Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 05/12/2016

Monday, December 5, 2016 6:14:00 PM // , ,

Tin Biển Đông – 05/12/2016

Báo Trung Quốc cảnh cáo Anh

về việc đưa chiến đấu cơ bay qua Biển Đông

Sau khi đại diện ngoại giao của Anh thông báo cho biết dự tính đưa chiến đấu cơ bay qua Biển Đông để xác quyết quyền tự do lưu thông quốc tế, mặc dù chưa có phản ứng chính thức nhưng Bắc Kinh thông qua hệ thống báo chí chính thống đã lên tiếng cảnh cáo kế hoạch của Anh, coi đó là một biểu hiện diễu võ giương oai điên rồ giống như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trang mạng Chinatopix.com hôm nay 06/12/2016 trích dẫn bài bình luận với giọng khá gay gắt của Tân Hoa Xã về sự kiện hôm 1/12 vừa , đại sứ Anh tại Hoa Kỳ Nigel Kim Darroch khi thông báo các chiến đấu cơ phản lực của Anh Quốc trên đường đến thăm Nhật Bản sẽ bay ngang qua Biển Đông để khẳng định quyền tự do lưu thông quốc tế. Theo Tân Hoa Xã tuyên bố đó “chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng với Nhật Bản”.
Tuy nhiên, hãng tin chính thức Trung Quốc cho rằng tuyên bố của đại diện ngoại giao Anh là dấu hiệu tạo cảm giác là “Luân Đôn có thể sẽ rời bỏ lập trường đứng ngoài các tranh chấp ở Biển Đông và bắt đầu muốn có một vai trò can thiệp tại khu vực này như Hoa Kỳ và Nhật Bản”.
Tân Hoa Xã cảnh báo, nếu Anh Quốc nhân danh “quyền tự do lưu thông” trên Biển Đông để đưa máy bay chiến đấu bay qua khu vực này, thì điều đó sẽ làm phức tạp thêm quan hệ giữa Bắc Kinh và Luân Đôn.
Bài bình luận của Tân Hoa Xã nhận định, vấn đề tự do lưu thông hàng hải và hàng không tại Biển Đông giờ là cái cớ để gây sức ép với Trung Quốc mà trên thực tế không hề có vấn đề gì về quyền qua lại hợp pháp của tàu bè và máy bay tại khu vực này.
Trở lại với tuyên bố của đại sứ Anh Nigel Kim Darroch hôm 1/12, Tân Hoa Xã viết : Những người quyết định chính sách của Anh phải ý thức được rằng, “với việc sao chép lại những hành động khiêu khích của Washington và Tokyo trên Biển Đông, họ sẽ mất ít nhất hai điều : uy tín của một quốc gia có trách nhiệm trên thế giới và quan hệ với Trung Quốc” và những phát biểu của ông Darroch về Biển Đông vừa qua là một dấu hiệu đáng báo động.

Biển Đông: Donald Trump

thành “đồng minh” của diều hâu Trung Quốc?

