liệu từ các máy chủ của AU, đã được chuyển hơn 8.000km – đến các máy chủ ở Thượng Hải.
Điều này, theo cáo buộc, tiếp tục trong 1.825 ngày liên tiếp.
Le Monde Afrique đưa tin nói rằng vụ việc đã được đưa ra ánh sáng vào năm 2017, khi một nhà khoa học có lương tâm làm việc cho AU đã ghi lại một lượng hoạt động máy tính cao bất thường trên các máy chủ của mình trong nhiều giờ khi các văn phòng vắng người.
Tờ báo cũng đưa tin rằng micro và thiết bị nghe đã được phát hiện trong các bức tường và bàn của tòa nhà, sau khi một cuộc quét để tìm các thiết bị gài, nghe lén được tiến hành.
Sai trái, giật gân?
Phản ứng đã nhanh chóng.
Cả Liên minh châu Phi và các quan chức Trung Quốc đều công khai lên án tin tức trên là sai trái và giật gân – một nỗ lực của truyền thông phương Tây nhằm làm tổn hại mối quan hệ giữa một Trung Quốc quyết đoán hơn và một châu Phi ngày càng độc lập.
Nhưng Le Monde Afrique nói rằng các quan chức AU đã bày tỏ những lo ngại riêng tư về việc họ phụ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc như thế nào – và hậu quả của việc đó có thể là gì.
Huawei đã đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) quan trọng bên trong trụ sở của AUDanielle Cave, thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc
Nhà cung cấp chính các hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông cho trụ sở của AU là công ty thiết bị viễn thông nổi tiếng nhất Trung Quốc – Huawei.
Công ty nói rằng họ không có bất kỳ vi phạm nào.
Huawei đã đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) quan trọng bên trong trụ sở của AU, ông Danielle Cave, thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc, cho biết trong một đánh giá về vụ việc bị cáo buộc.
Cái này không có nghĩa là công ty đã đồng lõa trong bất kỳ hành vi trộm cắp dữ liệu nào. Nhưng thật khó để thấy được – với vai trò của Huawei trong việc cung cấp chính thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông cho tòa nhà AU và đặc biệt là trung tâm dữ liệu của AU – công ty có thể vẫn hoàn toàn không biết về việc đánh cắp một lượng lớn dữ liệu mỗi ngày, trong năm năm.
Không có bằng chứng nào cho thấy thiết bị mạng viễn thông của Huawei đã từng được chính phủ Trung Quốc sử dụng – hoặc bất kỳ ai khác – để có quyền truy cập vào dữ liệu của khách hàng của họ.
Thật vậy, không ai từng được ghi nhận để xác nhận rằng hệ thống AU đã bị xâm phạm ngay từ đầu.
Nhưng những báo cáo này đã gây ra nhiều năm nghi ngờ về Huawei – rằng một công ty lớn của Trung Quốc có thể thấy mình bị ảnh hưởng quá mức bởi chính phủ Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47470223
Hoa Vi mở thêm trung tâm an ninh mạng ở Bruxelles
để trấn an châu Âu
Trọng NghĩaTrong bối cảnh đang bị Mỹ tình nghi là làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh, tập đoàn công nghệ Hoa Vi của Trung Quốc vào hôm qua 05/03/2019, đã khánh thành tại Bruxelles (thủ đô Bỉ) trung tâm an ninh mạng thứ ba ở châu Âu.
Trung tâm ở Bruxelles sẽ cho phép thử nghiệm các sản phẩm của Hoa Vi, đồng thời trấn an các khách hàng sau những cáo buộc của Mỹ. Việc khánh thành rầm rộ trung tâm này cũng nằm trong chiến dịch tuyên truyền « giải độc » mà tập đoàn Trung Quốc tung ra trong những ngày gần đây.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu trong một cuộc họp báo vào hôm qua, phó chủ tịch tập đoàn Hoa Vi Hồ Hậu Côn (Ken Hu) khẳng định rằng trung tâm Bruxelles của tập đoàn Trung Quốc có mục tiêu xây dựng một « môi trường kỹ thuật số đáng tin cậy và an toàn », để các nhà hoạch định chính sách và khách hàng của Hoa Vị có thể cùng làm việc với Hoa Vi để cải thiện vấn đề an ninh mạng.
