Đọc báo Pháp – 22/06/2018
Cả thế giới ngộ nhận về Tập Cận Bình
Brexit hai năm sau, tiết lộ mới về Panama Papers, Cúp bóng đá thế giới 2018, ván bài đầy rủi ro của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khi cho bầu cử trước thời hạn, nghi vấn quan hệ giữa tổng thống Pháp Macron với một doanh nhân ở Lyon ; đó là quan tâm chính của các báo Paris hôm nay. Riêng nhật báo Les Echos đăng ảnh Tập Cận Bình với tựa lớn « Điều tra tại trung tâm quyền lực Trung Quốc », dành hẳn phụ trang cuối tuần mang tên « Mạnh hơn cả Mao Trạch Đông » cho chủ đề này.
Cả thế giới đều lầm lẫn về Tập Cận Bình
Trị vì không đối thủ, chiếm lĩnh trung tâm trật tự thế giới mới : từ một nhân vật ít được biết đến, Tập Cận Bình nay đã leo lên tột đỉnh vinh quang. Les Echos nhận định thế giới đã nhầm lẫn vô cùng lớn. Khi ông Tập lên làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2012, hầu hết các nhà bình luận phương Tây đều tỏ ra lạc quan. Người đàn ông phốp pháp luôn tươi cười có vẻ phúc hậu hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, hứa hẹn sẽ « tiếp tục tự do hóa tư tưởng ». Tập Cận Bình còn hướng về Hoa Kỳ, được coi như một dấu hiệu cởi mở.
Hơn nữa, từng lãnh đạo một tỉnh năng động về kinh tế, ông Tập có lẽ sẽ lắng nghe giới kinh doanh hơn. Tập Cận Bình được bầu lên với sự thỏa thuận của các phe phái trong đảng, và một nhà nghiên cứu ở Hồng Kông dự báo ông ta sẽ là « một nhà lãnh đạo rất yếu ». Và như vậy Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ tiếp tục xu hướng mở cửa ra thế giới, với một tổng bí thư ít có tiếng nói.
Một nửa thập niên sau, nhân vật số một Bắc Kinh đưa tên mình vào Điều lệ Đảng, một việc mà trước đó chỉ có Mao Trạch Đông mới dám làm. Rồi ông ta sửa đối Hiến Pháp để hóa giải điều khoản chủ tịch nước chỉ được làm tối đa hai nhiệm kỳ. Ở tuổi 65, Tập Cận Bình nay có thể ngự trị đến mãn đời. Kịch bản này cũng dễ hiểu vì suốt năm năm của nhiệm kỳ đầu, Tập Cận Bình tập trung vào việc tiêu diệt tất cả các đối thủ.
Đánh tan tác các đối thủ, đàn áp nhân quyền
Phe ông Giang Trạch Dân (chủ tịch nước 1993-2003) vốn cực mạnh, vô hiệu hóa được cả người kế nhiệm là Hồ Cẩm Đào, nay đã bị đánh cho tan tác với một chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu. Tương tự với các đại diện phe Đoàn thanh niên của ông Hồ Cẩm Đào.
Alex Payette, chuyên gia về Trung Quốc của trường đại học Toronto kết luận : « Lần này thì chẳng còn một mống nào đối kháng ». Ngay cả Quân ủy Trung ương cũng bị vùi dập. Một nhà phân tích khác nhận định : « Ngược với những lãnh đạo tiền nhiệm, Tập Cận Bình tấn công tứ phía, không chừa một ai. Việc gây ân oán với số lượng kẻ thù không đếm xuể như thế, có thể là lý do khiến ông ta muốn cầm quyền đến trọn đời ».
Hy vọng về một Trung Quốc mở cửa và tự do hóa chính trị tắt ngấm. Báo chí và các tổ chức phi chính phủ bị đàn áp, các chiến dịch thô bạo chống lại các nhà đấu tranh nhân quyền, áp lực ngày càng tăng đối với các luật sư và giới nghệ sĩ, khóa chặt internet, ám ảnh trước các « thế lực thù địch bên ngoài »… « Mỗi năm, Bạch thư của các Phòng thương mại nước ngoài tại Trung Quốc càng dày thêm » - một nhà kỹ nghệ ghi nhận « một không khí nghi ngại tăng lên thấy rõ ». Nhất là theo dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2024.
Trung Quốc, trung tâm của trật tự thế giới mới ?
