Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 12/12/2016

Monday, December 12, 2016 6:51:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 12/12/2016

1.000 người dân Hà Tĩnh

khiếu kiện Formosa bồi thường không chính xác

Gần 1.000 người dân làng tại xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh sáng nay đi khiếu kiện về vấn đề bồi thường cho thảm họa môi trường do Formosa gây nên.
Số này cũng là giáo dân thuộc giáo họ Làng Khe, giáo xứ Thu Chỉ, giáo phận Vịnh. Giáo dân cùng linh mục quản xứ Trần Phúc Cai đến Ủy ban Nhân dân xã nộp đơn khiếu kiện. Nội dung đơn được cho biết liên quan đến cách làm việc thiếu minh bạch của chính quyền, tiền đền bù không chính xác và không tương ứng với mức độ thiệt hại mà người dân phải trực tiếp gánh chịu từ tháng Tư đến giờ.
Một yêu cầu khác của người dân là yêu cầu chính quyền phải buộc Formosa đích thân mang tiền đền bù đến giao tận tay các hộ đã ký tên trong đơn kiện. Báo trong nước đưa tin số tiền thiệt hại của giáo dân giáo họ Làng Khe tổng cộng là 41 tỷ 219 triệu 100 ngàn đồng.
Xin được nhắc lại hôm thứ Bảy ngày 10 vừa qua, vụ xô xát giữa dân với cán bộ xã tại cuộc họp để nói về chuyện bồi thường của Formosa khiến một người bị thương cũng khiến khoảng 300 người kéo đến trước trụ sở ủy ban nhân dân xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, yêu cầu giải thích vì sao cán bộ đánh người dân.
Báo chí trong nước đưa tin đây là cuộc họp giữa giữa lãnh đạo xã và các trưởng thôn nhằm đánh giá cũng như chuẩn bị việc trả tiền đền bù thảm họa mô trường do công ty gang thép Formosa gây ra hồi tháng Tư năm nay. Tin nói vào lúc cuộc họp sắp kết thúc thì một số dân kéo vào phòng họp đòi ông Phượng, trưởng xóm Bắc Lạc, giải thích vì sao họ không được đền bù. Ngay lúc đó một người bảo vệ tên là Lâm đã lao vào đánh một người dân tên Trần Văn Rô đã nêu thắc mắc về tiền đền khiến ông Ro bị thương phải vào bệnh viện.
Trong lúc công an kêu gọi người dân bình tĩnh đồng thời huy động nhiều cảnh sát công an đến ứng phó thì phía chính quyền địa phương không cho người nào ra đối chất. Mãi đến chiều tối cùng ngày hàng trăm người dân tụ tập trước trụ sở ủy ban nhân dân xã Thach Lạc mới chịu giải tán.

Tranh cãi quanh chuyện bổ nhiệm vụ phó 26 tuổi

Một ban của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm một cán bộ trẻ gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế nói do thiếu sự giám sát của nhân dân nên quy trình của Việt Nam tưởng như chặt chẽ nhưng vẫn có nhiều vụ bổ nhiệm sai người.
Theo các báo mạng lớn tại Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ mới đây đã lập một tổ kiểm tra toàn bộ quy trình nhân sự liên quan đến ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi. Ông Hoàng đã được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế của Ban hồi giữa tháng 1 năm 2016. Một tháng sau, ông chuyển công tác và được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho hay, tổ công tác sẽ làm việc từ ngày 12 tháng 12, kiểm tra chi tiết các khâu từ tuyển dụng, cử đi học, bổ nhiệm chức vụ phó, chuyển công tác về Ủy ban Nhân dân Cần Thơ liên quan đến ông Hoàng, người có quê ở Bắc Ninh.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có chức năng giúp Đảng Cộng sản chỉ đạo thực hiện các quyết sách của đảng về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, khoảng đầu năm 2014, ông Vũ Minh Hoàng đến thăm một người chú khi đó là đại tá công an, giữ chức Vụ phó An ninh-Quốc phòng của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau đó, vào đầu tháng 6 năm 2014, ông Hoàng được tuyển thẳng vào làm việc tập sự về xúc tiến đầu tư cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ dựa trên cơ sở là ông “thông thạo nhiều thứ tiếng” cũng như “tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc.”
Một tháng sau, ông được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản đến tháng 9 năm 2017. Mặc dù quá trình học chưa kết thúc, ông đã liên tiếp được bổ nhiệm, luân chuyển như đã nêu ở trên.
Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, Vụ trưởng Vụ An ninh-Quốc phòng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, mới đây nói với một tờ báo Việt Nam rằng ông không biết việc tiếp nhận, đề bạt ông Hoàng. Ông cũng nói thêm là trong 10 năm công tác ở Ban, ông “chưa thấy trường hợp nào bổ nhiệm quá nhanh như Vũ Minh Hoàng.”
Việc bổ nhiệm ông Hoàng tuy đã diễn ra từ đầu năm nay, song cách đây ít ngày được báo chí trong nước nêu lên, dẫn đến nhiều chỉ trích trong công luận về sự thiếu minh bạch và quan hệ thân hữu trong giới chức Việt Nam. Về sự việc này, chuyên gia kinh tế Pham Chi Lan nhận xét với VOA:
“Tại sao anh ta lại được bổ nhiệm lại nhất là còn đang trong quá trình đi học mà đã lại được bổ nhiệm vào những chức vụ tương đối cao? Chính các quy trình bổ nhiệm không rõ ràng, nó khá là mù mờ và không có một sự cạnh tranh thực sự thì làm cho mọi người thắc mắc. Rất cần có những người trẻ nhạy bén hơn với thời cuộc, nắm bắt nhanh hơn các vấn đề, để cho các người trẻ đó lên nắm các vị trí cao hơn trong lãnh đạo đất nước, cũng như các bộ ngành hay các địa phương. Nhưng mà việc cử bất cứ ai lên thì phải qua một quá trình minh bạch, sòng phẳng. Phải công khai ra. Thì nếu có một quá trình minh bạch thì chắc chắn sẽ không ai phản đối gì.”
Bà Lan cho rằng nhiều trường hợp bổ nhiệm công chức, quan chức ở Việt Nam gây phản ứng xấu trong công luận là do quy trình chọn lựa không có sự cạnh tranh và không rõ các chuẩn mực tuyển dụng. Bà chỉ ra một thực tế đáng lo ngại:
“Cái điều đáng buồn ở Việt Nam từ xưa nay về cán bộ hay là về bổ nhiệm, đề bạt, nhà nước đưa ra một quy trình tưởng như rất chặt chẽ và qua rất nhiều tầng nhiều nấc. Nhưng rút cục thì đã có khá nhiều trường hợp bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn sai về con người, vẫn không đúng con người đạt được chuẩn đó. Bản thân ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần phải thốt lên, phải nói là tuyển dụng là phải tuyển người tài, chứ không phải tuyển người nhà. Chuyện người nhà lâu nay nó trở thành một tình trạng quá đáng ở Việt Nam đến nỗi dư luận rất bức xúc.”
Cách đây ít hôm, ông Vũ Minh Hoàng nói với báo mạng VnExpress rằng bằng cấp của ông là đủ tiêu chuẩn để ông được tuyển dụng không qua thi tuyển vào Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Đồng thời, việc ông được Ban tuyển dụng có sự đồng ý từ cấp trung ương, chứ không phải nhờ ảnh hưởng của người chú ruột từng là Vụ phó An ninh-Quốc phòng của Ban.

