Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 15/02/2019

Friday, February 15, 2019 3:47:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 15/02/2019

Vườn rau Lộc Hưng: ‘Chính quyền

phải làm sao lấy lại niềm tin của dân’

Người dân Vườn rau Lộc Hưng nói họ vẫn có những xô xát với chính quyền sau Tết, với vấn đề đất đai vẫn chưa được đối thoại giải quyết.
Trong khi chính quyền tuyên bố đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ trước Tết cho một số hộ dân, người dân vẫn mong muốn có một cuộc đối thoại rõ ràng, công khai với giới chức có thẩm quyền.
TP đã chăm lo Tết cho dân Lộc Hưng?
Theo thông tin mới nhất công bố hôm 14/2, chính quyền thành phố HCM đã hỗ trợ một số người dân Vườn rau Lộc Hưng trước Tết.
Theo báo Người Lao Động, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan tuyên bố, quận đã tiếp xúc được 111/124 hộ, còn 13/124 hộ không tiếp xúc được do đã bán nhà đi nơi khác hoặc đi nước ngoài.
Trong 111 hộ, có 92 hộ đồng thuận, có 78 hộ đã đăng ký kê khai, cung cấp thông tin và tự nguyện đồng ý nhận tiền hỗ trợ.
Quận đã chi tạm ứng kinh phí hỗ trợ 50% cho 39/78 hộ với tổng kinh phí 41,3 tỉ đồng và chi khen thưởng 5 triệu đồng/hộ. UBND quận còn hỗ trợ 50 phần quà Tết, trị giá 6 triệu đồng/hộ.
Như vậy, chính quyền mới chỉ thực hiện được việc tạm ứng hỗ trợ 50% cho 39/124 hộ, tức 31%.
Dân Lộc Hưng phản bác
Một người dân sở hữu đất và vẫn đi lại vườn rau Lộc Hưng, xin giấu tên, cho BBC biết con số 111 hộ như chính quyền tuyên bố là không chính xác.
“Họ tiếp xúc rất buồn cười, họ chia ra 10-12 tổ tiếp xúc, sau khi họ đập phá cưỡng chế nhà cửa người ta. Thành phần đi tiếp xúc cũng lung tung, nhiều người không có bảng tên, đi 1 nhóm 2-3 người đến nhà.”
“Họ giống như là đi dân vận, đến bảo thuận theo chủ trương nhà nước thì sẽ được nhận hỗ trợ.”
“Họ đến cửa nhà tôi thì tôi không tiếp. Họ phải có văn bản, phải chứng minh được tư cách pháp nhân là người của cơ quan nào bộ phận nào.”
Trước đó, người dân Vườn rau Lộc Hưng đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu phía chính quyền đối thoại với người dân. Nhưng với một số cán bộ đến tiếp xúc, họ nói họ có lý do từ chối tiếp.
“Không phải là không muốn tiếp họ, mà vì họ đã nhiều lần mất lòng tin, họ toàn nói dối. Họ toàn nói mà không làm.
“Đơn cử là sau đợt cưỡng chế hôm 4/1, hôm 5/1, họ mới đưa ra thông báo cưỡng chế thời gian 90 ngày. Đặc biệt họ bảo chỉ cưỡng chế nhà nào xây dựng từ 1/1/2018.”
Hôm 8/1, chính quyền đã cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ khu vực Vườn rau Lộc Hưng.
“Còn tiếp xúc thì với chính quyền đủ năng lực chứ không phải người dân vận từ đâu tới. Nói với họ như nói với những người hàng chợ, nói xong câu chuyện cũng không được gì.”
Về những hộ đã nhận hỗ trợ, người dân này nói đó là một số hộ đã lấn chiếm khu đất có kênh mương mà hồi xưa người dân và Linh mục Đinh Công Trình xây dựng.
Ngoài ra còn có khoảng hơn 20 hộ đã ký tên giao đất cho công ty Sài Thành vào 2007.
“Chắc họ sợ… Họ cảm thấy không thể theo tập thể khiếu kiện lâu dài.”
Tình hình Lộc Hưng sau Tết
Người dân nói trên cho BBC biết sau cuộc cưỡng chế hôm 4,8/1, nhiều người dân Lộc Hưng đã gặp rất nhiều khó khăn, rồi nhà cửa, mất nguồn sống, lưu lạc tứ tán.
“Từ đó đến giao thừa, họ phải đi kiếm chỗ ở nhờ, người phải đi thuê mướn, nói chung mọi thứ khó khăn.”
Ông còn cho biết hôm mùng 6 Tết, tức 10/2, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đến thăm và đọc kinh cùng một số người dân ở tượng Đức Mẹ ở khu đất Vườn rau Lộc Hưng thì bị một người mặc thường phục đến hăm họa người dân.
“Người này đi ra từ cái lều dã chiến của chính quyền dựng lên, xung quanh có rất nhiều công an mặc sắc phục. Người này đi ra gây gổ với bà con mà không biết là thuộc thành phần nào, công an hay côn đồ,” người dân này nói.
Gần đây nhất, chiều hôm 14/2, một xe bán tải chở 20-30 mái tôn chống nóng đến khu vực Vườn rau đã bị nhiều người dân lên tiếng phản đối, chặn đường.
Người dân nói nhân viên chở tôn nói cần tôn để dựng chòi trên khu vực.
“Bà con thì dứt khoát là không có được làm. Chính quyền lấy cái cớ xây dựng trái phép để đập phá rồi giam lỏng đất Vườn rau Lộc Hưng. Rồi giờ thì tự dưng đem đồ dựng chòi, nó mâu thuẫn với việc chính quyền đã làm.
“Nói người ta xây dựng trái phép mà chính các người đang xây dựng trái phép.”
“Bà con khẳng định ‘chúng tôi chưa hề nhìn thấy một quyết định thu hồi của các cấp. Các ông không cho người dân canh tác. Giờ các ông dựng chòi, thì các ông đang ngồi xổm trên pháp luật’. Bà con không chấp nhận chuyện đó,” người dân kể lại cho BBC.
Người dân cho biết nhiều người trong họ vẫn đang làm việc với các nhóm luật sư hỗ trợ để đòi lại quyền lợi.
Dân ủng hộ dự án nhưng trên cơ sở pháp luật
Khu đất Vườn rau Lộc Hưng nằm trong diện quy hoạch cho Dự án xây dựng cụm trường học công lập trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS, hạ tầng giao thông và công viên cây xanh với tổng vốn đầu tư là 117 tỷ.
“Từ khi người dân Vườn rau Lộc Hưng biết là có dự án trên mảnh đất này, bà con trong vườn rau đều nhất quyết ủng hộ chính sách quy hoạch của thành phố. Nhưng phải làm việc trên cơ sơ pháp luật.
“Điều đầu tiên là phải tin tưởng nhau, phải trao đổi với nhau. Nhưng từ đó đến nay, chỉ có một lần duy nhất vào cuối năm 2006, khi ông Nguyễn Văn Đua xuống tiếp xúc với người dân.
“Điều bà con mong mỏi là chính quyền thành phố phải ra mặt, tiếp xúc, đối thoại, giải thích và làm sao lấy lại được niềm tin của người dân ở chính quyền.
“Dù nhà nước có quy hoạch nào, với lý do cao thượng nào, để lấy đất của người dân thì phải làm trên cơ sở pháp luật. Không thể đi phá tan hoang nhà người này để xây trường học nuôi dạy con của người kia.”
BBC đã tìm cách liên hệ với Chánh văn phòng UBND TP HCM ông Võ Văn Hoan nhưng không được.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47222725