Sau giấc mơ hoa, các nước phương Tây dần thức tỉnh. Khi thượng đỉnh G7 cách đây hai tuần thất bại, thì Tập Cận Bình tươi cười với vai trò người cầm trịch hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, bên cạnh tổng thống Nga Putin, tổng thống Iran Rohani, thủ tướng Ấn Độ Modi, châu Âu mới muộn màng nhận ra thế giới đang hướng về phía Bắc Kinh. Mọi người cũng thống nhất với ý kiến chính Trung Quốc mới là kẻ thắng lớn trong cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong Un.
Thế nên người ta mới đặt lại câu hỏi : rốt cuộc Tập Cận Bình là người như thế nào, mà qua mặt được tất cả mọi người lúc ban đầu ? Ông ta định làm những gì cho Trung Quốc ? Và nhất là, ông Tập còn đi đến đâu trong việc nắm chặt trong tay nền kinh tế thứ nhì thế giới ?
Một điều chắc chắn : Tập Cận Bình thuộc « thái tử đảng ». Người cha là Tập Trọng Huân, ủy viên trung ương bị tống vào tù thời Cách mạng văn hóa lúc Tập Cận Bình mới 9 tuổi. Bản thân ông bị đưa về nông thôn lao động chân tay năm 15 tuổi. Một trong những nghịch lý là thay vì căm ghét đảng Cộng Sản, thời kỳ gian khổ này lại củng cố quyết tâm của Tập Cận Bình phải ngoi lên nắm cho được đỉnh cao quyền lực. Ông chịu đựng chín lần thất bại, trước khi lại trở thành quan chức lớn trong bộ máy đảng.
Tác giả François Bourgon cho rằng : « Sai lầm thứ nhất của phương Tây là nghĩ rằng thời kỳ khủng hoảng này khiến Tập Cận Bình trở thành người chỉ trích bộ máy cầm quyền ».
« Make China great again », nhưng Trung Quốc sẽ đi về đâu ?
« Giấc mộng Trung Hoa » của Tập Cận Bình vẫn còn mơ hồ, nhưng ý tưởng trung tâm là sự hồi sinh tinh thần dân tộc. Chuyên gia Bruno Gensburger bình luận : « Đó là một loại ‘Make China great again’ ». Alex Payette phân tích : « Thế hệ trẻ biết rằng những cơ hội của thời kỳ cải cách kinh tế quy mô đã qua rồi ». Để thúc đẩy sự phục hưng, ông Tập khai thác lịch sử đất nước, biến chế độ mới được khai sinh từ năm 1949 trở thành người kế thừa xứng đáng của một câu chuyện nghìn năm tuổi.
Pha trộn những câu của Mao với các ngạn ngữ truyền thống, Tập huy động các tác giả tên tuổi cho sự nghiệp này, và mỗi lần phát biểu trước công chúng đều trích các « điển tích ». Lão Tử, Khổng Tử bỗng trở thành đồng minh của một chế độ từng phỉ báng mình. Khi nói lời chúc mừng năm mới âm lịch, Tập Cận Bình cho dàn dựng phía sau là một tủ sách gồm cả kinh thư cổ lẫn sách mác-xít. François Bourgon ghi nhận : « Đối với ông Tập, tương lai chính là quá khứ ».
Một cơ sở khác mà các nhà quan sát phương Tây ít chú ý, là khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, đảng Cộng Sản Trung Quốc đang trong cơn khủng hoảng. « Vào cuối nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào, từ ‘tham nhũng’ hãy còn quá nhẹ để mô tả việc quan chức từ thấp đến cao cướp bóc từ nền kinh tế để làm giàu ». Tài sản của gia tộc thủ tướng Ôn Gia Bảo được ước tính khoảng gần 3 tỉ đô la !
Cuộc chiến chống tham nhũng thô bạo của Tập Cận Bình là « nhất tiễn hạ song điêu » : vừa được lòng dân vừa mang lại tính chính đáng cho việc tập trung quyền lực. Tuy nhiên nó cũng tạo ra tâm lý sợ hãi. Một người dân Bắc Kinh cho biết : « Trong các bữa ăn tối, chẳng còn ai dám đề cập đến chính trị ».
Vấn đề còn lại, là một Trung Quốc toàn trị sẽ đi về đâu, có hội nhập được với thế giới ? Những người ngây thơ nhất nay cũng đã mở mắt : hai năm gần đây thái độ của châu Âu đối với Bắc Kinh đã dần dà thay đổi, khi Tập Cận Bình ngày càng rời xa những tiêu chuẩn chính trị của châu Âu, lái đất nước khổng lồ đi về hướng vô định.