Mạng xã hội nói gì về vụ bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng?

Một trong những từ khóa được nhắc nhiều trên mạng xã hội Việt Nam vài ngày nay là “bổ nhiệm thần tốc”, “bổ nhiệm ‘ma’” ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế – Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
BBC Tiếng Việt tổng hợp và trích dẫn một số phản ứng, bình luận trên mạng xã hội và truyền thông Việt Nam về sự kiện này.
Nhà báo Huy Đức trên Facebook (Trương Huy San):
“Tại sao Vũ Minh Hoàng lại chọn Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – nơi ưu tiên người biết tiếng Khmer hơn là người biết “5 ngoại ngữ” khác – làm bàn đạp.
“Tây Nam Bộ là một trong 3 “ban chỉ đạo” trực thuộc Bộ Chính trị. Ban Tây Nguyên được lập sớm nhất, 2002, sau “biến cố 2001″. Vì yếu tố quan trọng nhất là “an ninh” mà các Trưởng ban Tây Nguyên đều do bộ trưởng công an kiêm nhiệm (Trưởng ban đầu tiên là ông Nguyễn Tấn Dũng, vốn có thời gian làm thứ trưởng Bộ Nội vụ, 1994-1996). Năm 2004 mới lập thêm hai ban Tây Nam và Tây Bắc.
“Các Ban này không phải là một thiết chế nhà nước cũng không được thiết kế cứng trong hệ thống tổ chức của Đảng CSVN. Trừ trưởng ban và vài chức danh có thực quyền (ở chỗ khác), nhiều nhân vật chỉ coi đây như một trạm dừng chân và một số người thì dùng nó như “một giải pháp cán bộ” cho những chiến hữu sắp được đưa lên hoặc gần tuổi hưu, thôi cơ cấu.
“Dù vậy, ban ngang cấp với bộ và các cơ quan thuộc ban ngang cấp vụ. Trong ban không có các thiết chế giám sát; chức tước ở đây cũng không thực quyền nên việc bổ nhiệm cán bộ cũng ít ai để ý. Các bậc cha chú của Vũ Minh Hoàng rõ ràng là đã rất tinh ý khi mở một “cửa sau” ít ai để ý cho Hoàng lẻn vào [cách này không thể gọi là "tham chính" như Hoàng nói].
“Hoàng chỉ đứng tên ở Ban 32 ngày vì cái mà Tây Nam Bộ có thể ban cho anh là hàm vụ phó. Từ Ban Tây Nam, con đường còn lại của Hoàng là mênh mông. Trung tâm xúc tiến đầu tư có thể cũng chỉ là trạm dừng chân, vì với “hàm bạc” ấy, anh có thể làm cán bộ cấp vụ ở các bộ, cấp sở ở các tỉnh… mà về danh nghĩa chỉ là phiên ngang chứ không phải là đề bạt.”
Nhà báo Mạnh Quân viết trên Facebook (08/12):
“Khẳng định anh bạn này không phải con ông Vũ Huy Hoàng, cũng không phải cháu nhá. Ông Vũ Huy Hoàng chỉ có một người con trai -Vũ Quang Hải, vẫn chĩnh chện ngồi ở ghế Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Marketting- hũ mật của Sabeco thôi (cho dù sau khi bố anh ấy bị kỷ luật, nhiều người phát biểu công khai trên báo chí: Vũ Quang Hải còn lòng tự trọng thì hãy từ chức). Không biết con cái nhà ai.”
Trung tướng Trần Phi Hổ:
Trang Zing (11/12/2016) trích lời Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về chuyện này:
“Giữa năm 2014 thấy thanh niên 24 tuổi xuất hiện ở BCĐTNB. Hỏi thăm nhân viên, ông biết cậu này là Vũ Minh Hoàng được bác hai (ông Hai Quang) nhận vào để đưa đi Nhật Bản đào tạo lâu dài. Theo trung tướng Hổ, Vũ Minh Hoàng không phải là trường hợp đầu tiên được ông Hai Quang nhận vào làm việc và bổ nhiệm mà không thông qua lãnh đạo BCĐTNB. Trong thời gian làm phó ban, vị trung tướng bảo ông thấy nguyên phó ban thường trực Nguyễn Phong Quang muốn nhận ai và cho ai nghỉ thì tùy, không thông qua tập thể lãnh đạo.”
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong
Trang Soha (11/12/2016) trích câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong:
Các bậc cha chú của Vũ Minh Hoàng rõ ràng là đã rất tinh ý khi mở một “cửa sau” ít ai để ý cho Hoàng lẻn vào [cách này không thể gọi là "tham chính" như Hoàng nói].Nhà báo Huy Đức
“Bản thân Vụ trưởng trực tiếp ở đó cũng không biết vậy thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng tham khảo ai? Lấy ý kiến của những ai? Tuyển dụng xong ông Hoàng không làm ngày nào lại đi học thậm chí bổ nhiệm Vụ phó xong lại điều chuyển (có chỗ khác xin) đi chỗ khác.
“…Ở đây có vấn đề gì đó thiếu minh bạch và nói thật ra là không đàng hoàng…Cái này có động cơ gì trong đó không? Nếu không có gì mang tính chất động cơ, lợi ích nhóm này kia thì chắc không ai làm như thế.”
Lòng tự trọng và chức vụ’
Nhà báo tự do Bạch Hoàn viết trên Facebook (11/12), có thể coi ông Hoàng là “quan chức”, và nếu “tạm tin” ông Hoàng “học giỏi, nhiều bằng cấp, tạm tin rằng Hoàng biết 5 ngoại ngữ,” và “tạm không quan tâm thông tin Vũ Minh Hoàng là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn, hiện là phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, trước đó là phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ.”
Cô đặt vấn đề về lòng tự trọng và chức vụ, và thắc mắc trước những vấn đề như ông Hoàng được bổ nhiệm khi còn đang đi học tự túc, và cũng chính ông cũng đồng ý với việc “giữ ghế trước cho mình khi đang đi học”, nhưng điều này đồng nghĩa với việc làm mất cơ hội của người khác.
“Đó chính là bất bình đẳng trong xã hội, là nguồn gốc của bất ổn xã hội.”
“Đất nước cần người tài. Bộ máy nhà nước cần những quan chức có năng lực. Nhưng trước khi làm quan ai cũng phải làm người. Hoàng được học tây học tàu, nhưng lại không có lòng tự trọng của một trí thức.
“Một quan chức không có lòng tự trọng thì người dân có thể hi vọng được gì? Lẽ thường, một quan chức có tài mà không có lòng tự trọng, càng leo cao thì càng nguy hại cho quốc gia dân tộc.
“Việt Nam mình không thiếu người tài. Nhưng chốn quan trường thì đã có quá nhiều người không có lòng tự trọng. Có cần thiết phải thêm một người như thế nữa hay không?”
‘Chưa được kiểm chứng’
Facebooker Chau Doan nhận xét (10/12), thông tin ông Vũ Minh Hoàng nói 5 ngoại ngữ “chưa được kiểm chứng”.
Anh đặt câu hỏi: Chẳng phải ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Vũ Đức Đam nói tiếng Đức, tiếng Anh như gió đấy sao? Cái đất nước cần là tư duy sắc sảo, ý chí mạnh mẽ cải tổ hệ thống, sự quyết tâm khắc phục từng vấn đề tồn tại. Cơ quan nào chẳng có bộ phận quan hệ quốc tế, cần trao đổi lúc nào là có phiên dịch lúc ấy. Sao mang mấy ngoại ngữ ra hòng biện minh cho một hành động ẩn khuất chứa nhiều điều đáng nghi vấn.
Anh viết thêm: “Tôi sẵn sàng ủng hộ một người trẻ 17 tuổi làm vụ, cục trưởng gì đấy nếu chứng minh được năng lực trước công luận. Đây chính là vấn đề hạn chế trong hệ thống chọn cán bộ của Việt Nam. Cần có một cơ chế nào đấy để thi tuyển chọn công khai minh bạch và đảm bảo chất lượng.”

