Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 24/11/2020

Tuesday, November 24, 2020 8:14:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 24/11/2020

Châu Á: Donald Trump đánh mất cơ hội trói tay Bắc Kinh – Tú Anh

Emmanuel Macron ba bước nới lỏng phong tỏa, Joe Biden lập nội các, Donald Trump thua Trung Quốc trong cuộc chiến địa chính trị, Armenia và Azerbaijan cùng thua Nga ở Kavkaz … đó là một số thông tin và phân tích nổi bật trên báo Pháp hôm nay, 24/11/2020.

Công luận Pháp chờ đợi tổng thống Macron thông báo gì về Covid-19 qua thông điệp vào lúc 20 giờ hôm nay? Libération cảnh giác «Chưa có bỏ phong tỏa đâu». Le Figaro khuyến cáo chủ nhân điện Elysée: Trước làn sóng hoài nghi của dân chúng, phải tránh lời lẽ cường điệu gây thêm hoang mang. Trái lại, phải nói chính xác những khó khăn và chiến lược sống chung với dịch cho đến khi có thuốc ngừa. Cuối cùng là phải vạch ra một chân trời tự do tươi sáng.  Về thời sự quốc tế, nhật báo thiên hữu giới thiệu «Anthony Blinken, ngoại trưởng tương lai Hoa Kỳ vừa được Joe Biden chỉ định là một chuyên gia quan hệ quốc tế dạn dày kinh nghiệm và còn là một người thông thạo tiếng Pháp, một tín hiệu tốt cho Châu Âu».

RCEP: Hệ quả sai lầm của Donald Trump

Trang ý kiến, nhà báo Renaud Girard trở lại bốn năm của tổng thống mãn nhiệm với bài phân tích tiếc rẻ : Thất bại địa – kinh tế của Donald Trump tại Châu Á.

Theo chuyên gia chính trị quốc tế của Le Figaro, về địa chiến lược, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thành công xây dựng một mặt trận chung ở Châu Á chống Trung Quốc, nhưng về kinh tế, tổng thống Donald Trump đã phạm ít nhất là hai sai lầm nghiêm trọng, giúp cho Bắc Kinh chiến thắng qua các thủ đoạn vận động hành lang, chiếm chỗ trống của Hoa Kỳ bỏ lại.

Trước hết, ngay khi lên nắm quyền, tổng thống thứ 45 của Mỹ, chống đa phương một cách triệt để, đã phá hoại hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một công cụ chính trị và thương mại xuất sắc của người tiền nhiệm, với 12 thành viên từ Châu Mỹ trải dài đến Châu Á, xuống tận nam Thái Bình Dương. TPP còn là một guồng máy ngoại giao tinh vi với mục đích ngăn chận chính sách « một vành đai một con đường » để  bành trướng thương mại của Trung Quốc. Qua TPP, Hoa Kỳ còn có vũ khí buộc Bắc Kinh tuân thủ các tiêu chí và chuẩn mực từ thương mại cho đến tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ theo điều kiện của Tây phương.

Về an ninh, nếu Trung Quốc có ý đồ bành trướng ở Biển Đông với các căn cứ quân sự ở Hoàng sa và Trường sa, TPP có khả năng biến thành một liên minh quân sự : Singapore kiểm soát eo biển Malacca, Nhật Bản tập trung hải quân ở Hoa Đông, Việt Nam ngó về đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có một căn cứ hải quân quan trọng, còn hải quân Mỹ, số một thế giới, có một chuổi căn cứ hay quân cảng đón tiếp từ Hàn Quốc, Nhật, Việt Nam, Singapore, Philippines, Úc, tạo thành thế liên hoàn án ngữ Trung Quốc. Đứng trước đội hình chiến lược đó, Trung Quốc phải bó tay.

Lẽ ra Donald Trump phải quyết định xây dựng một cách thông minh và kiên nhẫn một liên minh thương mại và chiến lược chống Trung Quốc tại Thái Bình Dương, đại dương mà Hoa Kỳ độc quyền kiểm soát từ năm 1945 đến nay. Tiếp theo đó là mời gọi đồng minh Châu Âu tham gia vào TPP đặt trên nền tảng là những điều kiện nghiêm ngặt, thì Trung Quốc không còn đường tiến thoái, phải chấp nhận luật chơi của Tây phương.

