Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 04/11/2016

Friday, November 4, 2016 7:47:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 04/11/2016

Trump và Clinton

nối lại các cuộc tấn công trong lúc so kè

Hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton nối lại các cuộc tấn công về sự thích hợp của nhau với vai trò tổng thống trong lúc các cuộc thăm dò cho thấy họ đang so kè.
Bà Clinton – người dẫn đầu cuộc thăm dò nhưng khoảng cách đang bị thu hẹp trong những ngày gần đây – nhắm vào tính khí và cách hành xử với phụ nữ của đối thủ đảng Cộng hòa.
Ông Trump tuyên bố nếu bà ấy vào Nhà Trắng thì tiếp theo sau sẽ là các cuộc điều tra hình sự.
Melania, vợ ông, xuất hiện trong chiến dịch để cổ vũ chồng.
Trong bài phát biểu đầu tiên từ hội nghị đảng Cộng hòa hồi tháng Bảy, cựu người mẫu chia sẻ trải nghiệm của mình khi là người nhập cư và người mẹ và nói rằng chồng bà sẽ “làm cho nước Mỹ công bằng”.
Bà cũng hứa hẹn, trong bài phát biểu tại ngoại ô Philadelphia, khởi xướng chiến dịch chống bắt nạt trên mạng nếu trở thành đệ nhất phu nhân và chống lại nền văn hóa “quá nhỏ mọn”.
Ông Trump giành được lợi thế hơn bà Clinton tại một số bang mà cử tri còn dao động như Florida và Bắc Carolina, theo cuộc thăm dò.
Một số cuộc thăm dò cho thấy hai ứng viên đang so kè nhau.
Bầu cử Mỹ: Cuộc đua trong những ngày cuối
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos dự đoán tỷ lệ cược bà Clinton giành 270 phiếu đại cử tri cần thiết hôm 1/11 là khoảng 90%, giảm so với 95% tuần trước.
‘Lợi thế’
Ông Trump có thêm lợi thế nhờ cuộc điều tra mới của FBI nhắm vào các email của phụ tá bà Clinton.
“Lại có chuyện xảy ra với nhà Clinton – hẳn quý vị còn nhớ việc luận tội và những vấn đề liên quan”, ông Trump nói tại cuộc vận động tại Jacksonville, Florida, trong lần xuất hiện thứ tư tại bang này.
“Đó không phải là những gì chúng ta cần. Chúng ta cần một người sẵn sàng nhận vai trò mới.”
Sau đó, tại cuộc vận động ở Bắc Carolina, ông có bài phát biểu về quốc phòng và nói rằng mình không thể tưởng tượng được bà Clinton trong vai trò tổng tư lệnh.
Bà Clinton tiếp tục tập trung vào tư cách của ông Trump và nói trong cuộc vận động ở Bắc Carolina: “Nếu Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, chúng ta sẽ có một tổng tư lệnh non nớt và có những ý tưởng vô cùng nguy hiểm.”
Tổng thống Barack Obama cố gắng thu hút sự ủng hộ của các cử tri trẻ và người Mỹ gốc Phi dành cho bà Clinton.
Đề cập bóng gió đến quá khứ của ông Trump hồi còn là người dẫn chương trình truyền hình thực tế, ông Obama nói trước sinh viên Đại học Quốc tế Florida ở Miami: “Đây không phải là một trò đùa và cũng chẳng phải là các chương trình truyền hình thực tế như Survivor, The Bachelorette.”
Bà Clinton cũng nhận được sự cổ vũ từ đối thủ trước đây, Bernie Sanders. Ông xuất hiện cùng bà trong cuộc vận động ở Bắc Carolina đêm 3/11, ca ngợi cam kết của bà về việc tăng lương tối thiểu và giải quyết tình trạng bất bình đẳng.

Hợp tác quân sự Nga-Ấn gia tăng :