Mục sư Nguyễn Công Chính bị chuyển trại tù

Tù nhân chính trị, mục sư Nguyễn Công Chính, bị trại tù An Phước, tỉnh Bình Dương chuyển đi nhưng không cho gia đình biết.
Theo nội dung thông báo khẩn của văn phòng ban thường trực Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam Hoa gởi ra cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các cơ quan truyền thông bên ngoài, thì vợ mục sư Nguyễn Công Chính là bà Trần Thị Hồng cho biết như vừa nêu trong chuyến thăm nuôi sáng nay đến trại giam An Phước tỉnh Bình DươngTheo lời bà Trần Thị Hồng kể lại với người đại diện hội thánh là mục sư Nguyễn Hoàng Hoa thì bà đến Trại An Phước thăm nuôi chồng, nhưng không được gặp đến khi công an ra báo với bà là mục sư Nguyễn Công Chính không còn ở trại giam An Phước mà đã được chuyển đi trại khác ở Đồng Nai và khi được hỏi chuyển đi trại nào thì chỉ nhận được trả lời phải tự đi tìm.
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, thuộc Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam, đưa ra ý kiến về việc chuyển tù nhân mà không cho gia đình biết:
“Tôi thấy không hợp lý vì nếu chuyển tù nhân đi đâu cũng phải báo cho gia đình biết. Họ nói ở Đồng Nai và tự đi tìm đi. Nghe tin như thế thì cả gia đình và hội thánh rất lo vì mấy tháng trước cô Hồng đi thăm về cho biết sức khỏe của ông rất yếu do bị khủng bố tinh thần, cũng như sinh hoạt trong tù.
Chúng tôi đã có thông báo khẩn kêu gọi lên tiếng cho mục sư Chính nhiều lần. Lần này họ cũng không cho biết chuyển đi đâu và gia đình đang tìm kiếm.”
Xin được nhắc lại mục sư Nguyễn Công Chính bị kết án 11 năm tù với cáo buộc ‘phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc’ theo điều 87 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Ngư dân bỏ nghề

Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng trong những năm qua bởi Trung Quốc tiến hành nhiều biện pháp quyết đoán nhằm khẳng định chủ quyền gần 90% khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên và là tuyến đường hàng hải quan trọng đó.
Hoạt động bành trướng trên biển như thể nhắm trực tiếp đến ngư dân miền Trung Việt Nam. Cụ thể trong thời gian qua, nhiều tàu đánh bắt hải sản của Việt Nam bị xua đuổi, cướp phá, đâm chìm và có cả trường hợp ngư dân mất mạng. Kế mưu sinh từ bao đời nay của ngư dân ven biển bị tác động đáng kể; thậm chí có người không thể nào trụ được với kế mưu sinh truyền thống mà bao đời cha ông họ theo đuổi.
Anh Sáu ở Đà Nẵng làm nghề đánh bắt cá được 20 năm nhưng nay phải bỏ nghề cho biết:
“Bây giờ không làm nữa, cá mắm không có. Bây giờ đi trong đất liền một ngày, hai ngày họ đi, chứ (ra xa) lâu ngày họ không còn đi, ít đi lắm, bây giờ họ bỏ biển rất nhiều.  Đà Nẵng giữa tầm cỡ chục chiếc là nhiều rồi, không tới chục chiếc.  Họ bỏ nghề hết rồi.”
Trên thực tế, nếu có tiếp tục đi đánh bắt cá thì cũng không đủ kinh phí để trả nợ mặc dù chính quyền có hỗ trợ dầu và cho vay để đóng tàu, nhưng theo anh:
“Bây giờ họ cho đó, ví dụ nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, rồi đóng tàu, rồi bao nhiêu năm trả, bây giờ họ mua biết đời con đời cháu nào họ trả cho nổi.”
Hiện nay anh Sáu hành nghề mới đưa khách du lịch từ thành phố ra đảo; tuy nhiên công việc mới đó cũng chật vật chứ không được như xưa. Anh cho biết:
“Hồi du lịch đây họ kêu mình đi thì ngày bao nhiêu đồng, thí dụ có thì đi không có thì ở nhà miết, chuyện đi hằng ngày thì chắc không có. Hồi xưa làm biển một người nuôi 5-10 người, bây giờ làm biển 1 người nuôi 2 người không nổi.”
Mong muốn của những người dân như anh Sáu hiện nay là ngày nào có việc gì làm để kiếm sống qua ngày đều tốt cả.
“Mong muốn ví dụ như nhà nước kêu gọi mình làm thứ gì bất kể không cần biết, làm sông làm biển làm bờ làm đâu không cần biết mà có việc làm là tôi sẵn sàng.”
Trường hợp của anh Beo cũng tương tự như anh Sáu. Anh phải bỏ nghề đi biển, chuyển chiếc tàu sang hành nghề chở khách du lịch. Khách kêu đâu chạy đó nhưng theo tài mỗi tàu chỉ được phân chở khách một lần mà thôi. Trong những ngày khác, anh phải kiếm việc làm thêm, anh chia sẻ về công việc mới này:
“Chú cũng vừa đi biển mà vừa giữ tàu, chú soạn ra chương trình để chở khách đi ra kiếm vài đồng để nuôi ba đứa nhỏ, có bao nhiêu một tuần chạy có một ngày, ngày có một triệu bạc hay 7-8 trăm cũng chỉ để phụ thêm để giúp thêm cho vài đồng nữa cho những đứa nhỏ học hành thêm.”
Ước mơ của những ngư dân không còn bám biển như hai anh Sáu và Beo tương tự của rất nhiều người tại Việt Nam trong tình hình công ăn, việc làm nói chung trở nên hạn hẹp bấy lâu nay.
Bản tính ‘chịu thương, chịu khó’ của người Việt không cho phép họ ngồi không; do đó không làm được nghề này, họ phải chuyển sang việc khác.

