Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tranh chấp Biển Đông – 03/10/2016

Monday, October 3, 2016 8:52:00 PM // , ,

No sub-categories
Tin Biển Đông – 03/10/2016

Bắc Kinh dọa nạt để lôi kéo Singapore vào quỹ đạo Trung Quốc

Vốn dĩ rất thuận thảo, quan hệ Trung Quốc-Singapore đã đột nhiên căng thẳng hẳn lên với cuộc tranh cãi giữa đại sứ Singapore tại Bắc Kinh với chủ bút tờ báo đại chúng nặng mùi dân tộc chủ của Trung Quốc là Hoàn Cầu Thời Báo. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng bênh vực tờ báo của mình, trong lúc giới thân cận quân đội Trung Quốc không ngần ngại kêu gọi Bắc Kinh phải trừng phạt Singapore. Theo nhận xét của tờ báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 01/10/2016, trong bài « Thực ra Bắc Kinh nổi nóng với Singapore vì điều gì ? », Trung Quốc đã gây căng thẳng để biểu lộ thái độ bất mãn đang gia tăng đối với tiểu quốc nhỏ bé tại Đông Nam Á mà Bắc Kinh muốn kéo vào quỹ đạo của mình.
Cho đến gần đây, Trung Quốc và Singapore được cho là vẫn có một quan hệ rất đặc biệt vì được coi như là rất tương đồng về mặt văn hóa và chủng tộc, với cộng đồng gốc Hoa chiếm đa số tại một nước chỉ có khoảng 6 triệu dân. Hai sự kiện gần đây đã nêu bật thái độ trân trọng của Bắc Kinh đối với Singapore : Tang lễ cố lãnh đạo Singapapore Lý Quang Diệu vào tháng 03/2015 đã được Trung Quốc hết sức coi trọng, và Singapore đã được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu vào tháng 11 cùng năm.
Nhưng kể từ đó đến nay, sự tin tưởng lẫn nhau đã ngày càng giảm sụt, xuất phát từ sự cạnh tranh đang leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye PCA ngày 12/07/2016, phủ nhận yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Bắc Kinh ngày càng khó chịu trước đường lối ngoại giao mà Singapore áp dụng đối với Trung Quốc, cho rằng quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách « chơi cả hai lá bài » Mỹ và Trung Quốc để thủ lợi riêng.
Trên cơ sở hai nước được cho là cùng thấm nhuần văn hóa Trung Hoa, vốn đòi hỏi là bạn bè phải giúp đỡ lẫn nhau, Trung Quốc hy vọng là với tình hữu nghị truyền thống sẵn có, Singapore sẽ sử dụng vai trò độc đáo của mình trong ASEAN cũng như ảnh hưởng trong khu vực để giúp Trung Quốc giải quyết tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á hay ít ra là duy trì tư thế trung lập.
Thế nhưng động thái của Singapore về phán quyết PCA đã khiến Bắc Kinh sững sờ. Các quan chức Singapore đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ một văn kiện mà Bắc Kinh bác bỏ, xem đấy là « bất hợp pháp » và « không có tính ràng buộc ». Singapore không chỉ ủng hộ phán quyết, mà lại còn vận động quốc tế gây áp lực trên Trung Quốc.
Bắc Kinh đặc biệt khó chịu trước nỗ lực của Singapore sử dụng hội nghị thượng đỉnh Phong Trào Phi Liên Kết làm diễn đàn để ra một tuyên bố chống lại Trung Quốc. Dĩ nhiên là Trung Quốc không có gì phải lo, vì Singapore khá đơn độc, nhưng vì Singapore là nước đi đầu trong cuộc vận động, Bắc Kinh đã cảm thấy bị xúc phạm.
Tranh cãi bùng lên về vai trò của Singapore tại hội nghị thượng đỉnh Phong Trào Phi Liên Kết, với những lời đe dọa kèm theo, được xem là một hình thức qua đó Bắc Kinh biểu lộ thái độ bực tức của mình, nhưng không đi quá xa để khỏi phá vỡ quan hệ truyền thống tốt đẹp với Singapore.
Theo ghi nhận của tờ South China Morning Post, tác nhân đi đầu trong việc đả kích Singapore về phía Trung Quốc là Hoàn Cầu Thời Báo. Đây không phải là một tiếng nói « chính thức », và trong khi có thể đại diện cho quan điểm của « một số quan chức », tờ báo có xu hướng phản ánh tiếng nói của phe diều hâu trong giới lãnh đạo.
Có khả năng là tờ báo này muốn phản ánh quan điểm của « một số quan chức Trung Quốc », nhưng cũng có khả năng là một số quan chức cấp cao muốn sử dụng quy chế « bán chính thức » của tờ báo để cho biết quan điểm của họ mà không gây tác hại về mặt ngoại giao.
Cả hai khả năng trên đều phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Singapore, cả trên vấn đề Biển Đông lẫn vấn đề chính quyền Singapore đang ngày càng thân Mỹ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể là đã rất tôn trọng ông Lý Quang Diệu, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ tự động tôn trọng con trai của ông là Lý Hiển Long.
Nhưng dẫu sao thì theo nhật báo Hồng Kông, Bắc Kinh không có ý định từ bỏ nỗ lực kéo Singapore vào quỹ đạo của mình, do việc nước này có thể giúp Trung Quốc cải thiện quan hệ với các nước ASEAN và các láng giềng khác.
Đó là lý do tại sao chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào đầu tháng Chín, rằng quan hệ Trung Quốc-Singapore luôn luôn đi trước một bước so với quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN khác.

