Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 03/01/2019

Thursday, January 3, 2019 3:28:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 03/01/2019

Năm 2019, Trump “rộng đường hành động”

trên trường quốc tế

Thanh Hà
Vài ngày nữa, Mỹ sẽ kỷ niệm hai năm tổng thống Trump lên cầm quyền. Trong nội các, những tiếng nói chống đối đã lần lượt ra đi. Thế giới chờ đợi gì ở chính sách đối ngoại của Washington cho năm 2019 ?
Trong gần hai năm qua, cộng đồng quốc tế đã rút ra được bài học quý giá, đó là Donald Trump làm những gì ông đã hứa và không có yếu tố “bất ngờ” trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ dưới thời Trump.
Trả lời hãng tin Mỹ AP, Robert Malley, chủ tịch nhóm Nghiên Cứu Khủng Hoảng Quốc Tế – International Crisis Group (ICG) giải thích : từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên cho tới quyết định rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran, từ quan hệ nguội lạnh với các đồng minh châu Âu, với hai nước láng giềng sát cạnh là Canada và Mêhicô … cho đến cuộc đọ sức với Trung Quốc đều “rất ăn khớp” với tầm nhìn của Donald Trump về “thế giới, về vai trò của nước Mỹ” từ khi ông mới chỉ ra ứng cử tổng thống.
Dưới nhãn quan của tổng thống Mỹ thứ 45, trật tự quốc tế được hình thành từ sau Thế Chiến Thứ Hai “không hoạt động tốt”, Hoa Kỳ không có lợi ích gì và cũng không có phương tiện để đống vai trò “sen đầm của thế giới” ; Các định chế đa quốc gia thường là những công cụ đe dọa đến chủ quyền của Mỹ ; Liên Hiệp Châu Âu trong mắt Donald Trump là “một nhóm quốc gia hợp sức để bóc lột” Mỹ ; Liên Hiệp Quốc là một tổ chức vô dụng, không đủ sức răn đe Iran hay Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đe dọa thế thượng phong của Hoa Kỳ. Chính vì lý do này mà Nhà Trắng từ tháng 3/2018 đã lao vào cuộc đọ sức thương mại với Bắc Kinh.
Dù vậy, trong hai năm qua, tổng thống Trump đã không hoàn toàn rộng bề hành động theo ý muốn, bởi vẫn còn một số tiếng nói uy tín trong nội các, như cựu ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis hay chánh văn phòng của phủ tổng thống, John Kelly … ít nhiều kềm chế bản năng của tổng thống Trump. Nay, tất cả những tiếng nói chống đối đó đều đã bị cách chức.
Do đó, như ghi nhận của Robert Malley, chủ tịch nhóm Nghiên Cứu Khủng Hoảng Quốc Tế và cũng là người từng cố vấn cho hai đời cựu tổng thống Hoa Kỳ Clinton và Obama, không còn một trở ngại nào để Donald Trump áp dụng chính sách “nước Mỹ trên hết” mà ông đã liên tục theo đuổi. Hơn nữa, 2019 là năm đặt ra nhiều thách thức cho Nhà Trắng về mặt đối nội, và trong bối cảnh đó, ông Malley chờ đợi là tổng thống Mỹ lại càng có khuynh hướng cứng rắn hơn nữa về mặt đối ngoại.
Richard Haass, chủ tịch cơ quan tư vấn về quan hệ đối ngoại Council on Foreign Relations, trụ sở tại New York, được báo Pháp Le Figaro trích dẫn, lưu ý vào lúc Washington tập trung vào chính sách “America First” và thoái lui trên nhiều mặt trận từ ở Châu Phi đến Cận Đông, thì Nga và Trung Quốc đang “lấp vào chỗ trống” mà nước Mỹ của ông Trump để lại. Khá nhiều nước đồng minh của Hoa Kỳ hiểu rằng “không còn có thể trông chờ vào Washington”.
Điểm qua một số hồ sơ nóng bỏng chờ đợi Nhà Trắng trong 12 tháng sắp tới, giới quan sát cho rằng, mặt trận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tạm thời lắng dịu, ít ra là căn cứ vào những tuyên bố gần đây nhất của tổng thống Hoa Kỳ. Ngược lại, không có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong cuộc đọ sức với Iran, bởi, “kềm tỏa ảnh hưởng của Teheran ở Trung Cận Đông vẫn là một ưu tiên trong mắt nguyên thủ quốc gia Mỹ”.
Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với các định chế đa quốc gia, các nhà phân tích chờ đợi tổng thống Donald Trump cũng không mấy ngỏ ý nương nhẹ các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Một cựu quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ, được báo Le Figaro trích dẫn, giải thích “sẽ không là điều ngạc nhiên nếu như một ngày đẹp trời nào đó ông Trump qua Twitter thông báo rút khỏi NATO hay ra lệnh đưa lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc về nước”.
Riêng về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, giám đốc ECFR – trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế của châu Âu – François Godement cho rằng 2019 là một cột mốc quyết định : cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đều cần gặt hái được những thành quả cụ thể, vì nếu không, sẽ lại mở ra một chuỗi dài những căng thẳng. Mỹ thì muốn Bắc Triều Tiên vĩnh viễn từ bỏ tham vọng nguyên tử, còn chế độ Kim Jong Un thì muốn chính quyền Trump xóa bỏ lệnh trừng phạt. Jean Lee, chuyên gia thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập Wilson Center tại Washington, cho rằng có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn “ghi điểm” trước ngày sinh nhật cha đẻ nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Kim Nhật Thành, 15/04. Trong khi đó, ở Washington, thái độ của Donald Trump còn tùy thuộc vào nội tình của nước Mỹ. Nhà Trắng sẽ dùng lá bài hạt nhân Bắc Triều Tiên khi cần. Có nghĩa là để phục vụ mục tiêu tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump vào năm 2020.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190103-2019-donald-trump-rong-duong-hanh-dong-tren-ban-co-quoc-te

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:

 ”Trung Quốc” là ưu tiên hàng đầu của Mỹ

“Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc” – lời nhắc nhở tân quyền Bộ trưởng Quốc phòng là chỉ dấu cho thấy mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ dưới thời ông Trump.
Trong cuộc họp đầu tiên với các quan chức cấp cao của Pentagon với tư cách quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Patrick Shanahan yêu cầu Hoa Kỳ phải luôn nhớ đến Trung Quốc.
“Trong khi chúng tôi đang tập trung vào các hoạt động quân sự đang diễn ra, quyền Bộ trưởng nói với chúng tôi phải nhớ Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc,” một quan chức Hoa Kỳ giấu tên nói với Reuters.
Cũng theo Reuters, các quan chức khác đã mô tả Shanahan là một người chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh ở Pentagon. Trong bản Chiến lược Quốc phòng Quốc gia 2018, vốn được ông Shanahan giúp soạn thảo, coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược.
Ông Shanahan đưa ra lời nhắc nhở trên sau khi dự một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng vài giờ trước đó, khi ông ngồi cạnh Tổng thống Donald Trump, người lớn tiếng chỉ trích người tiền nhiệm của ông Shanahan, Tướng James Mattis.
Shanahan lên làm quyền Bộ trưởng sau khi ông Mattis từ chức vì quyết định rút quân lính Mỹ khỏi Syria, một động thái đi ngược lại với lời khuyên của các cố vấn ngoại giao và quân sự cấp cao nhất của Nhà Trắng.
Trump: Quan hệ Mỹ-Trung “có tiến bộ lớn”
Ăng ten khổng lồ của Trung Quốc gây lo ngại nguy cơ ung thư
Trung Quốc 2019: Ưu tiên tập trận và chuẩn bị cho chiến tranh
Bằng cách tập trung vào Trung Quốc hơn là các hoạt động ở Syria hoặc Afghanistan, Shanahan có thể đang tìm cách phản ánh chặt chẽ hơn tầm nhìn và mong muốn của Trump, thay vì đồng thuận hoàn toàn với Chiến lược Quốc phòng Quốc gia của Lầu Năm Góc.
Chính quyền Trump đã tìm cách chống lại Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khi Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Biển Đông và nhiều nơi khác.
Quyền Bộ trưởng Shanahan vẫn chưa nêu quan điểm cá nhân về các vấn đề ở Syria, nơi Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch rút dần quân đội Hoa Kỳ trong những tháng tới. Ông cũng không bình luận về kế hoạch của Mỹ ở Afghanistan.
Reuters dẫn lời của Seth Jones, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington, cho rằng Trump đã đặt Shanahan vào một vị trí khó khăn tại Pentagon, nơi có nhiều nhân viên trung thành với Mattis.
Trong khi đó, Trump đã bắt đầu gợi ý về việc để ông Patrick Shanahan kéo dài thời gian làm việc tạm quyền.
Lầu Năm Góc cũng đã chuẩn bị cho việc này, khi đã đề cử một người tiếp nhận công việc của ông Shanahan ở vị trí thứ trưởng Quốc phòng.
Tổng thống Trump được cho là sẽ gặp khó khăn để thuyết phục thượng viện phê chuẩn bất cứ ứng cử viên nào cho chiếc ghế bộ trưởng Quốc phòng, do khoảng trống quá lớn mà ông Mattis để lại.
Một vài ứng cử viên từng được đồn đoán muốn tiếp nhận vị trí này trước đây đều đã khẳng định họ sẽ không làm người kế nhiệm Mattis. Ông Mattis nhận được sự tôn trọng lớn ở Lầu Năm Góc lẫn sự ca ngợi từ cả hai đảng.
Ông Shanahan không có kinh nghiệm quân sự nhưng từng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại MIT và là một thành viên ban quản trị của Boeing với 30 năm làm việc ở tập đoàn này.
Patrick Shanahan được đích thân tướng James Mattis chọn để trở thành cấp phó của ông vào tháng 3/2017 và được cựu Bộ trưởng Quốc phòng đánh giá khá cao.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46744212

Trump chưa ra thời biểu rút quân khỏi Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói Mỹ sẽ từ từ rút khỏi Syria trong một khoảng thời gian, và sẽ bảo vệ các chiến binh người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở nước này trong khi Washington triệt thoái.
Ông Trump không đưa ra thời biểu cho kế hoạch rút quân khỏi Syria mà ông đã loan báo vào tháng trước bất chấp lời khuyên của các trợ lí an ninh quốc gia hàng đầu và không hỏi ý kiến của các nhà lập pháp hoặc đồng minh của Mỹ tham gia các chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo.
Quyết định này đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức. Ông Trump hôm thứ Tư nói, về cơ bản, ông đã sa thải ông Mattis, người viết một bức thư từ chức được coi là một lời chỉ trich sắc bén nhắm vào ông Trump.
Trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng trước các phóng viên, ông Trump nói rằng ông chưa bao giờ định ra thời biểu bốn tháng để rút 2.000 binh sĩ Mỹ đóng tại Syria trong cuộc chiến chống lại những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
“Chúng ta đang rút đi và chúng ta sẽ rút đi một cách thông minh,” ông Trump Trump nói. “Tôi không bao giờ nói rằng tôi sẽ rút đi vào ngày mai. Ông từ chối cho biết cụ thể quân đội sẽ ở lại Syria bao lâu.
Trong những ngày gần đây, ông Trump dường như không còn cổ xúy một sự triệt thoái vội vàng và nhấn mạnh rằng hoạt động này sẽ chậm chạp. “Chúng tôi đang từ từ rút binh sĩ về nhà với gia đình, đồng thời chiến đấu với tàn quân Isis [Nhà nước Hồi giáo],” ông nói trên Twitter hôm thứ Hai.
Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng YPG người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn ở Syria là một nhánh của phong trào li khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và đang đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tiến công nhắm vào nhóm này, khơi lên lo ngại về thương vong dân sự to lớn.
Các chỉ huy Mỹ phụ trách hoạch định việc rút quân đang đề nghị cho phép các chiến binh YPG chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo được giữ lại vũ khí do Mỹ cung cấp, theo các quan chức Mỹ.
Đề xuất này có thể sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, John Bolton, dự kiến sẽ tổ chức hội đàm trong những ngày tới tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Trump nói ông không hài lòng về chuyện người Kurd bán dầu cho Iran, nhưng dù gì ông vẫn muốn bảo vệ họ.
Ông Trump thường chỉ trích các chính quyền trước vì điều binh sĩ Mỹ tới nước ngoài và giữ họ ở đó, và đã đưa việc rút quân về nước vào chính sách “Nước Mỹ Trên hết” của ông trong khi ông chuẩn bị tái tranh cử vào năm 2020.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-cua-ra-thoi-bieu-rut-quan-khoi-syria/4726348.html

