Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 12/12/2016

Monday, December 12, 2016 7:15:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 12/12/2016

Ông Trump chuẩn bị cuộc chiến ngành thép với TQ

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang thu xếp cho nhóm chuyển giao quyền lực khối thương mại làm việc với các tập đoàn thép hàng đầu Hoa Kỳ để các đối phó với Trung Quốc.
Điều này báo hiệu một cách tiếp cận tích cực hơn để Hoa Kỳ khiếu kiện Trung Quốc trong việc trợ giá không công bằng cho xuất khẩu và tạo rào cản nhập khẩu.
Các chuyên gia thương mại ở Washington cho biết rằng nhóm này được lãnh đạo bởi ông Wilbur Ross, một nhà đầu tư và tỷ phú ngành thép vừa được ông Trump đề cử cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, ông Dan DiMicco, cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất thép Nucor Corp, và ba luật sư kỳ cựu trong ngành thương mại thép. Nhóm này dự kiến sẽ tập trung vào cắt giảm thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ.
Dựa trên những nỗ lực trước đây, chính sách này có thể tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động thương mại của Trung Quốc thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và làm nảy sinh thêm nhiều vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá do chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng, chống lại các sản phẩm Trung Quốc. Vấn đề chống bán phá giá và chống trợ giá sẽ phải được tranh luận trước Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ – một diễn đàn mà ngành công nghiệp thép đã có những thành công đáng kể .
Ông Ross, ông DiMicco và các nhà lãnh đạo khác của nhóm Big Steel là những người tiên phong trong cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ chống lại siêu cường xuất khẩu của thế giới.
Do bị ảnh hưởng bởi giá thép rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã lập 16 hồ sơ khiếu kiện trong ba năm qua, yêu cầu Bộ Thương mại áp thuế suất trừng phạt việc chống trợ cấp bán phá giá đã làm giá thép sản suất ở Hoa Kỳ giảm giá đến mức thấp lịch sử vào năm ngoái, buộc các nhà máy thép của Mỹ phải sa thải công nhân.
Các chuyên gia thương mại nói rằng nhóm này sẽ không ngừng tăng cường các giới hạn hợp pháp trong quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới để bảo vệ lợi ích thương mại của Hoa Kỳ.
Ông Lighthizer, người cùng với ông DiMicco có thể là những ứng cử viên mạnh để đảm nhận vị trí Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ. Ông Lighthizer, từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Reagan, đã gây sức ép với Nhật Bản về vấn đề hạn chế xuất khẩu tự nguyện.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo rằng nếu ông Trump áp đặt bất kỳ mức thuế mới nào sẽ dẫn đến sự trả đũa chống lại hãng máy bay Boeing, điện thoại di động iPhone của tập đoàn Apple và ngô, đậu nanh của Hoa Kỳ.

Ông Trump đặt dấu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc”

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump hôm 11/12 ra dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, và theo CNN, ông cũng đặt dấu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không.
Động thái mới nhất của Tổng thống đắc cử Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh phật lòng, theo Reuters.
Ông Trump nói trong chương trình ‘Fox News Sunday’: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách ‘một Trung Quốc’, nhưng tôi không biết lý do vì sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘một Trung Quốc’, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ khác như thương mại”.
Phát biểu của ông Trump được đưa ra hôm 11/12, ít ngày sau khi ông nhận một cú điện thoại từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, khiến Trung Quốc bất bình.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của một tổng thống hoặc tổng thống đắc cử Mỹ với phía Đài Loan kể từ năm 1979, khi tổng thống Hoa Kỳ khi ấy công nhận Đài Loan là một phần của “Một Trung Quốc”.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh không thể chia cắt của nước này, và đây là chủ đề nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Các quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới chưa có phản ứng tức thời đối với tuyên bố mới nhất của ông Trump.
Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Đài Loan, chính quyền của đương kim Tổng thống Barack Obama đã trao đổi với quan chức Trung Quốc để nhấn mạnh rằng chính sách “Một Trung Quốc” của Washington vẫn không có gì thay đổi, theo Reuters.
Chính quyền Mỹ hiện tại cũng cho rằng tiến bộ đạt được trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có thể bị tổn hại vì việc “thổi bùng” vấn đề Đài Loan.

Tỷ phú Trump bác cáo buộc Nga giúp ông đắc cử

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump mới bác bỏ thông tin cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng hình thức tấn công mạng, giúp ông chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton.
Trả lời phỏng vấn chương trình “Fox News Sunday” phát sóng hôm 11/12, ông Trump nói: “Tôi nghĩ rằng đó là điều lố bịch. Tôi nghĩ rằng đó lại là một cái cớ khác. Tôi không tin điều đó”.
Theo Reuters, tuyên bố của ông Trump đặt ông vào thế đối đầu với một số thượng nghị sĩ nổi bật ngay trong Đảng Cộng hòa, những người hôm 11/12 bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và kêu gọi một cuộc điều tra lưỡng đảng.
Tổng thống đắc cử Mỹ đổ lỗi cho phe Dân chủ đã tung ra các tin tức về sự can dự của Nga. Ông Trump cũng cho biết ông không tin rằng những cáo buộc đó xuất phát từ Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA).
Trước đó, Reuters dẫn quan chức cấp cao Mỹ cho biết, CIA kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump đắc cử.
Các dân biểu lưỡng đảng Mỹ tuần trước hối thúc tiến hành điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong một tuyên bố hiếm hoi hồi tháng Mười, các giới chức chính phủ Mỹ cho biết các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức chính trị của Đảng Dân chủ, và email của cựu ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton là do “các quan chức cấp cao nhất của Nga” chỉ đạo.
Trong chiến dịch tìm kiếm ngoại trưởng Mỹ trong tân chính quyền Mỹ, ông Trump cũng cân nhắc Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, ông Rex Tillerson.
Ông Tillerson là người được cho là có mối quan hệ thân cận với Moscow, và từng lên tiếng chống lại sự trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain nói trong chương trình “Face the Nation” của kênh CBS: “Tôi quan ngại vì ông ấy có mối quan hệ hết sức gần gũi với Vladimir Putin, và họ từng thực hiện các hợp đồng lớn với nhau”.
Theo Reuters, các cơ quan tình báo Mỹ từng nói với Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống Obama rằng Nga đã gia tăng các hoạt động trong không gian mạng, kể cả chuyện can thiệp một cách bí mật vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu.