Theo The Diplomat, giới diều hâu Trung Quốc, lâu nay vẫn tranh luận về chính sách tại Biển Đông, có thể vồ lấy cơ hội qua các tweet của Donald Trump. « Đấy, tổng thống tân cử Mỹ nói rằng Bắc Kinh phải xin ý kiến của Washington nếu muốn tiến hành các hoạt động tại Biển Đông » – nơi mà Trung Quốc coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ.
Tối Chủ nhật 05/12/2016, tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump, lần đầu tiên kể từ khi thắng cử vào tháng 11 đã công khai bình luận về Biển Đông trên Twitter. Ông Trump viết như sau :
« Trung Quốc có hỏi ý chúng ta nếu đánh sụt giá đồng tiền của họ (khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh nổi), làm sản phẩm của chúng ta khó vào được thị trường nước họ (Hoa Kỳ không đánh thuế họ) ; hoặc xây dựng một phức hợp quân sự quy mô ngay giữa Biển Đông thì có được hay không? Tôi không nghĩ thế ! »
Tác giả Ankit Panda trên The Diplomat số ra ngày hôm nay 05/12/2016 nhận định, trước hết Trung Quốc không có « phức hợp quân sự quy mô ngay giữa Biển Đông » như ông Trump nói. Các sự kiện gần với ý của ông Trump nhất là việc thiết lập căn cứ quân sự tại đảo Phú Lâm (Woody Island) ở Hoàng Sa, trên đó khoảng 1.000 quân Trung Quốc trú đóng thường trực, hay căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Nói một cách chính xác về mặt địa lý, đó không phải là « ngay giữa » Biển Đông.
Cũng có thể ông Trump đề cập đến bảy đảo nhân tạo của Trung Quốc, tất cả đều ở Trường Sa. Ông Tập Cận Bình khẳng định là không quân sự hóa các thực thể này. Nhưng các hình ảnh vệ tinh liên tục cho thấy Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng có thể dùng cho dân sự lẫn quân sự, kể cả phi đạo trên các đảo ấy, chứng tỏ việc quân sự hóa chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Bảy đảo nhân tạo trên nằm tách biệt, không hợp thành một « phức hợp quân sự quy mô » duy nhất, và xen kẽ với những thực thể do các nước khác chiếm giữ. Nhìn một cách linh hoạt hơn, thì có thể Trump coi đây như một tổng thể.
Thứ hai, là tweet của ông Trump ngụ ý Trung Quốc phải xin phép Hoa Kỳ khi muốn xây các cơ sở quân sự tại Biển Đông. Dù đúng là yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh quá tham lam, khiêu khích và trái với luật pháp quốc tế, nhưng Hoa Kỳ không phải là một bên đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, và có chính sách không đứng về phía nào trong tranh chấp.
Giả sử các tweet của Donald Trump có thể cho thấy quan điểm Hoa Kỳ về Biển Đông, thì có khả năng là lần đầu tiên từ khi Mỹ-Trung bình thường hóa bang giao, Hoa Kỳ công khai gắn liền quan hệ kinh tế song phương với vấn đề an ninh. Hiện thời như ông Trump nêu, chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quan niệm về vai trò của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Hai đại cường vốn có chương trình song phương bao hàm việc hợp tác trong khu vực và ở cấp độ toàn cầu.
Theo tác giả bài viết, đối với giới diều hâu Trung Quốc, lâu nay vẫn tranh luận về chính sách tại Biển Đông, có thể vồ lấy cơ hội qua các tweet của Donald Trump. « Đấy, tổng thống tân cử Mỹ nói rằng Bắc Kinh phải xin ý kiến của Washington nếu muốn tiến hành các hoạt động tại Biển Đông » – nơi mà Trung Quốc coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ.
Đối với những người to tiếng đòi hỏi các hành động đơn phương sắp tới tại Biển Đông – bao gồm, và không chỉ giới hạn ở việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), đào đắp thêm đảo hay quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa – các tweet của Trump có thể là dữ liệu quan trọng. Lời nói bóng gió của ông có thể vô hình chung biện hộ cho một số tiếng nói tại Trung Quốc, lâu nay vẫn lý sự rằng bá quyền lãnh thổ là mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ tại Biển Đông, và kế hoạch của Hải quân Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ còn mở rộng.
Đáng chú ý hơn nữa, lời bình của Donald Trump về Biển Đông được đưa ra ngay sau quyết định lịch sử của ông, phá vỡ thông lệ của các tổng thống tiền nhiệm : nói chuyện với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Mặc dù phản ứng của Trung Quốc đối với ông Trump và Hoa Kỳ là khá nhẹ nhàng – có lẽ do ông vẫn là tổng thống tân cử đang chờ nhậm chức – tuyên bố của Donald Trump về Biển Đông có thể gây ra áp lực liên quan đến « lợi ích cốt lõi » của Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia, đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ nằm trong khái niệm « lợi ích cốt lõi » này.
The Diplomat cho rằng vụ điện đàm với tổng thống Đài Loan có thể được cho qua vì ông Trump chưa chính thức là tổng thống, nhưng nếu tiếp tục tuyên bố kiểu này sau ngày 20 tháng Giêng năm tới, có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung diễn biến tiêu cực.
Cho dù ông Trump nói nhiều về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử, cả trong thời gian vận động sơ bộ lẫn chính thức, nhưng ông hiếm khi đề cập đến tranh chấp Biển Đông. Trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi với New York Times tháng 4/2016, Donald Trump nói : « Chúng ta đã tái thiết Trung Quốc, và rồi họ đến Biển Đông, xây lên các pháo đài quân sự mà có lẽ thế giới chưa từng chứng kiến bao giờ. Thật đáng kinh ngạc ! Họ làm như thế, và họ hành động tùy thích vì họ không hề tôn trọng tổng thống của chúng ta, không tôn trọng đất nước chúng ta ».
Tác giả bài viết ghi nhận, cho đến nay Donald Trump chưa đưa ra lời chỉ trích cụ thể nào đối với các sáng kiến của chính quyền Obama tại Biển Đông, kể cả chương trình tuần tra vì tự do hàng hải của Hải quân Mỹ.