Brexit, hai năm sau
Le Monde nhìn sang Luân Đôn, hai năm sau khi người dân Anh chọn lựa ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu với 51,9% phiếu thuận, vào ngày 23/06/2016. Những người ủng hộ Brexit vui mừng khi được « tự do », thoát khỏi « ách thống trị » của Bruxelles !
Hai năm sau, người Anh lại phát hiện sự gắn bó của họ với thị trường chung và liên minh hải quan. Nay thì thủ tướng Theresa May đề nghị được ở lại thêm hai năm nữa trong « địa ngục »châu Âu, đến năm 2023 mới kết thúc thời kỳ chuyển tiếp. Tuần báo The Economist số ra tuần này cho biết theo một trong những cơ quan thăm dò uy tín nhất là Peter Kellner, thì có đến 13/14 cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, đa số người dân Anh nhìn nhận việc ra khỏi châu Âu là sai lầm, và 28% cử tri Công đảng đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, nay nói rằng họ sẽ không làm như thế nữa.
Le Figaro đưa vấn đề này lên trang nhất, chạy tựa « Hai năm sau, Brexit vẫn trong màn sương mù » và trong bài xã luận đã than phiền « Thật là bát nháo ! » - nhại theo tựa của tờ báo rất nghiêm túc là Times « Merde, what a mess ! ». Tuy ly dị, nhưng muốn mọi việc vẫn như cũ, ít nhất là về thương mại : hai năm sau khi muốn giong buồm ra khơi xa, Anh quốc vẫn còn loanh quanh trên biển.
Liệu nếu đưa ra trưng cầu dân ý lại, kết quả có tương tự ? Tờ báo ghi nhận, từ đó đến nay có 1,2 triệu cử tri đã qua đời, trong khi có thêm 1,4 triệu cử tri trẻ đến tuổi đi bầu, mà giới trẻ hầu hết ủng hộ việc ở lại với châu Âu.
World Cup :
Nhiều khán giả đến « Vì đôi mắt xanh của Ronaldo »
Trên lãnh vực thể thao, Cúp bóng đá thế giới 2018 tại Nga cho đến nay diễn ra một cách suông sẻ. Bên cạnh những ghi nhận về đội tuyển Pháp và một số đội mạnh khác, còn có những bài viết về một cầu thủ nổi bật là Cristiano Ronaldo, mà theo Le Figaro là « đầu tàu » của World Cup kỳ này.
Le Monde quan tâm đến một khía cạnh khác : đó là người hâm mộ. Trong bài « Vì đôi mắt xanh của Ronaldo », tờ báo ghi nhận rất nhiều fan châu Á chỉ chú ý đến cầu thủ mang áo số 7 của đội tuyển Bồ Đào Nha. Tác giả của bốn bàn thắng trong hai trận, cây làm bàn 33 tuổi mang biệt danh CR7 thu hút mọi người.
Khán giả người Hoa hiện diện đông đảo tại sân vận động Loujiniki, nhưng còn có các fan người Việt, người Ấn. Chẳng hạn Mai Quỳnh và Khoa Nguyễn từ Hà Nội, đã sáng bừng mắt khi nghe nhà báo hỏi về cầu thủ này : « Chúng tôi đến đây vì Ronaldo mà thôi ».
Tin đọc nhanh
(Reuters) - Trung Quốc cảnh báo : Tranh chấp thương mại tác hại đến người Mỹ. Bộ Thương Mại Trung Quốc hôm nay, 21/06/2018, cảnh báo là hành vi “thất thường” của Mỹ trên vấn đề thương mại song phương, rốt cuộc chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân viên và nông dân Mỹ mà thôi. Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong cho biết là các vụ đàm phán trước đây với Mỹ có tính chất xây dựng, nhưng chính quyền Mỹ tỏ ra “bất thường”nên Bắc Kinh đã phải phản ứng mạnh, và nếu phía Mỹ công bố một danh sách mới hàng áp thuế, thì Trung Quốc sẽ đáp trả bằng những biện pháp mang tính chất vừa số lượng, vừa chất lương.