Ông Kerry nhận giải thưởng cao nhất của Pháp

Pháp đã trao giải thưởng cao nhất có tên gọi Bắc đẩu Bội tinh cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã trao tặng giải thưởng cho ông Kerry hôm thứ Bảy, 10/12, ở Paris sau cuộc họp về vấn đề Syria.
Ông Ayrault gọi ông Kerry là “người có chất Pháp nhất trong số các quan chức Hoa Kỳ”, và “là người vận động vì hòa bình không mệt mỏi”.
Ngoại trưởng Pháp đã ca ngợi các cam kết chính trị và ngoại giao “chân thành” của ông Kerry, nêu bật các đóng góp của ông vào cam kết lịch sử về biến đổi khí hậu năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran và các nỗ lực để kết thúc chiến tranh ở Syria.
Ông Kerry phát biểu rằng vinh dự này là một biểu tượng cho mối quan hệ nồng ấm giữa Pháp và Mỹ, và với một chút hài hước, ông chào những người tham dự bằng tiếng Pháp.
Ông Kerry nói được tiếng Pháp. Mẹ và dì của ông sinh ở Paris vào đầu những năm 1920. Khi còn trẻ, ông Kerry đã đi nghỉ tại dinh thự của gia đình ở Saint-Brignac-sur-Mer, Brittany.

Nhật Bản phản bác cáo buộc của TQ về chiến đấu cơ

Nhật Bản hôm 12 tháng 12 đã phản bác cáo buộc của phía Trung Quốc rằng các chiến đấu cơ của xứ sở mặt trời mọc đã hành động “nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp,” khi được triển khai vào cuối tuần qua, lúc các máy bay Trung Quốc bay giữa các đảo Okinawa và Miyako.
Các máy bay của quân đội Trung Quốc hôm 10 tháng 12 bay qua các thủy lộ gần Đài Loan, mà Bắc Kinh coi là một tỉnh không thể tách rời, trong một phần của các cuộc tập trận tầm xa, Reuters trích thông tin của chính quyền Đài Bắc cho biết như vậy.
“Tôi đã nhận được báo cáo từ bộ trưởng quốc phòng rằng các máy bay của Nhật không tiến lại gần để can thiệp các máy bay quân sự của Trung Quốc, hay đe dọa tới sự an toàn của các máy bay quân sự hay các cá nhân của Trung Quốc,” chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói.
“Việc quân đội Trung Quốc đơn phương thông báo những điều hoàn toàn khác với thực tế là điều hết sức đáng tiếc và làm tổn hại tới sự cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, và chúng tôi đã phản đối với phía Trung Quốc,” quan chức Nhật Bản nói thêm.
Theo Reuters, ông Suga nói tiếp rằng Nhật Bản sẽ theo dõi các hành động của quân đội Trung Quốc mà phía Tokyo nói là đang “mở rộng và gia tăng,” đồng thời sẽ nỗ lực hết sức để “bảo vệ đất liền, biển và không phận của chúng tôi, theo luật pháp quốc tế và quốc nội, đồng thời sẽ có các biện pháp mạnh để chống lại bất kỳ sự xâm phạm không phận của chúng tôi.”
Hôm 10 tháng 12, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói trong một tuyên bố rằng hai máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản đã bay qua eo biển Miyako và thực hiện “hành động can thiệp ở tầm gần” và “gây nguy hiểm cho an ninh của máy bay và các phi công Trung Quốc.”
Người phát ngôn này nói rằng Trung Quốc thực sự quan ngại và đã lên tiếng phản đối về động thái của các máy bay Nhật Bản trong cuộc tập trận “thường lệ” ở hải phận quốc tế.

EU bình thường hóa quan hệ với Cuba

Liên minh châu Âu và Cuba đã ký kết một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, vốn đã bị chặn trong nhiều thập kỷ qua bởi những quan ngại về nhân quyền dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ cộng sản quá cố Fidel Castro.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla và đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini, cùng đại diện 28 quốc gia thành viên EU hôm 12/12 đã ký thỏa thuận mới tại Brussels.
Vào tuần trước, các Bộ trưởng EU đã đồng ý bãi bỏ một chính sách có từ năm 1996 trong đó yêu cầu Cuba phải cải thiện các tiêu chuẩn nhân quyền trước khi ký kết thỏa thuận bình thường hóa mối quan hệ.
Ông Parrilla cho biết thỏa thuận “chứng minh rằng với thiện chí và sự tôn trọng, thỏa thuận sẽ giúp cải tiến và giải quyết các khác biệt”, và ông nói thêm rằng “các liên kết kinh tế với châu Âu sẽ tiếp tục là một ưu tiên của Cuba” khi đất nước xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Cuba là nước Mỹ Latin duy nhất chưa có thỏa thuận “đối thoại và hợp tác” với EU về các vấn đề như thương mại, quyền con người và di cư.
Năm 2003, EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Cuba và đình chỉ việc hợp tác vì Cuba mở chiến dịch đàn áp các nhà báo và các nhà hoạt động, và phải đến năm 2008, Cuba mới thực hiện các cuộc đàm phán trở lại.

Báo Trung Quốc: Ông Trump ‘ngô nghê như một đứa trẻ’

