Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Những cú giáng trả tàn độc vào nhà báo

Monday, October 3, 2016 8:44:00 PM // , ,

Những cú giáng trả tàn độc vào nhà báo

Mai An Nguyễn Anh Tuấn


Mới đây, phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ bị nhân viên công lực hành hung thô bạo khi thu thập thông tin; phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đến hiện trường ghi chép tin tức bị kẻ mặc thường phục tự xưng là chỉ huy cư xử hệt như hành vi của một tên côn đồ; phóng viên của VTC điện tử bị đánh đập dã man khi đang làm nghiệp vụ bởi công an xã… Còn trước đó mấy tháng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị một bọn xã hội đen hành hung một cách độc ác… Những hành vi xúc phạm khốn nạn và bỉ ổi đến thân thể và nhân phẩm của nhà báo diễn ra liên tiếp trong thời gian qua khiến phần đông xã hội nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng đau xót và phẫn nộ. Đây là những cú giáng trả có mục đích, có tính toán vào Công lý, Tri thức và Sự thật mà những người thuộc “Quyền lực thứ tư” của Quốc gia đang làm một đại diện xứng đáng. Tại sao lại có sự trùng hợp đến thế giữa hành động của một số người thực thi công vụ đại diện cho luật pháp và bọn Mafia? Có gì liên hệ giữa chúng? Ai đã bảo kê để chúng tác yêu tác quái như vậy? Tìm công lý ở đâu bây giờ?…
Là một người viết báo, trong khi chờ đợi và cũng tìm cách tự lý giải một cách cặn kẽ những nỗi bức xúc trăn trở trên, tôi xin gửi tới các nhà báo đã/đang bị hành hung một bài thơ cũ nhưng có lẽ còn nguyên tính thời sự – như một lời tri ân, cảm thông, động viên bạn đồng nghiệp.
KHÓC BẠN – MỘT NHÀ THƠ, NHÀ BÁO
Nhớ Trần Hoà Bình
Bạn ơi, thế là từ nay
bạn không còn được ngẩn ngơ trước một ngọn gió heo may
không còn phải băn khoăn ngày đi họp Khoa buộc phải mặc com-lê, cà-vạt
không còn nỗi lo sợ khi trót đụng chạm tới quan tham
không còn phải bận tâm sẽ ăn gì, uống với ai lúc màn đêm sập bóng…
Còn đâu nữa những tối vui Quán Xưa
vài chén rượu nhạt
mấy câu chuyện bâng quơ
và thăm thẳm nỗi thương đời…
Những kẻ trói gà không chặt
lại lo chuyện trên trời dưới bể
Những kẻ gân cổ lên cãi khi ai đó gọi là đồ gàn đa cảm
lại nhiều nước mắt hơn cả nàng Kiều1
trước những số phận oan khiên, bất hạnh
Cả khi nước mắt xót thương đã trở thành đồ xa xỉ
và cũng chẳng còn nước mắt mà khóc nữa
nỗi đau càng tích tụ
hoá thành bệnh “Giời đày”!
Nhưng không khổ bằng cái bệnh
phải mỉm cười khi mếu, phải cất giọng hát khi đau
phải cho nước mắt lăn vòng vào đoạn kết có hậu
Và chỉ còn biết lẩm bẩm vu vơ:
Tất cả đều thiếp ngủ
Chỉ mình tôi ngồi khóc như người nguyền rủa2
Giờ đây, nếu như bạn vẫn còn vương chút máu mê nghề nghiệp -
cái nghề nghiệp không được bảo hiểm
bạn sẽ hơn hẳn chúng tôi
vì có thể tự do ra vào những ngôi nhà bí hiểm
được làm ra bằng những đồng tiền bí hiểm cũng không kém
những ngôi nhà thật to thật đẹp chứa đựng những hình nhân
đang hoá thân thành những con bọ khổng lồ theo nguyên mẫu của Kafka3
và trái tim còn băng giá hơn cả bà Chúa Tuyết!4
Nhưng khổ thân cho bạn
vì dưới suối vàng bạn đâu đã hết mối thương tâm và phẫn nộ…
Ở nơi dù không có viên đạn sắt và thanh kiếm thép nào đe doạ nhà thơ, ký giả
song lại có điều đáng sợ khủng khiếp hơn
đó là sự nghi kỵ, thù hằn, miệt thị
Không ít người trong chúng ta
nếu không bị đánh văng kính, sưng vù mặt mũi, vỡ tan ống kính,
không bị cướp giật bản thảo
thì cũng phải cúi đầu gạt thầm giọt lệ tủi nhục…
Chúng tôi như đang nghe thấy tiếng bạn kêu to từ đáy huyệt sâu
cặp kính trắng long lên giận dữ:
“ Dù nỗi xót xa, lời an ủi của nhà thơ không thay thế được miếng cơm manh áo
dù cái sắc sảo tinh tường của ký giả không đem lại được công lý cuối cùng
nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa
ai dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch?
và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo
ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà?”
Bạn ơi,
thương thay!
và cũng đáng yêu thay!
khi nhắm mắt bạn vẫn không quên nổi Sứ mệnh làm Nhà thơ, Ký giả
và bạn lại đặt thêm gánh nặng lên vai chúng tôi
những kẻ đang cố ghìm tiếng khóc
giữa khi đã quá nhiều tiếng khóc…
__________
1. “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” (Truyện Kiều)
2. Taras Chevsenco: “Bức thư gửi những người đồng bào của tôi”- Thuý Toàn dịch
3. Tác phẩm Hoá Thân của F. Kafka
3. Nhân vật trong truyện của H. Andersen
M.A.N.A.T.

Tác giả gửi BVN. 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.