(Reuters) – Ấn Độ áp thuế hàng Mỹ. Bộ Thương Mại Ấn Độ vào tối hôm qua, 20/06/2018, cho biết đã tăng thuế trên một loạt hàng nhập từ Mỹ, bao gồm nông phẩm và kim loại, để trả đũa việc Washington áp thuế trên thép và nhôm. Trong những nông sản áp thuế có táo, quả hạnh, đậu, quả hồ đào. Ấn Độ, cũng như Trung Quốc và Châu Âu, đã đưa vấn đề ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới OMC.
(AFP) – Tổng thống Hàn Quốc thăm Nga. Hôm nay, 21/06/2018, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tới Nga gặp đồng nhiệm Vladimir Putin, trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao tiếp tục sôi động xung quanh hồ sơ Bắc Triều Tiên, đặc biệt từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên tại Singapore. Theo điện Kremlin, sẽ có nhiều thỏa thuận song phương được ký kết sau cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước vào ngày mai. Chuyến thăm Nga của tổng thống Moon Jae In kéo dài 3 ngày. Nhân dịp này, ông sẽ tới Rostov trên sông Đông, xem trận bóng Hàn Quốc gặp Mêhicô vào thứ Bảy.
(AFP) – Đài Loan thông qua luật giảm lương hưu trong quân đội. Quốc Hội ngày 20/06/2018 bỏ phiếu thông qua dự luật gây nhiều tranh cãi này. Đây là một thắng lợi của nữ tổng thống Thái Anh Văn. Từ khi lên cầm quyền bà luôn lưu ý công luận : giảm mức lương hưu và một số ưu đãi dành cho các quân nhân là một biện pháp “đau đớn nhưng cần thiết” tránh để hệ thống bảo hiểm bị sụp đổ và làm phương hại tới tài chính quốc gia.
(Reuters) – LHCA bắt đầu đánh thuế 25% trên hơn 3 tỷ đô la hàng Mỹ kể từ 22/06/2018. Đây là biện pháp trả đũa quyết định của Washington, áp thuế trên nhôm và thép nhập từ Liên Hiệp Châu Âu kể từ 01/06. Theo danh sách chi tiết đã được Ủy Ban Châu Âu công bố, tổng trị giá hàng Mỹ bị đánh thuế trước mắt là 2,8 tỷ euro (3,2 tỷ đô la), nhắm vào ba diện sản phẩm chính : nông nghiệp (bắp, đậu, rượu, nước trái cây, bơ đậu phụng, thuốc lá…), vải sợi (quần jean, áo thun, drap giường…), và sản phẩm thép (xe mô tô trên 500 phân khối, tàu thuyền…). Đây là các mặt hàng chủ yếu được làm ra tại những địa phương tập trung cử tri ủng hộ tổng thống Trump, và là hàng sản xuất tại Mỹ, chứ không phải là hàng của nước khác nhưng do các tập đoàn Mỹ phân phối.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội Syria phạm “tội ác chống nhân loại”. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 20/06/2018 nêu đích danh quân đội chính quy Syria phạm tội ác chống nhân loại trong thời gian chiếm đóng Đông Ghouta. Vụ việc diễn ra trong thời gian từ tháng 02 đến tháng 04/2018. Lính Syria bao vây khu vực này, buộc thường dân phải ra đầu hàng, hoặc bị chết đói ở đông Ghouta.
(AFP) – Kế hoạch trợ giúp Hy Lạp hết hiệu lực, bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro họp bàn về bước kế tiếp cho Athens. Hai kế hoạch kéo dài trong 8 năm trợ giúp tài chính Hy Lạp của khối euro, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và IMF hết hiệu lực vào cuối tháng 08/2018. Về nguyên tắc, Athens có thể đi vay lại được một cách bình thường. Trên thực tế, Hy Lạp vẫn là một nền kinh tế bị suy yếu sau nhiều đợt phải thắt lưng buộc bụng. Do vậy, eurozone họp lại tại Luxembourg chiều ngày 21/06/2018 để bàn về phương thức tiếp tục hỗ trợ chính quyền Athens.
(AFP) – Pháp và Lễ Hội Âm Nhạc 2018. Pháp tổ chức lễ hội âm nhạc lần thứ 37, đánh dấu ngày đầu tiên bước vào mùa hè 21/06/2018. Hơn 3.000 buổi hòa nhạc, trình diễn ca nhạc đại diện cho tất cả các thể từ pop, rock, đến jazz hay nhạc cổ điển …, tất cả các chương trình đều miễn phí. Lễ Hội Âm Nhạc là thời điểm các nghệ sĩ đã thành danh, hay còn vô danh và những người yêu âm nhạc giao lưu.
0 comments