Công an Quảng Ngãi mở rộng điều tra

Công an tỉnh Quảng Ngãi đang mở rộng điều tra vụ Việt kiều Canada, là anh Võ Duy Nghiêm, 26 tuổi, cùng bạn gái bị tạt axit và chém vào chân khi đang đi xe máy ở địa phương huyện Bình Sơn tỉnh này.
Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn thông tin từ Thượng tá Võ Văn Náo, Trưởng Công an huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, loan tin vừa nêu hôm 15/2.
Theo ông Náo, Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng xuống khám nghiệm hiện trường, lấy mẫu chất lỏng màu trắng (nghi là axit) gửi Phòng Kỹ thuật Hình sự phân tích. Ông cho biết thêm, khu vực xảy ra vụ việc rất vắng người, không có camera quan sát nên khó xác định đối tượng gây án.
Trước đó, vào tối ngày 9/2/2019, anh Võ Duy Nghiêm cùng bạn gái là chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm và gia đình đi ăn tối tại Khu Du lịch sinh thái Thiên Đàng ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Trên đường đi, anh Nghiêm và chị Trâm chạy xe máy đi trước. Riêng các thành viên còn lại đi xe hơi phía sau.
Khi đến đoạn đường vắng và tối thuộc khu vực ngã tư Thiên Đàng, có 2 thanh niên đi trên 1 xe máy cùng chiều từ phía sau bất ngờ vượt lên áp sát rồi nhanh tay tạt a xít vào mặt anh Nghiêm. Sau đó chúng còn chém vào bắp vế chân và đầu gối Anh Nghiêm bằng mã tấu.
Tin cho biết, sau khi được chữa trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, hiện sức khỏe của anh Nghiêm và chị Trâm đã ổn định trở lại và bắt đầu nói chuyện được. Cho đến rạng sáng 15/2, chuyên cơ của phía bảo hiểm Canada đã đến để đưa Anh Nghiêm và chị Trâm cùng 1 bác sĩ và 1 y tá sang Canada để điều trị. Nhưng do chuyến bay từ Đà Nẵng sang Canada phải mất gần 20 giờ bay, quan ngại nạn nhân không đủ sức khỏe nên chuyên cơ đã chuyển hướng đến Thái Lan tạm điều trị trước, chờ sức khỏe nạn nhân ổn định trở lại.
Được biết, năm 2013, anh Võ Duy Nghiêm được người anh là Võ Duy Hoàng bảo lãnh sang Canada định cư theo diện xuất khẩu lao động. Sau đó, anh Nghiêm quen với chị Trâm, quốc tịch Canada, quê gốc tỉnh Sóc Trăng và sống chung với nhau như vợ chồng. Từ năm 2018 hai người sinh sống, làm ăn tại thành phố Vancouver.
Anh Nghiêm đã hai lần về quê ăn Tết vào năm 2014 và năm 2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/expand-investigation-of-acid-shattered-overseas-vietnamese-in-quang-ngai-02152019065904.html

Việt Nam sẽ nằm trong danh sách Hoa Kỳ mở rộng

căn cứ quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương?

Hòa Ái, phóng viên RFA
Trong buổi điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, diễn ra vào ngày 12 tháng 2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh Mỹ cần chú trọng hơn nữa trong việc hợp tác với đồng minh và đối tác trong bối cảnh Trung Quốc “quân sự hóa” ở Biển Đông.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia liên quan đến Việt Nam sẽ có chọn lựa gì trước thông tin vừa nêu khi hai nước ngày càng gia tăng  hợp tác về quốc phòng và an ninh?
Mỹ tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông
Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng hành vi mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa to lớn và lâu dài trong việc duy trì tự do thương mại và tự do di chuyển trong khu vực.
Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh “Bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với ‘bản sắc Trung Quốc’, do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế cho sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tồn tại hơn 70 năm qua”.
Việt Nam cho rằng nếu trở thành một căn cứ quân sự nào đó hoặc là đặt căn cứ quân sự của một quốc gia nào đó tại Việt Nam thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều sự đe dọa. Thế thì bây giờ Việt Nam phải cân nhắc việc nếu đặt căn cứ quân sự, Hoa Kỳ chẳng hạn thì Trung Quốc sẽ gây sự với Việt Nam rất nhiều và nếu có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông chẳng hạn thì Hoa Kỳ có thể bảo vệ cho Việt Nam hay không? Câu trả lời là còn lâu lắm
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ nêu lên minh chứng rõ ràng nhất của việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng là quốc gia này sử dụng các đảo ở Biển Đông để biện minh cho các yêu sách mở rộng lãnh thổ; đồng thời Đô đốc Philip Davidson khẳng định luật pháp quốc tế không công nhận những động thái đó của Trung Quốc và hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) là phương cách để Trung Quốc nhận biết cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố liên quan của Bắc Kinh.
Trình bày trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson cho rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận môi trường ở Biển Đông đang thay đổi rất nhanh chóng nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới. Đô đốc Philip Davidson cho biết thêm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang có những cuộc thương thảo với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể ở đó cũng như tăng cường hợp tác trong diễn tập quân sự, trong tuần tra ở Biển Đông và trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Chọn lựa hợp tác của Việt Nam
Việt Nam, một quốc gia láng giềng của Trung Quốc và mặc dù hai đảng lãnh đạo có cùng ý thức hệ nhưng Hà Nội được nói là bị yếu thế hơn so với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.
Trong vai trò Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Tướng James Mattis (cà vạt xanh) thực hiện hai chuyến viếng thăm Việt Nam trong năm 2018.AFP
Trước những thông tin mới nhất về quan điểm của Hoa Kỳ qua cuộc điều trần diễn ra tại Quốc Hội Mỹ vào ngày 12 tháng 2, Đài RFA nêu vấn đề với giới chuyên gia rằng Việt Nam sẽ lựa chọn hợp tác với Hoa Kỳ như thế nào trong thời gian tới, liên quan vấn đề Biển Đông khi mà Việt Nam và Mỹ được truyền thông quốc nội ghi nhận hai nước ngày càng gia tăng trong hợp tác quốc phòng và an ninh qua sự kiện hồi năm ngoái đương kim Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis có hai chuyến viếng thăm đến Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định nhân chuyến đến Hà Nội trong hai ngày cuối tháng 2 tới đây cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhì với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chắc chắn sẽ có cuộc nói chuyện với giới chức Việt Nam về hợp tác chung giữa hai nước, trong đó có hợp tác trong các vấn đề ở khu vực Biển Đông.
Xin được nhắc lại trong những năm gần đây, truyền thông trong nước không ít lần nhắc đến địa thế và tầm quan trọng chiến lược của cảng Cam Ranh đối với vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, kể từ hồi tháng 3 năm 2015 khi Mỹ lên tiếng yêu cầu VN ngưng cho phép Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom tại khu vực Thái Bình Dương, với lý do những hoạt động đó có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực. Và sự kiện lịch sử lần đầu tiên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẵng hồi đầu tháng 3 năm 2018 được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông nêu lên quan điểm của ông với RFA rằng phía Mỹ có thể cân nhắc xem xét tái lập căn cứ quân sự ở Việt Nam trong tương lai bởi vì yếu tố Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng tại khu vực Biển Đông, đồng thời Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời chống lại tham vọng của Trung Quốc nên Việt Nam có lập trường kiên quyết, nhất định trong vấn đề Trung Quốc “quân sự hóa” ở Biển Đông. Thế nhưng, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam sẽ tuân thủ Chính sách Quốc phòng 3.0, bao gồm không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không dựa vào nước này để chống lại nước kia và do đó Hà Nội sẽ không đồng ý để cho Hoa Kỳ tái lập căn cứ quân sự ở Việt Nam, một khi Washington ngỏ lời.
Dẫn chứng các bằng chứng lịch sử mà Thạc sĩ Hoàng Việt nêu ra như trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải quân Trung Quốc thì lúc bấy giờ Hoa Kỳ không có hỗ trợ nào cho phía Việt Nam và trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, Trường Sa do Trung Quốc gây ra hồi năm 1988 thì mặc dù Nga thuê hải cảng Cam Ranh làm căn cứ hải quân nhưng cũng không giúp đỡ cho Việt Nam. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh:
Trong một tương lai gần thì Việt Nam chưa thể thành đồng minh của Mỹ được. Bây giờ chỉ có cách làm sao hai nước Việt Nam và Mỹ hợp tác tốt hợn với nhau về cả mặt chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh. Ví dụ như hợp tác về an ninh thì chọn những khu vực đặc trưng; ví dụ như trao đổi thông tin như là giúp nhau về các thông tin liên quan sự vận chuyển của các lực lượng Trung Quốc ở ngoài biển hoặc là sự vận chuyển của tàu ngầm để Việt Nam có điều kiện chủ động tự vệ cho tốt. Thứ hai, Việt Nam cũng cần phải mua vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng cho việc phòng thủ đất nước Việt Nam, rồi tiến tới các hoạt động khác như tập trận chung. Trước hết là tập đa phương và sau đó là song phương Việt Nam và Mỹ. Làm như thế thì mặc dù Trung Quốc sẽ không thích, nhưng họ sẽ không làm gì được và họ cũng sẽ chùn bước
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
“Cho nên phía Việt Nam cho rằng nếu trở thành một căn cứ quân sự nào đó hoặc là đặt căn cứ quân sự của một quốc gia nào đó tại Việt Nam thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều sự đe dọa. Đặc biệt là đe dọa đến từ Trung Quốc. Cho nên, Chính sách 3.0 nói cho cùng là chỉ để nói với Trung Quốc mà thôi. Thế thì bây giờ Việt Nam phải cân nhắc việc nếu đặt căn cứ quân sự, Hoa Kỳ chẳng hạn thì Trung Quốc sẽ gây sự với Việt Nam rất nhiều và nếu có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông chẳng hạn thì Hoa Kỳ có thể bảo vệ cho Việt Nam hay không? Câu trả lời là còn lâu lắm.
Chính vì vậy, Việt Nam phải cân nhắc và tôi nghĩ theo cách Việt Nam chọn sẽ đúng nguyên tắc của Chính sách 3.0. Có thể bây giờ Việt Nam đang bàn thảo nên giữ hay bỏ Chính sách 3.0 này. Nhưng cá nhân tôi cho rằng cho đến hiện nay thì lãnh đạo cao nhất của Việt Nam vẫn kiên quyết và duy trì Chính sách 3.0.”
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Hoàng Việt, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích:
“Nếu nói là Mỹ quay lại đặt căn cứ quân sự ở Cam Ranh thì vô cùng khó xảy ra. Bởi vì Việt Nam tuyên bố không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài rồi và đã xây một khu dịch vụ quốc tế cho bất kỳ một tàu quân sự của nước ngoài nào cũng có thể đến đó để hưởng dịch vụ. Tôi nghĩ có thể gần giống như ở Singapore là tàu Mỹ vào neo đậu vài tháng rồi lại đi ra và tàu khác vào và như thế thì không nước nào, kể cả Trung Quốc có thể nói Mỹ đặt quân sự ở Việt Nam.
Thứ hai nữa, người Mỹ thích vùng Đà Nẵng hơn Cam Ranh vì trước đây gần như người Mỹ không sử dụng ở Cam Ranh nhiều. Người Mỹ biết nhiều về Đà Nẵng hơn. Có thể Mỹ sẽ nói với Việt Nam trước hết để cho họ lập kho hậu cần ở Đà Nẵng, chứa đồ quân sự, thực phẩm, thuốc men…và sẽ đi đến việc cho tàu và máy bay neo, đậu lâu hơn.”
Trả lời câu hỏi của RFA Việt Nam sẽ có những lựa chọn hợp tác như thế nào khi Hoa Kỳ gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông trong thời gian tới, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng:
“Trong một tương lai gần thì Việt Nam chưa thể thành đồng minh của Mỹ được. Bây giờ chỉ có cách làm sao hai nước Việt Nam và Mỹ hợp tác tốt hợn với nhau về cả mặt chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh. Ví dụ như hợp tác về an ninh thì chọn những khu vực đặc trưng; ví dụ như trao đổi thông tin như là giúp nhau về các thông tin liên quan sự vận chuyển của các lực lượng Trung Quốc ở ngoài biển hoặc là sự vận chuyển của tàu ngầm để Việt Nam có điều kiện chủ động tự vệ cho tốt. Thứ hai, Việt Nam cũng cần phải mua vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng cho việc phòng thủ đất nước Việt Nam, rồi tiến tới các hoạt động khác như tập trận chung. Trước hết là tập đa phương và sau đó là song phương Việt Nam và Mỹ. Làm như thế thì mặc dù Trung Quốc sẽ không thích, nhưng họ sẽ không làm gì được và họ cũng sẽ chùn bước.”
Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2, Đô đốc Philip Davidson nhắc đến Việt Nam và Mỹ chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế như tự do hàng hải và Việt Nam là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất trong tranh chấp ở Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson còn cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương do ông chỉ huy ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam qua việc hỗ trợ Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái-Scan Eagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 và thêm chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia ở trong nước cho rằng Việt Nam cần thiết thay đổi quan điểm trong hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, bởi vì theo như nhận định của nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng rằng “Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-vn-be-on-the-list-of-us-military-bases-in-the-asia-region-02142019134937.html

