Đọc báo Pháp – 05/12/2016
Điện đàm với tổng thống Đài Loan:
Trump thách thức Trung Quốc ?
Sau cuộc điện đàm giữa tổng thống tương lai của nước Mỹ và lãnh đạo Đài Loan cuối tuần trước, các báo Pháp đầu tuần này đều sửng sốt: Le Figaro nhắc đến « Bước sảy chân của Donald Trump khiến Bắc Kinh giận dữ », trong lúc Les Echos nhìn thấy “Chuỗi sự cố ngoại giao” của Donald Trump.
Báo Le Figaro nêu lên câu hỏi : Sai lầm hay hành động khiêu khích mới khi ông Donald Trump động đến một chủ đề “vô cùng nhạy cảm đối với Bắc Kinh” ? Nhà tỷ phú với những tuyên bố khó lường này vừa “đoạn tuyệt với đường lối ngoại giao” của Washington từ trước tới nay.
Với báo Les Echos, cuộc điện đàm hôm thứ Sáu 02/12/2016 giữa Donald Trump với tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn đã làm “rung chuyển chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từng được duy trì trong 40 năm qua” mà ở đó, về mặt chính thức, Washington công nhận “một nước Trung Hoa duy nhất”.
Le Monde cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cho rằng “tính khí thất thường của ông Trump” bắt đầu ảnh hưởng đến cả chính sách đối ngoại của Mỹ. Bị chỉ trích, tổng thống tân cử Donald Trump trước hết đính chính là ông chỉ trả lời điện thoại khi được lãnh đạo Đài Loan gọi điện chúc mừng. Sau đó, trong một tin nhắn trên mạng Twitter, ông Trump bình luận : “Thật thú vị. Mỹ bán hàng tỷ đô la trang thiết bị quân sự cho Đài Loan, nhưng lại không được phép nhận điện chúc mừng”.
Vẫn Le Monde tiết lộ nội dung cuộc trao đổi giữa bà Thái Anh Văn và Donald Trump : đôi bên “ghi nhận liên hệ gắn bó trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh giữa Đài Loan với Hoa Kỳ”. Tờ báo đặt câu hỏi phải chăng nhà tỷ phú New York có ý định thay đổi quan điểm của Mỹ trên hồ sơ nhạy cảm này ?
Trong thời gian vận động tranh cử ông Trump không nhắc đến Đài Loan, chỉ tập trung tấn công chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc, cho rằng quyền lợi của nước Mỹ bị đe dọa. Nhưng trong số các cộng tác viên của tổng thống tân cử Hoa Kỳ, có nhiều người thuộc khuynh hướng thân Đài Loan. Trong số đó phải kể đến chuyên gia Peter Navarro, một trong những cố vấn kinh tế của ông Trump. Tháng 10/2016 một người thân cận khác của ông Trump là Edwin Feulner đã sang tận Đài Bắc và được tiếp kiến tổng thống Thái Anh Văn.
Chánh văn phòng trong chính quyền Trump sắp tới, Reince Preibus từng có dịp tiếp cận với bà Thái Anh Văn vào mùa thu năm ngoái, khi bà còn lãnh đạo đảng đối lập Đài Loan.
Chuỗi dài những sơ sót ngoại giao
Đài Loan, không là bước sảy chân duy nhất của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Phóng viên báo Le Monde nhắc lại, cũng tuần qua Donald Trump đã hết lời khen ngợi Pakistan, đất nước “tuyệt vời” do thủ tướng Nawaz Sharif lãnh đạo mà không hề để ý đến hai yếu tố : một là những lời khen tặng quá đáng đó làm phật lòng Ấn Độ một đối tác quan trọng của Washington tại Nam Á, và hai là chính bản thân Mỹ đang đau đầu về ảnh hưởng của Islamabad với nước láng giềng Afghanistan sát cạnh. Chính quyền Obama chỉ trích Pakistan thiếu quyết tâm trong nhiệm vụ tiêu diệt quân khủng bố tại Afghanistan.
Với tổng thống Kazakhstan, Noursoultan Nazarbaiev, người đã cai trị đất nước với một bàn tay sắt từ ¼ thế kỷ nay, theo thông cáo của Astana, Donald Trump ca ngợi lãnh đạo Kazakhstan “thành công vượt bực” duy trì ổn định cho đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên này và đó là “một phép lạ”. Tựa trên báo Les Echos : “Vừa được bầu lên, Donald Trump đã liên tục gây ra sự cố ngoại giao” : chọc giận Trung Quốc, làm phật lòng Ấn Độ, trêu tức Anh Quốc khi đề nghị Luân Đôn đề cử lãnh đạo đảng dân túy Nigel Farage làm đại sứ Anh tại Washigton.