Vố đau cho Trung Quốc

Nhân cuộc họp thường niên tại New Delhi hôm 26/10/2016 của Ủy Ban Liên Chính Phủ về Hợp Tác Quân Sự-Kỹ Thuật Nga-Ấn, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu đã hoàn thiện các chi tiết trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Sau bốn năm bị đóng băng, công cuộc hợp tác này vừa được lãnh đạo hai nước khôi phục lại bên lề hội nghị thượng đỉnh khối BRICS tại bang Goa ở miền tây nước Ấn.
Sự kiện Matxcơva và New Delhi khởi động lại công cuộc hợp tác quân sự-quốc phòng chắc chắn sẽ làm cho Bắc Kinh thêm lo ngại, vì điều đó sẽ cho phép Ấn Độ – dẫu sao cũng vẫn là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc – tăng cường năng lực quân sự.
Theo chuyên gia Emanuele Scimia trên báo mạng Asia Times ngày 04/11, việc Ấn và Nga tăng cường hợp tác quân sự còn có một hệ quả thứ hai là khiến cho « quan hệ đối tác toàn diện chiến lược phối hợp » - mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc – trở thành ít chiến lược hơn cũng như thiếu phối hợp hơn.
Trung Quốc trong tầm bắn
Điểm đáng quan ngại nhất cho Trung Quốc là các thỏa thuận vũ khí đã được ký kết tại Goa, nhất là việc Matxcơva sẽ trang bị cho New Delhi 5 hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumph với mệnh giá 5 tỷ đô la. Nhiều chuyên gia ở Ấn Độ đã không ngần ngại cho rằng với việc mua hệ thống S-400, New Delhi đã thay đổi cuộc chơi trong cán cân quân sự vùng Nam Á.
Thật vậy, với khả năng phá hủy phi cơ, tên lửa và máy bay không người lái từ cách xa 400 km, với giàn radar có thể phát hiện máy bay ở khoảng cách 600 km, giàn tên lửa phòng không tầm xa S-400 sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ của Ấn Độ dọc theo biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Ấn Độ có thể triển khai hai hệ thống S-400 để đối phó với Trung Quốc tại các khu vực phía tây và phía đông của Đường Kiểm Soát Thực Tế (LoAC) dài 4.056 km, và ba hệ thống còn lại để chống lại Pakistan dọc theo Đường Kiểm Soát (LOC).
Với thương vụ mua S400 của Nga, New Delhi sẽ đảm bảo được thế cân bằng chiến lược trên không với Bắc Kinh trong vùng Himalaya, nơi hai nước vẫn có tranh chấp biên giới vì tên lửa của Ấn Độ sẽ làm suy yếu không lực của Trung Quốc.
Trong thực tế, Trung Quốc là nước đã đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trước Ấn Độ. Vào năm 2015, Bắc Kinh đã ký với Nga một hợp đồng trị giá 3 tỷ đô la để mua một số hệ thống phòng không S-400, mà theo báo chí số lượng là 6. Vấn đề là các hệ thống đó được cho là sẽ được Bắc Kinh triển khai đã chống Mỹ trong vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, chứ không nhằm chống Ấn Độ.
Một mối đe dọa cho Bắc Kinh
Đối với chuyên gia Scimia, việc Nga bán tên lửa S-400 cho Ấn Độ quả là một vố đau cho Bắc Kinh, đặc biệt vào lúc Bắc Kinh luôn khoe rằng quan hệ với Matxcơva đã ngày càng sâu sắc từ hai năm gần đây. Một ví dụ cụ thể : Tháng 09/2016, hai nước tiến hành cuộc tập trận hải quân chưa từng thấy trên Biển Đông, trong lúc Nga lên tiếng thận trọng ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên mà các vụ bán vũ khí của Nga tác hại gián tiếp đến Trung Quốc. Giống như các thỏa thuận quốc phòng với Ấn Độ, vũ khí mà Nga bán cho Việt Nam – một nước cúng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông – cũng đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.
Vấn đề là do đã luôn luôn ca ngợi quan hệ chiến lược thắm thiết với Nga, Trung Quốc như đang trong tình trạng há miệng mắc quai trước các thương vụ bán vũ khí của Nga, ít ra là không thể công khai phản đối. Vả lại, chính Bắc Kinh cũng là bạn hàng vũ khí của Matxcơva.

Hoa Kỳ : Hiệp định RCEP của Trung Quốc

sẽ được lợi nếu TPP thất bại

Chính quyền Obama ngày 04/11/2016 lại lên tiếng cảnh báo về những rủi ro nếu Quốc Hội Mỹ không thông qua Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, cho rằng hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ có thể bị mất đi nếu Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do Trung Quốc chủ trương có hiệu lực.
Theo các quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, chỉ riêng tại Nhật Bản, 35 lĩnh vực công nghiệp của Hoa Kỳ với doanh số 5,3 tỷ đô la và 4,6 triệu công nhân, có nguy cơ bị thất thế nặng nề trước các đối thủ Trung Quốc và nước khác.
Khảo sát của Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế Nhà Trắng ước tính rằng với hiệp định RCEP, hàng hóa Trung Quốc sẽ được giảm thuế từ 5-10% khi xuất sang Nhật Bản. Trong khi đó, nếu TPP không được Quốc Hội Mỹ thông qua, các công ty Mỹ sẽ bị Nhật Bản áp mức thuế bình quân cao gấp đôi so với các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc.
Từ lâu nay, chính quyền Obama luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ nắm quyền lãnh đạo kinh tế châu Á, đặt ra những chuẩn mực thương mại thứ cấp cho khu vực, nếu TPP không được thông qua. Bản khảo sát của Nhà Trắng nhằm mục tiêu định lượng các tác động của việc Nhật Bản hạ thuế trong khuôn khổ Hiệp Định RCEP.
Mỹ đã ký TPP với 11 nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, tuy nhiên việc thực thi hiệp định này cần phải được Quốc Hội thông qua. Còn Trung Quốc đang thương lượng RCEP với 16 nước châu Á, trong đó có 7 thành viên TPP gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei.

Thổ Nhĩ Kỳ câu lưu các lãnh đạo đảng thân Kurdistan

Rạng sáng 04/11/2016, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 11 nghị sĩ đảng Dân Chủ Các Nhân Dân (HDP), thân Kurdistan, đảng hợp pháp lớn thứ 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ câu lưu diễn ra trong khuôn khổ cuộc điều tra chống khủng bố liên quan đến đảng Kurdistan (PKK).
Chính quyền Erdogan đã tăng tốc trong việc đàn áp đối lập như phân tích của thông tín viên RFI Alexandre Billette tại Istanbul, làm cho tình hình thêm bất ổn.
“11 nghị sĩ trong đó có hai lãnh đạo đảng HDP đã nằm trong tầm nhắm của chính quyền Thổ, vì đã có 50 nghị sĩ trên tổng số 59 của đảng này bị tước quyền bất khả xâm phạm, do việc đảng HDP, bị tố cáo là tủ kính của đảng Kurdistan PKK, bị xem là một tổ chức khủng bố.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung sức lực nhắm vào các đồng minh của PKK, đóng các cơ quan truyền thông Kurdistan, đình chỉ công tác thị trưởng đảng HDP, bắt giữ người…
Với những vụ câu lưu trong đêm vừa qua (03/11), chính quyền Erdogan đã tăng thêm một bước khi bắt những nghị sĩ của một đảng hợp pháp đã giành được 5 triệu phiếu trong cuộc bầu Quốc Hội mới. 
Sự kiện này thật hy hữu và đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào tình hình rất căng thẳng. Chính quyền đã ngăn chận các mạng xã hội, nhưng sẽ không ngăn được biểu tình. Ở Diyarbakir, thành phố đông dân cư Kurdistan miền đông nam, đã xẩy ra những vụ xuống đường, xô xát với cảnh sát.
Cũng tại Diyarbakir sáng nay (04/11), vài giờ sau vụ câu lưu nghị sĩ nói trên, một vụ nổ gần cơ quan cảnh sát đã làm 8 người chết và khoảng 100 người bị thương. Chính quyền địa phương cho biết là sự cố “dường như do một chiếc xe gài chất nổ mà tổ chức khủng bố sử dụng” – tức quy tội cho đảng PKK”.

