Tin Việt Nam – 04/11/2016
Thêm một cựu lãnh đạo trốn ra nước ngoài,
VN đang học TQ?
Sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh, báo chí Việt Nam hôm 3/11 đưa tin thêm một cựu lãnh đạo của Bộ Công thương “đi nước ngoài chữa bệnh” mà không được sự chấp thuận của Bộ này. Một chuyên gia của Việt Nam nhận xét việc các lãnh đạo Việt Nam trốn ra nước ngoài là một “hiện tượng” tương tự như ở Trung Quốc.
Bộ Công thương Việt Nam hôm 3/11 xác nhận ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex), thuộc Bộ Công thương, đã vắng mặt nhiều ngày tại cơ quan mà không có sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn.
Tin từ tờ Lao Động cho hay ông Duy đã vắng mặt từ đầu tuần trước, tức khoảng ngày 24/10 và 2 ngày sau có gửi giấy phép xin nghỉ ốm. Đến ngày 31/10, ông Duy lại gửi giấy xin nghỉ và nói có thể phải đi nước ngoài chữa bệnh. Bộ Công thương nói chỉ mới biết tin ông Duy “đi nước ngoài chữa bệnh” vào ngày 2/11 và hiện chưa biết ông Duy đang ở nước nào.
Trả lời trên báo chí hôm 3/11, Bộ Công thương cho biết không chấp nhận đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh của ông Duy và yêu cầu công ty chủ quản của PVtex là Vinachem phải xem xét, xử lý ông Duy theo quy định của nhà nước.
Tiếp theo vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cũng là một cựu quan chức thuộc Bộ Công thương và nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bỏ trốn với lý do “đi nước ngoài chữa bệnh” mà cho đến nay vẫn chưa xuất hiện, việc thêm một cựu lãnh đạo Việt Nam lại “đi nước ngoài chữa bệnh” khiến dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải là con đường dọn sẵn cho các lãnh đạo bị cáo buộc phạm tội.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia về chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét với VOA rằng đây là một “hiện tượng” tương tự như ở Trung Quốc. Ông nói:
“Hiện tượng các quan chức sau khi vi phạm kỷ luật, thậm chí là những tội cố ý làm trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, hay tham nhũng, rồi trốn chạy, thì cái này tiền lệ rất rõ ở Trung Quốc rồi. Cho nên với cơ chế, thể chế tương đồng thì cách làm cũng gần tương tự nhưng nó ở quy mô nhỏ hơn và thấp hơn, thì dư luận cũng đang phán xét theo hướng đó. Nghĩa là trong một thời gian anh buông lỏng quản lý cán bộ, cho nên rất nhiều những người có chức có quyền đã chuẩn bị sẵn một hậu phương ở một nước nào đó, ý nói là tiền, cơ sở vật chất, thậm chí tài sản ở một nước nào đó. Sau đó mà có bị động thì họ chạy ra nước ngoài”.
Hôm 3/11, báo Dân Trí cũng dân một nguồn tin riêng cho biết Bộ Công thương đang tập hợp tư liệu để báo cáo cho cơ quan chức năng về việc một số cá nhân đã lợi dụng chuyến đi “xúc tiến thương mại” của Bộ này để trốn sang Đức. Chuyến đi được cho biết diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 23/11/2015.
Riêng đối với vụ bỏ trốn của ông Trịnh Xuân Thanh, việc các giới chức Việt Nam liên tục phát biểu về quyết tâm bắt bằng được ông Thanh qua lệnh truy nã, phối hợp quốc tế, và sau đó kêu gọi ông này ra đầu thú, khiến dư luận cho rằng Việt Nam “bị động” và lúng túng trong việc xử lý trường hợp này.
