Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Hơn 40 năm sau Chiến tranh Việt Nam, một số người tị nạn đối mặt với lệnh trục xuất dưới thời Trump

Wednesday, March 6, 2019 5:12:00 PM // ,


Tác giả: Shannon Dooling
Dịch giả: Châu Minh Dũng
4-3-2019
Tại diễn đàn công cộng VietAID ở Dorchester, Massachusetts, người nhập cư Việt Nam tìm hiểu thêm về những thay đổi trong chính sách nhập cư dưới thời Trump. Nguồn: Shannon Dooling/WBUR

Hơn bốn thập niên sau Chiến tranh Việt Nam, [cuộc chiến đã] tạo nên những làn sóng người Việt lưu lạc tới Hoa Kỳ, chính quyền Trump lại muốn trục xuất hàng ngàn người nhập cư gốc Việt, trong đó có nhiều người tị nạn, chỉ vì những bản án hình sự từ nhiều năm trước.
Các quan chức Hoa Kỳ đã lén lút tìm cách thuyết phục chính phủ Việt Nam chấp nhận hơn 7.000 người nhập cư Việt Nam mang tiền án, hồi hương. Họ bị yêu cầu phải rời khỏi Hoa Kỳ sau một phán quyết.
Trong số những người phải đối mặt với viễn cảnh bị trục xuất có ông Vũ, là người đã sống ở Boston 20 năm. Ông yêu cầu chúng tôi không tiết lộ họ của mình do sự an toàn của bản thân trong trường hợp ông buộc phải quay về Việt Nam.
Ông nói qua một người phiên dịch, mắt nhìn xuống sàn nhà: “Họ không thích tôi [ở Việt Nam] bởi vì tôi là con lai. Họ sẽ trêu chọc tôi và ném đá vào tôi. Ở đây tốt hơn nhiều. Không ai gây rắc rối cho tôi. Không ai làm phiền tôi, và không ai ném đá vào tôi cả”.
Chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng trục xuất ông Vũ bởi hai cáo buộc hình sự về tội tấn công và trộm cắp từ tận năm 2001, mặc dù cả hai bản án đó đã được hủy bỏ.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam sẽ không chấp nhận những người nhập cư như Vũ hồi hương. Nước này chỉ chấp nhận những người Việt đã đến Hoa Kỳ từ sau năm 1995, là năm hai nước bình thường hóa quan hệ. Đó là thỏa thuận từ năm 2008.
“Sau nhiều năm thương lượng, Việt Nam về cơ bản đã đồng ý nhận lại những người đến Hoa Kỳ sau năm 1995, nhưng vẫn không chấp nhận những người tới Mỹ trước đó”, Phi Nguyễn nói với nhóm hoạt động dân quyền tại Văn phòng Tư Pháp Người Mỹ Gốc Á ở Atlanta.
Lá cờ của chính quyền miền Nam Việt Nam được treo trên các cửa hàng dọc Đại lộ Dorchester của thành phố Boston, trước lễ tưởng niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ. Nguồn: Jesse Costa/ WBUR