Hoa Vi đã mở một trung tâm tương tự ở thành phố Bonn tại Đức, và trung tâm thứ hai ở Luân Đôn, Anh Quốc, cùng quản lý với chính quyền sở tại.
Trung tâm an ninh mạng của Hoa Vi tại Bruxelles đã được giới thiệu như là một đáp án mà tập đoàn Trung Quốc đưa ra nhằm giải tỏa các mối quan ngại tại châu Âu sau những lời cảnh báo của Hoa Kỳ theo đó thiết bị Hoa Vi dùng cho mạng lưới 5G tương lai có khả năng bị các cơ quan tình báo Trung Quốc lợi dụng.
Tập đoàn Hoa Vi luôn luôn bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, và trong thời gian gần đây đã tung tiền tổ chức những chiến dịch quảng cáo, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông phương Tây nhằm phản bác các cáo buộc của Mỹ, và chứng tỏ rằng Hoa Vi không phải là gián điệp cho chính quyền Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chiến dịch quảng cáo, có thể gọi là để « giải độc » này, Hoa Vi đã mời và đài thọ một số đại diện báo giới quốc tế đến tham quan cơ sở chính của họ ở Thẩm Quyến (miền Nam Trung Quốc) vào hôm nay.
Ngoài việc chiêu dụ báo chí và truyền thông phương Tây, tập đoàn Trung Quốc còn bắt đầu phản công mạnh vào các chính quyền đã có quyết định, hay mới có ý định tẩy chay Hoa Vi
Theo nhật báo Mỹ New York Times hôm thứ Hai 04/03 vừa qua, nhiều nguồn tin xin ẩn danh đã cho biết là trong tuần này, Hoa Vi sẽ loan báo quyết định kiện chính quyền Mỹ về tội cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của Hoa Vi. Đơn kiện được cho là sẽ được đệ trình trước một tòa án ở bang Texas, Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190306-hoa-vi-mo-them-trung-tam-an-ninh-mang-o-bruxelles-de-tran-an-chau-au
Vì sao nhiều phụ nữ Trung Quốc đang bị từ chối đẻ mổ?
Lara Owen và Aidila RazakBBC Thế giới vụĐang ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn biện pháp sinh bằng Caesarean-section (C-section) hay còn gọi là đẻ mổ.
Đẻ mổ trong nhiều trường hợp là biện pháp duy nhất để cứu sống phụ nữ và trẻ sơ sinh nhưng cũng như các ca phẫu thuật khác, nó có nhiều rủi ro và cần thời gian để hồi phục.
Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu từ lâu đã cảnh báo về tỷ lệ đẻ mổ cao đáng báo động trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không thực hiện C-section khi không thực sự cần thiết.
Trong số những quốc gia có số ca đẻ mổ cao nhất, chỉ một nước thành công trong việc giảm tỷ lệ này – Trung Quốc.
Tuy nhiên, câu chuyện của Trung Quốc vừa là tấm gương, vừa gây ra nhiều quan ngại.
Điều gì khiến người mẹ phải ‘mang nặng, đẻ đau’?
Tỷ lệ sinh ‘giảm đáng kể’ trên thế giới
Mổ đẻ và sinh con thời hiện đại
Trung Quốc thành công một phần nhờ đầu tư nghiêm túc vào chăm sóc thai sản và sự phát triển của văn hóa “giữ gìn sức khỏe” ở tầng lớp trung lưu tại các thành phố của nước này – nhưng yếu tố chính là yếu tố trừng phạt, mà các chuyên gia lo ngại phụ nữ Trung Quốc không thực sự có quyền lựa chọn cách sinh nở của chính mình.
“Tại sao bây giờ cô lại nói vậy khi mà dạ con của cô đang co thắt rồi? Cổ tử cung của cô đã giãn ra 4cm rồi. C-section bây giờ là rất không tốt cho cô và con cô… cô không thể đẻ mổ được,” một y tá được nghe thấy nói với một phụ nữ nài nỉ được đẻ mổ, theo một nghiên cứu năm 2016.
Sau khi WHO cho thấy tỷ lệ các sinh mổ của cả Trung Quốc là 46%, Cục y tế Trung Quốc bắt đầu hành động. Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia nhấn mạnh việc giảm tỷ lệ C-section là ưu tiên quốc gia trong kế hoạch 10 năm.