Hoa Kỳ : Phe Cộng Hòa cố tập hợp ủng hộ Donald Trump

Chỉ còn 4 ngày nữa là đến cuộc bỏ phiếu trọng đại của nước Mỹ : bầu tổng thống mới. Nếu phe Dân Chủ siết chặt hàng ngũ, đoàn kết vận động, bỏ phiếu cho Hillary Clinton, thì trong phe Cộng Hòa, tình hình phức tạp hơn và có lợi cho Donald Trump : nhiều nghị sĩ đối nghịch với ông Trump trước đây, do phải tranh lại chiếc ghế của mình cũng vào ngày 08/11, đành phải kêu gọi bỏ phiếu cho ông Trump tuy là quyết định này không dễ dàng chút nào.
Thông tín viên RFI, Anne Marie Capomaccio tường thuật từ Washington :
“Khi mà trong các cuộc bầu cử sơ bộ, Donald Trump đã hạ từng người một trong số 16 đối thủ của ông, và không loại trừ bất kỳ lời thóa mạ nào, không ai nghĩ là những người này có thể hòa giải với nhau, ví dụ thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz. Ông Donald Trump đã dám ám chỉ là bố của ông Cruz có dính líu đến vụ ám sát cố tổng thống John Kennedy. Ông Trump đã gởi tweet, nói là phu nhân Ted Cruz, bà Heidi là một người xấu ghế gớm.
Thế nhưng, chính trị là như thế, phải nghĩ đến tương lai : Donald Trump vươn lên trong các cuộc thăm dò, thượng nghị sĩ Cruz đành nuốt hận. Hôm qua (03/11), ông thông báo vận động cho Donald Trump, người mà ông Cruz từng cho là kẻ nói dối bệnh hoạn.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng không khác. Ông phải tranh lại chiếc ghế ở Florida… và đã bỏ phiếu cho Donald Trump.
Những thay đổi thái độ này đã bị ông Obama chế giễu : “Marco ủng hộ Trump à ! Cứ nhớ vào đầu năm, Marco đã gọi Trump là kẻ lừa đảo nguy hiểm… và còn gởi tweet : một người bạn chân thật sẽ không để bỏ phiếu cho một kẻ lừa đảo ! Như thế rõ ràng là Marco không có bạn…”
Ngược lại thì gia đình Bush không thuộc vào nhóm “ủng hộ viên giờ chót” này. Hai cựu tổng thống Bush, cha và con, có thể bầu cho Hillary Clinton, theo tiết lộ từ gia đình”.

Trước mối đe dọa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng,

“Nhật Bản phải tự vệ”