Mỹ yêu cầu Nga lập tức thả

cựu TQLC bị cáo buộc làm điệp viên

Mỹ yêu cầu Nga lập tức thả một Thuỷ quân Lục chiến Mỹ đã về hưu bị Nga cầm giữ về cáo buộc làm điệp viên, đồng thời đòi Nga giải thích tại sao lại bắt ông, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói hôm 2/1.
Ngoại trưởng Pompeo, hiện đang ở Brasilia để dự lễ nhậm chức của tổng thống mới của Brazil, nói chính phủ Mỹ hy vọng lãnh sự quán Mỹ sẽ được tiếp cận ông Paul Whelan nội trong vòng những giờ tới.
“Chúng tôi đã nói rõ với người Nga rằng chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về những cáo buộc, để xem ông ấy bị buộc tội gì và nếu ông bị cầm giữ một cách không chính đáng thì chúng tôi sẽ yêu cầu trả ông ấy về Mỹ ngay lập tức, ông Pompeo nói.
Tại Moscow, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga được hãng tin RIA trích lời cho biết Nga đã cho phép lãnh sự Mỹ tiếp cận ông Whelan. Cơ quan an ninh liên bang Nga FSB bắt giữ ông Whelan hôm 28/12 và mở một vụ án hình sự chống lại ông.
Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận trong tức thời tin Moscow đã cho phép tiếp cận ông Whelan về lãnh sự.
Gia đình ông Whelan hôm 1/1 nói ông đến Moscow để dự đám cưới của một cựu chiến hữu TQLC và hoàn toàn vô tội về cáo buộc làm gián điệp.
Anh của ông Wheland, David, cho biết người em trai đang dự tiệc cưới tại khách sạn Moscow thì mất tích.
“Không có nghi ngờ gì là Paul vô tội và chúng tôi tin rằng các quyền của Paul sẽ được tôn trọng,” gia đình ông Whelan nói trong một dòng chia sẻ trên Twitter hôm 1/1.
Cơ quan an ninh liên bang Nga FSB xác nhận ông Whelan đã bị bắt giữ hôm 28/12 nhưng không đưa ra thêm chi tiết nào về các hoạt động gián điệp mà ông bị cáo buộc. Theo luật của Nga, gián điệp có thể lãnh án tù từ 10 đến 20 năm.
David Whelan nói với CNN rằng em trai của ông, người đã từng phục vụ ở Iraq, đã đến Nga nhiều lần trước đây trong các chuyến công tác và vì mục đích cá nhân, và đã làm hướng dẫn viên du lịch cho một số khách đến Nga dự tiệc cưới. Bạn bè của ông đã thông báo về việc ông bị mất tích ở Moscow.
David Whelan từ chối bình luận về tình trạng công việc của em ông tại thời điểm bị bắt giữ và liệu em ông có đang sống ở Novi, Michigan, theo địa chỉ trong hồ sơ hay không.
BorgWarner, một nhà cung cấp phụ tùng ô tô có trụ sở ở Michigan, cho biết ông Whelan là “giám đốc bảo mật toàn cầu của công ty.’ Ông ấy chịu trách nhiệm giám sát an ninh tại các cơ sở của chúng tôi ở Pontiac, Michigan, và tại các địa điểm khác của công ty trên khắp thế giới.”
Daniel Hoffman, một quan chức đứng đầu văn phòng CIA tại Moscow, nói “có khả năng, thậm chí là rất có khả năng” là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh bắt ông Whelan để trao đổi lấy Maria Butina, một công dân Nga – người mới nhận tội hôm 13/12 là điệp viên có nhiệm vụ tạo ảnh hưởng trong các tổ chức/nhóm bảo thủ của Mỹ.
Nga nói bà Butina bị ép buộc nhận tội về việc làm điệp viên cho Nga, và điều đó sai sự thực.
Trong một bức thư công bố hôm 30/12, Tổng thống Putin nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Moscow sẵn sàng tham gia một cuộc đối thoại về một “nghị trình bao gồm nhiều lĩnh vực”, điện Kremlin cho biết sau khi một loạt nỗ lực nhằm tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo bất thành.
Vào cuối tháng 11, Tổng thống Trump hủy một cuộc gặp đã được lên kế hoạch với Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, viện lý do các căng thẳng liên quan tới sự cố các lực lượng Nga bắn vào các tàu hải quân của Ukraine, và sau đó chặn bắt các tàu này.
Các mối quan hệ giữa ông Trump với ông Putin bị soi xét vì cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về vai trò của Nga bị cho là can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và khả năng có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Moscow phủ nhận đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Ông Trump cũng khẳng định là không có sự thông đồng nào và đả kích cuộc điều tra của công tố viên Mueller là một “cuộc truy sát chính trị.”
Các mối quan hệ Nga-Mỹ tuột dốc sau khi Moscow thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Washington và các đồng minh phương Tây áp đặt một loạt biện pháp chế tài lên các quan chức, cơ quan và ngân hàng của Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/my-yeu-cau-nga-lap-tuc-tha-cuu-tqlc-bi-cao-buoc-lam-diep-vien/4726210.html

Tình trạng chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa một phần

sẽ tiếp tục kéo dài

Washington, D.C. – Theo tin từ Reuters, cuộc họp vào thứ Tư (2 tháng 1) giữa Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa một phần, đã không đạt được thỏa thuận nào vì tổng thống kiên quyết không từ bỏ yêu cầu 5 tỷ Mỹ kim để xây bức tường biên giới, một yêu cầu bị đảng Dân Chủ từ chối.
Các nhà lãnh đạo của Quốc hội dự kiến sẽ quay trở lại Tòa Bạch Ốc vào thứ Sáu để tiếp tục các cuộc đàm phán, báo hiệu việc đóng cửa chính phủ có thể sẽ kéo dài đến cuối tuần.
Trước đó, Tòa Bạch Ốc đã kêu gọi một cuộc họp trong nỗ lực thuyết phục đảng Dân Chủ, rằng bức tường biên giới là nhu cầu an ninh cấp thiết. Tuy nhiên các dân biểu đảng Dân Chủ lại cắt ngang phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Nội an Kirstjen Neilsen, và cố gắng gây sức ép buộc Tổng thống Trump chấp nhận đề nghị họ đưa ra.
Bà Nancy Pelosy, người sẽ nhậm chức chủ tịch Hạ viện vào thứ Năm, cho biết Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu vào thứ Năm, khi họ chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện và dự kiến giúp chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa mà không tài trợ cho bức tường biên giới của tổng thống. Tuy nhiên lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối ủng hộ việc bỏ phiếu.
Đảng Dân Chủ cho biết họ muốn tài trợ cho các ban ngành của chính phủ cho đến tháng 9, nhưng cho phép một tháng nữa để thực hiện đàm phán về việc tài trợ bức tường biên giới bằng cách chỉ tài trợ một phần cho Bộ Nội an, cơ quan chịu trách nhiệm về bức tường. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tinh-trang-chinh-phu-hoa-ky-dong-cua-mot-phan-se-tiep-tuc-keo-dai/

Chính phủ Mỹ đóng cửa:

Rác rến tràn lan các công viên quốc gia

Phân người, rác thải tràn lan, chạy xe vào khu vực cấm và các hành vi tai hại khác đã bắt đầu đe dọa một số công viên quốc gia nổi tiếng nhất ở miền Tây nước Mỹ vào lúc đợt đóng cửa chính phủ một phần đã khiến những khu vực này không còn nhân viên coi sóc trong khi vẫn đón du khách đến tham quan.
“Công viên mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người,” anh Dakota Snider, 24 tuổi, người sống và làm việc ở Thung lũng Yosemite, nói với AP hôm 1/1 trong khi Công viên Quốc gia Yosemite, một trong những khu bảo tồn nổi tiếng nhất ở bang California, thông báo đóng cửa một số bãi cắm trại ít được giám sát và những khu vực công cộng trong công viên đã tràn ngập du khách.
“Trong bốn năm tôi làm việc ở đây, tôi chưa từng thấy có nhiều rác và chất thải của con người và không tuân thủ quy định nhiều như lúc này,” anh Snider nói.
Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã khiến hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ buộc phải nghỉ ở nhà. Do đó, nhiều công viên quốc gia không còn nhân viên kiểm lâm hay những người coi sóc và điều hành khác.
Không giống như những lần đóng cửa dưới các chính quyền trước đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu mở cửa các công viên quốc gia cho du khách bất chấp các nhân viên đa số không thể đi làm, ông John Garder, giám đốc ngân sách cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Bảo tồn Công viên Quốc gia, cho biết.
“Chúng tôi lo ngại rằng chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những tổn hại nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên ở các công viên cũng như có khả năng làm tổn hại những hiện vật văn hóa và lịch sử khác,” ông Garder nói.
“Thật sự là ác mộng,” ông Garder được AP dẫn lời nói thêm.
Theo kế hoạch hoạt động trong kỳ đóng cửa chính phủ của hệ thống công viên quốc gia Mỹ thì họ phải đóng cửa những chỗ nào mà rác rưởi và các vấn đề khác gây nguy hại cho sức khỏe và an toàn của con người và động vật.
Ở miền trung California, một số khu vực của các Công viên quốc gia Sequoia và Kings Canyon đã bị đóng cửa vào tối 1/1. Ở Công viên Sequoia, nơi có loài cây cổ khổng lồ Sequoia, Cao tốc Generals bị đóng cửa vì các thùng rác đã tràn ngập rác ra ngoài và gây đe dọa cho các động vật hoang dã.
Ở Công viên Quốc gia Joshua Tree ở vùng sa mạc nam California, một số du khách đã mắc những dây đèn giáng sinh lên những cây Joshua, nhiều cây trong số này có tuổi đời hàng trăm năm, tờ Los Angeles Times tường thuật.
“Phần lớn du khách tôn trọng cảnh quan thiên nhiên của sa mạc và các công trình của công viên, ông David Smith, người quản lý Công viên Quốc gia Joshua Tree, cho biết trong một thông cáo.
Tuy nhiên, một số người đã lợi dụng tình trạng thiếu nhân viên để chạy xe vào khu vực cấm lái xe và do đó phá hoại công viên cũng như phóng uế ngay ngoài trời, thông cáo nói thêm.
Còn ở Yosemite, anh Snider cho biết hàng đoàn du khách lái xe vào công viên để tranh thủ công viên mở cửa miễn phí.
Anh nói với AP rằng du khách thả chó chạy rông ở những khu vực có nhiều gấu và động vật hoang dã và vất những túi rác rải rác dọc các con đường.
“Nếu anh đứng ngắm thác Yosemite thì trước mắt anh toàn là chai nhựa và túi rác,” anh nói.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-r%C3%A1c-r%E1%BA%BFn-tr%C3%A0n-lan-c%C3%A1c-c%C3%B4ng-vi%C3%AAn-qu%E1%BB%91c-gia/4726745.html

Lãnh đạo Quốc hội tới Nhà Trắng

nghe trình bày về tường biên giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong cuộc họp ở Nhà Trắng với lãnh đạo lưỡng đảng của Quốc hội, các quan chức về an ninh nội địa sẽ trình bày về nhu cầu cần phải xây tường biên giới Mỹ-Mexico. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng loan báo chấp nhận tìm kiếm một lộ trình để cấp quy chế pháp lý cho những di dân bất hợp hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ.
Ông Trump mời các lãnh đạo Quốc hội đến tham dự cuộc gặp ở Nhà Trắng vào ngày 2/1, tức là 12 ngày kể từ ngày chính phủ liên bang Mỹ bị đóng cửa một phần do yêu sách của ông Trump đòi Quốc hội cấp 5 tỷ đô la để xây dựng tường biên giới.
Các quan chức Bộ An ninh Nội địa sẽ thuyết trình cho lãnh đạo Quốc hội, nữ phát ngôn nhân Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết.
Cuộc gặp sẽ diễn ra vào lúc 3 giờ chiều (giờ địa phương) tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng, nơi thường tổ chức các cuộc họp về các vấn đề an ninh cấp cao như hoạch định quân sự.
Quốc hội mới của Mỹ sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 3/1 với Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện. Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch dự kiến của Hạ viện, đã ấn định một buổi bỏ phiếu trong ngày làm việc đầu tiên của tân Quốc hội về một dự luật nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ mà không phải cấp tiền xây tường biên giới theo yêu cầu của ông Trump.
“Bản kế hoạch Pelosi không phải là điểm bắt đầu bởi vì nó không cấp ngân sách cho an ninh nội địa hay giúp cho các gia đình Mỹ an toàn trước nạn buôn người, ma túy và tội ác,” bà Sanders cho biết trong một thông cáo hôm 1/1.
Chưa rõ liệu cuộc gặp tại Nhà Trắng do ông Trump sắp xếp này có đưa đến đột phá hay không. Phe Dân chủ kiên quyết phản đối việc xây tường lẫn yêu cầu cấp quỹ xây tường.
Cuộc gặp lần này của bà Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer, là lần đầu tiên họ trở lại Nhà Trắng kể từ sau buổi thảo luận căng thẳng với Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục hôm 11/12. Khi đó, ông Trump đã tuyên bố ‘tự hào đóng cửa chính phủ vì an ninh biên giới’. Tuy nhiên, sau đó ông đã đổ lỗi cho phe Dân chủ làm đóng cửa chính phủ.
Gói ngân sách hai phần của phe Dân chủ bao gồm phần thứ nhất là cấp tiền cho Bộ An ninh Nội địa, cơ quan phụ trách an ninh biên giới, ở mức độ hiện nay cho đến ngày 8/2 và cấp 1,3 tỷ đô la cho hàng rào biên giới và 300 triệu đô la cho những hạng mục an ninh biên giới khác như máy quay hình và công nghệ.
Phần thứ hai sẽ cấp ngân quỹ cho các cơ quan liên bang khác như Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông, Bộ Thương mại và Bộ Tư pháp cho đến hết năm tài chính vào ngày 30/9.
Nếu phe Cộng hòa bác bỏ đạo luật cấp ngân sách cho các cơ quan không liên quan gì đến an ninh biên giới (phần thứ hai của gói ngân sách), thì họ sẽ bị xem là cầm giữ những cơ quan này và gần 800.000 viên chức nhà nước bị ảnh hưởng đang biến thành ‘con tin’ trong tham vọng xây bức tường biên giới của Tổng thống Trump. Kế hoạch xây tường nằm trong chính sách di trú cứng rắn của ông Trump nhằm lấy lòng những cử tri bảo thủ của Đảng Cộng hòa.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-quoc-hoi-toi-nha-trang-nghe-trinh-bay-ve-tuong-bien-gioi-/4726112.html

