Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 24/11/2020

Tuesday, November 24, 2020 8:04:00 PM // ,

 Tin khắp nơi – 24/11/2020

Hoa Kỳ cung cấp tên lửa, gia hạn cam kết bảo vệ Philippines

Hoa Kỳ đã cung cấp tên lửa dẫn đường và các vũ khí khác để giúp Philippines chiến đấu với các tay súng liên kết cùng Nhà nước Hồi giáo và gia hạn hiệp ước cam kết bảo vệ đồng minh nếu nước này bị tấn công ở vùng Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. AP đưa tin hôm 23 tháng 11 năm 2020.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Robert O’Brien đã đại diện cho Tổng thống Donald Trump thông báo như vậy tại Manila. Chính quyền của Tổng thống Trump cam kết cung cấp số tên lửa trị giá 18 triệu USD trong cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào tháng 4 vừa qua.

Trong phát biểu của mình về việc cung cấp tên lửa cho Manila, ông O’Brien đã trích dẫn vai trò của chính quyền Trump trong việc đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông và vụ giết thủ lĩnh của nhóm này, Abu Bakr al-Baghdadi, ở Syria năm ngoái, và tiếp tục cam kết giúp Philippines đánh bại các tay súng có liên hệ với IS ở miền nam nước này.

Ông O’Brien bày tỏ hy vọng về việc duy trì một thỏa thuận an ninh quan trọng cho phép các lực lượng Mỹ huấn luyện trong các cuộc tập trận chiến đấu quy mô lớn ở Philippines. Ông nói rằng Hoa Kỳ sát cánh với Philippines trong nỗ lực bảo vệ các quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông.

Tổng thống Phillipines đã bãi bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Hoa Kỳ vào đầu năm nay nhưng sau đó đã dời hiệu lực của quyết định này đến năm sau. Tháng trước, Philippines đã thông báo rằng họ sẽ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí trong hoặc gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào đầu năm nay rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào máy bay hoặc tàu công cộng của lực lượng Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng vệ chung của chúng ta”. Các đồng minh đã có hiệp ước phòng thủ chung 69 năm.

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 7 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết rằng, “các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, đồng thời bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tự vẽ ra và lên án chính quyền Bắc Kinh đang bắt nạt các nước khác trong khu vực. Thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc ứng xử với Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-provides-missiles-renews-pledge-to-defend-philippines-11232020140811.html

Reuters: TT Trump dự định trừng phạt tiếp

 89 công ty liên hệ với quân đội Trung Quốc

An Liên

Chính quyền Trump đã sẵn sàng tiến hành một động thái trừng phạt bổ sung đối với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc. 

Hãng tin Reuters hôm thứ Hai (23/11) tiết lộ rằng chính quyền TT Trump sắp công bố các lệnh trừng phạt đối với 89 công ty Trung Quốc có kết nối với quân đội nước này, đồng thời hạn chế cấp phép thu mua hàng hóa và công nghệ Mỹ đối với các công ty này.

Theo đó các công ty Trung Quốc sắp bị liệt vào danh sách đen bao gồm: Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và 10 đơn vị liên quan khác.

Danh sách này do Bộ Thương mại Mỹ lập ra. Các công ty sẽ lọt vào danh sách này nếu chính phủ Mỹ xác định rằng chúng là “người dùng quân sự cuối” của Trung Quốc và Nga. Các nhà cung cấp của Hoa Kỳ phải xin giấy phép để bán cho họ nhiều loại sản phẩm thương mại.

Một khi lọt vào danh sách đó, các công ty TQ sẽ bị áp đặt nhiều hạn chế về xuất khẩu, bao gồm các thiết bị khoa học như phần mềm máy tính, máy hiện sóng kỹ thuật số và các linh kiện máy bay. Theo nguyên tắc, đơn xin cấp phép có khả năng bị từ chối cao hơn là khả năng được chấp thuận.

Tháng 4 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã mở rộng định nghĩa “người dùng quân sự” để không chỉ bao gồm các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia, mà bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho việc bảo trì, sản xuất các mặt hàng quân sự.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8/6 đã công bố danh sách đen gồm 31 công ty của Trung Quốc. Lầu Năm Góc liệt kê các công ty Trung Quốc này vào danh sách các công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.

Ngày 12 tháng 11, Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp cấm các công ty và cá nhân Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát bắt từ ngày 11 tháng 1 năm sau, đồng thời sẽ ra hạn chót đến ngày 11 tháng 11 năm 2021 để các nhà đầu tư Mỹ thoái vốn khỏi các công ty loại này.

Lệnh hành pháp này dựa trên Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia và Bộ Pháp điển Hoa Kỳ. Tổng thống Trump cũng đã công bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ.

Chính quyền Trump tin rằng khi vốn đầu tư Mỹ bỏ vào các công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội Trung Quốc, thì sẽ góp phần mở rộng quy mô của quân đội nước này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/reuters-tt-trump-du-dinh-trung-phat-tiep-89-cong-ty-lien-he-voi-quan-doi-trung-quoc.html

Tại sao Hoa Kỳ vẫn đang cung cấp công nghệ cho quân đội Trung Quốc?

 Bình luậnVăn Thiện

Sau khi tất cả các lá phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được kiểm đếm và chứng nhận, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ bắt đầu trở lại làm việc. Một vấn đề chính sách quan trọng sau cuộc bầu cử chưa từng có này là liệu người Mỹ có thể tiếp tục mong đợi một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc khi đề cập đến các vấn đề kinh tế và thương mại?

Theo Real Clear Defense, trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã rất nỗ lực để đánh cắp các công nghệ của Mỹ. Được thúc đẩy bởi tham vọng thống trị toàn cầu, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã lách qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ để đánh cắp công nghệ nhạy cảm từ hàng hóa thương mại và áp dụng chúng vào khả năng quân sự của mình. Hành vi trộm cắp lộ liễu này gây ra một mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc gia và có thể làm mất ưu thế quân sự và kinh tế của nước Mỹ.

Chính sách hợp nhất quân sự-dân sự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra đã xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự của nước này. Sáng kiến ​​này sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để mua công nghệ nước ngoài, sau đó được chuyển giao cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Gần đây, công nghệ được Bắc Kinh nhắm đến là chất bán dẫn với những con chip nhỏ, tinh vi, cung cấp năng lượng cho công nghệ hiện đại. Các thiết bị thông thường, như điện thoại thông minh, dựa vào chất bán dẫn để hoạt động. Các hệ thống phòng thủ quân sự cũng vậy.

Tháng trước, Bloomberg đưa tin rằng kế hoạch “Made in China 2025” của chính phủ Trung Quốc kêu gọi 120 tỷ USD để mở rộng khả năng sản xuất chất bán dẫn của nước này. Trong tháng này, các quan chức Trung Quốc sẽ trình bày chiến lược mở rộng sản xuất chất bán dẫn “thế hệ thứ ba”.

Để thực hiện kế hoạch này, Trung Quốc đã ăn cắp tài sản trí tuệ. Đồng thời, họ mua thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ các công ty ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan. Việc buôn bán các công cụ ngoài việc tạo ra doanh thu ngắn hạn, sẽ cho phép Trung Quốc hủy hoại dần các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài cho đến khi chỉ có các công ty Trung Quốc kiểm soát các thành phần cốt lõi công nghệ này.

Nhận ra mối đe dọa từ Bắc Kinh, Chính quyền Tổng thống Trump đã có các hành động mạnh mẽ để ngăn chặn chảy máu công nghệ. Trong hơn một năm rưỡi qua, Bộ Thương mại đã đưa 153 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào “Danh sách thực thể”. Theo đó, Hoa Kỳ có thể buộc các công ty Mỹ và các đối tác nước ngoài phải có giấy phép để bán sản phẩm cho các doanh nghiệp Trung Quốc mà có chia sẻ công nghệ tiên tiến với PLA.

Bất chấp sự đàn áp của Chính quyền Trump, các lỗ hổng trong quy trình xem xét cấp phép của Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn để ngỏ cánh cửa mà Trung Quốc và nhiều công ty Mỹ đặt lợi ích công ty lên trên lợi ích quốc gia tiếp tục khai thác. Vào năm 2017, Dân biểu Robert Pittenger đã đề xuất Đạo luật Đổi mới Rà soát Rủi ro Đầu tư Nước ngoài (FIRRMA) để đóng lại những lỗ hổng đó. Thật không may, đạo luật đã bị trì hoãn.

Tuy nhiên, các dân biểu Đảng Cộng hòa ở Hạ viện sau đó đã quay trở lại với nhiều ý tưởng của FIRRMA. Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc báo cáo vào cuối tháng trước gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc là “thách thức lớn nhất của thế hệ” mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Những người theo đảng Dân chủ cũng hiểu rõ sự nguy hiểm; Chủ tịch Tình báo Hạ viện Adam Schiff đã viết rằng “Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ không được chuẩn bị cho mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Vào tháng 10, Chính quyền Trump đã đưa ra các hạn chế đối với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, Công ty Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), vì mối quan hệ của công ty với PLA. Hạn chế yêu cầu các công ty Hoa Kỳ phải có giấy phép bán cho SMIC nhưng không cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc này vào Danh sách thực thể.

Biện pháp này là một bước cần thiết, nhưng nó cũng cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ. Cách tiếp cận hiện tại là chậm chạp và dựa vào các quan chức để xác định các công ty Trung Quốc làm việc với PLA. Do đó, các công ty Trung Quốc, như Yangtze Memory Technologies (YMTC) và ChangXin Memory Technologies (CXMT) —mà giống như SMIC có quan hệ với PLA — tiếp tục được phép truy cập vào công nghệ do Hoa Kỳ sản xuất.

Chính phủ Hoa Kỳ cần cho thêm cả ba công ty kể trên và những công ty khác mà đang hỗ trợ PLA vào Danh sách thực thể. Đó là cách tốt nhất để cắt đứt vòi bạch tuộc của quân đội Trung Quốc khỏi công nghệ nhạy cảm. Và, trên thực tế, Thỏa thuận Wassenaar, một chế độ kiểm soát xuất khẩu đa phương (MECR) với 42 quốc gia tham gia, đòi hỏi điều đó. Ví dụ, Hà Lan đã hạn chế thương mại với các công ty liên kết quân sự này.

Cùng với đó, Quốc hội Hoa Kỳ sắp tới cần phải thực hiện các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc để khắc phục những thiếu sót trong chính sách kiểm soát xuất khẩu. Hơn nữa, Cục Công nghiệp và An ninh phải hoàn thiện các quy tắc để tạo ra một cách tiếp cận hiệu quả nhằm hạn chế việc bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho các nhà chế tạo có quan hệ với PLA.

Trong thời gian quá dài, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã không thể kiểm soát đầy đủ chảy máu công nghệ nhạy cảm đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sẽ không đủ để ngăn chặn sự việc này nếu Mỹ dựa vào cách tiếp cận hiện tại. Nếu không thêm các chế tài đủ mạnh, các công ty Hoa Kỳ có thể đang tạo ra công nghệ sẽ được sử dụng để chống lại chúng ta trên chiến trường.

Văn Thiện

Theo Real Clear Defense

https://www.ntdvn.com/khoa-hoc/tai-sao-hoa-ky-van-dang-cung-cap-cong-nghe-cho-quan-doi-trung-quoc-106858.html

Chính phủ Trump ra quy định mới, đòi du khách từ một số nước châu Phi đóng tiền thế chân

Chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng Thống Donald Trump hôm thứ Hai ban hành một quy định tạm thời, đòi hỏi du khách và doanh nhân đến từ hơn 20 nước, đa số từ châu Phi, trả một món tiền thế chân lên tới 15.000 USD để sang thăm Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao nói quy định tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2020 tới ngày 24/6/2021, nhắm vào công dân của các nước có tỷ lệ cao ở quá hạn visa B-2 dành cho khách du lịch và visa B-1 dành cho giới doanh nhân.

Chính phủ của Tổng Thống Trump nói rằng chương trình thí điểm kéo dài 6 tháng là nhằm mục đích thử tính khả thi của biện pháp thu tiền thế chân, và sẽ là một biện pháp ngoại giao để răn đe những người có ý định ở quá hạn visa.

Ông Trump đã thất bại trong nỗ lực được tái cử trong tháng này. Chính phủ của ông coi hạn chế di dân là trọng tâm của 4 năm ông cầm quyền.

Tổng thống đắc cử Joe Biden, một thành viên của Đảng Dân Chủ, đã hứa sẽ lật ngược nhiều chính sách di trú của Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, nhưng tháo gỡ hàng trăm sửa đổi di trú sẽ cần thời gian, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Quy định thu tiền thế chân sẽ cho phép các nhân viên lãnh sự Mỹ yêu cầu du khách hoặc doanh nhân đến từ các nước nơi công dân có tỷ lệ ở quá hạn visa từ 10% trở lên trong năm 2019, phải đặt tiền cọc sẽ được hoàn trả từ 5000, 10.000, hoặc 15.000 USD.

Hai mươi bốn quốc gia nằm trong diện này, trong đó có 15 nước châu Phi. Trong khi các nước này có tỷ lệ ở quá hạn visa cao, số lượng người du hành sang Mỹ tương đối ít.

Theo truyền thống, nhân viên lãnh sự quán Mỹ không được khuyến khích đòi khách du hành nộp tiền thế chân, hướng dẫn của Bộ Ngoại giao nói rằng thủ tục thu tiền như vậy rất “rườm rà.”

Các nước thuộc diện phải nộp tiền thế chân theo quy định mới gồm: Cộng hòa Dân chủ Congo, Liberia, Sudan, Chad, Angola, Burundi, Djibouti và Eritrea. Ngoài ra, còn có các nước Afghanistan, Bhutan, Iran, Syria, Lào, và Yemen.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-trump-ra-quy-dinh-moi-doi-du-khah-tu-mot-so-nuoc-chau-phi-dong-tien-the-chan/5674823.html

Vaccine COVID-19 có thể đến tay người dân Hoa Kỳ vào giữa tháng 12

Vaccine COVID-19 có thể đến tay các nhân viên y tế Hoa Kỳ và những người khác được đề nghị tiêm chủng trong vòng một hoặc hai ngày sau khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý vào tháng tới. Theo Bác sĩ Moncef Slaoui, cố vấn khoa học chính cho “Chiến dịch Warp Speed”, khoảng 70% trong tổng số 330 triệu người Hoa Kỳ sẽ cần được tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch “bầy đàn” khỏi coronavirus.

Ông Slaoui cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có thể sẽ thông qua vaccine của Pfizer và đối tác BioNTech vào giữa tháng 12, khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các cố vấn bên ngoài của FDA dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 10 tháng 12 để xem xét đơn ghi danh sử dụng khẩn cấp của Pfizer cho vaccine của họ. Công ty cho biết vaccine này có hiệu quả 95% chống lại sự lây nhiễm từ coronavirus.

Một công ty dược phẩm thứ hai, Moderna, dự kiến sẽ ghi danh phê duyệt riêng vào cuối tháng 12 cho vaccine của họ. Xuất hiện trên một số chương trình tin tức mạng vào sáng Chủ nhật, ông Slaoui đã phác thảo thời khóa biểu để phân phát những liều vaccine Pfizer đầu tiên sau khi nhận được sự cho phép của FDA.

Trên chương trình “State of the Union” của CNN, Ông Slaoui cho biết sau khi được chấp thuận sử dụng khẩn cấp, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và một ban cố vấn về thực hành tiêm chủng sẽ đề nghị ai nên tiêm vaccine trước. Những người này có thể bao gồm  các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế cấp cứu “tuyến đầu”, cũng như những cá nhân được coi là có nguy cơ mắc bệnh nặng và có tỷ lệ tử vong do virus cao nhất, chẳng hạn như người cao niên. (BBT)

https://www.sbtn.tv/vaccine-covid-19-co-the-den-tay-nguoi-dan-hoa-ky-vao-giua-thang-12/

Quận Los Angeles cấm nhà hàng phục vụ ngoài trời bắt đầu từ thứ tư trước tình hình số ca nhiễm coronavirus tăng mạnh

Vào chủ nhật (ngày 22 tháng 11), Quận Los Angeles thông báo họ sẽ cấm các nhà hàng, nhà máy bia, nhà máy rượu và quán bar phục vụ ngoài trời trong ba tuần bắt đầu từ thứ tư (ngày 25 tháng 11) trước tình hình số ca nhiễm coronavirus tăng chưa từng có.

Các viên chức quận trước đó đã khuyến cáo rằng nếu số ca nhiễm coronavirus trung bình trong 5 ngày là 4,000 ca trở lên, hoặc nếu số ca nhập viện vượt quá 1,750 ca mỗi ngày, thì tất cả việc ăn uống ngoài trời và trong nhà sẽ bị cấm. Mức trung bình trong năm ngày đạt 4,097 ca vào Chủ nhật.

Sở Y tế Công cộng Los Angeles cho biết các nhà hàng, nhà máy bia, nhà máy rượu và quán bar sẽ chỉ có thể cung cấp dịch vụ mang về và giao hàng, nhưng các nhà máy bia cùng nhà máy rượu vẫn có thể tiếp tục hoạt động bán lẻ của họ. Lệnh mới này sẽ có hiệu lực lúc 10 giờ tối thứ tư.

Vì quận L.A. hiện đang ở cấp độ màu tím, mức hạn chế cao nhất của kế hoạch mở cửa lại gồm bốn cấp độ của tiểu bang, ăn uống trong nhà không được phép và mọi người chỉ được phép ăn ngoài trời tại các

nhà hàng — nhiều nhà hàng đã mở rộng ra vỉa hè và mua hoặc thuê lều, bạt để tuân thủ nội quy. Giờ đây, họ sẽ phải trở lại chỉ cung cấp dịch vụ mang đi và giao hàng như hồi tháng 5 vừa qua.

Các viên chức khuyến cáo rằng nếu tình trạng nhiễm coronavirus và tỷ lệ nhập viện của Quận Los Angeles tiếp tục tăng lên, nhiều lệnh cấm khác sẽ được đưa ra. Nếu số ca nhiễm trung bình trong 5 ngày đạt 4,500 trở lên hoặc nếu số ca nhập viện trên 2,000 ca ngày, Quận sẽ ban hành lệnh Safer-at-Home có hiệu lực trong ba tuần, trong đó chỉ những nhân viên thiết yếu, nhân viên khẩn cấp và những người bảo đảm các dịch vụ thiết yếu được phép rời khỏi nhà của họ. Quận L.A. đã báo cáo 9 ca tử vong do COVID-19 và 2,718 ca nhiễm mới vào chủ nhật. (BBT)

https://www.sbtn.tv/quan-los-angeles-cam-nha-hang-phuc-vu-ngoai-troi-bat-dau-tu-thu-tu-truoc-tinh-hinh-so-ca-nhiem-coronavirus-tang-manh/

Lễ Tạ Ơn : Người dân Mỹ được khuyến cáo không tụ tập đông người

Thụy My

Cơ quan y tế Mỹ hôm qua, 23/11/2020 khuyến cáo người dân không tụ tập đông người trong dịp lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) vào thứ Năm tới để tránh lây nhiễm virus. Trong khi đó Nhà Trắng vẫn lên kế hoạch tổ chức tiếp tân vào dịp cuối năm theo truyền thống.

Nhà Trắng cho biết tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania vẫn ở lại Washington trong tuần này thay vì mừng lễ tại câu lạc bộ của ông Trump ở Florida như mọi năm. Đệ nhất phu nhân dự kiến mở tiệc tiếp tân vào cuối tháng 11 để mừng lễ Giáng sinh và lễ hội Ánh sáng (Hanukkah), với số khách mời ít hơn những năm trước. Phát ngôn viên của phu nhân Melania cho biết vẫn bảo đảm an toàn với khẩu trang, nước sát trùng và giãn cách xã hội.

Dịch Covid hoành hành tại Bắc Dakota 

Tuy nhiên, đã có hơn 12 triệu người Mỹ bị nhiễm virus, đặc biệt những vùng nông thôn trước đây ít bị ảnh hưởng nay cũng đang bị dịch bệnh hoành hành. Tại Bắc Dakota, tỉ lệ tử vong do Covid hiện cao nhất thế giới (1/1.000), theo một nghiên cứu của Harvard.

Từ Bismarck, Bắc Dakota, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài phóng sự :

« Một bàn tiệc với những thực khách vui cười trong một nhà hàng ở Bismarck, như thể họ không quan tâm đến thực tế : tại Bắc Dakota, cứ 10 người dân lại có 1 người bị nhiễm virus corona. Rốt cuộc việc mang khẩu trang đã trở thành bắt buộc cách đây 10 ngày, nhưng không phải ai cũng chấp hành.

Beth, một phụ nữ không đeo khẩu trang trong sảnh một khách sạn, nói : Đó là quyền hiến định của tôi. David, một người đàn ông gặp tại một trạm xăng, cho rằng không thể nói việc mang khẩu trang có thể bảo vệ được trước con virus, giống như ném cát qua những chấn song.

Nhưng trong bệnh viện đầy những bệnh nhân, bác sĩ David Field đã mệt nhoài. Ông thổ lộ : Chính việc thiếu quan tâm đến người khác đã dẫn đến những con số nhiễm bệnh ngày càng lớn, khiến chúng tôi gặp khó khăn. Thật là vất vả khi phải làm việc cật lực như thế này mỗi ngày, từ sáng đến tận chiều tối.

Jason Kerry, 36 tuổi, vừa được ra viện sau ba ngày nằm trong khoa chăm sóc tích cực, có lời nhắn gởi đến những người đang còn vô tư : Điều quan trọng không phải là tình trạng sức khỏe của bạn, mà là cách thức con virus tấn công bạn, và tôi hy vọng nó sẽ không ảnh hưởng đến cơ thể bạn như đã từng hành hạ tôi ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-l%E1%BB%85-t%E1%BA%A1-%C6%A1n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-khuy%E1%BA%BFn-c%C3%A1o-kh%C3%B4ng-t%E1%BB%A5-t%E1%BA%ADp-%C4%91%C3%B4ng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di

Tiểu thương Việt ở Mỹ trông chờ gói cứu trợ và vaccine

Kinh doanh khốn đốn vì dịch Covid-19 suốt gần một năm, tiểu thương Việt ở Mỹ đang trông đợi vào gói cứu trợ thứ hai của chính phủ và nhanh chóng triển khai vaccine để nền kinh tế có thể mở cửa bình thường.

Đà lây nhiễm virus corona đang tăng mạnh trở lại ở Mỹ khiến nhiều tiểu bang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát để chống dịch, trong đó tiểu bang California đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 10h tối đến 5h sáng và không cho các cơ sở kinh doanh tập trung đông người.

Trong lúc này, gói kích thích kinh tế thứ hai vẫn đang bế tắc ở Quốc hội Mỹ trong khi Tổng thống đắc cử Joe Biden đặt ưu tiên vào chống dịch và phục hồi nền kinh tế trong chương trình nghị sự của ông.

Biden lạc quan

Trong một cuộc họp trực tuyến với các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch hôm thứ Tư ngày 18/11, ông Joe Biden cam kết sẽ tập trung thúc đẩy gói kích thích kinh tế sau khi ông lên nắm quyền vào đầu năm sau.

Ông cũng bày tỏ lạc quan rằng phe Cộng hòa trong Quốc hội sẽ giải quyết những đề xuất của phe Dân chủ về việc hỗ trợ ngân sách cho chính quyền các tiểu bang và địa phương vốn đã bị khánh kiệt vì đại dịch một khi Tổng thống Trump rời Nhà Trắng. Ông Biden cho rằng các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội ngại ông Trump nên không chấp nhận yêu cầu này.

