Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 13/01/2021

Wednesday, January 13, 2021 3:49:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 13/01/2021

Thế giới 2021 : Các nền dân chủ đối mặt với thách thức Trung Quốc

Tú Anh

Giới nghiêm và phong tỏa chạy đua với Covid-19. Giông bão chính trị cuối nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là hai chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay. Le Monde tìm hiểu thêm vì sao đại dịch thêm cánh cho kinh tế Trung Quốc và trước mối đe dọa của cường quyền thế kỷ 21, các chế độ dân chủ và nhất là báo chí phải đối phó như thế nào. 

Covid-19, Nước Pháp lo ngại bị phong tỏa một lần nữa, tựa của Le Figaro. Tổng thống Emmanuel Macron trong chiếc lưới chính trị hệ quả của khủng hoảng y tế. Phe đa số bị chỉ trích quản lý kém, Le Monde bổ sung.

Về tình hình thế giới, Donald Trump một lần nữa bị đe dọa « truất phế ». Nhưng Le Monde cho biết đảng Cộng Hòa kêu gọi « đoàn kết và lên án thủ đoạn chính trị » của đảng Dân Chủ.

Chiến dịch « Barkhane » ở sa mạc Sahara cũng đang gây chú ý trong công luận nhất là sau cái chết của năm quân nhân Pháp trong hai vụ xe thiết giáp tuần tiễu trúng mìn tại Mali : Giờ tổng kết đã điểm, Hồi giáo võ trang vẫn tiến tới.

Cũng liên quan đến thế giới Hồi giáo, Libération tổng kết 10 năm sau cách mạng Mùa xuân Ả Rập, một « niềm hy vọng bị tịch biên ». Nhật báo thiên tả phân tích thủ đoạn viết lại lịch sử của các chế độ độc tài Ả Rập như thế nào, cáo buộc phong trào tranh dân chủ từ Tunisia cho đến Ai Cập là do các thế lực thù nghịch gồm Mỹ, Tây phương nói chung, Israel và… Iran giật dây.

Giải mã sức mạnh kinh tế Trung Quốc                                 

Về châu Á, Trung Quốc chiếm nhiều trang báo của Le Monde hôm nay. Cho dù đại dịch xuất hiện trước tiên tại Hoa lục nhưng kinh tế Trung Quốc kháng cự mạnh mẽ hơn các đối thủ cạnh tranh, GDP có thể

hơn Hoa Kỳ vào năm 2028. Le Monde bắt đầu một loạt phóng sự trong tuần để giải mã sức tăng trưởng của đại cường châu Á này.

Trung Quốc, xe ủi đất của kinh tế thế giới. Sau khi tránh được suy thoái năm 2020, tăng trưởng của Hoa lục có thể lên đến 8% trong năm 2021 và ngày càng bắt kịp nước Mỹ trong nhiều lãnh vực. Trong năm vừa qua, tài sản của 400 nhà giàu nhất Trung Quốc gia tăng 64%, họ nắm trong tay tổng cộng 2100 tỷ đô la.

Thông tín viên tại Thượng Hải cho biết thêm, giới kỹ nghệ Trung Quốc, sau ba tháng mùa xuân tê liệt hoạt động, bắt mạch được tình thế mới, đẩy mạnh xuất khẩu máy móc trợ thở và điện tử.

Động lực thứ ba là tiêu thụ mà khách hàng là thành phần dưới 35 tuổi.  Khác với thế hệ phụ huynh, cố gắng làm việc để được thăng thưởng, thế hệ trẻ tiêu xài không hạn chế, tập trung vào những thú vui hằng ngày, đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước trong bối cảnh biên giới đóng cửa ngăn dịch.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc phòng xa theo quan điểm phải kiểm soát bộ máy cung. Những tập đoàn công nghệ cao như Alibaba,Tencent, Baidu, Xiaomi nay lại có thế lực tài chính quá mạnh lấn áp các ngân hàng Nhà nước, quản lý mù mờ và thiếu hiệu năng, từ lâu nay là điểm yếu của nền kinh tế sống nhờ dưỡng khí tín dụng. Đó là lý do mà Jack Ma và một số tài phiệt khác bị sờ tới và  báo chí Nhà nước được chỉ thị phải im lặng.

Đối mặt với Trung Quốc : Không khoan nhượng

Trong lúc châu Âu và Mỹ lúng túng đối phó với đại dịch và nhất là Washington sa lầy trong khủng hoảng bầu cử tổng thống  thì chế độ độc tài Trung Quốc khai thác cơ hội ngàn năm một thuở này để công kích điều mà họ gọi là « nhược điểm của mô hình dân chủ ».