Thị trường chứng khoán rúng động

vì dự báo của tập đoàn Apple

Lời cảnh báo hiếm hoi của Apple về doanh thu của tập đoàn này đã làm rung chuyển thị trường tài chính hôm thứ Năm, 3/1, giữa lúc các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn hơn bằng cách chuyển sang mua trái phiếu và các tài sản ít rủi ro trong bối cảnh có những lo ngại mới về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế và doanh nghiệp toàn cầu.
Trước đó, các cổ phiếu ở châu Á và châu Âu giảm mạnh, bị dẫn dắt bởi tình trạng bán tháo cổ phiếu ngành công nghệ; và cổ phiếu giao dịch tương lai của Mỹ báo hiệu chỉ số của Phố Wall sẽ giảm khi thị trường mở cửa sau khi tập đoàn Apple đưa ra con số dự báo về doanh thu thấp hơn, lần đầu tiên trong gần 12 năm qua, công ty này hạ thấp mức dự báo được quy cho doanh số bán iPhone giảm xuống ở Trung Quốc .
Tin này cũng làm rung chuyển thị trường tiền tệ và lãi suất trái phiếu chính phủ của Đức ở vào mức thấp nhất trong hơn hai năm.
Cổ phiếu của Apple đã giảm trong phiên giao dịch sau khi thị trường Mỹ đóng cửa, và cổ phiếu của hãng được giao dịch ở sàn Frankfurt đã giảm 8,6% trong các giao dịch đầu ngày ở châu Âu.
Tin tức này đã gây ra “sự sụp đổ chớp nhoáng” tại các thị trường tiền tệ có ít giao dịch trong kỳ nghỉ lễ, khi lo ngại gia tăng về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã khiến các nhà đầu tư đua nhau tìm nơi trú ẩn an toàn là đồng yen Nhật Bản, đồng tiền này đã sẵn sàng cho mức tăng mạnh nhất trong một ngày trong vòng 20 tháng qua.
Đến giữa sáng 3/1, các sàn giao dịch lớn ở châu Âu đã chắc chắn rơi vào sắc đỏ – chỉ số DAX của Frankfurt bị mất điểm mạnh nhất và giảm tới 1,2%, trong khi chỉ số CAC40 của Paris giảm 1,1% và FTSE của London giảm 0,4%.
Cổ phiếu giao dịch theo hợp đồng tương lai của Mỹ báo hiệu một khởi đầu khó khăn nữa ở Phố Wall, với Nasdaq giảm 2,7% và S & P 500 giảm 1,6%.
Thị trường tiền tệ đã chứng kiến mức độ biến động mạnh trong giao dịch đầu ngày ở châu Á, với đồng yen tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ.
Tính đến thời điểm trước khi bản tin này được đăng tải, đồng đô la đã giảm 1% so với đồng yen, ở mức 107,77 yen đổi 1 đô la, trước đó, có lúc đô la đã giảm xuống mức thấp 104,96 yen đổi 1 đô la, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2018.
https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-chung-khoan-rung-dong-vi-du-bao-cua-tap-doan-apple/4727322.html

Kinh tế chậm lại, Mỹ-Trung có thể phải hòa hoãn

Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn phải hòa hoãn trong cuộc tranh chấp thương mại giữa bối cảnh thị trường thấp thỏm lo ngại và có những dấu hiệu cho thấy kinh tế suy yếu, theo các nhà phân tích.
Cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại và khơi ra lo ngại tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm nếu tranh chấp kéo dài, khiến các công ty và người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng hơn vì giá cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu cao hơn.
“Mỹ và Trung Quốc hiện có lợi ích chung mạnh mẽ để đạt một thỏa thuận nhằm ngăn niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư trượt dài, niềm tin đó đã bị ảnh hưởng mạnh ở cả hai nền kinh tế,” Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell ở Mỹ, nói với AP.
Vương Dũng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, đồng ý rằng những đe dọa về kinh tế “có thể có lợi cho các cuộc đàm phán” bằng cách thúc đẩy Bắc Kinh hướng tới những thay đổi theo định hướng thị trường mà Mỹ tìm kiếm từ lâu.
Tuy nhiên, vượt qua những khác biệt phức tạp giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ không hề dễ dàng. Những khó khăn bao gồm việc Tổng thống Donald Trump khăng khăng đòi Trung Quốc mua nhiều sản phẩm của Mỹ cho tới những cáo buộc của nhiều người nói rằng Bắc Kinh đánh cắp các bí mật thương mại từ các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục vào tuần tới. Cao Phong, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết tuần trước rằng hai bên đã có những sắp xếp cụ thể cho các cuộc gặp mặt trực tiếp” và đang nói chuyện qua điện thoại. Ông Cao không cung cấp thông tin chi tiết và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ từ chối xác nhận các cuộc đàm phán.
Thế giới đang thấp thỏm theo dõi. Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, là “hai động cơ chính của thế giới,” theo lời Tống Lợi Phương, một nhà kinh tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh. Điều này làm cho tranh chấp của hai nước trở thành một “vấn đề không chỉ riêng giữa hai nước mà cho cả thế giới,” ông nói thêm.
Tranh chấp này là một “yếu tố chính” của tăng trưởng toàn cầu chậm lại, ông Tống nói, và một thỏa thuận sẽ “giúp kiềm hãm sự suy yếu của nền kinh tế của hai nước và của thế giới.”
Ông Trump từ lâu đã phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc mà trong năm 2017 năm ở mức 336 tỉ đôla và có phần chắc sẽ cao hơn trong năm 2018.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách giành vị thế dẫn đầu của Mỹ về công nghệ bằng cách xâm nhập mạng máy tính của các công ty Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại và ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ như là mức phí vào thị trường Trung Quốc.
Cố gắng buộc Trung Quốc cải cách theo đòi hỏi của mình, Washington đã áp thuế đối lên 250 tỉ đôla hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh phản kích bằng cách đánh thuế 110 tỉ đôla lên hàng hóa của Mỹ. Ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý hưu chiến 90 ngày để cố gắng giải quyết những khác biệt.
Kể từ đó, áp lực hòa hoãn càng tăng khi rủi ro kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc trở nên lớn hơn và thị trường tài chính chao đảo. Trong năm 2018, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones – chỉ số chứng khoán được theo dõi sát nhất của Mỹ – đã giảm gần 6 phần trăm, thành tích kém cỏi nhất nhất kể từ năm 2008. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải cũng sụt 25 phần trăm.
https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-cham-lai-my-trung-co-the-phai-hoa-hoan/4726341.html

