Tin Thế giới – 03/10/2016
Giáo sư Nhật Yoshinori Ohsumi đoạt giải Nobel Y khoa
Nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi đã được trao giải Nobel Y khoa năm nay cho công trình khám phá cơ chế tự thực (autophagy), một nghiên cứu khoa học về cơ chế phân tách và tái tạo của tế bào.
Trong công bố trao giải thưởng 930.000 đôla, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska của Thụy Điển nói:
“Những khám phá của ông đã mở ra sự hiểu biết về tầm quan trọng cơ bản của cơ chế tự thực trong nhiều quá trình sinh lý học, chẳng hạn như sự thích nghi với việc đói hoặc phản ứng với lây nhiễm”.
Ông Ohsumi, 71 tuổi, là một giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo.
Viện Karoliska cho biết thêm: “Cơ chế tự thực đã được biết đến hơn 50 năm, nhưng tầm quan trọng cơ bản của nó trong sinh lý học và trong y học chỉ được công nhận sau nghiên cứu chuyển đổi mô hình của giáo sư Yoshinori Ohsumi trong những năm 1990”.
Cũng theo Viện Karoliska, “Nhờ ông Ohsumi và những người tiếp bước ông mà bây giờ chúng ta biết được rằng cơ chế tự thực điều khiển các chức năng sinh lý quan trọng, nơi các thành phần tế bào cần thoái hóa và tái tạo”.
Giải thưởng y học này là giải Nobel đầu tiên được trao mỗi năm.
Các giải Nobel vật lý, hóa học, hòa bình, kinh tế và văn học sẽ được công bố trong tuần này và tuần tới.
Hoa Kỳ gần đạt mục tiêu về người tị nạn năm 2016
Mỹ suýt soát đạt mục tiêu về người tị nạn trong năm tài chính, khép lại 12 tháng nhiều bất đồng chính trị về các chính sách nhận người tị nạn, và chỉ thiếu 5 người là đạt mục tiêu của chính quyền về tiếp nhận 85.000 người tị nạn.
Số liệu của Bộ Ngoại giao được tính đến nửa đêm ngày 1 tháng 10, là điểm của khởi đầu năm tài chính 2017 và cũng là điểm bắt đầu lịch tài chính mới của chính phủ. Số liệu này cho thấy chương trình nhận người tị nạn vừa qua là chương trình gần đạt mục tiêu nhất do Tổng thống đặt ra trong vòng 24 năm.
Trong số các nhóm người tị nạn đông đảo nhất trong năm nay là hơn 12.500 người Syria. Hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền tự đặt ra mục tiêu sẽ đón nhận ít nhất 10.000 người chạy trốn cuộc nội chiến và bạo lực của Nhà nước Hồi giáo ở đó.
Cộng hòa Dân chủ Congo và Myanmar cũng nằm trong số những nước hàng đầu có nhiều người tị nạn tái định cư.
Tổng thống Philippines xin lỗi người Do Thái
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gửi lời xin lỗi “sâu sắc” đến cộng đồng người Do Thái trên thế giới vì đã so sánh cuộc chiến chống buôn lậu ma túy của ông với cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Trong lễ khai mạc của một lễ hội tại thành phố Bacolod, ông Duterte nói: “Tôi muốn nói rõ ràng ở đây và ngay bây giờ rằng tôi không bao giờ có bất kỳ ý định nào làm tổn thương hồi ức của 6 triệu người Do Thái đã bị người Đức sát hại”.
Ông thừa nhận phát biểu của mình hồi tuần trước đã để lại những ấn tượng khó chịu.
Nhưng ông nói ông sẽ không xin lỗi những người chỉ trích cuộc đàn áp khắc nghiệt và bạo lực của ông trên những nghi phạm sử dụng, sản xuất hay buôn bán ma túy.
