Chiếc bút bi, tuyệt tác thần kỳ của thế kỷ 20
- Stephen Dowling
- BBC Future
Những chiếc bút máy có dáng dấp khá là thời thượng, nhưng lúc sử dụng lại có phần bất tiện và gây bẩn lem nhem. Sự ra đời của chiếc bút bi thay thế cho bút máy là một kết quả thần kỳ, mang tính đột phá đúng vào kỷ nguyên sản xuất đại trà.
Vào ngày 29/10/1945, tại chi nhánh thành phố New York của chuỗi cửa hàng bách hoá tổng hợp Gimbels ra mắt một sản phẩm mới. Để rồi kể từ đó hàng tỉ sản phẩm này bắt đầu được bày bán khắp nơi.
Gimbels là hãng đầu tiên bán ra một loại bút mực mới, với kiểu dáng thiết kế phải mất vài thập kỷ mới được hoàn thiện thành công.
Được sản xuất bởi công ty bút Reynolds International Pen Company, những chiếc bút bi này hứa hẹn đặt dấu chấm hết cho một loạt sự cố mực loang lem nhem xảy ra với người dùng bút máy như: bút chảy mực, chữ nhòe mực, hay vết mực ướt đọng trên giấy.
Tránh được điều đó là nhờ chiếc bút bi sử dụng một loại mực đặc khô nhanh và không bị lem. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ viên bi lăn tại vị trí ngòi bút và tác động của trọng lực khiến dòng mực tuôn ra đều đặn, liên tục mà không để lại vết nhòe nào trên trang giấy.
Chiếc bút bi mới giúp ta dùng rất sạch sẽ và thuận tiện, nhưng vấn đề là vào lúc ban đầu nó không rẻ chút nào.
Lúc bấy giờ một chiếc bút bi Reynolds mới có giá 12,5 đô la Mỹ, quy ra thì tương đương với khoảng hơn 180 đô la Mỹ tính theo thời giá năm 2020. Ngày nay, với 180 đô bạn có thể mua sỉ hơn 1.000 cây bút bi từ các cửa hàng giá rẻ.
Những chiếc bút bi được bán ra lần đầu tiên là ở Mỹ, nhưng đó lại không phải là những chiếc bút bi đầu tiên - sự thật là người điều hành công ty này đã phát hiện ra bút bi trong một chuyến đi công cán ở Nam Mỹ.
Quá trình phát triển của bút bi là ví dụ điển hình cho một thiết kế đột phá chỉ chờ hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời địa lợi nhân hoà" - mà trong trường hợp này là sự lên ngôi của chất liệu nhựa và dây chuyền sản xuất hàng loạt, cộng với sự nhạy bén của một chiến lược gia marketing xuất sắc - khiến cho nó phát huy tối đa tiềm năng vốn có.
Ồn ào rồi lặng lẽ
Khi nhắc tới sự ra đời của bút bi, người ta nghĩ ngay đến nhà phát minh người Argentina gốc Hungary, László Bíró. Tên của ông trở thành tên gọi phổ biến của dòng bút bi hiện đại (birome - là tiếng Tây Ban Nha chỉ cây bút bi).
Tuy nhiên lịch sử của phát minh ra cây bút bi đã có từ trước thời Bíró nhiều.
Bằng sáng chế bút bi đầu tiên được trao cho một luật sư đồng thời là một nhà phát minh người Mỹ tên là John J Loud vào năm 1888.
Loud muốn cho ra đời một loại bút mực viết được trên giấy và cả những vật liệu thô ráp hơn như gỗ và da. Phát minh đột phá của ông là viên bi thép có thể xoay tròn được đặt tại vị trí ngòi bút. Ông đã mô tả chi tiết trong hồ sơ đăng ký sáng chế của mình như sau:
"Sáng chế của tôi là một chiếc bút máy được cải tiến, đặc biệt hữu ích không chỉ cho viết lách thông thường mà còn giúp đánh dấu trên các bề mặt thô ráp như gỗ, giấy gói cứng, đủ thứ vật liệu khác mà các loại bút máy hiện nay không thể làm được."
Cây bút của Loud tuy viết được trên da và gỗ nhưng nó lại quá cứng đối với giấy. Nó được xem là không có giá trị thương mại và cuối cùng bằng sáng chế bị hết hiệu lực.
Trong các thập kỷ sau, nhiều nhà sáng chế đã cố gắng cải thiện thiết kế của Loud, nhưng không ai đưa được nó vào sản xuất đại trà như Bíró đã làm vào giữa thời thập niên 1930.
Bíró là nhà báo làm việc ở Hungary, và bởi dùng bút máy hàng ngày nên ông đã quá quen thuộc với những sự bất tiện của nó.
