Tin khắp nơi – 20/11/2020
Thượng đỉnh APEC: Trump thể hiện
vị trí nguyên thủ Mỹ trên trường quốc tế
Thu Hằng
Vắng bóng trong các hoạt động ngoại cấp cao của khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến thượng đỉnh các lãnh đạo những nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương – Diễn đàn Hợp tác Kinh tế (APEC) tối 20/11/2020. Thượng đỉnh APEC 2020 do Malaysia tổ chức, khai mạc ngày hôm nay, 20/11/2020.
Các nước trong khu vực đánh giá sự vắng mặt của ông Donald Trump tại các cuộc họp của APEC là dấu hiệu Mỹ không quan tâm đến khu vực. Bắc Kinh đã tranh thủ cơ hội để gia tăng vai trò tại APEC trong những năm gần đây. Vai trò của Trung Quốc được chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong bài diễn văn tại diễn đàn Đối thoại các lãnh đạo doanh nghiệp APEC ngày 19/11, khi tái khẳng định Trung Quốc tiếp tục là đầu tầu thương mại của thế giới và hứa “mở cửa hơn” thị trường nội địa cho đầu tư nước ngoài.
Thông tin tổng thống Trump tham dự diễn đàn APEC chỉ được một quan chức cấp cao của Mỹ xác nhận với AFP ngày 19/11. Theo nhà phân tích Oh Ei Sun, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, quyết định được cho là vào phút chót này là nhằm “khẳng định vị thế tổng thống trên trường quốc tế”. Ngoài ra, vẫn theo chuyên gia Singapore, “ông Trump muốn nắm lấy cơ hội này để thể hiện ông là đương kim tổng thống Mỹ và phục vụ cho chính sách đối nội”.
Còn theo Reuters, lãnh đạo của 21 nền kinh tế APEC một mặt kêu gọi quan hệ thương mại mở rộng hơn và đa phương để hỗ trợ tái thiết kinh tế, mặt khác cảnh báo về những chính sách thương mại bảo hộ, như cách tổng thống Trump áp dụng từ năm 2017.
Tại thượng đỉnh năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế đã không ra được thông cáo chung vì bất đồng thương mại Mỹ-Trung. Khối APEC gồm 21 thành viên và chiếm đến 60% GDP toàn thế giới.
Mỹ – EU: Donald Trump hay chính nước Mỹ muốn rời xa châu Âu ?
Minh Anh
Ngày 18/11/2020, hai ngoại trưởng, Jean-Yves Le Drian của Pháp và Heiko Maas của Đức, trên mục diễn đàn của báo Le Monde kêu gọi Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cùng nhau xây dựng lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đang ngày càng trở nên lạnh nhạt. Hố ngăn cách đôi bờ đặc biệt thêm sâu thẳm dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong nhãn quan của Hoa Kỳ, từ lâu nay, châu Âu dường như không còn có một tầm quan trọng như trước. Có ít nhất ba yếu tố giải thích xu hướng Mỹ xa cách châu Âu.
Châu Âu và Mỹ : « Tuy gần mà xa »
Thứ nhất là về mặt địa lý. Trang mạng France Culture đưa ra một sự so sánh khá thú vị. Ba phần tư vùng duyên hải Mỹ là hướng về Đại Tây Dương, tức là hướng về châu Âu và chỉ có ¼ là hướng sang Thái Bình Dương. Khoảng cách gần nhất từ Mỹ đến thành phố Lisboa (Bồ Đào Nha) là 5.500 km. Nhưng nếu tính gộp các đảo của Mỹ từ Alaska, Hawai, Guam, quần đảo Marianne, thì trong một chừng mực nào đó châu Á có vẻ như gần với Mỹ hơn là châu Âu. Bởi vì đảo Guam của Mỹ chỉ cách Thượng Hải có 3.000 km.
Hơn nữa, đối với Mỹ, không có Hợp Chủng Quốc Châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu chỉ là những mảnh ghép vụn giả tạo, xếp chồng lên nhau mà không có một sự liên kết rõ ràng. Châu Âu không tồn tại như là một thực thể chính trị. Thế nên, mới có câu nói nổi tiếng của cựu ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger : Châu Âu ư ? Phải gọi số điện thoại nào, nếu phải bàn công chuyện.
Người « Da Trắng thiểu số »
Yếu tố thứ hai có một tác động quan trọng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chính là vấn đề nhân khẩu học. Hoa Kỳ từ ngày lập quốc cho đến tận những năm 1970 có thể được xem như là nước Mỹ « Da Trắng », gốc châu Âu, với những làn sóng di dân ồ ạt trong các giai đoạn 1840-1880 (9 triệu người châu Âu di cư sang Mỹ) và 1880-1914 (21 triệu), và nhất là vào thời điểm Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO được thành lập (1949). Lúc đó, trong tổng số 150,7 triệu người Mỹ, người châu Âu « Da Trắng » chiếm đến 135 triệu người.
Tuy nhiên, một nghiên cứu do Pew Research Center thực hiện, được nhật báo Pháp Les Echos trích dẫn, cho thấy dòng di cư người châu Âu bắt đầu giảm dần, thay vào đó là di dân đến từ các vùng Nam Mỹ, châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Vẫn theo nhật báo kinh tế này, hiện tượng « phi châu Âu hóa » ở Mỹ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cho quan hệ Mỹ và châu Âu ngày càng lạnh nhạt. Người dân châu Âu ngày càng tỏ thái độ nghi kỵ đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, dù rằng công luận châu Âu vẫn có một cái nhìn thiện cảm với Mỹ hơn là Trung Quốc.
Châu Âu « già cỗi » không sánh bằng châu Á « năng động »
Nhưng có lẽ, kinh tế mới chính là vấn đề cốt lõi khiến Mỹ mỗi lúc thêm rời xa châu Âu. Một mặt, Hoa Kỳ, nhất là tổng thống Donald Trump, xem châu Âu như là một đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác. Tuy châu Âu vẫn được cho là một cường quốc thương mại hàng đầu, đối tác thương mại chính của Mỹ, nhưng lợi thế cán cân thương mại vẫn nghiêng về phía châu lục già. Châu Âu bị quy trách nhiệm cho việc Mỹ bị thâm thủng mậu dịch đến 20%.
Mặt khác, châu Âu ngày càng bị xem như là một tác nhân thứ yếu, bởi vì nền kinh tế thế giới đang dần dịch chuyển sang châu Á. Chính vì điều này mà nước Mỹ thời tổng thống Obama đã đề ra chính sách « xoay trục sang châu Á » và ưu tiên đàm phán với 11 quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương một thỏa thuận hợp tác xuyên Thái Bình Dương. Và cũng chính vì lý do này mà Hoa Kỳ thời Donald Trump tiến hành cuộc chiến thương mại trực diện chống Trung Quốc.
Việc Mỹ rời xa dần châu Âu còn diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân Mỹ mang xu hướng co cụm, bảo hộ mậu dịch, và cho rằng mối quan hệ với châu Âu chẳng mang lại lợi ích gì. Và ưu tiên hiện nay là phải chống lại Trung Quốc.
Thế nên, sự xa cách dần này là một tiến triển mang tính cơ cấu, có nhiều nguồn gốc xâu xa hơn là những ý nghĩa ngông cuồng ngẫu hứng từ Donald Trump !
Tại Paris, ngoại trưởng Mỹ bảo vệ
chính sách chống Trung Quốc của Donald Trump
Mai Vân
Nhân chuyến ghé thăm Paris, chặng đầu tiên trong vòng công du đã đưa ông qua một số nước châu Âu và Cận Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dành cho nhật báo Pháp Le Figaro một bài phỏng vấn độc quyền, đăng trên số ra ngày 17/11/2020. Trả lời nhật báo thiên hữu lớn nhất tại Pháp, ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ thêm về chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là chủ trương chống Trung Quốc của tổng thống Donald Trump.
Theo nhận xét của Le Figaro, nhìn chung, ngoại trưởng Mỹ đã tìm cách phản bác các lập luận thường được đưa ra là trong thời gian bốn năm qua, Hoa Kỳ đã co cụm lại. Câu nói của ông Pompeo “Mỹ bị cáo buộc là đã bỏ rơi thế giới, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại” đã đươc Le Figaro nêu bật thành tựa toàn văn bài phỏng vấn.
Ngoại giao thời Trump: Không vồn vã bề ngoài, chỉ chú ý kết quả
Bài phỏng vấn trên Le Figaro là cơ hội để ngoại trưởng Mỹ bảo vệ đường lối đối ngoại của chính quyền Donald Trump thường được xem là đi ngược lại với chính sách ngoại giao truyền thống của Hoa Kỳ, điều được tờ báo Pháp tóm gọn trong thành ngữ “xét lại phần lớn các định đề truyền thống của nền ngoại giao Mỹ”. Trên vấn đề này, ông Pompeo đã giải thích rõ ràng về hướng tiếp cận có thể gọi là “phá lệ” của tổng thống Mỹ:
Mike Pompeo: “Có ba điều (cần lưu ý). Điều đầu tiên là cách tiếp cận của tổng thống Trump là quan sát và chú ý đến những sự việc thực tế. Chúng tôi đã lược bỏ một số yếu tố “nhã nhặn” bề ngoài thường thấy vì một chính sách nhắm vào kết quả. Chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian để xác định lại xem cái gì là quan trọng nhất để bảo đảm an ninh cho người dân Mỹ.
Chúng tôi cũng đã bác bỏ ý tưởng theo đó phương Tây đang co cụm vì chúng tôi không tin vào định đề này. Chúng tôi nghĩ là phương Tây cuối cùng sẽ thắng, và hệ thống giá trị của chúng ta phải được bảo vệ. Chính vì thế mà chúng tôi đã nỗ lực chống lại các hành động của đảng Cộng Sản Trung Quốc trên thế giới, kể cả ở Pháp. Chúng tôi cũng đã chống lại mối đe dọa khủng bố của các thành phần Hồi Giáo cực đoan.
Tất cả những đe dọa đó không chỉ đặt ra vấn đề an ninh mà còn nhằm làm suy yếu các giá trị của phương Tây vốn đã đóng góp rất nhiều cho hòa bình và thịnh vượng chung. Khi nước Mỹ mạnh – điều mà tổng thống gọi là “Nước Mỹ trước tiên”, thì an ninh toàn thế giới cũng được tăng cường.
Người ta đã cáo buộc chúng tôi là đã bỏ rơi thế giới. Tôi nghĩ rằng thực tế hoàn toàn ngược lại. Bằng cách áp dụng quan điểm bảo thủ và thực tế, phù hợp với các nguyên tắc của những người đã sáng lập nước Mỹ, những nguyên tắc nổi tiếng được Tocqueville ca ngợi, tôi cho rằng chúng tôi đã phục vụ lợi ích rộng lớn hơn của thế giới.
Ông Trump đã nhận thức nguy cơ Trung Quốc ngay từ năm 2016
Về vấn đề Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ đã phản bác lập luận theo đó nhờ đã khống chế được dịch Covid-19, Bắc Kinh đã lấy lại được sức mạnh kinh tế để quay trở lại châu Âu vẫn đang bị dịch bệnh, qua đó làm suy yếu nỗ lực của Mỹ chống lại Trung Quốc.
Mike Pompeo: Trước tiên hãy nói về các vấn đề chiến thuật, và sự xuất hiện của con virus đến từ Vũ Hán. Đó là một triệu chứng cho thấy bản chất chế độ độc tài Trung Quốc, và việc cho rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ điều này là một suy nghĩ không công bằng. Không ai bị lừa (về việc này) khi thấy cuộc sống của mọi người đều bị con virus tác hại, thể hiện qua con số tử vong hay tình trạng bị phong tỏa mà chúng ta đều phải trải qua. […]
Tôi tin rằng cả về vac-xin và liệu pháp điều trị virus, và cả về mặt kinh tế, phương Tây sẽ phục hồi. Sẽ mất một chút thời gian, nhưng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu.
Về liên minh mà chúng tôi đang hình thành, tổng thống Trump đã xác định mối nguy hiểm của Trung Quốc ngay từ chiến dịch tranh cử của ông vào năm 2015-2016. Chúng tôi đã phải mất một chút thời gian để đưa ra một cách tiếp cận mang tính cấu trúc toàn diện, trước tiên là vì cần thuyết phục dư luận bên trong nước Mỹ, nơi mà nhiều nhóm kinh tế được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc.
Sau đó, chúng tôi đã mở rộng cách tiếp cận đó ra bên ngoài, vừa bên trong nhóm Bộ Tứ Quad, liên minh bốn quốc gia (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc), mà chúng tôi đã thiết lập để chống lại Trung Quốc, vừa bên trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu.
Trường hợp Việt Nam là ví dụ cụ thể về mối nguy Trung Quốc
Theo ngoại trưởng Mỹ, chế độ của đảng Cộng Sản Trung Quốc rất nguy hiểm và ông đã nêu hành động bức hiếp Việt Nam của Bắc Kinh làm ví dụ:
Mike Pompeo: Chúng tôi đang đi đúng hướng của lịch sử trong vấn đề này, và chính vì thế mà chúng tôi phải cố gắng thuyết phục công luận tại Mỹ và tại các nước đồng minh, ngay cả khi có thể phải trả giá trong ngắn hạn và ngay cả khi một số vẫn cảm thấy rằng đặt cược vào Trung Quốc là một lựa chọn tốt. Lý do là vì nếu chúng ta bỏ cuộc, chúng ta sẽ lâm vào tình thế của những thuộc địa chứ không phải là của các đối tác trước chế độ độc tài Trung Quốc.
Phải công nhận rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã giúp chúng tôi bảo vệ lập trường này. Không đơn thuần là qua con virus. Hãy xem ví dụ về Việt Nam, nước đang tìm cách khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hoàn toàn không có bất kỳ tranh cãi nào về định nghĩa thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thế nhưng Trung Quốc lại tranh giành vùng đó.
Hãy xem trường hợp của Úc, nước đã có lập trường rõ ràng (để bảo vệ nền độc lập của mình). Trung Quốc hiện đang muốn bắt Úc phải trả giá về kinh tế vì lập trường đó.
Vì thế chúng ta phải đoàn kết để duy trì luật pháp, và ở Pháp cũng vậy. Trung Quốc đang hoạt động bên trong biên giới của chúng ta để tranh giành ảnh hưởng, đặc biệt là thông qua các Viện Khổng Tử. Chúng tôi cũng đã phải đóng cửa một lãnh sự quán Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động gián điệp.
Tôi tin rằng tất cả những ai thiết tha với trật tự quốc tế và chủ quyền quốc gia đều sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo trật tự và chủ quyền này.
Mỹ “lo ngại” về các hành động “rất hung hăng” của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài vấn đề Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ còn đề cập đến tình hình một số nơi ở châu Âu và vùng Trung Cận Đông, đặc biệt là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Mike Pompeo, Mỹ và châu Âu cần hợp tác để tìm cách đối phó với các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tháng qua mà ông cũng cho là “rất hung hăng”, từ việc hỗ trợ cho Azerbaijan chống Armenia trong cuộc xung đột ở vùng Thượng Karabakh, cho đến các động thái quân sự ở Libya và Địa Trung Hải.
Đối với ngoại trưởng Mỹ, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sử dụng năng lực quân sự đang khiến Hoa Kỳ lo ngại, và Washington đã bày tỏ thái độ “quan ngại” cả một cách công khai lẫn trong các cuộc tiếp xúc riêng.
Hoa Kỳ gọi phong trào tẩy chay Israel là chủ nghĩa chống Do Thái
Tin Washington DC – Trong bối cảnh chỉ còn 2 tháng cầm quyền, chính phủ Trump tiếp tục khẳng định lập trường trong chính sách Trung Đông, bằng hành động ủng hộ Israel một cách mạnh mẽ.
Vào thứ Năm, 19 tháng 11, Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã thông báo một loạt các biện pháp nhằm chống lại phong trào BDS, là phong trào quốc tế kêu gọi tẩy chay, giảm đầu tư, và trừng phạt Israel. Phong trào BDS được sáng lập bởi nhà hoạt động người Palestine Omar Barghouti, muốn dùng áp lực kinh tế để phản đối sự chiếm đóng của Israel và ủng hộ việc lập quốc cho người Palestine.
Israel đã ban hành nhiều biện pháp để nghiêm cấm các hoạt động của phong trào BDS bên trong lãnh thổ nước này. Hiện tại, nỗ lực của Israel đang nhận được hỗ trợ lớn từ chính phủ Trump.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ Tướng Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, Ngoại Trưởng Pompeo cam kết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ chống lại phong trào BDS toàn cầu, vì phong trào này đại diện cho chủ nghĩa chống Do Thái.
Trong thời gian tới, các cơ quan Hoa Kỳ sẽ nhận dạng và thu hồi tài trợ đối với các tổ chức có liên quan với phong trào BDS. Ông Pompeo cũng đưa ra hướng dẫn mới, yêu cầu rằng hàng hóa sản xuất tại khu vực do Israel kiểm soát tại West Bank phải được dán nhãn là Made in Israel khi nhập cảng vào Hoa Kỳ. Ủy Ban Quốc Gia BDS Palestine đã mạnh mẽ bác bỏ các tuyên bố của Ngoại Trưởng Pompeo, nói rằng việc gọi phong trào của họ là chủ nghĩa chống Do Thái là một sự bôi nhọ.
Cũng trong ngày thứ Năm, Ngoại Trưởng Pompeo đã bất ngờ ghé thăm nhiều khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở West Bank và cao nguyên Golan, nhằm thể hiện sự ủng hộ của ông đối với các khu định cư này. Thủ Tướng Netanyahu đang xem xét sát nhập phần lớn vùng West Bank, khu vực được người Palestine coi là không thể thiếu trong kế hoạch lập quốc của họ (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-goi-phong-trao-tay-chay-israel-la-chu-nghia-chong-do-thai/
Tổng Thống Trump không có kế hoạch
tổ chức hội nghị kinh tế thượng đỉnh G-7
Tin từ Washington – Hôm thứ tư (18/11), ba nguồn tin ngoại giao cho biết, tổng thống Trump không có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-7, sau khi hủy hội nghị trên vào tháng 6/2020 vì đại dịch Covid-19.
Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng hiện không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh khác trước khi tổng thống trao quyền vào ngày 20/1/2021.
Ba nguồn tin ngoại giao trên cho biết, chính quyền tổng thống Trump không đưa ra chi tiết về thời gian hoặc chương trình nghị sự cho một hội nghị thượng đỉnh G-7 khác trong tương lai. Một trong những nguồn tin cho biết thêm, mặc dù cuộc họp trực tuyến vẫn có thể được tổ chức nhưng không có bất kỳ tuyên bố chung nào được đưa ra, quá trình này thường mất hàng tháng.
Vào tháng 3/2020, tổng thống Trump lần đầu hủy kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-7 được dự kiến diễn ra vào tháng 6/2020 do đại dịch, nhưng sau đó đã tìm cách tổ chức lại.
Vào tháng 8/2020, tổng thống cho biết có xu hướng tổ chức cuộc họp trên trong một bầu không khí yên bình hơn sau cuộc bầu cử tổng thống nhưng cho tới nay vẫn không có một hành động nào để tổ chức.
Tổng thống Trump cũng cho biết sẽ mở rộng danh sách khách mời bao gồm Úc, Nga, Nam Hàn và Ấn Độ. Tổng thống có thúc đẩy Nga tham gia nhưng đã vấp phải sự lạnh nhạt từ Đức và các đồng minh khác. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-khong-co-ke-hoach-to-chuc-hoi-nghi-kinh-te-thuong-dinh-g-7/
Đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu
và làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc
An Liên
Tiến sĩ Richard Gordon đã có bài bình luận trên tờ The Epoch Times thảo luận về việc tác động của dịch bệnh với chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tẩy chay hàng Trung Quốc. Sau đây là toàn văn bài viết:
Hầu hết các cuốn sách về chuỗi cung ứng và toàn cầu hóa đều xem người tiêu dùng là một nhân tố tồn tại một cách hiển nhiên, khi bỏ qua thực tế rằng ở đầu cuối của mọi chuỗi cung ứng rốt cục đều là khách hàng.
Một sự thay đổi mới về kinh tế trên toàn cầu đang diễn ra để đáp lại hành vi của chính quyền Trung Quốc trong việc phát tán và từ chối trách nhiệm đối với đại dịch COVID-19. Điều này được phản ánh qua những hành động của các doanh nghiệp khi không còn đặt hàng từ Trung Quốc, cũng như những cá nhân khi phớt lờ các mặt hàng trong các cửa tiệm có gắn nhãn “Made in China”.
Cuốn sách mới nhất về chuỗi cung ứng “The New (Ab) Normal: Reshaping Business and Supply Chain Strategy Beyond Covid-19 (Sự [bất] bình thường mới: Định hình lại chiến lược kinh doanh và chuỗi cung ứng hậu Covid-19)” của tác giả Yossi Sheffi được xuất bản gần đây, tuy rằng đã cho thấy một cái nhìn tổng quan tuyệt vời về chuỗi cung ứng toàn cầu và tương lai của ngành thương mại điện tử, nhưng lại thất bại khi bỏ sót không đề cập đến hành vi của Trung Quốc trong việc thâu gom lượng lớn khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân khi họ để mặc dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra toàn cầu, việc đồng lõa giấu dịch với Tổ chức Y tế Thế giới, việc quân đội Trung Quốc nắm quyền kiểm soát phòng thí nghiệm Vũ Hán vốn có thể là nơi bắt nguồn COVID-19, vụ hỏa hoạn “ngẫu nhiên” tại phòng thí nghiệm này vốn đã có thể phá hủy các hồ sơ liên quan đến virus, nỗ lực của Trung Quốc trong việc đổ lỗi cho các nước khác là nơi khởi nguồn COVID-19, và sự che đậy vai trò của mình trong việc biến dịch bệnh cục bộ trở thành đại dịch toàn cầu, cũng như việc dọa nạt tẩy chay những nước nào có thái độ chỉ trích cách xử lý dịch bệnh thiếu trách nhiệm của Bắc Kinh (ví như Úc).
Trong khi cách ly tại nhà và chờ vắc-xin, hầu hết người dân khắp thế giới đều đang tránh mua các sản phẩm của Trung Quốc, còn các doanh nghiệp cũng đang rời khỏi Trung Quốc – không chỉ vì hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ hay chi phí lao động ở đây đã tăng lên. Sự tẩy chay này hiếm khi xuất hiện trên các diễn đàn tin tức hoặc trong các cuộc thảo luận trước công chúng của các chính trị gia, có lẽ vì các chính trị gia cũng không kiểm soát được nó. Sự tẩy chay này đang diễn ra ở cấp độ cá nhân và ở cấp độ các doanh nghiệp nhỏ và lớn. Tôi biết nhiều chủ doanh nghiệp từ chối mua hàng Trung Quốc.
Đây là một vấn đề đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể dẫn đến sự sụp đổ của nó (như được mô tả trong cuốn “Sự sụp đổ cận kề của Trung Quốc” của tác giả Gordon Cheng, và “Chủ nghĩa tư bản lợi ích nhóm của Trung Quốc: Động lực thúc đẩy sự suy tàn của chế độ” của tác giả Minxin Pei), như đã xảy ra với Liên Xô sau thảm họa Chernobyl. Thật khó để trở thành công xưởng của thế giới, và tiến
tới thống trị thế giới (“Cuộc đua Marathon Trăm năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu” của tác giả Michael Pillsbury), nếu không ai mua đồ của bạn.
Hãy xem xét lời khuyên của tác giả Jeremy Haft trong cuốn “Tất cả hương vị trà ở Trung Quốc: Cách mua, bán và kiếm tiền ở đại lục” và “Unmade in China: Sự thật ẩn giấu về phép lạ kinh tế Trung Quốc”:
1. Không mua gì từ Trung Quốc
2. Bán bất cứ thứ gì từ Trung Quốc
Sách của ông Haft được viết trước đại dịch, lúc đó chủ yếu đặt trọng tâm thảo luận về chất lượng và tính độc hại của nhiều sản phẩm từ Trung Quốc. Nhưng bây giờ chúng ta phải đối mặt với một hiện tượng mới: ‘sự phẫn nộ’. Sự phẫn nộ này được làm nổi bật với những báo cáo về thức ăn cho chó bị nhiễm độc, vấn nạn lao động cưỡng bức, việc bỏ tù hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những người bất đồng chính kiến, cộng với hành vi che dấu dịch bệnh của Bắc Kinh.
Sự tẩy chay này có thể là điều đang đánh thức ngay cả những tập đoàn khổng lồ, một số công ty đã chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc. Có lúc toàn bộ đất nước, chẳng hạn như Ấn Độ, đang tẩy chay Trung Quốc. Những lời đe dọa tẩy chay của Trung Quốc đối với những người không hợp tác với họ hoặc bị coi là trò bịp bợm hoặc sẽ dẫn tới phản ứng chuyển rời sang sản xuất trong nước và tại địa phương chứ không còn nhập khẩu từ Trung Quốc như trước.
75% lượng ma túy trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, một thực trạng đã trở thành mối quan tâm lớn của các chính phủ, cùng với câu hỏi về mạng 5G và tính bảo mật đi kèm. Đã đến lúc chúng ta cần thảo luận cởi mở về việc tẩy chay Trung Quốc trên thực tiễn.
Tiến sĩ Gordon là nhà nghiên cứu tại Trung tâm C.S. Mott về Tăng trưởng và Phát triển Con người tại Đại học Bang Wayne ở Detroit, tiểu bang Michigan, Mỹ và là tình nguyện viên tại Phòng thí nghiệm Hải dương Mẫu vật vùng Vịnh ở Panacea, tiểu bang Florida.
Chỉ bằng ‘một động tác’, Bắc Kinh đã giúp Triều Tiên
né lệnh trừng phạt của LHQ từ năm 2017
Thiện Phong
Secretchina cho hay, chính quyền Trung Quốc đã giúp Triều Tiên trì hoãn lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) bằng việc phủ quyết duy nhất một thông số trong nghị quyết của hội đồng này. Ngoài ra, Bắc Kinh còn giúp Bình Nhưỡng duy trì quyền lực bằng nhiều cách.