Một tờ báo chính thống của nhà nước Trung Quốc hôm 12 tháng 12 gọi ông Donald Trump là “ngô nghê như một đứa trẻ” sau khi vị tổng thống đắc cử của Mỹ gợi ý rằng ông sẽ xem xét lại liệu Hoa Kỳ sẽ quan hệ với Đài Loan như thế nào. Đài Loan là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo do Đảng Cộng Sản Trung Quốc quản lý, đáp trả lại những bình phẩm của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox hôm Chủ nhật, trong đó vị tổng thống kế tiếp của Mỹ nói rằng ông sẽ không cảm thấy “bị ràng buộc vào chính sách ‘một Trung Quốc’ trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ khác, bao gồm cả thương mại.”
Bắc Kinh trước đó đã giận dữ về cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2 tháng 12. Đó là lần đầu tiên một vị tổng thống hoặc tổng thống đắc của của Mỹ có một cuộc nói chuyện công khai với một nhà lãnh đạo của Đài Loan trong gần 4 thập kỷ qua. Theo AP, Trung Quốc coi quốc đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của nước này và bất cứ sự tham khảo riêng biệt nào đối với một người đứng đầu Đài Loan là một sự sỉ nhục vô cùng lớn.
Vài giờ sau cuộc phỏng vấn của ông Trump trên kênh truyền hình Fox News được phát sóng, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đăng tải một bài xã luận bằng tiếng Trung Quốc với tựa đề: “Trump, hãy lắng nghe cho kỹ: ‘Một Trung Quốc’ không thể mua bán được.”
Bài xã luận viết: “Trung Quốc cần phát động một cuộc đấu tranh cương quyết với ông ta. Chỉ sau khi ông ta vấp phải một số trở ngại và thực sự hiểu rằng Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ không thể bị bắt nạt thì ông ta mới nhận thức được.”
Bài báo này cũng nói rằng: “Nhiều người đã ngạc nhiên về việc nhà lãnh đạo mới của Mỹ thực sự là một ‘doanh nhân’ trong mọi vấn đề như thế nào, hàm ý ám chỉ tới lời đề nghị của ông Trump về việc sử dụng chính sách “một Trung Quốc” như là một thứ để đổi chác. Bài báo kết luận: “Nhưng về vấn đề ngoại giao, ông ta ngô nghê như một đứa trẻ.”
Ông Mike Green, một cựu cố vấn của tổng thống George W Bush, nói với VOA trằng chấm dứt chính sách “Một Trung Quốc” là một sai lầm, nhưng cũng chỉ trích chính quyền của ông Obama vì đã quá dễ dãi với Trung Quốc, do đó là giảm nhẹ đi sự ảnh hưởng của Mỹ. Ông Trump cũng đã công bố ý định tiến cử Thống đốc bang Iowa Terry Branstad – một người bạn lâu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình, làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn phẩm của cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Nhân Dân Nhật Báo – thường đăng các bài bình luận nhằm khơi gợi sự tự hào dân tộc với những ngôn từ khiêu khích.
Cho tới lúc này, các giới chức Trung Quốc chưa có phản ứng gì đối với các tuyên bố của ông Trump sau khi có cuộc nói chuyện qua điện thoại với bà Thái Anh Văn. Tổng thống đắc cử Mỹ đã đăng tải hai tin nhắn trên Twitter trong đó cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và gây ra những căng thẳng trên Biển Đông. Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã cho rằng cuộc điện đàm đó là một “thủ thuật” của Đài Loan và bộ ngoại giao Trung Quốc đã luôn tái khẳng định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc nhưng không trực tiếp chỉ trích tổng thống đắc cử Mỹ.
Ông Trump hôm 12 tháng 12 đã xuất hiện để phủ nhận những thông tin cho rằng cuộc gọi của ông với bà Thái Anh Văn được những cố vấn của ông lên kế hoạch từ trước nhằm đặt ông vào tình thế đối đầu với Trung Quốc qua quốc đảo này. Ông Trump nói ông chỉ biết về cuộc điện đàm “có lẽ khoảng một hoặc hai giờ trước đó.”
“Tại sao một nước nào đó lại có thể cho rằng tôi không thể nhận một cuộc gọi? Thật thà mà nói, tôi nghĩ rằng sẽ thực sự thiếu tôn trọng nếu không nhận cuộc gọi đó.”
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trả lời những câu hỏi của AP được gửi qua fax hôm thứ 12 tháng 12.

Trung Quốc cảnh báo ông Trump về Đài Loan

Trung Quốc hôm 12/12 bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” sau khi Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng Mỹ không nhất thiết phải tuân thủ lập trường lâu nay rằng Đài Loan là một phần của chính sách “Một Trung Quốc.”
Ông Trump đặt dấu hỏi về chính sách của Mỹ trong gần bốn thập kỷ qua trong chương trình “Fox News Sunday.” Bình luận của tỷ phú này được đưa ra ít lâu sau khi ông khiến Trung Quốc bất bình vì điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 2 tháng 12.
Theo Reuters, trong buổi họp báo ngày 12 tháng 12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố rằng Trung Quốc xem Đài Loan là “lợi ích cốt lõi,” có thể ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Ông Cảnh nói thêm rằng Trung Quốc sẽ bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm sử dụng vấn đề Đài Loan như một con bài để mặc cả về hàng loạt các vấn đề thương mại và an ninh mà hai nước phải đối mặt.
Ông nói tiếp: “Trung Quốc đã ghi nhận và bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về vấn đề này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.”
Người phát ngôn Trung Quốc nhấn mạnh thêm: “Kiên trì giữ nguyên nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ là nền tảng chính trị để phát triển mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ. Nếu nền tảng này bị can thiệp hoặc bị phá hỏng thì việc phát triển lành mạnh và mối quan hệ song phương của Trung Quốc-Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quan trọng sẽ mất hết ý nghĩa.”
Ông Cảnh cho biết rằng ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, vốn có cấp bậc cao hơn cả Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp các cố vấn của ông Trump, bao gồm cả Tướng về hưu Michael Flynn, người vừa được ông Trump chọn vào vị trị cố vấn an ninh quốc gia. Theo lời ông Cảnh, ông Dương đã gặp tướng Flynn trong một chuyến ông Dương quá cảnh tại New York, trên đường đến Châu Mỹ Latin gần đây.
Ông Cảnh nói thêm rằng “hai bên đã trao đổi về quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề quan trọng hai bên cùng quan tâm.”
Người phát ngôn của Trung Quốc không đưa ra thông tin chính xác ngày giờ của cuộc gặp này, và cũng không nêu rõ rằng cuộc gặp đó xảy ra trước hay sau khi ông Trump có phát biểu mới nhất về Đài Loan, đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.
Ông Cảnh kêu gọi chính quyền của ông Trump hãy nhìn nhận đầy đủ sự nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và duy trì chính sách “một Trung Quốc” để “tránh quan hệ rộng lớn giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ bị can thiệp nghiêm trọng hoặc bị phá hỏng”.
Ông nói: “Mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ có ý nghĩa toàn cầu và chiến lược. Điều này không chỉ liên quan đến hạnh phúc của cả hai quốc gia và người dân hai nước, nó còn liên quan đến hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và quốc tế.”

Đài Loan kêu gọi thanh niên nhập ngũ

Một diễn biến liên quan đến mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ-Trung Quốc- Đài Loan là hôm nay, Bộ Quốc Phòng Đài Bắc kêu gọi thanh niên nhập ngũ để góp phần bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Khi loan báo điều này, ông Phùng Thế Khoan, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan nói rằng Đài Loan đang bị Trung Quốc đe dọa bằng quân sự, và việc kêu gọi thanh niên nhập ngũ là cách để người dân biết hiểm họa bị Trung Quốc tấn công ngày càng cao.
Điều này được đưa ra sau khi hôm thứ Bảy vừa rồi 10 chiếc chiến đầu cơ Trung Quốc bay thật sát vùng trời phía Nam của Đài Loan. Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng Đài Bắc cũng cho hay Trung Quốc đặt 1.500 đầu đạn hỏa tiễn nhắm vào Đài Loan.
Đài Loan hiện có 200.000 binh sĩ, là con số rất nhỏ so với 2 triệu 300 ngàn binh sĩ mà Trung Quốc đang có.