Ước tính cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã giết chết khoảng 3.000 người, trong đó có nhiều người bị giết mà không qua xét xử. Ông Duterte đã chửi tục đối với các luật sư mà ông cho là “ngu ngốc” của Liên minh châu Âu và các giới chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch của ông. Ông còn đe dọa sẽ đuổi họ ra khỏi đất nước Philippines.
Hôm thứ Sáu, ông Duterte nói: “Hitler đã tàn sát 3 triệu người Do Thái… Hiện đang có 3 triệu người nghiện ma túy. Tôi sẽ rất vui giết chúng”.
Các sử gia nói có ít nhất 6 triệu người Do Thái bị sát hại bởi Đức quốc xã.
Các phụ tá của ông Duterte nói ông đã rất tức giận và chỉ phản ứng lại phát biểu của một giới chức Liên Hiệp Quốc so sánh chiến thuật của ông Duterte với hành động giết người hàng loạt của Hitler và của nhân vật độc tài Xô Viết Josef Stalin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner gọi là những phát biểu của ông Duterte là “gây rắc rối” và là một sự chuyển hướng đáng kể khỏi truyền thống về nhân quyền và nhân phẩm của Philippines.
Quốc tế lên án Nga và Syria về sự hỗn loạn ở Aleppo
Chính phủ Syria pháo kích bừa bãi vào thường dân ờ Aleppo trong hai tuần qua khiến quốc tế phẫn nộ. Quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad được Nga và Iran yểm trợ tiếp tục đánh bom tại nhiều khu vực ở mạn đông của thành phố Aleppo để tiêu diệt phe đối lập.
Bệnh viện bị pháo kích, nhân viên y tế thiếu khiến người bị thương bị bỏ mặc, không được cứu chữa. Cả thế giới lên án Moscow và Damascus, nhưng chưa ai tìm được một giải pháp đáng kể nào cho cuộc khủng hoảng.
Video chiếu cảnh đường phố đổ nát chìm trong khói bụi và các em bé mình đầy máu được lôi ra từ những đống đổ nát ở Aleppo và Idlib, và cảnh những em nhỏ chạy thoát thân trong bom đạn khiến thế giới cực lực lên án chế độ Syria và những nước ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad, đồng thời cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới đã không ngăn chặn được tình trạng đẫm máu này.
Ông Paul Harrison, một nhà hoạt động ở London, nói: “Thật đáng kinh tởm khi người dân, thường dân vô tội bị thương vong trong giao tranh dường như bị gạt sang một bên”.
Các nhà hoạt động cho biết họ đang vận động phản đối trên khắp thế giới. Ông Yassin Al-Haj Saleh, một nhà hoạt động Syria ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nói: “Những hoạt động phản đổi diễn ra ở Mỹ, Argentina, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và những nước khác. Chúng tôi là những người Syria từ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, và những người bạn của chúng tôi bày tỏ phẫn nộ đối với hành động xâm lược của Nga, đến nay đã giết hại 400 người và khoảng 100 trẻ em”.
Ngoài số người tử vong, gần 900 người bị thương ở Aleppo, mà một phần ba trong số đó là trẻ em. Những vụ pháo kích vào bệnh viện và tấn công nhắm vào nhân viên cứu trợ nhân đạo đã làm giảm đáng kể hoạt động cứu thương của các nhân viên y tế.
Bác sĩ Rick Brennan của Tổ chức Y tế Thế giới nói: “Hiện chưa có đến 30 bác sĩ làm việc ở thành phố Aleppo. Cách đây vài tuần, chúng tôi ước tính có khoảng 35 bác sĩ, nhưng nay chúng tôi thấy số chuyên viên cố bám trụ tại các cơ sở y tế giảm xuống. Hãy tin lời tôi, họ đã kiệt sức cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng công việc họ làm còn hơn là những anh hùng”.
Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng hai bệnh viện chính của Aleppo đã bị pháo kích có chủ ý trong những ngày qua, và các nguồn cấp nước cũng bị pháo kích.