Ông Trump chỉ trích Trung Quốc

xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông

Trung Quốc từ chối bình luận những lời chỉ trích mà Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump của Hoa Kỳ mới đưa ra trên trang mạng twitter, mang nội dung trách cứ Bắc Kinh hạ giá đồng nhân dân tệ để trục lợi khi xuất khẩu hàng sang Mỹ và tự ý xây dựng những căn cứ quân sự tại Biển Đông.
Vị Tổng Thống Đắc Cử của Hoa Kỳ đã dùng trang mạng twitter để nêu câu hỏi với nội dung rằng Trung Quốc có hỏi ý kiến của Hoa Kỳ khi họ tự ý phá giá đồng nhân dân tệ khiến các công ty Hoa Kỳ khó có thể cạnh tranh, có hỏi chính phủ Mỹ khi họ quyết định đánh thuế nặng vào các sản phảm của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, hay họ có hỏi ý kiến của Washington trước khi xây dựng những căn cứ quân sự ở biền Đông hay không?
Ông Trump sau đó tự trả lời là theo ông nghĩ, Bắc Kinh chẳng bao giờ làm chuyện đó, tức đơn phương hành động, không đếm xỉa gì tới phán ứng của Hoa Kỳ.
Phản ứng của Bắc Kinh
Ông Trump có động thái này sau khi Bắc Kinh gửi công hàm ngoại giao đến chính phủ Mỹ phản đối việc vị Tổng Thống Đắc Cử Hoa Kỳ nói chuyện trực tiếp với Tổng Thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn.
Cuộc điện đàm kéo dài 10 phút đồng hồ diễn ra hôm thứ Sáu tuần trước.
Kề từ năm 1979 là thời điểm Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để thiết lập quan hệ với Trung Quốc, đây là lần đầu tiên một vị tổng thống hay tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ nói chuyện với một nhà lãnh đạo Đài Loan.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sáng nay tại bắc Kinh, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc từ chối bình luận về những điều Tổng Thống Đắc Cử Trump đưa ra trên mạng xã hội, nói rằng Trung Quốc không bình phẩm về việc làm riêng tư của ông Trump, mà chú trọng tới chính sách nhà lãnh đạo tương lai của Hoa Kỳ sẽ thực hiện, đặc biệt là chính sách đối với Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng nói mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung tiến triển tốt đẹp, cả hai nước đều có lợi, nhấn mạnh cả thế giới đều biết và công nhận quan điểm của Bắc Kinh là chỉ có một nước Trung Hoa, Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.
Trước đó, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng  chuyện dàn xếp gọi điện thoại chúc mừng ông Trump đắc cử “chỉ là một hành động nhỏ nhen” của người đang lãnh đạo Đài Loan, không ảnh hưởng gì tới chính sách Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, cũng chẳng làm sứt mẻ mối quan hệ cường quốc Mỹ-Trung.
Chính sách đối với Đài Loan?
Cũng liên quan đến việc ông Trump nói chuyện qua điện thoại với bà Tổng Thống Thái Anh Văn, những bài viết được truyền thông Trung Quốc phổ biến cũng khéo léo vừa bày tỏ sự chống đối vừa muốn làm nhẹ vấn đề.
Bài bình luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo gọi những điều ông Trump đưa ra trên trang mạng Twitter là quan điểm rõ ràng của người sửa soạn lãnh đạo nước Mỹ về Biển Đông, nhưng lại cho rằng lãnh đạo Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn hơn với Đài Bắc, để gửi thông điệp về quan điểm cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Bài bình luận viết rằng thông điêp chính trị này có thể thực hiện bằng nhiều cách, trong đó bao gồm cả việc gia tăng áp lực quân sự với Đài Loan.
Cũng cần nói thêm qua nhiều hình thức khác nhau, các viên chức Mỹ trong đó có cả Ngoại trưởng John Kerry trách ông Trump “không tham khảo ý kiến” với Bộ Ngoại Giao trước khi nhấc điện thoại trả lời bà Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan.
Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ ra thông cáo với nội dung khẳng định chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc không hề thay đổi, tức Washington D.C. chỉ công nhận có một nước Trung Hoa mà Bắc Kinh là đại diện chính thức, nhắc lại quan điểm của nước Mỹ là mong muốn thấy hòa bình, ổn định, trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
Hôm qua, Phó Tổng Thống đắc cử Mike Pence cũng đại diện cho ông Trump để lên tiếng giải bày, cho rằng đó chỉ là cuộc gọi chúc mừng bình thường, tựa như hàng chục cuộc gọi chúc mừng khác mà ông Trump đã nhận sau ngày đắc cử.