Hiện nay, các lớp hướng dẫn sinh nở và cho con bú tự nhiên là bắt buộc. Và các bác sĩ được đào tạo lại để tăng cường kỹ năng sản khoa và ngày càng nhiều các viện đào tạo nữ hộ sinh.
Nhưng sự khác biệt nổi bật nhất trong cách tiếp cận của Trung Quốc là các bệnh viện phải chịu trách nhiệm nếu tỷ lệ đẻ mổ cao.
Không một quốc gia nào trên thế giới trừng phạt bên cung cấp dịch vụ tế vì tỷ lệ đẻ mổ cao. Chỉ Bồ Đào Nha có chương trình tương tự, nhưng thay vì phạt, họ khen thưởng những bệnh viện có tỷ lệ đẻ mổ thấp.
Ở Trung Quốc, các hình phạt bao gồm giảm trợ cấp nhà nước thậm chí thu hồi giấy phép bệnh viện. Vào 2012, các bệnh viện có tỷ lệ C-section cao ở tỉnh Hồ Bắc được biết sẽ phải đóng cửa và “bị cải tổ”.
Tiến sĩ Ana Pilar Betrán của WHO, người nghiên cứu các biện pháp để giảm tỷ lệ C-section trên toàn cầu nói rằng việc thiết lập khung hình phạt đối với các bệnh viện là một con đường “nguy hiểm”.
“Những tỷ lệ này không thể cho bạn biết liệu những người phụ nữ thực sự cần đẻ mổ có được phép đẻ mổ hay không,” bà Betrán nói.
Ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ sinh mổ cao, nhiều phụ nữ vẫn chết vì bị từ chối thực hiện ca phẫu thuật để cứu mạng sống này.
Tại Peru, Tiến sĩ Betrán cho biết, tỷ lệ sinh mổ ở những phụ nữ giàu nhất là khoảng 1/2 nhưng với những phụ nữ nghèo nhất, chỉ có 5% được đẻ mổ.
Tiến sĩ Carine Ronsmans, đồng tác giả của một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Anh (BMJ) năm 2018 cho biết, chính sách của Trung Quốc khiến các bác sĩ phương Tây lo ngại vì “nó cho phép các bác sĩ đi ngược lại ý muốn của người phụ nữ. Bác sĩ sẽ theo nguyên tắc pháp lý, thay vì nguyên tắc y tế, để đi ngược lại mong muốn của người mẹ.”
Một trong những vụ việc gây chấn động nhất năm ngoái, một phụ nữ chuyển dạ, Ma Rongrong, đã nhảy khỏi cửa sổ bệnh viện tự sát sau khi bị từ chối C-section. Gần đây, một người đàn ông đã bị giam giữ vì tấn công nhân viên y tế sau khi vợ anh ta bị từ chối đẻ mổ.
Văn hóa chăm sóc sức khỏe trỗi dậy
Nhưng việc sinh nở ở Trung Quốc không phải là luôn bao trùm bởi không khí sợ hãi.
Phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc cũng là một phần của sự thay đổi này và họ đã đưa ra những lựa chọn tích cực.
Ngay khi biết mình đang mang thai đứa con đầu lòng, Daisy Lan cho biết, cô tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng và kết luận rằng việc đẻ thường sẽ tốt hơn cho cô và em bé.
Tuy nhiên, những người bạn của cô từng có em bé có suy nghĩ khác.
“Một số người sợ đau đẻ nên họ đã chọn đẻ mổ. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác,” chị Lan nói.
“Các bà mẹ Trung Quốc muốn chất lượng cuộc sống tốt hơn và điều này có nghĩa là một cuộc sống lành mạnh hơn và nhận thức tốt hơn về những gì tốt cho họ,” tiến sĩ Liangkun Ma cho biết.
“Đó cũng chính là mong muốn sống lành mạnh hơn, thúc đẩy các bệnh nhân tích cực tìm kiếm thông tin về việc sinh con thông qua các ứng dụng và nhóm WeChat, giúp nâng cao nhận thức về những rủi ro xảy ra với việc đẻ mổ,” cô nói.
Cô Lan cho biết việc tự học trực tuyến về các lựa chọn giảm đau khi sinh con đã giúp cô quyết định sinh tự nhiên.
Một số bệnh viện hiện thậm chí còn cung cấp nhiều liệu pháp thay thế khác để giảm đau cho các bà mẹ, chẳng hạn như yoga, thiền và âm nhạc.