Năm 2017, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết nhằm trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, chỉ cho phép nước này nhập hàng năm 500.000 thùng dầu tinh luyện. Thế nhưng, Trung Quốc và Nga nhất quyết đòi thay đơn vị tính từ “thùng” sang “tấn”. Yêu cầu này đã trì hoãn lệnh cấm của LHQ đối với Triều Tiên suốt hơn 3 năm qua.
Vào ngày 17/11 vừa qua, LHQ một lần nữa lại gặp trở ngại trước sự phản đối của Trung-Nga và không thể thông qua lệnh cấm.
Với tư cách là Chủ tịch hiện tại của ủy ban trừng phạt, Đức đã bày tỏ sự không hài lòng đối với các hành động của Trung-Nga. Sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo An do Berlin yêu cầu, Đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc ông Christoph Heusgen đã phàn nàn rằng, đến nay, Nga và Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận sử dụng “thùng” làm đơn vị tính.
Sự lên án của Hausgen chắc chắn đã khiến LHQ và Uỷ ban chịu trách nhiệm về trừng phạt Triều Tiên mất uy tín, đây không phải là một vấn đề khó giải quyết, nhưng rõ ràng là cả phái đoàn Trung Quốc và Nga đều đang lợi dụng nó về mặt chính trị. Cho đến nay, phái đoàn Trung Quốc và Nga chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.
Theo nghị quyết số 2375 của Hội đồng Bảo an LHQ về các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên được ký vào tháng 9/2017 rõ ràng nghiêm cấm “tàu thuyền giao hàng”. Tuy nhiên, vệ tinh do thám của Mỹ đã chụp được hơn 30 hình ảnh tàu Triều Tiên và tàu Trung Quốc trao đổi dầu trên vùng biển ngoài khơi phía Tây Hoa Đông.
Vào ngày 25/12/2017, Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Seoul và các nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ rằng từ tháng 10 cùng năm, các vệ tinh do thám của Mỹ đã liên tiếp ghi nhận được hàng trăm đến hàng nghìn tấn dầu và các hàng hóa khác được trao đổi giữa các tàu của Triều Tiên và Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi phía Tây Hoa Đông. Thông qua các vệ tinh do thám, Hoa Kỳ đã tìm ra tên của các tàu Triều Tiên và Trung Quốc.
Vào ngày 21/11/2017, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố một bức ảnh chụp các tàu của Triều Tiên trên biển cùng với các tàu của các quốc gia khác như Trung Quốc, và chúng được kết nối với nhau để tiến hành “giao hàng giữa các thuyền”.
Triều Tiên không chỉ nhập lậu các sản phẩm dầu mỏ mà còn mua các mặt hàng cần thiết cho việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa thông qua các công ty Trung Quốc.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ (C4ADS) và Viện Sejong của Hàn Quốc cùng công bố và tiết lộ về “Báo cáo phân tích giao dịch ngoại hối của Triều Tiên”. Báo cáo chỉ ra, Triều Tiên đã thông qua Công ty túi da Hong Kong để mua máy thu, ăng ten GPS và các phụ kiện khác cần thiết từ các công ty Trung Quốc để phát triển tên lửa.
Tháng 6/2017, C4ADS cũng cho biết trong một báo cáo rằng công ty Trung Quốc “DanDong Dongyuan Industry” đang xuất khẩu cho Triều Tiên các thiết bị chuyển hướng radar và lựu đạn phóng tên lửa (RPG-7) có thể chuyển đổi thành phụ kiện tên lửa đạn đạo.
Mỹ: Bệnh nhân nhập viện vì COVID tăng gần 50% trong hai tuần
Con số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ tăng gần 50% trong 14 ngày qua, làm căng thẳng hệ thống y tế trong nước và buộc các thành phố và tiểu bang phải áp đặt những hạn chế mới nhằm ngăn chặn virus lây lan đáng báo động.
Gần 79.000 người được chữa trị vì COVID tại các bệnh viện trên toàn nước Mỹ vào ngày 19/11, theo Reuters, cao nhất hơn bất kỳ thời điểm nào trong đại dịch.
Trong khi đó, người Mỹ đang chật vật đối phó với con số lớn các trường học và cơ sở kinh doanh đóng cửa nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus trong cộng đồng và hạ giảm tỉ lệ lây nhiễm.
Thị trưởng Thành phố New York Bill de Blasio bênh vực quyết định của ông giới hạn việc giảng dạy tại học khu lớn nhất nước trên không gian mạng. Ông nói những tiêu chuẩn an toàn thêm để tái mở cửa các trường học sẽ được loan báo trước Lễ Tạ ơn sau khi tham khảo với Thống đốc Andrew Cuomo.
Thị trưởng New York cũng nói ông hy vọng tiểu bang sẽ đóng cửa việc ăn uống trong không gian kín và những phòng tập thể dục trong thành phố trong vòng “một hay hai tuần” do tỉ lệ lây nhiễm hiện nay.
Các biện pháp khắc khe sẽ có hiệu lực trên toàn quốc trong tuần này trong lúc số người chết vì virus vượt quá một phần tư triệu người, cao nhất trên thế giới.
Michigan ngày 18/11 bắt đầu thời hạn 3 tuần đóng cửa các phòng tập thể dục, các trường trung học và các nơi giải trí.
Minesota, một trong vài tiểu bang trung tây nước Mỹ có tỉ lệ lây nhiễm trên đầu người tăng cao đe dọa hệ thống y tế, đã ra lệnh đóng cửa tiệm ăn, quán rượu, trung tâm thể dục và các nơi giải trí vào ngày 20/11 cho đến ít nhất là ngày 18/12. Hơn 90% giường trong các đơn vị chăm sóc khẩn cấp của bệnh viện đều có người nằm tại phân nửa khu vực phía đông của tiểu bang.
Tại tiểu bang Wisconsin gần đó, 90,2% các giường trong đơn vị chăm sóc khẩn cấp có người nằm, dữ liệu tiểu bang cho thấy.
Vùng đông bắc nước Mỹ, trong nhiều tháng qua đã thành công trong việc khống chế đà tiến của làn sóng lây nhiễm mùa xuân, nay chứng kiến tỉ lệ phần trăm tăng cao nhất về số nhập viện với 85,4% trong 14 ngày qua, theo dữ liệu của Reuters. Trong cùng thời gian, nhập viện tại khu vực trung tây tăng 56,8%, tại miền tây là 50,1% và tại miền nam là 34,4%.
Kansas, nơi tỉ lệ xét nghiệm dương tính tiến gần đến 60% trong tuần qua, trở thành tiểu bang mới nhất ban hành lệnh mang khẩu trang bắt buộc vào ngày 18/11.
Đợt lây nhiễm gia tăng và các giới chức y tế công cộng khuyến cáo đóng cửa là một cảnh báo ảm đạm về một mùa đông u ám đối với nền kinh tế Mỹ.
Tuần trước, số nguời Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp tăng một cách bất thường vào lúc có lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh để kiểm soát lây nhiễm COVID-19 tăng mạnh khiến cho nhiều người bị sa thải và làm chậm lại việc hồi phục của thị trường lao động.
Đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong nước tổng cộng là 742.000 người trong tuần lễ chấm dứt vào ngày 14/11, so với 711.000 trong tuần lễ trước, Bộ Lao động thông báo ngày 19/11.
Số ca nhiễm COVID tăng mạnh,
tiểu bang California và Ohio ban hành lệnh giới nghiêm
Tin từ Sacramento, California – Vào hôm thứ Năm (19/11), thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom, đã ban hành lệnh hạn chế đối với các cuộc hoạt động giao tiếp xã hội và các hoạt động không cần thiết khác, nhằm hạn chế sự gia tăng đáng báo động của các ca nhiễm coronavirus mới.
Lệnh lưu trú tại nhà sẽ có hiệu lực từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng mỗi ngày, bắt đầu từ tối thứ Bảy (21/11) và kết thúc vào sáng ngày 21/12. Giờ giới nghiêm sẽ có hiệu lực tại 41 trong số 58 quận ở California.
Vào hôm thứ Năm, Thống đốc tiểu bang Ohio, ông Mike DeWine cũng đã ban hành giờ giới nghiêm tương tự, từ 10 giờ đến 5 giờ và sẽ có hiệu lực trong 21 ngày tới. Cũng như ở California, lệnh giới nghiêm ở Ohio sẽ không cấm các cửa hàng tạp hóa mở cửa sau 10 giờ tối, hoặc cấm các nhà hàng mở cửa muộn để phục vụ các đơn hàng mua mang về. Ngoài ra, người dân cũng sẽ được phép ra ngoài để mua thức ăn, sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế hoặc các nhu cầu thiết yếu khác như chạy bộ hoặc dắt chó đi dạo.
Trong khi đó tiểu bang Minnesota đã ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán bar, trung tâm thể dục và địa điểm vui chơi giải trí từ hôm thứ Sáu cho đến ngày 18/12. Khi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng khắp Hoa Kỳ, các viên chức buộc phải tạm dừng các biện pháp bình thường hóa cuộc sống hàng ngày trong thời gian đại dịch đang dần lắng xuống.
Hôm thứ Năm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng người Hoa Kỳ nên hạn chế đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Cùng ngày hôm đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tham gia cuộc họp với nhóm lưỡng đảng gồm 10 thống đốc để thảo luận về việc yêu cầu người dân trên toàn quốc đeo khẩu trang. (BBT)
California giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng
bắt đầu từ thứ bảy 21 tháng 11
Thống đốc Gavin Newsom vừa thông báo trong một tweet, rằng tiểu bang California sẽ áp đặt “Lệnh ở nhà có giới hạn” đối với đa số cư dân của tiểu bang, yêu cầu các công việc không cần thiết và các cuộc tụ tập phải dừng lại từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng bắt đầu từ thứ Bảy tuần này 21 tháng 11. Lệnh này áp dụng cho những người sống ở các quận thuộc cấp mở cửa trở lại bị hạn chế nhất của tiểu bang California, và áp dụng trên khoảng 94% dân số.
Mỹ: Tỷ lệ người nhiễm virus Vũ Hán
ở bang xanh cao gấp 2-3 lần bang đỏ
Lục Du
Theo một báo cáo của Minghui hôm 17/11, trong khoảng thời gian từ tháng 5-11/2020, mặc dù chưa có vắc-xin, nhưng dịch viêm phổi Vũ Hán ở Mỹ vẫn tiếp tục chiều hướng suy giảm. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do Covid ở những bang ủng hộ Đảng Cộng hòa (bang đỏ) thấp chỉ bằng một nửa so với những bang ủng hộ Đảng Dân chủ (bang xanh).
Biểu đồ do Mingui tổng hợp từ dữ liệu thu thập trong khoảng thời gian 6,5 tháng (từ 1/5/2020 đến 11/11/2020) cho thấy tỷ lệ tử vong ở bang xanh cao gấp 2-3 lần so với bang đỏ.
Đồ thị 1: Cột màu xanh đại diện cho tỷ lệ tử vong trung bình của các bang màu xanh. Cột màu đỏ đại diện cho tỷ lệ tử vong trung bình của các bang màu đỏ.
Đồ thị 2: Đường liền nét màu đỏ thể hiện tỷ lệ tử vong ở các bang màu đỏ,, trong khi đường liền nét màu xanh biểu thị tỷ lệ tử vong ở các bang màu xanh.
Truyền thông cánh tả đã lờ đi một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố gần đây. Nghiên cứu này chỉ ra một thực tế rằng khẩu trang hầu như không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán như các quan chức y tế công cộng khuyến nghị, theo Breitbart.
Nghiên cứu của CDC đã tiến hành tại Mỹ vào tháng 7 và công bố kết quả vào tháng 9. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 85% số người bị nhiễm virus Vũ Hán hoặc là họ luôn luôn (71%) hoặc thường (14%) đeo khẩu trang. Kết quả này chứng tỏ một điều: khẩu trang không hoàn toàn hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của loại virus có nguồn gốc Trung Quốc.
Phe Dân chủ đã cố gắng lợi dụng tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán để tấn công Tổng thống Trump trước và trong thời gian bầu cử, họ nói rằng chính quyền Trump đã không có cách ứng phó kịp thời với đại dịch và không chủ trọng cách ly xã hội và khuyến khích người dân đeo khẩu trang.
Tuy nhiên cách tiếp cận của ông Trump và đồng sự được đánh giá là căn cơ và đem lại hiệu quả trong dài hạn thông qua việc tập trung vào phát triển vắc xin, các phác đồ điều trị, hỗ trợ máy thở và các thiết bị y tế cần thiết cho người nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc khoanh vùng hợp lý ổ dịch theo cách của chính quyền Trump được cho là giúp cho nền kinh tế không bị sốc và giữ nhịp phát triển ổn định.
Pfizer là công ty đầu tiên xin
cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin chống Covid-19
Công ty Pfizer cho biết sẽ đệ đơn trong ngày hôm nay, thứ Sáu 20/11, để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EAU) vắc-xin ngừa Covid-19. Pfizer là công ty đầu tiên thực hiện bước tiến quan trọng này để cung cấp vắc-xin ngừa virus corona chủng mới, Reuters đưa tin.
Hồ sơ xin cấp phép được gửi lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, vài ngày sau khi Pfizer và đối tác Đức BioNTech SE báo cáo kết quả chung cuộc của các cuộc thử nghiệm, cho thấy vắc-xin đạt hiệu quả tới 95% để ngăn ngừa dịch Covid-19 mà vẫn an toàn.
Cổ phần của Công ty Pfizer tăng 1,6% và cổ phần BioNTech tăng vọt 6% với tin một vắc-xin ngừa Covid đang sẵn sàng để sớm được phân phối, làm tăng hy vọng sắp chấm dứt một đại dịch đã cướp đi mạng sống của hơn 250.000 người tại Hoa Kỳ và 1,3 triệu người trên khắp thế giới.
Hồ sơ xin cấp phép bao gồm các dữ liệu về mức độ an toàn của vắc-xin đối với 100 trẻ em 12-15 tuổi. Công ty Pfizer nói 45% các đối tượng tham gia thử nghiệm vắc-xin thuộc lứa tuổi từ 56-85 tuổi.
Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar nói nếu các dữ kiện chứng tỏ vững chắc, thì “chúng ta có quyền hy vọng vắc-xin sẽ được cấp phép nội trong vài tuần”.
Công ty Pfizer trước đây nói rằng công ty dự kiến sẽ có 50 triệu liều vắc-xin sẵn sàng trong năm nay, đủ để bảo vệ 25 triệu người.
Một ủy ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phầm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dự kiến sẽ gặp gỡ từ ngày 8-10 tháng 12 để thảo luận về vắc-xin, một nguồn tin thông thạo nói với Reuters, mặc dù ngày chính sác có thể thay đổi.
Vắc-xin ngừa Covid-19 của công ty Moderna
Dự kiến Moderna sẽ là công ty kế tiếp xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EAU) vắc-xin chống Covid-19. Một cuộc phân tích sơ khởi các dữ liệu trong giai đoạn cuối thử nghiệm cho thấy vắc-xin của Moderna đạt mức hữu hiệu lên tới 94,5%. Kết quả cuối cùng và các dữ liệu về mức độ an toàn của vắc-xin theo trông đợi sẽ được công bố trong những ngày, hoặc những tuần lễ sắp tới.
Trong hàng chục hãng bào chế dược phẩm và trung tâm nghiên cứu đang đua nhau phát triển vắc-xin ngừa Covid, dự kiến vắc-xin sẽ được công bố vào tháng 11 hay tháng 12 năm nay là vắc-xin của AstraZeneca Plc, hợp tác với Đại học Oxford ở Anh.
Kiểm phiếu lại ở Georgia: Biden thắng, Trump chuốc thêm thất bại
Chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden ở Georgia được xác nhận qua cuộc kiểm phiếu lại. Trong khi đó, các nỗ lực thách thức pháp lý của các đồng minh của ông Trump ở ba bang đều bị bác bỏ.
Ông Biden đã đánh bại ông Trump ở Georgia bằng 12.284 phiếu bầu, theo cuộc kiểm tra mà luật tiểu bang yêu cầu.
Bầu cử Mỹ 2020: Biden giành Georgia, củng cố chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri
Người ủng hộ ông Trump biểu tình khi căng thẳng gia tăng
Ông Biden nói ông tin chắc rằng ông Trump biết mình sẽ không thắng và đã thể hiện một “sự vô trách nhiệm đáng kinh ngạc”.
Ông Biden sẽ nhậm chức vào tháng Giêng với tư cách là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.
Cách biệt của ông Biden đối với ông Trump trong số phiếu phổ thông là hơn 5,9 triệu. Chiến thắng của ông trong hệ thống Đại cử tri đoàn của Mỹ, hệ thống xác định ai sẽ trở thành tổng thống, được dự đoán là 306 so với 232 phiếu của ông Trump.
Chuyện gì xảy ra ở Georgie?
Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Georgia, Brad Raffensperger, cho biết việc kiểm tra bằng tay các lá phiếu không làm thay đổi chiến thắng của ông Biden tại tiểu bang này.
Ông Raffensberger nói trong một tuyên bố: “Cuộc rà soát phiếu trên toàn tiểu bang đầu tiên trong lịch sử của Georgia đã tái khẳng định rằng hệ thống bỏ phiếu an toàn của bang đã đếm chuẩn và cho kết quả chính xác”.
“Đây là một sự ghi công cho việc làm khó khăn của các quan chức bầu cử quận và địa phương của chúng tôi, những người đã nhanh chóng tiến hành và hoàn thành nhiệm vụ quan trọng như vậy trong một thời gian ngắn.”
Cuộc kiểm phiếu lại cho thấy tỷ lệ sai sót cao nhất ở bất kỳ hạt nào là 0,73% và biên độ tổng thể giữa ông Biden và ông Trump vẫn ở mức dưới 0,5%.
Kết quả sẽ được chứng nhận vào thứ Sáu.
Chiến dịch Trump muốn đếm lại phiếu ở hai quận của Wisconsin
Bầu cử Mỹ: Máy không xóa hàng triệu phiếu bỏ cho Trump
Cố vấn pháp lý cấp cao ban vận động tranh cử Trumpm, Jenna Ellis, cho biết cuộc rà soát đã diễn ra “chính xác như chúng tôi mong đợi” bởi vì, bà nói rằng không có bằng chứng việc bang này đã đếm thêm lần nữa các phiếu bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Gabriel Sterling, một đảng viên Đảng Cộng hòa, người đảm nhận vai trò quản lý hệ thống bỏ phiếu của Georgia, nói với CNN hôm thứ Năm: “Một trong những khiếu kiện lớn là những máy này bằng cách nào đó đã lật ngược hay thay đổi kết quả phiếu bầu, đại loại vậy. Nhưng thực tế không phải vậy, ít nhất ở Georgia họ không làm vậy. Chúng tôi đã chứng minh điều đó. “
Trong cuộc tái kiểm phiếu tuần này, gần 6.000 phiếu không xác nhận đã được tìm thấy – làm giảm nhẹ cách biệt của ông Biden đối với ông Trump – nhưng đó là do lỗi của con người chứ không phải do gian lận, ông Sterling nói.
Truyền thông địa phương đưa tin hôm thứ Năm, các quan chức ở hạt Floyd đã sa thải người quản lý bầu cử của họ vì vấn đề này.
Kể từ thời Bill Clintion vào năm 1992, tiểu bang Georgia đã không bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ nào vào Nhà Trắng.
Ông Biden nói gì?
Ông đã phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với các thống đốc, bao gồm cả đảng viên Dân chủ và đảng Cộng hòa, về cuộc khủng hoảng virus corona.
Khi được hỏi về việc ông Trump không nhượng bộ, ông Biden nói rằng tổng thống đang gửi “những thông điệp vô cùng tai hại … tới thế giới về cách thức hoạt động của nền dân chủ” và rằng ông Trump sẽ được nhớ như “một trong những tổng thống vô trách nhiệm nhất trong lịch sử Mỹ”.
“Thật khó để dò được ý của người đàn ông này”, ông nói thêm: “Những gì ông ấy đang làm thật quá quắt.”
Về kết quả bầu cử, tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ – người sẽ nhậm chức vào tháng Giêng – nói: “Đại đa số mọi người tin rằng đây là điều hợp pháp.”
Có những thách thức pháp lý gì?
Trong vài giờ vào thứ Năm, các đồng minh của ông Trump đã được giải quyết những trở ngại pháp lý ở Georgia, Arizona và Pennsylvania.
Những đảng viên Cộng hòa đã thua vụ kiện cuối cùng của mình tại Georgia khi tòa án bác bỏ nỗ lực của họ trong việc chặn chứng nhận kết quả, dự kiến sẽ xảy ra vào thứ Sáu. Thẩm phán ra quyết định này là người được ông Trump bổ nhiệm vào năm ngoái.
Tại Arizona, một thẩm phán đã bác bỏ đơn kiện do Đảng Cộng hòa của bang đệ trình vào tuần trước để có một cuộc rà soát mới đối với các lá phiếu ở Quận Maricopa, bao gồm cả Phoenix – thủ phủ và thành phố lớn nhất của bang.
Tại Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của Trump đã thua kiện tại tòa án bang để đòi loại bỏ hơn 2.000 lá phiếu bầu qua bưu điện.
Bầu cử Mỹ 2020: So sánh với cuộc kiểm phiếu lại năm 2000 ở Florida
Quan chức bầu cử Mỹ bác bỏ cáo buộc của Trump về gian lận
Tại cuộc họp hôm thứ Năm, luật sư Rudy Giuliani của ông Trump tiếp tục đưa ra các thuyết âm mưu vô căn cứ và những cáo buộc có gian lận bầu cử.
Ông phản đối cách đưa tin về những thách thức pháp lý của nhóm ông, nói rằng giới truyền thông đã thể hiện “sự căm ghét bệnh hoạn vô lý đối với tổng thống”.
Ông Giuliani cũng cho biết chiến dịch đang rút lại vụ kiện cuối còn lại ở Michigan. Ông cho biết họ đã đạt được mục đích là ngừng chứng nhận kết quả ở một quận chủ chốt.
Tuy nhiên, phó chủ tịch một ban vận động tranh cử của Wayne County cho biết nỗ lực của hai thành viên Đảng Cộng hòa nhằm hủy bỏ việc xác nhận kết quả trước đó là không hợp lệ và việc xác nhận là điều bắt buộc.
Một đảng viện Cộng hòa cho biết ông Trump đã gọi điện riêng cho bà sau khi cuộc bỏ phiếu được chứng nhận “để đảm bảo rằng tôi được an toàn”.
Theo kết quả không chính thức, ông Biden đã giành được quận này với một cách biệt rất lớn và thắng thế ở Michigan với khoảng 146.000 phiếu bầu.
Động thái tiếp theo của Trump có thể là gì?
Một khả năng mà truyền thông Mỹ suy đoán là ông sẽ cố gắng để các cơ quan lập pháp ở các ban chủ chốt thiện cảm với đảng Cộng hòa, nhằm lấn át sự lựa chọn của cử tri và thay vào đó chọn các thành viên của Cử tri đoàn Hoa Kỳ, những người có lợi cho tổng thống.
Ông Trump đã mời các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa của Michigan đến Nhà Trắng vào thứ Sáu, ám chỉ về một sự thay đổi chiến thuật có thể xảy ra.
Hoa Kỳ là một nước dân chủ cộng hòa, thay vì chiến thắng bằng cách bỏ phiếu phổ thông trực tiếp, một tổng thống phải thắng được đa số “đại cử tri” mà mỗi bang được chỉ định tùy theo số thượng nghị sĩ và dân biểu tại mỗi tiểu bang.
Hầu hết các tiểu bang xác định bầu cho ai dựa trên số phiếu phổ thông ở bang đó.
Nhưng luật liên bang quy định các nhà lập pháp tiểu bang có quyền chọn đại cử tri nếu tiểu bang “không đưa ra được lựa chọn”.
Đây có vẻ là một pha mạo hiểm vì đến nay chưa có bằng chứng về gian lận cũng như nếu tước đoạt kết quả bầu cử của hàng triệu cử tri có thể gây ra sự náo loạn.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin quen thuộc với chiến thuật của Trump nói rằng đây là một “cách tiếp cận có mục tiêu hơn nhằm lôi kéo sự tham gia của các nhà lập pháp”.
Nhưng một trong những nhà lập pháp Michigan tới Nhà Trắng, Mike Shirkey, hồi đầu tuần này nói rằng cơ quan lập pháp bổ nhiệm đại cử tri là điều “sẽ không xảy ra”.
Covid-19 : Joe Biden cam kết “ không phong tỏa toàn quốc”
Anh Vũ
Tại Hoa Kỳ, số tử vong vì dịch Covid-19 đã lên đến 252 nghìn người. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn loay hoay kiện cáo bầu cử, không quan tâm gì đến tình hình dịch bệnh. Hôm qua, 19/11/2020, tổng thống đắc cử Joe Biden đã có cuộc gặp các thống đốc bang để soạn thảo kế hoạch hành động chống đại dịch, mặc dù vẫn tiếp tục bị Nhà Trắng cản trở tiếp cận các phương tiện của chính quyền.
Theo thông tín viên của RFI tại Mỹ, mặc dù hai tuần qua tình hình lây nhiễm virus corona tăng vọt tại Hoa Ky, tổng thống đắc cử khẳng định ông sẽ không áp đặt “phong tỏa toàn quốc”. Ông Joe Biden tuyên bố trong cuộc họp báo tại Wilmington, Delaware rằng ông không thấy có tình huống nào để có thể biện minh cho việc phong tỏa toàn quốc. Vì làm như vậy là phản tác dụng, theo ông Biden, mỗi vùng và mỗi cộng đồng có thể có sự khác biệt.
Ông Biden nhấn mạnh : “ Tôi không chặn nền kinh tế mà sẽ ngăn chặn virus”. Ông cam kết sẽ tuân theo các khuyến cáo của các nhà khoa học khi chính thức vào Nhà Trắng ngày 20 tháng Giêng tới.