"Ông ấy quen dùng bút máy, và bút rất hay chảy mực, dây lem nhem trên tay, dính ra giấy, khiến ông vô cùng bực mình," Gemma Curtin, giám tuyển tại Bảo tàng Thiết kế London, nói.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là lắp ống mực bút máy vào ngòi bút bi là xong, mà loại mực sử dụng cần phải được nghiên cứu gia giảm cho phù hợp.
László nhờ đến sự trợ giúp của em trai mình là Győrgy - một nha sĩ kiêm nhà hoá học tài ba.
László nhận ra loại mực chuyên dùng cho bút máy khô quá chậm và cần đổi thành loại giống như mực in trên báo. Győrgy đã tạo ra một loại mực đặc dễ chảy xuống khi viết và nhanh khô.
"Những người khác cũng nghĩ tới điều đó rồi nhưng chỉ có ông László và em trai mình - một nhà hoá học tài ba - là tạo ra được loại mực có tính chất phù hợp," Curtin nói. "Nó giống như mực in và không bị chảy lem nhem."
Nguyên lý hoạt động cơ bản của bút bi mô phỏng cách của một cây lăn khử mùi - trọng lực và lực ấn của ngón tay có tác dụng lăn viên bi trên bề mặt viết giúp nó liên tục tiếp xúc với một dòng mực đều đặn. Khi không sử dụng, viên bi nằm yên cố định khít vào ống mực để tránh không khí tiếp xúc làm khô mực. Mực trong ruột bút thường là được dùng hết chứ không bị khô đi.
László được cấp bằng sáng chế ở Anh vào năm 1938 nhưng bút của ông vẫn chưa thể được đưa ra thị trường do Thế Chiến II bùng nổ.
Vì ông và em trai là người Do Thái, họ phải rời bỏ châu Âu vào năm 1941 và nhập cư vào Argentina. Tại đây, ông được một người bạn cùng tị nạn là Juan Jorge Meyne giúp đỡ để chiếc bút bi trở thành hàng hóa thương mại.
Cây bút "birome" đầu tiên, như nó được gọi ở Argentina, ra mắt vào năm 1943 khi chiến tranh vẫn đang hoành hành ở châu Âu và vùng Thái Bình Dương.
Lực lượng Không quân Hoàng Gia Anh (RAF) rất ưng thiết kế của nó và đặt hàng 30.000 cây bút "birome" này, lý do là để phi hành đoàn có thể viết khi đang ở trên trời - khắc phục trở ngại của mực bút máy thường bị chảy khi áp suất thay đổi theo độ cao.
Không kể đến đơn hàng đặc biệt này thì "birome" gần như không được biết đến ở bên ngoài quê hương Nam Mỹ của nó - hiện nay một số ít mẫu bút "birome" nguyên gốc vẫn được bán đấu giá trên các trang mạng, đều đến từ Argentina.
Vào năm 1945, hai công ty Mỹ Eversharp và Eberhard Faber - hợp tác để được cấp phép kinh doanh bút bi trên thị trường Mỹ, chi nửa triệu đô la (tương đương 7,2 triệu đô la Mỹ theo giá trị ngày nay) để giành quyền kinh doanh ở Bắc và Trung Mỹ.
Tuy nhiên họ đã chậm chân.
Thương gia người Mỹ Milton Reynolds trong chuyến ghé thăm thủ đô Buenos Aires đã có ấn tượng với chiếc bút bi mới - ông đã mua số lượng lớn và quay về Mỹ để sáng lập Công ty Quốc tế Bút mực Reynolds bày bán thiết kế mới này.
Điều đáng nói là thiết kế của Reynolds có đủ các chi tiết đổi mới cần thiết, không vi phạm bản quyền bằng sáng chế của László Bíró và là sản phẩm bút bi đầu tiên được bày bán vào tháng 10 năm đó tại Mỹ.
Gần như ngay lập tức nó trở thành một món đồ phụ kiện buộc phải có. Tạp chí Time ghi nhận "hàng ngàn người chen lấn nhau để tranh giành mua cho được một chiếc bút máy đời mới với giá 12,5 đô la" và cũng nhấn mạnh là chiếc bút mới chỉ cần bơm mực hai năm một lần.
Gimbles đặt hàng 50.000 chiếc và bán hết vèo 30.000 chiếc chỉ trong tuần đầu tiên. Theo tờ Time, Gimbles đã đạt doanh thu hơn 5,6 triệu đô la Mỹ (tương đương 81 triệu đô la theo thời giá 2020) từ loại bút mới trong sáu tháng đầu tiên.