Trong khi đó, TS. Phạm Quý Thọ cho rằng dù để “lọt lưới” một số trường hợp, nhưng các lãnh đạo Việt Nam vẫn muốn gửi đi những thông điệp nhằm “răn đe” các quan chức đã, đang và có ý định trốn ra nước ngoài thông qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
“Cũng có những người, trước cũng từng ở tập đoàn dầu khí này, cũng đã đi từ năm 2012 nhưng đến giờ này người ta vẫn chưa bắt được. Nhưng đáng chú ý là hôm nay (4/11), Thứ trưởng Bộ Nội vụ là ông Quý Vương có nói rằng dù thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng bắt đưa về, bởi vì thời hạn truy cứu trách nhiệm là vô hạn đối với những tội nghiêm trọng. Thế thì có nghĩa là người ta cũng thấy rằng không chỉ những người đã trốn và bị bắt, những người đang trốn chưa bị bắt mà còn răn đe cả những người có nguy cơ ra nước ngoài như vậy”.
Một trong những vụ gây chú ý trước đây là cuộc “đào tẩu” của ông Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Hàng hải, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Ông Dũng bị cáo buộc làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng trước khi lệnh truy nã của Bộ Công an Việt Nam được phát đi, ông Dũng đã được tổ chức để đi qua Mỹ thông qua ngả Campuchia. Tuy nhiên, ông này đã không xin được nhập cảnh vào Mỹ và đã bị bắt tại Campuchia.
Theo TS. Phạm Quý Thọ, việc ngày càng có nhiều quan chức Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài chắc chắn sẽ dẫn tới những thay đổi trong quy định pháp luật trong việc đối phó với các trường hợp này. Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng, Việt Nam khó làm mạnh tay được như Trung Quốc.
“Nếu mà nó thành một cái phổ biến, có lẽ đến lúc nào đó trên bàn nghị sự của chính quyền, của pháp luật phải đặt vấn đề đó ra để ngăn chặn. Tuy nhiên, rất khó ở Việt Nam bởi vì cách làm, pháp luật cũng không xử lý mạnh mẽ như của Trung Quốc trong thời gian Tập Cận Bình nắm quyền. Hiện nay, trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng vừa mới tổ chức đại hội, mới củng cố xong, nên tôi nghĩ [Việt Nam] chưa thể làm mạnh đến mức độ như Trung Quốc được”.
Trường hợp của ông Vũ Đình Duy hiện cũng bị quy trách nhiệm trong những thất thoát, thua lỗ của PVtex. Ông Duy, 41 tuổi, từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương).
Ông Duy giữ chức Tổng Giám đốc PVtex từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2014, sau đó ông bị giáng chức xuống làm Phó Tổng Giám đốc PVtex.
Báo cáo tổng kết năm 2015 của PVtex cho thấy công ty này đã thua lỗ 1.255 tỷ đồng.
Luật về Hội Việt Nam: Chậm đưa ra, ai có lợi?
Một chuyên gia phản biện xã hội bình luận về việc lùi thông qua Dự thảo Luật về Hội sẽ làm lợi cho nhóm mà ông gọi là “phi nhân bản”, tức những cán bộ, quan chức và doanh nghiệp không đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Đã có mong đợi Dự thảo Luật về Hội được thông qua trong kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 14, tuy nhiên hôm 25/10, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói “xin lùi” do còn nhiều tranh cãi.
Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn từ Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật nói trong chương trình Bàn tròn của BBC Tiếng Việt hôm thứ Năm 03/11:
“Nhóm thủ lợi trong chuyện [chậm trễ] này là đội ngũ công chức nhà nước phi nhân bản. Phi nhân bản ở đây, là khi nhà nước không đặt lợi ích trên cơ sở của dân, vì dân, do dân.
“Tương tự, có những doanh nghiệp phi nhân bản có lợi trong vấn đề này. Chẳng hạn, hoạt động của các doanh nghiệp mà lợi ích của họ càng phát triển càng mâu thuẫn với sức khỏe cộng đồng, môi sinh, thì họ rất sợ tiếng nói của người dân được tổ chức lại và đưa đến các cơ quan công quyền hoặc đưa ra luật pháp.”
‘Nợ’ bao giờ trả?
Luật sư Trần Quốc Thuận nói trong chương trình, Luật về Hội đã được ghi trong Hiến pháp 1946, đến nay là 70 năm, “70 năm thì đưa ra đưa vào cũng nhiều khó khăn và đó là món nợ mà tôi nghĩ là cũng phải trả”.
