Tin Việt Nam – 09/11/2020
Còn 3 ngàn dân bị cô lập và gần 30 người mất tích do bão số 9
Lực lượng chức năng trong hai ngày 8 và 9 tháng 11 nỗ lực mở đường để có thể tiếp cận 3 ngàn người dân tại hai xã bị cô lập tại tỉnh Quảng Nam trong trận bão số 9 vừa qua.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 9 tháng 11 loan tin cho biết một lực lượng gồm quân đội, công an, cán bộ và cả người dân tiến hành công tác mở đường để tiếp cận dân hai xã Phước Lộc và Phước Thành thuộc huyện Phước Sơn.
Lực lượng chức năng sẽ mở một tuyến đường đi bộ và một tuyến ô tô tạm thời để vào nơi đang bị cô lập kể từ chiều ngày 28 tháng 10. Tại huyện Nam Trà My cũng thuộc tỉnh Quảng Nam, lực lượng cứu
hộ tiếp tục tìm kiếm 13 người còn mất tích trong vụ sạt lở tại xã Trà Leng hôm 28 tháng 10 vừa qua. Lực lượng ngoài việc sử dụng cano, xuồng máy, ghe còn phải dùng cáp treo để thực hiện việc tìm kiếm tại hiện trường và phạm vi mở rộng hơn.
Tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, Ủy Ban Nhân tỉnh vào chiều ngày 9 tháng 11 tiến hành họp bàn để bàn phương án tìm kiến 12 nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở xảy ra hôm 12 tháng 10 vừa qua.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, lực lượng cứu hộ đã đào kênh phụ dẫn nước nhằm triển khai phương án nắn dòng Sông Rào Trăng. Tuy vậy mưa lớn đang gây cản trở cho hoạt động này.
ADB và Chính Phủ Úc tiếp tục viện trợ
hàng triệu đô la giúp Việt Nam khắc phục sau bão lũ
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản viện trợ 2,5 triệu USD; đồng thời Chính phủ Australia cũng cam kết viện trợ thêm 2 triệu AUD nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với thiên tai.
Các khoản viện trợ của ADB và Chính phủ Australia cho Việt Nam như trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam và tờ Reliefweb loan vào ngày 9 tháng 11.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết đây là khoản viện trợ không hoàn lại của ADB nhằm giúp Việt Nam tăng cường hoạt động ứng phó với thiên tai và để giúp đỡ cho người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi những đợt lũ lụt và sạt lở vừa qua.
Ông Andrew Jeffries cũng cho hay khoản viện trợ trên được tài trợ từ Quỹ ứng phó thảm hoạ Châu Á- Thái Bình Dương.
Trong khi đó, theo nguồn Reliefweb, khoản viện trợ 2 triệu đô Úc của Chính phủ Australia là khoản viện trợ bổ sung, bên cạnh 100.000 đô Úc đã được cam kết trước đó cho Việt Nam trong việc ứng phó khẩn cấp thiên tai ban đầu.
Tin cho hay, khoản viện trợ thêm của Chính phủ Úc sẽ được chuyển cho phía Việt Nam thông qua các tổ chức nhân đạo bao gồm UNICEF Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ…
Cũng trong ngày 9/11, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Đỗ Văn Chiến cho hay Chính phủ VN sẽ trích 1.000 tỷ đồng cho dự án giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và sắp xếp ổn định cuộc sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền Trung sau lũ.
Từ ngày 6/10, miền Trung Việt Nam đã hứng chịu các đợt mưa lớn kéo dài, bão lũ và gió mạnh gây lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai Việt Nam, đến nay đã có hơn 200 người chết và mất tích.
Khoảng 7,7 triệu người dân Việt Nam sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó hơn 1,5 triệu người tại 9 tỉnh miền Trung đã bị ảnh hưởng trực tiếp và khoảng 380.000 nhà cửa bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
2 cơn bão chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh miền Trung
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vào ngày 9/11, hai cơn bão số 12 và 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Bộ từ đêm 9/11 đến sáng 10/11 và các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 14 – 15/11. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 9/11.
Cụ thể, bão số 12 hiện đã mạnh lên cấp 8 – 9, dự báo sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận vào sáng ngày 10/11. Miền Trung bắt đầu có mưa lớn từ chiều ngày 9/11.
Các tỉnh Bình Định đến Khánh Hoà sẽ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 9, vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận sẽ có gió giật cấp 6 -7.
Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hoà sẽ có lượng mưa phổ biến từ 200 đến 400 mm, các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, có nơi lượng mưa lên 500 mm/ đợt.
Cũng trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 12/11, các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ từ mức báo động 1 đến mức báo động 3.
Dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét và lở đất ở vùng núi, lụt vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và khu vực Tây Nguyên.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo, chiều 9/11, áp thấp nhiệt đới ở vùng biển Đông Nam Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Vamco. Cơn bão được dự báo sẽ mạnh lên nhanh chóng và có thể đạt cấp 13 – 14, giật cấp 16. Dự báo bão Vamco sẽ đi vào Biển Đông vào khoảng ngày 12/11 và trở thành bão số 13 trong năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 14 – 15/11.
Cũng trong ngày 9/11, truyền thông Nhà nước cho biết các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên kiên quyết đi dời người, phương tiện khỏi nơi nguy hiểm trước khi bão số 12 đổ bộ. Tỉnh Ninh Thuận đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi đánh bắt cá từ chiều ngày 9/11.
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị truy tố
Ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, bị truy tố với cáo buộc là chủ mưu trong vụ nâng khống giá một số thiết bị y tế chữa trị COVID-19.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 9 tháng 11, dẫn nguồn từ Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao cho biết thông tin vừa nêu.
Theo cáo trạng, Viện KSND Tối cao quyết định truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm và 9 bị can khác, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 222, Bộ Luật hình sự 2015.
Hồi tháng 4, Công an Hà Nội đã khởi tố 7 cán bộ có liên quan đến vụ nâng khống giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại CDC Hà Nội.