Ông Joe Biden cảnh báo “ nếu từ nay đến đầu tháng Hai không có hành động gì thì sẽ có 400 nghìn người chết tại Hoa Kỳ vì đại dịch”.
Đến lúc này tổng thống đắc cử và các cộng sự của ông vẫn không được tiếp cận các dữ liệu liên bang về đại dịch do sự bất hợp tác của Nhà Trắng. Ông Biden đánh giá đó là hành vi có thể “gần coi như là tội ác”.
Ngay từ khi hội đủ số phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống, Joe Biden đã khẳng định cuộc chiến chống đại dịch sẽ là ưu tiên số 1 đầu nhiệm kỳ của ông. Ông cũng đã lập ra đội cố vấn đặc biệt xử lý khủng hoảng dịch, nhưng đội ngũ này cũng chưa thể triển khai hành động rộng rãi.
Nhóm chuyển tiếp Biden muốn thắt chặt
nghiên cứu khoa học với Trung Quốc
Thiện Phong
Cuộc bầu cử năm nay vẫn chưa ngã ngũ, liệu Joe Biden có thể bước chân vào Nhà Trắng trước các cáo buộc gian lận hay không vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, ông Biden đang rất nóng lòng muốn thành lập một nhóm chuyển tiếp quyền lực tổng thống, ông còn nói rằng sẽ hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo Sound of Hope.
Mahlet Mesfin, thành viên thẩm tra nhóm chuyển tiếp của ông Biden, gần đây đã kêu gọi tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, bao gồm trong lĩnh vực “chỉnh sửa gen”, nhằm đối phó với virus viêm phổi Vũ Hán.
Mahlet Mesfin, từng làm việc tại Phòng an ninh quốc gia và các Vấn đề Quốc tế trực thuộc Văn phòng Chính sách Khoa học & Công nghệ dưới thời chính quyền Obama. Mesfin hiện đang tham gia nhóm chuyển tiếp của Joe Biden, dẫn đầu một nhóm thẩm tra của Cục Nghệ thuật Nhân văn. Đồng thời, Mesfin cũng là một giáo viên thỉnh giảng tại Trung tâm Ngoại giao Toàn cầu Biden tại Đại học Pennsylvania.
Ngày 18/10, Mahlet Mesfin đã có bài đăng trên trang The Hill với tựa đề “Giải Nobel cho thấy vì sao Trung Quốc và Hoa Kỳ cần hợp tác trong lĩnh vực chỉnh sửa gen”. Trong bài luận, bà ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Mỹ. Bài báo này trọng điểm tập trung vào phản ứng của giới khoa học đối với Covid-19, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mahlet Mesfin, không những không lên án ĐCSTQ đã phát tán virus ra toàn thế giới, ngược lại bà còn đổ lỗi cho “quan hệ song phương căng thẳng” là “việc chính trị hóa nguồn gốc và sự lây nhiễm của Covid-19” của chính quyền đương nhiệm. Bà than thở rằng những điều này đang “làm suy yếu triển vọng hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu y học”, bất chấp việc ĐCSTQ đã và đang đánh cắp một cách có hệ thống các bí mật khoa học, tài sản trí tuệ và dụ dỗ các nhà nghiên cứu của Mỹ.
Theo miêu tả của các quan chức Mỹ, ĐCSTQ đã “đánh cắp hàng loạt công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ” để “nâng cao sức mạnh quân sự và kinh tế của mình nhằm chiếm lĩnh vị trí thống trị trong lĩnh vực khoa học & công nghệ toàn cầu”. Mesfin đã phản ứng trước các quan điểm này trong một bài viết có tiêu đề “Cần cả thế giới để chấm dứt đại dịch” đăng trên tạp chí Foreign Affairs, trong đó tập trung vào việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác Trung-Mỹ.
Mesfin cũng khen ngợi ĐCSTQ sáng suốt trong phương diện kiểm soát dịch bệnh tại đại lục, khi nói rằng “một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố lên mạng trình tự gien của loại virus corona chủng mới vào tháng 12, và những dữ liệu này đã cho phép giới khoa học quốc tế bắt đầu phát triển các xét nghiệm, chẩn đoán và đưa ra kế hoạch điều trị”. Nhưng trên thực tế, ngay cả vào thời điểm cuối tháng 12, các quan chức ĐCSTQ vẫn bịt miệng và đe dọa các bác sĩ đang cố gắng cảnh báo sớm cho công chúng về căn bệnh này, mà bác sĩ Lý Văn Lượng là một ví dụ.
Bà cũng than thở rằng “bệnh dịch đang xảy ra vào một thời điểm mà, chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trên thế giới”, đồng thời chỉ ra “sự cô lập và bài ngoại có thể cản trở việc ứng phó hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng toàn cầu này”.
Không những vậy, bà còn một lần nữa phản đối “những lo ngại của Mỹ về hoạt động gián điệp và chuyển giao công nghệ của ĐCSTQ”, khi cho rằng điều này “đã kìm hãm sự hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và Mỹ”. Bà khẳng định việc hợp tác khoa học chuyên sâu giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị hạn chế. Lấy ví dụ, Văn phòng chính sách khoa học và Công nghệ (OSTP) của Nhà Trắng không bao hàm các quan chức ĐCSTQ trong danh sách thảo luận với các đối tác nước ngoài.
Bởi vậy, không có gì lạ khi Mesfin đã có các bài phát biểu tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung năm 2015 và Hội nghị Chuyên đề Nghiên cứu Penn China 2020, trong đó bà yêu cầu hội đồng ủng hộ mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những sự kiện này tại Đại học Pennsylvania đã thu hút sự tham gia của những quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Hoàng Bình, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York. Hoàng Bình cũng đã có bài diễn văn khai mạc cuộc họp.
Ông Trump có thể không thắng lợi
trong việc đếm phiếu lại ở Georgia, bỏ vụ kiện ở Michigan
Dự kiến ngày 19/11 tiểu bang chiến trường Georgia trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden đối với ông Donald Trump sau khi kiểm phiếu lại, trong lúc ban tranh cử của ông Trump rút bỏ một vụ kiện tại Michigan.
Giới chức phụ trách thi hành hệ thống bỏ phiếu ở Georgia, ông Gabriel Sterling nói với Fox News là kiểm tra và kiểm phiếu lại tại tiểu bang gần hoàn tất và đang hướng tới việc phê chuẩn thắng lợi của ông Biden. Giới chức này gọi những cáo buộc về các bất hợp lệ là “hoang tưởng.”
Phiếu cử tri đoàn từng tiểu bang một quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông Biden, đảng Dân chủ, được 306 phiếu cử tri đoàn, so với 232 phiếu của ông Trump. Ông Biden vượt xa 270 phiếu cần thiết để chiến thắng. Người thắng tại mỗi tiểu bang nhận được phiếu cử tri đoàn của tiểu bang đó.
Ban tranh cử của ông Trump đã đệ đơn kiện tại một số tiểu bang cho tới nay không thành công. Những vụ kiện này bao phủ bởi những sự kiện sai lầm, bị ban tranh cử của ông Biden bác bỏ là “diễn tuồng.”
Ngày 19/11 luật sư Rudy Giuliani của ông Trump loan báo ban tranh cử rút bỏ đơn kiện những kết quả bầu cử tại Michigan, nơi trong tuần này ông Biden được phê chuẩn là người thắng cuộc trong một loạt các sự kiện rối rắm.
Hai thành viên Cộng hòa của ủy ban giám sát bầu cử Quận Wayne ngày 16/11 lúc đầu bỏ phiếu chặn việc phê chuẩn kết quả trước khi đảo ngược quyết định sau những phản ứng giận dữ của công chúng.
Nhưng sau đó có hai người đều ký một bản khai có tuyên thệ vào ngày 18/11 tìm cách bác bỏ việc xác nhận của họ về chiến thắng của ông Biden, nói rằng họ thay đổi lập trường vì bị áp lực. Phát ngôn viên của văn phòng bầu cử tiểu bang Michigan nói tuyên bố sau sự kiện không ngăn phiếu bầu được phê chuẩn.
Một trong hai người này là bà Monica Palmer, ngày 19/11 xác nhận bằng tin nhắn với Reuters là ông Trump đã gọi bà để kiểm tra sau cuộc phê chuẩn kết quả bầu cử.
Ông Trump có một số giải pháp ngày càng giảm để lật ngược kết quả cuộc bầu cử trong đó ông Biden thắng hơn 5,8 triệu phiếu trên toàn quốc. Ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Những người chỉ trích nói rằng việc ông Trump từ chối thừa nhận thất cử có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và cuộc chiến chống virus corona vốn đã giết chết hơn 250.000 người Mỹ.
Trong số những quan ngại khác là việc chính quyền giữ lại tiền tài trợ và chưa thông qua khâu chuẩn thuận an ninh cho nhân viên của ông Biden để tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyển tiếp.
‘Một vấn đề sâu rộng hơn’
Tại Pennsylvania, nơi ông Biden hơn ông Trump 82.000 phiếu, ban tranh cử của ông Trump yêu cầu một thẩm phán tuyên bố ông Trump thắng cử tại đó, nói rằng Quốc hội tiểu bang do phe Cộng hòa kiểm soát nên chọn 20 cử tri trong Cử tri đoàn tiểu bang.
Tại Wisconsin, ban tranh cử của ông Trump đã trả tiền cho việc kiểm phiếu lại một phần, ngay cả khi các giới chức bầu cử tại đó nói rằng việc này chỉ sẽ chắc chắn thêm cho ông Biden 20.000 phiếu lợi thế trong một tiểu bang có 10 phiếu cử tri đoàn.
Một vài công ty luật có uy tín đã rút ra khỏi các hoạt động pháp lý của ban tranh cử ông Trump, để cho ông Giuliani, luật sư cá nhân của ông Trump dẫn đầu các nỗ lực.
Ngày 19/11, ông Trump viết trên Twitter là luật sư sẽ thảo luận “một con đường khả dĩ đi đến chiến thắng” tại một cuộc họp báo vào buổi trưa.
Các giới chức bầu cử tiểu bang và liên bang, cũng như các chuyên gia bên ngoài, nói rằng lập luận của ông Trump cho rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp khỏi tay ông do việc gian lận cử tri sâu rộng là không căn cứ trên dữ kiện.
Tuy nhiên, việc này dường như có ảnh hưởng đến sự tin tưởng của công chúng vào nền dân chủ Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos công bố ngày 18/11 phát hiện là khoảng một nửa người Cộng hòa tin là ông Trump “thắng hợp pháp” cuộc bầu cử.
Giới chức đứng đầu cuộc bầu cử tại Arizona, bà Katie Hobbs, thuộc đảng Dân chủ, nói bà và gia đình nhận được những đe dọa bạo động và bà kêu gọi ông Trump chấm dứt nghi ngờ về kết quả mà ông thua chỉ hơn 10.000 phiếu.
Ông Trump, phần lớn ở tại Tòa Bạch Ốc và không xuất hiện trước công chúng kể từ cuộc bầu cử, không có dự trù tham dự sự kiện nào trong ngày 19/11.
Bầu cử Mỹ : Donald Trump gây sức ép
với lãnh đạo Cộng Hòa thay đổi kết quả
Thu Hằng
Tổng thống Mỹ không chấp nhận kết quả bầu cử ngày 03/11/2020 và tìm mọi cách đảo ngược tình thế,. Ngoài cuộc chiến pháp lý, Donald Trump gây sức ép với nhiều lãnh đạo bang thuộc đảng Cộng Hòa, như tại Michigan, để buộc Nghị Viện bang chỉ định các đại cử tri ủng hộ ông, bất chấp kết quả bỏ phiếu.
Theo nhật báo Le Monde, hai quan chức thuộc đảng Cộng Hòa, thành viên một ủy ban lưỡng đảng bầu cử tại Michigan đã liên tục thay đổi ý kiến về việc công nhận kết quả kiểm phiếu, đặc biệt là sau cuộc điện đàm ngày 17/11 với nguyên thủ Mỹ. Tuy nhiên, mọi việc dường như muộn màng để hoán chuyển kết quả : Ông Joe Biden giành chiến thắng ở bang Michigan với hơn 150.000 phiếu.
Các vụ kiện được đội ngũ của tổng thống Trump theo đuổi cũng không mang lại kết quả mong đợi. Chỉ trong ngày 19/11, ba phán quyết đã được các thẩm phán đưa ra, bác ý đồ ngăn tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, trong đó có yêu cầu ngừng hợp thức hóa chiến thắng của ông Joe Biden tại Georgia được luật sư bảo thủ Lin Wood đệ trình. Bang Georgia cũng đã kết thúc kiểm phiếu lại bằng tay và chiến thắng vẫn thuộc về ứng viên Dân Chủ Joe Biden, nhưng khoảng cách bị thu hẹp, từ 14.000 phiếu chênh lệch xuống còn 12.200 phiếu, theo kết quả ngày 19/11.
Cùng ngày, ông Joe Biden lên án « thái độ vô trách nhiệm » của tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, đội ngũ của chủ nhân Nhà Trắng vẫn tỏ ra kiên quyết đi đến cùng và ông Donald Trump vẫn có thể giành chiến thắng, theo khẳng định của ông Rudolf Giuliani, luật sư riêng của tổng thống Mỹ.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington cho biết thêm :
« Ông Rudolf Giuliani bắt đầu bằng cáo buộc « Không phải chỉ có vài vụ gian lận trong một bang », sau đó nhắc đến cả một âm mưu quy mô lớn do phe Dân Chủ giật dây.
Ông nói : « Điều này khiến người ta liên tưởng đến cả một kế hoạch được thiết lập từ một trung tâm để tổ chức các vụ gian lận này, đặc biệt là tại các thành phố lớn mà phe Dân Chủ kiểm soát. Đó là một kế hoạch do đảng Dân Chủ trực tiếp đề ra, do ứng viên Dân Chủ đề ra. Rõ ràng là như vậy ! »
Vẫn không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào ngoài lời chứng duy nhất của một nữ nhân viên của thành phố Detroit, được cho là chứng kiến các vụ gian lận, vị luật sư của tổng thống Mỹ gằn giọng : « Nếu để làm như vậy, đất nước chúng ta sẽ giống như Venezuela. Không thể để cho bọn họ làm với chúng ta như thế. Không thể để những kẻ lừa đảo đánh cắp cuộc bầu cử của người dân Mỹ. Họ đã bầu cho Donald Trump, họ không bầu cho Joe Biden ».
Nhiều kênh truyền hình đã nhanh chóng ngừng phát các suy diễn mà Rudolf Giuliani cố nặn ra, trừ kênh truyền hình bảo thủ Fox News. Điều này lại càng khiến những người ủng hộ tổng thống nghi ngờ, nhưng sẽ không giúp Donald Trump, kẻ thua cuộc kém ứng xử, tiếp tục ở lại Nhà Trắng ».
Luật sư: Mục ruỗng từ cấp địa phương đến cấp cao nhất,
nhưng chúng tôi sẽ trả lại cho người dân Mỹ một quốc gia tự do
Thiện Phong
Hôm thứ năm (19/11), luật sư Sidney Powell, thành viên nhóm pháp lý của Tổng thống Trump, cho biết trong một cuộc họp báo rằng TT Trump đã thắng lớn trong cuộc tuyển cử, và nhóm pháp lý sẽ chứng minh điều này, theo Sound of Hope hôm 20/11.
Bà Powell cho biết, những người yêu nước đã quá mệt mỏi với sự mục ruỗng xuyên suốt từ cấp địa phương lên cấp cao nhất, vì vậy đội ngũ pháp lý của TT Trump sẽ trả lại cho người dân Mỹ một quốc gia tự do [mà họ đáng được hưởng]. Bà còn yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra tội phạm về hiện tượng gian lận xuất hiện trong cuộc bầu cử.
Ngày 19/11, trong cuộc họp báo tại trụ sở Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa (RNC), bà Sidney cho biết những người yêu nước đã bị sốc trước hiện trạng gian lận bầu cử này.
Bà nói:
“Hiện tượng hiện nay (gian lận trong bầu cử) thật gây sốc, đau lòng, đáng buồn và đó là hành vi trái ngược với lòng yêu nước nhất mà tôi có thể tưởng tượng được. Nó chắc chắn không phải là điều mà những người trong cuộc bầu cử này mong đợi. Thành tựu của đất nước này; những người yêu nước đã quá mệt mỏi với sự mục ruỗng từ chính quyền địa phương đến cấp chính quyền cao nhất”.
“Tôi hy vọng người dân Mỹ biết rằng chúng tôi sẽ không sợ hãi, chúng tôi sẽ không lùi bước, và bây giờ chúng tôi sẽ dọn dẹp mớ hỗn độn này. Dọn dẹp tất cả mọi thứ. TT Trump đã thắng lớn trong cuộc bầu cử. Chúng tôi sẽ không chỉ chứng thực điều này, mà chúng tôi còn giành lại nước Mỹ cho những người Mỹ đã bỏ phiếu cho sự tự do”.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, bà Powell đã chỉ trích nhiều quốc gia cộng sản như Cuba, Venezuela, và cả Trung Quốc đã bỏ tiền để chi phối hiện trạng và gây ảnh hưởng. Họ đã thông qua phần mềm để lật ngược kết quả bầu cử, để tạo ra nạn gian lận phiếu bầu quy mô lớn.
Kể từ hôm bầu cử (3/11), phe gian lận đã sử dụng phần mềm Smartmatic, Dominion và các phần mềm bầu cử khác để đánh cắp phiếu bầu từ ứng viên Đảng Cộng hòa. Bà đã thúc giục Bộ tư pháp mở một cuộc điều tra hình sự đối với việc này.
Bà Powell trích lời khai của một công tố viên trong cuộc họp báo, nhân chứng này cho biết phần mềm bầu cử có thể đã được sử dụng để giả mạo phiếu bầu. Bà giới thiệu người tố cáo từng là một quan chức quân đội Venezuela, và người này đã chứng kiến cách các nhà điều hành Smartmatic, nhà độc tài Venezuela Hugo Chavez và các quan chức bầu cử tại quốc gia Nam Mỹ này sử dụng máy bỏ phiếu Smartmatic để thao túng bầu cử.
Theo lời khai của nhân chứng, “thiết kế cơ bản của hệ thống bầu cử điện tử và phần mềm của Dominion cũng như các công ty cung cấp thiết bị kiểm đếm phiếu bầu khác đều dựa trên phần mềm kế thừa từ Hệ thống Quản lý Bầu cử Smartmatic. Tóm lại, Smartmatic là phần mềm được sử dụng bởi tất cả các hãng sản xuất máy kiểm đếm phiếu bầu và là hạch tâm của mọi hệ thống”.
Nhân chứng này còn tố cáo chế độ độc tài Chavez đã sử dụng phần mềm Smartmatic để đảm bảo việc tái đắc cử trong nhiều năm.
Theo các báo cáo trên tờ Epoch Times, công ty Smartmatic đã từ chối thừa nhận có bất kỳ mối liên hệ nào với Dominion, và tuyên bố trên trang web chính thức của mình rằng công ty không có mối quan hệ với bất kỳ chính phủ hoặc đảng phái chính trị ở bất kỳ quốc gia nào, và rằng không có bất kỳ chính phủ nào sở hữu, cấp vốn hoặc tài trợ cho công ty này. Tuy nhiên, thông tin phát hành công khai cho thấy Dominion đã thu mua tài sản của một công ty con của Smartmatic cách đây 3 năm.
Công tố viên Lin Wood, luật sư cấp cao trong đội ngũ pháp lý của TT Trump, cho biết việc Smartmatic từng phát hành tuyên bố nói rằng nó không có liên hệ gì đến Dominion là một sự lừa dối, và rằng các trang web đăng tải tuyên bố của công ty này “đã được trả tiền để làm điều này. Đây chỉ là thông tin tuyên truyền để định hướng dư luận mà thôi”.
Cựu thị trưởng thành phố New York, luật sự Rudy Giuliani, một thành viên trong nhóm pháp lý của chiến dịch TT Trump, từng tuyên bố vào ngày 19/11 rằng đã có những lời khai nhân chứng tuyên thệ tại các tiểu bang chiến trường, cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử để giúp ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng.
LS Giuliani cũng thông báo rằng đội ngũ pháp lý của TT Trump có thể sẽ đệ đơn kiện lên Ủy ban Bầu cử tiểu bang Georgia vào ngày 20/11, vì hiện trạng kiểm phiếu lại tại tiểu bang là vô nghĩa, bởi vì tiểu bang đã kiểm lại cả số phiếu gian lận.
Ông nói:
“Ở thành phố Atlanta, các giám sát viên của Đảng Cộng hòa đã bị cấm giám sát quá trình kiểm phiếu qua thư của cử tri vắng mặt, và chức năng giám sát của họ gần như không được thực hiện, trong khi chúng ta có rất nhiều cử tri đã bỏ phiếu hơn một lần, và có cả những lá phiếu từ những cử tri ngoài tiểu bang Georgia”.
“Có bằng chứng cho thấy các cử tri đã bị đe dọa sửa lại nội dung phiếu bầu của họ. Chúng tôi sẽ liệt kê những vấn đề này trong đơn kiện nộp vào ngày 20/11″.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang Trey Trainor mới đây cho biết ông tin rằng đã xảy ra gian lận bầu cử tại các tiểu bang chiến trường trong cuộc bầu cử năm nay.
Luật sư Giuliani tố ‘âm mưu quốc gia’ của Đảng Dân chủ
Triệu Hằng
Luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, Rudy Giuliani đã tuyên bố hôm thứ Năm rằng ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden được dự kiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 là kết quả của một “âm mưu quốc gia” bởi Đảng Dân chủ.
The Epoch Times cho hay, cựu thị trưởng Thành phố New York nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Washington rằng ông có bằng chứng, mà ông không thể tiết lộ, về một âm mưu bị cáo buộc là đánh cắp các bang chiến trường quan trọng cho Biden.
“Không có nghi ngờ gì về điều đó. Đây không phải là một ý tưởng cá nhân của 10 hoặc 12 ông chủ Đảng Dân chủ. Đây là một kế hoạch. Quý vị hẳn là một kẻ ngốc để không nhận ra điều đó. Họ làm điều tương tự theo cách giống hệt nhau ở 10 thành phố lớn do Đảng Dân chủ kiểm soát, trong hầu hết các trường hợp, đều quanh co, các thành phố đó,” ông Giuliani nói.
Chiến dịch của Tổng thống Trump đã khởi động một số thách thức pháp lý ở các tiểu bang chiến trường cáo buộc cuộc bầu cử không theo quy tắc trong nỗ lực ngăn chặn việc chứng nhận kết quả. Mặc dù nhiều vụ kiện cáo buộc gian lận cử tri, chiến dịch vẫn chưa cung cấp bằng chứng chi tiết và nhân chứng để củng cố cho những tuyên bố của mình.
Ông Giuliani, người đang dẫn đầu các nỗ lực của chiến dịch TT Trump nhằm thách thức kết quả bầu cử, tuyên bố rằng chiến dịch có ít nhất 10 nhân chứng sẵn sàng làm chứng về hành vi gian lận cử tri tại tòa án, nhưng hiện nay không thể tiết lộ công khai thân phận của những người này vì làm như vậy sẽ khiến tính mạng họ gặp nguy hiểm.
Ông cũng tuyên bố rằng ông có ít nhất 1.000 bản khai có tuyên thệ từ các công dân cáo buộc hành vi sai trái “đủ để lật ngược bất kỳ cuộc bầu cử nào.”
Luật sư: ‘TT Trump đã thắng long trời lở đất,
chúng tôi sẽ chứng minh điều đó’
Ngọc Mai
Các luật sư của ông Trump cũng cho biết họ có đầy đủ bằng chứng cứng rắn và sẽ mang ra trước tòa.
Hôm thứ Năm vừa qua (19/11) các thành viên trong nhóm pháp lý của Tổng thống Trump tuyên bố trong cuộc họp báo rằng nếu không phải do gian lận phiếu bầu thì Trump đã “thắng long trời lở đất”. Họ cũng hứa rằng họ sẽ “chứng minh điều đó”, theo Daily Wire.
Cựu Thị trưởng thành phố New York và lầ luật sư cho Tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani cho biết ở các tiểu bang Georgia, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Nevada và Arizona, nhóm pháp lý của ông đã tìm thấy số phiếu bất hợp pháp nhiều gấp đôi số cần để lật ngược kết quả cuộc bầu cử.
Ông cũng tuyên bố có sự gian lận cử tri ở các “thành phố lớn” do Đảng Dân chủ kiểm soát. Giuliani nói: “Số lượng các trường hợp gian lận cử tri ở Philadelphia có thể lấp đầy một thư viện”. Tại bang Pennsylvania, Giuliani cáo buộc có 682.770 lá phiếu “đã được bỏ đi, bị vứt và không được kiểm”.
Cựu công tố viên liên bang và thành viên đội pháp lý của Tổng thống Trump, Sidney Powell, đã bày tỏ sự phẫn nộ về những gian lận bầu cử: “Đây là một hành động đáng kinh ngạc, đau lòng, gây tức giận và là hành động thiếu yêu nước nhất mà tôi có thể tưởng tượng đối với người dân đất nước này dưới bất kỳ cách, hình thức, loại hình nào”.
“Chúng tôi sẽ đưa đất nước này trở lại”, bà nói thêm, “Tổng thống Trump đã thắng long trời lở đất. Chúng tôi sẽ chứng minh điều đó”.
Cố vấn pháp luật Jenna Ellis nhấn mạnh cuộc họp báo này sẽ đóng vai trò như “tuyên bố mở đầu” của nhóm pháp lý, và các bằng chứng cứng rắn sẽ được trình bày trước tòa.
Bà cũng chỉ trích truyền thông dòng chính là thiên vị, gọi họ là “tòa án của dư luận”. Bà nói sẽ “tấn công 99% các nhà báo” nếu là bồi thẩm đoàn vì những tin tức giả mà họ cung cấp.