Lũ lụt và mùa giáp hạt tại miền Trung

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Mùa giáp hạt ở miền Trung không gay gắt, đói kém như mùa giáp hạt ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng nếu như thiên tai, nhân họa rơi vào mùa giáp hạt thì câu chuyện lương thực của người miền Trung sẽ hết sức bi thảm bởi nhiều yếu tố. Trong đó vấn đề cạn lương thực dự trữ và mất vụ đệm sẽ dẫn đến hệ quả khó lường.
Lương thực dự trữ và vụ đệm
Để hiểu được thế nào là lương thực dự trữ và vụ đệm, có lẽ phải nghe ông Bình, một nông dân ở Đại Lộc, Quảng Nam chia sẻ: “Thường thì vụ ni là vụ đệm, ở miền Trung có các bãi biền để làm vụ này. Người ta trồng dưa leo, đậu xanh, đu đủ, cà chua, cà tím, cà trắng… Các loại hoa củ quả gần như đầy đủ ở vụ đệm này. Vụ này giá thành rất cao, có thể gấp mười, mười lăm lần những vụ khác. Ví dụ như một chục (12 bó) cải xanh trong vụ này lên đến 100 đến 150 ngàn đồng. Vụ này là vụ thu hoạch cao nhất của người nông dân, dành tích lũy cho cả năm. Nhưng nếu gặp mưa lụt thì coi như xong…”.
Ông Bình cho biết thêm là khái niệm mùa giáp hạt ở miền Trung khá mờ nhạt kể từ năm 1995 đến nay, nghĩa là từ khi có Khoán 10, chia đất ruộng cho người nông dân tự canh tác. Nhưng ở một số năm, mùa giáp hạt lại nổi lên như một hiện tượng tự nhiên. Ví dụ như năm 1999, năm có lụt lớn, năm 2010, và năm nay. Những trận lũ lụt liên tục kéo về khiến cho vấn đề dự trữ lương thực bị trục trặc.
Vụ này là vụ thu hoạch cao nhất của người nông dân, dành tích lũy cho cả năm. Nhưng nếu gặp mưa lụt thì coi như xong…
- Một nông dân Quảng Nam 
Cái trục trặc đầu tiên là lúa bị ướt, hầu hết lúa gạo dự trữ ở Lệ Thủy và ba Đồn, Quảng Bình, ở Hương Khê, Hà Tĩnh đều bị ướt, ngấm nước và nảy mầm. Hiện tại, lúa ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam cũng bị ướt với số lượng không nhỏ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến lương thực dự trữ của nông dân. Vì vụ chuyển tiếp từ Hè Thu Muộn sang Đông Xuân là vụ dài nhất, kéo dài gần hai tháng, cộng thêm thời gian chờ thu hoạch lúa Đông Xuân nữa là ngót nghét 5 tháng ròng. Trong khi đó, mùa mưa, không thể làm gì để kiếm tiền, người nông dân phải bán bớt lúa để chi tiêu việc khác. Một khi lương thực dự trữ bị ngập ướt thì nguy cơ đói hiện ra rất rõ.
Và mùa giáp hạt ở miền Trung thực sự trở thành vấn đề nan giải đối với người nông dân một khi thiên tai, nhân họa ập xuống. Còn ở những năm không có thiên tai, người nông dân miền Trung với bản tính ham làm, yêu ruộng đồng của mình, họ không những không bị đói kém mà còn có thể sống một cách thoải mái nhờ nào vụ đệm.
Một nông dân khác tên Trung, Bình Sơn, Quảng Ngãi chia sẻ: “Ở các xã đều ngập hết nước, ngập nhiều, chết người cũng có, ngập hết các loại hoa màu hết. Từ Mộ Đức tới Nghĩa Hành đều bị ngập. Năm nay lúa bị ngập ít do người ta kịp dọn. Riêng hoa màu thì ớt bị ngập hư hết 100% luôn!”.
Giải thích thêm về vụ đệm, ông Trung nói rằng chỉ có miền Trung là có vụ đệm rõ nét nhất. Bởi vì với đặc thù trung du, đồi núi nằm liền kề đồng bằng và có những con sông mang phù sa chảy từ Trường Sơn xuống Biển Đông đã tạo nên những bãi biền bạt ngàn, những khu vườn rộng thoáng. Và những khu vườn, bãi biền này chỉ có thể canh tác tốt nhất vào mùa mưa bởi thời tiết nắng hạn mùa hè không thể canh tác. Vô hình trung, khi các miền khác không thể canh tác hoa màu, rau xanh vào mùa mưa thì miền Trung lại là nơi sản xuất và cung cấp các loại củ quả, rau xanh cho cả nước. Lúc này, giá rau xanh và củ quả khá cao, người miền Trung bội thu vụ rau này.