Cơ quan điều tra xác định, CDC Hà Nội thực hiện mua các thiết bị y tế đó qua phương thức chỉ định thầu. Theo đó, tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỉ đồng, được nâng khống lên hơn 9 tỉ đồng, gây thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng cho nhà nước.
Báo giới dẫn thông tin từ Cục cảnh sát Điều tra C03, thuộc Bộ Công an, cho biết rằng chưa có căn cứ để xác định các bị can tư lợi trong việc mua số máy móc này hay không. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền thiệt hại đã được thu hồi cho nhà nước và các bị can cũng đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.
Bị can Nguyễn Nhật Cảm được nói là trong quá trình điều tra đã thừa nhận hành vi phạm tội. Cơ quan công tố cho báo giới hay ông Nguyễn Nhật Cảm có nhiều thành tích trong quá trình công tác tại CDC Hà Nội, do đó Viện Kiểm sát cho rằng là tình tiết giảm nhẹ được xem xét khi xét xử.
Hàng trăm tài xế xe buýt tại Đà Nẵng đình công
Hơn 100 nhân viên bao gồm tài xế và phụ xe các tuyến xe buýt trợ giá thuộc công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 tại thành phố Đà Nẵng đã đồng loạt đình công đòi quyền lợi.
Đại diện công ty Quảng An 1 ngày 9/11 đã xác nhận với truyền thông về thông tin đình công của tài xế khiến hàng trăm tuyến xe buýt dừng lăn bánh.
Theo các tài xế, công ty Quảng An 1 đã nợ lương của các nhân viên tháng 7, 9 và 10/2020, còn tháng 8 không có lương vì xe buýt ngưng hoạt động do đại dịch Covid-19.
Phía công ty hứa sẽ giải quyết lương tháng 7 cho nhân viên vào ngày 9/10 nhưng đến nay đã qua một tháng các nhân viên vẫn chưa nhận được đồng lương nào.
Ngoài ra, các tài xế còn cho biết mỗi tháng phía công ty đều trừ tiền các loại bảo hiểm (khoảng 400.000 đồng) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ chế độ bảo hiểm nào hoặc có trường hợp nhân viên làm thủ tục bảo hiểm mới phát hiện phía công ty đã không đóng bảo hiểm cho nhân viên.
Phía công ty bảo hiểm cũng khẳng định công ty Quảng An 1 đang nợ bảo hiểm xã hội 15 tháng với số tiền gần 5 tỷ đồng của khoảng 200 lao động.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên hàng trăm tài xế công ty Quảng An 1 đình công đòi quyền lợi, lần gần nhất là vào tháng 1/2020 cũng xảy ra vụ việc hàng chục tài xế đình công, lo sợ mất tết vì công ty nợ lương và các khoảng bảo hiểm trong nhiều tháng.
Việt – Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác đa diện,
giảm ảnh hưởng của Trung Quốc
Thu Hằng
Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á từ thời cựu tổng thống Barack Obama. Tổng thống Donald Trump đã thắt chặt và mở rộng thêm quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ thứ 46 Joe Biden, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác chủ chốt trong chiến lược của Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên, người dân Việt Nam sẽ cần thêm một chút thời gian để hiểu hơn về ông Joe Biden, trái ngược với ông Trump rất nổi tiếng ở Việt Nam. « Lập trường đối đầu trực diện với Trung Quốc từ hai năm nay (của ông Trump) dĩ nhiên đã giúp Hà Nội đối thoại với Bắc Kinh ở tầm mức mà họ chưa từng có thể nghĩ đến », theo nhận định với RFI Tiếng Việt của nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi – châu Á – Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
Mối quan hệ Hà Nội – Washington sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Joe Biden ? RFI Tiếng Việt lần lượt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Pháp Benoît de Tréglodé và N. T., một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Mỹ (qua thư điện tử).
Tiếp tục chiến lược an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương
RFI : Thưa nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, với chính quyền mới của Hoa Kỳ, liệu sẽ có thay đổi trong chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á, cũng như với Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé : Một chính quyền mới đứng đầu nước Mỹ sẽ dẫn đến việc các nhân tố ở châu Á, trước tiên là Trung Quốc, cũng như là Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, một cách nào đó xem xét lại đối thoại và quan hệ đối tác với những nhà lãnh đạo mới của Mỹ. Dĩ nhiên là trong những tháng tới, đối thoại sẽ được nối lại, không tập trung và dựa trên những căng thẳng như trong những tháng gần đây dưới thời tổng thống Trump.
Tôi không nghĩ là chính quyền mới sẽ xem xét lại toàn bộ những hồ sơ chiến lược được thông qua dưới thời tổng thống Trump, trong đó có chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây sẽ vẫn là đường lối trong chính sách quốc phòng của Mỹ ở châu Á, trong đó có Đông Nam Á, nhưng đúng là có thể sẽ có nhiều đối thoại hơn, để Trung Quốc và Mỹ cùng làm việc với nhau và hiểu nhau hơn. Do đó, nếu nhìn theo quan điểm này, căng thẳng chắc sẽ giảm bớt trong những tháng tới ở châu Á.
Về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, sẽ không có việc xem xét lại hoàn toàn những nguyên tắc lớn đang chi phối quan hệ song phương. Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vấn đề Việt Nam vẫn thường được nhìn nhận, chú ý và đôi khi, theo một số người vẫn nói, bị khai thác trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Trong bối cảnh này, nếu Biden đi theo hướng giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, thì tất nhiên sẽ thấy được hệ quả trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng những bước tiến của Mỹ trong vấn đề bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế ở Biển Đông chẳng hạn, là những điều về cơ bản sẽ vẫn được theo đuổi, nhưng có thể với ngôn từ mang tính ngoại giao hơn một chút, hòa dịu hơn một chút. Chúng ta có thể trông đợi những thay đổi sâu sắc trong quan điểm của Mỹ về khu vực, trên thực tế không chắc rằng chính quyền mới sẽ có thể thay đổi bất cứ điều gì.
