Venezuela: Thổ dân Pemon thề mở cửa cho viện trợ, thách thức Maduro
Monday, February 11, 2019
6:58:00 AM
//
Slider
,
Tin Châu Mỹ
BBC
10/02/2019
Cộng đồng thổ dân Pemon ở Venezuela sống dọc biên giới với Brazil, thề mở cửa cho các đoàn viện trợ quốc tế vào nước này.
Ngay cả khi điều đó có nghĩa là lời thách đấu với lực lượng an ninh Venezuela và chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Theo Reuters, trong bối cảnh siêu lạm phát gây ra tình trạng thiếu đói, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi và cuộc khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết, viện trợ nhân đạo trở thành điểm sáng.
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tuần trước cho biết một liên minh toàn cầu gồm Hoa Kỳ đã gửi thực phẩm và thuốc men đến các điểm tập kết ở Colombia, Brazil và một hòn đảo Caribbean không được tiết lộ trước khi chuyển hàng viện trợ vào Venezuela.
Brazil theo chân Hoa Kỳ cũng như hầu hết các nước ở châu Mỹ Latinh và châu u công nhận Guaido là nhà lãnh đạo lâm thời hợp pháp của Venezuela với lập luận rằng ông Maduro thắng cử trong cuộc bỏ phiếu gian lận tháng 5/2018.
Nhưng ông Maduro phủ nhận và tuyên bố rằng đó là một phần của âm mưu do Hoa Kỳ dẫn dắt nhằm phá hoại và lật đổ chính phủ của ông.
Sáu nhà lãnh đạo của cộng đồng thổ dân Pemon cư trú tại Gran Sabana, bang Bolivar, giáp biên giới với Brazil nói rằng người dân chào đón bất kỳ sự viện trợ nhân đạo nào.
"Chúng tôi đã chuẩn bị - dù không có vũ khí - và sẵn sàng mở cửa biên giới để tiếp nhận viện trợ nhân đạo," Thị trưởng Gran Sabana Emilio Gonzalez nói. "Cả vệ binh quốc gia lẫn chính phủ đều không thể ngăn điều này."
Các cộng đồng thổ dân tự hào rằng họ có mức độ tự chủ cao hơn các cộng đồng khác ở Venezuela.
Thống đốc bang Bolivar và chỉ huy quân sự khu vực Guayana, gồm các bang Bolivar và Amazonas chưa đưa ra bình luận.
"Chúng tôi là người bản địa của Gran Sabana và chúng tôi sẽ không cho phép một số tướng lĩnh từ bên ngoài quyết định thay cho chúng tôi. Chúng tôi có chính quyền hợp pháp," Jorge Perez, ủy viên hội đồng khu vực thổ dân, cho hay.
Perez cho biết mỗi ngày ông đều đến thăm các bệnh viện địa phương và thấy cảnh bệnh nhân và bác sĩ tuyệt vọng vì thiếu thuốc men.
Động thái tự xưng tổng thống lâm thời của ông Guaidó hồi tháng trước giành được sự ủng hộ nhanh chóng từ Mỹ và các nước khác nhưng đã gây ra một cuộc đấu đá quyền lực.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cáo buộc ông Guaidó mưu toan đảo chính và tìm sự ủng hộ từ các đồng minh quốc tế lớn.
Ông bác bỏ đề nghị viện trợ của Hoa Kỳ như một cái cớ để can thiệp quân sự.
Hôm 2/2, hàng ngàn người xuống đường ở thủ đô Caracas để biểu tình ủng hộ cả Tổng thống Maduro và ông Guaidó.
Ông Maduro hiện vẫn giữ được sự trợ giới của quân đội, nhưng trước cuộc biểu tình, ông Guaidó có thêm sức mạnh sau khi tướng không quân Francisco Yanez trở thành quan chức quân sự cấp cao nhất của Venezuela tuyên bố ủng hộ cho nhà lãnh đạo phe đối lập.
Ông Guaidó nói rằng ông đã tổ chức các cuộc họp bí mật với giới chức quân đội nhằm giành được sự ủng hộ để lật đổ ông Maduro và cũng liên hệ Trung Quốc, một trong những nước ủng hộ quan trọng nhất của ông Maduro.