“Hy vọng sau khi ông ấy rời nhiệm sở, họ (các nghị sỹ Cộng hòa) sẽ sẵn sàng làm những điều họ biết là nên làm, phải làm để cứu các cộng đồng mà họ đang sống,” ông Biden được Newsweek dẫn lời nói tại cuộc họp trực tuyến.

Cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tin rằng cần có thêm gói kích thích để cứu nền kinh tế suy sụp do đại dịch, nhưng họ bất đồng về số tiền phân bổ cho chính quyền các địa phương. Bế tắc này đã khiến việc đàm phán gói kích thích bị đình trệ trong nhiều tháng.

Đã gần tám tháng kể từ khi Tổng thống Trump ký Đạo luật CARES để thông qua gói cứu trợ đầu tiên, các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ khác đã kéo dài trong năm tháng mà chưa đạt thỏa thuận nào. Cả hai Đảng đều đổ lỗi cho nhau về việc không thể cứu trợ cho những người dân Mỹ đang phải chật vật trả tiền thuê nhà và mua nhu yếu phẩm trong lúc đại dịch hoành hành.

Đảng Cộng hòa cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lợi dụng COVID để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình, trong khi phe Dân chủ chỉ trích Đảng Cộng hòa không muốn cấp đủ ngân sách.

Phát ngôn mới nhất của ông Biden cho thấy thỏa thuận cứu trợ có thể sẽ không thể đạt được cho đến năm sau. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy rằng người dân Mỹ đã mất hy vọng vào triển vọng sớm có thêm gói kích thích kinh tế.

‘Bị thiệt hại nặng’

Từ thành phố San Diego, bang California, ông David Châu, chủ nhà hàng Lotus Garden, nói với VOA ông ‘trông đợi vào gói cứu trợ kinh tế thứ hai’ để giúp cho nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại.

“Cũng giống như mọi người, chúng tôi đều mong muốn gói cứu trợ thứ hai sẽ được đưa ra để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ,” ông nói.

“Nếu nền kinh tế chạy tốt, thì tất cả mọi người đều ổn, còn nếu nền kinh tế không ổn thì tất cả chúng ta đều gặp khó khăn,” ông giải thích.

Ông cho rằng khi nền kinh tế Mỹ tốt lên thì người dân Mỹ có thể có việc làm trở lại. Nhiều người hơn sẽ đi ra ngoài và chi tiêu. Khi đó việc kinh doanh của ông cũng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Châu cũng nói rằng ông không có hy vọng gói cứu trợ thứ hai sẽ có trong năm nay. “Giờ đã là cuối năm, mà còn vấn đề chính trị nữa, gói cứu trợ không thể nào được giải quyết xong trong ngày một ngày hai được,” ông nói.

Ông cho biết trong gói cứu trợ thứ nhất dành cho doanh nghiệp nhỏ (PPP – tức Bảo vệ Người làm công ăn lương), ông đã vay 30.000 đô la trong 5 tháng để trả tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân công và các chi phí khác.

Sau khi bang California loan báo những hạn chế mới để chống dịch, ông Châu cho biết ông đã cho nghỉ việc thêm hai nhân viên vì ‘hiện giờ chỉ cho phục vụ khách mang đi nên không cần nhiều nhân viên nữa’.

“Rất khó khăn cho tôi khi phải cho nghỉ việc những người mà tôi thuê mướn chưa bao lâu,” ông nói và cho biết khi nào công việc kinh doanh tốt lên thì ông sẽ thuê họ trở lại.

‘Nên xúc tiến nhanh vaccine’

Mặc dù dịch tăng nhanh, ông Châu nói chính quyền ‘nên làm điều gì đó để không phải đóng cửa nền kinh tế’. Cách làm tốt nhất, theo ông, là xúc tiến nhanh chóng việc triển khai tiêm vaccine.

“Nếu không có vaccine, tôi không nghĩ nền kinh tế sẽ hồi phục,” ông phân tích. “Nếu vaccine được triển khai, nhiều người sẽ tự tin hơn để đi ra ngoài.”

Theo lời ông thì khách hàng của ông ‘thật sự sợ hãi’ nên không dám tới nhà hàng của ông nữa vì ‘họ nghe đồn dịch đang ngày càng tăng’.

“Ngay cả khi mình có làm sạch sẽ như thế nào thì một số khách hàng họ cũng không dám tới nữa vì họ sợ bệnh,” ông nói.

Ông cho biết trước tình hình kinh doanh của ông đã sụt giảm đến 60% trong giai đoạn phong tỏa. Sau khi bang California mở cửa lại thì doanh số nhà hàng ông đến tuần trước đã phục hồi bằng với mức trước khi có dịch. Với các lệnh hạn chế mới này thì giờ đây nhà hàng ông không được phục vụ bên trong nữa.

“Chúng tôi rất là khổ là vì cứ đóng mở, đóng mở,” ông than phiền nhưng cũng cho rằng nếu lần này mà California đóng cửa nền kinh tế để chống dịch lần nữa thì ông ‘sẽ tuân thủ’ vì lợi ích chung.

Ông cho biết đây là lần đầu tiên công việc kinh doanh của ông gặp khó khăn như vậy kể từ khi ông mở nhà hàng. Nhưng ông vẫn còn may mắn có thể xoay sở được vì ‘có đầu tư vào chứng khoán’ nên có tiền lời để duy trì hoạt động của nhà hàng.

https://www.voatiengviet.com/a/ti%E1%BB%83u-th%C6%B0%C6%A1ng-vi%E1%BB%87t-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-tr%C3%B4ng-ch%E1%BB%9D-g%C3%B3i-c%E1%BB%A9u-tr%E1%BB%A3-v%C3%A0-vaccine-/5673732.html

Mỹ: Joe Biden bổ nhiệm các quan chức đầu tiên trong tân nội các

Thụy My

Hôm qua, 23/11/2020, tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden công bố những tên tuổi đầu tiên trong nội các mới, bất chấp nỗ lực của Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử ngày 03/11 mà ông cáo buộc là có gian lận.

Trong thành phần chính phủ mới, ông John Kerry, 76 tuổi, được chọn làm đặc sứ Mỹ phụ trách vấn đề khí hậu. Cựu ngoại trưởng thời Obama cũng chính là người đã thay mặt Hoa Kỳ ký kết hiệp định khí hậu Paris vào tháng 12/2015. John Kerry là một tên tuổi lớn của đảng Dân Chủ, là thượng nghị sĩ suốt 28 năm.

Trong thời gian làm ngoại trưởng, John Kerry thường được phái đi để giải quyết những vấn đề gai góc như Iran, thương lượng với Nga một thỏa thuận về vũ khí hóa học ở Syria, cố làm dịu cơn giận của đồng minh Pakistan không được thông báo vụ đột kích tiêu diệt Oussama Ben Laden…Là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, ông nhiều lần quay lại thăm chiến trường xưa.

Khí hậu được John Kerry dành cho mối quan tâm lớn, và cách đây một năm, ông đã lập ra một liên minh mang tên « World War Zero » (Đại chiến thế giới zero), trong đó có sự tham gia của những ngôi sao như Leonardo DiCaprio, Emma Watson, Arnold Schwarzenegger. Theo ông Kerry, cần phải coi vấn đề chống biến đổi khí hậu như một cuộc chiến toàn cầu.

Chức vụ ngoại trưởng được dành cho Antony Blinken, một nhân vật thân cận với ông Joe Biden từ nhiều năm qua, từng là nhân vật số hai trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thời Obama. Năm nay 58 tuổi, tân ngoại trưởng Mỹ nói tiếng Pháp như người Pháp, vì thời thơ ấu sống ở Paris. Nhà ngoại giao này luôn điềm tĩnh trong các tình huống, và còn là một người chơi đàn guitar rất đam mê âm nhạc.

Ông ủng hộ chủ trương can thiệp quân sự vì lý do nhân đạo. Sự gắn bó với nhân quyền của Antony Blinken có liên quan đến cha dượng của ông là luật sư nổi tiếng Samuel Pisar, sống sót trong trại tập trung Auschwitz và Dachau thời kỳ phát-xít Đức chiếm đóng Ba Lan.

Theo các nhà quan sát, nội các mới của Mỹ sẽ gồm nhiều nhân vật cánh trung, vì không chắc những khuôn mặt cánh tả trong đảng Dân Chủ sẽ được thượng Viện, do Cộng Hòa nắm, chuẩn y.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm nay ngỏ lời mời ông Joe Biden, một khi chính thức trở thành tân tổng thống Mỹ, đến thăm châu Âu, chỉnh đốn lại quan hệ đôi bên đã bị xói mòn trong nhiệm kỳ ông Trump. Tổng thống Donald Trump đã gây ngạc nhiên cho các đồng minh, đa số là thành viên NATO do Mỹ lãnh đạo, khi áp thuế lên hàng châu Âu, rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và hiệp định nguyên tử Iran.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-m%E1%BB%B9-joe-biden-b%E1%BB%95-nhi%E1%BB%87m-c%C3%A1c-quan-ch%E1%BB%A9c-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-trong-t%C3%A2n-n%E1%BB%99i-c%C3%A1c

Đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Joe Biden sẽ gồm những ai?

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden hôm 23/11 đã đề cử quan chức kỳ cựu trong chính quyền Barack Obama vào các vị trí an ninh quốc gia hàng đầu, báo hiệu sự chuyển hướng rõ rệt ra khỏi chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump.

Sáu lựa chọn, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng John Kerry, đánh dấu sự trở lại cách tiếp cận truyền thống hơn trong quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới và thể hiện lời hứa của ông Biden trong thời gian vận động là Nội các của ông phản ánh sự đa dạng của nước Mỹ.

Ông Biden đề cử cố vấn lâu năm của ông là ông Antony Blinken làm ngoại trưởng, luật sư Alejandro Mayorkas làm bộ trưởng an ninh nội địa, bà Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cựu phó giám đốc CIA Avril Haines làm giám đốc tình báo quốc gia, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

Tổng thống tân nhiệm cũng sẽ bổ nhiệm ông Jake Sullivan làm cố vấn an ninh quốc gia và ông John Kerry làm đặc phái viên về biến đổi khí hậu. Những vị trí này không cần được Thượng viện phê chuẩn.

Các lựa chọn nhân sự này phản ánh trọng tâm của Biden trong việc xây dựng một nội các: Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Thomas-Greenfield là một phụ nữ da đen trong khi Mayorkas, luật sư gốc Cuba, sẽ là người gốc Latinh đầu tiên lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa.

Thomas-Greenfield trước đây từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao và Mayorkas là Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa dưới thời Tổng thống Obama.

Họ ‘là những nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, đã từng được thử thách trong khủng hoảng và sẵn sàng bắt tay vào việc ngay trong ngày đầu tiên’, ban chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết trong một thông cáo báo chí. “Các quan chức này sẽ bắt đầu làm việc ngay lập tức để xây dựng lại các định chế của chúng ta, đổi mới và định hình lại vai trò lãnh đạo của Mỹ để giữ cho người Mỹ an toàn ở trong và ngoài nước, đồng thời giải quyết những thách thức định hình thời đại chúng ta – từ bệnh truyền nhiễm, đến khủng bố, phổ biến hạt nhân, đe dọa an ninh mạng và biến đổi khí hậu.”

Với thông báo về đề cử nhân sự này, ông Biden đã tiến lên phía trước trong việc hình thành nội các ngay cả khi ông Trump chưa chịu thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vào theo đuổi một loạt vụ kiện ở một số bang trọng yếu và tìm cách trở quá trình chuyển giao quyền lực.

Tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi suôn sẻ trong năm nay là rất cao bởi vì ông Biden sẽ nhậm chức trong bối cảnh đại dịch tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua. Điều này đòi hỏi phản ứng toàn diện của chính phủ để chống dịch.

“Nếu được phê chuẩn, đây là nhiệm vụ mà tôi sẽ thực hiện bằng cả trái tim,” ông Blinken, người sẽ tiếp quản cơ quan chính phủ lâu đời nhất của nước Mỹ và đứng thứ tư trong hàng ngũ kế vị tổng thống, cho biết.

Bà Thomas-Greenfield – nhà ngoại giao trọn đời có thâm niên hơn 30 năm làm đại sứ tại Liberia, tổng giám đốc dịch vụ đối ngoại và trợ lý ngoại trưởng phụ trách về châu Phi trước khi sớm bị cho ra rìa trong nhiệm kỳ của ông Trump – đã tưởng nhớ đến mẹ trong lời chấp nhận đề cử.

“Mẹ tôi đã dạy tôi cách lãnh đạo bằng sức mạnh của lòng tốt và lòng trắc ẩn để biến thế giới thành tốt đẹp hơn,” bà viết trên Tweeter. “Tôi đã mang theo bài học đó trong suốt sự nghiệp của mình- và nếu được phê chuẩn, tôi sẽ làm đúng như thế trong vai trò Đại sứ tại Liên Hợp Quốc.”

Người được biết đến nhiều nhất các đề cử này là ông Kerry, người đã đưa biến đổi khí hậu trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mình khi còn giữ chức ngoại trưởng dưới thời ông Obama. Trong thời gian đó, ông cũng đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran và hiệp định khí hậu Paris. Tổng thống Trump đã rút khỏi cả hai thỏa thuận này, điều mà ông cho là ‘thất bại của chính sách ngoại giao Mỹ’ trong lời chỉ trích trực diện nhằm vào ông Kerry, người mà ôngTrump gọi là ngoại trưởng tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

“Mỹ sẽ sớm có một chính phủ coi khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách,” ông Kerry nói. “Tôi tự hào được làm việc cùng với tổng thống đắc cử, các đồng minh của chúng ta và các nhà lãnh đạo trẻ của phong trào khí hậu để đối phó với cuộc khủng hoảng này với tư cách là đặc phái viên khí hậu của tổng thống.”

Ông Sullivan 43 tuổi sẽ là một trong những cố vấn an ninh quốc gia trẻ nhất trong lịch sử Mỹ. Ông từng là trợ lý hàng đầu của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trước khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden. Ông nói rằng tổng thống đắc cử đã ‘dạy cho tôi phải làm gì để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta ở các cấp cao nhất của chính quyền’.

“Giờ đây, ông ấy đề nghị tôi làm cố vấn an ninh quốc gia của ông,” Sullivan nói. “Nếu được phục vụ, tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để giữ đất nước chúng ta an toàn.”

Mayorkas nói rằng ông thấy khiêm nhường với đề cử của ông Biden dành cho ông. “Khi tôi còn rất trẻ, nước Mỹ đã cho gia đình tôi và tôi nơi trú ẩn,” ông nói. “Giờ đây, tôi được đề cử làm Bộ trưởng An ninh Nội địa và giám sát việc bảo vệ tất cả người dân Mỹ và những người chạy trốn khỏi sự đàn áp để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và người thân của họ”.

Ông Blinken, 58 tuổi, từng là thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Obama và có quan hệ gần gũi với ông Biden. Nếu được xác nhận, ông sẽ là người dẫn đầu trong nỗ lực

của chính quyền sắp tới nhằm điều chỉnh lại mối quan hệ của Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới sau 4 năm Tổng thống Donald Trump hoài nghi về các mối quan hệ đồng minh lâu năm.

Blinken gần đây đã tham gia một cuộc họp về an ninh quốc gia với ông Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và hồi tuần trước đã lên tiếng về các vấn đề chính sách đối ngoại nổi bật ở Ai Cập và Ethiopia.

Ông Blinken sẽ kế thừa một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp bị suy giảm và mất niềm tin sâu sắc ở Bộ Ngoại giao. Hai ngoại trưởng của ông Trump là Rex Tillerson và Mike Pompeo đã phản kháng yếu ớt trước những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm cắt giảm cơ quan này, vốn chỉ bị ngăn chặn khi có sự can thiệp của Quốc hội.

Mặc dù cơ quan này đã thoát được việc bị cắt ngân sách trầm trọng với hơn 30% trong ba năm liên tiếp, nhưng nó đã chứng kiến đông đảo viên chức cấp cao cũng như cấp trung đang lên rời bỏ nhiệm sở. Nhiều nhà ngoại giao đã chọn vềhưu hoặc rời bỏ công việc ngoại giao khi họ không có triển vọng thăng tiến trong một chính quyền mà họ cho rằng không coi trọng chuyên môn của họ.

Blinken phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới chính quyền Clinton trước khi trở thành giám đốc nhân sự cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi ông Biden là chủ tịch ủy ban. Trong những năm đầu của chính quyền Obama, ông Blinken trở lại NSC và khi đó là cố vấn an ninh quốc gia cho ông Biden trước khi ông chuyển đến Bộ Ngoại giao để làm thứ trưởng cho ông Kerry.

Tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Columbia, Blinken đã liên kết với nhiều cựu quan chức an ninh quốc gia cao cấp, những người đã kêu gọi tập trung trở lại vào ngành ngoại giao Mỹ và nhấn mạnh trở lại là sẽ can dự toàn cầu.

“Nền dân chủ đang thoái trào trên khắp thế giới và thật không may nó cũng đang thoái trào ở trong nước vì tổng thống tấn công vào các định chế, các giá trị và nhân sự của dân chủ mỗi ngày,” ông Blinken từng phát biểu với AP hồi tháng 9. “Bạn bè của chúng ta biết Joe Biden hiểu họ là ai. Đối thủ của chúng ta cũng vậy. Sự khác biệt đó sẽ được cảm nhận vào ngày đầu tiên.”

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%99i-ng%C5%A9-an-ninh-qu%E1%BB%91c-gia-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-joe-biden-s%E1%BA%BD-g%E1%BB%93m-nh%E1%BB%AFng-ai-/5673740.html

Bầu cử Mỹ: Thấy gì với đội ngũ chính sách đối ngoại mới của Biden?

Ba người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chọn lãnh đạo nhóm chính sách đối ngoại của ông sẽ mang lại nhiều thập kỷ kinh nghiệm ngoại giao cho Nhà Trắng, nhưng với hành trang mang theo trong nhiều năm phục vụ chính phủ Mỹ, họ cũng vấp phải sự chỉ trích từ giới phản đối.

Dưới đây là một chút thông tin về họ và những gì giới chuyên gia nói về thông điệp mà ông Biden đang gửi đi, qua việc lựa chọn các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ.

Họ là ai?

Ba người sẽ cố vấn cho ông Biden về các vấn đề bên ngoài biên giới nước Mỹ không được biết đến nhiều ngoài Washington DC. Antony Blinken, Linda Thomas-Greenfield và Jake Sullivan đều là cựu thành viên Nhà Trắng của Barack Obama, được xem là trung thành với Biden và là những người có chính sách đối ngoại trung dung.

Ông Blinken, 58 tuổi – người đã làm việc với ông Biden gần 20 năm – được chọn làm ngoại trưởng, nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia.

Linda Thomas-Greenfield, một trong những nữ quan chức ngoại giao da đen cấp cao nhất của Hoa Kỳ, từng làm việc nhiều năm về các vấn đề châu Phi, được đề cử làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.

Jake Sullivan là cựu quan chức bộ ngoại giao và là trợ lý của Hillary Clinton, người đóng vai trò quan trọng trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ông từng là cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden khi ông còn là phó tổng thống.

Biden cam kết sẽ thiết lập quy tắc thương mại quốc tế

Biden và chính sách châu Á: Hai góc nhìn từ Hoa Kỳ và Pháp

Những người trong cuộc

Ông Blinken đã làm việc với ông Biden gần 20 năm, kể từ nhiệm kỳ của ông Biden trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Một số nhà phê bình đổ lỗi cho ông vì cuộc bỏ phiếu xâm lược Iraq của ông Biden năm 2003.

Mối liên hệ cá nhân đó sẽ phục vụ tốt cho cả nhóm, một số cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, nhưng nó cũng có thể đồng nghĩa với sự thiếu đa dạng trong quan điểm.

Và kinh nghiệm dày dặn của họ ở Washington với tư cách là những người kỳ cựu trong chính sách đối ngoại sẽ không khiến họ được tất cả yêu mến. Tuy nhiên, nó đánh dấu sự đoạn tuyệt với cuộc chiến với cái gọi là “chính quyền ngầm” của Trump – với những cá nhân trong chính phủ mà ông Trump coi là làm việc chống lại chương trình nghị sự của chính mình.

Dưới đây là một số nhận định.

PJ Crowley, cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ: Đây không phải là một đội của các đối thủ. Mặc dù họ có lịch sử làm việc tốt cùng nhau, nhưng họ cũng sẽ mang đến những quan điểm bổ sung cho Phòng Tình huống, với kinh nghiệm thực tiễn trong các cuộc xung đột toàn cầu. Giá trị của sự gắn kết chiến lược sẽ lớn hơn bất kỳ tiềm năng nào cho tư duy nhóm. Họ không phải là thành viên mang thẻ của một chính quyền ngầm, mà sẽ giúp lãnh đạo một quốc gia Mỹ hiệu quả hơn, tập trung vào các lợi ích và giá trị chung. Họ là những người thực dụng, không theo chủ nghĩa tư tưởng.

Andrew Bacevich, chủ tịch của Quincy Institute for Responsible Statecraft: Các bổ nhiệm này thể hiện sự trở lại bình thường và chấm dứt một cách tiếp cận chính sách thất thường. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu việc chỉ trở lại trạng thái bình thường là đủ. Nhóm nghiên cứu này có niềm tin vào quyền lực tối cao của Mỹ, điều có thể khiến họ liều lĩnh trong việc sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ.

Liệu Hoa Kỳ có tái đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP?

Biden, Brexit và khả năng ‘Anh, Mỹ cùng vào CPTPP’

Charles Kupchan, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng: Với tư cách là một nhân viên phục vụ nước ngoài lâu năm, bà Thomas-Greenfield nói riêng, đại diện cho “ch1inh quyền ngầm” mà Donald Trump luôn bác bỏ. Đối với Donald Trump, các sĩ quan phục vụ nước ngoài là binh lính chân chính của chủ nghĩa cấp tiến quốc tế mà ông muốn dẹp bỏ. Đây một phần là lý do tại sao tinh thần nhân viên trong Bộ Ngoại giao hiện nay rất thấp.

Liên minh toàn cầu

Đứng hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhóm Biden sẽ là tái gia nhập các tổ chức, liên minh và hiệp ước mà ông Trump đã tìm cách làm suy yếu hoặc giải thể trong bốn năm qua.

Họ sẽ có nhiệm vụ đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris và giữ Mỹ trong Tổ chức Y tế Thế giới. Họ cũng sẽ tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, củng cố quan hệ với Nato và tìm kiếm các thỏa thuận thương mại như một phương tiện để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Andrew Bacevich: Một trong những lý do khiến Trump đắc cử là do một số lượng lớn người Mỹ đánh giá chính sách đối ngoại của Mỹ đã thất bại. Câu hỏi đặt ra là liệu đội ngũ này đã rút tỉa kinh nghiệm đủ để mang lại những thay đổi mà chúng ta thực sự cần, gồm giảm ngân sách quân sự và hạn chế hơn trong việc sử dụng lực lượng quân sự hay không.

