Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/01/2021

Wednesday, January 13, 2021 3:46:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 13/01/2021

Vụ Nhật Cường: Mới làm rõ được ‘phân nửa’ tội danh?

Truyền thông Việt Nam đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) mới “làm rõ” được 2 trong số 4 tội danh trong đại án Nhật Cường là hành vi “buôn lậu” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 15 bị can.

Tội danh “rửa tiền” được mô tả là được C03 đã quyết định đình chỉ điều tra và sẽ “xử lý sau” khi bắt được “bị can duy nhất” đang bỏ trốn là Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy.

Tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được mô tả là được “tách ra” điều tra riêng với các bị cáo từng là cán bộ của Sở kế hoạch Đầu tư Thành phố Hà Nội bị cáo buộc gây thiệt hại lớn cho nhà nước bằng việc phê duyệt một số gói thầu cho Nhật Cường.

Cử tri ‘lo lắng’ vụ công ty Nhật Cường

Đảng muốn xử các đại án ‘đúng tiến độ’

Có tổng cộng 26 người bị bắt hoặc bị khởi tố trong vụ án Nhật Cường trong đó chủ mưu Bùi Quang Huy và một số bị cáo đang bị truy nã sau khi bỏ trốn.

Bộ Công an vào tháng 8/2020 nói sẽ hoàn tất điều tra vụ án Nhật Cường “trong quí Ba’.

Cuối năm 2020 Bộ Công an công bố bằng chứng về việc cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên quan tới việc lấy cắp tài liệu mật về vụ án Nhật Cường.

Ngày 11/12, TAND TP Hà Nội tuyên án phạt ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Ông Chung bị buộc tội “chủ mưu” chỉ đạo một số cán bộ thuộc cấp móc nối với cán bộ C03 để đánh cắp tài liệu điều tra vụ án Nhật Cường, là vụ án mà cáo trạng nói ông và vợ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

‘Buôn lậu và rửa tiền’

Báo Tuổi Trẻ dẫn kết luận điều tra của C03 nói trong khoảng 5 năm (2014-2019) Nhật Cường nhập hàng của nước ngoài về bán tại Việt Nam không qua hải quan, không nộp thuế và bán hơn 250.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị khoảng 3.000 tỉ đồng.

“Bùi Quang Huy bỏ ra hơn 72 tỉ đồng để vận chuyển trái phép các thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỉ đồng.

“Lời khai của bị can là giám đốc tài chính Nhật Cường và dữ liệu điện tử bí mật của Nhật Cường thể hiện Bùi Quang Huy cùng các đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng (ở Hà Nội) chuyển hàng ngàn tỉ đồng thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và tiền công vận chuyển”.

Mặc dù vậy kết luận của C03 cho đến nay là “chưa thu thập được tài liệu phản ánh việc chuyển tiền ra nước ngoài”.

Theo mô tả, hơn 10 “chủ hàng” có địa chỉ tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong, Singapore chuyển hàng trái phép về Việt Nam qua cả đường hàng không, đường biển và đường bộ với 9 đường dây.

Truyền thông Việt Nam cho hay Cơ quan điều tra đã “yêu cầu các nước kể trên phối hợp làm rõ các nhà cung cấp hàng cho Nhật Cường nhưng chưa có kết quả”.

15 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm:

1. Trần Ngọc Ánh – Phó Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường.

2. Nguyễn Bảo Ngọc – Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường.

3. Đỗ Quốc Huy – Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường.

4. Nông Văn Lư – nhân viên Công ty Nhật Cường.

5. Nguyễn Bảo Trung – lao động tự do.

6. Trần Tất Khoa – Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc).

7. Lê Hoài Phương – nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc).

8. Ngô Đức Tùng – lao động tự do.

9. Ngô Tuấn Sửu – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn.

10. Hoàng Văn Phong – Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường.

11. Mai Tiến Dũng – Trưởng ngành hàng điện thoại cũ Công ty Nhật Cường.

12. Phạm Văn Hiệp – lao động tự do.

13. Bùi Quốc Việt – nhân viên Công ty Nhật Cường.

14. Đỗ Văn Dũng – lao động tự do.

15. Nguyễn Thị Bích Hằng – Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường (bị truy tố về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng).

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55652189

Tòa Khánh Hoà trả hồ sơ để điều tra lại vụ biến người Trung Quốc thành dân Việt

Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà ngày 13/01 tuyên bố trả hồ sơ vụ án phù phép đưa trót lọt 2 người Trung Quốc đi du lịch thành người Việt Nam mà những người tiếp tay từng là cán bộ công an.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cho biết, các bị cáo bao gồm : Trần Quang Huy (1984) – nguyên cán bộ công an phường Vĩnh Hoà, Đỗ Đăng Khoa (1982), Võ Ngọc Hoà (1985), Lê Thanh Hải (1976) – nguyên công can viên TP Nha Trang, Song Jiahao (1992) – quốc tịch Trung Quốc. Các bị cáo vừa nêu bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Tại phiên toà, bị cáo người Trung Quốc cùng với Hoà và Hải một mực kêu oan. Bị cáo Song Jiahao cho rằng mình chỉ là người đi mua chứ không làm giả và luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng yêu cầu cần làm rõ vấn đề này. Còn Hải và Hoà thì cho rằng được nhờ làm chứ không biết làm cho ai.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến 2019, nhóm người nêu trên đã làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để đăng ký thường trú cho nhiều người được cấp sổ hộ khẩu, CMND để hưởng lợi bất chính. Trong số 7 vụ làm giả hồ sơ có 2 vụ phù phép biến người Trung Quốc thành người Việt Nam.
Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Quang Huy từ 4-5 năm tù, Đỗ Đăng Khoa từ 3-4 năm tù, Lê Thanh Hải từ 1 – 1,5 năm tù, Võ Ngọc Hoà từ 4-5 năm tù và Song Jiahao từ 2-3 năm tù.

Tuy nhiên, sau 2 ngày xét toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề mà không thể bổ sung tại phiên toà.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/court-of-khanh-hoa-returned-the-file-to-turn-the-chinese-into-vietnamese-01132021074829.html

Ông Tất Thành Cang sẽ bị điều tra liên quan đến 7 vụ việc sai phạm khác nhau

Thông tin trên được truyền thông Nhà nước loan vào ngày 13/1 dựa theo kết luận điều tra của Công an thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).