Hoa Kỳ lên án Nga can dự vào cuộc xung đột để giúp vực dậy chế độ Assad. Nhưng Moscow không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ giảm chiến dịch nhằm tạo ảnh hưởng trong khu vực. Chiến dịch không kích của Nga đã giết chết hơn 9.000 người trên khắp Syria trong năm qua.
Đức Giáo Hoàng đồng ý
tiến trình phong thánh cho linh mục bị giết ở Paris
Đức Giáo Hòang Phanxicô đã chấp thuận cho giáo hội Pháp bắt đầu tiến trình điều tra phong chân phước cho Linh Mục Jean Hamel, người đã bị các chiến binh Hồi giáo cắt cổ trong lúc đang cử hành Thánh lễ hồi tháng Bảy.
Hôm Chủ nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho các nhà báo biết ngài đã chấp thuận việc thu thập lời khai của các nhân chứng để xác định việc phong chân phước cho linh mục Hamel. Thông thường, Vatican đòi hỏi một thời gian khoảng 5 năm trước khi tiến hành một cuộc điều tra như vậy. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài đã chuẩn thuận việc bắt đầu tiến trình ngay từ bây giờ vì các nhân chứng có thể sẽ chết hoặc quên theo thời gian.
Linh mục Hamel bị giết ngày 26 tháng 7 tại thánh đường giáo xứ của ông ở Normandy. Cảnh sát đã hạ sát những kẻ tấn công và nhóm Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Tháng trước, trong một thánh lễ nhằm tôn vinh cha Hamel như một người tử vì đạo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi mọi người hãy tỏ lòng can đảm như cha Hamel và lên án những vụ giết người nhân danh Thượng Đế như thế này là hành động của quỷ Satan.
Theo tiến trình phong thánh phức tạp của Vatican, những người chết do lòng thù hận đối với đức tin có thể được công bố là một vị thánh tử đạo và được phong chân phước mà không cần phải có một phép lạ được ghi nhận là do sự cầu bầu của họ. Tuy nhiên, Vatican phải tiến hành một cuộc điều tra chính thức để xác định xem cái chết của linh mục Hamel có thực sự đủ tiêu chuẩn là tử vì đạo hay không.
Để được phong thánh, việc có một phép lạ là cần thiết.
Nga đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutonium với Mỹ
Hôm thứ Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ một thỏa thuận với Mỹ trong việc tiêu hủy chất plutonium đã được tinh chế đến cấp độ có thể dùng để chế tạo vũ khí. Lý do Moscow đưa ra là vì “hành động thù nghịch” của Washington.
Nga cũng đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã không “đảm bảo thực thi nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng lượng thặng dư plutonium đã được tinh chế đến cấp có thể làm vũ khí”.
Thỏa thuận ban đầu được ký vào năm 2000 và được gia hạn năm 2010 kêu gọi cả hai cường quốc hạt nhân tiêu hủy chất plutonium cấp độ vũ khí trong các chương trình quốc phòng của mình.
Dựa trên thỏa thuận năm 2010, được ký bởi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton, mỗi bên sẽ hủy bỏ 34 tấn plutonium bằng cách đốt trong lò phản ứng hạt nhân.
Bà Clinton cho biết số lượng plutonium đủ để làm gần 17.000 vũ khí hạt nhân.
Nga và Mỹ xem thỏa thuận này là một dấu hiệu của sự tăng cường hợp tác giữa hai nước trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã xuống đến mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và hỗ trợ cho các phần tử ly khai thân Moscow ở miền đông Ukraine.
Washington đã dẫn đầu việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây lên Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Kết quả trưng cầu dân ý gây chia rẽ Colombia
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố ông sẽ không từ bỏ nỗ lực đạt được hòa bình sau khi vấp phải thất bại bất ngờ trong cuộc trưng cầu dân ý về một hiệp ước với nhóm phiến quân có tên gọi Các lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, FARC.
Ông Santos nói: “Tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi sẽ tiếp tục mưu tìm hòa bình cho tới những giây phút cuối cùng của nhiệm kỳ vì đó là con đường duy nhất để lưu lại một quốc gia tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta”.