PJ Crowley: Donald Trump chưa bao giờ thực sự xây dựng một đội ngũ an ninh quốc gia. Thay vào đó, ông đóng vai ‘Người hùng Cô đơn” và tập hợp xung quanh mình với các nhà thầu độc lập mà ông có thể thuê mướng và sa thải qua tweet. Cả ba quan chức này đều đã từng phục vụ tại Bộ Ngoại giao và sẽ tái tạo giá trị cho ngoại giao và hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức cấp bách từ đại dịch toàn cầu đến biến đổi khí hậu và thách thức Trung Quốc.

Stewart Patrick, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Chương trình Quản trị Toàn cầu và Các Định chế Quốc tế: Một thách thức lớn là thuyết phục khán giả nước ngoài, thậm chí cả các đối tác và đồng minh, rằng sức mạnh tồn tại của Mỹ đáng tin cậy – rằng “nước Mỹ đã trở lại” như tổng thống đắc cử đã nói. Đây sẽ là lần thay đổi 180 độ thứ hai trong chính sách đối ngoại trong vòng 4 năm qua. Chính quyền sắp tới có quyết tâm khôi phục các liên minh mà Mỹ đã dựa vào hơn bảy thập kỷ hiện đã rạn nứt. Nhưng đây là một công việc hết sức khó khăn.

Sự trở lại của các chuyên gia?

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng đội ngũ mà ông Biden đưa vào có kinh nghiệm hơn những người được ông Trump bổ nhiệm, chẳng hạn như Ngoại trưởng đầu tiên của ông Trump, Rex Tillerson, người từng là giám đốc điều hành Exxon Mobil.

Nhưng di sản của ông Trump tại Bộ Ngoại giao – nơi đã chứng kiến ​​nhiều nhà ngoại giao vỡ mộng nghỉ hưu sớm dưới thời ông Tillerson và người thay thế ông Mike Pompeo – còn rất sâu sắc và không thể nhanh chóng thay đổi trong một sớm một chiều.

Charles Kupchan: Đã có một sự thay đổi đáng kể về việc xem thường kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dưới cả thời Tillerson lẫn Pompeo. Cơ quan quản lý dịch vụ nước ngoài nhìn chung đã cảm thấy bị ra rìa. Thông thường, chính sách được đưa ra từ bên dưới và được lọc qua một số cơ quan trước khi đến tay tổng thống. Điều đó đã không xảy ra dưới thời Trump.

PJ Crowley: Họ có một quan điểm nhất quán về thế giới. Họ là những người tin tưởng mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Mỹ và các liên minh quốc tế. Cả ba đều đã từng phục vụ tại Bộ Ngoại giao và sẽ đặt giá trị mới về ngoại giao và hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức cấp bách từ đại dịch toàn cầu đến biến đổi khí hậu và thách thức Trung Quốc.

(Tường trình của Tara McKelvey và Max Matza)

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55053933

Bầu cử Mỹ: Trump cho phép khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực cho Biden

Trọng Thành

Hôm qua, 23/11/2020, tổng thống mãn nhiệm Donald Trump thông báo cho phép khởi động tiến trình bàn giao quyền lực cho người thắng cử Joe Biden, sau hơn hai tuần khiếu kiện không đạt kết quả. Nhóm cố vấn của tổng thống tân cử hoan nghênh quyết định nói trên. Tuy nhiên, chủ nhân hiện nay của Nhà Trắng vẫn không chúc mừng người thắng cử và khẳng định sẽ tiếp tục phản đối kết quả bầu cử.

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

« Phải đợi đến 16 ngày sau thông báo về thất bại, tổng thống mãn nhiệm Donald Trump mới chấp nhận chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden. Trên Twitter, ông Trump cho biết đã cho phép bà Emily Murphy, giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp của chính quyền Mỹ, quan chức trên nguyên tắc phải chính thức công nhận người thắng cử, tiến hành việc chuyển giao quyền lực.

Như vậy là cuộc chơi đã kết thúc với Donald Trump, sau hai tuần phản đối kết quả bầu cử, với nhiều vụ khiếu kiện không có kết quả, cùng những cáo buộc gian lận hoàn toàn không có cơ sở và nhiều khi đầy hoang tưởng. Tuy nhiên, Donald Trump không chấp nhận đã thua và vẫn không chúc mừng đối thủ Joe Biden. Tổng thống mãn nhiệm viết trên Twitter : ‘‘Chúng ta tiếp tục cuộc chiến và tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng’’.

Dù sao, kể từ giờ, trong khi chờ đợi lễ nhậm chức ngày 20 tháng Giêng tới, ông Joe Biden sẽ có quyền sử dụng các quỹ liên bang dành cho việc chuyển giao quyền lực. Đây là các quỹ cần thiết, đặc biệt đối với tiến trình bổ nhiệm các thành viên trong chính phủ. Tổng thống tân cử Joe Biden cũng có thể được nghe báo cáo hàng ngày của các cơ quan tình báo. Các cộng sự của tổng thống tân cử có thể gặp gỡ các cơ quan liên bang, đặc biệt về việc phòng chống đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm, đã không thể trao đổi thông tin với các thành viên của chính phủ sắp tới. Đây là điều khiến tổng thống tân cử Joe Biden cảnh báo rằng sự chậm trễ chưa từng có này có thể khiến thêm nhiều người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 ».

Quyết định bàn giao quyền lực được ông Donald Trump đưa ra hôm qua, 23/11, đúng vào lúc cơ quan bầu cử bang Michigan phê chuẩn kết quả bầu cử, với phần thắng thuộc về Joe Biden, với chênh lệch 155.000 phiếu bầu trên tổng số 5,5 triệu cử tri. Bang Michigan mang lại cho ông Joe Biden 16 phiếu đại cử tri, được giới quan sát cho là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định với tổng thống tân cử. Cho đến nay, 31 trên tổng số 33 vụ khiếu kiện của phía ông Trump bị tòa án bác bỏ.

Nhóm tranh cử của Donald Trump tiếp tục các nỗ lực cuối cùng. Theo Reuters, hôm qua, phe ông Trump đã yêu cầu tòa phúc thẩm Pennsylvania xét lại kết quả bỏ phiếu. Hiện ông Joe Biden được xác nhận là người đắc cử tại Pennsylvania với 81.000 phiếu chênh lệch. Nếu tòa bác bỏ, nhóm tranh cử của ông Trump dọa khiếu nại lên Tối Cao Pháp Viện. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho dù giành được Pennsylvania với 20 đại cử tri, tổng thống mãn nhiệm cần phải giành lại thêm hai bang « chiến trường » khác mới có cơ may tái đắc cử, một điều vô cùng khó.

Hạn chót đang đến gần. Theo luật Hoa Kỳ, ngày 08/12, các bang phải giải quyết toàn bộ các tranh chấp về bầu cử, và chính thức công bố danh sách các đại cử tri, để kịp ngày 14/12, đại cử tri đoàn chính thức bầu tân tổng thống. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-%C3%B4ng-trump-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-b%C3%A0n-giao-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-cho-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-t%C3%A2n-c%E1%BB%AD

TT Trump chấp nhận là phải bắt đầu chuyển giao quyền lực cho Biden

Ông Donald Trump chấp nhận là phải bắt đầu sự chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử Joe Biden để ông chuẩn bị nhậm chức.

Tổng thống Trump nói cơ quan liên bang giám sát việc chuyển giao phải “làm những gì cần phải làm”, ngay cả khi ông thề sẽ tiếp tục phủ nhận thất bại của mình.

Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) nói họ đã công nhận ông Biden là “người chiến thắng hiển nhiên”.

Sự việc này xảy ra khi chiến thắng của ông Biden ở bang Michigan được chính thức chứng nhận – một đòn mạnh giáng vào ông Trump.

Cơ hội của TT Trump thu hẹp khi Michigan ủng hộ chiến thắng của Biden

Bầu cử Mỹ: Đa số dân biểu gốc Việt đắc cử là đảng viên Dân chủ

Biden và chính sách châu Á: Hai góc nhìn từ Hoa Kỳ và Pháp

Biden cam kết sẽ thiết lập quy tắc thương mại quốc tế

Đội ngũ của ông Biden hoan nghênh việc bắt đầu quá trình chuyển giao khi tổng thống đắc cử đảng Dân chủ chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1.

“Quyết định ngày hôm nay là một bước cần thiết để bắt đầu giải quyết những thách thức mà quốc gia của chúng ta đang đối mặt, gồm việc kiểm soát đại dịch và đưa nền kinh tế của chúng ta trở lại đúng hướng,” đội ngũ Biden tuyên bố qua một văn bản.

“Quyết định cuối cùng này là một hành động hành chánh dứt khoát để chính thức bắt đầu quá trình chuyển giao với các cơ quan liên bang.”

Trước đó, hôm thứ Hai, ông Biden đã công bố một đội ngũ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia gồm các đồng nghiệp cũ từ những năm ông nắm quyền trong chính quyền Obama.

Ông Biden sẽ bổ nhiệm Anthony Blinken làm ngoại trưởng và John Kerry làm đặc phái viên khí hậu, trong khi Janet Yellen được dự đoán sẽ là nữ Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ đầu tiên.

Ông Trump nói gì?

Ông Trump tweet khi GSA, cơ quan được giao nhiệm vụ chính thức bắt đầu các cuộc chuyển giao tổng thống, thông báo cho chiến dịch tranh cử của Biden rằng họ sẽ bắt đầu quá trình này. Trong tweet, ông Trump nói cám ơn bà Emily Murphy của GSA vì “cống hiến bền bỉ và lòng trung thành của bà với Đất nước”, và rằng bà đã bị “quấy rối, đe dọa và lạm dụng…”

Bà Emily Murphy cho biết bà đang chuẩn bị đưa quỹ có khoảng 6,3 triệu đôla cho tổng thống đắc cử.

Trong khi cam kết duy trì “sự quyết chiến”, tổng thống Trump nói: “Tuy nhiên, vì lợi ích cao cả của Đất nước chúng ta, tôi khuyến nghị Emily và nhóm của bà ấy làm những gì cần phải làm liên quan đến các nghi thức ban đầu, và tôi đã nói với nhóm của tôi làm tương tự.”

Bà Murphy, một người được Trump bổ nhiệm, trích dẫn “những diễn biến gần đây liên quan đến thách thức pháp lý và chứng nhận kết quả bầu cử” trong việc bà quyết định gửi thư cho nhóm Biden.

Bà nói không bị Nhà Trắng gây áp lực nào về thời điểm phải đưa ra quyết định.

“Nói rõ hơn là tôi không nhận được bất kỳ chỉ đạo nào để trì hoãn quyết định của mình”, thư của bà Murphy gửi cho ông Biden viết.

“Tuy nhiên, tôi đã nhận được những lời đe dọa qua mạng, qua điện thoại và qua đường bưu điện nhằm vào sự an toàn của tôi, gia đình, nhân viên của tôi và thậm chí cả thú cưng của tôi trong nỗ lực ép buộc tôi thực hiện quyết định này sớm.

“Ngay cả khi đối mặt với hàng ngàn mối đe dọa, tôi vẫn cam kết tuân thủ luật pháp.”

Bà Murphy đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ cả hai phe chính trị vì không bắt đầu quá trình chuyển giao sớm hơn, vốn là một thông lệ giữa cuộc bầu cử và lễ nhậm chức.

Bà đã bỏ lỡ hạn chót do đảng Dân chủ nắm Hạ viện đặt ra hôm thứ Hai để thông báo cho các nhà lập pháp về sự chậm trễ này.

Đảng Cộng hòa có gây áp lực nào không?

Các thành viên đảng Cộng hòa của ông Trump đã tăng cường chỉ trích liên quan đến quá trình chuyển đổi. Một số người đã lên tiếng hôm thứ Hai.

Thượng nghị sĩ tiểu bang Tennessee Lamar Alexander, người sắp nghỉ hưu, tuyên bố qua văn bản rằng ông Trump nên “đặt đất nước lên trên hết” và giúp ông Biden thành công.

Ông Alexander nói: “Khi bạn là người của công chúng, người ta sẽ nhớ điều cuối cùng bạn làm.”

Thượng nghị sĩ Bill Cassidy của tiểu bang Louisiana lưu ý rằng nhóm pháp lý của Trump đã không đưa ra được bằng chứng về vụ gian lận lớn mà họ cho rằng đã đánh cắp cuộc bầu cử, nói thêm rằng quá trình chuyển đổi “nên bắt đầu vì lợi ích của đất nước”.

Thượng nghị tiểu bang West Virginia Shelley Moore Capito nói “đến một lúc nào đó, cuộc bầu cử năm 2020 phải kết thúc”.

Thượng nghị sĩ Rob Portman của Ohio lập luận rằng cần phải để ông Biden nhận được các biên bản tối mật về an ninh quốc gia và được chính quyền Trump cập nhật các kế hoạch phân phối vaccine virus corona.

160 lãnh đạo các doanh nghiệp, trong một bức thư ngỏ, cũng đã thúc giục bà Murphy về việc cần ngay lập tức công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử.

Họ viết: “Việc chính quyền mới bị ngăn cản tiếp cận các nguồn lực và thông tin quan trọng đặt an nguy và kinh tế và của người Mỹ vào tình thế nguy hiểm”.

Điều gì xảy ra ở Michigan?

Một trong hai đảng viên Cộng hòa trong Hội đồng Canvassers tiểu bang Michigan đã phối hợp với hai đảng viên Dân chủ để chốt kết quả. Một đảng viên Cộng hòa khác bỏ phiếu trắng. Ông Biden đã thắng ở tiểu bang này với hơn 150.000 phiếu bầu.

Thành viên Hội đồng Canvassers đảng Cộng hòa bỏ phiếu trắng, Norman Shinkle, đã đề nghị trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận kết quả bầu cử vì những bất thường ảnh hưởng đến vài trăm phiếu bầu ở một quận.

Nhưng đồng nghiệp của ông, đảng viên Cộng hòa Aaron Van Langeveld, hôm thứ Hai nói nhiệm vụ của họ”đơn giản” và không có lựa chọn nào khác ngoài việc chứng nhận kết quả.

Nhóm pháp lý của ông Trump nói họ vẫn sẽ thách thức kết quả của Michigan.

Cố vấn Jenna Ellis nói chứng nhận “chỉ đơn giản là một bước mang tính thủ tục”. Bà nói thêm: “Người Mỹ phải được đảm bảo rằng kết quả cuối cùng là công bằng và chính đáng.”

Nhưng thời gian không còn nhiều. Vào ngày 14/12, chiến thắng của ông Biden sẽ được cử tri đoàn Hoa Kỳ chấp thuận.

Những thách thức pháp lý khác của Trump thì sao?

Ông Trump và các đồng minh của ông đã phải chịu một loạt thất bại trước tòa ở các tiểu bang quan trọng khi họ chạy đua để thách thức kết quả.

Chiến dịch của ông Trump được cho là đã tìm cách thuyết phục các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa chỉ định đại cử tri của họ bỏ phiếu cho ông thay vì ông Biden, nhưng không thành công.

Tại Pennsylvania, một thẩm phán đảng Cộng hòa hôm thứ Bảy ra phán quyết rằng chiến dịch Trump đã cố gắng “tước quyền của gần bảy triệu cử tri” mà không có bằng chứng thực tế. Các luật sư của tổng thống hiện đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Circuit ở Philadelphia.

Thẩm phán đã bác bỏ đơn kiện của Trump ở tiểu bang Pennsylvania.

Các nỗ lực pháp lý khác của tổng thống Trump tại tiểu bang này không thay đổi được vị trí dẫn đầu của ông Biden với khoảng 80.000 phiếu.

Chiến dịch tranh cử của Trump cũng đã kêu gọi một cuộc kiểm phiếu khác ở Georgia, sau khi cuộc kiểm phiếu lại bằng tay trước đó đã xác nhận chiến thắng của ông Biden ở tiểu bang này.

Ở Wisconsin, một cuộc kiểm phiếu lại được tiến hành theo yêu cầu của chiến dịch Trump. Các quan chức bầu cử đã cáo buộc những người ủng hộ Trump cản trở việc kiểm phiếu lại của tiểu bang.

Họ nói các nhà quan sát việc kiểm phiếu của ông Trump, trong một số trường hợp, đã cật vấn từng lá phiếu để cố tình làm chậm quá trình tố tụng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55054228

Nguồn gốc sâu xa của chiến lược ‘gian lận cử tri’ của Trump

By Marianna Spring

Tổng thống Trump cáo buộc “gian lận” ngay cả khi phiếu bầu vẫn đang được kiểm – đỉnh cao của một chiến lược đã được thực hiện ít nhất vài tháng trước đó.

Vào một buổi sáng tinh mơ của tháng 11 lạnh giá ở Connecticut, Candy, 49 tuổi, chui vào giường sau một ca đêm làm việc dài.

Cô ngay lập tức mở khóa điện thoại của mình – và bắt đầu duyệt qua mạng xã hội, điều cô làm trong hầu hết các đêm.

Nhưng đêm nay rất khác – đó là đêm bầu cử. Kết quả vẫn bị treo trong cán cân. Candy liên tục theo dõi tin tức, trong khi chờ đợi ứng cử viên cô yêu thích lên tiếng. Và ngay sau khoảng 1 giờ đêm, ông đã phát biểu.

Candy đồng ý với ông. Cô đang thất vọng và muốn làm một điều gì đó – vì vậy khi một trong những người bạn thân nhất mời cô tham gia một nhóm Facebook có tên ‘Stop the Steal’, cô chớp ngay lấy cơ hội.

“Đảng Dân chủ đã nói ngay từ đầu trong thời gian hỗn loạn về Covid rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để loại trừ Trump – và tôi nghĩ họ đã thành công”, Candy sau đó nói.

Candy đã dự đoán điều này. Trong nhiều tháng, các cáo buộc về “cuộc bầu cử gian lận” và “gian lận cử tri” đã tràn ngập Facebook của cô.

Và Candy không phải là người Mỹ duy nhất tiếp xúc với thông tin sai lệch về bầu cử trong nhiều tháng dài trước ngày bỏ phiếu.

Tweets và nền dân chủ

Nghiên cứu của đơn vị Chống thông tin sai lệch của BBC cho thấy thông tin sai lệch về gian lận cử tri đã được các tài khoản có ảnh hưởng cài cắm trên mạng xã hội liên tục trong nhiều tháng.

Và nó đến từ cấp cao nhất. Tổng thống Trump đã bắt đầu tweet các cáo buộc gian lận lần đầu tiên từ hồi tháng Tư.

Rồi từ đó đến ngày bầu cử, ông đã đề cập đến các cuộc bầu cử gian lận hoặc gian lận cử tri hơn 70 lần.

Ví dụ: ông tweet điều này trong tháng Sáu:

Nó không phải là một chủ đề mới. Ông Trump từng tuyên bố về hành vi gian lận cử tri năm 2016 – sau một cuộc bầu cử mà ông giành chiến thắng.

Nhưng lần này, bằng chứng cho thấy nhiều người hơn đã nhìn thấy những tuyên bố không có cơ sở trên mạng xã hội của họ trong nhiều tuần. Candy chỉ là một trong số đó. Hàng trăm nghìn người đã tham gia các nhóm lớn trên Facebook dưới biểu ngữ “Stop the Steal”.

Bầu cử Mỹ: Làm rõ những cáo buộc gian lận đang lan tràn mạnh nhất

Cơ hội của TT Trump thu hẹp khi Michigan ủng hộ chiến thắng của Biden

Nghiên cứu của BBC cho thấy các tài khoản cánh hữu có ảnh hưởng chính là công cụ khuếch đại những tuyên bố này – và những tuyên bố đó thường xuyên được Tổng thống Trump tweet lại. Một số nhân vật có lượng người theo dõi lớn đã tham gia vào phong trào phản đối, xoay quanh ý tưởng không có cơ sở về cuộc bầu cử “gian lận”.

#StoptheSteal đến từ đâu?

Trong đêm bầu cử, thuật ngữ #StoptheSteal đã xuất hiện trên Twitter sau khi video đầu tiên trong nhiều video gây hiểu lầm về gian lận cử tri được lan truyền.

Đoạn video cho thấy một người theo dõi bỏ phiếu bị từ chối không cho vào một thùng phiếu ở Philadelphia. Video này được gần hai triệu lượt xem trên Twitter và được nhiều tài khoản ủng hộ Trump chia sẻ. Chúng tôi đã điều tra video này ngay sau khi nó được đăng.

Người đàn ông có mặt tại thùng phiếu đó đã được các quan chức yêu cầu đứng đợi bên ngoài – một phụ nữ nói với ông rằng chứng chỉ theo dõi bỏ phiếu của ông không hợp lệ tại điểm bỏ phiếu cụ thể đó.

Đoạn video này xác thực và hóa ra là người phụ nữ đã nhầm. Đã có sự nhầm lẫn về các quy tắc. Người theo dõi bỏ phiếu trước đây chỉ được phép vào một địa điểm bầu phiếu cụ thể ở Philadelphia, nhưng giờ đây họ có thể vào nhiều địa điểm trên khắp thành phố.

Sự việc sau đó được làm rõ và người đàn ông sau đó đã được phép vào quan sát bỏ phiếu và được xin lỗi. Tất nhiên, những diễn tiến sau này không được phản ánh trong video – và thẻ #StoptheSteal đã trở nên phổ biến.

Khẩu hiệu ‘Stop the Steal’ sau đó được sử dụng bởi những người thành lập các nhóm Facebook lớn, kể từ đêm bầu cử, đã tích lũy được hơn một triệu thành viên.

Một số nhóm trong số này đã bị xóa sau khi người dùng đăng tải những lời đe dọa bạo lực và kêu gọi “nội chiến”.

Những nhóm này đã trở thành điểm nóng cho nhiều video gây hiểu lầm và tuyên bố sai sự thật – tương tự như vụ việc ở Philadelphia – đã tràn ngập trang mạng xã hội của những người như Candy.

Đồng minh của Trump thúc giục ông chấp nhận thất bại

Thẩm phán Pennsylvania bác bỏ vụ kiện mới nhất của Trump

Bút Sharpies, phiếu bị đốt cháy và cử tri chết

“Họ nói rằng chúng tôi thành lập nhóm để tìm cách gây bạo loạn ở những nơi khác nhau trong nước, điều đó không đúng”, Candy phân bua với tôi, càng nói càng tức giận về việc nhóm Stop The Steal Facebook bị đóng cửa.

Candy, cùng với hầu hết các thành viên của các nhóm này, không kêu gọi bạo động. Candy nói rằng cô chỉ đơn giản theo đuổi những gì cô ấy nghĩ là sự thật.

Cô nói: “Mọi người đều chỉ đưa ra những gian lận mà họ thấy trong cuộc bầu cử.”

Candy thừa nhận với tôi rằng cô dành quá nhiều thời gian trên Facebook – và mặc dù nói rằng không hoàn toàn tin tưởng vào những gì mình thấy trên mạng xã hội, nhưng đồng thời đó cũng là nguồn thông tin bầu cử chính của cô.

Candy đề cập đến một số tuyên bố bị đã bị lột trần hoặc không có bằng chứng: rằng các loại bút được đưa ra để làm mất giá trị của các lá phiếu, hoặc các lá phiếu đang bị vứt đi hoặc bị xé nát.

Chúng tôi đã điều tra hàng chục tuyên bố lan truyền trực tuyến, và đây hóa ra là những chuyện bịa đặt, không đúng sự thật hoặc không thể chứng minh.