Tự do học thuật tại Việt Nam bị siết chặt

Trong bài viết với tiêu đề tạm dịch ‘Việt Nam siết chặt tự do học thuật’ trên trang web New Internationalist vào ngày 13/2, tác giả Alexandre Sisophon có bài báo về tình hình trí thức tại Việt Nam dưới sự cai trị của nhà nước độc đảng.
New Internationalist, một tổ chức truyền thông độc lập hàng đầu dành riêng cho báo chí và xuất bản về xã hội, trích dẫn lời tác giả Sisophon rằng một làn sóng mới chống lại chủ nghĩa trí thức đang diễn ra tại Việt Nam, một quốc gia nơi các nhà trí thức phải chịu kiểm duyệt và đàn áp từ chính quyền.
Ông Nguyễn Phú Trọng chuyên về xây dựng đảng thì ông đưa ra những quy định cấm đảng viên không được làm, quy định chống diễn biến, tự chuyển hóa, tự suy thoái cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. - TS. Mạc Văn Trang
Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng:
“Việc họ siết chặt về mặt tư tưởng có từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ. Nó liên tục từ trước đến nay, có lúc nó lơi ra được một tí rồi họ siết vào.”
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng cho rằng việc hạn chế tự do học thuật này từ hồi Nhân Văn Giai Phẩm đến nay vẫn thế, tuy nhiên:
“Từ khi ông Trọng làm Tổng bí thư, Chủ tịch thì ông ấy có phát động chống diễn biến, tự chuyển hóa, cấm đảng viên 19 điều không được làm. Ông ấy còn nói sự chuyển biến, suy thoái về chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái, diễn biến về kinh tế. Mà trong chủ nghĩa Mác nói rằng trong các mối quan hệ thì kinh tế là quyết định nhất. Ông Nguyễn Phú Trọng chuyên về xây dựng đảng thì ông đưa ra những quy định cấm đảng viên không được làm, quy định chống diễn biến, tự chuyển hóa, tự suy thoái cụ thể hơn, chặt chẽ hơn.”
Trong thực tế, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước được 2 ngày, vào hôm 25/10/2018, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức đã bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đề nghị kỷ luật với lý do cáo buộc ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Các tác phẩm của ông đã bị tịch thu hoặc tiêu hủy.
Trong bản tin mà hãng tin Pháp AFP loan đi vào ngày 14/11/2018 có nói rõ Giáo sư Chu Hảo từ lâu đã là một ‘cái gai’ trong mắt đảng cộng sản và đã bị ngăn chặn các quyền tự do về học thuật.
Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, ông cho rằng việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo và thu hồi sách của Nhà xuất bản Tri Thức vô tình làm cho những tác phẩm này được biết đến rộng rãi hơn, trái ngược với mục đích ban đầu của đảng:
“Những quyển sách mà anh Chu Hảo cho xuất bản từ trước đến nay thì vẫn xuất bản, vẫn lưu hành rồi, nhưng vừa rồi vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo thì người ta lại nêu lại những quyển sách đó trái với chủ trương của đảng, tuyên truyền về dân chủ, đa nguyên, tam quyền phân lập…
Nhưng từ khi đặt ra vấn đề kỷ luật Chu Hảo thì người ta tìm đọc nhiều hơn, nên nhiều khi cấm lại kích thích người ta tò mò tìm đọc.”
Tuy nhiên, giải thích sâu xa hơn về lý do kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Mạc Văn Trang đều cho rằng thực ra việc kỷ luật lần này là để cảnh báo, răn đe giới trí thức đừng tự do đi quá chủ trương của đảng, đừng kiến nghị, đòi hỏi.
Theo nhà báo Alexandre Sisophon, ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chính phủ Hà Nội, dường như lo sợ rằng tự do học thuật sẽ đe dọa đến việc nắm giữ quyền lực của đảng cộng sản. Do đó, ông đang cố gắng ngăn chặn mọi nghi vấn về tính hợp pháp của Đảng và sẽ không dung thứ cho các quan điểm thay thế về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Đồng quan điểm này, thầy Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội cho biết việc truyền đạt kiến thức của giáo viên đều được thực hiện dưới sự chi phối của Đảng:
“Ngay trong chương trình giáo viên chúng tôi phải dạy đúng theo sách hướng dẫn, không được nói thêm. Lịch sử trong sách giáo khoa viết sao nói vậy, không được nói đúng sự thật. Một số vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị như đa đảng, hay nói về cải cách ruộng đất là cấm tiệt, không ai được phép bàn đến. Học sinh không biết gì đâu, các em chỉ được rèn luyện một thứ duy nhất đó là niềm tự hào với quá khứ đánh Mỹ.”
Vẫn theo thầy Khoa, không chỉ học sinh ở các cấp nhỏ, mà ngay cả sinh viên ở bậc đại học cũng bị hạn chế trong việc thu thập kiến thức:
Có thể nói Đảng họ can thiệp vào lĩnh vực giáo dục cả chương trình, cả nội dung, thì tự do học thuật là không có, vẫn phải bị gò bó trong một khuôn phép, máy móc mà chính quyền đưa ra. - Đỗ Việt Khoa
“Có thể nói Đảng họ can thiệp vào lĩnh vực giáo dục cả chương trình, cả nội dung, thì tự do học thuật là không có, vẫn phải bị gò bó trong một khuôn phép, máy móc mà chính quyền đưa ra. Ngay cả các trường đại học ở Việt Nam vẫn dạy những môn kinh điển như Triết học Mác, Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, Kinh tế chính trị Mác – Lenin… những thứ rất lỗi thời nhưng không trường đại học nào dám bỏ, không được phép bỏ. Các trường đại học, phổ thông công lập đều bị gò bó trong khuôn khổ đó mà không thoát ra được. Họ không có sự cởi mở để thay đổi. Việc này cản trở sự phát triển của Việt Nam, những tiến bộ của xã hội nói chung bị cản trở rất nhiều.”
Trong bài viết Việt Nam siết chặt tự do học thuật, tác giả Sisophon cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng hiện được cho là người quyền lực nhất kể từ nhà lãnh đạo thời chiến Lê Duẩn hay thậm chí là chính ông Hồ Chí Minh.
Vì thế kể từ khi Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhậm chức, việc kiểm soát đời sống trí tuệ đã thắt chặt. Là một người theo chủ nghĩa Mác chính thống và là người đọc nhiều tác phẩm của Lenin, chắc chắn việc này đã tác động đến phong cách quản lý đất nước hiện tại của ông Trọng. Các khái niệm như ‘đa đảng’, ‘tiến hóa hòa bình’ hay ‘bầu cử dân chủ” đã bị xóa bỏ.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng những khái niệm vừa nêu chưa bao giờ được đăng tải trên hệ thống của đảng cộng sản Việt Nam, nhưng không vì vậy mà giới trí thức lùi bước, vì mọi người có thể viết và lên tiếng trên những kênh khác nhau khi ngày càng có nhiều hình thức để truyền tải hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnams-clampdown-on-academic-freedom-02142019133638.html