Biển Đông diễn biến bất lợi,

Việt Nam tăng cường phòng thủ Trường Sa

Một loạt những diễn biến gần đây trong và ngoài khu vực có phần không có lợi cho Việt Nam trong quyết tâm chống lại sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Có lẽ vì đã dự phòng khả năng xấu đó mà Việt Nam đã kín đáo tăng cường phòng thủ các thực thể mình đang kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa, để tránh bị bất ngờ nếu Trung Quốc làm càn.
Vấn đề nói trên đã được nêu bật với báo cáo ngày 15/11/2016 của trung tâm thông tin Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS của Mỹ, tiết lộ những hoạt động xây dựng mới của Việt Nam trong vùng đang bị tranh chấp. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng có một điều chắc chắn : Đó là vào lúc này, Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á vẫn kháng lại sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, trái với Philippines và Malaysia đã tỏ dấu hiệu khuất phục Bắc Kinh.
Gọng kềm từ hai phía của Bắc Kinh
Từ một nước đi đầu trong việc chống lại Trung Quốc, với tân tổng thống Duterte, Philippines đã rời xa Mỹ và ngả vào vòng tay Trung Quốc để tranh thủ những khoản đầu tư, tín dụng và lợi ích kinh tế hậu hĩnh. Theo chân ông Duterte, thủ tướng Malaysia cũng chạy theo Trung Quốc, để được tài trợ với những khoản đầu tư to lớn. Biển Đông đối với hai nước này đã trở thành thứ yếu.
Trung Quốc cũng đã chiêu dụ được Lào, chủ tịch ASEAN năm nay, và vung tiền nắm chắc Cam Bốt với kết quả là tránh được việc Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN nhắc đến phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye cho dù đó là một văn kiện được cho là tối quan trọng cho an ninh Đông Nam Á.
Một cái nhìn bi quan sẽ phát hiện ra là Việt Nam như đã bị lọt vào trong gọng kềm của Trung Quốc, trên biển thì khó dựa vào Philippines hay Malaysia khi cần, trên bộ thì phải thận trọng, nhất là với Cam Bốt.
Trên trường quốc tế, sự kiện ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của Việt Nam, nhất là khi nhân vật này đã dọa dẹp bỏ ngay lập tức hiệp định TPP, một thành tố quan trọng trong chính sách xoay trục qua châu Á-Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Barack Obama, vốn rất có lợi cho Việt Nam cho đến nay. Mối quan ngại hiện nay là với tâm lý ” con buôn “, liệu ông Trump có sẽ chiều ý Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông nêu được Trung Quốc « đền bù » xứng đáng hay không ?
Từ phi đạo đến pháo phản lực
Chính trong toàn cảnh đó mà thông tin về việc Việt Nam kéo dài phi đạo trên đảo Trường Sa Lớn và cho xây dựng một số nhà chứa máy bay tại chỗ được tiết lộ vào trung tuần tháng 11 vừa qua, kèm theo là một số ảnh vệ tinh chỉ rõ những gì mới được xây dựng.
Thông tin trên nối tiếp theo một thông tin khác không được kiểm chứng do hãng tin Anh Reuters đưa ra vào tháng 08/2016, theo đó Việt Nam đã kín đáo chuyển pháo phản lực EXTRA có độ chính xác cao – mua của Israel – ra 5 căn cứ ở Trường Sa, bố trí ở những nơi có thể tấn công các phi đạo và căn cứ quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Trước các động thái của Việt Nam, một số nhà quan sát đã vội vàng cho rằng Việt Nam đang thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí còn tự hỏi là phải chăng Việt Nam đang châm lại mồi lửa ở Biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Đề phòng Trung Quốc là chính