Thay vì chọn một chiến lược tiệm tiến và tập thể, Donald Trump xé lẻ, làm cao bồi một mình. Diễn văn của ông tại Davos ngày 26/01/2018, theo đánh giá của  nhà báo Pháp Renaud Girard là rất xuất sắc. Ông đã nói những sự thật mà trước đó không một nhà lãnh đạo nào khác dám nói. Ông nói với Trung Quốc : « Ngưng ăn cắp đi ». Đúng là qua tin tặc, gián điệp và hù dọa các công ty hoạt động tại Hoa lục, Trung Quốc đã chiếm đoạt công nghệ của Tây phương. Donald Trump nói thẳng là chính quyền Trung Quốc không tôn trọng tinh thần và văn bản luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, mà các nước Tây phương đã cho phép Trung Quốc gia nhập vào năm 2001 mà không đặt điều kiện tiên quyết.

Sai lầm thứ hai của Donald Trump là tuyên bố dũng cảm này không được thực hiện qua hành động. Trung Quốc là một miếng thịt to khó nuốt một mình. Vào thời điểm Donald Trump vào Nhà Trắng, Tây phương nói chung còn phương tiện để buộc Trung Quốc vào khuôn khổ. Giờ đây thì quá trễ, theo nhà phân tích Pháp. Về địa chiến lược, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã củng cố được một liên minh chống Trung Quốc với bộ tứ kim cương Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, nhưng trong mặt trận kinh tế, Hoa Kỳ đã thua một trận đánh quyết định, do lỗi của Donald Trump.

Ngày 15/11/2020, RCEP-Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực, do Bắc Kinh đề xướng đã được ký kết, bên lề Thượng đỉnh ASEAN.

Thượng Karabakh :  Armenia và Azerbaijan đều thua

Trên trang quốc tế, Le Monde đưa độc giả đến Armenia và Azerbaijan sau cuộc chiến đẫm máu tại Thượng Karabakh. Erevan thất trận phải trả đất lại cho Baku. Nhưng trên thực tế, cả hai đều thua mưu kế của Matxcơva . Armenia đau xót vì cách mạng dân chủ dở dang, còn Azerbaijan tức tối vì bị Nga « phỗng tay trên », tựa của hai bài phóng sự

Tại thủ đô phe thua trận, hình ảnh đập vào mắt  đặc phái viên của Le Monde là hai người lính trẻ vừa tròn 18 tuổi từ mặt trận trở về, vừa chôn cất xong một đồng đội, đi lang thang buồn thảm. Sau lưng họ  là hai người dân Thượng Karabakh, hai vợ chồng, bấm chuông tòa đại sứ Pháp .

Armenia phải chịu đựng một thảm bại nặng nề, gồng gánh 100.000 người tị nạn, không kể việc phải đối phó với đại dịch Covid-19. Niềm hy vọng xây dựng một chế độ dân chủ với thủ tướng Nikol Pachinian từ năm 2018 đã tan thành mây khói, với thất bại quân sự ở Thượng Karabakh. Một phụ nữ 23 tuổi, một trong những sinh viên tham gia cách mạng nhung hai năm trước, nay là trợ lý cho một dân biểu ở Quốc Hội, than thở : « Thật là kinh khiếp khi nghe những người đòi Pachinian từ chức. Sau 2018, Armenia được xem là quốc gia dân chủ. Tôi từng hãnh diện góp phần sang trang chế độ độc tài, nhưng chế độ này đang trở lại». Trên thực tế, theo phóng viên Le Monde, phe này không đông, chỉ độ 2000 trong cuộc biểu tình đầu tiên và mỗi ngày mỗi thưa vắng. Đa số dân Armenia không tham gia vì không muốn bị xem là ủng hộ viên chế độ cũ.

Với cách mạng nhung, Armenia ước mơ môt tương lai mới. Bị ám ảnh bởi cuộc thảm sát diệt chủng 1915, nay mất tinh thần sau chiến thắng của kẻ thù Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, người dân Armenia chỉ mong một điều duy nhất là được sống còn.

