Bản tin ngày 2-11-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Những chuyển động đáng chú ý ở Biển Đông tháng 10-2020. Một số sự kiện đáng chú ý trong tháng 10 vừa qua là, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã họp bàn tại Tokyo ngày 6/10; ông Christophe Penot, Đại sứ Pháp tại Úc trở thành đại sứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên của Pháp vào ngày 12/10; tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide thăm chính thức VN và Indonesia từ ngày 18 đến 21/10, cùng sự kiện tập trận “Kiếm sắc” từ 26/10.
Cuộc tập trận “Kiếm sắc” được đánh giá là một thông điệp mạnh do Mỹ – Nhật cùng gửi tới TQ: “Đây là cuộc tập trận lớn đầu tiên dưới thời tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, cũng là hoạt động mới nhất trong chuỗi các cuộc tập trận chung và song phương trên thực địa nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp tác chiến giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng quân đội Mỹ”.
VietNamNet có bài về mối liên hệ giữa tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở khu vực Đông Nam Á với tình hình bầu cử Mỹ: Biển Đông và chọn lựa của Tổng thống mới nước Mỹ. “Vị Tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ phải đưa ra vô số quyết định quan trọng về cách thức mà Mỹ sẽ can dự hơn nữa với châu Á, quản lý những căng thẳng với Trung Quốc cũng như ứng xử với các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông”.
Ông Joe Biden hiện vẫn đang dẫn trước đối thủ Trump, nếu ông Biden trúng cử, “sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc”. Ông Biden trước đó nhấn mạnh rằng “Mỹ nên có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc”. Chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời ông Biden “sẽ không thay đổi”, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tập trận với đồng minh và đối tác, các chiến dịch hiện diện và tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải (FONOP).
Sau 4 năm “chống TQ” dưới thời Trump, TQ vẫn tiếp tục lộng hành: Máy bay ném bom chiến đấu JH-7A của Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông, theo trang Thế Giới và VN. Quân ủy Trung ương TQ vừa khoe khoang rằng, lực lượng không quân của hải quân TQ, thuộc Chiến khu miền Nam đã tiến hành tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn ở Biển Đông vào ngày 30/10, “cuộc tập trận trên được thực hiện với sự tham gia của gần 100 phi công hải quân trên vùng biển phía Tây của tỉnh đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc”.
Mời đọc thêm: Biển Hoa Đông: Tàu Trung Quốc hiện diện lâu kỷ lục gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản (TG&VN). – Đức sẽ phối hợp với Australia tuần tra Ấn Độ-Thái Bình Dương (VOV). – Ai sẽ là ‘ác mộng’ thực sự với Trung Quốc sau 4 năm nữa? (PLTP). – Trước ngày bầu cử, ông Biden dẫn trước ông Trump với khoảng cách lớn (VnEconomy). – Người Mỹ muốn gì ở Việt Nam? (FB Tráng Nguyễn).
“Miệng quan trôn trẻ”
Hôm nay mạng xã hội lại nóng bởi một số phát ngôn của lãnh đạo VN. Thứ nhất là vụ Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và một số quan chức quyết bảo vệ thủy điện. VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Công Thương: ‘Hồ thủy điện có tác dụng cắt lũ’.
Vẫn là cụm từ “đúng quy trình” quen thuộc: “Trong đợt bão lũ 2020, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện, và tất cả công trình được kiểm tra đều đảm bảo an toàn cũng như quy trình vận hành”.
Thủ tướng cũng đứng về phía Bộ Công thương để bảo vệ thủy điện, còn khẳng định “khảo sát” cho thấy rừng già còn nhiều, nhiều nơi thảm thực vật còn 80-90%, “nhưng mưa lũ như vừa qua thì đất không còn kết cấu nào chịu đựng được”. Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cũng tiếp lời hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần Tuấn Anh, quyết đổ tội cho trời, thanh minh rằng trời làm mưa lớn quá!
