Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 02/08/2018\

Thursday, August 2, 2018 7:33:00 PM // ,

Kết quả hình ảnh cho ngày nhân quyền

Kẻ thù của nhân quyền :

Chủ trương quốc gia trên hết

Thời sự trong nước với khủng hoảng tại hãng hàng không Air France, do bãi công và không có lãnh đạo từ ba tháng nay, là tiêu điểm trang nhất của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Về thời sự quốc tế, nhân quyền là một chủ đề chính của Le Monde, vào dịp sắp tròn 70 năm ngày Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Trang nhất Le Monde dẫn lời cảnh báo của cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về chủ nghĩa độc đoán gia tăng, tình trạng nhân quyền xấu đi ở khắp nơi trên hành tinh. Cũng Le Monde có bài nhận định « Nhân quyền bị các lãnh đạo độc tài thách thức ».
Nhà báo Marie Bourreau, tác giả bài viết, nhấn mạnh là dịp kỉ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời sắp tới không có gì là « huy hoàng » cả, bởi các quyền tự do căn bản của con người – « lý tưởng chung » mà mọi cộng động, mọi dân tộc đều hy vọng hướng đến – trên thực tế đang bị đe dọa bởi « các lãnh đạo hùng mạnh » của nhiều quốc gia, từ Nga đến Mỹ, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Philippines hay Hungary, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Dù khác biệt đến đâu, các lãnh đạo độc tài cũng có một đặc điểm chung, là thể hiện như những người hùng bảo vệ cho « trật tự », « an ninh », chống « khủng bố », « bạo lực », nhưng lại hạ thấp việc bảo vệ các cá nhân chống lại các hành động lạm quyền từ phía Nhà nước.
Trong bối cảnh lý tưởng về nhân quyền bị tấn công khắp nơi, tình hình tại Hoa Kỳ là hết sức đáng lo ngại. Với chủ trương « Nước Mỹ trên hết », tổng thống Donald Trump từ chối đưa ra quan điểm về nhân quyền tại một quốc gia khác, đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi những thỏa ước quốc tế bảo vệ nhân quyền, như thỏa ước về quyền nhập cư hợp pháp, cấm công dân sáu quốc gia Hồi Giáo nhập cảnh Hoa Kỳ. Một quyết định bị công luận trong và ngoài nước phản đối dữ dội.
Lên án đương kim tổng thống Mỹ, Le Monde cũng lật lại những cội rễ của thái độ « khinh bỉ » nhân quyền trong lịch sử chính trị Mỹ, đặc biệt với tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, Adrew Jackson, nổi tiếng với quan điểm dân túy về đối nội, và chủ nghĩa biệt lập (isolationisme) trong chính sách đối ngoại.
Theo một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc, chủ trương phớt lờ nhân quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã cổ vũ nhiều lãnh đạo, vốn đã độc tài, càng thêm độc đoán hơn. Quyết định tai hại gần đây nhất của Hoa Kỳ là rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở ở Genève. Hội Đồng Nhân Quyền là một định chế vốn không có gì là hoàn hảo cả, nhưng đây cũng là một « công cụ » buộc nhiều quốc gia phải nỗ lực hơn trong lĩnh vực này.
Nhân quyền lâm vào « thế phòng ngự »
Nhà báo Le Monde cũng ghi nhận một hiện tượng là, chính các lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, từ cựu tổng thư ký Ban Ki Moon đến đương kim tổng thư ký Antonio Guterres, đều đứng trước các áp lực rất lớn. Phải đến hơn nửa năm sau khi nhậm chức (tức cho đến tháng 12/2017), tân lãnh đạo Liên Hiệp Quốc mới tuyên bố rõ ràng sẽ đặt nhân quyền làm « cốt lõi » trong chính sách của ông. Tuy nhiên, công chúng vẫn trông đợi các hành động cụ thể.
Theo một nhà ngoại giao khác, hệ thống bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hiện nay đang « sụp đổ từng mảng một », với việc nhiều quốc gia rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, án tử hình được thiết lập lại ở một số nước, công tác bảo vệ nhân quyền trong các hoạt động gìn giữ hòa bình bị thu hẹp, hay chính quyền các nước nhân danh chống khủng bố để tăng cường đàn áp dân chúng…
Một nhận xét khác cũng được nhiều người chia sẻ, đó là trong bối cảnh hoạt động nhân quyền đang bị sói mòn, cùng với sự trở lại của nhiều cường quốc trên bàn cờ chính trị thế giới, như Nga, Trung Quốc, hay khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Ai Cập…, Liên Hiệp Quốc hiện nay lâm vào « thế phòng ngự », với việc cố gắng bảo vệ những gì được coi là « thành quả », như quyền phụ nữ, quyền trẻ em. Rất khó đạt được các tiến bộ trong các lĩnh vực khác.
Theo tác giả bài viết, dịp kỉ niệm 70 năm Tuyên Bố Quốc Tế Nhân Quyền tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 tới, được tổ chức như thế nào sẽ là « một chỉ dấu quan trọng » cho thấy thực trạng của cuộc chiến vì nhân quyền hiện nay.
Nhà nước cũng có nguy cơ trở thành « tổ chức khủng bố »
Cũng về nhân quyền, cao ủy về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Al-Hussein, trong bài trả lời phỏng vấn Le Monde, chia sẻ nhiều suy nghĩ. Cao ủy về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý công chúng là, đừng nên vì sự tồn tại của nhiều nhóm khủng bố cực đoan mà đánh giá thấp vai trò lớn lao của Nhà nước. Bởi chính các Nhà nước mới có đủ tiềm năng để hủy diệt hành tinh, chứ không phải các nhóm cực đoan. Trong cuộc chiến chống khủng bố phải tôn trọng nhân quyền, phải hành xử theo luật pháp, nếu không, một Nhà nước cũng có nguy cơ trở thành một tổ chức khủng bố.
Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cảnh báo là : Hôm nay thả lỏng cho các xâm phạm nhân quyền, ngày mai sẽ phải gánh lấy xung đột.