Trong khi đó, thủ lĩnh của FARC Rodrigo Londono, hay còn được gọi là Timochenko, cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ thỏa thuận.
Ông này nói thêm: “FARC duy trì mong muốn đạt được hòa bình, và nhấn mạnh lại quan điểm sử dụng ngôn từ làm vũ khí để nỗ lực hướng tới tương lai. Xin gửi tới những người dân Colombia vẫn mơ về hòa bình, xin hãy tin tưởng vào chúng tôi. Hòa bình sẽ thắng thế”.
Cử tri đã bỏ phiếu bác thỏa thuận với tỷ lệ sít sao là 50.2% so với 49.7%. Các cuộc thăm dò ý kiến trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu hôm 2/10 dự báo rằng hiệp ước hòa bình sẽ vượt qua cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ áp đảo.
Chính phủ của ông Santos đã mở chiến dịch rầm rộ để kêu gọi người dân ủng hộ thỏa thuận, nhất là hàng triệu người Colombia chán ngán chiến tranh, bạo lực và khủng bố.
Chính trị gia Antonio Sanguino, một người ủng hộ thỏa thuận, nói: “Kết quả này cho thấy rằng 50% số người đi bầu đã bị quy phục bởi thông điệp thù hằn, trả đũa cũng như thông điệp của quá khứ”.
Nhưng nhiều người nói “không” với hiệp ước thực sự cảm thấy bị xúc phạm vì gần như tất cả các phiến quân FARC sẽ không phải ngồi tù vì từng gây ra các tội ác trong cuộc nổi dậy.
FARC cũng được bảo đảm ghế trong quốc hội Colombia mà không cần phải tham gia bầu cử để đổi lại việc nhóm này chuyển sang hoạt động như một đảng phái chính trị.
Ông Hernando Linares, một người phản đối hiệp ước, nói: “Chúng tôi không còn tin Santos nữa. Khoảng 5.500 tên tội phạm tin ông ta, chúng bắt ông ta phải quỳ gối, và chúng cũng bắt chúng tôi quỳ gối, 48 triệu người Colombia, và chuyện đó không thể xảy ra”.
Cựu Tổng thống Alvaro Uribe, đối thủ chính trị của ông Santos, là người lãnh đạo phong trào chống hiệp ước. Ông Uribe đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết quốc gia sau khi kết quả trưng cầu dân ý được thông báo.
Thỏa thuận hòa bình được ký kết tuần trước nhằm chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc nổi dậy do các phiến quân tả khuynh tiến hành suốt 52 năm qua.
Cuộc chiến tranh du kích ở Colombia đã làm hơn 220.000 người chết và đẩy hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Bão Matthew quét qua Caribbean
Một cảnh báo bão hiện đang được đưa ra cho Jamaica và Haiti, cũng như nhiều khu vực của Cuba và Bahamas khi bão Matthew di chuyển qua vùng biển Caribbean.
Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ cho biết tâm bão Matthew sẽ tiếp cận Jamaica và khu vực tây nam Jamaica vào đêm thứ Hai, và phía đông Cuba vào thứ Ba.
Jamaica và Haiti hiện tiếp tục khuyến cáo người dân ở các khu vực có nhiều nguy cơ đi sơ tán tới những khu vực an toàn hơn.
Bộ trưởng Nội vụ Haiti, Francois Anick Joseph, nói các giới chức đang “rất lo lắng” cho tình hình ở đây. Ông cho biết thêm là đã có 1.300 chỗ tạm trú được lập ra để trợ giúp cho hàng trăm ngàn người.
Tuy nhiên, vẫn có gần 2.000 người không chịu rời khỏi nhà. Bộ trưởng Haiti cho biết chính quyền sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Haiti đã sơ tán dân khỏi các đảo cát sẽ bị bão trực tiếp đánh vào ở ngoài khơi bờ biển phía nam.