Theo đó, các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến ông Tất Thành Cang và đồng phạm của ông đã được nêu cụ thể tại kết luận điều tra số 33/KL-TTCP và 14/KL-TTCP. Trong đó có thể đơn cử một số vụ việc sau: vi phạm tại dự án Khu dân cư Long Hậu-Long An (Dự án này do công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận –IPC hợp tác với Công ty xây dựng giao thông Hồng Lĩnh); phát hành 40 triệu cổ phiếu cho công ty xây dựng Tuấn Lộc để tăng vốn điều lệ tại Công ty khu công nghiệp Hiệp Phước; thực hiện cổ phần hoá Công ty Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn thành Công ty Tiếp vận Đông Sài Gòn; dự án Long Thới và chuyển nhượng đất nền không đúng qui định.v.v.

Cũng theo kết luận điều tra, do 7 vụ việc được nêu tại kết luận điều tra đã hết thời hạn điều tra vụ án mà chưa có kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, kết quả cung cấp tài liệu của các cơ quan, tổ chức liên quan, do đó, cơ quan điều tra quyết định tách 7 vụ việc trên ra để điều tra xử lý sau. 

Liên quan đến các sai phạm của lãnh đạo, quan chức TPHCM, cũng trong ngày 13/1, Toà TP HCM cho biết việc xét xử vụ án hoán đổi khu đất số 58 Cao Thắng lấy khu đất ở số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM, khiến nhà nước thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, đã dời ngày xét xử.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) trong lần này chưa cho biết ngày giờ xét xử cụ thể được thay đổi. Trước đó, HĐXX ấn định thời gian xét xử vụ án này vào hai ngày 18 và 19-1.

Đây là vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM cùng 8 thuộc cấp, do sai phạm về “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này còn có nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp. Bà này ra toà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vice-party-chief-of-hcmc-tat-thanh-cang-to-be-investigated-with-7-violations-01132021072440.html

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lại khẳng định không có án oan

Vào ngày 12/1/2021, khi báo cáo về công tác của các Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định “Trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự”. (!?)

Cụ thể ông Bình cho rằng: ‘Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội’.

Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 12/1, Luật sư Phạm Công Út, nhận định:

“Nói là không có án oan là nói theo kiểu chủ quan của ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Nếu nói nhiệm kỳ qua của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì tôi thấy có ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, hai vợ chồng đều bị oan. Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường, đó là việc tôi biết và có trực tiếp tham gia trong việc bồi thường án oan.”

Theo Luật sư Phạm Công Út, ngoài ra còn rất nhiều vụ án oan khác trên báo chí hoặc không trên báo chí, mà ông không nắm rõ chi tiết. Ông nói tiếp:

“Như vậy nói không có án oan là không đúng, tại vì việc ông Võ bà Thưởng cách nay 2 năm rơi đúng nhiệm kỳ ông Nguyễn Hòa Bình. Do đó đây là câu nói mang tính báo cáo, nhưng mà không trung thực. Mà cấp dưới báo cáo không trung thực thì ngân sách ở đâu ra để bồi thường cho những người bị hàm oan. Tất nhiên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng là người phê duyệt mức bồi thường hoặc các phương án giải quyết bồi thường, do đó không thể nói ông Nguyễn Hòa Bình không biết hay không nghe báo cáo.”

Nếu nói nhiệm kỳ qua của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì tôi thấy có ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, hai vợ chồng đều bị oan. Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường.
-Luật sư Phạm Công Út

Ông Nguyễn Văn Võ và vợ là bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, vào tháng 10 năm 2018 trong vụ tranh chấp đất đai bị đưa ra xét xử với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Sau đó bị tuyên mỗi người 24 tháng tù nhưng cho bà Thưởng được hưởng án treo.

Cả hai kháng cáo kêu oan đến ngày 21/9/2019, cơ quan Công an huyện đã ban hành các quyết định đình chỉ vụ án, lý do là đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Đến ngày 5/6/2020, TAND huyện Tuy Đức đã tổ chức xin lỗi, cải chính minh oan công khai đối với ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trước đây tại Việt Nam tình trạng án oan được nhiều người quan tâm qua các vụ như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội; ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm ngồi tù oan mới được hủy hai bản án kết tội ông giết người; hay vụ ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, gần 17 năm ngồi tù oan, và chỉ được đình chỉ điều tra sau khi công an tìm ra hung thủ giết người.

Mới nhất là vào ngày 12/10/2020, VKSND tỉnh Tây Ninh đã trao hơn 6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án ‘Cướp tài sản riêng của công dân’. Vụ án oan này đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979 và có hai người đã chết không được nhận bồi thường.

Đây không phải là lần đầu tiên Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo không có án oan sai trong nhiệm kỳ của ông. Vào ngày ngày 6/11/2020 khi báo cáo trước Quốc hội, ông đã nói các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Trả lời RFA khi đó từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh đã bày tỏ sự ngạc nhiên về lời phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình:

“Dường như ông không nắm được về tình hình xét xử vụ án hình sự. Trong nhiều năm gần đây xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, hơn nữa những vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Không hiểu tại sao ông lại nói tòa án chưa bao giờ có vụ oan sai như vậy. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long, khá nhiều, trước mắt tôi chưa kể được nhưng thống kê thì xấp xỉ 10 vụ.”

Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải ngày 6/5/2020. Courtesy congly.vn

Ngoài ra, vụ án được nhiều người quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Anh Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói về vụ án này:

“Vụ án Hồ Duy Hải thì đúng phương diện pháp lý thì chưa được kết luận là án oan sai nhưng qua quá trình xét xử nhiều cấp tòa, thậm chí ở cấp sau cùng đi Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người xem xét vụ án thì chính công chúng cũng chỉ ra một loạt sai phạm mà lẽ ra chỉ cần 1 trong những sai phạm ấy thì vụ án phải được xem xét như án oan sai.”

Trong nhiệm kỳ qua của ông Nguyễn Hòa Bình, thì theo nội quy đó nhiều luật sư bị dẫn giải ra ngoài một cách vô cớ, bị phản ứng của Liên đoàn Luật sư VN, nhưng vẫn lập đi lập lại.