Ông Guaidó không kiểm soát bất kỳ lãnh thổ nào ở Venezuela, vì vậy thay vào đó ông lên kế hoạch thành lập các trung tâm ở các nước láng giềng để tập hợp những người Venezuela bỏ nước ra đi.
Ông nói rằng ông muốn thành lập một liên minh quốc tế để thu thập viện trợ tại ba điểm, và gây sức ép buộc quân đội Venezuela cho liên minh tiến vào nước này.
Viết trên Twitter, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cho biết các kế hoạch đang được tiến hành vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, Nga lên tiếng cảnh báo "sự can thiệp mang tính phá hoại".
Theo Reuters, Hoa Kỳ, Canada và một số nước Mỹ Latinh không thừa nhận chiến thắng của ông Maduro trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm ngoái mà công nhận Tổng thống tự xưng Juan Guaido.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS được phát sóng hôm 3/2, ông Trump cho biết đang cân nhắc sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ.
"Chắc chắn đó là một lựa chọn," ông Trump nói và cho biết thêm rằng ông Maduro đã yêu cầu hội đàm từ nhiều tháng trước.
"Tôi đã khước từ vì chuyện đi quá xa rồi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng quá trình này đang diễn ra."
Chính quyền Trump tuần trước đã ban hành lệnh trừng phạt làm tê liệt đối với công ty dầu mỏ quốc doanh Venezuela PDVSA [PDVSA.UL], nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước vốn đang thiếu thuốc men và thực phẩm.
Ông Maduro, người đứng sau nền kinh tế sụp đổ và khiến hàng triệu người Venezuela bỏ nước ra đi, vẫn nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, và sự trợ giúp quan trọng của quân đội.
Nga, chủ nợ lớn của Venezuela trong những năm gần đây, kêu gọi kiềm chế.
"Mục tiêu của cộng đồng quốc tế nên là giúp đỡ Venezuela chứ không phải can thiệp mang tính phá hoại từ bên ngoài," Alexander Shchetinin, trưởng bộ phận Mỹ Latin của Bộ Ngoại giao Nga nói với Interfax.
Pháp và Áo cho biết họ sẽ công nhận Guaido nếu ông Maduro không phản hồi lời kêu gọi của Liên minh châu Âu vào đêm 3/2 về cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng.
"Chúng tôi không chấp nhận tối hậu thư từ bất kỳ ai," ông Maduro nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha Antena 3 được phát sóng hôm 3/2.
"Tôi từ chối kêu gọi bầu cử ngay bây giờ - sẽ có cuộc bầu cử vào năm 2024. Chúng tôi không quan tâm đến những gì châu Âu nói."
Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đề xuất bầu cử Quốc hội sớm, tìm cách củng cố sự cai trị của ông sau khi một vị tướng đi theo phe đối lập và hàng vạn người xuống đường phản đối chính phủ.
Theo Reuters, khi áp lực trong nước và quốc tế buộc ông Maduro phải từ chức, một vị tướng không quân tuyên bố từ bỏ ông Maduro trong một video, bày tỏ lòng trung thành với người đứng đầu Quốc hội và là tổng thống lâm thời Juan Guaidó.
Sự trợ giúp của quân đội rất quan trọng đối với ông Maduro, người vốn không được lòng dân, phần lớn là do một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có khiến hàng triệu người dân phải rời bỏ đất nước. Maduro tuyên bố ông là nạn nhân của cuộc đảo chính do Hoa Kỳ chỉ đạo.
Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ, ông Maduro cho biết, Quốc hội Lập hiến do chính phủ kiểm soát sẽ tranh luận về việc kêu gọi bầu cử Quốc hội trong năm nay.
"Quý vị muốn bầu cử sớm? Chúng tôi sắp có cuộc bầu cử Quốc hội," ông Maduro nói trong cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ ở Caracas. Sự kiện được tổ chức để kỷ niệm 20 năm cố lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez nhậm chức tổng thống.