RFI : Có thể thấy là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ít được chú ý trong nhiệm kỳ tổng thống Trump để tránh cản trở những dự án hợp tác song phương, mà Trung Quốc là mục tiêu sâu xa. Vấn đề này sẽ được đề cập như nào trong chính quyền Joe Biden ?
Benoît de Tréglodé : Trong những năm gần đây, các nhà quan sát nhận thấy vấn đề nhân quyền không phải là một ưu tiên của chính quyền Trump. Những thách thức nằm ở chỗ khác. Chính những thách thức đó giúp Hoa Kỳ tập hợp quanh mình những quốc gia sẵn sàng ủng hộ chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương và hình thành mặt trận chung ở châu Á chống Trung Quốc. Chắc chắn vấn đề nhân quyền không phải là ưu tiên lớn, ngoài Đối thoại Nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà cuộc họp gần đây nhất là vào tháng 10/2020.
Với chính quyền mới ở Mỹ, thông thường đảng Dân Chủ vẫn được cho là có khuynh hướng thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trên thế giới, nhưng cần nhắc lại là ưu tiên trước mắt của chính quyền mới sẽ là
chính trị trong nước và tiếp tục các hồ sơ quốc phòng lớn trên thế giới. Do đó, tôi không chắc là vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trở thành một ưu tiên rõ ràng trong chính sách của Mỹ.
Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực phi quân sự
RFI : N. T. là nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Việt được RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi qua thư điện tử. Ngoài vấn đề an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông, những lĩnh vực nào được Việt Nam quan tâm hợp tác với Mỹ ?
N. T. : Theo tôi, có hai lĩnh vực chính mà Việt Nam sẽ quan tâm hợp tác với Mỹ ngoài hợp tác an ninh hàng hải. Thứ nhất là quản lý nguồn nước ở sông Mêkông. Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình trạng thiếu nước từ đầu nguồn và nước biển xâm nhập, với nguyên nhân chính là các hoạt động xây đập do Trung Quốc đầu tư ở thượng nguồn và biến đối khí hậu. Đây là một vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam khi đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính, cung cấp sinh kế cho hàng chục triệu người.
Hợp tác trong lĩnh vực này có thể bao gồm hỗ trợ nông dân ứng phó với ngập mặn và thiếu nước từ thượng nguồn, chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững hơn, hỗ trợ nông dân tìm kiếm sinh kế mới… Ngoài ra, Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác yêu cầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ hơn thông tin về các hoạt động xây đập ở thượng nguồn và tác động của chúng đối với các quốc gia ở hạ nguồn như Việt Nam. Sáng kiến Quan hệ đối tác Mỹ-Mêkông đóng vai trò điều phối các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Lĩnh vực thứ hai là cơ sở hạ tầng. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ, tạo sức ép rất lớn lên cơ sở hạ tầng vừa thiếu và vừa yếu. Nhu cầu này càng bức thiết trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Việt Nam cũng muốn đóng một vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy Trung Quốc là nhà đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu trong khu vực, Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn với đầu tư trong lĩnh vực này của Trung Quốc, đặc biệt là các khoản đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nguyên nhân một phần vì lý do an ninh và một phần vì các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thường vướng nhiều vấn đề như tiến độ thi công chậm, đội vốn và chất lượng công trình kém. Do đó, nếu chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này, đây là điều có lợi cho cả Việt Nam lẫn khu vực. Sự hiện diện của Mỹ, cùng cộng tác với Nhật Bản, sẽ đem lại nhiều lựa chọn cho Việt Nam và các nước trong khu vực, tránh tình trạng phụ thuộc vào một nhà đầu tư duy nhất mà có thể dẫn đến các nguy cơ cả về kinh tế và an ninh.
Các thỏa thuận hợp tác mới ký kết gần đây giữa Mỹ và Việt Nam về cải thiện hệ thống thông tin lưới điện, phát triển điện từ khí hóa lỏng (LNG) và xây dựng kho cảng chứa LNG cho thấy cả hai bên đều đang chú trọng tới lĩnh vực này.
RFI : Liệu « Mạng lưới Điểm Xanh » (Blue Dot Network, BDN) gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc là một lựa chọn giúp Việt Nam đa dạng hóa đối tác cơ sở hạ tầng ? Liệu BDN có « cạnh tranh » được với các tập đoàn Trung Quốc khi phía Trung Quốc không đặt nhiều điều kiện để cho vay vốn ?
N. T. : Theo quan điểm của tôi, Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network) không nhất thiết phải « cạnh tranh » với đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Trước hết đây là một sáng kiến đa phương nhằm chứng nhận các dự án cơ sở hạ tầng đảm bảo các điều kiện về minh bạch tài chính, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Việc triển khai sáng kiến này vẫn đang diễn ra, vẫn còn nhiều câu hỏi như tiêu chí chứng nhận, giám sát cũng như các quốc gia nào có thể tham gia. Có thể coi sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh là giúp đem lại cho Việt Nam, cũng như các quốc khác trong khu vực, một lựa chọn nữa cho đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài đầu tư của Nhật Bản và Trung Quốc.
Một điều cần quan tâm là gần đây, nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, nhất là các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích do không đáp ứng được các tiêu chuẩn minh bạch tài chính, phát triển bền vững và đem lại nhiều nguy cơ an ninh địa chính trị. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã hủy hoặc xem xét lại nhiều dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư. Ví dụ, Miến Điện đã cho tạm dừng dự án đập thủy điện Myitsone vào năm 2011 và Malaysia đã hủy 3 dự án thuộc BRI vào năm 2018.
Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam từ trước tới nay có cách tiếp cận khá thận trọng với đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc so với các nước khác trong khu vực. Do đó, tôi cho rằng Việt Nam sẽ duy trì cách tiếp cận này trong tương lai, nhất là với các dự án có tầm quan trọng về an ninh chiến lược.