Tại Azerbaijan, kẻ chiến thắng cũng lo ra mặt. Sau niềm vui thắng trận, ca hát nhảy múa ngày 10/11/2020, sự kiện Nga đưa 2000 quân đến Thượng Karabath làm trái độn bị nhiều người dân thủ đô xem là « bị Nga phỗng tay trên ». Một tuần sau, một cuộc biểu tinhg chống Nga với biểu ngữ « Putin về nhà đi » đã diễn ra tại Baku.

Bài phóng sự rất dài, chỉ xin trích một vài nhận định tiêu biểu. Nhà chính trị học Kavus Abushov lo ngại « nước Nga rất khó lường, có thể làm bất cứ chuyện gì họ muốn với sức mạnh quân sự áp đảo. Nga sẽ ớ lại luôn và kiểm soát toàn bộ ». Theo chuyên gia này, tổng thống Aliev phải chấp nhận điều kiện của Nga, bởi vì bị áp lực quá mạnh sau vụ trực thăng Nga bị bắn hạ một ngày trước khi Baku chịu ký thỏa hiệp ngưng bắn. Rất có thể chính Nga đã cố tình khiêu khích để gây ra sự cố trực thăng và qua đó tung lá bài hợp thức hóa sự hiện diện của lính Nga. Tức giận hay chỉ lo âu, vấn đề mà Azerbaijan phải giải quyết : Sự trở lại của nước Nga.

Trung Quốc đến cuối năm không còn người nghèo ?

Trở lại Châu Á, phóng viên Le Monde tìm hiểu chính sách xóa nghèo của Bắc Kinh. Chỉ tiêu là đúng vào ngày 31/12/2020, tại Trung Quốc sẽ không có người nghèo. Nhưng thực tế không đơn giản như khẩu hiệu và nghị quyết.

Trong suốt chuyến đi quan sát ở Cam Túc, phóng viên Le Monde được hướng dẫn đến các thành phố mới chưa có người ở, nơi sẽ dành cho nông dân nghèo cư ngụ theo chính sách của nhà nước.

Theo một viên chức, trong những năm gần đây, 8 triệu dân nghèo đã được tái định cư. Chỉ còn 150.000 người là chưa đủ  ba điều kiện để gọi là hết nghèo : đi học, nhà cửa và bảo hiểm y tế tối thiểu.

Về thu nhập, ngưỡng nghèo ở nông thôn Trung Quốc  là 4000 nhân dân tệ/năm, trong khi bình quân toàn quốc là 26.500. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế, thì Trung Quốc phải nhân thêm 3,5 lần con số 4000 nhân dân tệ mới gọi là ngưỡng nghèo khó.

Trên thực tế, Trung Quốc không chống nghèo, mà chỉ tìm cách xóa nghèo ở nông thôn, mục tiêu ít tham vọng nhưng rất nặng nề. Nhiều cán bộ sốt sắng quá mức « phá nhà nông dân trước khi có nhà mới cho họ ».

Đằng sau những tuyên bố chiến thắng bề mặt, nhiều viên chức Hoa lục nhìn nhận nhiệm vụ xóa nghèo của họ không thể chấm dứt vào ngày 31/12/2020 . Lý do là còn 93 triệu người thoát nghèo có nguy cơ rơi trở lại vào hoàn cảnh cũ.

Trung Quốc đổ bộ lên mặt trăng

Chinh phục không gian là tham vọng mà Trung Quốc đang thực hiện một bước tiến lớn : Viếng thăm Hằng Nga .

Bản tin của Les Echos cho biết nhiệm vụ của phi thuyền Hằng Nga số 5 rất khó khăn : mang về trái đất một số mẫu đất đá của mặt trăng. Bắc Kinh hy vọng trong một thập niên nữa sẽ đưa người lên thăm Cung Quảng Hàn, như nước Mỹ với chương trình Apollo trong thập niên 1960.