Một ví dụ: Một người đàn ông nói đã vứt bỏ các lá phiếu của Trump ở Wisconsin trong một bài đăng lan truyền trên Facebook. Nhưng hóa ra ông này sống ở ngoại ô Detroit – một tiểu bang hoàn toàn khác, Michigan.

Người đàn ông bán thịt 32 tuổi này, đã tiết lộ danh tính thực của mình với BBC News, và khẳng định ông ta không liên quan gì đến việc đếm bất kỳ lá phiếu nào – ở Wisconsin hay bất kỳ nơi nào khác. Ông nói, bài đăng của ông chỉ đơn giản là một trò đùa.

Không có bằng chứng cụ thể nào về việc phiếu – bầu cho bất kỳ ứng cử viên nào – bị vứt bỏ hoặc xé toạc.

Người chết không đi bầu

Những cáo buộc tiếp tục được tung ra.

Candy nói: “Tôi đã xem một đoạn video mà ai đó đăng rằng một người đàn ông đã phát hiện ra rằng vợ ông bỏ phiếu trong năm nay, nhưng bà ây đã chết vào năm 2017”

Một lần nữa, BBC News đã xem xét những cáo buộc này. Nhiều tuyên bố về cử tri đã chết đã bị chính quyền tiết lộ là thông tin sai lệch hoặc danh tính nhầm lẫn. Chúng tôi đã tìm thấy một trường hợp một người sống tình cờ dùng một lá phiếu vắng mặt được gửi cho người mẹ đã chết.

Có những trường hợp khác mà các cử tri được đề cập đã chết trước cuộc bầu cử. Các nhà chức trách ở Michigan xác nhận rằng khi đúng như vậy, lá phiếu sẽ bị ném ra ngoài.

Thuyết âm mưu đổ dầu vào lửa

Trong bối cảnh – ngay cả trước ngày 3/11- một loạt các thuyết âm mưu về cuộc bầu cử ngày càng phổ biến đã khuyến khích cho ý tưởng rằng mọi thứ đều là gian lận, đáng ngờ và không như người ta tưởng.

Giáo sư Whitney Phillips thuộc Đại học Syracuse nói thuyết âm mưu của QAnon có thể giải thích một phần lý do tại sao những tin đồn về việc bỏ phiếu lại lan truyền như cháy rừng.

Đây là niềm tin vô căn cứ cho rằng Tổng thống Trump đang tiến hành một cuộc chiến bí mật chống lại những kẻ ấu dâm ở Satanic.

Theo quan điểm của giáo sư Whitney, ngay cả trước khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên được diễn ra, đã có “những bài đăng rải rác cũng như toàn bộ khuôn khổ tường thuật” rằng đảng Dân chủ sẽ đánh cắp cuộc bầu cử.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của bà không phải là bạo lực trên đường phố. Bà không nghĩ những người tham gia nhóm ‘Stop the Steal’ như Candy sẽ gây bạo động vì tin tức giả trên mạng.

Thay vào đó, Whitney Philips và các chuyên gia khác mà tôi nói chuyện, nói rằng họ lo lắng về sự xói mòn dần dần niềm tin của người dân vào nền dân chủ.

Phóng viên Olga Robinson đóng góp cho bài viết này.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55040342

Thực hư phần mềm Dominion bị Trump tố gian lận phiếu bầu

Anh Vũ

Dominion là công ty cung cấp máy và phần mềm phục vụ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông, dù không đưa ra bằng chứng nào, vẫn khẳng định phần mềm của Dominion đã được dùng để gian lận phiếu bầu giúp Joe Biden chiến thắng.

Đây là một trong hướng tấn công của Donald Trump và phe ủng hộ ông. Họ khăng khăng tố cáo đảng Dân Chủ đã « đánh cắp » cuộc bầu cử tổng thống. Họ chỉ thẳng phần mềm củea Dominion phục vụ bầu cử có thể đã xóa hoặc chuyển hàng triệu phiếu bầu cho Donald Trump sang cho đối thủ Joe Biden. Khẳng định trên đã được chính ông Trump tung lên Twitter và ngay lập tức đã được các trang mạng cực hữu chuyên phổ biến thuyết âm mưu loan truyền.

Phần mền của Dominion là gì ?

Đó là một trong những phần mềm chính được cài đặt trong các máy bầu cử tại Mỹ, tức các máy dùng để quét và lên kết quả của phiếu bầu. Phần mềm này là sản phẩm của Dominion Voting Systems, một công ty của Canada thành lập năm 2003, chuyên sản xuất các trang thiết bị phục vụ bầu cử. Trụ sở tại Mỹ của công ty đặt ở Denver, bang Colorado.

Theo một nghiên cứu của trường thương mại Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania, thiết bị công nghệ của Dominion liên quan đến 71 triệu cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử tổng thống 2016, trong tổng số 1635 đơn vị bầu cử. Như vậy đây là nhà cung cấp thiết bị bầu cử lớn thứ 2 ở Mỹ, sau công ty Election Systems & Software.

Tại sao lại có tố cáo gian lận ?

Hôm 12/11, Donald Trump chia sẻ lên trang Twitter khẳng định của kênh truyền hình Mỹ One America News Network, một cơ quan truyền thông bảo thủ, cho rằng phần mềm Dominion đã « xóa 2,7 triệu phiếu bầu cho Trump trên cả nước », và đã có 221 nghìn phiếu bầu tại Pennsylvania được chuyển từ Donald Trump sang cho Joe Biden.

Một tuần sau, ngày 19/11, ông Trump lại chia sẻ trên Twitter video của One America News Network nói về Dominion, trong đó một nữ nhà báo của kênh này nói thêm là phần mềm của Dominion bị rất nhiều lỗ hổng. Nhà báo này còn trích dẫn lời của Ron Watkins, từng quản trị một diễn đàn cực hữu, được giới thiệu là một chuyên gia về an ninh tin học, giải thích vì sao các phiếu bầu cho Donald Trump bị xóa.

Trên Twitter và Facebook, một nữ ứng viên Cộng Hòa thất cử vào Quốc Hội, Anna Paulina Luna, đã đưa tin một « người tố giác », từng làm việc cho Dominion, khẳng định là các phiếu bầu đã bị gian lận khi sử dụng phần mềm nói trên.

Về phần luật sư của Donald Trump, ông Rudy Giuliani, ngay sau đó tuyên bố trên kênh truyền hình Fox News rằng Dominion là « một công ty của phe cực tả » và “một công ty nước ngoài có liên hệ chặt chẽ với Venezuela và Trung Quốc, sử dụng phân mềm của một công ty Venezuela để đánh cắp kết quả bầu cử ở nhiều nước khác “.

Lời cáo buộc này đã được nhóm luật sư của Donald Trump nhắc lại trong cuộc họp báo hôm 19/11. Tại cuộc họp báo, bà luật sư Sidney Powell đã khẳng định Dominion là một phần mềm được tạo ra từ một công ty của Venezuela. Bà nói thêm là công nghệ đó do cựu tổng thống Venezuela Hugo Chavez tạo ra để giúp ông dễ dàng thắng cử. Những lời khẳng định này sai hoàn toàn, vì Dominion Voting Systems không hề có liên hệ gì với Venezuela.

Trang mạng fact-checking Politifact nhấn mạnh đã có những vấn đề tại hai bang có kết quả bị Donald Trump phản đối và đó là hai bang sử dụng phần mềm Dominion. Tại bang Michigan, phần mềm đã không được cập nhật trong một hạt bầu cử, nên đã dẫn đến báo sai kết quả chiến thắng thuộc về Joe Biden, nhưng sai sót này đã được sửa trước khi kết quả cuối cùng của hạt này được công bố.

Ở tại hai hạt của bang Georgia, các máy bầu cử bị hỏng hóc một lúc trong ngày bỏ phiếu, nhưng sự cố đã được các nhân viên kỹ thuật của Dominion sửa chữa ngay, các phòng phiếu ở đây đã phải đóng cửa muộn mất vài giờ. Sự cố như vậy chỉ là cá biệt, không thể dựa vào đó để nghi ngờ tính xác thực của kết quả kiểm phiếu cuối cùng là Joe Biden thắng.

Cho đến giờ này, không có chi tiết nào đủ vững chắc để chứng minh Dominion gian lận. Phe Cộng Hòa không đưa ra được bằng chứng nào làm cơ sở cho các cáo buộc gian lận rộng rãi đã dẫn đến chiến thắng của Joe Biden.

Cơ quan chính phủ phụ trách vấn đề an toàn bầu cử Mỹ ( CISA ) đã tuyên bố hôm 12/11 rằng không có bằng chứng gian lận bầu cử nào, đồng thời khẳng định ngược hẳn với tổng thống Donald Trump : « Cuộc bầu cử ngày 03/11 an toàn nhất lịch sử Hoa Kỳ ». Vài ngày sau ông Trump thông báo sa thải lãnh đạo cơ quan này, ông Christopher Krebs, người do chính tổng thống bổ nhiệm năm 2018.

Ngày 16/11, 59 chuyên gia về an ninh tin học đã công bố một bức thư ngỏ bày tỏ phẫn nộ về các cáo buộc gian lận bầu cử không có cơ sở, đồng thời cho biết lo ngại về việc các khẳng định như vậy vẫn được loan truyền. Ngay cả kênh truyền hình Fox News cũng đã đánh giá là những cáo buộc mà phe của ông Trump theo đuổi là không khả tín, trong đó có những tố cáo liên quan đến Dominion.

Công ty Dominion Voting Systems đã ra thông cáo khẳng định phần mềm của họ không có lỗ hổng nào, đồng thời bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc gian lận hay sai sót phần mềm liên quan đến  bầu cử tổng thống Mỹ.

Từ kỳ bầu cử tổng thống 2016, hệ thống tin học liên quan đến bầu cử đã là mục tiêu của tin tặc được cho là thân cận với tình báo Nga, tất cả các thiết bị điện tử, phần mềm bầu cử đã được các chuyên gia an ninh tin học soi rất kỹ.

Một báo cáo được các nhà khoa học về an ninh mạng của Mỹ công bố hồi tháng 8/2019 đã chỉ ra rằng nhiều thiết bị liên quan đến bỏ phiếu vẫn dễ bị tấn công tin học, trong đó có cả các thiết bị của Dominion Voting Systems.

Những điểm yếu tồn tại, nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã bị khai thác. Trước hết, các kẽ hở an toàn được xác định liên quan đến các máy hoặc các mạng cá biệt. Thay đổi hàng triệu lá phiếu bầu, như Donald Trump khẳng định, thì cần phải tổ chức một chiến dịch gian lận khổng lồ và rất đông người tham gia. Đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào  theo hướng như vậy, ngoài các cáo buộc từ phe của Donald Trump.

Như các nhà nghiên cứu an ninh tin học đã viết trong một diễn đàn trên báo Mỹ hồi giữa tháng 11 : « Thay đổi tiến trình một cuộc bầu cử cần nhiều thứ, chứ không đơn giản bằng lỗi kỹ thuật » trên các máy bầu cử.

(Theo AFP và Le Monde)

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-th%E1%BB%B1c-h%C6%B0-ph%E1%BA%A7n-m%E1%BB%81m-dominion-b%E1%BB%8B-trump-t%E1%BB%91-gian-l%E1%BA%ADn-phi%E1%BA%BFu-b%E1%BA%A7u

Cựu Chủ tịch Hạ viện: Đảng Cộng hòa Mỹ cần tinh thần chiến đấu của TT Trump

Ngọc Mai

Hôm qua (23/11), cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Newt Gingrich, đã đăng tải một bài viết trên Foxnews với tiêu đề “Một hệ thống mạnh mẽ đang kiểm soát các thể chế văn hóa cố áp đặt các kế hoạch cực tả vào nước Mỹ”. Ông kêu gọi Đảng Cộng hòa nên học theo tinh thần của Tổng thống Trump để bảo vệ tầm nhìn tương lai và cơ hội của Hoa Kỳ.

Trong bài báo của mình, ông Gingrich đề cập một vấn đề, vào tuần trước, các thượng nghị sỹ Cộng Hòa tại Thượng viện đã phát hành một báo cáo về các vụ kinh doanh ở nước ngoài của Hunter Biden – con trai ông Joe Biden. Tài liệu cho thấy Hunter và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có các giao dịch trị giá hàng triệu đô-la.

Gingrich nói ông đề cập đến vấn đề này không phải để chỉ trích ứng cử viên tổng thống Joe Biden hay con trai ông ta là Hunter Biden, mà để nhắc công chúng chú ý đến một hiện tượng: Nếu đây không phải con trai ông Biden mà là con trai ông Trump thì vụ việc sẽ thành tin hot của tất cả các tờ báo lớn, tuy nhiên tin tức về Hunter đã không được truyền thông dòng chính báo cáo nhiều.

Ông kết luận: “Bởi các phương tiện truyền thông cánh tả đang cực kỳ thù địch với tổng thống – các công ty mạng xã hội cũng vậy, (họ) giờ đây gần như độc quyền kiểm soát luồng thông tin. Họ muốn Trump thua và bảo vệ Biden, vì vậy đã bẻ cong những báo cáo của mình”.

Ông Gingrich phân tích, ngoài các công ty truyền thông xã hội và Big Tech, “hệ thống đầy quyền lực” này còn bao gồm giới học thuật, Hollywood và hầu hết giới tinh hoa chính trị. Họ đã hình thành một hệ thống kiểm soát các thể chế văn hóa Mỹ và hệ thống này đang áp đặt lên Hoa Kỳ thực thi đường lối chính trị cực đoan, cực tả.

Trong tình huống như vậy, những người theo Đảng Cộng hòa và những người muốn bảo vệ văn hóa truyền thống ở Mỹ cảm thấy thất vọng và bất lực bởi cả một “bộ máy chính trị và văn hóa [vẫn] đang vận hành một cách thô bạo bất chấp sự phản đối của họ”.

Đảng Cộng hòa cần được “truyền năng lượng chiến binh như TT Trump”

Ông cho rằng hiện tượng này trở nên cực kỳ mạnh mẽ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 năm nay. Sau cuộc bầu cử, Đảng Cộng hòa và những người muốn bảo vệ truyền thống ở Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi về tính công bằng và trung thực của cuộc bầu cử. Nhưng những người theo Đảng Dân chủ, các phương tiện truyền thông chống Trump đang nói với người dân: Chúng tôi không quan tâm, hãy ngồi yên, im lặng và chấp nhận thua cuộc đi.

Ông Gingrich cũng chỉ trích rằng trước khi Tổng thống Trump bước vào chính trường, Đảng Cộng hòa, do những người như John McCain và Mitt Romney lãnh đạo, dường như quan tâm đến thái độ lịch sự và thân thiện hơn là chiến thắng bộ máy chính trị cực tả này. Họ hài lòng với việc thất bại một cách cao thượng và thậm chí tự hào về điều đó.

Do đó, ông kêu gọi Đảng Cộng hòa nên đứng lên để bảo vệ tầm nhìn về hy vọng và cơ hội của Mỹ chứ không phải lặng lẽ phục tùng “bộ máy quyền lực này”. Điều này có nghĩa họ cần được truyền năng lượng chiến binh như TT Trump. Nếu như Đảng Cộng hòa không đấu tranh thì những người cánh tả sẽ tiếp tục dùng đòn bẩy quyền lực của mình để thực hiện kế hoạch của họ cho đến khi mọi sự không thể thay đổi, dù là ai được bầu vào Tòa Bạch ốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-cong-hoa-can-tinh-than-chien-dau-cua-trump.html

Pennsylvania: Tòa án xem xét khẩn cấp kháng cáo của chiến dịch TT Trump

An Liên

Tòa phúc thẩm khu vực số ba đã chấp thuận xem xét khẩn cấp việc tòa án cấp dưới từ chối đơn yêu cầu dừng chứng nhận kết quả bầu cử ở Pennsylvania của chiến dịch TT Trump, theo The BL.

Nhóm pháp lý của Tổng thống Trump sẽ chỉ có vài giờ để nộp hồ sơ tóm tắt về vụ việc, khi hầu hết các hạt của Pennsylvania dự kiến sẽ chứng nhận kết quả của họ vào ngày 23/11, theo Fox News.

Luật sư Jenna Ellis đã chia sẻ về thắng lợi pháp lý bước đầu này trên tài khoản Twitter của mình.

“MỚI: Tòa án phúc thẩm số ba cho phép xem xét nhanh đối với kháng cáo của Nhóm Trump từ Pennsylvania”, Ellis viết.

Khi yêu cầu ngừng chứng nhận kết quả bầu cử ở tiểu bang Pennsylvania, các luật sư của Tổng thống Trump lập luận rằng mặc dù nhiều cử tri được phép sửa phiếu để bầu cho ứng viên Đảng Dân chủ, nhưng những cử tri muốn làm điều ngược lại đối với ứng viên Đảng Cộng hòa thì lại không được phép. Điều này cho thấy, tiểu bang chiến trường này đã vi phạm việc bảo đảm quyền bình đẳng theo Hiến pháp.

Đến 4 giờ chiều (theo giờ địa phương) ngày 23/11, Tòa phúc thẩm khu vực số ba đã chấp nhận kháng cáo của chiến dịch TT Trump để xem xét thay đổi quyết định của thẩm phán tòa án địa phương đưa ra trước đó.

Nhóm pháp lý chiến dịch TT Trump đã yêu cầu Toà phúc thẩm gửi vụ việc cho tòa án cấp dưới để xem xét các vấn đề và nhanh chóng tiến hành giải quyết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bang-pennsylvania-toa-an-xem-xet-khan-cap-khang-cao-cua-chien-dich-tt-trump.html

Giám đốc GSA bị quấy rối và đe dọa

Đại Nghĩa

Do người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) Emily Murphy bị quấy rối và đe dọa, Tổng thống Trump hôm thứ Hai cho biết ông sẽ cho phép các bước hành chính sơ khởi đầu tiên sau bỏ phiếu được bắt đầu.

Tổng thống (TT) Trump đã cho biết trên Twitter về sự việc này:

“Tôi muốn cảm ơn Emily Murphy tại GSA vì sự cống hiến bền bỉ và lòng trung thành của bà đối với Đất nước chúng ta. Bà đã bị quấy rối, đe dọa và lạm dụng – và tôi không muốn thấy điều này xảy ra với bà ấy, gia đình bà ấy hoặc nhân viên của GSA. Còn chúng ta vẫn tiếp tục MẠNH MẼ, chúng ta tiếp tục chiến đấu đầy ý chí và tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng!”

TT Trump cũng tuyên bố: “Tuy nhiên, vì lợi ích cao nhất của đất nước, tôi đề nghị Emily và đội ngũ của bà làm những gì cần làm liên quan đến các thủ tục ban đầu, và đã yêu cầu đội ngũ của tôi làm điều tương tự.”

Theo Breitbart, TT Trump đưa ra tuyên bố sau khi bà Murphy thông báo trong một bức thư về quyết định của bà thực hiện các thủ tục cần thiết ban đầu sau bỏ phiếu.

“Tôi chưa bao giờ bị áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp bởi bất kỳ quan chức nào của Nhánh Hành pháp – bao gồm những người làm việc tại Tòa Bạch Ốc hoặc GSA – liên quan đến nội dung hoặc thời điểm của quyết định của tôi,” bà Murphy viết trong một bức thư gửi Biden.

Bà Murphy nói rằng bà sẽ cung cấp các dịch vụ và nguồn lực sẵn có cho các thủ tục cần thiết ban đầu, mặc dù cuộc bầu cử chưa được cử tri đoàn chính thức xác nhận.

“Tuy nhiên tôi đã nhận được những lời đe dọa trực tuyến, qua điện thoại, và bằng thư nhắm vào sự an toàn của tôi, của gia đình tôi, của nhân viên của tôi, và thậm chí cả vật nuôi của tôi trong một nỗ lực ép buộc tôi phải đưa ra quyết định này sớm”, bà viết trong thư.

Theo bức thư của bà Murphy, chính phủ cung cấp 6.300.000 đô la cho ứng cử viên chiến thắng để bắt đầu các thủ tục cần thiết, cũng như 1.000.000 đô la để giúp chuẩn bị định hướng cho những người được bổ nhiệm.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-cho-phep-gsa-thuc-hien-giao-thuc-chuyen-giao-quyen-luc-cho-joe-biden.html

Phi hành gia người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên làm việc tại trạm không gian quốc tế

Tuần này, một người miền Nam California đã làm nên lịch sử khi là phi hành gia Da đen đầu tiên làm việc tại Trạm Không gian Quốc tế (ISS) với tư cách là thành viên phi hành đoàn dài hạn.

Ông Victor Glover, hiện 44 tuổi, sinh ra ở Pomona và tốt nghiệp trường trung học Ontario High School năm 1994, đã cập bến ISS trong chuyến phóng phi hành đoàn thứ hai của SpaceX. Ông Glover là tân binh duy nhất của phi hành đoàn bốn thành viên, những người sẽ ở lại trạm không gian trong sáu tháng.

Đối với Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA), sứ mệnh này bắt đầu các cuộc luân chuyển phi hành đoàn thường xuyên tại trạm không gian với sự trợ giúp của phi thuyền không gian từ một công ty tư nhân. Ông Glover được chọn làm phi hành gia vào năm 2013 trong lúc làm thực tập sinh tại Thượng viện Hoa Kỳ. Khi được hỏi về con đường sự nghiệp của cá nhân trong một cuộc phỏng vấn do NASA công bố, ông Glover đã ghi nhận kinh nghiệm tại trường Ontario High School và California Polytechnic Statue University, San Lus Obispo.

Ông tốt nghiệp đại học vào năm 1999 trước khi lấy ba bằng thạc sĩ từ năm 2007 đến năm 2010 tại Căn cứ Không quân Edwards ở California, Naval Postgraduate School và Căn cứ Không quân Maxwell ở Alabama. Glover cho biết ban đầu ông muốn trở thành một thành viên của lực lượng SEAL.

Theo New York Times, dù các phi hành gia da đen đã từng lưu trú ngắn hạn tại ISS trước đây, nhưng ông Glover là người đầu tiên tham gia phi hành đoàn trong thời gian lưu trú kéo dài. Vào mùa hè, khi người Mỹ biểu tình trên đường phố sau cái chết của ông George Floyd và cô Breonna Taylor dưới tay cảnh sát, ông Glover đã lên tiếng về nạn kỳ thị chủng tộc trên Twitter.

Theo NASA, Glover có bốn người con và vợ là bà Dionna Odom ở Berkeley. Mẹ của ông vẫn sống ở Nam California, còn cha và mẹ kế của ông đang cư trú ở Prosper, Texas. (BBT)

https://www.sbtn.tv/phi-hanh-gia-nguoi-my-goc-phi-chau-dau-tien-lam-viec-tai-tram-khong-gian-quoc-te/

Nhóm người ủng hộ chính quyền tấn công người biểu tình ở Havana

Tin từ HAVANA, Cuba – Theo một nhân chứng của Reuters, vào hôm Chủ nhật (22/11), hơn một trăm thường dân ủng hộ chính quyền bao vây một số ít người biểu tình có mặt tại Công viên Trung tâm của Havana để ủng hộ một nhóm bất đồng chính kiến đang tuyệt thực, trong khi lực lượng an ninh theo dõi.

Theo nhóm nhân quyền lưu vong Cubalex, cảnh sát bắt giữ hơn một chục người vì cố gắng biểu tình trong khi lực lượng an ninh ngăn chặn khoảng hơn 10 người khác rời khỏi nhà của họ ngay từ đầu. Nhân chứng của Reuters chứng kiến cảnh sát bắt giữ ít nhất một thanh niên sau khi một đám đông đuổi theo anh khi anh chạy cầm một tấm bảng chạy ngang qua công viên, sau đó xô đẩy anh vào một tòa nhà gần đó.