Bão Matthew là cơn bão mạnh nhất trên Đại Tây Dương kể từ cơn bão Felix hồi năm 2007. Với những cơn gió giật mạnh hơn và sức gió tối đa 215 km mỗi giờ, bão Matthew dự kiến sẽ vẫn rất mạnh cho đến hết thứ Ba.
Chính phủ Cuba đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 5 tỉnh phía đông của đảo quốc này.
Hàng trăm người đã được trực thăng không vận khỏi căn cứ hải quân của Mỹ tại Vịnh Guantanamo trước cơn bão.
Hải quân cho biết những người ở lại căn cứ và nhà tù quân sự ở cuối khu vực phía đông Cuba cũng được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn. Lệnh sơ tán bắt buộc đối với những nhân viên không cần thiết cũng đã có hiệu lực.
Rất nhiều tù nhân hiện vẫn bị giam giữ tại nhà tù. Có khoảng 5.500 người hiện sống tại căn cứ.
Anh bắt đầu tiến trình rời EU tháng 3/2017
Bà Theresa May đã có bài phát biểu đầu tiên trong Hội nghị của Đảng Bảo Thủ từ khi trở thành Thủ tướng Anh.
Hôm 2/10, bà Theresa May có bài phát biểu hơn ba tháng sau cuộc trưng cầu dân ý và bà cũng ít khi đề cập đến chủ đề này.
Trong bài phát biểu, bà Theresa May nói Điều 50 của Hiệp ước Lisbon sẽ được kích hoạt trước tháng Ba năm tới, bắt đầu quá trình thương thảo chính thức với các đối tác EU và sẽ hoàn thành vào trước thời gian cuối tháng 3/2019, và thời gian Anh Quốc rời EU có thể sau đó.
Nội dung bài phát biểu tập trung nói về việc Brexit và quá trình rời khỏi Liên minh Châu Âu sẽ ảnh hưởng ra sao tới Anh Quốc.
Sau đây là một vài trích dẫn từ bài diễn văn của bà:
Về việc Anh Quốc rời Liên minh Châu Âu
“Thậm chí giờ đây, một số chính trị gia – những chính trị gia được bầu một cách dân chủ – vẫn nói rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý không có hiệu lực, và chúng ta cần thêm một cuộc trưng cầu thứ hai.
“Một số khác nói họ không thích kết quả này, và họ sẽ thách thức bất cứ nỗ lực nào muốn rời EU qua tòa án.
“Nhưng hãy xem nào. Kết quả trưng cầu là rõ ràng. Kết quả đó là hợp pháp. Đó là cuộc trưng cầu lớn nhất để thay đổi quốc gia này. Brexit nghĩa là Brexit -và chúng ta sẽ thành công với nó.”
Về việc thông tin
“Chúng ta sẽ không thể bình luận hay những mô tả chi tiết về các cuộc thương thuyết, vì chúng ta đều biết đó không phải là cách.
“Nhưng lịch sử đầy rẫy các cuộc thương thuyết thất bại khi những người đối thoại dự đoán kết quả trước một cách chi tiết.
“Mỗi từ ngữ sai lệch và mỗi một bản tin tường thuật bị thổi phòng đều sẽ khiến chúng ta khó tìm được được thỏa thuận đúng đắn cho Anh Quốc hơn, vì thế chúng ta phải nhẫn nại.
“Nhưng khi có sẵn mọi điều để nói ra – như hôm nay – chúng ta sẽ luôn cập nhật đến công chúng thông tin.”
Về việc chờ đợi kích hoạt điều 50
“Có lý do đúng đắn để tôi nói – ngay lập tức sau cuộc trưng cầu dân ý – chúng ta không nên kích hoạt Điều 50 trước cuối năm nay.
“Quyết định đó có nghĩa là chúng ta có thời gian để phát triển chiến lược đàm phámn và tránh tình trạng đến giờ chót cho đến khi mục tiêu của chúng ta rõ ràng và được thống nhất.