Dù lý do đằng sau sự thay đổi thành công của Trung Quốc là gì, nó chỉ tập trung vào việc làm sao để giảm tỷ lệ các ca sinh mổ thay vì tập trung vào mục tiêu cuối cùng là làm sao để cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho các bà mẹ và trẻ em.
Các nước Bắc Âu, vốn luôn giữ tỷ lệ đẻ mổ ở mức thấp, không phải bằng cách áp dụng chính sách để tìm mọi cách giữ tỷ lệ C-section thấp, mà bằng cách đảm bảo dịch vụ chăm sóc chất lượng, Tiến sĩ Betrán nói.
Cuối cùng, chìa khóa thực sự để giải quyết tỷ lệ đẻ mổ gia tăng là thuyết phục các bà mẹ lần đầu sinh con lựa chọn sinh tự nhiên.
Chị Lan không bị buộc phải sinh thường nhưng, chị nói chị chưa thực sự bao giờ có quyền lựa chọn. Ở tuổi 34, chị làm mẹ ở độ tuổi lớn hơn tiêu chuẩn Trung Quốc, và những người bạn đã sinh con trước đã chúc mừng chị vì sự dũng cảm trong việc sinh nở tự nhiên.
“Họ từng cho phép chúng tôi được lựa chọn, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác,” chị nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47451701
Ngấm đòn từ chiến tranh thương mại,
lãnh đạo TQ kêu gọi chuẩn bị cho cuộc chiến khó khăn
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi phải chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến khó khăn.Để có thể tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc phải dồn đầu tư vào các dự án hạ tầng. Ảnh: CNN.
Cuộc chiến khó khăn
Chính phủ Trung Quốc hôm 5/3 dự đoán tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ từ 6% đến 6,5% vào năm 2019, mức thấp nhất của Trung Quốc trong 3 thập kỷ.
Trong ngày khai mạc kỳ họp Lưỡng hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu rằng, đã có những rủi ro và thách thức lớn hơn dự kiến và bất ngờ, và chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến khó khăn.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng, phù hợp với dự báo của hầu hết các nhà kinh tế. Ông cũng tiết lộ một loạt các biện pháp mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế và các khoản phí khác mà ông nói sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 2.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 298 tỷ USD) mỗi năm.
Tăng trưởng của Trung Quốc đã mất đà sau những nỗ lực hạn chế các khoản cho vay rủi ro mà các công ty rất cần để mở rộng quy mô. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng bắt đầu “ngấm đòn” từ những tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Căng thẳng thương mại dường như được xoa dịu. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố hai bên đang “rất, rất gần” với một thỏa thuận và ông dự định có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào 27/3.
Tạp chí Phố Wall đưa tin hôm Chủ nhật rằng cuộc họp có thể diễn ra vào khoảng ngày 27 tháng 3 và thỏa thuận tiềm năng có thể liên quan đến việc giảm thuế của Trung Quốc đối với một loạt hàng hóa của Mỹ nếu chính quyền Tổng thống Trump xóa bỏ một số hoặc tất cả các mức thuế mới áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm qua.
Chưa đủ khởi động động cơ tăng trưởng
Đây sẽ là một thông tin tích cực rõ ràng cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đủ khởi động động cơ tăng trưởng cho nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Và Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, sẽ gặp khó khăn do nhu cầu sụt giảm.
Những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế bao gồm tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ có các biện pháp tiếp theo, bao gồm cả việc cắt giảm thuế.
Nhưng điều này có thể không tạo ra sự khác biệt lớn. Larry Hu, một nhà kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie, nói rằng việc giảm thuế lớn trong những năm gần đây đã không có tác dụng nhiều để tái tạo nền kinh tế. Đó là vì Bắc Kinh thường đẩy mạnh việc thực thi thu thuế cùng một lúc.
Các nhà phân tích Trung Quốc tại Capital Economics cho biết, việc cắt giảm thuế cũng sẽ được bù đắp phần lớn bằng cách thắt chặt ngân sách trong các lĩnh vực khác, và các động thái của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế có thể mất nhiều tháng để có tác động thực sự.
Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á-Thái Bình Dương tại công ty đầu tư JPMorgan Asset Management cho biết, sẽ có một “độ trễ về thời gian để các biện pháp kích thích kinh tế có có hiệu quả”.