Afghanistan :

Hoa Kỳ « đối thoại trực tiếp » với Taliban

Về thời sự châu Á, cũng Le Monde có bài nhận định về việc Hoa Kỳ bắt đầu khởi sự « đối thoại trực tiếp » với quân nổi dậy Taliban tại Afghanistan. Tờ báo đặt câu hỏi : Nếu xu thế này là có thực, thì phải chăng đây là một khởi đầu cho bước ngoặt chính sách của Hoa Kỳ tại Afghanistan, quốc gia được coi là nằm ở vị trí ngã tư chiến lược của lục địa châu Á ?
Theo Le Monde, một số cuộc gặp đã được tổ chức trong tháng 7, tại Doha, Qatar, giữa một phái đoàn cấp cao của Mỹ với các đại diện Taliban. Một cuộc gặp tới dự kiến vào ngày 24/08. Nếu xu hướng này được khẳng định, vấn đề sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Á này lần đầu tiên sẽ được đặt ra.
Đợt ngừng bắn mới đây mang lại nhiều hy vọng. Hôm 31/07, người phát ngôn chính quyền Kabul tuyên bố giải pháp bền vững cho hòa bình tại Afghanistan phải  do chính người Afghanistan quyết định với nhau.
Tuy nhiên, vấn đề hòa bình cho Afghanistan hiện nay còn phụ thuộc vào hàng loạt các cường quốc trong vùng, đặc biệt là Nga, Trung Quốc và Pakistan. Một hội nghị tay ba, Afghanistan, Pakistan và Trung Quốc được tổ chức đầu tuần này tại Bắc Kinh. Nga sẽ tổ chức một hội nghị khác vào cuối tháng, với khách mời là Taliban, và hy vọng có sự tham gia của Mỹ.
Pakistan là một ẩn số quan trọng. Bởi đầu não của quân Taliban hiện trú đóng trên lãnh thổ Pakistan. Cho đến nay, phe quân sự Pakistan vẫn chủ trương không ủng hộ các lãnh đạo Taliban nào muốn thương lượng trực tiếp với chính quyền Kabul, nhằm duy trì khả năng chi phối quốc gia láng giềng. Việc Pakistan có thủ tướng mới có thể dẫn đến việc Islamabad thay đổi chính sách cứng rắn này, mở đường cho các phe phái Afghanistan hòa giải.
Tuy nhiên, một hiểm họa khác đe dọa Afghanistan là mâu thuẫn sắc tộc. Việc Taliban trở lại bàn cờ chính trị có nguy cơ làm « gia tăng rạn nứt sắc tộc ». Quân nổi dậy Taliban đa số thuộc sắc tộc Pachtun sẽ làm cho phe Pachtun của tổng thống Ghani có thêm sức mạnh, đẩy sắc tộc Tadjik vào thế yếu. Rất có nguy cơ Afghanistan lâm vào một nội chiến mới.

Bắc Triều Tiên « ngoại giao hài cốt »

Về Bắc Triều Tiên, hồ sơ phi hạt nhân hóa không mấy nhúc nhích trong lúc việc trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên được quảng bá rầm rộ. Về vấn đề này, Le Monde có một cái nhìn châm biếm, với bài « Bắc Triều Tiên sử dụng ‘‘món ngoại giao hài cốt’’ với Washington ».
Nhận xét đầu tiên của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, khi biết tin 55 bộ hài cốt đã được đưa về, đó là chúng ta chưa thể biết được gì có trong đó. Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm. Đầu thập niên 1990, Bắc Triều Tiên đã trao trả cho Mỹ 208 bộ hài cốt, nhưng thực chất trong đó có phần còn lại của thi hài khoảng 400 người, và rút cục chỉ có 151 được xác nhận là của quân nhân Mỹ.