Việc chăn nuôi cũng vậy, các ao nuôi cá và lồng cá trên sông ở miền Trung thường bội thu vào mùa mưa theo con nước tự nhiên. Thế nhưng một khi các đập thủy điện xả đập, lưu lượng nước dâng lên một cách bất thường sẽ kéo theo hậu quả hoa màu, rau củ quả và các loài cá nuôi không kịp thích nghi, chết hàng loạt. Cứ mỗi lần thủy điện xả lũ thì người miền Trung bị mất trắng vụ đệm mùa Đông.
Hiện tại, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam, vụ rau đệm và chăn nuôi mùa Đông của nông dân nơi đây xem như hoàn toàn phá sản.
Chính quyền đã nói gì, làm gì?
Trước tình hình mưa lũ miền Trung, từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đến Nghệ An, chiều dài của gần một nửa đất nước Việt Nam bị ba lần chìm trong mưa lũ, thiệt hại về tính mạng người lên đến ngót nghét 50 người, thiệt hại về tài sản nhiều vô kể. Nhưng đài tiếng nói Việt Nam trong tuần này đã phát đi bản tin lũ lụt miền Trung với nội dung: “Do người dân chưa có thói quen phòng chống lũ và quá chủ quan với lũ lụt nên hậu quả xảy ra rất nặng. Người dân cần phải tập thói quen đề phòng, phòng chống lũ lụt”.
Bản tin này chẳng khác nào lời lên án người dân sống ơ hờ với bản thân, thiếu cảnh giác trước lũ lụt nên hậu quả mà người dân gánh chịu là chuyện đương nhiên. Bản tin cũng tuyệt nhiên không nhắc đến những lần xả đập, nguyên nhân gây ra lũ lụt và trách nhiệm của thủy điện đối với thiệt hại do xả đập gây ra.
Đủ các loại thủy điện hết. Mà thủy điện do chủ tịch tỉnh quyết định nên dân bị nặng. Nông dân mất trắng hết giống, nông dân khổ lắm em ơi.
- Một chủ tịch huyện 
Một Chủ tịch huyện miền núi ở Quảng Nam không muốn nêu tên, tỏ ra bức xúc: “Xả đập trên sông Vu Gia có tới 9 thủy điện luôn. Từ A Vương, Sông Tranh 1, Sông Tranh 2, Sông Bung 1, Sông Bung 2… Đủ các loại thủy điện hết. Mà thủy điện do chủ tịch tỉnh quyết định nên dân bị nặng. Nông dân mất trắng hết giống, nông dân khổ lắm em ơi.”
Theo vị này, vấn đề lợi ích nhóm đã nhiễm quá nặng trong hệ thống nhà nước và nó chi phối toàn bộ hệ thống thông tin cũng như các hệ thống có tính kế cận của nhà nước. Chính vì vậy, khi đụng tới thủy điện cũng có nghĩa là đụng tới lợi ích nhóm. Mà để có được lợi ích nhóm, các nhóm lợi ích sẵn sàng đánh đổi mạng sống cũng như tài sản của hàng triệu dân đen để có nó, đó là một thực tế. Bởi họ quan niệm rất đơn giản rằng mỗi nhà chỉ thiệt hại vài triệu đồng hoặc trâu bò, heo gà, hoặc một mạng người thì không ảnh hưởng gì đến cái chung của một thể chế và một hệ thống chính trị.
Chính vì vậy, chuyện lũ lụt miền Trung do xả đập cũng là chuyện bình thường, người dân phải tự lo lấy thân và qui luật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bản chất của nó có tính bắc cầu, mỗi thây rơi là một nhịp cầu như thơ Tố Hữu vậy!
Và thực ra, cái mà người nông dân miền Trung phải chuẩn bị để đón nhận là biển sẽ ngày càng hẹp lại, trở nên dữ tợn và độc hại, rừng ngày càng teo tóp, đất đai khô cằn vào mùa nắng bởi thủy điện tích nước để sản xuất điện và trở thành biển nước vào mùa mưa nếu như lưu lượng mưa lớn, thủy điện xả nước để bảo vệ thân đập. Đó là một loại chân lý mới dành cho người miền Trung nếu như còn muốn tồn tại.
Nói đến đây, ông chủ tịch huyện kỳ lạ này nói thêm là nếu rảnh thì cùng ngồi uống với ông vài ve rượu và đừng hỏi gì thêm. Bởi cho đến lúc này, ông cũng không nghiệm ra mình đang là loại người nào trong dân tộc Việt Nam này!