Bị Mitt Romney đăng đàn đả kích, Trump phản pháo

Ông Mitt Romney, cựu ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa và sắp nhận ghế Thượng nghị sĩ, đăng đàn đả kích Tổng thống Donald Trump là ‘không đáp ứng được tầm vóc của Tổng thống’. Hành động này của ông Romney đã bị ông Trump và những người trung thành với Tổng thống lên án.
Ông Romney sẽ nhận nhiệm sở vào ngày 3/1 và ông nêu ý kiến này trong bài xã luận trên tờ Washington Post hôm 1/1/2019.
‘Không đủ phẩm cách’
“Chính quyền Trump đã có một bước thụt lùi sâu sắc trong tháng 12,” ông Romney viết và đưa ra những dẫn chứng như là sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly, việc bổ nhiệm những người thiếu kinh nghiệm vào các vị trí cao, việc từ bỏ những đồng minh đã từng chiến đấu bên cạnh nước Mỹ và lời tuyên bố ‘thiếu suy nghĩ’ của ông Trump rằng ‘nước Mỹ từ lâu là kẻ khờ khạo trong quan hệ quốc tế’.
“Ai cũng biết rằng ông Donald Trump không phải là lựa chọn của tôi để đại diện cho Đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống,” ông Romney viết tiếp và cho rằng cách hành xử của ông Trump trong vòng hai năm qua, nhất là trong tháng vừa qua, là ‘bằng chứng cho thấy ông ấy không đáp ứng được tầm vóc của Tổng thống’.
Mặc dù ông Romney cho biết ông đồng tình với một số chính sách của ông Trump như giảm thuế cho doanh nghiệp, bãi bỏ những quy định kinh doanh phiền hà hay trấn áp hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, nhưng ông nhấn mạnh chính sách ‘chỉ là một phần trong vai trò của Tổng thống’ và rằng cách hành xử của ông Trump ‘đã không giúp định hình tính cách đất nước’.
“Một Tổng thống phải đoàn kết chúng ta và khơi nguồn cho chúng ta theo tấm gương của ‘những thiên thần tốt’. Một Tổng thống phải thể hiện những phẩm chất thiết yếu là trung thực và ngay thẳng và nâng tầm những tranh luận quốc gia với sự nhã nhặn và tôn trọng lẫn nhau,” ông phân tích. “Với tình trạng đất nước chia rẽ như thế, đầy sự hằn học và giận dữ như thế thì vai trò lãnh đạo của Tổng thống trong tính cách cao đẹp hết sức cần thiết.”
‘Thế giới lo ngại’
Không những đả kích phẩm cách của ông Trump là không tốt cho đất nước, ông Romney còn cho rằng ông Trump đã làm tổn hại vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế.
“Từ lâu thế giới đã tìm đến nước Mỹ để đảm nhận vai trò lãnh đạo. Đương nhiên, sức mạnh kinh tế và quân sự của chúng ta là một phần trong sự lãnh đạo đó nhưng cam kết bền vững của chúng ta về cách hành xử có nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, về quyền tự do và công lý của tất cả mọi người thậm chí còn được trân trọng hơn nữa. Lời nói và hành động của ông Trump đã gây bất bình trên toàn thế giới.”
Với chính sách ‘nước Mỹ trên hết’ , Tổng thống Trump triệt thoái khỏi những cam kết đa phương, thể hiện sự hoài nghi với các liên minh, đả kích đồng minh khiến cho nhiều nước trên thế giới đặt dấu hỏi về sự lãnh đạo của nước Mỹ.
“Thế giới cần sự lãnh đạo của nước Mỹ và nước Mỹ cũng được lợi khi lãnh đạo thế giới. Mô hình Nga hay Trung Quốc lãnh đạo thế giới là mô hình chuyên chế, tham nhũng và tàn bạo,” ông Romney nhận định. “Khi thế giới do các chế độ độc tài lãnh đạo thì thế giới đó, và cả nước Mỹ nữa, sẽ không còn phồn vinh, không còn tự do và không còn yên bình như trước.”
Theo ông Romney thì để khôi phục lại vị thế lãnh đạo của nước Mỹ thì ‘cần phải sữa chữa những sai lầm về chính trị ở trong nước’. Ông kêu gọi thúc đẩy những chính chính sách ‘làm cho chúng ta mạnh hơn chứ không phải thúc đẩy sự chia rẽ bằng cách lợi dụng nỗi sợ và sự thù hằn’.
Ông Romney cũng cho rằng lãnh đạo nước Mỹ phải bảo vệ những định chế cơ bản của đất nước như tự do báo chí, pháp trị, các tập đoàn và công đoàn có trách nhiệm.
Ông nói rằng với vai trò là thượng nghị sĩ, ông sẽ hành xử đúng bổn phận và chức trách với ông Trump cũng như với bất kỳ Tổng thống nào.
“Tôi sẽ ủng hộ những chính sách mà tôi tin rằng phục vụ lợi ích tốt nhất của đất nước và tiểu bang tôi đại diện và chống đối những chính sách đi ngược lại lợi ích đó,” ông viết. “Tôi không có ý định bình luận về mỗi dòng tweet hay từng lỗi lầm, nhưng tôi sẽ lên tiếng chống lại những phát ngôn hay hành động đáng kể nào đó mà gây chia rẽ, phân biệt sắc tộc, phân biệt giới tính, chống di dân, dối trá hay phá hoại các định chế dân chủ.”
‘Phản tác dụng’
Ông Trumg đã phản pháo ngay lập tức sau khi bài bình luận của ông Mitt Romney được đăng trên Washington Post. “Câu hỏi đặt ra là, ông ta có phải là một ông Flake (ngụ ý nhắc đến thượng nghị sĩ Jeff Flake) thứ hai không?” ông Trump viết trên Twitter. “Tôi thắng lớn, còn ông ta thì không. Ông ta nên vui cho tất cả những người Cộng hòa mới phải. Hãy vì tinh thần đồng đội và chiến thắng!”
Jeff Flake là Thượng nghị sĩ mãn nhiệm của Cộng hòa đại diện cho bang Arizona. Ông là người trong cùng đảng thường công khai chỉ trích nặng nề ông Trump và các chính sách của ông.
Phát biểu trước các phóng viên trong Phòng Bầu dục vào chiều ngày 2/1, ông Trump nhắc lại ông Romney ‘đã cảm ơn ông không hết lời vì đã ủng hộ cuộc chạy đua vào Thượng viện của ông Romney’ và đặt vấn đề rằng ‘nếu ông Romney cũng đả kích ông Barack Obama mạnh mẽ như vậy thì ông ấy có lẽ đã thắng cử’.
Những người trung thành với ông Trump bên Đảng Cộng hòa còn lên tiếng quở trách ông Romney ác liệt hơn nữa. Nổi bật trong số này là bà Ronna McDaniel, Chủ tịch của Ủy ban Cộng hòa Toàn quốc và là cháu gọi ông Romney bằng bác ruột.
“Đối với một thượng nghị sĩ Cộng hòa mới toanh sắp nhận nhiệm sở thì hành động đầu tiên là chĩa mũi dùi vào Tổng thống Donald Trump đúng là những gì mà Đảng Dân chủ và truyền thông mong muốn và đáng thất vọng và phản tác dụng,” bà McDaniel, người đã đổi họ thời con gái của mình từ Romney thành McDaniel theo lời khuyên của ông Trump, viết trên Twitter.
Muốn ra tranh cử lần nữa?
Thời điểm (ngay trước khi ông Romney bước vào Thượng viện) và giọng điệu của bài xã luận làm nảy sinh nhiều đồn đoán về ý định của ông Romney. Nhiều người cho rằng ông Romney muốn xác định lập trường của mình ở vai trò mới là ‘Jeff Flake mới’.
Cũng có người đặt vấn đề liệu ông Romney, người hai lần ra tranh cử Tổng thống và giành được đề cử của Đảng Cộng hòa hồi năm 2012, có phải đang tỏ dấu hiệu cho thấy ông ấy sẽ thách thức ông Trump trong kỳ bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa vào năm 2020 để ra tranh cử lần thứ ba?
Vào lúc này khi sắp bắt đầu chiến dịch tái tranh cử, ông Trump dường như không có vẻ gì là dễ bị tổn thương trước mối đe dọa nào từ nội bộ Đảng Cộng hòa. Ông vẫn rất được lòng các cử tri trong Đảng và thậm chí còn được ủng hộ nhiều hơn từ những cử tri tích cực đi bầu nhất.
Tuy nhiên, giờ đây khi Đảng Dân chủ đã kiểm soát Hạ viện cùng với các cuộc điều tra dài đăng đẵng về tất cả các khía cạnh đời sống của ông Trump, ông đang chịu sức ép về sự giám sát và soi mói chặt chẽ hơn của Quốc hội so với hai năm trước.
Theo New York Times, trong vòng hai năm qua, các nhà lập pháp Cộng hòa đã giữ im lặng dù họ có những quan ngại về ông Trump hay chỉ trao đổi riêng tư với nhau. Tuy nhiên, bài xã luận của ông Romney đã đánh trúng vào nỗi bất an về ông Trump của các quan chức Cộng hòa cấp cao – nỗi quan ngại mà cuối cùng cũng khiến một số nghị sĩ công khai nêu lên hồi tháng trước sau khi ông Trump đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Syria và Afghanistan.
Một số những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành trong Đảng Cộng hòa đang cảm nhận rằng có mối đe dọa đối với ông Trump trong kỳ bầu cử sơ bộ để tìm ứng viên của Đảng ra tranh cử vào năm 2020. Họ đề xuất thay đổi luật lệ của đảng để đảm bảo khả năng ông Trump được Đảng tái đề cử.
Gọi bài xã luận của ông Romney là ‘sự phản bội chính trị có tính toán’, ông Jevon Williams, thành viên Ủy ban Cộng hòa Toàn quốc, đã gửi email cho các thành viên khác trong ủy ban rằng Đảng này nên bảo vệ ông Trump bằng cách sửa đổi các điều luật Đảng để khiến cho các ứng viên khác khó có cơ hội thách thức ông trong kỳ đại hội của Đảng vào năm 2020 và thông qua một nghị quyết ủng hộ ông Trump tại kỳ họp mùa đông của Đảng vào tháng này và tuyên bố ông Trump là ‘ứng viên mặc định của Đảng’.
Về phần mình, ông Trump đã cảnh giác khi ông Romney sắp sửa bước vào Thượng viện, tờ New York Times cho biết.
Theo tờ báo này thì mùa thu vừa rồi, do lo ngại ông Romney sẽ nhanh chóng khẳng định bản thân ở Washington, ông Trump đã yêu cầu lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đừng giao cho ông Romney bất cứ vai trò lãnh đạo nào.
Nhưng ngay cả khi ông Romney không có vai trò chính thức nào trong hàng ngũ Đảng Cộng hòa ở Thượng viện, các trợ lý của ông Trump vẫn lo ngại rằng mạng lưới gây quỹ rộng khắp của ông Romney sẽ khiến cho ủy ban vận động của Đảng Cộng hòa khó lòng mà không nhờ đến ông trong cuộc bầu cử vào năm 2020.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%8B-mitt-romney-%C4%91%C4%83ng-%C4%91%C3%A0n-%C4%91%E1%BA%A3-k%C3%ADch-trump-ph%E1%BA%A3n-ph%C3%A1o/4726753.html

Quốc Hội Mỹ khóa mới bắt đầu làm việc

Tú Anh
Trong bối cảnh chính quyền liên bang bị « tê liệt » từ hai tuần qua, hôm nay 03/01/2019, Quốc Hội Mỹ khóa mới bắt đầu làm việc. Chiếm đa số tại Hạ Viện sau cuộc bầu cử bán phần hồi tháng 11, đối lập sẽ nắm ghế chủ tịch các tiểu ban. Những tân dân biểu trẻ và cấp tiến sẽ tận dụng lợi thế này để mở điều tra những nghi án liên quan đến tổng thống Donald Trump, cũng như đọ sức với hành pháp. Một trong những biện pháp đầu tiên là biểu quyết ngân sách tạm để giải quyết tình trạng « shutdown ». Những khuôn mặt mới tại Hạ Viện Mỹ khá đông.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
” Hạ Viện mới gồm nhiều dân biểu gốc gác khác nhau và nhiều phụ nữ hơn so với các khóa trước. Với 126 nữ dân biểu, phái đẹp lần đầu tiên đông kỷ lục, cho dù nam giới vẫn chiếm hai phần ba số ghế. Hạ Viện Mỹ cũng có nhiều dân biểu xuất thân từ các cộng đồng thiểu số : nhiều tiểu bang lần đầu tiên có đại diện là phụ nữ da đen.
Hai tiểu bang, Kansas và New Mexico lần đầu tiên bầu đại biểu là phụ nữ gốc thổ dân da đỏ. Trong số nữ dân biểu mới cũng có hai tín đồ Hồi giáo, một người gốc Somalia và người kia gốc Palestine. Nữ dân biểu trẻ tuổi nhất là Alexandria Ocasio Cortez, một công dân mạng gốc Mêhicô 29 tuổi, được xem là có xu hướng rất cấp tiến.
Trong phe Cộng Hoà cũng có một nhân vật đáng được chú ý : Greg Pence, anh trai của phó tổng thống Mike Pence, lần đầu tiên đắc cử dân biểu với một chương tình rất bảo thủ.
Còn tại Thượng Viện, cựu ứng cử viên tổng thống Mitt Romney, tự cho là đối thủ chính trị của Donald Trump trong phe Cộng Hoà, đã trở lại ghế cũ. Trong một bài báo được đăng trước ngày họp đầu tiên của Thượng Viện, Mitt Romney cho rằng Donald Trump vẫn chưa đủ tư cách làm tổng thống sau hai năm nhậm chức.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190103-chinh-tri-my-quoc-hoi-khoa-moi-trong-tay-doi-lap-bat-dau-lam-viec

Chủ tịch Cuba lên án Mỹ

vào dịp kỷ niệm 60 năm cách mạng

Vào ngày kỷ niệm 60 năm cuộc cách mạng Cuba, nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản đang cầm quyền Raul Castro lên án chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đã quay lại con đường lỗi thời là đối đầu với Cuba, và can thiệp vào tình hình Châu Mỹ La tinh.
Vào năm 1959, Chủ tịch Castro và người anh trai quá cố, Fidel Castro, lãnh đạo nhóm nổi dậy đã lật đổ một nhà độc tài được Mỹ hậu thuẫn và lập nên đất nước Cuba do Cộng sản lãnh đạo ngay bên cạnh Hoa Kỳ, lót đường cho sự thù nghịch giữa hai bên trong Chiến tranh lạnh kéo dài nhiều thập niên.
Tại thời điểm đó, cuộc cách mạng Cuba đã truyền cảm hứng cho các phong trào thiên tả trên toàn vùng châu Mỹ La tinh nhưng ngày kỷ niệm hôm 1/1 năm nay được tổ chức giữa lúc khu vực này đang chuyển sang cánh hữu, trùng với thời điểm nhậm chức của Tổng thống cánh hữu của Brazil, Jair Bolsonaro.
Một số đồng minh thân cận nhất của Cuba, như Venezuela và Nicaragua, đang đắm chìm trong các cuộc khủng hoảng, trong khi Tổng thống Trump thắt chặt lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng đối với Cuba từ nhiều thập kỷ sau khi người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama, ra sức bình thường hóa quan hệ với Cuba.
“Một lần nữa, chính phủ Bắc Mỹ đang đi vào con đường đối đầu với Cuba,” ông Castro nói tại Santiago de Cuba, thành phố phía đông nam nước này, nơi Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố chiến thắng cách đây 6 thập kỷ.
Bài phát biểu của ông Raul Castro, người đã từ chức chủ tịch nước hồi tháng 4 nhưng vẫn tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba cho tới năm 2021, là một phần trong nghi thức buổi lễ long trọng được cử hành ở nghĩa trang nơi cố Chủ tịch Fidel Castro và anh hùng độc lập Jose Marti được chôn cất.
“Càng ngày, các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ càng tìm cách đổ lổi cho Cuba về những điều tồi tệ xảy ra trong khu vực,” ông Castro nói, ông cho rằng những điều tồi tệ đó thực ra bắt nguồn từ “những chính sách tân tự do không khoan nhượng.”
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, John Bolton, hồi tháng 11 nói rằng Washington sẽ cứng rắn hơn với Cuba, Venezuela và Nicaragua, và ông gọi các nước này là một “nhóm 3 nước chuyên chế.”
Mặc quân phục, ông Castro – 87 tuổi – nói hôm 1/1 rằng Cuba đã chứng minh qua 6 thập kỷ từ sau cuộc cách mạng, rằng đất nước này không thể bị khuất phục bởi những lời đe dọa. Theo ông Castro thì thay vào đó, Cuba duy trì thái độ cởi mở đối với giải pháp chung sống trong hòa bình và với sự tôn trọng lẫn nhau.
Ông Castro nói cuộc đấu tranh thực sự của Cuba trong năm qua là trên mặt trận kinh tế và ông lặp lại những điều mà người kế nhiệm ông, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel, đã phát biểu tại Quốc hội hồi cuối tháng 12 khi ông tuyên bố siết chặt các biện pháp tiết kiệm trong năm thứ 4 liên tiếp vào năm 2019 trước tình cảnh thắt chặt hầu bao kinh tế.
“Chúng ta trước hết cần cắt giảm tất cả những chi tiêu không cần thiết và tiết kiệm nhiều hơn,” ông Castro nói.
Cách đây một thập kỷ, thời còn là Chủ tịch nước, ông Castro đã đưa ra một loạt biện pháp cải cách để tự do hóa và thúc đẩy nền kinh tế tập trung của nước ông, tuy nhiên nền kinh tế Cuba vẫn tiếp tục bị nhà nước chi phối nặng nề và bị gò bó vì tệ nạn quan liêu hành chánh.
Một loạt cú sốc từ bên ngoài như bị cắt giảm viện trợ từ Venezuela và sự tàn phá do các cơn bão gây ra cũng tác động đến đà phát triển của Cuba, hiện đang trì trệ.
Tuy nhiên, ông Castro nói, cuộc Cách mạng Cuba vẫn được đảm bảo nhờ một tiến trình chuyển giao quyền hành sang cho một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn như Chủ tịch Diaz-Canel, 58 tuổi.
Ông Catro nói: “Đây là lúc thuận lợi để nói lên một thực tế rằng Đảng Cộng sản Cuba quyết tâm ủng hộ những tuyên bố và hành động của Chủ tịch Diaz-Canel từ khi ông lên nhậm chức.”
Ông Castro nói thêm: “Cuộc Cách mạng Cuba không già đi mà vẫn tiếp tục trẻ.”
https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-cuba-len-an-my-vao-dip-ky-niem-60-nam-cach-mang/4726135.html