Thổ Nhĩ Kỳ để quốc tang sau vụ tấn công cảnh sát

Một ngày sau khi xảy ra hai vụ nổ ở Istanbul giết chết ít nhất 38 người và làm bị thương nhiều người khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố để quốc tang dài một ngày.
Các vụ nổ làm rung chuyển một sân bóng đá lớn vào cuối ngày thứ Bảy, 10/12. Chính quyền cho biết, các vụ tấn công nhắm vào một chiếc xe buýt chở cảnh sát chống bạo động đi từ sân Besiktas Vodafone Arena, bên bờ eo biển Bosporus.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết hai vụ đánh bom giết chết 38 người và làm 150 người khác bị thương. Ông cho biết, 30 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng cùng với 7 thường dân, còn một người chưa được xác định danh tính.
Chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công, nhưng Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus nói, dường như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) dính tới vụ này. Ông cũng cho biết 13 người có liên quan đến vụ đánh bom đã bị bắt giữ cho đến nay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hoãn một chuyến đi đến Kazakhtan và cho biết trong một tuyên bố rằng, các cuộc tấn công đã nhắm mục tiêu vào cảnh sát và “nhằm tối đa hóa thương vong”. Tuyên bố của tổng thống mô tả vụ đánh bom là một hành động khủng bố.

Ông Trump chỉ trích Trung Quốc

về Biển Đông, tiền tệ, Bắc Hàn

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ, gây cẳng thẳng ở Biển Đông và dung túng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Hôm qua, khi trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình Mỹ, ông Donald Trump để cập đến những hoạt động mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông khiến căng thẳng xảy ra trong khu vực, và việc Bắc Kinh tiếp tục tìm cách bênh vực Bắc Hàn, thay vì phải cùng Hoa Kỳ giải quyết những trở ngại mà Bình Nhưỡng đang gây nên khi theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Qui tắc ‘một nước Trung Hoa’
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng ông thấy không có trở ngại gì khi nhấc điện thoại nhận lời chúc mừng của Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn, đồng thời vẫn theo lời ông Trump, chính phủ mà ông sắp lãnh đạo không nhất thiết phải tôn trọng quy định chỉ có một nước Trung Hoa, nhưng sẵn sàng làm điều này với điều kiện Bắc Kinh phải thương thuyết với Mỹ về những vấn đề khác, chẳng hạn như phải công bằng khi trao đổi mậu dịch, tránh phần thiệt thòi mà Hoa Kỳ đang gánh chịu.
Từ khi còn vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh cố ý hạ giá đồng tiền của họ để trục lợi khi xuất khẩu hàng sang Mỹ, dọa sẽ đánh mức thuế nhập khẩu thật cao nếu Trung Quốc không sửa đổi điều này.
Bắc Kinh quan ngại
Ngay lập tức, chính phủ Trung Quốc lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu xa về lới phát biểu mới nhất liên quan tới Đài Loan mà Tổng Thống đắc Cử Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra, đồng thời Bắc Kinh cũng cảnh báo quan hệ sẽ bị ảnh hưởng tùy theo tân chính phủ Mỹ sẽ thực hiện với chính phủ Đài Bắc.
Trong cuộc họp báo sáng nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Song của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh tân lãnh đạo Hoa Kỳ cần hiếu thấu đáo vị trí của Đài Loan trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, cũng như cần tôn trọng thỏa thuận chỉ có một nước Trung Hoa duy nhất và Đài Loan là một phần lãnh thổ của của Hoa Lục.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến New York
Tin ghi nhận được từ Washington cho hay cuối tuần rồi, người điều khiển ngành ngoại giao Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì đã từ Bắc Kinh ghé New York, để gặp một số cố vấn chính trị thân cận với ông Trump.
Chi tiết cuộc gặp gỡ không được tiết lộ, nhưng dự đoán vẫn xoay quanh mối quan hệ tương lai giữa Washington và Bắc Kinh.
Giới thạo tin ở Washington cho biết trong cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì, có sự hiện diện của ông Michael Flynn, là người được ông Trump chọn làm Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Đài Loan kêu gọi thanh niên nhập ngũ
Trong một diễn biến liên quan đến mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ-Trung Quốc- Đài Loan,  hôm nay Bộ Quốc Phòng Đài Bắc kêu gọi thanh niên nhập ngũ để góp phần bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Khi loan báo điều này, ông Phùng Thế Khoan, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan nói rằng Đài Loan đang bị Trung Quốc đe dọa bằng quân sự, và việc kêu gọi thanh niên nhập ngũ là cách để người dân biết hiểm họa bị Trung Quốc tấn công ngày càng cao.
Điều này được đưa ra sau khi hôm thứ Bảy vừa rồi 10 chiếc chiến đầu cơ Trung Quốc bay thật sát vùng trời phía Nam của Đài Loan. Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng Đài Bắc cũng cho hay Trung Quốc đặt 1,500 đầu đạn hỏa tiễn nhắm vào Đài Loan.
Đài Loan hiện có 200,000 binh sĩ, là con số rất nhỏ so với 2 triệu 300 ngàn binh sĩ mà Trung Quốc đang có.

Donald Trump ca ngợi ‘ứng viên ngoại trưởng Mỹ’

Ông Donald Trump đã ca ngợi Chủ tịch và CEO của Exxon Mobil Rex Tillerson, trong lúc có tin đồn ông này sẽ được chọn làm ngoại trưởng Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn của Fox News phát đi hôm Chủ nhật, ông Trump gọi ông Tillerson, 64 tuổi, là nhân vật “tầm cỡ thế giới”.
Là CEO của Exxon, ông Tillerson có quan hệ kinh doanh với Nga và được cho là có quan hệ tốt với Tổng thống Vladimir Putin.
Ông đã phê phán trừng phạt của quốc tế với Nga vì sáp nhập Crimea.
Nói với Fox News, ông Trump ca ngợi ông Tillerson:
“Ông ấy tầm cỡ thế giới. Ông điều hành một công ty dầu khí có kích cỡ gần gấp đôi đối thủ tiếp sau.”
Ông Trump nói ông Tillerson đã có “những hợp đồng khổng lồ ở Nga”.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã bày tỏ “lo ngại” về quan hệ tiềm năng của ông Tillerson với Tổng thống Nga Putin.
Nhưng trả lời CBS hôm Chủ nhật, ông McCain nói Thượng viện sẽ lắng nghe ông Tillerson “công bằng” nếu ông được ông Trump đề cử.
Ban đầu ông Mitt Romney được đồn sẽ là ngoại trưởng.
Ông Tillerson, 64 tuổi, có nhiều kinh nghiệm thương lượng quốc tế, và có quan hệ kinh doanh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông chỉ trích lệnh trừng phạt quốc tế với Nga vì sáp nhập Crimea.
Trong diễn biến khác, nhóm của ông Donald Trump phản bác đánh giá của CIA rằng Nga tìm cách hỗ trợ ông Trump trong bầu cử tổng thống bằng việc công bố các email gây hại cho bà Hillary Clinton.
Trong thông cáo, nhóm của ông Trump nói những viên chức đưa ra đánh giá này “cũng là những người từng nói Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Người phát ngôn cho nhóm chuyển giao Sean Spicer nói “có những người trong các cơ quan này thất vọng vì kết quả bầu cử”.