Giới khoa học quốc tế đang nôn nóng chờ Trung Quốc mang về mẫu đất đá mặt trăng, chia sẻ nhau  để tìm hiểu thêm về sự tiến hóa của Thái dương hệ . Vào năm 1972, khi tổng thống Nixon đến Trung Quốc trong chuyến viếng thăm lịch sử, có tặng cho Trung Quốc một mẫu đá để làm quà lưu niệm. Les Echos không tin là « Trung Quốc sẽ có động thái tương tự »  trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Con người có thể sống đến bao nhiêu tuổi ?

Bên cạnh ưu tư của Đức giáo hoàng muốn tất cả công dân trên địa cầu được hưởng mức thu nhập phổ quát, điều kiện sống để được trường thọ là hồ sơ dân số học của La Croix.

Tính theo chiều dài lịch sử nhân loại thì ba thế hệ không phải là dài. Thế mà trong khoảng thời gian ngắn đó, tuổi thọ của con người tăng gắp đôi. Vào năm 1950, tình trung bình trên thế giới, phụ nữ từ trần ở tuổi 48 hay 49 tuổi. Đàn ông thọ mạng ngắn hơn, độ 45 tuổi. Nay, theo thống kê 2020, tuổi thọ phụ nữ lên đến hơn 75, còn nam giới 70,8 tuổi.

« Y học và điều kiện sống » được cải tiến là hai yếu tố tác động lên tuổi thọ. Dự báo là đến 2050, con người có thể sống thêm từ 4 đến 5 năm nữa. Câu hỏi đặt ra là tuổi thọ có thể tăng mãi hay không ? Đến 150 hay 200 tuổi, hay bất tử như một số nhà khoa học dự báo ?

Nhật báo Công giáo mượn lời nhà nhân khẩu học Jacques Vallin : Trường sanh là chuyện phi lý. Làm sao mà con người mong manh có thể sống mãi  khi mà mặt trời sẽ  chết trong tương lai ? Mục đích của khoa học là cải tiến điều kiện sống chứ không phải để diệt cái chết.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201124-ch%C3%A2u-%C3%A1-donald-trump-%C4%91%C3%A1nh-m%E1%BA%A5t-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-tr%C3%B3i-tay-b%E1%BA%AFc-kinh

Tin tổng hợp

(NHK) – Trung Quốc có thể để chuyên gia của WHO đi thực địa. 

Trong buổi họp báo ngày 23/11/2020, ông Mike Ryan, quan chức đặc trách về tình trạng khẩn cấp của WHO, cho biết “các đồng nghiệp từ chính phủ Trung Quốc cam đoan sẽ tổ chức chuyến đi thực địa sớm nhất có thể”, nhưng hiện vẫn đang chờ câu trả lời. Đã hơn 6 tháng kể từ khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới thông báo phối hợp với Bắc Kinh để cử chuyên gia quốc tế đến điều tra nguồn gốc virus corona chủng mới, vẫn chưa có một nhóm chuyên gia nào được đi thực địa.

(CNBC) – Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tố cáo phái viên Mỹ « gây hỗn loạn » ở châu Á. 

Trong một tuyên bố hôm nay 24/11/2020, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lên án như trên, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien thăm Việt Nam và Philippines. Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ « ngừng kích động việc đối đầu ở Biển Đông », « chấm dứt đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về Hồng Kông và Đài Loan vốn là chuyện nội bộ của Trung Quốc ». Trong chuyến thăm Manila hôm qua, ông O’Brien đã khẳng định những cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, và bày tỏ sự ủng hộ với Philippines và Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông.

(AFP) – Lần đầu tiên Đức giáo hoàng đề cập đến việc áp bức người Duy Ngô Nhĩ. 