Brazil : Thị trường chứng khoán

 ủng hộ nội các bảo thủ

Tú Anh
Các bộ trưởng trong chính phủ cực hữu của tân tổng thống Brazil Jair Bolsonario đã tuyên thệ nhậm chức ngày 02/01/2019. Chủ trương « khôi phục đất nước » theo mô hình của tổng thống Mỹ Donald Trump được thị trường tài chính ủng hộ. Thị trường chứng khoán Sao Paulo lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 90.000 điểm.
Tân nội các Brazil với 22 bộ trưởng, trong đó có 7 tướng về hưu và hai phụ nữ, được xem là « gọn nhẹ » so với chính phủ trước. Tuy đa số không có kinh nghiệm chính trường, nhưng vẫn tạo được tin tưởng trong giới doanh nghiệp đang chờ những biện pháp « giải phóng » kinh tế và bài trừ tham nhũng.
Theo AFP, hai phát pháo đầu tiên chỉ rõ hướng đi sắp tới. Trước hết là tân bộ trưởng kinh tế Paulo Guedes, trong diễn văn nhậm chức, cam kết đưa Brazil vào con đường tự do kinh tế, tiết giảm vai trò nhà nước, như tổng thống Jair Bolsonario tuyên bố ngày hôm trước « thanh lọc xã hội chủ nghĩa ».
Phát pháo thứ hai liên quan đến chính sách đối ngoại. Tân ngoại trưởng Ernesto Araujo tuyên bố sẽ « làm đảo ngược xu hướng toàn cầu hóa » và « giải phóng chính sách đối ngoại » truyền thống « mác-xít » của đảng Lao Động. Từ nay, Brazil quay lưng lại với các chế độ cánh tả ở châu Mỹ Latinh, từ Cuba cho đến Venezuela.
Ngoại trưởng Ernesto Araujo kể tên một loạt quốc gia « chống toàn cầu hóa » mà ông cho là đáng khâm phục : Hoa Kỳ của Donald Trump, Israel, Ba Lan, Hungari và Ý.
Một cách cụ thể, chính sách mới của Brazil thực ra là theo đường lối của chủ nhân Nhà Trắng : chống toàn cầu hóa, ngưng ủng hộ các chế độ thân tả, cải thiện quan hệ với Israel, chỉ trích Trung Quốc và xem nhẹ môi trường.
Washington, qua tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo, sẵn sàng « sát cánh với Brasilia từ kinh tế cho đến an ninh ».
Để trấn an công luận lo ngại Brazil rơi vào chế độ độc tài, một «bộ quy tắc ứng xử nghiêm ngặt » được đặt ra cho bộ máy công quyền. Theo AFP, căn bệnh tham ô trong nhiều thập niên của các chính phủ tiền nhiệm tả cũng như hữu khiến giới lãnh đạo Brazil mất hết tín nhiệm trong dân chúng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190103-brazil-noi-cac-bao-thu-ra-doi-thi-truong-chung-khoan-dat-ky-luc-ok

Syria : Tổng thống Pháp kêu gọi

Nga bảo tồn lực lượng Kurdistan

Trọng Thành
Hôm qua 02/01/2019, tổng thống Pháp đã điện đàm với đồng nhiệm Nga về tình hình Syria. Nguyên thủ Pháp kêu gọi Matxcơva bảo tồn lực lượng Kurdistan, một thành phần chính trong liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Theo điện Elysée, trong cuộc trao đổi với tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý là cuộc chiến chống Daech chưa kết thúc. Ông nhấn mạnh đến « đòi hỏi tránh mọi can thiệp gây bất ổn mới, có thể tạo thuận lợi cho các lực lượng khủng bố ». Theo tổng thống Macron, các đồng minh của liên quân chống thánh chiến – đặc biệt là người Kurdistan – cần phải được bảo vệ, bởi đây là các lực lượng kiện định trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo.
Cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Pháp – Nga diễn ra hai tuần sau tuyên bố bất ngờ của tổng thống Mỹ về việc nhanh chóng rút 2.000 binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại Syria. Quyết định rút quân của Washington gây khó khăn cho Pháp, một thành phần chủ chốt trong liên quân quốc tế chống Daech. Pháp huy động khoảng 1.200 binh sĩ tham gia liên quân chống thánh chiến.
Cũng trong cuộc điện đàm nói trên, tổng thống Pháp tái khẳng định tầm quan trọng của một giải pháp chính trị nhằm kết thúc chiến tranh tại Syria. Theo ông Macron, tất cả các cường quốc liên quan cần hậu thuẫn cho một tiến trình chuyển tiếp chính trị, với « các cuộc bầu cử tự do và công bằng ». Với tư cách đồng minh chủ chốt của chế độ Bachar al-Assad, Matxcơva đóng một vai trò quyết định trong tiến trình này. Vị thế của Nga càng quan trọng hơn, đặc biệt sau tuyên bố rút quân của tổng thống Mỹ.
Gần 400 chiến binh Kurdistan rút khỏi Manbij
Về tình hình tại chỗ, chính quyền Damas, hôm qua, 02/01, thông báo gần 400 chiến binh Kurdistan đã rút khỏi vùng Manbij, phía bắc, sát với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi quân đội Syria triển khai tại đây theo lời kêu gọi của lực lượng Kurdistan. Người Kurdistan chấp nhận để Damas triển khai quân và đặt Manbij dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương như trước, để tránh bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
http://vi.rfi.fr/phap/20190103-syria-tong-thong-phap-keu-goi-nga-bao-ton-luc-luong-kurdistan

Pháp : Viện bảo tàng Louvre

phá kỷ lục về số khách tham quan

Thanh Phương
Louvre, viện bảo tàng được tham quan nhất thế giới, đã vượt qua ngưỡng 10 triệu khách trong năm 2018, một kỷ lục đối với một viện bảo tàng quốc tế về mỹ thuật và cổ vật.
Hôm nay, 03/01/2018, chủ tịch – giám đốc viện bảo tàng Louvre, Paris, ông Jean-Luc Martinez cho hãng tin AFP biết là lần đầu tiên trong lịch sử của viện bảo tàng này và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của các viện bảo tàng, 10,2 triệu khách đã đến tham quan Louvre trong năm 2018.
Trong năm 2017, Louvre vẫn dẫn đầu thế giới về số khách tham quan ( 8,1 triệu ), nhưng theo sát là Viện bảo tàng quốc gia Trung Quốc ( 8 triệu ) và Viện bảo tàng Nghệ thuật New York ( 7,3 triệu ).
Theo giải thích của ông Martinez, sau khi sụt giảm 30% trong những năm gần đây do hậu quả của các vụ khủng bố, số du khách quốc tế đến Paris đã tăng trở lại. Mặt khác, viện bảo tàng Louvre trong những năm gần đây đã được tu bổ thêm, cho nên khả năng đón tiếp khách cũng tăng theo. Một lý do khác khiến Louvre phá kỷ lục về số khách tham quan, đó là kể từ nay khách có thể đặt mua vé trên mạng, nên đỡ mất thời gian xếp hàng.
Theo thống kê, có đến gần 2 phần 3 khách tham quan là người ngoại quốc, nhưng dân Pháp ( 2,5 triệu người, chiếm 25% tổng số ) vẫn là quốc tịch chiếm số đông nhất. Điều đáng chú ý là trong số khách tham quan người Pháp, có đến 565 ngàn học sinh. Về khách nước ngoài, người Mỹ vẫn chiếm số đông nhất, với gần 1,5 triệu. Đứng thứ hai là khách Trung Quốc, với gần một triệu người, tăng cực kỳ nhanh. Theo lời giám đốc Martinez, cách đây 5 năm, hầu như không có khách nào từ Trung Quốc đến bảo tàng Louvre.
Trung Quốc hiện là quốc gia hàng đầu thế giới về du lịch ở nước ngoài, với 129 triệu người. Riêng du khách Trung Quốc đến châu Âu ngày càng thích tìm hiểu về văn hóa của châu lục này, cũng như tham quan các thắng cảnh thiên nhiên.
Cũng theo lời giám đốc Martinez, các cuộc biểu tình của những người Áo Vàng trong những tuần cuối năm 2018 đã không có ảnh hưởng gì đến số khách tham quan Louvre, vì viện bảo tàng này chỉ đóng cửa một ngày là thứ bảy 08/12.
Một tin vui cho những khách tham quan tương lai : kể từ 05/01, viện bảo tàng Louvre sẽ miễn phí vào mỗi tối thứ bảy đầu tháng! Và đặc biệt trong tối thứ bảy miễn phí ấy, tại một số phòng triển lãm sẽ có người hướng dẫn, giải thích cho chúng ta hiểu nhiều hơn về các tác phẩm được trưng bày. Mục đích là để thu hút những thành phần công chúng mới, ngoài khách du lịch.
Trước đây, viện bảo tàng Louvre mở cửa cho vào miễn phí mỗi chủ nhật đầu tháng, nhưng ban giám đốc đã bỏ phương thức này, vì thấy là nó chỉ có lợi cho khách nước ngoài, chứ không thu hút thêm khách Pháp.
Trong năm 2019 này, sẽ có hai sự kiện lớn tại bảo tàng Louvre : kỷ niệm 30 năm kim tự tháp bằng kính nổi tiếng và 500 năm ngày doanh họa Ý Leonardo da Vinci qua đời tại Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20190103-phap-vien-bao-tang-louvre-pha-ky-luc-ve-so-khach-tham-quan

Somalia đuổi quan chức hàng đầu của LHQ

Somalia đuổi quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc trong một quyết định mà có thể gây tổn hại các mối quan hệ với các cường quốc nước ngoài ủng hộ nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục ổn định sau nhiều thập niên hỗn loạn.
Chính phủ Somalia cáo buộc ông Nicholas Haysom, Đại diện Đặc biệt của Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc, can thiệp vào chuyện nội bộ.
Ông Haysom nêu ra những nghi vấn trong một lá thư đề ngày 30 tháng 12 về sự dính líu của lực lượng an ninh Somalia được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn trong vụ bắt giữ một người từng là phần tử chủ chiến của nhóm Hồi giáo al Shabaab. Nhân vật này vốn đã bị cấm tham gia tranh cử trong một cuộc bầu cử khu vực gần đây.
Ông Haysom “không bị buộc và không thể làm việc tại đất nước này,” bộ ngoại giao nói. “Ông ta đã công khai vi phạm các hành vi đúng mực của văn phòng LHQ ở Somalia,” thông cáo vào cuối ngày thứ Ba nói. Điều này trên thực tế biến đặc phái viên người Nam Phi thành persona non grata (người không được chào đón).
Không có bình luận ngay tức thì từ phái bộ Liên Hiệp Quốc, Reuters cho biết. Phái bộ này cũng hậu thuẫn một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh Châu Phi chống lại al Shabaab.
Liên hiệp quốc là một tổ chức lớn hậu thuẫn Somalia, một quốc gia không có chính quyền trung ương hùng mạnh kể từ năm 1991. Quyết định của chính phủ đối với ông Haysom có thể tăng cường một cuộc đối đầu giữa Mogadishu và các khu vực bán tự trị.
https://www.voatiengviet.com/a/somalia-duoi-quan-chuc-hang-dau-cua-lien-hiep-quoc/4726333.html