Bút biro bây giờ chỉ đơn giản là một đồ dùng hàng ngày, dùng hết mực là bỏ, nhưng nó đáng để được coi trọng vì có cách vận hành vừa đơn giản lại gọn gàng, Curtin nói. "Nó là một trong những thiết kế nổi bật mà nhà nhà đều ưa thích."
Cây bút bi đời đầu tiên bắt chước kiểu dáng của bút máy. Chúng được làm từ kim loại và được thiết kế để thay mực khi dùng hết. Nhưng điểm nhấn của bút bi Reynolds chính là dung lượng mực dùng năm năm mới phải thay một lần, khác xa so với bút máy.
Tuy không mang dáng vẻ văn chương vốn nghiễm nhiên đã gắn liền với bút máy, bút bi thời đó vẫn là thứ xa xỉ đáng mơ ước. Nếu muốn mua dụng cụ viết giá rẻ thực sự thì người ta sẽ chọn bút chì.
Bước ngoặt
Nhưng việc thay mực bút bi tạo ra một vấn đề mới. Thị trường bút bi bắt đầu bão hoà khi quá nhiều công ty - bao gồm Eversharp và công ty chuyên về bút máy Parker - cùng nhảy vào cuộc đua sản xuất bút bi. Người tiêu dùng mua ống mực thay thế và dùng tiếp chứ không mua thêm bút.
Bước ngoặt vĩnh viễn thay đổi số phận của bút bi đã không xảy ra ở Mỹ, mà là ở Pháp.
Nhà tư bản công nghiệp người Pháp gốc Ý Michel Bich có một công ty sản xuất bút bi.
"Không một ai ngoài Marcel Bich hiểu rõ hơn về sức mạnh giả kim thuật của thế kỷ 20, đó là việc sản xuất số lượng lớn với chi phí thấp," báo Independence của Anh đăng bài cáo phó khi ông mất vào năm 1994. "Với công thức này, ông đã đưa thêm vào một chất xúc tác thần kỳ, đó là chỉ sử dụng một lần rồi bỏ. Ông không sáng chế ra cái mới nhưng là người am hiểu thị hiếu tường tận nhất."
Bich nhận ra trước giờ bút bi là một sản phẩm cao cấp trong khi nếu được thiết kế để được thay thường xuyên, nó sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Ông mua lại một nhà máy bỏ hoang gần thủ đô Paris và bắt đầu sáng lập công ty mới mang tên "Societe Bic". Một giám đốc điều hành quảng cáo đã gợi ý Bich thu gọn họ của ông để tạo ra một thương hiệu chỉ gồm ba chữ cái dễ nhận biết ngay lập tức. Logo thương hiệu của công ty là Bic Boy (cậu bé Bic) có một quả cầu trơn bóng là khuôn mặt của cậu bé, tạo liên tưởng đến viên bi kim loại ở ngòi bút.
"Chiếc bút bi đầu tiên ở Anh có giá khoảng 55 shilling thời bấy giờ (tương đương 82,5 bảng Anh năm 2020), Curtin nói. "Trong khi đó một chiếc bút biro của Bic chỉ tốn 1 shilling. Nó là sự kết hợp tốt giữa công năng sử dụng và giá cả phải chăng."
Theo nhà báo người Canada David Sax - tác giả cuốn sách "The Revenge of Analog", chiếc bút bi ra đời có tác động mạnh mẽ không kém lên hoạt động viết lách.
"Bút bi thời đó thì tương đương với phát minh ra điện thoại thông minh thời nay. Trước khi có nó, viết lách là công việc đòi hỏi phải ngồi yên trong một không gian riêng với một loại bàn làm việc riêng, cùng với sự hỗ trợ của các văn phòng phẩm khác xung quanh, như vậy bạn mới ngồi viết được.
"Với bút bi, mọi người có thể viết ở mọi lúc mọi nơi. Tôi viết khi đang ngồi đằng sau yên xe chiếc mô tô bốn bánh ATV bất kể trời đang đổ tuyết hay đổ mưa, khi đang trên một con thuyền lênh đênh ngoài biển giữa màn đêm," Sax nói.
Bút biro không bị hết pin, không phải cắm sạc, và nằm gọn trong túi quần túi áo. "Nó chỉ vô dụng khi hết mực," Sax nói thêm.
Bút bi là minh chứng, Sax nói, cho một trong những thuyết về "thiết kế thực sự tuyệt vời - thứ đã suýt nữa biến mất. Nếu bút bi chưa từng tồn tại và đến bây giờ mới được tung ra trên trang web gọi vốn cộng đồng Kickstarter thì đảm bảo đó sẽ là dự án sáng tạo nóng nhất từ trước đến giờ."