Như The Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Năm, nhóm pháp lý của Tổng thống Trump đã đệ đơn kiện ở nhiều tiểu bang và đang nỗ lực để ngăn chặn chứng nhận kết quả bầu cử. Một số vụ kiện của họ đã bị bác bỏ, một số đơn kiện bị rút trong khi những vụ khác đang chờ xử lý.
Video buổi họp báo của đội ngũ pháp lý của ông Trump
Luật sư TT Trump xác nhận
máy chủ Dominion ở Đức đã thực sự bị thu giữ
Hương Thảo
Tuy nhiên bà Sidney Powell không tiết lộ máy chủ hiện đang nằm trong tay ai.
Tuần trước, Dân biểu Louie Gohmert trả lời Chris Salcedo trên Newsmax rằng những người có mặt tại Đức báo cáo rằng Scytl, công ty lưu trữ dữ liệu bầu cử Mỹ của Tây Ban Nha đã bị một lực lượng quân đội lớn của Mỹ đột kích, và máy chủ của họ đã bị thu giữ ở Frankfurt.
Mới đây, trong họp báo của đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump, Luật sư Sidney Powell đã xác nhận thông tin máy chủ Dominion ở Đức đã bị tịch thu:
Từ nguồn tin riêng của Gateway Pundit:
“Chính phủ Hoa Kỳ, một khi họ xác định rằng máy chủ Dominion này có liên quan đến việc chuyển đổi gian lận phiếu bầu, sau đó cộng đồng tình báo đã bắt đầu tìm kiếm máy chủ và phát hiện ra rằng máy chủ nằm ở Đức. Để có quyền truy cập vào máy chủ đó và sử dụng nó một cách hợp pháp, họ phải có sự phối hợp của Bộ Ngoại giao song song với Bộ Tư pháp. Họ phải yêu cầu chính phủ Đức hợp tác cho phép thu giữ máy chủ này.
Các văn bản thích hợp cần thiết để thực hiện việc thu giữ đó đã được đưa ra, ký kết và có vẻ như còn có sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ trong chiến dịch này. Quân đội Mỹ không dẫn đầu chiến dịch này. Nhưng điều này giúp giải thích tại sao Esper bị sa thải và Miller và Kash Patel được đưa vào vị trí – để quân đội không can thiệp vào hoạt động theo bất kỳ cách nào.
Bằng cách nắm được máy chủ, giờ đây họ sẽ có bằng chứng trực tiếp về thời điểm bộ phận kiểm phiếu được hướng dẫn ngừng đếm. Họ cũng sẽ khám phá ra ai là người đưa ra lệnh dừng kiểm phiếu và ai đã khởi xướng thuật toán để bắt đầu chuyển đổi phiếu bầu. CIA hoàn toàn bị loại khỏi hoạt động này”.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (19/11), Luật sư Sidney Powell đã thận trọng cân nhắc khi nói về việc các máy chủ Dominion đã bị tịch thu ở Đức.
Phóng viên Emerald Robinson hỏi:
“Có báo cáo rằng một phần cứng có thể là một máy chủ đã bị thu giữ ở Đức. Điều đó có đúng không và nó có liên quan đến điều này không?”
Luật sư Sidney Powell trả lời:
“Đó là sự thật. Nó bằng cách nào đó liên quan đến điều này. Nhưng tôi không biết liệu người tốt đã lấy nó hay kẻ xấu đã lấy nó”.
Thành viên chiến dịch TT Trump: Đã giải mã được
thông tin tình báo ban đầu của máy chủ Dominion
Thiện Phong
Nhân viên thuộc Ủy ban kiểm phiếu của Tổng thống (TT) Trump đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đội ngũ của TT Trump đã tóm được máy chủ Dominion ở Frankfurt, Đức, dữ liệu bỏ phiếu ban đầu đã được khôi phục và nói rằng kết quả sẽ “chấn động đến tâm can của những người theo chủ nghĩa toàn cầu”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax vào thứ Tư (18/11), người đại diện chiến dịch tranh cử năm 2020 của TT Trump và Brian Trascher thành viên của ủy ban kiểm phiếu cho biết, mấy ngày trước đội ngũ của TT Trump đã kiểm tra được dữ liệu ban đầu của cuộc bầu cử bên trong hệ thống máy chủ Dominion bị thu giữ ở Frankfurt, Đức, “thu được rất nhiều dữ liệu”.
Traschel nói “Những thông tin tình báo này sẽ được công khai và nó sẽ gây chấn động đến tâm can của những người theo chủ nghĩa toàn cầu”.
Khi người dẫn chương trình hỏi đội ngũ của TT Trump sẽ tiết lộ thông tin gì chấn động, Traschel đã nói, thứ nhất, tại sao máy chủ phục vụ tuyển cử của Hoa Kỳ lại xuất hiện ở nước ngoài, thứ hai, đây sẽ là một chủ đề về phiếu bầu, “làm thế nào mà phiếu bầu cho người này, lại đổi sang cho khác được”, làm thế nào có thể vận hành được hệ thống gian lận này trên phạm vi toàn quốc. Ông cho biết dưới tác dụng của phần mềm, hàng nghìn phiếu bầu sẽ tự động bị giả mạo và nhiều tin tức liên quan sẽ được công bố rộng rãi.
“Hãy chuẩn bị cho tốt, bởi vì điều này đang xảy ra, trước tiên bạn phải sẵn sàng tốt”, Traschel nói.
Trước đó, bà Amanda Makki chiến lược gia và luật sư của Đảng Cộng hòa, trong một cuộc phỏng vấn đã tuyên bố rằng kết quả bầu cử của Đảng Dân chủ được cho là có liên quan đến hoạt động không đúng của hệ thống bỏ phiếu Dominion, và Joe Biden cần phải bị thẩm vấn về điều này.
Vào ngày 13/11, một tin gây chú ý đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, Nghị sĩ Louie Gohmert bang Texas Mỹ, đã tuyên bố trong một cuộc họp trực tuyến rằng vào ngày 9/11, quân đội Mỹ đã đột kích vào Frankfurt, Đức. Tóm được máy chủ của Công ty Scytl, thu được rất nhiều dữ liệu liên quan đến cuộc tuyển cử ở Mỹ.
Vào ngày 13, Louis Gormott trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax có nói, hệ thống bỏ phiếu Dominion phục vụ bầu cử ở Mỹ, đã bị quân đội Mỹ thu giữ trong khi nó đang được lưu trữ bất hợp pháp bởi Công ty Scytl ở Frankfurt Đức.
Về các vấn đề liên quan trên, Công ty Scytl đã bác bỏ tin đồn rằng họ không liên quan gì đến Dominion và không có chi nhánh ở Frankfurt Đức. Tuy nhiên, một số cư dân mạng ở nước ngoài cho biết, công ty rõ ràng có một địa chỉ IP từ Frankfurt, Đức trên trang web nơi có thể kiểm tra nguồn địa chỉ IP.
Thượng Nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn:
Big Tech kiểm duyệt và can thiệp bầu cử
Triệu Hằng
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marsha Blackburn thuộc tiểu bang Tennessee nói với Breitbart News rằng sự kiểm duyệt chính trị của Big Tech (các hãng công nghệ lớn) đã dẫn đến sự can thiệp bầu cử, theo Breitbart ngày 17/11.
Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Alex Marlow của kênh Breitbart News Daily, bà Blackburn nói rằng: “Tôi nghĩ rằng họ [Big Tech] đã can thiệp vào các cuộc bầu cử,” và “Tất nhiên là họ đã làm vậy.”
Bà Blackburn đã đề cập đến việc phương tiện truyền thông xã hội bị kiểm duyệt đối với những thông tin đã được tiết lộ liên quan đến con trai thứ hai của ông Joe Biden là Hunter Biden.
Bà Blackburn cho rằng: “Tất cả họ đều thuộc đội của Joe Biden…”
Đồng thời, bà Blackburn cho rằng luật chống độc quyền là nỗi sợ lớn nhất của Big Tech.
Bà Blackburn cho hay, phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm thứ Ba với Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg là một phần của chiến lược để lập điều lệ cho một “tiêu chuẩn quyền riêng tư của liên bang” cho dữ liệu người dùng kỹ thuật số.
Bà Blackburn cho biết: “Đây là điều chúng tôi cần làm. Một bộ quy tắc cho toàn bộ hệ sinh thái Internet với một cơ quan quản lý, và cung cấp cho người dùng trực tuyến khả năng chọn thông tin mà họ muốn chia sẻ, thay vì nền tảng truyền thông xã hội chỉ khai thác từng từ khóa mà bạn nhấp vào và sau đó bán cho các nhà quảng cáo.”
Bà Blackburn đã đồng đề xuất Đạo luật Tự do và Đa dạng quan điểm Trực tuyến (Online Freedom and Viewpoint Diversity Act), một đề xuất lập pháp nhằm thu hẹp phạm vi hoạt động của các công ty công nghệ liên quan đến kiểm duyệt chính trị bằng cách tu chính Mục 230 của Đạo luật Khuôn phép trong Giao tiếp (Communications Decency Act – CDA).
Bà Blackburn cho biết, luật mà bà đề xuất “xác định những gì họ có thể và không thể kiểm duyệt.”
Bà đã quan sát thấy rằng, Big Tech áp dụng kiểm duyệt chính trị một cách tùy tiện và không nhất quán.
Theo bà, Jack Dorsey của Twitter đã kiểm duyệt Tổng thống Donald Trump những 65 lần [vào thời điểm bầu cử], nhưng ông này chưa bao giờ kiểm duyệt cựu Phó Tổng thống Joe Biden hoặc Ayatollah (một giáo sĩ Hồi giáo Shia) hoặc Tổng thống Nga Putin hoặc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi vì theo bà, Jack Dorsey cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần có quyền truy cập vào nền tảng của ông ta.
Cuối cùng, bà Blackburn mô tả rằng hoạt động kiểm duyệt chính trị của Big Tech là sự can thiệp bầu cử.
Ở Nevada, chiến dịch ‘đổi quà lấy phiếu bầu’ vẫn đang tiếp diễn
Đại Nghĩa
Không có gì ngạc nhiên khi Nevada gặp vấn đề với an ninh bầu cử và gian lận cử tri, đặc biệt là sau khi tiểu bang gửi phiếu bầu vắng mặt qua thư cho mọi cử tri đã đăng ký trong năm nay, cho dù có nhận được yêu cầu hay không.
Kết quả là họ nhận được số phiếu gửi qua thư nhiều gấp tám lần so với năm 2016. Đó là một phần lý do đảng Cộng hòa ở Nevada đệ một đơn kiện khác vào thứ Ba (17/11) cáo buộc tình trạng gian lận cử tri phổ biến, theo tờ The Federalist.
Việc gửi hàng loạt lá phiếu dù không được yêu cầu tất nhiên là một phương thức để gian lận, đặc biệt tại một tiểu bang mà danh sách cử tri chứa hàng chục nghìn người đã không bỏ phiếu hoặc cập nhật hồ sơ của họ trong hơn một thập kỷ. Đây là cách họ khiến những người chết đi bỏ phiếu, theo các báo cáo trên phương tiện truyền thông.
Nhưng có một phương cách gian lận bầu cử khác, ít giật gân hơn nhưng có lẽ mang lại hậu quả lớn hơn ở Nevada, một phương cách hiện vẫn chưa bị vạch trần trên truyền thông. Dưới danh nghĩa các chiến dịch khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu (get-out-the-vote – GOTV) phi lợi nhuận, phi đảng phái, các nhóm vận động cử tri người Mỹ bản địa (người Anh Điêng) ở Nevada đã phát thẻ quà tặng, đồ điện tử, quần áo và các mặt hàng khác cho cử tri ở các khu vực bộ lạc. Trong nhiều trường hợp trên trang Facebook của chiến dịch họ còn ghi hình việc trao đổi lá phiếu cho các “giải thưởng”, đôi khi ngay cả khi đang mặc trang phục chính thức của chiến dịch Joe Biden (phi đảng phái?!).
Nói một cách đơn giản, điều này là bất hợp pháp. Cung cấp cho cử tri bất cứ thứ gì có giá trị để đổi lấy lá phiếu của họ là vi phạm luật bầu cử liên bang, và trong một số trường hợp có thể bị phạt tới hai năm tù giam và phạt tiền lên tới 10.000 đô la. Món quà trao đổi bao gồm xổ số, đồ ăn miễn phí, áo phông miễn phí,…
Nỗ lực GOTV ở Nevada là phạm tội rõ ràng
Trang Facebook của “Dự án Bỏ phiếu của Người Bản địa Nevada” chứa hàng loạt bài đăng mô tả việc các cử tri được tặng một thứ gì đó có giá trị để đổi lấy lá phiếu của họ. Trong một bài đăng, hai người đàn ông trưng ra thẻ quà tặng Visa trị giá 25 đô la mà họ nhận được sau khi bỏ phiếu bầu vắng mặt, có lẽ là cho một người làm việc cho “Dự án Bỏ phiếu người Bản địa Nevada” (hình dưới).
Trong một bài đăng khác trên Facebook, phát ngôn viên của nhóm “Da đỏ Reno-Sparks”, Bethany Sam, xuất hiện trên video bên trong một phòng bỏ phiếu cung cấp áo phông, đồ trang sức và thẻ quà tặng hàng nghìn đô la cho các cử tri. Một số món đồ này dường như là vé tham dự chương trình xổ số mà Sam cho biết các cử tri có thể nhận được bằng cách trực tiếp tham gia, hay gửi email hoặc nhắn tin hình ảnh lá phiếu vắng mặt của họ, trong khi các món đồ khác được cung cấp cho bất kỳ ai đến trực tiếp và bỏ phiếu.
Sam xuất hiện trong một video khác đeo khẩu trang in hình chiến dịch Biden-Harris cùng với chiếc xe buýt của chiến dịch phía sau, đề cập đến tầm quan trọng của các lá phiếu bầu của Người bản địa để “xoay chuyển cục diện” tại Quận Washoe (ông Biden sau đó đã thắng quận này, bao gồm khu vực Reno, với ít hơn 12.000 phiếu bầu). Trong một video khác, cô ấy chia sẻ với người xem về “Quà tặng Biden” có sẵn tại một sự kiện GOTV, bên cạnh bánh cookie in hình Biden được phát miễn phí. Tất cả các video này đều xuất hiện trên trang Facebook chính thức của “Thuộc địa da đỏ Reno-Sparks”. (Phóng viên đã gọi cho Sam để hỏi về điều này và về các chương trình xổ số bất hợp pháp nhưng không nhận được phản hồi thích đáng)
Trao thưởng thẻ quà tặng — tương đương với một khoản tiền mặt — dường như đã phổ biến trong các cộng đồng người Mỹ bản địa ở Nevada. Trang Facebook của Dự án Bỏ phiếu Bản địa Nevada liệt kê hàng chục người chiến thắng thẻ quà tặng theo tên, tất cả đều được thưởng cho phiếu bầu của họ.
Ngoài “Da đỏ Reno-Sparks”, các nhóm người bản địa khác trên khắp Nevada— Da đỏ Elko, Bộ lạc Walker River Paiute, Bộ lạc Pyramid Lake Paiute, Moapa Band of Paiute —đều tổ chức các chương trình xổ số cử tri các loại, tất cả đều được tài trợ bởi dự án “Bầu cử của Người bản địa Nevada”.
Những nhóm khác, như Cộng đồng Bộ lạc Las Vegas, chỉ đơn giản là tặng “đồ miễn phí” cho cử tri.
Phổ biến, nhưng không xuất hiện trên truyền thông dòng chính
Có khoảng 60.000 cử tri người Mỹ bản địa đủ điều kiện đi bầu ở Nevada, chiếm khoảng 3% tổng số cử tri đi bầu của tiểu bang. Con số đó gần gấp đôi khoảng chênh lệch phiếu bầu hiện tại của ông Biden so với Tổng thống Trump ở Nevada. Vì vậy, lá phiếu của người Mỹ bản địa thực sự quan trọng, thậm chí có thể đóng vai trò quyết định. Do đó, vấn đề quan trọng là có bao nhiêu phiếu bầu của người Mỹ bản địa bị cuốn vào chiến dịch âm mưu đổi tiền mặt lấy phiếu bầu bất hợp pháp, đặc biệt nếu nguồn tiền tài trợ cho chiến dịch này đến từ chính hầu bao của những người đóng thuế Mỹ.
Vấn đề này quan trọng vì hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Nevada. Các nhà tổ chức ở đó có thể chia sẻ rõ ràng và công khai hơn về những gì họ đang làm, nhưng có bằng chứng cho thấy những nỗ lực tương tự, bao gồm phát thẻ quà tặng và đồ điện tử lấy phiếu bầu, đã được tiến hành tại các cộng đồng bản địa ở các tiểu bang Nam Dakota, Arizona, Wisconsin, Washington, Michigan, Idaho, Minnesota và Texas.
Tất cả các hoạt động bất hợp pháp có tổ chức này được thiết kế rõ ràng để giành lấy phiếu bầu cho ông Biden và đảng Dân chủ ở các khu vực bộ lạc trên toàn quốc. Nó hoàn toàn diễn ra công khai. Bạn không cần khả năng truy cập đặc biệt hoặc một số nguồn tin bí mật để tìm hiểu về nó. Bạn chỉ cần óc tò mò, nhìn xung quanh và sẽ phát hiện ra vấn đề này.
Thật không may, các phương tiện truyền thông chính thống cánh tả không “tò mò” đến vậy, và họ từ chối đưa tin về bất kỳ điều gì trong số này. Những gì được mô tả ở trên là một kế hoạch thu mua phiếu bầu nghiêm trọng và “công khai giữa ban ngày” ở Nevada. Nó có khả năng được thực hiện với quy mô tương tự trên gần một chục tiểu bang khác, nhưng bạn sẽ không thể đọc thấy nó trên The New York Times hoặc nghe về nó trên CNN, vốn là những kênh truyền thông cánh tả.
Đó không phải là vì câu chuyện không quan trọng, mà bởi vì, đối với giới truyền thông, nó gây phiền toái. Không có gì ngạc nhiên khi những nhóm này không cố gắng che giấu những gì họ đang làm.
Hồi ký Obama: Những gì ông thực sự nghĩ về Putin
và các lãnh đạo khác
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ví Vladimir Putin của Nga như một “ông chủ tịch phường” khó tính ở Chicago và mô tả cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là người đầy “những lời hùng biện quá mức” trong tập đầu tiên cuốn hồi ký gồm hai phần của ông.
Trump và Obama đả kích nhau trong các cuộc tranh cử đối đầu
Sách của Michelle Obama cạnh tranh với sách viết về Trump
Nga xúc tiến việc bảo vệ Putin khỏi bị truy tố
Ông Putin đã ‘trở thành nước Nga’
A Promised Land đã bán được gần 890.000 bản tại Mỹ và Canada trong 24 giờ đầu tiên – một kỷ lục đối với nhà xuất bản Penguin Random House. Nó được kỳ vọng sẽ trở thành cuốn hồi ký tổng thống bán chạy nhất trong lịch sử.
Trong cuốn sách, ông Obama nhớ lại những chuyến đi vòng quanh thế giới với tư cách là tổng thống thứ 44 của Mỹ và những cuộc gặp gỡ của ông với các nhà lãnh đạo thế giới. Vậy ai đã tạo ấn tượng tốt và ai không?
David Cameron
Nhà bảo thủ được hưởng sự giáo dục ở Eton từng giữ chức thủ tướng Vương quốc Anh từ năm 2010-2016 là người “điềm đạm và tự tin” và có “sự tự tin dễ dàng của một người chưa bao giờ bị cuộc sống gây sức ép quá mức”.
Ông Obama cho biết ông thích ông Cameron như một con người (“Cá nhân tôi thích ông ấy, ngay cả khi chúng tôi bất đồng với nhau”) nhưng không giấu giếm việc ông không đồng tình với các chính sách kinh tế của ông Cameron. Ông viết: “Cameron tuân theo chủ trương thị trường tự do, hứa với cử tri rằng
chính sách của ông về giảm thâm hụt và cắt giảm các dịch vụ của chính phủ – cùng với cải cách luật pháp và thương mại mở rộng – sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về khả năng cạnh tranh của Anh. Thay vào đó, có thể dự đoán, nền kinh tế Anh sẽ rơi vào suy thoái sâu hơn.”
Vladimir Putin
Ông Obama viết rằng nhà lãnh đạo Nga đã nhắc nhở ông về những nhân vật có thế lực chính trị mà ông gặp trong thời gian đầu làm việc ở Chicago. Ông viết rằng ông Putin “giống như một ông chủ tịch phường [quận], ngoại trừ việc có vũ khí hạt nhân và có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên quốc”.
Ông tiếp tục: “Thực tế, Putin đã làm tôi nhớ đến những loại đàn ông đã từng điều hành cỗ máy Chicago hay Tammany Hall [một tổ chức chính trị của Thành phố New York] – những nhân vật cứng rắn, thông minh kiểu đường phố, không đa cảm, biết những gì họ biết, những người không bao giờ vượt ra ngoài kinh nghiệm hạn hẹp của họ nhưng coi sự bảo trợ, hối lộ, lừa gạt, gian lận và bạo lực là công cụ giao dịch hợp pháp . “
Nicolas Sarkozy
Theo ông Obama, cựu tổng thống Pháp là người “bộc phát cảm xúc và khoa trương quá mức” và giống như “một nhân vật trong bức tranh Toulouse-Lautrec”.
“Các cuộc trò chuyện với Sarkozy lần lượt trở nên thích thú và khó chịu, hai tay ông ấy chuyển động liên tục, ngực ông ấy ưỡn ra như con gà trống, người phiên dịch riêng của ông … luôn bên cạnh ông để điên cuồng lặp lại mọi cử chỉ và ngữ điệu của ông ấy khi cuộc trò chuyện chuyển từ xu nịnh sang hung hăng cho đến sâu sắc, không bao giờ đi lạc khỏi mối quan tâm chính yếu, hầu như không che đậy của ông ấy, đó là trung tâm của hành động và ghi công cho bất cứ điều gì có thể đáng được ghi nhận. “
Angela Merkel
Nhà lãnh đạo Đức được coi là “kiên định, trung thực, nghiêm khắc một cách trí tuệ và tốt bụng một bản năng”. Ông Obama lưu ý rằng ban đầu bà đã nghi ngờ ông vì tài hùng biện và kỹ năng diễn thuyết của ông. “Tôi không có ý xúc phạm, cho rằng với tư cách là một nhà lãnh đạo Đức, ác cảm với những kẻ mị dân có thể là một điều lành mạnh.”
Recep Tayyip Erdogan
Ông Obama nhận thấy nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là người “thân thiện và nhìn chung đáp ứng các đề nghị của tôi”.
“Nhưng bất cứ khi nào tôi nghe ông ấy nói, thân hình cao lớn của ông hơi khom xuống, giọng ông ấy dồn dập đầy nội lực vút lên một quãng tám để đáp lại những lời trách cứ hoặc chỉ trích khác nhau. Tôi có ấn tượng mạnh mẽ rằng cam kết của ông ấy đối với dân chủ và pháp quyền có thể chỉ tồn tại khi nó bảo toàn được quyền lực của chính ông.”
Manmohan singh
Cựu thủ tướng Ấn Độ được mô tả là người “khôn ngoan, chu đáo và trung thực một cách thận trọng” và là “kiến trúc sư trưởng của sự chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ”. Ông Singh là một “nhà kỹ trị tự tin, người giành được lòng tin của người dân không phải bằng cách khơi gợi nềm đam mê của họ mà là mang lại mức sống cao hơn và duy trì danh tiếng không tham nhũng”, ông Obama nhận xét.
Václav Klaus
Ông Obama là một người ngưỡng mộ Václav Havel – tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc sau Cách mạng Nhung – nhưng nhận thấy người kế nhiệm Václav Klaus gây trở ngại hơn. Ông Obama viết rằng ông lo sợ vị tổng thống theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu này báo hiệu sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu trên khắp châu Âu và là hiện thân của “cách cuộc khủng hoảng kinh tế [2008-9] gây ra sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc, tinh thần chống nhập cư và hoài nghi về [châu Âu] hội nhập”. Ông nói thêm: “Làn sóng dân chủ hóa, tự do hóa và hội nhập đầy hy vọng, vốn quét qua toàn cầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nay đang bắt đầu thoái trào.”
FBI bắt giữ Nghị sĩ Đảng Dân chủ vì nhận hối lộ để đổi lấy phiếu bầu
Hương Thảo
Các nhân viên FBI hôm thứ Năm (19/11) đã bắt giữ Nghị sĩ P.G Sittenfeld thuộc Đảng Dân chủ tiểu bang Cincinnati vì nhận hối lộ để đổi lấy phiếu bầu, theo Fox 19.
Việc bắt giữ Sittenfeld hôm thứ Năm đánh dấu vụ bắt giữ thứ ba thuộc hội đồng thành phố này trong năm nay.
Các cáo buộc chống lại Sittenfeld trong bản cáo trạng dài 20 trang, cáo buộc ông ta âm mưu chuyển tiền từ các nhà phát triển vào một ủy ban hành động chính trị (PAC) mà ông ta bí mật kiểm soát.
Các “nhà phát triển” thực sự là các đặc vụ FBI bí mật đang tìm bằng chứng phạm tội, họ đã nộp tổng cộng 40.000 đô la Mỹ cho Sittenfeld trong ba lần khác nhau, theo cáo trạng.
Sittenfeld, người không thể tiếp cận được để đưa ra bình luận ngay lúc này, đang tranh cử để trở thành thị trưởng của Cincinnati và được một số người coi là ứng cử viên hàng đầu với hàng vạn đô la được huy động cho chiến dịch của ông ta.
Hiện ông là nghị viên thành phố Cincinnati thứ ba bị bắt vì tội tham nhũng trong năm nay, và là người thứ hai chỉ trong tuần qua.