Hằng Nga 4 đáp thành công

xuống phần tối của Mặt Trăng

Hằng Nga 4, do tên lửa Trường Chinh (Long March 3B) mang theo rời trung tâm phóng vệ tinh của Trung Quốc hôm 10/12/2018.
Tàu thăm dò đã đáp xuống Mặt Trăng lúc 10 giờ 26, giờ Bắc Kinh (02:26 GMT), ngày 3/1/2019, theo báo chí Trung Quốc.
Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung
‘Gia đình và bạn bè là quan trọng nhất’
Trung Quốc đưa phi hành gia vào quỹ đạo
Đây là sự kiện được coi như thành tựu to lớn trong thám hiểm không gian vũ trụ.
Chừng 28 trường đại học Trung Quốc đã hợp tác trong công trình nghiên cứu và các thí nghiệm mà Hằng Nga 4 sẽ thực hiện.
Trung Quốc có tham vọng lập trạm không gian trên khoảng không vũ trụ.
Hố thiên thạch Von Kármán, nơi Hằng Nga 4 đáp xuống, được các nhà khoa học quan tâm vì là vũng cổ nhất và to nhất trên Mặt Trăng – nằm ở Lưu vực Nam Cực-Aitken.
Hố thiên thạch này có thể được hình thành bởi tác động va đập từ một thiên thạch khổng lồ hàng tỷ năm trước.
Tàu Hằng Nga 4 sẽ còn nghiên cứu địa chất của khu vực này và thành phần của đá và đất.
Theo biên tập viên khoa học của BBC News, Paul Rincon, việc nghiên cứu vùng tối của Mặt Trăng có ý nghĩa lớn cho khoa học thế giới.
Do hiện tượng “thủy triều”, con người chỉ thấy một mặt của Mặt Trăng từ Trái Đất.
Lý do là Mặt Trăng chỉ xoay trên trục của chính nó cũng như hoàn thành một vòng quanh quỹ đạo của trái đất.
Mặc dù thường được gọi là “mặt tối”, phía bên này của Mặt Trăng cũng được Mặt Trời chiếu sáng và cũng có các chu kỳ giống như phía mặt gần hơn.
“Tối” trong bối cảnh này có nghĩa là “không được nhìn thấy”.
Mặt phía xa của Mặt Trăng trông khá khác với mặt gần – vốn quen thuộc hơn. Nó có lớp vỏ dày hơn, lâu đời hơn và có nhiều hố thiên thạch hơn.
Trước đây, tàu Hằng Nga 3 của Trung Quốc đã đáp xuống vùng sáng của Mặt Trăng.
Trên Mặt Trăng còn có một vài “vùng trũng” – “biển” tối được tạo ra bởi dòng dung nham – có thể thấy rõ ở phía bề mặt gần hơn hơn của Mặt Trăng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46746382

Sốc với những đại án “hổ lớn” TQ năm 2018

2018, năm thứ 6 trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc bắt 23 “hổ lớn”, gấp 5 lần so với năm trước đó.
Ngoài 23 quan chức cấp cao nói trên, các công tố viên cũng kết án 32 quan chức cấp bộ và cấp tỉnh, nhiều hơn 14 vụ so với năm 2017.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) cho rằng, năm 2018, Trung Quốc theo đuổi nhiều vụ đại án nhắm vào các quan chức cấp cao.
Hồi tháng 12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố “chiến thắng áp đảo” trong cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”. Thêm vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định, chiến dịch nhằm tiêu diệt nạn tham nhũng sẽ tiếp tục.
Kể từ khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” bắt đầu từ năm 2016, hơn 1,3 triệu quan chức ở các cấp, từ “hổ lớn” cấp cao đến “ruồi nhỏ” cấp thấp đã bị bắt.
Đỉnh điểm của chiến dịch là năm 2016, khi 19 “hổ lớn” bị kết án, trong đó ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh – nhân vật cấp cao nhất bị tuyên án chung thân vì tội nhận hối lộ hơn 170 triệu nhân dân tệ (hơn 26 triệu USD).
Vụ án của ông Tôn Chính Tài được xử nhanh chưa từng thấy, chỉ mất chưa đầy 4 tháng để hoàn tất điều tra và 26 ngày để tuyên án.
Trong khi đó, vụ án của Trương Việt – cựu Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc, phải mất hơn 15 tháng để đưa ra phán quyết. Ông này bị kết án 15 năm tù vào tháng 7 vì nhận hối lộ gần 157 triệu nhân dân tệ.
5 “hổ lớn” lĩnh án chung thân trong năm 2018 cùng Tôn Chính Tài gồm có Mã Kiện (Ma Jian) – cựu Thứ trưởng Công an, Trần Húc (Chen Xu) – cựu công tố viên trưởng Thượng Hải, Ngụy Dân Châu (Wei Minzhou) – cựu phó chủ tịch cơ quan lập pháp Thiểm Tây, và Dương Sùng Dũng (Yang Chongyong) – cựu phó chủ tịch cơ quan lập pháp Hà Bắc.
14 quan chức cao cấp khác bị kết án hơn 10 năm tù.
Trong số tất cả các “hổ lớn” bị kết án nhận hối lộ trong năm 2018, Dương Sùng Dũng nhận hối lộ nhiều nhất, 206 triệu dân dân tệ (gần 30 triệu USD), Tôn Chính Tài đứng thứ 2 với 170 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD).
Mặc dù không được coi là một “hổ lớn” nhưng Zhang Zhongsheng, cựu Phó Thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, người được mệnh danh là “bố già” ở tỉnh có nhiều mỏ than lớn, bị kết án tử hình vào tháng 3 vì nhận hối lộ hơn 1 tỉ nhân dân tệ (160 triệu USD).
Ngoài số bị kết án nói trên, vẫn còn 14 “hổ lớn” bị cáo buộc tham nhũng trong năm 2018 nhưng chưa bị tuyên án.
http://biendong.net/bi-n-nong/25625-soc-voi-nhung-dai-an-ho-lon-tq-nam-2018.html