Tương quan lực lượng ở Đông Á đang lay chuyển với những sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây. Nhân chuyến công du Nhật Bản ba ngày, tổng thống Philippines đã tìm cách xoa dịu những quan ngại của Tokyo, trước ảnh hưởng ngày một tăng trong vùng của Trung Quốc.
Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định đã không nhắc đến vũ khí, không nói chuyện triển khai quân đội hay liên minh quân sự với Bắc Kinh. Lời tuyên bố trên được Tokyo đón nhận một cách thận trọng vì chỉ trước đó một tuần, tổng thống Philippines đã có lời “tỏ tình ngọt ngào” với Bắc Kinh và tuyên bố “chia tay” với Hoa Kỳ, đồng minh lịch sử của quốc gia Đông Nam Á này.
Trong khi đó, chỉ ba tháng trước, Manila đã giành được chiến thắng vẻ vang trước Bắc Kinh khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra phán quyết bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Riêng Bắc Kinh coi phán quyết của Tòa là “tờ giấy lộn”, còn ông Duterte, người thay thế tổng thống Benigno Aquino, dường như không có ý định tôn trọng phán quyết có lợi cho Philippines.
Trong bối cảnh Manila xích gần hơn về phía Bắc Kinh và chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe, theo khuynh hướng bảo thủ, muốn xem xét lại những điều khoản ôn hòa mà Nhật Bản cam kết từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhà nghiên cứu Hirofumi Tosaki, thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Nhật Bản (JIIA), một trung tâm cố vấn thân chính phủ, đã trả lời nhật báo Libération (28/10/2016) về những thách thức an ninh mà Nhật Bản phải đối mặt. Buổi phỏng vấn được thực hiện tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến làm việc do bộ Ngoại Giao Nhật Bản tổ chức.
Hiện nay Nhật Bản sợ điều gì?
Hirofumi Tosaki : Trái ngược với các nước châu Âu, hiện nay, chúng tôi không phải đối mặt với các mối đe dọa trong nước, mà từ nước ngoài, như với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và xung đột tại Biển Đông.
Bắc Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất. Đúng là, nếu chế độ Bình Nhưỡng phóng tên lửa về phía Mỹ, chắc chắn họ sẽ bị trả đũa ngay lập tức. Nhưng đối với Nhật Bản, một đất nước không có tên lửa, cũng không có vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể tấn công do tai nạn, do tính toán nhầm hay chỉ vì tuyệt vọng. Thế nhưng, chúng tôi lại phụ thuộc vào lực lượng Hoa Kỳ để phòng vệ. (Hiện có khoảng 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản).
Vấn đề thật sự không phải là đối đầu với Trung Quốc sao?
Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa rõ ràng. Vì lý do đó, chúng tôi phát triển phòng thủ đạn đạo và cũng vì thế mà chúng tôi cải cách chính sách an ninh của đất nước. Nhưng đó cũng là một lý do để chuẩn bị tương lai với Trung Quốc, một thách thức còn lớn hơn nhiều.
Tại sao Nhật Bản lại tuần tra ở Biển Đông trong khi không phải là một nước nằm trong khu vực?
Lập trường của Nhật Bản là Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền tự do hàng hải.
Quần đảo Senkaku của Nhật Bản nhưng lại bị Bắc Kinh đòi chủ quyền ở biển Hoa Đông. Liệu đó có phải là một vấn đề lớn hay không?
Bản thân sự kiện đó đã là một vấn đề rồi. Tầu bè Trung Quốc thường xuyên vào vùng lãnh hải của chúng tôi. Chúng tôi tìm cách giải quyết xung đột một cách ôn hòa, đồng thời vẫn khẳng định quyết tâm của mình. Theo thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Nhật, nếu Trung Quốc tấn công quân sự Nhật Bản, trên lý thuyết quân đội Mỹ sẽ phản công. Nhưng, chúng tôi không biết Hoa Kỳ sẽ can thiệp đến mức nào cho các đảo nhỏ như ở Senkaku. Vì thế, Nhật Bản phải tự phòng vệ.
Những đòi hỏi chủ quyền quần đảo Senkaku có mang mục đích kinh tế không?
Có rất nhiều lợi ích và liên quan đến cả truyền thống, kinh tế, chính sách trong nước… Bắc Kinh tự cho là đã mất rất nhiều đất đai trong lịch sử và tìm cách chiếm lại. Nền kinh tế Trung Quốc thì đang chững lại và điều này không tốt cho Nhật Bản, vì nó khiến chúng ta khó đoán trước được tương lai. Kịch bản xấu nhất, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, nhà lãnh đạo nước này càng muốn thể hiện sức mạnh. Và chúng tôi là một mục tiêu rất tiện lợi.
Liệu Trung Quốc có lực lượng quân sự đủ mạnh để phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông không?
Lực lượng quân sự Trung Quốc ngày càng được cải thiện. Người ta cho rằng Nhật Bản và Mỹ đang dần mất thế thượng phong. Các tầu sân bay của Mỹ trở nên dễ bị tấn công trước đội tầu ngầm Trung Quốc. Trong tương lai, có thể người ta sẽ không còn chắc là chúng tôi có đủ khả năng để thắng lực lượng Trung Quốc trong vùng. Vì vậy, chúng tôi cần phải cải thiện để cân đối với những tiến bộ của Trung Quốc. Hoa Kỳ tham chiến tại Trung Đông, Afghanistan và không thể chỉ tập trung vào mỗi châu Á. Washington cho rằng các nước phải có khả năng tự tổ chức và yêu cầu các đồng minh của Mỹ phát triển thực lực.
Mỹ có ủng hộ các biện pháp cải cách của thủ tướng Abe về khả năng quân sự của Nhật Bản không?
Năm 2015, cải cách an ninh của Nhật Bản đã không được lực lượng Mỹ tiến hành nhưng họ ủng hộ nỗ lực này. Hai nước có chung tầm nhìn về các mối đe dọa. Chúng tôi hiểu phải làm việc gì để nâng cao khả năng quốc phòng của Nhật Bản. Cả hai bên thảo luận với nhau rất nhiều và phối hợp với nhau. Chúng tôi có cùng chí hướng.
Người dân Nhật phản ứng ra sao về hướng phát triển này?
Nhật Bản là một đất nước yêu hòa bình, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng chúng tôi có quyền phòng thủ, trong khi người Nhật lại đặt an ninh trong khu vực lên hàng ưu tiên. Đa số người dân ủng hộ các cải cách về an ninh. Dĩ nhiên có một số cuộc biểu tình phản đối, nhưng không quan trọng lắm.
Nhật Bản không muốn bỏ liên minh với Mỹ, cũng như không muốn từ bỏ quy chế đất nước phòng thủ. Chính vì vậy, chúng tôi không có chiến đấu cơ có khả năng tấn công các nước láng giềng. Bộ Quốc Phòng cũng không muốn Nhật Bản trở thành quốc gia xâm lược. Mặc dù tôi nghĩ rằng Nhật Bản phải sửa đổi điều 9 (theo đó, ”dân tộc Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh đúng theo chủ quyền của một quốc gia”), đó là một điều tốt nếu như hệ thống dân chủ vận hành tốt và việc thay đổi Hiến Pháp sẽ là một việc làm khó.
Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt liên minh Mỹ-Nhật nếu ông được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ và sẽ rút hết quân Mỹ về nước.
Nếu Donald Trump thắng cử, điều này sẽ còn tồi tệ hơn cả động đất đối với Nhật Bản. Chúng ta chỉ còn có thể hy vọng chính quyền của ông ấy kháng lại và khiến ông đổi ý. Nếu ông Trump có một đội ngũ nhân viên tốt, việc đó có thể làm được. Tất nhiên, trên lý thuyết, cả hai bên có thể chấm dứt thỏa thuận. Nhưng Nhật Bản đã phải chi rất nhiều để duy trì lực lượng Mỹ tại các căn cứ ở Yokosuka, Okinawa… khó chấp nhận được việc chấm dứt liên minh. Năm tới (2017), tân tổng thống Mỹ sẽ công bố chính sách an ninh mới của chính phủ, Tokyo sẽ nghiên cứu một cách tỉ mỉ.

Mỹ cảnh báo về nguy cơ du khách bị bắt cóc ở Philippines

Một số « nhóm khủng bố » đang có kế hoạch bắt cóc người trên các đảo du lịch ở miền trung Philippines : Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đã đưa ra lời cảnh báo trên đây vào ngày 03/11/2016.
Lời báo động này đã làm tăng nỗi lo ngại là các nhóm Hồi Giáo cực đoan chuyên bắt cóc để đòi tiền chuộc mạng tại miền nam Philippines đang muốn mở rộng địa bàn hoạt động.
Trong một thông cáo lưu ý du khách Mỹ, sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đã kêu gọi công dân nước này tránh đến khu vực phía nam đảo Cebu, nơi có những địa điểm du lịch rất được ưa chuộng. Thông điệp của sứ quán Mỹ nói rõ là các toán khủng bố có dự tính thực hiện những vụ bắt cóc ở những nơi du khách nước ngoài thường lui tới, cụ thể là 3 nơi : Dalagete và Santander ở Cebu và đảo Sumilon ngay bên cạnh.
Lời cảnh báo được đưa ra sau một loạt những vụ bắt cóc do Abu Sayyaf thực hiện ở miền nam Philippines, nhưng không nêu rõ nhóm khủng bố nào đứng sau các âm mưu bắt cóc nói trên. Miền nam Philippines hiện đã trở thành hang ổ của nhiều tổ chức Hồi Giáo cực đoan đã tuyên bố thần phục Daech.
Theo AFP, chính phủ Philippines ngày 04/11 đã xác nhận rằng cảnh sát nước này đã được thông tin về các dự tính bắt cóc người, và đã tăng cường các biện pháp an ninh.

