Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 02/08/2018

Thursday, August 2, 2018 7:21:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 02/08/2018


Trung Quốc muốn tập trận với ASEAN ở Biển Đông


mà không có Mỹ


Trung Quốc muốn tập trận quân sự và thăm dò năng lượng với các quốc gia Đông Nam Á trong vùng biển tranh chấp, nhưng không có sự tham gia của các quốc gia bên ngoài khu vực. Đây được coi là một động thái mà giới phân tích cho rằng Bắc Kinh muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông.

Trong văn bản dự thảo đàm phán COC mà hãng tin AFP đọc được cho thấy Bắc Kinh muốn Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN nên thường xuyên thực hiện các cuộc diễn tập quân sự chung, tuy nhiên những cuộc tập trận này không nên liên quan đến các nước bên ngoài khu vực “trừ khi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối.”

Bà Hoàng Thị Hà thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, nói với AFP rằng “đề xuất loại trừ các quốc gia bên ngoài rõ ràng là nhắm vào Hoa Kỳ đã thống trị vùng biển Tây Thái Bình Dương và Biển Đông nói riêng”.

Bằng cách đề xuất các cuộc diễn tập quân sự chung, Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp cho thế giới rằng ASEAN và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau và mọi thứ đang tiến triển tốt, do đó không cần sự tham gia từ bên ngoài vào vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh cũng cho rằng Trung Quốc và ASEAN có thể tiến hành thăm dò dầu khí chung nhưng một lần nữa đề xuất loại trừ các công ty nước ngoài.



ASEAN, TQ đồng ý ‘cột mốc quan trọng’


về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông


Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã đạt “một cột mốc quan trọng” trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông khi thông qua một văn kiện làm cơ sở cho các cuộc đàm phán tương lai, Ngoại trưởng Singapore cho biết hôm 2/8.

Hãng tin Reuters trích lời bà Vivian Balakrishnan, Ngoại trưởng Singapore cho biết: “Tôi vui mừng thông báo một cột mốc quan trọng khác trong tiến triển của Bộ Quy tắc Ứng xử COC (trên biển). Bà Vivian cho biết như trên vào đầu cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao khu vực và Trung Quốc hôm 2/8.

“Các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) và Trung Quốc đã đạt được một bản dự thảo COC, vẫn còn đang tiếp tục chỉnh sửa để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai.”

Hãng tin Reuters đã được xem qua bản dự thảo tuyên bố chung của 10 nước thành viên ASEAN, trong đó có đề cập đến một thỏa thuận an ninh mạng với Nga.

Bản tuyên bố chung có nhắc lại cam kết của ASEAN đối với một hiệp ước thương mại đầy tham vọng được Trung Quốc hậu thuẫn, sẽ được các bộ ngoại trưởng ASEAN công bố vào ngày 4/8 khi kết thúc cuộc họp quy tụ các nhà ngoại giao hàng đầu của ASEAN tại Singapore.



VN-TQ Sẽ Hải Chiến?


Trần Khải

Có nhiều suy đoán từ giới bình luận quốc tế cho thấy trận chiến sắp tới tại Biển Đông sẽ là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bởi vì tình thế sẽ tới chỗ VN không thể nhường nhịn thêm nữa, và khi căng thẳng hơn có nghĩa là sẽ có một giây phút tình cờ làm bùng phát một trận hải chiến.

Tạp chí Task & Purpose ghi nhận rằng Hải quân Hoa Kỳ và một số đồng minh khu vực Biển Đông của Mỹ nhận thấy làn sóng phát thanh cảnh cáo do Trung Quốc đưa ra quanh Trường Sa ngày càng dày đặc, và kèm theo ngôn ngữ cứng rắn, hăm dọa.

Cùng lúc gần đây TQ sử dụng nhiều kỹ thuật quốc phòng ở Biển Đông, tập trận kỹ thuật gây nhiễu sóng, phi đạn địa-đối-không, phi đạn đạn đạo chống tàu chiến, và ngay cả chiến đấu cơ hạng nặng. Và do vậy, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis trong tháng 7/2018 tố cáo TQ “hăm dọa và cưỡng ép” các tuyến hải hành Biển Đông.

Tạp chí Foreign Brief đưa ra tiên đoán rằng chiến lược đường biển của VN sẽ gây căng thẳng với TQ, và có thể dẫn tới nhiều nước lớn vào can thiệp. Trước tiên là Ấn Độ bày tỏ sẵn sàng vào Biển Đông, đã hứa cho VN vay 500 triệu đôla, bán thêm vũ khí cho VN trong khi cùng tập trận, huấn luyện, bảo trì tàu biển cùng với VN trong chiến lược Hướng về năm 2020 của VN (‘Vietnam’s Maritime Strategy Toward the Year 2020’).

Báo này nói VN đang lặng lẽ tăng cường hải lực: vào năm 2017, có 13 tàu cá kiêm du kích hải thuyền (13 fishing militia boats) yểm trợ cho hơn 3,000 ngư dân đánh cá gần Hoàng Sa, trong khi gần 10,000 ngư dân và 2,000 tàu cá ở tỉnh Khánh Hòa đã nhận súng và ống nhòm đêm.

Tuy nhiên, nếu báo Foreign Brief dựa vào các con số chính thức của quân đội CSVN thì có thể sẽ nhầm, bởi vì các quan chức CSVN tới điểm thi của học trò còn cộng nhầm, huống gì là tàu cá, tàu du kích biển…

Trong khi đó, một bản tin độc quyền của VOA cho biết Việt Nam đã ‘đặt mua’ gần 100 triệu đôla vũ khí Mỹ.