Ngoài ra, những nỗ lực gần đây để nâng đỡ nền kinh tế cũng đã thúc đẩy mối lo ngại rằng họ có thể làm trầm trọng thêm mức nợ cao của Trung Quốc, đó là những gì đã xảy ra trong các vụ kích thích kinh tế trước đây của chính phủ. Tổng số nợ trong hệ thống tài chính Trung Quốc hiện nay gấp nhiều lần quy mô của toàn bộ nền kinh tế, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
“Bắc Kinh cần đạt được sự cân bằng giữa việc thúc đẩy hoạt động kinh tế và không khởi động lại một đợt bùng nổ nợ khác”, ông Tai Hui nói.
http://biendong.net/diem-tin/26674-ngam-don-tu-chien-tranh-thuong-mai-lanh-dao-tq-keu-goi-chuan-bi-cho-cuoc-chien-kho-khan.html
Tại sao khái niệm quan trọng “biến mất” khỏi
bản báo cáo của thủ tướng TQ tại Lưỡng hội?
Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm này không xuất hiện trong báo cáo chính phủ Trung Quốc trong 3 năm qua.Made in China 2025
Trong bài báo cáo chính phủ năm 2019 tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh vào ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ “cần tăng tốc để có năng lực sản xuất mạnh mẽ hơn”.
Tuy nhiên, trong nội dung bài nói, ông Lý không đề cập tới khái niệm “Made in China 2025″ (tạm dịch: Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025). Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm này không xuất hiện trong báo cáo chính phủ Trung Quốc trong 3 năm qua.
“Made in China 2025″ (viết tắt là MIC2025) là một sáng kiến được công bố bởi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp sản xuất và phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Được giới thiệu trong năm 2015, mục tiêu của MIC2025 là cải thiện vượt bậc 10 ngành công nghiệp chiến lược được Bắc Kinh lựa chọn – bao gồm ngành robot, vũ trụ và nguyên liệu mới, giúp Trung Quốc phá bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và đẩy mạnh nền công nghiệp công nghệ cao của nước này ngang tầm các nước phương Tây.
Tới nay, sáng kiến này đã vấp phải nhiều rào cản từ Mỹ và một số nước Châu Âu.
“Chúng ta sẽ tăng cường năng lực hỗ trợ của những cơ sở hạ tầng chất lượng, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để khuyến khích người tiêu dùng trong và ngoài nước chọn sản phẩm và dịch của của Trung Quốc,” ông Lý phát biểu.
Tuy nhiên, việc không nhắc tới sáng kiến MIC2025 trong một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất ở Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đã từ bỏ tham vọng sử dụng công nghệ và phát minh để đổi mới các nền công nghiệp truyền thống của nước này.
Bản báo cáo chính phủ là trọng tâm trong kì họp Lưỡng Hội hàng năm. Nội dung của bản báo cáo không chỉ thể hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh, mà còn ngầm ẩn những vấn đề liên quan tới thay đổi chính sách hoặc thay đổi trong chính phủ Trung Quốc.
Với vai trò là trọng điểm trong chương trình hiện đại hóa công nghiệp Bắc Kinh, MIC2025 đã xuất hiện trong các báo cáo chính phủ năm 2016, 2017 và 2018.
Trong năm 2019, khái niệm này đã vắng bóng giữa bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng khắc họa sâu hơn sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc đua giành vị thế dẫn đầu.
Chiến lược của Bắc Kinh
Các nhà lập pháp và nhà hoạch định chính sách tại Washington đã chỉ trích sáng kiến của Trung Quốc là “bất công” vì những khoản hỗ trợ trực tiếp của Bắc Kinh đối với những công ty nội địa phát triển thiết bị bán dẫn công nghệ cao.
Một báo cáo ngân sách chính phủ riêng biệt khác cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ lên mức 13,4% (tương đương 354,31 tỉ NDT – 52,88 tỉ USD) trong năm nay, mặc cho sự trì trệ trong tăng trưởng kinh tế.
Ông Lý cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu định hướng ứng dụng, đẩy mạnh đổi mới và thúc đẩy những thành tựu cốt lõi mới trong những ngành công nghệ quan trọng.