Thông cáo của nghị sĩ đối lập Armando Armas viết rằng đề xuất đưa ra cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào năm 2020 chỉ là thêm một hành động khiêu khích.
Các cuộc biểu tình ngày thứ Bảy 2/2 được tổ chức nhằm tăng sức ép lên Tổng thống Nicolás Maduro buộc ông từ chức và tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống sớm.
Ông Guaido tự tuyên bố mình là tổng thống tháng trước và ngay lập tức được Mỹ và vài nước Mỹ-Latinh công nhận.
Nga và Trung Quốc ủng hộ Tổng thống Maduro.
Nhiều nước châu Âu ra thời hạn cho Tổng thống Maduro phải tuyên bố cuộc bầu cử mới trước Chủ nhật này. Nếu ông không đáp ứng, họ sẽ cùng các quốc gia khác công nhận ông Guaidó là tổng thống tạm thời của Venezuela.
Sự ủng hộ của quân đội được coi là chủ chốt cho khả năng tiếp tục nắm quyền của ông Maduro.
Hôm thứ Bảy, một vị tướng Không quân cao cấp tuyên bố ủng hộ ông Guaidó trong một video đăng trên Twitter.
Tướng Francisco Yanez, người phụ trách kế hoạch chiến lược không quân, kêu gọi các thành viên khác trong quân đội cùng bỏ quân đội với ông. Hiện chưa rõ video này được quay ở đâu và khi nào.
Đáp lại, chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân cáo buộc ông đã phản quốc.
Trong khi đó, ông Guaidó cho biết ông đã có các cuộc gặp bí mật với phía quân đội để dành sự ủng hộ của họ nhằm lật đổ ông Maduro.
Ông nói ông đã gặp Trung Quốc để hy vọng cải thiện quan hệ với nước này.
Trong phát biểu được tờ South China Morning Post đăng hôm thứ Bảy, ông Guaidó nói ông muốn có một mối quan hệ "có hiệu quả và hai bên cùng có lợi" với Trung Quốc. Ông nói thêm rằng ông đã sẵn sàng tham gia đàm phán "sớm nhất có thể".
Cũng trong ngày thứ Bảy, Tổng thống Maduro dự kiến sẽ tham dự một cuộc mít tinh để tưởng niệm người tiền nhiệm của ông, cố tổng thống và đại tướng quân đội Hugo Chavez.
Ông Guaidó đã nói gì?
Trong bài phát biểu tại Đại học Trung ương của Venezuela hồi đầu tuần, ông Guaidó kêu gọi mọi người xuống đường phản đối việc Tổng thống Maduro từ chối chuyển giao quyền lực.
"Hãy tiếp tục biểu tình," ông nói trước đám đông sinh viên, bác sỹ và y tá, "Hãy tiếp tục xuống đường."
Ông Guaidó cũng kêu gọi người dân Venezuela tập trung để tham gia các cuộc biểu tình mới yêu cầu "viện trợ nhân đạo", trong đó có thực phẩm và thuốc men, phải được trao tới những người dân đang sống cơ cực trong khủng hoảng.
Hôm thứ Tư, hàng ngàn người ủng hộ ông Guaidó xuống đường ở thủ đô Caracas và vài thành phố khác trên khắp Venezuela. Họ kêu gọi quân đội ngừng ủng hộ Tổng thống Maduro và cho phép đưa viện trợ nhân đạo vào nước này.
Ông Guaidó, người đứng đầu Quốc hội Venezuela, nói hiến pháp cho phép ông được nắm quyền tạm thời khi tổng thống được coi là bất hợp pháp.
Vậy ông Maduro có quan điểm gì?
Tổng thống Maduro nói với hãng tin Nga RIA ông sẵn sàng đàm phán với bên đối lập "vì lợi ích của Venezuela" nhưng sẽ không chấp nhận một tối hậu thư hay đe dọa.
Ông khăng khăng rằng ông có sự ủng hộ của quân đội, và cáo buộc những người bỏ quân đội là có âm mưu đảo chính.
Nhiều sỹ quan quân đội giữ chức bộ trưởng hay các vị trí có ảnh hưởng khác trong chính phủ.
0 comments