Lần đầu tiên Đức cấm Trung Quốc

 mua lại doanh nghiệp chiến lược

Báo chí Pháp hôm nay cũng dành nhiều bài để nói về kinh tế Trung Quốc.Trang nhất phụ trương kinh tế Les Echos cho biết hôm qua, thứ Tư 1/8, Đức cấm một công ty Trung Quốc mua lại xí nghiệp sản xuất máy công cụ Leifeld Metal Spinning, với lý do an ninh. Theo Les Echos, đây là lần đầu tiên Berlin trực tiếp đưa ra quyết định cấm. Xí nghiệp nói trên chuyên về chế tạo máy móc phục vụ trong ngành công nghiệp hạt nhân.
Hồi tuần trước, Đức đã ngăn chặn một công ty điện Trung Quốc mua lại cổ phần của một tập đoàn điện cao thế Đức. Tuy nhiên, không bằng cách cấm, mà là Nhà nước bỏ tiền ra mua lại 20% cổ phần doanh nghiệp, đang bị Trung Quốc dòm ngó. Trung Quốc ngày càng bị coi là một mối đe dọa với nền công nghiệp Đức. Cách nay hai năm, việc công ty sản xuất robot công nghiệp Kula bị Trung Quốc mua lại làm chấn động nước Đức.
Bắc Kinh giảm lĩnh vực kinh doanh bị quản lý chặt
Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang siết chặt kiểm soát đối với phần đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán tại Trung Quốc. Theo Les Echos, có thể coi đây là một phản ứng trả đũa của Bắc Kinh trước việc hoạt động mua bán cổ phần của nhiều công ty Trung Quốc ở châu Âu trong các lĩnh vực « chiến lược » bị ngăn chặn. Tuy nhiên, báo kinh tế Pháp lưu ý đến một nghịch lý là, các biện pháp siết chặt quản lý nói trên lại đi kèm với việc Bắc Kinh nới lỏng các lĩnh vực kinh tế bị quản lý chặt, từ 63, còn 48 lĩnh vực, với mục tiêu thu hút đầu tư.
Dù sao, đối với giới kinh doanh hoạt động tại Trung Quốc, thì nền kinh tế nước này vẫn thuộc loại « khép kín nhất thế giới ». Theo một điều tra của Phòng Thương Mại Châu Âu, các doanh nhân liên tục phàn nàn về các điều kiện làm việc tồi tệ, giao thiệp qua internet bị cản trở, nhiều quy định bất công.
« Kinh Tân » : Ảo ảnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Nền kinh tế thứ hai thế giới gây nhiều hy vọng và ảo ảnh. Le Figaro có bài phóng sự về «Thành phố Kinh Tân (Jing Jin City), ảo ảnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc ». Thành phố được xây mới hoàn toàn từ năm 2003, cách Bắc Kinh 120 km, trên đường đến cảng biển Thiên Tân, với một tổ hợp biệt thự được coi là lớn nhất châu Á, với khoảng 8.000 ngôi nhà.
Có thể nói đó là một nơi ở lý tưởng cho tầng lớp trung lưu bậc trên, với những căn hộ hết sức rộng rãi, nhiều sân golf, trung tâm thương mại cao cấp… Tuy nhiên, thành phố có khả năng tiếp nhận 300.000 dân này hiện tại vẫn là một « đô thị ma ». Thành phố Kinh Tân chỉ là một trong số rất nhiều đô thị ma mọc lên như nấm tại Trung Quốc từ những năm 2000 đến nay. Các thành phố ma ở Trung Quốc là hậu quả của chính sách xây dựng mang tính áp đặt, không dựa trên nhu cầu thực sự của người dân.
Theo các chuyên gia, một số dự án trong đó là không thể cứu vãn. Gần đây, có vẻ như chính quyền Trung Quốc dè dặt hơn với các dự án khổng lồ. Nhưng ngay hồi năm ngoái, đích thân chủ tịch Trung Quốc đã đứng ra quảng bá cho một thành phố mới cách Bắc Kinh khoảng một trăm cây số về phía tây nam, dự kiến sẽ lớn hơn New York gấp ba lần.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Thái Lan yêu cầu Anh dẫn độ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. 
Trong thư đề ngày 05/07/2018 của sứ quán Thái Lan tại Luân Đôn gửi bộ Ngoại Giao Anh mà AFP có được hôm 02/08, chính quyền Thái Lan nêu rõ là họ biết bà Yingluck Shinawatra, đang cư trú ở Anh Quốc, và yêu cầu chính quyền Anh dẫn độ cựu thủ tướng Thái vì bà « bị truy lùng để thi hành bản án năm năm tù của Tòa Án Tối Cao ».