Chính sách “Một Trung Quốc” là gì?

Với việc Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ Donald Trump tỏ ý cho thấy chính sách “Một Trung Quốc” có thể bị đặt câu hỏi, BBC giải thích chính sách hết sức nhạy cảm này.
“Một Trung Quốc” là gì?
Đó là sự công nhận trên phương diện ngoại giao quan điểm của Trung Quốc rằng chỉ có duy nhất một quốc gia Trung Quốc, còn Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Theo chính sách này, Hoa Kỳ có quan hệ chính thức với Trung Quốc thay vì có quan hệ với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc luôn coi là một tỉnh ly khai và rồi sẽ có một ngày trở về với Trung Hoa đại lục.
Theo chính sách này, Washington duy trì một mối quan hệ không chính thức nhưng gắn bó với Đài Loan, gồm cả việc tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc.
Chính sách thừa nhận quan điểm Một Trung Quốc không những là nền tảng then chốt trong quan hệ Trung – Mỹ mà còn là nền tảng cho việc hoạch định đường lối chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền Đài Bắc tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập với tên gọi “Trung Hoa Dân quốc”, bất kỳ nước nào muốn có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều phải cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan.
Điều này dẫn đến Đài Loan bị cô lập về mặt ngoại giao trong cộng đồng quốc tế.
Chính sách này bắt nguồn từ đâu?
Chính sách này có từ 1949, vào lúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc. Quốc dân đảng thất bại, chạy về Đài Loan và lập chính phủ riêng, trong lúc phe Cộng sản tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đại lục. Cả hai đều tuyên bố mình đại diện cho toàn bộ Trung Quốc.
Kể từ đó, Trung Quốc đã đe dọa dùng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập một cách chính thức. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng duy trì chính sách ngoại giao mềm dẻo hơn với Đài Loan trong những năm gần đây.
Lúc đầu, chính phủ nhiều nước kể cả Hoa Kỳ công nhận Đài Loan và xa lánh Trung Quốc cộng sản.
Nhưng rồi làn gió ngoại giao đã đổi hướng khi Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có nhu cầu phát triển quan hệ với nhau trong đầu thập niên 1970. Nhiều nước đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để lập quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy vậy, nhiều nước vẫn tiếp tục quan hệ không chính thức với Đài Loan qua những văn phòng thương mại hay viện văn hóa, và Hoa Kỳ vẫn là đồng minh an ninh quan trọng nhất của Đài Loan.
Hoa Kỳ bắt đầu theo chính sách Một Trung Quốc từ khi nào?
Sau nhiều năm có quan hệ nồng ấm hơn, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter.
Kết quả là Hoa Kỳ phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan và đóng cửa sứ quán tại Đài Bắc.
Nhưng năm đó, Hoa Kỳ cũng thông qua Luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act), theo đó đảm bảo giành sự ủng hộ cho hòn đảo này. Về cơ bản, điều luật này quy định Mỹ phải giúp Đài Loan tự vệ – đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện không chính thức ở Đài Bắc thông qua Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan, một công ty tư nhân qua đó Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động ngoại giao.
Kẻ thua người thắng là ai?
Bắc Kinh rõ ràng là bên hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này, chính sách đã đẩy Đài Loan ra khỏi các kênh ngoại giao chính thức.
Đa số các nước trên thế giới, thậm chí cả Liên Hợp Quốc, không công nhận Đài Loan là một nước độc lập.
Đài Loan phải thực hiện nhiều động thái nỗ lực chỉ để được tham dự vào các sự kiện và tổ chức quốc tế như các kỳ Thế vận hội và Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chẳng hạn đoàn Đài Loan thi đấu tại Thế vận hội được gọi là Trung Hoa Đài Bắc (Chinese Taipei) chứ không phải Trung Hoa Dân quốc.
Nhưng ngay cả khi bị cô lập, Đài Loan cũng không hoàn toàn là người thua cuộc.
Đài Loan duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa năng động với các nước láng giềng, và dùng mối quan hệ nhạy cảm với Hoa Kỳ làm đòn bẩy để đạt được nhượng bộ.
Đài Loan tận dụng một nhóm nhỏ các nhà vận động hành lang có quyền lực ở Washington DC, trong đó có cựu Thượng nghị sĩ Bob Dole, người được truyền thông Mỹ đưa tin là đã giúp dàn xếp quan hệ dẫn đến cuộc điện thoại gần đây giữa ông Trump và Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan.
Về phía Hoa Kỳ, nước này hưởng lợi từ mối quan hệ chính thức với Trung Quốc – đối tác cho vay và thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ – trong khi vẫn lặng lẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan.
Chính sách Một Trung Quốc là một động thái cân bằng rất tế nhị mà Hoa Kỳ đã hoàn thiện trong những thập niên qua. Chính sách này sẽ tiếp tục được áp dụng ra sao dưới thời ông Trump là điều cần phải được chờ xem.
Chuyên gia Pháp: Mỹ sắp mất quyền kiểm soát Thái Bình Dương
Nga đang tìm cách gây thêm ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương, và kết thân với Trung Quốc, Bắc Kinh không ngừng phủ bóng lên châu Á và Biển Đông, Philippines đang rời Mỹ để xích lại gần Trung Quốc và Nga. Theo tướng Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Chiến Lược và Quốc Tế IRIS, trên chuyên san Atlantico ngày 02/12/2016, các động lực mới trong khu vực có vẻ không thuận lợi cho cường quốc Thái Bình Dương là Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn của Atlantico, ông Brisset trước hết cho rằng Nga đang thể hiện ý chí lấy lại vị trí cường quốc thế giới mà Liên Xô từng có trước đây.
Jean-Vincent Brisset : Đặc biệt trong những tháng gần đây, người ta nói rất nhiều về việc nước Nga, vì bị phương Tây trừng phạt vì đã sáp nhập Crimée, làm dấy lên cuộc xung đột ở Ukraina, và liên minh với Bachar al-Assad ở Syria, cho nên đã quay về phía Trung Quốc. Nói như vậy có lẽ đơn giản quá.
Trong thực tế, Nga vẫn can dự vào châu Âu, mà họ chắc chắn là muốn có quan hệ tốt hơn. Tại Syria, Nga vẫn duy trì một sự can dự không hề giảm, thậm chí đã manh nha phối hợp quân sự với Hoa Kỳ, chứ không chỉ nhằm giảm nguy cơ đụng độ trên hiện trường. Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, được cụ thể hóa bằng việc thành lập một tuyến liên lạc trực tiếp, cũng có vẻ được cải thiện, đặc biệt là kể từ khi chúng đối trọng với những lời lên án Ankara của Liên Hiệp Châu Âu.