Trong cuốn sách « Một thời kỳ để thay đổi » ra mắt hôm qua 23/11/2020, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nêu ra số phận của người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tại Trung Quốc, cũng như người Rohingya ( Miến Điện ), người Yazidi ( Irak ). Vatican và Bắc Kinh vừa gia hạn thêm hai năm thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục. Người đứng đầu giáo hội La Mã lần đầu tiên đề cập đến thảm cảnh của một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc giam giữ trong các trại cải tạo. Trước đó Washington đã kêu gọi Đức giáo hoàng tố cáo chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp tôn giáo.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 24/11:

Sẽ có vụ kiện chấn động trước 27/11; Dân chủ,

Nhà nước ngầm sai lầm khi đối đầu với TT Trump

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới ngày thứ Ba (24/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Tiểu bang Michigan xác nhận kết quả bầu cử. Vào thứ Hai (23/11), Hội đồng bầu cử của bang này đã bỏ phiếu với tỷ lệ 3-1 để chứng nhận kết quả bầu cử với chiến thắng dành cho ông Biden, bất chấp việc Đảng Cộng hòa kêu gọi trì hoãn chứng nhận kết quả trước khi hoàn thành việc kiểm tra gian lận phiếu, Daily Wire đưa tin. Theo Epoch Times, luật sư Jenna Ellis của Tổng thống Trump nói rằng Cơ quan lập pháp Michigan đã đồng ý tổ chức các phiên điều trần về gian lận bầu cử

Thủ tướng Israel gặp thái tử Ả Rập Xê Út. Hôm thứ Hai (23/11), một quan chức Israel cho biết, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tới Ả Rập Xê Út và gặp thái tử của nước này, trong chuyến thăm đầu tiên được xác nhận công khai việc một nhà lãnh đạo Israel tới một quốc gia thuộc khu vực Ả Rập. Đây được xem là một thành tựu ngoại giao nữa của Tổng thống Trump khi ông đã giúp nhiều cựu thù trở thành bạn, theo Reuters.

Tòa phúc thẩm khu vực số ba xét đơn của chiến dịch Trump. Họ đã chấp thuận xem xét khẩn cấp việc tòa án cấp dưới từ chối yêu cầu của chiến dịch Trump về việc ngừng chứng nhận cuộc bầu cử ở Pennsylvania. Nhóm pháp lý của Tổng thống Trump sẽ chỉ có vài giờ để nộp hồ sơ tóm tắt về gian lận phiếu bầu ở bang chiến địa, khi hầu hết các hạt của Pennsylvania dự kiến sẽ chứng nhận kết quả bầu cử vào ngày hôm nay, 23/11 (giờ Mỹ), theo The BL.

Bắc Kinh đã trả hàng triệu đô cho nhiều tờ báo Mỹ. Thông tin này được Daily Caller báo cáo hôm 22/11. Một minh chứng được Daily Caller chỉ ra là, China Daily đã trả cho The Wall Street Journal hơn 85.000 đô la và Los Angeles Times 340.000 đô la để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 10/2020, theo một tiết lộ mà chính tờ báo này đã viết trong báo cáo nộp cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ theo yêu cầu của Đạo luật Đăng ký Phái bộ Nước ngoài.

Dân chủ, Nhà nước ngầm sai lầm khi đối đầu với TT Trump. Đó là đánh giá của nhà báo Joe Hoft. Ông cho rằng hai lực lượng này cùng với các đồng phạm nước ngoài đang phải đối mặt với một tổng thống được yêu mến nhất trong lịch sử khi ông Trump là tổng thống tại vị nhận được hơn 70 triệu phiếu bầu ngay cả khi bị gian lận, theo The Gatewaypundit.

Trung Quốc trúng thầu xây sân bay Campuchia. Nikkei ngày 23/11 đưa tin, tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã giành được hợp đồng thiết kế và thi công trị giá 405 triệu USD, nằm trong dự án xây dựng sân bay mới gần thủ đô Phnom Penh của Campuchia với tổng trị giá ước tính 1,5 tỷ USD. Trung Quốc chi gần như toàn bộ vốn đầu tư cho dự án sân bay này.

Sidney Powell: Sẽ có vụ kiện chấn động trước 27/11. Trong một thông cáo báo chí, luật sư Sidney Powell cho biết bà đang chuẩn bị một vụ kiện gian lận bầu cử lớn mà bà dự định sẽ đệ trình trước ngày 27/11. Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi Tòa Bạch Ốc thông báo rằng bà không còn thuộc nhóm pháp lý của chiến dịch TT Trump, theo The BL.