Đến lượt Nga thẳng tay bài trừ tham nhũng
Nga đang phá kỷ lục về những vụ điều tra các quan chức tham nhũng. Qua vụ bộ trưởng Kinh Tế Alexeï Oulioukaïev bị bắt vì tai tiếng nhận hối lộ 2 triệu đô la, thông tín viên báo le Monde từ Matxcơva nêu ra con số trong ba năm qua, tính đến đầu tháng 11/2016, 7.400 quan chức nhà nước bị sa lưới. Tuy vậy, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” theo kiểu của Nga “không quy mô bằng các đợt thanh trừng” ở Bắc Kinh.
Trở lại trường hợp của bộ trưởng Alexeï Oulioukaïev đột ngột bị bắt giam và cách chức ngày 14/11/2016, tờ báo nhấn mạnh : đây là lần đầu tiên từ năm 1953 một quan chức cao cấp bị bắt và cách chức một cách thô bạo như vậy. Chiều ngày hôm đó Alexeï Oulioukaïev bị cơ quan mật vụ FSB – hậu thân của KGB – câu lưu khi rời trụ sở tập đoàn dầu khí Rosneft với 2 vali chứa 2 triệu đô la.
Tin trên được các phương tiện truyền thông loan tải ngay trong đêm rạng sáng hôm sau. Tổng thống Putin ký sắc lệnh cách chức bộ trưởng Kinh tế Oulioukaïev. Trong hơn hai tuần qua, ông này bị quản thúc tại gia, không được liên lạc với báo chí và thế giới bên ngoài và bị truy tố về tội tham nhũng. Alexeï Oulioukaïev có thể lãnh án 15 năm tù và bị phạt một số tiền rất lớn.
Bộ trưởng Kinh Tế Nga đã “bị làm nhục trên mọi phương diện”. Có điều, như ghi nhận của một số nhà quan sát, nếu đích thực đây là vụ hối lộ, thì khoản tiền 2 triệu đô la trong 2 chiếc vali nói trên “quá ít” khi người ta đem tiền hiến cho một ông bộ trưởng. Để so sánh, tháng 9/2016 giới điều tra Nga đã phát hiện trong căn hộ của một quan chức cao cấp thuộc bộ Quốc Phòng 150 triệu đô la tiền mặt.
Lại cũng có giả thuyết cho rằng, ông Oulioukaïev muốn “tống tiền” Rosneft trong khuôn khổ thủ tục tư hữu hóa tập đoàn dầu khí này. Le Monde khó tin vào luận điểm bởi lẽ chủ tịch tổng giám đốc Rosneft là bạn thân của tổng thống Vladimir Putin.
Tác giả bài báo không loại trừ khả năng, bộ trưởng Kinh Tế của Putin đang trả giá cho việc đã chỉ trích chính sách kinh tế do điện Kremlin phác họa ra. Cũng ông Alexeï Oulioukaïev từng nêu lên rủi ro kinh tế Nga còn bị đình đốn trong vòng 20 năm sắp tới. Lại cũng ông này gần đây từng cả gan tuyên bố : “Trên phương diện kinh tế, nếu chính sách không thay đổi, thì chúng ta cần thay đổi về mặt nhân sự”.
Về phần tổng thống Vladimir Putin, ông này báo trước, bài trừ tham nhũng chủ đề sẽ được khai thác để bảo đảm 2018, ông ta đắc cử thêm một nhiệm kỳ.
Áo và Ý, hai bộ mặt của Châu Âu
Trở lại với thời sự Châu Âu : “Cử tri Áo cản đường đảng cực hữu”có khuynh hướng bài châu Âu. “Nước Áo nói không” với đảng này, tựa lớn trên các tờ báo Pháp từ tả sang hữu.
Les Echos thở phào nhẹ nhõm : nếu đảng FPO dân túy giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Áo hôm qua, đây sẽ là một tín hiệu mới đe dọa Liên Hiệp Châu Âu bị tan rã. May mà kịch bản đó không xảy ra.
Ứng viên của đảng Xanh Alexander Van der Bellen đắc cử trong bối cảnh nước Anh đã quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cử tri Ý bất tín nhiệm thủ tướng Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến Pháp, và tại nhiều nước trong Liên Hiệp, các đảng dân túy đang lên như diều. “Van der Bellen chận phe cực hữu”, tựa của Libération.