Những sáng kiến mới của Matxcơva hướng về châu Á về cơ bản là nhằm cụ thể hóa sự trở lại thực thụ của một nước Nga hiện đang có phương tiện và quyết tâm lấy lại vị trí hàng đầu trong tư cách là một cường quốc toàn cầu. Quả là chúng ta có thấy một vài tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc, nhưng hiện chưa rõ là chúng có sẽ thể hiện trong thực tế bằng một sự thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa hai nước hay không. Với Nhật Bản, vấn đề phức tạp hơn, nhất là sau vụ Nga gần đây đã triển khai tên lửa trên quần đảo Kuril, vốn vẫn là một vùng tranh chấp. Chuyến thăm sắp tới của Vladimir Putin đến Tokyo có lẽ sẽ cho phép làm rõ một số điểm.
Tham vọng của Trung Quốc : Động lực biến đổi cục diện
Tại vùng Thái Bình Dương, động lực thúc đẩy tình hình biến chuyển phần lớn liên quan đến các tranh chấp chủ quyền, chỉ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, và phức tạp và chồng chéo lên nhau ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số rạn san hô khác ở Biển Đông.
Trong trường hợp Senkaku, tranh chấp phần lớn là song phương, mặc dù Mỹ, để thể hiện quyết tâm hỗ trợ đồng minh Nhật, đã từng thực hiện một số chuyến bay quân sự trong vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc thiết lập. Tại Biển Đông, các yêu sách chủ quyền phức tạp hơn, cả về mặt số lượng lẫn quy mô của những vùng có tranh chấp.
Trong nhiều năm qua, các nước ven biển thành viên ASEAN đã cố gắng thể hiện một lập trường chung và yêu cầu thông qua một bộ quy tắc ứng xử có thể ràng buộc Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh đã luôn luôn ngăn chặn thành công việc thông qua một văn bản như vậy bằng cách “mua chuộc” các nước ASEAN, cụ thể là Lào và Cam Bốt.
Gần đây, Bắc Kinh rất năng động, cụ thể là đã xây dựng các căn cứ quân sự thực thụ trên một số rạn san hô và khẳng định chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Sau một đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng Tài ở La Haye đã lên án Trung Quốc, vốn đã phủ nhận thẩm quyền của tòa án cho dù đã phê chuẩn Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không chấp nhận phán quyết. Người ta từng tưởng rằng Manila sẽ dựa trên phán quyết của Quốc Tế (ngày 12/07/2016) để củng cố lập trường của mình. Thế nhưng, trong thực tế, ông Duterte, đắc cử tổng thống Philippines hai tuần trước đó, đã làm nhiều người ngạc nhiên khi có thái độ rất khác. Được Bắc Kinh ve vãn, trước hết ông đã tuyên bố rằng ông xích lại gần Trung Quốc, và giảm đáng kể công cuộc hợp tác với Washington. Từ đó đến nay, ông liên tiếp có những phát biểu, nhiều khi mâu thuẫn nhau, và dường như không hoàn toàn được chính phủ của ông tán đồng.
Trong toàn khu vực, Bắc Kinh tiếp tục hành động. Vì không thoải mái chút nào với tính chất đa phương và với các liên minh, ngành ngoại giao Trung Quốc, như thường lệ, đã luôn đòi hỏi đối thoại song phương và xử lý vấn đề tùy theo đối tượng.
Việt Nam vẫn là quốc gia phản đối mạnh nhất các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, đến mức càng lúc càng công khai yêu cầu sự giúp đỡ của Mỹ và mở cửa một lần nữa cho sự hiện diện quân sự của Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn gắn chặt với láng giềng to lớn và phán quyết của Tòa La Haye không thực sự thuận lợi cho Hà Nội.
Atlantico : Trước việc Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, Hoa Kỳ phản ứng thế nào? Có nên “sợ” khả năng Mỹ rút đi hay không? Và nếu Mỹ rút, thì hậu quả ra sao ?
Jean-Vincent Brisset : Ngay từ chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2008, ứng cử viên Obama và ngoại trưởng tương lai Hillary Clinton đã chủ trương Mỹ dấn thân sâu hơn vào vùng Thái Bình Dương. Điều đó đã được triển khai khá nhanh chóng, đặc biệt là về mặt quân sự. Thông thường khi quan tâm đến chính sách « xoay trục » của Mỹ, người ta nghĩ rằng các lực lượng Mỹ đã được rút ra khỏi châu Âu để triển khai qua vùng Thái Bình Dương. Trong thực tế, sự chuyển hướng đó đã bị nhiều trở ngại, vừa từ việc cắt giảm ngân sách, cho đến nhu cầu duy trì một phần lực lượng tại Afghanistan và chiến đấu chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak và Syria.
Trong thực tế, phương tiện được bố trí tại chỗ để chống lại Trung Quốc, cả về nhân lực đến vật lực, nhìn chung đều không tăng nhiều lắm. Cái khác là địa bàn triển khai có thay đổi, với một sự giảm nhẹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một nỗ lực hướng tới Philippines và Singapore, cùng với việc tạo ra một căn cứ thủy quân lục chiến ở Úc. Những động thái quân sự đó dĩ nhiên là đi kèm theo vế ngoại giao, cho phép Mỹ có thêm điều kiện thuân lợi để cho chiến hạm ghé cảng và có chỗ dừng quân.
Một bước tiến quan trọng hơn nhiều là kế hoạch thành lập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định thương mại tự do rộng lớn bao gồm 12 nước (Mỹ, Canada, Mêhicô, Chile, Peru, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Úc và New Zealand), chiếm 40% GDP của thế giới, nhưng đã gạt Trung Quốc qua một bên. Hiệp ước đã được ký kết ngày 04/02/2016, nhưng đã bị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ đòi xé bỏ.
Atlantico : Donald Trump nêu bật một cách tiếp cận chính trị và địa chính trị mang tính bảo hộ mậu dịch và không can thiệp. Cho dù vậy, liệu Mỹ có thể cho phép mình mất đi ảnh hưởng đối với châu Á hay không?
:Jean-Vincent Brisset :  Vào lúc này, chúng ta chủ yếu vẫn chỉ suy đoán về các chính sách mà ông Donald Trump sẽ theo đuổi, và khẳng định bất kỳ điều gì cũng đều kiêu căng (và rất nguy hiểm).
Điều duy nhất mà ta có thể nói là việc nước Mỹ sẽ co cụm trong một chừng mực nào đó là khả năng có thể xảy ra, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa thể nói được. Điều này lại càng đúng hơn khi ta thấy rằng cũng rất khó mà dự đoán những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc và quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Rất có khả năng là, nhân danh quyền tự do đi lại và dựa vào phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, tàu Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện rõ rệt ở Biển Đông. Việc từ bỏ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, nếu được xác nhận, có lẽ sẽ là sư đổi hướng quan trọng nhất. Dường như chính quyền mới tại Mỹ muốn thay thế hiệp định này bằng một loạt quan hệ song phương.
Quan hệ giữa Washington và từng nước trong vùng do đó cũng có thể thoát khỏi cung cách tiếp cận toàn cầu và chung chung đang được áp dụng để hướng tới một cái gì đó riêng biệt hơn. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại sự linh hoạt và khả năng thích ứng tốt hơn với từng trường hợp, tuy theo mức độ của các quan hệ chính trị và thậm chí quân sự.
Nhưng ẩn số lớn vẫn là hướng đi của quan hệ với Trung Quốc, vẫn còn khá khó lường. Điều này đặc biệt đúng trong một giai đoạn mà bất cứ sự suy yếu nào của nền kinh tế Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước, nơi mà quyền lực của ông Tập Cận Bình có thể không phải là vững chãi như người ta tưởng.