Các nhà chức trách liên bang gần đây đã tiết lộ trong hồ sơ tòa án rằng họ đang điều tra tham nhũng và hối lộ liên quan đến phiếu bầu và các dự án phát triển, đồng thời cho biết sẽ có thêm nhiều vụ truy tố.
Luật sư Hoa Kỳ David DeVillers cho biết tại một cuộc họp báo vào tuần trước rằng việc chấp nhận các khoản đóng góp của chiến dịch để đổi lấy các đặc ân cũng vi phạm luật liên bang.
Khảo sát: Đa số hãng Mỹ lạc quan
về làm ăn với TQ sau khi Biden thắng cử
Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải hôm thứ Sáu 20/11 công bố một khảo sát cho thấy các công ty Mỹ nhìn nhận rằng triển vọng làm ăn của họ ở Trung Quốc đang cải thiện, cả về bầu không khí chính trị lẫn về mặt doanh thu, tin tức của CNBC và Bloomberg cho hay.
Trong số 124 lãnh đạo công ty được hỏi ý kiến trong các ngày từ 11 đến 15/11, chỉ có hai người nói họ thấy bi quan hơn về làm ăn ở Trung Quốc sau khi ông Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tháng này và trở thành tổng thống đắc cử của Mỹ, CNBC và Bloomberg tường thuật.
“Nói chung, các công ty có cái nhìn tích cực về triển vọng dưới thời chính quyền của ông Biden. Điều này có lẽ là do có những kỳ vọng là quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở nên ổn định hơn so với 4 năm qua, mặc dù ít có khả năng sẽ quay trở lại với các điều kiện và trạng thái thời trước năm 2016”, AmCham nói trong một tuyên bố, được Bloomberg dẫn lại.
Cuộc khảo sát cho thấy rằng hơn một nửa số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc (54,8%) nói họ “lạc quan hơn”, và 8,1% nói họ “lạc quan hơn nhiều”, trong bối cảnh được dự đoán là chính quyền của ông Trump sẽ được thay thế, theo tin của CNBC và Bloomberg.
“Phần đông những người được khảo sát nhìn vào sự thay đổi đó với ánh mắt lạc quan. Chính quyền của ông Biden sẽ là nhân tố tích cực về mặt môi trường ổn định và quan hệ ổn định”, Ker Gibbs, Chủ tịch AmCham Thượng Hải nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng dưới thời chính quyền của ông Trump khi chính quyền này áp dụng cách tiếp cận cứng rắn để xử lý những phàn nàn đã có trong nhiều năm về việc hệ thống chịu nhiều chi phối của nhà nước Trung Quốc có những hành xử bất công trong lĩnh vực kinh doanh.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã đánh thuế cao lên hàng hóa của nhau trị giá hàng tỉ đô la. Tiếp đến, Mỹ đưa hãng công nghệ khổng lồ Huawei và các công ty khác của Trung Quốc vào danh sách đen, ngăn chặn họ mua linh kiện từ các nhà cung cấp chủ chốt của Mỹ.
Theo khảo sát của AmCham Thượng Hải, chỉ có 5,6% những người được hỏi ý kiến cho rằng thuế má có thể tăng thêm dưới thời của chính quyền ông Biden. 70,2% tiên liệu rằng ban lãnh đạo mới của Mỹ sẽ làm việc nhiều hơn với các nước khác để gây thêm áp lực về quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cho rằng việc kinh tế Trung Quốc hồi phục từ đại dịch virus corona cũng là một yếu tố tốt cho các doanh nghiệp, trong khi Mỹ vẫn đang vật lộn để kiểm soát dịch.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2020, gần một nửa những người tham gia khảo sát (47,6%) dự liệu rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ cao hơn năm ngoái.
Đa phần các công ty có hoạt động chế tạo ở Trung Quốc có chủ trương duy trì hoạt động sản xuất ở nước này trong 3 năm tới. Chỉ có 3 hãng có kế hoạch chuyển ít nhất 30% hoạt động chế tạo sang nước khác, theo cuộc khảo sát.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đều lạc quan. Một phần ba số người được hỏi ý kiến nói họ lo ngại về khả năng Trung Quốc cấm rút ra, hoặc bắt bớ và có các hạn chế khác đối với các nhân viên của các hãng Mỹ.
Vẫn cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 13,7% số người được hỏi nói rằng họ dự định tăng đầu tư vào Trung Quốc, còn đa số sẽ “ngồi yên” hoặc đang phân vân chưa đưa ra quyết định về các kế hoạch phát triển ở Trung Quốc.
“Những va chạm về thương mại sẽ không biến mất. Có những vẫn đề mang tính cấu trúc cần phải được giải quyết”, Ker Gibbs, Chủ tịch AmCham Thượng Hải nói với CNBC.
Những viên quản lý của một số hãng chế tạo Trung Quốc được Bloomberg phỏng vấn hồi đầu tháng này nói họ lo ngại rằng nước Mỹ dưới thới chính quyền ông Biden sẽ vẫn “thù địch” với Trung Quốc. Họ cho rằng thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỉ đô la sẽ vẫn được duy trì, tương tự là các cấm đoán đối với lĩnh vực công nghệ và đầu tư, Bloomberg tường thuật.
WHO khuyến cáo về việc sử dụng thuốc Remdesivir của Gilead
cho tất cả bệnh nhân COVID-19 nhập viện
Tin từ Luân Đôn, Anh Quốc – Vào hôm thứ Sáu (20/11), một hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thuốc remdesivir của Gilead không được đề nghị chữa cho bệnh nhân nhập viện với COVID-19, bất kể họ bệnh nặng như thế nào, vì hiện vẫn chưa có bằng chứng rằng thuốc này cải thiện khả năng sống sót hoặc giảm nhu cầu hô hấp.
Lời khuyên này là một trở ngại khác đối với thuốc remdesivir, thu hút sự chú ý trên toàn thế giới như một phương pháp điều trị hiệu quả tiềm năng đối với COVID-19 vào mùa hè sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy một số kết quả khả quan.
Vào cuối tháng 10, Gilead cắt giảm dự báo doanh thu năm 2020 của họ, với lý do nhu cầu thấp hơn dự kiến và khó khăn trong việc dự đoán doanh số bán remdesivir. Thuốc kháng virus này là một trong hai loại thuốc hiện đang được phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới, nhưng một thử nghiệm lớn do WHO đứng đầu được gọi là Solidarity Trial cho thấy vào tháng trước rằng thuốc này có ít hoặc không có ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong 28 ngày hoặc thời gian nằm viện của bệnh nhân COVID-19.
Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng để điều trị coronavirus cho Tổng thống Trump và được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây là cắt giảm thời gian hồi phục. Thuốc này được cho phép hoặc phê duyệt để sử dụng như một phương pháp điều trị COVID-19 ở hơn 50 quốc gia. Phía Gilead đặt nghi vấn về kết quả của Solidarity Trial. (BBT)
WHO : Có thể tránh được phong tỏa
nếu 95% người dân đeo khẩu trang
Thu Hằng
Giãn cách xã hội, đeo khẩu trang là những biện pháp phòng dịch tiếp tục được khuyến cáo trong khi chờ vac-xin ngừa Covid-19 được tiêm trên diện rộng. Thế giới ghi nhận hơn 56 triệu ca nhiễm virus corona và khoảng 1,35 triệu người chết tính đến ngày 19/11/2020.
Làn sóng dịch thứ 2 bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm tại Liên Hiệp Châu Âu nhờ những biện pháp hạn chế và phong tỏa. Ví dụ tại Pháp, “virus lây nhiễm chậm hơn trước”, theo bộ trưởng Y Tế Olivier Véran trong buổi họp báo tối 19/11. Số ca nhiễm mới cũng giảm hơn so với hôm trước, thêm 21.150 ca và có thêm 436 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Dù “tỉ lệ mắc bệnh giảm nhưng vẫn cao hơn mức được tổng thống ấn định” (khoảng 4.000 đến 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày), theo tổng giám đốc y tế Jérôme Salomon.
Chính phủ Pháp bắt đầu tính đến nới lỏng phong tỏa từ cuối tháng 11. Trong khi biện pháp nghiêm ngặt này có thể tránh được, theo phát biểu của tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trong buổi họp báo ngày 19/11. Ông cho rằng “khẩu trang không phải là một thần dược và cần được sử dụng kết hợp với những biện pháp khác. Tuy nhiên, nếu 95% người dân đeo khẩu trang, thì có lẽ sẽ không cần đến biện pháp phong tỏa. Nhưng tỉ lệ đeo khẩu trang hiện nay mới chỉ ở mức 60%, thậm chí ít hơn, nên khó tránh được phải phong tỏa”.
Ngoài ra, theo AFP, ngày 20/11, Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo không dùng thuốc remdesivir điều trị bệnh nhân Covid-19 ở bất kỳ cấp độ nào vì “hiện chưa có bằng chứng cho thấy thuốc kháng virus này tăng khả năng cứu sống hay tránh cho bệnh nhân phải thở máy”.
Về vac-xin ngừa Covid-19, Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ bật đèn xanh cho hai loại vac-xin của Moderna và Pfizer/BioNTech vào giữa tháng 12. Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) “trao đổi thường nhật” với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ để “phối hợp đánh giá”.
PUBLICITÉ
Riêng hai loại vac-xin chống Covid-19 do công ty Sinopharm của Trung Quốc phát triển, nhưng chưa được công nhận, đã được tiêm cho gần 1 triệu người, từ mùa hè vừa qua, đặc biệt là đối với những đối tượng “khẩn cấp” như nhân viên viên, sinh viên đi ra nước ngoài, nhân viên y tế hoặc những nhân viên có nguy cơ phơi nhiễm cao. Trên trang web, công ty Sinopharm khẳng định không một người nào được tiêm vac-xin bị nhiễm Covid-19 dù họ đi đến hơn 150 nước.
Châu Âu vẫn chưa thông qua được ngân sách và kế hoạch tái thiết
Anh Vũ
Ngân sách và kế hoạch tái thiết kinh tế hậu Covid của Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bị bế tắc sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày hôm qua, 19/11/2020. Các thành viên Hungary, Ba Lan và Slovenia khăng khăng phủ quyết để phản đối việc phân bổ tài chính dựa trên các tiêu chí Nhà nước pháp quyền.
Thông tín viên Pierre Bénazet ghi nhận từ Bruxelles:
Ba nước vẫn bác bỏ quyết định gắn việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền với việc rót tiền từ ngân quỹ Châu Âu. Như lo ngại, cuộc họp thượng đỉnh ngày 19/11 đã không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng mới, trong khi thời gian đang cấp bách. Nhiều nước đang sốt ruột mong đợi tiền từ kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 (750 tỷ euro) và từ ngân sách trong 7 năm (1100 tỷ).
Ngoài các nước chống đối như Hungary, Ba Lan và Slovenia ra, chỉ có chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, nước chủ tịch luân phiên của EU, phát biểu.
Do vậy 27 nước thành viên quyết định sẽ tranh luận vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 12 tới. Điều có thể thấy rõ là các cuộc họp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến tỏ ra không có hiệu quả để tháo gỡ khủng hoảng.
Trong khi đó, phần lớn các nước của Liên Hiệp đã trình Ủy Ban Châu Âu dự án mà họ hy vọng có được nguồn tiền từ châu Âu. Tuy nhiên, điều đó cũng không tiên liệu được là vấn đề ngân sách châu Âu cũng như kế hoạch tái thiết kinh tế sẽ được khai thông nhanh chóng.
Hai kịch bản thoát khỏi khủng hoảng: trước hết là có sự bảo đảm, chẳng hạn trong trường hợp kiện cáo vì bị ngừng cấp vốn của châu Âu. Một số nước như Pháp hay Hà Lan nghĩ đến khả năng soạn thảo một kế hoạch tái thiết giới hạn trong một nhóm nước tình nguyện. Nhưng việc này cũng cần có các cuộc đàm phán mới. Còn hồ sơ ngân sách thì vẫn bế tắc vì cần phải có đồng thuận của 27 nước.
Covid-19: Các công ty ‘thân hữu’ ở Anh
hưởng lợi lớn nhờ cung cấp đồ PPE
Các công ty được nghị sĩ, văn phòng bộ trưởng giới thiệu đã nhận ưu tiên trong bối cảnh chính phủ Anh ráo riết mua đồ bảo hộ cá nhân (PPE) trong đại dịch Covid-19 năm nay, theo báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh.
Covid-19: Vaccine của Pfizer và BioNTech ‘hiệu quả trên 90%’
New York áp đặt biện pháp ‘cuối cùng’ để chống làn sóng Covid mới
Họ phát hiện hơn một nửa trong 18 tỉ bảng bỏ ra cho các hợp đồng liên quan Covid-19 đã không có đấu thầu cạnh tranh.
Họ nói chính phủ Anh không minh bạch về các nhà cung cấp và dịch vụHọ cũng thấy không có giải thích đầy đủ về các quyết định chi tiêu lớn.
Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh đang điều tra cách chính phủ Anh mua hàng hóa trong lúc chống Covid-19.
Họ thấy rằng đã thiếu cách giải quyết tiềm năng xung đột lợt ích của các quan chức.
Hơn 8.600 hợp đồng được trao cho tới ngày 31/7, có giá trị từ 100 bảng ít ỏi cho tới tận 410 triệu bảng.
Trong số này, 10,5 tỉ bảng đã được dành cho các công ty mà không qua đấu thầu.
Thiết bị bảo hộ PPE chiếm 80% tổng số các hợp đồng này.
Một điều tra của BBC hôm thứ Ba tiết lộ một doanh nhân Tây Ban Nha, đóng vai trò môi giới để mua hàng y tế cho chính phủ Anh, đã được trả tiền mặt 28 triệu đôla.
Người này, Gabriel Gonzalez Andersson, lẽ ra còn chuẩn bị nhận thêm 20 triệu đôla nữa từ chính phủ Anh, theo tài liệu của một tòa án tại Mỹ.
Ông ta làm việc với Michael Saiger, làm nghề thiết kế nữ trang ở Florida, đã lập ra công ty mới vào thời điểm đầu đại dịch để bán hàng PPE.
Văn phòng Kiểm toán Quốc gia cũng nói “không thấy có bằng chứng là các quan chức chính phủ trực tiếp dính líu việc trao hợp đồng hay quản trị các hợp đồng” này.
Cơ quan này thừa nhận do đại dịch nên phải có hành động “khẩn cấp” và có luật cho phép việc dành các hợp đồng mà không qua đấu thầu.
Bộ trưởng văn phòng chính phủ Julia Lopez nói: “Chúng tôi đối phó với đại dịch toàn cầu chưa từng có, là thách thức lớn nhất cho Anh quốc trong cả thế hệ.”
“Như báo cáo này chỉ ra, chúng tôi đã cần các hợp đồng khẩn cấp để mua được thiết bị quan trọng bảo vệ nhân viên y tế, và chúng tôi không xin lỗi cho điều đó.”
“Chúng tôi có quá trình nghiêm ngặt để bảo đảm có được thiết bị quan trọng thật nhanh và cũng bảo đảm tiền bạc cho người dân.”
Covid-19 : Các hãng phim Anh lấn sân Hollywood
Tuấn Thảo
Vào lúc nước Anh vẫn chưa ra khỏi đợt phong tỏa thứ nhì, các phim trường tại Luân Đôn cũng như trong các vùng phụ cận vẫn tiếp tục hoạt động. Chính phủ Anh đã cho phép các đoàn quay phim làm việc trở lại kể từ mùa hè năm 2020. Ngành sản xuất phim tại Anh khai thác ưu thế này để cạnh tranh với guồng máy Hollywood, còn đang bị dịch Covid-19 làm tê liệt.
Nếu như nhiều lãnh vực kinh tế như hàng không, du lịch đang lâm vào tình thế nguy kịch khi dịch bệnh đang kéo dài, thì ngành thiết kế trò chơi điện tử (game video) cũng như ngành sản xuất phim truyện lại trên đà bội thu. Trong cả hai thời kỳ phong tỏa, nhu cầu xem phim truyền hình nhiều tập và thể loại phim lẻ phát hành qua các dịch vụ trực tuyến lại tăng mạnh tại các quốc gia Âu Mỹ.
Bất kể là phim dành cho màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ hay là phổ biến trên mạng, ngành sản xuất phim truyện của Anh, vốn là một trong những nền công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới, đang tận dụng thời cơ để phát triển thêm các nội dung trực tuyến, đồng thời xúc tiến lại các kế hoạch quay phim, kể cả việc hoàn tất tập 7 của phim Mission Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi) với ngôi sao điện ảnh Tom Cruise trong vai chính.
Giới sản xuất Anh “lấn sân” Hollywood ?
Với những phong cảnh kỳ vĩ ngoạn mục, những lâu đài nguy nga tráng lệ, những phim trường tối tân với công nghệ hiện đại không kém gì Hollywood, ngành công nghiệp điện ảnh Anh quốc nuôi tham vọng ngày càng thu hút được thêm nhiều đoàn làm phim quốc tế. Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất là phim trường thuộc tập đoàn Pinewood Studios. Trên bảng thành tích, Pinewood chính là nơi đã dựng nhiều cảnh để quay 8 mùa phim Game of Thrones (Trò chơi Vương quyền) cho đến các thương hiệu phim chiếu rạp cực kỳ ăn khách như Star Wars (Chiến tranh các vì sao) hay là loạt phim James Bond. Không phải ngẫu nhiên mà công ty Eon chuyên sản xuất phim điệp viên 007 lại đặt trụ sở tại phim trường Pinewood.
Theo ông Gary Davey, giám đốc điều hành của công ty Sky Studios, ngành sản xuất phim tại Anh qua việc thu hút nhiều dự án đầu tư khắp thế giới, trong đó có nhiều phim hành động hay phim blockbuster của Mỹ với kinh phí cao, một mặt cạnh tranh trực tiếp với Hollywood và như vậy giành thêm sân chơi của ngành điện ảnh Mỹ, mặt khác thông qua các dự án đồng sản xuất nước Anh trở thành một đầu tàu kinh tế, lôi kéo nền điện ảnh châu Âu đi lên.
Ngành sản xuất phim tại Anh (kể cả điện ảnh và truyền hình) hiện đang tuyển dụng khoảng 140.000 nhân viên. Mức đầu tư trong năm 2019 lên tới 3,7 tỷ bảng Anh (tức gần 5 tỷ dô la), trong đó có hơn một nửa là 2,66 tỷ đô la dành cho ngành điện ảnh. Theo ông David McGraynor, giám đốc điều hành công ty ITV Studios, ngành này đã phục hồi nhanh chóng sau đợt phong tỏa đầu tiên, việc mở lại các phim trường cho các dự án quay phim đã được chuẩn bị tỉ mỉ. Các đoàn làm phim được phép hoạt động trở lại với điều kiện phải tuân thủ nhiều quy định phòng dịch chặt chẽ, ngoài giãn cách xã hội, đoàn quay phim buộc phải giới hạn số lượng nhân viên làm việc trong cùng một ngày trên phim trường và không có cảnh quay mặt đối mặt giữa các diễn viên với nhau hầu bảo đảm những khoảng cách cần thiết trong phim đoàn.
Mức thuế hấp dẫn : “đất lành chim đậu”
Để có thể tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, các nhà sản xuất buộc phải vặn óc sáng tạo, đề ra những kịch bản mà ngay từ đầu hạn chế càng nhiều càng tốt các mối quan hệ tương tác, công nghệ hiện đại được tận dụng tối đa đặc biệt trong các khâu kỹ xảo, dựng phim, lồng âm thanh, chỉnh sửa hậu kỳ. Các khâu này đều có thể thực hiện từ xa nhằm hoàn tất đúng thời hạn các chương trình (phim lẻ, phim bộ, tài liệu …..) và như vậy không bị lố ngân sách.
Nếu như đại đa số các rạp chiếu phim tại Anh buộc phải đóng cửa do dịch Covid-19, những bộ phim đình đám hấp dẫn như tập 25 của James Bond (No Time to Die) nhiều lần bị trì hoãn, thì chính phủ Anh đã nhanh chóng tùy cơ ứng biến, qua việc khuyến khích nhiều đoàn làm phim ở nước ngoài đến Luân Đôn thay vì phải đình chỉ các dự án. Về điểm này, nước Anh có một đối tác lý tưởng là các công ty Ấn Độ. Theo ông Vikram Malhotra, giám đốc điều hành tập đoàn giải trí Ấn Độ Abundantia Entertainment, với thời gian, nước Anh đã trở thành địa điểm quay phim yêu chuộng nhất của Bollywood khi có kế hoạch quay phim ở nước ngoài. Ngoài lợi thế ngôn ngữ, nước Anh còn có một dàn chuyên viên kỹ thuật lành nghề trong tất cả các khâu làm phim (tiền kỳ cũng như hậu kỳ). Nhưng lợi thế áp đảo nhất vẫn là chính sách áp dụng mức thuế ưu đãi đối với các đoàn làm phim quốc tế kể từ năm 2007, khiến cho Vương quốc Anh càng thêm hấp dẫn, trở thành một vùng “đất lành chim đậu”.
Ngành sản xuất phim ảnh tại Anh dường như đã biết nắm bắt thời cơ. Cuộc khủng hoảng liên quan tới dịch Covid-19 gây thiệt hại cho nhiều ngành nghề, nhưng đồng thời tạo ra một động lực mới. Các giai đoạn phong tỏa đã thay đổi ít nhiều cung cách giải trí của các hộ gia đình, nhịp độ xem phim trên màn ảnh nhỏ hay xem qua điện thoại di động, đột ngột tăng tốc và thúc đẩy các công ty đầu tư thêm vào khâu sản xuất và các dịch vụ phát hành trực tuyến.
Xây dựng một Hollywood mới tại Luân Đôn
Tập đoàn Sky đã tiến hành việc xây dựng phim trường Sky Studios dự trù mở cửa trong 18 tháng tới. “Sky Studios” nằm ngay bên cạnh phim trường Elstree nổi tiếng, nơi quay phim Star Wars hay là anh hùng Indiana Jones. Còn ở khu vực ngoại ô phía đông Luân Đôn, chính phủ Anh đã bật đèn xanh cho dự án thành lập một phim trường khổng lồ, có khả năng tiếp đón cùng lúc nhiều đoàn làm phim khác nhau. Chi phí dự án này lên tới 400 triệu đô la. Một khi được hoàn tất vào năm 2022, phim trường này nuôi tham vọng trở thành một Hollywood mới tại Luân Đôn.
Sở dĩ Luân Đôn tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng hơn cho các đoàn quay phim bởi vì trước hết đó là nguồn tạo thêm nhiều việc làm. Trong năm 2019, chính quyền đã bật đèn xanh cho phép biến một nhà máy bỏ hoang thành địa điểm quay phim “bom tấn” dưới sự điều khiển của Joss Whedon, đạo diễn của loạt phim “Avengers” của Marvel. Tập đoàn Mỹ Netflix cũng đã ký thỏa thuận với phim trường Shepperton Studios ở phía tây Luân Đôn để thục hiện các mùa kế tiếp của loạt phim truyền hình “The Crown” (Vương quyền) nói về nữ hoàng Elizabeth II và hoàng tộc Anh, trong khi Disney muốn hợp tác với tập đoàn nổi tiếng Pinewood thông qua các dự án thành lập công viên giải trí.
Trong năm qua, mức đầu tư của các tập đoàn điện ảnh và truyền hình Anh lên tới gần 5 tỷ đô la, tức cao hơn gấp ba lần so với đầu tư của nước Pháp (1,35 tỷ đô la), nhưng vẫn còn kém so với mức 7,6 tỷ đô la hàng năm của ngành điện ảnh Mỹ. Giới chuyên ngành hy vọng là trong 4 năm nữa, Anh quốc sẽ đạt tới mức 7 tỷ rưỡi đô la đầu tư và như vậy sẽ đuổi kịp, đứng ngang hàng với Hollywood.
Tương lai sẽ là xe hạng sang và xe chạy điện?
Daimler, công ty chủ sở hữu xe Mercedes-Benz dự kiến tăng doanh số bán xe hạng sang Maybach lên gấp đôi ở Trung Quốc.
Việt Nam cần tránh đi con đường cụt của Trung Quốc?
Năm ngoái Daimler đã bán con số kỷ lục 12,000 chiếc Maybach, với giá từ 173 nghìn tới 250 nghìn USD một chiếc.
Thị trường Trung Quốc cho hạng xe này tăng trưởng gấp đôi, còn doanh thu ở Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ cũng rất tốt, theo Giám đốc điều hành Ola Kaellenius.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường cho xe hơi hạng sang. Công ty BMW, chủ của xe Rolls-Royce, công bố doanh thu tăng gần 10% từ đầu năm, nhờ thị trường Trung Quốc và châu Á.
Hồi tháng 9, Rolls-Royce cho ra mắt xe Ghost model với giá bán 250 nghìn bảng Anh.
Dù kinh tế thế giới bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, thị trường xe hơi cao cấp châu Á, Hoa Kỳ và châu Âu “gần như đã trở lại bình thường”, theo giám đốc của Rolls-Royce Torsten Müller-Ötvös nói với BBC.
Tương lai là xe chạy điện
Daimler hiện đang lên kế hoạch tung ra xe Maybach chạy điện với mong đợi sẽ bán được tốt ở Trung Quốc.
Chính phủ TQ đã đặt ra mục tiêu cân bằng lượng khí thải nhà kính (carbon neutral) vào năm 2060 và nước này đang đi đầu trong việc chuyển xe xăng dầu sang chạy điện.
Dùng xe chạy điện (50 tỷ USD một năm để nhập khẩu dầu.
Công ty GM cũng sẽ tung ra 30 dòng xe hoàn toàn chạy điện vào năm 2025. Tập đoàn Hoa Kỳ sẽ đầu tư 27 tỷ USD vào xe chạy điện tới 2025.
Công ty Bentley (thuộc VW) nói tới 2026, toàn bộ xe họ sản xuất sẽ hoặc chạy điện hoặc dùng động cơ hỗn hợp điện-xăng (hybrid).
Tới 2030, tất cả các xe của họ sản xuất sẽ là xe chạy điện, theo một thông báo vào tháng 3 năm nay.