Nổ lớn tại trụ sở Công an tỉnh Đăk Lăk

Truyền thông trong nước cho hay một vụ nổ lớn vừa xảy ra tối 12/12 tại trụ sở Công an tỉnh Đăk Lăk, tin chưa kiểm chứng nói có thương vong.
Các báo nói vụ nổ xảy ra vào khoảng 9 giờ tối thứ Hai 12/12 tại một toà nhà thuộc Công an tỉnh trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột.
Báo Người Lao Động dẫn nguồn từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói đã có người chết và người bị thương, trong có cán bộ công an. Thông tin này hiện chưa thể kiểm chứng độc lập.
Cũng báo này nói “vụ nổ có sức công phá lớn đến mức nhiều nhà người dân ở quanh khu vực cũng bị sập một phần. Nhiều cửa kính, bóng đèn nhà dân lân cận bị hư hỏng… tiếng nổ lớn trong vụ này kéo dài trong khoảng 10 giây.
Hiện chưa rõ vụ nổ xảy ra ở kho chứa hóa chất khám nghiệm của Công an tỉnh Đăk Lăk hay từ kho chứa tang vật vi phạm.
Hiện Công an tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức họp khẩn để tìm ra nguyên nhân vụ nổ.

Tại sao quan chức trốn ‘đi nước ngoài’?