Một bí mật lớn khiến cho chiếc bút Bich vừa rẻ vừa tiện dụng thực sự thăng hoa là nhờ vào những thay đổi trong kỹ thuật sản xuất. Dây chuyền sản xuất hàng loạt đồ nhựa hạ thấp giá thành bút Bich xuống cực rẻ.
Sau vài thập niên, bút bi ngày một rẻ hơn nhưng công năng vẫn không thay đổi. "Mô hình đơn giản, rẻ tiền của Bic đến bây giờ vẫn có tính ứng dụng tốt như 50, 60 năm trước," Sax nói.
Năm 2012, tác giả Philip Hensher - hiện đang dạy một khoá học viết sáng tạo ở Đại học Bath Spa, Anh Quốc, đã xuất bản một đầu sách về việc viết lách tên là "The Missing Ink" trong đó ca ngợi chiếc bút bi Bic.
Ông cho rằng Bic không chỉ tìm ra cách sản xuất số lượng lớn với giá thành rẻ mà quan trọng hơn ngay từ đầu nó đã là một thiết kế thắng cuộc. Ông nói: "Nếu sản phẩm của bạn không có chỗ nào cần cải tiến - như bút Bic chỉ có tí xíu thay đổi kể từ những năm 1960 - thì chắc hẳn không có mấy ai vượt mặt được bạn."
Được sản xuất từ năm 1950, bút Cristal của Bic đã được bán ra với một số lượng khó có thể tưởng tượng: chạm mốc 100 tỷ chiếc trong năm 2006. Nó đã trở thành một vật dụng quen thuộc thường ngày khiến mọi người quên đi điểm mạnh của nó.
Theo Hensher, vỏ bút Cristal là một khối lục giác giúp dễ cầm nắm, lại "trong suốt giúp theo dõi lượng mực". Một lỗ nhỏ được đục trên thân bút giúp cân bằng áp suất không khí bên trong cây bút với bên ngoài. Chưa kể mực bút bi khô chỉ trong vài giây chứ không phải mất đến mười mấy giây như bút mực.
"Cực kỳ thành thật mà nói, bút Bic là một điều kỳ diệu bị quên lãng trong đời thường.
"Bạn cũng phải nhìn nhận tác động to lớn của bút Bic đến châu Phi," Hensher nói thêm. "Bic đã được tiếp thị như một sản phẩm vô cùng hiện đại. Nó đã thật sự thay đổi bộ mặt của xã hội châu Phi. Trước khi Bic xuất hiện, viết lách chưa bao giờ là một việc dễ dàng cho người dân nơi đây."
Mặt trái của thành tựu
Tuy nhiên, hàng tỉ chiếc bút bi rẻ tiền của nhiều nhà sản xuất từ năm thời thập niên 1950 để lại một di sản kéo dài khác mà ít ai lường trước.
Kết quả của việc dùng một lần rồi bỏ là lượng rác thải nhựa khổng lồ. Chỉ riêng ở Mỹ, ước tính có hơn 1,6 tỷ chiếc bị vứt đi hàng năm.
"100 tỷ chiếc bút bi đã bán ra đó chắc chắn vẫn đang còn nằm ở các bãi rác," Curtin nói, nhấn mạnh rằng gần như tất cả vỏ bút bi hoàn toàn có thể tái sử dụng liên tục nhiều lần. "Thật kỳ quái khi mọi người vứt nguyên cây bút đi chỉ vì hết mực."
Các nhà sản xuất bút bi nhận thức được cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa mà họ tạo ra. Bản thân Bic có một dòng sản phẩm sử dụng 74% nguyên liệu là nhựa tái chế.
Ngày càng nhiều nhà sản xuất đẩy mạnh ý tưởng dùng ống mực thay thế cho bút bi nhựa, không chỉ giới hạn trong bút bi kim loại đắt tiền cao cấp. Các nhà sản xuất khác thì thay vỏ nhựa bằng bìa giấy cứng hoặc kim loại - thứ nguyên liệu tạo ra chiếc bút bi cao cấp đầu tiên hơn bảy thập kỷ trước.
Nền văn minh thời kỹ thuật số của chúng ta ngày nay chuộng màn hình hơn là mặt giấy, nhưng Sax tin rằng cây bút bi giá rẻ sẽ luôn có chỗ đứng trên thị trường.
"Khi giới công nghệ bàn về những công nghệ lỗi thời, họ không bao giờ tranh cãi rằng bút bi đã là câu chuyện của dĩ vãng. Thậm chí ngay đến Mark Zuckerberg và Elon Musk cũng luôn có cả tá bút bi đâu đó sẵn sàng quanh họ."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
0 comments