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), thì các động thái của Việt Nam mới đây của Việt Nam tại Trường Sa chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ. Trả lời Ban Việt Ngữ, giáo sư Long nhận định :
Ngô Vĩnh Long :Về việc Việt Nam kéo dài phi đạo và đang xây hai nhà chứa máy bay trên thực thể gọi là “đảo Trường Sa” thì tôi không nghĩ việc này có nghĩa là Việt Nam đang chuẩn bị đánh nhau với Trung Quốc.
Nếu báo cáo hôm 15 tháng 11 vừa qua của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS tại Mỹ là đúng, thì Việt Nam đã nối dài đường bay từ khoảng dưới 750 mét đến khoảng 990 mét.
Báo cáo trên nói thêm là Việt Nam có thể sẽ xây đường bay này dài đến khoảng 1200 mét trong tương lai, nhưng đến lúc đó thì các máy bay phản lực của Việt Nam vẫn khó có thể sử dụng đường bay này vì vẫn chưa đủ dài và vẫn chật hẹp.
Ngược lại thì hiện nay tại 3 cái đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa có những phi đạo dài hơn cái phi đạo mà Việt Nam đang xây rất nhiều và có nhà chứa đủ cho khoảng 24 máy bay phản lực trên mỗi đảo nhân tạo đó.
Tôi cũng xin nói thêm về việc anh đã đề cập đến là Việt Nam đưa hỏa tiễn ra Trường Sa : Tháng 8/2016, tôi đã hỏi một số nhân vật rất cao cấp trong chính phủ Việt Nam, thì được trả lời rằng đó chỉ là vấn đề tập luyện, tức là đưa ra đưa vào, chứ Việt Nam không có ý định đưa hẳn các hỏa tiễn ra đảo, vì như vậy rất nguy hiểm. Nếu mà Trung Quốc biết được thì Trung Quốc có thể bắn phá. Cho nên vấn đề là tập luyện và đề phòng.
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, động thái của Việt Nam không phải là thách thức Trung Quốc mà chính là để tạo thêm điều kiện tự vệ, qua đó cảnh báo các nước khác về khả năng Trung Quốc có thể làm càn tại Biển Đông nếu chính sách xoay trục của Mỹ gặp khó khăn do chính quyền mới của ông Donald Trump.
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ rằng Việt Nam không có ý định thách thức Trung Quốc. Theo báo cáo của AMTI, đối với phi đạo, sau khi hoàn thành thì Việt Nam sẽ có thể sử dụng đường bay và hai nhà chứa máy bay mới cho việc tuần tra khu vực Trường Sa.
Đây là một hành động để phòng vệ và để cảnh giác các nước khác là trước khả năng chính sách “tái cân bằng” về Châu Á của Obama sẽ bị hạn chế, nếu không nói là bị phá vỡ, thì an ninh trong khu vực Biển Đông có thể sẽ bị Trung Quốc đe doạ trầm trọng.
Xin nhắc sơ qua ở đây là chính sách “tái cân bằng” được đặt trên nền tảng xây dựng các hệ thống đa phương, trong đó có ASEAN và hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP không chỉ là một hiệp định thương mại giữa 12 nước mà đồng thời cũng là một hệ thống an ninh đa phương với ý định củng cố ASEAN và các hiệp định an ninh giữa Mỹ và các nước khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chính quyền Obama nghĩ rằng Mỹ không có thể đơn thương độc mã bảo vệ an ninh trong khu vực mà phải dựa vào sự ủng hộ của các nước khác.