-Luật sư Phạm Công Út

Vào ngày 2 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49 -NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Vậy đến nay, hiệu quả của việc cải cách này như thế nào? Luật sư Phạm Công Út nhận định:

“Ngành tư pháp tố tụng của Việt Nam đã bước qua giai đoạn cải cách tư pháp theo nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, tức hết thời hạn cải cách tư pháp. Nhưng có thành công hay không, thì theo tối có những bước tiếng chỉ mang tính chữ nghĩa, chứ đi vào thực tiễn thì có những bước lùi. Ví dụ như bảng nội quy phiên tòa trong các Tòa án không giống luật tố tụng. Thay vì luật có 3 loại gồm tố tụng hành chánh, dân sự và hình sự… thì họ gộp chung lại thành một nội quy phiên tòa. Trong nhiệm kỳ qua của ông Nguyễn Hòa Bình, thì theo nội quy đó nhiều luật sư bị dẫn giải ra ngoài một cách vô cớ, bị phản ứng của Liên đoàn Luật sư VN, nhưng vẫn lập đi lập lại.”

Ngoài ra theo Luật sư Phạm Công Út còn có vấn đề an ninh tại các phiên tòa, ví dụ như vụ xét xử Luật sư Trần Vũ Hải, chỉ là thường án chứ không phải trọng án hay vi phạm an ninh quốc gia, nhưng

lực lượng an ninh dầy đặc cảnh sát bào vệ phiên tòa. Ngoài ra tòa còn dùng máy phá sóng, không cho sử dụng công nghệ thông tin… Ông nói tiếp:

“Trong khi nhà nước hướng về chính phủ điện tử, luật sư họ cũng muốn là luật sư điện tử, tức là tất cả văn bản pháp luật nằm trong điện thoại thông minh, chứ không cần ôm theo cả tủ sách vào phiên xử. Nhưng tòa án lại không cho luật sư đem điện thoại, laptop hoặc bất cứ vật dụng gì vào… rồi tòa cấp giấy bút và cho mượn laptop. Nhưng cuối phiên xử luật sư sao chép lại từ laptop đó thì tòa lại không cho.”

Như vậy việc cải cách tư pháp vừa qua theo Luật sư Phạm Công Út là đi thụt lùi, trước đây theo ông là không ngăn cấm trái luật như thế. Ngoài ra còn nhiều rào cản đối với luật sư, ví dụ như quyền có luật sư của bị can… Nhưng quyền đó theo ông chỉ nằm trên giấy, chứ thật sự những bị can bị rơi vô tình huống vô vọng. Theo luật, ngay cả họ từ chối luật sư hoặc bị ép từ chối thì luật sư được vào gặp trực tiếp… Tuy nhiên việc này không được thực hiện. Như vậy theo Luật sư Phạm Công Út, luật đặt ra chỉ như những bông hoa nhỏ, chứ không đi vào đời sống thực tiễn của ngành tố tụng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/judge-nguyen-hoa-binh-again-said-there-was-no-unjust-judgment-01122021113121.html

Dân muốn đảng viên, cán bộ làm gương kê khai tài sản

Diễm Thi, RFA

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12 tháng 1 năm 2021, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản, coi đây là công cụ để tăng cường minh bạch về tài sản.

Theo ông Trí, nếu có Luật Đăng ký tài sản, bất kỳ một công dân nào đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị truy nguồn gốc. Người bị truy nguồn gốc nếu không giải trình được những lý do hợp lý, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý.

Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Theo nhận định của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc qua ứng dụng facebook messenger với RFA vào tối 13 tháng 1, việc ban hành Luật đăng ký tài sản chỉ mới là đề xuất của Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí. Từ đề xuất đến đề án, dự án Luật, đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, rồi thảo luận, thông qua, ban hành, triển khai thực hiện là một quá trình dài. Luật sư Phúc phân tích:

“Ông Lê Minh Trí đề xuất xây dựng Luật đăng ký tài sản trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực phòng ngừa tham nhũng mà ngành Kiểm sát đóng vai trò chủ chốt.

Thực ra, ở Việt Nam tài sản công dân được quản lý thông qua việc đăng ký với cơ quan Nhà nước đã có từ lâu. Hiện nay tài sản như nhà, đất, tàu, xe, phương tiện cơ giới như cần cẩu hàng, đầu kéo… đều phải đăng bộ, cũng có nghĩa là đăng ký với cơ quan Nhà nước. Trước đây, TV, radio, video-casette… phải cấp giấy phép mới được sử dụng, nó cũng mang ý nghĩa của đăng ký tài sản, nay thì đã bỏ.

Một thứ tài sản có ý nghĩa đặc biệt là vàng trong nhân dân thì nhà nước chưa quản lý được. Có lẽ người ta bắt đầu chú ý đến việc quản lý tài sản này…

Theo tôi, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì chỉ cần luật hoá việc cán bộ, người có chức vụ phải bị buộc kê khai tài sản. Chỉ có người có chức vụ mới tham nhũng, thì cần gì phải ban hành luật để buộc người dân phải kê khai tài sản.

Chỉ cần có Luật kê khai, đăng ký tài sản cán bộ, người có chức vụ, là đủ!”

Theo tôi, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì chỉ cần luật hoá việc cán bộ, người có chức vụ phải bị buộc kê khai tài sản. Chỉ có người có chức vụ mới tham nhũng, thì cần gì phải ban hành luật để buộc người dân phải kê khai tài sản.- Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc

Nói đến loại tài sản là vàng trong nhân dân, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần ‘nhòm ngó’ loại tài sản này. Điển hình là từ năm 2011, Thống đốc ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trình cho Thủ tướng cũng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân.

Mới đậy nhất là hôm 9 tháng 1, phát biểu tại Hội nghị ngành kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập đến cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ.

Để chống tham nhũng, cơ quan chức năng từ lâu đã ban hành nhiều Nghị định, Quy định, Luật để quản ý và kiểm soát tài sản cán bộ, nhưng dường như chỉ mang tính hình thức. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng, theo Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, với tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ tịch thu. Riêng với tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định để xử lý.

Ngoài Luật Phòng chống tham nhũng 2018, cuối tháng 10 năm 2020, Chính phủ ban hành thêm Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định này được cho là có rất nhiều điểm mới nhằm bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn. Tuy vậy, Nghị định quy định nếu người kê khai bị kết luận không trung thực mà chủ động từ chức thì sẽ không bị kỷ luật.

