“Ăn” rác mà giàu
10-2-2019
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà tuyên bố “rác là tài nguyên, không phải chất gây ô nhiễm.” Ông Hà đã phát ngôn rác là tài nguyên trong ngữ cảnh chung khi nhắc đến khái niệm “kinh tế tuần hoàn” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Lý thuyết về rác là: “chất thải của quy trình này là nguyên liệu của quy trình khác”; nhưng nói rác là tài nguyên vốn thuộc về tự nhiên thì thật là…
Nhưng người dân cần biết một cách thức khai thác “tài nguyên” khác, khái niệm này cần để trong ngoặc kép: Tiền xử lý rác.
Hiểu một cách đơn giản nhất có ba loại rác do ba nhóm đối tượng thải ra:
-Loại thứ nhất là rác thải sinh hoạt và người dân phải trả phí xử lý rác hàng tháng.
-Loại thứ hai là rác thải công nghiệp và doanh nghiệp phải trả phí xử lý rác tùy theo mức độ độc hại. (Doanh nghiệp cũng có thể tự xử lý rác thải công nghiệp nếu họ có công nghệ.)
-Loại thứ ba chính là “rác chính sách”! Nó bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật và quy định, hướng dẫn dưới luật mà những người soạn đã cố tình cài cắm các chỉ tiết có lợi cho ngành của mình, cho sân sau của mình.
Sở dĩ quốc gia “ê hề” rác vì loại rác thứ ba. Tại nhiều tỉnh thành, rác sinh hoạt chất đống giữa phố thị, nhà người dân bị đổ trộm hoặc người dân buộc phải đổ trộm sang nhà người khác. Đó là vì không phân loại dược rác từ đầu nên rác được gom chung về các bãi xử lý rác. Nói là bãi xử lý rác cho sáng chứ nó là dạng lên đời của các vựa ve chai. Sẽ có những người bới rác để tìm các thứ có khả năng tái chế, còn lại là chôn lấp hết. 80-85% rác sẽ được chôn lấp. Đất chôn lấp sẽ là đất của dân được thu hồi để giao cho doanh nghiệp xử lý rác bằng “công nghệ chôn lấp”.
Nếu gọi chôn lấp rác thải sinh hoạt là công nghệ hiện đại thì so sánh với cách phân loại rác của Thụy Điển (10 loại) có thể gọi nôm na là so hoa khôi tổ dân phố với hoa hậu quốc tế!
Rác thải công nghiệp cũng được chôn lấp. Do sản xuất công nghiệp rất lớn nên lượng rác công nghiệp cũng rất lớn, tạo ra nhiều núi rác và cùng với rác thải sinh hoạt, chúng chiếm hàng triệu m2 chôn lấp rác. Còn chôn lấp sẽ còn hiện tượng thất thoát tài nguyên đất, còn ô nhiễm bởi rác sẽ bốc mùi hay bay bụi theo gió, ngấm xuống đất và nước ngầm theo mưa. Quá trình phân hủy rác mấy ít nhất vài chục năm đến vài trăm năm nên ô nhiễm cũng kéo dài tương ứng.
Vì sao chuyện bất cập rác thải kéo dài? Vì sự độc quyền cấp phép xử lý rác, cụ thể là cấp phép đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho việc chở rác và xử lý rác. Về thực tế giấy phép chuyên chở và xử lý rác thải công nghiệp chẳng hạn, có 63 tỉnh thành nhưng chỉ 90 doanh nghiệp được cấp phép. Chỉ cần nhấc máy điện thoại và đối chiếu trụ sở để biết doanh nghiệp có hoạt động thực tế hay không. Không hoạt động vẫn thu tiền xử lý rác bởi độc quyền ĐTM chuyên chở và xử lý rác thì cũng độc quyền bán lại quyền này cho các công ty khác chịu “ngoan”, chịu làm.
Về trò này thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các nhiệt điện “giỏi” hàng đầu! Ai chưa tin xin mời đến các cụm nhiệt điện than để nhìn những núi tro xỉ và nghệ người dân nói về bụi và bệnh từ bụi. Có rất nhiều chứng cứ đang được tập hợp để gửi đến các cơ quan chức năng nhưng tôi sẽ viết trong một bài khác để bảo vệ nguồn tin.
Độc quyền rác thải đến mức doanh nghiệp có công nghệ xử lý rác tốt hơn cách chôn lấp muốn xin xử lý rác miễn phí cũng không được đồng ý. Rác thải sinh hoạt ở nông thôn do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách. Ở thành thị là Bộ Xây dựng. Chính phủ nhìn ra được điều này nên quy về một mối giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến là trong năm nay.
Nhưng với cung cách độc quyền nêu trên thì doanh nghiệp có công nghệ xử lý rác bị hành cho ra bã nếu không “ngoan”. Bạn có thể tự xử lý rác hữu cơ thành phân hữu cơ để bón cho vườn cây nhà mình nhưng bạn làm việc đó cho cả xã thì bạn sẽ bị phạt méo mặt. Phạt nhờ căn cứ vào “rác chính sách”.
Có người gợi ý rằng những nhà khoa học Việt Nam hay các doanh nghiệp nhập công nghệ nước ngoài nên “lobby” để xử lý môi trường. Thật lạ lùng khi cơ chế này tạo ra thực trạng”ê hề” rác khiến đời sống người dân đảo lộn rồi cũng chính cơ chế muốn người làm được phải đi xin xỏ để xử lý hậu quả do “rác chính sách” tạo ra.
Ở Venezuela, người dân phải bới rác ăn dưới chế độ hoang tưởng của Tổng thống Maduro. Tại một quốc gia có truyền thống nông nghiệp và các điều kiện khí hậu như Việt Nam, sẽ không có chuyện dân bới rác ăn. Nhưng làm ơn nhớ cảnh báo của tôi: Khi các loại rác tạo ra bùng phát ô nhiễm, bệnh tật do chính sách bất cập thì chính nhân dân sẽ chấm dứt điều phi lý này (cùng vô số phí lý khác) một ngày nào đó.
0 comments