Chủ trương bảo hộ mậu dịch của Trump

nhằm vào Trung Quốc, quả bóng phản lưới nhà

Những lời đe dọa đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để giữ công ăn việc làm cho người Mỹ của tổng thống tân cử Donald Trump có thể sẽ gây hậu quả cho chính kinh tế Mỹ, vốn đang phải vất vả cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Đó không chỉ là nhận định của các nhà quan sát mà còn là mối lo ngại ngày càng tăng trong giới doanh nghiệp Mỹ.
Từ trong cuộc vận động tranh cử, Donald Trump đã nhiều lần tuyên chiến với Trung Quốc khi thì bằng những lời đe dọa đánh thuế đến 45% vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, lúc thì lên án Bắc Kinh thao túng nhân dân tệ để có lợi trong xuất khẩu…. . Sau khi đắc cử, ông Trump liên tiếp tung ra các tuyên bố thách thức quan hệ Trung –Mỹ, từ thương mại cho đến ngoại giao.
Giới quan sát lo ngại nhận thấy, nếu những tuyên bố của tổng thống tân cử nhắm vào Trung Quốc thành hiện thực thì một cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung sẽ là điều không thể tránh khỏi, chưa nói đến các quan hệ địa chính trị khác. Ngay từ giờ, phác thảo về một chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump đã gây lo ngại cho chính giới doanh nghiệp Mỹ.
Ông David Shogren, chủ công ty International Food, một doanh nghiệp cỡ trung bình, đang rất lo ngại về một viễn cảnh Trung Quốc phản công chính sách bảo hộ của ông Trump. Từ 5 năm nay, công ty của ông Shogren là nhà cung cấp các sản phẩn nông sản cho các siêu thị ở Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc chiếm một nửa doanh thu của International Food, trong khi doanh số trên thị trường nội địa Mỹ chỉ có 5%.
Công việc làm ăn với Trung Quốc đang phát đạt, nhưng nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, International Food sẽ mất tất cả. Ông Shogren giải thích : khi đó « các khách hàng của chúng tôi có thể sẽ quay sang các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi là các công ty của châu Âu, Úc, New Zeland hay Nhật Bản ».
Ông chủ International Food cũng cho biết đang phải tính chuyện phòng xa, thăm dò một số thị trường mới như Việt Nam, Cam Bốt, Malaysia, Singapore hay Philippines. Tuy nhiên theo ông Shogren, phải mất nhiều năm mới có thể tìm được đối tác mới thay thế các khách hàng quen thuộc Trung Quốc.
Còn các công ty lớn, các đại tập đoàn, biểu tượng cho sự thành công kinh tế Mỹ, có bị ảnh hưởng bởi « kịch bản phản công » của Bắc Kinh ? Ngay sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, tờ báo Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo đã cảnh báo, nếu những đe dọa về quan hệ làm ăn với Trung Quốc của tổng thống tân cử thành hiện thực thì « một loạt các đơn đặt hàng với Boeing sẽ được thay bằng Airbus, các mặt hàng iPhones, xe hơi Mỹ tại Trung Quốc sẽ lĩnh ngay hậu quả, việc nhập khẩu đậu tương và ngô Mỹ sẽ bị ngừng… »
Lấy thí dụ trường hợp của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing, nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ với 70% thu nhập từ nước ngoài. Theo Boeing, trong tổng số 495 chiếc Boeing 737 được giao trong năm 2015, có tới 1/3 được chuyển tới khách hàng Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng lao động tại Mỹ chiếm tới 90% trên của tổng số 150 000 nhân công của Boeing trên toàn cầu.
Trong lĩnh vực xe hơi, General Motor (GM) sẽ có thể bị mất rất nhiều vì cuộc chiến thuế quan Trung – Mỹ. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, General Motor xuất sang Trung Quốc 2,38 triệu đầu xe, trong khi đó tại thị trường nội địa, con số này chỉ có 1,96 triệu. GM cũng là tập đoàn bắt đầu cho đóng xe tại Trung Quốc để đưa trở lại thị trường Mỹ nhằm hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với làn sóng xe Nhật, Hàn Quốc đang tràn vào Mỹ.
Càng gần đến ngày chính thức bước vào Nhà Trắng, Donald Trump càng chứng tỏ ông không nói đùa trong việc thực hiện một chính sách bảo hộ kinh tế với mục tiêu đầu tiên là nhằm vào cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Thế nhưng, thị trường rộng lớn Trung Quốc đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn của Mỹ.
Người Trung Quốc sẽ không mấy khó khăn để tìm ra biện pháp trả đũa. Khi đó thì các công ty Mỹ sẽ là nơi hứng chịu hậu quả trực tiếp đe dọa việc làm của người Mỹ. Ý tưởng bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ của ông Trump rất có thể sẽ là trái bóng đá phản lưới nhà.

Tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên thệ nhậm chức

Hôm nay, 12/12/2016, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres tuyên thệ nhậm chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ở New York.
Lễ nhậm chức được tổ chức trọng thể và tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trình bày với đại diện 193 nước thành viên các dự án quan trọng đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như kế hoạch cải cách Liên Hiệp Quốc.
Ông Guterres, 67 tuổi, sẽ là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thứ 9, chính thức thay thế ông Ban Ki Moon vào ngày 01/01/2017.
Việc lựa chọn cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, nguyên lãnh đạo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, làm tổng thư ký tạo ra nhiều hy vọng giúp định chế này vượt qua các bất đồng để giải quyết các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là hồ sơ Syria.
Mặt khác, công việc của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ không đơn giản với việc ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. Không ít người lo ngại tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ không đếm xỉa đến vai trò của Liên Hiệp Quốc.
Theo giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, việc đề xuất các cải cách Liên Hiệp Quốc, cũng như đưa ra các sáng kiến ngoại giao mới sẽ không dễ dàng đối với ông Guterres, chừng nào Donald Trump chưa lập xong chính phủ và cho biết rõ ý định, hướng đi của Hoa Kỳ.
Thắng lợi của ông Trump đã gây lo ngại về số phận của thỏa thuận về biến đổi khí hậu COP 21. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố là Mỹ sẽ rút ra khỏi thỏa thuận này.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bà Nikki Haley, nguyên là thống đốc tiểu bang Nam Carolina, làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng là một tín hiệu tích cực. Bà Haley đã từng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán của Mỹ về các hồ sơ kinh tế quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan ở bắc Irak