7 máy bay quân sự Mỹ bay về phía nam Đài Loan. Taiwan News cho hay, động thái này xuất hiện trước chuyến thăm Đài Loan vào Chủ nhật (22/11), không được truyền thông biết tới trước đó, của Chuẩn Đô đốc Michael Studeman, giám sát tình báo quân sự Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Chi tiết).

Dominion đã lên sẵn kế hoạch thao túng bầu cử từ hơn 7 tháng trước. Nhà báo Xiao Ran của tờ Vision Times nói rằng, việc đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020 là một kế hoạch đã được phe Dân chủ tính toán trước từ lâu, và một trong những phương tiện để họ đạt mục đích là sử dụng hệ thống kiểm phiếu Dominion như truyền thông quốc tế đưa tin những ngày qua (Chi tiết).

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-24-11-se-co-vu-kien-chan-dong-truoc-27-11-dan-chu-nha-nuoc-ngam-sai-lam-khi-doi-dau-voi-trump.html

Tạp chí kinh tế

Kinh tế Trung Quốc : Ranh giới « mỏng » giữa dân sự và quân sự

Thanh Hà

Ngày 12/11/2020, tổng thống Trump ban hành sắc lệnh cấm đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc có liên hệ với Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân. Quân đội chiếm trọng lượng đến cỡ nào trong guồng máy kinh tế Trung Quốc ? Đâu là ranh giới giữa khu vực dân sự và quân sự tại nước này ? Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, phân tích về tầm mức quan trọng của một đòn mới Washington nhắm vào Bắc Kinh.

Lệnh cấm chính thức có hiệu lực kể từ ngày 11/01/2021, tức chưa đầy một chục ngày trước khi Donald Trump trao chìa khóa của Nhà Trắng lại cho Joe Biden. Các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ, doanh nghiệp và tư nhân có giao dịch với những công ty Trung Quốc trong tầm ngắm của chính quyền Washington sẽ phải rút khỏi các doanh nghiệp Trung Quốc trước tháng 11/2021.

Từ vế kinh tế đến an ninh

Trong cuộc họp báo nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh đây là một bước tiến nhằm ngăn cản Trung Quốc « khai thác càng lúc càng nhiều tư bản của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa các hoạt động quân sự, tình báo và những hệ thống an ninh đe dọa trực tiếp » đến những quyền lợi của Hoa Kỳ, đến những binh chủng của Mỹ đồn trú ở hải ngoại.

Vẫn theo Donald Trump, cần chấm dứt việc tư bản của Mỹ giúp Trung Quốc « phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, nâng cao trình độ các vụ tấn công trên mạng nhắm vào Hoa Kỳ, vào dân Mỹ ». Ông Trump cũng đã ghi nhận, do các doanh nghiệp Trung Quốc phải hỗ trợ cho bên quân đội và tình báo, đầu tư của Mỹ sẽ « gián tiếp tăng cường sức mạnh cho cỗ máy quân sự, tình báo và an ninh » của ông khổng lồ châu Á này.

Trong một thông cáo cùng ngày 12/11/2020, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien đã gióng tiếng chuông báo động tương tự, khi cho rằng vô tình « các quỹ đầu tư Mỹ và quỹ hưu trí của Hoa Kỳ  góp phần tăng cường sức mạnh quân sự cho Trung Quốc » và sắc lệnh của tổng thống Trump nhằm bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi cảnh tiếp tay với đối thủ, để rồi chính các phương tiện quân sự hiện đại của Trung Quốc lại nhắm vào « các công dân, các tập đoàn của Mỹ qua các chiến dịch tấn công tin học và đe dọa trực tiếp đến cơ sở hạ tầng cốt lõi, đến kinh tế và quân đội của Hoa Kỳ, cùng các đồng minh »

Vậy đâu là những công ty Trung Quốc trong tầm ngắm của Nhà Trắng ? Các tờ báo tài chính Anh, Mỹ à Pháp đưa ra danh sách bao gồm khoảng 30 thực thể trong các lĩnh vực, từ hàng không (AVIC) đến giao thông trên biển, từ xây dựng đến năng lượng hạt nhân, như hai tập đoàn quốc gia Trung Quốc CNNC và CGN ; các tập đoàn viễn thông và công nghệ cao (China Mobile hay China Telecom …), và đương nhiên là tập đoàn xuất khẩu vũ khí Norinco. Không ít trong số này tham gia các sàn chứng khoán ở Hồng Kông và qua nhiều trung gian cũng được niêm yết giá trên thị trường tài chính New York.