Về thất bại đau đớn của thủ tướng Ý Matteo Renzi sau kết quả trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến Pháp hôm qua, các tờ báo giấy không kịp đưa tin ông Renzi từ chức, nhưng đã có sẵn bài phân tích về tác động kinh tế đối với quốc gia này. « Khủng hoảng nợ công của Ý có nguy cơ lại bùng lên », tựa trên Le Monde. Với báo Le Figaro thủ tướng Renzi ra đi để lại một nền kinh tế còn « mong manh ». Báo Les Echos nêu lên một vài kịch bản cho nước Ý thời kỳ « hậu Matteo Renzi ». Một trong những kịch bản đó là phong trào Năm Sao, bài châu Âu và chủ trương co cụm lại, có triển vọng « lên ngôi ».
Le Monde « trông người lại nghĩ đến ta » : tại Pháp khuynh hướng bài ngoại và dân tộc chủ nghĩa cũng đang được lòng dân.
Chính trị Pháp : đảng Xã Hội lo lắng cho tương lai
Chính trị Pháp cuối tuần trước, đầu tuần này được đánh dấu bằng hai sự kiện, tổng thống François Hollande thông báo không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ 2, thủ tướng Manuel Valls rộng đường lao vào cuộc chạy đua để đại diện cho cánh tả ra tranh cử vào tháng 5/2017.
Báo Les Echos nói đến những trở ngại chờ đợi ứng viên Manuel Valls trên con đường vào điện Elysée : nguy cơ đảng Xã Hội bị chia năm sẻ bảy, đe dọa cánh tả tan rã và sự cạnh tranh trực tiếp của ứng cử viên phong trào En Marche, Emmanuel Macron.
« Thời khắc của Valls » tựa lớn trên báo công giáo La Croix. Trong quan điểm của nhật báo Les Echos, Valls từ chức thủ tướng nội trong ngày hôm nay để chính thức « nhập cuộc » cùng với khá nhiều ứng viên của đảng Xã hội và cánh tả đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Nhưng liệu Valls « làm được gì » trong một cuộc chiến mà phần thua đã trông thấy.
Báo Le Figaro thiên hữu không vòng vo : 51 ngày chiến đấu để giành được chiếc vé ra tranh cử tổng thống Pháp, nhưng Manuel Valls không thể xóa được 1.650 ngày ông tham gia chính quyền cả trong cương vị bộ trưởng Nội Vụ lẫn ở chức vụ thủ tướng. Manuel Valls khó có thể chối bỏ trách nhiệm trong những thất bại của chính quyền cánh tả dưới sự điều hành của François Hollande mà ông là « lái phụ ».
Hàng giả « vũ khí hủy diệt hàng loạt »
Nhờ hệ thống phân phối qua ngả internet, hàng giả trên thế giới ngày càng thịnh hành, nhưng đây cũng là nguồn cướp đi 2,5 triệu công việc làm hàng năm. 10 % hàng mua bán trên mạng là « hàng giả », sao chép lại từ những nhãn hiệu nổi tiếng, từ trong ngành thời trang đến dược phẩm và kể cả đồ ăn.
Trong bài viết mang tựa đề “hàng giả, vũ khí hủy diệt hàng loạt”, phụ trang kinh tế của Le Monde trích dẫn báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế CEBR thực hiện cho tập đoàn NetNames, chuyên bảo vệ bản quyền của các nhãn hiệu lớn trên Internet và đưa ra những con số như là :
Chỉ riêng Liên Hiệp Châu Âu thất thu 167 tỷ euro/ năm. Thị trường mua bán hàng giả tại Pháp ước tính thu vào 7,3 tỷ euro, tương đương với 0,3 % GDP. Thiệt hại về thuế khóa và đóng góp an sinh xã hội cho khối G20 lên tới gần 60 tỷ euro.
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng giả lớn nhất thế giới, với doanh thu mỗi năm tương đương với 1,3% GDP toàn nước Mỹ, 750.000 người lao động Mỹ mất việc làm vì hàng hiệu giả mà phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.
Tin đọc nhanh
( AFP ) Ông Shinzo Abe sẽ là thủ tướng Nhật đầu tiên đến thăm Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Đến Hawai trong 2 ngày 26 và 27/12 để hội đàm với tổng thống Barack Obama, ông Abe sẽ đến thăm địa điểm xảy ra cuộc tấn công bất ngờ của không quân Nhật vào hải quân Mỹ ngày 07/12/1941, khởi đầu Thế chiến thứ hai ở vùng Thái Bình Dương. Cuộc chiến ở vùng này đã kết thúc bằng quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima ngày 06/08/1945.