Các quan chức trốn đi nước ngoài “có thể vì thông tin khởi tố hình sự đối với họ, nếu có, đã bị tiết lộ” và đây là điều “khiến họ lo sợ” dẫn đến việc họ tìm cách “né tránh lưới pháp luật”, một luật sư từ TP Hồ Chí Minh bình luận với BBC.
Mới đây, Bộ Công Thương công bố về trường hợp ông Lê Chung Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) “vi phạm kỷ luật lao động, tự ý đi nước ngoài”.
“Ông Dũng đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 21/10/2016 đến nay,” trang web của Bộ này viết hôm 9/12.
“Ông Dũng thông báo cho Tổng công ty Điện lực dầu khí về việc đang học tập ở Singapore.”
“Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tiến hành quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Lê Chung Dũng do vi phạm kỷ luật lao động, tự ý đi nước ngoài.”
Ông Dũng là trường hợp quan chức thứ ba liên quan đến Tập đoàn Dầu khí “đi nước ngoài không về” sau ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex).
Hôm 12/12, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm, trả lời phỏng vấn của BBC từ TP Hồ Chí Minh.
BBC: Có ý kiến cho rằng việc chậm khởi tố những người như các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng để họ bỏ trốn là vi phạm điều 294 Bộ luật Hình sự (Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội). Tuy nhiên rất khó để xử lý cơ quan điều tra, vì thay vì “chỉ tuân theo pháp luật” khi khởi tố đảng viên, họ còn phải tuân theo Chỉ thị 15. Luật sư có bình luận gì?
Luật sư Phạm Công Út: Theo Chỉ thị 15 mà vừa qua dư luận phản ứng gay gắt, cho rằng các đảng viên nếu là người vi phạm pháp luật sẽ được miễn trừ trước pháp luật, vì ngành công an không được “trinh sát” đối với họ.
Điều này là không chính xác, vì Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị chỉ đưa ra những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng thông qua sinh hoạt phê và tự phê trong nội bộ các cơ sở Đảng, hoàn toàn không có phạm vi điều chỉnh nào để cho rằng “không được trinh sát đảng viên” cả.
Như vậy, nếu phát hiện đảng viên có sai phạm thông qua đơn tố giác của quần chúng hoặc kết luận thanh tra thì các đảng viên dù đương chức hay không đương chức đều có thể bị bắt giữ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị kết án như mọi công dân khác.
Do đó, theo tôi thì ngoài sự “cả nể” ra, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
BBC: Luật sư nghĩ gì về ba trường hợp gần đây nhất liên quan tập đoàn Dầu khí Việt Nam trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố?
Luật sư Phạm Công Út: Trước hết, họ trốn đi nước ngoài có thể vì thông tin khởi tố hình sự đối với họ, nếu có, đã bị tiết lộ ra khiến họ lo sợ nên phải cao chạy xa bay để né tránh lưới pháp luật.
Cũng có thể họ đã cuỗm được những khoản tiền ngân sách đủ lớn để họ sống sung sướng ở nước ngoài, để mặc hậu quả là gánh nặng kinh tế thâm hụt cho đất nước gánh chịu…
BBC: Theo luật sư, cần có những thay đổi nào về luật, pháp lý để việc chống tham nhũng hiệu quả hơn?
Luật sư Phạm Công Út: Theo tôi, để chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết cần đến “tai mắt” của người dân thông qua việc giám sát công khai đối với họ.
Lương họ phải cao, đảm bảo cuộc sống sung túc nhưng có nhiệm kỳ, việc cất nhắc các quan chức không thể bằng tiền mà bằng thực tài thông qua thi tuyển.
Hiện nay, nhiều vụ án lừa đảo về việc xin việc vào ngành công an, ngành sư phạm, vào các cơ quan nhà nước, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm các chức vụ… với những cái giá nghe nói là rất cao, có thể bằng cả một gia sản.
Như vậy, với đồng lương công chức nhà nước thấp đến độ thua mức thu nhập của người lao động thì tại sao người ta phải đầu tư cả gia sản của gia đình để cho một người trong gia đình có được một chân biên chế trong nhà nước. Phải chăng đó là vốn “đầu tư” siêu lợi nhuận cho tương lai con em của họ, sẽ có cơ hội thu nhập “khủng” bằng con đường phi pháp sau này.
Vì vậy, chống tham nhũng cũng phải bắt đầu từ khâu tuyển dụng, song song với quyền được giám sát của người dân.
BBC: Những điều luật sư muốn nói thêm từ góc độ pháp lý?
Luật sư Phạm Công Út: Về mặt pháp lý, có lẽ nên chấm dứt những tình tiết giảm nhẹ đối với các quan tham như có thành tích xuất sắc trong lao động học tập, gia đình có công với cách mạng… vì họ thường là chủ thể để được hưởng các tình tiết giảm nhẹ này mà dân thương khó có thể có.
Từ đó họ được giảm khung hình phạt, lẽ ra phải bị tử hình vì tham nhũng thì lại được hạ khung hình phạt theo điều 46, 47 Bộ luật Hình sự.
Thậm chí tới đây, không chỉ họ chỉ được giảm một khung hình phạt xuống khung hình phạt liền kề mà còn được giảm đến hai khung hình phạt theo Bộ luật Hình sự năm 2015.
Có nghĩa là hành vi phạm tội thuôc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ chỉ còn là nghiêm trọng chứ không còn là rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng nữa.
BBC: Ngoài ra, luật sư có bình luận gì về những tuyên bố “sắp bắt được Trịnh Xuân Thanh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lúc lại có thêm những trường hợp tương tự bỏ trốn ra nước ngoài?
Luật sư Phạm Công Út: Tôi tin rằng điều đó là có thật.
BBC: Tức là sắp bắt được ông Thanh ạ?
Luật sư Phạm Công Út: Hy vọng là vậy.