Trung Quốc khai trương nhà máy khử mặn ở đảo Phú Lâm

Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng một nhà máy khử mặn có công suất 1.000 tấn một ngày ở thành phố Tam Sa, thuộc đảo Phú Lâm ở Biển Đông, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Bản tin của Tân Hoa Xã hôm thứ Hai (3/10) nói nhà máy này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên đảo.
Nhà máy khử mặn được chính thức đưa vào hoạt động hôm thứ Bảy. Nhà máy này có khả năng xử lý 1.000 tấn nước mỗi ngày và 700 tấn nước đã được xử lý có thể uống được trực tiếp.
Cũng theo Tân Hoa Xã, các thiết bị khử mặn hiện nay trên đảo Phú Lâm có thể xử lý 1.800 tấn nước mỗi ngày.
Thành phố Tam Sa được Bắc Kinh chính thức thành lập vào năm 2012 để quản lý các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển xung quanh khu vực này ở Biển Đông. Chính quyền thành phố Tam Sa nằm trên đảo Phú Lâm.
Bắc Kinh gần đây liên tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, thành lập ủy ban lập pháp, tiến hành bầu cử tại thành phố Tam Sa và thực hiện tuần tra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa 2 tại thành phố Tam Sa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình được báo Người Lao Động trích lời nói hành động của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam” và “không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

VN phản đối TQ bầu cử ở ‘thành phố Tam Sa’ ​

Việt Nam nói Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền” khi tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân của “thành phố Tam Sa” và tiến hành tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa.
“Thành phố Tam Sa” của Trung Quốc có phạm vi quản lý ba quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 3/10, Việt Nam nhắc đến việc Trung Quốc mới đây tiến hành bầu cử đại biểu nhân dân khóa 2 “thành phố Tam Sa”.
Trung Quốc cũng tiến hành tuần tra ở khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, theo phía Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Việc Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân của cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ mà Trung Quốc dựng lên một cách phi pháp và tiến hành tuần tra trái phép ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.”
“Những hành động phi pháp đó không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,” ông Bình khẳng định.

Tướng Hoa Kỳ:

“Hiểu lầm” có thể dẫn đến xung đột Mỹ – Trung ở Biển Đông

Những “hiểu lầm” thông thường có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột trên Biển Đông giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là lời cảnh báo của một cựu sĩ quan cao cấp Mỹ trên đài phát thanh và truyền hình ABC của Úc, đăng ngày 03/10/2016.
Trả lời phỏng vấn đài ABC, đô đốc về hưu Dennis Blair, từng lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia và chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng ông không tin là Mỹ hoặc Trung Quốc muốn đi đến chiến tranh để chấm dứt sự cách biệt. Nhưng cả hai bên đều bị giam hãm trong thế đối lập mà không thể nào đạt được một thỏa hiệp.
Ông nói: “ Khi tôi thảo luận với các quan chức Trung Quốc, tôi không ngờ làm mình nghiêng hẳn theo quan điểm của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ là cả đôi bên đều không có khả năng hiểu được chuyện gì đang xảy ra, chuyện gì đang diễn ra ở phía bên kia và khó có thể tìm được một đồng thuận để hai bên cùng chung sống ”.
Theo cựu đô đốc Mỹ, những đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, đối với Hoa Kỳ là điều “không thể chấp nhận”. Và sự bế tắc hiện nay đang tạo ra một tình huống là không bên nào chịu xuống nước.
Ông nói, “chúng ta dường như phải xử lý bằng cách hoặc là chấp nhận một loạt các nhượng bộ hoặc phải chiến thắng. Và kiểu quan hệ này chỉ có thể làm cho tình hình thêm leo thang, có thể dẫn đến xung đột. Hiểu lầm, gây sợ hãi và đối đầu”.
Khi được hỏi trong trường hợp xảy ra xung đột, đô đốc Dennis Blair cho rằng quân đội Mỹ chỉ cần mất khoảng 10-15’ để “khống chế” các tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông. Do đó, ông nghĩ là “Mỹ và Úc nên thường xuyên tập luyện cùng nhau ở Biển Đông, bằng cách chứng tỏ là khi cần, họ sẽ điều lực lượng vũ trang đến các vùng biển và không phận quốc tế”.

Kế hoạch an ninh hàng hải mới của Mỹ ở Đông Nam Á

Cuối tuần qua, tại Hawai, Hoa Kỳ và các nước ASEAN đã mở một cuộc họp không chính thức giữa các bộ trưởng Quốc phòng. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng cuộc họp này cho thấy tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách của chính quyền Obama “xoay trục” sang châu Á. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên giữa các bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Biển Đông, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Cuộc họp ở Hawai đã bàn về các vấn đề an ninh, từ khủng bố Hồi giáo cho đến cứu hộ thiên tai và cứu trợ nhân đạo, nhưng trọng tâm vẫn là vấn đề an ninh hàng hải, do tình hình căng thẳng tại hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhân dịp này, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã công bố một số sáng kiến mới về an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm đối thoại về an ninh hàng hải và thao dượt chung với các nước ASEAN về tăng cường giám sát vùng biển.
Theo tờ The Diplomat trong bài viết đề ngày 02/10/2016, mặc dù trong những năm gần Hoa Kỳ đã mở rộng và đa phương hoá các cuộc thao dượt quân sự với từng nước Đông Nam Á, kế hoạch nói trên rất đáng chú ý. Sự tham gia ngày càng nhiều của lực lượng tuần duyên Mỹ vào hợp tác với các nước ASEAN cũng đáng kể.
Hoa Kỳ cũng đang muốn đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật quân sự của Mỹ với những cơ quan của các nước Đông Nam Á, bởi vì các thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống mà hai bên đang phải đối phó rất là phức tạp.
Tại cuộc họp ở Hawai, ông Carter cho biết đã nhờ Trung tâm châu Á Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh, trực thuộc bộ Quốc phòng Mỹ, tổ chức một hội thảo về năm tới để xác định những lĩnh vực cần đẩy mạnh hợp tác giữa Hoa Kỳ với ASEAN. Vào năm tới, Washington cũng sẽ mời các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đến một căn cứ quân sự của Mỹ ở Florida để thảo luận về thảo luận về việc tăng cường khả năng giám sát vùng biển của các nước Đông Nam Á.
Cũng theo The Diplomat, trước đó, thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Amy Searight, khi phát biểu khai mạc đối thoại an ninh Mỹ – Philippines ngày 18/03 năm nay, đã cho biết là bộ này đã báo cho Quốc hội rằng họ đang chuẩn bị một sáng kiến an ninh hàng hải mới cho các quốc gia Đông Nam Á nằm ở khu vực Biển Đông. Mục tiêu chính của sáng kiến này chính là xây dựng khả năng bảo vệ an ninh hàng hải của các nước đối tác và đồng minh của Mỹ ở khu vực này.
Thật ra thì trước đó chính quyền Obama cũng đã đẩy mạnh hỗ trợ các nước Đông Nam Á về an ninh hàng hải trước những hành động của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Cụ thể đó là giúp Philippines xây Trung tâm Giám sát Duyên hải Quốc gia, giúp Việt Nam xây trung tâm huấn luyện lực lượng tuần duyên, giúp Indonesia và Malaysia nâng cao khả năng giám sát vùng biển.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.