“Nhưng rất tiếc là kỳ họp này nhiều thắc mắc mà đại biểu đưa ra vẫn chưa quyết được. Dự kiến là sẽ bị hoãn, khả năng thông qua trong kỳ họp này là không có,” nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét,
Ông cũng khẳng định, đây là quyền cơ bản nhất và phổ quát nhất, mà “đáng tiếc là cho tới nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện được”.
Chia sẻ quan điểm trên, PGS.TS. Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, món nợ này “hiện nay vẫn chưa trả được”.
“…Quan trọng nhất là Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rằng công dân phải có quyền hội họp nhưng cũng không thực hiện được. Vì sao lại thế?
“Luật sư Thuận có nói đó là một món nợ, nhưng thực ra, việc lựa chọn một thể chế chính trị theo chủ nghĩa xã hội và kinh tế quá tập trung đối lập với việc thành lập hội nên luôn luôn bị trì hoãn.
“Trước hội nhập quốc tế và những hiệp định sắp ký, như chúng ta sẽ tham gia TPP, thì tính cấp bách của bộ luật này ra đời là việc cần thiết, cái đó phải trả.
“Nhưng câu hỏi là đến bao giờ thì rõ ràng là trong kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV, khi dự thảo được trình ra thì bị phản đối rất mạnh mẽ, không chỉ từ phía các hội mà cả các đại biểu quốc hội,” chuyên gia nghiên cứu về chính sách công nói.
Mối lo sợ
PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, một trong sáu khách mời tham gia chương trình. nhận xét thêm, việc một dự án luật phải mất nhiều năm như vậy “hầu như chưa có trong tiền lệ”, và nó có điều gì đó “không bình thường”.
Ông cho rằng, về mặt kinh tế, Việt Nam đã chuyển đổi cơ bản theo cơ chế kinh tế thị trường, “nhưng rõ ràng về mặt xã hội mà nói, chúng ta đi ra từ thể chế mà tất cả đều do đảng và nhà nước lo hết. Các tổ chức xã hội cũng thuộc sự quản lý của nhà nước.
“Có được Luật về Hội là tạo ra hành lang pháp lý để người dân thực hiện được quyền cơ bản nhất của mình.”
Khi được hỏi phải chăng có sự e ngại về vấn đề đảng phái, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng, đó chính là nhận thức về chính trị để lại từ trước.
Quyền lập hội là quyền tự do liên kết dân sự của người dân và nhà nước cảm thấy không yên tâm lắm vì sợ bị lợi dụng vào việc tổ chức khủng bố, gây mất trật tự trị an, gây mất an ninh, không kiểm soát được.PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Vusta
“Lịch sử để lại trong nhận thức về chính trị của những người làm chính sách quen theo cách quản lý nhà nước là phải kiểm soát, kiểm soát tất cả.”
Ông nói thêm, “những tổ chức phụ thuộc vào nhà nước thì họ hoàn toàn hài lòng, như Mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hay kể cả liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
“Quyền lập hội là quyền tự do liên kết dân sự của người dân và nhà nước cảm thấy không yên tâm lắm vì sợ bị lợi dụng vào việc tổ chức khủng bố, gây mất trật tự trị an, gây mất an ninh, không kiểm soát được. Và họ cũng sợ là những tổ chức ấy nhóm họp với nhau, lại nhận tiền tài trợ của các tổ chức khủng bố để rửa tiền – là những lo lắng từ góc độ quản lý và kiểm soát của nhà nước.”
‘Na ná Trung Quốc’?
PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận xét trong Bàn tròn thứ Năm rằng Luật về Hội còn vướng về thể chế, “và những người quản lý vẫn nghĩ rằng có thể luật này ra đời mâu thuẫn với rất nhiều các điều khoản khác, như điều lệ đảng hay một số quy định của nhà nước, thậm chí là với một số các luật khác.
