Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 20/11/2020

Friday, November 20, 2020 3:24:00 PM // ,

 Tin Biển Đông – 20/11/2020

Trung Quốc sửa luật hải cảnh gây lo ngại xung đột quân sự trên Biển Đông

Mỹ Hằng

Dự luật hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc trao cho lực lượng hải cảnh nước này quyền sử dụng vũ khí tối tân để phá hủy tàu thuyền của các nước ‘xâm phạm vùng biển của Trung Quốc’.

Trở về Sài Gòn từ hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội từ 16-17/11, giảng viên luật quốc tế Hoàng Việt mang theo lo ngại mới về tình hình mới có chiều hướng căng thẳng hơn cho Việt Nam và các nước trong khu vực, liên quan tới dự luật nói trên.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 19/11, ông Hoàng Việt nói:

“Cá nhân tôi cho rằng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến xung đột quân sự trong khu vực, trên Biển Đông. Nhưng dường như ít được quan tâm đúng mức.”

Dự luật hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc có thêm điều khoản điều 19 – quy định rõ việc trao quyền rất lớn cho hải cảnh nước này để sử dụng vũ lực như một lực lượng bán quân sự với các tàu thuyền và ngư dân hoặc các đối tượng bên ngoài xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc.

Việc xác định ‘vùng biển của Trung Quốc’ hiện là vấn đề gây lo ngại nhất.

Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và vùng tiếp giáp lãnh hải của mỗi quốc gia. Nhưng Trung Quốc được cho là thường không tuân theo luật quốc tế., và đã đưa ra đường lưỡi bò bao phủ 80% Biển Đông, khẳng định đó là chủ quyền của mình.

Ông Hoàng Việt nhận định rằng đây là điều nguy hiểm, vì Trung Quốc sẽ bám vào luật do họ tạo ra để xâm phạm vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của quốc gia khác, không chỉ trên Biển Đông mà cả triên Biển Hoa Đông, dẫn đến nguy cơ xung đột ‘rất lớn’.

Hải cảnh Trung Quốc được trang bị gì?

Truyền thông Trung Quốc cho hay dự luật sửa đổi cho phép hải cảnh nước này bắn vào các tàu nước ngoài ‘vi phạm’.

Luật này cũng cho phép các tàu tuần duyên Trung Quốc ‘bị tấn công’ đáp trả bằng vũ khí trên tàu hoặc trên không; cho phép giam giữ, lai dắt các tàu nước ngoài được coi là đã xâm nhập trái phép vào vùng biển Trung Quốc.

Những quyền này, theo Trung Quốc, là để “bảo vệ tài nguyên biển và ngành đánh cá” của nước này.

Dự thảo luật sửa đổi không nêu rõ loại vũ khí nào sẽ được dùng, nhưng vào cuối 2019, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có 130 tàu, trong đó có các tàu trọng tải hơn 10.000 tấn được trang bị pháo 76 mm – được xếp vào các tàu tuần duyên lớn nhất thế giới.

Bình luận về dự thảo này trong phiên thảo luận tại hội thảo nói trên, GS Carl Thayer từ Úc nói rằng đây là “bình mới rượu cũ” để Trung Quốc tiếp tục yêu sách đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông.

Nguy cơ xung đột quân sự

Lo ngại Trung Quốc thông qua luật này và qua đó tăng cường xâm phạm trái phép vùng biển của các quốc gia khác đã dấy lên trong giới khoa học quốc tế tại hội thảo vừa qua ở Hà Nội.

Ông Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc muốn dùng luật này làm bình phong để đạt được các mục đích chính trị và kinh tế của mình, nhằm buộc các quốc gia bị bắt nạt phải nhượng bộ.

Trước hết Trung Quốc sẽ thăm dò phản ứng của các nước bằng cách tăng cường các vụ va chạm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, chẳng hạn như vụ bắn tàu cá Việt Nam vừa qua. Nếu các nước không đồng lòng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và kịp thời, Trung Quốc sẽ đi các bước tiếp theo.

Về mặt lý thuyết luật pháp, cảnh sát biển là cơ quan hành pháp của Trung Quốc, không phải là cơ quan quân đội. Do đó Trung Quốc có thể nói rằng khi có xung đột trên biển, họ không sử dụng vũ lực quân đội.

“Nhưng có rất nhiều quốc gia Đông Nam Á trong vùng tranh chấp Biển Đông không đủ tiềm lực hải cảnh tương đồng với Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, có thể họ sẽ phải sử dụng lực lượng hải quân để chống trả. Việc này tạo cớ cho Trung Quốc đáp trả bằng vũ lực quân đội, dẫn đến khả năng lớn xảy ra xung đột quân sự trong khu vực,” ông Hoàng Việt phân tích.

Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, bình luận tại hội thảo rằng việc Trung Quốc không làm rõ khu vực biển áp dụng dự luật “sẽ đặt ra một vấn đề quốc tế nghiêm trọng”, theo VNExpress.

Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19

TQ lại lấn át ở Biển Đông, VN còn trông đợi Mỹ được không?

Carl Thayer nhận định việc Mỹ mời VN tập trận Vành đai Thái Bình Dương

USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Mỹ gửi tín hiệu gì cho VN và TQ?

Những tiếng nói yếu ớt

Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội vừa qua, một số học giả quốc tế đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về dự luật hải cảnh của Trung Quốc. Nhưng các học giả Trung Quốc có mặt tại hội thảo phát biểu rằng đây là vấn đề luật pháp nội bộ của nước họ nên quốc tế không cần phải quan tâm.