Bây giờ, chính quyền Trump lại muốn mở rộng thỏa thuận đó để họ có thể trục xuất cả những người nhập cư Việt Nam đến Hoa Kỳ trước năm 1995 và đã phạm tội.
Các nhà phê bình chỉ ra rằng một số người nhập cư chỉ phạm những tội không bạo lực hoặc đã hoàn thành hình phạt từ nhiều năm trước, và nhiều người đáng ra sẽ không bị xếp vào hàng ưu tiên trục xuất dưới thời chính quyền trước đây [thời Tổng thống Obama]. Các nhà phê bình còn lưu ý rằng, một số người nhập cư đã đến Hoa Kỳ với tư cách là người tị nạn, tìm kiếm sự che chở.
“Họ bị buộc phải đến đây, bằng nhiều cách, vì cuộc chiến đã xảy ra ở đất nước họ”, Bethany Li, giám đốc Đơn vị Tiếp cận châu Á của Văn phòng dịch vụ pháp lý Boston, cho biết.
Ông Vũ sinh ra ở Sài Gòn vào năm 1967. Cha ông là một quân nhân Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam, còn mẹ ông thì ông biết rất ít. Vũ nói rằng bà ấy đã bỏ rơi ông từ khi ông còn nhỏ. Ông mô tả sự phân biệt đối xử không ngừng mà ông phải chịu đựng ở Việt Nam, từ những kẻ gọi ông là “đứa con lai dơ bẩn”.
Ông Vũ không phải là trường hợp duy nhất. Hàng ngàn em bé thời chiến đã ra đời trong hoàn cảnh tương tự, rồi phải đối mặt với sự cô lập và khinh bỉ. Nhiều người như ông Vũ đã tận dụng chương trình cho phép những người con lai được đến cư trú ở Hoa Kỳ.
Giờ đây, ở Boston, ông đã có một công việc ổn định, một người bạn đời và hai đứa con là công dân Hoa Kỳ. Ông không muốn trở về Việt Nam, nhưng có thể không còn lựa chọn nào khác.
Ông nói trong lúc lau nước mắt trên khuôn mặt: “Tôi thường xuyên nghĩ về điều đó và tôi không muốn bị trục xuất. Tôi sẽ không còn được nhìn thấy các con tôi. Tôi sẽ mất tất cả. Tôi sẽ rất nhớ thời gian được ở bên các con”.
Katie Waldman là người phát ngôn của Bộ An ninh Nội địa, nói rằng, chuyện trục xuất những người gốc Việt này là ưu tiên của chính quyền [Trump]. Họ đã bị kết án về hàng loạt tội, từ tội trộm cắp và sử dụng ma túy, đến các hành vi bạo lực.
Waldman từ chối tiết lộ các nỗ lực đàm phán lại thỏa thuận với Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận.
Trong khi quan chức chính phủ hai nước không bàn luận công khai về vấn đề này, một số chi tiết về các cuộc đàm phán đã xuất hiện trong một vụ kiện liên quan do một số người nhập cư Việt Nam đưa ra khi họ bị các cơ quan phụ trách vấn đề nhập cư giam giữ. Những tài liệu cho thấy chính phủ hai nước đã đàm phán kể từ năm 2017.
Theo hồ sơ tòa án, Michael V. Bernacke, một quan chức của Cục Di trú và Hải quan (ICE), nói rằng, cơ quan này đã tiến hành thương lượng “để tạo điều kiện và trả lại tất cả các công dân Việt Nam đã được lệnh rời khỏi Hoa Kỳ, bất kể trước đó họ đã nhập cư vào Hoa Kỳ ở thời điểm nào”.
Theo Bernacke, đã có một gian đoạn, bắt đầu từ giữa năm 2017, phía Việt Nam đã “đồng ý bằng miệng” về chuyện giải quyết thủ tục giấy tờ cho việc di chuyển và chấp nhận cho những người nhập cư vào Hoa Kỳ trước năm 1995 được hồi hương. Tài liệu từ tòa án cho thấy, có ít nhất 10 di dân đã bị trục xuất.
Nhưng, theo hồ sơ, phía Việt Nam sau đó dường như đã thay đổi quyết định và có vẻ không muốn nhận lại thêm người nhập cư gốc Việt trước năm 1995. Vì vậy, Bernacke cho biết, “ICE sẽ tiếp tục đàm phán với chính phủ Việt Nam”.
Bà Nguyễn là luật sư có văn phòng ở Atlanta, nói rằng, tính chất riêng tư của những cuộc trò chuyện kiểu như vậy đang gây ra sự lo lắng trong cộng đồng người Việt.
“Rất nhiều cuộc trò chuyện như thế này diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín và luôn có nỗi lo sợ rằng một điều gì đó có thể thay đổi vào ngày mai”, bà nói.
Vào một buổi chiều thứ Bảy gần đây, tại một trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở khu Dorchester, Boston, hơn chục người ngồi trên những chiếc ghế xếp kim loại, được quây thành một vòng tròn. Họ nghiêng đầu về phía trước, chăm chú lắng nghe những lời tư vấn pháp lý miễn phí.
Tất cả có mặt ở đây là vì họ lo lắng, kể cả Vân Nguyễn, bà cho biết đã trốn khỏi Việt Nam và đến Hoa Kỳ tị nạn từ năm 1980. Bà không liên quan gì đến ông Phi Nguyễn.
“Ý tôi là, việc này đã đánh vào gia đình tôi, vì chồng tôi không có quốc tịch, ông ấy có một quá khứ. Cho nên chúng tôi rất lo lắng”, bà nói.
Bà Nguyễn từ chối giải thích về quá khứ của chồng. Ông ta cũng là con lai và họ lo lắng, một ngày nào đó ông có thể bị trục xuất về đất nước mà rất nhiều người đã trốn chạy khỏi đó hơn 30 năm trước.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.