RFI : Phải chăng Việt Nam muốn dần giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc khi mở rộng hợp tác với Mỹ ? Việt Nam sẽ phải cân nhắc rủi ro như nào với Trung Quốc khi tăng cường hợp tác với Mỹ ?
N. T. : Việc Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ không nhất thiết chỉ vì lý do tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Việt Nam luôn là duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Do đó, Việt Nam đã mở rộng và tăng cường hợp tác không chỉ với Mỹ, mà còn với các cường quốc khác trong khu vực như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và các nước khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Về những rủi ro Việt Nam có thể phải đối mặt với Trung Quốc khi mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, điều này còn phụ thuộc vào bản chất của hoạt động hợp tác và tác động của nó tới lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Các rủi ro có thể bao gồm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và khả năng Trung Quốc đơn phương áp đặt một số biện pháp hạn chế trao đổi thương mại, như nước này đã làm đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Úc.
Tuy nhiên, ngoại trừ tình hình căng thẳng trên Biển Đông, Việt Nam chưa phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại của Trung Quốc. Lý do thứ nhất là vì Việt Nam đã khéo léo xử lý quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là vì hợp tác Mỹ-Việt chủ yếu tập trung vào trao đổi thương mại song phương và các lĩnh vực phi quân sự. Tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt trong giai đoạn gần đây cũng thiên về nâng cao năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam, như tăng cường nhận thức khu vực trên biển (maritime domain awareness) và thực thi pháp luật trên biển (maritime law enforcement). Đây là những lĩnh vực hợp tác ít gây tranh cãi và giúp hai bên từng bước xây dựng lòng tin và sự hiểu biết về quan điểm của mỗi bên.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn hai nhà nghiên cứu N. T., chuyên về quan hệ Việt-Mỹ và Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
Bà Nguyễn Thị Hồng “lên chức thay thế
Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng được giới thiệu lên chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 9/11, theo đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Quốc Hội phê chuẩn bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Thống đốc Ngân hàng nhà nước thay thế ông Lê Minh Hưng.
Tin cho biết Quốc Hội Việt Nam vào ngày 11/11 dự kiến sẽ phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ đối với Ông Lê Minh Hưng, cũng như Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Ông Lê Mình Hưng được phân công vào chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, còn ông Chu Ngọc Anh được chuyển đi làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hồng, 52 tuổi, trước đây đã làm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng nhà nước, và được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng từ tháng 8/2014.
Ông Chu Ngọc Anh, 55 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ từ hồi tháng tư năm 2016. Vào tháng 9 vừa qua, Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam bổ nhiệm ông là Phó Bí thư thành ủy Hà Nội. Sau đó ông được Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội bầu làm chủ tịch thay cho ông Nguyễn Đức Chung bị kỷ luật.
Bộ Chính trị kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình
bằng hình thức cảnh cáo
Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam hôm 6/11 đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bình -Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 8/11 và cho biết quyết định này được thực hiện theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vì ông Nguyễn Văn Bình đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Bình khi là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản không đúng theo quy định của Chính phủ, dẫn đến vi phạm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách. Đơn cử như đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% mà không có tài sản bảo đảm.
Ông Bình cũng chịu trách nhiệm trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho ông Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng…
Ngoài ra ông Nguyễn Văn Bình còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, không báo cáo và thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng.
Với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Bình đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, dẫn đến nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.
Ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961, quê Phú Thọ, giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2016. Ông về làm Trưởng ban kinh tế Trung ương từ tháng 4 năm 2016. Ngoài ra từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 11 năm 2017, ông Bình còn là Trường ban chỉ đạo Tây Bắc.
Bầu cử Mỹ giúp bổ túc kiến thức chính trị dân chủ ở VN?
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân Việt Nam, tuy vậy phần lớn công chúng mới chỉ biết đến các thông tin bầu cử bề nổi, trong khi rất nhiều người chưa hiểu sâu về nền chính trị dân chủ.
Chấp nhận thua cuộc
Nền bầu cử Mỹ sở dĩ tồn tại được cho đến nay là do các bên họ cùng chấp nhận với nhau về một luật chơi chung, với các thể lệ trình tự và tiêu chí tiêu chuẩn đã được xác lập, không bên nào được phá vỡ.
Vì sao TT Donald Trump thất cử?
Bên cạnh TT Trump vào ngày ông ấy thua cuộc tranh cử
Những thách thức pháp lý của ông Trump có triển vọng ra sao?
Đảng Cộng hòa có thể “áp lực” Tổng thống Trump chấp nhận kết quả?
Trong phạm vi đó các bên được sử dụng thực hiện mọi biện pháp hợp pháp để bảo vệ cho chiến thắng, bao gồm khiếu nại việc kiểm phiếu hoặc khởi kiện kết quả của ủy ban bầu cử.
Các cơ chế trung gian sẽ phải giải quyết vì họ được trả lương cho vai trò đó và họ cũng là một phần của luật chơi chung, không có vấn đề xấu xa gì ở đây. Có chăng bên nào đã thua rõ ràng mà vẫn chày cối thì sẽ bị tuyên bác bỏ yêu cầu và bên đó sẽ phải trả giá cho uy tín chính trị của mình trong những đợt vận động bầu cử sau.
Sau tất cả những biện pháp đó sẽ có một bên thua cuộc, đòi hỏi bên đó phải biết chấp nhận, chứ không lẽ lên rừng lập chiến khu?
Cho nên trong một nền bầu cử dân chủ, thua cuộc và thắng cuộc xảy ra đồng thời và là tiền đề của nhau, biết chấp nhận thua cuộc cũng là một năng lực cần có của các bên, quan trọng không kém gì việc đòi hỏi các bên phải biết cách làm sao cho chiến thắng.
Thua cuộc có là mất hết?