Báo Công Thương dẫn lời phát biểu khi làm việc tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện”! Ông Phúc nói: “Tôi chỉ đạo Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải chấn chỉnh. Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện, rừng xanh Trà Leng hàng trăm năm dân đã sống ở đó rồi. Tại Hướng Hóa Quảng Trị sạt doanh trại đoàn kinh tế 337 là cách cả 1,6km chứ có phải tại đó đâu?”
Vụ nhiều thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ trong đêm khiến người dân Nghệ An bị “đánh úp”, vụ thủy điện xả lũ kết hợp mưa lớn khiến nhiều khu vực ở Bắc Trung Bộ bị sạt lở đất, vụ thủy điện xả lũ đột ngột khiến người dân Quảng Nam không kịp trở tay, mất nhà cửa, tài sản… đều đã lên cả báo “lề đảng”, nhưng ông Phúc và thuộc hạ vẫn bảo vệ thủy điện đến cùng, cho thấy nhóm lợi ích đứng sau hệ thống thủy điện dày đặc ở miền Trung có thế lực như thế nào.
Nhắc lại một clip của VTC ghi lại những hình ảnh về hậu quả thủy điện gây lũ chồng lũ ở Nghệ An: Thủy điện đồng loạt xả lũ, hàng nghìn nhà dân bị ngập sâu.
Tại sao ông Phúc quyết bảo vệ thủy điện? Vì tất cả dự án thủy điện liên quan đến rừng phải được Thủ tướng phê duyệt, mà đã làm thủy điện thì phải phá rừng. Nghĩa là mỗi dự án thủy điện phá rừng đều có “dấu tay” của ông Phúc hoặc các Thủ tướng tiền nhiệm. Cho nên, ông ta và thuộc hạ phải bảo vệ thủy điện bằng mọi giá, dù nó góp phần dẫn tới vụ sạt lở chôn vùi đoàn cứu hộ 13 người ở trạm kiểm lâm 67, trong đó có một sĩ quan cấp chỉ huy quân khu và vụ sạt lở chôn vùi 22 binh lính và sĩ quan của sư đoàn 337.
Phát ngôn gây bất bình thứ 2 cũng là của TT Nguyễn Xuân Phúc: “Tỷ lệ thu ngân sách cao do dân tín nhiệm, không phải lạm thu!”, theo RFA. Tại Hội nghị thi đua yêu nước ngành tài chính, ông Phúc nói: “Chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỉ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Nếu người dân không tín nhiệm với Chính phủ, họ tìm cách trốn thuế, tránh thuế, lách thuế khi đó ngân sách rất khó thu được thuế”.
Ông Phúc còn hứa hẹn sẽ chi tiêu hiệu quả tiền thuế của dân, nhưng trên thực tế, tình hình lạm chi ngân sách nhà nước: 10 tháng bội chi 164,7 nghìn tỷ đồng, theo trang Khoa Học và Đời Sống. Đó là số liệu từ Tổng cục Thống kê, còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá “áp lực thu ngân sách 3 tháng cuối năm rất lớn, khiến cho việc cân đối thu – chi, giảm bội chi sẽ rất chật vật”.
Mời đọc thêm: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hồ thuỷ điện giúp điều tiết, cắt lũ cho hạ du trong mưa lũ miền Trung (NLĐ). – Bộ trưởng Công thương: ‘Hồ thuỷ điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ‘ (TN). – Chính quyền yêu cầu thủy điện dừng xả lũ để tìm người mất tích ở Kon Tum (LĐ). – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chi tiêu thuế của dân hiệu quả để dân tín nhiệm Chính phủ (TT). – Nợ công: Gắng sức trả tiền vay, còn đâu cho đầu tư phát triển (VNN). – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cần tiếp tục ‘thắt lưng buộc bụng’ trong vài năm tới (TBTC).