Báo chí Nhà nước có thể phản ánh

những vấn đề “nóng” của xã hội?

Trung Khang, RFA
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa lên tiếng yêu cầu năm 2019 báo chí cần tiếp tục phản ánh những vấn đề “nóng” của xã hội. Yêu cầu này cũng tương tự với chỉ thị của Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương khi cho rằng báo chí Nhà nước bị mạng xã hội qua mặt về việc phản ánh những vấn đề nóng mà công luận quan tâm.
Yêu cầu, chỉ thị của cấp lãnh đạo đối với báo chí như thế có thể khả thi không khi mà quyền tự do tư tưởng, quyền tự do biểu đạt không được tôn trọng qua kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Ông Vũ Đức Đam đưa ra yêu cầu vừa nêu tại Hội nghị giao ban Báo chí đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 được tổ chức ở Hà Nội hôm 12 tháng 2. Cụ thể ông nói, báo chí tiếp tục phản ánh, kéo vấn đề chưa “nóng” để “nóng lên”, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Những người tổng biên tập, biên tập viên lâu năm thì đều biết rằng, không phải vấn đề nóng nào cũng được đề cập, mà phải lựa ý của Bộ chính trị, của Ban bí thư, của Bộ thông tin truyền thông hay Ban tuyên giáo trung ương để mà viết, để mà phản ánh.
-Võ Văn Tạo
Nhà báo Võ Văn Tạo, người có nhiều kinh nghiệm trong nghề báo, đưa ra nhận định liên quan yêu cầu của ông Vũ Đức Đam:
“Ý kiến của ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tôi nghĩ cũng bình thường, vì đã là báo chí thì phải bám sát các vấn đề nóng của xã hội. Nhưng mà là người làm báo chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm xương máu trong nghề nghiệp, hay những người tổng biên tập, biên tập viên lâu năm thì đều biết rằng, không phải vấn đề nóng nào cũng được đề cập, mà phải lựa ý của Bộ chính trị, của Ban bí thư, của Bộ thông tin truyền thông hay Ban tuyên giáo trung ương để mà viết, để mà phản ánh.”
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Vì vậy cũng không lạ gì suốt hai năm qua Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) liệt Việt Nam vào điểm đen, xếp hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí.
Khi trao đổi với chúng tôi hôm 13 tháng 2 năm 2019, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng:
“Việt Nam chưa có báo chí tư nhân, tức là chưa có báo chí độc lập, mặc dù có hơn 700 tờ báo, nhưng người ta nói chỉ có một tổng biên tập. Thì phản ánh của báo chí Việt Nam vẫn theo một cái định hướng, không có ý kiến khác chiều nhau. Nên tôi không hy vọng lắm về chuyện báo chí Việt Nam được đụng đến những vùng ‘nóng’ hoặc ‘rất nóng’. Thường chúng ta hay nghe nói báo chí không có vùng cấm, nhưng thực ra nó vẫn có. ”
Theo nhà báo Lê Anh Hoài, việc hướng dẫn dư luận ở một số trường hợp nhất định cũng có cái tốt, bởi vì theo ông, ở Việt Nam nhiều cái còn mông muội. Nhưng về lâu về dài theo ông là không nên, cần phải theo một hướng tự do hóa hơn và để tự một xã hội dân sự kết hợp với việc thực thi đúng pháp luật. Như vậy theo ông sẽ có một nền báo chí tốt hơn, thông tin sẽ được sàn lọc tốt hơn.
Còn ông Ngô Nhật Đăng cho biết, khi tiếp xúc với một số các phóng viên, hay viết phản ánh các vấn đề tiêu cực, nhưng qua một thời gian, họ đều nhận ra rằng, không ít thì nhiều, vô tình hoặc cố ý, báo chí đã trở thành báo chí công cụ, phát ngôn cho một tổ chức nào đó. Vì vậy ông cho rằng, dù ông Vũ Đức Đam có nói như thế nào thì ông cũng không thể có lạc quan về báo chí Việt Nam hiện nay.
Trong những năm vừa qua và đầu năm nay, rất nhiều người làm báo tự do, không ở trong hệ thống báo chí của nhà nước, bị khủng bố, bị bắt giam bỏ tù, với những án rất là nặng chỉ vì dung ngòi bút của mình để phản ánh sự thật. Ví dụ như vụ Formosa xả thải làm thủy hải sản chết hàng loạt, vụ cưỡng chế ở Dương Nội.v.v… Hay vụ lấy đất của dân ở Vườn rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm… chỉ viết lên là có thể bị bỏ tù. Do đó nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng xu thế đối xử với báo chí ở Việt Nam vẫn rất là nghiệt ngã.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho biết, hiện còn nhiều nhà báo bị sách nhiễu bắt bớ, như vụ xôn xao nhà báo Trương Duy Nhất chẳng hạn, hiện nay vẫn đang mất tích, chưa biết số phận như thế nào? Theo ông, trước nhiều vấn đề kinh tế xã hội chính trị khó khăn, nhà nước đang không biết giải quyết như thế nào, thì có lẽ nhà nước đã chọn giải pháp xử lý cứng rắn:
“Cứng rắn đầu tiên là không cho các ý kiến trái chiều xuất hiện. Như các cuộc đàn áp khác, đàn áp đầu tiên là nhằm vào ngôn luận, chúng ta thấy hàng loạt nhà báo bị săn đuổi, các nhà hoạt động về xã hội nhân quyền phải nhận những phản ứng nặng nề. Tôi cho rằng cách lựa chọn như thế là lựa chọn rất sai lầm.”
Như các cuộc đàn áp khác, đàn áp đầu tiên là nhằm vào ngôn luận, chúng ta thấy hàng loạt nhà báo bị săn đuổi, các nhà hoạt động về xã hội nhân quyền phải nhận những phản ứng nặng nề. Tôi cho rằng cách lựa chọn như thế là lựa chọn rất sai lầm.
-Ngô Nhật Đăng