Tổng thống Hàn Quốc

đồng ý trả lời thẩm vấn và xin lỗi người dân

Bị vướng trong một vụ tai tiếng làm rúng động cả chính phủ, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye vào ngày 04/11/2016, đã lên tiếng xin lỗi người dân và cho biết đồng ý trả lời thẩm vấn của tư pháp.
Vụ tai tiếng liên quan bà Choi, « quân sư » của tổng thống Hàn Quốc, và cũng là một người bạn lâu đời, mà theo giới truyền thông đã có ảnh hưởng xấu đến tổng thống. Bà Choi, 60 tuổi, bị tố cáo lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để buộc các tập đoàn Hàn Quốc rót tiền cho những hiệp hội khả nghi và cuối cùng là vào túi của bà Choi.
Phát biểu trên đài truyền hình ngày 04/11, bà Park Geun Hye xác định là những người liên can đến vụ việc phải gánh chịu trách nhiệm và nếu cần thì bà sẵn sàng trả lời các nhà điều tra.
Theo AFP, công tố viên Hàn Quốc điều tra về vụ tài chính nói trên vào ngày 03/11 đã ra lệnh chính thức bắt giữ bà Choi về tội gian lận và lạm quyền. Hai cộng tác viên khác của tổng thống cũng bị bắt cùng ngày và thứ Tư trước đó 02/11.
Bà Park Geun Hye còn hơn một năm nữa là mãn nhiệm kỳ. Vụ tai tiếng đã làm uy tín của bà giảm sụt một cách thảm hại : theo kết quả thăm dò công bố ngày 04/11, bà chỉ còn 5% tín nhiệm, mức thấp kỷ lục đối với một tổng thống đương nhiệm.
Sự vụ đã làm đường phố Seoul sôi sục trong mấy ngày qua, biểu tình đòi tổng thống từ chức, phe đối lập vẫn lên tiếng chỉ trích gay gắt nhưng lại không đòi bà Park Geun Hye ra đi. Theo giới quan sát, nếu đòi như thế thì sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn và phe đối lập biết là họ chưa đủ sức để thắng cử.

COP21 : Hiệp định khí hậu bắt đầu có hiệu lực

Thứ Sáu 04/11 /2016 là ngày Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu, gọi tắt là COP21, bắt đầu có hiệu lực. Đây là thỏa thuận đầu tiên bắt buộc cả thế giới phải tham gia vào chính sách làm giảm khí thải ô nhiễm CO2 để tránh hiện tượng hâm nóng bầu khí quyển.
Về mặt biểu tượng, ngày « lịch sử » này được thủ đô Paris đánh dấu bằng ánh sáng huỳnh quang. Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn và hai bờ sông Seine tràn ngập ánh sáng từ đèn điện quang LED tiết kiệm năng lượng.
Sinh hoạt biểu tượng này không làm quên mục tiêu chính là phải có hành động cụ thể để cứu trái đất và nhân loại khỏi họa diệt vong : nhiệt độ khí quyển không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ XXI so với thời tiền kỹ nghệ.
Tuy nhiên, theo các tổ chức bảo vệ môi trường, hiệp định COP21 có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc là đang đi ngược lại. Họ đưa ra trường hợp Hiệp định Tự do Thương mại – CETA – mà Liên Hiệp Châu Âu và Canada vừa ký kết ngày Chủ Nhật 30/10. Theo tổ chức Nicolas Hulot, hiệp định CETA là một sai lầm vì khuyến khích khai thác dầu hỏa từ hỗn hợp cát, đất sét ngậm dầu thô, nguồn thải khí CO2 rất lớn.
Lợi nhuận thương mại và thuế vụ vẫn còn đầy xung khắc, mâu thuẫn với chính sách khí hậu. Con đường thực hiện COP21 còn rất dài và nhiều trắc trở.

Indonesia : Hồi Giáo cực đoan biểu tình

chống đô trưởng Thiên Chúa Giáo

Ngày 04/11/2016, tại Jakarta, khoảng 50.000 người Hồi Giáo Indonesia thuộc xu hướng cực đoan xuống đường đòi xử đô trưởng tội báng bổ đạo Hồi. Vị đô trưởng Thiên Chúa Giáo, gốc Hoa, rất được lòng dân nhưng chỉ vì tính khí thẳng thắn, ăn nói bộc trực, đã gây bất bình cho một tổ chức Hồi Giáo chính trị.
Theo AFP, một rừng người mặt y phục trắng đã tập hợp về đền thờ Hồi Giáo lớn nhất ở thủ đô Jakarta trước khi kéo xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của Mặt trận Bảo vệ Người Bảo vệ đạo Hồi, một tổ chức cực đoan tại Indonesia.
Đối tượng của họ là ông Basuki Tjahaja Purmana, biệt danh Ahok, đô trưởng Jakarta từ năm 2014, kế nghiệp đương kim tổng thống Joko Widodo. Vị đô trưởng được dân chúng cảm mến qua tài năng quản lý thành phố khổng lồ 10 triệu dân, nhưng có nhược điểm ”nghĩ sao nói vậy”. Vào cuối tháng 9/2016, ông tuyên bố một số giáo sĩ Hồi Giáo đã diễn giải sai trật kinh Coran khi cho rằng tín đồ đạo Hồi chỉ bầu cho người theo đạo Hồi.
Cho dù sau đó, vị đô trưởng theo Thiên Chúa Giáo đã lên tiếng xin lỗi nhưng một vài nhóm cực đoan không chấp nhận. Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra hôm 14/10.
Đề phòng bạo động, ngày 04/11, chính quyền Indonesia huy động khoảng 18.000 cảnh sát và quân nhân giữ trật tự. Theo phát ngôn viên cảnh sát, khoảng 50.000 người tham gia xuống đường nhưng không xảy ra bạo động. Các sứ quán tây phương kêu gọi du khách và kiều dân thận trọng.