Người tham gia tranh cử như ông Donald Trump hay ông Joe Biden không phải là với tư cách cá nhân mà họ tham gia với tư cách là người đại diện của một đảng chính trị, là người đại diện tiếng nói cho những nhóm quyền lợi dân chúng.
Cho nên ngay khi thất bại thì họ vẫn còn đó các mối quyền lợi phải chăm lo, dù thất cử thì trách nhiệm đại diện cho những nhóm cử tri hãy vẫn còn.
Những người đã thất bại chỉ là vấn đề của họ chưa phải là rộng lớn cấp kíp hơn so với các vấn đề rộng lớn quan trọng hơn của các nhóm dân chúng khác – được đại diện bởi người thắng cử.
Cho nên người thua cuộc trong tranh cử vẫn là lãnh đạo uy tín của các nhóm dân chúng, chứ không hề là những người trở thành kém quan trọng sau bầu cử.
Họ có thể không là gương mặt đại diện tranh cử trong những đợt sau, do những tính toán kỹ thuật cho chiến thắng, nhưng họ vẫn là những tiếng nói ủng hộ quan trọng cho những gương mặt mới hay các chính sách mới. Ví như ông Obama là ủng hộ viên quan trọng của ông Biden trong đợt tranh cử này.
Làm tổng thống có sướng?
Nhiều người Việt hào hứng theo dõi bầu cử Mỹ và hẳn nhiều người mơ mộng có một ngày trở thành lãnh đạo chính trị. Vậy làm lãnh đạo chính trị có phải là điều sung sướng đáng mơ ước?
Thực tế, lãnh đạo chính trị như tổng thống Mỹ là một cương vị trách nhiệm hết sức nặng nề mà công việc chẳng hề sung sướng. Các vấn đề mà họ phải đối mặt đều rất hóc búa, khó khăn, đòi hỏi lao động trí óc rất cao cũng như năng lượng thuyết phục rất lớn.
Cương vị tổng thống chỉ đem lại một chút ít niềm vui danh tiếng uy thế cho những người vốn lấy sự phụng sự làm tín điều lẽ sống mà thôi.
Bởi bản chất của lãnh đạo là sự phục vụ, hứa hẹn và hành động đem lại điều ích lợi cho cộng đồng thì họ mới theo, vì trong nền chính trị dân chủ các công dân là người có quyền tự do lựa chọn.
Nghề làm chính trị theo đó bản chất là phục vụ cộng đồng, loại hình hoạt động chỉ phù hợp với một kiểu nhân cách nhất định, đó là người có tính cách dâng hiến và ước muốn phụng sự.
Đó là lãnh đạo chính trị đúng nghĩa, những người có trình độ kiến thức và tầm nhìn vượt lên trên công chúng, còn ở Việt Nam lâu nay tồn tại nhận thức sai, nhiều người nghĩ làm chính trị là giành chức quyền bổng lộc, không đúng trong một nền chính trị lành mạnh vốn có đủ thứ giám sát và làm gì cũng phải theo luật.
Cho nên cần hiểu là dù ông Trump hay ông Biden làm tổng thống thì đó cũng đều là sự dâng hiến hy sinh, chứ các ông ấy cũng chẳng sung sướng gì. Muốn sướng thân thì các ông ấy chỉ cần ở nhà là đã có đủ mọi thứ.
Trong khi ở cương vị tổng thống, họ sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề hóc búa, suy nghĩ làm việc để lựa chọn kế hoạch chống Covid-19, phục hồi kinh tế, gia tăng việc làm, xử lý thâm hụt mậu dịch.
Hay như ở Việt Nam, lãnh đạo chính trị cũng phải tính toán phát triển thủy điện thế nào để khỏi gây hại, hay làm sao để hạn chế tai nạn giao thông, giảm tỷ lệ tội phạm và nhiều vấn đề khác, mà nếu làm việc theo mục tiêu hiệu quả thì mọi người sẽ thấy là để giải quyết được hiệu quả vấn đề sẽ rất khó khăn chứ chẳng hề dễ dàng.
Cho nên những ai ưa sự an nhàn, hưởng thụ thì không phù hợp với nghề chính trị, và đừng tưởng làm lãnh đạo chính trị là sung sướng mà ham hố.
Bài học cho Việt Nam
Qua đợt bầu cử Mỹ, nhiều người bình thường vốn ít quan tâm tới chính trị cũng đã tỏ ra mạnh dạn bày tỏ quan điểm chính trị của mình.
Biểu thị quan điểm chính trị là tốt, dù đó là qua cuộc bầu cử từ nước Mỹ xa xôi, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu biểu thị cho thấy những thái độ và quan điểm chính trị lành mạnh. Để từ đó cho thấy nhận thức chính trị của người Việt đã trưởng thành và mọi người xứng đáng với một nền chính trị lành mạnh đáng có.
Với tính cách gây tranh cãi của ông Trump và với những gì ồn ào ông đã tạo ra, tôi thấy cũng có cái hay mà người Việt Nam rất cần học lấy, đó là sự bình thường của lãnh đạo chính trị, đó là đừng có thiêng hóa lãnh đạo chính trị.
Theo đó, chính trị cũng chỉ là một loại hình hoạt động trong đời sống, không khác gì một loại hình nghề nghiệp, đừng thiêng liêng hóa nó. Đó chỉ là cuộc thi thố năng lực phù hợp dựa trên một số tiêu chí đòi hỏi nhất định. Thua cuộc thì mời ông về nhà, vậy thôi.
Cho nên đối với người Việt, dù là vui vì ứng viên thắng cuộc hay buồn vì người ủng hộ bị thua, thì cũng đừng quên phải tập trung vào công việc cuộc sống của mình hiện tại, chăm chỉ làm tốt công việc của mình, yêu thương gia đình.
Và nếu có thể thì hãy tiếp tục dành mối quan tâm chính trị đó cho các vấn đề ở Việt Nam, tìm hiểu, đặt câu hỏi, nghi ngờ, giám sát, thúc đẩy, trên tinh thần xây dựng.