Nhận xét về tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam những năm qua, các nhà báo độc lập đều cho rằng là ngày càng tồi tệ, không tiến bộ. Trong khi đó, Nhà nước luôn tuyên truyền với thế giới rằng, họ tôn trọng và đảm bảo quyền tự do báo chí của người dân.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhìn nhận, so với mấy chục năm trước khi ông làm việc, thì tự do báo chí ở Việt Nam có nới chút đỉnh, nhưng chỉ chút đỉnh thôi. Theo ông, trước đây một tờ báo muốn xuất bản ngày hôm sau, thì đều phải đem cho ban kiểm duyệt để duyệt tất cả các nội dung trong đó. Nhưng sau này thì họ trao quyền kiểm duyệt cho Tổng biên tập, tự chịu trách nhiệm với bài báo mình đã đăng. Nếu có bài quan trọng thì họ phải thăm dò ý kiến của cơ quan quản lý chức năng trước, rồi nếu được bật đèn xanh thì họ mới đăng. Tuy vậy ông nói tiếp:
“Cái gì chứ tuyên truyền là cộng sản Việt Nam không bao giờ buông, không những nắm mà còn nắm rất chặt. cái gì liên quan tới chính trị, tới sự độc tôn của đảng cộng sản Việt Nam là không có chuyện nới lỏng. Trong khi Trung Quốc giờ nhà báo có thể viết về sự sai lầm của cách mạng văn hóa 1966-1976. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, nếu nhà báo, nhà văn nào viết về sự sai lầm của cải cách ruộng đất, chắc chắn là ‘vô hộp’ ngay, chứ không có thoát được. Cho nên có những lãnh vực Việt Nam còn nghiệt ngã hơn cả Trung Quốc.”
Báo chí ở Việt Nam được nói là phải chịu sự kiểm duyệt rất khắt khe từ Ban Tuyên giáo. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin- Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này. Cũng chính vì sự kiểm duyệt và định hướng này, nhiều nhà báo đã từ bỏ hệ thống báo chí quốc gia, trở thành những cây bút độc lập để tự do lên tiếng mọi vấn đề trong xã hội.
Chính vì muốn bóp nghẹt quyền tự do này, theo nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ Hà Nội và đảng cộng sản đã mạnh tay, hành hung các nhà hoạt động, nhà báo độc lập ở Việt Nam. Chỉ riêng năm 2018, đã xảy ra hàng chục vụ hành hung, sách nhiễu.
Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, việc nên làm là những người có tâm huyết, có lòng yêu nước, nhất là những nhà báo, không phải vì hành xử của chính quyền như thế này mà né tránh. Ngược lại, phải lên tiếng nhiều hơn, dũng cảm hơn. Không thể ngồi chờ các hội nhóm xã hội dân sự được pháp luật công nhận, mà mỗi cá nhân có trách nhiệm lên tiếng trước các bất công xã hội, và hơn lúc nào hết đây là lúc phải lên tiếng nhiều hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-can-newspapers-reflect-the-hot-issues-of-society-02142019124626.html

Liệu Hà Nội có chùn bước để đổi lấy EVFTA?

Diễm Thi, RFA
Hôm 12/2/2019, Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đã gửi thư đến 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam cả trong và ngoài nước, phúc đáp lá thư ngày 18/1 của khối xã hội dân sự độc lập về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong mối liên hệ với Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Trong 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập này có Hội Nhà báo Độc lập, Hội Bầu Bí Tương Thân, Nhật Ký Yêu Nước, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Văn phòng Công lý và Hòa bình, Luật Khoa tạp chí, Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn giáo…
Bức thư dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk rằng “Các vấn đề nhân quyền vẫn tiếp tục được Liên minh Châu Âu (EU) nêu lên với Việt Nam, với cả cấp cao nhất. Đối thoại Nhân quyền sắp tới là một dịp nữa để chúng tôi tiếp tục việc này. Chúng tôi sẽ đề cập đến khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đối với quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tụ họp, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và trường hợp của những nhà hoạt động nhân quyền”.
Bức thư cũng nói EVFTA là một công cụ có thể giúp giải quyết vấn đề nhân quyền, nhất là quyền của người lao động. Nhân dịp này, Hội đồng châu Âu bày tỏ sự ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam thúc đẩy nhân quyền trong nước.
Vào tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đồng ý sẽ đàm phán EVFTA sau khi hoàn tất các công việc kỹ thuật. Hai bên đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA ngày 26 tháng 6 năm 2012. Đại sứ, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet đã chỉ ra ba điều quan trọng nhất trong hiệp định đó là vấn đề về kinh tế thương mại, cải thiện về thể chế, pháp quyền và an ninh khu vực. EVFTA sẽ có quá trình thông qua trước khi có hiệu lực chính thức, dự kiến vào năm 2018.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập và là thành viên của Hội Bầu Bí Tương Thân bày tỏ niềm vui khi nghe thông tin Nghị viện châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA, rồi khi nhận được lá thư từ Hội đồng châu Âu:
“Khi nghe thông tin Nghị viện châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA, thì các tổ chức xã hội dân sự rất phấn khởi và tự hào vì vai trò của xã hội dân sự ở Việt Nam đã được khẳng định và thể hiện sức mạnh của mình.
Rồi khi Văn phòng Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã gửi thư đến 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam hôm 12/2, phúc đáp lá thư ngày 18/1 của khối xã hội dân sự về việc đề nghị tạm hoãn việc phê chuẩn EVFTA thì đây cũng chứng tỏ các nước EU và Mỹ hết sức tôn trọng xã họi dân sự ở Việt Nam chứ không đơn thuần nghe những thông tin cũng như những lời giải thích bóng bẩy về nhân quyền Việt Nam từ phía nhà cầm quyền Việt Nam”
Vai trò của xã hội dân sự
Ông Nguyễn Tường Thụy cho biết ngoài bức thư được gửi đi hôm 18/1 thì trước đó vào ngày 23/2 năm ngoái, phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu cũng đã đến Việt Nam gặp gỡ một số tổ chức Phi chính phủ và xã hội dân sự.
“Hôm ấy chúng tôi có Luật sư lê Công Định, anh Vũ Quốc Ngữ, nhà báo Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyến. Chúng tôi hôm đó có đề nghị hoãn việc thông qua EVFTA vì vấn đề nhân quyền.”
Theo ông Nguyễn Tường Thụy thì nhà cầm quyền Việt Nam vốn coi thường các tổ chức xã hội dân sự độc lập, họ cho những người hoạt động xã hội dân sự hay hoạt động cho nhân quyền, dân chủ nằm trong vòng kiềm tỏa của họ. Họ có thể đàn áp, hạch sách bất cứ lúc nào họ muốn. Chỉ cần một bài viết nào đó họ không thích là họ có thể “mời làm việc”. Tuy nhiên theo nhận định của ông thì với những sự việc vừa qua, xã hội dân sự độc lập đã chứng minh được vai trò của mình.
Đây không phải lần đầu vấn đề nhân quyền Việt Nam được nêu lên trong các thỏa thuận hay hiệp định thương mại với quốc tế.
Tại cuộc điều trần về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam tại Hạ Viện Hoa Kỳ vào tháng 10/ 2005, khi Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO, dân biểu Chris Smith, chủ tịch tiểu bang Nhân Quyền tại Hạ Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ nhấn mạnh rằng phải đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam vào việc gia nhập WTO.
Nhà nước Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc cải thiện nhân quyền trong quá trình vận động để bước vào WTO. Nhưng khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO vào đầu năm 2007 thì tình hình nhân quyền lại trở nên tồi tệ hơn.
Ông Scott Flipse, của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ từng nói với RFA ngay sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO rằng:
“Thực tế là sau khi đựơc kết nạp vào Tổ chức mậu dịch thế giới WTO, Hà Nội bắt đầu thực hiện hàng loạt các cuộc bắt bớ, giam cầm những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người bất đồng chính kiến, những ai cổ võ cho dân chủ, cho quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội, và các quyền căn bản của con người…
Chúng tôi nhận thấy cần phải nhắc lại thông điệp với chính quyền Hà Nội một lần nữa rằng hội nhập vào thế giới không chỉ dừng lại ở việc gia nhập vào WTO, mà còn có những trách nhiệm khác với cộng đồng quốc tế, trong đó có trách nhiệm bảo đảm nhân quyền có quy định trong Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.”
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy nhận định chính phủ Việt Nam chỉ cải thiện nhân quyền vào một thời điểm nào đó, dưới sức ép nào đó để đạt mục đích họ muốn thôi chứ bản chất của chế độ là dùng sức mạnh để kìm kẹp. Ông nói thêm:
“Ngay cả luật pháp họ đặt ra mà còn không dám sử dụng trong khuôn khổ mà họ ngồi lên cả luật pháp, họ không tôn trọng luật pháp để đàn áp xã hội dân sự và kìm hãm hoạt động của các tổ chức này, nếu không thì xã hội dân sự đã phát triển rất mạnh.”
Tuy thực tế có phũ phàng như vừa nêu; nhưng những người đang nỗ lực cho một đất nước Việt Nam tiến bộ, người dân được hưởng đầy đủ mọi quyền con người, tin tưởng trong thời đại hội nhập hiện nay, các quốc gia tiến bộ trên thế giới tiếp tục có tác động đến chính phủ Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-the-gov-falters-before-civil-society-dt-02142019124736.html