Tại Anh, chính phủ của thủ tướng Boris Johnson vừa công bố cấm bán các loại xe chạy xăng và dầu diesel từ năm 2030.
Các báo Anh đánh giá rằng quyết định của chính phủ được thúc đẩy bằng tham vọng hơi quá cao về tiêu chuẩn về môi trường trước Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP26) ở Glasgow vào tháng 11/2021.
Trước đó, Anh Quốc dự kiến ‘xóa sổ’ xe chạy xăng dầu vào 2030.
Việc sản xuất xe chạy bằng động cơ điện được dư luận chung hoan nghênh nhưng các báo Anh nói nước này cần triển khai gấp cơ sở hạ tầng để có các trạm nạp pin cho xe điện.
Ngoài ra, giá thành cao và tầm hoạt động còn hạn chế, chỉ đạt dưới 200 km cho một lần nạp pin, và việc nạp pin kéo dài nhiều giờ, tính theo chuẩn trung bình ở các loại xe hiện có trên thị trường, cũng là một vấn đề cho người tiêu dùng.
ASEAN và Trung Quốc cần nối lại đàm phán COC
ASEAN và Trung Quốc được kêu gọi nỗ lực nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, hai phía cần đẩy mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, tại cuộc họp báo ngày 19/11, cho biết thông tin vừa nêu là một trong những nội dung được đề cập đến trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) 15.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm trong khuôn khổ các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và EAS 15, đại diện nhiều nước tham dự bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định sự cần thiết duy trì hòa bình bền vững, ổn định lâu dài trên vùng biển quan trọng của khu vực này.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh đại diện các nước cho rằng những bên liên quan cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa khu vực Biển Đông. Các nước cũng đề nghị cần đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), khung pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Liên quan thông tin về Trung Quốc tập trận ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, tức Vịnh Bắc Bộ của Trung Quốc, từ ngày 17 đến ngày 30/11, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định cuộc tập trận này của Trung Quốc không diễn ra trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Trước đó vào ngày 16/11, Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc phổ biến thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận ở khu vực phía đông Vịnh Bắc Bộ và tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực có bán kính 5 km trong nửa tháng cuộc tập trận diễn ra, từ ngày 17 đến ngày 30/11.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc họp báo ngày 19/11, nói rằng Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ đã xác định phạm vi và chế độ pháp lý với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như của Trung Quốc với vùng biển của mỗi nước, phù hợp với UNCLOS 1982. Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc các quy định của hiệp định trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đài Loan công bố về chuyến thăm của người đứng đầu
cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ
Tin từ Đài Bắc, Đài Loan – Vào hôm thứ Sáu (20/11), tổng thống Đài Loan cho biết người đứng đầu cấp Nội các của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ, ông Andrew Wheeler, sẽ đến thăm hòn đảo này, trong chuyến thăm thứ ba của một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ kể từ tháng Tám.
Trung Cộng, quốc gia tuyên bố Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của riêng họ, đưa ra phản ứng phẫn nộ khi Bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ Alex Azar đến Đài Bắc vào tháng 8, tiếp theo là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach vào tháng 9, mỗi lần đều gửi chiến đấu cơ đến gần hòn đảo.
Chính quyền tổng thống Trump tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, bao gồm cả các thỏa thuận bán vũ khí mới, khiến Trung Cộng cảnh giác. Viện trưởng Hành chính viện Su Tseng-chang thông báo với các phóng viên rằng sự tương tác giữa Đài Loan – Hoa Kỳ đang ngày càng tăng. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết ngoại trưởng Joseph Wu gửi lời mời đến ông Wheeler vào năm ngoái và sẽ thông ơ báo chi tiết vào “thời điểm thích hợp”.
Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận tức thời về vấn đề này. New York Times đưa tin rằng chuyến đi ba ngày của ông Wheeler được lên lịch vào tuần ngày 5 tháng 12.
Tờ báo này trích lời ông James Hewitt, phát ngôn viên của ông Wheeler, và cho biết cơ quan này vẫn đang lên kế hoạch nhưng ông Wheeler được mời đến Đài Loan “để cộng tác về các vấn đề bao gồm sáng kiến Save our Seas và rác thải biển, chất lượng không khí và sức khỏe trẻ em”. (BBT)
Lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương
đẩy mạnh thương mại tự do sau thời Trump
Các lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương hôm 19/11 kêu gọi thương mại tự do và đa phương để hỗ trợ một nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá vì virus corona chủng mới, một số hy vọng Hoa Kỳ sẽ tham gia tích cực hơn dưới một chính quyền do Joe Biden lãnh đạo.
Có mặt trong một hội nghị trực tuyến quy tụ 21 thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ, nói rằng toàn cầu hóa là “không thể lật ngược được”, một ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham gia hội nghị.
“Chúng ta sẽ không lật ngược hoặc đi ngược lại xu hướng lịch sử bằng cách ‘tách riêng’ hoặc thành lập một nhóm nhỏ để loại những bên khác ra”, ông Tập nói trước khi diễn đàn sẽ diễn ra trực tuyến từ Kuala Lumpur vào thứ Sáu 19/11.
Ông Tập nói: “Chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ, bắt nạt cũng như kháng cự đối với toàn cầu hóa kinh tế đã làm tăng rủi ro và bất định trong nền kinh tế toàn cầu”.
Tổng thống Trump đã đề ra những chính sách bảo hộ mậu dịch từ khi ông lên nắm quyền năm 2017, kể cả tăng thuế quan đánh vào hàng tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc, việc này đã phát động cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh quy tụ các lãnh đạo APEC diễn ra giữa lúc các nền kinh tế thế giới đang tìm cách hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19 và vài ngày sau khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử để giành thêm một nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì.
Ông Trump vẫn chưa công nhận thất cử để bắt đầu chuyển tiếp sang một chính quyền do Tổng thống tân cử Joe Biden đứng đầu.
Dự kiến ông Trump sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong ngày thứ Sáu 20/11, một giới chức Mỹ cho biết. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump tham gia hội nghị thượng đỉnh APEC tính từ năm 2017, lần duy nhất ông có mặt tại diễn đàn này.
Tổng Thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với TT Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam năm 2017, lần duy nhất ông Trump tham gia hội nghị APEC
Ông Biden đã ra dấu hiệu sẽ quay lại với chủ nghĩa đa phương mà nhiệm kỳ Tổng thống Obama theo đuổi trước đây, mặc dù vẫn còn nghi vấn về liệu tân Tổng thống Mỹ có sẽ lật ngược các chính sách thời Trump hay không.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói tại diễn đàn APEC rằng ông dự báo chính quyền Biden sẽ có nhiều giới chức theo chủ nghĩa đa phương hơn.
“Tôi tin rằng họ sẽ ủng hộ WTO và APEC nhiều hơn. Tôi không chắc họ có sẽ hăng hái mở rộng cửa, hay gia nhập CPTPP hay không, vì quyết định đó còn tùy thuộc vào các vấn đề chính trị trong nước”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump khiến Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Từ đó các thành viên còn lại đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hoa Kỳ không có chân trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới do Trung Quốc dẫn đầu, vừa được ký kết vào tuần trước.
Thủ tướng Singapore còn nói các chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Trump đã làm trì chậm tiến bộ của khối APEC trong mấy năm gần đây. Tại hội nghị APEC năm 2018, các nước thành viên không đưa ra một thông cáo chung, lần đầu tiên trong lịch sử của khối, giữa lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu nhau trong các đàm phán về thương mại và đầu tư.
Thủ tướng Malaysia Muhyidin Yassin nói các nước APEC đang làm việc hướng tới viễn kiến “hậu 2020”, và ông nhấn mạnh rằng thương mại tự do đa phương là điều kiện thiết yếu để hồi phục kinh tế.
APEC: Trump, Tập gặp nhau trực tuyến giữa xung đột thương mại
Hôm thứ Sáu 20/11, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến các lãnh đạo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bàn về dịch Covid-19 và tiến trình hồi phục kinh tế. Hội nghị này đã bị phủ bóng bởi những bất đồng dai dẳng giữa hai bên về vấn đề thương mại.
Hai ông có mặt tại hội nghị thượng đỉnh quy tụ các lãnh đạo của APEC – Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 nước. Hội nghị này do Malaysia tổ chức trực tuyến, chỉ 2 tuần sau khi ông Trump thất bại trong nỗ lực được tái cử.
Các lãnh đạo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi thương mại tự do và đa phương để hỗ trợ tiến trình hồi phục kinh tế, đồng thời cảnh báo chống các chính sách bảo hộ kinh tế.
Sau khi lên cầm quyền vào năm 2017, ông Trump đã áp đặt thuế quan lên hàng nghìn tỷ dô la hàng hóa Trung Quốc, khơi mào cho một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chúng ta không nên lặp lại những sai lầm của lịch sử bằng cách thu mình vào vỏ ốc chủ nghĩa bảo hộ.”
Thủ Tướng New Zealand Jacinda Ardern
Tại thượng đỉnh APEC năm 2018, các nước thành viên đã không đưa ra được một thông cáo chung lần đầu tiên trong lịch sử khối APEC, giữa lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc bất đồng quan điểm về vấn đề thương mại và đầu tư.
Trước cuộc họp ngày 20/11, nhiều nhà lãnh đạo trong khối cảnh báo chớ nên theo chủ nghĩa bảo hộ trong khi thế giới đang phải chịu đựng tác động của virus corona chủng mới.
Phát biểu tại Đối thoại CEO của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương-APEC hôm thứ Sáu, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói:
“Giũa lúc chúng ta đang đối đầu với thách thức kinh tế lớn nhất trong thế hệ này, chúng ta không nên lặp lại những sai lầm của lịch sử bằng cách thu mình vào vỏ ốc chủ nghĩa bảo hộ.”
Bà nói: “APEC phải tiếp tục cam kết mở cửa các thị trường để thương mại tự do phát triển.”
Ngày hôm trước, thứ Năm 19/11, ông Tập nói “sự leo thang của chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ, bắt nạt cũng như tác dụng ngược chống lại toàn cầu hóa kinh tế” đã làm tăng thêm những rủi ro và bất định trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông nói Trung Quốc vẫn cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương, cởi mở và hợp tác.
Các nhà lãnh đạo khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng bày tỏ hy vọng rằng một chính phủ Biden sẽ góp mặt và ủng hộ thương mại đa phương.
Nhật Bản đang nhắm tới việc nới rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ Tướng Yoshihide Suga hôm thứ Sáu cho biết là có tiềm năng Trung Quốc và nước Anh cũng mong muốn gia nhập hiệp định này.
Tổng Thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP.
Hoa Kỳ không có chân trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 nước được Trung Quốc hậu thuẫn vừa được ký kết hồi tuần trước.
Chính quyền của Tổng Thống Trump bị chỉ trích là ít khi tham dự các sự kiện liên quan tới Châu Á, lần duy nhất ông dự một hội nghị APEC-được tổ chức hàng năm, là vào năm 2017. Hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái tại Chile đã bị hủy bỏ vì những cuộc biểu tình bạo động.
Ông Trump cũng vắng mặt tại hai hội nghị trực tuyến, hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị các nước Đông Á.
Ngoài việc soạn thảo một thông cáo chung, các lãnh đạo APEC dự kiến sẽ thảo luận về viễn kiến của khối hậu 2020, sẽ thay thế Mục tiêu Bogor năm 1994 hết hạn trong năm nay. Đây là một loạt mục tiêu nhằm giảm các rào cản đối với thương mại và đầu tư.
APEC 2020: Trung Quốc hứa mở cửa nền kinh tế ‘siêu quy mô’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế “siêu quy mô ” để nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn.
Ông Tập nói hôm thứ Năm rằng Trung Quốc cũng sẽ ký các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia hơn.
Ông Tập phát biểu những điều trên tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Apec), bao gồm Mỹ và Nga.
Nhìn nhận tiêu cực về TQ và Tập Cận Bình ‘ở mức kỷ lục’
‘Quá muộn để kiềm chế ảnh hưởng toàn cầu của TQ’
‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?
ĐH 13: VN định vị thế nào trước ‘Giấc mộng Trung Hoa’?
Vẫn chưa rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu tại sự kiện diễn ra vào thứ Sáu này hay không.
Ông Trump trước đây đã dùng sự kiện này để vạch ra tầm nhìn mang tính cạnh tranh của mình cho tương lai của thương mại toàn cầu.
Trung Quốc và Mỹ đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại kể từ năm 2018 với một loạt va chạm về thuế nhập khẩu và các công ty công nghệ Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.
Ông Tập cũng sử dụng bài phát biểu tại Apec hôm thứ Năm để phủ nhận rằng Trung Quốc sẽ rút lui khỏi các nền kinh tế khác – được gọi là tách rời – và cảnh báo chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Ông Tập nói: “Chúng tôi sẽ không đảo ngược hướng đi hoặc chạy ngược xu hướng lịch sử bằng cách ‘tách rời’ hoặc tạo ra các nhóm nhỏ để cho các nước khác ra rìa.”
Thương mại tự do
Bình luận của ông Tập xuất phát từ việc ký kết hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới vào cuối tuần qua, bao gồm gần một phần ba sản lượng kinh tế thế giới.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sau gần một thập kỷ đã hình thành, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 12 quốc gia châu Á khác.
Ông Tập nói thêm: “Trong thế giới ngày nay, nơi mà toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, không quốc gia nào có thể phát triển bằng cách đóng cửa”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang vướng vào một số tranh chấp thương mại với các nền kinh tế đối thủ, trong đó có Australia, nước đã áp thuế nhập khẩu lên tới 80% đối với lúa mạch của Trung Quóc.
Tháng trước, ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác đã vạch ra kế hoạch 5 năm và các mục tiêu chính của Trung Quốc trong 15 năm tới.
Các mục tiêu này bao gồm đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia “có thu nhập cao” vào năm 2025 và tiến tới một quốc gia “tương đối phát triển” vào năm 2035.
RCEP tạo vị thế “chiến lược mạnh” cho Trung Quốc
Trung Quốc có thể tận dụng tận dụng hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực RCEP vừa ký kết để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình ở khu vực, kể cả làm bàn đạp cho sáng kiến Vành đai, Con đường trong tình hình mới, theo một chuyên gia kinh tế từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội tuần này về động thái của Trung Quốc, ngay sau khi nước này và bốn đối tác khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ký kết kết cùng với các nước Asean, trong đó có Việt Nam, gia nhập RCEP hôm 15/11/2020, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình luận:
“Tôi nghĩ Trung Quốc chắc chắn trong mỗi quyết định, họ đều tính toán kỹ lưỡng trước mắt và đường xa và họ rất khôn ngoan trong việc chớp những cơ hội vào những thời điểm, thời cơ nhất định để đưa ra được những quyết định chiến lược, quan trọng.
Bà Phạm Chi Lan: “Tôi lo nhiều hơn mừng khi VN ký RCEP”
Hội luận của BBC về RCEP và thách đố, cơ hội với Việt Nam
RCEP và Việt Nam trong lúc Mỹ lùi Trung Quốc tiến tới
“Thực ra RCEP đã được đàm phán cũng từ nhiều năm nay rồi, 8 năm trời đàm phán chưa đi đến kết quả, thì lúc này kết thúc, tôi nghĩ đây cũng là một sự thúc đẩy khôn ngoan của Trung Quốc để phù hợp với chiến lược của họ vào thời điểm này.
“Nhưng tôi phải nói ở đây có vấn đề rất rõ đối với Trung Quốc là với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và với tất cả những đối đầu mang tính chất chiến lược về nhiều mặt để tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này, thì tham gia RCEP đặc biệt từ thời điểm này đạt được yêu cầu chiến lược lớn của Trung Quốc là họ muốn khẳng định vị thế của họ ít nhất ở trong khu vực châu Á và một phần Thái Bình Dương, riêng với cơ chế của RCEP.
Có ý kiến trong giới quan sát từ Việt Nam cho rằg với RCEP được ký kết, Trung Quốc đã có một “bước tiến”, trong khi Hoa Kỳ “lùi” ở khu vực
“Thứ hai nữa là dù là về thương mại và các lĩnh vực khác, dù cả về công nghệ, Trung Quốc vẫn có thể giành vị thế có ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực này về công nghệ, trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Hoa Kỳ và với các nước khác.
“Và rõ ràng là với hiệp định RCEP này, sản phẩm, công nghệ của Trung Quốc sẽ có một thị trường rộng lớn hơn nhiều để Trung Quốc có thể vươn ra, kể cả trước mắt cũng như trong tương lai. Và như vậy, nó điều này có thể tạo cho họ một vị thế rất là tốt, kể cả trong cuộc cạnh tranh quan trọng về công nghệ lâu dài với Hoa Kỳ, với Liên minh châu Âu và những nước khác.
“Trung Quốc, như thế tôi cho rằng, bao giờ họ cũng tính đường dài, đường xa hơn nhiều so với một số nước khác, trong đó có Việt Nam, bởi vì dù sao họ cũng là một nước lớn với thế và lực trong và ngoài khu vực ngày càng tăng lên, tuy là trong thời gian gần đây họ có một số khó khăn hơn, nhưng họ vẫn sẽ luôn luôn tìm được cách để họ có thể vượt lên được nhằm đạt các mục đích, tham vọng đặt ra.
“Tôi nghĩ RCEP lần này, sau khi ký kết, đã có thể đáp ứng được với Trung Quốc về nhiều mặt , kể cả câu chuyện sáng kiến Vành đai, Con đường của họ cũng vậy, chiến lược đó thời gian vừa qua, nhất là với đại dịch Covid-19, làm cho nhiều nước phải suy nghĩ lại việc tham gia Vành đai, Con đường, nhưng Trung Quốc lại hoàn toàn tận dụng cơ chế hiệp định RCEP này để thúc đẩy chiến lược Vành đai, Con đường của họ ít nhất ở trong khu vực này.”
Làm gì khi có bên quá lợi, bên lại quá thiệt thòi?
Kinh tế đang có một nền kinh tế lớn mạnh với nhiều sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh với Mỹ và phương Tây
Khi được hỏi trong trường hợp có một thành viên được thụ hưởng lợi thế nhiều hơn tới mức thiên lệch so với và gây thiệt hại, thiệt thòi cho các thành viên còn lại, thì liệu có thể có cơ chế gì để tái cân bằng nội khối hay không, bà Phạm Chi Lan nói:
Kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng châu Á trong giai đoạn dịch Covid-19
RCEP: TQ nói Mỹ ‘không thể phá bĩnh’
Biden, Brexit và khả năng ‘Anh, Mỹ cùng vào CPTPP’
“Tôi chưa nghiên cứu cụ thể, chi tiết hết văn bản Hiệp định, nhưng tôi cũng chỉ e ngại là trong thực tế, khi tham gia một khối chung, trong đó có một nước quá lớn, quá mạnh so với các nước khác, thì thường nước đó dễ là nước nắm vai trò chi phối, thống trị, khống chế khối đó trên một số mặt, các nước khác đôi khi tuy đã cố gắng hợp tác, phối hợp, nhưng chưa chắc đã chặn được hết những hoạt động có tính chi phối gây bất lợi cho các thành viên khác mà đồng thời đem lại lợi ích lớn cho một thành viên nhất định.
“Hơn nữa, trong quan hệ giữa các nước châu Á lâu nay cũng có nhiều cam kết giữa các nước với nhau, nhưng quá trình thực thi của nó nhiều khi không thực là sòng phẳng hoặc theo những cam kết đã có được và nó vẫn thường xuyên có chuyện các nước mạnh thì vẫn dễ thắng thế hơn so với các nước yếu.
“Tất nhiên cần phải nghiên cứu kỹ cơ chế đảm bảo việc kiểm soát quyền lực, vị thế của từng quốc gia một trong nội bộ khối RCEP như thế nào, hoặc tiếng nói trong các vấn đề lớn thì có thể đa số liệu có thể có tiếng nói áp đảo được hay không so với thiểu số của một vài nước có tiềm năng khống chế, chi phối nào đó.”
RCEP giúp Trung Quốc kết liễu sự “bá chủ” của Mỹ ở khu vực?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy Sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi ông ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 23/01/2017
Mới đây, có báo chí đối ngoại của Trung Quốc đưa ra thông điệp cho rằng hiệp định đối tác kinh tế khu vực RCEP là một bước chiến lược để Trung Quốc “kết liễu” sự bá quyền của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương, khi được đề nghị bình luận về điều này, đặc biệt nếu trong tình huống viễn cảnh tương lai khi Mỹ có thể tái hội nhập các hiệp định đa phương ở khu vực như CPTPP, kinh tế gia Phạm Chi Lan nói:
“Nếu như có kịch bản như vậy, thì như Trung Quốc kỳ vọng là chấm dứt ngôi vị bá chủ của Mỹ, thì sự kỳ vọng ấy sẽ không còn như Trung Quốc chờ đợi nữa.
“Còn đối với các nước thành viên khác của RCEP, có lẽ kịch bản Hoa Kỳ tái hội nhập sẽ tốt hơn nhiều ở chỗ là không chấm dứt vai trò của bá chủ này mà lại thay bằng một bá chủ khác, bởi vì với cơ chế của RCEP này, rất dễ hình thành bá chủ khác, khi không còn có Mỹ làm bá chủ ở đây nữa.
“Đối với các nước thành viên RCEP hay châu Á và khu vực Thái Bình Dương nói chung, tất cả các nước, đều có nguyện vọng và mong muốn, kể cả với các nước lớn, là khi tham gia vào các hiệp định, cơ chế ở khu vực này, thì tham gia với một tinh thần hợp tác cạnh tranh một cách lành mạnh và quan tâm đến lợi ích chung của các nước khác, kể cả các nước nhỏ, chứ không nên để xảy ra chuyện nước lớn bắt nạt, ăn hiếp nước nhỏ bằng bất cứ cách thức nào.
“Cũng không có ai có thể độc quyền làm bá chủ ở khu vực này được, ở khu vực này có rất nhiều các quốc gia với quy mô lớn nhỏ khác nhau đang sinh sống, đang tồn tại, họ phải có những chủ quyền, quyền hạn của mình, chứ không phải là bị biến trở thành các nước chư hầu của một vài bá chủ nào đó.”
Mỹ có nên quay trở lại CPTPP để tái hội nhập?
Khi được hỏi, sau sự kiện RCEP hình thành và được ký kết, Mỹ có nên quay trở lại và tái hội nhập với khu vực châu Á – Thái Bình Dương như qua một khuôn khổ dạng Hiệp định toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không trong thời gian tới đây, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ nghiên cứu, tư vấn chiến lược và chính sách cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây, nói với BBC:
“Tôi nghĩ rằng đối với Mỹ, dù ông Joe Biden hay ông Donald Trump thắng cử lần này, mà chúng ta có thể chờ thêm một thời gian ngắn nữa để xem phía Mỹ công bố thế nào để rõ, thì dù ông nào đi chăng nữa, việc Trung Quốc thành công trong việc cùng với các nước khác ký RCEP lần này, cũng sẽ gây ra một thách thức trực tiếp đối với Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.
“Điều đó cũng cần nói rất thẳng ra, vì trước đây khi đàm phán TPP, thì một trong những động cơ của Mỹ cũng là tăng cường ảnh hưởng của Mỹ về kinh tế trong khu vực và từ đó có thể phần nào làm đối trọng với Trung Quốc đang lên.
“Tuy nhiên khi Mỹ quyết định rút ra khỏi TPP, tức là khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đầu năm 2017, ông đã làm cho việc trên không thực hiện được.
“Và bây giờ khi Trung Quốc thành công với RCEP ký kết, hình thành vào thời điểm này, thì nó có thể làm cho Mỹ sớm muộn phải xem xét lại.
“Tôi cũng chỉ mong là dù ông nào đắc cử đi chăng nữa, thì Mỹ cũng nên thực sự xem xét lại quyết định của mình về việc trở lại TPP mà nay là CPTPP.
“Nhưng tôi cho rằng trở lại CPTPP thì chỉ có tốt cho Mỹ, bởi vì tôi rất tán thành suy nghĩ của ông Joe Biden là giữa các nước phải liên minh, liên kết với nhau thì mới có thể làm được những mong muốn của mình.
“Và nhất là khi Mỹ vẫn muốn bản thân có vai trò của một cường quốc, thì rất cần sự hợp tác, sự liên kết với các nước khác, chứ không phải là nước Mỹ tự mình tách ra khỏi các đối tác, các đồng minh trước đây của mình và một mình một sân mà vẫn có thể thắng được trong công cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong toàn bộ giai đoạn này và tới đây,” bà Phạm Chi Lan nói với BBC từ Hà Nội hôm 16/11/2020.
Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi phần đầu cuộc trao đổi của bà Phạm Chi Lan với BBC News Tiếng Việt về RCEP được ký kết và các vấn đề đặt ra.
Chỉ bằng ‘một động tác’, Bắc Kinh đã giúp
Triều Tiên né lệnh trừng phạt của LHQ từ năm 2017
Thiện Phong
Secretchina cho hay, chính quyền Trung Quốc đã giúp Triều Tiên trì hoãn lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) bằng việc phủ quyết duy nhất một thông số trong nghị quyết của hội đồng này. Ngoài ra, Bắc Kinh còn giúp Bình Nhưỡng duy trì quyền lực bằng nhiều cách.
Năm 2017, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết nhằm trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, chỉ cho phép nước này nhập hàng năm 500.000 thùng dầu tinh luyện. Thế nhưng, Trung Quốc và Nga nhất quyết đòi thay đơn vị tính từ “thùng” sang “tấn”. Yêu cầu này đã trì hoãn lệnh cấm của LHQ đối với Triều Tiên suốt hơn 3 năm qua.
Vào ngày 17/11 vừa qua, LHQ một lần nữa lại gặp trở ngại trước sự phản đối của Trung-Nga và không thể thông qua lệnh cấm.