Bài xã luận « Các nền dân chủ đối mặt với thách thức của thế lực Trung Quốc » mô tả Trung Quốc trong những ngày đầu năm 2021 là một kẻ chiến thắng dịch bệnh cho dù Covid-19 xuất hiện ngay tại Hoa lục. Chiến thắng từ kinh tế đến chính trị. Trong khi Tây phương vẫn còn bị đại dịch bao vây thì kinh tế Trung Quốc tìm lại thế tăng trưởng vững chắc.

Về chính trị, vụ khủng hoảng cuối thời bi thảm của Donald Trump tạo cơ hội bất ngờ cho các chế độ độc tài chế nhạo các sơ sót của mô hình dân chủ. Nhưng không chỉ có thế, Trung Quốc còn ghi bàn thắng vì trì hoãn đến một năm mới cho phép Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Vũ Hán trong điều kiện hạn chế. Trong khi đó chế độ chính trị Trung Quốc ngày càng lộ bản chất áp bức, mờ ám.

Cùng lúc đó, công luận thế giới tỉnh thức trước số phận của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các trại tuyên truyền chính trị, bị tra tấn, bị cưỡng bách lao động, văn hóa bị hủy diệt. Tân Cương, Hồng Kông, Vũ Hán… các hành động trấn áp không làm chế độ Trung Quốc trả giá ngoại giao. Bắc Kinh biết cách tỏ ra cần thiết đối với phần còn lại của thế giới. Tình trạng quốc tế lệ thuộc vào khẩu trang Trung Quốc vào mùa xuân 2020 là bằng chứng cụ thể. Bắc Kinh còn có lý do để hài lòng vì cho dù Hồng Kông bị luật an ninh khép chặt, cho dù những người dân báo động về đại dịch ở Vũ Hán bị giam cầm, Liên Hiệp Châu Âu vẫn thẩm định tình hình thuận lợi để ký kết một hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Theo Le Monde, châu Âu đã phản bội giá trị của mình mà không được gì ở Trung Quốc, cụ thể từ Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Sai lầm của châu Âu, báo chí phải cảnh giác

Do vậy, theo nhật báo độc lập, sai lầm của châu Âu cho thấy nhu cầu cấp thiết của mọi thành phần của các chế độ dân chủ, từ Nhà nước, tổ chức đa phương, xí nghiệp, phải có biện pháp đối phó trong quan hệ với Trung Quốc. Trong mọi quan hệ, như trong vụ triển lãm lịch sử Mông Cổ ở Nantes, Trung Quốc luôn áp đặt quan điểm chính thức. Hay là trong hồ sơ xuất khẩu than đá, rượu vang, tôm hùm, Úc bị đối tác Trung Quốc tẩy chay vì Canberra đòi mở điều tra quốc tế về cội nguồn siêu vi Covid-19.

Khác với thời chiến tranh lạnh, chúng ta bước vào thời kỳ xung khắc cài răng lược. Sau khi thấy các chế độ độc tài của thế kỷ 20 sụp đổ vì kềnh càng, chế độ độc tài thế kỷ 21 không để cho dấu hiệu thất bại lộ ra. Do vậy mà chúng ta phải chơi với Trung Quốc nhưng đừng bán linh hồn. Báo chí cũng phải như thế.

Trong bối cảnh Bắc Kinh một mặt đầu tư dồi dào vào tuyên truyền ở nước ngoài, một mặt trục xuất phóng viên các nhật báo lớn của Mỹ, hoạt động điều tra tại hiện trường ngày càng khó. Nhưng cần phải kể lại những phát triển ngoạn mục của các thành phố, những khát vọng của người dân, mối quan hệ phức tạp với Nhà nước đảng trị, các quyền tự do cá nhân và hành động đàn áp của chế độ.

Như một lời thệ nguyện, Le Monde cam kết, sẽ tiếp tục thiên chức này, tìm hiểu, các chủ đề về Trung Quốc với lời lẽ chính trực, không khoan nhượng, không tránh né trước thách thức của Trung Quốc.

Donald Trump những ngày cuối nhiệm kỳ

« Donald Trump những ngày cuối nhiệm kỳ thảm hại : Đảng Dân Chủ bằng mọi giá triệt đường chính trị của chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng trước khi dọn nhà, tổng thống mãn nhiệm, với những người trung thành còn lại không để bị trói tay kể cả trong lãnh vực đối ngoại », nhận định của Le Monde.