Trả lời với báo chí Nhà nước về quy định này, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Đây không phải là xí xóa mà thể hiện tính nhân văn và coi trọng hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng chứ không nhất thiết chỉ nhằm trừng phạt. Đối với người đang làm lãnh đạo mà phải từ chức là một việc rất nặng nề.”

Nhận xét về đề xuất của ông Lê Minh Trí ban hành luật Đăng ký tài sản, blogger Lưu Trọng Văn viết trên trên trang facebook cá nhân (mà RFA đã xin phép được trích) rằng:

“Vậy ra bao quy định, nghị quyết của đảng về việc buộc cán bộ lãnh đạo phải kê khai tải sản của mình và tài sản của người thân của mình được ca ngợi hết nhời, thành ra nước đổ đầu vịt ư?

Dù sao ngài viện trưởng viện KSNDTC với phát biểu của mình đã đặt dấu chấm hết cho cái trò tự giác kê khai rất hình thức mà đảng bao năm tuyên truyền cổ vũ ấy.  

Tất nhiên nếu có luật mà không có cơ chế chế tài, dân chủ giám sát luật thì cũng như không. Và càng như không khi không thực chất muốn chống tham nhũng.”

Qua những vụ án tham nhũng bị đưa ra xét xử thời gian qua, rõ ràng chỉ các quan chức mới có điều kiện tham nhũng. Và để tài sản tham nhũng không bị tịch thu thì đa số những tài sản đó được chuyển cho người nhà đứng tên mà phía cơ quan chức năng dù biết cũng không thể thu hồi.

Theo ông Lê Minh Trí, việc này cơ quan chức biết hết nhưng không làm gì được vì vướng quyền sở hữu của công dân. Chính vì thế ông đề nghị ban hành một luật mới. Như thế luật này liệu có vi phạm quyền sở hữu của công dân hay không và liệu có bị người dân phản đối hay không?

Chị ủng hộ việc kiểm tra, kiểm soát tài sản của dân với điều kiện trước hết phải kiểm tra tài sản của đảng viên, cán bộ. Dân thì toàn dân nghèo. Ra đề xuất như vậy chẳng qua là để vét cái gì của dân được thì vét thôi. Họ ra đề xuất thì dân cũng có quyền đề xuất lại.- Chị Nguyễn Lai

Chị Nguyễn Lai từ Nha Trang nêu ý kiến của chị:

“Chị ủng hộ việc kiểm tra, kiểm soát tài sản của dân với điều kiện trước hết phải kiểm tra tài sản của đảng viên, cán bộ. Dân thì toàn dân nghèo. Khi quan chức tham nhũng thì họ tìm mọi cách để rửa tiền bằng cách mua nhà, khách sạn, nhà hàng để người nhà đứng tên. Về phía chị, phía dân thì chả có gì mà phải sợ hết. 

Ra đề xuất như vậy chẳng qua là để vét cái gì của dân được thì vét thôi. Họ ra đề xuất thì dân cũng có quyền đề xuất lại.”

Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1998 khi Chính phủ đã ban hành những chính sách và luật cụ thể, bao gồm: 1998 Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng (sửa đổi năm 2000); 1998 Luật Khiếu nại và Tố cáo (sửa đổi năm 2004); 1998 Pháp lệnh Công chức (sửa đổi năm 2003)… cho đến Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Nhưng dường như không đạt kết quả bao nhiêu.

Trong một lần trò chuyện với RFA về vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam, bác sĩ Đinh Dức Long khẳng định rằng, một khi mà cương lĩnh chính trị của Đảng là cao nhất, hơn cả Hiến pháp, thì mọi hành vi chống tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là để bảo vệ lợi ích của Đảng, chứ không phải là bảo vệ lợi ích của Dân.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/people-want-party-members-n-officials-to-act-as-an-example-to-declare-their-assets-dt-01132021120423.html

“Chống tham nhũng của MTTQ chỉ là tuyên truyền”, cựu tướng Công an thừa nhận!

“Báo cáo cho thấy hoạt động phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay của Mặt trận Tổ quốc chủ yếu là tuyên truyền. Những người có khả năng tham nhũng thì phải biết cái gì được làm, cái gì không được làm, chứ cần gì chờ Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền nữa?”

Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, đưa ra phát biểu vừa nêu tại Hội nghị lần thứ 5 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tại Sài Gòn hôm 7/1.

Ông Minh cũng cho rằng báo cáo chống tham nhũng của MTTQ tại TP.HCM chưa tập trung vào trọng tâm về phòng chống lãng phí, tham nhũng…

Anh Quang, một người dân ở miền Trung từng làm việc nhiều nơi, người hiểu rõ về nguyên tắc vận hành của MTTQVN giải thích với RFA hôm 13/1 về hoạt động của cơ quan này:

“Nói tổng quát về tổ chức MTTQVN thì trong MTTQ các cấp có nhiều thành phần xã hội tham gia (các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tôn giáo…), nhưng những thành viên của các thành phần xã hội đó không phải ‘thích thì vào’ mà phải được chọn lựa dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Người đứng đầu gọi là chủ tịch MTTQ ở mỗi cấp đều là đảng viên và đảng viên này được cơ cấu trong Ban thường vụ đảng bộ của cấp đó. Vì vậy, tuy hoạt động theo Luật MTTQ, nhưng hoạt động của mặt trận đều phải chịu sự lãnh đạo của Đảng. Dó đó, không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói rằng, MTTQ là cánh tay nối dài của Đảng!”

Ban tuyên giáo của thành phố nói gì thì MTTQ cũng phải nói theo. Mà tuyên giáo thì chỉ tuyên truyền, như thế thì điều thiếu tướng Phan Anh Minh nói đúng quá chứ còn gì nữa! Ông thiếu tướng này là người trong cuộc nên ông ấy hiểu vấn đề này rõ quá nên mới phát biểu như thế!
-Anh Quang

Vì sao một vị tướng công an, một đảng viên lại công khai chỉ trích một cơ quan được cho là ‘cánh tay nối dài của Đảng’?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 13/1 từ Hà Nội, nhận định:

“Tôi không lạ lắm vì ông Minh này đã có một lần phê phán chuyện muốn điều tra hay bắt một đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, thì phải xin chỉ thị của cơ quan đảng trước đó. Lần đó ông Minh đã gây ra một dư luận khá tốt về ông ấy, vì đã cho dân chúng biết một quy định rất trái khoáy, là một đảng chính trị có thể trùm lên quyền lực của nhà nước. Với phát biểu vừa rồi của ông Minh về MTTQ, tôi cũng thấy ổng dám nói lên một phần của sự thật.”