(AFP) – 55 bộ hài cốt lính Mỹ, chết trong chiến tranh Triều Tiên, đã về nước. 
Một buổi lễ đã được tổ chức ngày 01/08/2018 tại căn cứ Trân Châu Cảng, ở Hawai, với sự có mặt của phó tổng thống Mike Pence. Quá trình nhận dạng sẽ mất vài tháng, thậm chí là vài năm. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn lãnh đạo Bắc Triều Tiên giữ lời hứa và hy vọng sớm gặp lại Kim Jong Un.
(AFP) -Hàn Quốc gởi chiến hạm đến Libya sau khi công dân bị bắt cóc.
Seoul ngày 02/08/2018 loan báo điều một chiến hạm đến Libya, sau vụ một người Hàn Quốc và ba người Philippines làm việc tại một dự án thủy điện ở miền nam Libya bị bắt cóc vào đầu tháng Bảy. Tuần này, các nạn nhân xuất hiện trong một video trên mạng xã hội, với những người vũ trang canh giữ phía sau, tuy nhiên chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm. Từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ năm 2011, những người lao động ngoại quốc và đại diện ngoại giao tại Libya thường là mục tiêu của các vụ tấn công, và bắt cóc của các nhóm dân quân hay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
(AFP) – Đúng mùa cao điểm du lịch, Tháp Eiffel đóng cửa vì nhân viên đình công.
Tháp Eiffel đã đóng cửa vào chiều 01/08/2018 và tiếp tục không đón du khách vào ngày 02/08. Theo các nghiệp đoàn, nhân viên của tháp phản đối hệ thống bán vé mới được áp dụng, khiến tình trạng xếp hàng tại chỗ kéo dài đến vài giờ, giữa nắng nóng.
(AFP) -Nắng nóng trên 2/3 nước Pháp.
Ngày 02/08/2018, một phần ba nước Pháp phải chịu đựng nắng nóng kéo dài nhiều ngày, với 66 vùng đặt trong tình trạng báo động màu cam. Lần đầu tiên tại Nîmes ngưỡng 40 độ C đã bị vượt qua từ chiều 01/08, chỉ có vành ngoài vùng tây bắc nước Pháp tương đối mát hơn, dưới 35 độ C. Tình trạng nắng nóng sẽ còn kéo dài cho đến tuần tới. Bộ Y Tế Pháp báo động nguy cơ tử vong đối với người vô gia cư. Tòa Đô chính Paris thông báo từ tối nay sẽ cho mở cửa thêm nhiều công viên suốt đêm.
(AFP) -Sau vụ hỏa hoạn, Hy Lạp loan báo giải tỏa nhà xây bất hợp pháp. 
Chính phủ Hy Lạp ngày 01/08/2018 thông báo sẽ phá hủy khoảng 3.000 công trình xây dựng bất hợp pháp xung quanh Athens và cải thiện việc ngăn ngừa hỏa hoạn, sau vụ cháy đã làm ít nhất 91 người thiệt mạng tại Attique. Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền bị đối lập chỉ trích và sự phẫn nộ của thân nhân các nạn nhân. Thiệt hại nhân mạng lịch sử này được cho là do sức gió quá mạnh và nhà cửa xây dựng bừa bãi.
(AFP) -Maduro nhìn nhận thất bại của mô hình sản xuất Venezuela. 
Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro tối 31/07/2018 tại Đại hội Đảng Xã hội (PSUV) đã nhìn nhận : « Mô hình sản xuất mà chúng ta thử nghiệm cho đến nay đã thất bại, đó là trách nhiệm của chúng ta ».Chính phủ Venezuela đã quốc hữu hóa nhiều ngành kinh tế như xi-măng, thép, trưng thu hàng trăm công ty và huy động quân đội vào việc kiểm soát giá cả. Tuy nhiên lạm phát năm nay có thể lên đến một triệu phần trăm, còn GDP bị giảm mất 18%, sản lượng dầu thô ở mức thấp nhất kể từ 30 năm qua.
(AFP) – Chilê hạn chế du khách đến đảo Pâques do hệ sinh thái gặp nguy. 
Theo phát biểu trên truyền hình ngày 02/08/2018 của tổng thống Sebastian Pinera, mục đích là nhằm điều tiết hoạt động du lịch trên đảo Pâques (Phục Sinh) do dân số tăng theo sự phát triển của hoạt động du lịch và bất động sản khiến hệ sinh thái bị tác động. Hàng năm, đảo Pâques đón khoảng 116.000 du khách và có dân số là 7.750 người, trong đó 40% là người bản xứ.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.