Thay vì sử dụng khái niệm MIC2025, báo cáo chính phủ khẳng định Trung Quốc sẽ tăng cường cải tiến và nâng cấp công nghiệp sản xuất.
Một số giải pháp khác, bao gồm cắt giảm thuế cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ, sẽ được thông qua để tăng cường phát triển kĩ thuật sản xuất chất lượng cao.
“Bản báo cáo chỉ có thời lượng nhất định và không có gì bất thường nếu một số chính sách được nhắc tới năm ngoái không được nhắc lại trong năm nay,” Huang Shouhong – giám đốc văn phòng nghiên cứu của Hội đồng Nhà nước và một đại biểu trong phiên họp – bình luận bên lề cuộc họp.
“Tất nhiên, tạo điều kiện cho sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất Trung Quốc là điều bắt buộc để cải thiện và làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế Trung Quốc.”
Trả lời về việc liệu có phải Trung Quốc nên trì hoãn kế hoạch MIC2025 vì bất đồng thương mại với Mỹ hay không, Lin Yong – đại biểu tới từ tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất Trung Quốc – nói:
“Tôi nghĩ là không nên. Trung Quốc cần kiên trì trên con đường phát triển của mình. Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã và đang dẫn đầu thế giới – chúng ta không thể khẳng định là số 1, nhưng ít nhất cũng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3. Ngành sản xuất không thể nào bị tụt lại đằng sau, kể cả khi thương chiến Mỹ – Trung tiếp diễn. Chúng ta cần phải tạo ra sự đột phá trong chính sách cốt lõi”.
http://biendong.net/diem-tin/26673-tai-sao-khai-niem-quan-trong-bien-mat-khoi-ban-bao-cao-cua-thu-tuong-tq-tai-luong-hoi.html
Campuchia vẫn ủng hộ lập trường, hành động
của TQ trong vấn đề Biển Đông hiện nay?
Tuy không phải là có bên tranh chấp ở Biển Đông, song Campuchia là nước đã ủng hộ lập trường, chính sách Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong suốt những năm qua. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 01/2019 của Thủ tướng Hun Sen, Campuchia một lần nữa lại ủng hộ quan điểm và cách thức dẫn dắt của Trung Quốc trong quá trình xây dựng COC.“Campuchia hoan nghênh và ủng hộ viễn cảnh về việc tranh thủ hoàn thành COC trong vòng 3 năm do TQ nêu ra”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20-23/01/2019), hai bên đã ra Thông cáo báo chí trong đó có nội dung hai bên cảm thấy vui mừng trước tình hình Biển Đông duy trì ổn định và phát triển theo hướng tốt đẹp, kêu gọi các bên liên quan tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm sâu sắc hợp tác thiết thực trên biển, thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Campuchia hoan nghênh và ủng hộ viễn cảnh về việc tranh thủ hoàn thành COC trong vòng 3 năm do Trung Quốc nêu ra, mong muốn cùng các bên cùng nhau nỗ lực, duy trì xu thế tích cực tham vấn về COC, tranh thủ sớm đạt được COC trên cơ sở hiệp thương nhất trí, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị hợp tác.
Trước đó, phát biểu khi tham dự các diễn đàn bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 tổ chức tại Singapore từ ngày 13/11 đến ngày 15/11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố “việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong vòng 3 năm tới (tức là đến năm 2021) nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi trong quá trình đó và COC cũng sẽ có lợi cho tự do thương mại và phục vụ lợi ích của các bên khác, theo tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc.
Hôm 09/01/2019, ba tàu chiến của Trung Quốc đã có chuyến thăm chính thức 4 ngày tới Campuchia. Hai bên loan báo “mục đích chuyến thăm là nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác quốc phòng, đặc biệt giữa hải quân hai nước”. Các tàu Trung Quốc sẽ không tham gia hoạt động diễn tập quân sự chung nào, song sẽ tham gia vào các hoạt động khánh thành một căn cứ hải quân mới của Campuchia gần đảo Koh Rong. Chuyến thăm của các tàu hải quân Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ hải quân ở vùng duyên hải tây nam Campuchia. Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư lớn vào Campuchia với các dự án lên đến hàng tỷ USD, trong đó có cảng Sihanoukville, một cảng nước sâu cách thủ đô Phnom Penh khoảng 185km về phía Tây Nam.