Công sản ở thành Hồ: “Của công thành của ông”
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết tiếp về thương vụ thu tóm công sản lớn nhất thành Hồ và kẻ đứng sau nó: Saigon Co.op và ông Diệp Dũng! Ông Hữu cho biết, “gần cuối năm 2015, ông Diệp Dũng thành người nắm quyền tại Saigon Co.op. Những tháng năm đầu đi qua êm đềm, cho đến khi sắp kết thúc năm năm quản lý ở Saigon Co.op, ông Diệp Dũng bắt đầu thay đổi kỳ lạ”.
“Thay đổi kỳ lạ” bắt đầu khi Diệp Dũng tổ chức Đại hội nâng vốn điều lệ của Saigon Co.op từ 3.180 tỉ đồng lên gần 6.800 tỉ đồng, bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo thành phố ngưng vụ này. Tổng GĐ Saigon Co.op phản đối nhưng bị Dũng cho “bay” chức. Đến khi Thanh tra thành Hồ vào cuộc, Diệp Dũng bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, thành uỷ viên, Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op, quyền lực bị thu hẹp, có lúc Dũng phải làm đơn từ nhiệm để “hạ cánh” nhưng đã được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lúc đó dang ra tay cứu.
Cũng liên quan đến vụ thu tóm này, nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài: Công sản & những viên đạn cầu vồng. Bài viết điểm mặt 2 vụ “của công thành của ông” quy mô lớn ở đây. Thứ nhất là vụ Saigon Co.op: “Trước khi giữ chức Chủ tịch HĐQT Co.op, ông Diệp Dũng là Phó chủ tịch HĐQT HD Bank. Tháng 7/2019, HD Bank và Saigon Co.op ký hợp tác toàn diện. Hợp tác này không chỉ đơn thuần việc dòng tiền của Co.op sẽ lưu thông qua hệ thống HD Bank”.
Thứ 2 là vụ “ăn đất” ở số 628-630 Võ Văn Kiệt, quận 5, vốn do EVN quản lý: “Bằng hai mũi giáp công trước và sau khi EVN thoái vốn, Sovico đã chiếm 80,32% Land Saigon và giữ quyền sở hữu đất vàng. Giờ đây dự án có tên mới ‘Dragon Riverside City’ với tổng mức đầu tư tới 7.000 tỉ đồng, là dự án ‘siêu phẩm’ do Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long phát triển, kinh doanh”. Ông Tường cho biết, phía sau HDBank và Sovico có bóng dáng của một “madam”.
Bế tắc về đất không dễ giải quyết giữa lãnh đạo thành Hồ và quân đội: TP.HCM kiến nghị giao đất quốc phòng giải cứu ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, theo báo Giao Thông. UBND TP HCM có văn bản kiến nghị Bộ Quốc phòng “giao đất để thực hiện dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) nhằm giảm ùn tắc cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất”.
Tin cho biết, tháng 5/2020, quan chức thành Hồ đã có kiến nghị tương tự và bị phía Bộ Quốc phòng cho ăn “bơ”. “Hiện nay dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư”, chỉ còn đợi quân đội giao đất. Vấn đề là trước giờ chỉ có đất công và đất dân chảy vào túi quân đội chứ chưa có chiều ngược lại. Không rõ lần này lãnh đạo thành Hồ có được ăn “bơ” nữa không?
Số phận hẩm hiu của một mảnh “đất vàng”: Đất vàng ở TP.HCM làm bãi giữ xe, Zing đưa tin. Đó là dự án Phạm Văn Đồng – Gò Dưa ở quận Thủ Đức, tổng giá trị hơn 2.765 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT giữa UBND TP HCM và liên danh Công ty Văn Phú – Invest, Công ty Văn Phú – Bắc Ái, Công ty Bắc Ái và Công ty HNS VN. Dù dự án đã thi công gần 44%, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa được UBND thành Hồ bàn giao đất như đã hứa hẹn. Nhiều lô đất đắc địa ở đây đang được… cho thuê hoặc giữ xe.