Về ý kiến của thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giam đốc công an TPHCM, Anh Quang cho rằng không phải tự nhiên mà ông Minh phát biểu ‘Hoạt động phòng chống tham nhũng của MTTQ chỉ là tuyên truyền’. Anh giải thích:

“Để thấy rõ vấn đề này, căn cứ vào một trong những chức năng được quy định trong Luật MTTQVN là ‘giám sát’. Có nhiều lĩnh vực để giám sát, song hiện nay vấn đề nổi cộm nhất là tham nhũng và lãng phí mà địa phương, tỉnh thành nào trong nước cũng có, được diễn ra ở mọi cấp, mọi nơi, đặc biệt là ở những thành phố lớn, như TPHCM chẳng hạn. Nhưng lĩnh vực giám sát phòng chống tham nhũng của MTTQ TPHCM và nhiều địa phương khác thì rất mờ nhạt. Chính vì vậy mà nhiều vụ án lớn xảy trong thời gian qua đều dính đến cán bộ cấp cao của thành phố (từ bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch thành phố đến nhiều lãnh đạo quận, sở ngành, doanh nghệp nhà nước…) không phải do MTTQ phát hiện hay đề xuất xử lý mà do nhân dân phát hiện và tố cáo.”

Có nhiều nguyên nhân lý giải việc chống tham nhũng mờ nhạt của MTTQ, nhưng theo Anh Quang, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do người đứng đầu MTTQ các cấp là đảng viên, mà đảng viên này lại được cơ cấu trong Ban thường vụ, chịu dưới sự lãnh đạo của Bí thư xã/phường, quận/huyện, thành phố. Anh Quang nói tiếp:

“Mà ông bí thư không cho nói thì ông đảng viên đứng đầu MTTQ cấp đó có dám lên tiếng về những tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở địa phương mình không! Đây chính là trạng thái tâm lý ‘không ai lấy đá để tự đè vào chân của mình cả’! Vậy cuối cùng thì MTTQ chỉ ‘ăn theo, nói leo’ tiếng nói của Đảng bộ thành phố thôi. Ban tuyên giáo của thành phố nói gì thì MTTQ cũng phải nói theo. Mà tuyên giáo thì chỉ tuyên truyền, như thế thì điều thiếu tướng Phan Anh Minh nói đúng quá chứ còn gì nữa! Ông thiếu tướng này là người trong cuộc nên ông ấy hiểu vấn đề này rõ quá nên mới phát biểu như thế!”

Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) khóa XI, vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác 6 tháng đầu năm, chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2020. Courtesy hochiminhcity.gov.vn

Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác 6 tháng đầu năm 2020, Ủy ban MTTQVN tại TPHCM đã công bố báo cáo dài 18 trang về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tại địa phương. Tuy nhiên, trong toàn bộ báo cáo không hề có phần giám sát tham nhũng.

Phát biểu tại Hội nghị, Kỹ sư Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện của Ủy ban MTTQVN tại TP.HCM, đặt câu hỏi: ‘Phải chăng TP.HCM đã hết tham nhũng, nên báo cáo không có nội dung phòng chống tham nhũng?’

Trong khi đó, theo kết quả từ phiên họp lần thứ 17, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, có đến 10 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phải đưa ra xét xử trong năm 2020.

Nhận định MTTQ chống tham nhũng chỉ là tuyên truyền thì cũng có ý là đúng. Tại vì yêu cầu đối với tồ chức đại diện cho toàn dân như MTTQ thì thứ nhất phải là mở những địa điểm để tiếp nhận ý kiến của dân phát hiện tham nhũng, nhưng họ chưa làm được.

-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Trong số đó, một nửa số vụ án tham nhũng nằm ở TP HCM như: Vụ án ‘Vi phạm các quy định về quản lý đất đai’ xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP.HCM; Vụ án dự án đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Quận 1; Vụ án liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1; Vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank).

Trả lời RFA hôm 13/1 từ Việt Nam, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng MTTQ cũng có những chủ trương phòng chống tham nhũng ở mức độ cao. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Nhận định MTTQ chống tham nhũng chỉ là tuyên truyền thì cũng có ý là đúng. Tại vì yêu cầu đối với tồ chức đại diện cho toàn dân như MTTQ thì thứ nhất phải là mở những địa điểm để tiếp nhận ý kiến của dân phát hiện tham nhũng, nhưng họ chưa làm được. Thứ hai, cần phải có biện pháp hỗ trợ cho phía ngoài nhà nước, vì nhà nước là phía có quyền lực, có khả năng gây ra tham nhũng, gắn với rủi ro tham nhũng. Phía không có quyền lực là phía ngoài nhà nước, đi phát hiện tham nhũng, thì đúng ra MTTQ phải hỗ trợ cho họ đi nơi này nơi kia để phát hiện tham nhũng, thì MTTQ đã không làm.”

Theo báo cáo Chỉ số PAPI về việc công khai, minh bạch trong các vấn đề quyết định ở địa phương, việc trách nhiệm giải trình với người dân… được công bố vào tháng 4 năm 2020, thì người dân tiếp tục cho rằng tham nhũng vẫn còn tồn tại trong nhiều hoạt động của lĩnh vực công.

Cụ thể có đến 45% người dân đồng ý rằng phải lót tay để được làm việc trong lĩnh vực nhà nước. Ngoài ra, có 31% cho rằng, phải chi thêm tiền để được quan tâm khi chữa bệnh; 31% nói phải chi tiền để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 21% có cùng nhận định khi làm giấy phép xây dựng…

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-vietnamese-fatherland-front-s-anti-corruption-is-just-propaganda-01132021120319.html

Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và hình ảnh ‘người cộng sản cuối cùng’

Nguyễn Hữu Liêm

Nếu có một dự đoán về nhân sự cho Đại Hội 13 của Đảng CSVN, căn cứ theo thông tin rò rỉ trong những ngày qua, thì rất nhiều khả năng GS Nguyễn Phú Trọng sẽ chấp nhận chính mình là trường hợp đặc biệt và ở lại ít ra thêm nửa nhiệm kỳ trong cương vị Tổng Bí Thư (TBT).