Còn đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam thì qua những gì dân chúng biểu lộ đối với cuộc bầu cử ở Mỹ, cũng là dịp để thấy được lòng dân. Từ đó hãy cải thiện mọi thứ, tạo lập những điều mới mẻ, san sẻ gánh nặng trách nhiệm, để cùng nhau nâng tầm Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-54866679
Quốc hội tranh luận vụ việc
trường Đại học Tôn Đức Thắng
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không bãi nhiệm, miễn nhiệm ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thực hiện thi hành kỷ luật theo quy định của pháp luật và ra quyết định cách chức.
Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 9/11, dẫn phát biểu như vừa nêu của đại biểu Ngọ Duy Hiểu Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại phiên họp Quốc hội chiều cùng ngày để trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng việc xử lý là sai thẩm quyền.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào ngày 23/10 công bố quyết định cách chức ông Lê Vinh Danh với nguyên nhân đươc nói là đã vi phạm Khoản 1, khoản 4, điều 12 Nghị định 27/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Theo lời ông Ngọ Duy Hiểu, Tổng LĐLĐ Việt Nam trong những năm qua đã tạo điều kiện tối đa để trường tự chủ, nhưng vẫn phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật và trách nhiệm giải trình.
Trong phiên chất vấn 9/11, đại biểu Dương Minh Ánh nêu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng theo nhiều ý kiến cử tri nên bỏ Bộ chủ quản thì tự chủ đại học mới có thể tiến tới thành công được như mong muốn thông qua vụ việc trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Trả lời trước quốc hội, ông Vũ Đức Đam cho biết thực tế trong luật pháp hiện không còn bộ cơ quan chủ quản mà chỉ có khái niệm cơ quan quản lý và chủ sở hữu. Tuy nhiên, cần phải sửa luật để đảm bảo được 6 nguyên tắc trong tự chủ đại học.
Về việc cách chức Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng, Chính phủ đã lập một đoàn công tác xem xét, phân tích các vấn đề liên quan và sẽ cho toàn dân biết với tinh thần công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhà trường phát triển.
66% đại biểu quốc hội Cộng sản
chưa đồng ý bỏ sổ hộ khẩu
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 7 tháng 11 năm 2020 loan tin, tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Cộng sản khoá 11 đã có 66% số lượng đại biểu Quốc hội Cộng sản không đồng ý loại bỏ sổ hộ khẩu trong năm 2021. Các đại biểu Cộng sản cho rằng, hiện tại mức độ xây dựng cơ sở dữ kiện dân cư của bộ Công an Cộng sản đang chậm.
Nên họ cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sớm, tức là vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, trong khi hệ thống cơ sở dữ kiện dân cư chưa được Công an Cộng sản hoàn thiện sẽ gây ra nhiều hậu quả, phiền hà cho người dân về vấn đề thủ tục hành chính. Ngoài vấn đề sổ hộ khẩu, đại biểu Quốc hội Cộng sản còn thảo luận về quy định nếu người dân muốn ghi danh tạm trú ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên thì phải có chỗ ở rộng tối thiểu 8m vuông sàn cho một người.
Còn nếu ghi danh cho 2 người trở lên ở chung một nhà, hoặc một phòng thì số diện tích được quy định như thế nào sẽ giao cho Chính quyền Cộng sản hướng dẫn mới được. Quy định này được được 58% đại biểu Cộng sản đồng ý với 235 người trong tổng số 402 đại biểu. Thông tin của các cuộc biểu quyết này đã làm cho dư luận Việt Nam cảm thấy buồn cười. Vì đây là lần đầu tiên mà các cuộc bỏ phiếu của đại biểu Cộng sản không phải là 100% hay 99% như vẫn diễn ra lâu nay.
https://www.sbtn.tv/66-dai-bieu-quoc-hoi-cong-san-chua-dong-y-bo-so-ho-khau/
CSVN sẽ ban hành “bộ quy tắc”
để thắt chặt kiểm soát mạng xã hội
Tin từ Hà Nội: Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin trong phiên họp của quốc hội cộng sản Việt Nam tuần qua, bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ ban hành “Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội” trong năm 2020 với yêu cầu định danh người dùng mạng.
Ông Hùng nói cùng với phát triển các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin, bộ quy tắc này buộc mọi người sử dụng mạng xã hội phải hiểu là không thể phát biểu trái với ý với nhà cầm quyền. Đề án xây dựng “Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội” đã được truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam nhắc đến từ năm 2018.
Ông Hùng khẳng định rằng thời gian qua bộ của ông xác định việc “làm sạch” không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm và “đã làm rất quyết liệt.” Ông cũng nói trong nỗ hợp tác với Việt Nam nhằm “làm sạch” không gian mạng, Facebook đã tăng cường gỡ tin bài năm 2020 gấp 30 lần so với năm 2017. Ông nói Việt Nam đã nâng cấp trung tâm giải quyết, mỗi ngày có thể sàng lọc được 300 triệu tin.
Thêm nữa, Việt Nam cũng đã làm việc “cứng rắn” với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu họ gỡ bỏ thông tin “xấu, độc” và rằng tỉ lệ gỡ bỏ thông tin này tăng lên hàng năm. Nhiều nhà hoạt động cho tự do báo chí Việt Nam nói rằng việc hình thành bộ quy tắc này là những biện pháp cứng rắn và liên tiếp của nhà cầm quyền cộng sản nhằm “đàn áp” tự do ngôn luận.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-se-ban-hanh-bo-quy-tac-de-that-chat-kiem-soat-mang-xa-hoi/
Điểm tin trong nước sáng 9/11:
Bộ trưởng nói mất rừng do dùng đồ gỗ,
dân mạng ‘gọi’ toàn nhà quan chức
Mạnh Đức
Mục lục bài viết
Tin bão khẩn cấp – cơn bão số 12
Bộ trưởng TN&MT nói mất rừng do trong nhà toàn dùng đồ gỗ, dân mạng nghi do quan chức xây dinh thự
TP.HCM: Bé trai 6 tuổi tử vong khi rơi từ tầng 8 chung cư
Hà Nội: Hàng loạt ô tô bị xịt sơn khi đỗ trong khu đô thị Dương Nội
Hà Nội: “Quên” khẩu trang, nhiều người không được vào phố đi bộ
Tuyến kè gần 20 tỷ đồng chưa làm xong đã ‘nát như tương’
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ hai (9/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Tin bão khẩn cấp – cơn bão số 12
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 04 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m.