Hàn Quốc : Triển khai lá chắn THAAD vào giữa 2017

Hoa Kỳ sẽ bố trí hệ thống lá chắn diệt tên lửa THAAD tại Hàn Quốc trong 8 tháng tới đây. Trên đây là tuyên bố của tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks cho dù dự án này bị Trung Quốc và Nga phản đối. Áp lực từ Seoul buộc Washington phải nhanh chóng thực hiện.
Theo bản tin ngày 04/11/2016 của AFP từ Seoul, tướng Vincent Brooks, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cho biết quyết định của Washington và Seoul triển khai hệ thống tên lửa chống tên lửa THAAD sẽ được hoàn tất trong vòng từ 8 đến 10 tháng tới đây. Hệ thống này quy mô hơn dàn lá chắn đang được bố trí tại đảo Guam, một căn cứ quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương.
Tiếp theo một loạt thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhiều tiếng nói trong chính quyền Hàn Quốc đòi trang bị vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, theo tướng Vincent Brooks, giải pháp trang bị vũ khí hạt nhân sẽ làm cho tình hình châu Á Thái Bình Dương « phức tạp thêm ».
Hệ thống THAAD có khả năng ngăn chận tên lửa đạn đạo đối phương từ trên thượng tầng khí quyển hoặc ngay sau khi mới xuyên vào.
Kế hoạch này đã bị Trung Quốc và Nga phản đối mạnh. Theo Bắc Kinh, mục đích thật sự của Mỹ là phô trương sức mạnh và kềm chế khả năng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Matxcơva cũng lên án Mỹ muốn biểu dương lực lượng trong khu vực.

Quân Iraq tiến sâu hơn vào Mosul

Quân chính phủ Iraq đã vượt qua hàng phòng thủ của IS để chiếm thêm một khu vực nữa của Mosul, thành phố đã nằm trong tay IS hơn hai năm.
Quân đội đã tiến vào quận phía đông al-Zahra, và nói họ đã kiểm soát 90% quận này.
Quân chính phủ và lính người Kurd, có Mỹ hỗ trợ, đã tấn công từ ngày 17/10.
Các ngôi làng, thị trấn quanh Mosul đã được lấy lại.
Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại cho an toàn của khoảng 1,5 triệu dân thường trong Mosul, giữa lúc có tin tức về các vụ giết người hàng loại, và người dân bị IS dùng làm lá chắn.
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cung cấp thêm bằng chứng về vi phạm nhân quyền trong và quanh Mosul.
Họ nói IS đã bắt 50 lính vì đào ngũ hôm thứ Hai, và có thể 180 nhân viên chính phủ cũng đã bị nhóm này giết.
Hơn 1.000 người dân nghe nói bị bắt đi từ thị trấn Hamam al-Alil để đến Tal Afar, có thể để làm lá chắn.
Các gia đình ở Hamam al-Alil được yêu cầu nộp con, đặc biệt bé trai trên chín tuổi, dường như để bắt làm lính trẻ em.

Một phụ nữ dẫn đầu vụ kiện Anh Quốc về Brexit

Đằng sau phán quyết chấn động của Tòa Thượng thẩm ở London rằng Nghị viện Anh phải có quyền biểu quyết về việc liệu nước này có thể khởi động tiến trình rời khỏi Liên hiệp Âu châu (Brexit) là ba thẩm phán cao cấp.
Phán quyết hôm 3/11/2016 buộc chính phủ Anh do đảng Bảo thủ nắm không thể tự mình kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU.
Nhưng vụ kiện chính phủ Anh lại đến từ lá đơn của một người dân, bà Gina Miller, doanh nhân 51 tuổi, sống tại London.
Cùng bà còn có người làm nghề uốn tóc gốc Tây Ban Nha, Deir Dos Santos cũng ký đơn kiện.
Họ được sự ủng hộ của nhóm vận động mang tên ‘Người dân Thách thức’ (People’s Challenge), do ông Grahame Pigney lập ra.
‘Chính phủ không được vi hiến’
Sinh ra ở Guyana nhưng lớn lên tại Anh, tốt nghiệp ngành quản trị và tiếp thị tại Đại học London, bà hiện đang làm nhà quản lý đầu tư tại công ty SCM Private do bà và chồng sáng lập mới hồi năm 2014.
Tự hào là người gốc Nam Mỹ, bà cũng đóng góp nhiều cho các hoạt động tự thiện ở Anh.
Đơn kiện của bà Gina Miller rất đơn giản, căn cứ vào việc hoạt động của chính phủ dự định làm có hợp hiến hay là không.
Theo lời bà Gina Miller giải thích với báo chí thì quá trình Anh Quốc rời EU “phải được bàn thảo trong Nghị viện, cả về nguyên nhân và hệ quả. Các dân biểu cần phải nghe cử tri của họ nói gì, và nếu sau đó, các dân biểu bỏ phiếu để kích hoạt Điều 50 thì nó sẽ thành luật.”
Ai cũng bỏ phiếu vì tương lai tốt đẹp cho Anh QuốcGina Miller, người đứng đơn kiện chính phủ Anh
Phát biểu trước cửa Tòa Thượng thẩm ở London hôm thứ Năm, bà Gina Miller nói đây là vấn đề “mang tính thủ tục chứ không phải là chính trị”.
Bà cũng khuyên các bộ trưởng trong chính phủ Anh “nên khôn ngoan không thách thức phán quyết” vừa qua.
Thủ tướng Anh, bà Theresa May nói kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit tháng 6/2016 và các quyền hiến định mà chính phủ đã được trao cho không cần đến việc biểu quyết của các dân biểu.
Tuy nhiên, những người vận động chống lại điều này mà bà Gina Miller là một nhân vật hàng đầu nói rằng làm vậy là vi hiến.
Họ cũng trích ngay Điều 50 Hiệp ước Lisbon nói rằng việc một quốc gia rút khỏi EU cần được thực hiện “đúng với các quy định hợp hiến của nước đó”.
Vấn đề là ở chỗ Anh Quốc không có một bản hiến pháp thành văn mà chỉ có các luật và điều lệ khác qua về thủ tục hiến pháp.
Bà May từng nói bà sẽ kích hoạt Điều 50 trước ngày cuối cùng của tháng 3/2017.
Nhưng nay, có thể thời hạn tháng 3/2017 sẽ không còn vững vì Quốc hội Anh phải thảo luận và bỏ phiếu, nếu chính phủ không thành công trong việc kiện phán quyết của tòa Thượng thẩm.
Chính phủ Anh sẽ kháng cáo phán quyết mới đây, và phiên xử tới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12.
Ngay lập tức đã có những ý kiến bình luận rằng khả năng Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017 để rời EU sau hai năm, vào mùa xuân năm 2019 là không khả thi.
Khi công dân kiện chính quyền
Luật Anh thừa nhận quyền của công dân hoặc người dân (không cần phải là công dân Anh) kiện chính phủ.
Chẳng hạn hồi 1999 có vụ kiện của một em gái, Heather Begbie (11 tuổi) kiện chính phủ vì xóa bỏ một chế độ học bổng công mà em vừa bắt đầu.
Kết quả là chính quyền phải chấp nhận để những ai đã vào học thì được hưởng học bổng này cho đến khi kết thúc.
Hồi 2008 có thêm một vụ kiện mang tính pháp lý và chính trị hơn.
Đó là vụ ông Stuart Wheeler kiện Thủ tướng Anh (Wheeler v Office of the Prime Minister) đã không cho mở trưng cầu dân ý để cử tri Anh có thể bỏ phiếu về Hiệp ước Lisbon.