Hoa Vi, mối đe dọa

cho an ninh quốc gia của Việt Nam

Kính Hòa RFA
Trang kinh tế của Nhật Bản Nikkei, vào ngày 14/2/2019 đưa tin nói rằng Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc, phụ trách khu vực Việt Nam, ông Phạm Quân, nói ông tin rằng Hoa Vi sẽ thắng thầu việc cung cấp loại công nghệ 5G cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam.
Trong khi đó Hoa Vi lại đang gặp rất nhiều khó khăn tại các quốc gia phát triển như Úc, Châu Âu, Bắc Mỹ.
Hoa Vi, trên giấy tờ là một công ty tư nhân của Trung Quốc, được thành lập vào năm 1987 tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Thành lập công ty này là một viên sĩ quan kỹ sư của quân đội giải phóng Trung Quốc.
Hoa Vi đã phát triển rất nhanh, không chỉ có mặt ở các nước đang phát triển mà còn tham gia vào các vụ đấu thầu cung cấp trang thiết bị viễn thông cho các quốc gia phát triển ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc châu.
Nhưng trong khoảng vài năm trở lại đây Hoa Vi bị các quốc gia này tình nghi rằng dù là công ty tư nhân nhưng thực chất Hoa Vi có liên hệ mật thiết với nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và vì thế có khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng việc Hoa Vi cung cấp trang thiết bị cho các nước trên để cài đặt các thiết bị do thám.
Hoa Vi luôn phủ nhận việc này, nhưng áp lực lo ngại do thám từ các quốc gia này không giảm đi mà ngày càng tăng.
Kỹ sư công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, làm việc tại Úc nói với đài RFA:
Nó có những biểu hiện rất đáng nghi ngờ là cài đặt những con chip để thu gặt những thông tin riêng tư. Vì nó đã liên quan đến an ninh quốc gia như vậy cho nên phải cân nhắc chứ không chỉ tính đơn thuần về kinh tế. Vì thế ở Úc Hoa Vi không được chính phủ Úc cho phép triển khai hệ thống 5G tại Úc nữa.”
Vào tháng 8/2018 chính phủ Úc chính thức cấm Hoa Vi tham gia vào việc cung cấp thiết bị viễn thông cho nước này. Chính phủ Úc viện cớ rằng Hoa Vi có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, mà theo luật pháp Úc, việc một công ty có quan hệ mật thiết với một chính phủ nước ngoài sẽ nằm trong sự quan ngại và điều tra về an ninh quốc gia.
Vì nó đã liên quan đến an ninh quốc gia như vậy cho nên phải cân nhắc chứ không chỉ tính đơn thuần về kinh tế.
-Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu.
Tờ báo chuyên về tài chính Financial Times dẫn nguồn tin từ Anh nói rằng vào tháng 7/2018, cơ quan nghiên cứu chống tin tặc của nước này nói rằng họ không thể bảo đảm việc chống tin tặc và do thám xung quanh những thiết bị của Hoa Vi ở Anh.
Tại Canada, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau cũng đang chịu áp lực rất lớn là phải loại bỏ Hoa Vi ra khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này vì mối lo ngại gián điệp.
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho RFA biết:
Quan điểm của các đảng chính trị cũng như những nhà nghiên cứu về an ninh ở Canada đều cho rằng việc cấm Hoa Vi là điều nên làm, vì điều đó ảnh hưởng đến an ninh và mối quan hệ sâu sắc giữa Canada và Mỹ. Ngay cả hệ thống phòng thủ chung cho cả Bắc Mỹ gọi là Novak, rất có quan hệ đến vấn đề viễn thông.”
Canada đang đứng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vụ căng thẳng kinh tế chính trị liên quan đến Hoa Vi từ tháng 12/2018 khi Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Hoa Vi để dẫn độ sang Mỹ, với lý do là công ty này lẫn tránh việc cấm vận kinh tế Iran do Mỹ dẫn đầu.
Theo đánh giá của luật sư Vũ Đức Khanh, rất chắc chắn rằng Canada sẽ theo chân Úc, châu Âu, Mỹ để cấm Hoa Vi, và một quyết định quan trọng về công ty này sẽ được đưa ra vào giữa tháng ba tới đây.
Tại Mỹ, vào tháng 8/2018 chính phủ đã ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng các điện thoại do Hoa Vi sản xuất.
Đến tháng 2/2019, Đại học Berkerley tại California đã hủy bỏ một chương trình nghiên cứu do Hoa Vi cung cấp tài chính, mặc dù trường đại học của tiểu bang California này thường bị khó khăn về tài chính.
Theo thống kê của một hãng tin tại Trung Đông, cho đến cuối năm 2018 có các quốc gia sau đây đã cấm, hoặc đang tính tới việc cấm Hoa Vi cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông: Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Ý, Đức, Ấn Độ, và Anh.
Tại Việt Nam, trong bản tin của tờ Nikkei, nói rằng ông Phạm Quân, Tổng giám đốc Hoa Vi Việt Nam, dẫn lời Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông của Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng Việt Nam mở cửa đối với tất cả các nhà cung cấp.
Chúng tôi có tìm cách liên hệ với ông Nguyễn Mạnh hùng để bình luận nhưng không được.
Tờ báo về kinh tế tại Sài Gòn là Thời báo kinh tế Sài Gòn có trích dịch lại bản tin của Nikkei, đồng thời làm một cuộc trưng cầu ý kiến độc giả về việc có nên chọn Hoa Vi làm nhà cung cấp thiết bị 5G cho Việt Nam hay không. Sau hai ngày, kết quả trưng cầu ý kiến cho thấy tuyệt đại đa số độc giả của tờ báo này không chấp nhận Hoa Vi (92%).
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, hiện sống tại Sài Gòn, cho RFA biết quan ngại của ông về Hoa Vi:
Tôi thì tôi nghĩ rằng Việt Nam có đa dạng việc kinh doanh mua bán thế này thế kia thì cũng phải đừng để họ cài chip hoạt động gián điệp, làm nguy hại tới an ninh quốc gia, phải ngăn chận ngay từ đầu. Tôi nghĩ là bên Mỹ và bên châu Âu đã lên tiếng về an ninh quốc gia thì Việt Nam cũng nên lắng nghe. Nếu những nước đó họ chứng minh được thì Việt Nam cũng nên tẩy chay. Còn như mới nghi ngờ thì cũng phải làm sao cho dân an tâm, chứ không thể chỉ nói đây là kinh doanh. Kinh doanh này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, và sự riêng tư nữa.”
Theo luật sư Vũ Đức Khanh và kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu, Việt Nam ở một cái thế khác so với các quốc gia phát triển, vì ít sự lựa chọn hơn và bị áp lực quá mạnh từ Trung Quốc, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Tôi nghĩ là bên Mỹ và bên châu Âu đã lên tiếng về an ninh quốc gia thì Việt Nam cũng nên lắng nghe.
-Luật sư Trần Quốc Thuận.
Sự lệ thuộc vào Trung Quốc hiện nay lại được nhiều người Việt Nam lo lắng hơn nữa trong lĩnh vực an ninh mạng. Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một chuyên viên kinh tế sống ở Na Uy lo ngại rằng nếu các đại công ty về internet của phương Tây, như Facebook và Google rút ra khỏi Việt Nam thì các công ty Trung Quốc sẽ thế chân vào, và các công ty Trung Quốc này sẽ không bị những cản trở như phương Tây trong việc do thám, thu thập thông tin cá nhân người dùng
Luật sư Vũ Đức Khanh, đồng thời cũng là Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, nói với RFA:
Tôi vẫn tin rằng có những người cộng sản chân chính tại Việt Nam không bao giờ có ý tưởng thần phục Trung Quốc.”
An ninh quốc gia tại Việt Nam cho tới hiện nay vẫn là một khái niệm gây tranh luận, trong đó nhiều nhà hoạt động xã hội và môi trường bị bắt bỏ tù về những hoạt động cũng như phát biểu của mình bị nhà cầm quyền xem là nguy hại tới an ninh quốc gia, nhưng giới bất đồng chính kiến thì cho rằng không đúng.
Nay nếu vấn đề an ninh quốc gia được nhà nước Việt Nam đưa ra cùng với quan ngại về nghi án gián điệp của Hoa Vi trên khắp thế giới, thì hẳn điều này dễ dàng được mọi người Việt Nam với những quan điểm chính trị khác nhau cùng đồng ý.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/huawei-vietnam-risks-security-02152019112615.html