“Và một điểm nữa, là chúng ta chưa quen làm những luật như thế này. Tôi được biết rằng trong quá trình làm luật cũng đã tham khảo nhưng điều kiện của các nước như Đài Loan hay Đông Âu, nhưng những luật ấy không đơn giản mà áp dụng cho Việt Nam. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, nó na ná giống luật mà chúng ta tham khảo từ Trung Quốc.”
Luật sư Trần Quốc Thuận bổ sung thêm, “ở Việt Nam chúng ta không nói ra, nhưng chúng ta đang thực hiện chế độ toàn trị.
“Trong Luật về Hội này không được điều chỉnh là 6 tổ chức chính trị xã hội, ngoài ra là 28 tổ chức đặc thù, và có tới 8966 tổ chức đặc thù ở địa phương của 62 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Người ta cảm giác rằng xã hội này, tất cả người dân sinh ra từ nhỏ tới lớn đều tham gia các tổ chức do đảng, nhà nước thành lập cả.”
Ông cũng đặt ra vấn đề về nỗi sợ bị cạnh tranh, qua ví dụ việc kêu gọi ủng hộ lũ lụt thành công của MC Phan Anh, và so sánh với lời kêu gọi của các tổ chức nhà nước.
Cách tổ chức từ trước tới giờ, là tổ chức gì thì phải quản lý cho bằng được, nhất nhất phải nghe lời, không quản lý được, không nghe lời thì giải tán.Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
“Người ta sợ thành lập hội bị cạnh tranh với các hội đang tồn tại, sợ bị mất quần chúng rồi tạo diễn biến này kia – vậy sợ là do không quản lý được. Tôi nghĩ là phải để người dân họ thành lập, còn việc họ chọn lựa tổ chức nào phục vụ lợi ích của người ta thì người ta tham gia.
“Cách tổ chức từ trước tới giờ, là tổ chức gì thì phải quản lý cho bằng được, nhất nhất phải nghe lời, không quản lý được, không nghe lời thì giải tán.
“Ngay trong quy định đặt vấn đề là những người đứng đầu phải được sự công nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, như vậy là đâu còn quyền tự do lập hội vì đây là tổ chức tự nguyện mà?”
“Phải thay đổi tư duy này đi,” vị nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam nhận xét.
Trong bài tiếp theo, BBC sẽ tiếp tục giới thiệu và trích dẫn ý kiến của các khách mời trong Bàn tròn thứ Năm về ảnh hưởng của việc chậm đưa ra Luật về Hội đối với công dân và các tổ chức xã hội dân sự, cũng như làm thế nào để “thay đổi nhận thức chính trị”, và nhìn nhận rõ khái niệm Luật về Hội. Mời quý vị nhớ đón theo dõi.
Liệu Việt Nam có mô hình phát triển?
Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra từ 9 đến 15/10 và đã ban hành các nghị quyết về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai nội dung này trong Hội nghị có vẻ tách biệt, song thiết nghĩ hai nội dung này có liên quan với nhau. Sự thay đổi ở trên thế giới và ở nước ta đã cho thấy điều này.
Thời của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) được tạo nên trên nền tảng lý thuyết Mác – Lê Nin.
Nhà nước ấy bao gồm đảng cộng sản, chính phủ, quốc hội và bộ máy quyền lực các cấp trung ương, địa phương cho đến từng đơn vị cơ sở.
Nhà nước ấy không chỉ thiết lập nên bộ máy cai trị với quân đội, công an, tòa án, viện kiểm soát… mà còn quản lý tất cả: tư tưởng, xã hội và kinh tế, ngành và lĩnh vực…
Sẽ còn tốn nhiều công sức lý giải cho một thời kỳ lịch sử phát triển này của nhân loại. Song hiện giờ, một cách giải thích được công nhận tương đối rộng rãi là Hệ thống này tự sụp đổ, theo nghĩa không phải do chiến tranh giữa các quốc gia, không có xâm lăng…PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Nhà nước ấy quản lý tất cả từ các tổ chức xã hội, đoàn thể đến từng cá nhân về mọi mặt, từ tôn chỉ, mục đích, hoạt động đến thái độ, hành vi và lời nói…
Nhà nước ấy quản lý sản xuất, phân phối và tiêu dùng, từng cái nhỏ nhất như cái kim, sợi chỉ đến máy bay, tầu thủy… coi nền kinh tế như một công xưởng khổng lồ…
Kiểu nhà nước ấy phải lớn về quy mô và tập trung mạnh về quyền lực với công cụ điều hành kế hoạch hóa tập trung.