Đám đông bao vây, rượt đuổi, xô đẩy và đấm đá một người đàn ông và phụ nữ trẻ khác, trong khi cảnh sát và các nhân viên an ninh khác không hề làm gì để ngăn cản họ. Sau đó, đám người này nhắm đến các nhà báo nước ngoài có uy tín đang ghi nhận sự việc, xô đẩy và đấm vào người một người quay phim bốn hoặc năm lần.

Cuộc biểu tình này được kêu gọi để ủng hộ một nhóm các nhà hoạt động tuyên bố rằng họ tuyệt thực, để phản đối nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn cản họ biểu tình công khai chống lại việc bỏ tù một thành viên khác vì tội khinh bỉ. Một viên chức tiểu bang cho biết quyền truy cập bị hạn chế do đại dịch coronavirus. (BBT)

https://www.sbtn.tv/nhom-nguoi-ung-ho-chinh-quyen-tan-cong-nguoi-bieu-tinh-o-havana/

Covid-19: Loại vaccine nào có vẻ hiệu quả nhất?

James Gallagher

Gần đây đã có những tin tức đầy phấn khởi gần đây về các vaccine chống virus corona với một số thử nghiệm thành công được ghi nhận.

Nhưng loại vaccine nào có vẻ hiệu quả nhất và nó hoạt động ra sao?

Vì sao chúng ta cần vaccine?

Đại đa số mọi người vẫn dễ bị phơi nhiễm với virus corona. Hiện tại những biện pháp giãn cách xã hội đang giúp kiềm chế số tử vong.

Vaccine sẽ huấn luyện cho cơ thể chúng ta chiến đấu với sự nhiễm bệnh bằng cách ngăn chặn virus corona, hoặc ít nhất cũng khiến bệnh Covid trở nên bớt nguy hiểm chết người.

Vaccine của Đại học Oxford cho thấy hiệu quả 70%

Virus corona: ‘Khả năng hai triệu người chết’ ngay cả khi có vaccine

Có một vaccine bên cạnh các phương pháp điều trị được cải thiện là chiến lược thoát khỏi đại dịch.

Vaccine của Đại học Oxford / AstraZeneca

Các thử nghiệm của vaccine Oxford cho thấy có thể giúp ngăn đến 70% số người phát triển các triệu chứng Covid.

Dữ liệu cũng cho thấy có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người cao tuổi.

Cũng có dữ liệu thích thú cho thấy việc hoàn thiện liều lượng có thể tăng khả năng bảo vệ lên đến 90%

Vương Quốc Anh đã đặt hàng 100 triệu liều

Cần được tiêm 2 liều

Các thử nghiệm với hơn 20.000 tình nguyện viên vẫn đang được tiến hành

Đây có thể là một trong những loại vaccine dễ phân phối nhất, vì nó không cần được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh.

Nó được tạo ra từ một phiên bản được làm yếu đi của virus cúm mùa thông thường trên loài tinh tinh và đã được can thiệp để không phát triển trong cơ thể người.

Vaccine của Pfizer/BioNtech

Đột phá của vaccine xảy ra khiPfizer / BioNTech công bố kết quả đầu tiên của mình.

Vaccine này cho thấy có khả năng phòng ngừa hơn 90%

Vương quốc Anh sẽ nhận được 10 triệu liều vào cuối năm 2020, với 30 triệu khác đã được đặt mua

Vaccine này được tiêm hai liều, cách nhau ba tuần

Khoảng 43.000 người đã được tiêm vaccine và không có lo ngại về tính an toàn

Vaccine này phải được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -70C, sẽ được vận chuyển trong một chiếc hộp đặc biệt, đóng gói cùng đá khô và được lắp đặt các thiết bị theo dõi GPS.

Vaccine này là một loại mới được gọi là RNA, và sử dụng một mảnh nhỏ mã di truyền của virus. Việc này sẽ tạo ra một phần của virus bên trong cơ thể mà hệ thống miễn dịch nhận diện là ngoại lai và bắt đầu tấn công.

Vaccine RNA chưa bao giờ được phê chuẩn để sử dụng cho người, mặc dù nó đã được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh khác.

Covid-19: Vaccine của Pfizer và BioNTech ‘hiệu quả trên 90%’

Virus corona: Vaccine Moderna đạt hiệu quả đến 95%

Vaccine của Moderna

Vaccine của Moderna cũng sử dụng phương pháp tiếp cận như vaccine của Pfizer.

Công ty này nói vaccine có hiệu quả phòng ngừa 94.5 %

Vương Quốc Anh sẽ có 5 triệu liều vào mùa xuân

Vaccine này được tiêm hai liều, cách nhau bốn tuần

30.000 người đã tham gia vào các thử nghiệm, với một nửa được tiêm vaccine và một nửa được tiêm giả dược

Vaccine của Moderna dễ bảo quản hơn của Pfizer vì nó có thể ổn định ở -20C trong vòng đến 6 tháng.

Những loại vaccine nào khác đang được phát triển?

Các thử nghiệm khác cũng được mong đợi sẽ có kết trong những tuần tới.

Dữ liệu về vaccine Sputnik V của Nga, hoạt động giống như vaccine Oxford, cho thấy có hiệu quả 92%

Thử nghiệm của Janssen đang tuyển 6.000 người trên khắp Vương quốc Anh, trong tổng số 30.000 tình nguyện viên trên toàn thế giới, để xem liệu hai mũi tiêm có mang lại khả năng miễn dịch cao hơn và lâu dài hơn một mũi hay không

Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hánvà Sinopharm ở Trung Quốc, và Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga đều đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng

Tuy nhiên, một cuộc thử nghiệm ở Brazil đối với thuốc do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển đã bị đình chỉ sau khi xảy ra “sự cố bất lợi nghiêm trọng” – mà có thông tin cho rằng đã khiến một người tình nguyện tử vong.

Hiểu được phương pháp nào cho ra kết quả tốt nhất là rất quan trọng. Thử nghiệm gây nhiễm cho người, tức cho người nhiễm một cách có tính toán cẩn trọng, có thể giúp ích.

Ai sẽ được tiêm vaccine trước?

Điều này phụ thuộc vào nơi Covid lây lan, thời gian vaccine được đưa vào sử dụng và nhóm nào thì vaccine phát huy công hiệu nhất.

Những người cao tuổi sống trong viện chăm sóc và nhân viên ở đó đứng đầu trong danh sách ưu tiên của nước Anh, kế đến và nhân viên y tế như nhân viên ở bệnh viện và những người trên 80 tuổi.

Dân Mỹ ‘có thể được tiêm vaccine Covid trong tháng tới’

Cuối cùng chúng ta đã có thuốc chủng ngừa Covid?

Cho đến nay, tuổi tác là yếu tố chịu rủi ro trước Covid.

Những gì vẫn cần phải được thực hiện?

Các thử nghiệm phải cho thấy vaccine an toàn

Cần phải phát triển vaccine ở quy mô lớn để có thể sản xuất hàng tỷ liều

Các cơ quan quản lý phải phê duyệt vaccine trước khi nó có thể được sử dụng

Các nhà nghiên cứu vẫn tìm hiểu xem các biện pháp bảo vệ có thể kéo dài trong bao lâu

Người ta cho rằng cần 60-70% dân số toàn cầu phải được miễn dịch để ngăn virus lây lan dễ dàng (miễn dịch cộng đồng) – hàng tỷ người, ngay cả khi vaccine hoạt động hoàn hảo.

Vaccine cho bảo vệ hết mọi người?

Mỗi người phản ứng khác nhau với chủng ngừa.

Lịch sử cho thấy bất kỳ loại vaccine nào cũng có thể kém hiệu quả hơn ở người già vì hệ thống miễn dịch của họ không đáp ứng tốt, như là đối với tiêm phòng cúm mùa. Nhưng dữ liệu đến nay cho thấy đây không phải là vấn đề với một số vaccine ngừa Covid.

Sử dụng nhiều liều có thể giúp khắc phục bất cứ vấn đề nào, cũng như có thể dùng kèm một hóa chất (gọi là chất bổ trợ) giúp thúc đẩy hệ miễn dịch.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55040937

Vac-xin ngừa Covid-19 : Bao giờ đến lượt nước nghèo ?

Thu Hằng

Có khoảng 6,8 tỉ liều vac-xin ngừa Covid-19 tương lai đã được đặt mua, trong đó có hơn 2,4 tỉ liều vac-xin đã được Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc và Nhật Bản ứng tiền trước để ngành công nghiệp dược phẩm có kinh phí bào chế. Trước dịch bệnh, sự bất bình đẳng y tế càng hiện rõ, khi hàng tỉ liều vac-xin đầu tiên sẽ chỉ dành phục vụ cho những nước giầu. Bao giờ sẽ đến lượt các nước nghèo ?

Tại thượng đỉnh G20 ngày 22/11/2020, lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu hứa nỗ lực hết sức để ủng hộ kế hoạch của Tổ Chức Y Tế Thế Giới biến vac-xin thành “tài sản chung của thế giới”, để tất cả các nước có thể “tiếp cận và được hưởng công bằng”.

Tuy nhiên, khoảng 50 triệu liều vac-xin đầu tiên của Pfizer/BioNTech trong năm 2020 sẽ được Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu chia nhau. Khối lượng dự kiến 1,3 tỉ liều vào năm 2021 cũng sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới, nếu căn cứ vào đơn đặt hàng lên đến 1,1 tỉ liều từ các nước giầu. Kỳ vọng được đặt vào 11 ứng viên vac-xin khác đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3.

Bị gạt khỏi cuộc chiến độc quyền vac-xin của các nước giầu, một số nước như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, chọn giải pháp kết hợp với một số công ty dược của Trung Quốc, Nga, Anh thử nghiệm lâm sàng vac-xin trên người dân địa phương để có thể có được vac-xin đại trà trong năm 2021 : Vac-xin Sinopharm sẽ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và Venezuela, còn Matxcơva “bắt tay” với New Delhi thử nghiệm Spoutnik V tại Ấn Độ.

“Với nhịp độ này, có lẽ 2/3 dân số thế giới sẽ không được tiếp cận vac-xin trước năm 2022”, trong khi theo ông Robin Guittard, phát ngôn viên tổ chức Oxfam Pháp, khi trả lời đài France 24, “trước một đại dịch toàn cầu như Covid-19, cách duy nhất để thoát khỏi là có được một giải pháp tập thể”.

WHO: 2 tỉ liều vac-xin cho 20% dân số thế giới

Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cố tránh để các nước giầu “độc quyền” vac-xin khi thành lập Covax vào tháng 04/2020, kết hợp với Liên minh vac-xin (Gavi) và Liên minh Đổi mới Phòng chống dịch bệnh (Cepi). Covax quy tụ nhiều chính phủ, các nhà khoa học, tổ chức dân sự và lĩnh vực tư, nhằm mục đích huy động được trước mắt 2 tỉ liều vac-xin để cung cấp cho khoảng 160 nước tham gia tiêm chủng cho 20% dân số.

Theo kế hoạch, một nửa số liều vac-xin này được dành cho 92 nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, chiếm đến một nửa dân số toàn cầu. Những nước này sẽ không phải trả chi phí cho vac-xin hoặc trả với giá rất thấp, thay vì giá mắc, ví dụ như 40 đô la/liều của Pfizer/BioNTech. Một tỉ liều còn lại sẽ dành cho 75 nước giầu hơn và được thanh toán theo giá hiện hành.

Theo trang France 24, Covax đã đặt mua hơn 600 triệu liều của 9 loại vac-xin ứng viên, trong đó có AstraZeneca, vừa được thông báo hiệu quả có thể đạt đến 90% và dự kiến sản xuất hơn 3 tỉ liều vào năm 2021. Vấn đề ở chỗ là Tổ Chức Y Tế Thế Giới cần gấp 4,3 tỉ đô la và thêm 2,8 tỉ vào năm 2021.

Một nguồn cung cấp thứ hai được Tổ Chức Y Tế Thế Giới kỳ vọng là “lòng hảo tâm” của các nước tham gia Covax. Liên minh Đổi mới Phòng chống dịch bệnh (Cepi) đang đàm phán với những nước giầu chuyển một phần vac-xin vào quỹ Covax, sau khi đã tiêm chủng cho số dân cần thiết, ví dụ Canada và Liên Hiệp Châu Âu đặt mua số lượng vac-xin gấp 2 lần nhu cầu. Hoa Kỳ không tham gia Covax và Tổ Chức Y Tế Thế Giới hy vọng sẽ có thay đổi với chính quyền tổng thống tân cử Joe Biden. Tương tự, Pfizer, tập đoàn đầu tiên có vac-xin được cấp phép, không tham gia Covax, nhưng đã “bày tỏ mong muốn cung cấp” cho kho của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Một khó khăn khác, liên quan đến hậu cần, cũng được đặt ra đối với những nước khó khăn. Vac-xin của Pfizer/BioNTech dựa trên công nghệ mới nên cần được bảo quản ở -70°C, trong khi “phần lớn các tủ bảo quản tại các bệnh viện trên thế giới là -20°C”, theo ghi nhận với AFP của Trudie Lang, giám đốc Mạng lưới Y tế Toàn cầu (Global Health Network) của đại học Oxford.

Vì vậy, trước mắt, kể cả khi có được vac-xin của Pfizer/BioNTech, người dân tại những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, đặc biệt là tại các nước nam bán cầu, cũng sẽ chưa được tiêm chủng ngay, do cần đầu tư vào thiết bị và đào tạo nhân viên.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201124-vac-xin-ng%E1%BB%ABa-covid-19-bao-gi%E1%BB%9D-%C4%91%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3t-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngh%C3%A8o

Diễn đàn Quốc tế: Đại dịch khiến phương Tây tỉnh ngộ, ĐCS Trung Quốc mới là virus

 Bình luận Đông Phương

“Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax 2020” ở Canada đã phát hành một sổ tay (handbook) vào cuối tuần qua, chỉ ra rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến các nước dân chủ nhận ra rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới là virus đang đe dọa thế giới. Đồng thời, đề xuất sửa chữa các quyết sách sai lầm trong quá khứ và thiết lập các nguyên tắc mới để đối phó với ĐCSTQ.

Báo cáo của “Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax” (Halifax International Security Forum) ở Canada đã chỉ ra mối đe dọa của ĐCSTQ đối với các nước dân chủ, thông qua cách cai trị, sự chuyên quyền về công nghệ và chiến lược… đối với chính người dân trong nước của ĐCSTQ.

Hôm 20/11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Diễn đàn này rằng, Tổng thống Trump nhận thức rõ mối đe dọa to lớn đến từ ĐCSTQ, họ đã và đang tiến hành phản công (ĐCSTQ) ngay tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: “ĐCSTQ đặt ra một mối đe dọa to lớn đối với các hệ thống, nền tảng và các giá trị được coi trọng ở các nền dân chủ trên toàn thế giới. Tổng thống Trump biết rất rõ điều này và ông ấy đã thiết lập một cuộc phản công bắt đầu từ Hoa Kỳ, và nhiệm vụ của tôi là thiết lập kiểu phản công như vậy trên toàn thế giới”.

Ông Pompeo đã chỉ ra trong bài phát biểu trước đây của mình rằng, dưới sự thúc đẩy của chính quyền Tổng thống Trump, thế giới tự do đã đạt được đồng thuận mới về mối đe dọa của ĐCSTQ.

Chủ tịch Diễn đàn Halifax – ông Peter Van Praagh cho biết trong lời mở đầu của cuốn sổ tay: “Năm 2020 đã chứng kiến ​​sự thay đổi mang tính căn bản trong thái độ của thế giới dân chủ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Biểu hiện cụ thể là, nếu quan điểm truyền thống trước đây là một Trung Quốc thịnh vượng về kinh tế cuối cùng sẽ mang lại nhiều tự do hơn cho người dân, vậy thì quan điểm chung mới [bây giờ] là ĐCSTQ mới là virus gây nguy hiểm cho thế giới”.

Diễn đàn đã xuất bản cuốn sổ tay với tên gọi “Trung Quốc và các nền dân chủ – Ván cờ lớn nhất thế kỷ” (China VS. Democracy: The Greatest Game), trong đó viết: “Đáng lẽ ra không nên thông qua một trận dịch toàn cầu để khiến thế giới thanh tỉnh, nhưng cuối cùng, họ đã thức tỉnh rồi”.

Sổ tay cũng nêu rõ rằng để đối phó với ĐCSTQ, các quốc gia dân chủ nên dừng các cách làm sai trái được liệt kê trong đó, đây cũng là để tránh làm tổn hại đến các giá trị chung.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/the-gioi/dien-dan-quoc-te-dai-dich-khien-phuong-tay-tinh-ngo-dcs-trung-quoc-moi-la-virus-106536.html

Liên Hiệp Châu Âu sắp cấp phép hai vac-xin ngừa Covid-19

Thu Hằng

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đang nghiên cứu đơn xin cấp phép cho ba loại vac-xin ứng viên. Những vac-xin ngừa Covid-19 đầu tiên có thể sẽ được thông qua từ giờ đến cuối năm hoặc vào đầu năm 2021, theo thông báo của EMA ngày 23/11/2020.

Trong thư trả lời AFP, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu giải thích : “Ở thời điểm hiện tại khó có thể nói chắc chắn về thời hạn cho phép vac-xin vì chúng tôi chưa có hết mọi dữ liệu và vẫn đang tiến hành đánh giá”

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu, trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), có nhiệm vụ cho phép và kiểm tra các loại dược phẩm lưu hành trong Liên Hiệp Châu Âu. Cơ quan này đang thúc đẩy quá trình đánh giá hiệu quả các loại vac-xin ngừa Covid-19 theo kết quả thử nghiệm trước khi thông qua.

Quyết định cuối cùng thuộc về Ủy Ban Châu Âu. Vào tuần trước, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen khẳng định Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu có thể phê chuẩn hai loại vac-xin của Pfizer-BioNTechn và của Moderna “trong nửa cuối tháng 12”.

Vac-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna nằm trong số ba vac-xin ứng viên, cùng với Oxford/AstraZeneca, đang được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu thẩm định.

Vac-xin ngừa Covid thứ ba có hiệu quả đến 90%

Ngày 23/11, hãng dược Anh AstraZeneca, kết hợp với đại học Oxford, thông báo phát triển được vac-xin có hiệu quả trung bình là 70%, thậm chí là 90% trong một số trường hợp. Vac-xin của AstraZeneca/Oxford đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Anh và Brazil.

Nhờ sử dụng công nghệ truyền thống hơn, vac-xin của AstraZeneca có lợi thế về giá và dễ bảo quản hơn. Tập đoàn Anh cho biết sẽ nhanh chóng sản xuất khoảng 3 tỉ liều cho năm 2021. Luân Đôn đã đặt mua trước 100 triệu liều vac-xin của AstraZeneca/Oxford, cùng với 225 triệu liệu từ các công ty khác.

Hiện thế giới có 21 loại vac-xin đang được thử nghiệm trong giai đoạn 1 (từ 10 đến 100 người), 16 loại trong giai đoạn 2 và 11 loại trong giai đoạn 3.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-s%E1%BA%AFp-c%E1%BA%A5p-ph%C3%A9p-hai-vac-xin-ng%E1%BB%ABa-covid-19

Anh đề xuất dự luật an ninh cấm Huawei tham gia mạng 5G

Anh Quốc hôm thứ Ba đề xuất dự luật an ninh mới, theo đó các hãng viễn thông khổng lồ của nước này sẽ bị phạt nặng nếu không tuân thủ quy định đảm bảo an ninh nghiêm ngặt.

Dự luật An ninh Viễn thông cấm việc để hãng Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng viễn thông 5G của Anh.

Anh Quốc: Thiết bị 5G của Huawei phải gỡ bỏ hết vào 2027

Huawei cảnh báo Anh quốc đừng đổi ý về 5G sau đại dịch

Nghị sĩ Anh: ‘Đến VN còn không muốn Huawei’

Những nước nào chặn công nghệ 5G của Huawei?

Dự luật cũng quy định rằng công ty nào đến hạn chót mà không đáp ứng được các yêu cầu an ninh cao hơn cũng sẽ phải đối diện với những khoản phạt khổng lồ.

Trong số này gồm cả việc phạt 10% doanh thu, tức là hơn 100.000 bảng Anh một ngày.

Các nỗ lực nhằm cấm Huawei tham dự vào mạng lưới 5G đã được đưa ra kể từ hơn một năm nay. Nhưng dự luật này là bước đi đầu tiên trong việc đưa những lệnh cấm đó thành luật, nêu quy định chi tiết, chính xác về cách thức áp dụng lệnh cấm – nếu được Quốc hội thông qua.

Dự luật trao cho chính phủ các quyền đối với an ninh quốc gia, theo đó chính phủ được ra chỉ dẫn cho các công ty viễn thông lớn, chẳng hạn như BT, trong việc được sử dụng các nhà cung cấp có “độ rủi ro cao” – trong đó có Huawei – như thế nào.

Dự luật cũng đưa ra một biện pháp mới, theo đó quy định bất kỳ công ty nào nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ phải đối diện với những khoản phạt nặng. Tuy nhiên, khoản dọa phạt 100.000 bảng mỗi ngày này sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp “tiếp tục vi phạm”, chính phủ nói.

Ofcom, cơ quan quản lý viễn thông Anh, sẽ được trao nhiệm vụ theo dõi, giám sát thực thi các quy định, bên cạnh những quyền lực mới mà cơ quan này có thể cần để thực hiện việc giám sát.

Đây là bước đi nhằm chính thức luật hóa việc cấm Huawei sau nhiều tháng tranh cãi chính trị ở tầm quốc gia và quốc tế quanh chủ đề ‘Huawei đe dọa an ninh’ và những mối liên hệ mà hãng này bị cho là có đối với nhà nước Trung Quốc.

Đổi ý

Ban đầu, Anh Quốc quyết định rằng thiết bị của Huawei cần phải bị gỡ bỏ khỏi các phần nhạy cảm của mạng lưới cốt lõi, và chỉ được chiếm tối đa 35% trong các hệ thống không cốt lõi. Hạn chót cho việc đáp ứng các yêu cầu này ban đầu được đưa ra là năm 2023.

Tuy nhiên, với áp lực từ phía Hoa Kỳ, Anh đã điều chỉnh để ra lệnh gỡ bỏ hết các thiết bị của Huawei khỏi toàn bộ mạng lưới 5G của Anh, chậm nhất là vào năm 2027.

“Chúng ta đang đầu tư hàng tỷ bảng vào việc triển khai mạng 5G và dịch vụ băng thông rộng tốc độ cao trên toàn quốc, nhưng các lợi ích này chỉ có thể đạt được nếu như chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào mức độ an ninh và độ bền của mạng lưới của mình,” Bộ trưởng Kỹ thuật số Oliver Dowden nói.

“Dự luật đột phá này sẽ đem đến cho Anh Quốc một trong những chế độ an ninh viễn thông nghiêm ngặt nhất trên thế giới, và cho phép chúng ta có hành động cần thiết để bảo vệ các mạng lưới của mình.”

Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao nói rằng các nghĩa vụ về an ninh nhiều khả năng sẽ bao gồm cả những việc như ra quy định ai có quyền tiếp cận tới các phần nhạy cảm của hệ thống cốt lõi, việc kiểm toán an ninh được thực hiện ra sao, và việc bảo vệ dữ liệu khách hàng sẽ được tiến hành thế nào.

Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia, Tiến sĩ Ian Levy nói rằng “các mạng lưới quốc gia và các nhà điều hành mạng của chúng ta cần phải biết là họ được trông đợi những gì”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi cam kết nâng cao tiêu chuẩn, và dự luật này đưa ra những yêu cầu an ninh viễn thông mới, sẽ giúp cho các nhà mạng ra những quyết định quản lý rủi ro tốt hơn.”

Tuy nhiên, Huawei bác bỏ những quan ngại liên quan tới hoạt động của hãng.

“Quyết định này mang động cơ chính trị, không dựa trên việc đánh giá thẩm định công bằng đối với các rủi ro,” Phó Chủ tịch Huawei Victoria Zhang nói.

“Nó không phục vụ cho lợi ích tốt nhất của bất kỳ ai, bởi nó sẽ khiến Anh Quốc đi vào làn đường chậm, và gây rủi ro cho chương trình đồng đều hóa kỹ thuật số trên toàn quốc của nước này.”

https://www.bbc.com/vietnamese/business-55046548

Virus corona : Thủ tướng Anh loan báo dỡ bỏ dần phong tỏa

Thụy My

Đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai tại Anh sẽ kết thúc vào ngày 02/12/2020 như dự kiến, theo thông báo của thủ tướng Boris Johnson hôm qua, 23/11/2020. Ông cũng đã loan báo chiến lược nhằm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh sau đó, với mục tiêu để người dân có thể mừng dịp lễ cuối năm. Các biện pháp hạn chế vẫn tiếp tục theo ba cấp độ tùy tình hình từng địa phương, nhưng được tăng cường thêm và kèm theo xét nghiệm hàng loạt.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :

Đến thứ Năm, chính phủ Anh sẽ thông báo cụ thể mức độ giới hạn cho từng khu vực. Nhưng dù sao đi nữa, thay đổi lớn nhất là người dân một lần nữa lại có thể ra ngoài tối đa là 6 người, thay vì mỗi gia đình một người trong thời kỳ phong tỏa. Về việc mở lại nhiều cửa hàng, quán rượu, nhà hàng và phòng tập thể thao vốn rất được chờ đợi, thì thực ra còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của từng nơi.

Thủ tướng Boris Johnson tỏ ra thận trọng để tránh buông lỏng trước dịp Noël. Ông nói : « Đây sẽ là một mùa đông đầy khó khăn. Có thể không phải là một Noël bình thường, và con đường đến mùa Xuân còn dài. Nhưng chúng ta đã bước qua được một giai đoạn và lối thoát đang ở phía trước. Cần phải chống chọi với con virus, cho đến khi việc xét nghiệm và vac-xin cứu được chúng ta và giảm bớt sự cần thiết phải phong tỏa ».

Ông Boris Johnson cũng hứa sẽ tăng cường xét nghiệm hàng loạt để trước mắt rút ngắn được thời hạn cách ly. Và trong dịp Noël, mỗi gia đình có thể mừng lễ bên ngoài với hai gia đình khác, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chẳng hạn từ ngày 23 đến 27 tháng 12. Bốn nước trong Liên HIệp Vương Quốc Anh đang thảo luận để thống nhất biện pháp này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-virus-corona-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-anh-loan-b%C3%A1o-d%E1%BB%A1-b%E1%BB%8F-d%E1%BA%A7n-phong-t%E1%BB%8Fa

Pháp đặt hai điều luật mới cho tội ‘sát hại môi trường’

Pháp xử tù tới 10 năm và phạt 4,5 triệu euro cho tội cố ý hủy hoại môi trường trong lúc một số nước châu Âu lên kế hoạch bỏ xe chạy xăng và diesel trong tương lai gần.

Tại Pháp, nữ Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Barbara Pompili và Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti công bố hôm Chủ Nhật vừa qua rằng nước này Pháp sẽ đưa ra hai khái niệm tội phạm mới là “tội gây ô nhiễm” và “tội gây nguy hiểm cho môi trường”.

Pháp suy thoái kinh tế, Đức sụt giảm ‘nghiêm trọng’

Bầu cử Mỹ 2020: Trump đã thay đổi thế giới như thế nào

Các nhà vận động từng kêu gọi các nước ra luật xác định tội “ecocide” – sát hại môi sinh.

Theo giới chức Pháp, ý tưởng đó tốt nhưng khái niệm “ecocide” quá rộng nên họ sẽ chỉ ra luật tăng hình phạt tiền tới 4,5 triệu euro và tù tới 10 năm cho hai tội danh mới để bảo vệ môi trường.

Hai tội danh này nhắm vào các hành vi hình sự mà hậu quả cuối cùng có thể là “làm chết hệ sinh thái”, theo các báo châu Âu.

Xử phạt nặng cho hành vi cố ý

Trả lời tuần báo Journal du Dimanche (JDD) hôm 22/11, hai bộ trưởng Pháp xác nhận ý tưởng về tội ‘ecocide’ được nói đến từ lâu nhưng nước Pháp sẽ chỉ tăng hình phạt với sự vi phạm cố ý (intentional violation) với luật bảo vệ môi trường đã có.

Tổ chức ‘Công ước Công dân vì Khí hậu’ () do chính nhà nước Pháp lập ra một năm trước đã tập hơn 150 đại diện của xã hội Pháp để bàn về các cách bảo vệ môi trường.

Họ đã trình lên Tổng thống Emmanuel Macron 149 đề xuất và có 146 được biến thành chính sách, trong đó có việc ra hai điều khoản mới, với mức hình phạt tăng để xử lý tội vi gây ô nhiễm hoặc gây hại cho môi trường.

Nếu như Pháp và một số nước đang tính chuyện đưa ‘sát hại thiên nhiên’ vào luật, vấn đề của giới vận động là làm sao để ‘tội ác chống thiên nhiên’ được quốc tế công nhận.

Cụ thể là họ muốn các tội chống lại thiên nhiên có thể khiến kẻ vi phạm phải ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court).

Hiện tòa này mới chỉ xử bốn tội: diệt chủng (genocide- nguyên văn là giết loài người), tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội xâm lăng (crimes of aggression).

Nhà vận động Jojo Mehta hy vọng rằng cộng đồng quốc tế “đã tới lúc cần thừa nhận phá hoại môi sinh là tội ác”, và bà nói cần “vạch ra lằn ranh đỏ về đạo đức”.

Các chính phủ có thể ra luật nghiêm khắc trừng phạt ai phá hoại môi trường, nhưng để thành luật quốc tế thì ‘ecocide’ cần đa số quá bán của các thành viên Liên hiệp quốc thông qua, tức là ít nhất 82 nước.

Việc này xem ra rất khó vì nếu phạm vi trừng phạt của tội ‘sát hại thiên nhiên’ nhắm vào cả các chính phủ, chính trị gia đương quyền (như tội diệt chủng), thì khó có chuyện họ ủng hộ đưa nó thành luật quốc tế, tức là thành một phần của Hiệp ước Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế.

Tiến tới năng lượng sạch

Dù vấn đề pháp lý không dễ giải quyết trên bình diện quốc tế, nhiều nước châu Âu đã có các quy định, luật và chính sách khác nhau để thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy công nghệ dùng năng lượng sạch.

Đức đã có nhiều luật và quy định về khí thải (emission law), về nước thải, chuẩn xây dựng, thiết kế công nghiệp với mức phạt lên tới 50 nghìn euro cho một lần vi phạm hành chính. Ngoài ra là các điều luật hình sự, gồm cả hình phạt tù giam cho tội nghiêm trọng gây hại cho môi trường.

Nhìn chung, cả Đức và toàn bộ các nước thành viên EU đều cam kết đặt ra tiêu chí cắt giảm khí CO2 sau các cam kết UNFCCC và Nghị định thư Kyoto, cùng Thỏa thuận Paris.

Châu Âu còn đặt ra kế hoạch về khí hậu và năng lượng sạch, tái tạo đến 2030 (Climate and Energy Policy Framework 2030).

Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, việc xử phạt nặng (như Pháp và Đức đã và đang làm), chắc chắn là chưa đủ.

Người ta thấy càng ngày càng cần phải thay đổi toàn bộ cách vận hành của giao thông, vì hành vi lái xe, dùng phương tiện công cộng và tư nhân trong sinh hoạt và kinh tế, không thể bị coi là ‘vi phạm’ luật môi trường, nhưng tác động đến môi trường lại rất lớn.

Vì thế, các nước châu Âu đang tiến tới việc cấm hẳn xe hơi chạy xăng và dầu diesel trong 10-15 năm tới.

Anh Quốc, nước chủ trì Hội nghị Toàn cầu về Biến đổi Khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland tháng 11/2021, nói sẽ không cho mua, đăng ký xe hơi chạy xăng và dầu diesel từ năm 2030.

Sau thời điểm đó là quá trình chuyển dần sang xe chạy năng lượng sạch.

Quá trình này đòi hỏi Anh Quốc phải thiết kế hàng trăm nghìn trạm xác pin cho ô-tô và hỗ trợ thị trường để giảm giá xe chạy điện hiện vẫn cao gấ̃p 2-3 lần xe chạy xăng.

Pháp sẽ cấm hẳn xe hơi chạy xăng và diesel từ 2040.

Tính đến tháng 7/2020, chính phủ Đức không chỉ hỗ trợ các nhà sản xuất xe hơi chuyển dần công nghệ sang làm xe chạy động cơ điện, mà còn bù giá cho người mua xe tới 6000 euro nếu họ mua xe điện.

Khoản tiền này cao hơn hẳn tiền giảm giá 3000 bảng mà chính phủ Anh giúp cho các hãng bán xe, trong chương trình ‘Plug-in Car Grant’.

Cùng lúc, nhiều tập đoàn năng lượng tại châu Âu đang lên kế hoạch khai thác động cơ ‘fuel cell’ dùng hydrogen là chất trung chuyển năng lượng sạch cho giao thông công cộng.

Một ví dụ ở Anh là chính phủ vừa duyệt dự án của công ty cấp nước Welsh Water nhằm biến khí sinh học (biogas) từ chất thải thành năng lượng hydrogen.

Công ty hiện phục vụ 3 triệu cư dân ở Wales, Herefordshire và Cheshire lên kế hoạch dùng 100% nhiên liệu cho hoạt động cung cấp nước của họ vào năm 2050 bằng nguồn năng lượng sạch và tái tạo, gồm hydrogen, điện gió và điện mặt trời.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-55058088

Covid-19: Tổng thống Pháp thông báo các bước giảm nhẹ phong tỏa

Trọng Thành

Dịch bệnh Covid tại Pháp đang có chiều hướng giảm mạnh, nhưng tình hình vẫn còn nghiêm trọng. Tối nay, 24/11/2020, tổng thống Emmanuel Macron sẽ chính thức thông báo với dân chúng về đường hướng chống dịch trong những tuần sắp tới. Có một điều chắc chắn là việc phong tỏa vẫn tiếp tục, cho dù sẽ có các biện pháp giảm nhẹ.

Trước khi một lần nữa phát biểu trên truyền hình vào lúc 20 giờ, sáng nay, tổng thống Pháp Macron đã họp Hội đồng Quốc phòng để điểm lại tình hình dịch bệnh, trước khi thông báo các quyết định cuối cùng. Khác với những lần trước, truyền thông Pháp dự đoán sẽ ít có các bất ngờ trong tuyên bố của tổng thống. Về cơ bản, đường hướng chống dịch cho những tuần tới đã được xác định trước, bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ khoảng ngày 1/12 trở đi. Giai đoạn 2 vào dịp trước kỳ nghỉ Noel và giai đoạn 3 sẽ khởi sự kể từ đầu năm 2021.

Thủ tướng Jean Castex, trong một phát biểu tối hôm qua, cho biết việc phong tỏa sẽ được « giảm nhẹ từ từ ». Thủ tướng Castex cảnh báo, Noel nếu diễn ra như bình thường sẽ là cơ hội cho dịch bùng phát trở lại. Thông điệp của thủ tướng Pháp cũng tương tự như đa số lãnh đạo các quốc gia châu Âu lớn. Hôm qua, thủ tướng Anh tuyên bố các biện pháp hạn chế sẽ được duy trì trong nhiều tháng nữa.

Trước mắt, dự kiến tổng thống Macron sẽ cho phép dỡ bỏ các hạn chế đối với việc mua bán hàng hóa nhân dịp Noel, với việc cho phép mở lại các cửa hàng được coi « không thiết yếu », như hiệu sách hay các cửa hàng quần áo. Việc mở cửa trở lại có thể bắt đầu ngay từ kỳ nghỉ cuối tuần này, nhưng với các quy định chặt chẽ hơn. Việc mở các trạm trượt tuyết có thể sẽ được quyết định trong những tuần tới.

Theo yêu cầu của Tham Chính Viện, các địa điểm tín ngưỡng cũng sẽ được mở cửa trở lại, nhưng phải giới hạn số người tham dự. Vấn đề mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, rạp hát và bảo tàng hiện còn để ngỏ. Ngược lại, thủ tướng Castex không ủng hộ việc mở lại các quán cà phê, quán bar, nhà hàng ngay từ ngày 1/12. Quan điểm của thủ tướng tiếp tục bị giới tiểu thương phản đối mạnh hôm qua.

Hôm qua, đã có thêm hơn 4.400 người dương tính với virus. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên con số này tụt xuống dưới mức 5.000 ca một ngày, kể từ 28/09. Việc giảm xuống chỉ có từ 3.000 đến 5.000 người nhiễm mới mỗi ngày được tổng thống Pháp xác định như là mục tiêu hướng đến. Nếu đạt mức này, coi như về cơ bản dịch nằm trong tầm kiểm soát.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201124-covid-19-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ph%C3%A1p-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-c%C3%A1c-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-gi%E1%BA%A3m-nh%E1%BA%B9-phong-t%E1%BB%8Fa

Covid-19 : Paris duy trì các tủ kính trưng bày Noël

Tuấn Thảo

Mặc dù lệnh phong tỏa tại Pháp vẫn tiếp tục và có lẽ các cửa hiệuchỉ được mở lại với điều kiện vào đầu tháng 12/2020, nhưng các cửa hàng lớn tại Paris nhân mùa lễ cuối năm vẫn duy trì việc trang trí lộng lẫy các tủ kính trưng bày để chuẩn bị đón Giáng Sinh và Tết Dương lịch.

Thủ đô Paris cuối tuần qua đã mời ca sĩ kiêm diễn viên Louane thắp sáng đại lộ Champs-Élysées bằng muôn ánh đèn màu. Bình thường thì sự kiện này khai mạc mùa sinh hoạt đón mừng những ngày lễ cuối năm, khi phố xá nhộn nhịp lên đèn, các cửa hàng tấp nập người mua kẻ bán. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm tê liệt mọi sinh hoạt, các ngôi chợ Giáng Sinh tại thủ đô Paris cũng như tại nhiều thành phố lớn khác bị hủy bỏ khiến cho khung cảnh càng thêm vắng vẻ, phố xá đìu hiu.

Cho dù vẫn còn bị đóng cửa, các cửa hàng lớn tại Paris vẫn trung thành với hầu hết các truyền thống mùa Noël, qua việc trang trí các tủ kính trưng bày. Hầu hết người dân thủ đô đều bị hạn chế trong việc di chuyển, nhưng khách tham quan vẫn có thể xem qua các phóng sự hay video giới thiệu trên mạng, trước khi họ được chiêm ngưỡng tận mắt một khi các biện pháp phong tỏa dần dần được giảm nhẹ, tháo gỡ. 

Le Bon Marché và truyền thống tủ kính Giáng Sinh 

Kể từ trung tuần tháng 11, mặt tiền các cửa hàng lớn tại Paris như Printemps Haussmann, Galeries Lafayette, BHV Marais, Beaugrenelle Paris, Le Bon Marché Rive Gauche đều bắt đầu được kết hoa treo đèn, cộng thêm với nhiều tủ kính trang trí, trong đó có dựng lên những hoạt cảnh vô cùng bắt mắt, cực kỳ sinh động. Nhìn từ xa, các cửa hàng lớn tựa như những dòng suối sánh sáng, lung linh muôn giọt đèn màu, lấp lánh ngàn hạt kim tuyến, nhân những ngày hội đầu tiên, báo hiệu mùa đông sắp đến. 

Các tủ kính đầu tiên được hoàn tất vào đầu tháng 11 tại cửa hàng “Le Bon Marché” ở Paris quận 7, hầu như cùng thời điểm nước Pháp bước vào đợt phong tỏa thứ nhì. Dựa theo chủ đề các vì vua trong những cánh rừng phủ đầy tuyết trắng, ban giám đốc cửa hàng Le Bon Marché đã khai trương 4 tủ kính lớn nằm dọc góc phố Rue de Sèvres. Mỗi tủ kính là một tấm ”bưu thiếp” âm thanh sinh động kèm theo những hình tượng linh hoạt. “Các vị vua trong rừng tuyết” ở đây chính là đàn thỏ con với nhiều màu sắc khác nhau. 

Theo giải thích của ban quản lý Le Bon Marché, hơn 100 nhân viên đã được huy động trong gần hai tháng liền để vận chuyển tất cả các món đồ trang trí đến thủ đô Paris, rồi lắp ráp các hoạt cảnh sao cho kịp ngày ra mắt các tủ kính trưng bày. Mỗi tủ kính được dàn dựng tỉ mỉ công phu, với hàng trăm món đồ chơi bằng gỗ hay bằng các chất liệu tái chế, mỗi gia đình thỏ di chuyển cử động như thể đang rong chơi vui đùa, bầy thú cùng nhau thực hiện một điệu múa thể hiện các yếu tố thiên nhiên như gió mây, gỗ cây, sóng biển hay ánh nắng. 

Printemps vẫn hoành tráng dù thời buổi khó khăn 

Về phía chuỗi cửa hàng lớn Printemps, mặc dù tập đoàn này đang trải qua nhiều khó khăn tài chính, buộc phải đóng 25% các địa điểm kinh doanh và sa thải khoảng 450 nhân viên, thế nhưng cửa hàng Printemps trên đại lộ Haussmann vẫn duy trì việc trang trí mặt tiền. Chẳng những thế, Printemps không dè sẻn trong chi tiêu khi dựng lên 185 cây thông Noël ở bên trong cũng như ở bên ngoài cửa hàng, và kết một chùm dây kim tuyến trải dài trên hơn 3.500 mét.

Printemps Haussmann làm như vậy, trước hết là vì đây là trụ sở của tập đoàn, cho nên lại càng cần bảo vệ uy tín của thương hiệu. Bên cạnh đó, ngân sách dành cho việc trưng bày từng được thông qua từ năm trước và để chuẩn bị kịp thời cho tháng 11, cửa hiệu này phải lên kế hoạch sắp đặt tủ kính trưng bày kể từ mùa hè. Cho nên Printemps vẫn tiến hành kế hoạch trang trí hầu chuẩn bị cho mùa lễ cuối năm, bởi vì đây là mùa mua bán cực kỳ quan trọng đối với các thương hiệu nổi tiếng và chính phủ Pháp buộc phải tìm cho ra giải pháp có thể dung hòa cả hai vế : cho phép giới kinh doanh hoạt động cuối năm, những đồng thời vẫn kềm chế càng mạnh càng tốt đà lây lan của dịch Covid-19.

Với chủ đề “Partageons Noël”, cửa hàng Printemps Haussmann sắp đặt nhiều tủ kính lớn, với tổng cộng 92 nhân vật tí hon, đa số là những búp bê, hình nộm hay thú bông biết cử động, nhảy múa, đàn hát y như người thật. Các nhân vật ở đây gợi hứng từ thế giới truyện tranh của  họa sĩ Beax được chia thành 9 gia đình (Printania, Piedmarin, Dubois, Dujardin, Toutchuss, Polyphonie, Courandair, Deschamps hay là Millebornes) …..

Các gia đình quây quần lại với nhau để cùng chia sẻ không khí đầm ấm của mùa Giáng Sinh, được tái tạo trong một hoạt cảnh trên bờ biển hoặc là trên núi, trong chòi gỗ hoặc ở trong rừng, trong vườn hoa hay là bên hồ nước, các tủ kính của Printemps Haussmann là một cái nháy mắt đầy cảm thông trìu mến trong bối cảnh dân Pháp vẫn còn bị hạn chế đi lại, không thể viếng thăm nhau, dù là người thân hay bạn hữu trong những ngày cuối tuần (ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp).

Galeries Lafayette : Phiêu lưu vòng quanh thế giới

Cũng trên đại lộ Haussmann, cửa hàng Galeries Lafayette mời khách tham quan bước vào thế giới giàu sức tưởng tượng qua chuyến đi vòng quanh trái đất cùng với cô bé Céleste, một nhà thám hiểm trẻ tuổi. Các tủ kính được thực hiện như một cuốn sổ tay hành trình, 11 chương sách được tái tạo thành 11 bức tranh sống động, mỗi chương là một chặng đường đầy khám phá thú vị, bất ngờ của Céleste. 

Phần chỉ đạo nghệ thuật được giao cho Tom Schamp, một họa sĩ người Bỉ chuyên minh họa các tập truyện thiếu nhi. Giờ đây họa sĩ này dựng thành hoạt cảnh ba chiều hai thế giới tưởng tượng của các họa sĩ nổi tiếng là Chéri Samba và tác giả Jacques de Loustal. 

Hành trình phiêu lưu của Céleste có phần giống như truyện ngụ ngôn “Hoàng tử bé” của văn hào Pháp Antoine de Saint-Exupéry, vì mỗi chuyến thám hiểm là dịp để gặp gỡ nhiều nhân vật của thế giới thần tiên, như chú báo đốm ẩn nấp trong rừng tuyết, ngôi làng dưới nắng của các chú gấu Bắc Cực, các chú khỉ còn tinh nghịch giữa đồi hoang, sa mạc khô cằn lại trỗ bông hoa diệu kỳ có vũ điệu thướt tha như ngôi sao múa ballet, những con búp bê matryoska xinh xắn lạ thường cũng xoay mình theo các làn điệu truyền thống xứ Nga. 

Trong chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới ấy, cứ mỗi chặng đường, cô bé Céleste lại mang về một món quà, để gắn trên cây thông khổng lồ nằm ngay tại gian chính của cửa hàng Galeries Lafayette. Cứ nửa tiếng đồng hồ, toàn bộ ánh sáng đều chợt tắt để nhường chỗ lại cho một show lung linh ánh sáng, hoành tráng âm thanh.

Năm nay, hơn bao giờ hết, các hộ gia đình tại Pháp mong muốn tìm lại được bầu không khí thân thương ấm cúng của những buổi họp mặt trong nhà. Dưới mái vòm thủy tinh nguy nga của một trong những cửa hàng nổi tiếng nhất Paris, tỏa lên một chút ánh sáng hy vọng, dù tương lai còn tăm tối bấp bênh, một niềm vui nho nhỏ nhưng lại có nhiều ý nghĩa trong thời dịch bệnh.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201124-covid-19-paris-duy-tr%C3%AC-c%C3%A1c-t%E1%BB%A7-k%C3%ADnh-tr%C6%B0ng-b%C3%A0y-no%C3%ABl

Truyền thông Israel: Thủ tướng Netanyahu bí mật gặp thái tử Ả Rập Xê Út thảo luận bình thường hóa quan hệ

Quý Khải

Tổng thống Mỹ Donald Trump là người có chính sách đối ngoại thành công nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ, khi gần đây lại có một chiến công thúc đẩy hòa bình khác nữa tại khu vực Trung Đông, theo tờ The Gateway Pundit hôm 23/11.