Từ đêm nay (10/11), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão; gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng biển cao 3,0-5,0m.
Mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều nay (09/11) đến 12/11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Bộ trưởng TN&MT nói mất rừng do trong nhà toàn dùng đồ gỗ, dân mạng nghi do quan chức xây dinh thự
Thời gian qua, truyền thông trong nước liên tục phản ánh dinh thự của quan chức địa phương được xây hoành tráng bằng gỗ quý. Mới đây, hôm 6/11 trong phiên họp Quốc hội, trả lời chất vấn từ đại biểu Ksor
H’Bơ Khăp (Gia Lai), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định rằng: “Mất rừng là do chúng ta tư duy sai trái, đó là trong nhà toàn dùng đồ gỗ…”.
Với phát ngôn của ông Hà đã khiến dư luận hoài nghi về việc liệu quan chức địa phương có “góp sức” làm mất rừng.
Báo Pháp luật TP.HCM trong bài viết “Gỗ rừng chảy về nhà quan” hồi năm 2017 cho hay: “Gỗ rừng, nhất là gỗ quý ngày càng hiếm hoi… Oái oăm thay, những gì quý nhất của rừng lại được phát hiện… ở nhà quan chức!”.
Tờ báo phản ánh ngôi nhà của ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch huyện nghèo Ea Súp, Đắk Lắk được người dân gọi là “phủ ông Quang”, bởi ngôi nhà xây toàn bằng gỗ quý, phải mất 3 năm mới xong, chỉ tính riêng bộ bàn ghế đã có giá tới 1 tỷ đồng…
Tài khoản Hồng Lê nhận xét: “Mong Bộ trưởng hãy nói rõ “chúng ta” ở đây là ai, là quan chức hay là người dân”.
Tài khoản Minh khẳng định: “Chắc là quan thôi, chứ dân sao dám dùng gỗ xây nhà”.
Tài khoản Trần Bình hỏi: “Liệu quan chức có ‘đóng góp’ thêm cho việc mất rừng, vì thấy nhà quan xây lớn lắm?”…
TP.HCM: Bé trai 6 tuổi tử vong khi rơi từ tầng 8 chung cư
Bé trai khoảng 6 tuổi tử vong khi rơi từ tầng 8 chung cư Hiệp Thành City – The ParkLand ở quận 12, TP.HCM vào tối 8/11. Báo Zing dẫn tin cho biết, trước khi phát hiện bé trai tử vong, người dân chung cư nói, họ nghe thấy một tiếng động mạnh.
Qua kiểm tra, công an phường Hiệp Thành cho biết bé trai rơi từ tầng 8 chung cư này.
Theo người dân, bé trai là con của một gia đình đang sống tại chung cư. Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân vụ việc.
Hà Nội: Hàng loạt ô tô bị xịt sơn khi đỗ trong khu đô thị Dương Nội
Tối ngày 8/11, phóng viên Dân trí có mặt tại khu vực chung cư CT7 Dương Nội (thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) ghi nhận cảnh hàng loạt xe ô tô đỗ dưới đường cạnh khu đô thị bị xịt sơn lên thân xe.
Trao đổi với phóng viên tại hiện trường sự việc, một bảo vệ khu chung cư CT7 cho biết, khu vực đường nơi các xe ô tô bị xịt sơn không thuộc địa phận của chung cư, phần lớn các xe đỗ ở đây là xe của người ngoài vì cư dân chung cư đều sử dụng bãi đỗ dưới tầng hầm.
Một người dân sống trong tòa chung cư CT7 cho hay: “Có thể một số đối tượng ghen ghét những người đỗ xe ô tô trên tuyến đường này nên họ đã xịt sơn lên xe. Khu vực đường này cũng có biển báo cấm đỗ xe ô tô”.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại hiện trường có khoảng 5 chiếc ô tô (4 chiếc màu trắng và 1 chiếc ô tô màu đen) bị xịt sơn lên thân xe. Những chiếc ô tô bị xịt sơn đỗ tại các vị trí dọc theo tuyến đường dưới khu đô thị Dương Nội.
Hà Nội: “Quên” khẩu trang, nhiều người không được vào phố đi bộ
Ngày 07/11, công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng cán bộ, nhân viên y tế các phường Hàng Trống, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Gai tiếo tục đồng loạt tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt người dân không tuân thủ, quy định đeo khẩu trang phòng chống dịch Viêm phổi Vũ Hán.
Theo ghi nhận của báo Người đưa tin, tại điểm chốt Hàng Khay (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng có mặt từ sớm triển khai các hoạt đồng nhằm phòng chống dịch. Theo quan sát, đa số người dân đã có ý thức chủ động sử dụng khẩu trang bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người thơ ơ với việc chung tay chống dịch, không đeo khẩu trang nơi đông người. Không ít người ngậm ngùi ra về vì không có khẩu trang. Một số khác cho khẩu trang vào túi, chỉ khi có lực lượng chức năng nhắc nhở mới mang ra để sử dụng.
Tuyến kè gần 20 tỷ đồng chưa làm xong đã ‘nát như tương’
Một tuyến kè tại Hà Tĩnh được đầu tư gần 20 tỷ đồng, đến nay đã chậm tiến độ hơn 6 tháng, nhiều vị trí bị sụt lún, hư hỏng nặng nề.