‘Nên thận trọng’ sau khi Huawei

 ‘tự tin thắng thầu’ 5G tại Việt Nam

An Hải
Trả lời phỏng vấn VOA, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ an ninh quốc gia có thể bị xâm phạm bởi các hoạt động gián điệp Trung Quốc ngay sau khi lãnh đạo công ty Huawei nói họ “tự tin là sẽ thắng thầu” gói cung cấp mạng viễn thông 5G tại Việt Nam.
Từ Na Uy, Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Thành, nhà nghiên cứu viễn thông mạng 5G của Công ty Telenor, nói với VOA rằng Việt Nam nên thận trọng trước các chiêu giá hời của công ty Huawei.
Đừng vì những cái lợi trước mắt như giá rẻ hay có sự ủng hộ hay bảo trợ của chính quyền Trung Quốc mà mua 5G của Huawei.
Tiến sĩ Đỗ Văn Thành.
“Nếu muốn giữ độc lập và chủ quyền đất nước cho Việt Nam thì chúng ta nên cẩn thận. Đừng vì những cái lợi trước mắt như giá rẻ hay có sự ủng hộ hay bảo trợ của chính quyền Trung Quốc mà mua 5G của Huawei vì một khi mạng lưới viễn thông đã gắn kết và tung ra rồi thì khó mà thay đổi.”
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review hôm 13/2, ông Fine Fan, Giám đốc điều hành Huawei-Việt Nam, đơn vị thành viên của Huawei Technologies nói: “Chúng tôi tự tin về triển vọng mở rộng kinh doanh ở Việt Nam”.
Là một trong những tờ báo hiếm hoi ở Việt Nam đã lược dịch bài của Nikkei và chạy dòng tít: “Huawei tự tin sẽ thắng thầu cung cấp thiết bị 5G ở Việt Nam”, tờ Kinh tế Sài gòn viết:
“Huawei vẫn tự tin về khả năng thắng các gói thầu cung cấp thiết bị xây dựng mạng lưới 5G cho các nhà mạng Việt Nam giữa lúc các nước phương Tây bày tỏ lo ngại về những rủi ro an ninh của các thiết bị của tập đoàn Huawei.”
XEM THÊM:
Huawei sẽ cung cấp mạng 5G cho Việt Nam?
Tờ Los Angeles Times hôm 13/2 cho biết Tòa Bạch Ốc đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp có thể cấm các công ty Trung Quốc bán thiết bị cho các mạng lưới viễn thông Mỹ trong tương lai, vì những lo ngại về các hoạt động gián điệp và tấn công mạng từ Trung Quốc.
Sắc lệnh này không đích danh nêu tên công ty Trung Quốc nào, tuy nhiên ai cũng biết mục tiêu mà Mỹ muốn nhắm đến là công ty Huawei.
Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự luật cấm chính phủ Mỹ và các nhà thầu chính phủ sử dụng công nghệ Huawei vì những lo ngại về an ninh.
Đầu tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí đe dọa Mỹ sẽ buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định tại Châu Âu và khu vực khác, nếu các nước liên quan vẫn tiếp tục hợp tác với Huawei.
Giáo sư kinh tế Khương Hữu Lộc ở bang Texas nói với VOA rằng chính phủ Hoa Kỳ đang vận động các quốc gia đồng minh phương Tây không sử dụng thiết bị của công ty Huawei vì nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh. Ông cho rằng cuộc vận động của Washington có ảnh hưởng rất lớn.
Giáo sư Khương Hữu Lộc lý giải nguyên nhân vì sao Huawei quyết tâm đưa 5G vào Việt Nam “bằng mọi giá” giữa lúc công ty đang lâm vào khủng hoảng thị trường.
Công ty này đang bằng mọi giá, ngay cả khi chấp nhận lỗ, để lấy cho được thị trường trị giá khoảng 16-20 tỷ đôla ở Việt Nam, cộng thêm một hợp đồng tại đây để chứng minh cho các nước khác rằng đã có khách hàng chấp thuận Huawei.
“Sau khi Huawei thiết lập hệ thống 2G, 3G, và cả 4G ở Việt Nam, tuy 4G của họ không có ảnh hưởng nhiều, công ty này đang bằng mọi giá, ngay cả khi chấp nhận lỗ, để lấy cho được thị trường trị giá khoảng 16-20 tỷ đôla ở Việt Nam, cộng thêm một hợp đồng tại đây để chứng minh cho các nước khác rằng đã có khách hàng chấp thuận Huawei.”
Ông Đỗ Văn Thành nêu nhận định:
“Mạng lưới 5G rất khác với mạng lưới 4G. 5G không những dùng cho điện thoại cầm tay mà còn được ứng dụng trong tất cả mọi ngành, ví dụ như lái xe không người lái, trong ngành điện, điều khiển các nhà máy…Trong tương lai, 5G sẽ là nền tảng của xã hội và cần được bảo vệ một cách chu toàn.
“Na Uy cũng xem xét kỹ lưỡng công ty nào sẽ cung cấp 5G. Hiện tại Huawei cũng đang cung cấp mạng lưới 4G cho Na Uy, và đang tranh để trúng thầu 5G. Tuy nhiên, chính phủ Na Uy có sự dè dặt vì thật sự không biết được ai là chủ hãng Huawei, mặc dù họ nói rằng họ là hãng tư, vì có thể do chính quyền Trung Quốc làm chủ. Và nếu như vậy thì tất cả mọi thông tin đều sẽ “đi ngang” qua nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đó là một điều cần phải được lưu ý.”
Tiến sĩ Khương Hữu Lộc đồng ý với quan điểm đó. Ông nói:
“Về mặt quốc phòng, nếu Việt Nam sử dụng 5G của Huawei thì mặt trận phòng vệ quốc gia của Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Quốc. Họ có thể gián điệp bất cứ lúc nào. Với 5G có vận tốc nhanh hơn 4G đến 100 lần, và ảnh hưởng đến tất cả hệ thống thông tin, viễn thông… Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam bằng quân sự hay thương mại. Đây là điều rất nguy hại.”
XEM THÊM:
Bộ 4T quyết tâm thu phục dân dùng mạng xã hội ‘made in Vietnam’
Từ Vĩnh Phúc, Trung tá quân đội nhân dân Trần Nam, người từng tham gia quản lý doanh nghiệp quân đội của Việt Nam, nhận định với VOA về khả năng có hay không một “thỏa thuận” giữa chính phủ Trung Quốc và Việt Nam khiến Huawei “tự tin trúng thầu” để cung cấp gói 5G.
Khi được hỏi liệu có một sự “dàn xếp chính trị” trong vụ Huawei cung cấp mạng 5G cho Việt Nam, ông Nam khuyến cáo:
“Có thể có các “bài thương lượng” giữa chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta nên cân nhấc vì việc để Trung Quốc lấn sâu vào mọi ngỏ ngách của nền kinh tế của nước mình là một điều hết sức nguy hiểm. Bản chất và mục đích của họ là nhằm bành trướng và thôn tính.”
Có thể có các “bài thương lượng” giữa chính quyền Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Trần Nam, Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông Nam nói thêm:
“Tôi mong rằng chính quyền Việt Nam khi hợp tác bất kỳ lĩnh vực gì với Trung Quốc đều phải hết sức cẩn thận, nên tránh việc các nước bị bẫy nợ của Trung Quốc, nay đến bẫy thông tin. Rõ ràng là có thiệt hại đến an ninh và quyền lợi của đất nước. Mong rằng chính quyền Việt Nam dần dần thoát khỏi thế kìm tỏa của Trung Quốc.”
Blogger Hiệu Minh viết trên Facebook hôm 15/2: “Huawei hay không Huawei thuộc về quyết định chính trị/quân sự hơn là kỹ thuật hay kinh tế.”
Chưa đầy 24 giờ qua, một khảo sát của tờ Kinh tế Sài gòn cho thấy có đến 95% độc giả không muốn Huawei thắng thầu 5G tại Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-canh-bao-nen-than-trong-sau-khi-huawei-tuyen-bo-tu-tin-thang-thau-5g-tai-vn/4788503.html

Diện mạo của… độc lập, chủ quyền!