Nhưng trong cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ vừa qua một số ứng cử viên đã chống TPP kịch liệt (như Donald Trump và Bernie Sanders) hoặc đòi phải đàm phán lại để cho Mỹ có lợi hơn (như Hillary Clinton). Với việc TPP không được phê chuẩn bởi Quốc Hội Mỹ, một số nước ASEAN (như Philippines, Malaysia và Indonesia) đã có thái độ mập mờ, nếu không nói là đã cho thấy đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Nếu không muốn ASEAN bị lung lay hay bị tê liệt, và qua đó tạo cơ hội cho Trung Quốc càng leo thang ở Biển Đông, thì Việt Nam không thể hững hờ trước sự đe doạ an ninh của Trung Quốc. Việt Nam không còn có cơ hội đu dây nữa nên phải có thái độ dứt khoát hầu có thể vận động các nước khác trong việc bảo vệ an ninh và lợi ích chung.
Chấp nhận căng thẳng để đánh động quốc tế
Riêng về khả năng động thái của Việt Nam làm dấy lên căng thẳng, đặc biệt là với Trung Quốc, giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng điều đó sẽ có tác dụng thức tỉnh đối với chính quyền Donald Trump về hiểm họa Trung Quốc, để đề phòng việc ông Trump” đi đêm ” với Trung Quốc, điều không thể loại trừ.
Ngô Vĩnh Long :Nếu có bùng lên căng thẳng thì việc này có thể sẽ làm cho thế giới rõ thêm về hiểm hoạ của Trung Quốc. Hiện nay chưa rõ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nói riêng, và Châu Á Thái Bình Dương, nói chung, là như thế nào trong tương lai gần hay xa.
Trong khi tranh cử tổng thống Trump đã doạ là sẽ tăng thuế quan trên các mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đến khoảng 45% để đem công ăn việc làm về cho lao động Mỹ. Trump cũng nói là sẽ đóng thêm mấy trăm chiến thuyền cho hải quân Mỹ. Nhưng có thể đây chỉ là một cách mị dân để lấy phiếu hay để đàm phán với Trung Quốc.
Trong trường hợp Trump chơi tay đôi với Trung Quốc theo chiến lược “cân bằng quyền lực” (balance of power) thì Trump sẽ sẵn sàng hi sinh lợi ích của các nước nhỏ. Thêm vào đó thì ê-kíp về an ninh và quốc phòng mà Trump đã chọn cho đến nay đều là các vị tướng bộ binh đã chỉ huy các chiến trường vùng Trung Đông và đã chống chính sách của Obama về việc rút quân ra khỏi vùng này để “xoay trục” về Châu Á Thái Bình Dương. Do đó sẽ có việc tranh giành ảnh hưởng giữa các binh chủng mà giới quân đội gọi là “turf wars” (chiến tranh dành sân chơi). Vậy chưa chắc gì những chiến thuyền mới, nếu có được đóng đi nữa, sẽ được điều động sang Tây Thái Bình Dương.
Nếu có nguy cơ bùng lên căng thẳng thì tôi nghĩ việc này có thể giúp nhắc nhở Trump và các vị tướng xung quanh ông rằng Biển Đông, nơi mà hơn 50% các hàng mậu dịch di chuyển trên biển của toàn cầu phải xuyên qua, thì không phải là nơi họ có thể bỏ rơi cho Trung Quốc được.
Các cử chỉ và hành động của Trump cho đến nay chứng tỏ là ông ta cần được nhắc nhở và cần được tự chứng tỏ.
Tóm lại, theo giáo sư Ngô Vĩnh Long việc củng cố cơ sở tại Trường Sa cho phép Việt Nam chủ động tự bảo vệ, đồng thời cảnh báo các nước khác.
Ngô Vĩnh Long : Việt Nam phải năng động, và phải có những hành động nhắc nhở các nước ASEAN, nhắc nhở các nước lớn là nếu mà họ đi đêm với nhau về Biển Đông, thì Việt Nam cũng có phương cách để bảo vệ mình, cũng như bảo vệ an ninh trong khu vực, và nếu mà có rối ren trong khu vực Biển Đông, thì các nước nhỏ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng trước nhất.