Trong một khoảng thời gian ngắn cầm quyền, Tổng thống Trump đã bóp nghẹt Trung Quốc, kiềm chế hiệu quả nhà độc tài Bắc Triều Tiên, mang lại hòa bình cho Kosovo và Serbia và làm trung gian hòa giải giữa Israel và ba quốc gia Ả Rập.

Hồi tháng 10, Tổng thống Trump tuyên bố Israel và Sudan đã đồng ý bình thường hóa quan hệ.

Nhờ công lao của chính quyền Trump, Sudan nối gót là quốc gia Hồi giáo thứ ba trong 3 tháng vừa qua công bố một thỏa thuận hòa bình với Israel!

Đây là thỏa thuận hòa bình thứ ba với Israel và là thỏa thuận hòa bình thứ tư mà chính quyền TT Trump đã xúc tiến thành công.

Tổng thống Trump cũng kêu gọi đưa quân đội Mỹ hồi hương từ Syria, Iraq và Afghanistan.

Và gần đây nhất là một thông tin rất chấn động.

Hãng tin BBC dẫn tin từ truyền thông Israel cho hay, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bí mật tới Ả Rập Xê Út để đàm phán hòa bình với nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út, Thái tử Mohammed bin Salman.

Cụ thể, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bí mật bay đến Ả Rập Xê-út hôm Chủ nhật để gặp Thái tử Mohammed bin Salman.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy một chiếc máy bay phản lực thương mại mà ông Netanyahu từng sử dụng trước đó đã  bay thẳng từ sân bay quốc tế Ben Gurion ở thủ đô Tel Aviv đến thành phố Neom tại Biển Đỏ thuộc Ả Rập Xê út.

Chưa có xác nhận chính thức, nhưng một bộ trưởng Israel cho biết ông đã được Bộ Ngoại giao thông báo về việc này.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên được biết đến giữa các nhà lãnh đạo của hai nước có lịch sử đối địch lâu dài mà Mỹ đang muốn thúc đẩy bình thường hóa quan hệ.

Tổng thống Donald Trump gần đây đã làm trung gian thúc đẩy các thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và 3 nước gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Sudan.

Tờ The Gateway Pundit nhận định, điều này sẽ không xảy ra dưới thời bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác ngoài Donald Trump, và thật xấu hổ khi các phương tiện truyền thông dòng chính cánh tả chỉ quan tâm đến việc nói dối công chúng Mỹ và phớt lờ các thành tích của vị tổng thống có một không hai này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/truyen-thong-israel-thu-tuong-netanyahu-bi-mat-gap-thai-tu-a-rap-xe-ut-thao-luan-binh-thuong-hoa-quan-he.html

Nga nói họ đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi hải phận Nga trên Biển Nhật Bản

Hôm 24/11, Nga cho hay một tàu chiến Nga đã chặn lại, và đuổi đi một khu trục hạm của Mỹ ‘hoạt động bất hợp pháp trong các vùng biển của Nga’ trên Biển Nhật Bản, nhưng hải quân Hoa Kỳ bác bỏ lối diễn giải này, nói rằng tàu Mỹ không làm bất cứ điều gì sai trái, và tố cáo yêu sách chủ quyền quá đáng của Moscow, Reuters đưa tin.

Theo Moscow, khu trục hạm Đô đốc Vinogradov của Nga đã cảnh cáo chiến hạm John S. McCain, một tàu hải quân có tên lửa dẫn đường của Mỹ, đe dọa húc tàu để buộc chiến hạm Mỹ phải rời khỏỉ khu vực.

Nga cho rằng tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương của họ đã theo dõi khu trục hạm Mỹ trong vùng Vịnh Peter the Great, và tàu Mỹ đã lấn vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Nga vào lúc 0317 giờ GMT và tiến sâu tới 2 cây số từ ranh giới biển của Nga.

Tư liệu: Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain chuẩn bị rời cảng Yokosuka, Nhật Bản, ngày 27/11/2018.

Hải quân Hoa Kỳ nói tàu chiến của Mỹ trước sau vẫn ở trong vùng biển quốc tế trong khi thực hiện tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải và thách thức “yêu sách chủ quyền quá đáng” của Nga.

Người phát ngôn của Hạm đội 7 của Mỹ, Đại úy Joe Keiley nói:

“Hoa Kỳ sẽ không bao giờ để bị trấn áp hoặc bị uy hiếp phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp, như những yêu sách của Liên bang Nga.”

Đại uý Keiley nói tiếp:

“Tuyên bố của Liên Bang Nga về vụ việc này sai với sự thực. Chiến hạm John S. McCain không bị đuổi ra khỏi bất cứ hải phận của bất cứ nước nào.”

Moscow nói khu trục hạm Mỹ không tìm cách xâm nhập vùng biển của Nga sau khi rời khỏi khu vực. Chiến hạm Đô đốc Vinogradov tiếp tục quan sát các động thái của tàu chiến Mỹ và điều một tàu hộ tống tới khu vực.”

Những vụ va chạm như thế này tương đối hiếm xảy ra, nhưng chúng nêu bật tình trạng tồi tệ trong các quan hệ ngoại giao và quân sự giữa Nga và Hoa Kỳ vào thời điểm khi mà mối quan hệ song phương tuột dốc xuống điểm thấp sau Chiến tranh Lạnh.

Hiệp định kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh sắp sửa hết hạn vào tháng Hai năm 2021, bất chấp các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng để tìm một thỏa thuận thay thế.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin cũng chưa chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11, sau khi đánh bại Tổng thống Donald Trump.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-noi-ho-duoi-tau-chien-my-ra-khoi-hai-phan-nga-tren-bien-nhat-ban/5674847.html

Đài Loan tự đóng tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc

Thụy My

Tổng thống Thái Anh Văn ngày 24/11/2020 loan báo Đài Loan sẽ tự đóng các tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc, một dự án quan trọng được Hoa Kỳ hỗ trợ.

Trong lễ khởi công tại thành phố cảng Cao Hùng, có sự hiện diện của ông Brent Christensen, thực chất là đại sứ Mỹ, bà Thái Anh Văn tuyên bố đây là một quyết định « lịch sử », sau khi đã vượt qua được « nhiều thử thách và nghi ngờ ». Bà nói : « Dự án này chứng tỏ quyết tâm cao độ của Đài Loan nhằm bảo vệ chủ quyền. Tàu ngầm rất quan trọng để tăng cường năng lực chiến đấu của hải quân, nhằm răn đe các tàu địch bao vây Đài Loan ».

Tập đoàn Đài Loan CSBC cho biết sẽ giao chiếc tàu ngầm đầu tiên vào năm 2025, trong số 8 chiếc được đặt hàng. Chủ tịch tập đoàn nói rằng đã gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là việc mua thiết bị và những cản trở từ các thế lực bên ngoài.

Hải quân Đài Loan hiện có bốn tàu ngầm, trong đó có hai chiếc sản xuất tại Mỹ từ thập niên 40, không thể nào so sánh được với hạm đội hùng hậu của Trung Quốc gồm cả những tàu chiến trang bị vũ khí nguyên tử và cả hàng không mẫu hạm.

Trong những thập niên qua, hòn đảo này đầu tư rất lớn vào kỹ nghệ quốc phòng, do Bắc Kinh gây áp lực lên những nước bán vũ khí cho Đài Loan. Năm 2018, chính quyền Donald Trump đã bật đèn xanh cho các nhà sản xuất Mỹ tham gia cung cấp, nhưng không rõ là những công ty nào.

Quân đội Trung Quốc không ngừng đe dọa Đài Loan, với việc gia tăng các hoạt động quân sự sát hòn đảo. Năm nay các máy bay tiêm kích Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Nhiều nhà quan sát lo ngại nguy cơ Bắc Kinh sẽ đánh chiếm Đài Loan nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã « cực lực phản đối » mọi sự hợp tác quân sự giữa Đài Bắc và Washington, nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là « hết sức nhạy cảm ». Trước đó Reuters hôm Chủ nhật dẫn hai nguồn tin cho biết đô đốc Michael Studeman, phụ trách tình báo quân sự Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đã bất ngờ đến thăm Đài Loan.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201124-m%E1%BB%B9-gi%C3%BAp-%C4%91%C3%A0i-loan-%C4%91%C3%B3ng-t%C3%A0u-ng%E1%BA%A7m-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

Covid-19: ‘Hỗn loạn’ tại sân bay Thượng Hải trong đợt xét nghiệm hàng loạt

Một loạt các vụ xét nghiệm cho kết quả dương tính Covid-19 tại sân bay Phố Đông (Pudong) của Thượng Hải đã dẫn đến việc cần xét nghiệm hàng loạt nhiều ngàn người, giữa lúc có tin nói đã xảy ra tình trạng hỗn loạn.

Giới chức đã yêu cầu toàn bộ các nhân viên bộ phận vận tải, vận chuyển hàng hóa tới làm xét nghiệm hôm Chủ Nhật.

Các ảnh chụp được công bố chính thức về việc xét nghiệm cho thấy mọi chuyện diễn ra một cách trật tự, bình tĩnh.

TQ thúc đẩy dùng mã QR để kiểm soát du lịch toàn cầu

Covid-19: Vaccine TQ ‘thành công ở thử nghiệm giai đoạn giữa’

Tuy nhiên, các video khác, được cho là quay cảnh xét nghiệm diện rộng, cho thấy các nhân viên mặc bộ đồ bảo hộ dồn từng đám đông gào thét vào một khu vực riêng.

Nhiều video sau đó đã biến mất, và truyền thông nhà nước không đưa tin về bất kỳ sự hỗn loạn nào, chỉ nói rằng có hơn 16.000 người đã được xét nghiệm qua đêm.

Xét nghiệm hàng loạt

Hoàn Cầu Thời báo nói việc xét nghiệm hàng loạt bắt đầu từ chiều Chủ Nhật, sau khi một số nhân viên ở bộ phận vận tải và những người có liên hệ, tiếp xúc gần với họ có kết quả xét nghiệm dương tính.

Trung Quốc rất có kinh nghiệm trong việc tiến hành xét nghiệm hàng loạt cho từng nhóm đông người

Thượng Hải báo cáo đã có ít nhất bảy trường hợp lây nhiễm ở địa phương kể từ hôm 9/11, chủ yếu liên quan tới nhóm người này, sau năm tháng không có ca lây nhiễm mới nào.

Các ảnh chụp đăng kèm trong bài tường thuật của báo này cho thấy cảnh những hàng người xếp trật tự, ngay ngắn, quanh co bên trong bãi đỗ xe nhiều tầng của sân bay.

Các post đăng tải trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc lại cho thấy một hình ảnh khác, theo đó cho thấy việc xét nghiệm đã trở nên hỗn loạn khi có quá nhiều nhân viên đổ tới, khiến khu vực bị quá tải.

Một video cho thấy cảnh các nhân viên đeo khẩu trang được dồn đi qua một bãi đỗ xe bởi những nhân viên mặc bộ đồ bảo hộ cá nhân đầy đủ, và mọi người la hét, xô đẩy nhau.

Các video này sau đó, trong sáng thứ Hai, đều đã bị gỡ bỏ.

Theo Tân Hoa Xã, các nhân viên bộ phận vận tải nay sẽ được xét nghiệm thường xuyên, và người làm việc ở các bộ phận gặp nhiều rủi ro cũng sẽ được tiêm vaccine.

Tuy vaccine Trung Quốc chưa được phê chuẩn đầy đủ, nhưng một số người làm việc ở tuyến đầu như nhân viên y tế đã được tiêm phòng.

Đại dịch virus corona khởi phát đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối năm 2019. Bằng việc áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt, nước này đã khống chế được tình trạng lây nhiễm.

Trong những tháng qua, chỉ có những vụ bùng phát nhỏ, lẻ tẻ ở một số địa phương tại Trung Quốc.

Việc xét nghiệm hàng loạt đã là một trong những công cụ mà chính phủ Trung Quốc sử dụng để truy tìm dấu vết bùng phát dịch bệnh, trong đó có đợt xét nghiệm toàn bộ 11 triệu dân Vũ Hán, thành phố đầu tiên phát sinh dịch bệnh.

Tổng số các ca được xác nhận nhiễm bệnh tại Trung Quốc là trên 92.000 trường hợp, tính từ khi bắt đầu đại dịch, với con số tử vong là trên 4.700, theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins.

Trung Quốc không tính các ca nhiễm virus corona nhưng không phát sinh triệu chứng vào tổng số các ca bị Covid-19.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55046545

Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội chỉ trích Mỹ nhưng lại chặn IP từ Mỹ vào Fanpage

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã chặn tiếp cận từ Mỹ vào trang Fanpage sau một loạt những dòng trạng thái chỉ trích lập trường của Mỹ về Biển Đông và Mekong trong những ngày qua.

Vào chiều tối ngày 24/11, sau khi trang Fanpage (Facebook) của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội đăng bài viết chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhân chuyến thăm của ông đến Philippines và Việt Nam, phóng viên đài RFA từ Mỹ đã không thể truy cập được vào Fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. Khi sử dụng VPN và đổi IP sang các nước khác ở Châu Âu và Châu Á, phóng viên RFA vẫn vào được Fanpage này.

Trên trang Fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc có thể thấy chỉ dấu xác nhận trang này chỉ được mở cho một nhóm người xem nhất định (custom) thay vì cho tất cả mọi người (public).

Trong bài viết hôm 24/11 trên trang, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ đang gây mất ổn định tình hình Biển Đông, lợi dụng vấn đề sông Mekong để chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Trong chuyến thăm Philippines, ông O’Brien hôm 23/11 lên tiếng khẳng định cam kết của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Thông điệp của chúng tôi là chúng tôi sẽ ở đây, chúng tôi đã hậu thuẫn các bạn và chúng tôi sẽ không rời đi”, ông O’Brien nói.

Ông cũng nói thẳng tên Trung Quốc như mối đe doạ cho các nước trong khu vực: “Tôi nghĩ rằng khi chúng tôi gửi thông điệp đó – thông điệp hòa bình thông qua sức mạnh – là cách để răn đe Trung Quốc. Đó là cách để đảm bảo hòa bình

Trong phát biểu ở Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 21/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói: “Từ biển Đông đến lưu vực sông Mekong, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn.”

Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”.

Bài viết của Đại sứ quán Trung Quốc đăng trên Fanpage hôm 24-11-2020 cho rằng, các phát biểu ngôn luận công kích Trung Quốc của ông O’Brien “hoàn toàn đi ngược lại sự thật khách quan, chứa đầy tư duy chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ mạnh mẽ.”

Vào khoảng 9 giờ tối (giờ Việt Nam) trang Fanpage của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng biến mất trên Facebook sau khi chia sẻ bài viết mới từ Fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.

Trang của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP HCM còn có một dòng trạng thái với lời lẽ rất khiêu khích đối với chính quyền của Tổng thống Trump có nội dung: “Sắp mất chức lại xúi bẩy gây chuyện khắp nơi, về nước chuẩn bị chuyển giao công việc cho cố vấn an ninh kế nhiệm đi”.

Dòng trạng thái này sau đó đã bị xoá đi trước khi toàn bộ Fanpage biến mất khỏi Facebook.

Hồi cuối tuần qua, các trang Fanpage của Đại sứ quán Mỹ và Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cũng có những dòng trạng thái chỉ trích nhau gay gắt.

Trang Facebook US Embassy in Hanoi hồi tuần trước đăng phát biểu cùng với tấm ảnh của ông David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương như sau:

Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay có quan điểm thù địch với các nước láng giềng, Hoa Kỳ cũng như phần lớn các nước còn lại.

Mục đích của Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải vì sự ổn định hoặc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia tôn trọng luật pháp“, ông David R. Stilwell nói trong buổi thảo luận trực tuyến về Trung Quốc của Viện Hoover.

Ngay sau đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Bắc Kinh đăng bài viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Trung, Anh cáo buộc:

Thời gian qua, một số chính khách và quan chức cá biệt của Mỹ liên tiếp chế tạo các loại lời nói dối và công kích ác độc đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cổ xuý đối đầu ý thức hệ, bộc lộ hoàn toàn thành kiến ý thức hệ nghiêm trọng và tư duy bá quyền ăn sâu bén rễ của một số người phía Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối.

Sự điên cuồng của các quan chức Mỹ chỉ có thể khiến người dân Trung Quốc càng kiên định ủng hộ mạnh mẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-embassy-in-hanoi-criticizes-us-but-block-access-from-the-us-11242020101822.html

Trung Quốc đưa phi thuyền lên Mặt Trăng để thu thập mẫu vật

Trọng Thành

Lần đầu tiên từ năm 1976, một phi thuyền được phóng lên Mặt Trăng để thu thập các mẫu đất đá. Giới chuyên gia cho rằng đây là bước đệm để Trung Quốc đưa người lên Mặt Trăng trong 10 năm tới.

Hôm qua, 23/11/2020, cơ quan không gian Trung Quốc thông báo phóng tên lửa đưa phi thuyền lên Mặt Trăng. Tên lửa Trường Chinh 5 (Changzheng 5) được phóng vào lúc 4 giờ 30 phút, giờ địa phương, tại đảo Hải Nam.

Phi thuyền Trung Quốc Hằng Nga 5 ( Chang’e 5 ), nặng 8,2 tấn, dự kiến sẽ lấy khoảng 2 kilogram đá trên Mặt Trăng đem về Trái đất. Năm 2019, Trung Quốc gây bất ngờ với việc phóng phi thuyền lên phía khuất của Mặt Trăng, điều chưa từng có đối với ngành không gian thế giới. Lần này, phi thuyền Trung Quốc sẽ tiếp cận một khu vực địa chất « trẻ » hơn so với các khu vực mà tàu vũ trụ Liên Xô và Mỹ hạ cánh trước đây. Mẫu vật mang về sẽ cho phép hiểu thêm về lịch sử Mặt Trăng.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, một phi thuyền được phóng lên Mặt Trăng với nhiệm vụ này.  Năm 1976, Liên Xô đã thành công trong việc đưa được phi thuyền lên Mặt Trăng. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên chinh phục Mặt Trăng năm 1969. Năm 1972, các phi hành gia Mỹ đã đưa được nhiều mẫu khoáng vật trên Mặt Trăng về Trái Đất.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201124-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C6%B0a-phi-thuy%E1%BB%81n-l%C3%AAn-m%E1%BA%B7t-tr%C4%83ng-%C4%91%E1%BB%83-thu-th%E1%BA%ADp-m%E1%BA%ABu-v%E1%BA%ADt

Trung Quốc: Biến nhà thờ thành linh đường thờ cúng các nhà lãnh tụ của ĐCS Trung Quốc

 Bình luậnNgọc Trân

Chiến dịch “phong Thần (ngăn chặn người dân có tín ngưỡng, tôn thờ và tin vào Thần, Phật)” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng quyết liệt và thể hiện trên mọi phương diện như Công giáo, Phật giáo, Viện Thần học v.v.

Biến nhà thờ, Phật đường thành linh đường; vong linh Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai xếp ngang hàng cùng Chúa Giêsu

Theo Bitter Winter – một tạp chí theo sát các vấn đề tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc trong nhiều năm đã đưa tin hôm 19/11 rằng, hôm 26/8, nhiều quan chức chính quyền thuộc các cơ quan như Ban tôn giáo, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và cơ quan Công an của quận Nam Hồ, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang đã đến nhà thờ Dư Tân, tỉnh Chiết Giang và tiến hành thực hiện theo ‘lời chỉ dạy’ của ông Tập Cận Bình.

Các quan chức chính quyền yêu cầu nhà thờ treo cờ máu và ca tụng thơ ca của ĐCSTQ. Ngoài ra còn phân phát cho người phụ trách và linh mục nhà thờ bài phát biểu khi đi thị sát tỉnh Chiết Giang của ông Tập để học hỏi.

Bài báo còn đề cập đến việc, hồi tháng Mười năm nay, Ban Tôn giáo thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến đã chi 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1,76 tỷ VNĐ) để treo chân dung 168 nhân vật của ĐCSTQ như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Lôi Phong, Tập Cận Bình… cùng nhiều bài phát biểu của ông Tập trong một nhà thờ Tam Tự tại thị trấn Đại Đầu, quận Tú Tự, thành phố Phủ Điền.

Ban tôn giáo địa phương cũng biến nhà thờ thành cái gọi là ‘Trạm Thực hành Văn minh Thời đại Mới’ và cấm treo tượng Chúa Giêsu.

Được biết, ‘Trạm Thực hành Văn minh’ là một chương trình truyền bá tư tưởng của đảng trên quy mô toàn quốc được ĐCSTQ quảng bá toàn diện từ cuối năm 2018. Sau khi nhiều địa điểm tôn giáo bị chiếm đóng, chúng đã bị cải tạo thành ‘Trạm Thực hành Văn minh’.

Các tín đồ của nhà thờ này bất lực nói rằng: “Chúng tôi không dám từ chối các cuộc triển lãm trong nhà thờ. Chúng tôi không dám đắc tội với chính quyền vì sợ họ không cho chúng tôi tụ họp. Chính phủ (ĐCSTQ) rất cứng rắn và chúng tôi không thể phản kháng”.

Bài báo cho biết, hôm 6/11, hơn 100 quan chức đã tham gia lễ khai trương Trạm Thực hành Văn minh. Linh mục buộc phải kết hợp giảng thuyết ‘câu chuyện đánh đuổi thù địch đoạt giang sơn’ của Mao Trạch Đông, điều này khiến các tín đồ cảm thấy vừa buồn vừa bất lực.

Chính quyền địa phương ở một số nơi còn yêu cầu các nhà thờ phải treo chân dung của ông Tập Cận Bình, nếu không sẽ không được tụ họp.

Một cán bộ thôn tại thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây đã mang ảnh chân dung của ông Tập Cận Bình đến nhà thờ Tam Tự ở địa phương vào tháng Tám và yêu cầu linh mục nhà thờ dán nó vào bên trong nhà thờ nhưng đã bị từ chối.

Hơn hai tháng sau, các quan chức cấp cao hơn đã ra lệnh “không dán ảnh ông Tập trong nhà thờ thì không được phép tụ tập ở nhà thờ!”, và dán chân dung của ông Tập lên lịch biểu ngày Chúa Nhật của nhà thờ. Ngoài ra, nhà thờ này cũng bị buộc phải treo cờ của ĐCSTQ và biểu ngữ đỏ khắp cả trong và ngoài nhà thờ.

Linh mục của nhà thờ rất tức giận nhưng không dám xé bỏ. Ông nói, để cho các tín đồ có nơi để tụ họp thì chỉ có thể để các quan chức chính quyền dán ảnh ông Tập.

Ngoài ra, những nơi của Phật giáo cũng không tránh khỏi tình trạng này. Một Phật đường được xây dựng vào năm Vĩnh An thứ ba dưới thời Bắc Ngụy (năm 530 sau Công nguyên) tại quận Lâm Truy, thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông cũng bị chính quyền yêu cầu làm một tấm bảng tuyên truyền in chân dung và tư tưởng Tập Cận Bình.