Nhận định quanh phương án ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư

Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc ‘có thể là trường hợp đặc biệt’

Đại hội lần trước, ông Trọng cũng nói là sẽ ở lại nửa nhiệm kỳ nhằm chấn chỉnh Đảng, nhưng cuối cùng Ông không những đã ở suốt nhiệm kỳ cho đến hôm nay, mà còn tiếp nhận thêm chức vụ Chủ tịch nước.

Kỳ này, tôi nhận thấy ông Nguyễn Phú Trọng lại càng nóng ruột và cương quyết tiếp tục cương vị TBT, dù việc đó có thể gây ra tai tiếng về tham vọng quyền lực bất chấp vấn đề sức khỏe.

Sự nôn nóng và cương quyết ở lại của ông tuy thế phát xuất từ một nhận định và đánh giá tình trạng rất bấp bênh và nguy khốn mà con tàu Đảng Cộng sản đang trải qua.

Ý chí quyền lực nầy của ông thể hiện một niềm tin thật tâm vào chính nghĩa và sứ mệnh liên tục cho Đảng. Ông nhìn chính mình như là người cứu thế cho Giáo hội Đảng khi cả gia sản lịch sử của Đảng và cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bị không ít đảng viên bỏ rơi và về mặt lịch sử thì đã trên đường tan hủy.

Khi nhìn vào tập thể nhân sự Đảng trong Bộ Chính Trị hiện nay, GS Trọng không thấy ai có vóc dáng và tư tưởng lãnh đạo – nhất là niềm tin vững chắc vào Đảng và chủ nghĩa Mác-Lê. Mấy năm trước, khi ông Trọng dự định “trao ấn tín” cho ông Đinh Thế Huynh, nhưng Ông đã thất vọng – vì ông Huynh không phải là mẫu người Cộng sản mà ông muốn có.

Ông Trọng sau đó đã nhìn đến ông Trần Quốc Vượng và mang nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi, với ông Vượng, Ông có thể lại cũng thấy có điều gì không ổn. Nhìn lại dàn lãnh đạo hiện nay, từ ông Nguyễn Xuân Phúc đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hẳn ông Trọng cũng thất vọng. Vấn đề không phải là họ như thế nào, mà ở cái nhìn của Tổng Bí Thư. Chắc ông Trọng đang tự hỏi, người Cộng sản chân chính, với tài năng, nhân cách và vóc dáng xứng đáng lãnh đạo Đảng, nay đang ở đâu?

Ông Trọng sẽ tiếp tục còn thất vọng và trăn trở bức xúc về ván bài nhân sự cho Đại Hội XIII nầy. Vì sao? Vì thực tế thời đại, con người và phong hóa chính trị hiện nay, người Cộng sản chân chính đã ra đi hết rồi. Rất có thể ông Trọng là người Cộng sản Việt Nam cuối cùng trong niềm tin thành thật, với những ảo tưởng xã hội chủ nghĩa Mác-Lê cứng nhắc, niềm tin đó đã từng đạt đỉnh cao dưới thời lãnh đạo của ông Lê Duẩn khi chiến tranh vừa chấm dứt và bộc lộ bất cập, buộc phải đổi thay và cũng đã bắt đầu tàn lụi.

Après moi, le déluge – Sau Ta là Hồng thủy

Ông Trọng là người lãnh đạo trung kiên duy nhất còn lại vốn tin tưởng cao độ vào giáo điều chủ nghĩa Mác-Lê cũng như vai trò của Đảng cho tương lai Việt Nam.

Tôi thực sự tin ông đã thành thật nghĩ rằng Đảng sẽ tồn tại mãi mãi, như ông có lần nói, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2015), khi trả lời phỏng vấn của TTXVN, chia sẻ về những thành quả đã đạt được, cũng như những việc còn băn khoăn, trăn trở, cần phải làm tốt hơn để đất nước phát triển nhanh, bền vững – theo lời ông – để “Đảng ta mãi trường tồn cùng dân tộc.”

Xin phép thử phân tích tư duy của vị lãnh đạo cao niên. Bên trong người ông Trọng mang hai lớp tâm thức. Một lớp là niềm tin vào ý thức hệ Mác-Lê như là một vị giáo hoàng La Mã tin vào tín lý Giáo hội Đảng. Lớp kia là của một vị Hoàng đế vốn nghe quen khẩu hiệu “Vạn tuế, vạn vạn tuế’ và tưởng như là sẽ trở thành chân lý vượt thời gian.

Một chút về lịch sử. Từ cuối thế kỷ XVIII, vua Louis XV, dân Pháp vốn tôn vinh là “Bệ hạ kính yêu,” cũng như trước 1963 ở miền Nam, ông Ngô đình Diệm cũng đã tự cho mình có vai trò lịch sử không ai thay được. Khi Louis XV đang ngồi cho họa sĩ vẽ chân dung quốc gia, cũng như khi ông Diệm nghe bài ca “Suy tôn Ngô Tổng thống muôn năm,” cả hai đã từng buột miệng nói lên lời nguyền từ Kinh Cựu Ước, “Après moi, le déluge – Sau Ta sẽ là Hồng thủy.” Họ tin rằng chỉ có họ mới giữ được cơ đồ. Ngày hôm nay, ông Trọng nhìn vào cơ đồ của Đảng chắc ông đang phải than, “Sau Ta sẽ là Hồng thủy.”

Mà Hồng thủy chính trị cho Đảng sẽ chắc chắn đến. Đây không còn là một tiên đoán – mà là một dự báo. Ông Trọng đang biết điều này. Tinh thần Cách mạng trên làn sóng yêu nước nguyên sơ và trong sáng từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn nay không còn. Chí khí Đảng viên, và với họ, cái văn hóa kỷ luật, hy sinh bản thân, niềm tin sùng tín vào lý tưởng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc nay đang không còn, hoặc đã khác. Cho dù ông Trọng có bắt đảng viên phải tôn vinh hương linh ông Hồ Chí Minh bao nhiêu, ông cũng không có khả năng khai sáng lửa thiêng của nền chính trị hoàn toàn mới. Nhất là khi ai cũng thấy ý thức quốc dân Việt đang dần sáng tỏ ra như ánh Mặt Trời.

