Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 28/01/2019

Monday, January 28, 2019 3:51:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 28/01/2019


Bộ trưởng quốc phòng Úc:


Bắc Kinh gây lo lắng ở Biển Đông


Bộ trưởng Quốc phòng Úc vừa đưa ra một số tuyên bố mạnh mẽ nhất về những nỗ lực của nước ông tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có chỉ trích Trung Quốc gây “lo lắng” bằng những hành động của họ ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Fullerton tại Singapore hôm thứ Hai 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne nói rằng Bắc Kinh nên sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để tạo dựng niềm tin và sự tự tin trong khu vực.

Ông Pyne nói: “Ví dụ, việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã không làm tăng niềm tin của khu vực đối với các ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Ngược lại, nó gây lo lắng.”

Tuy nhiên ông Pyne cũng nhấn mạnh rằng Úc không tìm cách ngăn chặn Trung Quốc.

Phát biểu của nhà lãnh đạo quốc phòng Úc được đưa ra khi mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đang căng thẳng sau vụ Trung Quốc bắt giữ nhà văn người Úc gốc Hoa Dương Hằng Quân vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Ông Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, được báo South China Morning Post trích lời, nói rằng những bình luận của Pyne đã là một biểu hiện “cứng rắn” và “cân bằng” về lợi ích của Úc trong khu vực.

Ông Medcalf nói: “Tuyên bố đó thể hiện sự tự tin và quyết đoán mới của Úc trong việc bảo vệ lợi ích khu vực của mình, nhưng không đi theo hướng khiêu khích. Các tuyên bố đó không đụng đến vấn đề hệ thống chính trị của chính Trung Quốc hay cách đối xử với dân chúng. Trên hết, nó xác nhận rằng Úc rất nghiêm túc về bước tiến của mình ở Thái Bình Dương, đồng thời vươn ra Ấn Độ Dương.”

Ông Pyne, người đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vào tuần trước ở Bắc Kinh, nói rằng Úc đang tăng cường tham gia để đảm bảo rằng khu vực tiếp tục rộng mở, mạnh mẽ, tự do và không bị ép buộc.

Trong bối cảnh đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia Thái Bình Dương ngày càng tăng, Canberra đã bắt đầu phát triển căn cứ hải quân trên đảo Manus, Papua New Guinea, tăng cường chi tiêu quân sự và tăng cường hợp tác an ninh với các nước như Vanuatu và Fiji.

Nhưng ông Pyne cũng nói rằng Úc không muốn kiềm chế Trung Quốc, và cảnh báo không nên xem sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington là một cuộc chiến tranh lạnh mới.

(SCMP, Philstar.com)



Bản tin Biển Đông ngày 25/01/2019


Tàu hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan

Ngày 25/1, hãng NHK của Nhật Bản đưa tin, hai chiếc tàu của Hải quân Mỹ là USS McCampbell và USNS Walter S. Diehl đã đi qua eo biển Đài Loan trong một động thái nhằm thu hút sự chú ý của Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung về vấn đề thương mại và Biển Đông. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, việc qua lại của các tàu này là thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, khẳng định Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép.

Mỹ đầu tư vũ khí giúp Thủy quân lục chiến trong cuộc chiến tên lửa tại Biển Đông

Ngày 25/1, trang Business Insider đưa tin, Thủy quân lục chiến của Mỹ đang phát triển một khái niệm mới về chiến tranh hải quân nhằm cho phép lực lượng này chiếm các đảo ở Biển Đông từ tay Bắc Kinh nếu xảy ra một cuộc chiến tên lửa lớn ở Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên thực tế tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng ở Biển Đông, thậm chí gần đây một đô đốc của Trung Quốc còn kêu gọi đánh chìm tàu sân bay Mỹ, Mỹ tiếp tục cam kết theo dõi việc Trung Quốc chiếm đóng các cấu trúc ở Thái Bình Dương, và theo đó, Mỹ đang lên kế hoạch chiến tranh để đứng vững trước các lực lượng tên lửa và quân đội đang lớn mạnh của Trung Quốc. Theo Thiếu tướng Thủy quân lục chiến Mỹ David Coffman, việc chiếm các đảo của Bắc Kinh là trọng tâm của kế hoạch này. So sánh tương quan lực lượng, ví Trung Quốc là con voi, Mỹ là cá voi, tướng Coffman cho rằng sẽ đến lúc cường quốc hàng hải Mỹ phải bước vào một cuộc cạnh tranh quyền lực chống lại một cường quốc bá quyền đất liền với lợi thế sân nhà, một con cá voi chống lại một hoặc hai con voi. “Trong cuộc chiến lâu dài đó, sự vượt trội về hải quân là cần thiết nhưng sẽ không đủ để cá voi có thể đánh bại cả con voi”. Nói cách khác, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ không thể chiến thắng nếu chỉ với lực lượng hàng hải, cần phải có đất liền chiếm từ Trung Quốc thông qua một cuộc tấn công lớn bằng tên lửa. Giải pháp do Trung tướng Brian Beaudreault của Mỹ đưa ra là trang bị pháo cho các tàu vận tải nhỏ và kể cả các tàu khu trục và tàu tuần dương trong đội hình chiến đấu. Theo tướng Brian Beaudreault, “mọi con tàu đều phải là tàu chiến để có thể tự bảo vệ mình, có khả năng tấn công và đáp trả các mối đe dọa đang nhắm tới”.

Theo MSN ngày 25/1, Tư lệnh quân đội Mark Esper cho biết, trong trường hợp nổ ra xung đột mà Hải quân Mỹ không thể tiến vào Biển Đông bởi sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Quốc hoặc vì một lý do nào đó, quân đội Mỹ cần có một khẩu pháo có thể bắn trúng tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông từ khoảng cách xa 1000 dặm. Điều này sẽ bảo đảm cho Mỹ có thể đánh bại Trung Quốc mà không bị mục tiêu bắn trả.


0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.