Các nhà khoa học Việt Nam cũng lên tiếng về dự luận, nhưng “hết sức chung chung”, theo quan sát của ông Hoàng Việt. Nhật Bản là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất. Các quốc gia Đông Nam Á khác “chưa thấy lên tiếng gì”.

Trong khi đối thủ được cho là mạnh nhất hiện nay của Trung Quốc – Hoa Kỳ – đang bận với kết quả bầu cử và chuyển giao quyền lực cho tổng thống mới, ông Hoàng Việt nhận định rằng Trung Quốc nhân cơ hội này sẽ tăng tốc để tạo nên các sự đã rồi, không thể thay đổi được về sau.

Với việc phản ứng của các quốc gia đối với dự luật hải cảnh của Trung Quốc hiện được cho là quá nhẹ nhàng và không đủ lực, ông Hoàng Việt nhận định rằng khả năng ngăn chặn Trung Quốc thông qua luật vào ngày 3/12 gần như bằng không.

Ông nói thêm: “Các quốc gia khu vực và trên thế giới có nhiều lợi ích và toan tính riêng. Họ nghĩ rằng có lẽ Trung Quốc sẽ trừ mình ra… Philippines trước mạnh miệng trước Trung Quốc sau lại có nhiều hoạt động kinh tế, chính trị với Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác cũng vậy.”

“Từ thời Mỹ lên tiếng mạnh mẽ thì một số nước mới lên tiếng. Nếu không các nước cũng rất im lặng. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đạt được những mục đích của họ trong một thế giới mà trật tự đang có nhiều biến động, và các nước có vẻ không thật sự đồng lòng mà chỉ lo việc của “nhà mình”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54997488

Đại sứ EU: Không bao giờ tuân theo quy tắc

 ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ về Biển Đông

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti vừa phát biểu tại một hội thảo về Biển Đông rằng EU sẽ không bao giờ tuân theo nguyên tắc “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 17/11, Đại sứ Aliberti nói rằng EU đang phát triển một hoạt động mới được gọi là Sự hiện diện Hàng hải Phối hợp (CMP), theo đó các lực lượng hải quân sẽ luân phiên tuần tra một khu vực, có thể bao gồm cả Biển Đông “trong một tương lai không xa.”

Ngoài ra, đại sứ EU cũng tiết lộ rằng EU hiện đang triển khai các cố vấn quân sự cho các Phái đoàn của mình tại nhiều nước châu Á, và “điều này sẽ cho phép EU đóng một vai trò lớn hơn” trong các vấn đề an ninh “cứng rắn” trong khu vực.

Trang thông tin của Liên minh châu Âu tại Việt Nam hôm 18/11 cho biết trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Aliberti đã nhắc lại quan điểm của EU về “sự cần thiết bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình” tuân thủ theo Luật pháp Quốc tế và quan trọng hơn là Công ước Quốc tế và Luật Biển (UNCLOS).

Tại buổi hội thảo với chủ đề Duy trì Hòa bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động, nhà ngoại giao châu Âu nhắc lại phát biểu của Đại diện Ngoại giao cấp cao – Phó Chủ tịch Ủy ban EU Josep Borrell tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – EU vào tháng 9 năm ngoái: “Liên minh châu Âu không cho phép các quốc gia đơn phương phá hoại luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, theo đó tạo ra một mối nguy hại tới sự phát triển hòa bình trong khu vực.”

Trong bài phát biểu được đăng trên trang web của Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) – một trong các đơn vị đồng tổ chức cuộc hội thảo kéo dài hai ngày, Đại sứ Aliberti nói: “Chủ đề này không mới, nhưng tình hình căng thẳng lại gia tăng mỗi ngày, trong bối cảnh các sự cố trên biển lặp đi lặp lại, quân sự hóa ngày càng tăng và vi phạm luật pháp quốc tế ở mức thường xuyên, nơi có vẻ như quy tắc phổ biến là “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đang tồn tại. Nhưng với tư cách là Đại sứ của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, tôi chỉ có thể nhắc lại với các bạn Việt Nam và các đối tác trong khu vực rằng EU sẽ không bao giờ tuân thủ quy tắc này.”

Trả lời phỏng vấn trang Zing News hôm 19/11, Đại sứ Aliberti cho biết “các hành động cụ thể hơn về vấn đề Biển Đông cũng phụ thuộc nhiều vào từng nước thành viên EU.”

Đại sứ EU cho biết “nếu Anh, Pháp điều tàu thuyền tới tuần tra ở Biển Đông, có thể các nước khác cũng làm tương tự.”

“Chúng tôi không có hải quân chung của châu Âu, nên không thể đưa tàu ‘EU’ tới đây… Nhưng quy tắc quốc tế thì chúng tôi tiếp tục tôn trọng và giữ vững”, ông Aliberti khẳng định.

Phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói: “Việt Nam hy vọng các bên sẽ tích cực, sáng tạo tìm các biện pháp thu hẹp bất đồng, kiểm soát và giải quyết hoà bình các tranh chấp hiện nay thông qua đàm phán và các cơ chế khác phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành.”

https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-eu-khong-bao-gio-tuan-theo-quy-tac-le-phai-thuoc-ve-ke-manh-ve-bien-dong/5670126.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.