Sẽ không còn ai là đảng viên Cộng sản chân chính kiểu xưa nữa – vì con người là sản phẩm của thời đại, đây là điều mà ông Trọng nên nhận thức ra. Người mà ông đang đi tìm hôm nay là chính ông. Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình.

Quốc gia và dân tộc đi theo quy luật khách quan

Khi mặt trời ý thức thời đại càng lên cao, càng tỏa sáng, thì chiếc bóng GS Trọng sẽ càng ngắn lại và đậm nét hơn. Chiếc bóng từ con người ông – người Cộng sản Việt Nam cuối cùng – đang che khuất hết tầng lớp lãnh đạo hiện nay. Từ nhân cách thành tâm với chủ nghĩa, cho đến đầu tóc trắng bạc phau, cái vóc dáng nhân hậu nhưng cương quyết với cặp kính trắng trên khuôn mặt thông thái của một vị giáo sư triết học, giọng Bắc Hà Nội chuẩn, ông Trọng xứng đáng là một vị lãnh đạo “vạn tuế” cho Đảng.

Chúng ta hãy cầu mong ông Trọng nhận ra Nguy cơ này để chính ông sẽ can đảm và sáng suốt đi tìm một con lộ khác – hợp thời, hợp nhân tâm và mong mỏi của nhân dân – cho cơ đồ tổ quốc Việt Nam. Được như thế thì thì cảnh báo Hồng thuỷ sẽ không tới. Nhưng nếu ông vẫn khư khư, còn cứ nghĩ rằng chỉ có ông là duy nhất mới cứu được quốc gia thì hãy nhớ đến điều mà nhân gian hay nói, “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.”

Tôi nghĩ cái “ước mơ trường tồn cùng dân tộc” cho Đảng không phải là điều mà nhân dân ta mong mỏi. Xin ông Trọng hãy đừng suy nghĩ “Chính ta là quốc gia” – mà trái lại, không ai là là Quốc gia cả. Quốc gia và vận nước sẽ đi theo lòng dân với những quy luật khắt khe của chúng.

Đại hội 13 sắp tới sẽ là một cơ hội lớn cho Đảng và cá nhân ông Trọng dám tiến hành một cách mạng thể chế, đem vận hội nước nhà vào bước ngoặc mới nhằm sang trang lịch sử cho dân tộc Việt Nam. Được như thế, nó sẽ là gia sản lớn cho lý tưởng và cuộc đời ông Trọng và của Đảng Cộng sản Việt Nam oai hùng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ San Jose, California. Trong số các sách của ông đã có cuốn ‘Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55648321

Nhận định quanh phương án ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư

Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ khai mạc cuối tuần này.

Đây là Hội nghị cuối cùng của nhiệm kỳ khoá XII trước khi Đại hội Đảng 13 khai mạc ngày 25/1.

Tại Hội nghị, Trung ương sẽ quyết định “trường hợp đặc biệt” và nhân sự chủ chốt khoá mới.

Vào lúc này, đang có những đồn đoán liệu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có gây “bất ngờ” khi ở lại tiếp tục lãnh đạo Đảng.

Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Victoria ở Wellington, New Zealand, là người theo dõi các diễn biến chính trị Việt Nam.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Khắc Giang chia sẻ đánh giá cá nhân về các khả năng sắp xếp nhân sự của Đảng cho Đại hội 13.

Nguyễn Khắc Giang: Nếu ông Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư, thì đó là một điều bất thường, bởi từ sau khi kết thúc chiến tranh, điều lệ Đảng quy định cá nhân không được giữ chức vụ này quá 2 lần.

Lần gần nhất Đại hội có hiện tượng “bất thường” như thế là vào Đại hội 7 (1996), khi BCHTW không thể thống nhất vị trí lãnh đạo, và phải hơn 1 năm sau mới bầu ông Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng bí thư ở một kỳ hội nghị trung ương. Nếu ông Trọng tiếp tục nắm quyền, điều đó có nghĩa Bộ Chính trị nói riêng và BCHTW nói chung chưa thống nhất – hay chưa tin tưởng – đội ngũ lãnh đạo kế cận để chuyển giao như đã xảy ra ở ĐH7.

Ông Trọng, với uy tín chính trị của mình, dễ dàng ổn định tình hình để tìm kiếm người thay thế phù hợp, vừa tránh xáo trộn trong bộ máy, lại vừa đảm bảo di sản của mình không bị gạt sang một bên.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của phương án này là tính ổn định của thể chế – dù có thể ông Trọng có tâm ý tốt, không ai có thể đảm bảo các lãnh đạo về sau không cố gắng dẹp bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng, sửa điều lệ, hay vin vào “trường hợp đặc biệt” để tham quyền cố vị.

Đây là vấn đề “hoàng đế tồi” mà bất kỳ thể chế chuyên quyền nào cũng gặp phải. Phá bỏ thể chế thì dễ, nhưng xây lại thì rất khó.

BBC: Nhìn lại một nhiệm kỳ sắp kết thúc, ông ghi nhận TBT, CT Trọng, bên cạnh chiến dịch đốt lò, đã có một số biện pháp gì đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh”?

Nếu xét về số lượng đảng viên bị kỷ luật – từ cấp cơ sở cho đến ủy viên Bộ Chính trị – có thể thấy Đảng dưới nhiệm kỳ 2 của ông Trọng thực sự tạo được ấn tượng trong công tác làm sạch nội bộ.

Tất nhiên, việc chống tham nhũng có đi liền với thanh trừng các đối thủ chính trị hay không là vấn đề để ngỏ mà chúng ta chưa biết được câu trả lời xác đáng. Mặt khác, những nỗ lực “đốt lò” của ông Trọng xuất phát từ trên xuống, bằng cách tập trung nhiều hơn quyền lực cho các cơ quan thanh tra, giám sát như Ủy ban Kiểm tra TW hay Thanh tra Chính phủ. Hệ lụy của việc tập trung quyền lực này sẽ rất lớn, nếu không có ai “giám sát người giám sát”.

Tình thế lưỡng nan này có thể giải quyết bằng việc tạo điều kiện cho quá trình giám sát từ dưới lên – sự tham gia của người dân và các tổ chức dân sự. Nhưng trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, chưa có nhiều biến chuyển cho thay đổi này: Luật về Hội sau hơn 20 năm thảo luận vẫn chưa được đưa ra Quốc hội, trong khi môi trường báo chí – truyền thông đang có xu hướng bị siết chặt.