Les Echos cho biết thêm giới tài chính đánh vào túi tiền của  Donald Trump. Sau vụ bạo động ở trụ sở Quốc Hội, nhiều xí nghiệp bỏ rơi Donald Trump.

La Croix đặt câu hỏi về mục đích chính trị của tiến trình truất phế tổng thống. Để chận Donald Trump tranh cử nhiệm kỳ 2024 ? Nhưng thời gian có cho phép hay không ?

Le Figaro chú ý đến báo động  của FBI : nguy cơ xảy ra bạo lực gần đến ngày bàn giao.

Gần đến ngày bàn giao, chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục hoạt động : Đưa Cuba trở lại vào danh sách các nước ủng hộ khủng bố. Tuyên bố Iran chứa chấp Al Qaida. Theo nhật báo thiên hữu, tổng thống Trump « thanh toán » hận thù với Lahabana và đặt Joe Biden trước chuyện đã rồi trong hai hồ sơ Cuba và Iran. Ngoài ra tổng thống Donald Trump còn muốn cám ơn cộng đồng Cuba tị nạn ở Florida dồn phiếu cho ông.

Covid-19, phong tỏa hay giới nghiêm ?

Toàn quốc phong tỏa  hay tùy địa phương trước đã ? Vac-xin trắc trở ra sao ? Những đề tài tiếp tục gây tốn nhiều giấy mực. La Croix so sánh các biện pháp « phong tỏa » tại Anh với Pháp. Le Figaro dứt khoát từ chối « nhà tù tại gia ».

Nhật báo thiên hữu than thở : “Một lần nữa chúng ta phải đóng cửa nhà mỗi ngày từ 6 giờ chiều ? Ngày và đêm ư ? Lẽ ra phải tập trung gia tăng khả năng tiêm ngừa cho dân chúng. Phong tỏa là một thất bại của con người đối với siêu vi vô ảnh vô hình. Tiêm ngừa là chiến thắng của chính trị”, xã luận « Tù tại gia » kết luận.

Tiêm ngừa ư ? La Croix cho biết ngay trong giới y tế, có người muốn tiêm ngay có người do dự. Tâm lý hoài nghi tiêm chủng còn nhiều. Nhật báo Công giáo đưa độc giả sang Luân đôn để thấy dân Anh, tuy bị phong tỏa, nhưng « nhẹ hơn Pháp » nhiều .Ngoài đường không ai đeo khẩu trang, cửa hàng quán bar vẫn đông khách và không ai đeo khẩu trang, vui vẻ cười trao đổi.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210113-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-2021-c%C3%A1c-n%E1%BB%81n-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%91i-m%E1%BA%B7t-v%E1%BB%9Bi-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-trung-qu%E1%BB%91c

Tin tổng hợp

(VnExpress) – Việt Nam và Mỹ hợp tác để bắt các nghi phạm buôn người. 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong thông cáo hôm nay 13/01/2021 cho biết giới chức hai nước đã hợp tác để bắt hai nghi phạm Manh Ngoc Nguyen và Dat Tat Ho, bị cáo buộc tội buôn người. Từ giữa tháng 1/2017 đến 9/2020, hai người này và các đối tượng liên quan đã thu xếp cho công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Mỹ, bằng cách sử dụng giấy tờ giả hoặc theo đường bộ từ Canada hoặc Mexico,  để làm việc tại các tiệm làm tóc và tiệm nail với mức lương thấp.

(RFI) – Thổ Nhĩ Kỳ cầu hòa với châu Âu. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua 12/01/2021 tuyên bố sẵn sàng nối lại quan hệ thân thiện với Liên Hiệp Châu Âu (EU). Quan hệ giữa Ankara và Bruxelles trở nên căng thẳng từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của Hy Lạp và Chypre. Để chứng tỏ thiện chí, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngưng việc tìm kiếm ở Đông Địa Trung Hải, đề nghị Hy Lạp tái lập đàm phán từ ngày 25/01 và mong muốn bình thường hóa quan hệ với nước cứng rắn nhất là Pháp. Sự thay đổi thái độ này cho thấy ông Erdogan đang chịu nhiều áp lực : kinh tế sa sút rất cần đầu tư nước ngoài, nguy cơ châu Âu kết hợp với Mỹ để trừng phạt.

(AFP) – Mỹ : Phụ nữ đầu tiên bị hành quyết kể từ 70 năm. 