Nghĩa là gì? Khi mua vũ khí, nghĩa là sẽ đưa lính sang Mỹ để được huấn luyện sử dụng và học bảo hành vũ khí. Nghĩa là, quân đội CSVN ngày càng thân với Mỹ hơn.

VOA ghi rằng một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ mới khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.

Khi được hỏi liệu các loại vũ khí Việt Nam mới đặt mua có phải dùng vào mục đích bảo vệ chủ quyền lãnh hải, nhà ngoại giao này nói: “Chúng tôi không thể thảo luận chi tiết các vụ mua bán quân sự tiềm năng hoặc đang chờ xử lý trước khi chúng được thông báo cho Quốc hội”.

Quan chức này nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam hiện có 24 trường hợp trong chương trình Mua bán Quân sự Nước ngoài với tổng trị giá là 69,7 triệu đôla”.

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, các vụ này đã được thông báo cho Quốc hội Mỹ và đang trong các giai đoạn khác nhau để triển khai và chuyển giao cho Việt Nam.

Đây là xác nhận đầu tiên của phía Washington kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama năm 2016 thông báo rằng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chào bán “máy bay, tên lửa” với quan chức chủ nhà ở Hà Nội.

Trong khi đó, một bản tin RFI cho biết Hải quân Trung Quốc vào tháng 9 tới sẽ cùng với 26 quốc gia khác tập trận chung ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Úc, theo thông báo của bộ trưởng Quốc Phòng Úc Marise Payne hôm  01/08/2018, được nhật báo Anh Financial Times trích dẫn. Sau một thời gian căng thẳng, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh có thể hòa dịu trở lại.

Trung Quốc đã từng tham gia các cuộc thao dượt quân sự khác của Úc, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận diễn ra 2 năm một lần này. Các cuộc diễn tập quân sự kéo dài đến giữa tháng 9 ở vùng biển ngoài khơi cảng Darwin, trong đó có sự tham gia của đồng minh chủ chốt là Hoa Kỳ. Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã loại Trung Quốc khỏi cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC để đáp lại việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.

Quan hệ giữa Úc với Trung Quốc cũng đang căng thẳng kể từ khi Canberra thông qua một số luật nhằm ngăn chận ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các vấn đề nội bộ của Úc, đồng thời Canberra đã kịch liệt chỉ trích những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông. Chính phủ Úc cũng ủng hộ các cuộc tuần tra của chiến hạm Mỹ bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.

Khi thông báo Trung Quốc sẽ tham gia tập trận chung, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Maryse Payne tuyên bố là Canberra muốn duy trì một «mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung».

RFI ghi lời ông Malcom Davies, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, trên tờ Financial Times, việc Canberra mời hải quân Trung Quốc tham gia tập trận chung không có nghĩa là Úc bỏ đồng minh Hoa Kỳ để ngả về phía Bắc Kinh. Còn nhà phân tích Euan Graham, thuộc Viện Lowy, thì nhận định việc Canberra không làm giống như Mỹ (tức là loại Trung Quốc ra khỏi tập trận đa quốc gia) là «một tiến triển tích cực».

Một bản tin RFA cho biết Tâp đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam) vừa ký thỏa thuận mua bán khí đốt với hai công ty Nhật Bản.

Hãng tin Reuters loan tin vào ngày 1 tháng 8 dẫn thông cáo của PetroVietnam rằng thỏa thuận được ký kết tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 7. Theo PetroVietnam thì đây là một đóng góp đáng kể nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

Trong khi đó một quan chức ẩn danh của PetroVietnam phát biểu với Reuters rằng tiến triển của dự án mỏ khí đốt với thỏa thuận như vừa nêu cũng được cho là quan trọng khi mà hoạt động thăm dò và sản xuất trong những năm gần đây bị giảm sút bởi căng thẳng tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông; cũng như công cuộc chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam và dầu thô thế giới tiếp tục xuống giá.

Việt Nam đang phải chật vật duy trì sản lượng dầu thô vào khi sản xuất tại một số mỏ chính suy sút và áp lực liên tục từ phía Trung Quốc tác động đến một số dự án của Việt Nam tại Biển Đông.

PetroVietnam vào tháng tư vừa qua cũng thừa nhận căng thẳng với Trung Quốc sẽ làm phương hại hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trong năm nay.

Trước đó vào tháng 3, Hà Nội phải yêu cầu Công ty Năng lượng Repsol của Tây Ban Nha ngưng tiến hành dự án ngoài khơi Việt Nam do áp lực từ Trung Quốc. Sang tháng 5, một chi nhánh của Tập đoàn Dầu Khí Rosneft của Nga bày tỏ quan ngại hoạt động khoan thăm dò tại vùng biển Việt Nam có thể làm Bắc Kinh nổi giận.

Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ muốn Hoa Kỳ cứng rắn hơn ở Biển Đông.

Bản tin VOA ghi là, trước những hành động ngày càng quả quyết của Trung Quốc để củng cố vị thế trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật, bắt đầu với việc chuyển từ thế trung lập trong các tranh chấp sang chống đối đòi hỏi chủ quyền thái quá của Bắc Kinh, theo kiến nghị của các quan chức Mỹ cũng như các nhà nghiên cứu.

Đề xuất được đưa ra tại Hội thảo thường niên lần thứ 8 về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức vào cuối tháng Bảy năm 2018.

VOA ghi rằng:

“Tình hình đó đòi hỏi Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận: chuyển hướng từ sự ‘kết hợp giữa can dự và cạnh tranh’ sang ‘đối đầu’, dân biểu Ted Yoho, chủ tịch của tiểu bang châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đề xuất trong bài diễn văn chủ đề của ông tại hội thảo của CSIS.”

Hải chiến hay không? Có vẻ như VN đang chuẩn bị… trong thế yếu… Biển Đông khó vậy…

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.