Theo ghi nhận của báo Dân trí, dự án này mới thực hiện được khoảng 30-40% khối lượng công trình, nhiều hạng mục đang ngổn ngang. Đặc biệt, hàng trăm mét kè đã bị sụp gãy, “nát như tương”.
Nghiêm trọng hơn, việc thi công chậm cộng với hệ thống mái kè bị sụp gãy đã kéo theo nhiều nhà dân dọc bờ kè cũng sụt lún phần móng, nứt tường, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo người dân địa phương, khu dân cư dọc bờ kè có 60 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 12 hộ chưa thống nhất được phương án giải phóng mặt bằng và di dời đến khu tái định cư.
Lo lắng đất dọc bờ kè tiếp tục sạt lở làm ảnh hưởng nhà bên trong, nhiều nhà dân phải sử dụng bao tải cát lớn, cọc tre chắn các khu vực đã sạt lở.
“Bờ kè triển khai chậm nên khi mưa kéo dài đã khiến cho tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng. Nhiều gia đình bị sạt vào gần tới tận nhà phải dùng bao cát, cọc tre gia cố. Chúng tôi hết sức lo lắng”, một người dân phản ánh.
Điểm tin trong nước tối 9/11:
Sơ tán hơn 400.000 người tránh bão 12,
Biển Đông lại sắp đón bão 13
Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Bão số 12 chưa vào, Biển Đông lại sắp đón bão cấp 13-14, giật cấp 16
Chuẩn bị sơ tán hơn 400.000 người tránh bão số 12
Tổng Thanh tra: ‘Đánh giá tham nhũng rất khó khăn và trừu tượng’
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: ‘Sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa’
Mục Điểm tin trong nước tối thứ hai (9/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Bão số 12 chưa vào, Biển Đông lại sắp đón bão cấp 13-14, giật cấp 16
Áp thấp nhiệt đới ở phía đông nam Philippines đã mạnh lên thành bão (bão Vamco) và có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16 trong vòng 48h tới. Dự báo, bão Vamco tiếp tục là cơn bão mạnh trên Biển Đông và khi đổ bộ vào miền Trung.
Thông tin trên được ông Trần Quang Năng – trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) – cho biết tại buổi thông tin báo chí về cơn bão số 12 diễn ra chiều 9/11.
Theo ông Năng, chiều nay cơ quan khí tượng Nhật Bản đã phát tin bão hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông nam Philippines (bão Vamco).
“Hiện bão đang mạnh ở đầu cấp 8 và đang cách biển Đông 1.100km. Những phân tích, tính toán cho thấy bão có thể mạnh lên nhanh trong vòng 48h tới và có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16 trước khi vào Biển Đông” – ông Năng nói.
Theo ông Năng, dự báo ngày 12/11 bão Vamco đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 13. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh trên Biển Đông, bão mạnh nhất cấp 12/13, giật cấp 15.
“Sau khi vào Biển Đông, bão sẽ chủ yếu di chuyển theo hướng Tây. Dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ vào ngày 14 và 15/11 và sẽ tiếp tục gây ra đợt mưa lớn tiếp theo ở khu vực miền Trung” – ông Năng thông tin.
Nhận định về khả năng suy giảm của về cơn bão Vamco, ông Năng cho biết những phân tích ban đầu cho thấy ngoại trừ yếu tố khi bão đi qua Philippines thì bão có thể giảm 1-2 cấp. Còn các điều kiện khác vẫn đảm bảo để không làm cơn bão này suy yếu nhanh như các cơn bão trước.
Chuẩn bị sơ tán hơn 400.000 người tránh bão số 12
Trước dự đoán cơn bão số 12 sẽ đổ bộ miền Trung vào rạng sáng ngày mai, giới chức các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa đang khẩn trương di dời dân cũng như chuẩn bị các phương án nhằm giảm thiệt hại.
Theo truyền thông trong nước, có khoảng 400.000 người sẽ được di tản đến nơi an toàn trong ngày hôm nay, nhiều nhất là ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và Phú Yên.
Tính đến trưa ngày hôm nay, tâm bão bão số 12 cách đảo Song Tử Tây khoảng 160 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Khu vực nằm trong bán kính 110 km tính từ tâm bão có thể chịu gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.
Rạng sáng ngày mai, tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 120km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Tổng Thanh tra: ‘Đánh giá tham nhũng rất khó khăn và trừu tượng’
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trong buổi trả lời chất vấn sáng hôm nay đã báo cáo rằng, trong thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực mặc dù vẫn còn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà của Hà Nội hỏi, cơ sở nào để khẳng định “tình trạng tham nhũng được kiềm chế và thuyên giảm?” thì ông Khái lại cho rằng, ‘việc đánh giá tình hình tham nhũng là rất khó khăn và trừu tượng’.
Ông Lê Minh Khái cũng cho biết, khi cán bộ tham nhũng thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cơ quan đó. Ông nhấn mạnh: “Lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân mà cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì thường xảy ra việc đó”.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: ‘Sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa’
Sáng 9/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đã lật lại vấn đề chứng chỉ.
“Có rất nhiều cử tri theo dõi, những kỳ họp trước, Bộ trưởng đề cập đến là sẽ sớm bỏ những chứng chỉ (không cần thiết). Vậy cử tri quan tâm là đến bao giờ thì việc này sẽ được bỏ, để cử tri không phải “thi nhau” đi học chứng chỉ?”.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ đều tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạn viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.
Về tuyển dụng, lần này nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với những người tốt nghiệp các bằng cấp chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD-ĐT, ví dụ như ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc 3, thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ nữa.
Tương ứng, đối với tuyển sinh đại học, thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ, thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, trong nghị định vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.
Có những vị trí không cần trình độ cao thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ cấp bậc cao hơn thì chúng ta quy định trong từng vị trí việc làm, vẫn theo Bộ trưởng.
Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức.
Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính.
0 comments