Một nhóm vũ trang người Kurdistan đã thừa nhận trách nhiệm vụ khủng bố kép tại Istanbul vào tối ngày 10/12, làm 38 người chết và 155 người khác bị thương. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay 12/12/2016 mở chiến dịch tấn công vào các vị trí thuộc đảng Người Lao Động Kurdistan ở phía Bắc Irak.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã tiến hành các trận không kích, phá hủy một căn cứ và nhiều điểm phòng ngự của người Kurdistan, ngay sau vụ khủng bố kép do nhóm người Kurdistan cực đoan, « Đàn chim ưng vì tự do cho Kurdistan » (Tak) tiến hành.
Tại trong nước, chính quyền Ankara thông báo đã bắt giữ hơn 100 thành viên của chính đảng thân Kurdistan, đảng Dân chủ Dân tộc (HDP). Theo truyền thông Thổ, những người này bị nghi ngờ thuộc đảng Người Lao Động Kurdistan PKK, mà Ankara xem như là một tổ chức khủng bố.
Đầu tháng 11/2016, hai lãnh đạo đảng HDP Selahattin Demirtas và bà Figen Yuksekdag cùng với khoảng một chục dân biểu khác của đảng này đã bị bắt giam và bị tam giam trong khuôn khổ cuộc điều tra « chống khủng bố » có liên quan đến PKK.
Ngay sau cú đảo chính hụt hồi trung tuần tháng 7/2016, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mở chiến dịch thanh trừng nhắm vào rộng lớn nhắm vào những người mà ông Erdogan cho là thân Kurdistan, những thành phần « khủng bố ».

Nga thông báo hàng trăm quân nổi dậy ở Aleppo, Syria,

ra đầu hàng.

Bộ Quốc Phòng Nga, hôm nay, 12/12/2016, thông báo, trong vòng 24 giờ qua, tại Aleppo, Syria, hơn 700 chiến binh thuộc phe nổi dậy đã ra hàng và hơn 13 ngàn thường dân đã chạy khỏi nơi đây.
Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, được Reuters trích dẫn, thì quân nổi dậy đã bị mất khoảng 90% diện tích lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ tại thành phố này.
Hôm qua, nhiều quan chức thuộc phe đối lập Syria cho biết là dường như Nga và Mỹ đưa ra một đề xuất cho phép các chiến binh thuộc phe nổi dậy thuộc mặt trận Fatah al Cham được rút về tỉnh Idlib, còn những chiến binh khác thì rút về các khu vực gần biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ, ở phía bắc Aleppo. Tuy nhiên, đại diện bộ Quốc Phòng Nga bác bỏ thông tin này.
Trong khi đó, vào hôm qua, tranh thủ lúc quân đội Syria tập trung lực lượng ở Aleppo, quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mở đợt tấn công vào thành phố cổ Palmyra, ở miền trung Syria.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết thêm thông tin tại mặt trận này :
« Việc bảo vệ Palmyra đòi hỏi phải có nhiều phương tiện lớn, bởi vì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hiện diện đông đảo trong khu vực sa mạc quanh thành phố cổ này và có thể điều quân từ Raqqa, ở phía bắc và từ Deir Ezzor, ở phía đông, tới chi viện.Trong hai tháng qua, quân đội Syria và các đồng minh đã rút bớt lực lượng trên các mặt trận ở Palmyra để hỗ trợ cho nhóm quân tại Aleppo, nơi đang diễn ra một cuộc tấn công lớn.
Hơn nữa, Damas và Matxcơva đã nghĩ rằng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo , đã không còn khả năng tấn công do đang phải chống đỡ tại Mossul, Irak và trên nhiều mặt trận khác ở Syria.
Thế nhưng, quân thánh chiến đã tập kết được một lực lượng lớn để tiến hành nhiều cuộc tấn công chớp nhoáng từ nhiều hướng, đánh vào Palmyra. Hôm thứ Sáu 09/12 và thứ Bẩy 10/12, không quân Nga và Syria đã thực hiện hàng chục phi vụ oanh kích, nhưng quân thánh chiến vẫn chọc thủng được các tuyến phòng thủ và tấn công vào thành phố cổ.
Quân đội chính phủ Syria và lập các tuyến phòng phủ mới cách Palmyra khoảng 5 km. Lực lượng chi viện từ Damas và Homs được điều tới nơi đây để ngăn chặn đà tiến của quân thánh chiến ».

Iran ký thỏa thuận mua 80 máy bay Boeing

Phải chăng Iran thực hiện chính sách ngoại giao máy bay ? Hôm qua, 11/12/2016, tại Teheran, hãng hàng không Iran Air thông báo đã ký thỏa thuận với tập đoàn Hoa Kỳ Boeing, mua 80 máy bay, bao gồm 50 máy bay Boeing 737 và 30 Boeing 777. Đây là hợp đồng lớn chưa từng thấy trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi Giáo năm 1979.
Từ thủ đô Iran, thông tín viên siavosh Ghazi gửi về bài tường trình :
« Đây là một thỏa thuận lịch sử giữa Iran và tập đoàn chế tạo máy bay Mỹ Boeing. Lần đầu tiên, kể từ khi thiết lập nền Cộng Hòa Hồi Giáo, cách nay 37 năm, Teheran đã ký một hợp đồng lớn như vậy với Hoa Kỳ, trong lúc các lãnh đạo Iran vẫn luôn luôn tố cáo Mỹ là kẻ thù của chính quyền Teheran. Hơn nữa, cho đến lúc này, hai nước vẫn chưa tái lập quan hệ ngoại giao.
Hợp đồng mua máy bay được ký kết trong bối cảnh chỉ còn 40 ngày nữa thì tổng thống đắc cử Mỹ sẽ nhậm chức. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và các cường quốc. Cách nay vài ngày, Quốc hội Mỹ đã thông qua một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Chính quyền Teheran cam kết sẽ trả đũa.
Như vậy, hợp đồng được ký trong bối cảnh chính trị căng thẳng giữa hai nước. Bộ trưởng Giao Thông Iran cũng đã khẳng định là thỏa thuận ký với Airbus để mua khoảng một trăm máy bay cũng sẽ được hoàn tất trong thời gian tới.
Mục tiêu của Iran là phải hiện đại hóa hạm đội máy bay thương mại, và đặc biệt là phải hoàn tất, ký kết các hợp đồng lớn trước khi ê-kíp của Donald Trump nhậm chức, để tránh mọi rủi ro ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.