Tử tù Lisa Montgomery, 52 tuổi đã bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc hôm nay 13/01/2021 tại Indiana, sau khi Tòa án Tối cao bật đèn xanh. Đây là phụ nữ đầu tiên bị chính quyền liên bang Hoa Kỳ ra lệnh hành quyết kể từ năm 1953. Người này lãnh án tử hình do đã hạ sát một phụ nữ mang thai để chiếm đoạt đứa bé năm 2004.

(Nikkei) – Ấn Độ giảm gần 20% lượng hàng nhập khẩu Trung Quốc. 

Cụ thể là giảm 19,5% trong 10 tháng đầu năm 2020, theo thống kê chính thực của bộ Công Thương Ấn Độ, được trang Nikkei đăng ngày 13/01/2021. Đây là đợt giảm mạnh nhất trong hai thập niên qua và xu hướng này được cho là sẽ còn tiếp tục do tranh chấp biên giới căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

(The Times) – Trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc, mở chi nhánh ở châu Âu. 

Theo the Times ngày 13/01/2021, Hungary là nước chủ nhà đón khu đại học Trung Quốc đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi nhiều nước đóng cửa mạng lưới Viện Khổng Tử trên thế giới tránh để Bắc Kinh gây ảnh hưởng, chính phủ của thủ tướng Viktor Orban luôn tìm cách thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

(AFP) – Pháp : Thêm 7 người bị câu lưu trong vụ giáo sư sử địa Samuel Paty bị chặt đầu hồi tháng 10/2020 ở ngoại ô Paris. 

Theo nhiều nguồn tin được AFP trích dẫn ngày 12/01/2021, bảy người bị câu lưu trong độ tuổi từ 17 đến 21. Tất cả đã có « trao đổi thư từ » với thủ phạm Abdoullakh Anzorov. Nhà giáo Paty, 47 tuổi, bị sát hại hôm 16/10/2020 gần trường trung học nơi ông giảng dậy tại thành phố Conflans-Sainte-Honorine. Thủ phạm cho biết ra tay hành động để « trả thù » việc nhà giáo này đem những bức hý họa vẽ nhà tiên tri Mohamed ra để giảng cho học sinh về quyền tự do báo chí. Tới nay có tổng cộng 14 người bị truy tố về vụ ám sát man rợ nói trên.

(RFI/Reuters) – Anh phải huy động nhà xác tạm thời do số người chết vì Covid-19 gia tăng. 

Một nhà xác được xây tạm tại Epsom, miền nam Anh Quốc có thể chứa đến 170 tử thi hoặc nhà xác tạm thời ở Kent, có thể tiếp nhận đến 950 người chết vì Covid-19. Tình hình nghiêm trọng tại nhiều khu phố, cứ 20 người dân lại có một người bị nhiễm virus corona. Anh Quốc là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu, hơn 82.000 trường hợp trong khi biến thể mới vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

(AFP) – Thủ tướng Canada cải tổ nội các chuẩn bị tổ bầu cử trước thời hạn. 

Justin Trudeau ngày 12/01/2021 thông báo đương kim bộ trưởng Giao Thông Marc Garneau được chỉ định đứng đầu bộ Ngoại Giao thay thế ông François-Philippe Champagne. Marc Garneau là một người thân tín với thủ tướng Trudeau và giàu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại với Hoa Kỳ. Về phần ông Champagne, nhân vật này được coi là có nhiều triển vọng thay thế Justin Trudeau lãnh đạo đảng Tự Do Canada.

(AFP) – Nền công nghiệp điện ảnh Pháp thất thu 70 % vì đại dịch trong năm 2020. 

Cơ quan Unifrance chuyên quảng bá điện ảnh Pháp ra thế giới trong ngày 12/01/2021 cho biết trong cả năm 2020 các bộ phim Pháp chỉ thu hút được chưa đầy 14 triệu khán giả  và chỉ có hai trong số tất cả các phim Pháp ra mắt công chúng trong năm vừa qua vượt được ngưỡng 1 triệu vé vào xem.

(AFP) – Netflix dự trù cho ra mắt công chúng 70 bộ phim trong năm 2021. 

Đại dịch Covid-19 giúp nhà phát hành phim qua mạng internet làm giàu. Ngày 12/01/2021 Netflix thông báo sẽ là bệ phóng đưa 70 tác phẩm điện ảnh với rất nhiều tên tuổi lớn của Hollywood đến với công chúng từ nay tới cuối năm. Netflix đang trở thành nhà cung cấp phim ảnh nặng ký hơn bất kỳ một nhà cung cấp truyền thống nào của điện ảnh Hoa Kỳ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210113-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 13/1:

Texas cân nhắc việc tách khỏi Mỹ; Vắc xin Covid Trung Quốc hiệu quả thấp

Tiểu Lý

Mục Điểm tin thế giới của DKN ngày thứ Tư (13/1) xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

TT Trump có bài phát biểu tại Texas.