(AFP) – Trung Quốc cảnh báo các nước phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran. Hôm nay 05/12/2016, ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo là việc thực hiện các thỏa thuận hạt nhân Iran không nên bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thay đổi nội bộ nào của các nước có liên quan, sau khi tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump dọa sẽ từ bỏ thỏa thuận này. Tuần trước, Quốc Hội Mỹ đã bỏ phiếu để triển hạn trừng phạt Iran vì các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran và vì các lý do nhân quyền. Washington cho biết các biện pháp trừng phạt 10 năm không liên quan tới thỏa thuận hạt nhân, nhưng Iran nói rằng điều này gây ảnh hưởng đến Iran, đặc biệt từ khi Iran khuyến khích các ngân hàng quốc tế quay lại nước này.
(AFP) – Tại Uzbekistan, chính quyền cũ tiếp tục thắng cử. Hôm nay, 05/12/2016, Ủy ban bầu cử Uzbekistan thông báo, tổng thống lâm thời Chavkat Mirzioiev đã thắng cử tổng thống nước này trong cuộc bầu cử hôm qua với 88,6% phiếu bầu. Ông Mirzioiev, 59 tuổi,cựu lãnh đạo của đảng Cộng Sản, được chỉ định tạm quyền thay thế tổng thống Islam Karimov, qua đời hồi tháng 9 vừa qua. Tổ Chức An Ninh Hợp Tác Châu Âu ( OSCE) tố cáo các điều kiện tổ chức bầu cử không đảm bảo chuẩn mực dân chủ, đồng thời nhận định cần phải có cải cách ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.
(AFP) – Công nghiệp vũ khí châu Âu và Nga được mùa. Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (Sipri) công bố hôm nay, các tập đoàn chế tạo vũ khí châu Âu và Nga đạt tăng trưởng mạnh trong năm 2015. So với năm trước, doanh thu của công nghiệp vũ khí Nga trong năm 2015 tăng 6,2%, chiếm 8,1% thị trường vũ khí thế giới. Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng châu Âu tăng trưởng 6,6%, kiểm soát 25,8% thị trường vũ khí. Vũ khí Mỹ vẫn thống trị thị trường thế giới với 56,6% thị phần nhưng tăng trưởng các công ty chế tạo vũ khí Mỹcó phần chững lại.
(AFP) – Phần Lan : Một dân biểu địa phương và hai nhà báo bị bắn chết. Đêm thứ Bảy 03/12, tại thành phố Imatra của Phần Lan nằm sát biên giới với Nga, bà chủ tịch hội đồng thành phố và hai nhà báo nữ đã bị bắn chết sau ăn tối cùng nhau tại một nhà hàng. Cảnh sát đã nhanh chóng tìm thấy nghi phạm với vũ khí trong cốp xe hơi và đã tiến hành xét hỏi vào ngày hôm qua. Nghi phạm là người dân thành phố Imatra, 23 tuổi, hành động một mình. Hiện động cơ vụ tấn công vẫn chưa được làm rõ, nhưng cảnh sát hiện không tìm ra chứng cớ kết luận vụ tấn công này có yếu tố chính trị hay cực đoan.
( AFP ) Bob Dylan cám ơn về giải Nobel Văn học. Theo thông báo của tổ chức Nobel hôm nay, 05/12/2016, gần hai tháng sau khi được trao giải Nobel Văn học, nam ca nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan mới gởi lời cám ơn, nhưng đã quyết định sẽ không đích thân đến Stockholm để nhận giải này. Kể từ khi giải Nobel Văn học 2016 được công bố, Bod Dylan, 75 tuổi, vẫn chưa có phản hồi. Ông là ca nhạc sĩ đầu tiên được trao giải Nobel Văn học.
(AFP) – Pháp : 5 triệu người sống cô độc. Theo một kết quả nghiên cứu công bố hôm nay, năm 2016, tại Pháp, có 5 triệu người trên 15 tuổi sống cô độc. Cứ 10 người thì có 1 người không gặp gỡ hoặc rất hiếm khi liên lạc với gia đình, bạn bè, hàng xóm hay người quen. 26% số người được hỏi cảm thấy là người bị gạt ra bên lề cuộc sống, bị bỏ rơi hoặc là người vô ích. Các yếu tố khiến góp phần khiến con người cảm thêm cô độc là đói nghèo, thất nghiệp và tuổi tác. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cô độc cũng giống như vòng luẩn quẩn : những người sống cô độc thường có xu hướng sống khép mình hơn, không tin tưởng vào người khác và không cảm thấy an toàn trong cuộc sống.
0 comments