Việt Nam-Vatican:

Cải thiện quan hệ, nhưng chưa tái lập bang giao

Ngày 23/11/2016, đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Vatican, một bước mới trên tiến trình hai quốc gia xích lại gần nhau. Đây là lần thứ sáu kể từ năm 2007, một lãnh đạo của Việt Nam gặp lãnh đạo Giáo hội Công giáo Hoàn vũ. Thế nhưng, thông cáo của Tòa Thánh về cuộc gặp gỡ này vẫn chưa nhắc đến khả năng tái lập bang giao giữa Vatican với Hà Nội.
Chế độ Cộng sản Việt Nam đã cắt đứt bang giao với Vatican vào năm 1975, nhưng hai bên đã tiến tới hòa giải kể từ năm 2007 và đến năm 2009 đã lập “Nhóm làm việc chung Vatican -Việt Nam ”. Phiên họp gần đây nhất, phiên thứ sáu, của nhóm làm việc này đã diễn ra từ ngày 24 đến 26/10 năm nay. “Nhóm làm việc chung Vatican -Việt Nam ”sẽ tiếp tục họp vào năm tới.
Đặc biệt kể từ năm 2011, Tòa Thánh có một “đại diện không thường trú” ở Việt Nam, đó là Tổng giám mục Leopoldo Girelli, sứ thần Tòa Thánh tại Singapore. Nhiều phái đoàn của Vatican cũng đã thường xuyên đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong những năm gần đây đã đến hội kiến đức giáo hoàng tại Vatican, như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp giáo hoàng Benedicto 16 vào năm 2007. Cũng chính giáo hoàng Benedicto đã tiếp chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào năm 2009, và tiếp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013. Trước ông Trần Đại Quang, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã hội kiến giáo hoàng Phanxicô vào tháng 03/2014. Sau đó, nhân chuyến công du châu Âu, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ghé qua Vatican để hội kiến giáo hoàng Phanxicô vào tháng 10/2014. Tóm lại, chế độ Hà Nội có bốn nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất thì giáo hoàng đều đã gặp hết.
Tuy quan hệ giữa Tòa Thánh và Hà Nội tiếp tục được cải thiện như vậy, căng thẳng vẫn tồn tại giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo Việt Nam, chủ yếu do tranh chấp đất đai. Ấy là chưa kể vấn đề bổ nhiệm các giám mục vẫn thường xuyên gây bất hòa giữa chính quyền Hà Nội với Tòa Thánh.
Đức Giáo hoàng Phanxicô rất chú trọng đến việc phát triển Công giáo ở châu Á ( hiện chỉ chiếm thiểu số 3% dân số ). Từ khi được bầu làm Giáo hoàng năm 2013, Ngài đã đến các nước Hàn Quốc, Srilanka và Philippines. Giáo hoàng Phanxicô hiện cũng đang chuẩn bị cho việc xích gần lại Trung Quốc, qua việc công nhận các giám mục do chế độ Bắc Kinh bổ nhiệm. Nếu được Hà Nội mời, chắc là Ngài sẽ rất vui lòng đến thăm Việt Nam, một quốc gia mà người Công giáo chỉ chiếm 7%, nhưng Giáo hội có ảnh hưởng đáng kể trong xã hội. Nhưng do hai bên chưa tái lập bang giao, một chuyến viếng thăm của lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ vẫn là một viễn cảnh xa vời. Việt Nam hiện là một trong số 15 quốc gia mà Vatican chưa có bang giao.
Cuộc họp lần thứ 6 ( từ 24 đến 26/10/2016 ) của “Nhóm Làm Việc chung Việt Nam – Vatican” dường như vẫn chưa đạt kết quả nào mang tính đột phá. Thông báo của Tòa Thánh chỉ cho biết hai bên đã “ trao đổi sâu rộng quan điểm về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, kể cả những vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam”. Hai bên cũng đã “nhìn nhận sự tiến bộ trong quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh”, trong đó có việc “ trao đổi các phái đoàn cấp cao, và những cuộc viếng thăm thường xuyên tại Việt Nam của Đại diện Tòa Thánh và Đặc Phái Viên không thường trú, Đức TGM Leopoldo Girelli”. Thông báo cũng Tòa Thánh cũng nhắc lại rằng giáo hoàng Phanxicô rất quan tâm đến sự phát triển các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, hàm ý rằng Ngài rất muốn hai bên tiến tới bình thường hóa.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 05/12 vừa qua, giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cũng cho biết là hiện chưa thông tin gì mới về quan hệ Vatican – Việt Nam sau cuộc gặp gỡ giữa giữa giáo hoàng Phanxicô với chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đức cha Hợp tuy vậy ghi nhận một điểm tích cực là Đại diện không thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam, Tổng giám mục Leopoldo Girelli trong thời gian qua đã được đi nhiều nơi ở Việt Nam, giúp Vatican nắm rõ hơn tình hình hiện nay:

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.