Thiên Hạ Luận
Ông Phạm Hồng Tung, một Gíao sư, Tiến sĩ về Sử học, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa lên tiếng phản bác những facebooker như Nguyễn Như Phong, Ngô Nguyệt Hữu,… là lưu manh, kích động công chúng chỉ trích ông (1).
Nguyễn Như Phong lưu manh như thế nào?
Facebooker này đã đề nghị tống cổ ông Tung ra khỏi hàng ngũ sử gia Việt Nam, bởi không thể nào chấp nhận suy nghĩ của ông Tung – nhân vật giữ vai trò Chủ biên môn sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: Giới sử học Việt Nam nên bàn bạc với giới sử học Trung Quốc để thống nhất quan điểm, nội dung… rồi mới dạy cho học sinh về những vấn đề có liên quan đến lịch sử Việt – Trung. Phong nhấn mạnh, không thể để một người như ông Tung đứng trên bục giảng. Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo cần phải bày tỏ chính kiến về suy nghĩ của ông Tung (2)!
Còn Ngô Nguyệt Hữu kích động công chúng ra sao?
Hữu bày tỏ sự lo ngại rằng dường như ông Tung có “vấn đề nghiêm trọng” về “tư duy tiếp cận lịch sử” nên mới khuyên, đề cập về cuộc chiến cách nay 40 năm giữa Việt Nam và Trung Quốc, cần tránh dùng những từ như “giặc”, “khát máu”,… vì những từ này chỉ bộc lộ định kiến, áp đặt, thiếu khách quan, thiếu tính thuyết phục, trong khi đang rất cần hòa giải từ lịch sử. Hũu nhấn mạnh, lịch sử là nhật ký của một quốc gia, một dân tộc, thời điểm Trung Quốc bắn giết người Việt, Trung Quốc đích thị là giặc, là khát máu. Tại sao đề nghị không gọi những kẻ đốt phá, cướp đất của mình là chúng, là tàn bạo (3).
Chẳng lẽ chất vấn ông Tung, rằng tại sao ông âm mưu liên kết, chủ trương tìm kiếm sự đồng thuận với ngoại bang về quan điểm mới dạy lịch sử vệ quốc cho hậu bối lại bị xem là… lưu manh? Không lẽ chỉ nhận định, suy nghĩ của ông Tung là tư duy nô lệ, cho rằng chỉ Việt gian mới ve vuốt ngoại bang, sợ hãi lịch sử đến như vậy, rồi lên án việc dùng uyển ngữ giảm nhẹ sự hy sinh của tiền nhân để đổi lấy điều viển vông “hoà giải không kích động hận thù”, khuyến cáo ông Tung không thể dẫn dụ hậu sinh theo lối đó lại là… “kích động công chúng”?
***
Trước làn sóng gọi mình là “sử nô”, trên trang facebook cá nhân có tên là Phạm Tứ Kỳ, ông Tung biện bạch thêm rằng: Che giấu, xuyên tạc lịch sử là có tội với tiền nhân nhưng sử dụng lịch sử để kích động hận thù là có tội với thế hệ tương lai. Ông Tung post kèm một tham luận mà ông sẽ trình bày tại “Hội thảo Khoa học Quốc gia: 40 năm nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”, kèm cam kết “sẵn sàng đón nhận mọi trao đổi, góp ý nghiêm túc nhưng không chấp nhận những công kích hoặc chửi bới thiếu văn hóa”.
Đã có khá nhiều facebooker vào trang facebook của ông Tung góp nhiều ý. Chẳng hạn Mạc Yên cho rằng, dạy theo “phương châm hòa giải” là dạy học trò làm chính trị chứ không phải học sử, môn sử sẽ không giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc độc lập. Phía Trung Quốc chỉ mong người Việt tự trang bị tâm thế “hòa giải” để họ yên tâm tiến hành các cuộc chiến tàn bạo khác. Đó cũng là lý do Viet Nghia Trần tin rằng, học sinh không thấu cảm được, chẳng thà không dạy, để chúng tự tìm hiểu còn hơn làm chúng hoang mang hoặc bị lạc hướng .
Hoc Tieu thì nêu thắc mắc, tại sao ông Tung chỉ chủ trương dạy sử theo hướng “hòa giải, hòa bình, hữu nghị” đối với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc mà không đề nghị dạy sử theo hướng đó về cuộc chiến 20 năm với Việt Nam Cộng hòa? Tương tự, Thanh Hoa hỏi: Chúng ta đối với ngoại bang – Trung Quốc ra sao? Chúng ta đối với đồng bào miền Nam (Việt Nam Cộng hòa) ra sao sau khi cuộc chiến kết thúc? Như vậy có nhất quán hay không? Chưa kể chúng ta luôn xác định Pháp, Mỹ là “giặc”, thêm mắm, thêm muối khi kể tội ác nhưng đối với Trung Quốc lại khác, tại sao?
Giống như Hoc Tieu, Thanh Hoa, Sơn Nguyễn hỏi trổng: Bọn nào viết sử theo kiểu kích động hận thù với Pháp, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhất? Nguyễn Ngọc Quyết thì đặ ra hàng loạt câu hỏi với ông Tung: Việt Nam vốn là một quốc gia độc lập, dạy sử như thế nào thuộc thẩm quyền của Việt Nam. Tại sao giới sử học hai nước cần ngồi lại với nhau để thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản trong dạy sử cho học sinh. Ai cho giới sử học quyền thỏa thuận dạy cái gì? Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra sự thật lịch sử giới sử học còn nhiệm vụ gì khác?
Cho dù những góp ý, trao đổi như đã kể hết sức nghiêm túc, không có bất kỳ biểu hiện nào là thiếu văn hóa nhưng ông Tung không trả lời bất kỳ ai.
***
Tuần này, song song với việc hệ thống truyền thông chính thức được phép “ôn cố” về cuộc chiến tranh vệ quốc cách nay 40 năm, ở Hà Nội còn có “Hội thảo Khoa học Quốc gia: 40 năm nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc” với những sử gia như Phạm Hồng Tung.
Có gì mới ở đó? Ngoài quan điểm viết sử, dạy sử theo hướng “hòa giải, hòa bình, hữu nghị” đối với Trung Quốc, còn một điểm khác, trước giờ không mới nhưng luôn đúng, ông Vu Duong Ninh, một sử gia kỳ cựu, viết trên facebook về hội thảo này: Các bạn nên biết tổ chức một sự kiện, chịu bao gậy chỉ huy, mỗi lúc một khác. Nên thông cảm với Viện Hàn lâm, có tổ chức sau 40 năm còn hơn không. Suy ra từ đường phố Hà Nội: Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng / Giao thông hỗn loạn, liệu đàng mà đi (4).
40 năm – dù lúc nói, lúc nín, khi nói thì úp úp, mở mở từng khiến người Việt bất bình, nghi ngại nhưng có một thực tế là nhiều nhân chứng về cuộc chiến vệ quốc, về tội ác xâm lược nếu chưa chết thì cũng đã già yếu. 40 năm – với chủ trương cùng ngồi, cùng thảo luận với các sử gia Trung Quốc để xác định nên dạy sử cho các thế hệ hậu sinh của Việt Nam thế nào đã đặt một dấu chấm than rất to cho độc lập, chủ quyền, ý thức dân tộc!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/tuky.pham.18/posts/371451366981891
(2) https://www.facebook.com/kim.trieu.90813/posts/635371120232518
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2512186082188602&set=a.344757915598107&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/tuky.pham.18/posts/371966890263672
https://www.voatiengviet.com/a/pham-hong-tung-ngo-nguyet-huu-nguyen-nhu-phong/4788393.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.