BBC: Trong phát biểu gần đây, ông Trọng nhấn mạnh thời gian tới “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…” Vậy các phương án nhân sự đang được bàn tới có mang tinh thần “đổi mới” hay không hoặc mới tới mức nào?

Vì chúng ta chưa có thông tin chính xác cách thức lựa chọn các ứng viên nên rất khó đánh giá một cách cụ thể.

Tuy nhiên, dựa trên thông tin chính thức từ Đảng, công tác nhân sự vẫn thực hiện không khác gì nhiều so với quy trình của Đại hội 12, chủ yếu dựa trên Quy chế bầu cử 244 với nguyên tắc “tập trung dân chủ”: nghĩa là cá nhân không được phép tự ứng cử hay nhận đề cử, mà phải tuân thủ theo quyết định của “cấp ủy” – với các lãnh đạo cấp cao là Bộ Chính trị.

Điều này thực tế tăng thêm quyền sắp xếp nhân sự của Tổng bí thư. Ở các tổ chức Đảng cấp cơ sở (xã hoặc tương đương) và trên cơ sở (huyện hoặc tương đương), đã có thử nghiệm rộng rãi việc bầu cử trực tiếp tại đại hội Đảng. Tuy nhiên, ở cấp toàn quốc lần tới – điều này sẽ khó xảy ra.

BBC: Ông có nhận xét gì vào giờ chót này, quanh các nhân vật được xem là ứng viên Tứ Trụ?

Xét trên lý thuyết, toàn bộ các ủy viên Bộ chính trị hiện tại, không chịu hình thức kỷ luật nào, đều được coi là ứng viên cho vị trí Tổng bí thư. Tuy nhiên, khi xét kỹ từng ứng viên, hầu như ai cũng có những điểm “chưa hoàn hảo” về hồ sơ như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra trước đây.

Nếu ông Trọng muốn tiếp tục ở lại, thì đây rõ ràng là điểm mà ông ấy tận dụng để thuyết phục Bộ Chính trị và BCHTW.

Tuy nhiên, cần hiểu là dù đang là lãnh đạo có quyền lực nhất của Việt Nam kể từ sau Lê Duẩn, ông Trọng vẫn phải thuyết phục BCHTW và sau đó là Đại hội Đảng chấp nhận phương án của mình.

Đây không phải là điều dễ dàng. Khi Bộ Chính trị dưới sự điều hành của ông Trọng muốn kỷ luật “đồng chí X” vào năm 2012, BCHTW đã phủ quyết.

Đó là rủi ro không cho nhỏ phương án ông Trọng tiếp tục giữ chức TBT nhiệm kỳ thứ 3.

BBC: Nếu cơ chế cho 1500 đại biểu bầu trực tiếp chọn ra lãnh đạo cao nhất là một “bước tiến lớn” trong dân chủ hoá trong Đảng, cơ chế đó, giả sử được áp dụng lần này, có tác động đến nhu cầu tạo đà tăng trưởng, phát triển kinh tế ở một giai đoạn mới hay không?

Với cách tiếp cận rất thận trọng về cải cách chính trị của ĐCS, tôi không cho rằng ĐH sắp tới – và cả ĐH năm 2026 – sẽ áp dụng phương pháp bầu cử trực tiếp như đang áp dụng thử nghiệm ở đại hội cấp dưới. Tuy nhiên, nếu được thực hiện, thì đó thực sự là bước đột phá lớn.

Việc mở rộng “cơ sở phiếu” sẽ khiến việc thao túng phiếu bầu hay áp đặt quan điểm của một số lãnh đạo sẽ khó hơn nhiều, tạo cơ sở cho việc thiết lập một cơ chế trách nhiệm giải trình thực sự cho vị trí lãnh đạo – nếu anh làm không tốt, không đạt được “lời hứa tranh cử” đề ra, thì sẽ không được bầu lại lần nữa.

Các đại biểu ĐH Đảng thực tế đại diện cho từng nhóm lợi ích kinh tế – xã hội của từng ngành, từng địa phương riêng, và để hút phiếu bầu từ họ, các ứng viên sẽ phải thể hiện được năng lực điều hành thực sự, chứ không phải chỉ biết “trồng cây gì, nuôi con gì”.

Nhiều lý thuyết gia của ĐCS cho rằng Việt Nam đang cần một “Đổi mới 2.0” – sau 35 năm đổi mới kinh tế, cần đổi mới về mặt chính trị để tạo bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế, vốn có dấu hiệu chững lại trong những năm qua. Bầu cử trực tiếp trong Đảng – nếu thực hiện ở cấp tỉnh và trung ương – sẽ là khởi đầu đáng kỳ vọng cho quá trình Đổi mới 2.0 đó.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55646378

“Danh sách ứng viên bầu cử Quốc hội” cũng phải đóng dấu MẬT trong quá trình hiệp thương

Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 13-1-2021 có phát biểu phải đóng dấu mật danh sách ứng viên vào Quốc Hội trong quá trình hiệp thương. Tuyên bố của ông Trần Thanh Mẫn được đưa ra khi nói về cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành vào ngày 23 tháng 5 tới đây.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Mẫn rằng “Tất cả nhân sự trong danh sách ứng viên bầu cử trong quá trình hiệp thương phải đóng dấu mật. Ai lộ lọt phải chịu trách nhiệm”. Ông cũng nói việc đăng thông tin liên quan đến bầu cử trên mạng xã hội nếu không đúng sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Thanh Mẫu nhấn mạnh “Tuyệt đối không dùng báo chí để đánh bóng tên tuổi hay viết về người này, người khác”.

Hồi tháng 11 năm ngoái, danh mục bí mật nhà nước của Đảng cộng sản do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành cũng cho biết, các phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.. nằm trong danh mục TUYỆT MẬT.

Trước đó, vào tháng 8, ông Phúc cũng ban hành quyết định danh mục bí mật nhà nước trong đó “hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư” thuộc danh mục “TỐI MẬT”.

Hồi năm 2016, nhiều người dân và các nhà hoạt động cũng hăng hái tham gia tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, tuy nhiên hầu hết đều bị loại trong các hội nghị hiệp thương ở địa phương.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/list-of-national-assembly-candidates-will-be-secret-during-consultation-time-01132021064735.html 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.