Trung Quốc, Trump và Biển Đông sắp tới

Kính Hòa, phóng viên RFA
Chính sách mới của Mỹ về Trung Quốc và Biển Đông trong thời gian sắp tới vẫn còn gây nhiều đồn đoán. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, đang làm việc tại Singapore cho Đài Á Châu Tự Do RFA cuộc trao đổi sau đây về vấn đề này, cũng như những khía cạnh có liên quan đến Việt Nam.
TS Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì vẫn còn sớm để nói đến chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump đối với châu Á nói chung cũng như là Trung Quốc hay Việt Nam nói riêng.
Trong thời gian qua ông Donald Trump đưa ra những ý kiến tương đối mâu thuẫn nhau. Một mặt ông tuyên bố sẽ giảm dần sự can dự vào khu vực, nhưng mặt khác thì một số diễn biến gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Trong kỳ nghĩ cuối tuần vừa qua, nhiều người bàn luận đến cuộc nói chuyện trực tiếp giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan. Đây là điều khá đặc biệt từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, và Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ nói chuyện trực tiếp với một lãnh đạo Đài Loan. Điều này đặt ra một câu hỏi về chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ như thế nào. Một số học giả Trung Quốc cho rằng cuộc nói chuyện vừa rồi là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với công luận và giới làm chính sách Trung Quốc, bởi vì từ khi ông Trump đắc cử, nhiều nhà phân tích Trung Quốc có cái nhìn tương đối lạc quan về quan hệ Mỹ Trung trong thời gian tới, cũng như vai trò của Trung Quốc trong khu vực, do chính sách biệt lập mà ông Trump nêu ra.
Sự yên tĩnh trên biển Đông chỉ là tạm thời, phù hợp với cách hành xử của Trung Quốc trong quá khứ. Đó là chiến lược lát cắt salami.
-TS Lê Hồng Hiệp
Một số diễn biến khác liên quan đến tình hình Triều Tiên hay biển Đông thì chúng ta chưa có thông tin rõ ràng để khẳng định xu hướng sắp tới. Tuy nhiên, với những gì ông Trump thể hiện vừa qua về Trung Quốc và Đài Loan, thì có lẽ là chúng ta phải chờ đợi thêm để mà có dữ liệu đầy đủ hơn, để đánh giá xu hướng chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump chính xác hơn.
Kính Hòa: Trung Quốc trong thời gian qua có vẻ ít có hành động trên biển Đông?
TS Lê Hồng Hiệp: Một phần sự yên tĩnh trong thời gian qua trên biển Đông là do Trung Quốc đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông. Bây giờ họ chỉ âm thầm hoàn thiện, điều đó không gây nhiều tranh cãi và phản đối.
Thứ hai là sau phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines hồi tháng bảy vừa rồi, thì tôi nghĩ rằng bản thân Trung Quốc họ cũng có sự kềm chế để mà giảm sức ép về ngoại giao và công luận về chính sách biển Đông của họ. Dường như họ cũng có sự nhún nhường nhất định để thực hiện mục tiêu này.
Thứ ba là một nhân tố chủ chốt trong tranh chấp biển Đông, đó là Philippines dưới thời Tổng thống Duterte có sự thay đổi về chính sách, và chính vì vậy mà Bắc Kinh muốn có một thời gian yên tĩnh để mà lôi kéo được ông Duterte một cách thành công hơn, cho nên họ có giảm căng thẳng trên biển Đông.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự yên tĩnh chỉ là tạm thời, phù hợp với cách hành xử của Trung Quốc trong quá khứ. Đó là chiến lược lát cắt salami, tức là sau một thời gian căng thẳng đạt được các mục tiêu của mình, thì Trung Quốc tạo ra một thời kỳ lắng dịu trước khi bước vào một đợt căng thẳng mới. Có lẽ năm 2017, 2018 sẽ có những căng thẳng mới do Trung Quốc gây ra trên biển Đông. Đặc biệt nếu chính quyền của Mỹ có những hành động mà Bắc Kinh cảm nhận là thù địch với Trung Quốc trên biển Đông.
Kính Hòa: Ông vừa nói tới hành động của Tổng thống Duterte của Philippines cũng như phán quyết của tòa trọng tài, thì phán quyết đó đặt Trung Quốc vào thất thế. Tại sao bây giờ không chỉ Philippines và cả Malaysia nữa lại đổi thái độ đối với Trung Quốc?
TS Lê Hồng Hiệp: Sự thay đổi chính sách của Philippines nó xuất phát từ lập trường quan điểm của Tổng thống Duterte. Các ưu tiên chính sách của ông thiên về các vấn đề trong nước nhiều hơn. Để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước thì Philippines cần sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vì vậy ông cần cải thiện quan hệ với Trung Quốc, cố gắng duy trì một quan hệ gọi là ổn định, mang tính hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc hơn là ông Aquino trước đây.