Kiểu nhà nước ấy hữu ích, mạnh mẽ trong thời chiến, song phủ định kinh tế thị trường.
Kiểu nhà nước ấy đã từng tạo nên phe xã hội chủ nghĩa đối diện với xã hội tư bản cùng tồn tại trong một thế giới cùng hàng trăm quốc gia đang phát triển.
Chiến tranh nóng trên phạm vi thế giới kết thúc bởi thế chiến II năm 1945. Thế giới, sau đó, tồn tại trong chiến tranh lạnh, nhưng trong hòa bình, trong đó cuộc đua chủ yếu về mặt kinh tế.
Lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga V.I. Lê Nin từng nói năng suất lao động quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội (CNXH) trước chủ nghĩa tư bản (CNTB). Ông đã đúng khi nhấn mạnh: vật chất quyết định ý thức, chính trị là biểu hiện của kinh tế tập trung…
Hệ thống XHCN tan rã, bắt đầu từ các mắt xích yếu nhất của nó, nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) lúc đó, và bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 đã trở thành biểu tượng. Sau đó là các nước khác ở Đông Âu sụp đổ, kể cả thành trì của hệ thống này là Liên bang Xô viết (Liên Xô) lúc bấy giờ.
Sẽ còn tốn nhiều công sức lý giải cho một thời kỳ lịch sử phát triển này của nhân loại. Song hiện giờ, một cách giải thích được công nhận tương đối rộng rãi là Hệ thống này tự sụp đổ, theo nghĩa không phải do chiến tranh giữa các quốc gia, không có xâm lăng…
Sự sụp đổ đó là tất yếu và, một phần, là do hệ quả của quá trình ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’.
CNXH đã thua CNTB về kinh tế. Kiểu nhà nước, như mô tả ở trên, đã triệt tiêu động lực kinh tế và tự do cá nhân.
Nhà nước lớn, người dân nhỏ
Kiểu nhà nước đó đã tạo ra siêu quyền lực, trong quá trình vận hành nó đã bị tha hóa đến cùng cực.
Thoái hóa biến chất của tầng lớp lãnh đạo, tham nhũng, lợi ích nhóm, cường quyền, coi thường người dân… là những biểu hiện bề ngoài, đã gây nên khủng khoảng niềm tin trong dân chúng.
Nhà nước càng lớn người dân càng nhỏ. Nhà nước lớn không thể tồn tại trên lưng những công dân nhỏ và yếu.
Hệ thống XHCN sụp đổ ở Châu Âu, bởi vì nó bao gồm các quốc gia phát triển kinh tế và dân chủ hơn so với các châu lục khác, ngoại trừ Bắc Mỹ. Liệu các nước theo mô hình XHCN ở nơi khác, như Trung Quốc, Việt Nam ở Châu Á, Cuba ở Châu Mỹ, (Venezuela không thuộc mô hình này), có là những ngoại lệ với những đặc điểm về xuất phát điểm thấp về phát triển kinh tế, tư tưởng văn hóa phong kiến làng xã còn nặng nề và không bị tác động nhiều bởi kiểu dân chủ của kinh tế thị trường phương tây?
Thoái hóa biến chất của tầng lớp lãnh đạo, tham nhũng, lợi ích nhóm, cường quyền, coi thường người dân… là những biểu hiện bề ngoài, đã gây nên khủng khoảng niềm tin trong dân chúng.PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Thế giới đang khủng hoảng kinh tế và xung đột khu vực, tôn giáo, di cư… nhưng cũng vẫn đang nói đến toàn cầu hóa với những lợi ích và giá trị phổ quát.
Cuba đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và đổi mới thể chế. Cuba ‘đổi mới’ sau và cách xa Việt Nam, nên khó tạo ra tấm gương noi theo.