“Và điều đó cũng có nghĩa chúng ta thêm niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sự tự tin của người tiêu dùng vẫn còn ổn định. Đầu tư nước ngoài vào Anh Quốc vẫn tiếp tục. Tỷ lệ việc làm đang ở mức cao kỷ lục, và lương bổng đang trên đà tăng.
“Vẫn còn một số điều bất ổn, nhưng trời chưa sập như một số người dự đoán – nền kinh tế của chúng ta vẫn mạnh mẽ.”
Thời gian kích hoạt điều 50
“Sẽ không còn sự trì hoãn không cần thiết trong việc kích hoạt điều 50. Chúng ta sẽ kích hoạt nó khi chúng ta sẵn sàng. Và chúng ta sẽ sớm sẵn sàng. Chúng ta sẽ kích hoạt điều 50 không trễ hơn cuối tháng Ba năm tới.”
Vai trò của Quốc hội
“Việc kích hoạt điều 50 không phụ thuộc vào Hạ Viện, và cũng không phụ thuộc vào Thượng Viện. Việc kích hoạt điều 50 phụ thuộc vào chính phủ, và chỉ riêng chính phủ.
“Những người tranh luận rằng Điều 50 chỉ có thể được kích hoạt sau thỏa thuật ở cả Thượng viện và Hạ viện của Quốc Hội đã không hành động theo nền dân chủ, họ cố gắng đảo lộn nó.
“Họ không cố gắng thực hiện Brexit đúng cách, họ cố gắng tiêu diệt quá trình này bằng cách trì hoãn. Họ đang xúc phạm trí tuệ người Anh.”
Về Scotland, xứ Wales, và Bắc Ireland
“Vì chúng ta bỏ phiếu trưng cầu dân ý như một Liên hiệp Anh, chúng ta sẽ đàm phán như một Liên hiệp Anh, và chúng ta sẽ cùng rời EU trong tư cách một Liên hiệp Anh.
“Sẽ không có hành động không tham gia vào Brexit. Và tôi sẽ không cho phép những người theo chủ nghĩa dân tộc gây chia sẽ phá hoại sự đoàn kết quý giá giữa bốn quốc gia trong Liên hiệp Anh.”
Syria : Châu Âu đề nghị
một kế hoạch nhân đạo 25 triệu euro cho Aleppo
Ngày 02/10/2016 Ủy ban Châu Âu thông qua một kế hoạch nhân đạo cho Aleppo, thành phố lớn thứ nhì của Syria. Bruxelles sẽ phối hợp với Liên Hiệp Quốc để đưa hàng cứu trợ đến tay khoảng 250.000 dân trong thành phố đang bị quân đội chính phủ với sự hỗ trợ của không quân Nga bao vây. Theo thông báo của Ủy ban Châu Âu, gói viện trợ nhân đạo cho Aleppo lên tới 25 triệu euro.
Thông tín viên đài RFI từ Bruxelles, Quentin Dickinson cho biết thêm :
« Sáng kiến của Ủy Ban Châu Âu gồm hai vế song song. Thứ nhất là đưa các chuyến xe hàng cứu hộ từ phía tây Aleppo sang phía đông của thành phố. Hiện tại một đoàn xe tải với nước uống, lương thực thực phẩm và thuốc men đã sẵn sàng, chỉ còn đợi giấy phép để lên đường. Khối lượng hàng dự trù có thể cứu giúp được cho khoảng 130.000 dân cư Aleppo.
Vế thứ hai là mở chiến dịch sơ tán bệnh nhân khỏi phía đông thành phố, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người già. Liên Hiệp Châu Âu đòi biện pháp này được áp dụng cho tất cả những thành phố tại Syria đang bị phong tỏa.
Như vậy là Bruxelles đã huy động thêm đến 25 triệu euro trong chiến dịch cứu hộ nhân đạo Aleppo. Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini, kêu gọi tất cả các bên ngưng bắn chung quanh khu vực thành phố để hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ nhân đạo và sơ tán các bệnh nhân ».
0 comments