Ngoài ra tôi nghĩ là về chính sách biển Đông, thì sau phán quyết của tòa trọng tài, với thắng lợi áp đảo của mình như vậy thì phía Philippines cũng có như cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc, không ép làm họ mất mặt quá nhiều có thể có những phản ứng gay gắt làm căng thẳng leo thang.
Vấn đề mấu chốt ở đây là vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vừa bảo toàn lợi ích của họ. Và vấn đề cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng không phải là điều gì quá phương hại đến lợi ích của Philippines trên biển Đông, miễn là bảo tồn được thắng lợi của họ trong vụ kiện vừa qua.
Còn Malaysia thì bấy lâu nay quan hệ của họ vói Trung Quốc cũng đã tích cực và gần gũi. Trong thời gian qua Malaysia gặp nhiều sức ép trong nước cũng như bên ngoài. Trong nước thì có chuyện bê bối của Thủ tướng Malaysia liên quan đến một quĩ đầu tư.
Ông Najib cũng muốn sử dụng các nguồn lực của Trung Quốc để hóa giải vụ bê bối này, đặc biệt là các công ty Trung Quốc mua các món nợ xấu của quĩ đầu tư, giúp ông Najib phục hồi uy tín trong nước. Mặt khác ông Najib cũng gặp chỉ trích của Mỹ liên quan đến những bê bối của vụ tham nhũng này, vì vậy việc xoay trục sang Trung Quốc cũng là một phản ứng dễ hiểu.
Kính Hòa: Có vẻ như trong bối cảnh hiện tại thì Việt Nam trở nên ngày càng đơn độc hơn, thì ông đoán là sắp tới cách tiếp cận vấn đề biển Đông của Việt Nam sẽ như thế nào?
TS Lê Hồng Hiệp: Việt Nam về mặt nguyên tắc chiến lược thì sẽ không thay đổi nhiều, có nghĩa là sẽ kiên định các lập trường, chính sách, các tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông, tăng cường quan hệ với các đối tác chủ chốt như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN để mà đối phó với các sức ép trên biển Đông.
Tuy nhiên về mặt chiến thuật thì sẽ có thể có những điều chỉnh. Ví dụ như trong trường hợp ông Donald Trump có một sự thõa hiệp với Trung Quốc trên biển Đông thì Việt Nam cũng phải điều chỉnh ít nhiều để có thể có lợi hơn. Nếu Hoa Kỳ giữ nguyên cách tiếp cận của họ về biển Đông thì có lẽ Việt Nam cũng không cần quá lo lắng, hay là khỏi điều chỉnh nhiều các chính sách của mình trên biển Đông.
Mỹ có thỏa hiệp với Trung Quốc trên biển Đông, và Việt Nam có điều chỉnh theo sự thỏa hiệp đó hay không thì chúng ta cần phải chờ xem.
Trong bối cảnh những diễn biến quá lớn mang tính bước ngoặc chưa diễn ra thì Việt Nam vẫn duy trì đường hướng lâu nay của mình là kết hợp nội lực và tận dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài để mà giải quyết sức ép từ phía Trung Quốc.
-TS Lê Hồng Hiệp
Trong lập trường của ông Trump về vấn đề Đài Loan, thì chúng ta cũng có chút hy vọng là ông ấy sẽ không thay đổi, sẽ không thỏa hiệp với Trung Quốc như nhiều người lo ngại lâu nay.
Kính Hòa: Nhìn các động thái của Việt Nam trong thời gian qua thì có vẻ như Việt Nam lại mạnh dạng hơn, ví du như cái tin Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa, hay ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Việt Nam mở rộng sân bay trên đảo Trường Sa lớn. Như vậy giải thích như thế nào về những hành động có vẻ như mạnh dạn hơn đó?
TS Lê Hồng Hiệp: Chính sách biển Đông của Việt Nam bao gồm nhiều mặt khác nhau, trong đó có sự kết hợp giữa hai phần, phát triển nội lực và sử dung ngoại lực. Những động thái mà anh vừa nói là thể hiện sự quyết tâm bên trong của Việt Nam nhiều hơn.
Chính vì vậy nếu có những diễn biến bên ngoài gây bất lợi cho Việt Nam thì Việt Nam vẫn có thể kiên trì duy trì các chính sách liên quan đến nội lực của mình. Tất nhiên nếu có sự thay đổi bên trọng bên ngoài thì Việt Nam có thể phải cân nhắc.
Nhưng trong bối cảnh những diễn biến quá lớn mang tính bước ngoặc chưa diễn ra thì Việt Nam vẫn duy trì đường hướng lâu nay của mình là kết hợp nội lực và tận dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài để mà giải quyết sức ép từ phía Trung Quốc.
Chúng ta không nên tách các hành động ấy của Việt Nam ra khỏi chính sách tổng thể trong chuyện giải quyết vấn đề biển Đông với Trung Quốc.
Kính Hòa: Xin cảm ơn ông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.