Với tư cách là Chủ tịch hiện tại của ủy ban trừng phạt, Đức đã bày tỏ sự không hài lòng đối với các hành động của Trung-Nga. Sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo An do Berlin yêu cầu, Đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc ông Christoph Heusgen đã phàn nàn rằng, đến nay, Nga và Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận sử dụng “thùng” làm đơn vị tính.
Sự lên án của Hausgen chắc chắn đã khiến LHQ và Uỷ ban chịu trách nhiệm về trừng phạt Triều Tiên mất uy tín, đây không phải là một vấn đề khó giải quyết, nhưng rõ ràng là cả phái đoàn Trung Quốc và Nga đều đang lợi dụng nó về mặt chính trị. Cho đến nay, phái đoàn Trung Quốc và Nga chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.
Theo nghị quyết số 2375 của Hội đồng Bảo an LHQ về các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên được ký vào tháng 9/2017 rõ ràng nghiêm cấm “tàu thuyền giao hàng”. Tuy nhiên, vệ tinh do thám của Mỹ đã chụp được hơn 30 hình ảnh tàu Triều Tiên và tàu Trung Quốc trao đổi dầu trên vùng biển ngoài khơi phía Tây Hoa Đông.
Vào ngày 25/12/2017, Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Seoul và các nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ rằng từ tháng 10 cùng năm, các vệ tinh do thám của Mỹ đã liên tiếp ghi nhận được hàng trăm đến hàng nghìn tấn dầu và các hàng hóa khác được trao đổi giữa các tàu của Triều Tiên và Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi phía Tây Hoa Đông. Thông qua các vệ tinh do thám, Hoa Kỳ đã tìm ra tên của các tàu Triều Tiên và Trung Quốc.
Vào ngày 21/11/2017, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố một bức ảnh chụp các tàu của Triều Tiên trên biển cùng với các tàu của các quốc gia khác như Trung Quốc, và chúng được kết nối với nhau để tiến hành “giao hàng giữa các thuyền”.
Triều Tiên không chỉ nhập lậu các sản phẩm dầu mỏ mà còn mua các mặt hàng cần thiết cho việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa thông qua các công ty Trung Quốc.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ (C4ADS) và Viện Sejong của Hàn Quốc cùng công bố và tiết lộ về “Báo cáo phân tích giao dịch ngoại hối của Triều Tiên”. Báo cáo chỉ ra, Triều Tiên đã thông qua Công ty túi da Hong Kong để mua máy thu, ăng ten GPS và các phụ kiện khác cần thiết từ các công ty Trung Quốc để phát triển tên lửa.
Tháng 6/2017, C4ADS cũng cho biết trong một báo cáo rằng công ty Trung Quốc “DanDong Dongyuan Industry” đang xuất khẩu cho Triều Tiên các thiết bị chuyển hướng radar và lựu đạn phóng tên lửa (RPG-7) có thể chuyển đổi thành phụ kiện tên lửa đạn đạo.
Hong Kong: TQ cảnh báo liên minh phương Tây sẽ bị ‘móc mắt’
Trung Quốc đã lớn tiếng phê phán Anh, Mỹ, Úc, New Zealand và Canada sau khi Bắc Kinh bị cáo buộc ra sức bịt miệng những người chỉ trích ở Hong Kong.
Liên minh “Ngũ Nhãn” năm nước (Five Eyes), một hiệp ước chia sẻ tình báo, đã chỉ trích Trung Quốc áp đặt các quy tắc mới để loại các nhà lập pháp được bầu lên ở Hong Kong.
Liên minh này hối thúc Bắc Kinh đảo ngược hành động.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các nước này đừng thò tay vào chuyện của Trung Quốc và nói: “Họ nên cẩn thận nếu không sẽ bị móc mắt”.
“Họ có 5 mắt chứ đến 10 mắt thì cũng chẳng là cái gì. Người Trung Quốc không bao giờ gây rắc rối và không bao giờ sợ bất cứ điều gì,” người phát ngôn Triệu Lập Kiên phát biểu ở Bắc Kinh hôm thứ Năm.
Tuần trước, Hong Kong đình chỉ bốn nhà lập pháp ủng hộ dân chủ khỏi hội đồng lập pháp sau khi Bắc Kinh thông qua một nghị quyết cho phép chính quyền Hong Kong bãi nhiệm các chính trị gia được coi là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Để đáp lại, tất cả các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ của Hong Kong đã tuyên bố từ chức. Lần đầu tiên kể từ khi Anh Quốc trao lại Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, hội đồng lập pháp gần như không có tiếng nói bất đồng.
Việc bãi nhiệm bốn nhà lập pháp Hong Kong bị nhiều người coi là nỗ lực cuối cùng của Trung Quốc để hạn chế quyền tự do của Hong Kong, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
Các ngoại trưởng của nhóm Ngũ Nhãn thúc giục Trung Quốc phục chức cho những người này, và nói rằng động thái này là vi phạm rõ ràng cam kết có tính ràng buộc pháp lý để bảo vệ quyền tự do và tự trị của đặc khu này.
Họ cũng cáo buộc Bắc Kinh đã hủy hoại quyền của người Hong Kong được bầu ra đại diện cho mình.
Nhóm Five Eyes là một liên minh chia sẻ thông tin tình báo của năm nước nói tiếng Anh, được lập ra từ thời Chiến tranh Lạnh. Ban đầu, nhóm được lập ra để theo dõi Liên Xô và các nước đồng minh.
Căng thẳng về luật an ninh quốc gia của Hong Kong
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong nói bất kỳ nỗ lực nào của nước ngoài đe dọa hay gây áp lực buộc Bắc Kinh “nhượng bộ” đều sẽ “chắc chắn thất bại.”
Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’, cho phép đặc khu này được giữ lại nhiều quyền và tự do hơn đại lục cho tới năm 2047.
Là một Đặc khu Hành chính, Hong Kong có hệ thống pháp luật riêng, đa đảng chính trị, và được hưởng các quyền trong đó có quyền tự do tụ tập và tự do ngôn luận.
Nhưng cuối tháng Sáu, Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia gây nhiều tranh cãi sau các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh và ủng hộ dân chủ kéo dài nhiều năm.
Luật này hình sự hóa các hành động “ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài”.
Bắc Kinh nói luật này nhằm đảm bảo ổn định cho Hong Kong, nhưng các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền nói luật này thực chất hạn chế tự do ngôn luận và các cuộc biểu tình.
Sau khi luật được thông qua, một số tổ chức ủng hộ dân chủ Hong Kong đã giải tán vì lo ngại cho an toàn của các thành viên.
Ngoại trưởng Trung Quốc sắp thăm Hàn quốc,
hy vọng dọn đường cho chủ tịch Tập
Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ đi thăm Hàn quốc vào tuần tới để thảo luận về nhiều đề tài, kể cả vấn đề Triều Tiên và dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao Hàn quốc cho biết hôm 20/11.
Ông Vương Nghị, cũng là một ủy viên Quốc vụ viện, sẽ tới Seoul thứ Tư tuần tới. Trong chuyến công du 3 ngày, dự kiến ông Vương sẽ thảo luận với vị đồng cấp, Ngoại trưởng Hàn quốc Kang Kyung-wha, Bộ Ngoại giao cho biết.
Chuyến đi của ông Vương diễn ra vào lúc hai nước đang bàn tính khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Seoul. Chuyến thăm trước đó được dự kiến diễn ra vào đầu năm nay nhưng đã bị dời lại khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm xáo trộn lịch trình ngoại giao.
Ông Vương Nghị cũng sẽ đi thăm Nhật Bản trước chuyến thăm Hàn quốc.
Tại Seoul, dự kiến Ngoại trưởng Vương sẽ gặp các quan chức Phủ Tổng thống Hàn quốc để thảo luận về chuyến thăm của ông Tập và tân chính quyền Mỹ do ông Joe Biden lãnh đạo.
Cả Trung Quốc và Hàn quốc đều đã thành công đáng kể trong việc kiềm chế dịch Covid-19.
Ngoại trưởng Trung Quốc là nhà ngoại giao cấp cao thứ nhì đi thăm Hàn quốc từ khi virus corona chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau chuyến thăm thành phố Busan của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng 8.
Vào tháng 7, Hàn quốc cũng gửi một nhà ngoại giao cấp cao tới Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề kinh tế.
Hai nước vẫn bất đồng với nhau về một hệ thống phòng thủ phi đạn do Hoa Kỳ lắp đặt tại Hàn quốc vào năm 2017.
Mặc dù Hoa Kỳ và Hàn quốc khẳng định mạng lưới chắn phi đạn này là nhằm chống đỡ bất cứ cuộc tấn công nào từ Triều Tiên, Trung Quốc lo sợ hệ thống phòng thủ này có thể phương hại tới an ninh của Trung Quốc.
Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực gây sức ép để Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân của họ, đánh đổi việc Mỹ tháo dỡ cấm vận, nhưng các cuộc đàm phán đã dậm chân tại chỗ từ năm ngoái.
Phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh?
Đinh Trần Quân
Tập trận và bắn tên lửa
Mùa Hè 2020 đã chứng kiến hoạt động mạnh mẽ của cả hải quân Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Hai nhóm tàu sân bay của Mỹ đã hoạt động cùng nhau ở Biển Đông ít nhất 2 lần trong tháng 7/2020 trong một động thái tập trung lực lượng hiếm hoi của hải quân Mỹ. Các nhóm tàu sân bay này sau đó đã hoạt động độc lập tại Biển Đông và các khu vực lân cận trong suốt mùa Hè. Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận hải quân trên Biển Đông vào tháng 7 và tháng 8/2020.
Mới đây, tờ South China Morning Post vừa dẫn lời một chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan Trung Quốc tiết lộ hai tên lửa của “sát thủ tàu sân bay” mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắn trên Biển Đông trong cuộc tập trận vào tháng 8/2020 đã bay hàng nghìn cây số trúng vào mục tiêu giả định là một con tàu đang di chuyển ở vị trí gần quần đảo Hoàng Sa. Thông tin này được đưa ra gần 3 tháng sau khi diễn ra cuộc tập trận.
Hai tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D được phóng đi từ tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc và tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc. Theo lời cựu sĩ quan Vương Tương Tuệ, hiện là giáo sư của Đại học Bắc Hàng ở Bắc Kinh, hai tên lửa này đã trúng vào một con tàu đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Vương Tương Tuệ nói: “Ngay sau đó, một tùy viên quân sự Mỹ tại Geneva đã phàn nàn với chúng tôi và nói rằng điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu như tên lửa bắn trúng một tàu sân bay Mỹ. Họ xem đây là sự phô trương lực lượng. Nhưng chúng ta đang làm điều này vì sự khiêu khích của họ”.
Tiết lộ của Vương Tương Tuệ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra thông tin chi tiết về vụ phóng hai tên lửa DF-26B và DF-21D trên Biển Đông hồi tháng 8. Đề cập này được cho là có liên quan đến tuyên bố của Bắc Kinh về việc một máy bay do thám U-2 của Mỹ đi vào vùng cấm bay mà không được phép trong cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc ở Biển Bột Hải ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước này.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine (Mỹ) cho rằng việc tiết lộ thông tin của cựu đại tá Trung Quốc “để doạ các nước trong khu vực thôi chứ không phải để doạ Mỹ. Muốn vận động tàu sân bay thì cần thời gian rất lâu và phải có bao nhiêu tàu chiến khác xung quanh. Trung Quốc mới có hai tàu sân bay gần đây nên không thể so sánh với Mỹ. Mỹ đã có tàu sân bay từ lâu và liên tục sử dụng các tàu sân bay này.”
Cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trình diễn khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa thực tế được xác nhận, trong khi hiện vẫn chưa rõ nhiều chi tiết như về tàu mục tiêu giả định, cấu tạo, tốc độ di chuyển của nó hay cách quân đội Trung Quốc điều khiển tên lửa bắn tới mục tiêu như thế nào.
Ngôn ngữ chiến tranh trong Văn kiện đại hội
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị trung ương 5) đã kết thúc theo dự kiến vào tháng 10 vừa qua – sau 4 ngày họp kín ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với một thông cáo chung chứa đầy biệt ngữ xã hội chủ nghĩa nhằm vạch ra những ưu tiên phát triển của nước này trong tương lai. Tuy nhiên, trong số hơn 6.000 chữ của thông cáo đó lại có cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh”. Cụm từ này xuất hiện trong phần nói về việc tăng cường quân đội và đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội.
Cụ thể, thông cáo cho biết tại Hội nghị trung ương 5, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường một cách toàn diện công tác huấn luyện quân sự và chuẩn bị cho chiến tranh, nâng cao khả năng chiến lược của quân đội để bảo vệ chủ quyền, an ninh và những lợi ích liên quan đến sự phát triển của đất nước.
Cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh” một lần nữa xuất hiện trong một loạt đề xuất của Ban chấp hành trung ương được công bố mới đây. Những đề xuất này đã bổ sung chi tiết cho thông cáo về kế hoạch 5 năm và tầm nhìn 15 năm của Trung Quốc. Các nhà quan sát về Trung Quốc đã chỉ rõ rằng đây là lần thứ hai trong hơn nửa thế kỷ qua cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh” mới lại xuất hiện trong một bản Quy hoạch phát triển 5 năm của Trung Quốc.
Lần xuất hiện gần đây nhất của cụm từ này là trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1966-1970) của Trung Quốc khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông kêu gọi nước này chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói. Những năm 1960 là giai đoạn căng thẳng, khi quan hệ Trung Quốc-Liên Xô bị cắt đứt và Trung Quốc cũng đang có xung đột biên giới với Ấn Độ.
Sự xuất hiện của cụm từ này trong văn kiện Hội nghị trung ương 5 lần này – cùng với điều mà một số nhà phân tích đang nhắc tới là thời hạn mới để hiện đại hóa PLA trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2027 – cũng là dấu hiệu cho thấy có sự thừa nhận rộng rãi trong số các nhà lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc về mức độ xấu đi của môi trường bên ngoài và việc PLA cần khẩn trương chuẩn bị cho chiến tranh.
Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã phát triển các vũ khí và nền tảng hiện đại, bao gồm tên lửa siêu thanh DF-17, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và tàu sân bay Type 001A được chế tạo trong nước. Đặc biệt, Hải quân PLA đã và đang đóng nhiều tàu mới với tốc độ ấn tượng. Một nghiên cứu, Dự án sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết: “Từ năm 2014 đến năm 2018, Trung Quốc đã hạ thủy tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ với số lượng nhiều hơn số tàu hiện đang phục vụ trong hải quân mỗi nước Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Anh”.
Đe doạ an ninh khu vực
Một trong những mục tiêu chính của Bắc Kinh là tăng cường lực lượng sẵn sàng tác chiến và có khả năng đánh bại kẻ thù như Mỹ trong các cuộc xung đột tiềm tàng ở biển Đông hay Đài Loan. Để làm được như vậy, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho quân đội từ năm 2021, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, một nước Trung Quốc hung hăng hơn cũng sẽ gây lo ngại cho các nước láng giềng. Năm 2019, Tokyo đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Nhật Bản, và đề ra các kế hoạch để tăng chi tiêu cho quốc phòng trước công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và để mua vũ khí của Mỹ.
Tháng 7 vừa qua, Washington đã thông qua thỏa thuận bán 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Tokyo. Không chỉ Nhật Bản mà các nước thuộc khu vực ngoại vi của Trung Quốc như Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á có thể đáp trả bằng hình thức tương tự và tự trang bị vũ khí cho mình. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tại đây.
Washington có một số đồng minh hiệp ước ở Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Theo Luật quan hệ với Đài Loan, Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho hòn đảo này. Và đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Bắc Kinh.
Chuyên gia Nghê Lạc Hồng của Trung Quốc đánh giá: “Việc Trung Quốc nhanh chóng phát triển sức mạnh quân sự và thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn hiện nay sẽ khiến các nước khác lo sợ và hy vọng Mỹ tăng cường sự hiện diện của họ. Điều này trái với những gì Trung Quốc mong muốn. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, việc không hiện đại hóa quân đội không phải là một lựa chọn”.
Việc tăng cường quân sự hóa khu vực cũng làm gia tăng khả năng xảy ra các cuộc trạm chán giữa các lực lượng khác nhau hoạt động ở biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực dọc biên giới trên bộ của Trung Quốc. Lo ngại chính của các nhà quan sát quân sự là một xung đột ở mức thấp có thể leo thang và vượt ra khỏi tầm kiểm soát, chẳng hạn như xung đột ở thung lũng Galwan vừa qua và vụ máy bay do thám EP-3 của Mỹ va chạm với máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc ở đảo Hải Nam năm 2001.
Việt Nam có là mục tiêu?
Trong một bài viết của mình từ năm 2019, nhà báo David Hutt đã cho rằng, nếu như xảy ra một cuộc chiến tranh tại khu vực Biển Đông thì Việt Nam sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc tấn công. Dựa trên các phân tích của các chuyên gia mà David Hutt trích dẫn, Việt Nam sẽ được Trung Quốc chọn để đánh như là một cách để “khởi động – làm nóng” trước khi lao vào một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng Biển Đông.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của RAND, một nhóm tư vấn tại Washington, cũng đưa ra lập luận tương tự rằng nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, đối thủ được lựa chọn rất có thể sẽ là Việt Nam bởi vì Việt Nam chỉ là một quốc gia có sức mạnh cỡ trung bình, nên quân đội Trung Quốc dễ dàng chiến thắng, chứ Trung Quốc không dễ dàng gì chiến thắng quân đội Mỹ trên biển được.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ các phương án để có thể đối phó, cho dù đó là tình huống chiến tranh.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Trung Quốc bí mật dùng vũ khí vi sóng nhắm vào binh sĩ Ấn Độ
Minh Anh
Trong cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ Ấn – Trung trên dãy Himalaya hồi cuối tháng 8/2020, Trung Quốc đã bí mật sử dụng vũ khí vi sóng nhắm vào binh sĩ Ấn Độ.
Theo tờ Times, Bắc Kinh dường như đã biến hai ngọn đồi chiến lược do Ấn Độ chiếm đóng thành một lò vi ba thật sự. Quân đội Trung Quốc dường như đã sử dụng vũ khí vi ba khiến các binh sĩ Ấn Độ bị choáng váng, buồn nôn hay nôn mửa và buộc những binh sĩ này phải vừa đánh vừa thoái lui.
Những thông tin này do chính ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế trường đại học Nhân dân Trung Quốc, khẳng định trong một cuộc hội thảo được tổ chức ngày 11/11 vừa qua.
Hồi tháng 06/2020, đối đầu dữ dội đã nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại vùng biên giới có tranh chấp trên dãy Himalaya, cao hơn 4.000m, làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và một số nạn nhân không được công bố ở phía Trung Quốc. Va chạm lại xảy ra lần nữa vào tháng 9/2020, đôi bên đổ lỗi cho nhau đã nổ súng trước. Trong cuộc xung đột này, phía Ấn Độ dường như đã bị mất thêm 300 km vuông lãnh thổ.
Trang mạng CNEWS của Pháp nhắc lại là Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phát triển loại vũ khí năng lượng định hướng. Hoa Kỳ và châu Âu, cũng vừa thành lập một tập đoàn có tên gọi là Pilum nhằm phát triển súng điện từ tầm xa, một loại vũ khí được cho là thiết yếu cho các cuộc xung đột quân sự trong những thập niên sắp tới.
Khiêu khích, ĐCSTQ nhận lại hậu quả:
Một loạt đối pháp quân sự mới của Mỹ
Hương Thảo
Mục lục bài viết
Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ đóng ở Guam
Lực lượng Đặc nhiệm báo cáo trực tiếp cho tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Quân đội Mỹ thảo luận về việc xây dựng lại Hạm đội 1 ở Biển Đông
Quân đội Mỹ ngày gần đây có một loạt các hành động, khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo lắng, hết thảy đều là do ĐCSTQ đã không ngừng gây hấn mà tạo thành, theo tác giả Thần Châu phân tích trên Epoch Times.
ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng quấy rối ở eo biển Đài Loan và cố gắng không thể hiện sự thua kém ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, các biện pháp đối phó quân sự mới nhất của quân đội Mỹ có thể khiến các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ lâm vào thế ‘cưỡi hổ khó xuống’.
Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ đóng ở Guam
Ngày 17/11, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ thông báo rằng các phi cơ chiến đấu F-22 Raptor thuộc Phi đội tiêm kích số 94, thuộc Cánh tiêm kích số 1, đã được triển khai đến Căn cứ Không quân Anderson ở Guam và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ ở Tây Thái Bình Dương.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố rằng các chiến đấu cơ F-22 sẽ trực tiếp hỗ trợ các hoạt động đang diễn ra nhằm tạo cơ hội thể hiện khả năng tác chiến chung liên tục của các lực lượng vũ trang Mỹ nhằm ngăn chặn đối thủ, và để đảm bảo sự an tâm cho các đồng minh cũng như các đối tác trong khu vực trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Đại tá David Lopez, chỉ huy Cánh máy bay tiêm kích số 1, cho biết, “Các phi công của chúng tôi sẵn sàng ngăn chặn hành động gây hấn và bảo vệ lợi ích chung của các đồng minh và đối tác của Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới”.
F-22 triển khai ở vị trí chiến thuật của đảo Guam, khu vực tác chiến trực tiếp nhất đương nhiên là eo biển Đài Loan, sau đó là Biển Đông. Các phi cơ quân sự của Mỹ đang đóng tại căn cứ của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Thời gian gần đây, phi cơ quân sự Mỹ liên tục xuất hiện trên vùng trời Tây Nam Đài Loan, đây là khu vực thường xuyên bị phi cơ quân sự Trung Quốc quấy rối, khiến cuộc đối đầu giữa phi cơ quân sự Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu. Trong những ngày gần đây, ĐCSTQ đã không cử máy bay chiến đấu đến quấy rối nữa. Nếu các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ quyết định tiếp tục mạo hiểm đưa máy bay chiến đấu tới để leo thang quấy rối, F-22 của Mỹ có khả năng sẽ xuất hiện ở eo biển Đài Loan, và phi cơ chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể chạm trán nhau ở eo biển Đài Loan.
Khi các máy bay ném bom B-1B được điều động trở lại trong tương lai, F-22 cũng có thể hộ tống bất cứ lúc nào.
Ngày 16/11, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng thông báo rằng các phi cơ chiến đấu điện tử EA-18G Growler của Phi đội tấn công điện tử viễn chinh VAQ-131 của Mỹ đã được triển khai tới căn cứ Misawa, Nhật Bản.
Phi cơ chiến đấu điện tử EA-18G Growler chủ yếu được triển khai trên hàng không mẫu hạm của quân đội Mỹ, còn trên bộ thì không nhiều. Mục tiêu chính trước đây của phi đội VAQ-131 là Trung Đông, nơi họ đã làm tê liệt một số lượng lớn hệ thống phòng không của đối phương để hỗ trợ các cuộc không kích. Phi cơ chiến đấu điện tử EA-18G Growler cũng có thể hỗ trợ không chiến, làm tê liệt các thiết bị trên không của phi cơ chiến đấu đối phương và khiến nó mất khả năng chiến đấu.
Chỉ huy phi đội Ryan Mattson cho biết, “Chúng tôi đang tích hợp Phi đội máy bay chiến đấu số 35 ở Misawa với các máy bay F-16 của Phi đội 13 và 14 hầu như mỗi ngày”.
Hướng tác chiến của tiêm kích điện tử EA-18G Growler chắc chắn là biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ đã sẵn sàng cho các cuộc không chiến hoặc tấn công đường không. Những thông tin như vậy đương nhiên sẽ được gửi đến bàn của Tập Cận Bình ngay lập tức, và ông ta đương nhiên sẽ cảm thấy áp lực mới.
Lực lượng Đặc nhiệm báo cáo trực tiếp cho tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Vào ngày 18/11, tân Bộ trưởng Quốc phòng Christopher C. Miller đã có bài phát biểu tại Fort Bragg, North Carolina. Ông tuyên bố rằng theo quy định của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2017 và được ủy quyền của chính phủ, các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ hiện đang trực tiếp báo cáo cho ông.
Việc Lực lượng Đặc nhiệm báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Quốc phòng là thực sự phi thường, ông nói: “Cải cách này sẽ ngay lập tức cải thiện sự nhanh nhẹn của các phòng ban và Bộ Tư lệnh, cho phép chúng tôi tinh giản luồng thông tin, tăng cường khả năng ra quyết định, hỗ trợ linh hoạt và thành thạo hơn các chỉ huy của chúng tôi và những người lính, thủy thủ, phi công và lính thủy đánh bộ tuyệt vời của họ”.
Ông cũng tuyên bố rằng “nếu ai đó đánh giá thấp quyết tâm của chúng tôi hoặc cố gắng phá hoại nỗ lực của chúng tôi, chúng tôi sẽ không ngần ngại khôi phục khả năng răn đe và đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào”. Bộ trưởng Miller cũng cho biết, “Quá khứ và hiện tại, nhu cầu toàn cầu về hoạt động của lực lượng đặc nhiệm đã khẳng định tầm nhìn của Tổng thống Kennedy. Giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng tôi hiểu đầy đủ về tầm nhìn xa của Tổng thống Kennedy đối với lực lượng đặc nhiệm”.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng đã trực tiếp đề cao vị thế của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, cũng chuẩn bị trực tiếp chỉ huy. Những lo ngại của các quan chức cấp cao ĐCSTQ đang thực sự phát sinh.
Quân đội Mỹ thảo luận về việc xây dựng lại Hạm đội 1 ở Biển Đông
Vào ngày 17/11, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ (USNI), Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite đã tuyên bố tại hội thảo thường niên của Liên minh Tàu ngầm Hải quân rằng, ĐCSTQ đã thể hiện sự hiếu chiến trên toàn cầu, và nhiều đồng minh nhận thấy đây là điều đáng lo ngại. Mỹ không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 hiện có để cung cấp hỗ trợ cho các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà phải tính đến các đối tác như Singapore và Ấn Độ. “Chúng tôi sẽ xây dựng Hạm đội số 1 và đưa vào sử dụng”, ông nói.