Trung Quốc, sau khi có chính sách mở cửa với phương châm thực dụng của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình: ‘Mèo trắng, mèo đen không quan trọng miễn bắt được chuột’, đã thành công sau 3 thập kỷ từ những năm 70 của thế kỷ trước, với tốc độ tăng liên tục hai con số, tổng thu nhập quốc dân (GDP) đã xếp thứ nhì thế giới sau Mỹ.
Tuy nhiên gần đây, các nhà nghiên cứu quốc tế đang phân tích sự giảm sút tăng trưởng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế thị trường XHCN mang ‘bản sắc’ Trung Quốc và cập nhật tình hình tranh giành quyền lực, chống tham nhũng qua chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’, cũng như những hạn chế quyền công dân tham gia chính trị, tiếp cận thông tin, hội họp…
Chuyến công du Trung Quốc của Thường trực Ban bí thư đảng cộng sản (CS Việt Nam Đinh Thế Huynh từ ngày 19 đến 21 tháng 10 vừa qua, và được bình luận là ‘sự lựa chọn chính trị’ của Việt Nam.
Liệu Trung Quốc có thể là mô hình phát triển chính trị và kinh tế cho Việt Nam?
Sau 30 năm ‘đổi mới’ (1986-2016) Việt Nam đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó đáng kể nhất là về kinh tế.
Chính thức, cụ thể hóa đổi mới
Tuy nhiên, những năm gần đây quá trình này ‘trục trặc’, tốc độ tăng trưởng giảm sút, bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong nền kinh tế và điều hành, quản lý: thu ngân sách sụt giảm không đủ chi; nợ công tăng kịch trần với khả năng trả nợ, hệ thống tài chính ngân hàng thiếu minh bạch, yếu kém với nợ xấu cao bế tắc trong giải pháp; năng lực cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả nền kinh tế thấp, cơ cấu thị trường què quặt…
Hơn thế những vấn đề tha hóa quyền lực, bộ máy nhà nước phình to với nạn ‘cả họ làm quan’, lợi ích nhóm, làm giàu phi pháp, trắng trợn, cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, tham nhũng tràn lan, môi trường xuống cấp, biến đổi khí hậu với nước biển dâng, ngập mặn, hạn hán, thiên tai, nhân tai, tệ nạn… làm cho xã hội xuống cấp, đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Khủng hoảng niềm tin và bất ổn xã hội đang trở nên nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Trước hết vấn đề đặt ra là đảng cộng sản với sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lê Nin (theo NQ TƯ 4 khóa 12 nêu trên) sẽ tiếp tục lãnh đạo kinh tế thị trường ở nước ta như thế nào trong bối cảnh hiện nay?PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Trong một nền kinh tế mở như Việt Nam, đổi mới kinh tế theo hướng thị trường đến mức độ nhất định sẽ làm thay đổi thể chế. Sự thay đổi thể chế không theo kịp sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.
Gần đây nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, phát biểu trong một hội thảo và được đăng trên TuầnVietnam.net ngày 11/10/2016, về một số ‘ấn tượng’ đổi mới chính trị trong 30 đổi mới ở nước ta.
Đó là ‘Đảng đã dành một quyền chủ động rất lớn cho các cơ quan lập pháp và hành pháp’; ‘dân chủ trong Đảng cũng phát triển rất nhiều’; ‘Đảng chịu trách nhiệm, chịu sự giám sát của nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật’ được ghi trong Hiến pháp năm 2013;’đổi mới chính trị dựa trên cơ sở lấy dân làm gốc’.
Chính thức hóa, cụ thể hóa các nội dung đổi mới chính trị là một đòi hỏi khách quan.
Trước hết vấn đề đặt ra là đảng cộng sản với sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lê Nin (theo NQ TƯ 4 khóa 12 nêu trên) sẽ tiếp tục lãnh đạo kinh tế thị trường ở nước ta như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Nếu không thay đổi thể chế chính trị sẽ không thể xác định được một mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu về chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam
0 comments