Tàu sân bay: Tham vọng viển vông,

mang tính biểu tượng của TQ

Trong những tính toán của Trung Quốc hiện nay, tàu sân bay đang được giới lãnh đạo và quân sự nước này coi là con bài chiến lược sẽ giúp hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cũng như cân bằng tương quan lực lượng với các nước.
 1. Tàu Sân bay Liêu Ninh
Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc. Nó được đặt theo tên tỉnh Liêu Ninh nơi con tàu được tân trang. Sau một số lần chạy thử, tàu được đánh số 16 và chính thức bàn giao cho Hải quân Trung Quốc vào cuối tháng 9/2012. Nguyên bản của tàu này do Liên Xô đóng cho Hải quân Liên Xô với tên ban đầu là Varyag. Trung Quốc đã mua thanh lý lại từ Ucraina vào năm 1998, khi đó chỉ có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và phần lớn các hệ thống vận hành khác. Năm 2002, chiếc tàu được vận chuyển về cảng Đại Liên và hoàn thiện tại đó. Mục đích mua tàu không được công khai cho đến tận tháng 6/2011 khi chiếc tàu được đóng xong hoàn toàn. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo rằng tàu Liêu Ninh được sử dụng vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện. Do vốn là tàu Varyag, nên Liêu Ninh có thể xem là thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nó có chiều dài khoảng 304,5 m, rộng 37 m. Lượng giãn nước là 58.500 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 32 knot (hay 37 hải lý/giờ). Hệ thống vũ khí đáng chú ý của Liêu Ninh là Type 1030 CIWS và tên lửa FL-3000N. Theo thiết kế, nó có thể được trang bị 8 súng phòng không AK-630 AA, 8 CADS-N-1 Kashtan CIWS, 12 tên lửa hải đối hải P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS và hệ thống pháo phản lực chống ngầm RBU-12000 UDAV-1 ASW. Cũng theo thiết kế, nó có thể mang 26 máy bay và 24 trực thăng. Liêu Ninh dùng hệ thống dốc kiểu “bệ phóng trượt tuyết” chứ không phải máy phóng như các tàu sân bay của Mỹ. Sự kiện đầu tiên đánh dấu sự tôn tại của tàu Lieu Ninh là vào tháng 9/2012, khi đó tại cảng Đại Liên, tàu Liêu Ninh đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc và được ra mắt với sự có mặt tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Giới quan sát lúc này cho rằng chiến hạm này giống với một bước đi mang tính biểu tượng để mang lại thanh thế cho hải quân Trung Quốc, hơn là một sự thay đổi tức thời về chất của binh chủng này vì vẫn thiếu các chiến đấu cơ hoạt động cùng tàu sân bay khi mà không thấy một đơn vị chiến đấu hay máy bay nào cùng ra mắt với tàu và chiếc J-15 vẫn đang trong giai đoạn phát triển chưa có năng lực được kiểm chứng. Và một rắc rối khác của tàu là cáp hãm đà và thiết bị thu hồi cáp, Trung Quốc đã muốn mua từ Nga nhưng do tránh việc bị sao chép nên Nga đã từ chối bán nên Trung Quốc đã phải tự xoay xở để có cáp gắn trên tàu dù là theo bất cứ cách nào như tự phát triển, sao chép, tận dụng hay mua lại từ bên ngoài nhưng chất lượng thì chưa rõ. Dù vậy tàu đã được tuyên bố là sẽ chủ yếu được sử dụng để huấn luyện nhằm chuẩn bị cho các tàu sân bay do chính Trung Quốc sản xuất trong tương lai. Mặt sàn và cách bố trí có giới hạn, trong khi J-15 cần phải chạy khoảng một nửa chiều dài tàu chiến mới có thể chuẩn bị đủ cho việc cất cánh. Tháng 1/2013, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn chính thức cho ra mắt đồng xu bằng vàng và bạc, mừng sự ra đời tàu sân bay Liêu Ninh. Các đồng tiền vàng và bạc, có mệnh giá từ 10 đến 2.000 tệ, in hình chiến đấu cơ vừa cất cánh từ con tàu sân bay Liêu Ninh, hoặc mặt khác của con tàu hiện rõ số 16 và in dòng chữ 25/9/2012 là ngày tàu chính thức đi vào hoạt động. 2.000 tệ là một mệnh giá lớn bởi ngân hàng Trung ương Trung Quốc không phát hành tiền giấy lớn hơn 100 nhân dân tệ. Thông thường một đồng tiền xu kỷ niệm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không nổi bật, thường chỉ nhằm kỷ niệm các ngày lễ lịch sử hoặc chỉ in hình gấu trúc hay các biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Tháng 8/2013, tàu sân bay Liêu Ninh đã rời Thanh Đảo triển khai đợt thí nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện trên biển lần thứ ba. Thay vì về Thanh Đảo, tàu sân bay Liêu Ninh phải trở về nơi sản xuất là nhà máy đóng tàu Đại Liên. Việc này làm dấy nghi vấn Liêu Ninh đã xuất hiện vấn đề nghiêm trọng, cần phải sửa chữa quy mô. Tháng 6/2015, Trung Quốc tiếp tục đưa tàu Liêu Ninh ra thử nghiệm cùng các chiến đấu cơ trên tàu sân bay, sau khi khởi hành từ thành phố duyên hải Thanh Đảo.
Tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tụctiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật gần đây của hải quân nước này, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh trên biển Bột Hải.Theo Hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận với sự tham gia của hàng chục tàu hải quân và máy bay. Các phi đội chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay, được trang bị đạn thật. Thành lập đội hình cùng với các tàu khu trục và khinh hạm, tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành các hoạt động huấn luyện trinh sát cùng các nội dung diễn tập liên quan đến hệ thống cảnh báo sớm, đánh chặn trên không, tấn công trên biển, phòng không và diễn tập chống tên lửa. Cuộc diễn tập lần này là một phần trong khuôn khổ đợt thử nghiệm và kiểm tra toàn diện tàu sân bay Liêu Ninh. Ngoài ra, cuộc diễn tập cũng nhằm kiểm tra tính năng của các loại vũ khí và chất lượng diễn tập của Không quân Trung Quốc.
Mặc dù đã thành công khi công khai về chiếc tàu sân bay đầu tiên, song tàu Liêu Ninh vẫn được đánh giá thấp và chưa thể có mặt trên danh sách các tàu sân bay mạnh và có thể hoạt động ổn định trên thế giới. Trong báo cáo năm 2015, Lầu Năm Góc cho biết tàu Liêu Ninh và phi đội hiện chưa đủ sức để thực hiện các nhiệm vụ viễn chinh mà chỉ phù hợp để phòng thủ hoặc cung cấp các lớp bảo vệ trên không cho các hạm đội đang làm nhiệm vụ ngoài khơi. Báo cáo nêu rõ: “Liêu Ninh sẽ không thể tiến hành các nhiệm vụ ở các vùng xa xôi như tàu các tàu lớp U.S Nimitz đang làm”. Tiêm kích J-15 của Trung Quốc mặc dù được đánh giá cao về góc độ khí động học nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế như trọng thấp và lượng nhiên liệu ít ỏi có thể mang theo nếu so với thế hệ chiến đấu cơ tối tân F/A-18 của Mỹ. “Chính kích thước khiêm tốn của Liêu Ninh đã giới hạn số lượng chiến đấu cơ có thể hạ cánh, trong khi yêu cầu về cấu tạo gọn gàng của J-15 khiến nó bị hạn chế về lượng nhiên liệu và khí tài có thể mang theo”, bản báo cáo viết. Đây không chỉ là đánh giá của Mỹ, phía Trung Quốc cũng đã nhận thức được vấn đề này và đang tìm cách khắc phục. Trung Quốc được dự đoán sẽ chế tạo thế hệ hàng không mẫu hạm tiếp theo và lần này sẽ là vài chiếc lớn hơn có thể chuyên chở loại máy bay J-15 với đầy đủ các tính năng ưu việt. Trong kịch bản thuận lợi nhất, Bắc Kinh sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể hình thành được một hạm đội có tầm hoạt động rộng khắp toàn cầu. Để dễ hình dung, nhà máy đóng tàu Newport News với bề dày kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại hơn bất cứ nhà máy nào của Trung Quốc cũng mất tới 10 năm để đóng một chiếc USS Nimitz. Trong khi đó các nhà máy Trung Quốc chưa một lần thử sức với việc đóng một chiếc hàng không mẫu hạm, kể cả là một chiếc trung bình như Liêu Ninh. Ngay cả khi Trung Quốc hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo tàu sân bay hoàn chỉnh với đầy đủ các tính năng hiện đại cần thiết, thì đó vẫn chưa phải là vấn đề đáng bận tâm nhất. Cho dù những chiếc F-18 của Mỹ không phải là những phi cơ nhanh nhất và cơ động nhất, chúng lại mang trong mình những kỹ thuật hàng không xuất sắc nhất với những hệ thống cảm biến tối tân. Quan trọng hơn, chúng không phải hoạt động đơn độc. Phương pháp tác chiến hiện đại cho phép chúng phối hợp hoạt động trong một đội, điều mà có lẽ còn lâu nữa Trung Quốc mới thực hiện được. Sở hữu đội hình bao gồm những chiến đấu cơ F/A-18, EA-18G, máy bay cảnh báo chiến thuật E-2D, tàu khu trục lớp Aegis, tàu vận tải và các phương tiện hậu cần khác, hải quân Mỹ có thể thống nhất mục tiêu tấn công. Một ví dụ tiêu biểu là tàu khu trục lớp Aegis có thể bắn một quả tên lửa Standard SM-6 vượt xa cả tầm quan sát của nó nhờ sử dụng dữ liệu của máy bay E-2D.
Một thông tin khác liên quan tàu Liêu Ninh cũng khiến dư luận Trung Quốc hoang mang là việc vào tháng 12/2018 vừa qua, Tôn Ba – cựu Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) đã bị cơ quan chống tham nhũng kết tội nhận hối lộ, nhưng ít nhất có 3 nguồn thạo tin cho biết các nhà điều tra đang xem xét những cáo buộc nói rằng ông Tôn Ba đã chuyển thông tin mật về tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, cho tình báo nước ngoài. Hiện không rõ mức độ mật của thông tin mà ông Tôn có thể đã chuyển giao cho gián điệp nước ngoài, nhưng các nguồn tin nói ông có thể phải “đối mặt với án tử hình”, hoặc ít ra “án tử hình treo”. Báo South China Morning Post dẫn thêm một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc, nói rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể muốn dùng trường hợp của ông Tôn để “cảnh cáo” các quan chức cấp cao khác trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Nguồn tin từ hải quân Trung Quốc cho hay ông Tôn không những là Phó Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn CSIC, mà còn là Tổng Giám đốc phụ trách chuyên môn, và ông Tôn có phần chắc sẽ nhận án tử hình vì trong hơn một thập niên, là “nhân vật chính quản lý dự án nâng cấp tàu Liêu Ninh”. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo ông Tôn đã bị mất chức và khai trừ ra khỏi đảng vì đã “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và gây thiệt hại lớn cho an ninh quốc gia”.
2. Tàu sân bay nội địa đầu tiên lớp 001A
Tàu sân bay lớp 001A là một tàu sân bay được hạ thủy vào năm 2017 để phục vụ Quân Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc. Đây là tàu sân bay thứ hai của nước này sau tàu Liêu Ninh và là chiếc tàu đầu tiên được chế tạo trong nước. Tàu sân bay này được Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc đóng tại Đại Liên. Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, công việc ban đầu đối với chiếc tàu này bắt đầu vào tháng 11/2013 và việc xây dựng thân tàu của nó trong một ụ khô bãi bắt đầu vào tháng 3/2015. Chính phủ Trung Quốc đã không công khai xác nhận sự tồn tại của tàu cho đến khi xây dựng được tiến hành. Hình ảnh vệ tinh cho ngành công nghiệp quốc phòng cho thấy giai đoạn đầu của việc đóng thân tàu vào tháng 3/2015, tiếp theo tháng sau đó bằng hình ảnh của một thân tàu có đặc điểm quân sự tại nhà máy đóng tàu Đại Liên đã được công bố trên Internet. Vào tháng 10/2015, những dấu hiệu rõ ràng đầu tiên về vai trò của tàu xuất hiện khi xây dựng một hangar dock bắt đầu trên thân tàu. Vào tháng 12/2015, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận rằng con tàu là một tàu sân bay, nói rằng “công việc thiết kế và xây dựng đang được tiến hành”. Thân tàu đã hoàn thành vào tháng 5/2016, khi đoạn đường cất cánh cất cánh trượt tuyết được hoàn thành. Cấu trúc đảo của tàu được chế tạo thành hai phần: nửa đầu nửa phía trước, có cầu và cột chính, được lắp vào tháng Chín, trong khi nửa sau, với ống khói và không khí, được lắp đặt trong những tuần tiếp theo. Đến cuối năm 2016, con tàu đã được cấu trúc hoàn chỉnh về cơ cấu. Tàu sân bay này đã được hạ thủy vào ngày 25/4/2017. Tàu sẽ trải qua các thử nghiệm trên biển và trang bị thiết bị trong nhiều năm trước khi nó được đưa vào hoạt động vào khoảng năm 2020. Tên này không được tiết lộ trong buổi lễ ra mắt, mặc dù những bản tin trước đó nói rằng nó sẽ là Sơn Đông. Về thiết kế, tàu 001A chủ yếu dựa vào tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô, vì tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh được chế tạo từ một tàu lớp Kuznetsov chưa hoàn chỉnh. Nó được cải tiến và nâng cấp một chút so với Liêu Ninh, với radar cải tiến và tăng khả năng lưu trữ cho đạn dược và nhiên liệu, cho phép nó mang theo nhiều máy bay hơn so với Liêu Ninh (ước tính khoảng từ 30 đến 40 máy bay phản lực và trực thăng). Nó có chiều dài khoảng 300 m (1.000 ft), với một sự dịch chuyển khoảng 50.000 tấn (70.000 tải). Con tàu này được cho là được cung cấp năng lượng bởi nồi hơi đốt dầu thông thường để chạy các tua bin hơi. Nó vẫn giữ được bước nhảy trượt tuyết, làm hạn chế cánh không khí của nó trực thăng và máy bay chiến đấu Shenyang J-15. Các chuyến bay trong tương lai của các hãng hàng không Trung Quốc được lên kế hoạch sử dụng máy phóng cho phép đưa ra máy bay nặng hơn. Gần đây nhất, nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc Type 001A ngày 27/12 đã di chuyển từ cảng Đại Liên ra biển để tiến hành chạy thử lần thứ tư. Các chuyên gia nhận định rằng, nhiều khả năng các tiêm kích hạm Trung Quốc đã lần đầu cất cánh từ tàu sân bay Type 001A trong đợt thử nghiệm này. Dù chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về hoạt động thử nghiệm của Type 001A, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cùng ngày đã thông báo kế hoạch phong tỏa eo biển Bột Hải và nhiều khu vực trên Hoàng Hải từ ngày 28/12/2018 đến 4/1/2019. “Trong đợt thử nghiệm này, lần đầu tiên bộ phận hàng không của tàu sẽ tham gia”, Wang Yunfei, một chuyên gia hàng hải, sĩ quan hải quân quân đội Trung Quốc về hưu, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu. Ông lưu ý rằng tàu cũng sẽ được kiểm tra hệ thống radar, liên lạc, kiểm soát không lưu và các thiết bị cất và hạ cánh. Dựa vào ảnh đăng trên mạng, các chuyên gia của tờ South China Morning Post nhận định nhiều khả năng các tiêm kích hạm Trung Quốc đã lần đầu cất cánh từ tàu bởi có dấu hiệu cho thấy các thiết bị phân tán luồng khí phản lực của máy bay đã được sử dụng trên boong tàu. Hệ thống hàng không trang bị trên tàu Type 001A có các chiến đấu cơ Shenyang J-15, bản sao cải tiến từ Sukhoi Su-33 của Nga nhưng được Trung Quốc chế tạo để phục vụ mục đích sử dụng riêng. Giống như Su-33, chiến đấu cơ J-15 được chế tạo để hoạt động trên tàu sân bay. Ngoài ra, tàu sân bay Type 001A còn mang theo rất nhiều loại trực thăng. Type 001A vẫn sử dụng kiểu cất cánh nhảy cầu truyền thống, vốn bị coi là thiết kế lạc hậu và hạn chế tải trọng của các tiêm kích hạm. Điều này khiến Type 001A nhiều khả năng vẫn chỉ được sử dụng trong các nhiệm vụ tác chiến biển gần của Trung Quốc. Trước đó, Type 001A đã trải qua ba đợt thử nghiệm trên biển vào tháng 5, 8, 10/2018. Giới chuyên gia cho rằng, con tàu này sẽ được đưa vào biên chế nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc vào tháng 5/2019. Sau khi được biên chế, tàu sân bay nội địa này sẽ được đặt theo tên một tỉnh của Trung Quốc.
3. Về thông tin dự án đóng tàu sân bay thứ 3 của TQ
Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ 3 với hệ thống phóng công nghệ cao tại nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải vào cuối năm 2017, nhưng thời gian hoàn thành không được xác định.Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin thân cận trong quân đội Trung Quốc cho biết nhà máy đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải bắt đầu quá trình đặt ky khởi đóng tàu sân bay thứ 3. Thời điểm bắt đầu dự án không được tiết lộ. Nguồn tin nói rằng công việc được tiến hành sau cuộc họp giữa lãnh đạo quân đội, cơ quan lập pháp và các cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc vào tháng 3/2017. Quá trình đóng thân tàu dự kiến kéo dài khoảng 2 năm. Việc đóng tàu sân bay mới này được cho là phức tạp hơn 2 tàu trước đó, nguồn tin cho biết. Theo một nguồn tin của Hải quân Trung Quốc, các chuyên gia, kỹ sư đóng tàu từ nhà máy ở Thượng Hải và Đại Liên đang làm việc tích cực để chế tạo tàu sân bay có lượng choán nước từ 80.000-100.000 tấn. Tàu sân bay mới được cho là sẽ sử dụng hệ thống phóng điện từ để khởi động máy bay. Thiết kế thủy động lực học của tàu mới cũng khác nhiều so với 2 tàu sân Liêu Ninh và Type-001A. “Tàu mới sẽ có tháp chỉ huy nhỏ hơn so với Liêu Ninh nhằm tương thích với tiêm kích J-15 có kích thước khá lớn”, nguồn tin nói. Theo một số chuyên gia hải quân, vẫn còn quá sớm để nói về tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc. Hệ thống phóng máy bay trên tàu cũng là vấn đề được đặt câu hỏi. Liệu Trung Quốc có thực sự làm chủ được công nghệ để bỏ qua hệ thống phóng hơi nước và chuyển thẳng lên sử dụng hệ thống phóng điện từ. Trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vào tháng 11/2017, Hu Wenming, Chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC), tự tin tuyên bố rằng Trung Quốc hiện có đủ chuyên môn để chế tạo bất kỳ loại tàu sân bay nào. Tuy nhiên, nguồn tin không được biết khi nào tàu sân bay thứ 3 sẽ hoàn thành. Trung Quốc dự định đưa vào vận hành 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25613-tau-san-bay-tham-vong-vien-vong-mang-tinh-bieu-tuong-cua-tq.html