Riêng Lầu Năm Góc từ mùa hè vừa qua đã thiết lập một danh sách các tập đoàn Trung Quốc mà các nhà đầu tư Mỹ cần tránh xa. Trong số này gồm các tập đoàn trực tiếp đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Trung Quốc, như China Telecom hay một tập đoàn tư nhân nhưng phục vụ quyền lợi cho bên quân đội, như Huawei Technologies chuyên về các trang thiết bị viễn thông, hoặc Hikvision Digital, một nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc về các phương tiện giám sát qua màn hình.

Ranh giới giữa dân sự với quân sự càng lúc càng nhạt mờ   

Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp, Antoine Bondaz trước hết lưu ý, thật ra rất khó thẩm định trọng lượng của quân đội trong các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Nhưng đã có nhiều thay đổi sâu rộng trong những thập niên qua : Khoảng 20-30 năm trước, quân đội kiểm soát nào là khách sạn, bệnh viện … Nhưng rồi ông Tập Cận Bình đã cải tổ theo hướng giảm thiểu vai trò của quân đội trong lĩnh vực kinh tế. Vấn đề giờ đây là các công ty tư nhân và cả các hãng của nhà nước đều có thể tham gia vào các hoạt động trong ngành quốc phòng.

Antoine Bondaz : « Xưa kia, chỉ có các tập đoàn lớn của nhà nước mới được quyền cung cấp trang thiết bị cho Giải Phóng Quân Nhân Dân, nhưng kể từ thập niên 1990 và những năm 2000 thì đã có một sự thay đổi lớn. Một số hãng tư nhân bắt đầu được quyền làm ăn với bên quân đội. Thí dụ như quân phục, giày dép … cho các quân nhân. Nhưng gần đây hơn, các công ty tư nhân ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là về mặt công nghệ. Cùng lúc bên quân đội cần thâu tóm công nghệ cao, cần những phát minh mới của tư nhân. Do vậy, cộng tác giữa các hãng tư nhân và các công ty thuần túy phục vụ cho bên dân sự với bên quân đội càng lúc càng lớn. Chính điểm này nằm trong tầm ngắm của Hoa Kỳ. Bởi vì từ khi Bắc Kinh cải tổ guồng máy quân sự, ngay cả các hãng tư và có thể là những công ty khởi nghiệp cũng đóng góp vào nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ».

Vẫn theo ông Bondaz, quân đội càng lúc càng thâu tóm các dữ liệu thông tin của bên dân sư :

Antoine Bondaz :  Ở đây đặt ra vấn đề hội nhập hai vế dân sự và quân sự. Kể từ 2015, điều này đã trở thành một chiến lược quốc gia được ông Tập Cận Bình chủ xướng. Càng lúc càng có nhiều sự hợp tác giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, giữa bên dân sự và quân sự. Tháng 8/2018, Bắc Kinh đã ban hành một đạo luật bắt buộc các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu dân sự và quân sự phải trao đổi và cung cấp các dữ liệu cho lẫn nhau. Các thông tin được trao đổi đó bao gồm từ các kết quả nghiên cứu khoa học đến dữ liệu về nhân sự hay các loại trang thiết bị được sử dụng …

Điều đó có nghĩa là các trung tâm nghiên cứu nước ngoài khi cộng tác với phía Trung Quốc –  và mặc dù đó không phải là những cơ quan trực thuộc nhà nước Trung Quốc hay quân đội nước này, thế nhưng khi mà các đối tác Trung Quốc đó cộng tác với bên quân đội, thì đâu đó giới nghiên cứu và khoa học quốc tế gián tiếp cộng tác với các lực lượng quốc phòng Trung Quốc. Đó là ý nghĩa của sắc lệnh mà tổng thống Trump vừa ban hành, cấm các doanh nghiệp Mỹ giao dịch, đầu tư vào các cơ sở Trung Quốc có liên hệ với bên quân đội nước này ».