 Bài phát biểu của ông Trump sẽ bắt đầu vào 3 giờ chiều ngày thứ Ba (12/1) tại thành phố Alamo nhân dịp chính quyền của ông hoàn thành việc xây dựng bức tường dài 450 dặm (hơn 700km) ở bang Texas [Breitbart].

Facebook không gỡ bỏ phong tỏa TT Trump.

CEO của nền tảng này, bà Sheryl Sandberg, đã tuyên bố như vậy. “Trong thời điểm này, rủi ro đối với nền dân chủ của chúng tôi là quá lớn khiến chúng tôi cảm thấy mình phải thực hiện một bước chưa từng có về lệnh cấm vô thời hạn [với tài khoản của TT Trump], và tôi rất vui vì chúng tôi đã làm [điều đó]”, bà Sandberg nói [Epoch Times].

Vắc xin Covid Trung Quốc có hiệu quả thấp.

Tại một cuộc thử nghiệm ở Brazil, vắc xin Covid phát triển bởi công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc chỉ đạt được mức 50,4% hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm virus Vũ Hán, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 78% được công bố vào tuần trước [Reuters].

Texas đang cân nhắc việc tách khỏi Mỹ.

 Các nhà lập pháp ở bang Texas cho biết họ đang xem xét theo đuổi một phong trào giống như Brexit nhằm tránh cho người dân ở bang này phải sống trong môi trường mà họ coi là đang bị Chủ nghĩa xã hội xâm lấn. Họ cũng nói rằng các bang khác cũng nên cân nhắc việc này [Bizpac Review].

Kim Jong Un kêu gọi gia tăng sức mạnh quân sự.

Lãnh tụ tối cao của Triều Tiên mong muốn sức mạnh quân sự của đất nước được tối đa hóa và cần khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân lớn hơn. Ông Kim đưa ra lời kêu gọi này ở phiên họp bế mạc trong một đại hội kéo dài 8 ngày của Đảng Lao động Triều Tiên [Reuters].

TT Trump lần đầu lên tiếng công khai sau sự kiện Capitol.

 Phát biểu lần đầu tiên trước báo giới sau vụ việc tại quốc hội Mỹ ngày 6/1, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng ông không kích động bạo lực, và “các ngôn từ của ông hoàn toàn phù hợp”. Ông Trump cũng nói thêm rằng các công ty như Google, Twitter và Facebook sẽ thất bại do hành vi kiểm duyệt [Epoch Times].

TT Trump đã giúp người Mỹ thức tỉnh về Trung Quốc.

Đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, hôm 11/1 nói rằng Tổng thống Trump “đã làm thay đổi suy nghĩ về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc”. Theo ông Lighthizer, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã chỉ ra việc Bắc Kinh có hành vi thương mại và trợ cấp không công bằng, đồng thời tố cáo chính quyền Trung Quốc cưỡng ép các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ [WSJ].

Trung Quốc rút quân khỏi khu vực tranh chấp với Ấn Độ.

Một nguồn tin của SCMP cho biết, Trung Quốc có thể đã rút 10.000 lính khỏi vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ, khi khả năng xảy ra xung đột sắp tới dường như khá thấp. Người này cho biết thêm rằng số lính được rút về chủ yếu thuộc lực lượng được khai triển tạm thời từ các đơn vị ở quân khu Tân Cương và Tây Tạng [SCMP].

Trung Quốc phong tỏa thêm thành phố gần 5 triệu dân.

 Lang Phường, thành phố 4,9 triệu dân thuộc tỉnh Hà Bắc, ngày 12/1 bị áp lệnh phong tỏa để ngăn nguy cơ bùng phát làn sóng dịch viêm phổi Vũ Hán thứ hai. Chính quyền thành phố Lang Phường yêu cầu người dân cách ly tại nhà trong 7 ngày và xét nghiệm hàng loạt. Hai quận thuộc Lang Phường giáp với thủ đô Bắc Kinh là Cố An và Tam Hà trước đó đã thông báo lệnh phong tỏa và cách ly tại nhà [Reuters].

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-13-1-texas-can-nhac-viec-tach-khoi-my-vac-xin-covid-trung-quoc-hieu-qua-thap.html 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.