Tòa Bạch Ốc hối thúc Quốc hội thông qua TPP

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày 3/11 vừa ra khuyến cáo cảnh báo về các mối nguy nếu Quốc hội không thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nói rằng hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ có thể bị rủi ro nếu một hiệp định đối phương do Trung Quốc dẫn đầu được thực thi.
Trong nỗ lực gia tăng thúc đẩy lần cuối để thuyết phục Quốc hội chuẩn thuận TPP trong hai tháng tiếp sau cuộc bầu cử 8/11, các giới chức cao cấp của chính quyền tuyên bố 35 lĩnh vực công nghiệp Mỹ sẽ mất sân so với các nhà cạnh tranh từ Trung Quốc chỉ riêng tại thị trường Nhật.
Trong cuộc khảo sát mới đây, Hội đồng Cố vấn Kinh tế Tòa Bạch Ốc ước tính rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECAP) do Trung Quốc dẫn đầu có phần chắc sẽ hạ giảm thuế của Nhật đánh vào hàng hóa Trung Quốc từ 5 đến 10 điểm phần trăm. Nếu TPP không được thông qua, các công ty Mỹ sẽ bị vướng với thuế suất của Nhật trung bình cao gấp đôi so với các nhà cạnh tranh từ Trung Quốc.
Giới chức chính quyền Obama lâu nay lập luận rằng nếu TPP thất bại, Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh vai trò lãnh đạo kinh tế tại châu Á và hạ thấp các quy định giao thương trong khu vực này. Cuộc nghiên cứu của Tòa Bạch Ốc tìm cách lượng hóa lập luận này thông qua đo lường hiệu ứng của việc Nhật giảm thuế suất nhập khẩu với RECEP.
Trung Quốc đang thương lượng RECEP với 16 nước châu Á. Bảy nước trong số này cũng ký kết thỏa thuận TPP bao gồm Nhật, Australia, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Singapore, và Brunei.

Tổng thống Obama ráo riết vận động cho bà Clinton

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chứng tỏ mình là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton, khi ông đả kích ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump rằng ông ta “hoàn toàn không đủ tư cách trở thành tổng thống.”
Ông Obama nói như vậy trước tiếng reo hò của những người ủng hộ bà Clinton ở bang miền nam Florida. Florida, cùng với North Carolina, là hai bang ven bờ Đại Tây Dương mà cả bà Clinton lẫn ông Trump đều xem là trọng yếu để họ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống toàn quốc diễn ra vào thứ Ba tuần sau.
“Nếu chúng ta thắng ở Florida thì chúng ta sẽ thắng trong cuộc bầu cử này,” ông Obama nói tại Miami, thành phố du lịch nổi tiếng và là nơi sinh sống của hàng ngàn cử tri nói tiếng Tây Ban Nha. Họ ủng hộ bà Clinton và chống đối kế hoạch chống nhập cư cứng rắn của ông Trump.
Sau đó, ông Obama đi tới thành phố lớn nhất của Florida là Jacksonville ở phía bắc bang này, nơi mà ông Trump cũng tới vận động hôm thứ Năm.
Ông Trump cáo buộc bà Clinton “dính líu vào những hoạt động phạm tội” vì bà đã không xử lý thích đáng những tài liệu an ninh quốc gia trong những email của bà suốt nhiệm kỳ bốn năm mà bà làm bộ trưởng ngoại giao của Mỹ.
“Bà ta sẽ còn bị điều tra dài dài,” ông Trump nói.
Trong những ngày cuối cùng ráo riết vận động tranh cử, ứng cử viên Đảng Cộng hòa cũng định tổ chức những buổi vận động ở bang Pennsylvania thuộc miền đông và hai buổi vận động khác ở bang North Carolina. Vợ của ông Trump, bà Melania, cũng xuất hiện vận động tranh cử cho chồng lần đầu tiên kể từ đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tháng 7, phát biểu trước những người ủng hộ ở ngoại ô thành phố Philadelphia, là thành phố lớn nhất của Pennsylvania.
Trong khi đó, bà Clinton đang tập trung vào bang North Carolina, nơi bà tổ chức hai sự kiện vận động tranh cử.
Hai cuộc khảo sát toàn quốc lớn mới cho thấy bà Clinton đang dẫn trước ông Trump trong số những cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Cuộc khảo sát của The New York Times/CBS News cho thấy bà dẫn trước với tỉ lệ 45-42 phần trăm, trong khi cuộc khảo sát của The Washington Post-ABC News cho thấy lợi thế của bà là 47-45 phần trăm.
Những cuộc khảo sát này bao gồm những cuộc phỏng vấn với cử tri diễn ra mấy ngày sau khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang James Comey loan báo cơ quan chấp pháp hàng đầu của Mỹ này sẽ duyệt lại cuộc điều tra những email của bà Clinton khi bà còn là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước từ năm 2009 đến năm 2013. Những nhà điều tra đã tìm thấy hàng ngàn email có liên quan tới bà trên máy tính của người chồng đã ly thân của Huma Abedin, phụ tá chính của bà Clinton.