Ông Brythwaite nhấn mạnh rằng “Hạm đội số 1” có thể cung cấp khả năng răn đe mạnh mẽ hơn. Hạm đội này sẽ được định hướng thám hiểm và di chuyển khắp Thái Bình Dương. Ông tin rằng vị trí ưu tiên của hạm đội đầu tiên nên là Singapore. Ông Braithwaite sẽ tới Ấn Độ trong vài tuần tới để thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai bên, Ấn Độ cũng có thể trở thành lựa chọn thứ 2. Các lựa chọn khác có thể bao gồm Philippines và Việt Nam.
Sau Thế chiến hai, Hoa Kỳ đã thành lập Hạm đội số 1. Hạm đội này sau đó bị hủy bỏ. Quân đội Mỹ hiện có 7 hạm đội, bao gồm hạm đội thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy và hạm đội thứ mười. Hạm đội 7 là một phần của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, trụ sở chính đặt tại Yokosuka, Nhật Bản. Các trạm triển khai đội tàu của họ bao gồm Căn cứ Sasebo ở Nhật Bản, Okinawa và Căn cứ Busan, Pohang, Jinhae ở Hàn Quốc, Singapore và Philippines. Đây hiện là hạm đội được triển khai tiền phương lớn nhất của Mỹ.
Nếu Hạm đội 1 của Mỹ được tái tổ chức, chắc chắn nó sẽ là thanh gươm trên biển và chia sẻ trách nhiệm trọng đại của Hạm đội số 7. Đến lúc đó, Hạm đội số 1 cũng có khả năng được giao cho các hàng không mẫu hạm thường trực, sẽ phối hợp với Hạm đội số 7 từ bắc chí nam, thực hiện tốt hơn chiến lược Biển Đông và Biển Hoa Đông của quân đội Hoa Kỳ, đồng thời kiềm chế tốt hơn các hành động khiêu khích của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan.
Nếu việc triển khai như vậy trở thành hiện thực, các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có thể sẽ không ngủ yên. Các cuộc tập trận Malabar giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc hiện đang được tiến hành ở Biển Bắc Ả Rập, ngày ngày diễn ra ở quanh Biển Đông.
Nhật Bản và Úc vừa ký một “hiệp nghị tương trợ lẫn nhau” về quân sự, điều này đã khiến ĐCSTQ đứng ngồi không yên. Nếu lực lượng Mỹ trực tiếp đóng quân ở Biển Đông, sự bành trướng quân sự của ĐCSTQ sẽ hoàn toàn bị kiềm chế, ban lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ sẽ mất uy quyền, và tuyên truyền nội bộ của ĐCSTQ sẽ không còn có thể biện minh cho bản thân. Cấp cao của ĐCSTQ thực sự không dám sử dụng vũ lực, và sự bành trướng quân sự mù quáng của ĐCSTQ đang chuốc lấy hậu quả.
Các công ty Trung Cộng gia tăng đầu tư vào Việt Nam
Tin Vietnam.- Trang Cafef ngày 18 tháng 11 năm 2020 loan tin, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, tại các khu công nghiệp ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam đã có 9 dự án lớn của Trung Cộng đầu tư vào khu vực này, chiếm 45% tổng số các dự án lớn tiêu biểu của ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại có 20 dự án lớn tiêu biểu của ngoại quốc đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam.
Theo Cafef, việc phía Trung Cộng đang chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang Việt Nam có thể là một tín hiệu tốt đối với các công ty phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp Việt Nam. Vì nhà cầm quyền sẽ thu được tiền cho thuê đất, có dự án để giải ngân tiền, và sẽ thu được tiền thuế vào ngân cách.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại khi các nhà đầu tư Trung Cộng đang tỏ ra ưa thích Việt Nam như, sau khi mua các bất động sản công nghiệp thì các nhà đầu tư Trung Cộng sẽ không bỏ tiền ra để mở rộng đầu tư, sản xuất mà có thể sẽ nhập hàng từ nước mình sang, rồi gắn mác hàng Việt để xuất cảng.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ- Trung Cộng hiện nay, thì nguy cơ trên rất dễ xảy ra. Ông Đào Ngọc Nghiên, phó chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Cộng sản Việt Nam cho rằng, khi đã cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam đầu tư thì không nên phân biệt họ đến từ Trung Cộng hay quốc gia khác, vì hiện nay việc một người có nhiều hơn 1 quốc tịch là bình thường.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cac-cong-ty-trung-cong-gia-tang-dau-tu-vao-viet-nam/
Giải mã thông điệp Tập Cận Bình gửi Jack Ma
21 năm sau khi họa sĩ bậc thầy Nhật Bản Kaii Higashiyama qua đời, chính phủ Trung Quốc đầu tháng 11 đã sử dụng một bức tranh của cố họa sĩ để gửi cảnh báo nghiêm khắc tới người đàn ông giàu có nhất đất nước là Jack Ma.
Nhà báo Katsuji Nakazawa của tờ Nikkei Asian trong một bài viết ngày 19/11 đã cho biết thông tin trên, và với kinh nghiệm bẻ khóa những ẩn đố Trung Quốc, nhà báo Nhật Bản đã xâu chuỗi những ám hiệu từ một bức tranh có lịch sử cách đây gần 50 năm để giải mã được một thông điệp mà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình mới đây đã gửi tới Jack Ma – vị tỷ phú từng được gọi là người giàu nhất châu Á.
Katsuji Nakazawa cho rằng, ông Tập muốn nhắn nhủ vị tỷ phú: “Cậu chẳng là gì ngoài một đám mây.”
Dưới đây là những phân tích của Katsuji Nakazawa:
Vào tối hôm 2/11, ngay sau khi Jack Ma Yun (Mã Vân), người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba bị chính quyền Trung Quốc triệu tập để thẩm vấn, một bài báo khó hiểu đã được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Tân Hoa Xã.
Bài báo có tiêu đề: “Đừng nói một cách thiếu suy nghĩ, đừng làm theo ý bạn, mọi người không thể hành động tùy tiện theo ý muốn của họ”, không đề cập đến Jack Ma. Nhưng bài viết đi kèm với một bức tranh có gam màu xanh lam nhạt của Higashiyama vẽ một bầu trời nhiều mây, nổi bật giữa trời là hình một con ngựa trắng.
Trong tiếng Trung Quốc, “Ma (Mã)” có nghĩa là ngựa, “Yun (Vân)” có nghĩa là mây. Rõ ràng là bài báo đã chỉ vào ai.
Những đoán già đoán non nhanh chóng lan truyền, rằng bài báo đó đã ngầm ý nói con ngựa có thể bị thổi bay như một đám mây, bài báo hẳn phải được xuất bản với sự cho phép của lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Là một đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, Ma được yêu cầu phải thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với hệ thống.
Tuy nhiên, doanh nhân 56 tuổi đã đưa ra những nhận xét được coi là thách thức những ý định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu.
Phát biểu tại một hội nghị tài chính ở Thượng Hải vào ngày 24/10, vị tỷ phú thẳng thừng chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc, nói rằng các quy định tài chính lạc hậu của đất nước là lực cản đối với sự đổi mới công nghệ.
“Trung Quốc không có vấn đề rủi ro tài chính hệ thống,” Ma nói tại Hội nghị Bund Summit. “Tài chính Trung Quốc về cơ bản không mang rủi ro, thay vào đó, rủi ro đến từ việc thiếu một hệ thống.”
“Đổi mới tốt không sợ quy định mà sợ quy chế lạc hậu. Không nên dùng cách quản lý một nhà ga xe lửa để điều tiết một sân bay”, Ma nói.
Ma cũng nhắm vào các ngân hàng Trung Quốc, nói rằng họ hoạt động với tâm lý “tiệm cầm đồ”.
Ma đã cả gan khi nói rằng ông đã nói chuyện trước với Vương Kỳ Sơn, vị phó chủ tịch vốn nhiều năm ở trung tâm vũ đài của cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc.
Theo Katsuji Nakazawa, những lời chỉ trích của Ma cũng nhắm vào Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một phụ tá của ông Tập. Ông Lưu vốn là người giám sát chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Những nhận xét của Ma, theo một cách tự nhiên, đã được báo cáo lên các lãnh đạo tầng cao nhất.
Ma đã đi tiên phong trong thương mại điện tử và thương mại không dùng tiền mặt. Nhưng những nhận xét của Ma là bất cẩn, và cuối cùng Ma đã giẫm lên đuôi hổ.
Một ngày sau khi Tân Hoa xã sử dụng bức tranh của Higashiyama để tạo ra một điểm nhấn trong bài viết của họ, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo kế hoạch của chi nhánh tài chính của Alibaba, Ant Group, ở Thượng Hải và Hồng Kông đã bị gác lại.
Sự trì hoãn vào phút chót của đợt gây quỹ lớn nhất trong lịch sử là kết quả của việc chính quyền Tập ưu tiên các vấn đề trong nước hơn là uy tín quốc tế của thị trường Trung Quốc.
Quy mô của Ant Group là không có địch thủ. Hơn một tỷ người sử dụng Alipay, dịch vụ thanh toán qua điện thoại thông minh là dịch vụ cốt lõi của hãng. Nó cũng cung cấp một loạt các dịch vụ khác, bao gồm cho vay, ứng trước tiền mặt và đánh giá tín dụng.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng nó gây nguy hiểm cho trật tự tài chính hiện có của Trung Quốc.
Katsuji Nakazawa chỉ ra rằng, không giống như những người sáng lập Tencent, Baidu và những gã khổng lồ công nghệ khác, Jack Ma đã tránh xa chính trị. Jack Ma không phải là thành viên của “hai kỳ họp” (còn gọi là “lưỡng hội”), cuộc họp hàng năm của cơ quan lập pháp quốc gia và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu.
Katsuji Nakazawa cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của đế chế kinh doanh của Jack Ma, ở một mức độ nhất định, đã được bảo vệ bởi các mối quan hệ chính trị của ông. Ma có mối quan hệ tương đối thân thiết với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người lãnh đạo “phe cánh Thượng Hải”, cánh tay phải của Giang là Tăng Khánh Hồng và những người xung quanh họ.
Alibaba là một công ty tư nhân ra đời ở tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải một quãng rất ngắn, đoạn đường được ví như chỉ bằng khoảng cách khi người ta ném một hòn đá mà thôi.
Tuy nhiên, chìa khóa để hiểu được sự sảy chân của Ma ở hiện tại, có thể là nằm ở mối quan hệ của Ma với Tập, theo Katsuji Nakazawa.
Ông Tập đã có nhiều năm ở Chiết Giang với tư cách là một quan chức, dần dần củng cố vị thế chính trị của mình.
Các thuộc cấp của ông Tập từ thời điểm đó đã chuyển sang các vị trí chủ chốt trên khắp đất nước sau khi chủ nhân của họ lên nắm quyền và được gọi là “phe cánh Chiết Giang.”
Nhưng Ma được biết là không tìm cách kết thân với họ. Có lẽ là vì hai lý do. Ông ta biết những rủi ro liên quan đến việc tiến quá gần đến chính trị. Ông ta cũng tự tin về khả năng của mình và không cảm thấy cần thiết.
“Tiền và quyền lực chính trị không thể tồn tại cùng nhau,” Ma từng nói. “Một là thùng thuốc súng, còn thùng kia là thùng diêm. Nếu cả hai tồn tại, một vụ nổ sẽ xảy ra.”
Từng là thương gia, Ma luôn có trực giác tốt về sự thay đổi của thủy triều.
Ở lúc còn tương đối trẻ, Ma đã quyết định nghỉ hưu khỏi công việc quản lý ngày này qua ngày khác. Cứ mỗi lần thấy rằng mình đã trở nên thu hút sự chú ý, Ma lại lùi lại phía sau hậu trường. Nhưng mỗi lần như vậy, ánh đèn sân khấu lại tỏa sáng hơn, và Ma không thể nào biến mất.
Vào tháng 5/2013, hai tháng sau khi ông Tập đảm đương chức vụ chủ tịch nước, Jack Ma chính thức thôi giữ chức Giám đốc điều hành Alibaba để toàn tâm toàn ý cho công việc Chủ tịch công ty.
Vào tháng 3/2018, ông Tập đã thúc đẩy thông qua việc sửa đổi hiến pháp quốc gia, loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm cho các chủ tịch Trung Quốc và mở đường cho thời kỳ cầm quyền kéo dài của chính ông.
Cuộc chơi quyền lực của ông Tập đã khiến Ma phải vội vàng đưa ra một quyết định. Nửa năm sau, Ma tuyên bố rằng ông “sẽ nghỉ hưu sau một năm nữa.” Ma thực sự từ chức chủ tịch vào tháng 9/2019. Ông cũng nghỉ hưu khỏi hội đồng quản trị vào tháng 9 này. Nhưng lần này, Ma dường như đã không giữ được một khoảng cách cần thiết với chính trường Trung Quốc.
Một manh mối về suy nghĩ của ông Tập có thể thấy được vào tuần trước trong chuyến thị sát tỉnh Giang Tô.
Đến thăm Bảo tàng Nam Thông, chủ tịch Tập đã xem phần trưng bày giới thiệu về Zhang Jian, người sáng lập bảo tàng, đồng thời là nhà công nghiệp và giáo dục Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Bảo tàng đã trưng bày cách Zhang điều hành các doanh nghiệp mang lại lợi ích cho quốc gia, phát triển giáo dục và tham gia vào các hoạt động phúc lợi công cộng như thế nào.
Ca ngợi Zhang là “một hình mẫu của tất cả các doanh nghiệp tư nhân,” ông Tập nói rằng bảo tàng và nơi ở trước đây của Zhang nên được biến thành một cơ sở để giáo dục lòng yêu nước.
Chỉ 10 ngày sau khi Ma bị nhà chức trách thẩm vấn, chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nhân tư nhân đừng ích kỷ.
Một điểm đáng chú ý khác trong chuyến công du Giang Tô của ông Tập là ông đã đến thăm Dương Châu, quê hương của cựu Chủ tịch Giang, lần đầu tiên kể từ khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào năm 2012.
Sáu năm trước, ông Tập đã gây tiếng vang lớn khi thị sát Trấn Giang (Zhenjiang), một thành phố cổ ở phía nam Dương Châu và ngay bên kia sông Dương Tử.
Cái tên Trấn Giang có thể có những dư âm chính trị đáng lo ngại.
Zhen có nghĩa là trấn giữ, Jiang có nghĩa là sông. Trấn Giang cũng có thể đọc là “đưa Giang vào tầm kiểm soát.”
Đó là lý do tại sao ngay cả tên của một cây cầu bắc qua sông Dương Tử hoàn được hoàn thành vào năm 2015 để nối Trấn Giang và Dương Châu đã tránh sử dụng từ này.
Sáu năm về trước, Trung Quốc vẫn quay cuồng trong cơn bão chính trị đang hoành hành do chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, chứng kiến Chu Vĩnh Khang, một cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị bị điều tra vì tham nhũng.
Ủy ban này là cơ quan quyết định hàng đầu của Đảng. Giang Tô là cơ sở quyền lực của Chu cũng như của cựu Chủ tịch Giang. Chuyến thăm của ông Tập tới Trấn Giang sáu năm trước thể hiện quyết tâm phá vỡ sự cai trị của những người lớn tuổi trong đảng bằng chiến dịch trấn áp tham nhũng.
Cuối tháng trước, không có thay đổi nhân sự nào liên quan đến việc thăng chức những người kế nhiệm tiềm năng cho ông Tập tại phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 của đảng, tiếp tục dọn đường cho ông Tập kéo dài thời gian cầm quyền.
Chuyến thăm tới Dương Châu, một địa phương nhạy cảm về mặt chính trị, gần giống như một chiến thắng nhảy vọt, kỷ niệm chiến thắng của ông Tập trong cuộc đấu tranh quyền lực với Giang và những người cao niên khác trong đảng, Katsuji Nakazawa kết luận.
Canh Tý khó khăn chưa kết thúc với Trung Quốc:
Thiên tai khắc nghiệt xuất hiện trở lại
Tâm Thanh
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc liên tục xuất hiện những hiện tượng thời tiết dị thường.
Ngày 18/11, nhiều nơi ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc đã xảy ra bão tuyết lớn. Sáng sớm ngày 19/11, tỉnh Hắc Long Giang đã đưa ra 20 cảnh báo bão tuyết liên tiếp, đồng thời ban bố cảnh báo bão tuyết màu đỏ trên toàn tỉnh, theo Sound of Hope.
Theo truyền thông đại lục, cục khí tượng tỉnh Hắc Long Giang đã quyết định nâng cấp mức ứng phó khẩn cấp thiên tai khí tượng (bão tuyết) từ cấp 4 vào lúc 19h20 ngày 17 lên cấp 2 từ 7h20 ngày 19.
Đài quan sát khí tượng tỉnh Hắc Long Giang đã phát tín hiệu cảnh báo bão tuyết đỏ lúc 7h ngày 19/11. Trong 12 giờ qua, lượng tuyết rơi ở Kê Tây, Kê Đông, Lâm Khẩu, khu đô thị chính của Cáp Nhĩ Tân, Thượng Chí, Diên Thọ, Ngũ Thường đã lên tới hơn 8 mm và tuyết vẫn tiếp tục rơi. Dự báo lượng tuyết tích lũy tại các khu vực trên sẽ lên tới hơn 15 mm vào lúc 13h ngày 19/11, gây ảnh hưởng xấu đến giao thông và nông nghiệp.
Cục giáo dục Cáp Nhĩ Tân đã đưa ra thông báo khẩn cấp: Ngày 19/11, các trường mẫu giáo và tiểu học, trung học của thành phố sẽ nghỉ học.
Vào lúc 8h ngày 19/11, do bão tuyết và con đường bị đóng băng ảnh hưởng đến an toàn vận hành, ga hành khách Cáp Tây ở đô thị chính của Cáp Nhĩ Tân, ga hành khách Tam Hỏa Thụ và ga hành khách Đạo Ngoại đã bị đóng cửa và tất cả các tuyến đều ngừng bán vé.
Ngoài ra, tỉnh Liêu Ninh cũng đã phát đi cảnh báo tuyết rơi dày cấp 4 lúc 9h17 ngày 19/11: Lượng tuyết ở huyện Kiến Xương đã lên tới 4,3 mm trong 3 giờ qua.
Sân bay Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm đã kích hoạt cảnh báo màu xanh đối với động đất và băng tuyết vào lúc 3h sáng ngày 19/11 và cảnh báo màu cam đối với động đất trên mặt đường. Theo thống kê, tính đến 7h45 cùng ngày, đã có tổng cộng 55 chuyến bay bị hủy.
Phòng giáo dục thành phố Tùng Nguyên, tỉnh Cát Lâm đã đưa ra thông báo: Xe buýt đưa đón học sinh sẽ không hoạt động từ ngày 18/11 đến ngày 20/11.
Cục khí tượng của khu tự trị Nội Mông đã đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp cấp IV đối với các thảm họa khí tượng lớn ( bão tuyết ) vào lúc 9h12 ngày 18/11 .
Năm nay, thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc, ví như vùng Đông Bắc, ngay từ ngày 20/4 năm nay, ở Hắc Long Giang, Cát Lâm và một số nơi khác đã có tuyết rơi dày và gió mạnh. Đoạn video do một cư dân mạng đăng trên Twitter cho thấy, tại tỉnh Hắc Long Giang không chỉ có bão tuyết mà còn có sấm sét khiến cư dân mạng bàn tán rất nhiều. Bởi người dân Trung Quốc thường có câu ngạn ngữ: “Tuyết rơi sấm đánh, mộ phần cốc thành chất”, có nghĩa là nếu tuyết rơi mà kèm theo sấm sét thì năm đó sẽ không mấy tốt lành, gặp tai ương, nhiều người chết, mồ mả mới đè lên mồ mả cũ ở khắp nơi.
Vào ngày 4/5, tuyết rơi dày đặc ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Song Áp Sơn và những nơi khác. Trong một đoạn video lan truyền trên Internet, một người đàn ông nói: “Ồ, đây là ngày 4/ 5. Ngày 4/5/2020. Nhìn tuyết này, như thế này thì người nông dân có sống nổi không? Trời ơi, đừng rơi nữa! “…
Vào chiều ngày 3/6, mưa đá bắt đầu ở các quận và thành phố xung quanh Cáp Nhĩ Tân và tỉnh Hắc Long Giang. Cùng ngày, tại tỉnh Cát Lâm, mưa đá bao phủ mùa màng khiến người nông dân thiệt hại nặng nề.
Thủ tướng Thái Lan dọa tận dụng hết sức mạnh
của luật pháp chống lại người biểu tình
Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 19/11 dọa sẽ tận dụng hết sức mạnh của luật pháp chống lại những người biểu tình, giữa lúc biểu tình leo thang, kêu gọi lật đổ Thủ tướng và cải cách để hạn chế quyền hạn của Vua Maha Vajiralongkorn.
Các nhà hoạt động bày tỏ quan ngại rằng lời đe dọa đó có nghĩa là chính quyền Thái Lan sẽ tiếp tục truy tố các trường hợp vi phạm đạo luật cấm xúc phạm hoàng gia Thái Lan, một trong những đạo luật khắt khe nhất cấm báng bổ hoàng gia trên thế giới.
“Ông Prayuth đã tuyên chiến chống lại nhân dân,” luật sư nhân quyền và cũng là lãnh đạo biểu tình, Arnon Nampa, nói.
“Đối với các vị công bộc không về phe nào, quý vị phải quyết định liệu quý vị muốn sống trong quá khứ, hay muốn cùng chúng tôi xây dựng tương lai.”
Các cuộc biểu tình khởi sự từ tháng 7 đã trở thành thách thức lớn nhất đối với chính quyền Thái Lan trong nhiều năm nay, đồng thời phá vỡ điều cấm kỵ từ lâu đời khi phê bình chế độ quân chủ, vốn là một tội hình sự đi kèm với bản án tù lên tới 15 năm.
Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đưa ra loan báo một ngày sau khi hàng ngàn người biểu tình ném sơn vào trụ sở cảnh sát để phản ứng trước việc cảnh sát sử dụng vòi rồng và hơi cay, gây tổn thương cho hàng chục người hôm thứ Ba 17/11, ngày bạo động nhất kể từ khi biều tình khởi sự vào tháng Bảy.
Ông Prayuth tuyên bố:
“Chính phủ sẽ ra tay hành động và thi hành luật pháp, tận dụng tất cả mọi điều khoản luật pháp để chống lại những kẻ vi phạm luật pháp.”
Ông Prayuth không nói rõ liệu thông báo đó có bao gồm điều 112 của luật hình sự, cấm báng bổ hoàng gia, hay không.
Tức giận vì những hình ảnh chống đối hoàng gia trong các cuộc biểu tình hôm thứ Tư, một số người thuộc phe bảo hoàng đã lên mạng xã hội kêu gọi thi hành điều 112 của bộ luật hình sự.
Hàng chục người biểu tình, kể cả nhiều lãnh đạo được biết tiếng, đã bị bắt giữ về một loạt tội danh trong những tháng gần đây, mặc dù họ không đi xa tới mức chỉ trích hoàng gia.
Từ khi tập đoàn quân phiệt lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2014, đã có gần 100 ca đang bị truy tố vì vi phạm luật báng bổ hoàng gia. Nhưng từ năm 2018 tới nay không có vụ đảo chính nào, theo các số liệu của nhóm bênh vực nhân quyền iLaw.
Những người biểu tình tố cáo ông Prayuth là đã dàn dựng cuộc bầu cử hồi năm ngoái để tiếp tục nắm quyền trong cương vị một Thủ tướng dân sự. Ông Prayuth thì khẳng định đây là một cuộc bầu cử công bằng.
Úc sẽ truy tố các quân nhân phạm tội ác chiến tranh
vì sát hại tù nhân Afghanistan
Anh Vũ
Tại Úc, các phát giác liên quan đến vụ lực lượng đặc nhiệm Úc hành quyết 39 tù dân sự tại Afghanistan đã được truyền thông đưa đi đưa lại. Chỉ huy cao nhất của quân đội Úc đã chính thức lên tiếng xin lỗi nhân dân Afghanistan, đồng thời cho biết ông mong muốn thủ phạm của các vụ sát hại đó phải bị truy tố phạm tội ác chiến tranh. Giới chính trị và một số cựu thành viên của đơn vị đặc công Úc cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ.
Thông tín viên Grégory Plesse tại Sydney :
« Chương hổ thẹn nhất trong lịch sử quân đội Úc ». Tác giả của báo cáo trình tại Canberra hôm thứ Năm (19/11) đã đánh giá như vậy về những hành động tàn bạo của những lính Úc tại Afghanistan trong khoảng thời gian từ 2007-2013.
Theo ông Kevin Rudd, từng là thủ tướng trong thời gian diễn ra các vụ việc trên, thủ phạm của các vụ sát nhân này phải được đưa ra xét xử trước công lý.
Đó cũng là ý kiến của ông Braden Chapman, một cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm. Ông đã từng phát giác nhiều hành vi xấu của một số chiến hữu trong một phim tài liệu phát hồi tháng 3 trên kênh truyền hình ABC.
Ông Braden Chapman nói : « Anh không thể bắn vào những người không được vũ trang, mà không gọi đó là hành động sát nhân ».
Tướng Angus Campbell, tư lệnh quân đội Úc dự định truy tố 25 binh sĩ dính líu trong các vụ sát hại thường dân vì phạm tội ác chiến tranh.
Quyết định này đang gây chi rẽ các binh sĩ đã làm chứng trong khuôn khổ cuộc điều tra này. Glan Kolomeitz, luật sư của những quân nhân trên giải thích :
« Một số thân chủ của tôi hài lòng nhưng số khác vốn luôn tự hào về quá khứ trong lực lượng đặc nhiệm, nay thấy đơn vị của mình bị lôi xuống bùn đen chỉ vì những hành động của một vài cá nhân, họ cảm thấy hoang mang .»
Thủ tướng Scott Morrison đã hứa rằng chính phủ sẽ rút ra các bài học từ vụ việc này, để những hành vi như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
0 comments