“Campuchia nhiều khả năng sẽ tiếp tục ủng hộ TQ, khiến ASEAN gặp khó khăn trong tìm kiếm tiếng nói chung”
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) của tại Lào hồi tháng 7/2016, các bộ trưởng ASEAN đã không thể ra được tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vì Campuchia lúc đó ủng hộ Trung Quốc, phủ quyết mọi điều liên quan đến việc Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc được đưa ra trong dự thảo. Nhiều nước trong ASEAN muốn ra tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao, trong đó nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài, sự cần thiết của việc thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, Campuchia phản đối đề xuất tuyên bố chung và ủng hộ quan điểm đối lập của Bắc Kinh về việc ASEAN nên đứng bên lề vấn đề Biển Đông , giải quyết tranh chấp qua các biện pháp song phương. Trước đó, tại hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012 ở Phnom Penh, Campuchia nắm chức Chủ tịch luân phiên đã ngăn cản ASEAN ra Tuyên bố chung phản đối nội dung đề cập về Biển Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của hiệp hội, ASEAN không ra được một tuyên bố chung.
Đến Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 tổ chức tại Singapore hồi tháng 4/2018, Campuchia tiếp tục thể hiện thái độ, quan điểm ủng hộ Trung Quốc khi là nước chất vấn nhiều nhất những điểm liên quan tới Biển Đông trong Dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị. Theo các nguồn tin từ Hội nghị, Campuchia yều cầu bỏ nhiều nội dung của Dự thảo, trong đó có các điểm khẳng định “ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây và đang diễn ra, bao gồm bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn” và thay bằng “chúng tôi lưu ý những quan ngại của một số bộ trưởng về việc bồi đắp
đảo và việc leo thang các hoạt động trong khu vực, xây đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và triển khai khí tài quân sự trong vùng tranh chấp…” trong Tuyên bố Chủ tịch. Ngoài ra, Campuchia cũng khẳng định lập trường là “ASEAN không có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông và tranh chấp nên được giải quyết song phương giữa các bên”. Đây cũng chính là điều mà Trung Quốc nêu ra và muốn áp đặt lên các nước ASEAN.
Sở dĩ Campuchia sẽ vấn tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại ASEAN nói riêng và trên bình diện quốc tế nói chung là do: Một là, Campuchia hiện đang chịu ảnh hưởng chi phối khác lớn từ Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế. Điều này đã được tạo ra trong một quá trình lâu dài dưới những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/01/2019 cho biết, Trung Quốc đã hứa sẽ viện trợ cho đất nước chùa tháp 4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 588 triệu USD, trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hứa, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 400 ngàn tấn gạo của Campuchia trong năm nay, tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2023 và khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Campuchia. Hai là, những diễn biến chính trị nội bộ tại Campuchia, nhất là qua các cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua cho thấy Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) có thể đã phải dựa vào Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo trước đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP). Ba là, Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Thủ tướng Hun Sen và CPP tranh cử tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7/2018, bất chấp những chỉ trích, trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí, Trung Quốc đã cấp kinh phí cho Ủy ban bầu cử quốc gia và cử quan sát viên người Trung Quốc trong cuộc bầu cử. Trung Quốc còn cho Campuchia vay 259 triệu USD để xây dựng một tuyến đường vành đai ở thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia. Ngay sau khi kết thúc bầu cử, với phần thắng thuộc về CPP, Trung Quốc đã tuyên bố “luôn luôn ủng hộ nỗ lực của Campuchia trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định, và phản đối bất cứ quốc gia nước ngoài nào can thiệp vào chính trị nội bộ Phnom Penh”. “Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Campuchia hết mình trong mục tiêu duy trì sự ổn định và phát triển”, tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Có thể nói, Trung Quốc đang là đối tác kinh tế lớn và quan trọng nhất hiện nay của Campuchia. Vì lợi ích, Campuchia đã sẵn sàng ủng hộ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông và Phom Penh bảo vệ Bắc Kinh khỏi sự chỉ trích của ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế. Điều này đã và đang trở thành trở ngại không hề nhỉ cho sự đoàn kết, phát triển và tiến bộ của ASEAN,cũng như toàn khu vực.
http://biendong.net/bien-dong/26665-campuchia-van-ung-ho-lap-truong-hanh-dong-cua-tq-trong-van-de-bien-dong-hien-nay.html
0 comments