Thêm một đòn đau đối với Bắc Kinh  

Vậy sắc lệnh của tổng thống Mỹ cấm đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc có ý nghĩa nào cả về kinh tế lẫn chiến lược đối với Hoa Kỳ trước đã ? Chuyên gia Antoine Bondaz cho rằng vế chiến lược có phần quan trọng hơn và đó mới chính là điều khiến Bắc Kinh nhức nhối :  

Antoine Bondaz : « Đúng là ở đây có hai khía cạnh khác nhau liên quan đến các khoản đầu tư. Nhưng nhìn rộng ra hơn, trước hết quyết định này liên quan đến các chương trình hợp tác về mặt kỹ thuật và khoa học. Mục tiêu của sắc lệnh lần này nhằm cho thấy là Washington ý thức về liên hệ chặt chẽ giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự của Trung Quốc và Mỹ muốn hạn chế tối đã các chương trình hợp tác đó, bởi vì chung cuộc điều này giúp cho Trung Quốc củng cố thêm sức mạnh quân sự.

Nói cách khác, vấn đề ở đây liên quan đến các lĩnh vực quân sự và an ninh quốc gia. Do vậy, Washington một mặt trừng phạt hay cấm đoán các tập đoàn Mỹ cộng tác với các hãng Trung Quốc có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến cách lĩnh vực an ninh, phòng thủ của quốc gia châu Á này. Mặt khác, sắc lệnh của Donald Trump còn là một tín hiệu gửi tới các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt là châu Âu, là phải dè chừng Trung Quốc.

Kế tới, khía cạnh thứ nhì mới là về mặt kinh tế, bởi vì hợp tác với các công ty tư nhân Trung Quốc để rồi góp phần tăng cường sức mạnh quân sự cho nước này, tức là tăng cường khả năng cạnh tranh của Trung Quốc để đối chọi lại với Mỹ. Điều này không có lợi cho Hoa Kỳ (…)  Tuy nhiên, thuần túy về kinh tế mà nói, tới nay đầu tư của Mỹ vào các doanh nghiệp Trung Quốc hãy còn hạn chế, thành thử thiệt hại đối với các công ty Hoa Kỳ không là bao. Nhưng đây là hồi chuông báo động trước những dự án hợp tác trong tương lai với Trung Quốc về mặt kỹ thuật và khoa học ».

Tuy nhiên, quyết định gần đây của Nhà Trắng tránh để phía Mỹ rơi vào cảnh « nối giáo cho giặc », tăng cường thêm khả năng quân sự của Trung Quốc để tấn công vào các quyền lợi của Hoa Kỳ, chỉ có hiệu quả nếu như Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Chuyên gia Bondaz cho rằng đây là một đòn đau chính quyền Trump tấn cho Bắc Kinh trước khi mãn nhiệm :   

Antoine Bondaz : « Trung Quốc lệ thuộc vào công nghệ Mỹ và Bắc Kinh ý thức được nhược điểm này. Từ đó Trung Quốc đã liên tục cho ra đời các kế hoạch như Made in China 2025… Bắc Kinh đã và đang triển khai chiến lược tăng cường sự tự chủ về mặt công nghệ. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc đã mở rộng hợp tác với các trung tâm nghiên cứu với các tập đoàn của phương Tây từ với Mỹ, Úc, Canada hay châu Âu… Vấn đề đặt ra cho phía Bắc Kinh là các đối tác của Trung Quốc ngày càng thận trọng. Các điều kiện để cộng tác càng lúc càng bị siết chặt thêm, tránh để Trung Quốc nắm bắt được các bí quyết công nghệ của phương Tây để rồi bản thân Trung Quốc trở thành một đối thủ của những quốc gia này về mặt an ninh cho đến đến địa chính trị hay kinh tế ».

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20201124-kinh-t%E1%BA%BF-trung-qu%E1%BB%91c-ranh-gi%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%8Fng-gi%E1%BB%AFa-d%C3%A2n-s%E1%BB%B1-v%C3%A0-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.