Một phật tử trong khu vực này cho biết, mặc dù tin Phật và tin Đảng là hoàn toàn khác nhau, nhưng nhà chùa lại chịu sự quản lý của ĐCSTQ, nếu lời nói và việc làm bất đồng với Đảng (ĐCSTQ) thì họ sẽ hủy bỏ tín ngưỡng của bạn.

Nội bộ của một Viện Thần học của tỉnh Chiết Giang tiết lộ rằng, những học sinh của họ hiện đang phải làm theo yêu cầu của chính quyền là học tập kết hợp với lý thuyết của chủ nghĩa xã hội để đi theo con đường tôn giáo ĐCSTQ hoá. Viện Thần học còn tuyên truyền các vu khống về các nhà truyền giáo nước ngoài cho sinh viên và kết tội các hoạt động truyền giáo là sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.

Buộc các tín đồ tôn giáo tham gia các nghi thức, nghi lễ của ĐCSTQ

Các thành viên của Giáo hội Công giáo cũng bị bắt phải tham gia chuyến tham quan cơ sở giáo dục “yêu đảng” của ĐCSTQ để cúng bái công ơn của các lãnh tụ đảng và viết về tình yêu của họ dành cho ĐCSTQ.

Hôm 1/10 – Ngày kỷ niệm 71 năm thành lập ĐCSTQ, tất cả các linh mục và nữ tu ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô đã buộc phải tham gia một sự kiện kỷ niệm của Cơ sở Giáo dục Cách mạng Đài Nhi Trang (Tai’erzhuang) ở tỉnh Sơn Đông.

Một linh mục thuộc giáo hội Công giáo ở tỉnh Sơn Đông nói, vào tháng Sáu, ông và các nhân viên tôn giáo khác đã được tổ chức đến nghĩa trang liệt sĩ để tham quan và học tập. Hồi tháng Bảy, họ lại được tổ chức nghiên cứu các bài phát biểu của ông Tập Cận Bình.

Một thành viên công giáo khác ở tỉnh Sơn Đông, người bị buộc tham gia lớp học tập và giáo dục yêu đảng nói: “ĐCSTQ dựa vào tuyên truyền mà xây dựng chính quyền”. Mỗi lần chính quyền kêu gọi các linh mục và nữ tu sĩ tham gia các hoạt động yêu nước là họ không thể không đi.

Một linh mục ở tỉnh Hà Nam nói rằng không đi chính là làm ngược lại với đảng và chính quyền sẽ truy lùng bạn để ‘tính sổ’! Để ngăn chặn nhà thờ khỏi bị đàn áp thêm, thì hầu như ai cũng phải đi.

Vào tháng Chín, nhân kỷ niệm hai năm ký kết Hiệp định Trung Quốc-Vatican, một nhà thờ Công giáo trên đường Minh Công, quận Nhị Thất, thành phố Trịnh Châu đã bị bắt tổ chức nghi lễ treo cờ của ĐCSTQ.

Một tín đồ địa phương đau lòng cho biết, mặt trước của tòa nhà văn phòng của nhà thờ trước đây là tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng đã bị chính quyền phá bỏ để xây dựng cột cờ, một nhà thờ trang nghiêm đã bị chính quyền làm cho biến dạng trong hơn 1 năm nay.

Tín đồ này cho rằng chính phủ đang từng bước kiểm soát nhà thờ, khiến nó ngày càng giống một cơ quan của chính phủ ĐCSTQ. Nếu bạn không nghe lời họ (ĐCSTQ), họ sẽ luôn đến gây sự, không cho bạn làm Thánh lễ, hoặc nhà thờ có thể sẽ bị dỡ sau đó.

Chùa chiền ở Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Hôm 1/10, trên mạng xuất hiện video cho thấy các nhà sư và ni cô ở một ngôi chùa nào đó đã phải làm lễ kéo ‘Ngũ Tinh Hồng Kỳ’ (cờ đỏ 5 sao) để kỷ niệm “ngày sinh nhật” của ĐCSTQ.

Có cư dân mạng cảm thán nói rằng: “Quả là một cảnh tượng kỳ quái chỉ có ở Trung Quốc. Niệm kinh Phật nhưng phải làm lễ chào cờ máu của ĐCSTQ”.

Ngọc Trân

Tổng hợp

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/trung-quoc-bien-nha-tho-thanh-linh-duong-tho-cung-cac-nha-lanh-tu-cua-dcs-trung-quoc-106763.html

Truyền thông Trung Quốc tiếp tục chi hàng triệu USD cho tuyên truyền trên báo Mỹ

 Bình luậnThùy Minh

Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã chi hàng triệu USD trong sáu tháng qua cho các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ, theo báo cáo của cơ quan này gửi tới Bộ Tư pháp Hoa Kỳ theo quy định của Đạo luật Đăng ký Đại diện nước ngoài (FARA).

Theo báo cáo này, tổng chi phí của tờ Nhân dân nhật báo từ ngày 1/5 đến ngày 31/10 là trên 4,4 triệu USD, trong đó khoảng 3,1 triệu USD được chi cho in ấn, quảng cáo và phân phối và khoảng 1,3 triệu USD dành cho tiền lương và các chi phí hoạt động khác.

‘China Watch’ – Tuyên truyền trá hình?

Wall Street Journal, Los Angeles Times, Foreign Policy, Seattle Times là một số tờ báo đã nhận được khoản kinh phí từ nguồn nói trên.

Trong sáu tháng qua, tờ Los Angeles Times đã nhận được 340.000 USD cho mục quảng cáo và 111.501 USD cho việc in báo.

Trong vài năm qua, tờ Nhân dân nhật báo đã chi hàng triệu USD để chạy các chương trình bổ sung — được gọi là ‘China Watch’ — nhằm mục đích tuyên truyền trá hình dưới dạng tin tức trên các phương tiện truyền thông lớn của Hoa Kỳ. Các nội dung bổ sung này được đưa vào dưới dạng quảng cáo trên báo chí hoặc các chương trình trả phí trực tuyến.

Tuy nhiên, trong một báo cáo năm 2018, các học giả nghiên cứu về các hoạt động ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ cho biết “thật khó để nói rằng thông tin của ‘China Watch’ là chương trình quảng cáo”.

Vào ngày 18/2, tờ Nhân dân nhật báo và bốn cơ quan truyền thông khác từ Trung Quốc đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt vào danh sách các phái bộ nước ngoài. Vào ngày 22/6, Bộ Ngoại giao đã đưa thêm bốn hãng tin khác của Trung Quốc vào danh sách này.

“[Tổng Bí thư] Tập Cận Bình phát biểu rằng ‘Các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của ĐCSTQ phải… thể hiện ý chí của ĐCSTQ, bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ… hành động của họ phải nhất quán cao độ với ĐCSTQ’; nói tóm lại, trong khi truyền thông phương Tây coi trọng sự thật, thì truyền thông Trung Quốc lại coi trọng ĐCSTQ”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cô Morgan Ortagus phát biểu vào hồi tháng 6/2020.

Quỹ ‘mờ ám’ từ Trụ sở chính?

Hồ sơ tài chính trước đây của tờ Nhân dân nhật báo gửi tới Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho thấy họ đã trả hơn 4,6 triệu USD cho tờ The Washington Post và gần 6 triệu USD cho tờ Wall Street Journal kể từ tháng 11/2016. Tờ The New York Times đã nhận được từ tờ báo này 50.000 USD vào năm 2018.

Hai tờ Washington Post và The New York Times đã ngừng chạy phụ trang quảng cáo vào đầu năm nay.

Wall Street Journal, Foreign Policy và LA Times đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.

Theo hồ sơ gần đây của tờ Nhân dân nhật báo, trong sáu tháng qua, tổng thu nhập từ đăng ký và quảng cáo của cơ quan này chỉ là 123.700,56 USD. Tuy nhiên, “Quỹ từ Trụ sở chính” là  4.416.133,35 USD – chiếm khoảng 97,3% tổng doanh thu.

Tờ Nhân dân nhật báo có trụ sở chính tại Bắc Kinh, Trung Quốc, thuộc sở hữu của Bộ Thông tin Công chúng, một đơn vị trực thuộc của ĐCSTQ.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times tiếng Anh

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/truyen-thong-trung-quoc-tiep-tuc-chi-hang-trieu-usd-cho-tuyen-truyen-106696.html

Tái hiện Đại Cách mạng Văn hóa Trung Quốc trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020

 Bình luậnDu Miên

Từng trải qua thời kỳ Đại Cách mạng Văn Hóa, Trung Quốc và tận mặt chứng kiến những dối trá lừa lọc của chế độ cai trị độc tài tại nước này, tác giả Yangtian Li đưa ra nhận định về những điểm tương đồng giữa phong trào tàn sát người dân thời ấy, với sự tấn công vào ông Trump từ hàng loạt các kênh truyền thông và cả các thế lực cánh tả trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Là một người từng có kinh nghiệm sống dưới ách cai trị của chế độ cộng sản ở Trung Quốc, gần đây tôi đã được sống lại những ký ức về Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc – bởi những tin tức từ các phương tiện truyền thông chính thống về Tổng thống Donald Trump. Bất kể dù ai có tốt đến đâu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bịa đặt những lời nói dối để làm ô uế thanh danh của người đó. ĐCSTQ đã nói: “Một lời nói dối được lặp đi lặp lại một nghìn lần sẽ trở thành sự thật.”

Một chiến dịch vu khống bắt đầu khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ 4 năm trước, rồi tiếp nối là vụ bê bối Spygate (cáo buộc rằng ông Trump thông đồng với Nga để đắc cử năm 2016) và nỗ lực luận tội phế truất ông một cách vô căn cứ hồi đầu năm nay. Các phương tiện truyền thông chính thống với tầm ảnh hưởng lớn – thực chất là một bộ máy tuyên truyền cánh tả – đang cố gắng kiểm soát cách người dân tư duy và suy nghĩ về các sự việc. Các phương tiện truyền thông chính thống đã không truyền tải sự thật, bao gồm cả những thông điệp từ Tổng thống và những thành tích mà ông đạt được. Các phương tiện truyền thông đã bỏ qua các sự kiện thực tế, và tiếp tục thay đổi nội dung cuộc đối thoại để tô vẽ nên một câu chuyện tiêu cực.

Điều kỳ lạ hơn là, họ không chấp nhận việc các phương tiện truyền thông khác đưa tin về sự thật. Họ tận dụng mọi sức ảnh hưởng mình có để tấn công hoặc đàn áp các hãng truyền thông cạnh tranh. Ví dụ về tình trạng này bao gồm báo cáo điều tra thiên vị của The New York Times về The Epoch Times, một hãng truyền thông báo chí đề cao tôn chỉ trung thực và truyền thống.

Tôi nghi ngờ rằng chiến dịch ác ý nhắm vào Tổng thống Trump là để chống lại lập trường cứng rắn của ông ấy đối với ĐCSTQ, và vì lý tưởng muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại của ông. Với thái độ làm việc miệt mài, tận tụy vì lợi ích lớn hơn của nước Mỹ và người dân, Tổng thống Trump đã cho thấy, ông không sợ những lời vu khống và cáo buộc của giới truyền thông cánh tả.

Phe cánh truyền thông chính thống của cánh tả đóng một vai trò to lớn trong việc tạo ảnh hưởng đến luồng dư luận. Nếu họ muốn nói xấu ai đó, họ sẽ tung ra hàng loạt tin bài tiêu cực, bất kể đó là thật hay giả. Sau một thời gian, công chúng sẽ hình thành ấn tượng tiêu cực về cá nhân đó. Khi đã đến lúc hủy hoại danh tiếng của người ngày, giới truyền thông có thể dễ dàng thêm vào càng nhiều “tai tiếng”, càng nhiều cáo buộc sai trái hơn.

Xem thêm: Cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài 21 năm làm xói mòn bản tính thiện lương của con người

Tiếp đến, các chính trị gia ưu tú sẽ bước lên “sân khấu” để tước bỏ quyền lực của nạn nhân hoặc kết tội người này về những “tội ác” vốn được thêu dệt từ trước đó. Và như vậy, phe cánh tả đã thành công đạt được mục đích của mình. Theo cách nói của ĐCSTQ, chiêu thức này được gọi là “sự biện minh của cuộc nổi loạn”. Đối với Mao Trạch Đông, nguyên lý cốt lõi của chủ nghĩa Mác chính là lý thuyết: “tạo phản có lý do chính đáng”.

Đối với chúng tôi, những người Trung Quốc từng phải sống dưới ách cai trị của chế độ cộng sản Trung Quốc, những mưu mô như vậy đã là chuyện thường tình. Người dân Trung Quốc, những người từng là đối tượng chịu sự đàn áp bạo ngược từ nhiều phong trào của ĐCSTQ, từ vụ thảm sát đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn cho đến tội ác diệt chủng trong cuộc bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công, chúng tôi có thể nhìn thấu qua những âm mưu ấy để thấy rõ được bản chất thật sự của ĐCSTQ.

The Epoch Times, hãng tin được thành lập bởi những người Trung Quốc xa xứ, nhìn thấy rõ phương thức mà các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây đang ra sức chiếm đoạt luồng ý kiến dư luận là một vở tuồng cũ diễn lại. Những dối trá và sợ hãi có thể nhìn thấy ở phe cánh tả cũng theo cùng một kịch bản cũ. Những sự việc và sự thật trong loạt tin tức của The Epoch Times đã phơi bày rõ rệt toàn bộ chân dung bóng ma của ĐCSTQ và chủ nghĩa cộng sản tại xã hội Mỹ, cũng như trong xã hội toàn cầu hóa trên toàn thế giới.

Phương thức mà các phương tiện truyền thông cánh tả đối xử với Tổng thống Trump, cũng giống với cách mà ĐCSTQ đối xử với bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào ​​trong Đại Cách mạng Văn hóa. Cách mà giới truyền thông tự xưng “dòng chính” này hành động trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, cũng giống như cách ĐCSTQ chiếm đoạt quyền lực và củng cố chế độ cai trị chuyên quyền độc tài của nó ở Trung Quốc. Những người bị mua chuộc và lợi dụng cuối cùng sẽ bị bỏ rơi hoặc bị loại bỏ; rất có thể họ sẽ phải chịu một số phận bi thảm.

Áp dụng chiêu bài mị dân “chăm lo cho người dân”, ĐCSTQ lừa dối và bóc lột những nhóm thiểu số cùng với hầu hết những người nghèo. Một khi những kẻ thuộc phe cánh tả của bóng ma cộng sản nắm thực quyền, những con người đáng thương ấy sẽ chỉ là hòn đá lót đường, là vật hy sinh của đám người ma quỷ ấy. Bất kỳ ai từng đọc những tuyên bố từ bỏ ĐCSTQ của những người Trung Quốc trên trang web Tuidang, sẽ có thể hiểu được làm thế nào những người này đã thức tỉnh trước những lời dối trá và lừa lọc của ĐCSTQ.

Xem thêm: Tại sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công là thảm họa nhân quyền lớn nhất của Trung Quốc?

Điều này cũng tương tự như cách thức những phương tiện truyền thông cánh tả và các chính trị gia đang tấn công The Epoch Times. Tôi tin rằng khi Joe Biden không còn hữu ích cho ĐCSTQ, ông ấy cũng sẽ bị Đảng này ruồng bỏ. Hãy cùng chờ xem!

Chủ nghĩa xã hội đã và đang nghiền nát nước Mỹ, và sự khủng bố của chủ nghĩa cộng sản đến từ ĐCSTQ là quá xấu xa. Nếu chủ nghĩa xã hội thừa hưởng ý chí của ĐCSTQ mà tiếp quản nước Mỹ, nó sẽ bãi bỏ Hiến pháp Hoa Kỳ; nó sẽ phá hủy các giá trị truyền thống của Mỹ giống như những gì đã xảy ra với Trung Quốc dưới triều đại thống trị của đảng cộng sản.

Ở Trung Quốc, sự lãnh đạo tối cao của cộng sản và chủ nghĩa Mác đã được ghi rõ trong Hiến pháp. 5.000 năm lịch sử của tinh hoa văn hóa Trung Quốc hoàn toàn bị hủy hoại dưới chế độ cai trị của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Mặc dù vẫn có một số điều khoản về quyền tự do được nêu ra trong Hiến pháp của Trung Quốc, nhưng chúng chưa từng được bảo vệ hay thực thi. Là một người đã sống trong lòng chế độ ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ và trải qua cuộc đàn áp, những điều này đều lưu dấu khắc sâu trong ký ức của mỗi người.

Sự thật vốn rất đơn giản, nhưng những người thuộc phe cánh tả – tác nhân của bóng ma cộng sản ở Hoa Kỳ và các chính trị gia bị ĐCSTQ tha hóa – đã dối trá trước công chúng và cố gắng che đậy đi. Họ tấn công Tổng thống Trump bằng cách bôi nhọ thanh danh của ông, và sử dụng công cụ truyền thông để biến những gì ông ủng hộ thành những điều sai lầm, bao gồm cả cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội đang giương nanh vuốt từ Trung Quốc xuyên qua bờ biển Đại Tây Dương. Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội méo mó và hủ bại ấy chính xác là những gì các chính trị gia và giới truyền thông phe cánh tả mong muốn.

Do đó, việc NY Times công kích The Epoch Times dựa trên bối cảnh và mục đích này là không thể tránh khỏi.

Các phương tiện truyền thông cánh tả cũng tìm mọi cách vòng vo để bôi nhọ Pháp Luân Công. Tại sao? Có phải vì Pháp Luân Công tin vào chân lý Chân – Thiện – Nhẫn? Lời khuyên của tôi cho những người này là, chỉ có ĐCSTQ mới phản đối Pháp Luân Công và đã đàn áp Pháp Luân Công trong 21 năm qua. ĐCSTQ tin vào dối trá, tà ác và bạo lực. Và kết quả là, nó đang hướng tới kết cục hủy diệt không thể tránh khỏi. Cả thế giới đều biết sự gian ác của nó. Đồng thời, toàn thế giới cũng biết rằng Chân Thiện Nhẫn là tốt. Đó là cốt lõi của nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công.

Xem thêm: Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học nói gì về Pháp Luân Công?

Một lần tôi đã đặt một câu hỏi thẳng thắn với một nhóm người, trong đó có một số là lãnh đạo các tôn giáo khác nhau và các chính trị gia có quan điểm chính trị khác nhau. Khi đó tôi nói: “Nếu Chúa Giê-su, Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử đều ở đây với chúng ta trong thế giới ngày nay, bạn có nghĩ rằng họ sẽ chống lại Chân – Thiện – Nhẫn không?”. Họ suy ngẫm về điều đó một cách nghiêm túc và nói: “Không.”

Sau đó, tôi hỏi: “Ai sẽ chống lại Chân Thiện Nhẫn?” Họ không thể tìm được bất cứ ai.

Tôi cho họ biết, ĐCSTQ đã chống Pháp Luân Công hơn 20 năm. Chế độ tàn độc ấy đã điên cuồng bức hại Pháp Luân Công trong hơn 20 năm qua, nhưng Pháp Luân Công chỉ lan tỏa đến thế giới thông điệp về Chân – Thiện – Nhẫn. Trong khi đó, cả thế giới đều biết rõ sự xấu xa của ĐCSTQ. Cả thế giới đều quay lưng lại với ĐCSTQ, và ĐCSTQ đang hướng tới sự diệt vong.

Chân – Thiện – Nhẫn

Dù là ở Đông Âu hay châu Á, bản chất trong cơ sở lý thuyết của ĐCSTQ – chủ nghĩa Mác – vốn vừa sai trái vừa xấu xa, và ĐCSTQ đã chứng minh rằng chủ nghĩa ấy đã quá thối nát. ĐCSTQ với bản chất giả tạo, độc ác và bạo lực ấy, hoàn toàn đối lập trực tiếp với chân lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Chúng ta hãy cùng nhìn vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và thế giới nói chung. Nếu họ bị ĐCSTQ kiểm soát, tức là họ đã bị thế lực đen tối kiểm soát.

Nếu cuộc bầu cử này thật sự diễn ra một cách công bằng, nếu chúng ta tôn trọng Hiến pháp Hoa Kỳ, nếu chúng ta duy trì các giá trị phổ quát và nếu mọi người luôn hành xử theo Chân Thiện Nhẫn, thì thế giới sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.

Từ một góc nhìn cơ bản, đối với một quốc gia và từng cá nhân con người, nếu con người tin vào Đấng Sáng Thế Chủ và giữ vững đạo đức của mình, thì phép màu sẽ có thể triển hiện.

Nếu người dân đề cao các tiêu chuẩn đạo đức của mình, và các chính trị gia đặt cả lòng thành vào công việc phục vụ cho đất nước và nhân dân, thì sẽ không còn gian lận và tham nhũng. Những người có đạo đức cao thượng sẽ tương trợ, quan tâm lẫn nhau; và cuộc sống của chúng ta sẽ thực sự tươi đẹp.

Tác giả Yangtian Li đã tận mắt chứng kiến ​​cuộc Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Hiện ông đang sinh sống ở Nam California, Mỹ.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

https://www.ntdvn.com/the-gioi/tai-hien-dai-cach-mang-van-hoa-trung-quoc-trong-cuoc-bau-cu-my-nam-2020-106101.html

Thủ Tướng Úc khẳng định căng thẳng giữa ÚC và Trung Cộng không liên quan đến Hoa Kỳ

Tin Canberra, Úc – Thủ Tướng Úc Scott Morrison vào thứ Hai cho biết, căng thẳng giữa Úc và Trung Cộng lâu nay được cho là bị ảnh hưởng bởi sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, tuy nhiên trên thực tế, Úc có những mối quan tâm riêng và có lập trường độc lập.

Mối quan hệ giữa Úc với Trung Cộng xấu đi từ năm 2018, khi Úc trở thành quốc gia đầu tiên cấm hãng Huawei tham gia mạng viễn thông 5G trong nước. Đến năm nay, tình trạng đối đầu trở nên tồi tệ hơn, khi Úc kêu gọi quốc tế điều tra nguồn gốc coronavirus. Để đáp trả, Trung Cộng đã đánh thuế và giảm nhập cảng nhiều hàng hóa từ Úc.

Trong bài diễn văn vào thứ Hai, Thủ Tướng Morrison nói, nhiều người cho rằng hành động của Úc là nhằm ủng hộ Washington trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Tuy nhiên, Úc là một quốc gia độc lập, có lợi ích và lập trường riêng. Do đó, các thành kiến này là sai lầm và phá hoại các mối quan hệ một cách không cần thiết.

Nhiều bộ trưởng Úc trong thời gian gần đây nói rằng họ muốn cải thiện liên lạc với phía Trung Cộng. Đáp lại, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói Úc cần phải có hành động rõ ràng để sửa chữa sai lầm. Trung Cộng hiện đang là thị trường xuất cảng lớn nhất của Úc, trị giá 104 tỷ Mỹ kim trong năm 2019. Do đó, việc quan hệ hai nước xấu đi sẽ gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế Úc, vốn đã suy thoái do ảnh hưởng của Covid-19.

Nền kinh tế Úc đã giảm 7% trong tam cá nguyện thứ 2, tỷ lệ cao nhất kể từ khi dữ kiện này bắt đầu được thống kê vào năm 1959. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Úc cũng lên tới 7.5% vào tháng 7, mức cao nhất trong 22 năm qua. (BBT)

https://www.sbtn.tv/thu-tuong-uc-khang-dinh-cang-thang-giua-uc-va-trung-cong-khong-lien-quan-den-hoa-ky/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.