Bộ Ngoại giao Mỹ

quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực

Một phúc trình của Ban Cố vấn An ninh Quốc tế (ISAB) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Hội đồng gồm các chuyên gia an ninh quốc gia kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn đến tác động từ các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực đối với an ninh khu vực.
Nhìn chung, ISAB thúc giục Mỹ tiếp tục vai trò lãnh đạo trong các vấn đề Bắc Cực, đồng thời nêu bật quan ngại về ‘lợi ích, chính sách và hoạt động của Nga’ tại các vùng cực bắc của thế giới. Tuy nhiên, Hội đồng cũng xem xét các hoạt động của Trung Quốc và các nước khác không gần Bắc Cực mà ngày càng quan tâm đến việc phát triển vùng này.
Các nhà khoa học được dẫn lời trong ‘Báo cáo về chính sách Bắc Cực’ lưu ý rằng hiện tượng băng tan chảy ở Bắc Cực do biến đổi khí hậu khiến nhiều nước muốn đóng vai trò trong việc phát triển Bắc Cực, để được tiếp cận với các trữ lượng dầu khí trong khu vực.
Trung Quốc, về mặt địa lý cách xa Bắc Cực, nhưng tự tuyên bố là một quốc gia cận Bắc Cực để phù hợp với mục tiêu chiến lược dài hạn hầu theo đuổi phát triển kinh tế và tăng trưởng ở Bắc Cực, báo cáo của ISAB nói.
Tuy nhiên, nghiên cứu của ISAB nói thêm rằng việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn năng lượng mâu thuẫn với nỗ lực đa quốc nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Các hoạt động của con người trong thập niên qua đã tăng gần 400%, theo ước tính của Hội đồng ISAB, xét về lĩnh vực vận chuyển, khai thác, thăm dò năng lượng, đánh bắt và du lịch.
Trung Quốc đã nhanh chóng tăng đầu tư ở Bắc Cực trong những năm gần đây, đóng thêm tàu phá băng và thực hiện các bước khác để chuẩn bị cho sự phát triển khu vực trong tương lai.
Báo cáo cũng lưu ý đến sự hợp tác của Trung Quốc với Nga trong việc phát triển các mỏ khí tự nhiên ở bán đảo Yamal, vùng Siberia, thuộc Bắc Cực.

Luật sư: Hong Kong có thể

tự xử lý hai nghị viên chống Trung Quốc

Hong Kong có thể xử lý nỗ lực pháp lý của chính quyền thành phố cấm chỉ hai nghị viên vừa đắc cử cổ súy cho nền độc lập của Hong Kong thoát khỏi Trung Quốc, một luật sư làm việc cho chính quyền cho biết ngày 3/11 giữa những đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể sẽ can thiệp vào vụ này.
Trường hợp của hai chính trị gia vừa đắc cử cơ quan lập pháp thành phố hồi tháng 9 tô đậm những quan ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh đối với vùng đất từng là thuộc địa của Anh quốc bất chấp những hứa hẹn cho Hong Kong quyền tự trị.
Hai nghị sĩ Yau Wai-ching, 25 tuổi, và Baggio Leung, 30 tuổi, cầm biểu ngữ ‘Hong Kong không phải Trung Quốc’ và phát âm sai từ ‘China’ thành một từ mang tính xúc phạm trong buổi lễ tuyên thệ làm thành viên Hội đồng Lập pháp hồi tháng trước.
Họ bị đình chỉ tuyên thệ và trưởng đặc khu Hong Kong đã đệ đơn tìm cách ngăn hai nghị sĩ này được có cơ hội tuyên thệ lần nữa.
Tòa Tối cao Hong Kong bác yêu cầu đó nhưng chấp thuận một phiên điều trần khởi sự vào ngày 3/11 xem xét tư cách thành viên của hai người này trong Hội đồng Lập pháp.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh hôm thứ Ba tỏ dấu cho thấy Bắc Kinh có thể áp dụng Luật Cơ bản của Hong Kong trong vụ này.
Tuy nhiên, luật sư Benjamin Yu làm việc cho chính quyền Hong Kong cho biết tòa án Hong Kong có thể xử lý vụ việc.
Bất kỳ sự can thiệp nào của Bắc Kinh trong vụ này cũng sẽ làm tăng thêm quan ngại về quyền tự trị của Hong Kong, theo các giới chức tư pháp.
Luật sư Yu nói hai nghị viên đã nhân lễ tuyên thệ ‘cổ võ độc lập cho Hong Kong’ và không tuân thủ các điều khoản nhất định trong Luật Cơ bản.
Luật này nói Hong Kong là một phần không thể chuyển nhượng của Trung Quốc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.