Đầu năm, TQ hối thúc quân đội chuẩn bị chiến tranh

Tăng cường huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh là những ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc trong năm 2019, báo PLA Daily (tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc) cho biết hôm 1-1.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy PLA tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Xinhua
“Huấn luyện binh lính và chuẩn bị cho chiến tranh là công việc cơ bản và hoạt động trọng tâm của chúng tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc này” – tờ PLA Daily khẳng định trong số ra ngày đầu năm.
“Chúng ta nên chuẩn bị tốt tất cả các định hướng đấu tranh quân sự và cải thiện toàn diện khả năng ứng phó chiến đấu trong các trường hợp khẩn cấp… để đảm bảo có thể đối mặt thách thức và chiến thắng trong những tình huống như vậy”.
Các ưu tiên khác được vạch ra trong bài báo bao gồm lập kế hoạch và triển khai hoạt động phát triển quân đội, thúc đẩy cải cách và đổi mới, cũng như xây dựng đảng trong lực lượng PLA.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy PLA tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Giới quan sát cho rằng việc tăng cường tập trận có thể thúc đẩy năng lực của PLA, tuy nhiên nhiên việc nêu lên vấn đề này ngay từ đầu năm cho thấy tính chất quan trọng của nó trong kế hoạch cho năm 2019.
Ông Zeng Zhiping, trung tá và nhà phân tích quân sự đã nghỉ hưu ở Nanchang, tỉnh Giang Tây, nhận định: “Trong suốt 20 năm tôi ở trong PLA trước khi rời đi năm 2004, huấn luyện quân đội để tăng cường khả năng sẵn sàng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Thế nhưng, lần này có gì đó rất khác. Khi vấn đề huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh được nhấn mạnh vào đầu năm có nghĩa đây là kế hoạch cho cả năm, mặc dù chúng tôi không biết ý định thực sự phía sau những những lời lẽ ở giai đoạn này là gì”.
Theo South China Morning Post, cựu lãnh đạo quân sự Đài Loan Lin Chong Pin cho rằng động thái này là nhằm phô trương sức mạnh quân sự của PLA.
“Ưu tiên huấn luyện quân sự và chuẩn bị cho chiến tranh không gì khác hơn một động thái để tăng cường sức mạnh ngoại giao. Đây là điều mà PLA đã nhấn mạnh trong bốn thập kỷ qua, mặc dù lực lượng này chưa tham chiến với kỳ nước nào khác trong suốt thời gian đó”- ông Lin nói.
“Động thái này đưa ra giữa lúc Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc bằng hàng loạt chiến dịch quân sự. Nhưng tôi chắc chắn 100% rằng PLA sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc chiến nào, cho dù đó là ở khu vực biển Đông hay eo biển Đài Loan. PLA sẽ chỉ trở nên thận trọng hơn khi phát triển nhanh chóng hơn” – ông Lin nói thêm.
Trong khi đó, theo truyền thông Trung Quốc, ít nhất 38 đại tá đã được thăng cấp lên thiếu tướng vào cuối tháng 12 vừa qua. “Những thiếu tướng mới này được chính Chủ tịch Tập Cận Bình lựa chọn cẩn thận” – ông Lin nhấn mạnh.
Trong số những quan chức quân sự mới được thăng cấp có 9 người từ lực lượng bộ binh của PLA, 4 người từ không quân, 3 từ lực lượng tên lửa và 22 từ Lực lượng Cảnh sát Vũ trang nhân dân Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc đã trải qua biến động lớn và cải cách trong 6 năm qua, với hàng chục tướng lĩnh bị hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay chưa từng thấy từ trước tới nay. Trong số đó có những cái tên đình đám như Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu – là những nhân vật từng có vị trí lớn thứ hai và thứ ba trong quân đội.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/25622-dau-nam-tq-hoi-thuc-quan-doi-chuan-bi-chien-tranh.html

TQ: Những người Canada bị giam giữ

‘chắc chắn’ vi phạm luật

Công tố viên hàng đầu của Trung Quốc hôm 3/1 nói rằng hai người Canada bị giam giữ, sau khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành của công ty công nghệ Trung Quốc, “chắc chắn” đã vi phạm luật, theo Reuters.
Trước đó, giới hữu trách ở Bắc Kinh nói hai người đàn ông, Michael Kovrig, một nhà cựu ngoại giao và cố vấn của nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG), và doanh nhân Michael Spavor, bị tình nghi là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.
Reuters dẫn lời ông Zhang Jun, Tổng công tố viên Trung Quốc, nói:
“Không còn nghi ngờ gì là hai công dân Canada này ở Trung Quốc đã vi phạm luật pháp và quy định của nước ta, họ đang được điều tra theo thủ tục”.
Trong cuộc họp báo, khi Reuters đặt câu hỏi về thời điểm hai người đàn ông trong cuộc có thể bị buộc tội, ông Zhang nói quá trình điều tra đã được thực hiện “chặt chẽ” theo quy định của pháp luật, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.
Hai người đàn ông bị giam giữ sau khi cảnh sát Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, vào ngày 1/12 tại Vancouver, theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc bà lừa dối các ngân hàng về các giao dịch liên quan đến Iran, khiến các ngân hàng có nguy cơ vi phạm các biện pháp chế tài đang được áp dụng đối với nước này.
Vẫn theo Reuters, chính quyền Trung Quốc chỉ đưa ra những chi tiết mơ hồ về việc giam giữ hai người Canada, và không đề cập gì về mối liên hệ trực tiếp với vụ bắt giữ bà Mạnh.
Bắc Kinh đã yêu cầu Canada trả tự do cho bà Mạnh và đe dọa sẽ có hậu quả nếu Canada không làm theo yêu cầu này.
Canada nhiều lần nói rằng họ không thấy có mối liên hệ rõ ràng nào giữa vụ bắt giữ bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei, với việc giam giữ ông Kovrig và Spavor.
Nhưng các nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh và các nhà cựu ngoại giao Canada khẳng định họ không nghi ngờ gì về việc hai vụ này có liên quan với nhau.
Canada nói rằng vụ hai công dân của họ bị giam giữ là điều không thể chấp nhận được, trong khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói Trung Quốc nên phóng thích những người này.
Theo luật tố tụng hình sự của Trung Quốc, các hình thức giam giữ và thẩm vấn đặc biệt có thể được áp dụng đối với các nghi phạm về an ninh quốc gia.
Mặc dù có luật pháp, nhưng hệ thống tư pháp của nước này được kiểm soát chặt chẽ bởi Đảng Cộng sản cầm quyền.
Các nhóm nhân quyền nói rằng điều kiện trong các cơ sở giam giữ của Trung Quốc thường là cơ bản và có thể khắc nghiệt, thiếu đại diện và công bằng pháp lý làm tăng lo ngại về cách đối xử đối với các nghi phạm.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-nhung-nguoi-canada-bi-giam-giu-chac-chan-vi-pham-luat/4727033.html

Trung Quốc phản đối Mỹ

ra luật mới hậu thuẫn Đài Loan

Trọng Thành
Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng ngay từ những ngày đầu năm mới 2019. Hôm qua, 02/01/2019, bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên án Washington thông qua một đạo luật mới, cổ vũ cho việc siết chặt các quan hệ chính trị và an ninh với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn coi là vùng lãnh thổ ly khai.
Hôm qua, 02/01/2018, theo báo chí Trung Quốc, sau bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc « không loại trừ việc sử dụng vũ lực » để chống lại các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) đã mở họp báo. Phát ngôn viên Trung Quốc đã lên án Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á (Asia Reassurance Initiative Act – ARIA), vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn vào ngày cuối cùng của năm 2018.
Đối với Bắc Kinh, đạo luật này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc « Một nước Trung Quốc », can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, xâm phạm đến « lợi ích cốt lõi » của Trung Quốc, cũng như « tình cảm của nhân dân Trung Quốc ». Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi Washington không áp dụng các nội dung liên quan đến Đài Loan trong đạo luật ARIA, và xử lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng, để không ảnh hưởng đến « quan hệ Mỹ-Trung nói chung, hòa bình và ổn định hai bên bờ eo biển Đài Loan ».
Ngược lại, Đài Bắc ngay lập tức nhiệt liệt hoan ngênh Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á. Báo Đài Loan cho hay, trong bài diễn văn đầu năm mới, 01/01/2019, đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ, ông Stanley Kao (Cao Thạc Thái), đã ca ngợi quan hệ Mỹ-Đài tốt đẹp chưa từng thấy từ 40 năm nay. Đại diện Đài Loan hoan nghênh các điều khoản trong đạo luật, tái khẳng định sẽ siết chặt quan hệ song phương đặc biệt Mỹ-Đài về mọi mặt, kinh tế – thương mại, công nghệ – khoa học, Hoa Kỳ cũng bảo đảm sẽ hỗ trợ Đài Bắc về an ninh, quốc phòng.
Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á đặc biệt nhấn mạnh đến việc thường xuyên bán vũ khí phòng ngự cho Đài Loan, để Đài Bắc có đủ phương tiện « đề kháng trước các đe dọa trong hiện tại và tương lai từ phía Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ». Mục « Cam kết với Đài Loan » của đạo luật ARIA cũng yêu cầu tổng thống Mỹ khuyến khích các quan chức cao cấp Hoa Kỳ tới Đài Loan, thể theo luật mang tên « Taiwan Travel Act », được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 2/2018.
Đài Loan chỉ là một phần nhỏ của Đạo Luật Sáng Kiến Tái Bảo Đảm Châu Á. Đạo luật ARIA có mục tiêu chung là xác lập rõ chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « mở và tự do », ngăn chặn các mưu toan của Trung Quốc phá vỡ sự ổn định của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Trong chiến lược này, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và khối ASEAN được coi là các đối tác trụ cột.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190103-trung-quoc-cuc-luc-phan-doi-my-ra-luat-moi-hau-thuan-dai-loan

Hàn Quốc xác nhận tin

quyền đại sứ Bắc Triều Tiên ở Ý ‘đã bỏ trốn’

Cơ quan tình báo Hàn Quốc vừa thông báo với giới chức rằng quan chức ngoại giao tạm giữ quyền đại sứ của Bắc Hàn tại Ý đã bỏ trốn.
Thông báo này được đưa ra sau khi có tin không chính thức từ cuối năm 2018 rằng nhà ngoại giao phụ trách Đại sứ quán Bắc Hàn tại Ý đã xin tỵ nạn tại một nước Phương Tây chưa xác định.
Jo Song-gil, quyền đại sứ Bắc Hàn tại Rome, được cho là con trai hay con rể của một trong những quan chức cao cấp nhất ở Bắc Hàn.
Tin tặc lấy được dữ liệu của người đào tẩu Bắc Hàn
Bắc Hàn: Từ nạn nhân thành kẻ buôn người
Quan chức sứ quán Bắc Hàn ở VN làm gì?
Tình trạng ‘nô lệ Bắc Hàn’ ở châu Âu
Trước vụ việc này, nhà ngoại giao cao Bắc Hàn đào tẩu từ Anh là phó đại sứ ở London.
Năm 2016, ông Thae Yong-ho, phó đại sứ tại Anh, rời vị trí của mình và bỏ trốn cùng vợ và các con khỏi căn nhà ở khu Acton, London.
Phát biểu sau một cuộc họp báo của cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm thứ Năm ngày 3/1, ông Kim Min-ki, nghị sỹ, nói với các phóng viên:
“Nhiệm kỳ của quyền đại sứ Jo Song-gil kết thúc vào cuối tháng 11 năm ngoái và ông đã trốn khỏi khuôn viên đại sứ quán hồi đầu tháng 11.”
Vợ ông Jo được cho là đã bỏ trốn cùng ông.
Bộ Ngoại giao Ý cho BBC hay họ không có thông tin gì về một yêu cầu tỵ nạn của ông Jo.
Các nguồn tin ngoại giao nói lần cuối cùng phía Ý có tin của ông này là khi các quan chức nhận được một thông báo năm ngoái từ chính phủ Bắc Hàn cho biết ông Jo sẽ được thay.
Tờ báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo đưa tin ông Jo hiện đang ở “một nơi an toàn” cùng gia đình, theo một nguồn tin ngoại giao.
Kim Jong-un ‘thích chính sách Đổi Mới’ của VN
‘Bị hãm hiếp’ trong quân đội Bắc Hàn
Bộ đội Bắc Hàn vượt tuyến có giun 27cm
Ông Jo, 48 tuổi, chính thức là đại biện nhưng đã giữ chức quyền đại sứ ở Rome từ tháng 10/2017 sau khi Ý trục xuất đại sứ Mun Jong-nam để phản đối Bình Nhưỡng thử hạt nhân một tháng trước đó.
Phái đoàn ngoại giao của Bắc Hàn tại Ý là hết sức quan trọng đối với Bình Nhưỡng vì Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) có trụ sở ở Rome và Bắc Hàn thường xuyên gặp tình trạng thiếu lương thực.
Các nhà ngoại giao Bắc Hàn ở nước ngoài thường phải để lại một vài thành viên gia đình ở Bình Nhưỡng để ngăn tình trạng đào tẩu.
Nhưng ông Jo được cho là đã ở Rome cùng vợ con, hàm ý có lẽ ông xuất thân từ một gia đình có ảnh hưởng.
Cán bộ ngoại giao Hàn Quốc ở nước ngoài được cho là bị theo dõi rất chặt chẽ bởi các đồng nghiệp nhằm phát hiện các dấu hiệu không trung thành với nhà nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46746513

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.