Mời đọc thêm: Củi lửa Co.op, vùng sát thương rộng đến đâu? (FB Nguyễn Tiến Tường). – TP.HCM: Nội dung phản ánh thủ tục hành chính chủ yếu về đất đai (TN). – Bất động sản quận trung tâm TP HCM duy trì đà tăng giá (VNE). – Giá nhà TP HCM trung bình gấp 20 lần thu nhập người dân, làm sao kéo giảm? (CafeF). – Đại lộ Vòng Cung tại Thủ Thiêm là “bộ mặt” của Tp.HCM trong tương lai (LĐ). – Được giao thêm đất, dự án cầu Thủ Thiêm 2 vẫn chưa thể tái khởi động (Zing).
Cựu Bí thư Nha Trang bị hành hung
Vụ việc xảy ra vào chiều hôm qua: Nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang bị tấn công tại nhà riêng, báo Người Lao Động đưa tin. “Một nguồn tin cho biết vụ việc xảy ra vào trưa cùng ngày, ông Trường bị kẻ lạ mặt tấn công vào vùng cổ khiến phải nhập viện”. Hiện công an đã phong tỏa nhà cựu Bí thư Hoàng Văn Trường tại Khu đô thị Phước Long A để làm rõ vụ việc.
Tin cho biết, thủ phạm là một người đàn ông đeo khẩu trang, mặc áo khoác đen, đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu, trước đó đã chạy xe máy tới trước nhà ông Trường. Người này đã leo qua cánh cổng cao khoảng 2m, vào bên trong và rút dao xông vào tấn công, khiến ông Trường bị thương ở cổ, rồi thoát ra ngoài, lên xe máy phóng đi. “Ông Trường bị đứt tĩnh mạch máu do vết thương ở vùng cổ, mất nhiều máu”.
VTC có clip: Nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang bị người lạ tấn công ngay tại nhà.
Nhà báo Mai Quốc Ấn bình luận: “Vụ việc làm tôi nhớ đến một gia đình ở Quận 9 mà mỗi bữa cơm gia chủ đều chỉ về phía tấm giấy có ghi tên những kẻ cướp đất của gia đình. Câu nói được lặp lại rất nhiều năm, chỉ một nội dung: ‘Mấy đứa phải nhớ! Tụi nó cướp đất của gia đình mình. Phải nhớ thật kỹ!’ Đừng bao giờ coi thường ai trong những người bình thường ngoài kia”.
Theo ông Ấn, những kẻ làm giàu từ đất của dân đều gieo rắc thù hận, bởi vì “trong đất có máu”. Đến khi dân tự đòi lại công bằng thì “xây tường cao, nuôi chó dữ, tăng cường xe cộ súng ống trấn áp chưa bao giờ là thượng sách. Nếu không muốn nói là ngược lại”. Ông Ấn có bức ảnh so sánh biệt thự của cựu Bí thư Trường với một nhà dân ở Quảng Trị:
Mời đọc thêm: Nguyên bí thư Thành ủy Nha Trang bị người lạ tấn công ngay tại nhà (TT). – Cựu Bí thư Thành ủy Nha Trang bị người lạ tấn công tại nhà (PLTP). – Nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang bị đâm trọng thương: Công an canh phòng cẩn mật (TN). – Gấp rút điều tra vụ đối tượng tấn công nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang (LĐ). – Cựu Bí thư Nha Trang bị tấn công, báo chí toàn đăng biệt thự của ông (RFA).
***
Thêm một số tin: Tuyên án 12 bị cáo trong vụ án làm thất thoát 1.664 tỷ đồng tại BIDV (HNM). – Phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các tài sản đứng tên ông Trần Bắc Hà (TTXVN). – Nên trao giải quán quân cho team truyền thông nhà máy nước sông Đà (FB Trương Huy San). – Đại học Tôn Đức Thắng và tự chủ đại học của người Việt (FB Báo Sạch). – Yêu cầu chủ tịch TP Phan Thiết thi hành án hành chính (PLTP). – Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk đề nghị CSGT hạn chế tối đa… xử phạt vi phạm giao thông! (NLĐ).
0 comments